Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn – Nguyễn Nhật Ánh

Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại Văn học -Tiểu thuyết
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
NXB NXB Trẻ
CTy Phát Hành NXB Trẻ
Số trang 152
Ngày xuất bản 02-2019
Giá bán FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Chuyện cổ tích dành cho người lớn là một số câu chuyện về những điều hài hước, buồn chán, mệt mỏi và không kém phần trớ trêu khi xảy ra những điều thường xuyên trong tuổi người lớn. Có thể, những người lớn sẽ có thể dở khóc dở cười khi đọc truyện này, và trẻ con cũng không hiểu gì về truyện nhưng cũng thấy hài hước đấy.

Tác phẩm gồm 20 truyện ngắn về những chuyện của người lớn dưới con mắt nhìn của tuổi mới lớn. Văn phong dí dỏm cuốn hút người đọc. Phần tóm tắt của câu chuyện là phần đầu của truyện ngắn Chuyện cổ tích dành cho người lớn (cùng tên với truyện). Dưới đây là các chương của cuốn sách:

  1. Con ruồi
  2. Nhân vật nữ của tôi
  3. Những người vui tính
  4. Sợ vợ lợi hay hại
  5. Bí ẩn của mốt
  6. Làm chồng khổ thật
  7. Người tốt
  8. Nói một đường
  9. Tôi trở thành người nội trợ đảm đang như thế nào ? – Phần 1
  10. Tôi trở thành người nội trợ đảm đang như thế nào ? – Phần 2
  11. Cánh đàn ông chúng mình
  12. Một mình
  13. Một phút trách nhiệm
  14. Người vợ yêu quý
  15. Khi quả bóng lăn
  16. Làm gì có một ông bố như thế
  17. Bài toán đố cuối năm
  18. Chuyện cổ tích dành cho người lớn
  19. Các ông chồng hãy biết lắng nghe (Hết)

Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.

Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).

II. Review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Review sách Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. LÊ HIỂN MY review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Sau bao ngày mải miết lạc bước trong chốn thần tiên bắt bướm hái hoa, cuối cùng cũng có một ngày mọi thứ như bừng tỉnh trong tôi mùa nắng hạ. Tập truyện ngắn “Chuyện cổ tích dành cho người lớn” có cái gì đó sai sai thì phải? Cứ như Thánh Gióng một ngày bỗng vươn mình lớn nhanh như thổi, mà thổi đi đâu thực tế nào ai biết trước được.

Có nhiều truyện của bác Ánh thử thách lòng kiên nhẫn của tôi ghê gớm đến mức phát hờn lên được, nhưng đa số chúng đều chạy theo một mô típ quen thuộc khơi dậy trí nhớ vụn vặt về tuổi thơ đã ngủ vùi trong tâm thức tôi. Ấy vậy mà tập truyện này hoàn toàn sai, lạc đề mất rồi. Tôi lại bị một phen hú hồn hú vía khác xa với “Ngôi trường mọi khi” tôi gặp. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không còn nữa để rồi phải “Ngồi khóc trên cây” giương đôi “Mắt biếc” ngắm nhìn “Lá nằm trong lá” hay ngó xuống “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” nơi mái hiên “Phòng trọ ba người” nhà ai đó, ôm mộng mơ của tôi bay đi đâu mất tiêu.

Thay vào đó chễm chệ nằm chướng ngang tầm mắt ngỡ ngàng của tôi không còn là “Một thằng quỷ nhỏ” năm nào mà là một lão Ánh lớn phỏng từ khi nào mà tôi chưa bao giờ thấy mặt. Lão có vợ con tự hồi nào rồi ? Chắc là lại muốn làm trẻ con, thích nằm mơ tưởng hão huyền giữa “Buổi chiều windows” đấy thôi. Thế mà rút cuộc nào phải thằng nhỏ nằm mơ hão.

Nhiều đoạn, tôi phải cố dằn lòng lén lút vào một góc kín nào đó để xả hết ra những trận cười khanh khách cho nó thỏa, không lại có người bảo tôi cứ cười một mình như phát điên giữa ban ngày. Thét lên hai tiếng: “Hư cấu!”, rồi lại đành phải nhìn nhận những sự thật phũ phàng không thể tưởng hơn về cuộc sống này khi người ta bắt buộc phải lớn, lại khiến người ta thích hư cấu nó ra đủ thứ chuyện cười trời ơi đất hỡi cho dễ sống và dễ cho qua. Giá như hư cấu mà có thể biến thành thật, chắc người ta sẽ sống như một kẻ hoàn toàn hư cấu với những thứ quả thật là hư cấu.

Trẻ con thì muốn mau được thành người lớn để được chơi trò của người lớn làm cô dâu chú dể, làm tía rồi làm má người ta coi nó oách như thế nào. Cứ cố lớn cho nhanh rồi lại cố chui đầu tìm về hình bóng tuổi thơ chẳng còn bao giờ quay trở lại. Thế nên tôi đã hiểu được vì sao một ngày kia hừng đông mở mắt thức dậy lại có “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” để chạy trốn hiện thực không thể nào khác.

Thế nên giữa khu vườn những truyện cổ tích cho trẻ con thì cũng nên để cho người lớn đôi lần lạc lối, để cho người lớn cũng được cái vinh dự hư cấu về chính mình trong “Chuyện cổ tích dành cho người lớn.” Tác phẩm này, hoàn toàn thu phục tôi về cách viết mới lạ của bác Ánh. Giọng điệu thì châm biếm, nụ cười trông có vẻ hóm hỉnh mà như muốn cứa vào lòng người chưa kịp lớn mà đời bắt phải lớn vậy.

Thôi thì, biết sao được tôi – “Cô gái đến từ hôm qua” – vẫn cứ phải sống đối mặt và chịu đựng “Những chàng trai xấu tính” nên hãy cứ để cho “Thiên thần nhỏ của tôi” tiếp tục giúp tôi mơ những ngày mộng nơi “Trại hoa vàng” sẽ chẳng bao giờ còn có lại được nữa, để luôn “Còn chút gì để nhớ” trong những tác phẩm mang phong vị “Sương khói quê nhà” có bóng dáng tuổi thơ bé bỏng khác của bác.

Tôi đã hư cấu xong cái review của mình sau khi bị nhiễm tư tưởng hư cấu trầm trọng về cuộc đời từ Nguyễn Nhật Ánh. “Bong bóng lên trời” rồi sẽ là thế thôi mà phải không?

“Cái mới chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên”_37

“Bạn có bao giờ lắng nghe tiếng khóc của mình chưa? Nếu chưa, bạn hãy cố gắng khóc một lần và thử lắng tai xem, nó lạ lắm! Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra tiếng khóc của mình rất đỗi du dương và từ khi phát hiện ra điều đó, trong quá trình khóc, tôi cố gắng lên bổng xuống trầm và nhấn mạnh các nhịp cho nó càng du dương hơn nữa.”_117

2. DIN DIN review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Kiểu như lần này bác Ánh của chúng ta chuyển qua viết về người lớn để thay đổi phong cách một tí. Công nhận, tôi thích sự thay đổi này. Để tôi thôi nói Nguyễn Nhật Ánh viết chuyện toàn quen thuộc vừa đọc đã biết hết đi. :))

Tôi không phải là người lớn, lúc đọc quyển sách này tôi cũng chưa lớn. Nhưng căn bản tôi cảm giác mình vẫn hiểu và thấm được nó như nào ấy. Gay gắt mà sâu sắc chính là những từ chính mà tôi muốn dành cho quyển sách này. Thật ấy, bình thường tôi thấy giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh rất nhẹ nhàng, êm ái. Nhưng ở quyển sách này, tôi thấy bác gay gắt âm thầm đến lạ thường, đọc thấy cũng có phần… ờm, hơi khó chịu một tí. Giọng văn châm biếm trào phóng rõ rệt, song vẫn giữ được cái tính hài hước từ nào đến giờ.

Một quyển sách gồm nhiều mẩu truyện con con, ghép lại thành một bức tranh không hoàn hảo của thế giới người lớn – những kẻ đa từng là trẻ con nhưng lại không nhớ những điều ấy. Thế giới người lớn đầy dẫy những phức tạp và áp lực, họ thường không đủ bao dung để tha thứ cho nhau, hay không đủ hồn nhiên mà cười vui vẻ mỗi ngày, hay không đủ ngây thơ để nhìn một sự việc theo hướng lạc quan nào đó. Có ý thức như một người lớn không hẳn là tốt nhỉ?

Những người lớn thực sự nên đọc quyển sách này. Cuộc sống hôn nhân gia đình với bao khía cạnh sẽ được bộc lộ một cách hài hước dí dỏm nhất. Ngay lúc đọc nó, ý nghĩ đầu tiên của tôi là, sau này sẽ rủ chồng mình đọc chung. =)) (tất nhiên là sau này nếu tôi có chồng).

3. SU MIKO review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Lại là một tác phẩm tuyệt vời khác của bác Nguyễn Nhật Ánh. Với văn phong dí dỏm, hài hước nhưng cũng không kém phần trào phúng, và cả những mệt mỏi, chán trường nữa chứ… bác Nguyễn Nhật Ánh qua tác phẩm “Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn” đã truyền tải những nội dung, những câu chuyện hết sức đời thường và giản dị của những người đang sống đời gia đình đã có con, đang có con, chuẩn bị có con và sắp có con.

Những câu chuyện của tương quan gia đình, những câu chuyện của hụt hẫng nhưng hạnh phúc của những con người tự nhiên bị đè nặng bởi một người xa lạ nhảy bổ vào cuộc đời. Họ khiến ta hạnh phúc, đau khổ, điên cuồng, cảm giác không còn tự do nhưng kỳ lạ thay để thối đó không sao mà kẻ nào đụng đến là ta sống chết dành dật lại. Hay thật đấy…

Đọc mà cười te tua té túa nhưng ngẫm nghĩ thì nó sâu cay lắm. Cười đấy mà cũng khóc đấy. Bác Ánh à, bác cũng ít biết “troll” lắm đấy…

Có lẽ mình chưa lập gia đình nên đọc vẫn chưa cảm hết được những trào phúng của tác giả. Nên tốt nhất, những ai đã, đang và sẽ có ý định lập gia đình thì nên đọc tác phẩm tuyệt vời này. Đọc để thấy người, thấy mình, và cả một bầu trời trào phúng, tiếng cười và nỗi buồn đan xen trong dòng chảy cuộc đời. Và nhất là đọc để cảm thấy mình không cô đơn.

Hỡi những người đàn ông, đàn bà đam mê chuyện cổ tích một cách tinh vi.

Mọi người đọc sách vui vui nha.

4. TRA MY review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Có thể nói đối với mình đây là cuốn sách “hữu dụng” nhất của bác Ánh.

Bằng lối kể chuyện hài hước đậm tính châm biếm, tác giả đã khắc tạc bức tranh biếm họa đầy màu sắc về cuộc sống hôn nhân của những đôi vợ chồng Việt Nam.

Mỗi chương là một câu chuyện của một gia đình. Tuy họ có hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đọc mình có cảm giác như thấy chính bố mẹ mình trong đó (vì mình chưa lập gđ :))) ). Cả cuốn sách nhìn chung đã khái quát rõ rệt những tật xấu của các ông bố, bà mẹ dường như đều đã và đang mắc phải mặc cho nhà văn đã viết nó vào những năm cuối của thế kỉ XX.

Từ những câu chuyện ấy, tác giả đã gửi gắm những lời nhắc nhở, khuyên nhủ, phương pháp khắc phục bằng nhiều cách từ gián tiếp lẫn trực tiếp. Theo mình thì nó không chỉ có ích cho những đôi vợ chồng mà còn cho con cái của họ. Bản thân mình khi đọc xong thì có cảm giác muốn được phụ giúp cha mẹ mình – người mà chính mình đã từng ngày trở nên ít quan tâm.

Đối với mình thì “Chuyện cổ tích dành cho người lớn” đã đem đến một luồng tư tưởng mới về cuộc sống gia đình mà ở đó cha mẹ, con cái cùng nhau xây đắp, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ cùng nhau chứ không phải là quan niệm cổ hủ vợ làm việc, chồng ngồi mát bát vàng.

Để làm được điều đó thì không thể kể đến sự tài tình trong việc sử dụng các yếu tố kì bí và ngôn ngữ vừa gần gũi vừa giàu ý nghĩa (có một vài đoạn kết khiến mình vô cùng ấn tượng bởi sự thâm thúy của chúng).

Tuy nhiên có một điểm trừ nho nhỏ về cuốn sách này là nó không thực sự sâu sắc và nhiều suy ngẫm. Có lẽ nó sẽ phù hợp cho những ai muốn tìm cho mình sự thảnh thơi và giết thời gian trong những ngày mưa.

5. KIRA review sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Đúng như tên gọi “Chuyện cổ tích dành cho người lớn”, tác phẩm này của bác Ánh không đặc biệt hướng tới đối tượng học sinh như mọi khi mà tập trung nói về những vấn đề của người lớn, chủ yếu là liên quan đến cuộc sống gia đình. Bằng những mẩu truyện đời thường gần gũi, mộc mạc, dí dỏm, bác gửi gắm những bài học sâu sắc về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Điều mình đặc biệt thích ở cuốn này là ngay từ những năm 80 mà bác Ánh đã có tư tưởng ủng hộ nữ quyền và thông cảm cho những thiệt thòi của phụ nữ. Theo mình thì đây là một cuốn sách không thể bỏ qua của bác Ánh, đọc để hiểu, để cười và để đối xử tốt hơn với những người xung quanh.

III. Trích dẫn sách Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Trích dẫn sách Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Chương 01 Con Ruồi – Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

–––––

Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu . Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

Tôi ốm. Điều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng!

Thế là mọi chuyện bắt đầu.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tối đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm.

Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.

Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:

– Sao vậy anh?

Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:

– Có người chết trôi kia kìa!

Vợ tôi cầm ly sữa lên:

– Chết rồi! Ở đâu vậy cà?

– Còn ở đâu ra nữa! – Tôi nhấm nhẳng – Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!

Vợ tôi nhăn mặt:

– Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!

– Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết!

Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:

– Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.

Tôi vẫn chưa nguôi giận:

– Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!

Vợ tôi trố mắt:

– Nó còn trong ly kia mà!

– Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.

– Anh thấy sao anh còn uống?

– Ai mà thấy!

– Không thấy sao anh biết có hai con?

Tôi tặc lưỡi:

– Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.

Vợ tôi bán tính bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:

– Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em…

Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:

– Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?

Vợ tôi giật mình:

– Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?

– Chứ không phải sao?

– Không phải!

À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:

– Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?

– Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!

– Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà…

Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:

– Em đâu có nói vậy!

– Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!

Vợ tôi nhún vai:

– Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy cửa ra mới lấy được đồ đạc?

Tôi khoát tay:

– Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?

– Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?

Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt rađiô đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya v.v…, chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:

– Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!

Vợ tôi lạnh lùng:

– Tùy anh!

Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:

– Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!

Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ.

Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!

Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.

– Cô định làm gì đấy?

– Đem đổ đi chứ làm gì!

– Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ!

Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

–––––

Sợ vợ lợi hay hại - Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn ảnh: Instagram
Ngay cái tên này cho tôi - Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn ảnh: Instagram

Từ xưa đến giờ, hai chân tôi đố có ở yên một chỗ - Chuyện cổ tích dành cho người lớn - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (7 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Sống mòn - Nam Cao

Sống Mòn – Nam Cao

"Sống mòn" cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *