Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 236 |
Ngày xuất bản | 12-2018 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Ngôi Trường Mọi Khi
“Ngôi trường mọi khi”, một cuốn sách viết về thời học sinh cấp III. Cuốn sách là những câu chuyện đầy thú vị về nhóm bạn học sinh năm đầu cấp 3 với bao kỷ niệm vui buồn hờn giận, bao nhiêu trò tinh nghịch của tuổi mới lớn. Với những Hạt tiêu, Tóc ngắn, Hột mít, Bảnh trai, Răng chuột, Mặt mụn… đã tạo nên không khí của một lớp học thật dễ thương với bao nhiêu tình cảm yêu thương, cảm động và gần gũi. Đây là sách mới nhất của tác giả viết về tuổi áo trắng mộng mơ và tinh nghịch.
Nội dung sách Ngôi Trường Mọi Khi
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của 10 người bạn: Răng Chuột, Hột Mít, Hạt Tiêu, Tóc Ngắn, Bảnh Trai, Bắp Rang,… Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng mà được gọi bằng biệt danh, đó là cách gọi tên độc đáo của tuổi học trò. Mặc dù 10 nhân vật trong truyện đều được xây dựng là những học sinh mới bước vào cấp THPT, nhưng mỗi người lại có một hoàn cảnh riêng, một cá tính riêng không thể lẫn đi đâu được.
Ấn tượng đầu tiên là cậu bạn Răng Chuột trầm tính, ít giao tiếp với bạn bè và lực học không được khá. Cậu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù mới chỉ là học sinh trung học nhưng luôn phải dành thời gian đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống nên không có thời gian học tập. Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình của nhóm bạn, từ một cậu con trai lầm lì, ít nói, cậu trở nên cởi mở, gần gũi và hòa đồng với bạn bè hơn và cải thiện được việc học tập.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn đem đến câu chuyện của một cô bé đầy cá tính có ngoại hình y hệt con trai mang tên Tóc Ngắn. Cách cô ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, cách suy nghĩ giống như một cậu nhóc vậy; đó chính là lí do mà Tóc Ngắn luôn khiến Bảnh Trai – lớp phó học tập cũng là người thích cô bé vô cùng đau đầu vì không biết làm cách nào để cô bé nhận ra tình cảm của cậu.
Ngoài ra, ta cũng bắt gặp câu chuyện dở khóc dở cười của Bắp Rang – một cậu bạn có khả năng “đánh hơi” thức ăn đầy đặc biệt khiến mọi người thán phục. Cậu vô cùng thông minh nhưng lại luôn giả vờ học kém trên lớp vì cậu không muốn theo ngành Y như bố mẹ mong muốn. Lần này, 9 người bạn còn lại đã trợ giúp rất nhiệt tình khiến Bắp Rang giải quyết được câu chuyện hướng nghiệp của cha mẹ, từ đó, cậu được tiếp tục theo đuổi ước mơ, và trở thành một học sinh xuất sắc của lớp.
Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).
II. Review sách Ngôi Trường Mọi Khi
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Ngôi Trường Mọi Khi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. NGUYỄN THỊ HOÀN review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Ngôi trường mọi khi – Nguyễn Nhật Ánh
Hà Nội, 25. 3. 2021
T ơi!
Dạo này em mê truyện Nguyễn Nhật Ánh ghê gớm nên lại “quất” tiếp một cuốn nữa cho nó khí thế nè! Sách có tên là “ngôi trường mọi khi” ạ!
Cuốn này rất dễ đọc lắm ấy, không phải kiểu anh thường tìm kiếm nhưng chắc chắn là nó sẽ khiến anh có những phút giây vui vẻ, xen lẫn chút bồi hồi vì nội dung xoay quanh những cô cậu học sinh đang học năm đầu cấp ba với rất nhiều điều mới mẻ, hài hước và cảm động. Điều thú vị là cách tác giả đặt tên cho các nhân vật theo cách rất đặc trưng như là Răng Chuột, Bảnh Trai, Tóc Ngắn, Kính Cận, Mặt Mụn, Tóc Bím, Bắp Rang, Hột Mít…, tạo nên một câu chuyện vui nhộn.
Anh biết không? em thấy ghen tỵ với tụi nhóc trong truyện, vì họ được trải qua quãng thời gian rất đẹp, vui vẻ khi học cấp ba và cả tình bạn giữa tất cả họ với nhau nữa, chắc là tại em không may mắn được trải qua thời gian ấy một cách tròn vẹn. À, em kể anh nghe chuyện này hơi bị vui nhé! Ấy là thằng nhóc Bắp Rang í, có cái biệt tài đoán thức ăn bằng cách ngửi mùi từ xa hơi bị đỉnh luôn! Em thấy ấn tượng lắm, dạo gần đây mỗi lần đi làm về đi ngang qua nhà hàng xóm mà đúng vào lúc họ đang nấu cơm thì kiểu gì em cũng phải ngửi và đoán thử xem họ định ăn món gì vào bữa tối và tất nhiên là em chẳng kiểm chứng được nhưng mà thấy vui vui.
Em biết là anh sẽ chẳng đọc những cuốn sách như này nữa nhưng nếu đến một lúc nào đó anh cần tìm một chút hồn nhiên thì hãy xem qua nó một lần anh nhé.
2. THẮNG review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Để đọc review này, bạn bắt buộc phải tưởng tượng.
Nếu bạn đã đi tàu rồi thì tưởng tượng ít.
Nếu bạn đã đi tàu rồi, toa hạng bét, mắc tè kinh khủng và nhà vệ sinh thì vàng khè những bãi thì chỉ tưởng tượng ít hơn.
Vì tui là đang ở trường hợp thứ 2.
***
Nếu bạn đã đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh rồi, thì khỏi nói ai cũng biết, cái theme của cuốn sách , là về học trò. Và dường như là cuộc đời học trò bác Ánh chỉ nặng kỷ niệm thời cấp 3 thôi, nên bác viết về lứa tuổi lớp 10 tiếp.
Bạn sẽ bị lừa khi đọc nhan đề của cuốn sách “Ngôi trường mọi khi”. Mọi khi không phải giới từ chỉ thời gian đâu nha, Mọi Khi là cái tên. Và khi như bạn vẫn chưa mất hết cảm giác ngờ ngợ bởi cái từ này, thì tác giả lại tống cho bạn một đám nhân vật có đủ loại tên quái đản hết. Hạt Mít, Hạt tiêu, Bảnh trai, Mặt mụn, Tóc bím, Tóc Ngắn.
Khi bạn đọc tiếp, bạn sẽ thấy cuốn sách được cắt ra thành từng mảnh ghép nho nhỏ, mỗi mảnh ghép là từng cá tính nhân vật, ráp lại mới thành quyển sách. Nó y chang như cái lối viết NNA, không bình yên, xong lùng bùng, xong cao trào, xong tuyệt vọng, xong chiến thắng, rồi kết thúc như tiểu thuyết. Cuốn sách là từng gợn sóng nhỏ liên tục chao chao, chứ không phải một mạch cái đùng. Đọc như tản văn.
Bạn sẽ cười mệt nghĩ, cười mỉm chi hay cười phọt ra tiếng. Lâu lâu cũng có đoạn buồn, nhưng nó không dramatic, buồn mà cũng buồn không tới. Bạn ước tác giả viết cái gì đó sâu hơi mô tí, để giật được cái dây cảm xúc của bạn. Nhưng mà tác giả lại phớt lờ AQ, ngồi kể, chả bình được câu nào, lại bắt bạn phải tự diễn dịch, tự tưởng tượng.
Lâu lâu bạn highlight mấy câu chữ của truyện, so sánh gì mà vui ghê. Bạn cũng thấy mấy câu như “ Buồn năm phút “ , ´´ buồn 15 giây ´´ rồi tự hỏi, liệu cái trào lưu này có phải bắt nguồn từ cuốn sách này?
Bạn gấp cuốn sách lại, cố nhớ lại từ đầu truyện tới cuốn truyện. Trí tưởng tượng của bạn tự chép miệng, rồi nó than, ước gì viết thêm thành một cuốn giày luôn thì chắc hay lắm. Nhưng mà, nếu vậy thì chưa chắc nó hay. Viết vậy, để lửng lơ vậy mới đúng phong cách của NNA. Viết vậy, bạn mới một “ light read ´´ ngon lành trong chuyến đi tàu này. Nhắc tới tàu, bạn nhớ mình phải đi đái.
3. NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG ANH review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn tôi hâm mộ , vì chính những tác phẩm bác ấy viết đã truyền thêm động lực cho tôi trong cuộc sống và những dòng chữ bác viết qua những trang sách rất bình dị , chân thật và một trong những quyển sách của bán ấy đã tạo nên nhiều cảm xúc cho tôi chính là tác phẩm ” Ngôi trường mọi khi ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Quyển sách “Ngôi trường mọi khi” đã gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc , kỉ niệm thời còn đi học. Với những cái tên biệt danh như : bảnh trai , tóc ngắn , răng chuột ,… đã làm nhớ lại những biệt danh của lớp mình và đặc biệt là biệt danh của tôi ” bốn mắt ” vì khi đó tôi bị cận và cả lớp đã gọi tôi bằng biệt danh đó nhưng bây giờ tôi nhớ lại , có biết bao những kỉ niệm lại ùa về, quãng đời vui tươi bên bạn bè làm tôi nhớ mãi.
Trong cuốn sách Ngôi trường mọi khi này có biết bao nhiêu là những câu chuyện hồn nhiên , vui tươi và trong trắng này sẽ khiến cho chúng ta sẽ nhận thấy được những kỉ niệm của mình trong những năm tháng cắp sách đến trường được tái hiện lại qua những lời văn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách này rất thích hợp với những ai muốn tìm lại được những kỉ niệm thời còn học sinh , muốn nhớ lại những chuyện vui,buồn trong thời áo trắng của mình. Qua đó tác giả cũng muốn chúng ta phải biết trân trọng những kỉ niệm thời học trò để nó luôn luôn đọng lại trong lòng của mỗi chúng ta.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
4. TRẦN LINH review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Không thể nhớ chính xác mình đọc cuốn “Ngôi trường mọi khi” lần đầu tiên là bao giờ và từ đó tới giờ đã đọc bao nhiêu lần, chỉ biết rõ một điều là trong số truyện dài của chú Ánh thì đây là cuốn mình thích nhất. Từ các nhân vật tới cử chỉ, hành động, lời nói, đặc biệt là mấy đoạn đối thoại, mọi thứ đều rất “học trò” và đậm chất Nguyễn Nhật Ánh. Mấy cái tên thì dễ thương quá đỗi, chỉ cần nhìn cái tên là mọi thứ về nhân vật có thể hiện ra rõ mồn một trong đầu rồi. Các nhân vật đều có nét riêng, có một câu chuyện riêng, chẳng thể lẫn lộn được ai với ai, và chẳng ai làm lu mờ ai trong cả dàn nhân vật như vậy.Thời học sinh của mình đương nhiên là không phong phú được như vậy nhưng mỗi lần đọc là như được sống lại cái thời đó theo một cách khác vậy.
Nếu có một điểm mình không thích thì đó là cái bìa mới. Không rõ có phải do mình quen nhìn cái bìa cũ rồi quen với cái phong cách vẽ nguệch ngoạc kia rồi hay không mà nhìn cái bìa mới có chút không quen mắt, cảm thấy như mất đi một cái gì đó ấy.
5. PHƯƠNG THẢO review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Phải nói rằng mình rất thích cuốn này. À đúng hơn là rất thích câu chuyện này với những người bạn nhỏ này.
NNA miêu tả khoảnh khắc khi lũ trẻ bắt đầu bước vào cấp 3, bắt đầu “tập” làm người lớn. Nhưng đây không phải là điểm mình thích nhất ở cuốn sách này. Mình thích câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể. Đó là những khó khăn, những vui buồn, những trắc trở, hay những rung động đầu đời của các cô nhóc cậu nhóc “mới lớn”.
Hơn hết, có lẽ ghi điểm nhất với mình là NNA xây dựng sự đoàn kết cho những đứa trẻ. Ở ngoài, mình thiếu cái này kinh khủng. Hơn thế nữa là thiếu cả sự thương cảm, đồng cảm, sự sẻ chia của những người bạn đối với mình và cũng là của mình đối với mọi người. Nên khi đọc câu chuyện về Răng Chuột, mình thấy dáng dấp hình ảnh hoàn cảnh của mình trong đó. Tuy không vất vả như Răng Chuột, nhưng mình lại không có những người bạn như cậu.
Đọc xong cuốn “Ngôi trường mọi khi”, mình chỉ nghĩ đến 2 từ là “hâm mộ”. Hâm mộ từng đứa, từng đứa trong câu chuyện đều có những người bạn, có những người mẹ đáng trân trọng. Vui vẻ là thế, đáng yêu là thế, khó khăn là thế, nhưng tất cả đều vẫn giữ nguyên vẹn cái nét hồn nhiên của tuổi mới lớn. Đó là một thành công của NNA cũng như câu chuyện ♥️
6. THIÊN THANH review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Tuổi học trò là quãng thời gian đẹp đẽ nhất, gắn bó, khó quên nhất trong miền kí ức tươi đẹp của mỗi con người. Là khoảng trời bao la của một thời ngây ngô, hồn nhiên, trong trẻo. Và cấp 3 có lẽ là khoảng thời gian lưu giữ nhiều kỉ niệm gắn bó nhất. Tất cả một lần nữa được sống lại những năm tháng tuổi trẻ nồng nhiệt cháy hết mình cùng bác Ánh qua tác phẩm “Ngôi trường mọi khi”.
Không phải là đề tài xa lạ, mới mẻ gì trong văn học. Cũng là những con chữ với văn phong dí dỏm, lôi cuốn, gần gũi thường thấy của tác giả nhưng “Ngôi trường mọi khi” vẫn được đọc giả chào đón nồng hậu bởi chính cái gần gũi, thân quen ấy. Ai đã đi qua tuổi học trò sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của chính mình trong từng câu chuyện, từng nhân vật. Ai đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ mộng mơ, ao ước cấp 3 của mình sẽ trong trẻo, tươi đẹp như thế.
Tác phẩm “Ngôi trường mọi khi” lồng ghép những câu chuyện đời thường của những cô cậu học trò dễ thương hệt như tên của họ vậy: nào là Tóc Ngắn, Hạt Tiêu, nào là Hột Mít, Ria Mép hay cả Bảnh Trai,Bắp Rang cả Răng Chuột.
Lật dở từng trang sách, ta thêm yêu quý cuốn sách, thêm yêu quý bác Ánh, cả thêm trân trọng những tác phẩm về văn học thiếu nhi của bác. Và ta phải cảm ơn bác bởi từ những trang sách ấy ta lại thêm một lần được hoài niệm về ngày xưa, về những ngày tháng cấp 3 tươi đẹp.
Là những tháng ngày miệt mài ôn bài bên trang sách. Là cuộc sống với chỉ 1 đường thẳng: nhà -trường học – nơi học thêm. Và còn là những tháng ngày tươi đẹp, ngôi ngây, trong sáng cùng bè bạn với bao kỉ niệm về tình bạn đẹp đẽ, giản dị, chân thành
7. MINH HUỆ review sách Ngôi Trường Mọi Khi
Cấp ba, cái thời thanh xuân tươi đẹp nhất của học trò, cái thời kì cuối của giai đoạn học sinh hồn nhiên chưa phải gò lưng như trên đại học. Chính tôi, một cô nữ sinh chuẩn bị lên lớp mười hai cũng đang trải qua cái khoảng thanh xuân tươi đẹp đó. Ngôi Trường Mọi Khi của Nguyễn Nhật Ánh dường như gợi đến cho tôi một chút gì đó của cái khoảng thời gian mới chân ướt chân ráo đặt chân qua cổng trường.
Mở đầu cuốn sách “Ngôi trường mọi khi” là khi các cô cậu học trò nô nức đi khai trường, nhân vật chính của chúng ta, cô nàng Tóc Bím hồi hộp biết bao khi được mặc tà áo dài. Và một lần nữa tôi lại thấy mình trong đó, trong cô nàng Tóc Bím, lần đầu mặc chiếc áo dài thướt tha. Và ngôi trường mà Tóc Bím học mang tên Ngôi Trường Mọi Khi. Cách đặt tên các nhân vật trong cuốn truyện này cũng hết sức đơn giản, gọi tên các cô cậu học trò theo đặc điểm của từng người như Bảnh Trai, Ria Mép, Mặt Mụn, Kiếng Cận, Tóc Ngắn… Cách đặt tên quả thực rất ngộ nghĩnh và dễ thương. Câu truyện cứ thế xoay quanh ngôi trường này và các học trò học trong đó. Cấp 3, cái tuổi ta đã lớn, bởi thế lại có những sự thinh thích nhau giữa chúng bạn. Ở đó còn có sự hi sinh của người mẹ dành cho đứa con nhỏ, sự hiếu thảo của đứa con và cả tình cảm gia đình sâu sắc.
Theo mình, cuốn sách cũng chưa có nhiều điểm bất ngờ lắm nhưng cũng khá đáng đọc để ta có thể trân trọng hơn cái thời thanh xuân đáng quý này…
III. Trích dẫn sách Ngôi Trường Mọi Khi
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Chương 01 – Ngôi Trường Mọi Khi
–––––
Ðể đọc câu chuyện này, bạn bắt buộc phải tưởng tượng.
Nếu là con gái, bạn tưởng tượng ít thôi. Nếu là con trai, bạn phải tưởng tượng khủng khiếp hơn nhiều.
Khủng khiếp bởi vì bạn phải tưởng tượng mình là… con gái. Là một nữ sinh năm nay bắt đầu vô lớp mười.
Khủng khiếp còn ở chỗ lớp mười chẳng hề giống chút gì với lớp chín.
Lớp chín cũng khác lớp tám, lớp tám cũng khác lớp bảy, lớp bảy cũng khác lớp sáu, nhưng so với sự khác biệt giữa lớp chín và lớp mười thì quả chẳng thấm tháp vào đâu.
Lớp mười tức là đã lên cấp ba. Cấp ba đã là người lớn rồi. Cho nên từ lớp mười ngoái đầu nhìn lại tụi học trò lớp chín, bạn sẽ thấy lũ nhóc này sao mà lóc chóc quá. Hừ, đúng là một bọn hỉ mũi chưa sạch! Chắc là bạn sẽ kiêu hãnh nghĩ trong đầu như thế.
So với đám con trai cùng lớp, việc lên lớp mười của bạn xem ra còn trọng đại hơn gấp bội. Bọn con trai hồi lớp chín ăn mặc thế nào năm nay vẫn ăn mặc y như thế, mèo vẫn hoàn mèo. Nhưng bạn thì khác. Chiếc áo dài nữ sinh làm bạn thấy mình lớn hẳn lên, quan trọng hẳn lên, đã ra dáng một cô thiếu nữ hẳn hoi. Bạn ra phố với mẹ bạn, nghe người ta trầm trồ “Ồ, hai chị em giống nhau quá,” hẳn đôi má bạn sẽ hồng lên. Nói bạn bẽn lẽn cũng đúng, mà nói bạn thích thú cũng chẳng sai.
Tất nhiên, ngày đầu tiên được mẹ dẫn đi may áo dài, bạn hồi hộp lắm. Ngày đi thử áo, bạn còn phập phồng hơn. Ôi, chiếc áo dài, nó cứ vướng vướng thế nào, chật chật thế nào, thở không dám thở mạnh, bước không dám bước nhanh. Lại dãy nút bấm bên hông nữa, sao mà ngược tay quá, khó cài quá.
Nhưng khi đứng trước gương, tròn xoe mắt ngắm nghía cái cô nữ sinh lạ hoắc lạ hươ kia, bạn lại thấy ngồ ngộ, khoái khoái. Tự hào nữa. Rằng cái cô gái ấy đẹp đẹp là, xinh xinh là.
Tất nhiên bạn sẽ đứng trước tấm gương không phải một phút. Cũng không phải mười phút. Dám chắc, ba mươi phút là tối thiểu. Bạn đứng đó, xoay bên này, xoay bên kia, mắt nhìn chăm chăm vô gương. Bạn nhìn ngực, ngó vai, dòm hông, liếc chân, tự hỏi không biết mình có mập quá không. Bạn săm soi rồi bạn băn khoăn: Nên để kiểu tóc gì cà? Kiểu tóc gì thì hợp với chiếc áo dài đầu tiên trong đời: Tóc xõa, tóc tém, cột đuôi gà, hay thắt bím?
Hôm khai giảng, bạn dậy thật sớm. Bảy giờ nhà trường mới bắt đầu làm lễ nhưng tối hôm trước bạn quyết định để đồng hồ báo thức lúc bốn giờ, khiếp!
Dù vậy bạn vẫn thấy khoảng thời gian ba tiếng đồng hồ kia sao mà ngắn ngủi. Loay hoay một tí đã tới giờ phải ra khỏi nhà rồi.
Nhưng mà bạn có dám ra khỏi nhà một cách hiên ngang đâu. Bạn đứng lấp ló trước cửa, nhìn ngang ngó ngửa vừa mong vừa không mong gặp ai quen. Mắc cỡ lắm, tự dưng lại áo dài! Chắc chắn người ta sẽ trêu bạn, ít nhất là ba người: bà bán thuốc lá đầu hẻm, bà bán hủ tiếu trước nhà, bà chủ sạp báo quen đầu phố.
Dù sao thì bạn cũng không thể nấn ná mãi. Trễ giờ mất! Thế là bạn rụt rè bước ra khỏi cửa, đầu cúi gằm xuống đất, có lúc bạn nhắm tịt mắt, hai chân như quíu lại.
Cho đến khi leo lên xe, ngồi sau lưng mẹ bạn, trống ngực bạn vẫn còn đập binh binh.
Bạn tưởng là “thoát nạn”, nhưng khi mẹ bạn vừa nổ máy, bà bán thuốc lá ngồi sau quầy chợt ngước lên, reo ầm:
– A, con gái! Hôm nay mặc áo dài nom xinh quá!
– Lẹ lên mẹ!
Bạn đỏ mặt, vội vã đập tay vào lưng mẹ bạn.
Chiếc xe lao đi và bạn thấy lòng mình rộn ràng quá đỗi. Mà không hiểu vì sao.
Mẹ bạn thường ngày vẫn chạy xe chầm chậm, khoảng 20km/giờ.
Hôm nay mẹ chạy như thế là nhanh lắm. Nhưng bạn vẫn muốn nhanh hơn nữa.
– Lẹ lên mẹ!
Chiều ý bạn, mẹ bạn chạy nhanh hơn.
Nhưng bạn vẫn chưa vừa ý:
– Nữa mẹ!
Mẹ bạn cười:
– Làm gì hốt hoảng thế con? Chẳng ai nhìn thấy con đâu!
Mặc dù được mẹ trấn an, bạn vẫn chưa thật yên tâm. Bạn ngoảnh cổ nhìn quanh. Trời đất ơi, cái gì thế này?
Ðang chạy song song bên bạn là thằng Mặt Mụn, đứa bạn học chung lớp năm ngoái. Thằng Mặt Mụn đang gò lưng trên chiếc xe đạp sườn ngang láng coóng, tủm tỉm cười. Chắc từ nảy đến giờ nó lặng lẽ chạy bên cạnh bạn, và đã thấy hết cảnh bạn nhõng nhẽo thúc tay vô lưng mẹ.
Bạn vừa ngượng vừa tức, bèn giơ nắm đấm:
– Ðồ con rùa!
Thằng Mặt Mụn cười hì hì:
– Thì rùa đang chạy thi với thỏ mà!
Nói xong, nó liếc chiếc áo dài của bạn, hấp háy mắt rồi rụt cổ lại, thè lưởi ra.
Bạn đang định trả đũa thằng Mặt Mụn, thấy cử chỉ kỳ cục của nó, bạn sực nhớ ra chiếc áo dài bạn đang mặc. Thế là mặt bạn tự nhiên nóng bừng và lập tức bạn ngoảnh mặt ngó lơ chỗ khác.
May mà lúc đó ngôi trường của bạn đã hiện ra bên đường. Thằng Mặt Mụn giơ tay:
– Tạm biệt nhé!
Bạn hất mặt:
– Không hẹn ngày gặp lại đâu!
Thằng Mặt Mụn năm nay học khác trường với bạn. Nó học bên trường Mèo Con, còn bạn vào Ngôi Trường Mọi Khi. Trường Mèo Con xa hơn, nhưng lúc đến trường, bạn và thằng Mặt Mụn vẫn đi chung một đường.
Tất cả nữ sinh Ngôi Trường Mọi Khi đều mặc áo dài trắng, vì vậy bạn không cảm thấy ngượng nghịu lắm. Giống như nhau nên chẳng thấy ai để ý đến ai mà.
À không, cho đến giờ chơi thì có một người chú ý đến sự lúng túng của bạn. Ðó là chị Mắt Nai. Chị Mắt Nai có đôi mắt rất to, rất đẹp. Chị lại luôn tròn xoe mắt nên đôi mắt nom càng to hơn nữa.
Lúc ấy bạn ngồi trên chiếc băng đá dưới tàng cây phượng trong sân trường, không ngừng xoay trở một cách vụng về để chọn thế ngồi dễ thở nhất, chị Mắt Nai thong thả tiến lại ngồi bên cạnh.
Chị liếc bảng tên trên ngực áo của bạn:
– Em mới mặc áo dài lần đầu phải không?
Bạn lí nhí:
– Dạ.
Chị Mắt Nai dịu dàng:
– Năm kia chị cũng giống như em vậy. Những ngày đầu lúc nào cũng cảm thấy gò bó, nóng nực, khổ sở, cứ chờ tan học để chạy lẹ về nhà thay ra. Bây giờ thì quen rồi. Em cũng thế, ít bữa nữa em cũng sẽ quen.
Rồi chị cười:
– Chỉ có mỗi tội vào quán chỉ dám ăn chè, ăn kem. Ăn món nóng thế nào lưng áo cũng đẫm mồ hôi.
Vẻ thân thiện của chị Mắt Nai giúp bạn tự nhiên hơn:
– Chị học lớp mười hai hở?
– Ừ, lớp chị kế lớp em.
Bạn tò mò ngắm nghía người bạn mới:
– Chắc chị học giỏi lắm?
– Sao em nghĩ thế? – Chị Mắt Nai tròn mắt nai.
Bạn cười:
– Em thấy chị có vẻ lanh lắm. Những người lanh lẹ thường là những người thông minh, học giỏi!
Nói xong, bạn hốt hoảng thụp đầu xuống. Vì lúc đó chị Mắt Nai đang thò tay ra “ký” đầu bạn, miệng tủm tỉm:
– Em mới lanh! Em lanh hơn chị gấp mười lần!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!