Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 252 |
Ngày xuất bản | 12-2018 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Quán Gò Đi Lên
Quán Gò Đi Lên là một truyện dài do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chấp bút. Câu chuyện lấy cảm hứng từ địa danh ngôi làng Đo Đo – quê hương của tác giả, đồng thời là một địa điểm ăn uống nổi tiếng ở Quảng Nam. Cuốn sách Quán Gò Đi Lên ra đời như một sự tri ân của Nguyễn Nhật Ánh đến con người cũng như các món ăn xứ Quảng. Với cách kể chuyện dung dị, đậm màu sắc hóm hỉnh, tác giả đã khắc họa thành công cuộc sống mưu sinh và những rung động thuần khiết của những cô cậu thiếu niên tại quán Đo Đo.
“Quán Gò Đi Lên“ bổi cảnh câu chuyện chỉ gói gọn trong quán Đo Đo với những tình huống thường ngày xoay quanh các cô cậu thanh niên làm việc trong quán. Quán ăn do tác giả sáng lập để nhớ quê nhà, nơi có chợ Đo Đo – chỗ Quán Gò đi lên ấy. Bởi thế, trong câu truyện tràn ngập những nỗi nhớ, nhớ món ăn, nhớ giọng nói, nhớ thói quen, nhớ kỉ niệm… Dẫu là câu chuyện ngập tràn nỗi nhớ, vẫn nghe trong đó những tiếng cười rất vui.
Tóm tắt tác phẩm
Cuốn sách lấy bối cảnh hẹp là một quán ăn nhỏ nằm ở quận 1 của Sài Gòn – quán Đo Đo. Nơi đây chuyên phục vụ các món ăn Quảng Nam nhưng ngặt một nỗi lại không có nhân viên nào là người xứ Quảng. Bởi vậy, cô Thanh chủ quán đã quyết định chiêu mộ Cúc – một cô gái Quảng “chính gốc” có tấm lòng ngây thơ, lương thiện đến làm “phiên dịch viên” cho quán. Sự xuất hiện của Cúc tại quán Đo Đo như thổi một luồng gió mới cho quán ăn bình dị giữa đất Sài Gòn. Với chất giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất” cùng tính cách thật thà, chất phác, Cúc đã góp phần tạo nên những tình huống “dở khóc dở cười” cho câu chuyện.
Câu chuyện càng thêm phần thú vị khi Lâm – một cậu nhân viên chạy bàn sắp sửa thi đại học của quán lại “phải lòng” Cúc và quyết định nhờ Cải – anh chàng trông xe cho quán làm quân sư để giúp mình thổ lộ tình cảm. Cùng với cặp đôi chính của truyện là Lâm và Cúc, những nhân viên khác của quán Đo Đo như Cải, Lan, Lệ, Kim, Hường cũng có kha khá “đất” để thể hiện tính cách và tâm sự riêng của bản thân. Ngoài ra, những vị khách đặc biệt của quán: ông Tiger, bà Fanta, ông Thịt Luộc Muối Tiêu đã “tạo nét” cho câu chuyện và khiến nó trở nên vô cùng sinh động.
Mối tình đầy tiếc nuối giữa Kim và ông Tiger, tình cảm đơn phương của Lan dành cho Lâm và hơn hết là lời hứa chưa thể thực hiện giữa Lâm và Cúc đã hằn ghi những vết cào xót xa lên lịch sử của quán Đo Đo. Bằng lối viết mộc mạc mà day dứt, Nguyễn Nhật Ánh đã làm cho người đọc cảm nhận được một cuộc sống mưu sinh không hề dễ dàng của những nhân viên xa nhà và tình cảm chân thành, gắn bó của những người đã đến và đã đi khỏi quán ăn nhỏ bé này.
Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).
II. Review sách Quán Gò Đi Lên
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Quán Gò Đi Lên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. TRẦN LAN HƯƠNG review sách Quán Gò Đi Lên
“Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này?”
Đây là một câu chuyện xoay quanh một quán ăn nhỏ tí tẹo , nằm ngay trong Sài Gòn hoa lệ. Là những câu chuyện nhỏ của những nhân vật tình cờ gặp nhau ở đây và từ đó tình bạn, tình yêu chớm nở cực kì đáng yêu ,… một lần nữa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại miêu tả chân thực những suy nghĩ, tâm tư của tuổi trẻ và kể lại hết sức sinh động. Câu chuyện mang đến cho bạn đọc những phút giây thư giãn cực kì ý nghĩa, những câu chuyện thường ngày, bình dị và rất đỗi thân quen. Ở đây, các bạn tìm được những điều mới, khám phá ra được những thứ kì diệu mà đôi khi giữa cuộc sống bộn bề, ta chợt quên mất đi.
Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật, đặt nhân vật vào những tình huống cực kỳ éo le và rồi tìm ra cách giải quyết một cách ngớ ngẩn làm người đọc đôi khi phải bật cười vì những điều ngô ngê ấy. Tác phẩm cho các bạn quay trở lại một lần nữa, cho các bạn cảm nhận một lần nữa Sài Gòn cách đây vài chục năm về trước và những con người nơi đây. Cho các bạn cảm nhận được xứ Quảng Nam đầy mến yêu và thắm đượm tình cảm của tác giả dành cho miền quê bé nhỏ ấy.
Câu chuyện mang đầy yếu tố hài hước và nó là chủ đề chính nên sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang buồn, đang đầy stress sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tôi chắc chắn bạn sẽ hòa vào câu chuyện và đôi lúc cười phá lên thích thú.
2. DIN DIN review sách Quán Gò Đi Lên
– Đo Đo ở đâu ?
– Ở Quán gò đi lên chứ đâu,
– Vậy Quán Gò ở đâu ?
– Ở … Đo Đo đi xuống!
Đo Đo – tên của một quán ăn các món Quảng với toàn người thuộc… Quảng Tây, Quảng Châu…
Câu chuyện chỉ xoay quanh những diễn biến của các nhân vật trong quán ăn, nhưng với giọng văn hết sức giản dị và chân thật, nó đã để lại một ấn tượng không nhỏ trong lòng mình. Đọc bộ này lại liên tưởng tới series phim Tiệm bánh Hoàng tử bé. Cũng một nhóm bạn trẻ, dang dở việc học, cùng nhau làm việc tại một quán ăn. Tuổi trẻ của họ có những bốc đồng, nhưng ngây ngô, và vô cùng trong sáng. Đó là những Lâm, Cúc, Cải, Kim, Lan…
Kim luôn tìm kiếm một người trong mộng, nhưng lại không nhận ra người đó đang ở ngay cạnh mình. Có lẽ đó là một nỗi hối tiếc vu vơ trong đời chị. Hay gia sư tình yêu Cải luôn phải đau đầu vì bạn mình.
Lan lặng lẽ ôm trong mình một mối tình đơn phương. Quanh đi quẩn lại, vẫn là mối tình động lực học của Lâm và Cúc. :>
Lâm, chàng sinh viên đang cố vừa làm vừa học đem lòng thầm mến cô gái tên Cúc. Cúc, nhân viên duy nhất đúng chất xứ Quảng mà cô Thanh vất vả tìm về để quán của cô thật sự có ý nghĩa. Với vẻ chân chất, thật thà, đã làm tim Lâm bấn loạn. Và với giọng Quảng của mình, phát âm “lấy cái bao” thành “lấy cái bô”, Cúc cũng đã tạo điểm nhấn trong truyện và mang lại tiếng cười cho người đọc.
Tác phẩm làm ấm lòng người đọc, nhẹ nhàng nhưng khơi gợi được sự đồng cảm, sự mến thương dành cho tất cả nhân vật với một thời tuổi trẻ ngây ngô, bốc đồng nhưng rất đẹp đẽ, giản dị và chân thành.
Tuy nhiên, bạn sẽ thấy được một cách nhìn sâu của tác giả đối với hoàn cảnh, số phận mỗi con người, những hình ảnh được khắc họa cũng chính là những hình ảnh rất thực của cuộc sống lúc bấy giờ và cả ngày nay.
Truyện là cả một nét văn hóa của Việt Nam nói chung và xứ Quảng Nam nói riêng. Nhờ nó mà mình mới biết Việt Nam có một nơi gọi là Đo Đo đâng yêu như thế.
Các từ răng, rứa, mi, hắn…, giọng nói đặc trung của xứ Quảng Nam: “tê tề”, “bèn phẻn”, “bô gộ”… nghe cũng dễ thương ngộ ngộ phết :> Tự nhiên đọc xong có hứng đi tìm học mấy từ tiếng Trung ghê hà :<
Nhìn chung truyện dễ thương, như bao truyện khác của bác. Cốt truyện đơn giản, xem ra ít bị các bạn chê là nhàm chán. Nếu có dịp thì mình cũng mong đến quán của bác một lần. Giờ chưa được thì kiếm mì Quảng Đồng Nai ăn đỡ thôi…
3. TRÚC CHI review sách Quán Gò Đi Lên
Hóm Hỉnh Và Sâu Sắc
Bối cảnh câu chuyện chỉ gói gọn trong quán Đo Đo với những tình huống thường ngày xoay quanh các cô cậu thanh niên làm việc trong quán. Câu chuyện hết sức gần gũi, mộc mạc và đậm chất “Nguyễn Nhật Ánh” những năm 90. Văn phong đơn giản, hài hước. Tính cách những nhân vật trong quán Đo Đo được bác xây dựng vừa bình dị, vui nhộn, cá tính vừa thân thiện, gần gũi với thế hệ thanh niên ngày ấy: Hiền lành, chất phát, chịu khó. Mỗi nhân vật đều là một sắc màu riêng của quán Đo Đo, không thể thiếu người này người kia được: Cúc với giọng Quảng Nam “nước mắm Nam Ô nguyên chất”, Lâm “sinh viên hụt trí thức”, Cải thương mẹ, hiền lành trầm tính, rồi những Kim, Lan…với những tình huống dở khóc dở cười hằng ngày gây cho mình nhiều tiếng cười.
Lúc đầu mình cũng không hiểu nhan đề “Quán Gò Đi Lên” là gì. Nhưng sau khi đọc sách mình đã biết nguồn gốc của nhan đề. Quyển sách không chỉ đơn thuần là kể lại 1 câu chuyện, mà còn lồng ghép những thông điệp sâu sắc của chính tác giả muốn gửi gắm đến người đọc: Tình yêu quê hương, cội nguồn, cố hương của những người con xứ Quảng. Tình yêu ngây ngô tuổi mói lớn. Tình thân thiết đùm bọc lẫn nhau của những thanh niên xa xứ lưu lạc xứ người vì miếng cơm manh áo… Mình cũng biết thêm một số kiến thức về văn hóa của Quảng Nam như ăn bánh bèo bằng cái siêu đao…
Chưa bao giờ thất vọng với những tác phẩm của bác Nguyễn Nhật Ánh
4. MINH HUỆ review sách Quán Gò Đi Lên
Đo Đo, cái tên chợ đã quá đỗi thân quen với những ai đã đọc Mắt Biếc. Đo Đo, nơi cái quán Gò đi lên ấy lại là tên một quán ăn nho nhỏ ở nơi Sài Gòn hoa lệ lại nhẹ nhàng xuất hiện trong tác phẩm Quán Gò Đi Lên của Nguyễn Nhật Ánh. Quán ăn này, tất nhiên theo cái tên, bán toàn món Quảng Nam, có người xứ Quảng nhưng lại là… Quảng Tây, Quảng Đông, chẳng có một người Quảng Nam nào trong cái quán này.
Để rồi cuối cùng cô Thanh chủ quán cũng nhất quyết tìm cho được một đứa là con xứ Quảng Nam phục vụ quán và đó chính là Cúc. Quán Gò Đi Lên đơn giản kể về cuộc sống của những bạn trẻ cùng nhau phục vụ quán ăn này, đó là Kim, Lan, Lệ, Cúc, Cải và Lâm. Lâm, một chàng trai đẹp trai cao ráo, vừa bước chân vào đây xin việc làm, con Lan đã ngay lập tức tương tư người ta.
Năm ngoái cậu thi trượt đại học nhưng không về lại nơi quê nhà Tây Ninh mà ở lại đây vừa làm việc vừa ôn tập để nhất định năm nay thi đỗ. Cúc lúc mới ra là một cô bé rụt rè chẳng dám ra chỗ đông người. Thế nhưng cái vẻ ngây ngô, chân chất, thật thà đó lại gây nên một sự xao xuyến không tên nơi Lâm: cậu đã thương Cúc mất rồi. Thế rồi Lâm nhất định nhờ Cải tư vấn chuyện tình cảm cho mình…
Quanh đi quẩn lại là thế cũng chỉ tập chung vào cái động lực để Lâm thi đỗ đại học, đó chính là lời hứa của Cúc, còn Lan cứ mãi ôm trong mình một mối tình vẩn vơ…
Cốt truyện đơn giản, mang lại nhiều tiếng cười thoải mái cho bạn đọc, nhẹ nhàng nhưng nồng ấm, theo mình đây là một tác phẩm khá hay của bác Ánh…
5. THẢO ĐIỀN review sách Quán Gò Đi Lên
- Mày làm ở quán Đo Đo, vậy mày có biết Đo Đo ở đâu không?
- Dạ, biết chớ anh! Đo Đo ở Quán Gò đi lên chớ đâu!
Đó là quê hương của chú Ánh, nơi mà chú đã chôn giấu biết bao kỷ niệm tuổi nhỏ của mình, nên khởi nguồn của vũ trụ truyện thiếu nhi của mình. Mình đọc xong cuốn này, liền chạy ra quán mì quảng gần nhà, gọi to một tô siêu to khổng lồ, ăn cho nhớ vị xứ Quảng. Để mà nhớ lại câu chuyện dễ thương của những cô cậu trong một quán mì Đo Đo nào đó.
Câu chuyện vẫn nhẹ nhàng, vẫn dễ thương, vẫn dễ đi vào lòng người đọc. Vẫn đâu đó nam chính si tình, hiện thân của tác giả, là Lâm, một chàng suýt sinh viên đang ôn thi lại. Vẫn đâu đó là nữ chính ngây thơ dễ mến, là Cúc, cô bé quê Quảng Nam tần tảo chịu thương chịu khó. Vẫn đâu đó là nam phụ nghịch ngợm, là Cải, chàng trai Quảng … Đông với hoàn cảnh bi thương chẳng kém. Cùng với sự góp mặt của n nữ phụ khác để … phụ quán.
Chắc mấy bạn Quảng Nam đọc cuốn này sẽ siêu siêu thích cho mà xem, bởi bao nhiêu quốc hồn quốc túy của tỉnh nhà được bác Ánh mang vào hết, thu bé lại vừa bằng một cuốn sách. Chỉ tiếc là mình người Bình Định, đọc thì cũng thấy hay ho, thấy đồng cảm nhưng mà chưa được đồng điệu lắm. Phải chi có cái quán Quy Nhơn nào đó, gồm toàn các món bánh hỏi cháo lòng, bánh ít lá gai, … thì chắc mình phải đem gối đầu giường mất. Vậy nhé!
P/s: các bạn có thể vừa mua sách ủng hộ chú Ánh, vừa nghe trực tuyến trên Youtube với giọng đọc của chị Mai Khanh cực kỳ ngọt ngào như mía lùi.
Quán Gò Đi Lên | Nguyễn Nhật Ánh (1999)
Sài Gòn, 13/09/2019
Đánh giá: 7.0/10 điểm
6. SWEDEN BUI review sách Quán Gò Đi Lên
“Quán Gò đi lên” là một trong những câu chuyện giàu cảm xúc mà tôi từng được đọc. Câu chuyện giản đơn, đối thoại giản dị mà chan chứa tình cảm. Lúc thì cười ngặt nghẽo, lúc thì buồn rười rượi và cuối cùng là một niềm miên mang. Cảm giác đó không sao tả được. Kiểu, nó giống với cảm xúc của thằng Lâm ở cuối truyện. Một thứ cảm xúc nhuốm màu hoài niệm.
Còn nhớ, lần đầu đọc câu chuyện về cái quán thân thương này là trên báo Mực Tím. Sau này, mỗi khi nghĩ về tuổi thơ, chả nhớ chi tiết nào, cả cái tựa cũng không nhớ, chỉ biết rằng những xúc cảm khi trải nghiệm câu chuyện vô giá lắm. Gần đây, tôi kể chuyện này cho những người bạn của tôi. Chúng nó bảo “Quán Gò đi lên đấy”, “Của Nguyễn Nhật Ánh chứ đâu”. Ồ! Thế mà bao năm tìm kiếm tôi lại chẳng hay biết, cứ ngỡ nó chỉ là một truyện ngắn đăng trên tờ báo từng nức tiếng một thời. Đến khi cầm “Quán Gò” trên tay, tôi lại đắn đo xem có nên đọc lại hay không. Sợ rằng, kí ức tuổi thơ sẽ bị phá vỡ. Thế thì buồn lắm lắm!
Nhưng rồi, tôi đánh bạo “Liều đi vậy!”. Thế là liều. Bỗng dưng, phát hiện ra, mình chỉ mới đọc được chương I trong 24 chương sách. Hóa ra, mình vẫn còn có thể trải nghiệm cái không gian truyện đáng yêu ấy. Đâu phải câu chuyện nào cũng có khả năng lay động kí ức như thế. Bởi vì, hơn hẳn một câu chuyện hay một hồi ức, đó là cả một tuổi thơ.
III. Trích dẫn sách Quán Gò Đi Lên
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Chương 01 – Quán Gò Đi Lên
–––––
Quán Đo Đo nằm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kế chợ Tân Định, bề ngang bốn mét, bề sâu mười sáu mét ngăn làm ba, ngoài cùng là nơi bày bán, đằng sau vách ngăn là bếp, tít phía trong là phòng tắm và nhà vệ sinh.
Gần bếp lò có một cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác lửng, chỗ ngủ của đám con gái, cũng là nơi treo móc đủ thứ áo quần đồng thời là nhà kho chứa đủ thứ lụn vụn như sợi cao lầu, bánh đa, tương ớt, các loại bánh ngọt…
Đằng trước quán là khoảnh hiên xi măng nhỏ, buổi sáng ông bán thịt bày gánh bán thịt, bà bán rau trải ni-lông bán rau, chị bán thuốc đẩy xe ra bán thuốc. Đến trưa, khi ông bán thịt dẹp gánh, bà bán rau cuộn tấm ni-lông, chị bán thuốc đẩy xe lại chỗ gốc cây gần đó tránh nắng và khách ăn bắt đầu lục tục vô quán thì khoảnh sân nhỏ đó đích thị là giang sơn của thằng Cải.
Nhét một đống thẻ có buộc dây thun trong túi quần, nó bắc cái ghế ngồi tréo mảy ngó ra, oai khủng khiếp. Hễ có khách đun đầu xe vô là nó lật đật đứng lên, nhanh nhẹn đón lấy tay lái, dựng xe giùm khách rồi chìa tấm thẻ ra: nó là sếp bãi giữ xe.
Cải là một trong những thành viên của quán từ những ngày đầu. Quán ở quận 1 nhưng cô Thanh chủ quán lại ở quận 5. Mà thằng Cải cũng ở quận 5, chung dãy nhà tập thể với cô Thanh. Cô Thanh ở tầng một, mẹ con thằng Cải ở tầng trệt. Vì vậy mà quen nhau từ thời cố hỉ.
Mẹ con thằng Cải là người Quảng Đông, xưa nay vẫn bán hủ tiếu ở ngay đầu hẻm. Sáng đẩy xe ra tối đẩy xe vào. Mẹ nấu, con bưng. Kể ra có đến chục năm trời. Dần dần xảy ra tình trạng con vẫn thừa sức bưng nhưng mẹ đã không còn sức nấu. Tới một ngày, mẹ thằng Cải quài tay ra sau lưng đấm bình bịch và buồn rầu kêu nó tắt bếp, dẹp nồi, đẩy xe vô nhà. Quán hủ tiếu dẹp tiệm từ đó. Cũng từ ngày đó, Cải ra quán Đo Đo. Quán Đo Đo những ngày đầu không chỉ có Cải. Hôm khai trương còn có con Kim. Con Kim trước đây là “lính” của cô Thanh, lúc áo gió buôn sang Nga còn thịnh. Đến thời buôn bán xập xệ, cô Thanh bỏ về nhà nằm, con Kim đi bán phân u-rê quấy quá một thời gian rồi cũng kiếm chỗ nằm nghiền ngẫm nỗi buồn thất nghiệp. Vì vậy, khi cô Thanh mở quán, ới một tiếng là con Kim tót ra ngay.
Cũng như Cải, Kim là người Hoa. Chỉ khác một chi tiết: thằng Cải Quảng Đông, còn con Kim Quảng Tây. Chuyện trớ trêu cũng từ đó mà ra.
Quán Đo Đo treo tấm bảng đằng trước, ghi hàng chữ to đùng “Chuyên bán các món ăn xứ Quảng”. Quảng đây tức là Quảng Nam. Các món ăn ở đây dĩ nhiên cũng là các món Quảng Nam: mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đập…
Khách xứ Quảng đều là dân lưu lạc, thấy có cái quán quê hương ngay giữa Sài Gòn thì xúc động lắm. Đang chạy ngang, khách bóp thắng nghe cái rét.
Vừa dừng xe, thấy thằng Cải nhiệt tình ra dựng xe giúp, khách càng hài lòng.
Khách vỗ vai Cải, tỏ thân thiện:
– Cháu người Quảng hả?
– Dạ! – Cải lễ phép.
Khách nhíu mày:
– Người Quảng sao nói cái giọng ni. Nghe lạ hoắc à.
– Dạ.
Lông mày khách chợt dãn ra:
– À, chắc cháu vô đây lâu rồi.
– Dạ.
Khách vỗ vai Cải thêm cái nữa:
– Vậy hồi trước cháu ở huyện nào?
Cải liếm môi:
– Cháu sinh ở đây từ nhỏ.
– Thế ba mẹ cháu? Trước đây ba mẹ cháu sống ở đâu?
Cải thật thà:
– Dạ, ở bên Tàu.
Khách nhạc nhiên:
– Ba mẹ cháu qua bển chi vậy?
– Dạ, có qua lại gì đâu! Ba mẹ cháu là người Tàu mà.
Mắt khách càng trố ra:
– Người Tàu? Sao khi nãy cháu bảo cháu là người Quảng?
– Dạ, Quảng là Quảng Đông đó chú!
Cải gãi đầu ấp úng, cảm thấy mình có lỗi vì làm khách hụt hẫng.
Khách hụt hẫng thiệt, chân bước vô quán đã bớt vẻ hăng hái.
Khách buông phịch người xuống ghế, cầm thực đơn lên ghé mắt một hồi rồi đặt xuống. Món ăn thì đúng rồi. Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này?
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Khách ngó vô trong, gọi lớn:
– Chủ quán đâu?
Cô Thanh đi chợ nên con Lan bán đồ khô vội vàng chạy ra:
– Dạ, cô con đi vắng ạ.
Cái giọng Nam Bộ đặc sệt của con Lan làm khách nhăn hí:
– Mi là người Nam hả?
– Dạ, con là người Bến Tre.
– Thế chủ mi người ở đâu?
– Dạ, người Củ Chi ạ.
Khách thấy đầu mình ong ong:
– Lạ quá hè! Quán bán các món xứ Quảng mà không có ai người Quảng!
Con Lan láu táu chỉ ra sân:
– Anh kia là người Quảng đó chú!
Khách liếc xéo thằng Cải:
– Thằng nớ Quảng Đông, nói làm chi!
Con Lan nhíu mày ngoảnh đầu vô trong. Nhác thấy con Kim, nó mừng như bắt được vàng:
– À, con quên! Nghe nói chị kia cũng là người Quảng!
Rồi nó rối rít gọi:
– Chị Kim, ra đây! Có chú này muốn hỏi chuyện chị nè!
Con Kim hấp tấp chạy ra, chưa kịp mở miệng, khách đã hỏi ngay:
– Cháu là người Quảng Đông hả?
Con Kim không biết khách cà khịa, vui vẻ đáp:
– Dạ không ạ.
Khách hơi mừng mừng:
– Mi uống nước máy Sài Gòn nhiều quá, giọng mi mất gốc rồi! Nhưng dù sao mi cũng là con cháu Quảng Nam.
– Dạ, cháu không phải là người Quảng Nam! – Con Kim khờ khạo đính chính – Cháu là người Quảng Tây ạ!
Khách hoàn toàn không chờ đợi một sự thật phũ phàng như thế. Con Kim vừa nói xong, khách ngã bật ra sau. May mà có cái lưng ghế giữ lại, nếu không khách đã lăn quay ra đất.
Bữa đó khách kêu một tô mì Quảng, ăn nửa tô, buồn tình bỏ mứa nửa tô.
Cô Thanh đi chợ về, ra sau bếp thấy đống chén trong thau có một tô mì ăn dở, liền nói với con Lệ:
– Con nêm nếm lại nồi nhưn coi có vấn đề gì không! Sao khách chừa hết lại như vậy?
– Không phải tại mì dở đâu cô ơi! – Con Lệ phân bua – Con nghe con Kim nói có ông khách Quảng Nam vô ngồi hỏi lòng vòng cả buổi, thấy trong quán không có ai là người đồng hương, ổng sầu đời bỏ về sớm đó cô!
Nghe con Lệ tường thuật lại, cô Thanh thiếu điều té xỉu. Hóa ra chuyện buôn bán cũng phức tạp gớm. Khách đến ăn mà cũng quan tâm đến chuyện “nhân sự” y như cán bộ tổ chức, thiệt khó khăn cho cô quá.
Cô Thanh ngẫm nghĩ một hồi rồi thở đánh thượt:
– Mấy đứa đừng lo! Chuyện đó để cô tính!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!
“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:
– Chị kiếm cho em cái bô!
…Con Lệ tuy không hiểu con Cúc kiếm một cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toilet cầm cái bô đem ra. Con Cúc ré lên:
– Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?
Con Lệ nhíu mày:
– Chớ sao mày kêu tao lấy cái bô?
– Không phải cái bô ni, cái bô tê tề.
… Nhác thấy mớ bao ni lông…, nó thò tay rút một cái rẹt, mặt mày tí tởn:
– Cái bô ni nề!
– Trời đất! – con Lệ trợn mắt kêu trời – Cái bao mà mày kêu cái bô, ông nội tao cũng không hiểu nữa là tao.
Con Cúc cười hí hí.”
Trích: Quán gò đi lên – Nguyễn Nhật Ánh
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã chia sẻ cùng với Những Cuốn Sách Hay!