Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 184 |
Ngày xuất bản | 02-2019 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Hạ Đỏ
Hạ đỏ là một truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản năm 1991. Là một trong một loạt tác phẩm viết về tình yêu tuổi mới lớn của tác giả, truyện đưa người đọc đi từ những tháng ngày “thơ ngây” đến những ngày tháng sầu mộng của Chương, một cậu thiếu niên mới bước vào tuổi biết yêu. Trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, cuối câu chuyện là một cái kết bất ngờ, cái kết buồn nhưng rất hợp lí, đậm chất “Nguyễn Nhật Ánh”. Truyện có nhiều hình ảnh dễ thương, trong sáng… mà vẫn không thiếu những “pha” thú vị cho người đọc những tiếng cười sảng khoái.
Mùa hè là khoảng thời gian mà học trò không còn lo lắng chuyện học hành và cũng là mùa để họ vui chơi giải trí. Mùa hè này, anh chàng Chương còm sẽ về quê ngoại để đổi gió và nghỉ ngơi sau chín tháng dài học hành căng thẳng với đầy nỗi âu lo. Nơi quê ngoại Chương sẽ làm gì và học hỏi được những gì ? Xin mời các bạn cùng đón đọc Hạ Ðỏ để biết được toàn bộ nội dung câu chuyện này.
Nội dung Hạ Đỏ
Hạ đỏ là câu chuyện kể về Chương, sau kì thi tuyển sinh lớp 10 vất vả, cậu được ba mẹ cho về quê ngoại “đổi gió”. Ở đó, Chương gặp được rất nhiều bạn mới, được chơi những trò chơi dân dã, thú vị cùng 2 đứa em Nhạn và Dế con nhà dì Sáu, được “Bà La Sát” Thơm hái xoài, cóc, ổi,… cho để đổi lấy những cuốn truyện, được anh Thoảng dạy võ, đánh nhau với tụi xóm Miễu,… và được gặp Út Thêm.
Chương phải lòng Út Thêm, cậu thích những người dịu dàng như Út, thích cái răng khểnh trên nụ cười duyên dáng của Út. Út Thêm là chị của Dư thủ lĩnh tụi trẻ xóm Miễu, tình địch của tụi xóm trên. Chính vì vậy nên Chương không dám đến thăm nhà Út, sợ bị “phục kích”.
Cậu viết “thư tình” cho cô, nhưng khổ thay, Út Thêm không biết đọc chữ. Nhà Út Thêm nghèo lại đông anh em nên cô chỉ được học tới lớp 2, giờ đã quên hết chữ nghĩa. Chương bèn nảy ra ý định dạy học cho 2 chị em. Đầu tiên chỉ là vì Út Thêm, nhưng đến cuối cùng cậu mới phát hiện ra công việc này lại khiến cậu vui vẻ đến vậy.
Cậu đã khiến tụi trẻ ở 2 xóm vốn luôn thù địch, giờ đã xích lại gần nhau. Sắp hết hè, Chương đã dạy cho 2 chị em biết đọc, biết viết, giờ cậu muốn thổ lộ với Út Thêm tình cảm của mình. Nhưng cuối cùng, Chương quyết định về thành phố sớm, để lại miền thôn quê sự thơ ngây ngày nào, để ôm theo một mối tình sầu không thể giãi bày cùng với một tin sét đánh: Út Thêm sắp đi lấy chồng.
Nhân vật trong Hạ Đỏ
Nhân vật chính
- Chương (nhân vật chính)
- Nhạn: con dì Sáu, em họ Chương (nhỏ hơn cậu 2 tuổi), từng là tình địch của Dư
- Dế: con dì Sáu, em họ Chương em của Nhạn (nhỏ hơn cậu 4 tuổi), từng là tình địch của Dư
- Dư: thủ lĩnh tụi xóm Miễu, từng là tình địch của tụi thằng Nhạn, em của Út Thêm
- Út Thêm: người con gái mà Chương yêu mến
Nhân vật phụ
- Dì Sáu: em ruột của mẹ Chương
- Thoảng: người thầy dạy võ yêu quý của Chương nhưng cũng là người vô tình bóp nát trái tim cậu, là chồng sắp cưới của Út Thêm
- Thơm: biệt danh Bà La Sát, chơi thân với Dế và rất mến Chương
- Thể: bạn của Nhạn và Dế, nổi tiếng gan lì
Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).
II. Review sách Hạ Đỏ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Hạ Đỏ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. PHƯƠNG ĐỖ review sách Hạ Đỏ
Có một tình yêu mang tên “Hạ đỏ”
“Hạ đỏ” là câu chuyện tình yêu, chuyện tình thầm lặng và đau khổ của những cô bé cậu bé vẫn chưa trưởng thành hẳn, chuyện tình của cái thời vẫn còn ngô nghê và vụng dại.
Nguyễn Nhật Ánh được coi là nhà văn chuyên viết truyện dành cho tuổi mới lớn, ông có rất nhiều tác phẩm thành công và đã được dựng thành phim.
Hạ đỏ khai thác triệt để tâm tình của những đứa trẻ chưa lớn hẳn, những đứa trẻ chỉ mới bước vào tuổi biết yêu, biết cảm nắng. Khi chàng trai biết rung động với một cô gái, chàng trai luôn muốn dành những điều thật vui vẻ và tốt đẹp gửi đến cho cô. Và cũng như nhiều tác phẩm cùng thể loại khác của Nguyễn Nhật Ánh, truyện có một cái kết thật bất ngờ, vẫn là một cái kết buồn, buồn nhưng hợp lý.
Chương là một công tử, sống ở thị trấn, vì được nghỉ hè nên bố mẹ cho về quê chơi, ở đây cậu được chơi những trò chơi thú vị cùng hai đứa em con nhà dì của mình. Những trò đùa ấy Chương chẳng thể kiếm ở đâu được. Rồi Chương gặp Út Thêm, cậu phải lòng cô bé, cậu thích người nhẹ nhàng như Út, cậu muốn được nhìn Út mỗi ngày, chỉ cần thế thôi.
Nhưng gia đình Út lại nghèo quá, hai chị em Út Thêm không được đi học nên chẳng biết chữ, cậu muốn gửi thư cho Út nhưng cô bé nào có đọc được đâu. Rồi cậu quyết định dạy chữ cho 2 chị em, đầu tiên chỉ là vì Út Thêm, nhưng đến cuối cùng cậu mới phát hiện ra công việc này lại khiến cậu vui vẻ đến vậy.
Ngày sắp về thành phố, cậu muốn bày tỏ lòng mình cho Út Thêm nghe. Nhưng buồn thay, Chương chưa kịp nói thì cô bé đã gửi cho cậu một tin như sét đánh, Út hơn Chương một tuổi, nhưng thế có là gì, vào cái tuổi mà cậu vẫn ăn, vẫn chơi vẫn học thì Út sắp đi lấy chồng.
Ôi cái tuổi 18 vừa mới chớm nơi em, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, sao em lại lỡ sa chân vào cuộc đời sớm đến vậy? Vì nhà em nghèo quá, vì em không có tiền đi học, vì đời con gái rồi cũng sẽ phải đi lấy chồng nên em lấy sớm hơn người ta một chút.
Chao ôi! Em đi lấy chồng, nhưng sao em lại lấy người anh mà Chương yêu quý nhất. Tình cảm của Chương còn chưa được thổ lộ, nó vừa đến nơi đầu môi liền trôi tuột vào tim, còn nói được gì đây, phải nói thêm gì nữa đây.
Có lần em hỏi anh sao lại thích đến nhà em thế, anh ngượng ngùng nói dối “vì anh thích cỏ may”, em cho là thật, em tặng anh cỏ may ngày anh lên đường, nhưng em ơi em nào hay biết: “Chương thích cỏ may vì cỏ giăng đầy lối đến nhà Út. Những ngày qua, cỏ may bám đầy gấu quần anh còn không gỡ hết, em gửi theo làm gì cho cỏ may đâm nhói trái tim anh”.
2. AN PHƯƠNG review sách Hạ Đỏ
Trong số truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mình dành nhiều tình yêu cho cuốn Hạ đỏ. Có miền quê, có tình cảm quyến luyến. Yêu vừa phải, buồn vừa đủ, nhưng tạo nên một câu chuyện hay, để lại đó chút xót xa trong trẻo.
Dường như đã trở thành một đặc trưng của văn chú, tình yêu nảy nở trong những tình huống chẳng lấy gì làm khó khăn phức tạp cho cam. Khi là bạn cùng xóm, lúc thì bạn cùng lớp, khi thì gặp nhau qua chỗ làm… Trong Hạ đỏ cũng vậy, Chương gặp và cảm mến Út Thêm trong một dịp về quê nghỉ hè, mùa hè quê ngoại:
“Làng Hà Xuyên cách đường quốc lộ khoảng ba cây số về miệt biển. Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ. Trưa đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi. Nắng bị chặn lại trên những ngọn trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá khô và phân bò những giọt vàng lốm đốm”.
Chỉ trong một hai tháng ngắn ngủi, Chương lần đầu tiên được chơi thử những trò mà tụi trẻ ở làng nào cũng chơi để có một mùa hè đúng nghĩa. Và cũng ở đó, lần đầu tiên, cậu được nếm trải hương vị tình đầu để rồi khi chia tay mối duyên vừa chớm nở, nghe tiếng chuông kết thúc sự hồn nhiên ngân lên khe khẽ.
Chương đến với làng Hà Xuyên hào hứng bao nhiêu, thì chia tay nhiều tâm sự bấy nhiêu. Cậu ra đi mà không định ngày trở lại, ra đi mà vẫn níu giữ hình bóng một người không thể đến. Những trò hái khế, những trò choảng nhau, môn võ cẳng mèo hay trò chơi bắn ná giờ là vô nghĩa. Có nghĩa lý gì đâu nữa nếu giờ đây ta đã thích một người:
“Tôi thẫn thờ cầm bó cỏ trên tay, lòng rưng rưng xao xuyến. Đã có lần tôi nói với Út Thêm tôi thích nhất cỏ may. Tôi thích cỏ may bởi vì cỏ may mọc đầy trên lối đến nhà Út. Út Thêm không biết con trai thành phố ưa nói xa xôi bóng gió. Nó tưởng tôi thích cỏ may thật. Nên bây giờ ngớ ngẩn gửi cho tôi”.
Chương, về thành phố rồi chẳng biết bao lâu thì quên được Út? Hay liệu hai người có còn gặp lại nhau lần nào nữa không trong một buổi trưa hè, băng qua lối cỏ may và dưới tán cây phượng đầy hoa đỏ? Tác giả chẳng viết và người đọc cũng chẳng biết.
Ấy thế là nó khiến người ta cứ hoài mơ mộng.
3. THIÊN TƯ review sách Hạ Đỏ
Khi đọc Hạ Đỏ đến đoạn buổi chiều Chương men theo đường ruộng mọc đầy những hoa cỏ may trở về thành phố mà lòng vẫn vương một nỗi buồn, nỗi nhớ dành cho Út Thêm, tôi nghĩ đến hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Hồn anh như hoa cỏ may,
Một chiều gió cả bám đầy áo em.
Có lẽ, khi viết tác phẩm Hạ đỏ, Nguyễn Nhật Ánh cũng nhớ đến hai câu thơ buồn đến lãng mạn này. Chương từ thành phố trở về quê ngoại, giữa miền quê đầy sôi động lại phải lòng cô gái làng bên như một tiếng sét giữa cơn mưa mùa hạ năm mười bảy. Dành hết sự ngây ngô và ngọt ngào đầu đời cho Út Thêm, nhưng cô gái ấy lại ngây thơ đến nỗi không biết tấm lòng của Chương, khiến lòng cậu như hóa thành những bông cỏ may cuốn vào trong gió. Vẫn với ngôn ngữ giản dị, cách kể chuyện hài hước, tinh nghịch nhưng xen lẫn một vài nỗi buồn của Nguyễn Nhật Ánh đã khiến Hạ đỏ cũng trở thành một tác phẩm để lại nhiều dư vị cho người đọc.
“Buổi chiều có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu”
Tình yêu của Chương cũng như hai câu thơ, đến cuối cùng chỉ còn là nghi vấn.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
4. HẢI YẾN review sách Hạ Đỏ
Mùa hạ- mùa của chia tay, mùa của những bông hoa phượng đỏ và những chùm bằng lăng tím biếc. Nó làm cho lòng người xao xuyến, làm cho đám học sinh không khỏi bồi hồi. Mùa hạ có biết bao nhiêu chuyện vui buồn. Đặc biệt, khoảng thời gian mà đám học sinh mong chờ nhất khi đến hè là kì nghỉ hè. Nghỉ hè đối với học sinh luôn là quãng thời gian vui vẻ đáng mong chờ nhất trong một năm học. Và tất nhiên, nghỉ hè cũng đem lại những kỉ niệm và cảm xúc đáng nhớ.
Như nhân vật Chương trong truyện, sau khi trải qua kì thi lên cấp Trung học phổ thông đầy khó khăn, cậu vô cùng gầy gì ốm yếu. Vì lẽ đó mà bố mẹ cậu cho cậu về quê để có da có thịt hơn một chút. Nhưng vì chuyến đi này, cậu đã có một thứ tình cảm đặc biệt dành cho một cô bé thôn quê. Về quê, cậu tha hồ vui chơi, nghịch ngợm cùng với đám em họ.
Hơn nữa, vì thương cậu nhỏ con, một anh thanh niên tốt bụng đã dạy võ cho cậu. Bên cạnh đó cậu cũng quen được những người bạn nông thôn mới thật thà và hiền lành. Rồi sau đó, Chương phải lòng một người hơn mình một tuổi. Cậu dạy cô bé đó học chữ, đối xử vô cùng tốt. Những tưởng tình cảm trong sáng ấy sẽ mang lại niềm vui. Nhưng sự thật lại không phải vậy, cô bé ấy quá ngây thơ, không hiểu được lòng cậu. Và sau đó, cậu biết chuyện cô bé ấy sắp lấy chồng, vào một độ tuổi còn quá trẻ, chồng tương lai của cô ấy lại chính là thầy dạy võ của cậu.
Quá đau buồn về tin sốc ấy, cậu thu dọn đồ đạc trở về thành phố trong nỗi nhớ nhung của biết bao nhiêu anh em bạn bè. Cậu đã từ dã những người bạn, người em họ và cả mối tình mới nảy nở trong trái tim cậu nữa. Giã từ về cuộc sống trước kia, bỏ lại quê ngoại cũng như bỏ lại tình cảm ngây thơ và một mùa hè đáng nhớ.
5. ĐỨC BÙI review sách Hạ Đỏ
Mùa hè thì phải đọc một cuốn sách về mùa hè chứ nhỉ? Và thế là nhân tiện thấy cuốn “Hạ đỏ” cũ đã cất lâu trong góc tủ, mình đã lấy ra và đọc luôn tuồn trong ngày Chủ Nhật. Ấn tượng về quyển sách này với mình còn ở câu thơ “Hạ đỏ, có chàng tới hỏi/Em thơ, chị đẹp em đâu?” Có lẽ đây cũng là cảm hứng để bác Ánh viết câu chuyện này, câu chuyện tình lỡ làng của cậu bé Chương và nàng Út Thơm…
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh tôi thấy luôn theo một lối kể dung dị, từ tốn, pha chút hài hước chân chất, giống như những nhiều câu chuyện về đồng quê mênh mông trước đây. Có bạn nói rằng truyện bác Ánh chán quá, những chi tiết và cốt truyện cứ lập đi lập lại hoài, nhưng chính sự đơn điệu, chậm rãi trong truyện bác Ánh mà người đọc mới cảm thấy gần gũi với tuổi thơ, với những trải nghiệm của mình. Thật sự thì làng quê ở những thôn xóm hẻo lánh ở miền Tây, hay miền Trung của 10 năm, 20 năm về trước, khung cảnh đã khác gì nhiều so với hiện tại?…
Hơn nữa, những câu chuyện của bác Ánh không giống nhau, nếu bạn có một “đôi mắt văn học” tinh tế để nhìn sâu hơn vào câu chuyện bác Ánh kể. Cũng là một khu vườn, một hàng tre đó, một cánh đồng, một lũ trẻ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chúng giống nhau. Mỗi khu vườn, mỗi hàng tre, mỗi cánh đồng, mỗi lũ trẻ lại có câu chuyện riêng của chúng. Đó là cái hay mà tôi khâm phúc và yêu thích ở những câu chuyện của bác Ánh. Có thể tôi bận bịu học hành, bận bịu thi lại, nhưng mở trang sách của bác Ánh ra, là tôi lại được trở về quê , được nô đùa cùng lũ trẻ khắp xóm làng, được tắm sông, lội suối thỏa thích, được ăn những thức quả ngon lành, được tương tư một cô bé nào đó xóm bên…
Về cuốn sách này, tôi thấy thú vị với tiêu đề của nó: “Hạ đỏ”. Hai từ thôi mà diễn tả được rất nhiều điều. Thứ nhất là một hình ảnh sống động về những sắc đỏ rực rỡ của thiên nhiên: màu vàng rực của nắng và sắc đỏ của phượng vĩ. Hạ đỏ là những ngày hè của học trò, khi chúng được tạm xa mái trường và thầy cô để thỏa sức vui chơi và làm những việc vui thú của riêng chúng, như cậu bé Chương “còm” về làng Hà Xuyên nghỉ hè. Nhưng “hạ đỏ” ấy, với vài cô cậu bé ở vùng quê nghèo lại còn lạ lẫm:
“Số phận của những đứa trẻ ở thôn quê thường là như vậy. Không chỉ thư viện, rạp chiếu bóng và các quán kem, mà ngay cả trường lớp đối với một số đứa vẫn là một mơ ước xa vời. […] Ngoài sân, những cành phượng vẫn đỏ chói chang. Người ta gọi hoa phượng là hoa học trò. Nhưng với Út Thêm và Dư, lời ví von đó không đúng chút nào. Với chúng, mùa hè thật xa lạ. Đó chỉ là mùa nắng cháy trên những cánh đồng khô nẻ chân chim.” Dù bây giờ nhiều thứ đã đổi khác, vẫn luôn còn một số ít không được thấy một mùa hè của học trò…
Dẫu sao, hạ đỏ cũng là những cảm xúc luôn tươi mới rạng rỡ của những tuổi thơ ở vùng thôn quê:
“Tuổi thơ của những đứa trẻ ở làng Hà Xuyên dường như kéo dài vô tận. Nhạn và Dế thì không nói làm gì. Ngay cả Thể và nhỏ Thơm, tâm hồn của chúng sao mà trong veo như nước suối ban trưa. Út Thêm “của tôi” cũng thế. Tôi tin rằng ngay cả khi đã lấy chồng, tuổi thơ của Út Thêm vẫn chưa hề kết thúc. Tất cả, trừ tôi”
Có thể ngày nay, ta thấy sự khốn khó làm ảnh hưởng, biến đổi và cướp mất sự hiếu khách trong tâm hồn của những phận người miền quê, nhưng lúc nào cũng vậy, có cái xấu thì sẽ luôn tồn tại cái tốt để cảm hóa và chống lại cái xấu, những nụ cười niềm nở, những câu chào chân chất đầy quan tâm, ân cần, mộc mạc của người dân hiền hậu trên khắp mọi miền đất nước vẫn luôn làm tôi ấm lòng, và tôi thấy sao quê hương mình thật đẹp vì họ.
6. THẢO ĐIỀN review sách Hạ Đỏ
Hạ Đỏ – Nguyễn Nhật Ánh (1991)
Sài Gòn, 23/05/2017
Đánh giá: 6.5/10 điểm
Hạ đỏ – Chỉ thấy mùa hạ, nhưng đỏ nhạt màu
Mình chợt nhận ra có một sự lặp lại cốt truyện và cách hành văn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, cho nên những cuốn mà bạn đọc đầu tiên của chú ấy thì sẽ làm bạn thích thú, còn những cuốn sau này thì sẽ thật là làm bạn mệt mỏi.
Cuốn “Hạ đỏ” này có tuyến nhân vật gần giống “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, và cốt truyện là bà con của cuốn “Bảy bước đến mùa hè”, dĩ nhiên đều là sách của chú Ánh. Quả là một nhà văn thực thụ thì không nên viết quá nhiều sách, bởi càng viết nhiều thì ý tưởng, nhân vật, cốt truyện, … sẽ bị lặp lại rất nhiều, và lý do đằng sau thường là thương mại.
Tuy nhiên, vẫn có một điểm cộng không thể chối cãi là mỗi khi đọc sách của chú Ánh, thì bao nhiêu ký ức tuổi thơ lại tràn về. Truyện của chú nhẹ nhàng, hơi man mác buồn, rất phù hợp với những cô cậu học trò. Nhưng mình thì già cả rồi nên khó tánh, hông chịu nổi cái cách diễn giải tâm trạng dài dòng của bác nữa.
7. LONG TRỊNH review sách Hạ Đỏ
4.75/5. *Hơi Sopil tí thôi ạ, thật ra đọc cũng không sao*.
“Hạ đỏ có chàng tới hỏi:
– Em thơ chị đẹp em đâu?”
Mình luôn có định kiến với sách bác Ánh, không phải bị tác động bên ngoài mà bản thân những lần đọc sách bác mình thấy không ổn. Nhưng mùa “Hạ đỏ” ấy không chỉ rực trên những trang sách mà còn còn nhuộm đỏ tâm hồn mình. Một màu đỏ chất phác thôn quê, màu đỏ của nghĩa tình chân thật và còn cả nỗi lòng man mác của những hồn nhiên vô tư lự.
Không “ồn ào” như Mắt Biếc, không thoảng qua như “Cây Chuối Non Đi Giày Xanh”, “Hạ Đỏ” là bản đàn thổn thức khúc ca đồng quê quen thuộc. Một mùa hạ của đám trẻ quê tinh nghịch, mùa hè của mối tình đơn phương chỉ kịp chớm nở.
Có những mùa hạ thật đẹp, thật nên thơ, nhưng còn có cả những mùa hè cho ta cơ hội hiểu hơn một tấm lòng, hiểu hơn những thân mật nơi thôn quê. Mình bị say đắm bởi sự chân thực ấy, đồng cảm cả với tấm chân tình của những Thoảng, Thơm, Út Thêm, Dư, Nhạn, … bỏ ngỏ.
“Ngoài sân, những cành phượng vẫn đỏi chói chang. Người ta gọi hoa phượng là hoa học trò. Nhưng với Út Thêm và Dư lời ví von đó không đúng chút nào. Với chúng mùa hè thật xa lạ. Đó chỉ là mùa nắng cháy trên những cánh đồng khô nẻ chân chim”
III. Trích dẫn sách Hạ Đỏ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Chương 01 – Hạ Đỏ
–––––
Mùa hè năm đó là mùa hè quê ngoại.
Cuối năm lớp chín, tôi học bù đầu, người xanh như tàu lá. Ngày nào mẹ tôi cũng mua bí đỏ về nấu canh cho tôi ăn. Mẹ bảo bí đỏ bổ óc, ăn vào sẽ mau thuộc. Trước nay, tôi vốn thích món này. bí đỏ nấu với đậu phộng, thêm vài cọng rau om, ngon hết biết. Nhưng ngày nào cũng buộc phải ăn món đó, tôi đâm ngán. Hơn nữa, dù dạ dày tôi bấy giờ tuyền một màu đỏ, trí nhớ tôi vẫn chẳng khá lên chút nào. Tôi học trước quên sau, học sau quên trước. vì vậy tôi phải học gấp đôi những đứa khá.
Tối, tôi thức khuya lơ khhuya lắc. Sáng, tôi dậy từ lúc trời còn tờ mờ. Mắt tôi lúc nào cũng đỏ kè. Ba tôi bảo:
– Nhất định đầu thằng Chương bị hở chỗ nào đó. Chữ nghĩa đổ vô bao nhiêu rớt ra bấy nhiêu. Thế nào sang năm cũng phải hàn lại.
Mẹ tôi khác ba tôi. Mẹ không phải là đàn ông. Mẹ không nỡ bông phèng trước thân hình còm nhom của tôi. Mẹ xích lại gần tôi, đưa tay nắn nắn khớp xương đang lồi ra trên vai tôi, bùi ngùi nói:
– Mày học hành cách nào mà càng ngày mày càng giống con mắm vậy Chương ơi!
Giọng mẹ tôi như một lời than. Tôi mỉm cười trấn an mẹ:
– Mẹ đừng lo! Qua kỳ thi này , con lại mập lên cho mẹ coi!
Không hiểu mẹ tôi có tin lời tôi không mà tôi thấy mắt mẹ rưng rưng. Thấy mẹ buồn, tôi cũng buồn lây. Nhưng tôi chẳng biết cách nào an ủi mẹ. Tôi đành phải nín thở nuốt trọn một tô canh bí đỏ cho mẹ vui lòng.
Dù sao, công của tôi không phải là công cốc. Những ngày thức khuya dậy sớm đã không phản bội lại tôi. Kỳ thi cuối năm, tôi xếp hạng khá cao.
Ba tôi hào hứng thông báo:
– Sang năm ba sẽ mua cho con một chiếc xe đạp!
Mẹ tôi chẳng hứa he,n gì. Mẹ chỉ “thưởng” tôi một cái cốc lên trán:
– Cha mày! Từ nay lo mà ăn ngủ lại cho lại sức nghe chưa!
Ba tôi vui. Mẹ tôi vui. Nhưng tôi mới là người vui nhất. Tôi đàng hoàng chia tay với những tô canh bí đỏ mà không sợ mẹ tôi thở dài. Dù sao cũng cảm ơn mày, cơn ác mộng của tao, nhưng bây giờ thì xin tạm biệt nhé! Tôi cúi đầu nói thì thầm với trái bí cuối cùng nằm lăn lóc trong góc bếp trước khi cung tay cốc cho nó một phát.
Giã từ bí đỏ, tôi giã từ luôn bút nghiên. Tôi nhét tất cả sách vở vào ngăn kéo, khóa lại. Rồi tôi lắc mạnh đầu cho chữ nghĩa rơi ra. Đầu óc thanh thản, tôi leo lên giường úp mặt vào gối ngủ vùi.
Tôi ngủ ba ngày ba đêm, thỉnh thoảng thức dậy ăn qua loa để lấy sức… ngủ tiếp. Trong cơn mơ tôi thấy tôi hóa thành một chàng trai khôi ngô lực lưỡng. Tôi co tay lại, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Tôi duỗi tay ra, bức tường trước mặt tôi thủng một lỗ to tướng. Tôi chuẩn bị ghi tên thi lực sĩ đẹp.
Nhưng tôi chưa kịp đi thi thì đã thức dậy. Tôi ngồi trên giường, vừa ngáp vừa nhớ lại những hình ảnh huy hoàng trong giấc mơ, bụng cứ tiếc hùi hụi.
Khi dứng chải tóc trước gương, tôi ngạc nhiên thấy tôi bỗng dưng tròn trịa hơn hẳn thường ngày. Tôi thấy mình giống hệt chàng trai tôi gặp trong mơ.
Tôi vội vàng chạy xuống bếp, khoe với mẹ tôi:
– Mẹ ơi, con mập ra rồi đây nè!
Mẹ tôi nhún vai:
– Con cũng vậy thôi, có mập ra chút nào đâu!
Giọng điệu thản nhiên của mẹ tôi khiến tôi tức tối vô cùng. Tôi ấn ngón tay trỏ lên má:
– Mẹ xem đây nè!
Mẹ tôi nhìn thoáng qua mặt tôi rồi thở dài:
– Đó không phải là mập! Con ngủ nhiều quá nên mặt sưng lên đó thôi!
– Sưng dâu mà sưng! Mẹ chỉ nói! – Tôi đáp, giọng giận dỗi.
Thái độ hờn lẫy của tôi khiến mẹ bật cười. Mẹ nói:
– Mập là phải mập đều kìa! Tay chân con đâu có mập! Tay chân con cứ như que tăm!
Tôi chạy lên đứng trước gương. Và tôi co tay lạị Tôi nhớ trong giấc mơ khi tôi co tay lại, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Nhưng dó là trong giấc mơ. Ngoài đời không thế. Tôi trố mắt dòm vào gương và hoàn toàn thất vọng khi thấy cánh tay khẳng khiu của tôi cuồn cuộn những… gân. Mẹ tôi nói đúng. Tôi chả mập. Mặt tôi chỉ sưng lên. Và ít hôm nữa, nó sẽ xẹp xuống. Hệt như một quả bong bóng xì.
Tôi chán nản, chẳng buồn ngắm nghía mình trong gương nữa. Tôi tót ra khỏi nhà chơi với mấy đứa bạn. Nhưng bạn tôi đứa nào đứa nấy tròn quay. Chơi với chúng một hồi, tôi tủi thân, bỏ về.
Những ngày sau đó là những ngày tẩm bổ. Các thứ thịt và các thứ cá ngoài chợ, mẹ tôi mua gần như không sót thứ gì. Rồi mẹ tôi bắt đầu chiên, xào, kho, nướng, hấp, luộc, hầm, rô – ti, nhúng giấm, bóp chanh. Mùi hành mỡ thơm nức mũi. Ba tôi vừa ăn vừa gật gù khen ngon. Nhưng tôi lại chẳng ăn được gì. Không hiểu sao, tôi chẳng buồn ăn. Tôi nhấm nháp như mèo.
Thấy tôi nhai rệu rạo, uể oải, mẹ tôi buông đũa, ngán ngẩm:
– Con làm sao thế ?
Tôi lắc đầu:
– Con chẳng biết. Con chẳng thấy muốn ăn.
Ba tôi đề nghị:
– Cho nó đi đổi gió đi thôi!
Mẹ quay sang ba:
– Đi đâu ?
– Cho nó về bên ngoại. Xuống dưới quê ở với dì Sáu vài ba tháng, họa may nó mới mập lên được!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!
Hạ Đỏ – Nguyễn Nhật Ánh
Mình không nhớ rõ mùa hè tuổi thơ của mình kết thúc bao giờ, có lẽ cũng đã lâu từ cái hồi hay trốn mẹ ngủ trưa để đi trèo cây bàng ở cuối ngõ. Những buổi trưa mà con ngõ đầy tiếng chim sẻ, con đường làng lốm đốm nắng vàng vương đầy trên những tán cây. Mùa hè xa thật rồi, mang theo những hoài niệm nhất.
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã chia sẻ cùng với Những Cuốn Sách Hay!