Sống Mòn – Nam Cao

Sống mòn - Nam Cao

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Nam Cao
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Minh Thắng
Số Trang 324
Ngày Xuất Bản 01 – 2017
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Sống Mòn

Sống mòn hoàn thành vào năm 1944, xuất bản ban đầu với tên gọi “Chết mòn” năm 1956. Trong tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng – hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bóp nghẹt sự sống. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.”

Cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người. Chỉ với giọng văn điềm đạm, cốt truyện đơn giản, thế nhưng, Sống mòn đã hội tụ đầy đủ tất cả sự điêu luyện, tinh tế của một ngòi bút truyện ngắn bậc thầy.

Nhận định

Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản, tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.” (Nguyễn Đình Thi)

Đôi nét về nhà văn Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn NghèoĐui mùNhững cánh hoa tànMột bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân DuNguyệt.

Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.

Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn

II. Review sách Sống Mòn

Review sách Sống mòn - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Sống Mòn của nhà văn Nam Cao. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. Ngô Ngố review sách Sống Mòn

Mọi thứ đều tốt, thích nhất là nội dung tác giả viết. cuộc sống xoay quanh cái trường tư và cuộc sống của 2 nhân vật chính là Thứ và San. lòng tham, lừa dối, sự ghen ghét, số phận,……… đọc xong mình có cảm giác như chính mình là nhân vật mà tác giả viết vì có chút gì đó tương đồng.

2. Cọp Xieru review sách Sống Mòn

Mình không phải dân chuyên văn, cũng không phải là người đam mê lắm đối với các thể loại văn học trung đại như vậy, nhưng mình thực sự thích Nam Cao và các tác phẩm của ông, đặc biệt là Sống Mòn. Nói sao được nhỉ… Sống Mòn nói về cuộc sống của một tiểu tư sản trí thức trong xã hội cũ, ban đầu luôn mơ ước và hướng đến cái đẹp, nhưng dần dà bị cuộc sống khốn khó làm cho ý nghĩ về những điều tốt đẹp kia thay đổi… Đọc Sống Mòn như thấy lại toàn bộ những bất công trong xã hội cũ. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao

3. Kiên review sách Sống Mòn

Câu chuyện hay, trong đó miêu tả nội tâm nhân vật vẫn là thế mạnh của Nam Cao. chuyện xoay quanh những cái đời thường, nhưng làm con người ta ray rứt về cuộc đời, về những số phận của những năm tháng khó khăn của đất nước. Con người ta chỉ xoay quanh đồng tiền, bỏ qua những giá trị khác. Ở đó có ông giáo Thứ, đang có nhiều trăn trở, những giá trị do ông tự đặt ra cứ bị xoay quanh, bị xê dịch bởi cuộc sống và thời cuộc. Giai đoạn trước kháng chiến, con người bị phụ thuộc nhiều vào thời cuộc nên tác giả chưa đưa ra được một giải pháp hay chân lý mới tươi sáng hơn.

4. Ngô Thanh Phương review sách Sống Mòn

Vốn có nhiều kinh nghiệm viết về người nông dân và trí thức cũ, Nam Cao tiếp tục in đạm dấu ấn trong mắt bạn đọc với tác phẩm “SỐNG MÒN”. Nghe đề có vẻ lạ nhỉ, nhưng nó thật hay đấy bạn à! những người trẻ như chúng ta cần-và-nên đọc những cuốn sách như thế này để hiểu rõ và cảm thông cho thế hệ ông bà đi trước. Cuộc sống dưới thời kì phong kiến, họ-những con người khốn khổ luôn bị chèn ép, đè nén, mất tự do. Truyện toát lên hiện thực một cuộc sống đói nghèo, nguy nan, không lối thoát. Những trang viết đầy xúc động, hiện thực cùng lối miêu tả các nhân vật tinh tế và chu đáo đã bóc trần cả bản chất xã hội cũ và lòng thương cảm thầm kín của tác giả cho kiếp sống con người. Một cuốn sách hay phải đủ cả hiện thực và nhân đạo. Cuốn sách này đúng là như vậy. Bạn tự đọc và cảm nhận xem sao nhé!

5. Dang-Khoa Le Tan review sách Sống Mòn

“Chết là thường. Chết trong lúc còn sống là điều nhục nhã…” trong Sống Mòn có những đoạn xuất sắc, đậm chất Nam Cao.

“Trơ trơ trước cái chết của người thân, y đã khóc cái chết của chính tâm hồn mình.”

Cuộc sống giai đoạn trước 1945 của một ông giáo trẻ ở vùng ngoại ô Hà Nội được miêu tả một cách sống động và tinh tế, miêu tả tận cùng lối “sống mòn” – theo cách mà Gothe từng nói: “sứ mệnh của loài người là sống chứ không phải tồn tại”. Họ có ước mơ, hoài bão lớn lao, nhưng tất cả bị vùi dập bởi thời cuộc, bởi cái nghèo, cái túng.

Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa xã hội mới và cũ, sự quá độ trong suy nghĩ và bối cảnh xã hội. Đó là cuộc chiến đang lăm le vào cuộc sống người Việt thời bấy giờ. Đó là cái xiềng xích đã trói buộc con người tri thức khỏi những tư tưởng cống hiến cho nhân loại.

Tôi nghĩ, không cần đến những bối cảnh lịch sử riêng biệt. Ai đó trong thời trai trẻ cũng tự hỏi lòng mình điều ta thực sự muốn: sôngs cho đáng sống để cống hiến cho đời hay rệu rã sống mòn bởi cơm áo gạo tiền.

Như lời bài hát năm nào tôi vẫn thường nghe:

“Ai cũng một thời trẻ trai
Cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu ?
Phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không em, phải không anh ? “

Sống mòn - Nam Cao
LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

6. Trúc Trịnh review sách Sống Mòn

Nam Cao viết vào thời điểm nào mà sao đến bây giờ vẫn giống đến như vậy?

Tôi đọc Sống mòn với tâm trí đang chạy một bộ phim tưởng tượng. Tôi muốn một bộ phim chuyển thể, với những mảng màu đang chồng lên nhau ngay khi tôi vừa gấp sách lại. Những mảng màu tôi hi vọng rằng được thấy.

Khi thì xanh xanh, trắng trắng, hồng hồng điểm quanh những cô gái tân thời, xinh đẹp lướt qua những ông thầy giáo đang cô đơn vì xa nhà, xa vợ.

Khi thì vàng chát chúa cho những ngày hè oi ả, rồi chuyển sang một sắc cam nâu chảy trên những bức tường lúc mà một đôi tình nhân đang hôn vụng trộm.

Khi thì xám ngoét cho những đêm tối lạnh lẽo, bóng đêm đổ đằng những bước chân của người đàn ông đi lặng lẽ dưới những ngọn đèn đường. Chờ đợi, cầu mong một người nào đó đủ cam đảm đập vỡ bề ngoài lạnh lùng cho hắn.

Lúc thì rực đỏ khi chiến tranh đang sát đằng sau lưng, người ta rối bời trước sự khắc nghiệt của nó. Mọi thứ vỡ tan, mọi hi vọng bấu víu sụp đổ.

Tôi tự thấy đau khi đọc Sống mòn, mọi trăn trở, suy nghĩ của nhân vật như vừa khít với mình. Như những điều tưởng chừng như mình sẽ đánh đổi mọi thứ để thực hiện nó hóa ra lại không thể. Những nghi ngờ, suy nghĩ ích kỷ dành cho người khác để tự tôn vinh những điều mình đang làm là cao quý. Mỗi kẻ trong Sống mòn đều chỉ đang cố bám lấy một mảnh gỗ trôi lênh đênh, một thứ mà họ mệt mỏi vì nó nhưng chẳng dám thoát khỏi.

7. Mã Phong review sách Sống Mòn

Nếu khi đọc văn học nước ngoài, sự bất ngờ của mình ở mức này *tay để ngang cằm* thì khi đọc văn học Việt Nam, sự bất ngờ của mình ở mức này *tay để quá đầu*.

Một cuốn sách dù mỏng nhưng không hề dễ đọc. Tình tiết truyện không nhiều, cũng không đề cập những vấn đề quá lớn lao, với sự phức tạp đến từ tâm lý nhân vật chính Thứ là điểm nhấn. Lần đầu tiên mình gặp một nhân vật chính đặc biệt như vậy trong văn học. Mình tự thấy mâu thuẫn với bản thân, lúc thì mình thấy Thứ là người tốt, lúc mình lại thấy anh ta giả tạo và chỉ cố tỏ ra mình tốt ở bên ngoài thôi. Mình nhận ra một số điểm mình cũng giống như Thứ, lúc nghĩ thế này, nhưng sau lại nghĩ thế khác, cảm giác như Thứ đang nói giùm suy nghĩ của mình vậy, nhưng mình không đồng cảm hoàn toàn và đồng ý 100% với những gì Thứ nghĩ. Anh chàng này đúng kiểu suy diễn thấy sợ luôn, nhiều khi chuyện cũng không có gì mà qua suy nghĩ của ổng là nó thành cái gì tội lỗi, tày trời lắm. Điều đó tạo cho mình sự khó chịu, bứt rứt khi đọc, cảm thấy như mình cũng đang bị nhốt trong cái hoàn cảnh mà Thứ đang sống, đọc cũng mệt mỏi lắm nhưng mình có thể thông cảm và hiểu được phần nào những suy nghĩ đó nên không cảm thấy ghét anh.

Có lẽ nhân vật Thứ được lấy chất liệu từ chính bản thân nhà văn Nam Cao, khi mà hoàn cảnh cũng như con người của ông và Thứ có những nét tương đồng: “Bề ngoài Nam Cao vụng về, ít nói, có vẻ lạnh lùng, nhưng đời sống nội tâm thì luôn luôn sôi sục, có khi căng thẳng: Nam Cao thường lấy làm xấu hổ về những tư tưởng mà ông tự thấy là tầm thường, hèn kém của mình. Nam Cao muốn khắc phục những tư tưởng ấy để sống xứng đáng với danh hiệu Con Người. Hầu như ông không bao giờ có được cuộc sống bên trong thanh thản. Trong tâm hồn nóng bỏng ấy, thường xuyên diễn ra cuộc xung đột âm thầm mà gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỉ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát, giữa tính chân thực và sự giả dối, giữa những khát vọng tinh thần cao cả và những dục vọng phàm tục.”

8. Vivian Tran review sách Sống Mòn

Sống mòn là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, tiểu thuyết đề cập đến một vấn đề nhức nhối của người trí thức trong thời đại cũ, những văn nghệ sĩ nhiều khao khát, giàu lý tưởng nhưng cuộc sống cứ mòn dần, lụi dần bởi mối lo cơm áo.đó một tiểu thuyết không trọng cốt truyện, không trọng tình huống, không trọng hành động, không trọng đối thoại, chỉ những miên man nghĩ và nghĩ. cuốn tiểu thuyết có chiều nội tâm quá sâu và quá nặng ưu tư nên ko có quá nhiều người đọc. “Sống mòn”, nói đến cái chết mòn, nó là “cái chết ngay trong lúc sống” – cái chết của những người sống sờ sờ ra đấy mà không biết dùng sự sống của mình vào việc gì.

Và đoạn kết của truyện mà Nam Cao viết chỉ nhằm khắc thật sâu vào lòng người đọc một lần nữa hiện thực đau đớn đó :”Trên những bãi sông trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi cày, ăn cỏ, chịu rồi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám rứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…”

9. Rainy review sách Sống Mòn

Review: Sống mòn
Đây là cuốn sách mình cảm thấy khó review nhất từ trước tới giờ. Gấp cuốn sách lại, trong đầu mình vẫn bải hoải với hình ảnh những con người cùng cực, lam lũ, những số phận sống “lay lắt” suốt tác phẩm. Là Thứ, là San, Oanh, Liên, thằng Mô, hay chỉ là 1 nhân vật phụ tình cờ lướt qua cuốn truyện như ba mẹ con sống dưới mái nhà lá. Cả xã hội điêu đứng vì cái đói, cái nghèo, và đáng buồn hơn nữa, cái Hèn.

Rằng khi con người ta ai cũng khổ, họ quên mất dần bản năng yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, mà chỉ còn lại những tính toán, mưu toan.

Nam Cao đau thay cho cái đau của người nông dân và những người nghèo, vì họ ở trong cái khổ mà không hiểu là mình khổ; đau thay cho những kẻ có mơ ước, có lý tưởng nhưng bị chính xã hội thẳng tay vùi dập, bắt họ quay về với những lo toan cơm áo gạo tiền, với những suy tư làm sao để sống cho ra sống, sống mà vẫn giữ được nhân cách của mình.

Nhiều đoạn miêu tả tâm lý hay suy tư của ông giáo Thứ chứa trong đó những bài học nhân sinh sâu sắc, nhưng câu mình thích nhất nằm ở trang cuối cùng. Rằng: “Sống là phải thay đổi”, chưa biết bằng cách nào, nhưng chắc chắn phải thay đổi. Không chỉ vào thời điểm năm 1944, mà hiện nay thế giới vẫn thay đổi từng ngày. Sao không mạnh dạn xoá bỏ cái cũ một lần để vươn tới điều tốt đẹp hơn?

III. Trích dẫn sách Sống Mòn – Nam Cao

Sống mòn - Nam Cao
LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Những trích dẫn hay trong tác phẩm Sống Mòn – Nam Cao

“Yên thân như vậy để làm gì? Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết.. cả cuộc đời chỉ thu gọn vào bằng ấy việc thôi ư? Và có sung sướng gì cái kẻ suốt đời chỉ biết chúi mũi vào cái cối xay bột, chẳng bao giờ dám nhìn xa hơn một chút, thu hẹp cuộc sống và sự hiểu biết của mình vào trong cái phạm vi nhỏ hẹp của mảnh đất con con của mình!…”

“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”

“Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất.”

“Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen…”

“Trên những bãi sông kia, có biết bao người sống như y, nhưng không bao giờ cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…”

“À! Không được! Y không thể nghĩ liều. Cơm, áo, vợ, con, gia đình… bó buộc y. Y cứ phải gò cúi mãi! Gò cúi mãi! Làm! Chỉ có làm! Chịu khổ! Mà chẳng bao giờ được hưởng, mà chẳng bao giờ cất đầu lên nổi! À! À! Sao tất cả những cái gì trên đời này không chết hết cả đi! Sao trái đất của loài người không vỡ toang ra! Cuộc sống… cuộc sống thật đã là một cái gì trói buộc và nặng nề quá sức!”

“Hãy nói nguyên về sự học thôi. Tôi không nói chắc rằng học thức có thể tạo ra hạnh phúc cho loài người. Nhưng nếu quả thật nó không tạo nổi hạnh phúc cho loài người, theo như anh tưởng, thì nó cũng chẳng tạo ra đau khổ, chính anh vừa bảo thế. Nó chỉ làm người ta nhìn rõ cái khổ mà thôi.
[…] Tôi quý cái học thức ít ỏi của tôi. Tôi lấy làm kiêu vì nó. Tôi nghèo, tôi khổ, tôi ốm yếu thật, nhưng nếu bảo tôi đổi cái học thức của tôi lấy cái giàu, cái sướng, cái khỏe mạnh của người dốt nát, nhất định tôi không đổi. Anh thử nghĩ kĩ mà xem. Chỉ có cái thú đọc sách cũng đã kéo lại cho chúng mình nhiều lắm…”

“Thật ra thì dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám mạnh bạo tìm những cuộc đổi thay. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ.”

“Ích kỷ thì cố nhiên là ích kỷ rồi. Nhưng chẳng riêng gì bọn đàn ông, đàn bà cũng thế, đàn bà cũng muốn giữ một mình một chồng lắm chứ! Giời sinh ra thế. Khoa học có thể tiến, loài người có thể văn minh, luân lý luật pháp có thể ít bó buộc hơn, nhưng về tình yêu thì đến ngàn, vạn năm sau vẫn vậy: người ta vẫn ích kỷ, vẫn ghen tuông, vẫn muốn giữ độc quyền, vẫn không chịu được một cái tình yêu chia sẻ. Con cháu chúng ta sẽ vẫn băn khoăn đau khổ vì yêu như chúng ta bây giờ và như tổ tiên ta ngày trước.”

“Cuộc đời như thế kéo dài đã mấy năm rồi. Nó còn kéo dài ra năm năm, mười năm, hai mươi năm… biết đến bao giờ? Thứ hoảng hốt nhận ra rằng đời y rất có thể cứ thế này mãi mãi, suốt đời. Hoảng hốt như là y mới nhận ra cái điều thất vọng ấy lần đầu. Thì xưa nay y vẫn ngấm ngầm hy vọng vào một cái gì mãi đó ư? Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cuộc sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn đợi chờ một cái gì, một cuộc đổi thay. Căn cứ vào đâu? Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy. Ôi chao! Còn cách gì có thể thay đổi được đời y?”

Trích đoạn sách Sống Mòn – Nam Cao

Sáng độ một giờ rồi. Phương đông trắng mát màu hoa huệ, đã ngả qua màu hồng của tuổi dậy thì, để bây giờ nhếnh nhoáng màu vàng cháy. Mặt trời mới nhú lên được một chút, khỏi cái nóc nhà cao nhất, ở đầu phố đằng kia. Những tia nắng đầu tiên, óng ả như tơ, lướt qua một rặng mái nhà thấp lè tè, cáu bẩn, mấp mô, để đến xiên vào hai cái cửa sổ gác nhà trường, cái cao thứ hai ở đầu phố đằng này. Nắng chảy thành vũng trên sàn. Hai vùng sáng, trước còn nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ hình thêm. Sau cùng thì đã rõ ràng là hai cái hình chữ nhật lệch có rọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chì nâu. Nó hắt cả lên cái đi văng Thứ đang ngồi, khiến y nheo nheo mắt nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn.

Thứ ngồi tránh sang một bên, rồi lại cúi xuống, lần lượt giở mấy quyển sách giáo khoa để trên đùi. Y tìm những bài để dạy hôm nay. Y dạy học đã hai năm. Cái chương trình học của lớp nhất, lớp nhì y đã thuộc gần nhập tâm, chỉ thuộc thêm một chút nữa là y đã có thể làm như một giáo sư toán học cũ của y, nhớ đến cả giả lời những bài tính đố mà ông có thể đọc thuộc lòng được đầu bài, nên quanh năm dạy học không cần dùng đến một quyển sách nào. Trong việc soạn bài, không cần thận trọng quá như hồi mới đến trường, có lẽ do đấy một phần. Nhưng một phần lớn lại vì cớ khác.

Có thể nói rằng y đã chán nghề. Không phải vì nghề dạy học tư không thích hợp với y. Nhưng cái nghề bạc bẽo làm sao! Để bớt số giáo viên, một mình y dạy lớp nhất xong lại phải dạy lớp nhì kế theo ngay, nên mỗi ngày phải dạy đúng tám giờ. Tám giờ nói luôn luôn, cử động luôn luôn, chẳng lúc nào ngơi. Thì giờ học trò ở lớp rút đi, nên thầy phải dùng đến từng phút con con để có thể dạy hết bài. Tất cả các bài làm đều phải chấm ở nhà. Thành thử mỗi ngày y bận rộn đến mười giờ. Công việc mệt mỏi quá đi cày. Thế mà lương mỗi tháng, chỉ vẻn vẹn có hai chục đồng.

Người hiệu trưởng cũ là một người anh họ Thứ. Đích trước kia giữ một chân bán hàng buôn. Cả đời đi làm cho một sở tư, cố nhiên là chẳng thú vị gì. Đích bèn chung vốn với Oanh, một bạn gái đồng sự của y, mở ra cái trường học ngoại ô này. Nhưng trường dạy được hai khóa thì y đỗ kì thi vào công sở, được bổ đi làm ở một tỉnh xa. Y mướn Thứ thay y làm hiệu trưởng và dạy mấy lớp trên. Y bảo Thứ: “Trường bây giờ còn ít học trò, tôi sẽ bảo Oanh đưa cho Thứ mỗi tháng vài chục bạc. Khi nào nhiều học trò hơn, chúng mình sẽ nói chuyện lại với nhau. Bọn mình liệu với nhau dễ lắm”. Tuy chẳng hiểu dễ thế nào, Thứ cũng gật đầu ngay. Y không muốn nói nhiều chuyện tiền nong. Ngay đến không phải chỗ thân tình mà còn cò kè với nhau về một vấn đề tiền, y đã thấy ngượng ngùng rồi, huống hồ Đích với y là chỗ người nhà, lại là bạn học với nhau từ thủa còn thơ. Vả lại lúc bấy giờ y không để ý đến số lương. Thất nghiệp gần hai năm rồi, y đang cần chỗ làm. Y đang muốn có thể dùng sức mình vào một việc gì. Bởi vậy, suốt một năm đầu, y là một ông thầy rất tận tâm. Y soạn bài, giảng bài, chấm bài rất kỹ càng, bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu thì giờ đều dùng cả cho nhà trường, cho lũ học trò. Hết niên học, số học trò đỗ bằng tốt nghiệp, so với những năm trước, tăng vọt hẳn lên. Bắt đầu từ khóa học sau, danh số những học trò xin vào học gấp đôi. Oanh hài lòng lắm. Thứ cũng hài lòng lắm.

Nhưng sự hài lòng của Thứ không bền. Chẳng bao lâu, y nhận ra rằng số học trò tăng lên nhiều quá, chỉ khổ y. Y vất vả thêm. Mà số lương thì vẫn thế. Trong khi ấy, vợ y ở nhà quê lại đã sinh một đứa con. Bận rộn con thơ, cố nhiên là người đàn bà phải làm kém đi, tiêu lại tốn hơn, Thứ đã phải nghĩ nhiều đến tương lai. Sự lao lực và những nỗi lo khiến người y hóp hẳn đi. Nét mặt y, đôi mắt y, để nhiễm một vẻ gì mỏi mệt rồi. Y mỏi mệt cả đến tâm hồn, cả tính tình. Y không còn bồng bột, hăng hái như trước nữa. Những lúc thấy mình và vợ con mình khổ quá, y đã bắt đầu tự hỏi y: “Mình làm việc đến gần kiệt sức mà tình cảnh cũng không thể hơn thế này ư?”. Một buổi sáng, trong lúc đánh răng, y bỗng tính ra rằng mỗi sáng, nguyên về hai lớp của y, người ta đã thu được tám mươi đồng. Y chỉ được một phần tư. Còn sáu mươi đồng nữa đâu? Tiền nhà, mười bảy đồng, tiền thằng ở, được sáu đồng thì nó còn làm đến trăm việc khác cho Oanh, chứ có riêng gì việc nhà trường đâu; tiền phấn viết bảng, độ vài đồng… Tất cả mọi thứ chi phí cho cả nhà trường, chỉ có thế thôi. Nguyên một số sáu mươi đồng kia, đã thừa được quá nửa rồi. Lại còn tiền thu ở bốn lớp kia. Thế thì Oanh không phải khó nhọc gì, không phải một trách nhiệm gì, cái trách nhiệm hiệu trưởng hoàn toàn Thứ phải đảm đương, mà được lợi về cái trường mỗi tháng trăm bạc. Sao lại vô lý thế?…

Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng guốc khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm. Sáu rưỡi…

Thứ đã xong, y đánh dấu những trang cần dùng bằng những mảnh giấy con, rồi gấp vào. Y ngẩng mặt lên. Oanh ngồi ở cái bàn độc nhất, kê áp vào tường mé bên kia, đang tô điểm.

Oanh không đẹp, y gầy đét, vẻ mặt cũng như dáng người, cứng nhắc và khô. Tóc thì quăn xoắn xít món nọ với món kia mà lại ngắn, nên phải thêm một cái độn cho thành một cái búi to to dễ coi hơn. Mắt cũng tầm thường. Chỉ được hai hàm răng tươi, trắng nõn và đều. Y vẫn lấy làm kiêu ngạo lắm.

Oanh dạy hai lớp trẻ con. Những đứa trẻ lau nhau, nguệch ngoạc, hôi tanh, đến lớp chỉ để bôi mực vào tay, lên quần áo, lên mặt, lên tay, lên bàn ghế và tường của nhà trường. Thứ không hiểu như vậy thì Oanh đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày kĩ càng như thế làm gì? Mỗi sáng, y mất vào đấy đến nửa giờ. Sáng hôm nay, y còn nhiều thì giờ để ngắm nghía mình hơn. Y nhìn vào gương, vừa xoa nắn mặt, vừa càu nhàu: “Chà! Sao trông cái mặt mình ngán quá! Mình già quá!”. Thứ thấy buồn cười. Y nghĩ bụng: “Ai bảo tiếc của giời? Còn hám lợi lắm thì rồi thế nào cũng chết già ở cái trường này… “

Cứ mười ngày, Oanh lại bảo Thứ một lần:

– Tôi cũng sắp trả chú cái trường của chú đấy. Chẳng lẽ cứ vua Lê, chúa Trịnh mãi thế này. Đích hẹn với tôi rằng Đích đi làm một vài năm, dành dụm một số tiền rồi sẽ cưới tôi. Tôi sẽ đi với Đích. Cái trường này, để lại cả cho chú, mặc chú trông coi lấy.

Mới đầu, câu nói ấy đã gợi cho Thứ bao nhiêu mộng. Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn. Nhà trường sẽ có một phòng giấy để tiếp khách hẳn hoi. Học sinh sẽ có tủ sách, hội thể thao, những cuộc chơi giải trí… Phần nhiều các bạn đồng nghiệp của y, coi trường tư chỉ là một chỗ kiếm ăn tạm bợ để đợi thời. Y, trái lại, đã định rằng sẽ sống chết ở trong nghề. Y thành thực yêu nghề và yêu các trẻ em. Y rất tận tâm. Y dạy có phương pháp và chăm. Y đã làm cho cái trường này được tín nhiệm, nhiều học trò thêm. Chỉ tiếc rằng y không được toàn quyền theo như ý của y. Oanh ngại những món tiền, nghe y bàn gì cũng gạt đi. Nhưng đến khi nhà trường đã thuộc hẳn tay y… À! Y tin chắc rằng nó sẽ không chỉ thế này thôi. Nó sẽ tiến hơn nhiều. Số học trò sẽ hơn nhiều. Số thu sẽ gấp đôi lên. Các giáo viên sẽ được thù lao một cách xứng đáng hơn. Họ sẽ không còn phải băn khoăn nghĩ đến tiền, đến cơm áo. Họ có thể để hết thì giờ và tâm trí vào nghề. Thứ cũng lấy mỗi tháng một số lương nhất định, đủ tiêu dùng. Y sẽ đem theo vợ con. Còn bao nhiêu lời lãi, sẽ đập cả vào cái quỹ chung của nhà trường. Trong cái quỹ ấy, bao nhiêu phần sẽ dùng vào việc mở mang, bao nhiêu phần vào những cuộc phát thưởng và những ngày hội hàng năm của học sinh, bao nhiêu phần sẽ giữ lại cho các giáo viên vào mỗi ngày cuối năm, bao nhiêu phần sẽ chia cho họ để cho họ một số tiền hưu… Thứ đã tính rành mạch cả. Y dám chắc rằng nếu cái trường thuộc quyền y thì y sẽ thực hành cái chương trình kia chẳng khó khăn gì, và y sẽ bắt đầu thực hành ngay. Nhưng bây giờ thì y đã chán rồi. Y đã hiểu rằng người ta chỉ dử y, người ta chẳng chịu nhả đâu. Cái trường còn có lời thì người ta còn phải khư khư ôm lấy nó…

Oanh cất tiếng gọi thằng Mô, thằng ở của nhà trường. Tiếng y the thé, hách dịch, gắt gỏng. Thứ ghét những người đàn bà như vậy. Y thấy một nỗi tức đột ngột xông lên óc. Y đứng phắt lên, mở cửa trước ra hiên gác. Ở mé bên kia đường, đã lẻ tẻ mấy bọn học trò. Chúng nhìn lên cất mũ chào. Thứ lại phải tươi mặt lại. Y khép cánh cửa, để chúng không nhìn vào bên trong được.

San, người bạn dạy hai lớp dưới những lớp y, quần áo chỉnh tề, ngồi trên chiếc ghế mây, tay tì lên cái chấn song, cầm một quyển sách mở, đang đọc thành tiếng lầm bầm. Y đọc rất nhanh, sùi cả bọt mép ra. Thỉnh thoảng y lại hít mạnh vào một cái và đưa tay lên quệt mép.

San đang theo học một lớp buổi tối để thi bằng tiểu học Pháp chương trình ba năm. Y muốn học trong có một năm. Thì giờ hết mất rồi, chỉ còn vài tháng nữa đã thi, mà phần chưa học kịp thì còn nhiều quá. Bởi vậy, y học đúng như bò ngốn cỏ. Buổi sáng, vừa mới dậy, y đã mải mốt rửa mặt, chải đầu. Rồi y tròng cái ca-vát thắt sẵn vào cổ, rút lên, nắn qua loa, mặc quần áo, xỏ giầy. Tất cả những việc ấy, làm trước đi để lát nữa đến giờ, chỉ việc sang trường. Thế rồi xách một chiếc ghế và một quyển sách ra hiên, y chúi mũi vào sách, học…

Thứ lại đứng cạnh y, nhìn vào trang sách y đang học. Đó là một quyển địa dư. Thứ rất dốt và rất ghét địa dư. Y nhìn xuống đường. Mấy đứa học trò nhà, toàn những em, những cháu Đích và Oanh, đùa nghịch với nhau, xô đẩy chạy ra đường, trông thấy y chúng lại chạy thụt vào. Tại sao như vậy? Hồi còn nhỏ, đi học, y rất sợ thầy. Bây giờ, y vẫn cố làm cho học trò y không sợ sệt y. Trong giờ học thì cố nhiên y cũng phải nghiêm trang. Nhưng ra khỏi lớp, y đối với chúng thân mật, dễ dãi, còn hơn một người anh đối với các em. Tại sao trước mặt y, chúng vẫn không thể đùa nghịch, tự nhiên như vậy?…

San ngẩng lên, toe toét, khẽ bảo y bằng tiếng Pháp:

– Con bé Lân vừa đi qua đấy!

Mặt San đung đưa và tiếng y dơn dớt. Động nói đến gái là y nhõng nhẹo và chớt nhả. Thứ khó chịu, lạnh lùng.

– Thì mặc nó! Cái ấy không can gì đến tôi!

– Thấy ghét! Giá húp được thì có đứa đã húp ngay được đấy!

– Mất dạy! Học trò ở dưới kia chúng nó nghe thấy thì đẹp mặt.

San cười phì một cái ra đằng mũi, rồi lại chúi đầu vào sách học. Nhưng ở trong nhà, tiếng Oanh chan chát mắng và tiếng thằng Mô oang oang cãi lại. Gần như chủ và đày tớ cãi nhau. Thứ bĩu môi. San cau mặt dằn khẽ quyển sách xuống, rít trong cổ họng:

– Không chịu được!

Thứ mỉm cười:

– Ai bảo dại? Đang yên lành, tự nhiên dở chứng, trả lại nhà, đến rúc vào đây. Đã được suốt ngày nhức đầu chưa?

San bỗng lại phì cười. Y bảo:

– Chúng mình khổ thật! Giá được ở với vợ thì phải cố chịu cái tai nạn đàn bà lắm điều, cũng là lẽ đương nhiên. Đằng này phải bỏ vợ mà đi thế mà vẫn không tránh được cái khổ mồm loa, mép giải. Không được ăn xôi, cũng phải nai lưng ra mà chịu đấm. Ức chết đi được.

….

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Sống Mòn – Nam Cao. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Sống mòn - Nam Cao
LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Bảy bước tới mùa hè - Nguyễn Nhật Ánh

Bảy Bước Tới Mùa Hè – Nguyễn Nhật Ánh

"Bảy bước tới mùa hè" là câu chuyện về một mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và bâng khuâng tình cảm tuổi mới lớn. Câu chuyện cho tuổi học trò, đọc xong là thấy ngập lên khao khát quay về một thời thơ bé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *