Buổi Chiều Windows – Nguyễn Nhật Ánh

Buổi chiều windows - Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại Truyện dài
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
NXB NXB Trẻ
CTy Phát Hành NXB Trẻ
Số trang 224
Ngày xuất bản 12-2018
Giá bán FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Buổi Chiều Windows

Buổi chiều Windows là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sáng tác năm 1995, vào thời kỳ máy vi tính và hệ điệu hành Windows bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Cùng với Nữ sinh và Bồ câu không đưa thư là tác phẩm nằm trong bộ truyện mà tác giả viết riêng về bộ ba Xuyến, Thục, Cúc Hương.

Truyện lấy khung cảnh phòng thu máy vi tính của một công ty trách nhiệm hữu hạn, nơi bộ ba nữ sinh vui nhộn và nghịch ngợm Xuyến, Thục, Cúc Hương bạo gan xin đến làm nhân viên vi tính (tạm thời trong thời gian hè) trong khi chưa biết tí gì về tin học. Truyện mô tả mối tình mộng mơ của tuổi mới lớn. Tất nhiên, nhưng mối tình đơn phương vẩn vơ sẽ vỡ tan vì không có cơ sở thực tế.

Giống như hai truyện dài Nữ sinh và Bồ câu không đưa thư của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật chính trong truyện Buổi chiều Windows này vẫn là bộ ba Xuyến, Cúc Hương và Thục nhưng với một bối cảnh hoàn toàn khác hẳn: mùa hè – mùa không còn vương vấn chuyện học hành, không còn va chạm với những bạn bè cùng lớp. Mùa hè này ba cô đi xin việc làm để kiếm tiền trong mấy tháng hè trước khi bước vào năm học lớp 12. Mùa hè này sẽ rất thú vị vì hai cô gái chuyên quậy phá, Xuyến và Cúc Hương, sẽ nếm thử và biết được thế nào là hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu. Cùng theo chân bộ ba này khám phá mùa hè rộn rã của học trò qua giọng văn hóm hỉnh, dí dỏm, đáng yêu của Nguyễn Nhật Ánh.

Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.

Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).

II. Review sách Buổi Chiều Windows

Review Buổi chiều windows - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Buổi Chiều Windows của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NAM DUONG review sách Buổi Chiều Windows

Buổi chiều windows lại là một tác phẩm nữa của Nguyễn Nhật Ánh và một tác phẩm nữa viết về một kì nghỉ hè nhưng nó không còn là kì nghỉ hè ở quê ngoại của cậu bé Khoa nữa mà là của 3 cô học trò tên Thục, Xuyến và Cúc Hương.

Truyện kể về một kì nghỉ hè của 3 cô gái khi đi làm thêm ở công ty tin học Việt Anh, nơi mà “tam đầu quậy” không chỉ được đi làm thêm kiếm tiền mà còn được trải qua cảm giác của tình yêu lần đầu tiên trong cuộc đời, là những ngày hè mà 3 người chìm đắm vào những mối tình của mình, là mối tình trong mơ của Thục và nhà thơ Tóc Mây, mối tình dang dở của Cúc Hương và Vân và mối tình lén lút của Xuyến và Thiếu.

Cộng thêm với những trò tinh quái và những lời nói ma rãnh của 3 cô đã tạo nên một câu chuyện thật hay, nhẹ nhàng nhưng cũng có một vài plot twist cuối chuyện cũng làm cho người đọc cảm thấy có một chút gì đó hơi tiếc nuối về một cái kế không đẹp như mình tưởng lúc ban đầu nhưng có lẽ đó cũng là một cái kết hay vì 3 cô gái mới chỉ còn tuổi đi học nên việc trải qua những mối tình như thế cũng coi là một kỉ niệm đáng nhớ của tuổi học trò, và mình cũng đã có một thứ như thế với một người con gái tên Tr, một kỉ niệm không bao giờ quên ở cái tuổi cắp sách tới trường ấy. Đầu tác phẩm bác có nói 3 nhân vật này đã từng xuất hiện trong 2 tác phẩm trước đó là “nữ sinh” và “bồ câu không đưa thư” nên mong rằng trong tương lai gần sẽ được đọc nhiều tác phẩm của Bác hơn nữa, luôn ủng hộ bác!!!

2. KHÁNH LINH review sách Buổi Chiều Windows

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Anh luôn xoay quanh tuổi học trò với biết bao kỉ niệm buồn vui. Ngoài Quý ròm, Hạnh, Tiểu Long… trong Kính vạn hoa thì Xuyến, Thục, Cúc Hương là ba nhân vật khá dễ thương.

“Buổi chiều window” là câu chuyện của 3 cô gái với hành trình đi kiếm việc làm trong mùa hè. Mối tình đơn phương của Cúc Hương với Vân, sự mơ mộng, đáng yêu của Thục với nhà thơ Tóc Mây… tất cả tạo nên một chuỗi câu chuyện dí dỏm và hài hước.

Tuy cuối cùng chẳng có cuộc tình nào trọn vẹn, nhưng Nguyễn Nhật Ánh đã đọng lại trong lòng người đọc cảm xúc dạt dào, trong trẻo. Câu chuyện không quá bi thảm, mà vui vẻ pha lẫn tình cảm nhẹ nhàng, tinh tế, rất độc đáo, chân thật, phù hợp với mọi lứa tuổi.

3. MI NGUYEN review sách Buổi Chiều Windows

Mình không biết cảm nhận của các bạn khác như thế nào khi đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Riêng mình tác phẩm nào mình cũng thích. Có lẽ vì tính mình thích những gì tự nhiên, và trẻ con. Rất hồn nhiên trong sáng.

Buổi chiều windows kể về ba cô gái với những cá tính khác nhau. Họ đều là những cô nàng vui tính, tinh nghịch, với những đam mê của tuổi trẻ. Có lúc chúng ta thấy họ thật buồn cười, khi lại xúc động.

4. NGÂN PHƯƠNG review sách Buổi Chiều Windows

Câu chuyện với nội dung nhẹ nhàng đời thực của 3 cô gái cấp 3. Trước khi đọc có lướt qua xíu nội dung, hay thấy mấy câu chữ về máy tính thì cũng ko hiểu, nghĩ là hơi khô khan. Nhưng đọc rồi thì lại ko hề như thế.

Đây cũng sẽ đc coi là 1 trong những quyển yêu thích của mình trong bộ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

III. Trích dẫn sách Buổi Chiều Windows

Trích dẫn Buổi chiều windows - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Chương 01 – Buổi Chiều Windows

–––––

Một buổi sáng mùa hè, trên đường Nguyễn Du có ba cô gái chạy trên hai chiếc xe, vừa đi vừa dòm dáo dác. Đường một chiều, nhưng không vì vậy mà người qua kẻ lại ít nhộn nhịp. Những chiếc xe phân khối lớn vừa phóng vun vút vừa bóp còi inh ỏi khiến ba cô nhăn mặt nép sát vô phía trong.

Dĩ nhiên những ai đã đọc qua những truyện dài đại loại như “Nữ sinh ” hoặc “Bồ câu không đưa thư” đều biết ngay ba cô gái đó không ai khác ngoài bộ ba Xuyến, Thục và Cúc Hương.

Cúc Hương chở Thục. Còn Xuyến chạy một mình.

Có lẽ mệt mỏi vì chở nặng, Cúc Hương buột miệng than vãn:

– Cái công ty quỷ quái này ở đâu mà đạp hoài không tới vậy nè!

Xuyến nhanh nhẩu phụ họa:

– Ừ , mỏi chân ghê! Phải chi đó không phải công ty mà la một quán ăn thì dù nó có ở tận Bắc Cực, mình cũng đâu thấy mỏi như vậy!

Trong khi Thục ngồi đằng sau che miệng cười khúc khích thì Cúc Hương liếc Xuyến, hừ mũi:

– Xiên xỏ gì tao đó mày!

Xuyến thản nhiên:

– Tao chỉ ví dụ vậy thôi chứ hơi đâu…

Xuyến nói chưa dứt lời, Thục đã kêu lên:

– Hình như tới rồi đó! Tốp lại đi!

Cúc Hương và Xuyến lập tức bóp thắng, tấp vô lề.

Khu vực này nhà cửa san sát, hàng cơm ký hiệu sách báo, tiệm uốn tóc chen với cửa hàng sửa chữa ti-vi.

– Phải đây không? – Cúc Hương nhìn vào căn nhà có trương tấm bảng “Công ty Việt Anh” hỏi trổng trổng.

– Theo như địa chỉ con Xuyến nói thì đúng là nó rồi! – Thục gật đầu.

– Tao nghi không phải! – Cúc Hương nhún vai – Đây chắc là công ty chuyên soạn từ điển!

Thục trố mắt:

– Sao mày biết?

Cúc Hương tỉnh bơ:

– Mày không thấy trên bảng đề hai chữ “Việt Anh” đó sao! Chắc chắn nó còn một công ty em là “công ty Anh Việt” nữa!

Thục “hứ” một tiếng:

– Nói như mày!

Xuyến không tham gia vào cuộc tranh cãi của hai bạn. Lặng lẽ lôi từ trong túi xách ra một tờ giấy nhỏ, nó lẩm nhẩm đọc rồi liếc vào căn nhà, gật gù:

– Chắc là công ty này rồi…

Cúc Hương trờ tới, dòm vào tờ giấy trên tay Xuyến:

– Đúng không mày?

– Đúng chóc!

Thục ngập ngừng hỏi:

– Bộ thầy Gia không biết tên công ty này hả?

Xuyến tặc lưỡi:

– Chắc là thầy quên! Nhưng theo địa chỉ thầy ghi thì đích thị là công ty này!

– Vậy thì mình vô đi!

Nghe Thục hối, Xuyến và Cúc Hương liền loay hoay dựng xe. Nhưng rồi ba cô gái vẫn túm tụm lại một chỗ, không ai nhúc nhích, vẻ ngần ngại hiện rõ trên mặt.

Thục huých khuỷu tay vô hông Cúc Hương:

– Vô đi mày! Làm gì đứng trơ như phỗng vậy!

Cúc Hương rụt cổ:

– Không hiểu sao tao thấy sờ sợ thế nào! Thôi để con Xuyến vô trước!

– Từ từ để tao quan sát “trận địa” đã! – Xuyến hắng giọng, mắt vẫn không ngừng dán chặt vào những bóng người đi lại thấp thoáng bên trong căn nhà.

Thấy Xuyến đứng cả buổi vẫn không buồn động đậy, Cúc Hương sốt ruột:

– Bộ định quan sát đến tết Ma-rốc hả mày?

– Đông người quá hà! – Xuyến chép miệng, giọng hồi hộp.

Điệu bộ của Xuyến khiến Thục rất đỗi ngạc nhiên. Cúc Hương do dự, Thục còn hiểu được, nhưng Xuyến mà rụt rè thì quả tình Thục chưa từng thấy bao giờ. Tuy cả hai đều bẻm mép, lanh lợi, nhưng so với Cúc Hương, Xuyến “trình độ” hơn nhiều. Xuyến bản lĩnh, gan lì, hình như sinh ra chỉ để át giọng và trấn áp kẻ khác. Đã bao nhiêu lần, Thục từng chứng kiến cảnh những tên con trai ngổ ngáo phải dở khóc dở cười khi đối diện với Xuyến. Vậy mà bây giờ, chẳng có một “đối thủ” nào trước mặt, Xuyến lại đâm ra bối rối, lạ thật!

– Đông người thì ăn nhằm gì! – Cuối cùng không nhịn được, Thục vọt miệng – Ở trường mình đông người gấp mấy lần ở đây mà mày đâu có sợ!

– Mày ngốc quá! – Xuyến hừ giọng – Ở trường khác, ở đây khác! Đi học làm sao so với đi xin việc làm được! Ở trường, muốn “bẻ cổ” đứa nào, tao chỉ cần đưa tay ra “rốp” một cái là xong. Còn ở đây nếu mình loạng quạng, người ta sẽ “bẻ cổ” hết cả bọn!

– Mày nói gì nghe ghê quá! – Thục nhăn mặt và bất giác bước lui một bước.

Thứ ngôn ngữ “khủng bố” của Xuyến chẳng mảy may tác động đến Cúc Hương, lúc này đang kiễng chân nhớn nhác nhìn vào trong nhà. Đang nghiêng ngó, Cúc Hương bỗng hốt hoảng kêu lên:

– Nhầm to rồi, tụi mày ơi!

Tiếng la đột ngột của Cúc Hương khiến cả Xuyến lẫn Thục đều giật thót.

– Chuyện gì vậy? – Cả hai cái miệng cùng hỏi.

Cúc Hương đặt tay lên ngực:

– Đây không phải là công ty tin học như thầy Gia giới thiệu!

Phát hiện của Cúc Hương làm Thục ngẩn ngơ:

– Chứ đây là đâu?

Cúc Hương tỏ vẻ hiểu biết:

– Công ty này chỉ chuyên bán hoặc sửa chữa ti-vi gì đó thôi!

– Ai bảo mày vậy? – Xuyến nhếch mép.

– Cần gì ai bảo! – Cúc Hương chỉ tay vào trong nhà – Bộ mày không thấy cả dãy ti-vi bày trong phòng kiếng đó sao?

Trong khi Thục lộ vẻ hoang mang không biết có nên tin lời Cúc Hương hay không thì Xuyến ôm bụng cười rũ:

– Trời ơi là trời! Máy vi tính của người ta đó, cô nương!

– Máy vi tính? – Cúc Hương há hốc miệng.

– Chứ còn gì nữa!

Giọng Cúc Hương vẫn chưa hết nghi ngờ:

– Sao nó giống hệt cái ti-vi vậy?

– Đó là cái màn hình! – Xuyến ra vẻ thông thạo – Nó còn có một cái đầu máy nữa, gọi là cái gì há, à cái CPU!

Thục nhìn Xuyến bằng ánh mắt thán phục:

– Mày rành quá hén!

Xuyến khoái chí, vỗ ngực:

– Tao là chuyên gia về vi tính mà! Học hết cơm hết gạo chứ mày tưởng! Nếu không vậy, dễ gì thầy Gia chịu giới thiệu tụi mình đến đây!

– Nhưng trong ba đứa chỉ có một mình mày rành, còn tao với con Thục có biết cóc khô gì về vi tính đâu! – Giọng Cúc Hương thốt nhiên e ngại.

– Không hề gì! – Xuyến khoát tay – Tụi mày cứ nhìn tao, hễ thấy tao làm sao, mày và con Thục cứ làm y như vậy! Dần dần rồi tụi mày cũng… giỏi bằng tao thôi!

Nghe Xuyến trấn an bằng một giọng vô cùng tự tin, Cúc Hương bình tĩnh trở lại. Nó nhìn Xuyến:

– Vậy sao mày chưa vô trỏng hỏi thử xem?

– Vô thì vô chứ sợ gì! – Đang hùng hổ, Xuyến bỗng nhíu mày – Nhưng vô gặp ai hén?

– Ai là ai? – Cúc Hương không hiểu.

Xuyến chớp mắt:

– Bạn thầy Gia tên gì, tao quên béng mất rồi?

Cúc Hương phì cười:

– Tên Vân.

– Thế thì được rồi! – Xuyến thở phào – Bây giờ hai đứa mày sắp hàng một sau lưng tao! Cả ba cùng vô!

– Vô làm gì đông vậy! – Thục thấp thỏm lên tiếng – Lại sắp hàng một nữa, làm như sắp hàng vô lớp không bằng!

– Lịnh đã ban rồi, không có cãi! – Xuyến quắc mắt – Mình phải sắp hàng một đi vô để người ta biết rằng tuy mình là những cô gái xinh đẹp nhưng không kiêu căng hợm hĩnh, lúc nào cũng biết giữ nề nếp trật tự, có vậy người ta mới khoái chí mà nhận mình vô làm, hiểu chưa đồ ngốc!

Trong khi Cúc Hương bấm bụng cố nín cười thì Thục gật đầu lia lịa, không chút nghi ngờ những lời vàng ngọc của Xuyến.

Những người ngồi trong công ty Việt Anh đều lộ vẻ tò mò khi nhìn thấy ba cô gái trẻ măng không biết ở đâu đang nối đuôi nhau rụt rè bước vào.

Trước những ánh mắt hiếu kỳ đang đổ dồn về phía mình, chân Thục như quíu lại, bước hết muốn nổi. Cúc Hương cũng vậy, mặt đỏ bừng, mắt nhìn chăm chăm xuống đất như thể nền nhà dưới chân nó sắp nứt ra làm hai vậy.

Chỉ có Xuyến là trấn tĩnh, mặc dù trái tim nó cũng đang đánh lô-tô trong lồng ngực. Bước lại gần chiếc bàn nhỏ kế cạnh lối đi, Xuyến đánh bạo lên tiếng hỏi cô gái đang ngồi sau đống giấy tờ cao nghút

– Chị làm ơn cho gặp thầy Vân!

– Thầy Vân? – Cô gái hỏi lại, mắt tròn xoe vì ngạc nhiên.

Thái độ của cô gái khiến Xuyến chột dạ:

– Dạ, thầy Vân! Chẳng lẽ ở đây không có ai tên Vân sao chị?

Ánh mắt cô gái vẫn kì dị:

– Tên Vân thì có, nhưng “thầy Vân” thì không! Nhưng không sao, các cô đợi một chút!

Nói xong, trong khi Xuyến còn chưa hết ngạc nhiên, cô gái đã ngoảnh đầu vô phía trong kêu lớn:

– Thầy Vân ơi thầy Vân! Có ba cô gái nào muốn gặp thầy kìa!

Cô gái kéo dài tiếng “thầy” một cách tinh quái khiến những người ngồi quanh cười rộ.

Bất giác, Xuyến, Thục và Cúc Hương đưa mắt nhìn nhau. Cả ba mặt mày đều lộ vẻ hoang mang.

Trong ba cô, dĩ nhiên Thục là người yếu bóng vía nhất. Nó run trong bụng, không hiểu tại sao mọi người lại cười ồ lên như vậy. Cắn chặt môi, Thục hồi hộp khẽ liếc mắt về phía sau cô gái.

Từ trong căn phòng được ngăn bằng những tấm kiếng lớn, nơi kê dãy máy vi tính, một chàng trai tóc ngắn, áo ca-rô lật đật chạy ra:

– Gì vậy Mai Hương?

Cô gái tên Mai Hương nheo nheo mắt, láu lỉnh:

– Có mấy người đẹp muốn gặp thầy!

– Không giỡn à nghen! – Chàng trai nhăn mặt.

– Em cũng đâu có giỡn với “thầy”! – Mai Hương chỉ Xuyến – Không tin, “thầy” hỏi cô này nè!

Chàng trai ngơ ngác quay sang Xuyến. Khi nãy, anh đã thấy ba cô nhưng không nghĩ là họ đến tìm mình.

– Các cô kiếm tôi hả? – Anh hỏi, giọng bán tín bán nghi.

Xuyến liếc nhìn Vân, thấy anh cỡ hăm ba, hăm bốn, hơn bọn Xuyến chừng năm sáu tuổi là cùng. Trong khi Xuyến đang ngập ngừng chưa biết xưng hô như thế nào thì Cúc Hương đã vọt miệng:

– Thầy có phải là thầy Vân không?

Vân gật đầu:

– Tôi là Vân! – Đang nói, anh bỗng hạ giọng – Nhưng tại sao các cô lại gọi tôi là “thầy”? Coi chừng các cô nhầm tôi với ai!

Thấy anh hạ giọng, Cúc Hương bất giác cũng thì thào:

– Tụi này là học trò thầy Gia!

– A! – Vân reo lên, cặp mắt anh long lanh – Anh Gia bảo các cô đến đây phải không?

Rồi không đợi cho bọn Xuyến trả lời, anh vẫy tay, niềm nở:

– Vậy thì vào đây đi! Vào trong này nói chuyện!

– Học trò anh hả? – Mai Hương đột ngột hỏi.

– Đừng có mà chọc quê! – Vân tươi cười – Đây là học trò anh Gia! Anh Gia giới thiệu các cô này đến làm việc ở phòng vi tính, thay cho nhóm “tam đầu ngủ”!

Mai Hương vỡ lẽ, gật gù:

– Hèn chi các cô gọi anh là thầy! Hóa ra chức “thầy” của anh là chức ăn theo!

Ý nghĩa chế nhạo trong câu nói của Mai Hương rõ mồn một nhưng Vân giả vờ không để ý. Anh thản nhiên dẫn ba cô gái men theo một hành lang hẹp dẫn vào phòng kiếng.

Phòng gắn máy lạnh, vừa bước chân vào bọn Xuyến đã thấy mát rượi.

Dọc theo dãy kiếng ngăn cách phòng làm việc với hành lang là năm chiếc bàn nhỏ ốp mi-ca trắng sắp thành một hàng, trên mỗi chiếc bàn chễm chệ một máy vi tính. Trong năm máy, hiện có ba máy không hoạt đông. Một máy đang mở nhưng không có người. Chắc là máy của anh chàng Vân, Cúc Hương nhủ bụng và trố mắt nhìn vào màn hình tò mò đọc dòng chữ “Xin dung tat may. Ngo Thi Van” đang chạy liên tục từ phải qua trái, hệt như dãi băng chữ vẫn xuất hiện mỗi tối trên nóc tòa cao ốc ở bùng binh chợ Bến Thành. Chữ vàng trên nền xanh trông rất dịu mắt. Nếu như ở chỗ khác, Cúc Hương đã reo ầm lên “báo động” cho Xuyến và Thục biết về dòng chữ kỳ quái đó, nhưng ở chốn lạ lẫm này, nó đành phải cố nén tiếng kêu trong cổ họng.

Trong phòng, ngoài Vân ra, còn có một chàng trai khác. Anh ngồi trước chiếc máy vi tính kê ở ngoài cùng, sát cửa phòng, đang loay hoay đánh đánh gõ gõ gì đó. Khi bọn Xuyến bước vào, anh khẽ ngẩng đầu lên và mỉm cười, một nụ cười hiền lành hơi có vẻ rụt rè.

Sau khi ba cô gái đã ngồi vào bộ xa-lông nhỏ đặt sát tường, Vân quay về phía chàng trai, giọng vui vẻ:

– Xin giới thiệu với các bạn, đây là Thiếu, cùng với tôi lo phần dàn trang ở đây!

Nghe đến tên mình, Thiếu ngoảnh lại chớp mắt nhìn ba cô gái và bẽn lẽn cười.

Cúc Hương liếc Xuyến định hỏi “dàn trang” là gì nhưng Xuyến đã nháy mắt ra hiệu im lặng.

– Còn đây là… – Vân chỉ tay vào bọn Xuyến nhưng mới nói nữa chừng, sực nhớ mình chưa biết tên ba cô, anh bối rối nhìn bọn Xuyến, chờ đợi.

Xuyến nhoẻn miệng cười:

– Tôi là Xuyến! – Rồi chỉ vào hai bạn, Xuyến tiếp – Còn hai cô nương này là Thục và Cúc Hương!

Thấy Xuyến giở giọng bông đùa, Cúc Hương biết bạn mình đã bắt đầu “thích nghi” với “môi trường” không lấy gì làm khắc nghiệt lắm này, nó dần dần bình tĩnh trở lại. Và nó nhìn Vân, tinh nghịch:

– Còn tên thầy là gì, tụi này cũng biết rồi!

– Thì thầy Gia của các cô nói chứ gì!

Cúc Hương ỡm ờ:

– Thầy Gia chỉ bảo thầy tên Vân thôi! Nhưng tụi này lại biết cả tên đầy đủ của thầy kia! Full name ấy!

Trong khi Xuyến và Thục sửng sốt không biết Cúc Hương định giở trò gì thì Vân vẫn tỏ ra điềm tĩnh:

– Vậy nữa kia! Thế full name của tôi là gì?

Cúc Hương lúc lắc mái tóc:

– Tên của thầy giống tên con gái lắm! Ngô Thị Vân, đúng không?

“Khám phá” của Cúc Hương khiến Vân phì cười:

– Ai bảo Cúc Hương vậy?

– Cần gì ai bảo! – Cúc Hương làm ra vẻ bí mật – Chỉ cần điều tra một chút là biết ngay!

– Cúc Hương điều tra từ chiếc máy đằng góc phòng chứ gì? – Vân nói, giọng thủng thỉnh, đầu vẫn không quay lại.

Đến lúc này Xuyến và Thục mới đưa mắt nhìn về góc phòng nơi đặt chiếc máy vi tính của Vân và khi nhìn thấy dòng chữ “Ngo Thi Van”, cả hai không nén được tiếng cười khẽ.

Bất chấp “bí mật” của mình nhanh chóng bị phát giác, Cúc Hương vẫn tỉnh rụi:

– Nếu không có “trình độ nghiệp vụ” thì dễ gì “điều tra” ra đó là tên thầy! Tôi mà không nói ra, con Xuyến và con Thục sẽ tưởng dòng chữ bí hiểm kia là mật mã gì gì đó chứ!

Vân nheo mắt nhìn cô gái lém lĩnh trước mặt, giọng chậm rãi:

– Nhưng tiếc là Cúc Hương đoán sai rồi! Tên tôi là Ngô Thì Vân chứ không phải Ngô Thị Vân!

Dĩ nhiên Vân thừa biết Cúc Hương giả vờ đoán sai để trêu mình nhưng anh vẫn trả lời bằng thái độ nghiêm trang. Chỉ có Thiếu là không biết Cúc Hương giở trò. Đang im lặng theo dõi cuộc đối thoại nãy giờ, tới đây dường như không nhịn được, anh bất thần vọt miệng:

– Con trai ai lại lót chữ “thị” bao giờ!

Sự ngây thơ của Thiếu khiến ba cô gái đưa tay che miệng cười khúc khích. Cả Vân cũng cười. Và như sực nhớ ra, anh quay sang nói với Thiếu:

– Kể từ hôm nay, Xuyến, Thục, Cúc Hương sẽ thay cho nhóm “tam đầu ngủ”, trước mắt là phụ trách khâu nhập dữ liệu. Có gì Thiếu hướng dẫn thêm cho các cô ấy nhé!

Lần thứ hai nghe đến cụm từ “tam đầu ngủ”, Xuyến không khỏi thắc mắc. Nó nhìn Vân:

– “Tam đầu ngũ” là gì vậy thầy? Đã “tam” sao lại còn “ngũ”?

– “Ngủ” ở đây là “ngủ” chứ không phải “ngũ”. “Ngủ” là ngủ gà ngủ gật ấy! Trước khi các cô đến đây thì bộ phận nhập dữ liệu do ba chàng công nhân sắp chữ bên nhà in Thành Công đảm trách. Bên đó họ làm ca đêm nên ban ngày đến đây làm thêm họ cứ gật gà gật gù, mắt nhắm mắt mở, đánh máy sai tới sai lui, có khi bỏ sót cả đoạn. Vì vậy mọi người mới gọi họ bằng biệt danh “tam đầu ngủ”.

Vân chậm rãi giải thích, mặt không lộ vẻ gì cười cợt nhưng ba cô gái cứ rúc ra rúc rích. Cúc Hương hỏi:

– Bây giờ họ đâu rồi thầy? Thầy đuổi việc bọn họ rồi hả?

Vân nhăn mặt:

– Gần đây họ đổi sang làm ca ngày nên xin nghỉ. Nhưng mà này! – Anh đột ngột chuyển đề tài – Các cô đừng gọi tôi bằng thầy nữa được không? Tôi có phải là thầy của các cô đâu!

– Nhưng thầy là bạn của thầy Gia! – Xuyến hắng giọng – Bạn của thầy tức là thầy!

– Thầy Gia trực tiếp dạy các cô, các cô gọi bằng thầy là phải rồi. Tôi chẳng dạy dỗ gì, tự nhiên được “tôn” làm thầy, kỳ lắm!

Xuyến khịt mũi:

– Tụi này chẳng thấy kỳ gì cả! Trước nay hễ thấy ai “xứng đáng”, tụi này đều tôn làm thầy hết ráo!

Giọng điệu ngang phè của Xuyến khiến Vân chỉ còn biết lắc đầu. Tránh được “tam đầu ngủ”, tưởng khỏe, ai ngờ gặp “tam đầu quậy”, còn mệt hơn! Anh ngán ngẩm nhủ bụng và cố thuyết phục:

– Các cô không thấy kỳ nhưng những người chung quanh thấy kỳ! Lúc nãy, khi nghe các cô kêu tôi bằng thầy, mọi người liền ồ lên trêu tôi, các cô không thấy sao?

Từ khi bước chân vào phòng đến giờ, Thục vẫn ngồi im. Vốn tính nhút nhát, lại không lanh mồm lẹ miệng như hai bạn, Thục chỉ thỉnh thoảng mỉm cười phụ họa, còn trước sau vẫn không thốt một tiếng nào. Nhưng bây giờ thấy Vân tỏ vẻ khó xử, Xuyến lại cứ nằng nặc không chịu nhượng bộ, Thục cảm thấy bất nhẫn bèn lên tiếng:

– Nhưng nếu không gọi thầy thì gọi bằng gì?

Nghe vậy, mặt Vân tươi lên:

– Gọi bằng gì chẳng được! Miễn đừng gọi thầy là được rồi!

– Gọi bằng chú hén? – Cúc Hương nheo mắt.

Vân mấp máy môi định nói gì đó nhưng không hiểu nghĩ sao anh lại ngồi im.

Thấy vậy, Xuyến lừ mắt nhìn Cúc Hương:

– Người ta lớn hơn mình có mấy tuổi, ai lại gọi bằng chú! Đúng ra phải gọi bằng… bác!

Nói xong, Xuyến toét miệng cười hì hì. Thục và Cúc Hương cố làm mặt nghiêm nhưng cuối cùng vẫn phì cười. Ngay cả Thiếu cũng không giữ được vẻ điềm nhiên. Anh cúi mặt xuống bàn phím, miệng tủm tỉm.

Chỉ có Vân là không hề nhếch mép. Anh đứng lên khỏi ghế, giọng lãnh đạm:

– Thôi, tùy các cô! Muốn gọi gì thì gọi!

Thái độ của Vân khiến ba cô gái hoảng hốt. Xuyến luống cuống:

– Này, này, anh đi đâu đó?

Chỉ đợi có vậy, Vân quay phắt lại:

– Xuyến vừa gọi tôi bằng gì vậy?

Câu vặn vẹo đột ngột của Vân khiến Xuyến sực nhận ra mình vừa sập bẫy. Chẳng biết làm sao, nó đành nhe răng cười:

– ž, ờ, thì bằng… anh!

– Còn Cúc Hương và Thục? – Vân lừ mắt nhìn hai cô gái.

Trong khi Thục đang ấp úng thì Cúc Hương nhanh nhẩu:

– Thì trước nay con Xuyến sao tụi này vậy! Hễ nó “anh” thì tụi này “anh”, còn nó “bác” thì tụi này “bác”!

Vân mỉm cười:

– Vậy là thống nhất cách xưng hô rồi nhé! Còn bây giờ thì các cô lại đây thử máy! Cần phải làm quen với chúng trước khi bắt đầu công việc!

Nói xong, Vân quay lưng bước lại chỗ những chiếc máy. Cúc Hương và Thục ngần ngừ nhìn nhau nhưng thấy Xuyến hùng dũng khoát tay, cả hai lấy hết can đảm đứng dậy và hồi hộp đi theo Xuyến.

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (3 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh

Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ – Nguyễn Nhật Ánh

Bài thơ Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ được viết năm 1979 lúc xảy …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *