Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 226 |
Ngày xuất bản | 12-2018 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Đi Qua Hoa Cúc
Cuốn Đi Qua Hoa Cúc là tập truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, mở đầu câu truyện tác giả kể lại tuổi ấu thơ hồn nhiên của nhân vật trong truyện, kết hợp với tả cảnh ở miền quê, những ngôi nhà nằm dọc hai bên đường đá sỏi dọc theo hai bên hàng dâm bụt và cả cây sứ cây bàng tỏa bóng mát, tỏa hương thơm trước sân nhà.
Một nét vẽ nên thơ thật đầm ấm ở một vùng quê xa xôi tác giả dường như làm ấm lòng cho người đọc. Thật vậy mỗi cốt truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã phác họa lên một nét quê hương ngọt ngào, một thời ấu thơ đẹp, một tình yêu của tuổi học trò cũng hòa lẫn tình yêu khát khao của bao lứa tuổi.
Cuốn truyện dài Đi Qua Hoa Cúc là một trong những tác phẩm tuyệt tác hay của tác giả làm thôi thúc người đọc thêm nhiều ấn tượng và sự lôi cuốn tràn dâng trong lòng bạn đọc.
Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).
II. Review sách Đi Qua Hoa Cúc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Đi Qua Hoa Cúc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. PHẠM THỊ LÊ review sách Đi Qua Hoa Cúc
“Đi qua hoa cúc” Nguyễn Nhật Ánh: Có người đi qua cuộc đời ta, rồi ở lại trong ký ức
Hoa cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn. Nhưng đó là tâm hồn của những kẻ đang yêu, còn đối với kẻ chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn người mình thương, thì tâm hồn họ lại nhàu nát như những cánh hoa vừa bị ai giẫm lên.
Có người nói, hoa cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn. Nhưng họ lại không nói rằng, đó là tâm hồn của những kẻ đang yêu, còn đối với kẻ chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn người mình thương từ phía xa, thì tâm hồn họ lại nhàu nát như những cánh hoa vừa bị ai giẫm lên. Có phải trái tim Trường cũng vừa bị chị Ngà giẫm lên, ngay khi một thứ tình cảm non nớt vừa chớm nở?
Đi qua hoa cúc mang đến một câu chuyện tình với nỗi buồn thầm kín, xa xăm vẫn dưới ngòi bút trong trẻo, dưới trang văn dành cho lứa tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh. Một tập truyện mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Đó là trò nghịch ngợm của một đứa trẻ bên những người bạn tuổi ấu thơ, dại dột mà đầy dữ dội. Đó là rung động của tuổi mới lớn, vừa rạo rực, xốn xang, vừa thất vọng, hụt hẫng. Đó cũng là bài học cho những kẻ đã, đang và sẽ vấp phải sự mù quáng trong tình yêu.
Thích một người, đôi khi lại khiến người ta thay đổi nhiều đến vậy. Vì sợ chị Ngà buồn mà Trường từ một đứa trẻ chỉ mải ham chơi, dần cảm thấy chán ngắt trước những trò bắn chim, câu cá, thả diều, ném đất cùng anh em thằng Chửng. Bốn mùa mười hai tháng, Trường chẳng thiết tha gì đến cúc vàng cúc trắng, vậy mà bỗng một ngày, có người nói thích hoa cúc, nó liền đem lòng yêu những sắc vàng lơ đãng ấy. Hóa ra, đứa trẻ nào rồi cũng muốn được trưởng thành trong mắt người mình thích.
“Tôi khẽ nghiêng gàu cho những giọt nước xôn xao rơi ngập ngừng trên hoa vàng lá biếc. Hay đó chính là lòng tôi đang ngẩn ngơ nghiêng xuống mối tình đầu.”
Thương một người, đôi lúc lại làm trái tim bỗng trở nên bao dung, vị tha đến lạ. Tình cảm của Trường hoàn toàn trong sáng, hồn nhiên chứ không vồn vã, trần tục như của anh Điền – một kẻ chẳng ưa gì là mấy. Yêu, không phải là ngắt đi những đóa cúc để cắm vào lọ như anh Điền. Mà là sớm chiều tưới nước để vun vén, chăm sóc, để đặt sắc vàng vừa nở rộ lên nụ cười trên môi của người con gái.
Nhưng mấy khi yêu mà đã chắc được yêu. Trường còn phải trượt dài trên vũng lầy của nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng khi chỉ biết đứng từ xa chứng kiến tất cả nhưng lại chẳng thể nói ra điều gì. Cứ thế, ký ức về mối tình đầu chỉ còn là những mảnh vỡ vụn ghim chặt vào trái tim Trường dù đã sau nhiều năm. Đi qua hoa cúc, con người ta dần lớn lên theo thời gian, chỉ có những kỉ niệm, những nỗi buồn là ở lại.
“Có một người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình
Có hai người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả một mối tình”
Tôi luôn yêu quý những trang văn của bác Ánh dù đôi lúc nó thật buồn. Không sao cả. Vẫn có những nỗi buồn thật đẹp kia mà. Vẫn có một trái tim yêu thương dành cho nhân vật của mình, luôn mở ra cho cuộc đời nhân vật những con đường khác, dù đôi lúc không giống như độc giả mong đợi, nhưng dẫu sao cũng đỡ buồn hơn.
Tôi không trách Nguyễn Nhật Ánh khi xây dựng lên một chị Ngà thật đẹp, thật kiều diễm để rồi lại đẩy người con gái ấy vào cuộc đời thật lắm nỗi bi kịch. Tôi chỉ cảm phục tấm lòng nhà văn khi sau cùng, vẫn để nhân vật của mình mạnh mẽ vượt qua rồi bắt đầu một cuộc đời mới – dù chi tiết ấy chỉ mơ hồ trong cuộc gặp gỡ tình cờ đến kì lạ của Trường sau 10 năm.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi.”
Có những loài hoa khiến gợi nhắc về một ký ức đặc biệt nào đó trong cuộc đời mỗi người. Đi qua hoa cúc nhuộm vàng cả mùa Thu, cả tuổi thơ, và cả cuộc đời Trường nữa. Bạn có giữ trong mình một loài hoa đặc biệt nào không?
2. HAIIRO review sách Đi Qua Hoa Cúc
Thấy muốn hờn dỗi và hơi khó hiểu (và một chút đau đớn nữa) khi cuốn sách mình thích lại được chấm điểm ngập ngừng như vậy dù tôi biết ai cũng có cái lí lẽ của mình…
Cuốn nào của bác Ánh cũng khiến tôi tha thiết mơ về tuổi thơ, cái quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời tôi đã cách xa cả ngàn mây rồi. Nông thôn ngày nay cũng đã hiện đại hóa, trẻ em ở quê tôi bây giờ cũng máy tính điện tử smartphone nhiều, không còn chỉ chú mục vào những trò lăn lê bò toài như khi xưa quãng cách đây 10 năm nữa. Tiếc cho chúng và tiếc cả quãng đời vui vẻ nhiều tiếng cười nhất của mình.
Với một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị như tôi thì mùa hè ở quê đi cấy gặt, trộm trái, câu cá, man cua, tắm sông… cùng anh chị nhà bác giống như thiên đường có thật vậy, một thiên đường tôi mãi chẳng dứt được nhớ thương. Bỗng dưng tôi thấy lo lắng rằng đến một lúc nào đó, những cuốn sách nhỏ như Đi qua hoa cúc của Nguyễn Nhật Ánh sẽ chẳng gợi được cảm xúc gì ở bọn trẻ nữa, bởi chúng đâu có lớn lên như vậy. Những gì chúng kể cho con cháu nghe sau này có thể sẽ chỉ còn là khi xưa bố mẹ đã từng chơi cái game trên những thiết bị như thế như thế, cổ lỗ sĩ dường nào so với các con bây giờ. Nghĩ thấy buồn cười mà cũng buồn người ghê. Dẫu biết quê hương phát triển là chuyện tốt, tôi vẫn mãi nhớ cái cửa bằng gỗ mục không khi nào phải lo giữ gìn nhà bác tôi, cái ao cá bờ đắp đất mà có lần tôi mải kéo con cá to lên quăng luôn cả cái kính đang cầm trên tay, khúc ruộng tôi đội nón đội cả gió mưa đi câu từng con lươn trong mấy cái mà bé tí, con đường đất xóc lên xóc xuống và hễ cứ đến mùa mưa thì biết mặt, thậm chí nhớ cả cái nhà tiêu mà mỗi lần phải đi đều vô cùng bất đắc dĩ và phải dùng cả hai tay bịt chặt mũi. Ôi chao!
Đọc Đi qua hoa cúc chợt nhận ra, mà không – chợt nhớ ra rằng tương tư là một trải nghiệm đau khổ nhưng cũng rực rỡ và hạnh phúc đến thế nào. Với cá nhân tôi mà nói, yêu mà không được yêu lại thì đúng là đáng buồn, nhưng không được trải qua cảm giác yêu đương thì còn buồn hơn, hơn nhiều nhiều. Tôi thà làm Trường, có một người để mong thầm nhớ thầm mà chẳng được đáp lại còn hơn.
Cảm ơn Hoài vì món quà sinh nhật (tớ rất thích) và những tình cảm, xin lỗi vì tận bây giờ mới lấy ra đọc và vì vài chuyện khác. Dù mồm miệng tớ hơi nhanh nhảu chèn ép cậu hơi nhiều nhưng sự thật là tớ luôn quý cậu, cậu không đọc được nhưng cậu biết đấy.
Tôi xin hứa từ giờ giở đi mấy món quà sẽ ưu tiên xử trước không ngâm nữa huhu.
Tặng cái cuốn gì buồn quá trời má ơi!
3. 선 하 review sách Đi Qua Hoa Cúc
Cảm động ở phần cuối quá. “Đi qua hoa cúc”, đây có lẽ là truyện hay nhất tính đến hiện giờ mà mình đã thưởng thức qua của Nguyễn Nhật Ánh. Cảm xúc nóng hổi này sẽ khiến mình thêm đồng cảm, hâm nóng nỗi hứng thú để chung thủy với bác Ánh hơn nữa.
Vừa mới đặt quyển truyện xuống, còn nóng hổi, mới lau những giọt nước mắt, thương cô gái Ngà mong manh, trong sáng hồn nhiên trong truyện quá, dòng ấm ức cứ chực chào tuôn ra. Càng lúc càng mến cậu Trường choai choai mới lớn, cái bản tính thẳng thắn, khảng khái “đại trượng phu” của cậu chàng đâu đây na ná cậu Thiều (Tôi thấy hoa vàng.. cỏ xanh), hay thiệt nhiều nhân vật nam chính khác trong các loạt truyện của nhà văn. Hình dáng, nét mặt có lẽ phảng phất same same như vậy…
Nhưng bật cười ở chỗ, khi cố gắng chứng tỏ ta đây người lớn cậu chàng lại cứ sót lại bao nét trẻ con ngộ nghĩnh. Những suy nghĩ giằng xé, cao hơn là những âm mưu chia rẽ hay những dòng suy nghĩ văn phong phức tạp, có phần không hợp với một đứa con trai ngổ ngáo nhưng thôi truyện thì vẫn là truyện hư cấu lãng bãng, thầm tiếc nếu đoạn giữa dài dài ra chút có khi truyện say mê hơn, ở lại trong lòng người đọc nhiều hơn.
Truyện rất thật, cứ như từ cuộc sống miền thôn quê xanh ngát bước ra, sau đó được ký lại, hồi tưởng rõ mồn một trong cuốn phim tâm tưởng xưa vắng của một chàng trai trưởng thành vẫn ngoai ngoái trong lòng mối tình đầu đẹp đẽ.
Có lẽ NNA muốn nhắn gửi điều gì chăng?
Những kết thúc đượm buồn, đượm màu vàng ly biệt và xót xa day dứt mãi trong lòng, từ nhân vật trong truyện cho đến người đọc ngoài đời, những mảnh tình đơn phương bị bỏ đó và người trong cuộc thì lầm đường lạc lối; hoá ra những gì chúng ta bỏ sót, những nhỏ nhặt vụn vặn của người thương ta quanh quẩn đâu đây rất lặng lẽ như bông hoa chưa nở, cứ nằm mãi đó chờ ta khám phá.
Hãy một lần nhìn lại chung quanh, nhắm mắt lại và cảm nhận từ sâu thẳm trái tim, hồi tưởng lại những vui buồn kỷ niệm bâng quơ, những ánh mắt âm thầm len lén của ai đó bên ta, ai ơi hãy đợi cho thời điểm chín muồi chớ đừng nôn nóng cuốn vào một chuyện tình, vào một cuộc hôn nhân/làm tình chóng vánh, để một ngày xa vắng ta lạc nhau.
Người ngoài cuộc thì nín thinh tan vỡ, người trong cuộc thì đâu biết đã đặt niềm tin vào sai người, không có được thứ hạnh phúc đích thực. Cái cảm giác ấy quen lắm nha, khi bàn về tình yêu trong truyện NNA. Tình ngọt ngào e ấp là tình đơn phương, chút tình trong sáng mãi sau này còn sót lại qua bao tháng năm.
“Người hãy nâng đỡ trái tim tôi
Trên những ngón tay dịu dàng của người
Chớ hất hủi cũng đừng dập vùi
Nhược bằng hoa lá rụng
Có còn gì xuân tươi”
Các cô gái từ Thu Hương đến Ngà, nội tâm trong sáng thơ ngây dễ tin vào những thủ thỉ đong đưa ngày mới lớn, dễ bị hình ảnh và hành động chinh phục của ai đó xen lẫn vào trái tim trong suốt, khờ dại, để rồi chuốc lấy thực tế phũ phàng một cách vô tội, âu cũng là bài học cho các cô con gái tuổi đầy mộng mơ và tâm hồn vu vơ dễ tin người.
Nhờ vậy chúng ta có thể nhìn sâu vào một sự thực, dù ở miền Tây Nam Bộ hay bất cứ vùng thôn quê nào, cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại, một lối sống tuy tuổi thơ dữ dội nhưng học hành không được đến nơi đến chốn, con gái thì dễ bị người ta lừa gạt, hay đi lấy chồng sớm, cha mẹ không thể gần gũi mà xa cách con, mẹ của Trường có đến năm con, dì của Trường thì chỉ lớn hơn Trường hai, ba tuổi, hai anh em Chửng thì bôn ba khắp chốn số phận chìm nổi, Ngà sau này cuộc đời cũng gian nan, rốt cuộc chỉ có cái học cái hành mới thoát ra khỏi khổ, nghèo, bấp bênh, nếu Ngà ngày đó dứt khoát trong trái tim mình và bình tĩnh lại trước những cám dỗ thì có lẽ đời cô đã ngọc ngà hơn, là một cô giáo ở quê, sau này kết hôn với một giáo làng hay một người xứng với mình hơn.
Kết thúc câu truyện tác giả có ý để mở, Ngà vẫn còn sống, và vẫn mãi tồn tại trong trái tim của người mà mãi mãi không thể thốt lên rằng”Chị ơi, anh yêu em, thiên thần đầu tiên trong trái tim em”
4. TRẦN LAN HƯƠNG review sách Đi Qua Hoa Cúc
“Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỉ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại”
Tôi đến với “Đi qua hoa cúc” vào một buổi chiều nhẹ nhàng, để cảm nhận chân thật sự bình dị, ấm áp, đẹp đẽ tỏa ra từ tác phẩm.
Bước vào trang sách, tôi được gặp Trường- một cậu bé ngỗ nghịch, nhưng trong lòng lại đầy ắp tâm tư của cái tuổi mới lớn. Câu chuyện của Trường không đặc biệt, không kì lạ, đó chỉ là câu chuyện bình thường tại một thôn xóm nhỏ bé, dưới sự yên ả của làng quê gần gũi, dưới căn nhà cũ ọp ẹp, trước giàn hoa cúc vàng rực trong ánh nắng mặt trời. Thế mà, cái câu chuyện bình dị ấy, lại khiến tôi chẳng thể nào quên.
Bên cạnh những trò chơi thú vị cùng lũ bạn, mối tình đầu của cậu nhanh chóng chớm nở, đem lại biết bao buồn vui, đem lại biết bao sự bâng khuâng, bối rối khi chạm phải ánh mắt của Ngàn. Để rồi, cũng từ đó nảy sinh bao rắc rối, từ đó mọi thứ ngày càng được mở ra dưới ánh nhìn của Trường, vui có, buồn có, dằn vặt, đau đớn có,…
Mạch văn tuy nhẹ nhàng, nhưng vẫn đủ để khiến những cảm xúc dâng trào, lo sợ khi những sự kiện liên tiếp xảy đến.
Vẫn cái nét đặc biệt, gần gũi trong giọng văn của bác Ánh mà chẳng thể lẫn vào đâu được. Làng quê Việt Nam hiện lên rõ nét và sinh động đến lạ, tôi tưởng như được tận mắt nhìn thấy những con người ấy, tận mặt được gặp những con người chân chất ấy, sao đỗi bình yên.
Qua câu chuyện, tác giả gửi gắm biết bao nhiêu lời nhắn gửi, gửi cho tuổi thơ, gửi cho cái lứa tuổi mới lớn, và gửi cho những lứa tuổi trưởng thành, cho các bậc phụ huynh.
Thực sự, khi đọc xong, cảm xúc đọng lại rất nhiều, nhưng dường như bằng dòng chữ, tôi chẳng thể nào diễn tả hết được.
5. HẠNH PHẠM review sách Đi Qua Hoa Cúc
Đọc truyện này của bác Ánh lại buồn man mác cả một buổi chiều. Tuổi mộng mơ lại ùa về với bao tâm trạng đan xen. Phải chăng vườn cúc vàng đó đã gợi lên một thời hoa mộng của bao người.
Một tình yêu trong sáng thuở đầu đời mới chớm nở, sáng rực như màu vàng của giàn bông cúc kia nhưng tiếc thay cuối cùng lại bị xéo nát, dày vò như những cánh bông bị Trường giẫm nát dưới chính đôi chân của mình.
Tình tiết trong các tác phẩm của bác Ánh làm mình không thể nào dứt ra được trong lúc đọc, như thể đang hoà mình vào chung một nhịp đập với nhân vật.
Chỉ là riêng cá nhân mình thì nỗi buồn ám ảnh lớn nhất trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chính là Mắt Biếc đó mới chính là đau thương tột cùng cho một tình yêu khờ dại.
6. MONGUYEN review sách Đi Qua Hoa Cúc
“Vậy mà có một dạo, tôi bỗng đem lòng yêu hoa cúc”
Câu nói vừa dễ thương, vừa xao xuyến, vừa đau lòng và cũng nhiều luyến tiếc…giống như cách bác Ánh viết tác phẩm này vậy: bắt đầu bằng ngọt ngào nhưng kết thúc bằng dữ dội và xót xa…
Đọc xong truyện thấy buồn nhiều, tiếc cũng rất nhiều, nếu là mình của 2-3 năm trước đã ôm mặt khóc nấc lên rồi chứ không chỉ ngẩn ngơ như bây giờ.
Mình cũng có 1 tuổi thơ mênh mang những hạnh phúc ngây ngô, buồn vui chốc lát như vậy, nhưng đến giờ này thì mình thấy cũng cũng may là tuổi thơ của mình lại thiếu đi những rung động…
Thật may là mình cũng chưa từng trải qua những tổn thương sâu đậm giống như Trường để mà khi đã “đi qua hoa cúc” những 10 năm mà những vết thương vẫn chưa thực sự lành miệng, vẫn tin vào những niềm tin kỳ quặc…
III. Trích dẫn sách Đi Qua Hoa Cúc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Có một người đi qua hoa cúc. Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình. Có hai người đi qua hoa cúc. Bỏ lại sau lưng cả một mối tình.”
“Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi.”
“Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người…”
“Tôi khẽ nghiêng gàu cho những giọt nước xôn xao rơi ngập ngừng trên hoa vàng lá biếc. Hay đó chính là lòng tôi đang ngẩn ngơ nghiêng xuống mối tình đầu.”
“Có một người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình
Có hai người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả một mối tình”
–––––
“…Một hôm không biết do lơ đễnh hay nổi máu tham lam, Chửng anh dúi tôi một nhúm lông to sụ, có đến sáu, bảy chục sợi là ít.
Khi tôi chìa ra tính tiền, ông tôi nhìn sững:
– Bao nhiêu sợi vậy cháu ?
– Dạ khoảng … bảy chục sợi .
Điệu bộ ấp úng của tôi càng khiến ông thêm nghi. Ông không tin trong một thời gian ngắn ngủi đứa cháu lười biếng của ông có thể lập đưực một kỳ công như thế. Và tôi lo đến thót ruột khi ông cầm từng sợi đưa lên mắt, săm soi.
Tôi len lén nhìn ông, quan sát từng thay đổi nhỏ trên nét mặt, cố đoán xem ông có phát hiện ra sự gian dối của tôi không. Đang hồi hộp theo dõi, tôi bỗng giật bắn người khi ông đột ngột hỏi:
– Sao không sợi nào có gốc hết vậy cháu ?
– Dạ … dạ, chắc nó bị đứt! – Tôi ấp úng đáp, rồi tôi sợ ông hỏi tới, tôi làm bộ than phiền – Tóc ông ngắn ngủn, khó nhổ quá trời!
Nhưng ông tôi không bị rơi vào bẫy. Ông vẫn tiếp tục thắc mắc:
– Nếu đứt thì đứt một, hai sợi thôi, sao ở đây sợi nào cũng đứt hết vậy ?
Lần này thì tôi câm như thóc. Tôi đứng im đóng vai ông phỗng đá, mồ hôi túa thành dòng tren trán. Tự dưng tôi đâm giận anh em thằng Chửng quá chừng. Chính tụi nó bày ra cái trò này để xúi tôi dẫn đi ăn đi uống, bây giờ vỡ lỡ ra rốt cuộc chỉ mình tôi đứng chúi mũi chịu sào. Giọng ông tôi lại vang lên bên tai, dịu dàng nhưng nghiêm khắc:
– Đây là lông chó phải không cháu ?
Tôi lại giật thót:
– Dạ … không … không ạ!
– Cháu còn chối nữa phải không? – Ông đột nhiên gằn giọng – Đây đâu phải là tóc của ông!
– Dạ nhưng không phải là lông chó! – Tôi nuốt nước bọt – Đó là … lông mèo ạ!
Ông thở dài ngán ngẩm:
– Chó hay mèo gì cũng vậy thôi! Cháu lại đằng góc nhà đứng úp mặt vô đi!”
–––––
“Sự thể đã đến nước này, tôi chẳng còn bụng dạ nào mở miệng xin xỏ nữa. Tôi nặng nề lê bước lại chỗ góc nhà, bụng nguyền rủa anh em thằng Chửng tơi bời. Thật ra tôi buồn vì bị phạt thì ít, mà xấu hổ vì trò gian lận bị khám phá thì nhiều. Ông tôi lại chúa ghét thói gian tham. Trong đời ông, ông đã đuổi không biết bao nhiêu học trò chỉ vì sự không ngay thẳng của họ. Ông có cách kiểm tra tinh quái: mỗi lần đưa quần áo đi giặt, ông thường giả vờ bỏ sót tiền trong túi. Anh học trò nào thật thà, đem tiền trả lại cho ông thì không sao. Anh nào tham lam, âm thầm giấu biến, chỉ có nước lủi thủi xách gói về nhà ngay sáng hôm sau. Cái bẫy của ông rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng tránh được.
Nhưng ông tôi chỉ có thể đuổi học trò. Tôi là cháu ông, ông chẳng biết đuổi đi đâu. Ông đành đuổi tôi vào … xó nhà cho tôi đứng một mình ăn năn sám hối. Cũng may là ông không nói lại với mẹ tôi. Nếu biết tôi dám bịp ông lấy tiền, còn cả gan đánh lận tóc ông bằng lông mèo lông chó, hẳn mẹ tôi buồn phiền không kể xiết. Và chắc chắn mẹ tôi sẽ lôi tôi về nhà ngay lập tức nếu biết những trò hư đốn của tôi ngày càng phát triển dưới sự hướng dẫn tận tình của cặp yêu quái đang cư ngụ trong hang động kế sau nhà ông tôi…”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!