Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 160 |
Ngày xuất bản | 12-2018 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Nữ Sinh
Truyện dài Nữ Sinh là phần truyện mở đầu cho bộ truyện về ba cô gái Thục, Xuyến và Cúc Hương. Tác phẩm này mang đến góc nhìn về cuộc sống của những cô cậu học trò nơi đô thị sầm uất Hồ Chí Minh.
Một sự bất ngờ, Gia được cử về làm giáo viên chủ nhiệm lớp Xuyến, Thục, Cúc Hương. Ba cô hoảng hồn vì thời gian qua đã “hành hạ” Gia bằng đủ trò nghịch ngợm của mình. Hùng quăn không dám đến lớp vì đã có lần đón đường ném đá Gia gây thương tích. Không chịu nổi người dượng ghẻ. Hùng bỏ nhà ra đi. Với tấm lòng cao thượng. Gia đón Hùng về nhà ở chung với mình. Cuối cùng ba cô bạn cũng tìm ra chỗ ở của Gia. Họ sôi nổi bàn chuyện đi cắm trại và xem phim cho cả lớp.
Câu truyện thật sự rất đậm chất tuổi trẻ, khi 3 cô luôn cảm thấy hào hứng bởi tìm được một người để giao cho “vinh dự được trả tiền chè”, khi Hùng quăn rình ở quán chè đánh “anh chàng Gia” vì ghen, vì ngỡ anh ta đang nhăm nhe tán tỉnh Cúc Hương, khi 3 cô được thầy Gia giới thiệu cho làm thêm tại một công ty tin học,…
Xuyên suốt tác phầm là những chi tiết nhẹ nhàng, chân thực, đậm chất thực tế, hài hước, nhưng cũng đậm chất nhân văn khi thầy Gia không những không trách câu học trò nhỏ đã dùng đá chọi mình vì ghen mà còn cho cậu ở nhờ để không bị dở dang việc học….
Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).
II. Review sách Nữ Sinh
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Nữ Sinh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. BÍCH DIỆP review sách Nữ Sinh
Một cuốn sách đậm phong cách của bác Ánh: nhẹ nhàng và ý nghĩa.
Ban đầu, còn nghĩ đây là một cuốn sách viết về tình cảm đôi lứa. Có phần đúng cũng có phần không đúng. Chuyện xoay quanh ba cô gái nữ sinh lớp 11: Xuyến, Thục, Cúc Hương và anh chàng Gia. Ba cô đều có những cá tính riêng. Xuyến nhanh nhảu, hoạt bát. Cúc Hương thông minh, lém lỉnh trong khi cô bạn Thục lại nhẹ nhàng và duyên dáng. Cả ba vô tình bắt gặp Gia- một anh chàng thư sinh, luôn ngồi uống cà phê tại quán cây Sứ- quán tủ của ba nàng nằm đối diện trường, với đôi mắt xa xăm lạ lùng sau tấm kính thủy tinh. Xuyến với tính bạo dạn đã dẫn dắt cả nhóm đến làm quen với anh một cách khá ngược đời. Từ đây, kéo theo những tình huống dở khóc dở cười, mang lại cho người đọc một cảm giác khoan khoái và như được quay lại thời cấp ba ngây thơ, hồn nhiên.
Một hy vọng ko được đền đáp xứng đáng: ngỡ Gia với Thu hay Xuyến hoặc Cúc Hương sẽ có mối quan hệ tình cảm đặc biệt nên cứ mong hoài thành ra bị hụt hẫng đôi phần. Nhưng dù gì, câu chuyện đã rẽ theo một hướng khác( mình cx đã ngờ ngợ ra rồi) nhân văn và đầy ngụ ý hơn. Nói chung là ổn. Phù hợp cho một ngày bất định!
2. ĐỖ IRIS review sách Nữ Sinh
Truyện viết về 3 cô học sinh tinh nghịch học khá tốt và anh chàng mới ra trường và chuẩn bị đi làm. Họ gặp nhau là do những trò đùa tinh quái của 3 cô nữ sinh. Họ đã trải qua những chuyện dở khóc dở cười và do vậy họ đã gắn bó với nhau.
Cuối cùng 1 điều không ai ngờ tới đó là anh chàng Gia đó sẽ là giáo viên chủ nhiệm của 3 cô nữ sinh trong năm học sắp tới. 3 cô nữ sinh vô cùng ngạc nhiên với điều ấy và cho rằng anh Gia sẽ tính sổ với họ vì những trò đùa tinh quái họ đã làm với anh trước đó.
Nhưng không, anh Gia không hề để tâm mà lại xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra đặc biệt là vụ thằng Hùng quăn lấy đá chọi vào đầu anh, khiến anh phải vào viện và sốt liên tục sau đó. Chuyện kết thúc mở với 1 suy nghĩ của anh Gia với con Thục.
3. Ý VĂN review sách Nữ Sinh
Nữ sinh là một cuốn sách vừa dễ thương vừa hóm hỉnh…
Mình đã dành trọn cả tối cùng với “Nữ sinh”. Một tối thoải mái, bình yên trong những hối hả cuồng quay của cuộc sống.
“Nữ sinh” tuy không phải là cuốn sách đầu tiên mình đọc của bác Ánh. Và “Nữ sinh” tuy không phải là cuốn sách xuất sắc nhất của bác Ánh mà mình từng đọc, nhưng ở “Nữ sinh” có nét gì đó cuốn hút kỳ lạ lắm. Từ những dòng chữ đầu tiên, giản dị và nên thơ.
Đã được giới thiệu từ trước nên khi đọc cuốn sách này, mình không có chút gì gọi là hồi hộp hay bất ngờ trước những tình huống sắp diễn ra. Nhưng khi đọc cuốn sách này rồi, mình bỗng quên bẵng đi những gì mọi người từng nói để tự mình đắm chìm mình với sách. Câu chữ nhẹ nhàng, chậm rãi cứ vậy cuốn hút mình mãi.
Chuyện cô Xuyến, cô Thục, cô Cúc Hương lắm chiêu, mà đầu tiêu luôn là cô Xuyến. Chuyện Hùng quăn thích thầm Cúc Hương mà ai ai cũng biết. Chuyện anh chàng Gia bất đắc dĩ được các cô trao cho vinh dự trả tiền chè. Tất cả mọi chi tiết trong truyện đều có mối liên kết tuyệt vời với nhau như vậy đấy. Với mình mà nói, “Nữ sinh” không có chi tiết thừa khi chi tiết này đến chi tiết khác nối liền với nhau và là nguyên nhân, kết quả bổ sung lẫn nhau.
“Nữ sinh” thực chất mang đậm nét của tuổi học trò tinh nghịch. Những cô nữ sinh mạnh dạn,”hùng hổ” đến đập bàn một anh chàng xa lạ chỉ vì hắn hay ngồi ở quán, tại cùng một chỗ hoặc chỉ vì nghi rằng hắn thích đứa nào trường mình. Để rồi từ đó một mối quan hệ được tạo dựng, giữa những con người “vô tình” gặp nhau.
Tóm lại thì đây là cuốn sách đáng đọc, trong nhịp sống hối hả lúc bấy giờ. Cuốn sách nhẹ nhàng, hóm hỉnh này nhất định sẽ đem lại cho mình những giây phút đáng yêu vô cùng.
4. ĐỖ ANH NGỌC review sách Nữ Sinh
Một tác phẩm nhẹ nhàng ,tình cảm viết về tuổi học trò. Có lẽ nói về giọng văn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh thì ta không cần bàn nhiều, vì nó đã quá quen thuộc và gần gũi với nhiều mọt sách rồi :p
Mình chỉ muốn nói đến nội dung của sách. Gồm có 3 nhân vật nữ sinh: Cúc Hương, Thục, Xuyến và anh chàng Gia. Ba cô nàng mỗi người một tính cách khác nhau, cũng rất mạnh mẽ và cá tính nữa.
Tình huống truyện khá bất ngờ khi ba cô nàng nghĩ rằng anh chàng Gia hay ngồi ở quán nước gần trường đang ”trồng cây si” cô nào ở trường rồi. Và Thục là người bị nghi ngờ đầu tiên, ba cô nàng quyết định đến hỏi anh chàng Gia, dùng đủ mọi chiêu trò để chọc phá anh Gia, sau đó họ trở nên quen biết và thân với nhau hơn.
Cứ nghĩ rằng đó là người bạn khác giới mà ba cô có thể sẽ vừa bắt nạt vừa thân thiết với anh được. Nhưng không, tình thế đã bị lật ngược. Khi cô giáo chủ nhiệm trong lớp của ba cô nàng bị ốm và phải thay giáo viên chủ nhiệm mới… thì chính anh chàng Gia là thầy giáo ấy. Vừa bất ngờ vừa ngượng ngùng, nhưng hình như họ đã có trải nghiệm tuyệt đẹp của tuổi học sinh, thân thiết với thầy giáo hơn, không có biểu hiện của sự xa cách thầy mới và trò cũ.
Mình rất ấn tượng với cốt truyện, luôn luôn là cái kết bất ngờ và tạo cảm giác rất thoải mái cho người đọc. Bác Ánh đã khơi gợi khiến mình thích nhiều tác phẩm của tác giả Việt Nam hơn. Thực sự là như vậy, quá giản dị và cũng quá đặc biệt <3
5. ĐINH THƯƠNG HUYỀN review sách Nữ Sinh
Mình thích đọc những câu chuyện viết về tuổi học trò của bác Ánh, và “Nữ sinh” cũng không ngoại lệ.
Một câu chuyện nhẹ nhàng, khắc hoa rõ nét hình ảnh học trò khiến tôi nhớ cấp ba vô cùng, dù đã qua cái thời áo trắng cũng khá lâu, nhất là lại ở cái thời điểm mua chia tay cận kề, phượng hồng sắp đỏ như thế này. :(((
Chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ của ba cô học trò tinh nghịch: Xuyến, Thục, Cúc Hương và anh chàng Gia ở quán chè cạnh trường. Những trò đùa tinh quái của 3 cô nàng, sự bí ẩn về anh chàng ngày nào cũng ngồi uống cafe ở cổng trường, và đặc biệt là sự vụ Cúc Hương kéo Gia vào chuyện tình cảm của mình với Hùng làm cho mối quan hệ giữa họ ngày càng thân thiết và khắng khít. Để rồi cô nàng Thục hiền lành ít nói tương tư anh chàng lúc nào không hay, mà đâu biết rằng sau đó Gia lại chính là GV chủ nhiệm của mình. Và chính điều đó như một bức bình phong ngăn khoảng cách trong mối tình đơn phương ấy của Thục.
Đọc truyện, ta mỉm cười ngây ngô khi nhớ về thời cắp sách tới trường của mình. À thì ra học trò là vậy, nghịch ngợm, vô tư, nghênh ngang ngạo mạn nhưng mà cũng trong sáng biết bao, tươi đẹp biết bao! Cái tuổi nhất quỷ nhì ma ấy!Ta thấy biết ơn và cảm mến tấm lòng của người thầy, mà ở đây là thầy giáo trẻ Gia. Một tấm lòng bao dung, thân thiện, yêu quý lũ trò, tận tuỵ vì học trò. Ta có thể thấy rõ điều đó qua cách thầy cư xử với chuyện của Hùng. Và ta cảm thông cho những cậu học trò ngỗ nghịch như Hùng. Đằng sau cái vẻ vênh váo xấc xược ấy, là cả một nỗi đau, một mảnh đời bất hạnh. Có phải đâu tự nhiên mà người ta lại thành như thế? Em đã tổn thương như thế nào, người ta nhìn vào chẳng ai hiểu, và may là em vẫn giữ cho mình một cái tâm lương thiện bên trong lớp vỏ xù xì ấy. Thế mới thấy gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người.
Kết chuyện khiến mình hơi hết hẫng, cảm giác như truyện vẫn còn nữa ở trang sau, và mình vẫn đang tìm kiếm thêm một điều gì đó. Nhưng đôi khi những thứ dở dang lại khiến người ta nhớ mãi. Trang chuyện của bác Ánh đã kết thúc, nhưng chuyện đời của mấy cô cậu học trò ấy chỉ vừa mới sang trang, và tràn ngập tiếng cười tiếng tíu tít phía xa xa…
III. Trích dẫn sách Nữ Sinh
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Bà chủ quán đích thân mang cà phê ra cho anh. Đặt ly cà phê xuống bàn, bà chìa ra trước mặt anh một mảnh giấy nhỏ.
Anh cầm lấy và đọc thấy trong đó dãy số tiền, bên cạnh là một hàng chữ trong ngoặc đơn ý chừng để chú thích. Hàng chữ ghi: “Tiền sáu ly chè”.
Anh lật tới lật lui tấm giấy rồi đưa mắt nhìn bà chủ quán:
- Giấy gì đây bác?
- Tiền chè của mấy cô đó! – Bà chủ quán giải thích.
- Mấy cô nào?
- Ba cô hay ngồi chung với cậu đó. Họ nói họ là bạn của cậu.
Anh đoán ngay ra Xuyến, Thục và Cúc Hương. Nhưng anh cũng chưa hiểu họ định giở trò gì với anh. Anh lại hỏi:
- Nhưng bác đưa tấm giấy này cho tôi làm gì?
- Đây là tiền sáu ly chè mấy cô ăn hôm qua. Họ bảo để anh tới trả tiền.
Tình huống bất ngờ khiến anh dở cười dở khóc. Anh móc túi trả tiền, bụng không biết cái “vinh dự” này còn đeo đuổi anh đến bao giờ…”
–––––
“Anh thường đến quán vào sáng sớm, lúc giờ học chưa bắt đầu. Anh chọn một chỗ ngồi kín đáo nhưng không đến nỗi khuất tối lắm để có thể nhìn thấy ngôi trường bên kia đường và nghe những tiếng rì rầm từ các lớp học vọng lại. Sau đó, anh kêu một ly cà phê đen, vừa nhâm nhi vừa nhìn ngắm các khách hàng ôm cặp vào quán và lắng nghe họ trò chuyện. Những lúc ấy, anh thường mỉm cười vẩn vơ và lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình”
–––––
“Khi bạn còn đang ở độ tuổi thanh xuân, bạn tin rằng mọi câu hỏi đều có thể tìm ra lời giải đáp. Nhưng khi đã già, biết đâu bạn lại cảm thấy: trong đời người, thực ra không có gì gọi là lời đáp cả.”
–––––
Trích Chương 01 – Nữ Sinh
Quán nằm hơi chếch với cổng trường về mé phải, cách một con đường hẹp vừa đủ hai xe ô-tô đi lọt.
Ở đây, người ta có bán cà phê nhưng chính là bán các loại chè, xi-rô và kem. Ngày hôm đầu tiên đặt chân vào quán, anh đã nhận thấy điều đó. Cũng chẳng có gì lạ bởi khách thường xuyên của quán là đám học sinh của ngôi trường cấp ba đối diện. Trước và nhất là sau giờ học, từng nhóm học sinh kéo nhau vào quán ăn chè, uống nước và đấu láo. Trống vừa đánh thùng thùng, học sinh đã ùa ra khỏi cổng trường, vội vã băng qua đường và kéo vào đầy quán. Những lúc ấy, chủ quán phải kê thêm chiếc ghế trước hiên, dưới bóng cây sứ xum xuê đằng trước.
Chè ở đây ngon, thậm chí khá ngon. Ăn thử một ly, anh biết. Nhưng khách đến không chỉ để ăn chè mà còn để ngồi trò chuyện, thường là chuyện tầm phào, cà kê dê ngỗng. Cũng có khi khách bàn chuyện học tập. Thậm chí, có một lần, anh bắt gặp một học sinh ngồi ôn bài nơi góc quán.
Chủ quán là một phụ nữ đẫy đà, khoảng năm mươi tuổi, tính tình vui vẻ, xuề xòa, coi chuyện học sinh vào quán ngồi tán láo hằng giờ hay ôn bài cả buổi là chuyện bình thường. Hai cô con gái giúp việc cũng đối xử với khách theo một phong cách cởi mở không kém. Tất cả những điều đó khiến anh có cảm giác nơi đây giống một câu lạc bộ hơn là quán nước.
Anh thường đến quán vào sáng sớm, lúc giờ học chưa bắt đầu. Anh chọn một chỗ ngồi kín đáo nhưng không đến nỗi khuất tối lắm để có thể nhìn thấy ngôi trường bên kia đường và lắng nghe những tiếng rì rầm từ các lớp học vọng lại. Sau đó, anh kêu một ly cà phê đen, vừa nhâm nhi nhìn ngắm các khách hàng ôm cặp vào quán và lắng nghe họ trò chuyện. Những lúc ấy, anh thường mỉm cười vẩn vơ và lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình.
Đến ngày thứ ba thì Xuyến nhận ra sự khác thường. Nó khều Cúc Hương, giọng bí mật:
– Có hiện tượng lạ, mày biết chưa?
Cúc Hương rụt cổ:
– Gì mà ghê gớm vậy? Đuôi sao chổi sắp quét trúng trường mình hả?
Xuyến nhăn mặt:
– Mày lúc nào cũng tếu được! Tao nói nghiêm chỉnh mà!
Cúc Hương nheo mắt:
– Nhưng mà chuyện gì nói đại ra cho rồi! Mày lúc nào cũng làm bộ bí mật. Theo dõi nét mặt mày còn mệt hơn theo dõi số phận nô tỳ Isaura.
Xuyến nghiêm giọng:
– Có một anh chàng. . .
-. . . Từ trên trời rơi xuống? – Cúc Hưng chêm tiếp.
– Cũng có thể! Không biết ở đâu rơi xuống ngay trước cổng trường mình. Ba ngày nay rồi.
– Anh chàng bán kẹo kéo chứ gì?
Xuyến phớt lờ sự pha trò của Cúc Hương. Nó cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị:
– Anh chàng ngồi bên quán cây Sứ.
Cúc Hương chớp mắt:
– Tao biết rồi. Chân đi săngđdan. Áo sơ mi bỏ vô thùng.
– Ngay chóc!
Xuyến reo lên. Đột nhiên nó nhìn sững Cúc Hương:
– Chà, mày để ý kỹ quá hén!
Cúc Hương cười:
– Thấy người lạ mặt mình phải cảnh giác chứ!
Xuyến hạ giọng:
– Nhưng mày có nghi gì không?
– Nghi gì?
– Anh chàng đó.
– Gián điệp chứ gì!
– Hừm! Tao đoán anh chàng đang “trồng cây si” một đứa nào trong trường mình.
– Đứa nào đó chắc là mày.
Xuyến phát vào vai Cúc Hương:
– Tao nói thật mà mày cứ giỡn hoài!
Đúng lúc đó, Thục trờ tới.
Cúc Hương nháy mắt với Thục:
– Có một người đang tìm mày.
Thục tròn mắt:
– Thật không?
– Thật. Tìm ba ngày nay rồi.
Thục bán tín bán nghi:
– Ai vậy?
– Một anh chàng rất bảnh trai. Từ trên trời rơi xuống.
Thục cười:
– Mày lúc nào cũng pha trò được.
Cúc Hương chỉ tay qua bên kia đường:
– Tao đùa mày làm gì! Anh chàng đang ngồi đợi bên quán cây Sứ kia kìa!
Thục nhìn theo tay chỉ của bạn:
– Đâu?
– Đó! Anh chàng đang ngồi tuốt bên trong đó!
Thục nhún vai:
– Tao không thấy gì hết!
Xuyến chen vào:
– Mày muốn thấy thì qua bên đó với tụi tao.
Nói xong Xuyến cầm tay Thục kéo đi. Thục níu lại:
– Thôi, tao không đi đâu!
– Sao lại không đi?
Thục nhăn mặt:
– Không đi là không đi chứ sao! Mày với con Cúc Hương chỉ giỏi bịa!
Cúc Hương hắng giọng:
– Bịa đâu mà bịa! Qua bên đó, mày không hỏi thì tụi tao hỏi giùm cho.
Vừa nói, Cúc Hương vừa đẩy Thục tới trước. Không biết làm sao, Thục đành phải bước theo hai bạn.
Anh đang ngồi thì thấy ba cô gái bước vào quán và xăm xăm đi lại phía mình. Cô đi trước có vẻ bạo dạn, cô đi giữa khoan thai hơn còn cô đi sau cùng thì lộ vẻ rụt rè. Trong một thoáng, anh nhận ra ba cô gái này là khách thường xuyên của quán. Nhưng mọi hôm, ba cô thường ngồi ở chiếc bàn bên trái, sát cửa ra vào, không hiểu sao hôm nay họ lại kéo vao phía trong và lại có vẻ như muốn ngồi chung bàn với anh.
Anh chưa kịp suy nghĩ thì các cô gái đã ngồi xuống những chiếc ghế trống bên cạnh. Tự nhiên anh có cảm giác mình bị bao vây. Ý nghĩ đó bất giác khiến anh bật cười. Anh cố nén mà không được.
Nghe tiếng anh cười khẽ, Xuyên quay sang Cúc Hương:
– Mặt tao có dính lọ nồi không?
– Không! – Cúc Hương hùa theo.
– Xuyến làm mặt tỉnh:
– Không sao có người cười?
Cúc Hương nhún vai:
– Khi không mà cười mới giỏi chứ! Còn thọt lét mới cười thì ai cười chả được!
Biết gặp thứ dữ, anh vội vàng nghiêm mặt và đưa mắt nhìn ra đường, ra vẻ như không quan tâm đến những vị khách ngồi cùng bàn.
Thấy anh ngó lơ, Xuyến khều Thục:
– Mày hỏi đi!
– Hỏi gì?
– Hỏi anh tìm tôi có chuyện gì không?
Thục rụt cổ:
– Thôi đi! Tụi mày chuyên môn phá người ta không hà!
Xuyến trừng mắt:
– Mày không hỏi tao hỏi à!
Thục cười:
– Mày ngon thì hỏi đi!
– Đừng có thách!
Nói xong, Xuyến đằng hắng một tiếng thật to. Thấy anh vẫn không động tĩnh, nói gọi giật:
– Này, anh. . . bạn!
Anh quay mặt lại:
– Cô gọi tôi?
Xuyến chun mũi:
– Không gọi anh thì gọi ai!
Anh hỏi, giọng cảnh giác:
– Cô gọi tôi có chuyện gì không?
Xuyến chỉ Thục:
– Nó đây nè!
Anh ngơ ngác nhìn Thục. Nhưng Thục đã cúi mặt xuống, anh chỉ thấy cái “đuôi gà” vắt trên vai nó. Mãi một lúc sau, anh mới ấp úng hỏi lại:
– Là sao? Tôi không hiểu.
Xuyên nheo mắt:
– Anh không hiểu thật à?
– Thật.
Xuyến nhún vai:
– Thật thì thôi! – Rồi nó giả vờ chép miệng – Vậy mà tôi tưởng anh tìm nó.
Anh nhìn về phía Thục:
– Tìm cô này hả?
Xuyến “sửa lưng” anh liền:
– Anh đừng gọi nó là cô này! Nó tên Thục.
Anh đỏ mặt:
– Xin lỗi! Tại tôi không biết tên các cô.
Xuyến cười:
– Tên tụi này rất đẹp và dễ nhớ lắm. Nó là Thục. Tôi tên Xuyến. Còn con nhỏ này tên Cúc Hương.
Anh gật gù:
– Ừ, tên ai cũng đẹp.
– Còn anh? – Cúc Hương im lặng từ nãy đến giờ, đột ngột lên tiếng hỏi.
– Tôi sao?
– Tên anh là gì?
– À, tôi tên Gia.
– Gia hay Da?
– Gia.
Cúc Hương gục gặc đầu:
– Tên anh cũng đẹp. Nhưng không đẹp bằng tên tụi này.
Anh cười:
– Tôi cũng nghĩ vậy.
– Anh nghĩ vậy thật à?
– Thật. Tôi không biết nói dối.
Xuyến reo lên:
– Thế thì hay quá! Anh khai thật đi! Anh “kết môđen” cô nào ở trường này?
– Đâu có! – Anh đáp, giọng bối rối.
Thấy anh đỏ mặt, Cúc Hương động viên:
– Anh cứ nói thật đi! Có gì tụi này hỗ trợ cho!
Xuyến hùa theo:
– Ừ, tôi sẽ làm “chú bé liên lạc” cho anh. Đảm bảo không đọc trộm thư!
Anh nhăn nhó:
– Các cô đoán trật rồi. Không hề có chuyện đó ở đây!
Xuyến quắc mắt:
– Có hề! Anh đừng chối!
– Tôi không chối! – Anh thở dài, vẻ khổ sở.
Thấy vậy Thục lên tiếng:
– Người ta đã bảo không có, sao tụi bây cứ bắt ép hoài vậy!
Xuyến nạt Thục:
– Mày sao ngây thơ quá! Không có gì sao ngày nào cũng đến đây.
Anh rên rỉ:
– Tôi đến uống cà phê.
– Uống cà phê mà ngồi từ sáng đến trưa. Anh nói dối!
– Tôi đã nói rồi! Tôi không biết nói dối.
Thấy anh khăng khăng, Xuyến hạ giọng nhỏ nhẹ:
– Không nói dối thì anh khai thật đi!
Anh chớp mắt:
– Khai gì bây giờ?
Xuyến tiếp tục dụ dỗ:
– Khai tại sao anh ngồi uống cà phê cả buổi vậy.
Anh tặc lưỡi:
– Tại tôi không biết đi đâu.
Thục chen vào:
– Bộ anh không đi làm hả?
– Không.
– Vậy là anh thất nghiệp?
– Ừ, thất nghiệp.
Cúc Hương nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ:
– Thất nghiệp sao mà quần áo láng coóng vậy?
Anh nhún vai:
– Các cô không biết gì hết! Phải ăn mặc đàng hoàng thì mới dễ xin việc làm.
Thấy không thể khai thác gì thêm được ở đối tượng khả nghi này, Xuyến hắng giọng tuyên bố:
– Thôi được rồi, tạm thời tụi này tin anh! Nhưng tôi không hiểu. . .
Đang nói tự nhiên Xuyên ngừng lại. Anh nhìn nó, hồi hộp:
– Không hiểu chuyện gì?
Xuyến nháy mắt:
– Anh bảo thất nghiệp sao lại có tiền uống cà phê?
Anh cười:
– Tưởng gì! Tiền cà phê đâu có bao nhiêu!
Xuyến hỏi bằng giọng tinh quái:
– Vậy tiền chè có “bao nhiêu” không?
Anh ngớ người ra:
– Cô nói gì tôi không hiểu.
Cúc Hương cười cười giải thích:
– Anh chậm hiểu quá! Ý nó muốn hỏi là anh có thể trả tiền ba ly chè của tụi này không.
Anh cũng cười:
– Được thôi! Để đó tôi trả cho!
Thấy anh đồng ý ngay như vậy, Xuyến nhận xét:
– Anh chỉ mắc tội chậm hiểu thôi. Nhưng khi hiểu ra, anh trả lời không đến nỗi chậm lắm!
Ý nó khen anh là con người mau mắn. Và anh không biết mình có nên vui với lời khen đó hay không.
Trước khi ba cô gái kéo ra khỏi quán, Cúc Hương còn quay lại buông thõng một câu:
– Từ trước đến nay chưa có ai được vinh dự trả tiền cho bọn này như anh đâu!
Nhìn ba cô gái vừa đi vừa đấm vai nhau và trong thoáng mắt mất hút sau cổng trường, anh bâng khuâng tự hỏi không biết cái “vinh dự” mà Cúc Hương gán cho anh sẽ còn lặp lại bao nhiêu lần nữa. Nghĩ đến tình cảnh vừa rồi, anh thấy mình giống hệt như một bị cáo ra trước vành móng ngựa, phải trả lời những câu chất vấn ngược ngạo của các quan tòa, bất giác anh mỉm cười.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!
Series chuyện về 3 cô học trò láu lỉnh Xuyến, Thục, Cúc Hương. Đến giờ vẫn có thể đọc lại và cười khì khì.
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã chia sẻ cùng với Những Cuốn Sách Hay!