Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 300 |
Ngày xuất bản | 07-2019 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Mắt Biếc
Mắt biếc là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong loạt truyện viết về tình yêu thanh thiếu niên của tác giả này cùng với Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua,… Đây được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh, từng được dịch giả Kato Sakae dịch để giới thiệu với độc giả Nhật Bản với tựa đề Tsuburana hitomi (つぶらな瞳).
Tác phẩm này được chuyển thể thành phim do Victor Vũ làm đạo diễn, khởi chiếu chính thức vào ngày 20 tháng 12 năm 2019.
Nội dung
Mắt biếc kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Ngạn. Ngạn sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng tên là làng Đo Đo (thuộc xã Bình Quế – huyện Thăng Bình – tỉnh Quảng Nam – cũng là nguyên quán của tác giả). Lớn lên cùng với Ngạn là cô bạn hàng xóm có đôi mắt tuyệt đẹp tên là Hà Lan. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan gắn bó với bao nhiêu kỉ niệm cùng đồi sim, đánh trống trường… Tình bạn trẻ thơ dần dần biến thành tình yêu thầm lặng của Ngạn dành cho Hà Lan. Đến khi lớn hơn một chút, cả hai phải rời làng ra thành phố để tiếp tục học. Khi tấm lòng của Ngạn luôn hướng về Hà Lan và về làng, thì Hà Lan không cưỡng lại được cám dỗ của cuộc sống xa hoa nơi đô thị và ngã vào vòng tay của Dũng. Việc Hà Lan ngã vào vòng tay Dũng, một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng rất thiếu đứng đắn đã làm cho Ngạn đau khổ rất nhiều vì điều Ngạn cần là hạnh phúc của Hà Lan.
Mỗi khi Dũng làm Hà Lan tổn thương cô lại tìm Ngạn để tâm sự, điều đó lại càng làm cho Ngạn buồn thêm. Có lần Ngạn đã đánh nhau với Dũng vì Hà Lan và kết quả tất nhiên là Ngạn thua nhưng điều đó đã không làm cho Ngạn bớt đi tính anh hùng, sẵn sàng đánh nhau mỗi khi Hà Lan bị bắt nạt. Cũng từ đó những cảm xúc mỗi khi Hà Lan tìm đến Ngạn để giãi bày niềm tâm sự giảm bớt đi.
Hà Lan có thai, nhưng gia đình Dũng không chấp nhận, bị Dũng ruồng bỏ nên làm đám cưới với Bích Hoàng (Người mà Dũng từng nói: Chỉ được cái mẽ ngoài).Cô đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan vẫn không đáp lại vì cô hiểu rõ mình muốn sống theo một lối sống hoàn toàn khác với Ngạn. Bằng tình yêu của mình dành cho Hà Lan, Ngạn hết lòng yêu thương và chăm sóc cho Trà Long. Trà Long lớn lên trở thành cô giáo trường làng, và vô cùng yêu quý Ngạn. Trong khi ai cũng nghĩ rằng Trà Long sẽ là sự nối tiếp những gì mà Hà Lan đã bỏ dở trong đời Ngạn, thì Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan trong anh mà thôi.
Nhận định
“Giọng văn trong Mắt biếc rất hay và nhẹ nhàng. Câu chuyện tình cảm trong sáng. Sau khi đọc truyện này, tôi bỗng muốn đi Việt Nam”.
– Nhà thơ TAKATSUKI FUMIKO (Nhật Bản)
“Tôi rất đồng cảm với nội tâm của nhân vật Ngạn trong tác phẩm Mắt biếc. Tôi đã rơi nước mắt trước tâm hồn vô tư và sự hy sinh của Trà Long, qua đó tôi suy nghĩ nhiều về bối cảnh xã hội Việt Nam”.
– Nhà văn INAZAWA JUNKO (Nhật Bản)
II. Review sách Mắt Biếc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Mắt Biếc” là câu chuyện kể về cuộc đời của nhân vật Ngạn. Ngạn thầm yêu từ nhỏ cô nàng cùng xóm có đôi mắt tuyệt đẹp – Hà Lan. Tuổi thơ ở nơi làng xóm bình yên giản dị thật là đẹp, nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc khi cả hai đều phải lên thành phố tiếp tục việc học, và tấm bi kịch bắt đầu từ đây.
Lòng thương nhớ của Ngạn đối với Hà Lan vẫn luôn không thay đổi, nhưng cô gái ấy đã không thể chống lại sự cám dỗ của thị thành, cô đã ngã vào lòng một người con trai khác tên Dũng. Cô và Dũng có con, nhưng người đàn ông ấy đã ruồng bỏ cô, khiến cô phải gửi đứa trẻ về quê cho bà ngoại chăm sóc, cô đặt tên nó là Trà Long. Hà Lan vẫn biết Ngạn thầm thương mình bấy lâu, nhưng cô không chấp nhận vì cô biết, cô và Ngạn không cùng một lối sống. Thế nhưng tấm lòng của anh trai làng vẫn không hề thay đổi, anh dành hết tình thương cho con cô. Cô bé Trà Long ấy ngày một lớn và trở thành cô giáo, và tất nhiên, cô rất quý mến Ngạn.
Liệu, Trà Long có phải là những gì mà Ngạn tìm kiếm ở Hà Lan,người có bù đắp lại những thứ mà Ngạn đã bỏ dở trong cuộc đời anh ấy?…
1. Hưng Karik review sách Mắt Biếc
Mắt Biếc có lẽ cái tên đã không còn quá xa lạ với nhiều người qua tác phẩm truyện dài của nhà văn Nguyễn nhật Ánh vào những năm 2011. Đôi mắt ngày nào lại một lần nữa phải khiến bao người say đắm nhờ vào sự chuyển thể thành phim của đạo diễn Victor Vũ.
Cái nào cũng có cái hay riêng của nó, phim thì truyền cảm xúc một cách mạnh mẽ qua sự thể hiện của các nhân vật, nó đã lấy không ít nước mắt của tôi, nhưng thời gian có hạn nó không lột tả được hết những vẻ đẹp của làng ĐO ĐO, khu rừng Sim tím rịm, những ngày hai đứa cùng nhau tìm Bông Dủ Dẻ, những niềm vui những trò chơi đơn sơ mà lũ trẻ ở quê đã trải qua, ở đó có tình cảm trong sáng của Ngạn và Hà Lan.
Chắc có lẽ ai cũng có người mình thầm thương thầm yêu mến, điều đó thật mai mắn khi được sinh ra cùng nhau trong một ngôi làng hằng ngày được ở cạnh nhau như ở làng Đo Đo ngôi làng nghèo “Cơm còn ít hơn sỏi” và những lần chen lấn chui xuyên qua vòng tròn đám đông để được xem mãi võ, những người không ở lại làng mà vài tháng quay lại một lần, các thầy cô ở làng nữa Thầy Cải thích câu cá, Cô Thung thì hay khát nước trong giờ lên lớp mà đứa nào cũng tranh nhau đi lấy nước cho Cô.
Tôi như đắm mình vào con đường làng không khác gì tranh vẽ. Rừng Sim với những màu tím biếc của hoa, mùi hương ngọt ngào của Bông dủ dẻ, và mỗi lần ăn những trùm Trâm chín mọng thì lưỡi như lá Duối Nước mà chẳng dám về nhà ngay.
Những lần lặng lẽ bên nhau, mắt bâng quơ nhìn trời ngắm đất xuyên qua bìa rừng đến chổ tảng đá phẳng dưới gốc cây bàng Ngạn vừa đàn vừa hát những bản tình ca do chính anh sáng tác cho Hà Lan nghe, nhờ lời hát mà tỏ lòng mình. Lớn lên khi nhịp sống xô bồ, của phố thị, những cạm bẫy cuộc đời đã khiến Hà Lan dẫm phải. “Bà nói đúng sao này Mắt Biếc sẽ khổ” nhưng bà đã không còn để nghe tâm tư của Ngạn. Hồng Nhan bạc phận cuộc sống của cô gái trẻ sớm làm mẹ đơn thân phải trải qua bao nhiêu khó nhọc. Mai mắn thay ông trời đã mang Trà Long con gái cô , đến để an ủi và cũng từ đó tưới mát tâm hồn Ngạn như cây đã khô héo từ lâu. Khoảng thời gian bên Trà Long chăm sóc nó Ngạn như sống lại những ngày của tuổi trẻ, hình ảnh Mắt biếc ngày nào lại ở bên Anh.
Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời khi Ngạn nhận ra “mối tình dành cho Trà Long chẳng qua là sự nối dài của mối tình với Hà Lan qua một hình bóng khác”. Anh quyết định ra đi mãi mãi.
2. Hozuki Maru Dinh review sách Mắt Biếc
Mắt biếc là tác phẩm đầu tiên mà mình đọc của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, mà nguyên nhân bởi sau khi xem teaser quá đẹp của phim “Mắt biếc”, và bài hát “Có chàng trai viết trên cây” thì quá hay và hợp với cả truyện và phim.
Ở một làng quê nghèo với cái tên ngồ ngộ là làng Đo Đo, có cậu bé Ngạn sống những tháng ngày tuổi thơ trong trẻo, vô tư mà cũng không kém phần “iêng hùng”. Háo hức xem buổi diễn mãi võ, mê mải chìm đắm trong thế giới đầy màu sắc sống động ở ngôi chợ làng, nhặt những quả thị trong khu vườn có con chó giữ như một thử thách, ăn xong thị lại xé những mảnh vỏ dán lên bờ tường đất như những bông hoa dã quỳ vàng thơm thơm, rồi nhặt trứng chim trên mái nhà, đi câu nhái cho thầy giáo, thi nhau lấy dùi để được đánh trồng trường, và cả biết bao lần đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Thời thơ ấu của Ngạn đầy thú vị hay ho, khiến mình còn cảm thấy ghen tị vì ngày bé mình chẳng có được lắm trò như thế!
Những ngày thơ bé đó, có cô bé tên Hà Lan bước vào thế giới của Ngạn, mà có lẽ chính cậu cũng chẳng ngờ “tình yêu những đứa trẻ con thì, vu vơ nhanh qua đâu biết tương tư mang theo dài đến thế”. Chỉ vì “đôi mắt mở to, lo âu và đẹp lạ lùng – mắt biếc”. Chỉ vì đôi mắt khi thơ dại Ngạn “soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt, những viên bi “quý tộc”. Chỉ vì đôi mắt khi lớn lên gợi cho Ngạn “nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu”.
Và sau này, cũng đôi mắt đó, như lời bộc bạch của Ngạn “làm khổ tôi ghê gớm”. Bởi đôi mắt biếc năm đó, “nhưng giờ đã biết buồn đau”. Vì người khác, không phải Ngạn.
Đọc Mắt biếc, mình thương Ngạn. Có lẽ bởi vì cũng từng là kẻ ôm một mối tình đơn phương. Nhưng như Ngạn, là cao cả hay khờ dại và cả phiền phức, mình không dám khẳng định. Mình ngưỡng mộ tình cảm day dứt mà bền chặt của Ngạn, yêu thương một người từ khi còn là một đứa trẻ, đến cả khi người ta có người khác, khi người ta có con vẫn tận tuỵ, luôn chờ đợi, luôn là một bờ vai cho Hà Lan gục vào mỗi khi cô đau đớn, vì kẻ khác. Nhưng càng dốc tâm dốc sức như thế, thì người mà Ngạn thương – Hà Lan có lẽ càng khó xử, vì Ngạn không phải người cô yêu, đến với Ngạn chỉ là sự dối lòng mà để Ngạn mãi ôm mối tình cũng thật tội nghiệp.
Đọc Mắt biếc, mình thương Hà Lan. Có lẽ bởi vì cũng từng là một kẻ yêu đến mù quáng và bất chấp. Biết rằng có lẽ người không tốt và không nên tiến đến, nhưng vì con tim át lý trí mà vẫn lao theo để mà tự mình ôm đau khổ. Buồn nhất là sau bao lần trái tim bị dày vò, sau cả những bể dâu đau xót, khi có cơ hội chọn lại, Hà Lan vẫn chọn một người, chỉ vì họ có nét gì đó giống với người mà cô dốc ruột dốc gan dại khờ thương yêu năm xưa.
Đọc Mắt biếc, mình thương Trà Long – cô gái trong trẻo, dễ thương và có lẽ cũng mạnh mẽ nhất truyện. Trà Long biết chứ, mối tình của Ngạn với Hà Lan. Trà Long biết chứ, bao năm Ngạn vẫn ôm nỗi ngóng trông. Trà Long biết chứ, Ngạn chăm lo cho Trà Long cũng bởi vì Ngạn muốn Hà Lan yên lòng. Thương một người mà biết hết thảy những điều ấy, biết trái tim người ta còn thổn thức vì ai, không phải buồn biết bao nhiêu sao? Nhưng sự tươi sáng của Trà Long như lan toả một thứ sức sống át đi cả những mối buồn hiu hắt ấy. Để rồi có những lúc Ngạn ngỡ rằng “ít lâu có cô gái làm dịu êm hồn đã khô”.
Nhưng…
“Câu chuyện đáng lẽ xa xôi
Niềm riêng không ai nhắc tới
Nhưng rồi ngăn cách xa khơi
Một hôm cơn mưa dẫn lối
Thấy cô gái năm ấy khiến thổn thức như lúc đầu
Vẫn nơi đó đôi mắt biếc nhưng giờ đã biết buồn đau…”
Mối tình Ngạn dành cho Hà Lan
Mối tình mà Hà Lan dành cho Dũng
Mối tình mà Trà Long dành cho Ngạn
Yêu thương thật lòng.
Nhưng mãi dở dang…
3. Hoang Tran review sách Mắt Biếc
Ấn tượng đầu tiên khi đọc bất kỳ quyển sách nào của NNA là nỗi buồn nhè của sự trưởng thành và thời gian. Vẫn như mọi khi, Nguyễn Nhật Ánh (NNA) làm rất tốt trong việc viết về sự nuối tiếc khi trưởng thành. Những khoảnh khắc bỗng giật mình vì nhận ra mình đã lớn được NNA tập hợp lại thật đầy đủ: là khi bỗng chốc nhận ra mọi thứ đều bé lại, là khi nhận ra những điều, những người gần gũi trong tuổi ấu thơ cứ dần dần trôi xa, là khi thương nhớ muốn ôm lấy kỉ niệm lại vừa lảng tránh kỷ niệm. Có lẽ vì lẽ đó mà NNA vẫn luôn được mệnh danh là nhà văn thiếu nhi viết cho người lớn.
Ấn tượng thứ hai là Ngạn và chuyện tình khắc khoải của Ngạn dành cho Hà Lan. Mình không thấy ở anh bất kỳ sự ủy mị và lụy tình nào. Chuyện tình của Ngạn và Hà Lan bất giác khiến mình nhớ đến một trích dẫn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những điều ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời…” Đã là tình yêu thì chẳng ai biết được điều gì. Có những người yêu nhau rồi thôi. Có những người mang theo đoạn tình yêu đó đến cuối đời. Những thương nhớ thời tuổi trẻ, mà nhất là mối tình đầu, lại càng nồng nàn và day dứt, bởi vì việc thương một người bằng ngần ấy chân thành chỉ đến một lần trong đời. Tình cảm dành cho Hà Lan chính là điều chỉ đến một lần đó, và cách Ngạn sống mãi trong tình cảm đó cũng là cách Ngạn “yêu cõi đời đã mất” của mình.
Nhưng rồi, cũng như trong bao quyển sách khác, NNA chỉ chạm rất khẽ vào nhân vật, không đào sâu, không đặc tả nội tâm. Vậy nên truyện NNA không nặng nề mà nhẹ nhàng, dễ đọc. Nhưng vì thế mà mình lại tiếc nuối, bởi vì mình chỉ cảm nhận được Ngạn vì mình cũng có một mối tình học sinh, cũng trải qua những cung bậc cảm xúc, những rung động, buồn vui hay hờn ghen của Ngạn. Mình ước thay vì viết đi viết lại dăm ba lần những tính từ chung chung chỉ nỗi buồn, NNA viết nhiều hơn về chiều kích của những nỗi niềm đó, lột tả nó một cách sắc bén hơn, để người đọc có thể được thổn thức cùng nhân vật. Nhưng vì NNA chỉ “chạm vào bề mặt của con người” (theo cách nói của một review trên Goodread), nên khi gấp lại quyển sách này, cái sự lưng chừng, sự “nhàn nhạt” về khắc họa nội tâm này khiến mình hụt hẫng.
4. Trương Lan review sách Mắt Biếc
Mình đọc ”mắt biếc” từ khi còn nhỏ, nhưng lúc đó đọc được 1/3 thôi, đến giờ lên lớp 12 rồi, mới mua full truyện để đọc.
Nội dung câu chuyện xoay quanh Ngạn-một người giàu tình cảm, đã yêu thương, che chở cho Hà Lan ngay từ khi còn nhỏ. Đến khi lớn lên, tình cảm của Ngạn vẫn không đổi, nhưng Hà Lan-vì chạy theo sự giàu sang, hào nhoáng, đã quên đi Ngạn, quên đi kỉ niệm tuổi thơ, đã ở lì trên thành phố. Sau này, Hà Lan bị gạt và có con với Dũng-đứa bé tên Trà Long. Vì để dễ làm ăn nơi đất Sài Gòn, Hà Lan đã gửi Trà Long về cho cha mẹ cô ở quê nuôi dưỡng. Còn Ngạn sau khi học xong thì về quê làm thầy dồ. Và cậu cũng hết lòng với Trà Long, yêu thương, chăm sóc Trà Long như con ruột của mình. Khi Trà Long lớn lên, lại đem lòng yêu mến Ngạn, Ngạn cứ ngỡ mình cũng yêu Trà Long nhưng rồi cậu nhận ra mình chỉ xem Trà Long như cái bóng của Hà Lan, và rồi cuối cùng, Ngạn đã bỏ đi, rời khỏi mảnh đất quê hương đầy kỉ niệm với cô bạn thuở nhỏ.
Khác với nhiều người, cái ấn tượng của mình đối với ”mắt biếc” không phải là tình cảm của Ngạn với Hà Lan, mà là tình cảm của Ngạn với làng Đo Đo, với quá khứ, với kỉ niệm, với kí ức tuổi thơ… Ngạn là một người giàu tình cảm, thường hay hoài niệm vê quá khứ, không vì cuộc sống xa hoa ở Sài Gòn mà quên đi cuộc sống bình dị của quê hương, đó là điểm mà mình thích nhất ở Ngạn. Và cả những suy nghĩ của Ngạn cũng thật giống mình, nhất là hồi còn nhỏ, lúc Ngạn bị ba đánh, đã mong ước được chết một lần, trong vòng 3 hay 5 ngày thôi, để ba cậu hối hận, khi đó cậu sẽ sống lại, và được mọi người thương yêu chiều chuộng hay suy nghĩ của Ngạn về sự đổi thay của mọi thứ xung quanh khi người ta lớn, đó cũng là những suy nghĩ của mình.
Có vài câu nói mình tâm đắc trong quyển sách này
- ”Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có mỗi một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu nga rẽ, làm sao người chẳng quên người.”
- ”Chỉ cần một khoảng cách ngắn ngủi giữa hai mùa hè, mọi thứ trên đời đều có thể bị đẩy lùi vào quá khứ chẳng chút xót thương”
- ”Làng mình đẹp, nhưng buồn. Hồi chú nhỏ, làng vui hơn. Cũng có thể làng vẫn thế thôi, nhưng bây giờ chú thấy khác. Khi lớn lên người ta thường thấy mọi thứ khác đi, cháu ạ! Chúng ít rực rỡ và trong suốt hơn.”
III. Trích dẫn sách Mắt Biếc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Mắt Biếc được đánh là tác phẩm buồn nhất trong kho tàng sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện khiến nhiều người day dứt và tiếc nuối cho những mối tình thơ ngây, trong trắng của lứa tuổi học trò.
Cùng Những Cuốn Sách Hay điểm lại một số trích dẫn hay trong tác phẩm này nhé:
- “Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi ký thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về.”
- “Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người.”
- “Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết học có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn. Tôi đành tìm đến âm nhạc để giải khuây.”
- “Hà Lan đã dẫm lên trái tim tôi bằng đôi guốc đinh nhọn như trong giai thoại về học sinh trường Nữ. Nó giẫm lên và không hề ngoái lại. Nó chẳng buồn biết trái tim tôi còn đập nữa hay không.”
- “Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi biết Hà Lan hẳn đã hiểu rõ lòng tôi từ lâu. Nó cũng biết tình tôi dành cho nó không bến không bờ. Nhưng nó thích xa đi, tôi thích quay về, hai người hai thiên hướng khác nhau, đời chia hai ngả, gần hai mươi năm qua khổ ai nấy chịu. Hà Lan đã tự chọn lấy con đường riêng cho mình, con đường đó không có tôi. Bây giờ, sau hai lần gãy đổ, mộng ước không thành, chút duyên lỡ nó không nỡ dành cho tình tôi vằng vặc. Hèn gì đôi mắt nó đêm nào nhìn tôi chan chứa. Nhìn một lần rồi mãi mãi quay lưng. Tình bạn thuở thiếu thời bao năm qua vẫn chỉ là tình bạn, lòng tôi cứ hoài trinh bạch quạnh hiu.”
- “Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ”
- “Trà Long, làng mình bao giờ cũng đẹp. Cháu hiểu rõ điều đó hơn mẹ cháu. Làng mình đẹp, nhưng buồn. Hồi chú còn nhỏ, làng vui hơn. Cũng có thể làng vẫn thế thôi, nhưng bây giờ chú thấy khác. Khi lớn lên, người ta thường thấy mọi thứ khác đi, cháu ạ! Chúng ít rực rỡ hơn và ít trong suốt hơn. Nhưng dù sao chí vẫn tin trong mắt cháu, thế giới vẫn còn nguyên vẹn, dù ngày mai khi cháu đến đây thì chú đã đi rồi…”
- “Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và người chú yêu dấu. Ngày mai, khi cháu đến tìm chú hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”
- “Cuộc đời đã thực sự đổi thay. Có những đổi thay sâu sắc, những đổi thay mang màu sắc số phận mà thoạt nhìn không dễ nhận ra .”
- “Đứng trước nỗi buồn của một người con gái, tôi luôn luôn xốn xang và cảm thấy mình có lỗi trong chuyện đó, mặc dù nhiều khi nguyên do của nỗi buồn chẳng dính dáng gì đến tôi.”
- “Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng đốm lửa hi vọng trong tôi chưa tắt hẳn. Nó vẫn cháy dù là leo lét, bản chất của tình yêu là hi vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất.”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn cuối truyện Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh
Tình yêu làm quên thời gian, có ai đó đã nói như vậy. Trong trường hợp tôi, câu nói đó mới đúng làm sao! Từ ngày Trà Long về làng, tôi không nhớ trái đất đã quay quanh mặt trời như thế nào. Ngày và đêm nối tiếp nhau lướt qua như ảo ảnh. Bên trời lá rụng, tôi chẳng hay. Lòng tôi chỉ ngập đầy hoa nở.
Dạo này, mỗi khi vào rừng Sim, tôi không quên mang theo cây đàn. Tôi muốn nghe tình tôi ca hát. Tôi muốn nghe sáu dây đàn reo vang những bản tình ca ngọt ngào và trong trẻo. Trà Long đã thôi trách tôi nhạc chú sao buồn.
Một hôm cao hứng, tôi dẫn Trà Long đi xuyên qua mé rừng bên kia, đến chỗ tảng đá dưới gốc bàng bìa rừng, nơi ngày xưa tôi và Hà Lan thường ngồi ngắm mặt trời xuống bên kia thung lũng. Không hiểu sao, từ trước đến nay, tôi vẫn ngại rủ Trà Long đến chỗ này. Chắc là tôi sợ hồn tôi lần về kỷ niệm. Kỷ niệm dẫy đầy dưới từng bước chân tôi.
Tôi ngồi trên tảng đá, bâng khuâng ngắm Trà Long đang nhởn nhơ bên mấy bụi sim già, trên tay ôm một chùm hoa tím. Giữa rừng chiều nhạt nắng, Trà Long bỗng đẹp lạ lùng. Nó như nàng tiên đọa, bước ra từ cổ tích, xuống trần gian làm bạn để tôi vui.
Lòng dạt dào, tôi so dây và khẽ hát:
Có phải em vừa mới hiện ra
Từ trong xa thẳm của hôm qua
Y như cô Tấm ngày xưa ấy
Tiếc nuối làm chi trái thị già
Trà Long lần theo tiếng hát, đến ngồi bên tôi. Nghe tôi hát, nó cười bảo:
– Chú lại nhớ đến những trái thị trong vườn ông Cửu Hoành rồi! Chú cứ nhắc kỷ niệm hoài!
Giọng Trà Long êm ái bên tai, nghe như tiếng chiều đi xào xạc. Hạnh phúc dâng ngập lòng tôi khiến tim tôi như thót lại. Cuộc đời sao như một giấc mơ. Có phải Trà Long ngồi bên, hay đó chỉ là khói sương mộng mị? Tiếng đàn tôi nhắn hỏi với mây chiều:
Hay chính em là một giấc mơ
Len trong nắng sớm hỡi sương mờ
Em đang bên cạnh mà như thể
Một bóng hình ai khéo giả vờ
Tiếng đàn cuối cùng tự nhiên chùng xuống như một tiếng thở dài. Trà Long dịu dàng đặt tay lên cánh tay tôi, giọng xao xuyến:
– Cháu không phải là giấc mơ đâu! Lúc nào cháu cũng ở bên chú!
Tôi quay lại, lòng xốn xang khôn tả. Và không ngăn được lòng mình, tôi bồi hồi vòng tay ôm lấy Trà Long. Trong một phút, tôi tưởng như tôi đang ôm cả thế giới vào lòng. Tôi nghe thấy bờ vai Trà Long đang run rẩy trong cánh tay tôi run rẩy. Tôi nghe thấy trái tim Trà Long đang đập bồn chồn trong ngực tôi. Em khẽ ngước nhìn tôi, bờ môi đang chờ đợi điều gì, sao ánh mắt em nồng nàn đến vậy, có phải đây là phút giây tôi đã đợi chờ suốt tuổi xuân xanh. Em ra đi, em bỏ mặc hồn tôi hoa khế rụng, nỗi đau tôi ngấm trong mỗi cung đàn. Em ra đi, em bỏ mặc rừng sim xao xác, những nẻo đường làng không có dấu chân qua. Tôi đợi em, hồn run như nến lụi, trong giấc mơ tôi thấp thoáng bóng em về. Chiều nay, em về thật đấy sao, mắt biếc em nhìn tôi sâu thẳm, hai mươi năm qua đôi mắt em vẫn đẹp tựa ngày nào.
Tôi cúi xuống hôn em, môi tôi cháy bỏng và trái tim tôi như tan ra trong kỷ niệm dạt dào.
Tôi như người mộng du. Tôi nghe trong đầu tôi vang lên lời xúc động nghẹn ngào: “Hà Lan ơi, bao nhiêu năm qua anh đã đợi ngày này!”. Ý nghĩ trong đầu mãnh liệt đến nỗi tôi chợt rùng mình và suýt nữa bật lên thành tiếng.
Trà Long chớp mắt, nhìn tôi ngơ ngác:
– Chú làm sao thế?
Tôi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn:
– Không… không… chú…
Trà Long nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra và nhìn tôi lo lắng:
– Chắc chú bị trúng gió rồi! Mặt chú thất thần thế kia!
Tôi gật đầu, giọng thẫn thờ:
– Ừ, chắc là trúng gió!
Trà Long giục tôi về.
Hai chú cháu băng qua những lối mòn quen thuộc, sao tôi thấy quanh co như lạc giữa sương mờ. Cho đến khi về tận nhà, hồn tôi vẫn còn bàng hoàng, váng vất.
Tôi nghe tiếng Trà Long văng vẳng đâu đây:
– Sáng mai chú khỏe, chú dẫn cháu lên suối Lá đi câu nghen!
Tôi nghe tiếng tôi “ừ” xa thẳm. Trà Long lại nói:
– Sao chú “ừ” nhỏ xíu vậy? Hôm trước chú đã hứa với cháu rồi kia mà!
Tôi lại ừ. Lần này tôi nghe tiếng tôi “ừ” lớn hơn. Và tôi thấy thấp thoáng trước mắt mình nụ cười rạng rỡ của Trà Long. Nhìn cháu vui mà lòng chú thêm xót xa, cay đắng-tôi nghe ý nghĩ của mình run lên trong đầu – Cháu biết không, chú thương cháu nhất trên đời. Chú thương cháu bằng tất cả tình thương trong đời chú cộng lại. Mọi ý nghĩ của chú từ nay sẽ thuộc về cháu, chỉ một mình cháu thôi!
o O o
Đêm đó, tôi lặng lẽ và ngậm ngùi thu xếp đồ đạc. Ngày mai tôi sẽ ra đi. Tôi sẽ rời làng.
Hẳn mẹ tôi sẽ buồn. Mẹ Hà Lan sẽ buồn. Và Hà Lan, khi biết được, chắc cũng sẽ buồn. Nhưng tôi biết làm gì khác hơn. Tôi cứ ngờ tình tôi xưa đã tắt, chiều hôm qua tôi bỗng thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng. Tôi đã tê tái hiểu ra mối tình tôi với Trà Long chẳng qua chỉ là sự nối dài của mối tình tôi với Hà Lan qua một hình bóng khác. Cứ nghĩ đến cảnh ôm Trà Long trong tay mà lòng cứ ngỡ đang hôn Hà Lan đắm đuối, tôi rùng mình, nghe lạnh toát sau lưng.
Trà Long, cháu hiểu cho chú không? Ngày mai chú ra đi, chú biết mọi người sẽ buồn. Và cháu sẽ là người buồn nhất. Tình yêu của cháu dành cho chú trong sáng, ấm áp và chân thành xiết bao! Cháu giống bà ngoại cháu, tình cảm của cháu bao giờ cũng sâu lắng, đầy tin cậy và nhân ái. Mặc dù cháu không nói ra, nhưng chú biết, với tình yêu đằm thắm của mình, cháu những muốn băng bó vết thương lòng của chú, nỗi đau ngày nào do mẹ cháu gây ra.
Những ngày cháu đi học xa, chú nhớ cháu biết bao. Chú mong ngóng cháu từng giờ từng phút. Hơn mười năm về làng dạy học, chú đã chứng kiến bao nhiêu người con gái rủ nhau rời bỏ làng. Họ đi ngang qua mắt chú, lũ lượt và lầm lũi. Làng quê dần dà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chỉ có cháu là người duy nhất ở lại. Cháu yêu làng, cũng như chú. Cháu yêu làng vì ở đó có tuổi thơ và kỷ niệm. Vì ở đó có những người thân. Và vì ở đó, có chú. Những năm tháng đi xa, cháu đã mỏi mòn chờ ngày về lại. Cháu đã đếm từng ngày, từng tháng, từng mùa phượng nở. Làm sao chú có thể quên hôm mới về làng, cháu đã reo lên hớn hở: “Chú ơi, cháu về đây nè! Lần này cháu về luôn!”. Ánh mắt cháu hôm đó vui mừng biết mấy. Vậy mà, ngày cháu về, chú lại ra đi.
Tôi thở dài nhìn qua song cửa. Đêm nay, trăng xanh vời vợi. Trăng lung linh trên tàu lá chuối sau vườn. Ở dưới nhà Trà Long, hẳn giờ này trăng đang rụng từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Có giọt nào rơi vào giấc ngủ cháu không?
Tôi lại quay vào và thẫn thờ sờ tay lên mặt ván mát lạnh, mặt ván ngày xưa tôi đã biết bao lần leo lên nằm sấp người chờ ngọn roi ba tôi giáng xuống. Trà Long, làng mình bao giờ cũng đẹp. Cháu hiểu rõ điều đó hơn mẹ cháu. Làng mình đẹp, nhưng buồn. Hồi chú còn nhỏ, làng vui hơn. Cũng có thể làng vẫn thế thôi, nhưng bây giờ chú thấy khác. Khi lớn lên, người ta thường thấy mọi thứ khác đi, cháu ạ! Chúng ít rực rỡ hơn và ít trong suốt hơn. Nhưng dù sao chú vẫn tin rằng trong mắt cháu, thế giới vẫn còn nguyên vẹn, dù ngày mai khi cháu đến đây thì chú đã đi rồi…
Trà Long, bây giờ thì chú phải đi. Đã đến giờ rồi, tiếng gà gáy vọng lại từ cuối làng, trong cơn mơ cháu có bồn chồn nghe thấy? Hay cơn mơ cháu đêm nay đầy ắp hoa hồng, cháu thấy cháu cùng chú đi câu trên suối Lá và ngay vào lúc chú lặng lẽ rời bỏ cháu thì cháu đang mỉm cười với chú trong giấc ngủ thơ ngây?
Tôi bước chân đi mà lòng như thắt lại, hồn tôi sao quá đỗi nặng nề. Tội nghiệp Trà Long, tội nghiệp cháu vô cùng! Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và hát cho người chú yêu dấu. Ngày mai, khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?
Thành phố Hồ Chí Minh 1990
Nguyễn Nhật Ánh
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!
“…
Rõ ràng Trà Long không phải là Hà Lan. Nhưng đến khi nó lên lớp chín, tôi lại không thể quả quyết về điều đó. Khi trở thành cô gái, Trà Long giống mẹ như hai giọt nước. Mỗi lần nó nhìn tôi, đôi mắt nó có khác nào mắt biếc năm xưa. Điều đó khiến tôi bối rối lạ lùng và bất giác tôi đâm ra sợ hãi. Tôi càng kinh hoàng hơn khi nhận ra mỗi khi đạp xe bên cạnh Trà Long, nghe nó ríu rít trò chuyện và thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt long lanh của nó, tôi quên bẵng tôi là một gã đàn ông ba mươi mốt tuổi chồng chất trên vai. Tôi ngỡ tôi là cậu học trò lớp chín đang cùng Trà Long rong ruổi những ngày xanh. Tôi vào rừng Sim lúi húi tìm bông dủ dẻ cho Trà Long. Tôi lại làm con khỉ trèo cây, hí hửng leo lên cây trâm năm nào hái cho nó từng chùm trái tím thẫm. Có phải tôi đang bơi ngược dòng thời gian để tìm lại những rung động đầu đời trong suốt như pha lê của gần hai mươi năm về trước, để đôi lúc ngẩn ngơ nhìn Trà Long, lòng bồi hồi mộng mị : “Hà Lan, có phải em đã về ?”
…”
Trích: Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh
Cảm ơn bạn KIM ANH rất nhiều vì đã chia sẻ cùng với Những Cuốn Sách Hay!