Chí Phèo – Nam Cao

Chí phèo - Nam Cao

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác phẩm kinh điển
Tác Giả Nam Cao
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Minh Thắng
Số Trang 328
Ngày Xuất Bản 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Chí Phèo

Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao, đồng thời là một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội. Hiện nay, truyện đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 1. Chí Phèo cũng là tên nhân vật chính của truyện.

Truyện ngắn Chí Phèo, nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong Tập Luống cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên là Chí Phèo.

Chí Phèo – Với những tình tiết hấp hẫn Nam Cao đã đưa người đọc tái hiện bức tranh chân thực nông thôn Việt Nam trước 1945, nghèo đói, xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm, người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.

Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện ngay cả khi bị vùi dập, cướp mất cả nhân hình, nhân tính của người nông dân, đồng thời kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đó trước 1945.

Chủ đề chính của câu chuyện này là phê phán xã hội phong kiến ngày xưa. Trong truyện, có những sự xuất hiện của con người và nhân vật. Hơn nữa, nhà văn Nam Cao đã đề cao và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của Chí Phèo – Thị Nở. Câu chuyện này đã nói lên sự xung đột vô cùng quyết liệt của các tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến.

Những sáng tác của Nam Cao ngoài giá trị hiện thực sâu sắc, các tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, để lại những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

Nội dung sách Chí Phèo – Nam Cao

Ở làng Vũ Đại. Một sáng tinh sương, một anh thả ống lươn nhặt được đứa bé mới đẻ xám ngắt đùm trong cái váy đụp vứt ở lò gạch cũ. Anh ta rước lấy đem về cho người đàn bà góa mù, bà này bán lại cho bác phó cối. Khi bác phó cối chết, hắn bơ vơ, mãi năm 20 tuổi hắn làm canh điền cho Bá Kiến. Vợ ba Bá Kiến bắt Chí bóp chân và xem Chí như một vật lợi dụng. Bá Kiến biết được và thế là Chí bị người ta giải huyện… Đi tù bảy, tám năm sau hắn trở lại làng, mặt mày trông khác hẳn, trông gớm chết trông như một thằng săng đá! Về hôm trước thì hôm sau hắn đã ngồi ở chợ uống rượu với ăn thịt chó từ trưa đến xế chiều, rồi xách vỏ chai đến thẳng nhà Bá Kiến gây sự. Xô xát với Lý Cường, hắn đập vỏ chai, rạch mặt kêu trời ăn vạ. Sau cái vụ Năm Thọ, Binh chức, cụ Bá róc đời xử nhũn với Chí Phèo. Cụ mời hắn vào nhà, giết gà đãi rượu, lúc hắn ra về còn đãi một đống bạc uống thuốc.

Bốn hôm sau, Chí Phèo đốt quán bà bán rượu… Hắn mang theo một con dao nhọn đến xin Cụ Bá đi ở tù. Chỉ một câu nói khích, cụ đã sai được Chí Phèo đến nhà đội Tảo đòi 50 đồng bạc nợ cho cụ. Chẳng phải giao tranh đổ máu, hắn đã đòi được nợ đem về. Cụ bá cho hắn 5 đồng và bán cho hắn 5 sào vườn ngoài bãi sông mới cắm thuế của một người làng. Năm đó Chí 27 hay 28 tuổi, hắn bỗng thành có nhà. Hắn trở thành anh đầy tớ chân tay mới của Bá Kiến, chuyên đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Hắn đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say mãi, say vô tận. Hắn chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi con mẹ chết tiệt nào đẻ ra hắn cho hắn khổ. Năm đó hắn ngoài 40, cái mặt như mặt một con vật lạ. Cả làng Vũ Đại đều sợ hắn một khi hắn đi qua trước mặt.

Tình cờ một đêm trăng, Chí Phèo lần vô nhà Tự Lãng, tên hoạn lợn kiêm nghề thầy cúng, hai đứa uống hết cả ba chai rượu. Ngứa ngáy quá, Chí lảo đảo đi về lều. Hắn gặp Thị Nở đang há hốc mồm ngủ dưới trăng, hắn ôm chầm lấy thị, ăn nằm với thị. Gần sáng Chí bị cảm, hắn được Thị Nở, người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn cho ăn cháo hành. Cũng là lần đầu tiên hắn được ăn cháo hành lại do bàn tay một người đàn bà cho. Hắn bâng khuâng nhớ lại một thời trai trẻ, hắn muốn cùng thị làm thành một cặp rất xứng đôi. Chí Phèo thèm lương thiện. Và hắn say thị lắm. Nhưng đến hôm thứ 6, thị nghĩ bụng: hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã. Thị Nở bị bà cô xỉa xói vào mặt. Thị ton ton chạy sang lều trút tất cả giận dữ lên mặt nhân ngãi. Chí Phèo ngẩn mặt ra, chạy theo Thị Nở, hắn đã bị nhân tình giúi cho một cái ngã lăn khoèo xuống đất. Hắn toan đập đầu ăn vạ nhưng hắn chưa thật say. Và hắn uống, uống thêm chai nữa, càng uống càng tỉnh, càng nhớ cái cuộc đời mình. Hắn đi đến nhà Bá Kiến với con dao ở thắt lưng để đòi lương thiện. Chém chết Bá Kiến, hắn đâm cổ tự sát. Cả làng Vũ Đại xôn xao kéo đến xem hai con quỷ giết nhau. Bà cô chì chiết Thị Nở. Thị nhìn nhanh xuống bụng mình, và thoáng chợt thấy một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…

Câu nói nổi tiếng của Chí Phèo:

“Tao muốn làm người lương thiện, ai cho tao lương thiện?” – Chí Phèo

Thông tin nhà văn Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn NghèoĐui mùNhững cánh hoa tànMột bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân DuNguyệt.

Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.

Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn

II. Review sách Chí Phèo

Review sách Chí phèo - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. PHAN HOÀNG MAI review sách Chí Phèo

Có ai từng đi học mà không biết đến Chí Phèo. Có ai từng đi học mà chưa một lần nghe đến tác giả Nam Cao. Điều đầu tiên tôi xin khẳng định, Chí Phèo là một trong những tác phẩm thành công nhất của Nam Cao và là một áng văn bất tử của văn học Việt Nam. Chí Phèo là cuốn sách viết về xã hội Việt Nam trước năm 1945, phản ánh rõ hiện thực xã hội phong kiến bần cùng, thối nát. Nếu Lão Hạc chọn cái chết khi bị bần cùng hóa, thì Chí Phèo lại chọn con đường lưu manh hóa.

Nội dung truyện xảy ra cao trào khi Chí ra từ và gặp được Thị Nở – một người vô duyên chẳng ai bằng, nhưng lại là niềm hy vọng của Chí Phèo khi hắn nghĩ Thị có thể đưa hắn trở về với cuộc sống thiện lương. Nhưng hình ảnh bà dì của Thị, chính là hình ảnh ẩn dụ của đại đa số người dân khi mà đã ngăn cản Chí đến với Thị, cũng chính là ngăn cản Chí Phèo trở về với cuộc sống nông dân lao động.

Cốt truyện mới lạ cùng với nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng đặc sắc, và đẩy xung đột của câu chuyện trở nên cao trào, Nam Cao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một tác giả khi mà giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm được đẩy lên cao. Để rồi kết thúc câu chuyện với cái chết của Chí và mở ra một vòng luẩn quẩn bi kịch khi mà hình ảnh cái lò gạch cũ và dấu ba chấm kết thúc truyện như mở ra một vòng tròn số phận của Chí Phèo con. Một áng văn xuất sắc của văn học Việt Nam.

2. DIN DIN review sách Chí Phèo

Tôi yêu Nam Cao mất rồi. Tôi lỡ yêu ông như cái cách mà tôi yêu Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng vậy….

Tôi còn nhớ ngày soạn bài Lão Hạc trong sách giáo khoa lớp 8, tôi đã bắt đầu ngưỡng mộ cái chất văn và tư tưởng của ông. Tôi vốn lười soạn văn, nói trắng ra là lười làm bài tập. Nhưng sau khi đọc tác phẩm đó, lão Hạc, ông giáo, thâm chí là cậu Vàng đã khiến tôi muốn cầm bút lên mà viết hết cảm nghĩ của mình ra. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chẳng thể viết được gì, vì cảm xúc quá lộn xộn, vì não nghĩ quá nhanh mà tay tôi lại quá chậm.

Lão Hạc làm tôi đau tim quá. Cả ông giáo với cậu vàng nữa. Khi ai đó cần một trích dẫn hay, tôi luôn nghĩ tới câu của ông giáo :”Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương.” Nam Cao đã thể hiện được quan điểm của mình, cho thấy ông ý thức rõ mọi điều một cách khách quan. Điều đó còn làm tôi ngưỡng mộ ông hơn cả.

Hay như ở Chí Phèo. Ta thấy một con người bần tiện, một thằng rạch mặt ăn vạ ở làng Vũ Đại. Cả cuộc đời hắn tưởng chừng mãi mãi như thế cho đến khi Nở xuất hiện. Ngày trước, tôi cứ nghĩ họ sẽ thành một cặp, sống với nhau hạnh phúc cho dù có khổ sở thế nào. Nhưng không, Nam Cao lật lại hết tất cả. Bằng câu than của Chí, người đọc sẽ cảm thấy đau xót vô cùng :”Ai cho tao lương thiện?”. Chí Phèo – kẻ đâm thuê chém mướn khi được đào sâu vào tâm hồn, lại là một con người khao khát được lương thiện.

Ông viết tiểu thuyết, truyện dài, kịch hay nổi hơn cả là những truyện ngắn. Mấy truyện ngắn làm tôi… không biết nên nói nó làm tôi như thế nào nữa. Đau lòng? Chua xót? Cảm thông? Mơ hồ? Bối rối? Hoang mang? Hừng hực khí thế muốn làm người tốt?

Như Trẻ con không được ăn thịt chó, tôi thấy lòng mình quặn lại đau nhẹ nhàng. Như Giăng sáng, tôi thấy lòng thơ thẩn và tâm trí vô định. Như Nửa đêm, tôi chả biết mình đang ở đâu mà lại xót xa đến vậy.

Những nhân vật của ông, những con người lương thiên bị hiện thực xã hội đẩy vào đường cùng, những vệt sáng cho nền văn học.

Không phải giọng đầy châm biếm mỉa mai như Vũ Trọng Phụng, cũng không phải giọng văn đầy đồng cảm bi thương như Nguyên Hồng. Ở Nam Cao, ta thấy được một giọng nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu sắc nhưng cũng không kém phần bi thương, đồng cảm và mạnh mẽ như thể sẵn sàng phê phán mọi chuyện xấu xa trên đời.

Quyển sách này tuyển tập những truyện ngắn của nổi bật của ông. Không quá dày, bạn thừa sức đọc nó trong một ngày để cảm nhận được phần nào con người của Nam Cao.

3. THÙY LINH review sách Chí Phèo

Lúc đầu nhìn vào cuốn sách mình thấy nó khá nhỏ nên nghĩ trong đây chỉ có mỗi truyện Chí Phèo thôi nhưng không ngờ khi mở ra đọc lại là rất nhiều các mẩu chuyện ngắn khác của Nam Cao. Mình thấy ấn tượng với hầu hết các truyện nhưng nổi bật là:Một bữa no, Chí phèo, tư cách mõ, nghèo,…

Mỗi câu chuyện là mỗi nội dung khác nhau nhưng đều mang đậm nét dấu ấn của sự nghèo đói khi xưa. Nỗi đau, sự nghèo khó, bất công trong xã hội đều được tác giả khắc họa vô cùng chân thực . Nó hiện rõ ràng như ở trước mắt khiến 1 đứa luôn mơ về thế giới cổ tích màu hồng như mình quả thật cũng cảm thấy khá rùng rợn.

Với ngòi bút miêu tả hiện thực đầy xuất sắc và nghệ thuật châm biếm đã giúp tác giả khắc họa được hình tượng nhân vật vô cùng ấn tượng. Giọng văn vừa trào phúng vừa chân thực đã góp phần làm mình không thể rời khỏi cuốn truyện dù chỉ 1s

4. PHAN THI THU THAO review sách Chí Phèo

Nam Cao là một trong những tác giả Việt Nam tôi thích nhất với các tác phẩm miêu tả một cách rất chân thực về con người và xã hội Việt Nam trước Cách Mạng Tháng 8. Nhắc đến Nam Cao người ta nghĩ ngay đến Chí Phèo – tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của ông.

Chí Phèo chính là đại diện tiêu biểu nhất cho hình ảnh những người nông dân bị bần cùng hóa trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

Phải nói rằng Nam Cao rất sắc sảo trong việc sử dụng từ ngữ và thiết lập tình huống truyện. Để rồi từ đây người đọc nhận thấy phần nhân tính còn sót lại đằng sau nhân hình đã bị biến dạng và ý thức đang dần trở nên méo mó của Chí Phèo. Cứ ngỡ rằng Thị Nở sẽ là người đưa Chí về con đường thiện lương, nhưng bà cô của Thị – đại diện cho phần lớn người dân trong xã hội đó đã tước đi cái quyền làm người của Chí.

“Ai cho tôi lương thiện” – câu nói ám ảnh cuối tác phẩm đã cho thấy không chỉ một chế độ xã hội thối nát mà còn sự vô tâm của những người xung quanh. Chí Phèo là tác phẩm rất đặc sắc ở cả nội dung và nghệ thuật sử dụng câu từ của Nam Cao.

5. TRẦN LAN HƯƠNG review sách Chí Phèo

Từ cảnh thật, người thật ở làng Đại Hoàng mà Nam Cao chứng kiến, ông đã dựng lên làng Vũ Đại và tạo nên nhân vật có một không hai- Chí Phèo.

Cuộc đời Chí Phèo là một cuộc đời luẩn quẩn và đầy bế tắc. Từ khi sinh ra anh đã không được may mắn như những đứa trẻ khác, anh vốn là một con người của sự tự do và có một ước mơ nhỏ bé cho riêng bản thân mình, nhưng hiện thực phũ phàng lại đẩy anh vào những vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời, xã hội thối nát đã biến một người nông dân lao động lương thiện thành một ” con quỷ ” . Chí Phèo gặp được Thị Nở là một sự tình cờ, và để rồi sự tình cờ ấy đã mang đến một nguồn sống mới, mang đến cho cuộc đời u tối của Chí Phèo một ánh sáng lẻ loi. Tình yêu giữa họ diễn ra đẹp nhưng đầy chớp nhoáng đôi lúc làm cho người đọc cảm thấy bất ngờ và đầy tiếc nuối. Nhà văn Nam Cao là bậc thầy về việc đẩy nhân vật của mình vào những hoàn cảnh khốn cùng, đẩy nhân vật vào “con đường cụt”, vào ngã tối không lối thoát.

Để rồi, lại thêm một cái kết gây nữa gây ám ảnh cho người đọc. Chí Phèo hiện tại ngay lúc này không còn là một thứ vứt đi nữa, anh là đại diện cho người nông dân vùng lên phản kháng mạnh mẽ khi họ thức tỉnh về quyền được sống, vùng lên trước sự tuyệt vọng. Tôi đã khóc cho Chí Phèo, khi tôi cảm nhận được sâu thẳm trong con người anh sự khát khao hạnh phúc của con người.

6. VI DƯƠNG review sách Chí Phèo

Không cần phải nói nhiều, khi nhắc tới Nam Cao thì đã nhắc tới “lão Hạc” hay “sống mòn” rồi, đặc biệt là danh tác “Chí Phèo”. Đây quả thật là một truyện ngắn xuất sắc, giống như một đoản thiên tiểu thuyết. Truyện có tên lúc đầu là “cái lò gạch cũ” rồi đến “đôi lứa xứng đôi”, nhưng có lẽ cái tên “Chí Phèo” mới truyền tải được hết ý nghĩa của truyện. “Chí Phèo” xứng đáng là một bản tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát, tàn ác. Chí Phèo là đại diện cho tầng lớp người nông dân hiền lành nhưng lại bị tha hoá, Bá Kiến là đại diện cho những thế lực cường quyền, ác bá. Không cần phải nói nhiều về nội dung hay ý nghĩa truyện nữa, vì có lẽ một tác phẩm tiêu biểu đã đưa vào sgk cho học sinh thì không ai là không biết. Nhưng ít ai biết sự tận tâm tận lực của người bạn đồng hành của Chí Phèo suốt cả cuộc đời đi tìm chút ánh sáng nhân tính le lói trong đống đổ nát tro bụi. Nam Cao đã khơi dậy dòng máu người trong con quỷ dữ của Chí Phèo qua chi tiết “bát cháo hành” của Thị Nở. Chính Thị Nở đã dùng tình yêu cứu rỗi Chí Phèo dù chỉ là trong chốc lát. Nhưng tình người ấy đã thực sự khiến Chí Phèo được sống như một con người.

Bên cạnh truyện ngắn “Chí Phèo”, tập truyện còn có những tác phẩm nổi bật khác của Nam Cao như “Tư cách mõ”, “một bữa no”,…. Đọc truyện của ông, ta càng hiểu hơn nổi đau nhân vật, vừa biết lịch sử và thấm thía hơn nỗi đau, sự bi thương đến cùng cực mà ông cha ta đã từng trải qua. Dù đã đọc rất lâu nhưng ấn tượng về Chí Phèo vẫn vô cùng sâu đậm.

III. Trích dẫn sách Chí Phèo

Trích dẫn sách Chí phèo - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

10 câu nói nổi tiếng trong tác phẩm Chí Phèo đến giờ vẫn gây ám ảnh

  1. “Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?”
  2. “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”
  3. “Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao?”
  4. “Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa”
  5. “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”
  6. “Đàn bà vốn chuộng hoà bình; họ muốn yên chuyện thì thôi, gai ngạnh làm gì cho sinh sự”
  7. “Chính thật cụ khôn róc đời, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”
  8. “Cái nghề quan bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu? Bỏ tù nó thì dễ rồi; nhưng bỏ tù nó cũng có ngày nó được ra, liệu lúc ấy nó có để mình yên không chứ?”
  9. “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn”
  10. “Cái nghề đời hiền quá cũng hoá ngu, ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được”

Một vài Trích dẫn hay trong Chí Phèo – Nam Cao

  • “Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại?”
  • “Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa.”
  • “20 tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh.”

Trích đoạn Phần 1 – Chí Phèo – Nam Cao

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi.

Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào?

Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai.

Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả.

Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!

Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều.

Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này!

A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.

*

Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù.

Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ.

Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lý Kiến, bây giờ cụ bá Kiến, ăn tiên chỉ làng.

Hình như, có mấy lần bà ba nhà ông lý, trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy.

Người ta bảo ông lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà phải sợ cái bà ba còn trẻ này.

Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm; người có bệnh đau lưng thì hay sợ vợ mà chúa đời là khoẻ ghen.

Có người bảo ông lý ghen anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều.

Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần.

Chỉ biết một hôm Chí bị giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù. Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm bảy, tám năm, rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về.

Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!

Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi.

Cụ bá không có nhà.

Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng.

Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại lăm lăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả… Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó chửi thì tai liền miệng đấy, chửi thì lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!…

Thật là ầm ỹ!

Chí phèo - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới thấy người ta chửi lại cả nhà cụ bá.

Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngắt làm sao.

Họ bảo nhau: Phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất.

Cũng có người hiền lành hơn bảo: “Phúc đời nhà nó, chắc ông lý không có nhà…”.

Ông lý đây là ông lý Cường, con giai cụ Bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác. Phải ông lý Cường thử có nhà xem nào!

Quả nhiên họ nói có sai đâu! Đấy, có tiếng người sang sảng quát: “Mày muốn lôi thôi gì?… Cái thằng không cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi gì?…”

Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lý Cường.

Lý Cường đã về! Lý Cường đã về! Phải biết…

A ha! Một cái tát rất kêu.

Ôi! Cái gì thế này? Tiếng đấm tiếng đá nhau bình bịch. Thôi, cứ gọi là tan xương!

Bỗng “choang” một cái, thôi phải rồi, hẳn đập cái chai vào cột cổng… ồ hắn kêu! Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!

– Ối làng nước ơi! Cứu tôi với… Ối làng nước ôi! Bố con thằng bá Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!…

Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá! Mấy con chó xông vào quanh hắn, sủa rất hăng.

Lý Cường hơi tái mặt, đứng nhìn mà cười nhạt, cười khinh bỉ. Hừ! Ngỡ là gì, chẳng hoá ra nằm ăn vạ! Thì ra hắn định đến đây nằm vạ!

Người ta tuôn đến xem. Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu là người! Thật ồn ào như chợ.

Bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá cũng vững dạ vì có anh lý, cũng xưng xỉa ra chửi góp. Thật ra, các bà muốn xem Chí Phèo ra làm sao? Không khéo nó có ý gieo vạ cho cụ ông phen này…

Nhưng kìa cụ ông đã về. Cụ cất tiếng rất sang hỏi: “Cái gì mà đông như thế này?”.

Chỗ này “lạy cụ”, chỗ kia “lạy cụ”, người ta kính cẩn giãn ra, và Chí Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích rên khe khẽ như gần chết.

Thoáng nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi. Làm lý trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lý trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

– Các bà đi vào nhà: đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

Không ai nói gì, người ta dần dần tản đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:

– Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mầy đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.

– Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?

Rồi đổi giọng, cụ thân mật hỏi:

– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau, cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

– Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không biết nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.

Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, cụ quát:

– Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người ta đun nước, mau lên!

Cụ dắt Chí Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi: hắn chỉ cố khập khiễng cái chân như bị què.

Là vì lúc ấy trong người hắn rượu đã hơi nhạt rồi, không còn kêu gào chửi bới, hắn thấy hình như không còn hăng hái nữa. Sự ngọt ngào làm mềm nhũn, vả lại những người đứng xem về cả rồi, hắn thấy hình như trơ trọi. Cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy, cái sợ xa xôi thuở ngày xưa, hắn thấy quả là táo bạo. Không táo bạo mà dám gây sự với cha con bá Kiến, bốn đời làm tổng lý.

……..

Chí phèo - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (12 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Đứa Con Gái Hoang Đàng - Hai Số Phận - Phần 2 - Jeffrey Archer

Đứa Con Gái Hoang Đàng – Hai Số Phận – Phần 2 – Jeffrey Archer

Tiếp nối cuốn tiểu thuyết nổi tiếng HAI SỐ PHẬN về William Kane và Abel Rosnovski, Đứa con gái hoang đàng là một câu chuyện được chắp bút của thế hệ tiếp theo. Câu chuyện đầy trớ trêu, trắc trở nhưng đầy nhân văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *