Thông tin về Nhà Văn Nam Cao
Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.
Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.
Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.
Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn…
Nhà văn Nam Cao & những trích dẫn hiện thực cuộc sống
Dưới đây là những Trích dẫn hiện thực cuộc sống trong các tác phẩm của Nhà văn Nam Cao. Hy vọng sau khi đọc xong những trích dẫn này mọi người sẽ có thêm các góc nhìn mới về cuộc sống.
- “Yên thân như vậy để làm gì? Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết.. cả cuộc đời chỉ thu gọn vào bằng ấy việc thôi ư? Và có sung sướng gì cái kẻ suốt đời chỉ biết chúi mũi vào cái cối xay bột, chẳng bao giờ dám nhìn xa hơn một chút, thu hẹp cuộc sống và sự hiểu biết của mình vào trong cái phạm vi nhỏ hẹp của mảnh đất con con của mình!…” (Sống mòn)
- “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…” (Lão Hạc)
- Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng…” (Trăng sáng)
- “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.” (Đời Thừa)
- “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…” (Lão Hạc)
- “Sự đời không thể mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên bên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bạn bè sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn…” (Điếu văn)
- “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân.” (Chí Phèo)
- “Những kẻ chỉ suốt đời tính toán là những kẻ tự làm khổ thân suốt đời…” (Giăng sáng)
- “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…” (Tư cách mõ)
- “Không được! Ai cho tao lương thiện?” (Chí Phèo)
- “Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen…” (Sống mòn)
- “Trên những bãi sông kia, có biết bao người sống như y, nhưng không bao giờ cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…” (Sống mòn)
Trên đây là những Trích dẫn hiện thực cuộc sống trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!