Đời Thừa – Nam Cao

Đời thừa - Nam Cao

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Nam Cao
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Minh Thắng
Số Trang 224
Ngày Xuất Bản 01-2020
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Đời Thừa

“Đời Thừa – Nam Cao” đã ghi lại chân thật hình ảnh buồn thảm của người tri thức tiểu tư sản nghèo, nhà văn đã phác họa rõ nét hình ảnh vừa bi vừa hài của lớp người này trở nên đầy ám ảnh. Giá trị của “Đời Thừa” không phải chỉ ở chỗ đã miêu tả chân thật cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức tiểu tư sản nghèo, đã viết về người tiểu tư sản không phải với ngòi bút vuốt ve, thi vị hoá, mà còn vạch ra cả những thói xấu của họ.

Ở đề tài người trí thức tiểu tư sản, đáng chú ý là các truyện ngắn: Giăng sáng, Truyện tình, Đời thừa, Mua danh… Nhà văn Nam Cao đặc biệt đi sâu vào những bi kịch tâm hồn của họ, qua đó, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn. Những tác phẩm đó đã phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời, đã thể hiện sự tự đấu tranh bên trong của người trí thức tiếu tư sản trung thực cố vươn tới một cuộc sống đẹp đẽ, thực sự có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

Qua sáng tác của mình, Nam Cao thể hiện quan điểm nghệ thuật rằng, một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người.

Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng” và “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có“. Ông đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng với nghề; và cho rằng sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện.

Tóm tắt truyện ngắn Đời Thừa của Nam Cao

Hộ là một nhà văn trẻ có tài, viết thận trọng, ôm ấp một lí tưởng, một hoài bão xây dựng nên một sự nghiệp văn chương. Nhưng từ khi mở rộng đôi cánh tay, đón lấy Từ – một cô gái lỡ làng, bị tình nhân phụ bạc – Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ, Hộ mới hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền, những bận rộn tẹp nhẹp ngốn phần lớn thì giờ của hắn. Hộ phải cho in nhiều cuốn văn viết vội. Hắn đỏ mặt xấu hổ khi đọc văn mình, tự mắng mình là một thằng khốn nạn. Có lúc anh tự nhủ mình phí đi vài năm để kiếm tiền. Một bầy con thơ nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn trở nên gắt gỏng. Có lúc, mắt chan chứa nước mắt, mặt hầm hầm đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn lắc đầu tự bảo: “Ta đã hỏng đứt rồi”. Hắn rũ buồn.

Vốn thương vợ con thế, nhưng rồi Hộ tìm đến rượu, thay đổi dần tâm tính. Hắn say rượu, ngủ say như chết. Có lần hắn đòi đuổi mấy mẹ con Từ ra khỏi nhà, đòi vật một nhát cho chết cả. Nhưng sáng hôm sau tỉnh rượu hắn bẽn lẽn kêu mình đã quá chén, xin lỗi Từ, hôn hít các con như một người cha tốt. Hắn hứa sẽ chừa rượu… nhưng rồi lại uống, lại say, lại làm những trò vừa buồn cười, vừa đáng sợ như lần trước.

Hộ rất yêu vợ con. Khi Từ ốm đau, Hộ lo xanh mắt thức suốt đêm săn sóc thuốc thang cho vợ. Đi xa vài ngày, lúc về nhà hắn hôn hít các con, cảm động đến ứa nước mắt. Hắn đọc sách say mê, đọc và nghiền ngẫm, hắn thổ lộ “dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng” đọc và hiểu được một câu văn hay. Có lần, trước khi đi lấy tiền nhuận bút, hắn hứa mua bánh và thịt quay về cho các con. Nhưng hắn gặp Trung và Mão, bạn văn, bao nhiêu tiền đem tiêu sạch. Say mèm mới trở về nhà. Lần này, hắn đánh Từ, đuổi vợ con ra khỏi nhà lúc đang đêm. Gần sáng, tỉnh rượu, hắn nhớn nhác đi tìm Từ. Thấy Từ xanh xao ôm con thơ đang thiếp đi trên võng, hắn thương cảm, ngắm nghía mặt Từ lâu lắm rồi khẽ thở dài, lắc đầu ái ngại và khóc. Từ tỉnh giấc, choàng tay ôm lấy cổ chồng. Nước mắt Từ giàn giụa. Nức nở Từ nói: “Chính Ệ em mà anh khổ”… Giật mình, con thơ khóc. Từ vừa dỗ con, vừa cất tiếng ru qua làn nước mắt:

“Ai làm cho khói lên giời”
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li;
Ai cho Nam, Bắc phân kì,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân.”

Thông tin nhà văn Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn NghèoĐui mùNhững cánh hoa tànMột bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân DuNguyệt.

Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.

Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn

II. Review sách Đời Thừa

Review sách Đời thừa - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Đời Thừa của nhà văn Nam Cao. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NGUYỄN HOÀNH KHUNG review sách Đời Thừa

Đời thừa là truyện về một nhà văn nghèo bất đắc dĩ. Đề tài ấy không thật mới: đương thời, đã có Mực mài nước mắt (Lan Khai), Nợ văn (Lãng Tử), nhiều trang tuỳ bút của Nguyễn Tuân, nhiều vần thơ của Tản Đà, Nguyễn Vỹ, Trần Huyền Trân…, hai câu thơ rất quen thuộc của Xuân Diệu: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt – Cơm áo không đùa với khách thơ”… Tất cả đều đã nói thấm thía về cảnh nghèo túng đáng thương của người cầm bút.

Đời thừa cũng như một số sáng tác của Nam Cao gần gũi với nó về đề tài, giọng điệu, tư tưởng: Trăng sáng, Nước mắt, Sống mòn… – đã ghi lại chân thật hình ảnh buồn thảm của người tri thức tiểu tư sản nghèo. Tuy không đến nỗi quá đen tối, “tối như mực” lắm khi “đen quánh lại” – chữ dùng của Nguyễn Tuân -, như cuộc sống của quần chúng lao động thường xuyên đói rét thê thảm, nhưng cuộc sống của những người “lao động áo trắng”, những “vô sản đeo cổ cồn” đó cũng toàn một màu xám nhức nhối: “không tối đen mà xam xám nhờ nhờ” (Xuân Diệu). Vì nghèo túng triền miên, vì “chết mòn” về tinh thần.

Trong bức tranh chung về cuộc sống người tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã góp vào những nét bút rất mực chân thật và sắc sảo, làm cho hình ảnh vừa bi vừa hài của lớp người này trở nên đầy ám ảnh.

Trong mảng sáng tác về đề tài tiểu tư sản của Nam Cao, Đời thừa có một vị trí đặc biệt. Cũng như tiểu thuyết Sống mòn, Đời thừa là sự tổng hợp của ngòi bút Nam Cao trong đề tài tiểu tư sản, là tác phẩm đã thể hiện khá hoàn chỉnh tư tưởng nghệ thuật cơ bản của nhà văn. Có điều, trong khuôn khổ truyện ngắn, sự tổng hợp ấy không xảy ra trên bề rộng mà chủ yếu tập trung đi vào bề sâu.

Giá trị của Đời thừa không phải chỉ ở chỗ đã miêu tả chân thật cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức tiểu tư sản nghèo, đã viết về người tiểu tư sản không phải với ngòi bút vuốt ve, thi vị hoá, mà còn vạch ra cả những thói xấu của họ v.v…

Cách nói đó dường như xác đáng, song chỉ thấy một lớp ý nghĩa, lớp thứ nhất, lớp bên trên của tác phẩm. Mà với Nam Cao, cách nhìn như vậy thật tai hại, vì nó “bất cập”, vô tình thu hẹp và hạ thấp rất nhiều tầm tư tưởng của truyện. Khác với các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, truyện của Nam Cao thuộc loại có nhiều lớp nghĩa, tư tưởng truyện không phải luôn trùng khít với nội dung cuộc sống đựơc phản ánh trong truyện. Trong khi dựng lại chân thật tình cảnh nhếch nhác của người trí thức nghèo, ngòi bút Nam Cao đã tập trung xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của họ, qua đó, đặt ra một loạt vấn đề có ý nghĩa khái quát xã hội và triết học sâu sắc.

Chuyện Hộ “mê văn”, có “hoài bão lớn” về văn chương và khao khát tên tuổi chói sáng, là một hiện tượng phổ biến, có ý nghĩa điển hình.

[…]

Với Đời thừa (sau đó là Sống mòn), Nam Cao đã đề cập gần như trực diện tới vấn đề cá nhân, nói lên yêu cầu được khẳng định và phát triển của cá nhân – vấn đề mà lâu nay, người ta tưởng đâu chỉ đặt ra trong văn học lãng mạn đương thời.

Quả là chủ đề cá nhân không có trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, nhưng lại là chu đề tâm huyết của Nam Cao. Và niềm khao khát được làm đầy trái tim, khao khát được sống mạnh mẽ, sâu sắc, chói sáng, vượt lên trên cái bằng phẳng tầm thường, sự ghê sợ điệu sống mòn mỏi, đơn điệu, vô vị…, là những điều da diết ở tác giả Phấn thông vàng, Kinh cầu nguyện của những kẻ đi làm, tác giả Thiếu quê hương, Tuỳ bút (I, II), Chiếc lư đồng mắt cua…, nhưng cũng chính là những điều nung nấu ở tác giả Đời thừa, Sống mòn. Chủ đề ấy chính là một biểu hiện mới mẻ của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam thế kỷ XX này. Có điều là, nếu như phần nhiều cái “tôi” trong văn học lãng mạn trong khi giãy giụa “nổi loạn” “chống lại xã hội thù địch với nó, nó càng ngày càng khép kín, chỉ còn tự thực hiện và tự “phát triển” trong sự đối lập với xã hội; thì ở Nam Cao, yêu cầu khẳng định và phát triển cá nhân luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng theo lí tưởng nhân tạo tiến bộ. Hoài bão cá nhân mà Hộ say mê đạt tới để tự khẳng định trước cuộc đời là một sự nghiệp văn chương, nhưng là thứ văn chương chân chính, mang tinh thần nhân đạo cao đẹp, “nó ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình”…

Có lẽ trong văn học đương thời, không ai ngoài Nam Cao đã đặt ra vấn đề cá nhân một cách đúng đắn và tiến bộ như vậy.

Nhưng cái xã hội ấy nếu kích thích sự thức tỉnh ý thức cá nhân thì đồng thời, đã đẩy cá nhân vào tình trạng bị đè bẹp. Đó là tất cả tấn bi kịch đang diễn ra ngấm ngầm trong đời sống tinh thần thế hệ 1930 khi đó.

“Hoài bão lớn” mà Hộ quyết đạt tới bằng một ý chí phi thường đã không thể thực hiện được. Hộ gặp Từ giữa lúc người con gái bất hạnh đó đang “đau đớn không bờ bến”: bị một gã Sở Khanh bỏ rơi với đứa bé mới đẻ… Hộ đã “cuối xuống nỗi đau khổ của Từ (…) mở rộng đôi cánh tay đón lấy Từ”. Trước số phận đau khổ của con gnười, anh không còn có thể coi “nghệ thuật là tất cả” mà đã hành động như một con người chân chính. Nhưng điều đó đã gây nên nguy cơ phá hỏng sự nghiệp của anh. Từ khi “ghép cuộc đời của Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo”. Hộ không thể “khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất” như trước đây, mà trái lại, phải ra sức kiếm tiền. Và “những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn”. Nhưng không phải chỉ thì giờ.

Vì phải kiếm tiền – trong điều kiện, khả năng của Hộ, cách kiếm tiền duy nhất là sáng tác – Hộ không thể viết thận trọng, nghiêm túc theo yêu cầu của nghệ thuật chân chính. Anh “phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng (…) phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc”. Đây là điều vô cùng đau đớn với một người như Hộ. Không phải anh không được viết, mà là phải viết thứ văn chương mà một người có lí tưởng nghệ thuật cao đẹp, có lương tâm nghề nghiệp, có khát vọng vươn tới đỉnh cao nghệ thụât như anh, không thể nào chấp nhận được. Thế là, Hộ đã phản bội lại chính mình. Nhà văn chân chính nơi anh cảm thấy hết sức đau đớn, nhục nhã chứng kiến gã “bất lương”, “đê tiện” cũng chính là anh đang làm thứ hàng giả: “Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến cho văn chương”.

Là người hiểu rất rõ viết văn là một hoạt động sáng tạo không ngừng, phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”, Hộ cay đắng nhận ra rằng mình “là một kẻ vô ích, một người thừa”, bởi vì, “hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đên cho văn chương”. Người nghệ sĩ sáng tạo trước đây trong Hộ đã chết. Hộ đau buồn vô hạn vì cảm thấy đời mình đã bỏ đi, không gì cứu vãn được: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi!”. Tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Hộ là ở đó.

Đây không phải chỉ là bi kịch của một nhà văn không thành đạt, cũng không phải là bi kịch “vỡ mộng” của những chàng trai nghèo tỉnh lẻ cay cú muốn nhập vào xã hội thượng lưu Pari nhưng bị ném trả tàn nhẫn trong tác phẩm của Banzắc. Đây là bi kịch của con người có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn vươn lên một cuộc sống chân chính, trong đó cá nhân được phát triển bằng sự nghiệp tinh thần có ích cho xã hội, nhưng đã bị nhấn chìm trong lối sống mà anh ta rất khinh ghét vì không xứng đáng với con người. “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?“. Trong Sống mòn, cuốn tiểu thuyết dày dặn đã triển khai một cách hệ thống chủ đề này, tiếng kêu đó lại cất lên một cách thống thiết: “Đau đớn thay những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất!” Cũng như nhà văn Hộ, anh giáo Thứ đau đớn vì cuộc đời khốn nạn cứ bắt anh phải sống “cái lối sống quá ư loài vật, chẳng biết một việc gì ngoài cái việc đổ thức ăn vào dạ dày”! Đó là nỗi đau tinh thần to lớn, không nguôi và không gì có thể xoa dịu được đối với người trí thức khát khao sáng tạo, khát khao khẳng định trước cuộc đời “khao khát muốn lên cao“…

Xoáy sâu vào bi kịch tinh thần này, Nam Cao đã lên án sâu sắc cái hiện thực tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của con người, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính thật sự xứng đáng với con người.

*

Nhưng tấn bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ không chỉ có thế. Từ cái bi kịch đau đớn dai dẳng vì phải sống cuộc “đời thừa”, Hộ cũng đã lâm vào một bi kịch thứ hai cũng rất đau đớn, thậm chí, đau đớn hơn nữa. Đó là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc, là đạo lí cao nhất, nhưng lại vi phạm vào chính nguyên tắc, đạo lí thiêng liêng đó của mình.

Trước mắt Hộ, có một con đường giải thoát: thoát li vợ con. Có thế anh mới có thể rảnh rang theo đuổi sự nghiệp văn chương là lẽ sống của đời anh. Tức là để đạt được “hoài bão lớn”, thực hiện được lí tưởng mà anh hằng say mê, anh phải tự gỡ bỏ sợi dây ràng buộc của tình thương. Đã có cả một triết lí cao siêu, đầy hấp dẫn bênh vực, khuyến khích anh làm điều đó. Một triết gia nổi tiếng phương Tây đã ném ra câu nói hùng hồn: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Câu nói có giọng điệu của chủ nghĩa siêu nhân của Nitsơ, tư tưởng gia tiền bối của chủ nghĩa phát xít đó, không phải không có sức hấp dẫn đối với những kẻ đang khát khao “sống cho mạnh mẽ”, khao khát khẳng định cá nhân như Hộ.

Nhưng mặc dù nỗi đau đớn vì “đời thừa” to lớn đến đâu, nỗi mong mỏi được giải thoát mãnh liệt đến đâu. Hộ vẫn không thể lựa chọn cách giải quyết ấy. Bởi vì, thoát li vợ con để rảnh thân – dù là vì gì chăng nữa – vẫn cứ là tàn nhẫn, vứt bỏ lòng thương. “Hắn có thể hi sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỉ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người”. Như vậy là, với Hộ, tình thương là tiêu chuẩn xác định tư cách làm người; không có tình thương, con người chỉ là “một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái”. Khi cuộc đời tàn nhẫn buộc anh phải lựa chọn một trong hai thứ: nghệ thuật và tình thương, anh đã hi sinh nghệ thuật để giữ lấy tình thương, hi sinh lẽ sống thứ nhất cho lẽ sống thứ hai, dù đây là sự hi sinh quá lớn đối với anh. Như vậy là, một lần nữa, người nghệ sĩ say mê lí tưởng nghệ thuật, có thể hi sinh tất cả cho nghệ thuật ấy, đã hi sinh nghệ thuật cho tình thương, cái mà anh còn thấy cao hơn cả nghệ thuật. Việc dứt khoát đặt tình thương, trách nhiệm đối với con người lên trên nghệ thuật như vậy, cũng như lời phát biểu của Hộ về thế nào là một tác phẩm văn chương “thật giá trị” cho thấy cái gốc nhân đạo sâu vững của nhà văn lớn Nam Cao.

Sự lựa chọn của Hộ ở đây khó khăn, phức tạp và cao hơn sự lựa chọn của Điền trong Trăng sáng. Ở Điền là sự lựa chọn giữa hai con đường nghệ thuật: lãng mạn thoát li và hiện thực nhân đạo; lựa chọn giữa hai lối sống: hưởng lạc, phù phiếm, chạy theo sự quyến rũ của những “người đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những cái ghế xích đu, nhún nhẩy”, phản bội lại vợ con và tất cả những người nghèo khổ lam lũ lầm than, hay trở về chỗ đứng giữa họ, chung thuỷ với họ. Từ bỏ nghệ thuật lãng mạn thoát li để đến với nghệ thuật hiện thực, với Điền, là cưỡng lại sự quyến rũ tội lỗi, là sự thức tỉnh của lương tâm, sự giác ngộ của tâm hồn. Sự lựa chọn ấy đem đến cho Điền niềm yên tâm và sức mạnh mới.

Ở Hộ có khác. Anh từ bỏ nghệ thuật không phải như từ bỏ một đam mê tội lỗi, cũng không phải như từ bỏ một sở thích, sở nguyện. Nghệ thuật với anh có ý nghĩa lớn lao, thiêng liêng hơn nhiều. Đó là lẽ sống đời anh, là lí tưởng anh hằng theo đuổi, là cái chứng tỏ sự có mặt của anh trên cõi đời này. Chính vì vậy mà, tuy Hộ không băn khoăn nhiều khi phải lựa chọn tình thương, trách nhiệm thay cho nghệ thuật, khi từ chối lời kêu gọi thoát li vợ con để được “sống cho mạnh mẽ” và thực hiện “hoài bão lớn” của đời mình, nhưng sau sự lựa chọn ấy anh không thể yên tâm thanh thản mà vẫn đau khổ dai dẳng, lúc ngấm ngầm âm ỉ, lúc nhói lên dữ dội. Và anh cứ bị giày vò bởi mặc cảm cay đắng là đang sống một cách vô ích, vô nghĩa, là “một người thừa”. Con người “khao khát bay lên cao” và không thiếu tài năng và ý chí để thực hiện khao khát của mình ấy làm sao không đau khổ u uất trong tình cảnh đó? Hộ đã cố hi vọng sau vài năm bỏ phí để kiếm tiền, cho người vợ có được cái vốn con để làm ăn, anh lại có thể trở lại với con đường sự nghiệp của mình. Nhưng cuộc sống cơm áo ngày càng chẳng dễ dàng khiến cho hi vọng của Hộ trở thành hão huyền và tình cảnh của Hộ trở nên hoàn toàn bế tắc. Gánh nặng cơm áo chẳng hề nhẹ đi mà cứ ngày càng nặng thêm mãi: “Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc. (…) Hộ điên người lên vì phải xoay tiền”. Và những “bận rôn tẹp nhẹp vô nghĩa lí” đó chẳng những làm tiêu tan hi vọng về sự nghiệp của Hộ mà còn thường xuyên phá hoại sự yên tĩnh, thư thái của tâm hồn là điều rất quan trọng đối với người trí thức sáng tạo: ” Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn”. Đi ra phố để thoát khỏi “không khí bực tức ở trong nhà” hay tìm người bạn nào để nói chuyện văn chương cho vơi nỗi lòng, nhưng chẳng đi đâu trốn được bản thân mình, Hộ chỉ càng nung nấu thêm tâm sự u sầu: “Hắn lặng lẽ nghĩ đến cái tác phẩm dự định từ mấy năm nay để mà chán ngán. Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương (…) Lòng hắn rũ buồn”…

Như một thông lệ, người nghệ sĩ bất đắc chí ấy tìm đến sự giải sầu giải uất trong men rượu. Nhưng cả rượu cũng chẳng làm vơi đi mà chỉ như càng làm cho anh thấm thía thêm nỗi khổ sở đắng cay của mình. Và anh trút nó vào vợ con mà anh thấy là nguồn gốc trực tiếp của tình cảnh bế tắc của đời anh. Con người giàu tình thương, đã từng hi sinh những gì quý giá, thiêng liêng của mình cho tình thương và trách nhiệm đối với vợ con đó, đã hơn một lần đối xử phũ phàng thô bạo với vợ con mình, như một gã vô lại. Anh đã gây khổ cho người vợ rất đáng thương, “rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm” đối với anh và cũng khổ sở không kém gì anh. Tức là anh đã vi phạm vào nguyên tắc, đạo lí làm người cao nhất của chính mình.

Thành ra muốn “nâng cao giá trị sự sống” bằng cao vọng về sự nghiệp thì cứ phải sống như một kẻ “vô ích”, một “người thừa”; chỉ còn cò thể cố giữ lấy tình thương như là lẽ sống cuối cùng thì lại cứ tàn nhẫn, luôn gây khổ cho những người cần được yêu thương, đáng được yêu thương.

Cái bi kịch thứ nhất – không thực hiện được hoài bão lớn – tuy rất đau đớn nhưng còn lí do để an ủi: hi sinh sự nghiệp vì tình thương,c òn bi kịch thứ hai này – lẽ sống tình thương bị vi phạm – thì không có gì an ủi, biện hộ được. Và nếu Hộ phải từ bỏ con đường sự nghiệp là do áp lực của hoàn cảnh, thì sự vi phạm vào nguyên tắc tình thương lại trực tiếp do bản thân anh. Vì thế mà nó chua xót vô cùng,. Tỉnh rượu, nhớ lại hành vi của mình, Hộ hối hận tới đau đớn. Khi rón rén bước lại gần người vợ đang nằm bế con ngủ mệt trên võng, nhận ra từ cái “dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não”, “cái tướng vất vả lộ ra cả đến trong giấc ngủ”, từ khuôn mặt xanh xao, có cạnh, có đôi mắt thâm quầng, đến bàn tay “xanh trong xanh lọc”, “lủng củng rặt những xương”…, tất cả đều “lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả”, “một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật”, Hộ đã “khóc núc nở”, nước mắt “bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh”… Anh đau đớn vì nghĩ đến lối cư xử tồi tệ của mình đối với người vợ đáng phải được anh an ủi, che chở đó… Tiếng khóc của Hộ, cũng giống như tiếng khóc của nhân vật Thứ trong Sống mòn – nghe tin Đích ốm nặng, Thứ thầm mong Đích chết, và ngay lúc ấy, Thứ đã khóc -, là những tiếng khóc “khóc cho cái chết của tâm hồn”. Hộ nghẹn ngào nói với Từ, giọng nói đẫm nước mắt: “Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn”. Anh không thể nào tha thứ cho mình.

Trong sáng tác, Nam Cao đã nhiều lần đề ập và ca ngợi nuớc mắt. Nhân vật tiểu tư sản của ông có không ít tật xấu và lỗi lầm, nhung thường là những người hay bị hối hận giày vò và thường khóc vì hối hận. Đó không phải là thứ “hối hận” ồn ào hời hợt của những kẻ lấy việc xỉ vả mình để khoe khoang; cũng không phải thứ hối hận có chu kì củ nhiều kẻ tiểu tư sản dùng để xoa dịu cái lương tâm rách nát của mình trong khi vẫn buông mình theo cái xấu. Mà đó là sự giằng xé chảy máu của những tâm hồn trung thực, khát khao hướng thiện. Với Nam Cao, nước mắt là biểu tượng của tình thương và ông gọi nước mắt là “giọt châu của loaì người”, là “miếng kính biến hình vũ trụ”. Giọt nước mắt của Hộ lúc này đã thanh lọc tâm hồn, nâng đỡ nhân cách của anh, giữ anh lai trước vực thẩm sa ngã.

Điều đáng chú ý là trong khi miêu tả rất chân thực tình trạng con người bị đẩy vào chỗ phải tàn nhẫn, Nam Cao vẫn dứt khoát lên án cái ác, bảo vệ tình thương. Nếu đương thời, không ít cây bút gọi là “tả chân”, là “xã hội”, đã đồng tình, biện hộ và đề cao những nhân vật vứt bỏ lương tâm, vứt tình thương yêu đồng loại, tự cho phép làm điều ác nhân danh sự trả thù xã hội bất công tàn bạo, thì Nam Cao trước sau không bao giờ chấp nhận cái ác. Nhân vật của ông dù lâm vào tình thế bi kịch bế tắc, vẫn vật vã quằn quại cố vươn lên lẽ sống nhân đạo.

Song, nước mắt chỉ là… nước mắt; nó đâu phải là sức mạnh vạn năng để có thể xoay lại cuộc đời, cứu được loài người! Nhân vật của Nam Cao vẫn bế tắc và bi kịch của họ không cách gì gỡ ra được. Tác phẩm của Nam Cao không mở ra triển vọng cho sự giải thoát. Và thực ra, làm cho con người “thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét” (Sống mòn), để không chỉ hoạt động kiếm sống trong “vương quốc tất yếu” mà còn có thể bước ra hoạt động trong “vương quốc tự do” – the cách nói của Mác – để con người có thể phát triển tự do và toàn diện, là việc mà lịch sử không dễ dàng thực hiện. Nhưng, từ những câu chuyện sinh hoạt thường nhật bề ngoài tầm thường Nam Cao đã gióng lên tiếng chuông báo động về sự huỷ diệt giá trị sự sống và nhân cách. Đó cũng là lời kêu cứu thống thiết: hãy bảo vệ tình thương để cứu lấy con người, và con người hãy tự cứu lấy mình!

[…] Xây dựng nhân vật Hộ, Nam Cao không quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách bằng những nét cá tính độc đáo gây ấn tượng đậm – khác với đám nhân vật trong Giông tố, Số đỏ, Tắt đèn và cả Chí Phèo. Ông tập trung đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật và làm nổi bật bi kịch tinh thần của người trí thức đó. Và ở đây, nổi bật sở trường miêu tả, phân tích tâm lí con người của nhà văn, nhất là khi miêu tả sự diễn biến tâm lí và cho thấy quy luật tâm lí con người. Có thể nói, trong đội ngũ tác giả văn xuôi đông đảo nhiều tài năng đương thời, chưa có ai có được ngòi bút tinh tế, sâu sắc trong việc khám phá, thể hiện tâm lí như Nam Cao. Sức hấp dẫn nghệ thuật của Đời thừa – và của mảng sáng tác về người tiểu tư sản của Nam Cao – một phần quan trọng cũng là ở đó.

Đời thừa - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

2. HƯNG ĐẶNG review sách Đời Thừa

Tớ thích “Đời thừa”. Trong “Đời thừa” có Hộ mà Hộ thì giống Semyon Marmeladov trong “Tội ác và trừng phạt” chỉ có điều là Hộ không được “hard-core” như Semyon; chưa nát rượu đến độ mà khiến con gái ruột của mình phải làm gái điếm để thay cha nuôi cả gia đình.

Các nhân vật này rất “thật” nên thật là kinh khủng khiếp. Họ phản chiếu mỗi con người chúng ta. Cụ thể là nó giống như cái lúc mà tớ tự nhủ với mình chỉ chơi 1 trận nhưng đánh điện tử cả một buổi chiều. Hay có thể bạn là người thích xem các series phim trên Netflix mặc dù đã tự nhủ chỉ xem một tập nhưng bạn lại thức trắng một đêm để cày hết 1 season. Hộ cũng chỉ là con người như thế thôi, có lẽ một phút yếu lòng, hoặc nhiều phút yếu lòng để rồi phải xấu hổ và đau khổ. Có lẽ Hộ trả giá nhiều hơn cả bạn và tớ vì cái thời đó mọi lỗi lầm đều đắt giá.

Cái thứ hai tớ nhận thấy rằng rất khó để không cay nghiệt. Cái khổ lâu ngày khiến con người ta cay nghiệt khủng khiếp mà phần nhiều là với những người thân mà mình yêu thương hết mực. Chúng ta bây giờ giầu có và đầy đủ để có thể dịu dàng, nhẹ nhàng, lịch sự hay từ tốn. Những thứ như kiểu đỏng đánh, kiêu căng và phá phách nhiều khi còn được coi là gia vị để cuộc sống thêm thú vị. Hầu hết trong lịch sử, với phần đông mọi người thì chuyện này không xảy ra. Thật khó làm người tốt với cái bụng đói triền miên.

Một cuốn nên đọc và cũng không quá vất vả để đọc.

3. NGUYEN VY review sách Đời Thừa

Nam Cao có giọng văn chân chất và thẳng thắn đến từng câu từng chữ. Những nhân vật của ông hiện lên rất thật và thấy rất thương. Phần lớn các truyện ngắn lột tả những tình cảnh của con người khi đối mặt với áp lực xã hội và cái nghèo. Ông viết về những mảnh đời bị bỏ rơi khi xã hội và kinh tế chuyển mình với những thay đổi. Những con người không có điều kiện và cơ hội vẫn hay bị quên lãng bởi lịch sử và người đời, nhưng ngòi bút của Nam Cao đã giữ được cái nhân văn trong họ sống động và đầy thổn thức. Nó như nhắc nhở với đọc giả rằng đừng mãi nhìn vào những cái phù du của phát triển kinh tế theo bên Tây mà quên đi những con người như thế này. Biết đâu ở cái tình cảnh khác, anh Du đã không hóa điên mà đâm con chó anh thương, anh Hộ đã có thể theo đuổi cái đam mê viết lách đầy lý tưởng, và anh Điền đã chẳng phải thấy cắn rứt lương tâm khi mua được cái nhà giá bèo (mà kì thực là chuyện cũng chẳng phải lỗi gì ở anh).

Cách kể của Nam Cao về đời và hoàn cảnh của mỗi nhân vật còn gợi lên cho người đọc cái nhìn thông cảm và thấu hiểu hơn cho những con người vì cái nghèo gần như thắt cổ mà trở nên có nhiều thói xấu và đâm ra làm nhiều chuyện khó mà chấp nhận được. Như trong truyện Nhìn Người Ta Sung Sướng, những cái khổ dai dẳng cả đời người của một cụ bà đã ngấm hết vào tâm trí của cụ để rồi cụ không còn dư dả suy nghĩ để mà thấy cảm thông được cho đời sau của cụ. Còn ở Bài Học Quét Nhà, thì tình thương của người cha người mẹ thật sâu sắc và bao la với đứa con gái nhỏ. Vậy mà thấm thoắt một cái, chỉ vì nghèo dồn tới cùng tường mà tình thương có mấy cũng không đủ lấp được cái uất ức đến nghẹn, dâng lên sẵn trong lòng, rồi trồi ra mà trút lên đầu trẻ nhỏ. Đến những đứa trẻ trong các truyện còn nhìn thấy được cái khổ đó của người lớn và cũng chính những trẻ, tuy chỉ là những nhân vật phụ, lại là những con người mang nhiều tổn thương nhất khi cái nghèo ập đến.

4. HẢI MIÊN review sách Đời Thừa

Bên cạnh những tác phẩm viết về đề tài người nông dân thì Nam Cao còn rất thành công với đề tài người trí thức. Tiêu biểu cho chủ đề này là tác phẩm Đời Thừa với nhân vật trung tâm là văn sĩ Hộ.

Hộ cũng như bao nhà văn chân chính khác luôn muốn tạo ra những giá trị nghệ thuật đích thực. Anh luôn ôm mộng văn chương với những kiệt tác để đời. Nhưng Hộ luôn bị giằng xé giữa hai sự lựa chọn: Một là loại văn chương lãng mạn xa rời thực tế, khiến cho con người khi đọc nó lãng quên cuộc sống khốn khổ xung quanh mình, vùi chôn thực tại. Hai là loại văn chương gắn liền với đời sống thực tại, phản ánh chính nỗi khốn khổ của những người dân nghèo.

Hộ là người có đạo đức và tài năng. Khi còn độc thân anh luôn thận trọng trong mỗi trang viết, không vì lấy lòng độc giả hay chạy theo thị hiếu mà bán rẻ ngòi bút của mình. Nhưng từ khi lập gia đình thì cuộc đời anh không còn thảnh thơi được nữa. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến anh không thể nào tập trung sáng tác.

Trách nhiệm làm chồng, làm cha khiến anh phải viết nhiều hơn, phải chạy theo xu hướng của độc giả thì mới có tiền. Mỗi lần như vậy Hộ cảm thấy mình thật sự vô ích, thật sự đã “hỏng mất rồi”. Anh đã bán rẻ nhân cách, của mình chỉ vì vài đồng bạc lẻ. Nhưng những đồng bạc lẻ ấy lại giúp vợ con anh có cơm ăn, có thuốc uống.

Ngày này qua ngày khác Hộ đấu tranh trong vô vọng. Ước mơ về một tác phẩm vượt qua mọi không gian và thời gian, có giá trị nhân văn sâu sắc không thực hiện được, mà nhường chỗ cho những tác phẩm văn chương xa rời thực tế, lãng mạn, ngôn tình.

Trong cuộc sống đời thường Hộ cũng rơi vào bi kịch. Anh là người tốt nên đã nhận một cô gái quá lứa lỡ thì chẳng may bụng mang dạ chửa về làm vợ, nhận con của cô làm con mình, nuôi cả mẹ già của cô. Rồi những đứa con cứ lần lượt ra đời khiến tình cảnh càng thêm túng quẫn. Do không thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn đó mà Hộ lao vào rượu, hết say lại tỉnh, hết tỉnh lại say. Trong cơn say, Hộ chửi đời, chửi người, thậm chí đánh vợ, đánh con cho bõ tức. Nhưng rồi lúc tỉnh rượu, anh lại hối hận hôn hít các con, xin lỗi vợ và xấu hổ với chính mình…

Qua nhân vật Hộ, tác giả đã thể hịên ngòi bút hiện thực vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy tư. Bi kịch của Hộ cũng chính là bi kịch của những trí thức nghèo trước Cách mạng.

5. THƯ HOÀN review sách Đời Thừa

Mức độ yêu thích : 5/5

Hộ là một văn sĩ có địa vị trong giới , một người có nhân cách tốt . Anh tồn tại trong nghề viết văn bằng một ngòi bút thận trọng và luôn khao khát sở hữu một tác phẩm để đời … Nhưng sự tốt đẹp ấy bỗng chốc trở thành một nỗi bi kịch khi anh lấy Từ , một người con gái sa vào lỡ lầm , anh đưa tay cứu vớt lấy danh dự của Từ , nhận làm cha của đứa con không phải của anh , đứng ra lo cho mẹ của chị …

Sau đấy cái guồng quay cơm , áo , gạo , tiền không ngừng bủa vây lấy cuộc sống vốn thong thả của Hộ . Anh buộc lòng gạt phăng cái ngòi bút chân chính của mình , buông bỏ cái hoài bão tuổi trẻ mà viết nên những thứ văn chương chạy theo thị hiếu của độc giả , viết vội vàng chỉ cốt chạy đua cho kịp guồng sống nuôi vợ nuôi con . Chính vì vậy mà anh đã bị quật ngã bởi anh có lòng tốt nhưng lại không đủ mạnh . Anh buồn vì thấy mình đã “hỏng ” rồi tìm đến rượu để rồi anh không chỉ tự mình làm khổ anh mà mấy mẹ con Từ cũng phải khổ .

Đến cuối cùng câu chuyện lại kết thúc trong chính cái vòng luẩn quẩn chẳng thấy lối ra ấy. Phải chăng Hộ sẽ còn phải tự hối hận như thế thêm bao nhiêu lần ? Tôi không chỉ thấy được nỗi sầu muộn của Hộ mà còn thấy được cả cái hiện thực tát thẳng vào những mơ mộng của tôi một cú đau. Ôi , cái chuyện cơm , áo , gạo , tiền muôn thuở nào có tha ai bao giờ !

Thư Hoàn – 5 . 11 . 2019 

6. HUỲNH THƯ review sách Đời Thừa

Nhiều người hỏi mình chứ, ở cái tuổi này, sống trong thời đại này, đọc lại truyện Nam Cao làm gì??!!! Vì nhắc đến Nam Cao, người ta chỉ nghĩ đến sự nghèo, sự khổ, sự bế tắc không lối thoát của những số phận được khắc họa trong từng câu chuyện của ông. Nhưng, mình nghĩ những tác phẩm phản ánh chân thật bối cảnh xã hội của một đất nước là những tác phẩm đáng xem, do vậy, bỏ qua một tác phẩm kinh điển của Nam Cao – Đời Thừa – với mình, một sự mất mát.

Ở Đời Thừa, chỉ trách “Ai làm cho khói lên giời – Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly – Ai làm Nam Bắc phân kỳ – Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân” đã bóp nghẹt những tâm tính tốt đẹp của Hộ, khiến một người tri thức bị nhuộm màu của tấn bi kịch về tinh thần, chỉ trách những “bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới” đã gây ra “sự bất lương” trong chính tác phẩm của Hộ, những giấc mơ của người trí thức thời đó cứ thế bị vùi dập.

Mình nhận ra rằng, thật sự, cái nghèo, cái khổ có mặt luôn hiện hữu ở mọi giai đoạn phát triển của xã hội, Đời Thừa khiến người ta biết cảm thông cho những phận đời như thế. Nhưng nó cũng khiến mình thấy rằng, đồng ý luôn đầy rẫy những “bi kịch” mà xã hội này tạo ra để đè bẹp ước mơ của những cá thể nhỏ bé của nó. Nhưng bạn ơi, nếu ước mơ đủ lớn và suy nghĩ đúng hướng bạn sẽ thay đổi được cuộc đời của mình thôi.

III. Trích dẫn sách Đời Thừa

Trích dẫn sách Đời thừa - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Một vài trích dẫn hay trong Đời Thừa – Nam Cao

  1. “….Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”

  2. “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”

  3. “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.”

  4. “Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa…”

Trích đoạn Phần 1 – Đời Thừa – Nam Cao

Từ ngẩng đầu lên nhìn Hộ ba lần.

Ba lần, Từ muốn nói nhưng lại không dám nói. Hắn đang đọc chăm chú quá. Ðôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Ðôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn. Ðôi lưỡng quyền đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy. Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn.

Từ thấy sợ…

Từ yêu chồng bằng một thứ tình yêu rất gần với tình của một con chó đối với người nuôi. Từ bản tính rất dịu dàng, rất tận tâm. Vả lại Hộ, đối với Từ, còn là một ân nhân nữa. Hộ đã cúi xuống nỗi đau khổ của Từ. Hộ đã cúi xuống và đã đưa một bàn tay cầm lấy cái bàn tay mềm yếu của Từ, giữa lúc Từ đau đớn không bờ bến: Từ bị tình nhân bỏ với một đứa con vừa mới đẻ.

Gã tình nhân vô liêm sỉ ấy, Từ đã yêu hắn bằng cả tấm lòng yêu lúc ban đầu. Từ đã tin như người ta tin một vị thần. Từ đã hiến mình một cách dè dặt tâm hồn và xác thịt. Và khi biết mình sắp có một đứa con, Từ không hề hối hận một mảy may: Từ rất bằng lòng.

Ấy thế mà hắn đã phụ từ, phụ một cách hèn nhát và khốn nạn, ngay chính vào lúc Từ cần đến hắn để bảo tồn sự sống và danh dự, lúc đứa con ra đời. Từ sửng sốt vô cùng. Từ không tin ở sự thật rành rành. Rồi khi sự sửng sốt qua thì Từ khóc. Từ khóc như mưa, khóc tưởng chẳng bao giờ còn lặng được.

Từ khóc, và ôm con ngồi nhịn đói, bởi vì Từ chẳng còn biết trông cậy vào ai, trừ bà mẹ già mù và quanh năm nay ốm, mai đau, mà Từ vẫn phải nuôi. Bà mẹ già biết làm sao? Bà chỉ còn một cách là còn được ít nước mắt nào thì rỏ cả ra mà khóc với con, và cả mẹ lẫn con chỉ có một cách là khóc cho đến khi nào bao nhiêu xương thịt đều chảy ra thành nước mắt hết, để rồi cùng chết cả.

Giữa lúc ấy thì Hộ mở rộng đôi cánh tay, đón lấy Từ. Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ. Hộ nhận làm bố cho đứa con thơ. Vì muốn yên ủi Từ và cứu lấy danh dự của Từ, Hộ đã chính thức nhận Từ làm vợ. Rồi Hộ đứng ra làm ma cho bà mẹ Từ, khi bà cụ mất. Biết bao nhiêu là ân nghĩa!

Từ có yêu Hộ đến đâu, có chịu khó đến đâu, có làm nô lệ cho Hộ suốt đời Từ nữa, thì cũng chưa đủ để đền ơn. Bởi thế, nên luôn mấy năm trời, Hộ thấy Từ là một người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm. Và đáng lẽ thì Hộ phải sung sướng lắm.

Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình.

Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở.

Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời…

Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách.

Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn…

Đời thừa - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.

Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa.

Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…

Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư? Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hy sinh như người ta vẫn nói ư?

Ðã một vài lần hắn thấy ý nghĩ trên đây thoáng qua đầu. Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái.

Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Và lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?…

Hắn tự bảo: “Ta đành phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn con để làm ăn! Sự sinh hoạt lúc này chẳng dễ dàng đâu!”.

Từ khi đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc.

Từ săn sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng còn có thể làm thêm một việc khác nữa. Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình.

Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn đi lang thang, không chủ đích gì.

Rồi khi gió mát ở bên ngoài đã làm cái trán nóng bừng nguội bớt đi và lòng trút nhẹ được ít nhiều uất giận, hắn tạt vào một tiệm giải khát nào mà uống một cốc bia hay cốc nước chanh. Hắn tìm một người bạn thân nào để nói chuyện văn chương, ngỏ ý kiến về một vài quyển sách mới ra, một vài tên ký mới trên các báo, phác họa một cái chương trình mà hắn biết ngay khi nói là chẳng bao giờ hắn có thể thực hành, rồi lặng lẽ nghĩ đến cái tác phẩm dự định từ mấy năm nay để mà chán ngán.

Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi… những mộng đẹp ngày xưa… một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa.

Hắn lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn… Rồi hắn ra về, thờ thẫn. Những sự bực tức đã chìm đi. Lòng hắn không còn sôi nổi nữa, nhưng rũ buồn…

Đời thừa - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (12 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami

Những người đàn ông không có đàn bà không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *