Giết Con Chim Nhại – Harper Lee

Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

Thể Loại Tác phẩm kinh điển
Tác Giả Harper Lee
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 422
Ngày Xuất Bản 05 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Giết Con Chim Nhại

Giết con chim nhại (nguyên tác tiếng Anh: To Kill a Mockingbird) là cuốn tiểu thuyết của Harper Lee; đây là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả, nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Tác giả cho biết hình mẫu nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân mình.

Giết con chim nhại lấy bối cảnh Alabama, một tiểu bang miền Nam rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và được viết trong thời gian mà phong trào đấu tranh của những người da màu, nhất là của Martin Luther King, Jr., đang lan rộng tới tầm cỡ quốc gia. Rõ nhất là vụ Tẩy chay xe buýt ở Mongomery, Alabama; kéo dài từ tháng 12.1955 đến tháng 12.1956, với kết quả là một phán quyết của Tối cao pháp viện tuyên bố các luật phân cách chỗ ngồi trên xe buýt theo màu da được áp dụng ở Montgomery và cả Alabama là vi hiến. Nên không ngạc nhiên gì khi chủ đề lớn của tác phẩm là vấn đề phân biệt chủng tộc.

Không dừng lại ở đó, tác phẩm mở rộng và đề cập đến những thành kiến khác của con người, những thứ vốn là nền tảng dẫn tới thói đạo đức giả, bất công xã hội, và nhiều tệ nạn khác. Tất cả được mô tả qua cái nhìn của Jean Louse Finch, biệt danh Scout, một bé gái trong những năm đầu của bậc tiểu học. Việc chọn một em bé làm người dẫn chuyện giúp tác giả có thể đề cập tới những điều được xã hội quanh em mặc nhiên công nhận là hợp lý, đương nhiên, hoặc không thể thay đổi. Khi nhìn thấy những hiện tượng đó, và so sánh với những giá trị đạo đức được bố em dạy bảo, hoặc chỉ đơn thuần kể lại sự vụ, em có thể cho người đọc thấy khía cạnh phi nhân trong xã hội.

Giết con chim nhại là một tiểu thuyết viết về trẻ con nhưng không độc giả nào nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề nó đặt ra là quá lớn ngoài khả năng giải quyết của cá nhân. Nhưng tất yếu mỗi người phải góp phần vào cuộc chiến chống bất công và thành kiến này, như Atticus nói, “cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng” khi ông quyết tâm bào chữa cho Tom Robinson dù biết chắc là mình sẽ thua kiện.

Giết con chim nhại là một câu chuyện bao gồm nhiều mô-típ, như sự ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến, và các giai đoạn trong cuộc đời, đặt trong bối cảnh cuộc sống miền Nam Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Robert Mulligan dựng thành phim với kịch bản do Horton Foote viết vào năm 1962. Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm được xuất bản duy nhất của Harper Lee.

***

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.

Tóm tắt Giết Con Chim Nhại

Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.

Câu chuyện diễn ra trong 3 năm của cuộc Đại suy thoái tại Mỹ, ở một “thị trấn cổ chán ngắt” Maycomb, tiểu bang Alabama. Nhân vật dẫn chuyện, cô bé Scout Finch 6 tuổi, sống với anh trai Jem và người cha Atticus, một luật sư tuổi trung niên. Một mùa hè nọ, Jem và Scout kết bạn với một cậu bé tên Dill khi Dill đến chơi với dì mình ở Maycomb vào mùa hè. Ba đứa trẻ cảm thấy vừa sợ vừa hứng thú về người hàng xóm “Boo” Radley, sống ẩn dật trong một ngôi nhà kế bên trong suốt nhiều năm mà không hề ra ngoài khi trời còn sáng. Những người lớn ở Maycomb thường dè dặt khi nói về Boo và trong nhiều năm rồi không ai thấy ông ta. Bọn trẻ bổ sung vào trí tưởng tượng của mình những lời đồn đại xung quanh bề ngoài của ông và nguyên nhân mà ông phải trốn tránh, trong đó trứ danh nhất là anh ta đã đâm vào chân cha đẻ của mình trong một cơn nóng giận, rằng anh ta lẻn ra khỏi nhà hàng đêm, ăn thịt mèo, sóc và rình mò xung quanh nhà hàng xóm.

Mùa thu năm ấy Scout đến trường lần đầu tiên. Ngày đi học đầu tiên của cô trôi qua không hề yên ả chút nào, nhưng từ đó độc giả biết đến gia đình Ewell qua một bạn học cùng lớp với cô, là con của ông Bob Ewell, một người có tiếng nghiện ngập, vô công rồi nghề và nghèo khó, ông ta có một túp lều trên bãi rác của thị trấn. Trên đường về nhà, cô bé và Jem tìm thấy mấy món quà dành cho họ, để trong một hốc cây trên mảnh đất của nhà Radley. Mùa hè năm sau, Dill quay lại. Cùng cậu, Scout và Jem bắt đầu trêu chọc anh chàng Boo Radley, nhưng ông Atticus bắt bọn trẻ phải thôi mấy trò nghịch ngợm ấy lại. Ông nhắc lũ trẻ phải thông cảm với người khác trước khi phán xét họ.

Tuy nhiên, trong đêm cuối cùng Dill còn ở thị trấn Maycomb mùa hè năm đó, ba đứa trẻ lẻn vào mảnh đất nhà Radley. Lũ trẻ bị bắt gặp, bị Nathan Radley bắn chỉ thiên dọa làm chúng hoảng hồn. Jem trong lúc chạy trốn làm mất cả quần, khi cậu quay trở lại để nhặt nó, cậu thấy cái quần đã được vá lại và treo trên hàng rào. Mùa đông năm ấy, Jem và Scout lại tìm thấy mấy món quà trên cái cây, dường như được Boo để ở đó cho chúng. Anh trai Nathan của Boo nói là cái cây “bị bệnh” nên dùng xi-măng trám cái hốc cây lại, nhưng khi lũ trẻ hỏi ông Atticus thì ông lại bảo là cái cây ấy chẳng có vấn đề gì cả. Jem buồn lắm, vì hiểu rằng mối liên hệ đầu tiên của chúng với Boo Radley thế là đã bị cắt đứt. Scout vì còn bé quá, nên chỉ nghĩ đơn giản là từ giờ sẽ không còn các món quà nữa.

Người cha Atticus được phiên tòa chỉ định biện hộ cho một người đàn ông da đen tên là Tom Robinson, người bị buộc tội hãm hiếp Mayella Ewell, một cô gái người da trắng. Dù cho nhiều cư dân của Maycomb chống đối thế nào, ông Atticus vẫn đồng ý biện hộ cho Tom hết sức mình. Ông Atticus hứa sẽ làm hết khả năng để bào chữa cho Tom, vì ông có một niềm tin lớn lao vào quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Vì chuyện đó mà lũ trẻ con ông phải chịu bao nhiêu sự phỉ báng của những đứa trẻ khác, thậm chí ngay cả khi chúng đang làm lễ Nô-en trong khu nhà Landing của gia đình Finch. Những đứa trẻ khác trêu chọc Jem và Scout về việc bố chúng, gọi ông ấy là “kẻ yêu bọn mọi đen”. Scout đã nổi nóng và gây lộn để bảo vệ danh dự cho cha mình, mặc dù cha cô bé đã bảo cô không được làm thế. Bà đầu bếp Calpurnia của gia đình Finch đưa lũ trẻ đến một nhà thờ của người da đen gần đó và chúng được cộng đồng người da đen chào đón nồng hậu.

Em gái ông Atticus, cô Alexandra đến sống với gia đình Finch mùa hè năm sau. Cậu bé Dill, nhẽ ra phải sống với ông cha dượng, người chẳng bao giờ quan tâm đến cậu, trốn nhà đến Maycomb và trốn dưới gầm giường cô bé Scout. Phiên tòa xử Tom Robinson bắt đầu, và khi anh bị nhốt trong nhà lao, một đám đông định xúm vào đánh chết anh. Đêm trước khi phiên tòa diễn ra, ông Atticus phải đối đầu với đám đông. Jem, Dill và Scout trốn khỏi nhà để đến chỗ ông, rồi dù ông Atticus nói gì, chúng cũng không chịu bỏ đi. Cô bé Scout nhận ra một người đàn ông trong đám đông là Walter Cunningham, cha một bạn học với cô. Cô lễ phép chất vấn ông ta về đứa con trai ông ta, làm ông xấu hổ đến mức phải giải tán đám đông.

Tại phiên tòa, lũ trẻ ngồi trên một “ban công dành cho người da màu” với những người dân da đen của thị trấn. Ông Atticus đưa ra những bằng chứng rõ ràng, cho thấy nguyên cáo, cô Mayella và bố cô, ông Bob Ewell đã nói dối, sự thực là cô Mayella đã tìm cách mồi chài Tom Robinson và bị bắt quả tang. Vết bầm trên mặt cô Mayella là do người cha đánh khi ông ta bắt gặp cô và Tom. Người cha gọi cô là con điếm và đánh cô. Mọi người nhận thấy vết bầm ở bên má trái cô Mayella, nghĩa là người đánh cô phải thuận tay trái. Ông Bob Ewell thuận tay trái, trong khi Tom thì lại bị tật ở tay trái. Mặc dù vậy, bất chấp mọi chứng cứ đều chỉ ra rằng Tom vô tội, bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng vẫn kết tội anh. Anh Tom tội nghiệp tìm cách chạy trốn khỏi nhà tù nên bị bắn chết. Sau phiên tòa, niềm tin vào công lý của Jem bị lung lay dữ dội vì bản án quá bất công, cậu trở nên chán nản, nghi ngờ, vì rõ ràng Tom bị bồi thẩm đoàn kết án chỉ vì anh là người da đen.

Dù tòa đã tuyên án, Bob Ewell vẫn tức tối vì cho rằng ông Atticus và vị thẩm phán đã cười vào mũi ông ta nên ông ta thề sẽ rửa hận. Ông ta đe dọa người vợ góa của Tom, tìm cách đột nhập vào nhà ông thẩm phán, nhổ vào mặt ông Atticus ở giữa đường, rồi đánh Jem và Scout khi chúng đang trên đường về nhà từ đám rước Halloween ở trường. Sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi trong bóng tối, Jem bị gãy tay, Bob thì biến mất, còn Jem và Scout được một người không quen biết tìm thấy và đưa chúng về nhà. Khi đó chúng mới nhận ra người đó chính là Boo Radley. Viên cảnh sát trưởng cũng đến và cho biết Bob Ewell đã bị chết do bị dao đâm vào bụng. Ban đầu ông Atticus ngờ rằng chính Jem đã đâm chết Bob, nhưng ông cảnh sát trưởng thì nhất định cho là Bob bị vấp vào gốc cây và ngã vào con dao của chính hắn mà chết. Mọi người đều đoán là chính Boo đã can thiệp vào cuộc xô xát và giết Ewell để bảo vệ lũ trẻ. Khác với điều ông Atticus nghĩ, viên cảnh sát trưởng muốn bảo vệ Boo và không muốn dân chúng phá vỡ cuộc sống ẩn dật của anh. Khi ông Atticus hỏi Scout xem cô bé nghĩ thế nào về cách giải quyết vụ việc này, cô bé trả lời, nếu không làm như vậy thì chẳng khác gì “giết con chim nhại” (vì Boo chẳng làm hại gì lũ trẻ, mà chỉ bảo vệ chúng thôi). Sau đó, Boo yêu cầu Scout đưa anh về nhà. Khi đến hiên nhà Radley, Scout nhớ lại những việc đã xảy ra, cảm thấy rất hối hận là cô và Jem không bao giờ tỏ ra thân thiện với Boo, không bao đáp lại những món quà mà Boo đã tặng cho lũ trẻ.

Dọc đường về nhà, cô hồi tưởng lại tất cả những sự kiện diễn ra trong vòng 2, 3 năm trở lại. Cô bé trở về nhà với ông Atticus và Jem, khi đó đã tĩnh tâm trở lại. Sau khi nghe ông Atticus đọc truyện “Bóng ma màu xám”, cô bé nhận xét với ông Atticus là nhân vật chính trong câu truyện hóa ra là một người tốt, ông Atticus tạm biệt cô bằng câu nói: “Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi”.

Giới thiệu tác giả Harper Lee

Tác giả Harper Lee

Nelle Harper Lee (28 tháng 4 năm 1926 – 19 tháng 2 năm 2016), thường được biết tới với tên Harper Lee, là một nữ nhà văn người Mỹ. Bà được biết tới nhiều nhất qua tiểu thuyết đầu tay Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird). Ngày 5 tháng 11 năm 2007, Harper Lee đã được tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ (Presidential Medal of Freedom), huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.

Vào tháng 2 năm 2015, luật sư của Lee xác nhận xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 2, Hãy đi đặt người canh gác (Go Set a Watchman). Được sáng tác vào giữa thập niên 1950, quyển sách phát hành vào tháng 7 năm 2015 như là phần tiếp theo của Giết con chim nhại.

II. Review sách Giết Con Chim Nhại

Review sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Giết Con Chim Nhại của tác giả Harper Lee. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. TRANG VO review sách Giết Con Chim Nhại

Vài tháng trước tình cờ đọc báo thấy “Giết con chim nhại” là cuốn sách gối đầu giường của Taylor Swift – thần tượng của mình. Thế là tức tốc đi một ngay một cuốn về đọc để hiểu vì sao nó lại là nguồn cảm hứng của cô nàng ca sĩ nổi tiếng ấy. Và hơn nữa, trước khi mua thì mình cũng thấy nó nằm trong danh sách những cuốn sách nên đọc ít nhất một lần trong đời. Và đọc xong mới biết lý do vì sao nó nổi tiếng như vậy.

Cuốn sách đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Mặc dù được biết đến như một quốc gia đa chủng tộc những người da trắng MỸ vẫn có những hành động khinh miệt nặng nề đối vơi người da đen. “Giết con chim nhại” không phải là một cuốn sách về thực trạng và nêu lên cách giải quyết như những cuốn sách self-help mà đây là một cuốn tiểu thuyết giúp người đọc hình dung rõ hơn về thực trạng này đang tồn tại như thế nào ở Mỹ.

Là một tiểu thuyết được viết dưới góc nhìn của cô bé Scout, trong bối cảnh một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Alabama miền Nam nước Mỹ, về vụ án một người da đen bị kết tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng do bố của Scout, Atticus Finch, đảm nhận. Atticus Finch là hình ảnh đại diện cho tiếng nói của lương tri và nhân quyền. Ông là một luật sư dũng cảm và chân chính khi dám đứng ra nhận biện hộ cho Tom Robinson – người da đen bị kết án, dù bất lợi cho mình và bản thân bị người dân trong thị trấn dè bỉu, gọi là “kẻ yêu mọi đen”. Từ đầu đến cuối tác phẩm, trải qua nhiều biến cố và khó khăn, Atticus Finch vẫn không hề thay đổi, trung thành với quyết định của mình và quyết tâm bào chữa cho Tom đến cùng dù biết chắc là có rất ít phần trăm thắng kiện.

2. TAMA review sách Giết Con Chim Nhại

Mình đã từng đọc đâu đó rằng, nếu muốn tóm tắt lịch sử hơn hai trăm năm của nước Mỹ bằng một câu duy nhất thì câu đó phải là: “Người nhập cư ghét người nhập cư”. Khoan chưa bàn đến chính trị (phức tạp vào hàng bậc nhất) thì chênh lệch xã hội giữa các “chủng” trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thực sự rất lớn. Giữa nhập nhằng những vấn đề xã hội đó, phân biệt chủng tộc luôn là vấn đề nhức nhối, và nó luôn xảy ra dưới nhiều hình thức.

Hơn tám mươi năm trước, sự ra đời của Giết con chim nhại trở thành một chấn động đối với nước Mỹ, và ngay lập tức, được trao giải Pulitzer cho những điều nó thể hiện. Tiêu đề cuốn sách nhắc tới chim nhại, một loài chim phổ biến ở phương Tây hơn phương Đông, và thường được đem ra làm hình mẫu tượng trưng cho tự do, công lý. Vì vậy, việc chim nhại bị giết ít nhiều gợi tả một bi kịch trong tác phẩm của Harper Lee.

Cuốn sách là một tập hợp các câu chuyện không đầu đuôi của cô bé Scout, và qua cách nhìn của cô bé, một hiện thực tàn khốc của nước Mỹ trong thế kỷ XX, khi làn sóng dân tộc dâng cao thì những người da trắng lại tiếp tục quay lưng, ngày càng mãnh liệt hơn, tới mức chĩa súng vào người da đen bất cứ khi nào có cơ hội. Anh chàng Tom Robinson trong câu chuyện là một nạn nhân da đen điển hình. Ngây thơ, kiến thức pháp luật không đủ, và hơn hết, chẳng mấy ai ủng hộ một người da đen như anh trong phiên tòa kết án tử hình anh. Người da trắng là số đông tại Hoa Kỳ, và ở thời điểm bấy giờ, thì cái câu “số đông không phải lúc nào cũng đúng” chính xác đến kỳ lạ. Hơn thế nữa, họ biết rõ họ sai, nhưng cứ đâm đầu vào cái sai ấy cùng cái mũ bảo hộ Chúa đứng về phía họ – mọi lỗi lầm là của bọn da đen.

Là tác phẩm duy nhất được xuất bản khi còn sống của nhà văn, mình tin rằng bà đã phẫn nộ cùng cực với bất công của xã hội nên mới viết tác phẩm này. Bởi thế, dù dưới góc nhìn của một đứa trẻ, vẫn chẳng có hề góc khuất nào trong câu chuyện. Tất cả những điều mọi người muốn biết đều được phô bày rõ ràng, không hề giấu diếm. Và đó cũng là lý do khiến tác phẩm sống sót lâu bền ở Mỹ, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ và trên toàn thế giới, là tiền đề để ra đời những Martin Luther King, Nelson Mandela,…

Đánh giá của mình: 5 sao

3. KIÊN TRẦN review sách Giết Con Chim Nhại

Kiên Trần review sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

* “Trên đời này chỉ tồn tại duy nhất một loại người”*

ĐÁNH GIÁ: 5/5*

Khi hoàn thành quyển sách này vào năm ngoái, Tôi hiểu được vì sao nó lại thuộc thể loại kinh điển, một quyển sách không có tình tiết quá giật gân, không dồn dập mà những thứ cuốn sách đọng lại là sự lắng đọng, suy nghĩ về tình yêu gia đình, tình thương cuộc sống của những con người nói chung và của những con người trong bang miền Nam Alabama trong quyển sách nói riêng. Không ngoa khi nói rằng dù đã trải qua vài thập kỉ nhưng Giết con chim nhại vẫn khẳng định chổ đứng của mình với những thông điệp và ý nghĩa nhân văn vượt thời gian.

Quyển sách đề cập đến một sự việc xảy ra ở bang Alabama, vị luật sư da trắng Atticus Finch bào chữa cho một người da đen bị buộc tội là cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Đó là một câu chuyện hết sức lạ kỳ vào thời điểm đó ở bang Miền Nam nước Mỹ, Alabam vào những nhập nhiên 1930.

Câu chuyện được kể theo ngôi kể của cô bé Scout 6 tuổi, có câu nói “ Trẻ con không biết nói dối” vì vậy mà những vấn đề “ nhạy cảm” trong quyển sách dưới góc nhìn của Scout được bóc tách ra một cách mạnh mẽ và không kiêng nể, nhưng với một đứa trẻ vô tội như vậy thì ta lại thấy nó tránh được sự phản cảm và không thiếu sự tinh tế trong cách lòng ghép các vấn đề xã hội này.

Mình nghĩ sẽ có nhiều bạn khi biết đến quyển này sẽ mong chờ nó là một quyển sách viết về nạn phân biệt chủng tộc với một bản án tố cáo mạnh mẽ và xuyên suốt quyển sách ( lúc đầu mình cũng nghĩ nó sẽ như vậy) Tuy nhiên như đã nói ngôi kể là một đứa trẻ, đây như một quyển hồi kí của Scout về một khoảng thời gian trước, trong và sau vụ án người da đen. Vì vậy câu chuyện là một ký ức tuổi thơ, một khoảng thời gian sinh hoạt của Scout cùng với gia đình mình ở bang Alabama. Lúc đầu khi mình đọc tới 50 trang quyển sách thì vẫn chưa thấy liên quan gì đến vụ kiện kia, nó làm mình hố và hơi thât vọng tí vì nghĩ chuyện đi quá chậm, tuy nhiên khi đi sâu vào tuổi thơ của Scout, mình lại cảm thấy rất sôi nổi, nhộn nhịp và ấm áp, nó làm khơi gợi lại đôi chút ký ức tuổi thơ của mình ngày đó

Quyển sách này cũng chứa vai trò healing trong đó, không chỉ là vấn đề phân biên chủng tộc, mà trong đây còn chứa rất nhiều những bài học về định kiến, về dòng tộc, về giới tính, về tình người trong xã hội của những con người đối với nhau chứ không chỉ riêng người da trắng với người da màu. Nổi bật nhất là sự giáo dục trẻ con trong quyển sách này, không chỉ là sự giáo dục trong trường học, mà con là sự giáo dục từ những người thân, nói đúng hơn là sự giáo dục của người bố Atticus đối với hai đứa con Jem và Scout của ông, có lẽ trẻ con rồi sẽ trở thành người lớn, nên để thay đổi được định kiến xã hội thì việc hiệu quả nhất là giáo dục trẻ con. Qua từng câu chuyện, từng tình huống hoặc thậm chí là qua cả những câu nói hồn nhiên của Scout và Jem, bố Atticus luôn công bằng và minh bạch dạy dỗ chúng những bài học lương tâm, những bài học đạo đức, công bằng, đối nhân xử thế, và cả lòng can đảm cùng với cách nhìn đa chiều của ông đối với xã hội *“Con không bao giờ thực sự hiểu được một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…”* .Ngoài ra tác giả còn phản ánh góc nhìn cứng ngắc của giáo viên trong việc giảng dạy, lối áp đặt máy móc và đầy thành kiến đã kìm hãm sự phát triển và tư duy của những đứa trẻ.

Nạn phân biệt chủng tộc của những nhân vật trong đây như đã ăn vào da vào máu họ, nói đúng hơn đó sự định kiến và thành kiến của họ đối với người da đen, Đứng trước những đồng bào cùng màu da của mình, Lòng vị tha và lòng can trường của một con người đơn độc, can trường chiến đấu với mọi thành kiến tâm tối và tàn bạo của một cộng đồng hầu bảo vệ người khác chỉ đơn giản họ là con người, đó chính là Atticus Finch, dù đứng trước mọi sự dè bỉu và khinh miệt của dòng họ, láng giềng nhưng ông vẫn đứng lên chiến đấu để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải*.“ Lý do chính là, nếu bố không làm, bố không thể ngẩng cao đầu trong thị trấn này được, bố không thể đại diện hạt này trong cơ quan lập pháp, thậm chí bố không bảo con hoặc Jem đừng làm một điều gì đó nữa” *

Điểm khiến mình cảm thấy ấm áp khi đọc quyển sách này ngoại trừ gia đình nhà Atticus thì còn chính là những vị hàng xóm của ông, mặc dù trong số họ có những thành kiến đối với người da đen, nhưng đâu đó trong lương tâm họ là những con người ấm áp, yêu thương và đồng cảm, như ngoại trừ thành kiến đó ra, họ vẫn là một người tốt ( mọi người đọc để hiểu rõ hơn nhé, nói nhiều quá nó spoil :v)

Đối với mình đây là một quyển sách đáng đọc thử một lần, còn mình thì mỗi năm đọc lại 1 lần, sau một thời gian đọc lại, mình có nhiều suy ngầm hơn với những bài học, những câu nói triết lý mà mỗi lần đọc đều khiến mình suy nghĩ nhiều hơn.

4. HƯƠNG NGUYỄN LÊ review sách Giết Con Chim Nhại

Qua lời kể của cô bé Scout một thực trạng xã hội ở miền Nam nước Mĩ với tư tưởng phân biệt chủng tộc được phơi bày – Một luật sư da trắng bảo vệ cho một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người da trắng. Vị luật sư ấy – bố Atticus, bị mọi người dè bỉu, bị gọi là 1 kẻ “yêu mọi đen” nhưng vẫn không ngừng đấu tranh cho công lý bởi ông tin vào sự công bằng, tin vào con người. Ông luôn cảm thông, tôn trọng người khác và những ý kiến của người khác (cho dù là ý kiến mang tính xúc phạm và dè bỉu ông). Ông là một người bố tuyệt vời, từ cách giáo dục, làm gương và bảo vệ cho những đứa con của mình.

Không chỉ dừng lại ở thực trạng phân biệt chủng tộc, tác phẩm còn đề cập đến những thành kiến, những bất công khác trong xã hội. Đó chính là lối sống đạo đức giả, lười lao động, thói ích kỉ, và cả sự độc ác giữa con người với con người, hay những định kiến trong giáo dục,…

Thông qua những lời dạy của bố Atticus, những câu chuyện và bài học trong cuộc sống hằng ngày của Scout bản thân tôi cũng học được nhiều điều, nó khiến tôi phải ngẫm nghĩ, soi chiếu vào chính bản thân mình. Như lời dạy của bố Atticus rằng “Cho dù chúng ta có bị đánh bại 100 năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó đâu phải là lí do khiến chúng ta không cố thắng”, Hay là câu hỏi mà Scout đặt ra cho anh trai mình “Làm sao anh có thể ghét Hitle dữ dội rồi trở mặt suy nghĩ tồi tệ về những người khác ngay tại quê nhà?”,…

Hình ảnh loài chim nhại là hình ảnh mang tính tượng trưng xuyên suốt cả tác phẩm. Đó là loài chim “chẳng làm gì cả ngoài việc hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim”. Cũng bởi vì lẽ đó giết con chim nhại là một tội ác. Hình ảnh con nhại bị giết là biểu tượng cho sự ngây thơ, trong sạch và sự lương thiện bị hủy hoại vì những cái xấu trong xã hội – Như việc Tom Robinson bị bắn chết, như Boo Radley bị cha nhốt kín trong nhà sau một lỗi lầm thời niên thiếu để rồi trở thành 1 “bóng ma” bị quên lãng, như Jem rơi vào khủng hoảng sau khi chứng kiến sự bất công ở tòa,….

Như lời của Alix Wilber, Giết con chim nhại “Vừa dí dỏm, vừa hiền minh, vừa đau đớn xé lòng”.

5. LÊ TRÂN review sách Giết Con Chim Nhại

Lê Trân review sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Cũng như quyển “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” vậy đó, tựa sách “Giết con chim nhại”- lấy hình ảnh chú chim nhại để ẩn dụ cho toàn bộ câu chuyện. Đây là tác phẩm duy nhất và cũng là tác phẩm thành công nhất của nữ nhà văn Harper Lee khi tái hiện lại tình cảnh vấn nạn phân biệt chủng tộc gay gắt thời bấy giờ giữa người da đen và người da trắng ở miền Nam Alabama. Giống như “Hoàng tử bé”, khi đọc “Giết con chim nhại” ta như trở lại thời còn bé vậy, cách xa màn hình vi tính và chỉ chơi toàn những trò như đóng vai, rượt đuổi…..Mở đầu truyện có lẽ sẽ hơi gây hoang mang rối loạn với độc giả một chút, nhưng nếu kiên trì đọc đến cuối cùng bạn sẽ khám phá ra sự tinh diệu và khéo léo của tác giả đó!

Truyện được kể dưới góc nhìn của nữ chính Scout tên thật là Jean Louise Finch, cơ mà lúc đầu mình tưởng lầm là cậu bé cơ cho đến lúc đọc được mười mấy trang sau đó mới vỡ lẽ. Mà quả thật, chính vì sự nuôi thả của cha mình mà cô bé lớn lên với tính cách không khác gì con trai cả. Cô mồ côi mẹ từ bé và sống cùng ba, anh trai và bà giúp việc Calpurnia. Khám phá tuổi thơ của Scout, ta lại giật mình phát hiện ra nó không khác gì tuổi thơ của bản thân cả: Ước rằng có một ngày sẽ được gia đình cho thôi học nếu làm sai 1 điều gì đó hay ít nhất cũng từng chửi bậy 1 lần mà không biết ý nghĩa của nó là gì cả. Đôi khi chúng ta cũng bướng bỉnh y hệt như Scout vậy đó, còn quá nhỏ để ý thức được bản thân đã làm sai, tưởng tượng ra mọi cách làm tổn thương bản thân như tự tử chỉ để làm người thân đã quát mình phải hối hận. Nhưng nhìn chung thì, Scout quả thật là một cô bé ngoan khi sẵn sàng nghe theo lời bố – đặt góc nhìn của bản thân theo góc nhìn của người khác, và cảm thông cho họ. Khi cha và gia đình của cô bé bị mọi người phỉ nhổ vì bênh vực cho một “tên tội phạm” da đen, Scout cũng cố hết sức kiềm chế sự nóng nảy của mình theo lời cha, thậm chí khi tức giận và ra tay chống trả, Scout thà rằng để cha hiểu lầm mình cũng không tiết lộ lý do thật sự cho ông biết. Cá nhân mình rất thích tác giả chọn cách kể theo góc nhìn của Scout, bởi sự thật – không sớm thì muộn, cũng sẽ được phơi bày. Cũng như những thắc mắc của chúng ta ngày còn bé, khi trưởng thành sẽ được giải đáp từng chút, từng chút một.

Nhân vật kế tiếp là Jeremy, anh trai của Scout, mọi người hay gọi anh là Jem. Lớn hơn Scout 4 tuổi nên Jem cũng trưởng thành hơn so với em gái mình về mặt tính cách. Anh hiểu chuyện, không nóng nảy và biết kiềm chế. Tuy anh này hay bày ra những trò táo bạo, hay còn gọi là nghịch dại, nhưng đụng chuyện thì anh chọn bảo vệ em gái và nhận hết hậu quả về phần mình. Lần duy nhất khiến Jem phát điên là khi bà hàng xóm Dubose đã nhục mạ cha cậu.

Người cha Atticus Finch, là một luật sư ở Maycomb. Quả thật ông là một người cha tuyệt vời mà ai cũng muốn làm con của ông ấy. Làm cha đơn thân là nhiệm vụ không mấy dễ dàng vì việc nuôi dạy con cần sự cứng rắn của người cha và sự dỗ dành của người mẹ, nhưng Atticus đã làm rất tốt cả 2 vai trò này khi chọn hình thức nuôi thả cùng biện pháp răn đe chứ không dùng roi vọt. Ông không ngăn cấm Scout nói những từ rủa sả như “quỷ sứ, chết tiệt” vì ông biết quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ đều phải trải qua những rắc rối như thế và “khi bọn trẻ biết ra rằng chúng không thể thu hút sự chú ý bằng cái thứ ngôn ngữ đó”, những thứ tệ hại ấy sẽ biến mất. Những hành động liều lĩnh của Jem và Scout, có lẽ ông biết hoặc không biết, nhưng ông chọn cách lấp lửng, mập mờ chứ không “vượt qua lôi trì” nửa bước, theo mình nghĩ vì ông làm vậy là muốn giữ lại tôn nghiêm nhỏ bé của những đứa trẻ. Ngoài chức nghiệp luật sư thì ông còn có những tài lẻ khác mà không để lũ trẻ biết như chơi cờ và thổi kèn Do Thái, đặc biệt ông còn là một tay thiện xạ. Ông luôn ôn hòa lịch thiệp với tất cả mọi người, trong tòa án cũng như ngoài đường phố.

Ngoài ra còn có các nhân vật rất đỗi thú vị như Dill – bạn của 2 anh em Scout, không có một mái ấm ổn định và chỉ đến chơi với hai anh em vào dịp hè, chuyên hùa theo những trò tai quái của Jem và lúc nào cũng đòi lớn lên sẽ cưới Scout. Cô Maudie – 1 góa phụ, độc miệng nhưng lại rất tốt với hai anh em, đôi lúc cô hay thốt lên những câu vu vơ khá kì lạ. Chú của Scout – Jack Finch là một bác sĩ và cũng là một người bạn của Scout. Bà Dubose dành hết phần đời còn lại chiến đấu với căn bệnh của mình và đã ra đi vô cùng thanh thản. Gia đình Radley, đặc biệt là Arthur hay còn gọi là Boo Radley, chỉ vì một sai lầm thời niên thiếu mà bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình, bí ẩn, kỳ quặc nhưng chưa bao giờ làm hại 2 đứa trẻ bất chấp những trò tai quái của chúng.

Truyện được chia làm 2 phần chính, nếu phần 1 là tuổi thơ thì phần 2 chính là dấn thân. Trong khi Jem phải đối mặt với những khủng hoảng tuổi dậy thì thì Scout cũng bị chấn chỉnh lại về mặt tính cách. Có thể nói việc tham dự phiên xử án chính là thử thách đầu đời của 3 đứa trẻ. Chứng kiến sự bất công rành rành mà những người da trắng đã làm đối với người da đen, đỉnh điểm là kết án anh ta dù có đủ mọi bằng chứng chỉ ra anh ta vô tội, Jem đã bị sốc và bật khóc. Được lờ mờ nhắc đến qua lời kể của cô Maudie hay cuộc đời của Boo Radley, hình tượng con chim nhại lúc này dần được khắc họa rõ nét hơn qua cái chết của tên “tội phạm” da đen bởi nó không khác gì những thợ săn hay trẻ con giết chóc 1 cách vô ý thức những chú chim biết hót, chính sự phân biệt đối xử đã vô tình giết chết một con chim nhại, cũng chính là một linh hồn vô tội. Sau tất cả những sự thật trần trụi như thế, tác giả vẫn rất nhân đạo khi để một kết thúc có hậu cho câu chuyện. Thiện ác đều được đền đáp xứng đáng, câu chuyện khép lại bằng những hình ảnh rất đẹp, không cần lời nói, không cần bất cứ ngôn ngữ nào, chỉ 1 hành động cũng quá đỗi tuyệt vời! Boo Radley tuy không được đưa ra ánh sáng, nhưng chí ít, vào thời khắc quan trọng nhất, ông cũng đã che chở, cứu sống được một sinh linh bé nhỏ.

6. THÌN TRẤN review sách Giết Con Chim Nhại

Cuốn sách khắc họa rõ xã hội Mỹ thập niên 90. Đặc biệt là chế độ phân biệt chủng tộc ở bang Alabama, miền nam nước Mỹ. Điều này thể hiện rõ nét qua vụ án của Tom Robinson. Những thành kiến về chủng tộc gay gắt đã che mờ khả năng lý trí của người dân hạt Maycomb, dẫn đến cái chết oan của Tom.

Hình ảnh con chim nhại tuy không được nhắc đến nhiều trong sách nhưng hình ảnh này lại tượng trưng cho những con người vô tội, chẳng gây hại gì cho ai, chỉ biết cất tiếng hót lảnh lót cho người ta nghe…

Nhân vật để lại ấn tượng mạnh cho tôi qua cuốn sách này là bố Atticus, ông có một cung cách ứng xử nhã nhặn, thông minh và lịch sự, ông cũng là 1 người cha tuyệt vời khi luôn ở bên và dạy cho Jem và Scout những bài học về cuộc đời qua những sự kiện mà đáng lẽ ở tuổi chúng không nên biết.

Cuốn sách này đã cho tôi nhiều cảm nhận. Nhưng theo tôi để hiểu hết được những thông điệp mà tác giả muốn gởi gắm qua tá phẩm thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấu hết được.

7. NHI NGUYEN review sách Giết Con Chim Nhại

Với chủ đề không quá lạ lẫm nhưng tác giả đã khiến câu chuyện trở nên thật mới mẻ và độc đáo bởi lẽ nó được nhìn dưới ánh mắt của trẻ con. Đây không chỉ là một tác phẩm hiện thực xã hội đơn thuần mà lồng ghép vào đó là rất nhiều bài học với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xuyên suốt câu chuyện là cuộc chiến của những con người “nhỏ bé” bị cả xã hội chống lại. Có những lúc gần như uất ức và tuyệt vọng, nhưng bố Atticus vẫn ra sức bảo vệ đến cùng dù biết rằng phần thắng hầu như là không thể. Và đó là một bài học lớn mà tôi sẽ khắc cốt ghi tâm. “Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩa rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết con sẽ thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa”. 😊

Cuốn sách khiến tôi suy ngẫm khá nhiều sau đó về giá trị của giáo dục trong gia đình. Sau khi đọc xong, tôi thật sự mong rằng ông bố những đứa con của tôi là một người sâu sắc và dạy con như bố Atticus đã làm. Một ông bố tuyệt vời. ❤

8. NGUYỄN HÙNG review sách Giết Con Chim Nhại

Nguyễn Hùng review sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Chắc hẳn nếu bạn chưa đọc thì cũng đã nghe tên cuốn sách ”Giết con chim nhại ” của tác giả Harper Lee, bởi vì nó là một trong những cuốn sách kinh điển của nền văn học Mỹ.

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống hai anh em Scout và Jem, sống ở miền Nam nước Mỹ. Cuốn sách được viết dưới dạng lời kể của cô em gái tên Scout về những trò nghịch ngơm của anh em Scout với Dill, về những điều chúng thấy, diễn ra xung quạnh, và đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc xảy ra nơi chúng sống.

Nửa đầu cuốn sách là nói về cuộc sống sinh hoạt của anh em Scout, những lần đi chơi. Trong đó, tác giả đã khéo léo lồng ghép những lời dạy của cha Scout vào, khiến cho tác phẩm có tính giáo dục. Được cha tặng cho khẩu súng săn, tuy nhiên lại được dặn là ”không giết chim nhại”, bởi chim nhại là loài chim thuần khiết, luôn đem đến cho con người niềm vui và giảm bớt gánh nặng trong tâm hồn. ”Chim nhại” ở đây cũng là hình ảnh ẩn dụ đối với những nạn nhân vô tội, bất lực trước số phận bất hạnh và phó mặc mình với cuộc đời. Boo Radley là một nhân vật hết sức đáng thương, bị người cha nhốt trong nhà, và bị lãng quên, bỏ mặc, cô đơn một mình trong cái thị trấn bé nhỏ ấy. Boo Radley đã cố gắng, nỗ lực đạp bỏ cái vỏ cô độc của bản thân mình, vươn ra hòa nhập cộng đồng thông qua những việc giúp, bảo vệ bọn trẻ.

Nửa sau cuốn sách nói về nạn phân biệt chủng tộc. Tom Robinson là anh chàng da đen bị một cô gái da trắng vu khống hiếp dâm. Luật sư Atticus là bốcủa Scout đã không ngần ngại bào chữa cho Tom, và mặc dù tòa án không có chững cớ nào nhưng vẫn kết tội Tom. Cuối cùng, chàng trai bất hạnh ấy đã trốn tù, và bị bắn chết. Đây cũng là hình tượng một con chim nhạn trong xã hội, không thể tự quyết đinh lấy cuộc đời của mình. Hai đứa trẻ Jem, Scout tuy da trắng nhưng đã không ngần ngại đứng vào hàng ngũ những người da đen để xem bố bào chữa cho họ. Thông qua cái nhìn của trẻ thơ, tác giả muốn kịch liệt lên án và phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

9. VI DƯƠNG review sách Giết Con Chim Nhại

Năm 16 tuổi tôi được bố tặng cho cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại”, sau khi đọc tác phẩm tôi đã có trong đầu ý nghĩ mình muốn làm luật sư.

“Giết con chim nhại” là cuốn tiểu thuyết của Harper Lee, đây là cuốn sách kinh điển rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn truyện được nhà văn Harper Lee viết trong vòng hai năm rưỡi và xuất bản lần đầu vào ngày 11 tháng 7 năm 1960. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cuối cùng của bà được xuất bản.

Câu chuyện đặt trong bối cảnh miền Nam Hoa Kỳ, xoay quanh về chính cuộc đời của tác giả với mọi người xung quanh nhưng đã được thay đổi họ tên. Nhân vật chính trong chuyện là người bố luật sư Atticus và hai anh em Jem và Scout. Mặc dù dưới góc nhìn trẻ thơ, mở đầu đơn giản nhẹ nhàng của những đứa trẻ, nhưng càng đọc sâu, độc giả càng cảm thấy sâu sắc. Tác phẩm đã đề cập đến hàng loạt các vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc, về đạo đức, về cách ứng xử trong các mối quan hệ,…

Cái tên “Giết con chim nhại” mạng ngụ ý rằng chim nhại là một loại chim không hề làm hại ai, và giết chúng là một hành động cực kỳ độc ác. Nó đại diện cho hình tượng các nạn nhân trong suốt tác phẩm.

Câu chuyện không chỉ dành cho trẻ thơ mà còn cho tất cả mọi người. Với giá trị nhân đạo cao, chính là lý do mà cuốn truyện luôn được bán chạy và có mặt trong tủ sách mọi nhà. Đối với tôi, câu chuyện đã đề cập đến những giá trị cốt lõi mà con người cần phải trân trọng, chuyện dạy cho ta bài học rằng chúng ta phải yêu quý mọi người xung quanh, hãy biết ơn và hơn hết là đừng nhìn người khác bằng con mắt định kiến rồi phải hối hận. Mặc dù cuốn sách là góc nhìn trẻ thơ, nhưng tác giả đã đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc dường như quá mức trần trụi. Đây là một điểm mà tôi thấy chưa được thuyết phục lắm. Tuy nhiên đây vẫn là chốn sách đáng đọc một lần trong đời.

10. THI DINH review sách Giết Con Chim Nhại

Đã nghe về quyển này rất rất nhiều lần, nó có thể được liệt vào những quyển “Khiến ta lúc nào cũng tỏ ra là đã đọc nó rồi” vì độ phổ biến và nổi tiếng của nó.

Nhìn cái tựa cứ nghĩ là một quyển tiểu thuyết trinh thám nhưng thật ra không phải vậy. Mãi đến tận hơn nửa thế kỷ sau khi được xuất bản (1960), tôi mới biết nội dung nó nói về cái gì và tại sao thiên hạ lại cuồng quyển này đến vậy.

Truyện gần như chả liên quan gì đến con chim nhại – cái tựa sách (mà tôi cũng chưa từng biết nó là chim gì cho đến khi đọc sách này). Đây là một loài chim phổ biến ở bang Texas, bang miền nam và lớn thứ hai cả về địa lý lẫn dân số ở Hoa Kỳ. Nó không có tiếng hót riêng và thường bắt chước tiếng gáy của các loài chim khác. Ở Texas, việc giết một con chim nhại là phạm pháp và mọi người xem việc ấy tượng trưng cho ác quỷ giết đi những người vô tội. Nhớ rõ điều này sẽ giúp bạn dễ hình dung và hiểu ngụ ý của tác giả hơn khi đọc truyện.

Nói riêng về Harper Lee, thật khủng khi “Giết con chim nhại” là quyển sách được xuất bản duy nhất của bà. Lý do có lẽ vì bà quá cầu toàn và sống rất kỹ tính.

Quay lại với tác phẩm, truyện gần như không có cốt truyện. Rất lạ! Nó giống như việc bạn đang đi trên đường, tình cờ quen một người bạn nhỏ và cũng tình cờ được người ấy kể về cuộc sống của mình, một cuộc sống hàng ngày, rất đỗi bình thường, rất chậm, rất chi tiết và rất thực. Truyện giống một quyển nhật ký riêng cho một giai đoạn của xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Cái lớn nhất mà Harper Lee muốn nói cho người đọc biết chính là nạn phân biệt chủng tộc nặng nề thời ấy cũng như sự chuyển giao giữa tư tưởng và tâm lý con người từ chỗ phân biệt đến chỗ bình đẳng xã hội có được ngày hôm nay.

Dù bà cho biết tiểu thuyết được sáng tác dựa trên những gì xảy ra xung quanh bà, một số nhân vật cũng dựa trên các mối quan hệ ngoài đời thực của bà nhưng phải công nhận một điều rằng Harper Lee có tài kể chuyện quá tài tình. Cách kể của bà nếu so sánh với phim võ thuật thì là kiểu của một người giỏi võ nhưng cứ giả bộ ta đây vụng về và đơn giản. Cách bà chọn cốt truyện, điểm thắt cũng như những nhân vật chịu ảnh hưởng bởi điểm thắt ấy rất hay. Khi nghiệm ra mới thấy đều có ngụ ý của bà.

Sẽ có đôi lúc bạn đọc mà nghĩ “Sao đoạn này nó dư thừa, lan man quá”, thế nhưng đến hết sách thì mới “À, thì ra không có dư”.

Sở dĩ nó phổ biến đến vậy có lẽ cũng vì nó giúp cho người đọc một phần nào đấy biết được bối cảnh xã hội của Mỹ ngày xưa, không phải định nghĩa giáo điều, lý thuyết mà thông qua góc nhìn của một đứa trẻ, kể thật, kể đúng.

Nói đi cũng phải nói lại, chính vì đã lớn nhưng lại kể thông qua một đứa trẻ nên có những khúc ta thấy chưa thật hợp lý. Tuy nhiên vẫn quyết định cho 4.5/5 sao sách này và kính mời bạn đọc thử.

11. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Giết Con Chim Nhại

Tác phẩm Giết con chim nhại là một đại dương bao la với biết bao nhiêu đợt sóng sự kiện. Tất cả được xâu chuỗi xuyên suốt bởi lời văn hấp dẫn, cách kể cuốn hút, mang tính móc xích, liên hợp.

Ở đó, ta bắt gặp một người cha tuyệt vời: Luật sư Atticus. Ông không có một bàn tay mềm mại để ôm trọn các con trong yêu thương. Ông không nuôi con bằng những dòng sữa ngọt ngào, những câu nói trìu mến. Nhưng ông là một người cha đúng nghĩa.

Atticus dành cho các con một tình thương bao la thông qua những hành động nhỏ, ông dạy các con phải nhìn mọi người ở phương diện cái thiện dù rằng ai cũng có những mặt tốt và cái xấu. Khi cậu con trai bị hụt hẫng vì bất công mà cậu thấy ở tòa án, thì ông đã dạy cậu rằng khi một người da trắng làm điều xấu xa với một người da đen thì bất kể anh ta là ai, xuất thân trong một gia đình thế nào thì người da trắng nó vẫn là thứ rác rưởi.

Không có sự ngọt ngào, chỉ có sự nhẹ nhàng tinh tế, những bài học đời thường nhưng Atticus đã làm tôi rưng rưng. Tôi thấy được tình cảm lớn lao của một đấng sinh thành, một cách giáo dục hiệu quả. Giáo dục con cái chẳng cần đòn roi chỉ cần sự khéo léo, răn đe như thế, các bậc cha mẹ đã bón thứ phân tốt nhất cho các con, những mầm cây bé bỏng cần được chăm chút mỗi ngày.

Xoay quanh câu chuyện về gia đình Finch, ta còn đớn đau và căm phẫn trước sự bất công. Quan tòa, những kẻ cầm cân nảy mực, toà án, nơi thực thi công lý nhưng không hề công bằng. Nơi đáng lẽ là dành cho cái thiện thì cái ác vẫn tồn tại và có sức sống mãnh liệt, đè bẹp cái thiện. Dù luật sư Atticus đã đưa ra các bằng chứng để chứng tỏ chàng trai da đen Tom Robinson là vô tội nhưng anh vẫn bị kết tội như thường. Sự phân biệt chủng tộc tàn nhẫn biết chừng nào “Trong toà án của chúng ta, khi lời khai của một người da trắng chống lại lời khai của một người da đen. Người da trắng luôn luôn thắng. Họ xấu xa nhưng sự đời nó thế”.

Tất cả các câu chuyện được kể qua con mắt của một cô bé tiểu học nên càng chân thật. Tuy còn nhỏ nhưng các em phải sống trong một không gian đang ô nhiễm vì những xấu xa.

Con chim nhại là hình ảnh chỉ được nhắc đến duy nhất một lần trong tác phẩm nhưng lại là hình ảnh ẩn dụ có giá trị. Nó tượng trưng cho những người vô tội nhưng bị vùi dập, giết hại giống như anh Tom Robinson chân thật, tốt bụng nhưng bị vu oan hãm hiếp một cô gái da trắng để rồi bị bắt giam, bị bắn chết. Boo Radley vì một lầm lỗi mà bị cha nhốt trong nhà, sống khép kín và bị ghê sợ.

Tác phẩm kết lại nhưng vẫn còn dư âm mạnh mẽ trong lòng người đọc bởi sự thành công trong ý nghĩa chuyển tải cũng như hình thức của một tác phẩm tự sự có qui mô lớn.

12. NGÂN review sách Giết Con Chim Nhại

Mình đang tham gia một thử thách đọc sách mà trong đó có mục “Một cuốn sách từngnhận được giải thường Pulitzer”, đại loại là thế. Và mình chọn cuốn “Giết con chim nhại” để hoàn thành mục thử thách này.Đây là một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới mang tầm vóc thời đại và đậm tính nhân văn, một “bài ca ấm áp về tình đồng loại”, cũng là tác phẩm duy nhất trong cuộc đời nhà văn Harper Lee (từng được cho là như vậy, bây giờ người ta nói là còn có thêm cuốn gì ấy nhưng mà mình vẫn muốn nghĩ đây là tác phẩm duy nhất cơ). Giết con chim nhại được xuất bản năm 1960 và nhận được giải thường Pulitzer năm 1961.

Nội dung: Scout sống cùng bố Atticus- một luật sư và anh trai Jem ở Alabama – một tiểu bang vẫn còn có sự phân biệt chủng tộc nặng nề vào những năm 1930, và bạn biết phân biệt chủng tộc là như thế nào rồi đấy, những người da màu bịcoi như là “lũ mọi đen”, bị khinh rẻ và đối xử tàn tệ. Một ngày nọ,Tom Robinson – một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp Mayella Ewell– một cô gái da trắng .Mặc dù không có bằng chứng nào ngoài lời khai của M.E và bố cô ta nhưng bởi sự phân biệt chủng tộc nặng nề nên T.R đã mặc nhiên có tội trong mắt những-người-tự-coi-mình-là-văn-minh-nhưng-thực-chất-chỉ-là-lũ-phân-biệt-chủng-tộc-đáng-ghét. Bố Atticusđược chỉ định làm luật sư bào chữa cho Tom và ngay lập tức, ông và gia đình bị xa lánh. Ông đã khéo léo chỉ ra những bằng chứng xác đáng chứng minh T.R vô tội nhưng T.R vẫn bịcho là có tội bởi một bồi thẩm đoàn mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc. Cảm thấy quá bất công, T.R chạy trốn và bị bắn 17 phát đạn.

Đây là một tác phẩm lớn viết về đề tàinạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Xuyên suốt câu chuyện là nhưng bài học giá trị (thường là được Atticus nói ra), trong đó mình ấn tượng nhất là câu nói:

“Bố muốn con thấy lòng can đảm là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông có khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù cho có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng nhưng đôi khi con vẫn thắng”

Mình cũng thích nhân vật này nhất truyện bởi ông giống như một hình mẫu hoàn hảo về lòng chính trực, thông thái, nhân ái và cam đảm.

III. Trích dẫn sách Giết Con Chim Nhại

Trích dẫn sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Những trích dẫn hay nhất trong Giết Con Chim Nhại

… Scout, con sẽ sinh hoạt thoải mái hơn nhiều với đủ loại người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó… – Bố Atticus

Có những loại người… họ quá bận lo về thế giới bên kia đến độ không hề biết cách sống trong thế giới này, cháu có thể nhìn xuống phố là thấy những kết quả đó… – Cô Maudie

… Con có thể nghe một số lời đồn xấu về vụ này ở trường, nhưng nếu được thì hãy làm cho bố một điều: con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi… đây là một việc tốt,… Đơn giản bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng. – Bố Atticus

Jack! Khi trẻ con hỏi chú điều gì hãy trả lời nó, vì thiện chí. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối… Ngôn ngữ bậy bạ là một chặng đường mà mọi trẻ con đều đi qua, và với thời gian nó sẽ chết, khi bọn trẻ biết ra rằng chúng không thể thu hút sự chú ý bằng cái thứ ngôn ngữ đó… – Bố Atticus

… Cứ bắn mọi con giẻ xanh mà con muốn, nếu con có thể bắn trúng, nhưng hãy nhớ giết một con chim nhại là tội lỗi. – Bố Atticus

Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi. – Cô Maudie

Thiện xạ là món quà của Chúa, một tài năng… ô, cháu phải thực hành để hoàn thiện nó, nhưng bắn súng khác với chơi đàn dương cầm hoặc cái gì giống vậy. Cô nghĩ có lẽ ông đã đặt súng xuống khi ông nhận ra Chúa đã cho ông một lợi thế thiếu công bằng so với hầu hết các sinh vật khác… Con người có đầu óc sáng suốt thì không bao giờ tự hào về tài năng của mình. – Cô Maudie

… Họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ. Nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người. – Bố Atticus

Bố cố hết sức để yêu thương mọi người… Đôi khi bố cảm thấy khó khăn… không hề là sự xúc phạm khi mình bị người ta gọi là thứ gì đó mà họ nghĩ là một cái tên xấu. Nó chỉ cho con thấy người đó tội nghiệp làm sao, nó không làm tổn thương con… – Bố Atticus

Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng, dù có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng, nhưng đôi khi con cũng thắng. Bà Dubose đã thắng, tất cả bốn mươi sáu ký của bà. Theo quan điểm của bà, bà đã chết mà không mắc nợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Bà là người can đảm nhất bố từng biết. – Bố Atticus

Không cần thiết phải nói mọi điều mình biết… người ta không thích có ai đó xung quanh biết nhiều hơn họ. Nó làm cho họ bực thêm. Cô sẽ không làm thay đổi được bất kỳ ai trong số họ bằng cách nói đúng, tự họ phải cảm thấy muốn học hỏi, và khi họ không muốn học thì cô chẳng thể làm gì ngoài việc im miệng hoặc nói bằng thứ ngôn ngữ của họ. – Bà Calpurnia.

Dù gì thì đám đông hung hãn cũng bao gồm những con người đơn lẻ… Cần 1 đứa bé tám tuổi để làm họ tỉnh lại…Điều đó chứng minh điều gì đó – rằng một đàn thú hoang vẫn có thể bị ngăn lại được, đơn giản bởi họ vẫn là con người. Hừm, có lẽ chúng ta cần 1 lực lượng cảnh sát toàn trẻ em… – Bố Atticus

Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, trong khi đối chất lại hỏi một nhân chứng một câu hỏi mà bạn không biết trước câu trả lời, đó là một nguyên tắc… Làm vậy, thường bạn sẽ nhận được một câu trả lời mà bạn không muốn, một câu trả lời có thể làm hỏng vụ kiện của bạn. – Scout

Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi. – Bố Atticus

Bạn không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn xem xét mọi thứ theo quan điểm của anh ta – cho đến khi bạn chạm vào làn da của anh ta và đi vòng quanh trong đó. – Atticus Finch

Cho đến khi tôi sợ mình sẽ đánh mất nó, tôi chưa bao giờ thích đọc. Một người không thích thở. – Scout Finch

Tôi muốn các bạn xem can đảm thực sự là gì, thay vì nghĩ rằng lòng can đảm là một người đàn ông cầm súng trên tay. Đó là khi bạn biết mình bị liếm trước khi bắt đầu, nhưng dù sao thì bạn cũng bắt đầu và nhìn thấu nó cho dù thế nào đi nữa. – Atticus Finch

Atticus nói rằng bạn có thể chọn bạn bè của mình nhưng bạn không thể chọn gia đình của mình, họ vẫn là họ hàng của bạn cho dù bạn có thừa nhận họ hay không, và điều đó khiến bạn trông thật ngớ ngẩn khi không làm vậy. – Jem Finch

Khi một đứa trẻ hỏi bạn điều gì đó, hãy trả lời nó, vì lòng tốt. Nhưng đừng sản xuất nó. Trẻ em là trẻ em, nhưng chúng có thể phát hiện ra hành vi trốn tránh nhanh hơn người lớn và việc trốn tránh chỉ đơn giản là làm chúng bối rối. – Atticus Finch

Chỉ có một số loại đàn ông bận rộn lo lắng về thế giới tiếp theo mà họ chưa bao giờ học cách sống trong thế giới này, và bạn có thể nhìn xuống đường và xem kết quả. – Cô Maudie

Tòa án của chúng tôi có lỗi của họ, cũng như bất kỳ thể chế nào của con người, nhưng ở đất nước này, tòa án của chúng tôi là những người bình đẳng tuyệt vời, và trong tòa án của chúng tôi, tất cả mọi người đều bình đẳng. – Atticus Finch

Đó là những lúc như thế này khi tôi nghĩ rằng cha tôi, người ghét súng và chưa từng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào, là người dũng cảm nhất từng sống. – Scout Finch

Bạn có thể nghe thấy một số lời nói xấu xa về nó ở trường , nhưng hãy làm cho tôi một điều nếu bạn muốn: bạn chỉ cần ngẩng cao đầu và giữ những nắm đấm đó xuống. Cho dù ai đó nói gì với bạn, bạn cũng đừng để họ bắt con dê của bạn. Cố gắng chiến đấu với cái đầu của bạn để thay đổi. – Atticus Finch

Những người có suy nghĩ đúng đắn không bao giờ tự hào về tài năng của mình. – Cô Maudie

Một lần Atticus nói rằng bạn chưa bao giờ thực sự biết một người đàn ông nào cho đến khi bạn đứng trong đôi giày của anh ấy và đi vòng quanh chúng. – Scout Finch

Đơn giản vì chúng ta đã bị lấp liếm cả trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu, không có lý do gì để chúng ta không cố gắng giành chiến thắng. – Atticus Finch

Nếu chỉ có một loại người, tại sao họ không thể hòa hợp với nhau? Nếu tất cả đều giống nhau, tại sao họ lại coi thường nhau? Scout, tôi nghĩ rằng tôi đang bắt đầu hiểu điều gì đó. Tôi nghĩ rằng tôi bắt đầu hiểu tại sao Boo Radley lại im lặng trong nhà suốt thời gian qua… đó là vì anh ấy muốn để ở bên trong. – Jem Finch

Họ chắc chắn có quyền nghĩ điều đó và họ có quyền hoàn toàn tôn trọng ý kiến ​​của họ… nhưng trước khi tôi có thể sống với những người khác, tôi phải sống với chính mình. Một điều không tuân theo quy tắc đa số là lương tâm của mỗi người. – Atticus Finch

Nhưng có một cách ở đất nước này, trong đó tất cả đàn ông được tạo ra bình đẳng – có một thể chế của con người khiến một kẻ khốn nạn ngang hàng với Rockefeller, kẻ ngu ngốc ngang hàng với Einstein, và kẻ ngu dốt ngang bằng với bất kỳ hiệu trưởng trường đại học nào. . Định chế đó, thưa quý vị, là một tòa án. Đó có thể là Tòa án tối cao của Hoa Kỳ hoặc tòa án J.P. khiêm tốn nhất trong đất, hoặc tòa án danh dự này mà bạn phục vụ. – Atticus Finch

Maycomb là một thị trấn cổ, nhưng nó là một thị trấn cổ mệt mỏi khi tôi lần đầu tiên biết đến nó. Trong thời tiết mưa, đường phố chuyển sang màu đỏ sậm… bằng cách nào đó trời lại nóng hơn… những con la xương xẩu trên xe Hoover thả ruồi bay trong bóng râm oi ả của những cây sồi sống trên quảng trường. – Harper Lee

Những người hàng xóm mang thức ăn đến với cái chết và hoa với bệnh tật và những thứ nhỏ ở giữa. Boo là hàng xóm của chúng tôi. Anh ấy đã cho chúng tôi hai con búp bê xà phòng, một chiếc đồng hồ và dây chuyền bị hỏng, một cặp xu chúc may mắn và cuộc sống của chúng tôi. Nhưng những người hàng xóm đã đáp lại. Chúng tôi không bao giờ đặt lại vào cây những gì chúng tôi đã lấy ra từ nó: Chúng tôi không cho anh ta gì cả, và điều đó làm tôi buồn. – Scout Finch

Anh tắt đèn và đi vào phòng của Jem. Anh ấy sẽ ở đó cả đêm, và anh ấy sẽ ở đó khi Jem thức dậy vào buổi sáng. – Scout Finch

Những chú chim nhại không làm một việc ngoài việc tạo ra âm nhạc để chúng ta thưởng thức… mà hãy hát hết lòng vì chúng ta. Đó là lý do tại sao giết một con chim nhại là một tội lỗi. – Cô Maudie

Cách tốt nhất để làm sạch không khí là để tất cả ra ngoài trời. – Atticus Finch

Lần này chúng tôi không chiến đấu với quân Yankees, chúng tôi chiến đấu với bạn bè của chúng tôi. Nhưng hãy nhớ điều này, cho dù mọi thứ có cay đắng đến đâu, họ vẫn là bạn của chúng ta, và đây vẫn là nhà của chúng ta. – Atticus Finch

Bạn có tự hào về bản thân tối nay rằng bạn đã xúc phạm một người hoàn toàn xa lạ mà bạn không biết gì về hoàn cảnh không? – Atticus Finch

Mọi người thường nhìn thấy những gì họ tìm kiếm và nghe những gì họ lắng nghe. – Thẩm phán Taylor

Đến lúc đó anh ấy không cần phải nói với tôi. Cũng như những con chim biết đi đâu khi trời mưa, tôi biết khi có rắc rối trên đường phố của chúng tôi. – Scout Finch

Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.

Khóc về sự bất hạnh do người này gây ra cho người kia… mà không hề suy nghĩ.

Khóc về điều bất hạnh do người da trắng gây ra cho người da màu, mà không hề dừng lại để nghĩ rằng người da màu cũng là con người.

Trích đoạn sách Giết Con Chim Nhại

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 1

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 2

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 3

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 4

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 5

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 6

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 7

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 8

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 9

Trích đoạn chương 1 sách Giết Con Chim Nhại 10

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Giết Con Chim Nhại – Harper Lee. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Hàng Xóm - Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm – Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm, câu chuyện đi theo lời kể của một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và có ý thích viết văn. Anh chàng yêu vợ theo cách của mình, khen ngợi sùng bái người yêu cũng theo cách của mình, nhưng nhìn cuộc đời theo cách sống của những người hàng xóm. Sống trong tình yêu của vợ đầy mùi thơm và nhiều vị ngọt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *