Thể Loại | Văn học – Tiểu thuyết |
Tác Giả | Vũ Trọng Phụng |
NXB | NXB Văn Học |
CTy Phát Hành | Minh Thắng |
Số Trang | 304 |
Ngày Xuất Bản | 2019 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Trúng Số Độc Đắc
Trúng Số Độc Đắc là tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng. Khác với lối viết tiểu thuyết trước, cứ đến ngày báo ra mới viết một chương, đưa in xong hết mới mới thành sách, Trúng Số Độc Đắc được Vũ Trọng Phụng viết một mạch đến khi hoàn thành, tự tay đi đóng thành quyển rồi mới đưa cho nhà xuất bản.
Tiểu thuyết “Trúng số độc đắc” là tác phẩm lớn của Vũ Trọng Phụng cũng như của cả nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với nghệ thuật trần thuật đặc sắc đầy khả năng biến hoá, với ngôn ngữ và giọng điệu hài hước, trào phúng, ông đã dựng lên hàng loạt nhân vật “đồ vật hoá”, nhân vật “kịch”, nhân vật trào phúng, chân dung biếm họa có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Với cuốn tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng lên án thế gian và người đời nghiêm khác, thế nhưng giọng kể chuyện, tả cảnh, tả tình cứ hồn nhiên, vui vẻ và có dịp là không quên hài hước.
Vũ Trọng Phụng mượn nhân vật Phúc để kể về nhân tình thế thái, về thói đời, lòng người đổi trắng thay đen. Và cả chính Phúc, được dịp may đổi đời, rồi có cơ hội chứng kiến, hiểu và cười lòng người, cũng không tránh khỏi việc bản thân thay đổi theo hoàn cảnh, thời thế.
Viết “Trúng Số Độc Đắc”, Vũ Trọng Phụng đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, phân tích, mô tả những thay đổi trong đời và trong lòng của chỉ một nhân vật, nhất là trong lòng. Điều rất đáng chú ý là hơn ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết, không trang nào là không có Phúc. Các nhân vật khác mà có mặt là chỉ để đối thoại với Phúc hay là để làm nền cho cái vai trò của Phúc nổi lên mà thôi. Tìm đâu thấy một cuốn tiểu thuyết dài mà chỉ tập trung vào tả có một nhân vật như thế. Mà nào có tả ngoại hình gì đâu? Về hình dong của Phúc, người đọc chỉ được biết đó là “cậu áo trắng dài”, theo cái tên mà mấy đứa trẻ cầu bơ cầu bất cùng đóng trụ sở với cậu ở Vườn hoa Nhà Kèn đã đặt ra để gọi cậu đó thôi. Nhưng mà trong một năm trời Phúc đã học gì, nghĩ gì, yêu gì, ghét gì, suy luận gì về việc đời, dự định làm gì, tính toán lợi hại ra sao, quyết định hành động như thế nào, Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc trông thấy theo dõi cụ thể, tường tận và sinh động vô cùng.
Thông tin nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏ và Giông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.
Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách “tả chân” và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì “tội tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm xuất bản vì là “tác phẩm suy đồi” tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và cả nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý nhiều.
Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả.
Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
II. Review sách Trúng Số Độc Đắc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Trúng Số Độc Đắc của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Trúng Số Độc Đắc
Có ai thích được trúng số độc đắc không????
Tôi và chắc hẳn rất nhiều người nữa đều từng có lần mong ước mình được trúng số độc đắc. Ai cũng mong muốn mình sẽ giàu và con đường làm giàu nhanh nhất chính là trúng số. Mình sẽ vạch ra bao nhiêu chuyện cần làm, bao nhiêu điều tốt mình sẽ thực hiện. Nhưng mấy ai đạt được sự hạnh phúc kia rồi mà làm được như những gì mình từng suy nghĩ? Điều đó sẽ được ông vua phóng sự đất Bắc dựng qua bi kịch của một con người đã thắng cuộc trong cái vận may, rủi của trò xổ số.
Cuốn sách Trúng số độc đắc đã kể về một tình huống rất đời với những tình tiết sống động và chân thật vô cùng: Một chàng trai đạo đức, ấp ủ những điều tốt đẹp thì khi phất lên quá nhanh cũng trở thành một kẻ tư bản xấu. Trước đây, Phúc cho rằng tiền bạc là chuyện bẩn thỉu, anh khinh bỉ thứ tiền anh cho là dơ bẩn. Không chạy theo đồng tiền nên mất việc mà Phúc cũng chẳng buồn tìm việc mới. Ngày ngày anh ăn hai bữa cơm rau và thảnh thơi đọc sách ở vườn hoa để trau dồi tri thức dù phải chịu sự dè bĩu, cười khinh của người thân. Giờ đây, khi lên đời, Phúc cậy tiền của mà láo xược với đời, giai gái, hút xách, tàn nhẫn, kiêu ngạo, tệ bạc, nham hiểm… Anh biến đổi hoàn toàn. Phúc tha hoá đến nỗi chửi cha, mắng mẹ, khinh bỉ anh trai, coi thường cô vợ, khinh khỉnh những người bạn. Trước đây, khi túi chẳng có tiền, anh mong mỏi có thể giúp cho người nghèo. Tấm lòng anh sáng trong, không vụ lợi. Vậy mà, khi túi đã rủng rỉnh tiền, anh quên mất những điều tốt đẹp anh ấp ủ. Phúc tàn nhẫn mua lại nhà của người trong cơn khốn cùng khi cò kè với giá rất hời, quyên góp tiền anh cũng nghĩ đủ mọi phương kế để sao cho mình không chịu thiệt. Dường như anh đã biến thành một con người khác. Lớp vỏ bên ngoài thay đổi, bản chất cũng mục ruỗng theo.
Tác phẩm là cả một bức tranh xã hội rộng lớn bị băng hoại đạo đức. Đồng tiền là vua, nó ngồi trên ngai vàng cai trị lương tâm con người. Nó là vị thần vạn năng làm con người khuất phục, e sợ. Đồng tiền khiến cha mẹ quỵ luỵ, khúm núm trước con cái, hơi đồng khiến hai cha nhìn nhau hầm hầm như hai con ác thú trước miếng mồi, đồng tiền khiến những kẻ từng khinh bỉ Phúc ra mặt giờ đây tâng bốc anh lên mây với bộ mặt giả dối đáng sợ. Anh trở thành ông trời quyền uy. Khi anh trầm tư mặc tưởng, tất cả mọi người trong buổi cơm đều không dám hó hé gì “chỉ mời mọc nhau rất khẽ, bật ho cũng không dám ho to, hắt hơi cũng tạm đứng lên chạy ra xa”. Người anh trai từng khinh Phúc ra mặt cũng xử nhũn, tâng bốc anh lên tận mây xanh. Vì anh giàu mà anh làm những việc càn rỡ như có nhân tình mà vợ anh, cha mẹ và em gái anh đều không chỉ trích gì “Có tiền, thì ra làm bậy cũng được khen hay”. Tất cả những bộ mặt lố bịch, giả tạo, kệch cỡm ấy, Phúc đều thấy rõ nên anh càng khinh khỉnh.
Vũ Trọng Phụng đã thành công rực rỡ khi xây dựng cả một xã hội vì tiền. Không kể giai cấp, độ tuổi, giới tính, ai ai cũng bị mãnh lực của đồng tiền chi phối. Con người trở thành con rối cho đồng tiền giựt giây.
Chất văn mỉa mai, châm chiếm sây cay của nhà văn đã làm ta phải trăn trở bao điều. Nếu được trúng số độc đắc như Phúc thì ta có thật sự hạnh phúc hay không? Có nên trúng số hay không? Có nên lao đầu vào trò chơi đen đỏ mà cái đen quá lớn, lấn át cái đỏ?
Biết đâu, nếu giàu lên như nhân vật chính, ta cũng sẽ bị mọt tiền gặm nhấm lương tâm. Ta cũng sẽ ngày đêm bị dày vò bởi nỗi lo sợ đủ chuyện. Thôi thì lao động để tạo ra của cải vẫn là niềm hạnh phúc vững bền nhất.
2. QUANG review sách Trúng Số Độc Đắc
“Trúng Số Độc Đắc – Vũ Trọng Phụng” – Cuốn đầu tiên của năm 2019.
Với một thằng hiện tại đang thất nghiệp và vật lộn với việc không dư dả về tài chính như mình, cuốn sách này chính là một quyển “Đắc nhân tâm” về tiền.
“Tiền nhiều để làm gì?” Một câu nói viral suốt một thời gian trên mạng xã hội dấy lên sau vụ Vũ – Thảo, cũng chính là câu hỏi ám ảnh với anh Phúc trong “Trúng số độc đắc” sau khi anh may mắn nhận được cục tiền trên trời rơi xuống.
Ai mình không biết nhưng mình đã từng có chung suy nghĩ với anh Phúc rằng: trong cái hoàn cảnh “thanh bần” này, nghèo túi tiền nhưng thích thiền trong tâm tưởng, sinh ra suy nghĩ dù là thất nghiệp nhưng cứ thích bài vật chất mà nâng cao quan điểm về tinh thần. Lên mạng thấy ai xoen xoét về tiền, cách làm giàu thì không mấy thiện cảm dù lúc đó nghèo chết mẹ, xong tự thẩm du tinh thần theo kiểu “tiền nhiều làm gì! Chết cũng có ôm theo được đâu”. Rồi bắt đầu mộng tưởng ta sẽ sống thư thái mà không phải lo nghĩ về vật chất, ta sẽ đi làm thiện nguyện tích đức cho đời, ta sẽ nhân rộng suy nghĩ ” thanh bần” giống như anh Phúc trong truyện.
Mỡ ở đó mà húp chứ ở đó mà thiện với chả nguyện! Đói thì giúp được ai!
Và như anh Phúc trong truyện đã từng ngây thơ như vậy chỉ đến khi tiền rơi bốp vào mặt anh để anh phải thốt lên một câu bất hủ cho cái giống cứ phải đắn đo nên làm gì khi quá nhiều tiền “Xưa kia tôi đạo đức vì chưa đủ tiền để hư”. Đó, khi nhảy từ thái cực âm lên thái cực dương nó ngông cuồng, tha hoá vậy đó. Ai chống nổi thì hoá vĩ nhân, ai không chống nổi thì thành…đại gia.
Tiền – một thứ tồn tại song hành cùng với sự hiện diện của loài người, giống như nạn mãi dâm như cụ Phụng có nói trong sách, xã hội không thể vận hành trơn tru nếu thiếu nó. Tiền có thể làm ta lên đỉnh được mà, giống quá còn gì nữa. Lên xong thì phải xìu, xìu rồi lên, chu kỳ lặp đi lặp lại nhiều thì hoá…trơ. Đúng vậy, tiền không những làm anh Phúc thay đổi tư tưởng, triết lý sống mà nó làm chai sạn luôn cả một con người đã từng sống rất tình cảm, biến một kẻ thi vị thành một gã trọc phú mà anh đã từng rất oán khi anh chưa phất. Anh trơ với nhỏ điếm mà anh hay “chim”, anh trơ với cả nhỏ crush của ảnh mà anh thèm ao ước, anh trơ với cả lề thói gia đình cóc thèm coi bố mẹ ra quần què gì luôn. Và cuối cùng, anh trơ với đời sống hưởng thụ, đến hưởng thụ anh cũng thấy không có gì vui thì lúc đó câu ” tiền nhiều làm gì” lại quay về ám anh như con ma thèm khát được thoát luân hồi.
Tiền – là dấu gạch nối mỏng như cây tăm giữa anh và Tấn bạn thân anh. Tấn là mentor tư vấn tài chính cũng như homie hút cần chung. Phúc khi chưa phất chính là màu trắng điểm chấm đen trong hình âm dương thì Tấn chính là màu còn lại. Để rồi khi nhân vật thứ ba tên “tiền” xuất hiện, hai anh đổi màu, màu đổi, mạng đổi. Nói chung, sao đổi ngôi, gió đổi chiều. Tấn là Phúc của ngày hôm qua, nhưng cũng không còn cứu nổi Phúc của ngày hôm nay.
Phúc có tiền thì tấn, Tấn có tiền thì có phúc, nhưng Tấn và Phúc lại mất nhau cũng vì tiền.
Favorite quote:
- “Khôn cho người ta đoái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương thì người ta ghét”
- “Phúc không biết rằng sự giàu có đã khiến anh hỗn xược với đời, và một khi sự đời đối với anh cái gì cũng không quá khó khăn nữa, thì tất nhiên anh nếm chính cái hạnh phúc hẳn hoi mà cũng cứ là thực bất tri kỳ vị”
3. HUAN HA review sách Trúng Số Độc Đắc
Có lẽ không quá đáng khi tôn xưng Vũ Trọng Phụng là Molière của Việt Nam, hoặc cũng có lẽ do ảnh hưởng của Molière mà chúng ta mới có được một cây viết trào phúng xuất sắc như Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam.
Trúng Số Độc Đắc kể về Phúc, một “cậu áo trắng dài”, một anh thất nghiệp ngày ngày ra vườn hoa đọc sách nhằm “tu thân sửa chí” để trở thành một “hiền nhân quân tử ở đời”. Vốn coi trọng nhân nghĩa, bác ái, coi khinh đồng tiền, một ngày anh chợt nhận ra rằng “không có tiền thì không làm gì được”. Không chỉ bị vợ sỉ vả đủ thứ, bố mẹ coi khinh, đi xin việc thì bị lão chủ Tây ném đơn xuống đất, đến cả khi muốn giúp người thì cũng lực bất tòng tâm. Do đó, anh cam đoan sẽ quyết chí làm giàu và dùng đồng tiền để làm điều tốt đẹp. Thế nhưng đời thay đổi thì lòng người cũng đổi. Anh trúng số độc đắc mười vạn thì bố mẹ anh cũng phải sợ anh, lão chủ Tây cũng phải xum xoe cúi nịnh. Nhưng trúng số mười vạn thì anh cũng lao mình vào con đường tư bản, xem xét lại những tư tưởng của mình thuở còn kiết xác và rút ra những bài học mới đắt giá hơn, vị kỉ hơn, đến mức có thể nhại theo Thánh hiền mà đúc rút ra bài học “Vi nhân bất phú”. Anh thay đổi, anh biết mình thay đổi đến mức tự nói rằng “xưa kia tôi đạo đức là vì chưa có đủ tiền để hư”…
Dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng, sự thay đổi về tính cách, tư tưởng và cuộc sống của Phúc được mô tả vô cùng sống động. Không chỉ mô tả chi tiết những suy nghĩ và diễn biến tâm trạng của Phúc, tác giả còn đưa vào câu chuyện những nhân vật tương phản, nào là cụ phán cha của Phúc đê tiện đến cùng cực, cả đời sợ Tây dẫn đến nịnh Tây, sợ cả con của mình; rồi mẹ Phúc ác khẩu với con, khinh bạc chồng đến thế là cùng; cô vợ thì ác mó, chua ngoa và khi mới bốc lên giàu có thì kệch cỡm không để đâu cho hết… không phải ai cũng có tên, nhưng ai cũng có vai trò của riêng mình, làm nổi bật lên cái lố lăng của sự đời và góp phần thúc đẩy diễn biến tâm trạng của Phúc trở nên rõ rệt và sống động.
Cái tài của tác giả không chỉ dừng ở đó. Ông còn có thể bình luận về những sự việc ngược đời một cách rất buồn cười mà tự nhiên như không: cụ phán mặc cả xe kéo “theo lối đa số các cụ thượng lưu nhân vật, nhất định không chịu thua phu xe một đồng xu”. “Thấy ông phán không dám lấy dăm hào giúp người anh họ nghèo khổ phải chờ hỏi vợ đã, thì Phúc “rất lấy làm phục cho cái tinh thần nữ quyền ở gia đình”. Bà vợ thì “vẫn biết cái quyền của vị hiền phụ chính danh là không bao giờ lại chịu để cho chồng cãi lại bất cứ điều gì”. Khi bình luận về thói nói xấu sau lưng người khác, ông lại mượn lời nhân vật để mà rằng “Nói xấu đó chẳng cái mục đích của loài người đó sao? Nhất là lại đối với kẻ nào hơn mình, thì nếu không nói xấu sau lưng, còn cách gì cho hả lòng ghen tức nữa”. Rồi sau đó, ông lại để Tấn bàn tiếp về thói hợm của và sự dị dạng của xã hội một cách nhẹ nhàng “Giàu hay nghèo cũng đều bị ghét, điều ấy là cố nhiên. Duy chỉ có cái đáng để ý là mình giàu dầu có bị ghét, mình cũng chỉ bị nói xấu sau lưng thôi. Còn nghèo thì bị khinh ra mặt.”
Rất nhiều những triết lí và thói đời ngược ngạo trong truyện của Vũ Trọng Phụng vẫn còn nguyên cho đến ngày hôm nay. Sau gần ngót nghét một thế kỷ, trải qua bao nhiêu lần chiến tranh và thời cuộc đổi thay, từ nô lệ sang tự do, từ bị đô hộ sang dân chủ, từ tư bản sang cộng sản, xã hội chúng ta dường như vẫn còn y đó những tấn bi hài kịch mà tác giả khắc hoạ: vẫn những kẻ mới nổi giàu lên không biết làm sao để cư xử như người giàu, vẫn những con “cua trong giỏ” suốt ngày chỉ biết níu chân nhau, chịu đựng đẻ kẻ trên đạp đầu mình và dồn hết căm tức đạp đầu kẻ dứơi, vẫn những tư bản “không hề ngờ ngợ” cho rằng những giá trị tư tưởng tốt đẹp mình hằng tôn thời khi còn nghèo giờ đã trở nên “không hợp thời” và ngu ngốc đến tột độ, rằng “Chẳng phải luân lý hay đạo đức vẫn cầm cân nảy mực cho đời, đó chỉ là kiếm tiền giữ quyền thống trị và an bài mọi điều nhân nghĩa, đạo đức, trên cõi thế gian, tự cổ chí kim…” Bài Thế tục phú của Trần Văn Nghĩa mà Phúc tức cảnh sinh tình ngâm lên, ngẫm lại tới bây giờ vẫn đúng nguyên như thế:
“Khi đắt thế thì đất nặn nên bụt, nghe hơi khá thì xa xăm chen gót tới, đến ngỡ đàn ruồi!
Nhỡ sa cơ thì rồng cũng như giun, xem chiều hèn thì thênh thênh vẫy tay ra, nhạt như nước ốc!
Chẳng biết ăn cây nào rào cây ấy, thấy bở thì đào. Chẳng biết được lòng ta xót lòng người, cứ mềm thì đục.
Khó giữa chợ nào ai thèm hỏi? Chẳng mua thì bán giận cũng thờ ơ. Giàu trên non lắm kẻ đi tìm, không ép dầu nài thương mà sạo sục…”
4. ANH MINH review sách Trúng Số Độc Đắc
Đúng là văn học phê phán hiện thực. Viết thực lắm. Lý luận, đấu tranh nội tâm, đấu tranh nhân vật dữ dội.
Đọc truyện phần đầu mà nhột, mình cũng hội tụ gần đủ Nguyễn Văn Phúc lúc chưa trúng số độc đắc. Hay là mình đi mua vé số nhỉ?
À mà cũng nên tính xem nếu trúng số thì mình nên thay đổi như thế nào cho trường lộc nhỉ… mua nhà, doanh nghiệp, có đào, nhì ko nhỉ…?
5. VU QUAN review sách Trúng Số Độc Đắc
Không phải Số Đỏ, Làm Đĩ hay Vỡ Đê mà Trúng số độc đắc mới là đỉnh cao trong sáng tạo văn chương của Vũ Trọng Phụng. Cùng với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng là thiên tài trong nền văn chương hiện thực Việt Nam thế kỷ 20. Như nhà triết học người Đức Kant đã viết, thiên tài là người sáng tạo và mở ra điều bí mật trong quá trình sáng tao của hắn mà chính hắn không biết hắn đang làm điều đó.
Một bức tranh đầy đủ và sinh động nhất của cuộc sống nơi phố thị ở Việt Nam thuộc địa nửa đầu thế kỷ 20 được phác họa dưới ngòi bút và phân tích của Vũ Trọng Phụng với tất cả những sự tinh tế và tài hoa của tác giả.
III. Trích dẫn sách Trúng Số Độc Đắc
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Một vài Trích dẫn hay trong Trúng Số Độc Đắc – Vũ Trọng Phụng
- “Mọi sự nhịn nhục và phục tùng số phận đã khiến anh có một tâm hồn thanh bạch của nhà đạo đức và khiếu lý luận của bậc triết nhân hiền giả;”
- “… Anh giác ngộ rằng ở đời này, không tiền thì chẳng làm nổi công việc gì cả, mặc đầu óc ta đầy rẫy những tư tưởng nhân đạo duy tha;”
- “… có lẽ những nhà đạo đức toàn là bất đắc dĩ cả, không có tiền nên chẳng hư thân mất nết được thôi;”
- “Cứ đeo một chiếc nhẫn ấy thôi, thì bà ngồi chỗ tối đến thế nào, thiên hạ cũng phải trông thấy;”
- “Giàu hay nghèo cũng đều bị ghét, điều ấy đã cố nhiên. Duy chỉ có cái đáng để ý mình giàu dầu có bị ghét, mình cũng chỉ bị nói xấu sau lưng thôi. Còn nghèo thì bị khinh ra mặt;”
- “Càng giàu lại càng khổ vì cứ trông thấy những kẻ khác giàu hơn.”
- “Trước sống đạo đức vì chưa đủ giàu để hư”
- “Khôn cho người ta đoái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương thì người ta ghét”
- “Phúc không biết rằng sự giàu có đã khiến anh hỗn xược với đời, và một khi sự đời đối với anh cái gì cũng không quá khó khăn nữa, thì tất nhiên anh nếm chính cái hạnh phúc hẳn hoi mà cũng cứ là thực bất tri kỳ vị”
- “Khi đắt thế thì đất nặn nên bụt, nghe hơi khá thì xa xăm chen gót tới, đến ngỡ đàn ruồi! Nhỡ sa cơ thì rồng cũng như giun, xem chiều hèn thì thênh thênh vẫy tay ra, nhạt như nước ốc! Chẳng biết ăn cây nào rào cây ấy, thấy bở thì đào. Chẳng biết được lòng ta xót lòng người, cứ mềm thì đục. Khó giữa chợ nào ai thèm hỏi? Chẳng mua thì bán giận cũng thờ ơ. Giàu trên non lắm kẻ đi tìm, không ép dầu nài thương mà sạo sục…”
Trích đoạn Chương 1 – Trúng Số Độc Đắc
Trừ những ngày mưa không kể, sáng nào cũng vậy, cứ đúng chín giờ là anh Phúc đã ngồi trên một cái ghế xi măng trước nhà Kèn, trong vườn hoa Paul Beri.
Đã tám tháng nay nhàn cư như vậy cho nên từ người phu lục lộ quét vườn hoa cho đến mấy đứa sống cầu bơ cầu bất bằng đủ các nghề như trèo me, trèo sấu, câu cá, bắt tổ chim, có khi ăn cắp, giật khăn nữa: nói tóm lại là bọn ma cà bông vẫn lấy nhà Kèn làm khách sạn, đối với anh Phúc, đều đã trở nên ít nhiều thân thuộc. Hễ anh cứ ngồi vừa nóng ghế được năm phút, thì người phu gát đến chỗ chân anh. Mà lần nào cũng vậy, hễ anh co chân lên để tránh những hòn sỏi nhỏ do cái chổi tre hắt bắn lung tung, thì người phu cũng thản nhiên khẽ chào anh: “Cậu chơi!” để cho Phúc vui vẻ đáp: “Không dám! Ấy kìa bác…”. Độ nửa giờ sau, người phu ấy lại quay lại với Phúc, giơ cái điếu thuốc lào quấn bằng lá chuối mà bác ta vẫn gài mang tai khiến Phúc phải gập sách lại, ngừng đọc. Anh ta bèn lôi ngay ở túi áo ra bao diêm và gói thuốc lào. Bao giờ Phúc cũng để người phu hút trước, mình sau. Bao giờ người phu cũng để cho Phúc cái hân hạnh mời mình cả diêm lẫn thuốc, và sự ấy, Phúc coi là một thứ thuế đánh chỗ ngồi của chàng, không phải đóng thẳng cho Nhà nước nhưng đóng cho một người thay mặt Nhà nước vậy. Sau cuộc thù tạc nhỏ mọn ấy, Phúc lại đọc sách, người phu lại vác chổi ra đi.
Còn bọn ma cà bông, giao thiệp với anh ta thì khác. Chúng gọi anh là “cậu áo trắng dài” chỉ vì cái lẽ rất dễ hiểu là xưa nay chúng không thấy Phúc vận gì khác ngoài cái áo trắng dài.
Thoạt đầu, chúng cũng ngạc nhiên không hiểu sao trong đời lại có người vô công rỗi nghề đến bậc ngày nào cũng ra ngồi vườn hoa như thế, nhưng khi thấy Phúc bao giờ cũng đọc sách, chúng bèn đoán hẳn đó là một người học trò sửa soạn đi thi. Đối với bọn ấy, Phúc rất dè dặt. Có đứa đã đến ngồi cạnh chân anh ta, và sau khi hỏi chuyện mà không được đáp lời đằm thắm, đã ngồi ra nghịch những hòn cuộn dưới chân anh hàng nửa giờ mà chưa đi cho. Lại có đứa đã từng có lần moi trong một cái tay nải ra những quả me xanh hoặc sấu chín nó có thể làm cho Phúc nhớ lại cái thời học trò thơ ấu nữa, nhưng Phúc đã trả tiền, sợ ăn không thì thành ra thân mật quá, và thân mật với cái hạng hay văng tục ghê gớm, hay chửi ỏm tỏi, là rất nguy hiểm. Những khi bị bọn quỉ sứ ấy hỏi chuyện, Phúc chỉ đáp thế nào cho phải phép, cho khỏi là đáng ghét mà thôi. Tuy vậy, anh ta cũng đã nhớ tên và hiểu rõ cả tâm tính từng đứa một: thằng Bí Sến Vườn hay đánh chửi nhưng thẳng và tốt, thằng Tẹo mắt híp miệng nói leo lẻo nhưng mà gian, thằng Bôn Tây Lai có cả những tánh xấu của hai thằng kia, nghĩa là vừa hay bắt nạt vừa ăn gian, thằng Sáu Vẩu mềm nắn rắn buông, khôn ngoan đủ khoé, vân, vân…
Những lúc ngừng đọc sách, Phúc tình cờ được quan sát một phần tử kỳ lạ của cái xã hội mà bất cứ ai, nếu không thừa thời giờ như anh ta thì không tài nào được biết lấy mảy may.
Đối lại, bọn kia coi Phúc là một cái đồng hồ. Bởi lẽ chúng dậy trưa như những ông hoàng, nên khi phải đánh thức nhau, chúng đá vào mạng mỡ của nhau mà la: “Tiên sư mày, có dậy không, “cậu áo trắng dài” đã đến rồi kia kìa! Hoặc là: chính thế, “Cậu áo trắng dài” vừa về xong, đã bốn giờ chiều sao được”. Sự đắc dụng ấy chẳng đủ cho Phúc lấy làm vinh, điều ấy, đã cố nhiên. Nhưng mà, vốn có óc một nhà triết lý, anh ta vẫn cố lý luận thế nào để lường mình là không khổ. Nói cho đúng ra hiện đời anh ta đương trải qua một giặng đường luẩn quẩn không vinh hiển nghĩa là lúc ấy, mọi sự nhịn nhục và phục tùng số phận đã khiến anh có một tâm hồn thanh bạch của nhà đạo đức và khiếu lý luận của bậc triết nhân hiền giả; nói tóm lại, nghĩa là những điều kiện đầy đủ để hun đúc anh ta trở nên một kẻ lẩn thẩn vả gàn dở, đến bậc cái người chép truyện này đối với các quý độc giả, chỉ vì nói tới cái giặng đường ấy, mà cũng hóa ra lảm nhảm, ba hoa, chẳng đâu vào đâu.
Trước khi hóa ra lẩn thẩn, Phúc cũng đã có đi học, có đi làm, có lấy vợ như trăm nghìn người khác, chớ nào có kém gì ai? Tại sao anh ta mất việc? Anh ta không để ý, chỉ nhún vai, thản nhiên đáp: “Nó đểu, nó xoay tiền”. Tại sao ngót một năm nay, anh ta chưa có việc? Anh ta lại so vai: “Thời buổi khó khăn!” Tại sao ngày nào anh cũng ra ngồi ở vườn hoa Paul Bert rất đúng giờ, và rất nhiều giờ? Đến điều này Phúc không đáp gì cả, lờ như không nghe tiếng. Anh ta sợ rằng nếu trả lời minh bạch, ắt sẽ bị kết tội là khoe khoang. Và anh muốn tức khắc hỏi vặn lại cái kẻ vừa hỏi anh đại khái rằng: “Tại sao tội gì tôi lại không ngày ngày ra ngồi vườn hoa, nếu tôi đủ tư cách hưởng cái thú ấy?”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Anh Phúc rất ghét hai tiếng “thất nghiệp”, cho dẫu là “trí thức thất nghiệp”! Khi những bạn hữu của anh – số ấy cũng hiếm – phàn nàn cho anh, thì anh khẽ đáp ra ý không bằng lòng: “Cái đó có hề gì!” Anh ta cho rằng hạnh phúc ở đời chẳng ở chỗ kiếm ra tiền cũng như chẳng phải vì có chức nghiệp, nhưng là học hành và tu thân sửa chí thế nào cho mỗi ngày một giỏi thêm và đạo đức thêm. Đã bao lâu nay, anh không kiếm ra tiền… Những cái đó có hề gì, nếu anh không cần phải nuôi bố mẹ, và trái lại còn được bố mẹ nuôi? Ông cụ Phán mỗi tháng có số lương hưu năm chục, bà cụ Phán buôn sơn cũng khá phát tài, nếu sau này chia gia tài cho anh Phúc, anh cũng sẽ dự một phần tư vào cái nhà phố Hàng Gai, vợ anh phải vừa trông hàng vừa lo công việc nội trợ của người nàng dâu út, như vậy hai vợ chồng anh cũng chả có gì đáng gọi là ăn hại bố mẹ, và anh dẫu có ăn hại đi nữa, thì cũng chẳng ăn hại gì mấy tý. Anh không kiếm được việc làm là phải lắm, bởi cái lẽ rất dễ hiểu rằng, nhờ được cha mẹ có của ăn của để như thế, anh có một địa vị hiếm có của những người muốn tìm một cái nghĩa lý cao thượng cho sự sống còn.
Chứ gì? Thời buổi khó khăn này, trong khi cả bàn dân thiên hạ lầm than tranh nhau miếng sống một cách tàn nhẫn như thế, thiết nghĩ anh cũng nên vượt khỏi sự tầm thường của đời bằng cách đứng lánh hẳn cho rõ xa ra ngoài cái vòng tục lụy, cái đám đông người xô đẩy nhau, vì miếng ăn. Cho nên anh thường đáp những ai hỏi anh sao không kiếm việc gì mà làm đại khái rằng: “Thôi, nhờ giời mình ngồi không cũng đủ ăn, thì cũng nên để công việc cho người khác làm”. Anh rất không bằng lòng rằng thiên hạ lại ô trọc đến bậc hoài nghi tấm lòng thành thực của anh trong câu nói ấy, và đã chê anh là gàn dở hoặc nói đểu hơn nữa, nghĩa là ra ý cười rằng: “Cái thằng ấy không làm gì được thì nói phét như thế cho nó vui tai” … “Honni soit qui mal y pense!…” anh bĩu mồm cay đắng, thầm nhắc câu cách ngôn phương Tây. Chính trong những lúc bực mình như thế là anh lại tự thấy rất đáng kiêu ngạo với đời. Thì ra loài người, cái loài người khốn nạn, cái loài người dã man, mặc dù đã tồn tại cho đến thế kỷ thứ hai mươi, mặc dù đã bày vẽ ra thiên hình vạn trạng của vật chất để mệnh danh những cái ấy một cách điêu trá là tiến bộ và văn minh, thì chẳng qua cũng vẫn còn giữ nguyên cái bản tính của kẻ ăn lông ở lỗ đời xưa, nghĩa là vẫn chỉ biết, xưa kia tranh miếng mồi ngày nay tranh nhau tiền, thế thôi. Cái văn minh tinh thần, cái gì là bác ái, là vị tha, là đạo đức, là nhân nghĩa, thì không những họ chẳng khuyến khích thì thôi, lại còn bài bác kịch liệt là khác nữa.
Nhưng không! Anh Phúc nhất quyết chẳng để cho dư luận ấy, một thứ dư luận ấu trĩ và khả dĩ đánh đổ được. Dẫu sao đi nữa, anh cũng phải làm một người khác hẳn mọi người. Dẫu sao đi nữa, anh cũng tin vững rằng một kẻ quyết tu thân sửa chí để lên được địa vị một bậc hiền nhân quân tử ở đời thì rồi ít ra cũng phải được thiên hạ kính trọng như một tay thầy lang “vua thuốc lậu”.
Do cái nhân sinh quan ấy, anh Phúc đã trở nên một người không ai có thể chịu được, kể từ bố, mẹ, vợ, cho đến họ hàng và bạn hữu của anh. Vì những tội gì? Vì từ sau khi mất cái việc thư ký nhà buôn, anh không chịu mầy mò tìm việc làm nào khác nữa, chỉ đi sạo sục mượn sách của những người thân thuộc rồi ngày ngày ra ngồi đọc sáu giờ liền ở vườn hoa Paul Bert. Dẫu rằng anh ta không hề làm gì tốn tiền của cha mẹ: ăn thì ngày hai bữa cơm rau, mặc thì cái áo trắng dài, đôi giầy ta cũ, cái mũ trắng cũ. Không ai tha thứ được cho anh một cuộc đợi thời đại đến như thế và đã vội vàng tuyên bố rằng anh Phúc như thế là “đời bỏ đi”. Đối lại, cứ vững như quả núi Thái Sơn, Phúc cố im lặng để tỏ vẻ khinh bỉ.
Và tìm sự an ủi, cái quên, cùng là cái lý tưởng đời người ở trong những sách cổ điển.
Hôm nay, ngồi xuống ghế, anh sung sướng vì trời mát, nhất là mùa thu vừa về được vài ngày, với những đoạn gió hiu hắt của nó, đã gieo xuống mặt đất những mảnh lá vàng, và gieo vào lòng người một chút lòng thơ. Anh đưa mắt nhìn chung một lượt, dẫu rằng nhà Bưu Điện, phủ Thống Sứ, bức tượng nhà triết học Renan, nhà ngân hàng Đông Dương, sở Kho bạc, tòa Đốc lý, tượng ông Paul Bert, và xa xa. mặt nước lấp lánh những sóng bạc gợn lăn tăn của hồ Hoàn Kiếm, những cái ấy vì nhìn đã quen mắt quá, nên chẳng khiến anh có một chút cảm tưởng gì nữa. Cũng đôi khi những luống hoa bọc trong những bồn cỏ tóc tiên mà người ta thay đổi giồng mùa nào thức ấy, làm cho anh phải triết lý vẩn vơ một chút, nhưng đã tuần lễ nay, vườn hoa bị để trơ trụi, và cảnh vật cũng không có gì lạ nữa. Thỉnh thoảng, chung quanh anh, vèo đưa mấy chiếc lá bàng.
— Cậu chơi!
— Không dám, ấy kìa bác!
Anh co chân lên, những ngọn chổi tre. Và khác hẳn mọi ngày, lần này người phu lục lộ, khi lôi xuống cái điếu lá chuối vẫn gài trên tai, lại đưa luôn cả bao diêm và gói thuốc lào mời mọc nữa. Phúc cũng hơi ngạc nhiên vội nói:
— Ấy, tôi đã có diêm thuốc đây.
Người phu gãi đầu gãi tai như trong cửa quan, mà rằng:
— Thì cậu cứ chiếu cố cho cháu một mồi nào.
— Vâng, cảm ơn bác lắm.
Sau khi hút thuốc, người phu nhăn nhó đôi hàm răng cải mả hỏi Phúc một cách thân mật:
— Cậu thư nhàn sung sướng lắm nhỉ?
Đó là lần đầu Phúc thấy có kẻ ngợi khen mình; Bao nhiêu nỗi uất ức vì bị hiểu nhầm và khinh bỉ bấy nay chỉ vì một lời khen suông ấy, mà hầu như tiêu tán hết. Phúc ta thấy người phu lục lộ ấy quả thật là một tay tri kỷ độc nhất vô nhị của mình, tuy anh ta không ngỏ lời cảm ơn. Và đáp:
— Có gì đâu mà sướng với khổ!
— Con dám chắc rằng được như cậu là ít có lắm, vì phải giầu mới thế được. Vả lại “vạn sự bất như nhàn” cổ nhân đã có câu…
Phúc ngạc nhiên thêm chút nữa ở chỗ người phu ấy xưng con, và nói năng được như thế, ắt cũng phải có chút ít chữ nho. Người phu nói thêm:
— Con xem cậu đứng đắn tột bực! Phải chi như ai, thì ra đây chỉ vì việc giai gái mà thôi. Vậy mà cậu, con thấy cả ngày chỉ đọc sách, lại vừa nhằm lúc các cô vú đầm dắt trẻ con tây ra đây chơi thì cậu đã cắp sách về. Thật người có một. Thế cậu sắp đi thi có phải không? Sao giầu có như cậu lại ăn mặc nhũn nhặn như cậu được, thế thì đứng đắn thật!
Phúc mỉm cười:
— Tôi cũng may đủ bát ăn thôi, gì được là giầu có.
— Ừ, ừ cậu cứ nói. Giấu giầu chứ ai giấu nghèo. Trông tướng cậu, con biết.
— Sao
— Cái tai của cậu ấy à? Cái mũi của cậu ấy à? Cậu mà không có bạc vạn trong tay thì cậu cứ chém cổ con đi.
Phúc cả cười:
— Nếu tôi không có bạc vạn trong tay mà lại còn chém cổ bác nữa thì lấy đâu ra tiền chạy chọt cho khỏi tử hình.
Đáp xong, anh nhìn xuống trang sách vừa bắt đầu đọc, ý muốn tỏ cho người phu hiểu rằng mình không muốn mất thì giờ chuyện lăng nhăng nữa. Anh ta lại bắt đầu khinh bỉ nốt người phu, cho câu nói kia là có ý mỉa mai.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!