Thể Loại | Văn học – Tiểu thuyết |
Tác Giả | Vũ Trọng Phụng |
NXB | NXB Văn Học |
CTy Phát Hành | Trí Việt |
Số Trang | 162 |
Ngày Xuất Bản | 2018 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Dứt Tình
Dứt Tình (còn có tên khác là Bởi Không Duyên Kiếp) là cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo năm 1934. Với tiểu thuyết này, Vũ Trọng Phụng được khen là “ngòi bút tả chân thực đã khéo léo”.”Dứt tình” là cuốn tiểu thuyết mang tư tưởng định mệnh siêu hình.
Tác phẩm gồm 11 chương, nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh mối quan hệ tình cảm của một người phụ nữ tên Tiết Hằng với ba người đàn ông: Đào Quân, Việt Anh và Huỳnh Đức.
Tiết Hằng đại diện cho hình tượng người phụ nữ ở xã hội phong kiến vì sợ người đời phỉ báng và để làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo, cô đã thuận theo lời bố mẹ lấy Đào Quân làm chồng. Cuộc đời đầy sóng gió của Tiết Hằng lúc xuất giá cũng chẳng dễ dàng khi Việt Anh và Đào Quân vẫn là bạn thân.
“Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch.
Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gio tàn khói lạnh, và hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!”
Tựa đề “Dứt Tình” cũng đã nói lên tất cả, đó là quyết định cuối cùng từ bỏ người mình yêu, chấp nhận buông xuôi vì những định kiến của xã hội.
TriVietBooks phát hành cuốn Dứt tình để cho độc giả thấy được “ngòi bút tả chân” khéo léo của nhà văn Vũ Trọng Phụng ngay từ những ngày đầu.
Thông tin nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏ và Giông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.
Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách “tả chân” và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì “tội tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm xuất bản vì là “tác phẩm suy đồi” tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và cả nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý nhiều.
Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả.
Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
II. Review sách Dứt Tình
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Dứt Tình của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. QUỲNH ANH review sách Dứt Tình
Dứt tình – Tiết Hằng cuối cùng đã chọn chấm dứt mối tình sâu đậm với Việt Anh, dẫu ít nhiều trong lòng nàng vẫn còn nhem nhóm ngọn lửa tình với Anh. Hằng đã trải qua một đời chồng, trở thành goá phụ và có thể danh chính ngôn thuận đến với tình nhân của mình-là Việt Anh. Nhưng không, bộ mặt thật của hắn sớm bị Hằng vạch trần và một lần nữa, nàng quyết định lên xe hoa với Huỳnh Đức, với mong muốn y cứu vớt cuộc đời mình để rồi sau cùng nàng phải sống phần đời còn lại với người mình không yêu.
Cá nhân tôi thấy, những người đàn ông như Việt Anh, miệng thì hô hào sống vì đam mê, ước mơ, lý tưởng; mỉa mai giá trị đồng tiền nhưng tất cả chỉ cốt che giấu sự thua kém của bản thân với xã hội, kể cả với Hằng-người con gái hắn yêu. Lời nói đường mật và tính cách phong lưu đào hoa của y có thể khiến biết bao cô gái say đắm, kể cả một goá phụ như Hằng. Hắn có trái tim của mọi cô gái nhưng không có lấy một sự nghiệp vững chãi cho bản thân mình. Người như Việt Anh, trong xã hội này, không thiếu. Cần lắm những người như Huỳnh Đức, một lòng một dạ thuỷ chung lại có đủ khả năng lo cho gia đình một cuộc sống đầy đủ, ấm no. Tôi cảm thấy mừng vì Hằng chọn Đức, vì tôi tin rằng Đức sẽ mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho Hằng, dẫu Hằng có yêu chồng mình hay không.
Trong cuộc sống này, biết bao phụ nữ nhắm mắt theo người đàn ông mình yêu với một quan niệm: một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Than ôi! Ái tình còn là chi nếu hằng ngày phải vật lộn với cơm áo gạo tiền, với những khoản tiền to nhỏ khác nhau? Ái tình sẽ là lý tưởng nếu như đôi bên đều có sự nghiệp vững chắc, thu nhập ổn định thì lúc đó mới có đủ tâm trí xây dựng một gia đình hạnh phúc. Xét đến thực tại, đó chắc hẳn cũng là lý do vì sao phụ nữ luôn chọn những người đàn ông có “kinh tế” để làm chồng, làm người yêu và các ông cũng khoan vội đánh giá phụ nữ là thực dụng, vật chất. Các ông nên dành một vài phút suy nghĩ rằng liệu mình có khả năng lo cho cô ấy chưa, liệu mình có xứng đáng chưa đã?
2. KEN LÊ review sách Dứt Tình
Đây là một cuốn truyện rất kịch tính, càng đọc càng thấy hấp dẫn nhưng cái thu hút tâm trí con người của một dòng tiểu thuyết lại đứt quãng khi về cuối. Mình không thích nhân vật chính cho lắm – Tiết Hằng. Mặc dầu thật ra cũng đáng thương cho kiếp tình duyên của một người phụ nụ nhưng cái ý nghĩ làm người yêu của Việt Anh mà Hằng vẫn chẳng bỏ được.
Cuộc đời con người chúng ta phải nên thay đổi để mà thích nghi rồi tiếp nhận. Dù đáng trách nhưng dù sao cuối cùng cái lẽ đời cũng thấu được vào tâm can của nàng để mà tận hưởng phần cuối đời trong vui vẻ và hạnh phúc. Nói tiếp đến Huỳnh Đức- chồng thứ 2 của Tiết Hằng, anh là một người khá là chung tình, yêu thương hết mực vợ và là một người biết vì hạnh phúc của người khác mà hy sinh đi chính tình yêu của mình.
Và Việt Anh- mình rất ghét tên này, mặc dù hắn cũng là một người có lương tâm đấy nhưng cái chữ “chung tinh” “yêu một người ” đã bị con người này hiểu sai. Cái tình yêu đó không phải là yêu thương mà là sự chiếm đoạt, sự cố chấp. Yêu nhưng không yêu, yêu là mong cho người mình yêu hạnh phúc, yêu là muốn người mình thương được vui vẻ. Đằng này cái sự tình trong con người này lại chỉ khiến cho người anh yêu rơi vào đau, ân hận, sự sâu lắng tận cùng của khổ đau cùng cực.
3. MINH KHUÊ review sách Dứt Tình
Không biết sao mọi người lại không thích cuốn này chứ cá nhân mình thấy đây thật sự là một tuyệt tác. Chất châm biếm chua cay của Vũ Trọng Phụng có đủ mà cách tả tình của ông cũng thực là tuyệt diệu vô cùng. Yêu hết mình và cũng hận thực, đoạn tình thực với các nhân vật trong “Dứt Tình”. Lòng yêu của từng người được hoạ nên sao mà rõ nét, sao mà sâu cay.
Chỉ tiếc một điều là giá như nhân vật Yvonne và tình cảm của nàng dành cho Việt Anh được đề cập đến nhiều hơn nữa thì chắc tam giác tình yêu (hay là hình vuông nếu tính cả Huỳnh Đức?) của truyện sẽ càng hiển hiện. Dù sao đi chăng nữa thì “Dứt Tình” xứng đáng được lược vào trong danh sách những cuốn truyện viết về tình yêu hay nhất của văn học Việt, những cuốn sách hay nhất của Vũ Trọng Phụng.
4. THẢO ĐIỀN review sách Dứt Tình
Đây là tiểu thuyết đầu tay của Vũ Trọng Phụng, và dĩ nhiên tác phẩm nổi tiếng nhất của bác là Số Đỏ. Tiểu thuyết này không được trào phúng và châm biếm sâu cay như tác phẩm kinh điển trên, nhưng vẫn cho chúng ta thấy được một mảnh đời và một góc nhìn của con người ở cái thời Pháp thuộc ấy.
Chỉ qua tên tiểu thuyết, thì ta cũng đã hiểu đại ý của câu chuyện rồi, một chuyện tình buồn dai dẳng, và phải kết thúc bằng một quyết định dứt khoát. Chẳng biết sao, các bác hồi ấy thích viết những chuyện tình buồn nhỉ, hay tại vì, những chuyện buồn, làm người khác dễ cảm thông và lưu tâm hơn chăng.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
5. BRIE VO review sách Dứt Tình
Dễ thường những lời trích dẫn triết lý sâu sắc là cái thu hút người ta đầu tiên, để người ta tò mò muốn đọc một tác phẩm văn học. Chẳng hạn như triết lý về cái lò sưởi và cuộc sống con người, mà đến mị đọc xong cũng không thuộc được câu đấy, nhưng dù sao vẫn thấy nó hay và đáng được đưa vào phần giới thiệu.
Hằng – một cô gái con nhà giàu, được cả hai chàng trai theo đuổi, một anh giỏi giang có chí và một anh giàu có tính hợm. Anh nào cũng yêu cô cả, nhưng cha mẹ cô lại chỉ ưng anh giàu mà thôi. Thật ra người già họ cũng chỉ lo cho con cái. Những tưởng Hằng lấy chồng, an phận làm một phu nhân xinh đẹp, một người đảm trách là xong, nhưng đời chẳng dễ dàng như vậy khi tình cũ và chồng mình vẫn là bạn thân.
Đào Quân, người chồng đầu tiên của Hằng có đất diễn rất ít trong truyện. Ai không biết đọc đoạn đầu lại tưởng Hằng sung sướng, sung sướng vì Quân yêu Hằng từ thưở trẻ trung, sung sướng vì đôi bên được song thân chúc phúc, sung sướng vì lại tiếp tục cuộc đời nhung lụa. Nhưng không, có lẽ vì đời Quân có được người mình yêu dễ quá, nên Quân lại cũng quen thói trăng hoa, mỗi tuần một cô nhân tình, Hằng còn chẳng muốn mệt lòng ghen. Nhẽ thường thôi, vì ở những năm 30 ấy, người ta còn bảo nhau là “chồng mà quý vợ như quý nhân tình cũng là cái phúc.” Ngườivợ chung chăn gối, đủ danh nghĩa cũng chẳng so được với cô gái nào đó xa xôi.
Ấy thế mà Hằng còn khổ hơn. Khổ vì người yêu Việt Anh của mình vẫn đến nhà mình, mượn tiền chồng mình, dùng ánh mắt mãnh liệt ấy nhìn mình. Khổ vì chưa từng được một ngày làm nhân tình của Anh, nhưng lại là cô gái đã phản bội mối tình ngây thơ ấy.
Nói về Việt Anh – thực sự mình không muốn nói nhiều. Theo ý mình thì Việt Anh mới là nhân vật chính xuyên suốt toàn câu chuyện, chứ không phải Hằng. Nhân vật Hằng rất nhất quán từ đầu đến cuối: cô một lòng yêu Việt Anh nhưng quyết không bất hiếu với cha mẹ. Cô có suy nghĩ rất rõ ràng về tình cảm và bổn phận. Yêu và thường xuyên tiếp xúc với Anh nhưng Hằng chẳng bao giờ để sa chân lỡ bước. Nhưng nhân vật Việt Anh thì lại khác, mỗi chương lại bóc ra một hình ảnh mới về Việt Anh, khiến ta lại băn khoăn thực ra Việt Anh này là người như thế nào? Một kẻ si tình? Một nhà báo cách mạng? Một người yêu công lý? Một tên cứng đầu thất bại? Việt Anh xứng hay không xứng với cái tình yêu bền bỉ, trung trinh và trong sạch mà Hằng mãi dành cho anh, khi anh còn bị đeo cái danh cố ý giết người?
Nếu chỉ có Đào Quân, ta sẽ mãi không bao giờ có thể nhận định được, nhưng ta lại có Huỳnh Đức. Huỳnh Đức là người đàn ông đã có một đời vợ, nhưng giờ anh yêu Hằng. Anh ưng Hằng, chẳng chê gì quá khứ của cô, mà nhà lại có mấy nghiệp đoàn, cha cô ưng lắm. Đáng ra lấy Việt Anh, thế rồi đùng một cái sang chương sau đã thấy Hằng là vợ Đức. Đặt Đức cạnh Quân, cạnh Anh, tự nhiên thấy sao mà chênh lệch quá. Đức cũng giàu có nhưng không trăng hoa và kém chí như Đào Quân, anh lại không khúc mắc cái sĩ diện giàu nghèo như Việt Anh. Điều duy nhất làm anh muộn phiền là tình cảm Hằng dành cho mình.
Ái tình mông lung ở chỗ đấy. Ai cũng có một đoạn quá khứ. Nó làm ta đoán già đoán non, mất ăn mất ngủ nhưng lại vẫn giả vờ vui vẻ. Chẳng có nhẽ Đức tốt với Hằng như thế mà Hằng lại không yêu Đức?
Cái này tác giả lại không nói. Vũ Trọng Phụng chỉ là một người quan sát. Ông ghi chép lại cuộc nói chuyện của các nhân vật, nhưng lại “quên” cho nhận xét của mình vào. Thế nên, cuối cùng, ở cái lựa chọn dứt tình của Hằng, ta vẫn băn khoăn chẳng hiểu thế có được gọi là tình yêu không? Liệu rồi Hằng có hạnh phúc ở lần này không, hay lại lênh đênh bất định? Cuối cùng thì đời Hằng có như cái lò sưởi không thì tác giả không nói, nhưng thầm mong rằng khi sang trang, có lẽ Hằng sẽ có cảm nhận khác về cuộc đời mình. Ít ra, đóng cửa sổ cũng là quyết định đúng đắn.
Thật ra cách giải quyết trong truyện này rất cổ điển. Có lẽ yêu không phải tất cả, nhưng ông cha ta dạy sống còn có thương, có nghĩa, thì mọi thứ đều gói gọn trong câu chuyện này. Truyện có 11 chương thôi, đọc cũng nhanh và văn cũng cuốn hút. Đúng là lâu lâu nên đọc tí văn chương kinh điển để bồi bổ tâm hồn, trau dồi ngôn ngữ. Các cô ạ, theo tôi thấy thì bỏ ra ba mươi phút, một tiếng cho cuốn truyện này cũng chẳng phí gì đâu. Nhẽ có thể các cô sẽ thấy truyện cũng chẳng ý nghĩa gì lắm, nhưng biết đâu lại là khoảnh khắc thư giãn tốt đẹp
III. Trích dẫn sách Dứt Tình – Vũ Trọng Phụng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Một số Trích dẫn sách Dứt Tình
“Thưa bà,
Tôi vốn không quen thuộc bà nên chúng ta cùng có cái hạnh phúc không là kẻ thù của nhau. Song tôi yêu quý bà, muốn giúp bà một việc. Người mà cùng bà sắp trăm năm kết nghĩa, đã có một cử chỉ đáng ngờ. Người ấy có lẽ đã gây nên cái chết của ông Quân cũng nên. Nếu ngờ thơ này thì bà thử nghĩ đến cái địa vị giàu sang của bà rồi xét cái ái tình kia xem giả hay thật. Tôi không yêu nhưng cũng chẳng ghét gì ông Việt Anh. Ông ta chỉ là một người đáng thương. Vậy có mấy dòng chữ này làm ơn cho bà. Trong cuộc hôn nhân không nên mắc lừa, bà ạ.
Một người đàn bà có mặt lúc xảy ra tai nạn.
Xin miễn ký tên.”
———
“Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch.
Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gió tàn khói lạnh, và hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!”
———
“Tôi đã là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý”.
“Hiện giờ tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi: Sống để làm gì?”
———
“Cho nên cái lòng tự kiêu của nàng – lòng tự kiêu của một người đàn bà – hầu như bị thương nặng. Hằng không thể cho phép rằng bất cứ là người nàng yêu dấu đến bậc nào, lại có thể đem ái tình ra dùng làm một vật bài trí được những sự vô lương tâm. Sự trong sạch của ý nghĩ nàng, cái ngây thơ của cả mảnh hồn nàng bắt nàng không bao giờ được nghỉ thiên lệch.
Hãi hùng run sợ, nàng thâu trong óc những trường hợp có thể khiến Việt Anh là đáng nghi, Việt Anh, người nàng yêu, Việt Anh, vị hôn phu của nàng!”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn chương 1 – Dứt Tình
Ánh trời tà đã hết nhuộm vàng bãi bể. Bên trên dãy núi tím, vàng, xanh, xám mấy màu pha lộn nhau như nét bay miết dài của nhà họa sĩ, mây lồng thành hình vạn vật, cỏ cây. Giữa khoảng vô cùng, đó là một đàn voi… dần dần dồn nhau lên một cái cánh phượng, rồi, sau hết, lại bị gió dãi ra tản mạn thành chỗ này thì eo bể, vịnh, bán đảo, chỗ kia, cù lao, sông, núi – một bức địa đồ!
Bức tranh vân cẩu tuy lạ mắt nhưng không để cho người có đủ thời giờ ngắm nghía, cứ thay đổi hoài, vì từ phía bể, gió đã bắt đầu rít lên. Thoạt đầu, chân trời chỉ thấy chấm đen. Mới một lúc đã không biết bao nhiêu là mây đen ở đâu kéo về, nhanh chóng lạ thường, hình như ở bể đùn lên nặng nề bao phủ, đè ép cả mặt đất. Bể, mới lúc nãy còn lăn tăn sóng gợn, vô nghĩa lý như cô gái buồn tiu nghỉu thì bây giờ có bộ mặt của một bà mẹ chồng hành nàng dâu. Những làn sóng rờn nhau, đuổi nhau vào bờ, làm lùi cả bãi cát, làm những tảng đá như khóc lướt mướt.
Phía kia, tây phương, dãy Núi Đèo, mất mặt trời, mất cả những áng mây lồng, đã hiện nguyên hình đá đen, cỏ xác, hết khoe khoang.
Đám người đương nô đùa dưới nước mặn hoặc đương ung dung dạo chơi trên cát, lúc đó cũng tất tả rủ nhau ra về.
Một vài hạt mưa ném xuống lác đác… vài cơn gió, thế là cả vòm trời là một thác nước dữ dội.
Đồ Sơn giữa mùa hạ, và buổi bão rớt này đã hóa vắng vẻ chẳng khác gì ở cảnh chiều đông.
- Đấy nhé tôi đã biết mà! Nếu tắm hôm nay thì có phải khổ chạy mưa không? Ngồi nhà nghỉ ngơi trò chuyện với nhau thế này vẫn hơn chứ…
Tiết Hằng nói xong lim dim mắt nhìn Yvonne mỉm cười một cách đắc chí, đoạn ngửa cổ kề đầu vào thành chiếc ghế mây.
Hấp tấp Yvonne thêm:
- Phải lắm, chị ạ. Có phải ở nhà ngồi nói chuyện hơn là đi tắm không, me nhỉ?
Đương ngửa cổ uống bia, “me” bỗng cau mặt, đặt mạnh cốc xuống bàn…
- Đồ hỗn láo! Sao mày dám gọi bà ấy là chị? Hở! Ai cho phép mày thế? Bà ấy ngang hàng với tao, nghĩa là với mẹ mày, biết không?
Tức khắc Tiết Hằng ngồi ngay ngắn lên, nghiêm trang trách:
- Ồ ồ! Sao lại thế, bà Năm? Vẫn hay là tôi được cái hân hạnh ngang hàng với bà, nhưng bà bốn mươi mà tôi mới hai nhăm, tôi kém bà những mười lăm tuổi! Tôi chả thích được ngang hàng với bà vì tôi chỉ hơn Yvonne có sáu năm. Tôi mong bà để Yvonne và tôi, coi nhau như chị em, hạng trẻ trung với nhau, chúng tôi phải tự do mới được!
Rồi nàng quay lại, ái ngại nhìn Yvonne, lúc đó mặt cúi gằm. Bà Năm không đáp, lại điềm nhiên tu nốt cốc bia khiến Hằng cứ ngồi chờ, tay gõ cái quạt xuống bàn và đủ thời giờ nhìn bà ta một cách tinh quái.
Đó là một người đàn bà to béo, có tướng đàn ông. Phấn không xóa nhòa những đường răn reo ở mặt. Sáp đáng lẽ phải tăng vẻ tươi cho cặp môi, lại chỉ khiến nó thêm có vẻ khôi hài. Đã thế, lúc nào cũng kèm bên mình một cái ví da nho nhỏ, một cái dù Nhật sặc sỡ và xinh xinh. Những cái tô điểm lặt vặt bé nhỏ đó khiến bà Năm đã to nhớn lại đẫy đà thêm độ mười phần. Trông đến bà rồi so sánh những đồ… phụ tòng, thiên hạ phải tưởng tượng đến một con voi đeo nhạc của miu con!
Mẹ thế nhưng con khác hẳn. Yvonne có trong huyết quản ba phần máu Pháp và bảy phần máu Việt Nam, bộ mặt xinh đẹp một cách ngây thơ; cử chỉ ngôn ngữ rất ôn tồn. Không hỗng hợm, không “đầm” một tí nào cả. Trong nàng, tạo hóa đã dung nạp cái đẹp phương Tây với cái đẹp phương Đông để kết nên cái đẹp hoàn mỹ. Mũi nàng là mũi dọc dừa, không tẹt, cũng không nhọn. Tóc màu hạt dẻ và cặp mắt phơn phớt xanh lúc sáng sớm, đen đen lúc chiều.
Khi bà Năm đẻ Yvonne được vài tháng thì ông chồng, đại tá De. S, phải về nước cầm quân. Chết trận, đại tá cũng đã để lại cho vợ con ở đây một chục nóc nhà. Sẵn tiền cho thuê nhà, lại thêm được tiền tuất quả rất hậu, bà Năm đã… thủ tiết nuôi con. Mấy phen đem bạc vạn góp vốn vào việc khai mỏ, xuất cảng gạo với Đào Quân chồng Tiết Hằng – bà đã thành giàu lớn. Tháng trước, bà mời vợ chồng Đào Quân lên nghỉ tại biệt thự của bà tại Chapa. Nay, Tiết Hằng cũng dùng cái biệt thự của mình tại Đồ Sơn để trả cái nợ lịch thiệp đó.
Trời mưa bão, nhưng vì hiên rộng, cả bọn vẫn ngồi ở hành lang. Tiết Hằng gặng một lần nữa:
- Thế nào, bà Năm? Bà có ưng cho chúng tôi tự do với nhau không, thưa bà?
Nghĩ hồi lâu bà Năm đáp:
- Bà tuy trẻ nhưng cái trẻ của bà là trẻ của người lớn. Nó cũng trẻ nhưng cái trẻ của nó là cái trẻ của trẻ con. Bà dễ dãi quá thế. Nếu Yvonne nó hư là tại bà, tôi chả biết đâu cả!
Nước đã muốn ngập lụt mặt đường. Những cây thông bị gió lay như tuốt cả về một chiều, hiện thành hình những cái roi tiên cầm ngược. Từ những biệt thự chung quanh đó, thỉnh thoảng lại có chiếc xe hơi mui buông kín mít chui ra, chạy hộc tốc về Hải Phòng, bốn bánh phun tóe nước ra hai bên đường đi.
Tiết Hằng để quạt lên mồm, ngáp và hỏi Yvonne:
- Xem hộ xem mấy giờ rồi?
- Sáu giờ năm.
- Bữa cơm chiều, ta ăn vào 8 giờ tối thì vừa vặn. Sáng sớm tôi đã đánh dây thép cho nhà tôi ở cảng ra cho vui. Có lẽ có cả mấy ông bạn ở Hà Nội xuống nữa.
- Thế thì vui lắm nhỉ? Cô rất thích được giao thiệp với nhiều người An Nam!
- Thích vì…? – Yvonne ngẩn ngơ, lúng túng: – Thích vì…
Hằng cười tinh quái và nói luôn:
- Vì thích?
Yvonne cũng cười khanh khách mà rằng:
- Vì thích? Phải rồi, thế lại gọn. Thích vì thích…
Thốt nhiên bà Năm nhăn mặt, đứng lên:
- Ta vào chứ? Trời mưa thế này mà cứ ngồi mãi đấy làm gì?
- Muốn chừng bà say…
Bà Năm bưng một tay lên trán, lắc đầu:
- Không, tôi có say đâu… Gió lạnh quá, tôi chóng mặt một tí.
Hằng vồn vã:
- Mời bà lên phòng nghỉ tạm, 8 giờ tôi xin đánh thức dậy xơi cơm.
Bà mẹ vào rồi, Yvonne xem ra có phần được dễ chịu hơn: mặt nàng nhẹ nhàng khác trước. Nàng kể hết cho Hằng nghe cái lối giáo dục không có phương pháp của mẹ nàng…
- Năm tôi đã 17, me tôi vẫn không quên đánh tôi như đánh đứa trẻ con. Buổi chiều hôm ấy đi học về, ăn cơm xong tôi toan lên phòng riêng học bài thi thì me tôi bắt tôi quét điện thờ để các bà ấy đồng bóng! Tôi còn ngần ngừ chứ cũng chưa phản đối, thì bà ấy đã vội làm một thôi một hồi thế này này: “A, con này mày cậy mày là Tây, mày gan với bà, không muốn bà cúng vái gì nữa chứ?” Thế là me tôi tiện tay cốc luôn vào trán tôi hàng chục cái, trước mặt một đám đông người! Gớm nghĩ rõ bực quá!
Tiết Hằng cả cười, cho rằng bất cứ vào trường hợp nào cái cười cũng vẫn an ủi được người ta. Yvonne thêm:
- Đến ngay bây giờ, tôi đã có vô số những ông danh giá hẳn hoi định lấy tôi rồi mà me tôi cũng vẫn mắng tôi như mắng một đứa trẻ! Lắm lúc lại thêu dệt ra những là: “Cái quân lai chúng nó bạc. Có đứa cầm búa đánh trả lại mẹ, có đứa đuổi mẹ đi ăn mày, mắt tao trông thấy luôn. Tử tế ôn tồn với chúng bay cũng vô ích!”. Chị bảo phải một người mẹ vô lý áp chế đến thế có tức không? Lắm lúc nghĩ giá tôi tìm cách gì lôi phăng bà ấy về Tây thì hay quá. Khốn nỗi, ở bên này như me tôi đã là giàu, nhưng mà về Pháp thì rồi ăn hết vốn, sẽ chết đói mất!
- Chị xem xét cái xã hội Việt Nam này thấy nó hay dở thế nào?
- Tôi có xem xét bao giờ! Tôi sinh trưởng ở đây, việc gì cũng quen mắt quen tai rồi, làm gì còn có con mắt quan sát của một người ngoại quốc mới đến đây.
- Lúc nãy chị bảo thích được giao thiệp với người Nam?
- Vâng, sự đó đối với một người lai là sự thường. Nghĩ đến đồng bào của bố được thì nghĩ đến đồng bào của mẹ cũng được. Có gì là lạ đâu? Tôi còn thích mặc quần áo ta nữa.
Lững thững Yvonne đến gần Hằng. Hằng ngửa cổ, say đắm nhìn lên, rồi đứng dậy khoác lấy vai Yvonne:
- Hôm nào tốt trời, ta sẽ cùng đi chụp ảnh…
- Thế còn gì bằng! Được chụp ảnh chung với Tiết Hằng là người đàn bà xinh đẹp nhất nước Nam!
- Nỡm, cứ chế nhạo mãi…
Hằng đỏ bừng hai má chữa thẹn, nhưng chưa chi Yvonne đã nghiêm nghị mà rằng:
- Thật đó chị ạ. Tôi chưa thấy người đàn bà nào đẹp như chị đâu. Chị hơn người ở chỗ không phấn sáp bao giờ. Chị không phấn sáp bao giờ mà bất cứ bao giờ, bất cứ ở đâu, chị cũng là người đẹp nhất!
Trong phòng khách, đồng hồ từ từ đánh bảy tiếng. Tiết Hằng kéo Yvonne vào, cả hai vừa chạy vừa nhảy, tung tăng như đôi trẻ ngây thơ. Đoạn Hằng ngồi phịch xuống, gọi:
- Bếp! Bếp!
- Dạ.
- Sắp xong chưa?
- Con đương dọn bàn rồi.
- Đúng như lời tôi dặn anh đấy chứ? Có đến nỗi thiếu món nào không?
- Bẩm… không thiếu món nào cả. Tôm tươi, cua, sò, cá song, cá chim, mực tươi, con đã về cảng mua được hết; mấy món đồ hộp với rượu cũng dư dật cả.
Yvonne nói len vào:
- Nhiều đồ bể quá!
Tiết Hằng cười:
- Ở bể thì phải ăn đồ bể chứ… Tôi chả như Yvonne, mời tôi lên núi mà không thết tôi bằng đồ rừng…
- Chị bảo gì?
- Đồ rừng… nghĩa là thịt những giống vật trên rừng… Sao khi ở Chapa không mời tôi những món thịt nai, thịt vượn, thịt rắn, thịt hổ, vân vân… vân vân?
Cả hai cười khanh khách. Vừa lúc đó, bà Năm cũng lững thững từ phòng rửa mặt đi sang. Bà dừng chân ngắm kỹ gian phòng có cái bài trí nên thơ: những đồ gỗ tối tân, mấy bức tranh vẽ sơn to lồng vào khung kim nhũ, mấy bức tượng và chỗ này mấy cái lọ Nhật, góc kia cái đôn, vừa đưa mắt quan sát vừa gật đầu.
- Bà Hằng hiểu mỹ thuật lắm. Bày sơ sài mà trông đẹp làm sao?
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!