Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng – Nguyên Phong

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Thể Loại Kiến thức bách khoa
Tác Giả Alexandra David-Neel, Nguyên Phong phóng tác
NXB NXB Tổng hợp TP HCM
CTy Phát Hành Trí Việt
Số Trang 260
Ngày Xuất Bản 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng – Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí 

Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David-Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng. Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây.

Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David-Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.

Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David-Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí.

“Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực.” – Lời Alexandra trong tập sách.

Nữ tác giả Alexandra David-Neel đã nỗ lực lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật Tây Tạng dưới con mắt quan sát nhạy bén và kiến thức thu nhặt được trong hành trình của mình. Xuyên suốt tập sách, tác giả đã kể lại những câu chuyện về bí thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, phương pháp tu tập – thiền định của họ và cả những truyền thuyết bà được nghe kể dọc chặng đường.

Dù trước khi lên đường chu du Tây Tạng, Alexandra là một học giả nổi tiếng về Phật giáo nhưng dường như mỗi một câu chuyện về các đạo sĩ hay truyền thống tu tập của họ đều trở nên lạ lẫm đối với bà. Rõ ràng, Tây Tạng, một vùng đất huyền diệu, đã khiến Alexandra không thể lý giải những gì xảy ra theo logic, ngôn ngữ của một người nghiên cứu hay ít nhất là của một người phương Tây.

Với lối trần thuật đậm chất phóng sự du ký, những trang sách của Alexandra không chỉ mở ra cho các độc giả phương Tây đầu thế kỉ 20 cái nhìn rõ nét hơn về Tây Tạng mà còn giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để khảo cứu về năng lực con người. Mặc cho đã trải qua 100 năm kể từ lần đầu xuất bản, cuốn sách vẫn đem đến người đọc sự bất ngờ về Tây Tạng, bởi cho đến tận ngày nay, khi thế giới trở nên rộng mở hơn bao giờ hết thì những câu chuyện huyền bí ấy vẫn cứ mờ ảo như dãy núi Hi Mã Lạp Sơn quanh năm tuyết phủ.

Có thể xem Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng có giá trị tựa cuốn du kí phương Đông danh tiếng của nhà phiêu lưu Marco Polo. Bên cạnh hành trình về huyền thuật Tây Tạng, cuốn sách của Alexandra David-Neel còn là những ghi chép thú vị liên quan đến các sự kiện lịch sử ở nơi này như việc mô tả chuỗi ngày lánh nạn ở Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 hay những cải cách tôn giáo đột phá của vua Sidkeong Namgyal xứ Sikkim.

Những nhân vật gắn liền với cuộc hành trình của Alexandra có người ẩn danh, vô danh nhưng cũng có người quyết định vận mệnh của cả một đất nước rộng lớn. Cũng chính vì vậy, Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng đã tạo nên một cảm hứng mạnh mẽ ở người xem về vùng đất Tây Tạng với bao thăng trầm chứ không đơn thuần chỉ là những truyền thuyết hư ảo được phủ một lớp mầu nhiệm lấp lánh nào đó.

Thông tin tác giả Alexandra David-Neel

Tác giả Alexandra David-Neel

Alexandra David-Neel (tên khai sinh là Louise Eugénie Alexandrine Marie David; 24 tháng 10 năm 1868 – 8 tháng 9 năm 1969) là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng và đến được thủ đô Lhasa. Bà đã dành ra hơn 12 năm nghiên cứu về Phật học tại đây, lúc thì trong những tu viện hẻo lánh, khi thì nhập thất trong một hang động trên đỉnh Tuyết Sơn (Himalaya). Trong những tác phẩm viết về Tây Tạng, sách của bà có một vị trí vô cùng quan trọng và được xem là những tài liệu có giá trị vượt thời gian.

Bà được trao giải Gold Medal of the Geographical Society of France và huân chương Bắc Đẩu Bộ Tinh. Những tác phẩm của bà bao gồm: Magie d’amour et magic noire (tạm dịch Phép thuật về tình ái và tà thuật), Initiations lamaïques (tạm dịch Những cuộc điểm đạo xứ Tây Tạng), Le lama au cinq sagesses (tạm dịch Vị Lạt Ma có năm phép thần thông) và sau cùng là cuốn Mystyquet et Magiciens du Tibet (Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng).

Thông tin dịch giả Nguyên Phong

Tác giả Nguyên Phong

Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).

*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa

*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời  khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.

II. Review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng -Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng – Alexandra David-Neel của dịch giả Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. SATURN.BIBLIO review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Lần đầu mình tìm hiểu Tây Tạng là qua Thiên Táng của Hân Nhiên. Mình vẫn nhớ rõ cảm giác sửng sốt khi biết về tục Điểu táng, cảm phục người dân du mục nay đây mai đó nhưng luôn một lòng hướng về Đức Đạt Lai Lạt Ma và Phật giáo. Dường như những lời giảng dạy của Đức ngài cùng tư tưởng minh triết của Phật giáo chính là kim chỉ nam giúp người dân Tây Tạng tìm được lối đi trong cát bụi mịt mùng.

Sau Thiên Táng, mình tìm hiểu thêm về Đạt Lai Lạt Ma và truyền thống hóa thân của các Lạt Ma (người giảng dạy và thực hành các nghi lễ Phật giáo). Sang “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng”, mình được biết thêm về tập quán, tư tưởng văn hóa, phân chia giai cấp nơi cao nguyên Tây Tạng. Cuốn sách đúc kết hành trình 10 năm tác giả Alexandra David-Neel rong ruổi khắp nẻo đường Tây Tạng, trò chuyện với các vị đạo sĩ, Lạt Ma để tìm hiểu và trải nghiệm các phương pháp tu luyện huyền thuật, văn hoá của xứ này.

Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo, người dân Tây Tạng tin vào luân hồi, địa ngục, phước lành. Họ cho xây dựng nhiều chùa chiền, tu viện, các trường đại học giảng dạy về Phật học lẫn Huyền học.

Bên cạnh đó, người dân Tây Tạng tôn sùng các tín ngưỡng cổ như huyền thuật hay ma thuật. Tuy nó không liên quan đến Phật giáo nhưng nhiều Lạt ma vẫn sử dụng huyền thuật để giúp ích cho chúng sinh. Dẫu phương Tây hay người ngoài cho rằng huyền thuật là trò mê tín dị đoan nhưng với người dân Tây Tạng, cụ thể là các đạo sĩ, Lạt ma, huyền thuật hay ma thuật là những hiện tượng tự nhiên. Họ thậm chí còn không thích dùng cụm từ “siêu nhiên huyền bí” vì tin rằng mọi việc đều do tâm tưởng và có thể giải thích qua trạng thái của tâm.

Cá nhân mình cho rằng đây là cuốn sách khó đọc. Có thể do mình không tìm hiểu nhiều về Phật giáo trong khi Phật giáo Tây Tạng mang màu sắc rất khác và thâm sâu hơn Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa. Mình ngạc nhiên với những điều tác giả chứng kiến và kể lại như phương pháp khinh công, nhiệt công, lửa tam muội. Nếu hỏi mình có tin không, mình không dám nói là tin 100% nhưng một điều gì đó từ sâu trong trái tim thôi thúc mình chấp nhận và lắng nghe cuốn sách này.

2. SARAH NGUYEN review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Cuốn sách này làm nhiều người ngỡ ngàng khi tìm hiểu về Văn hóa Phật giáo ở Tây Tạng. Thực sự còn rất nhiều điều lạ lùng và khó thể tin được những điều mà tác giả – Bà Alexandra David Neel người Pháp khi sống nhiều năm ở đây và kể lại.

Người dân Tây Tạng có niềm tin tín ngưỡng tôn giáo tuyệt đối, họ tin vào ma quỷ, yêu quái, địa ngục, kiếp luân hồi, phép thuật thần thông,.. và người Tây Tạng cho rằng những hiện tượng kỳ bí đó là hiện tượng tự nhiên, là điều hết sức bình thường. Vậy nên những vị đạo sĩ nắm được huyền thuật như kêu mưa gọi gió, chiêu quỷ nhập thần, sai khiến âm binh,…rất được mến mộ ở đây. Người Tây Tạng tin vào luân hồi, đặc biệt hơn Ở đây có rất nhiều vị được gọi là Tulku là những bậc hòa thượng tái sinh lại ở vùng đất này để làm tiếp sứ mệnh dang dở của mình.

Tác giả viết “Ngay cả một người Tây Tạng ngu dốt nhất không bao giờ tin vào việc có một vị Phật sống tái sinh lại. Đơn giản là Đức Phật duy nhất ở cõi trần này là Phật Thích Ca, đã nhập niết bàn nghĩa là thoát khỏi sinh tử luân hồi thì quay lại đầu thai làm người là điều không thể tin được?”.

Ngoài những điều liên quan đến Phật Giáo thì bạn cũng có thể tìm hiểu được đôi chút văn hóa xứ Tây Tạng. Như là: các vị Lạt Ma đã từng được phép lập gia đình trước phong trào chấn hưng Phật Giáo của đại sư Tsong Khapa. Miền Tranglung ở Tây Tạng theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà làm chủ gia đình và có quyền lấy nhiều chồng một lúc,…

Cuốn sách giúp người đọc khám phá một nước Tây Tạng đầy huyền bí và nền Phật Giáo lâu năm nơi này.

3. ĐÔNG PHONG review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Đông Phong review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Huyền Thuật và các Đạo Sĩ Tây Tạng” Hơn 100 năm ra đời, cuốn sách nhỏ này đã đến với độc giả Việt Nam dưới ngòi bút phóng tác của Giáo sư Jonh Vu (bác Nguyên Phong) với văn phong rõ ràng, mạch lạc, giàu sức lôi cuốn mà không kém phần khúc triết, cuốn sách với đề tài tôn giáo, tâm linh này trở nên dễ đọc và đầy hấp dẫn.

Nội dung cuốn sách xoay quanh chuyến hành trình khám phá tâm linh Tây Tạng của một nhà nghiên cứu Phật giáo người Pháp là bà Alexandra David Neel; thông qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi kiến thức Phật học của bà với Đức Đạt Lai Lạt Ma, vua xứ Sikkim, giới tăng lữ, Pháp sư cho đến những người hành khất… người đọc sẽ cảm nhận được không gian văn hóa, tâm linh đặc sắc, khác biệt của vùng đất Tây Tạng xa xôi và có lẽ sẽ thấu hiểu được phần nào câu nói đầy cảm khái của tác giả trong tập sách :

“Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực.”

Bằng óc quan sát tốt và tư duy sắc bén, tác giả đã nỗ lực lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật, nhiều câu chuyện về bí thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, các phương pháp tu tập- thiền định của họ, và những truyền thuyết mà bà đã được nghe kể dọc quãng đường suốt 12 năm hành trình khám phá Tây Tạng của mình.

Thật khó mà kể hết những cảm nhận khi gập lại cuốn sách này, mình chỉ xin nhắn nhủ rằng thế giới này quá rộng lớn bao la, nên những thứ chúng ta học và biết thực sự vô cùng nhỏ bé so với vũ trụ vô tận ngoài kia. càng đọc mình càng thấu hiểu câu nói: ” càng học hỏi người ta sẽ càng thấy mình chẳng biết gì hết” thật đúng.

Cảm ơn bạn đã chịu khó đọc bài viết dài dòng này.

_Bàng Khánh 17/7/2020_

4. T R AN review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Tôi nghiền ngẫm quyển sách này khá nhiều và cảm giác các tầng nghĩa về nhân sinh mà nó mang lại cực kỳ đặc sắc. Thật không ngoa khi người ta bảo “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” là một tác phẩm đáng quý về quá trình khám phá huyền thuật của các đạo gia ở vùng đất linh thiêng Tây Tạng. Tác phẩm này có tính nghiên cứu và khoa học tôn giáo rất cao, khiến tôi mở mang được rất nhiều điều vì sự tâm huyết và đào sâu vấn đề của vị tác giả người Pháp tài ba. Những lời hướng dẫn đầy ẩn ý và giàu sự bí ẩn bắt nguồn từ tư tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến cho quyển sách ở một tầm khác, giúp chúng ta hiểu rõ không chỉ về tôn giáo và còn là cả văn hóa của vùng Tây Tạng.

Thực ra, nếu ai chưa từng đọc hoặc không có hứng thú tìm hiểu kĩ về vấn đề này thì sẽ chỉ cảm giác rằng huyền thuật Tây Tạng là những phép màu bí ẩn và khó hiểu được. Thậm chí có người từng bảo đó chỉ là những điều hư ảo và ai mà tin vào điều đó thì được ví như những kẻ mê tín dị đoan. Nhưng nếu nhận định như vậy thì quá phiến diện vì thực chất có những điều kỳ bí mà khoa học ngày nay chưa thể lý giải được. Như lời giải thích của tác giả trong quyển sách thì nếu không đến Tây Tạng, không tìm hiểu về những hiện tượng cũng như triết lý ở nơi đây thì làm sao bạn có thể đưa ra đánh giá được. Cũng như câu “ở trong chăn mới biết chăn có rận” thì việc nghe những âm thanh vang vọng của gió, tận hưởng bầu không khí trầm kha và tĩnh tại của Tây Tạng thì bạn mới hiểu được sự linh thiêng của nơi này là như thế nào. Riêng bạn đọc nào tin tưởng thì chẳng cần đi đến tận nơi đâu vì phương pháp tu tập đã có sẵn, thiền định cũng có và sẽ giúp chúng ta lĩnh hội những bí thuật này.

5. NGỌC LAN review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Được viết bởi 1 nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng trên thế giới – Alexandra David – Neel- người phụ nữ da trắng đầu tiên khám phá vùng đất Tây Trạng từ những năm 1914 và dịch bởi tác giả Nguyên Phong – cái tên quen thuộc của những tựa sách nghiên cứu văn hóa tâm linh phương Đông.

“Huyền thuật và các đạo sỹ Tây Tạng” là những trải nghiệm của đích thân tác giả trong 12 năm tìm kiếm và khám phá những huyền bí còn ẩn kín sau rặng Tuyết Sơn. Từ những mơ hồ, hoài nghi ban đầu, tác giả đã ghi chép lại những gì tận mắt chứng kiến và trải nghiệm để rồi đưa Tây Tạng ra với thế giới, để mọi người có cái nhìn rõ nét hơn về huyền thuật và những bí ẩn xung quanh nó. Chính tác giả là người đã chiêm nghiệm nhiều điều từ Tây Tạng như tham thiên trong hang động nhiều năm, viếng thăm và học hỏi các vị Đạt Ma, pháp sư nổi tiếng, tận mắt chứng kiến những bí ẩn tâm linh, các nghi thức, phương pháp tu luyện của các bậc đạo nơi này. Cuốn sách còn giúp người đọc hiểu hơn những kiến thức về Phật pháp, đặc biệt là nhân quả, báo ứng, hay đời sống bên kia “cánh cửa”. Đã hơn 100 năm trôi qua, nhưng cuốn sách vẫn là một điều bất ngờ cho người muốn tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng.

Với mình, phương Đông và giá trị văn hóa lâu đời của nó luôn luôn là thứ hết sức lôi cuốn, đặc biệt với kẻ ưu khám phá. Cuốn sách có kha khá những từ ngữ “chuyên ngành”, từ cổ, địa danh được Việt hóa, nên mình khuyên là nên note lại để tìm kiểm thông tin sau đó. Một số kiến thức về các nhánh, tông phái của Phật giáo cũng dễ gây hiểu nhầm nên khuyên thêm là các bạn vừa đọc vừa tìm đọc trên GG. Thêm nữa là để tránh ngộ nhận về một số phương pháp cũng như cách thức tu luyện trong sách thì mọi người nên có cái nhìn khách quan khi đánh giá.

Vốn chỉ là kẻ hời hợt và nông cạn, nên có những phần tác giả ghi lại mình thấy vẫn còn nghi ngờ, nhưng dù sao cũng thấy khá thỏa mãn vì những gì mình biết được sau đó. Hi vọng, mọi người cũng sẽ biết thêm nhiều điều về mảng đất mang tên Tây Tạng.

6. PHUOC TRUONG review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Nếu ai thích huyền thuật thì đây là cuốn sách lôi cuốn.

Vẫn không sao nếu ai tìm hiểu với cách nhìn về văn hóa Tây Tạng. Nơi cao nguyên hiểm trở giữa những rặng núi tuyết có một dân tộc sinh sống và chứa đựng nhiều nét văn hóa tâm linh.

Cuốn sách là cuốn du ký Tây Tạng vào giữa thế kỷ 19 của một tác giả người Pháp. Mô tả khá chi tiết nhiều nét văn hóa của Tây Tạng, thời kỳ còn sơ khai. Rất nhiều môn huyền thuật được mô tả trong sách qua lời kể của các nhân chứng trong cuộc.

Dịch giả Nguyên Phong dịch rất sinh động, rất hay.

7. NGO HOA review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Một góc nhỏ về Tây Tạng.

Đã từng nghe qua và xem qua khá nhiều phim ảnh dạng “hư cấu” về các huyền thuật của đạo sĩ Tây Tạng.

Những điều trong cuốn sách này nói thật sự thấy khó có thể chứng thực nếu không tận mắt chứng kiến. Mà với con mắt của khoa học tiến bộ ngày nay, thì tận mắt chứng kiến cũng chưa chắc đã là thật.

Có một vài điều nhỏ mà tôi có thể chứng thực. Đó là kiểu như hỏa tam muội. Tôi đã từng được hướng dẫn ngồi thiền định sau khi khai mở luân xa và thu hút năng lượng vũ trụ. Quả thật, thời gian chăm chỉ thiền định ấy giúp cơ thể tôi ấm nóng lên. Hai lòng bàn tay lúc nào cũng ấm sực. Đôi lúc tập trung thì còn nóng như than – đó là nhận định của cô tôi – khi tôi đặt tay giúp cô bớt đau nhức vai.

Nói chung tổng thể là quyển sách này rất rất ổn. Cung cấp một cái nhìn đa chiều khác về bức màn huyền bí của Tây Tạng. Không sa đà vào sự mê muội những điều dị thường. Không thành kiến cố chấp với những điều khác lạ.

8. LILY NGUYEN review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Lily Nguyen review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Càng học hỏi, thì người ta sẽ càng thấy mình không biết gì hết”

Đúng là con lừa thồ trên lưng đầy sách vở, đến cuốn này tôi bắt đầu thấy hoang mang và nhìn nhận lại não bộ của mình. Tôi thậm chí chẳng nhớ những gì tôi đã đọc. Là do não tôi phẳng quá hay thật sự Tây Tạng huyền bí quá nên càng soi càng không thấy sáng mà chỉ thấy càng tối tăm hơn. Người ta nói, phía cuối đường hầm tăm tối sẽ là ánh sáng, thế nên tôi thử tin họ xem sao, để mình tiếp tục loại bỏ các thành kiến mà 1 lòng học hỏi.

Alexandra đã kể lại những mẩu chuyện nhỏ, mà khó tin đến vô cùng nếu không phải chính bà là người đã trải nghiệm, được mắt thấy tai nghe. Với tôi, Tây Tạng lại càng trở nên thú vị hơn bao giờ hết, và càng muốn đọc sâu hiểu kỹ hơn về xứ Tuyết này.

Huyền thuật hay ma thuật chỉ cách nhau đúng 2 chữ: Mục đích. Nhưng chỉ với sự cách biệt của 2 chữ này sẽ đưa người luyện tiến đến 2 phương hướng khác nhau. Cách để nhận biết rõ ràng về 1 vị chân sư là ông ấy sẽ chẳng màng gì về chức danh, chứng đắc.

Có 2 cách tu luyện: một là tu trong trường học Phật giáo theo các kinh sách, hai là vào thâm sâu cùng cốc, nhập thất tự tu theo sự chỉ dạy của thầy ngày qua ngày. Alex đã từng nhập thất trong 1 hang động trên ngọn Tuyết Sơn, để về sau bà được biết đến như 1 Gomchenma da trắng đầu tiên.

Các huyền thuật về khinh công, luyện lửa tam muội, hay chuyển di ý nghĩ mắt thấy tai nghe của bà chứng minh cho 1 điều: Có những điều ta cho là kỳ lạ thực ra chính chúng ta có thể làm được nhưng lại tự giới hạn khả năng của bản thân mình.

Vậy đấy, đừng giới hạn khả năng của chính mình nữa nhé. Break it

9. QUANG QUẤN QUÍT review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Cuốn này mình để ý lâu rồi, từ hồi đọc Bên rặng Tuyết Sơn và Đường mây qua xứ tuyết. Và cuốn này bà xã mình săn được trong flash sale vừa rồi. Trời ơi, khỏi phải nói mình sướng đến không nói nên lời.

Mình thích Tây Tạng lắm lắm luôn, đặc biệt là về các vị Lạt ma và các huyền thuật xung quanh họ. Nên khi đọc cuốn nửa đầu cuốn này mình cảm giác như được đi du lịch Tây Tạng vậy đó. Nhứt là qua lời kể của tác giả về hành trình 12 năm đi khắp Tây Tạng và thực hành nhiều phương pháp tu tập huyền thuật.

Nứa sau thì thiên về lý thuyết giới thiệu các huyền thuật của các đạo sĩ Tây Tạng như khí công, kinh công, đọc vị, thần giao cách cảm,…

Nếu bạn thích nhưng điều huyền bí thì cuốn sách này chắc chắn không làm bạn thất vọng. Mặc dù tác giả khẳng định, những huyền thuật của người Tây Tạng không hề huyền bí gì cả.

10. GIANG THỦY review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Mặc dù đã nhủ là sách của Nguyên Phong dịch thì chỉ đọc cho biết chứ không hoàn toàn tin tưởng nhưng đọc cũng bị lôi cuốn vô cùng. Là cách dịch của Nguyên Phong làm mê hoặc lòng người, hay chính những câu chuyện huyền bí ấy thu hút chúng ta là một câu hỏi cần giải đáp. Có lẽ phải tìm đọc nguyên tác mới có được câu trả lời.

11. NGUYEN review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Một sự ghi chép về những trải nghiệm thực tế của tác giả về nơi kỳ lạ nhất trên thế giới. Không nói đến đúng sai trong các câu chuyện của tác giả, ta chỉ đọc để hiểu thêm, có thêm góc nhìn khác về những điều ảo diện, huyền bí ở Tây Tạng.

12. HƯƠNG review sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

“Sự phủ nhận là điều mà tôi gọi là thành kiến, và chính thành kiến đã giới hạn sự hiểu biết của con người.”

Đọc xong quyển sách như tạm kết thúc cuộc hành trình du ngoạn Tây Tạng trong tâm trí của mình vậy. Mình là một người tin tưởng và đã trải nghiệm qua một ít quyền năng của tâm tưởng mạnh mẽ, nên rất thoải mái tiếp thu những điều mà nhiều người cho là hoang đường hay nghịch lý. Vậy mà lại vô cùng bất ngờ bán tín bán nghi và phải nghiền ngẫm những sự kiện xảy ra như lời bà Gomchenma tác giả kể lại. Từ một cái phẩy tay gây thương vết cho một người đứng cách ông ta cả thước, hay những vị khinh công, nhiệt công, hiện thân, truyền âm … Như các cảnh phim kiếm hiệp Trung Quốc mà ta hay xem cho đến các tà môn, hiện tượng quỷ nhập tràng hay điều khiển âm binh.., tất cả đều là những việc rất thường tình và luôn hiển hiện ở Tây Tạng. Quả là một nơi gắn liền với các sự kiện huyền bí, nơi con người dễ dàng tập trung đưa tư tưởng lên một tầm cao thượng thừa và khai mở các chức năng là một con người vốn có.

Con người trong xã hội cũng đang dần hình thành các cấp bậc tiến hoá cao lên, đừng mãi so sánh, tự hào mình là loài thông minh hơn muôn thú, khi mà tâm tưởng còn mù mờ về chính mình và bị sa lầy bởi những chấp niệm thế gian.

III. Trích dẫn sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Trích dẫn sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng -Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Việc đầu tiên khi bước chân vào đường đạo là phải thực hành nghi thức sám hối.

Pháp lực của chư Phật thì thật vĩ đại nhưng nghiệp lực của chúng sinh cũng sâu dầy không kém. Chính vì vậy mà chúng sinh cứ như người mù, người điếc không phân biệt thật hay giả, sáng hay tối, không nghe được diệu âm của chư Phật mà cứ u mê mặc cho ngũ dục lôi kéo vào vòng quả báo thị phi.

Trải qua vô lượng vô biên kiếp, con người đã gây ra biết bao tội lỗi mà không biết sám hối nên nghiệp chướng mỗi ngày một nặng. Muốn tiến trên đường đạo, việc đầu tiên là phải làm cho nhẹ nghiệp đi bằng cách sám hối. Nếu không biết sám hối, những tội lỗi đã làm dù có tu hành thế nào chăng nữa cũng không thể tiến xa được.

Phải ý thức những điều mình đã gây ra, phải biết hổ thẹn và cương quyết ăn năn hối cải, nhất quyết không tái phạm nữa. Những kẻ kiêu căng hợm hĩnh cho rằng mình đã đủ thông minh, tài trí có thể tiến xa trên đường đạo mà không cần phải thực hành nghi thức sám hối thì chỉ là những kẻ giậm chân một chỗ mà cứ tưởng mình đang bay bổng trên mây, giống như đom đóm đòi so ánh sáng với mặt trời. Không những họ không thể tiến bộ mà còn làm thui chột các mầm thiện căn có sẵn trong tâm, gây cản trở việc tu hành không những trong kiếp này mà còn cả những kiếp tương lai nữa.

Không biết sám hối thì càng tu chừng nào, các nghiệp chướng từ muôn kiếp càng tuôn về chừng đó, với đủ thứ nghịch duyên ngăn trở, thử hỏi sức người bé mọn làm sao đối phó nổi các trở ngại đó!

Do đó, việc đầu tiên khi bước chân vào đường đạo là phải thực hành nghi thức sám hối trước khi tu tập các phương pháp khác.

Biết cách ý thức sự sống là một công phu; và nếu nó là một công phu, người ta có thể tập luyện được.

Hai cõi chia cách bởi một tấm màn mỏng như sương khói và chỉ cần vén màn lên là có thể tiếp xúc được với nhau. Nếu đã ý thức được sự sống từng giây phút, một tu sĩ cũng sẽ ý thức được sự chết như vậy.

Phật giáo cho rằng sự phát triển hay tu theo những phương pháp mà mục đích là cầu thần thông thường có hại hơn là hữu ích vì mọi hành động, tư tưởng phát ra điều chịu ảnh hưởng của các định luật tự nhiên như luân hồi, nhân quả. Một người sử dụng quyền năng để thỏa mãn các tham vọng riêng tư là đi vào con đường hết sức nguy hiểm.

Trích đoạn CHƯƠNG 1 – Các Tu Sĩ Huyền Môn

Các Tu Sĩ Huyền Môn 1 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 2 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 3 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 4 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 5 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 6 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 7 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

Các Tu Sĩ Huyền Môn 8 - Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng – Alexandra David-Neel – Nguyên Phong phóng tác. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (12 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

Hoa Sen Trên Tuyết – Nguyên Phong

Hoa Sen Trên Tuyết là hành trình tìm kiếm bản thân của rất nhiều người. Chỉ để trả lời cho câu hỏi: Câu trả lời đích thực về ý nghĩa cuộc sống là gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *