Cánh Kỳ Lân – Higashino Keigo

Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

Thể Loại Truyện trinh thám
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hồng Đức
CTy Phát Hành IPM
Số Trang 384
Ngày Xuất Bản 07 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Cánh Kỳ Lân

Cánh Kỳ Lân

Tầm 9 giờ tối, một người đàn ông loạng choạng lết lên cầu Nihonbashi và tựa vào bệ tượng kỳ lân bằng đồng ở đấy. Cảnh sát tuần tra tưởng ông say rượu định ngủ ngoài đường nên đến gần để nhắc nhở, thì phát hiện ra có con dao cắm ở ngực ông, máu đã loang đỏ áo.

Bước đầu điều tra cho thấy người đàn ông bị đâm ở một đường hầm cách đó hơi xa, nhưng bất chấp sự sống chảy cạn, ông cứ thế mang dao trên ngực đi qua một dãy phố, qua cả một đồn cảnh sát mà không kêu cứu, chỉ để lên cầu.

Cũng trong tối ấy, cảnh sát mau chóng tìm thấy nghi phạm, chưa kịp hỏi han thì hắn đã bỏ chạy và bị xe tông, rơi vào hôn mê sâu. Đủ mặt người bị hại, nghi phạm, vật chứng… nhưng tất cả đều câm lặng, không thẩm vấn được nữa, khiến vụ án nổi lên một lớp váng dày khúc mắc, với nhiều lập luận khó ráp vào nhau.

Giữa vùng bối rối ấy, thanh tra Kaga bước ra, lạnh lùng tỉnh táo, không dễ dãi, không để cảm xúc và lòng thương hại đánh bại, anh đeo bám vấn đề một cách dai dẳng đến mức khi sự thật bộc lộ, người xung quanh đều phải giật mình.

Mở ra bằng đoạn đường tuyệt vọng của một người lúc cuối đời, Cánh kỳ lân khép lại bằng hi vọng mỗi người đều có cơ hội đi những bước đầu đời đúng đắn.

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

II. Review sách Cánh Kỳ Lân

Review sách Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Cánh Kỳ Lân của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NGUYỄN LÊ BẢO NGÂN review sách Cánh Kỳ Lân

Không hiểu sao thấy quyển này có vẻ không hot bằng các quyển khác của bác Keigo nên ban đầu mình còn không tính mua cơ, nhưng sau 4 tiếng đọc hết một lèo thì mình nhận ra sẽ là sai lầm nếu bỏ qua Cánh Kỳ Lân. Những trang cuối cùng thật sự đã làm mình bật khóc. Một câu chuyện quá đỗi nhân văn mà cũng vô cùng đau đớn. Cá nhân mình thấy các tác phẩm của bác Keigo do IPM phát hành lúc nào cũng để lại cho mình một cảm giác rất khó tả, như “Thư” và “Ác Ý” chẳng hạn, tuy không có quá nhiều plot twist và hung thủ cũng khá dễ đoán, nhưng bài học rút ra sau mỗi câu chuyện lại khiến mình ngộ ra nhiều điều và để lại ấn tượng rất sâu, mong IPM sẽ tiếp tục mua bản quyền thật nhiều các tác phẩm khác của bác Keigo nữa nhaaa. Về hình thức thì mình thấy bìa cũng tạm thôi, nhưng được cái cả 380 trang không hề có một lỗi chính tả nào. Tuyệt vời luôn.

2. NGUYỄN ANH ĐỨC review sách Cánh Kỳ Lân

Thêm một tác phẩm đáng đọc của keigo, vẫn văn phong nhẹ nhàng nhưng cực kỳ lôi cuốn, các chi tiết tưởng như rời rạc nhưng dần được ghép lại với nhau, plot cũng nhẹ nhàng không bất ngờ lắm, đáng đọc

3. GIGI BUI review sách Cánh Kỳ Lân

Hai năm trước, tôi gặp cô bé người cá ngủ say. Hôm nay, tôi gặp cậu bé kỳ lân với đôi cánh không bao giờ vươn lên nữa. Keigo không bao giờ kể chuyện theo đường thẳng, ông luôn thích những con đường quanh co, mà ở đó, các câu chuyện về tình người được nhìn nhận theo nhiều khía cạnh. Nếu như trong Thư, Naoki luôn mặc cảm vì có một người anh phạm tội, luôn bị người đời khinh khi vì tội lỗi của Tsuyoshi rành rành trên mọi mặt báo; thì trong Cánh Kỳ Lân, Yuto lại tỏ ra giận dữ trước cái chết của cha mình.

“Bố đã chết, dù có bắt được thủ phạm, thậm chí các án tử hình hắn thì người bị giết cũng không sống dậy nữa. Từ mai đổi mình sẽ thêm phần khốn khổ rồi đây, cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần.”

Đó là tất cả những gì mà Yuto nghĩ, thay vì đau xót cho đấng sinh thành, điều đầu tiên mà cậu nghĩ đến là quyền lợi và tương lai của chính bản thân mình trước. Ở đây, tôi hoàn toàn không phê phán, hay lên án phản ứng của Yuto khi nhận tin dữ của gia đình tôi chỉ cảm thấy có một chút chua xót và bất mãn. Không lâu sau đó, khi Aoyagi Takeaki (nạn nhân và cũng là bố của Yuto) dù đã qua đời, lại bị vướng vào một màn thị phi mà bản thân không thể tham gia tự giải trình, và cũng không một ai lên tiếng trần tình cho ông, đến nỗi đứa con trai ông luôn thương yêu, lại một mực khó chịu và buộc tội mình một cách vô căn cứ.

“Bố tôi đã hành động tồi tệ, nên bị nạn nhân của hành động đó đâm chết, chuyện chỉ có vậy, đáng lẽ chẳng ồn ào thế này. Khổ nỗi kiểu chết không được bình thường, quá gây chú ý, đến độ truyền thông phải nhảy vào mổ xẻ tùm lum, khiến cảnh sát không dám điều tra một cách sơ sài qua loa. Phải không? Giả sử chết ở nơi khuất nẻo chẳng phải sẽ khác sao? Nhưng ông ấy lại nằm xải lai ngay giữa cầu, sao lại chết kiểu đấy nhỉ?”

Ôi trời. Khi đọc đến đoạn này, tôi thề là nếu có chiếc giày bước vào trong sách của Doraemon, tôi sẽ không ngần ngại đến đấy và đấm cho ông ôn con ấy một phát. Yuto thậm chí còn đáng ghét đến mức, cầm di ảnh của bố lên và định bụng ném đi. Uhm, trời mưa nhớ cầm tô cơm lên con ạ, ông Trời sẽ không đánh hụt đâu. Tôi đã nghĩ như thế đấy. Tôi tự hỏi có phải tâm lý những đứa conn đang trong độ tuổi trưởng thành đều ngỗ nghịch như thế không? Sống nhờ vào đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ, nhưng đến sự tôn trọng tối thiểu cũng không trao ra được, và xem tình yêu vô điều kiện của cha mẹ là những thứ hiển nhiên mình phải nhận được.

Trái ngược với câu chuyện nhà Yuto, thì phía nghi phạm Fuyuki tuy mồ côi từ nhỏ, nhưng lại có cô bạn gái trọng tình hơn rất nhiều. Đã rất nhiều lần Kaori một mực khẳng định, người cô yêu không phải kẻ giết người. Cô tin vào nhân phẩm của người đàn ông ấy, tin vào con người anh, và tin vào tình yêu của cô không đặt sai chỗ. Một túp lều tranh, hai trái tim vàng, chính là dùng để mô tả cuộc sống của Saori và Fuyuki. Sợi dây liên kết giữa Kaori và Fuyuki, so với mối quan hệ ruột rà giữa Yuto và Takeaki mỏng manh hơn rất nhiều. Nhưng vì sao một bên thì thâm tình ấm áp, một bên lại lạnh giá như thế?

Cánh kỳ lân có nội dung không hề mới mẻ, cũng không hề độc đáo. Như thường lệ, Keigo lại dựng nên những tấm gương soi cho các nhân vật, mà qua phản chiếu, có thể thấy được nội tâm méo mó của họ, hay những thất bại trong các mối quan hệ tưởng chừng như thân thiết nhất, nhưng cũng dễ trở nên xa lạ nhất. Con đường đến câu trả lời của vụ án không hề bằng phẳng, mà nó như những mấu nối, đi vòng quanh liên kết những con người tưởng chừng không liên quan và moi ra những bí mật sâu thẳm, khiến họ đau đớn, dằn vặt với những tội nghiệt mà họ chôn giấu trong lòng. Hình ảnh một ngàn con hạc đủ màu sắc là điều khiến tôi tâm niệm nhất trong vòng lẩn quẩn tối tăm của câu chuyện, nó mang đến ánh sáng trong nỗi tuyệt vọng, mang đến những lời chúc phúc và cả lời xin lỗi ăn năn.

P.s: À, câu chuyện về Takeaki khi mất rồi bị cả thế giới ghẻ lạnh, bị người quen cũ đem ra xâu xé, đổ tội, bạn có thấy quen không? Mặc dầu trước đấy lời khai của ai ai cũng đều một mực kính trọng và yêu mến Takeaki, nhưng một khi giông bão ập đến, thì không ngần ngại đem ông ra làm giá đỡ. Đây không phải lần đầu tôi đọc sách Keigo lại có những tình tiết trùng khớp với một số sự kiện xã hội một cách kì lạ. Đây là trải nghiệm mà tôi ít khi nào gặp phải ở những cuốn sách khác, và nó đặc biệt lý thú khi đọc một vấn đề gì đấy, nó dẫn bạn đến những thực tại đang quanh quẩn ngoài đời.

4. CÁO BIỂN NON XANH review sách Cánh Kỳ Lân

Cáo Biển Nong Xanh review sách Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Cứ mở đầu review bằng câu “Tuy đã định không đọc Keigo nữa nhưng vì bìa cuốn này đẹp quá nên tôi không thể bỏ qua” thì sẽ khiến người đọc review bị chán, nên lần này tôi sẽ mở đầu bằng cách khác: Ngay từ khi thấy thông tin phát hành cuốn “Cánh kỳ lân”, tôi đã bị cuốn hút hoàn toàn bởi bìa sách, đến khi chính thức cầm quyển sách trên tay, tôi mỉm cười phấn khích cứ như đang nắm tay người yêu, và suốt 1/4 đầu sách, tôi vừa đọc vừa cười – kể cả những đoạn chẳng có gì để cười – cứ như đang được trò chuyện với một chàng đẹp trai tinh tế. Lần trước, cầm cuốn “Ác ý” trên tay, tôi đã tưởng nó đẹp lắm rồi, nhưng đến giờ thì tôi công nhận “Cánh kỳ lân” là cuốn có bìa đẹp nhất mà tôi từng đọc. Tôi u mê đến nỗi định chụp hình cuốn này để làm cover picture nhưng rốt cuộc đã cân nhắc lại!

Trong lúc đọc “Cánh kỳ lân”, tôi nghĩ rằng cuốn này hay hơn cả “Ác ý” và “Thánh giá rỗng”, và định bụng sẽ viết review đầy cảm xúc cho nó. Đáng tiếc là trong lúc chờ cảm hứng để vẽ hình minh họa xứng đáng, tôi lại đọc xong thêm một quyển trinh thám Bắc Âu khác khá dữ dội máu lửa, do đó cảm xúc với “Cánh kỳ lân” bị thuyên giảm. Để tránh mất thời gian của các bạn, tôi sẽ review ngắn thôi và ngưng nói lan man liền đây.

Truyện bắt đầu bằng một vụ sát hại, nạn nhân được tìm thấy đã tử vong ngay dưới tượng kỳ lân nằm trên cầu Nihonbashi thuộc Tokyo. Kẻ tình nghi nhanh chóng bị bắt giữ trong một hoàn cảnh không thể tin nổi: bị tai nạn và hôn mê trong bệnh viện. Khi tiếp xúc với gia đình nạn nhân để điều tra, cảnh sát vấp phải thái độ thờ ơ kiểu ‘cái gì cũng không biết’. Người vợ và hai con của nạn nhân có vẻ không quan tâm, không yêu thương chồng / cha mình, nhưng thái độ của cậu con trai đã khiến phía cảnh sát nảy sinh nhiều ngờ vực. Bên cạnh đó, càng điều tra, họ càng phát hiện thêm rằng sinh thời, nạn nhân có vẻ không phải là người chính trực ở chỗ làm. Giả thiết dễ dàng nhất được cảnh sát đưa ra là: liệu vụ giết người này có phải là hành động trả thù không?

Cũng như những cuốn trinh thám tâm lý khác của Keigo mà tôi đã đọc, “Cánh kỳ lân” không có cao trào hay kịch tính quá mức. Truyện được kể bằng giọng văn bình thản ‘êm dịu’, nhưng ở giây phút mấu chốt thì chính sự bình thản êm dịu đó đánh thẳng vào tim và khiến độc giả phải rơi lệ. Tôi nhận thấy rằng phần lớn (hay có thể nói là hầu hết) thể loại sách của Keigo tiên sinh được xuất bản ở VN là truyện trinh thám tâm lý XH, có khi phần tâm lý XH chiếm khá nhiều so với phần trinh thám, do đó truyện của ông thường không có màn rượt đuổi gây cấn hoặc những cảnh rùng rợn đe dọa trái tim yếu đuối của độc giả. Ngoài việc nhấn mạnh vào mảng tâm lý XH, các yếu tố văn hóa Nhật Bản rất thường xuyên được Keigo tiên sinh khéo léo đưa vào truyện. Những gì thuộc văn hóa truyền thống tốt đẹp thì được kể bằng giọng văn ngấm ngầm tự hào, còn các vấn nạn XH thì được đề cập một cách thẳng thắn, khơi gợi nhiều băn khoăn trong tâm tư người đọc.

Một vài yếu tố mà tôi góp nhặt được trong lúc đọc “Cánh kỳ lân” là:

  • Giấy Nhật và bộ môn origami, cụ thể là việc gấp hạc giấy để cầu cho tâm nguyện thành sự thật.
  • Cây cầu Nihonbashi – cột mốc số 0 của các con đường Nhật Bản. Nếu tìm hình ảnh cây cầu này trên Google Image, bạn sẽ thấy một điều thật “đắng lòng”.
  • Các món ăn ngon lành của Nhật, nền ẩm thực đa dạng phong phú luôn chào đón không chỉ du khách nước ngoài mà còn nồng nhiệt mời gọi chính dân bản địa đến thưởng thức.
  • Tình trạng bắt nạt chốn học đường và các hệ lụy lâu dài của nó, vốn không chỉ xảy ra ở Nhật mà còn ở hầu hết trường học của các quốc gia khác. Yếu tố này trong cuốn “Cánh kỳ lân” khiến tôi chợt muốn đọc lại cuốn “Thú tội” của Minato Kanae.

Trong vài review của các bạn khác, thấy thanh tra Kaga được ca ngợi dữ dội quá, nào là “sống mũi cao thẳng tắp, ánh mắt sắc bén, thái độ chính trực” mây mây khiến tôi chuẩn bị tinh thần gặp gỡ một nam nhân hết sức quyến rũ, kiểu “nhất định phải cưới”, nhưng rất may là anh ta cũng bình thường thôi, không đến nỗi khiến tôi mù quáng lao vào (như đã từng mê đắm Jack Reacher và Daniel O’Leary). Tuy vậy, tôi thích Kaga vì khả năng suy luận nhạy bén, luôn đứng về phía chính nghĩa nhưng không cứng nhắc vô tình, và cương quyết tìm ra sự thật dù phải cãi lệnh cấp trên. Đôi khi, kiểu úp úp mở mở của Kaga với cậu em họ khiến tôi liên tưởng đến Sherlock Holmes và bác sĩ Watson.

“Bên trên muốn thế nào, bên dưới không cần quan tâm, việc chúng ta cần làm là đưa sự thật ra ánh sáng. Bỏ hết quan niệm cứng nhắc và định kiến đi, tập trung vào việc gạn lọc sự thật, ta có thể nhìn thấy những điều mà trong tưởng tượng cũng chưa bao giờ nghĩ đến”. (trích lời Kaga)

Từ việc điều tra vụ án mạng, cảnh sát – và cả người đọc – được dẫn dắt đến những sự kiện xa xôi tưởng như không liên quan, nhưng khi được làm sáng tỏ thì lại khiến độc giả rất đau lòng. Trong lúc theo dõi diễn tiến truyện, tôi vẫn không quên đoán mò rằng đôi cánh kỳ lân tượng trưng cho điều gì, đến khi hiểu được, tôi không thấy vui mà ngược lại tâm trạng còn chùng xuống. Cũng giống như kỳ lân là một loài linh thú trong trí tưởng tượng của con người, có cánh hay không cũng không ý nghĩa gì, thì một vài mong ước về phép màu trong cuộc sống cũng chỉ là mong ước mà thôi. Khi vì sự hèn hạ ngu ngốc của bản thân mà gây ra sai lầm đáng tiếc thì dù quỳ xuống dập đầu xin lỗi, mọi chuyện cũng không thể cứu vãn hay thay đổi được nữa.

Tôi lại ca ngợi IPM, bên cạnh bìa sách hầu như đều rất đẹp, phần dịch thuật, biên tập và trình bày cũng được nhà phát hành này chăm chút đạt mức hoàn hảo. Đọc xong “Cánh kỳ lân” sẽ thấy rằng bìa sách hơi tươi sáng so với nội dung truyện, nhưng không sao, Lân đẹp Lân có quyền. Bên cạnh “Thánh giá rỗng”, “Ác ý” và Namiya, “Cánh kỳ lân” là một trong những cuốn nên đọc của bậc thầy trinh thám tâm lý Higashino Keigo.

Vì cảm xúc đã bị trôi bớt – như đã viết trong đoạn 2 của review – nên tôi thừa nhận rằng review này sẽ không diễn tả đủ cái hay của “Cánh kỳ lân”. Các bạn có thể tìm đọc review của anh Nguyễn Thành Tiến và bạn Hoàng Tử Lai, bài viết của hai người ấy sẽ soi chiếu một thứ ánh sáng khác đầy sức thuyết phục khiến bạn không thể bỏ qua cuốn sách tuyệt đẹp này.

(Sea, 27-10-2021)
Cảm ơn HOT BOY Hoàng Tử Lai đã cho Biển mượn sách 😊

5. LẠC LẠC review sách Cánh Kỳ Lân

Con người vốn không hoàn hảo và sai lầm hay thất bại, là điều tất yếu trên quãng đường, quá trình người ta trưởng thành. Nhưng sai lầm sẽ nối tiếp sai lầm như một vòng luẩn quẩn nếu người ta không tự nhận thức hay thức tỉnh lương tri để sống là một con người toàn vẹn.

“Quan trọng đối mặt với sai lầm đó thế nào” hay cũng chính là quan trọng người ta đối diện với bản ngã làm người thế nào. Để có thể đứng thẳng, vươn mình như sải cánh kỳ lân mà sống cho bản thân, và sống cho hi vọng, “ước nguyện” người đi trước đã gửi gắm.

6. HÀ ĐỨC review sách Cánh Kỳ Lân

Hà Đức review sách Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Một câu chuyện tưởng như đã được bày sẵn ra như mọi bận để chỉ cần đi tìm cách thức thủ phạm hành động.

Nhưng không, ẩn đằng sau một vụ án đã rõ như ban ngày là một câu chuyện tưởng như đau lòng đến thắt tim.

Tính hiếu thắng, Sự giả dối, Trách nhiệm hay Tình cảm gia đình, đâu mới là cốt truyện chính của Cánh Kỳ Lân???

Một tác phẩm tôi thích của HK 4.25/5⭐️

7. À NGƠ LƠ MƠ review sách Cánh Kỳ Lân

Có vẻ năm nay fan của tác giả Higashino Keigo có một mùa vụ bội thu, khi liên tiếp từ đầu năm đến giờ đã có 3 cuốn sách của bác được xuất bản ở Việt Nam rồi. Trong đó có 2 cuốn do Nhã Nam phát hành, còn cuốn “Cánh kỳ lân” là của IPM.

Một lần nữa, tác giả lại cho chúng ta gặp lại thanh tra Kaga- nhân vật mẫn cán đã từng xuất hiện trong tác phẩm “Ác ý”. Câu chuyện lần này bắt đầu khi cảnh sát phát hiện ra một người đàn ông bị đâm trọng thương tại cây cầu Nihonbashi nổi tiếng ở Tokyo. Dù đã được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng các bác sĩ đã không thể cứu được người đàn ông xấu số. Cũng ngay trong đêm đó, cảnh sát đã bắt được nghi phạm nhưng trong quá trình chạy trốn hắn lại bị tai nạn giao thông rồi cũng qua đời. Mọi chứng cứ đều chỉ về hướng nghi phạm và các lãnh đạo cũng rất nóng lòng muốn kết thúc vụ án giết người cướp của này.

Thế nhưng, Kaga, bằng óc quan sát nhạy bén, khả năng suy luận tài tình cũng như quyết tâm tìm ra chân tướng sự việc của mình đã quyết định điều tra độc lập. Ta sẽ lại thấy quá trình anh tìm ra lời giải cho từng hành động của cả nạn nhân và hung thủ, ráp nối xâu chuỗi lại những dữ kiện rồi đưa ra suy luận và chứng minh những suy luận ấy như thế nào.

Có thể thấy Keigo dành rất nhiều tâm huyết để cố gắng xây dựng nhân vật và tạo nên những câu chuyện ẩn sau những nhân vật ấy. Ông luôn cố gắng truyền tải một thông điệp, một vấn đề còn tồn đọng trong xã hội Nhật Bản thông qua những câu chuyện của mình. Tuy lần này vấn đề không mới và bản thân vụ án cũng như câu chuyện đằng sau không có quá nhiều điểm bất ngờ hay đặc biệt, nhưng vẫn phải ghi nhận sự cố gắng của tác giả. Từ bầu không khí, cách kể chuyện, diễn biến phá án, mọi thứ tuy vẫn ở tốc độ vừa phải nhưng vẫn đủ lôi cuốn độc giả lật tiếp những trang sau.

Một tác phẩm trinh thám mình đánh giá ở mức độ vừa phải, không quá xuất sắc cũng không máu me, rùng rợn, kinh dị. Ai mới bắt đầu đọc trinh thám có thể bắt đầu từ cuốn này cũng rất oke. Mọi thứ đều dễ chịu.

8. NGỌC LINH review sách Cánh Kỳ Lân

Chi tiết phá án được dẫn dắt khéo léo, gài gắm với nó là những vấn đề xã hội không hề lỗi thời. Có lẽ bởi Cánh Kỳ Lân đề cập đến những yếu tố tác động lớn tới mình nên khi đặt sách xuống, mình đã không ngừng rơi nước mắt.

9. NUU review sách Cánh Kỳ Lân

Viết năm 1992 mình thấy cuốn này khá ổn

Cuốn sách sẽ đưa bạn đi từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Bạn sẽ muốn biết rốt cuộc thì tại sao lại có ? Bạn có thể đoán ra nhân vật chủ chốt nhưng tình tiết truyện thì có lẽ bạn sẽ không nghĩ đến.

Kirin dường như là ý nghĩa bao chùm tác phẩm ( ước muốn dang rộng đôi cánh bay xa ) tuy nhiên mình đọc xong thì chưa thấy rõ sự tương quan giữa câu chuyện và tầng ý nghĩa đó. Hơn nữa hình ảnh Kirin xuất hiện chỉ khoảnh 3-4 lần.

Mặt tối khác của xã hội được Keigo đưa ra: cách chúng ta nuôi dạy trẻ nhỏ có ảnh hưởng thế nào đến tương lai sau này? Đây cũng là một thực trạng khá gắt bên Nhật lúc bấy giờ.

Cuốn sách khá dễ đọc cho người mới bắt đầu và thích sự tò mò. Nếu mới biết Keigo thì có thể chọn cuốn này.

III. Trích dẫn sách Cánh Kỳ Lân

Trích dẫn sách Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

………
Hiện chúng tôi đang trong quá trình Cập Nhật trích dẫn sách Cánh Kỳ Lân của tác giả Higashino Keigo.
Rất xin lỗi quý bạn đọc vì sự bất tiện này!
………

Cánh Kỳ Lân - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (13 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Bà Tổng Thống Trước Họng Súng - Hai Số Phận - Phần 3 - Jeffrey Archer

Bà Tổng Thống Trước Họng Súng – Hai Số Phận – Phần 3 – Jeffrey Archer

Bà Tổng thống trước họng súng, tiếp nối câu chuyện dang dở của Đứa con gái hoàng đàng, là câu chuyện về những mối đe dọa mà bà Florentyna phải trải qua khi đã trở thành Tổng thống Mỹ. Không chỉ cam go và gay cấn, hành trình từ buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ Tổng thống còn hết sức li kỳ và hấp dẫn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.