Đường Mây Trong Cõi Mộng – Nguyên Phong

Đường Mây Trong Cõi Mộng - Nguyên Phong

Thể Loại Tôn giáo – Tâm Linh
Tác Giả Đại sư Hám Sơn, Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác
NXB NXB Tổng hợp TPHCM
CTy Phát Hành Trí Việt
Số Trang 448
Ngày Xuất Bản 2020
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

Đường Mây Trong Cõi Mộng

Đại sư Hám Sơn (1546 -1623) là một trong bốn vị thánh tăng đã có công phục hưng và phát triển Phật giáo trong triều đại nhà Minh (Trung Quốc). Cuộc đời hành đạo đầy gian khổ của Đại sư gắn liền với những biến cố chính trị của lịch sử Trung Hoa cũng như hoàn cảnh suy đồi của Phật giáo thời bấy giờ. Đại sư Hám Sơn là người có công đóng góp rất lớn cho việc chấn hưng Phật giáo thời nhà Minh, mở ra hướng đi mới cho Phật giáo sau một thời gian dài suy thoái. Nhờ cuộc đời tu trì Thiền – Tịnh song tu và công phu hoằng pháp của ngài cùng với các vị cao tăng khác cùng thời, Phật giáo Trung Hoa ngày càng khởi sắc theo tinh thần dung thông, hợp nhất các tông phái.

Đại sư Hám Sơn cũng được coi là người có công đặt nền móng cho tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” (sự hòa hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) khởi phát cho đến ngày nay. Mà ở đó mỗi biến chuyển trong cuộc đời tu hành mẫu mực của ngài là một bài học quan trọng, đáng cho đại chúng suy ngẫm, học hỏi.

Ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ, quan trọng về cuộc đời của đại sư Hám Sơn, cuốn sách còn có nhiều giá trị ở mặt sử liệu, cung cấp những góc nhìn khác biệt về thời cuộc chính trị với nhiều nhiễu nhương, đặt ra câu hỏi Phật giáo hưng thịnh có phải vì có nhiều chùa và đông chư tăng hay không?

Đường Mây Trong Cõi Mộng được GS. John Vu – Nguyên Phong và Hòa thượng Thích Hằng Đạt kỳ công biên tập từ ấn bản tiếng Anh A Buddhist Master In Dreamland của Charles Luk, là bản dịch từ cuốn Hám Sơn Đại sư Mộng du tập và cuốn Chan Master Han Shan’s Autobiography của Lu Kuan Yu (bản dịch từ cuốn Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ), đồng thời khảo cứu nhiều tư liệu lịch sử quan trọng khác về tình hình Phật giáo và triều đại nhà Minh của Trung Quốc.

Đường Mây Trong Cõi Mộng không chỉ ghi chép đầy đủ cuộc đời của Đại sư Hám Sơn mà còn tập hợp 35 bài khai thị của ông – những bài khai thị đã đem lại nhiều lợi lạc cho đại chúng, trong đó có nhiều tầng lớp người dân, tăng nhân, vua chúa.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại sư Hám Sơn được người đời tôn vinh là một trong bốn vị “thánh tăng” đời nhà Minh (Trung Quốc). Lúc sinh thời, Đại sư là người có công lớn trong việc hoằng pháp Phật giáo Trung hoa, giảng giải, in ấn kinh sách, cứu đói dân nghèo. Việc giảng pháp của ngài lúc bấy giờ được đệ tử kể lại: “Chung quanh vùng ấy chưa nghe chánh pháp, nhưng khi ngài về ở không bao lâu, trẻ thơ ba tuổi đều biết niệm Phật”. Việc giảng pháp của ngài cũng vang danh đến mức khiến Từ Thái Hậu (nhà Minh) phải quy y, xin làm đệ tử”.

Tuy vậy, cuộc đời của đại sư Hám Sơn cũng trải qua nhiều biến cố, trong đó có việc đại sư bị vương triều nhà Minh vu oan và ép cung, bắt hoàn tục và lưu đày trong 18 năm ròng rã. Dẫu vậy, Đại sư vẫn một lòng hành Phật sự, vẫn không ngừng công việc giảng pháp, chú giải và in ấn kinh sách Phật giáo, trùng tu tổ đình, hóa giải oan nghiệt ở nhiều nơi như Quảng Châu, Quảng Đông…

Năm 1622, đại sư Hám Sơn đã đến Tào Khê, trùng tu Tổ đình Thiền tông (nơi Lục Tổ Huệ Năng đã từng hoằng pháp), tu tập và giảng pháp tại đó đến lúc mất. Cuộc đời Đại sư để lại nhiều bài học quan trọng, đáng để mọi người – không chỉ với giới Phật tử – suy ngẫm và học hỏi.

Đến nay, những bài khai thị của đại sư Hám Sơn vẫn còn mang lại nhiều giá trị cho những người tu hành theo Thiền Tông và Tịnh Độ tông. Trong bài khai thị về Tịnh độ, ngài viết: “Tham cứu thiền rất khó ngộ, mà niệm Phật lại dễ thành. Nếu như tâm thiết tha vì sinh tử, dùng thâm tham cứu mà niệm Phật, thì lo gì một đời không cắt được sinh tử!”.

Cuốn sách “Đường Mây Trong Cõi Mộng” kể về cuộc đời đại sư Hám Sơn cũng để lại nhiều giá trị về mặt lịch sử cho bạn đọc, đặc biệt trong những buổi đầu triều đại nhà Minh. Cuốn sách cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh đương thời, nơi sự phức tạp của chính trị nhiễu nhương không thể chỉ cảm nhận bằng những thành tựu nhìn được ngay trước mắt.

Nối tiếp “Đường mây trên đất hoa” là tự truyện của một vị danh sư khác của Trung Hoa là Thiền sư Hư Vân, tác phẩm “Đường Mây Trong Cõi Mộng” viết về cuộc đời hoằng pháp đầy gian nan nhưng hào hùng của Đại sư Hám Sơn. Các bài giảng của ngài là cơ hội cho những bạn đọc mong mỏi có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật giáo Trung Hoa và con đường tu hành tinh tấn của các vị tăng sĩ, tiền nhân, để tìm kiếm cho mình sự giác ngộ. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo quý báu cho những ai đang nghiên cứu về Phật pháp và lịch sử Trung Hoa. Cuốn sách còn là nguồn động viên, cổ vũ to lớn cho những Phật tử đang đi trên con đường tìm kiếm và giữ gìn chánh pháp.

Xem xét với bối cảnh Phật giáo ngày nay, những bài học từ cuốn sách Đường Mây Trong Cõi Mộng dường như không mất đi mà càng có nhiều giá trị hơn nữa. Ước mong câu chuyện về cuộc đời hoằng pháp gian nan nhưng hào hùng của Đại sư Hám Sơn được thuật trong sách sẽ góp phần động viên tinh thần những người vẫn đang âm thầm góp công sức giữ mạch Chánh Pháp. Ước mong những lời khai thị giản dị nhưng sâu sắc của đại sư Hám Sơn sẽ giúp cho những người đang trăn trở trên đường tu tập tìm thấy lời giải đáp.

Thông tin dịch giả Nguyên Phong

Tác giả Nguyên Phong

Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).

*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa

*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời  khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.

II. Review sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

Review sách Đường Mây Trong Cõi Mộng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Đường Mây Trong Cõi Mộng – Đại sư Hám Sơn của dịch giả Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NGUYỄN MINH QUỐC review sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

Hay. Nội dung rõ ràng, có tính triết lý. Khả năng phóng tác tài tình của tác giả tiếp tục được phát huy. Quan tâm đến khía cạnh tâm linh tôn giáo thì nên đọc.

2. LOVE STONE review sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

Thấy sách của bác Nguyên Phong là mua luôn nhưng mình thấy cuốn này và cuốn Đường Mây trên đất hoa không thực sự cuốn hút.

Văn phong hơi khó hiểu, nhất là những phần khai thị nhiều từ Hán Việt, từ chuyên về Phật giáo nhưng không dễ hiểu như sách của thầy Nhất Hạnh.

Sách có giá trị nghiên cứu lịch sử Phật Giáo Trung Hoa trong giai đoạn thời nhà Minh.

III. Trích dẫn sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

Trích dẫn sách Đường Mây Trong Cõi Mộng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn sách Đường Mây Trong Cõi Mộng

LUẬN VỀ SỰ CẢM ỨNG

Đức Phật đã dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian đều theo nhau như bóng với hình, không sai chạy chút nào. Tuy nhiên, những kẻ không tin tưởng vào luật nhân quả thì cho đó là lời nói ngoa. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết “An Mạng” (an phận thủ thường) của Khổng Tử nên thường đổ trút tất cả cho số mạng, và chỉ cầu phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai những việc xấu xa tai hoạ. Thật là những kẻ hàm hồ ngu muội.

Thật ra, cuộc đời sanh tử chỉ như một ngày đêm. Khái niệm luân hồi trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) giống như hôm nay và ngày trước. Ví như trong cuộc sống hằng ngày, lúc mời khách đến nhà dự tiệc, thì phải chuẩn bị đặt để thức ăn nước uống cho trang trọng đầy đủ. Nếu có thiếu sót món chi tức là lo lắng không chu đáo. Đó là lẽ tất nhiên.

Cuộc nhân sanh, những việc thọ mạng dài ngắn (chánh báo), gia sản tài vật (y báo), sự nghiệp công danh, cùng phú quý bần tiện đều tuỳ thuộc vào nghiệp nhân đã trồng trong tiền kiếp. Những sự thọ dụng trong đời nay đều không phải từ bên ngoài mang đến, mà hoàn toàn là do tự làm tự hưởng. Vì vậy cổ nhân đã có câu: “Muốn biết nghiệp nhân đời tiền kiếp, hãy nhìn báo ứng đang thọ. Muốn biết quả báo đời vị lai, hãy xem đang làm những gì”. Đa số người đời ỷ vào tài năng học thức để đạt công danh phú quý, nhưng chẳng hề biết rằng việc này khó xảy ra, vì chủ yếu chính là do nhân lành đã tự trồng trong tiền kiếp kết hợp với khả năng tài trí trong hiện tại mới tạo dựng được.

Do đó, nếu vui mừng hớn hở khi được công danh phú quý thì rất sai lầm. Lại nữa, lúc bị người khác phá mất công danh phú quý, liền khởi tâm oán hận, mà chẳng biết rằng phần phước mình chỉ có thế thôi. Phần phước báo bị người khác phá mất thật ra chẳng phải là của mình mà chính vì thiếu nợ người đó nên phải trả. Vì vậy, đau khổ ưu sầu, oán trời trách đất,thậm chí kết thành cừu oán không thể xả bỏ, thì cũng là sai lầm. Do đó, phải nên biết rằng pháp “An Mạng” của Khổng Tử tức là thuyết nhân quả của Phật giáo. Nếu hiểu được lý “An Mạng” thì sẽ chấp nhận rằng sang hèn được mất đều tuỳ thuộc vào nhân xưa, vốn tự làm tự thọ. Nghèo cùng hay hiển đạt, mạng ngắn hoặc dài, đều do nhân đời tiền kiếp chủ định.

Thật vậy, nếu hiểu rõ và tin tưởng quy luật nhân quả, thì sẽ chấp nhận rằng tất cả sự thọ dụng trong hiện tại đều phát xuất từ những nghiệp nhân đã trồng vào đời tiền kiếp, chớ chẳng phải do người khác đem đến, hay nhờ tài trí mới đạt được. Dẫu có đạt được bằng tài trí, thì đó chẳng qua là phần phước của mình. Thế nên, sao lại khổ sở đắm chấp, lao tâm nhọc sức, lo lắng ưu sầu những việc được mất, thậm chí vọng tích bao oán thù! Nếu là người thông minh sáng suốt, thì phải thâm tín nhân quả báo ứng, mà không chấp trước vào những việc đắc thất trong hiện tại, chỉ nên căn cứ theo điều kiện hiện hữu, để trồng nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Ví như người nông dân, phải biết chọn đất phì nhiêu để gieo trồng giống tốt, rồi siêng năng cấy cày, thì nhất định sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa mạ trong mùa thu.

Đức Phật đã dạy: “Cúng dường Phật, Pháp, Tăng thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước thù thắng. Hiếu thảo với cha mẹ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước cung kính. Cứu giúp những kẻ nghèo cùng khốn khổ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước tâm thức”. Tôi hy vọng quý vị sẽ không ưu sầu vế những sự được thua còn mất trong quá khứ, mà chỉ lo gieo nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Nếu quý vị giảm bớt tiêu xài vào những việc phung phí hay vô ích cùng biết tiết chế chi tiêu trong việc ăn mặc, rồi dùng những phần được tiết kiệm trồng trong ba loại ruộng phước ở trên, thì không những đời vị lai được tăng phước đức trang nghiêm mà hiện thế thân an tâm lạc, và trở thành người có phước lành bậc nhất. Nếu thường gieo giống lành vào ba loại ruộng phước bên trên, lại còn biết lưu tâm về Phật Pháp như dùng cách niệm Phật để dẹp trừ tâm vọng tưởng, dùng từ bi để chuyển hoá sân si, dùng nhu hoà để cảm hoá cường bạo, dùng khiêm tốn để chiết phục ngã mạn, thì đó là hạnh của bậc Bồ-tát phát đại tâm. Nếu có tín tâm chân thật, thì xứng đáng được gọi là đại trượng phu dũng mãnh tối thắng

SỰ THIẾT YẾU CỦA VIỆC NIỆM PHẬT CÙNG THAM THIỀN

Người thẩm sát công án niệm Phật, phải đơn độc đề cử một âm thanh “A Di Đà Phật” làm thoại đầu. Nơi đề khởi, phải hạ nghi tình, thẩm vấn xem người niệm Phật là ai. Lại đề cử lại thẩm xét, xem coi rốt ráo người niệm Phật là ai. Quyết bám tựa câu thoại đầu này như thế, thì tất cả vọng tưởng tạp niệm đều bị đốn đoạn, như chặt dây nhợ. Lại không dung dưỡng cho chúng khởi lên, (vì nơi khởi tức tâm liễu giác bị che mất), mà chỉ còn một niệm; đơn độc sáng suốt rõ ràng, như mặt trời lơ lững trên không trung, thì vọng niệm không sanh, hôn mê tự thối tán, tức tịch tịch tỉnh tỉnh.

Đại sư Vĩnh Gia thuyết: Tịch tịch tỉnh tỉnh là phải, Tịch tịch vô ký là sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch là phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng là sai. Đây là dạy rằng tịch tịch mà không lạc vào hôn trầm vô ký. Tỉnh tỉnh mà không lạc vào vọng tưởng. Tịch tỉnh song song lưu hành, và tâm phù trầm đều xả. Xem đến nơi một niệm chưa sanh, thì tiền hậu tế đều đoạn, chính giữa tự cô độc, tức khắc đập thủng thùng nước sơn, bèn thấy bản lai diện mục. Thân tâm thế giới lập tức rơi xuống, như hoa rụng trong hư không. Mười phương tròn đầy trong sáng, thành một tạng đại quang minh. Như thế chính là thời tiết trở về nhà. Nhật dụng hiện tiền, viên minh trong sáng, nên không còn nghi ngờ; tin chắc tự tâm, gốc vốn như thế. Từ trên Phật Tổ, nơi tự thọ dụng, không hai không khác. Đến cảnh giới đó, chớ nên giữ chấp không kiến (thấy không). Nếu giữ chấp không kiến, thì đọa vào ngoại đạo ác kiến. Lại không thể khởi hữu kiến, cùng tri kiến huyền diệu, vì còn hữu kiến tức đọa vào tà kiến. Ngay trong công phu, xuất hiện bao loại cảnh giới, quyết chẳng nhìn nhận chúng; nghe một tiếng quát liền tiêu. Cảnh ác hiện chớ sợ, và cảnh lành chớ vui, vì chúng chính là con ma tập khí. Nếu sanh tâm vui mừng, tức đọa vào đường ma. Phải quán biết đó là hiện cảnh của tự tâm, không từ ngoài vào. Phải biết bổn lai thanh tịnh, trong tâm vốn không có một vật. Gốc vốn không mê ngộ, chẳng nương nơi thánh phàm, thì còn an đắc bao loại cảnh giới sao! Ngày nay vì mê bản tâm này, nên phải dụng công phu, để tiêu ma vô minh tập khí. Nếu ngộ bản tâm xưa nay không có một vật, vốn sáng suốt bao la, thanh tịnh lặng lẽ, thì thong dong tự tại qua ngày, sao còn có công phu nào để hành!

Người thời nay phải tin tâm này, xưa nay vốn không một vật. Như nay dụng công phu, chỉ vì chưa thấy được bản lai diện mục đó, nên phải quyết hạ thủ công phu, thì mới có ngày trở về quê quán. Từ đó mà thẳng bước, thì tự nhiên sẽ có lúc đốn ngộ bản lai diện mục, tức là xuất ra khỏi sanh tử, mãi mãi không nghi ngờ.

KHAI THỊ ĐẠI CHÚNG

Đức Phật trụ thế, thuyết pháp lợi sanh, khiến bốn chúng đều được đắc độ. Ngài tuỳ cơ giáo hoá, mỗi mỗi đều có phương tiện quyền xảo, khiến tất cả mọi loài đều được lợi ích. Thí như trời mưa, cỏ cây đều được thấm nhuần, tuỳ theo loại lớn nhỏ mà được sung túc, sanh trưởng. Thế nên tuy pháp môn có thiên sai vạn biệt, nhưng quay về nguồn thì không hai. Nếu dùng Phật tánh mà quán sát chúng sanh, thì không có loài nào mà chẳng được độ. Dùng tự tâm mà quán xét Phật tánh, thì ai ai cũng đều tu được cả. Song, chúng sanh tự mê muội mà không biết điều này. Lại nữa, vì không có thiện tri thức chân chánh dẫn dắt chỉ dạy, nên phải cam chịu trầm luân, uổng thọ bao khổ não. Vì vậy, lúc Tổ Huệ Năng vừa đến, ngũ Tổ Hoàng Mai liền hỏi: “Ngươi là người xứ nào?” Huệ Năng đáp: “Con là người xứ Lĩnh Nam”. Ngũ Tổ nói: “Người Lãnh Nam mọi rợ lại có Phật tánh ư?”. Huệ Năng đáp: “Người có phân nam bắc, nhưng Phật tánh chẳng hề có hai”. Lời này lưu bố khắp nhân gian, như tiếng sấm nổ, khiến loài sâu bọ phải khiếp đảm. Vùng Lãnh Nam trở thành cội nguồn của thiền đạo Phật Pháp, khiến xuất sanh bao bậc trí giả và ngộ đạo. Từ khi Lục Tổ hoằng hoá, đạo pháp được lưu truyền khắp Trung Nguyên.

Ngày nay, trước cửa môn đình, cảnh tượng tiêu điều, cỏ dại mọc khắp nơi cả ngàn năm. Nhiều người đàm luận cho rằng đó chẳng phải là vùng đất của thiện căn. Đây thật là chưa đạt được ý chỉ Phật tánh. Tôi mong từ ân (của nhà vua) chuyển đến Lôi Dương vào mùa xuân năm Bính Dần. Đến mùa thu năm đó thì đến Ngũ Dương. Trong thành tôi chú giải hoàn toàn bộ kinh Lăng Già. Mùa hè năm Mậu Tuất diễn giảng cho chư đệ tử. Trong mỗi lần ngồi toạ, thấy chư thiện nam tử hậu bối cố gắng mà đến, nên tôi rất mực khen ngợi. Lại có hơn mười vị thiện sĩ lễ bái, khấn cầu thọ năm giới của Ưu- bà-tắc. Tôi vui mừng chấp thuận, nên làm pháp Yết Ma. Họ tự quy tâm ngày một tín thành, và dốc lòng lắng nghe Phật Pháp. Tôi thương cho họ chưa liễu ngộ và chưa biết cách tấn tu công phu tự độ. Vì vậy, tôi dùng niệm Phật tam-muội, dạy họ chuyên tâm nơi tịnh nghiệp, tức là chán chường duyên khổ, mà quy hướng Cực Lạc. Trong kỳ hội mỗi tháng, lập ra quy chế; trong ba thời tu hành xưng danh lễ bái tụng đọc sám hối. Vì muốn tín tâm ngày càng khẩn thành, tội chướng ngày càng tiêu bớt, nên phải phát khởi nguyện vãng sanh. Nếu quả tình hành theo pháp môn này, thì tuy thân tại trần lao, mà có thể bảo rằng sống không hư, chết không phóng túng. Chẳng phải là công hạnh chân thật sao! Phật là giác, tức là Phật tánh của chúng sanh. Vì mê mà làm chúng sanh. Nếu ngộ thì gọi là Phật. Ngày nay niệm Phật, tức tự tánh Di Đà. Cầu vãng sanh cõi Tịnh Độ, tức duy tâm Cực Lạc.

Quý vị nếu thường niệm niệm mà chẳng quên mất, thì tâm tâm Di Đà sẽ xuất hiện, và từng bước lần hồi sẽ vê đến quê hương Cực Lạc. Cần gì vọng mong nơi ngoài mười vạn ức cõi nước, còn có cõi Tịnh Độ để quy hướng! Thế nên, tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Tâm cấu uế thì cõi nước uế trước. Do đó, một niệm ác vừa dấy khởi, thì rừng kiếm cây đao liền vung dậy. Một niệm lành sanh, thì đất báu hồ sen liền hiện rõ. Thiên đường địa ngục, sao lại ngoài tâm này ư! Chư thiện nam tử! Xin hãy suy nghĩ chín chắn; phải luôn thống niệm sanh tử đại sự, vô thường mau chóng.

Một khi mất thân này, thì muôn kiếp khó hoàn phục lại. Mặt trời mặt trăng luôn xoay chuyển, và thời gian chẳng đợi mình. Nếu phụ duyên này, thì lỡ mất cơ hội. Khi đại hạn đến, hối hận chẳng kịp. Quý vị mỗi mỗi hãy nỗ lực. Trân trọng! Trân trọng!

KHAI THỊ VỀ NHỮNG ĐIẾM THIẾT YẾU KHI NIỆM PHẬT

Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh cõi Tây phương Cực Lạc, vốn là đại sự cắt đứt dòng sanh tử. Vì vậy bảo rằng chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là có thể cắt đứt sanh tử. Do đó, ngày nay mới phát tâm niệm Phật.

Song, nếu không biết cội gốc của sanh tử, mà cứ niệm Phật mãi thì cuối cùng sẽ đi về đâu? Nếu niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử thì làm sao cắt đứt dòng sanh tử? Cội gốc của sanh tử là gì? Cổ nhân nói: “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ”. Thế nên, biết rõ ái dục là cội gốc của sanh tử. Khiến tất cả chúng sanh thọ khổ trong sanh tử đều do ái dục. Cội gốc ái dục này không phải chỉ hiện hữu trong một, hoặc hai, ba, bốn đời, mà nó đã tự có sẵn từ đời vô thủy cho đến ngày nay. Sanh sanh thế thế, xả thân thọ thân, đều do lưu chuyển theo ái dục.

Ngày nay, suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm tạm rời cội gốc ái dục này đâu! Hạt giống ái căn, bao kiếp tích luỹ sâu dày, nên khiến sanh tử không cùng tận. Hiện tại, vừa phát tâm niệm Phật, nếu chỉ vọng không cầu sanh Tây phương mà danh tự ái dục (tức cội gốc của sanh tử) lại không biết đến, thì khi nào mới có niệm đoạn được nó? Không biết cội gốc của sanh tử, nên một bên niệm Phật, một bên cội gốc sanh tử lại càng tăng trưởng nhiều hơn. Cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử chẳng quan hệ với nhau. Dẫu niệm cách nào đi nữa, đến lúc lâm chung quý vị chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền. Khi đó lại cho rằng Phật hoàn toàn không có thần lực, nên liền oán trách niệm Phật không linh nghiệm; dẫu sau này có hối hận cũng không kịp.

Vì vậy, khuyên người niệm Phật thời nay, đầu tiên phải biết ái dục là cội gốc của sanh tử. Ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái căn này. Trong cuộc sống hằng ngày, ở nhà niệm Phật; mắt thấy vợ con cháu chắt, gia duyên tài sản, đều không nên đắm trước ái nhiễm, thì làm việc nào và niệm nào cũng đều vì sự sanh tử, và cảm giác như toàn thân đang đứng trong hầm lửa. Lúc chưa biết cách chân chánh niệm Phật, thì niệm ái dục trong tâm chưa có thể xả bỏ. Vì niệm không thiết tha và chẳng biết ái dục là chủ tể, nên chỉ niệm Phật ngoài da. Nếu như thế thì Phật chỉ nghe niệm, còn ái dục thì lại tăng thêm. Lúc cảnh tình của vợ con hiển hiện, phải xoay nhìn vào tâm. Một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt đoạn được ái căn. Không cắt được ái dục thì làm sao đoạn được sanh tử. Do tập khí của duyên ái trong bao đời đã chín mùi mà nay chỉ mới bắt đầu niệm Phật, lại không thiết thật niệm Phật, thì không thể niệm Phật được đắc lực được. Nếu trước mắt không thể kềm chế được ái cảnh thì khi lâm chung quyết không thể tự làm chủ được.

Do đó, khuyên người niệm Phật, việc trước nhất là phải biết vì sanh tử mà thiết tha niệm Phật, tức là phải có tâm thiết tha cắt đoạn sanh tử, và phải dùng niệm niệm mà đốn đoạn cội gốc sanh tử. Lúc niệm niệm đều dứt được sanh tử thì cần gì đợi đến ngày ba mươi tháng Chạp! Đợi đến lúc đó thì đã trễ lắm rồi! Thế nên, bảo rằng trước mắt luôn nghĩ đến sanh tử đại sự. Trước mắt liễu được sanh tử vốn không. Niệm niệm thiết thật, thì đao đao đều chặt đứt. Dụng tâm như thế, nếu không vượt khỏi sanh tử thì chư Phật bị đọa vì tội vọng ngữ! Do đó, người xuất gia kẻ tại gia, biết rõ tâm sanh tử tức là biết rõ thời tiết xuất ly sanh tử, sao còn diệu pháp nào khác nữa!

KHAI THỊ VỀ TỊNH ĐỘ

Đa số các sĩ phu trong đời cận thế đều hướng về tai miệng, phóng túng đàm luận ngọn ngành, cho việc tham thiền là hướng thượng nên bài bác không tu theo Tịnh Độ. Cho đến những đệ tử của tôi, đa phần tập tành theo ngôn cú của chư cổ đức, chỉ có miệng lưỡi lanh lợi, và luôn hướng theo danh tướng, nên Phật Pháp ngày càng suy vi. Không những thực hành chẳng được gì mà lại phỉ báng kinh điển Đại thừa, tức cho là văn tự danh tướng, không muốn thân cận tu học. Gặp những kẻ tri thức u mê thì làm sao tránh được những ngọn sóng cuồng! Thật rất đáng sợ! Đa số họ không hiểu thâm sâu về thừa giáo, và không biết rõ việc độ sanh của chư Phật, vì phương tiện nên mới thuyết ra nhiều pháp môn, nhưng xoay về cội nguồn thì không hai. Thế nhân phải biết môn hạ của chư tổ sư, dùng việc ngộ đạo làm tối thượng, và ngộ tâm làm bổn ý. Muốn ra khỏi sanh tử, niệm Phật chẳng phải là pháp xuất ly sanh tử hay sao? Tham thiền đa số khó ra khỏi sanh tử, mà niệm Phật thì chắc chắn sẽ xuất khỏi sanh tử, không nghi ngờ chi. Tham thiền phải rời bỏ vọng tưởng. Niệm Phật thì chuyên giữ tại tư tưởng.

Chúng sanh đã lâu nhiễm sâu trong vọng tưởng, nên muốn xa rời chúng lại rất khó. Nếu chuyển được vọng niệm ô uế thành vọng niệm thanh tịnh thì đó là cách dùng độc trị độc, tức là pháp hoán đổi. Tham cứu thiền rất khó ngộ, mà niệm Phật lại dễ thành. Nếu tâm thiết tha vì sanh tử, dùng tâm tham cứu mà niệm Phật, thì sao lo gì một đời không cắt được sanh tử! Đối với pháp môn Tịnh Độ, thế nhân dùng mắt mà cân nhắc đo lường, nào biết đó là pháp môn chân thật vi diệu. Hãy xem rõ Ngài Phổ Hiền, dùng pháp giới làm thân, và tu mười đại hạnh nguyện, mà chỉ muốn quy về Tịnh Độ. Tổ sư Mã Minh truyền tâm ấn cho chư Tổ sư, và dùng hàng trăm bộ kinh Đại thừa để viết bộ Luận Khởi Tín, mà cuối cùng lại quy kết về Tây Phương. Chư Tổ sư truyền đăng ở cõi Đông Độ, tuy không nói rõ về Tịnh Độ, nhưng lúc đã ngộ tâm tức đã xuất sanh tử; các Ngài nếu không quy về Tịnh Độ, thì há trở thành đoạn diệt sao!

Ngài Vĩnh Minh hiểu thấu ý nghĩa hết cả đại tạng kinh chỉ quy về nhất tâm, lại cũng quy hướng về Tịnh Độ. Vào lúc Thiền tông cực thạnh, mà Ngài Trung Phong cũng cực lực tán dương cõi Tây Phương. Huống nữa pháp môn này, do đức Bổn sư Thích Ca vô vấn tự thuyết, và mười phương chư Phật đồng tán dương! Há chư Phật, chư Bồ-tát, chư đại Tổ sư lại nói những lời vọng đàm như chúng sanh nghiệp cấu hiện thời sao! Tịnh Công trung niên xả ái mà xuất gia. Đầu tiên theo đại sư Tử Bá tham thiền, và thọ yếu chỉ thiền cơ. Ngày nay đối với pháp môn Tịnh Độ, nguyện tu mà chưa quyết chắc. Vì vậy lão nhân bảo rằng việc này không cần phải hỏi người khác, chỉ xem tự mình có vì việc sanh tử hay không. Tâm phải vì sự sanh tử, như cứu lửa cháy đầu, và chí muốn giải quyết cho xong trong một đời. Ví dụ, một kể bệnh nặng chắc phải chết. Có người tìm được phương thuốc có thể cứu chữa. Nếu người này dùng thang thuốc này, thì có thể cải tử hoàn sanh. Song, chỉ do người bệnh có tâm quả quyết, tin phục vào thang thuốc kia. Không cần phải tìm thang thuốc khác, mà chỉ dùng thang thuốc này, thì tức khắc xuất hạn mồ hôi, rồi bèn sống lại. Lúc ấy mới tinh diệu dụng của thang thuốc này. Thế nên, phải tin chắc pháp môn này, mà chuyên tâm nhất chí. Đến lúc lâm chung, bèn tự biết cõi đó. Hà tất phải hỏi người khác! Hãy cố gắng mà hành. Quyết chẳng để người khác lừa!

……

Trên đây là các trích đoạn trong sách Đường Mây Trong Cõi Mộng – Đại sư Hám Sơn – Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Đường Mây Trong Cõi Mộng - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Đạo - Trạng Thái Và Nghệ Thuật - OSHO

Đạo – Trạng Thái Và Nghệ Thuật – OSHO

"Đạo - Trạng Thái Và Nghệ Thuật" Với Đạo, bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo đề cao cá nhân, không đề cao xã hội. Đạo đề cao sự độc đáo, không đề cao đám đông. Đạo đề cao tự do, không đề cao tiêu chuẩn. Đạo không có truyền thống. Đạo là một cuộc nổi dậy và là cuộc nổi dậy vĩ đại nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.