Hoa Sen Trên Tuyết – Nguyên Phong

Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

Thể Loại Địa danh – Du lịch
Tác Giả Nguyên Phong phóng tác
NXB NXB Thế Giới
CTy Phát Hành Trí Việt
Số Trang 196
Ngày Xuất Bản 03 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Hoa Sen Trên Tuyết

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CHÍNH MÌNH CỦA MỘT TRIỆU PHÚ – CÂU TRẢ LỜI ĐÍCH THỰC VỀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Không phải cuốn sách nói về triết học hay Phật giáo, cũng không hẳn là tự truyện được kể bởi một triệu phú, dù đó là nhân vật chính, Hoa Sen Trên Tuyết là hành trình tìm kiếm bản thân của rất nhiều người. Chỉ để trả lời cho câu hỏi: Câu trả lời đích thực về ý nghĩa cuộc sống là gì?

Trên nền câu chuyện cuộc đời của nhân vật có thật, triệu phú Alan Havey, Hoa Sen Trên Tuyết gieo vào độc giả nhiều điều phải nghĩ. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Mỹ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Alan Havey đã nỗ lực rất nhiều để làm việc, học tập và đạt được những thành công nhất định: biệt thự lộng lẫy bên bờ Michigan, căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon, du thuyền, tài khoản kếch xù trong ngân hàng và một cô vợ đẹp như diễn viên điện ảnh… Cuộc sống đầy đủ cứ thế diễn ra cho tới khi những biến cố lần lượt đến trong cuộc đời: ông phát hiện bị ung thư; một số khoản đầu tư bị thua lỗ và sự nghiệp của ông có chiều hướng đi xuống. Và, người vợ – cũng là niềm tự hào của ông với mọi người đòi ly hôn để chia tài sản…

Tại sao ông lại phải gánh chịu những việc như vậy trong khi ông đã dành phần lớn thời gian, công sức của mình để làm việc và nỗ lực? Ông để vợ ông có cuộc sống tốt nhất nhưng cuối cùng ông vẫn bị bỏ rơi với hàng loạt cáo buộc? Thực sự, sống tốt, sống lành là tốt hay không? Câu trả lời  rằm ở hành trình ông rời bỏ những bế tắc, theo lời khuyên của một người bạn, để thực hiện một chuyến du lịch “không mục đích” đến Dharamsala – nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng chục nghìn người Tây Tạng đang tị nạn. Cả cuốn sách là những ghi chép tỉ mỉ về hành trình của ông, những người ông gặp để từ đó, mang đến lời giải đáp cho câu hỏi của chung rất nhiều người: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”.

Không trung thành với nguyên tác, với sự am hiểu sâu sắc về văn hoá Đông phương, thông tuệ triết lý nhà Phật, giáo sư John Vũ – Nguyên Phong phóng tác lại Hoa Sen Trên Tuyết khá thành công. Bằng lối kể gần gũi, chân tình để những trải nghiệm và cảm xúc của Alan Havey, người đã từng đứng ở đỉnh cao trong nấc thang địa vị cuộc đời được truyền tải, chạm đến hầu hết người đọc. Bất kỳ ai cũng sẽ tìm thấy bản thân mình ở một khía cạnh nào đó qua lời kể của Allan.

Đọc Hoa Sen Trên Tuyết độc giả cũng sẽ hiểu thêm về đời sống nơi văn hóa tâm linh đang diễn ra ở vùng tuyết sơn Tây Tạng. Suốt hành trình của vị triệu phú, câu thần chú Om Mani Padme Hum xuất hiện hàng nghìn lần, ở khắp mọi nơi và đi sâu vào đời sống của người dân Tây Tạng. Om Mani Padme Hum là câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng và nó có nghĩa là “Hoa Sen Trên Tuyết”. Người Tây Tạng tin rằng, gió sẽ giúp họ lan truyền điều tốt đẹp, linh thiêng đến mọi nơi, muôn loài. Vì vậy họ khắc nó trên đá, trên gỗ, dệt trên vải… và cầu nguyện ngay cả khi đang đi trên đường hay ngoài chợ….

Xuất hiện câu thần chú này nhiều lần trong tập sách, có lẽ, người kể chuyện, Alan Havey, những mong, những tốt lành này cũng sẽ đến với mọi người.

Thông tin dịch giả Nguyên Phong

Tác giả Nguyên Phong

Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).

*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa

*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời  khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.

II. Review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Review sách Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Hoa Sen Trên Tuyết của dịch giả Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. T R A N review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Tôi nhớ lần gần đây, đi đến Núi Đá Dựng ở Hà Tiên, có một chỗ gọi là hang Trống Ngực – một nơi để leo lên và đánh vào ngực mình nhằm nghe tâm của ta vang vọng bao xa, có những uất ức, nỗi niềm gì hay không và quan trọng là chúng ta có thực sự đã hiểu và tìm ra bản ngã của chính mình chưa. Cảm giác đó cũng giống như khi đọc “Hoa sen trên tuyết” vậy, là một hành trình hiểu về cái tôi, hiểu về tâm hồn và giá trị của chính bản thân mình giữa cuộc đời vô thường này. Dù lấy nền tảng là cuộc đời giàu sang của triệu phú Alan Havey nhưng quyển sách không nói đến triết lý làm giàu hay bí quyết thành công mà đề cập đến những ngã rẽ, những bi ai và mệt mỏi mà đời người phải trải qua để từ đó, chúng ta nhận ra giá trị sống hiện diện ở thực tại này.

Khi đọc quyển sách này, tôi cảm nhận được khía cạnh tâm linh và văn hóa của vùng đất Tây Tạng. Cảm giác được sự linh thiêng và cả những góc độ văn hóa hoành tráng, huyền thuật của nơi này mà tác giả đã truyền tải. Tự hỏi rằng tại sao yếu tố ấy lại có thể đem đến niềm tin và sự thành công cho con người đến như vậy? Khi biết đến sự tồn tại của câu thần chú Om Mani Padme Hum, không hiểu sao tôi cũng có chút tin tưởng như khi niệm câu: A Di Đà Phật. Và rõ ràng tác giả đã lấy lời dịch của câu thần chú ấy để làm tựa đề cho quyển sách này như một nguồn hy vọng, một nguồn cảm hứng bất tận truyền tải đến cho bạn đọc gần xa. Tôi thật sự thích văn phong của quyển sách này, cảm thấy mọi ngôn từ đều mang tới những điều thiện lành và tốt đẹp. Đối với tôi thì quyển sách này thật ý nghĩa.

2. TUẤN HÀ LÊ review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Có lẽ vì đã đọc Trái Tim Của Bụt (bản tiếng Anh: The Heart of Buddha’s Teachings) nên mình cảm được cuốn “Hoa sen trên tuyết” này khá nhiều (so với việc chỉ đọc cuốn này). Những lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho vị y sĩ từ Hoa Kỳ đó cũng thật như những gì thầy Thích Nhất Hạnh thuật lại trong tác phẩm kia. Vì đó đều là những điểm căn bản mà đức Phật truyền lại cho các đệ tử. Giống gì thì nhiều lắm, xin trích một điểm thôi, đại loại là: “Học xong rồi thì quên nó đi. Hãy vận dụng và thực tập nó. Nếu chúng ta cố nhớ thì nó chỉ như một mớ lý thuyết vô nghĩa chứ chẳng có tác dụng gì hay thậm chí còn là trở ngại trên con đường diệt khổ.”

Phần khác cho thấy bối cảnh lịch sử của Tây Tạng và Mật Tông ở đây, một số chi tiết thú vị có thể xây đắp nên cái niềm tin của chúng ta về sự hiện hữu của những quy luật vũ trụ.

Thực ra có nhiều bài học lắm mà ta không thể nắm bắt hết qua một lần đọc. Tính ra thì cuốn này nội dung hay, không bị nặng về những lý thuyết mới nên cũng vì đó mà nhiều người thấy nó ít ỏi thông điệp.

Nhưng chính vì vậy đọc mới hấp dẫn, còn nếu muốn nhiều bài học thì nên đọc những cuốn như đầu mình đề cập đó hoặc các cuốn kinh. Thực sự những cuốn sách đó phải suy ngẫm rất nhiều.

Enjoy!

3. JULES T review sách Hoa Sen Trên Tuyết

“Hoa sen trên tuyết” là phóng tác thứ hai của Nguyên Phong mà mình tìm đọc. Vẫn với lối viết nhẹ nhàng, gần gũi nhưng không kém phần hấp dẫn, tác giả đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống, văn hóa, lịch sử và đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng dưới góc nhìn của chính nguời dân bản địa lẫn du khách đến từ phương Tây.

Từ băn khoăn của một y sĩ vốn có tiếng tăm và địa vị trong xã hội, một người như bao người trong chúng ta “đã lăn vào đời trước khi có thì giờ tìm hiểu về cuộc đời và bây giờ đã ở giữa dòng đời, đã bị ràng buộc bởi công ăn việc làm”, tác giả đã dẫn dắt độc giả đến một hành trình đầy sống động về cả mặt địa lý và tâm linh nơi mà “thời gian không thể giúp bạn nếu bạn không ý thức rõ ràng về con đường của mình”…

Ngoài biết thêm những kiến thức về Tây Tạng qua các triều đại vua thịnh – suy khác nhau, với những kinh điển truyền thừa từ đời này qua đời khác, từ xứ này qua xứ khác; mình cảm nhận được người dân nơi đây mộc mạc lắm, kiên trì lắm, sức sống bền bỉ của họ trước những cam go thời cuộc, trước những đợt di tản gian nan tựa những đóa sen vươn lên không ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, một điểm buộc người đọc không khỏi suy nghĩ là “theo thời gian, ai chẳng phải thay đổi…”. Và người Tây Tạng tị nạn hiện nay cũng không ngoài quy luật đó? Phải chăng trong khi những người phương Tây đang dần tìm về đây để tìm câu trả lời cuộc sống từ trong nội tâm, lại là lúc một số người địa phương bắt đầu chạy theo ảo ảnh thế giới bên ngoài? Phải chăng “thời thế đã thay đổi và đã đến lúc người Tây Tạng phải mở mắt nhìn thẳng vào thực tế. Họ sống thầm lặng quá lâu rồi, đã đến lúc họ phải thức tỉnh và hòa nhập với đời sống bên ngoài”? Câu hỏi của chàng thanh niên Tây Tạng mới lớn với ước mơ đến California đổi đời cũng gợi cho tác giả nhiều suy tư “ Đấy bạn xem, trên đời này đâu có gì tuyệt đối, đâu có ai mà không đòi hỏi gì đâu?”… để rồi tác giả cũng lại gửi gắm một chút niềm tin qua giọng quả quyết của Tashi – một người con Tây Tạng chính gốc “ theo thời gian việc gì rồi cũng thay đổi, một ngày nào đó Tây Tạng sẽ trở lại với chính họ”.

Ở đây cá nhân mình đồng quan điểm với tác giả “cuộc sống thật ra rất đơn giản, nó chỉ là tấm gương phản ánh thái độ của mình đối với cuộc sống” và việc chúng ta cần là hãy cảm nhận cuộc sống như nó đang là và sống thực với mình.

4. LÊ THÀNH TRUNG review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Lê Thành Trung review sách Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Vẫn là ngôn ngữ tâm linh của bác Nguyên Phong hấp dẫn và đầy lôi cuốn. Sách nói về tâm linh đi tìm cho câu hỏi ý nghĩa thật sự của cuộc đời này là gì dưới góc nhìn của nhiều người. Từ một doanh nhân thành đạt đến một thầy tu từ nhỏ, những cuộc trò chuyện với các vị lạc ma. Điểm một số ý hay:

  • Phương pháp tu sửa Thân – Khẩu – Ý cho trong sạch, thiền định và suy ngẫm về vô ngã rồi phát triển lòng từ bi đến muôn loài. Khi ta thay đổi, hoàn cảnh chung sẽ thay đổi theo và thế giới sẽ không còn là một cái gì phiền toái nữa mà trở nên thân mật hơn….trưa viết tiếp
  • Công phu thiền định, suy nghẫm, trải nghiệm tâm linh>>> vô ngã – quyền năng chuyển hóa, chữa lành, quyết định đời sống ở kiếp sống, nó chỉ có thể sử dụng để giúp đỡ người khác, kg vụ lợi, đem lại sự tốt đẹp cho muôn loài. Chỉ những người có ý thức được chính mình mới có thể sử dụng quyền năng đúng với ý nghĩa của nó.
  • Tu nhập thất: ta có thể suy nghẫm rất nhiều khi nhìn vào một vách đá trơn tru, quán chiếu về sự rỗng lặng, sự đau khổ, hư hoại, sinh tửluân hồi, xem xét từng viên sỏi, từng hạt bụi bám trên vách đá.
  • Càng thiền định, càng phải quên đi những gì thuộc về sách vở và tri thức. Bởi kiến thức chúng ta sở hữu nhiều khi như một tờ giấy nháp “đầy chữ”.
  • Có ba con đường tu: tiểu thừa, đại thừa và kim cương thừa.

5. TRANG NGUYÊN review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Vẫn là Tây Tạng nhưng là Dharamsala – Lhasa thu nhỏ.

Cuốn này do bác Nguyên Phong phóng tác, nhưng phóng tác từ cuốn nào thì mình chưa biết.

Cuốn này dưới lời kể của một y sỹ giàu có, sau khi mất gần như tất cả những gì mình gây dựng thì ông mới quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống nằm ở đâu.

Lời kể mộc mạc, nội dung gần như là hệ thống lại các kiến thức về Phật học Tây Tạng (Tiểu thừa, Đại thừa, Kim Cương thừa).

Điểm nhấn của cuốn này là tư tưởng kiến thức từ chương không đem lại gì nếu không biết đặt tâm vào mà thực hành.

Trải nghiệm tâm linh mỗi người một khác, không thể dùng ngôn từ diễn đạt được.

Ý nghĩa nằm ở trạng thái “không”, không mong cầu, không tiếc nuối… Buông bỏ được thì sẽ được giải thoát =).

Mình thấy giọng viết cuốn này rất chân thật, nhân vật giống như một người bạn chưa từng gặp nhưng nếu gặp thì mình sẽ thoải mái mà chia sẻ mọi quan điểm và sẵn sàng lắng nghe học hỏi, không phát xét!

6. NAM LAI review sách Hoa Sen Trên Tuyết

“Nếu bạn không áp dụng các căn bản Giới, Định của Tiểu Thừa (Phật ở Myanmar) để tự độ thì khó có thể đi vào con đường phổ độ của Đại Thừa (Phật ở Trung Quốc), và nếu thiếu đi lòng Từ Bi của Đại Thừa thì không thể đi vào con đường Trí Tuệ của Kim Cương Thừa (Phật ở Tây Tạng). Điều quan trọng cần biết là cả ba con đường tuy thế vẫn chỉ là một (Nhất Thừa), vì cả ba đều chỉ là một sự tiếp diễn không ngừng, không có khởi đầu hay chấm dứt mà thực ra nó là một cái vòng tròn, trong đó ba con đường đến Giác Ngộ có thể ví như những sợi chỉ ba màu cùng quấn lại.

Và 4 điều mình rút ra áp dụng cho bản thân để luyện tập là:

  1. Tu sửa Thân – Khẩu – Ý cho trong sạch
  2. Thiền định và suy ngẫm về vô ngã
  3. Phát triển lòng từ bi đến muôn loài
  4. Quên đi để không bám víu hồi tưởng trải nghiệm tâm linh

7. HOA CỎ MAY review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Hoa Cỏ May review sách Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Hoa Sen Trên Tuyết” nói về nhân vật chính là một tỷ phú người Mỹ còn khá trẻ, sau khi trải qua một loạt biến cố trong đời như : bị ung thư phải trị xạ, rồi công ty làm ăn thua lỗ, cô vợ xinh như diễn viên bỗng đòi li dị và chia tài sản…thì anh này cảm thấy cuộc đời không còn gì…và bắt đầu tự hỏi Ý nghĩa của cuộc đời rốt cục là gì ?.

Trong sự mông lung vừa tuyêt vọng vừa mệt mỏi…a đã chọn đi du lịch một tới một địa danh hẻo lánh đó là Drahamsala, một vùng đất nghèo nàn và lạc hậu nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ.

Trong chuyến đi…a đã gặp những người bạn mới , có người là nhà nghiên cứu, có người là học giả, người tu hành đã hoàn tục… vv Nhưng điều quan trọng nhất là cuộc gặp gỡ đầy nhân duyên của anh với một vị Đạt Lai Lạt Ma, người đã thấu hiểu tột cùng lý ” Bát Nhã” và khi qua miền đất này anh mới hiểu vì sao người Tây Tạng luôn sống theo chủ trương ” bất bạo động” …và cuối cùng sau tất cả những trải nghiệm của chuyến đi…a đã tìm ra được câu trả lời cho đời mình..và a quyết định ở lại đó một thời gian để tu tập và thiền định.

Tác phẩm này có những phần miêu tả sinh động về đời sống và lịch sử hình thành đạo Phật trên vùng đất Tây Tạng và những thăng trầm của đạo Phật trên vùng đất này.Nếu như ai là phật tử của phái Mật Tông thì sẽ vô cùng thích thú những chương này.

Và sau cùng là những cảm nhận hết sức sâu sắc của những nhân vật trong truyện, họ là những nhà nghiên cứu nhiều năm về đạo Phật..và chỉ khi đến được vùng đất này…được lãnh hội những tư tương thâm sâu về Đạo Phật của các vị Lạt Ma…thì họ mới hiểu “mớ kiến thức mà mình đã nghiên cứu kia” mãi chỉ là bức tường chắn làm họ chỉ mới đứng bên ngoài mà ko thể tiến sâu vào đạo được. Đọc đến đây tôi chợt nhớ tới Thầy của mình…và thầm biết ơn Thầy khi lúc trước Thầy cũng bắt tôi gạt bỏ những kiến thức vô nghĩa mà mình đã biết…để nhìn đạo Phật một cách thực tế, đơn giản và chân thực nhất.

Sau cùng con xin được gửi lời tri ân đến Thầy Thích Giác Định, người Thầy đạo hạnh luôn ân cần chỉ bảo các đệ tử. Thật là phước báu lắm kiếp này mới được gặp các bậc thiện tri thức !

Nào cách bạn, những ai đang đi tìm câu trả lời cho cuộc đời mình…hãy đọc cuốn sách này nhé !

8. KIM THOA LE review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Tên sách tiếng việt là Hoa sen trên tuyết mà nguyên bản lại là The Wheel of Life. Mình cũng ko rõ ý của Phóng tác lắm, cơ mà đọc sách thì vẫn ấn tượng về những viên đá tạc câu thần chú: “Om Mani Padme Hum” 😀

Tóm tắt nội dung một chút, sách là tự truyện của một y sĩ triệu phú người Mỹ giàu nghị lực (và lòng tham) đến tuổi gần già mắc bệnh nan y, bị cô vợ xinh đẹp ly hôn mới bắt đầu tự hỏi mình sống để làm gì. Gặp lại người bạn thân rất thân hồi xưa, nay là tu sĩ Phật giáo, được bạn vạch đường đến Dharamsala để biết đâu gặp được quý nhân nào đó giúp trả lời. Rồi “tôi” làm thật, chứng kiến cuộc sống tị nạn của dân tộc Tây Tạng, may mắn được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngộ ra vài thứ và rồi ở lại Dharamsala.

Mình tin bất kỳ ai cũng sẽ tìm thấy bản thân mình ở một khía cạnh nào đó qua lời kể của nhân vật tôi 😀! Mn cùng đọc nhé!

9. LIZZ D review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Không rảnh lắm nhưng mà xui khiến sao đó mà mình lại gửi bài cho cuộc thi viết review sách, xong được tặng quyển hơi bị hay ho này. Cũng không uổng công.

Nếu hỏi nội dung sách nói gì thì thực ra mình cũng không biết mô tả sao nữa, chẳng có gì hết! Chỉ đơn giản một câu hỏi: ý nghĩ cuộc sống của bạn là gì? bạn đã thực sự sống chưa? Hỏi đơn giản vậy thôi chớ có mấy ai đã tự trả lời được câu hỏi tưởng chừng như quá dễ này?

Nay mới biết câu chú nổi tiếng “Om mani padme hum” nghĩa là viên ngọc trong hoa sen.

Muốn đi Tây Tạng quá mà đọc xong giờ muốn đi Dharamsala hơn, Tây Tạng giờ có còn là Tây Tạng nữa?

10. SAM PHAM review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Theo tôi, cảm nhận của mỗi người về cuốn sách sẽ là rất khác nhau. Tùy vào từng trải nghiệm cá nhân mà cách hiểu hay khả năng hiểu cũng là mỗi khác. Tôi không muốn ‘gieo mầm’ suy nghĩ của mình lên người khác, đặc biệt là đối với những cuốn sách về tâm linh như thế này. Có lẽ cũng bởi bản thân tôi vẫn luôn không rõ về cảm xúc của chính mình khi đọc cuốn sách. Một chút gì đó chờ mong, vui sướng, tự hào, buồn bã, thất vọng… Nhưng nhiều hơn cả là sự mờ mịt về tương lai mà tôi cần bước tiếp… Con đường mà tôi chọn?

11. HUONG DIU NGUYEN review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Hành trình đi tìm lý tưởng sống của một vì bác sĩ, đi tìm chính mình. Cho mình biết về Kim Cương Thừa và vì sao phật giáo tại Tây Tạng lại bị biến đổi. Ghét tung của. Không phải tự nhiên mà Tq giấu Covid để rồi giờ cả thế giới đnag lo xử lý dịch trong nước thì nó đi đánh chiếm biển đông, đánh nhau với ấn độ…. nhìn lại thấy rằng tình yêu thương vô điều kiện là điều cần nhất trên thế giới này!

12. NUONG TRAN review sách Hoa Sen Trên Tuyết

Mình đã đọc một lần và dự định sẽ đọc lại một lần nữa. Cuốn sách đưa bạn hiểu hơn về văn hóa Tây Tạng, về Phật giáo. Đặc biệt, những lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma cực kỳ thấm. Những câu nói cứ văng vẳng sau khi mình đọc xong cuốn sách. Vẫn cảm thấy có cái gì đó thôi thúc cần đọc lại một lần nữa.

III. Trích dẫn sách Hoa Sen Trên Tuyết

Trích dẫn sách Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong sách Hoa Sen Trên Tuyết

“Từ trước đến nay câu hỏi về cuộc đời vẫn là những câu hỏi lớn, đòi hỏi một nỗ lực phi thường để trả lời.
Trong đà sống quay cuồng, có khi nào chúng ta biết dừng lại để đặt câu hỏi về cuộc sống? Tại sao chúng ta lại sống như vậy?…
Nếu chúng ta không tìm được một câu trả lời thỏa đáng thì có thể cuộc đời chúng ta chỉ vật vờ sống như chiếc lá nổi trôi, lềnh bềnh trên mặt nước, chịu sự lôi cuốn của dòng đời.
Nếu chúng ta không thành thật với chính chúng ta thì có lẽ cuộc đời chỉ là những vở kịch, mà chúng ta chỉ là những diễn viên bắt buộc phải diễn xuất cho đến lúc màn hạ.”

“Chân lý chỉ là một thứ hàng hóa như tất cả mọi hàng hóa khác, nghĩa là lên xuống theo chu kỳ kinh tế. Lúc này mức “cầu” có vẻ nhiều mà mức “cung” lại chả bao nhiêu nên “Chân lý” bán đắt như tôm tươi… Nếu công ty điện tử của ông nhà tôi mà suy sụp, tôi sẽ đổi tên thành “Holy Bertha” đi rao bán “Chân lý” cũng khối người mua…”

“Khi nghe các bậc đạo sư nói tôi cũng thấy hay lắm chứ, chúng ta phải mở rộng lòng yêu thương đến tất cả, thương yêu mọi người như anh em ruột thịt. Nhiều lúc tôi cảm động muốn khóc và chỉ muốn thực hành y như điều đó nhưng khổ nỗi khi về nhà đầu óc tôi cứ quanh quẩn với những vấn đề như con nhỏ thư ký có ăn cắp gì trong nhà không? Mấy đứa đầu bếp có ăn gian tiền chợ không? Mấy người hùn vốn làm ăn với nhà tôi có lừa gạt gì không? Do đó, dù muốn nhưng có lẽ tôi không tu được…”

Trích đoạn Chương 1 – Hoa Sen Trên Tuyết

Tôi là một y sĩ, một người được coi như là có giáo dục trong xã hội. Từ nhỏ tôi đã được hướng dẫn để trở thành một chuyên viên, gia đình nuôi nấng tôi, trường học giáo dục tôi những kiến thức chuyên môn. Dĩ nhiên những điều này rất cần thiết để mưu sinh nhưng tôi không hề được chuẩn bị để đối phó với những điều còn lớn lao, mênh mông hơn là đời sống. Tôi không ý thức rằng sự học hỏi và được dạy bảo khác nhau rất nhiều. Sự học hỏi tiếp tục trọn đời, nhưng sự dạy bảo chỉ kéo dài cho đến khi tôi rời khỏi trường học. Tôi nghĩ rằng với khả năng chuyên môn, bằng cấp, địa vị, danh giá, tiền bạc… tôi có thể làm tất cả mọi sự, nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy. Tất cả những gì tôi được dạy bảo chỉ thích hợp với một khuôn mẫu đã vạch sẵn, trong một môi trường trật tự; song, đời sống không phải chỉ là sự lặp đi lặp lại những khuôn sáo đó mà còn rộng lớn hơn nhiều.

Mặc dù tôi vẫn trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, giao thiệp với những nhà bác học thông thái nhưng điều này không giúp gì cho tôi trong việc tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời. Tôi đã đọc vài cuốn sách đề cập đến những cuộc cách mạng nhằm thoát ra khỏi các trật tự thông thường vì các khuôn sáo cũ đã không đem lại cho thế giới điều gì ngoài chiến tranh, thù hận, bóc lột, bất công; nhưng tôi không thấy cái khuôn sáo mới này có gì khác hơn là đi rập theo những vết xe cũ, nếu có gì khác thì chỉ là những danh từ nghe rất kêu như “văn minh, tiến bộ” v.v…

Xuất thân từ một gia đình bình thường với người cha nát rượu, người mẹ bận rộn với những chuyện không đâu, người anh nghiện ma túy và em gái chưa trưởng thành đã làm mẹ của nhiều đứa con khác cha, tôi chỉ có một động lực duy nhất là làm sao thoát khỏi hoàn cảnh bần cùng bế tắc đó.

Giải pháp đầu tiên của tôi là trở thành một cầu thủ giỏi để kiếm thật nhiều tiền. Điều này đã không xảy ra như ý muốn vì ngay thời gian đầu tại trung học, tôi đã bị gãy chân trong một trận bóng. Bỏ mộng trở thành cầu thủ, tôi dồn hết sức vào việc học y khoa và đã toại nguyện.

Tôi từ bỏ thành phố bẩn thỉu với những nhà máy cũ kỹ quanh năm nhả đầy khói đen, từ bỏ gia đình nghèo xơ xác không một chút luyến tiếc, để xây dựng cuộc đời tại một đô thị nguy nga tráng lệ. Tôi lăn vào cuộc sống mới với tất cả nhiệt thành, hăng hái của tuổi đôi mươi, với danh vọng, địa vị và tài sản như phần thưởng cho những ngày tháng cực nhọc miệt mài bên đèn sách, như đền bù cho thuở thiếu thời có nhiều sự thèm muốn.

Sự thành công đến với tôi một cách dễ dàng. Tôi làm chủ một biệt thự lộng lẫy bên hồ Michigan, một căn nhà nghỉ mát trên núi Vernon, một chiếc du thuyền, một tài khoản kếch xù trong ngân hàng và có một người vợ thật đẹp như tài tử điện ảnh.

Để được như thế, tôi đã làm việc gấp ba gấp bốn người thường nhưng tôi không màng vì cơ hội kiếm tiền như thế này không phải dễ. Xuất thân từ một gia đình nghèo, tôi biết rất rõ giá trị đồng tiền cũng như những điều mà đồng tiền có thể mang lại. Ai mà chả phải lo sinh kế và thích hưởng một chút tiện nghi trong cuộc sống.

Để bảo đảm cho tương lai, tôi đầu tư rất nhiều; và để có tiền đầu tư, tôi phải làm việc nhiều hơn nữa cho đến một hôm kiệt sức phải nằm dưỡng bệnh ít lâu. Điều này cũng không hề chi vì ai chả có lúc phải đau ốm, dù người đó là một y sĩ. Cuộc kiểm tra sức khỏe bất ngờ cho thấy tôi bị bệnh ung thư.

Một người đang nhiệt thành sống như tôi mà bị ung thư? Tại sao cuộc đời có thể bất công như vậy? Tôi đã oán trời, trách đất và trải qua một thời gian khủng hoảng nhưng sau cùng tôi cũng can đảm chấp nhận việc chữa trị. Sau cuộc giải phẫu, tôi dọn về căn nhà nghỉ mát tại Mt. Vernon dưỡng bệnh nhưng chỉ vài tháng sau, một biến cố khác đã xảy ra – cuộc đầu tư của tôi và một số bạn hữu không đem lại kết quả như ý, tôi còn bị truy tố vì liên hệ với một công ty sắp bị phá sản. Phải mất rất nhiều tiền cho các luật sư danh tiếng tôi mới không bị liên lụy nhưng rồi một biến cố nữa lại xảy ra – Amy, người vợ lộng lẫy như tài tử điện ảnh, niềm hãnh diện lớn nhất của tôi với bạn bè, đã đòi ly dị.

Trước tòa, luật sư của Amy đã dẫn chứng việc đau ốm bệnh hoạn của tôi, những khó khăn về tài chính mà tôi gặp phải và đưa ra hình ảnh một người chồng chỉ biết say mê làm việc mà không thèm đoái hoài gì đến người vợ trẻ đẹp cô đơn. Tôi bật cười trước lời buộc tội có tính cách “tiểu thuyết” của vị luật sư nhưng quan tòa lại không nghĩ vậy. Họ tin rằng người đàn bà vẫn tiêu vài chục ngàn Mỹ kim trong những buổi mua sắm cuối tuần tại Bloomingdale, là nạn nhân của một sự ngược đãi.

Tôi bèn đáp trả lại với một lực lượng luật sư hùng hậu và cuộc ly dị của chúng tôi đã gây ra khá nhiều ồn ào trong dư luận.

Lúc đó, bệnh ung thư của tôi lại tái phát khiến tôi trở vào bệnh viện. Việc hóa trị làm tôi vô cùng mệt mỏi, không thể quyết định sáng suốt nữa, thần kinh tôi căng thẳng cực độ trước những lời tố cáo qua và phản kháng lại. Sau cùng, vì lý do sức khỏe, tôi đành buông xuôi chấp nhận mọi sự. Cuộc ly dị tốn kém chấm dứt. Amy làm chủ căn biệt thự bên hồ Michigan và một số tài sản khác.

Trong sự tuyệt vọng cùng cực của kẻ đau ốm gần đất xa trời, vừa nếm mùi thất bại vừa mất đi những gì yêu quý nhất, tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.

Khi còn ở tiểu học, tôi có một bộ Bách khoa Toàn thư Britannica. Tôi rất thích bức ảnh một rặng núi cao ngất, phủ đầy tuyết trắng tên là Himalaya. Bức ảnh rất bình thường, không có một đặc điểm nghệ thuật gì nhưng không hiểu sao nó toát lên sức hấp dẫn kỳ lạ đối với một đứa bé như tôi. Đã có lúc tôi nuôi mộng ngao du đến châu Á để thăm ngọn núi này. Tôi mơ hồ rằng chỉ tại đấy tôi mới tìm được điều mình muốn nhưng thật ra tôi vẫn không biết mình muốn tìm cái gì? Dường như giữa tôi và rặng Himalaya có một sợi dây vô hình ràng buộc, một thứ tình cảm thân mật mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại thấy trong lòng trào dâng cảm xúc. Phải chăng đó là máu phiêu lưu mạo hiểm, một cảm giác mơ mộng thường thấy ở những chàng thanh niên đang tuổi mới lớn hay còn điều gì khác?

Giấc mơ ngao du châu Á dần phai nhạt khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Những cuộc hẹn hò, những chiếc xe hơi thể thao và những trận bóng bầu dục ít nhiều đã chi phối đầu óc của tôi. Tuy nhiên, mỗi khi nghe nói đến từ “Himalaya” thì tôi lại thấy bồi hồi xúc động và hình ảnh rặng núi cao vút ấy lại xâm chiếm đầu óc tôi vào một khoảnh khắc nào đó.

Trong sự tuyệt vọng chán chường, tôi thầm nhủ có lẽ mình phải làm điều gì đó để quên đi tất cả, như một chuyến du lịch đến Himalaya chẳng hạn.

Chương trình du lịch của tôi phải tạm gác lại vì việc điều trị còn kéo dài, nhưng tôi đã dán ngay bức ảnh rặng núi này lên bàn làm việc như để nhắc nhở rằng tôi sẽ không quên nó. Nhưng tôi lại suýt quên vì sau khi hoàn tất việc điều trị, khi kết quả xác nhận rằng các tế bào ung thư đã ngưng “tác oai tác quái” thì tôi lập tức lao đầu vào công việc bận rộn của một y sĩ; nhưng may mắn thay, tôi đã gặp Dennis Kranz.

Tôi biết Dennis từ hồi học trung học. Đẹp trai, con nhà giàu, làm tiền vệ cho đội bóng bầu dục của trường. Chúng tôi thân nhau vì có cùng sở thích, nhưng có lẽ phải nói rằng tôi bị thu hút bởi khả năng lãnh đạo và tâm hồn phóng khoáng của Dennis nhiều hơn. Khi lên đại học, Dennis chuyển sang chơi nhạc. Cậu ấy tự soạn nhạc và nuôi mộng trở thành ca sĩ. Tôi không biết có bao nhiêu con tim nữ sinh đã thổn thức, đã xao động vì cậu ta. Ít lâu sau, Dennis bỏ học đi du lịch vòng quanh thế giới, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được những lá thư của cậu gửi về từ những địa danh xa lạ như Fiji, Kathmandu, Djibouti hay Timbuktu. Đối với tất cả bạn bè chúng tôi trong trường, Dennis là một thần tượng có lối sống ngang tàng, một mẫu người từng trải mà ai cũng muốn được như vậy. Đã nhiều năm nay, tôi không nhận tin tức gì của Dennis nhưng tôi vẫn luôn luôn hình dung một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, thân hình vạm vỡ nằm phơi nắng bên cạnh những thiếu nữ xinh như mộng ở một nơi chốn thần tiên nào đó.

Hôm đó, sau khi đưa một người bạn ra phi trường, tôi nghe có ai gọi tên mình và thấy một tu sĩ mặc áo nâu, đầu cạo trọc mỉm cười bước đến. Phải mất một lúc khá lâu tôi mới nhận ra Dennis, người bạn thân nhất của tôi năm nào. Dennis mừng rỡ:

– Thật bất ngờ khi gặp lại bạn ở đây, lúc này bạn thế nào?

Tôi vẫn ít nhiều sửng sốt:

– Tôi không biết… nhưng bạn thì sao?

– Tôi rất sung sướng, không phải lúc nào tôi cũng thoải mái như hiện nay.

Tôi nhìn kỹ vị tu sĩ trước mặt mà không thể tin nổi đó là Dennis, cầu thủ bóng bầu dục, ca sĩ nhạc kích động, người nghệ sĩ đào hoa nhất trong đám bạn bè.

– Nhưng… tại sao bạn lại ăn mặc như thế này?

– Tôi là một tu sĩ Phật giáo, bạn không thấy sao?

– Chuyện gì đã xảy ra?

Dennis ngạc nhiên:

– Tại sao lại phải có chuyện gì? Tôi đã xuất gia được mấy năm nay rồi, bạn không biết ư? Tôi có viết thư cho bạn kia mà.

– Tôi không nhận được, có lẽ vì tôi đổi địa chỉ.

Chúng tôi im lặng nhìn nhau, Dennis mỉm cười:

– Bạn biết gì về Phật giáo nào?

– Tôi có đọc qua một vài cuốn sách… nhưng không hiểu mấy!

– Dù sao cũng còn hơn không…

Không kìm được trí tò mò, tôi buột miệng:

– Nhưng tại sao bạn lại trở thành một tu sĩ?

– Bạn ngạc nhiên lắm sao? Đó là con đường tôi đã chọn và tôi tin rằng tôi đã tìm được con đường thích hợp với mình nhất.

Dennis kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế dài gần đó, bằng một giọng từ tốn, cậu ấy bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời lang bạt giang hồ của cậu và lý do nào đã khiến cậu xuất gia. Tôi ngồi nghe nhưng đầu óc vẫn hoang mang, có lẽ vì sự xúc động ban đầu quá lớn đã làm đầu óc tôi như tê liệt. Dennis thân mật hỏi tôi:

– Còn bạn hiện giờ thế nào?

– Chẳng khá gì mấy, tôi đang được điều trị bệnh ung thư và vừa trải qua một cuộc ly dị.

Tôi kể sơ lược về tình trạng hiện tại của mình, cũng như những khó khăn mà tôi đang gặp phải. Càng nói tôi càng tỏ ra hằn học về những chuyện bất hạnh đã xảy ra. Dennis chăm chú lắng nghe rồi nói một cách từ tốn:

– Bạn không thể tức tối với cái quá khứ đó mãi được… Dĩ nhiên ai cũng có lúc gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi không biết có bao giờ bạn đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến những đau khổ này không?

– Tôi không may mắn…

– Cái đó không phải là nguyên nhân.

Tôi tức giận:

– Còn gì nữa? Nếu may mắn thì tôi đã không mắc phải cái bệnh bất trị này, tôi đã không thất bại trong chuyện đầu tư và Amy đã không đòi ly dị tôi.

Dennis mỉm cười lắc đầu:

– May mắn là điều bạn không kiểm soát được nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được đời mình kia mà. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có những khó khăn, dằn vặt trong cuộc sống nhưng ít ai chịu bỏ thì giờ ra tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào đã đem đến những đau khổ này. Có lẽ chúng ta đã sống một cách quá vội vã nên thực sự chúng ta không hề sống, không hề ý thức rằng mình đang sống, không hề tự hỏi mình về ý nghĩa của cuộc sống.

– Nhưng tôi đã từng tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống…

– Rồi sao nữa?

– Rồi chẳng đi đến đâu cả… vẫn tiếp tục sống như thường lệ.

– Nghĩa là bạn chưa tìm được câu trả lời?

Tôi lắc đầu, Dennis nghiêm nghị:

– Trải qua những bài học như vậy mà bạn còn muốn tiếp tục lao đầu vào cái vòng lẩn quẩn này nữa hay sao?

– Nhưng tôi đâu biết làm gì hơn? Tôi đâu thể trở thành một tu sĩ như bạn được.

Dennis bật cười:

– Trở thành tu sĩ đâu phải là giải pháp cho tất cả mọi việc. Bạn phải tự tìm lấy lối thoát cho chính mình. Nếu bạn không giải quyết ngay từ lúc này thì còn đợi đến lúc nào? Bạn đã từng đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống kia mà…

– Nhưng tôi chưa tìm được câu trả lời, có lẽ thời gian sẽ giúp tôi.

– Thời gian không thể giúp bạn nếu bạn không ý thức rõ ràng về con đường của mình. Đời sống là một sự sống động chứ không phải là điều mà ta có thể chờ đợi trong tương lai, bạn đã lăn vào đời trước khi có thì giờ tìm hiểu cuộc đời và bây giờ bạn đã ở giữa dòng đời, đã bị ràng buộc bởi công ăn việc làm. Nếu bạn không ý thức thì bạn có thể bị chìm đắm một cách đáng thương. Nếu mắc bệnh, bạn phải chạy chữa chứ không bỏ qua một bên được, thì câu hỏi về đời sống cũng quan trọng như thế. Bạn phải trực tiếp đối đầu với nó để tìm câu trả lời chứ không thể trốn tránh bằng cách bù đầu vào công việc.

Dennis chợt ngưng lại như vừa nghĩ được điều gì, rồi lên tiếng:

– Nhưng nếu cần thời gian suy nghĩ, tại sao bạn không đi du lịch một chuyến?

– Du lịch? Nhưng đi đâu?

– Việc gì phải đi đến đâu…

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Dennis giải thích:

– Bạn cần dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn không tách rời khỏi hoàn cảnh hiện tại, bạn sẽ bị lôi cuốn ngay vào những vết xe trước và bạn sẽ chẳng học được điều gì hết. Điều tôi muốn đề nghị là bạn nên du lịch một chuyến, một cuộc hành hương thì đúng hơn. Cuộc hành hương khác với chuyến du hành thông thường ở chỗ nó không nhất thiết phải có mục tiêu rõ rệt, bạn sẽ không sắp đặt chương trình như những chuyến du lịch thông thường mà hãy để tự nội tâm dẫn dắt bạn đi.

Tôi bật cười, toan cãi rằng trong thời buổi bận rộn như hiện nay, một chuyến du lịch như thế không thể thực hiện được; nhưng ngay lúc đó không hiểu tại sao hình ảnh của rặng Himalaya tự nhiên hiện ra xâm chiếm đầu óc tôi. Tôi buột miệng:

– Bạn nói cũng có lý… có lẽ tôi sẽ qua Tây Tạng…

Đến lượt Dennis tỏ ra ngạc nhiên:

– Tây Tạng? Sao lại là Tây Tạng?

– Tôi không biết, chỉ buột miệng nói thôi; nhưng bạn đã nói rằng một chuyến đi tự nó đã có ý nghĩa kia mà, nơi chốn nào đâu phải là vấn đề…

Dennis gật đầu cười lớn và vỗ mạnh vào vai tôi:

– Bạn nói đúng đấy, bạn có biết cách đây vài năm tôi đã sống tại đâu không?

Tôi giật mình thảng thốt:

– Tây Tạng ư?

– Không, tôi đến Dharamsala và ở đó hơn một năm.

– Dharamsala ở chỗ nào?

Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến địa danh này, Dennis kể cho tôi nghe về cuộc hành trình của mình và thời gian cậu ấy sống tại Dharamsala. Sau cùng cậu ta nắm chặt lấy tay tôi:

– Có lẽ bạn phải đến Dharamsala, tôi chắc chắn miền này sẽ giúp bạn cũng như nó đã giúp tôi. Trong cuộc đời, chúng ta chỉ cần một giây phút nào đó thôi, một giây phút mà trong tâm thức bỗng thức động, lóe sáng để chúng ta có thể nhìn rõ sự thật. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị, sửa soạn cho giây phút đó.

Tự nhiên tôi đâm ra ngần ngại:

– Nhưng tôi chưa sẵn sàng, để tôi nghĩ lại đã.

– Thế nào là sẵn sàng? Đó không phải là một lý do chính đáng.

– Tôi sợ…

– Tại sao bạn lại sợ?

Tôi nói một cách thành thật:

– Tôi sợ rằng tôi sẽ thất vọng, tôi sợ sẽ không tìm được điều mình muốn. Tôi sợ bất cứ sự thay đổi nào… Tôi không biết mình thực sự muốn gì?

– Nếu bạn không mong cầu điều gì cả thì bạn sẽ không thất vọng. Bạn hãy ra đi với một tâm hồn bình thản không một mục đích, không ước vọng… Việc gì xảy ra cũng chấp nhận hết…

– Bạn nói sao có vẻ dễ dàng quá…

Dennis nhìn thẳng vào mặt tôi:

– Nhưng dù sao cũng còn hơn là tiếp tục một nếp sống vô vị với những dằn vặt của nó. Bạn không thể tiếp tục lao vào cuộc đời mà không biết rõ mình thực sự muốn gì. Thời gian không còn bao lâu nữa, chúng ta đều lớn tuổi cả rồi, đừng để cuộc đời trôi qua một cách phí phạm. Tôi hiểu bạn đang có những khó khăn riêng nhưng bạn hãy nghe tôi, hãy đến Dharamsala, rồi bạn sẽ không hối hận. Hiện giờ tôi có một người bạn đang ở bên đó, tên cậu ấy là Michael Goodman, cậu ấy có thể giúp bạn vì cậu ấy nói thông thạo tiếng địa phương…

Cho đến nay tôi vẫn không rõ tại sao mình lại đi Dharamsala. Cái tên xa lạ này không gây cho tôi một ấn tượng nào. Tại sao tôi không đi Benares, Kathmandu hay Rishikesh, những thành phố nổi tiếng của xứ Ấn? Tại sao tôi lại quyết định đến một nơi mà tôi không biết một chút gì? Tại sao tôi để cho Dennis thuyết phục?

Ngồi trên phi cơ, tôi thấy mình điên rồ làm sao? Thực hiện một chuyến đi không mục đích, không biết mình đi đâu hay tìm kiếm thứ gì. Đầu óc dè dặt và thực tế của tôi không chấp nhận một cuộc mạo hiểm như vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn quyết định ra đi.

Trước khi lên đường, tôi đã vào thư viện tìm hiểu thêm về thành phố này nhưng không tìm được một tài liệu gì ngoài những mẩu tin rời rạc đại khái như sau:

“Năm 1959, vị nguyên thủ quốc gia, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi nước và xin tị nạn chính trị tại Ấn Độ. Sự kiện này đã gây khó khăn cho chính quyền của Thủ tướng Jawaharlan Nehru. Từ chối việc tị nạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gây nhiều phản ứng bất lợi trong cũng như ngoài nước. Chấp nhận cho tị nạn có thể gây khó khăn cho chính sách đối ngoại hòa hoãn với Trung Quốc mà ông vẫn theo đuổi từ nhiều năm nay. Để đối phó với dư luận thế giới đang sôi nổi về việc này, Thủ tướng Nehru đã có một quyết định khôn khéo: một mặt ông tuyên bố trước Quốc hội rằng việc tị nạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một ‘tranh chấp nội bộ’ của người Tây Tạng, Ấn Độ không có lý do gì để dính dáng đến những tranh chấp này; mặt khác, ông tức tốc tìm ngay một địa điểm thật hẻo lánh để đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma đến đó tạm trú, hy vọng theo thời gian vấn đề Tây Tạng sẽ chìm vào quên lãng. Dharamsala đã được chọn vì vị trí đặc biệt này.

Đây là một thành phố nhỏ nằm sâu trong thung lũng Kangra, bốn bề được bao bọc bởi rặng Himalaya, chỉ có độc một lối giao thông ra ngoài. Trước đây Dharamsala chỉ là một đồn lính có tên McLeod Ganj của quân đội Anh. Khi người Anh trả độc lập cho Ấn Độ, đồn này đã bị bỏ hoang chỉ còn hơn hai trăm dân địa phương trú ngụ tại đó. Trục giao thông duy nhất là một con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo thường bị tuyết phủ kín vào mùa đông, cắt đứt mọi sự liên lạc với thế giới bên ngoài.

Điều Nehru không ngờ là chỉ một thời gian ngắn, hơn 40.000 người Tây Tạng tị nạn đã kéo về đây, biến thành phố hoang vu không ai biết này thành một nơi mà báo chí phương Tây đã gọi là “Tiểu Lhassa”, thủ đô của dân tị nạn Tây Tạng. Để tránh số người kéo về đây quá đông, chính quyền Ấn Độ đã đặt một trạm canh trên trục giao thông chính và hạn chế số người Tây Tạng định cư trong vùng này. Nhưng người Tây Tạng vẫn kéo về đây mỗi ngày một nhiều, không được định cư ở Dharamsala thì họ thiết lập những trại tị nạn dọc theo biên giới Ấn – Tạng gần đó. Từ Srinagar ở sát biên giới Pakistan đến Gauhati gần Bangladesh, hàng ngàn trại tị nạn đã mọc lên như hàng ngàn thành phố nhỏ. Tất cả đều hướng về Dharamsala như một trung tâm tinh thần.”

Khi tôi nói với người hướng dẫn viên du lịch tại khách sạn về ý định đi Dharamsala thì khuôn mặt người này cau lại:

– Cái gì? Ông đến đó làm chi, ở đó đâu có gì cho du khách. Đó là một cái làng dành cho dân tị nạn Tây Tạng…

Tôi mỉm cười, cố gắng biện minh cho hành động mà tôi cũng không lấy gì làm chắc chắn cho lắm:

– Tôi nghe nói ở đó có nhiều cảnh đẹp.

– Có lẽ ông đã nghe lầm rồi, tôi chắc ông muốn đi Kathmandu. Ở đó mới có nhiều cảnh đẹp…

– Nhưng tôi muốn đi Dharamsala.

– Không! Không! Ông muốn đi Kathmandu. Đa số du khách đều thích Kathmandu chứ không ai đi Dharamsala cả… Ông sẽ không hối hận nếu đi Kathmandu.

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Hoa Sen Trên Tuyết – Nguyên Phong phóng tác. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Hoa Sen Trên Tuyết - Nguyên Phong

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Trở Về Từ Xứ Tuyết - Nguyên Phong

Trở Về Từ Xứ Tuyết – Nguyên Phong

Trở Về Từ Xứ Tuyết sẽ tiếp nối cho cuộc hành trình đi đến Tuyết Sơn và từ Tuyết Sơn trở về. Đối với nơi đây, nhiều người cho rằng đó là nơi linh thiêng nhưng một số người lại cho rằng nơi đây lại là nơi hoang đường và không có thật. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, thì các bậc hiền triết trên Tuyết Sơn đã minh chứng...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *