Thể Loại | Kỹ Năng Sống |
Tác Giả | Swami Amar Jyoti, Nguyên Phong phóng tác |
NXB | NXB Thế Giới |
CTy Phát Hành | Trí Việt |
Số Trang | 216 |
Ngày Xuất Bản | 06 – 2021 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Bên Rặng Tuyết Sơn là quyển sách mới trong bộ sách khoa học tâm linh nổi tiếng của dịch giả Nguyên Phong. Khơi nguồn từ vùng núi Himalaya xa xôi và vùng đồng bằng Ấn Độ, Bên Rặng Tuyết Sơn mang đến cho bạn đọc những sự thật vĩ đại về tâm linh và vai trò của việc làm chủ tâm linh cũng như làm chủ số phận. Tác phẩm còn khơi dậy những giá trị cao đẹp như: Tính trung thực, trái tim bao dung, lòng trắc ẩn, sự thông thái, lòng tín ngưỡng và tình yêu bao la.
Câu chuyện bắt đầu từ việc Satyakam đến thung lũng Saraswati để tầm sư học đạo. Nhưng không ngờ rằng, khi đến đây, thì vị đạo sư già đã chờ anh rồi, không những thế, ông còn nói đúng tên anh và biết anh đến gặp ông để làm gì dù rằng anh chưa hề xưng tên cũng như chưa nói mục đích của mình đến đây.
Bài học đầu tiên của Satyakam là quên đi thời gian. Việc này nghe qua tưởng chừng như đơn giản nhưng khi bắt đầu thực hiện lại không đơn giản chút nào. Cũng như việc lắng nghe những âm thanh của vũ trụ như tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng nước reo cũng không dễ dàng thực hiện nếu trong lòng ta vẫn còn nhiều tạp âm. Chúng ta sẽ được trải nghiệm những giây phút bình yên thông qua chuyến hành trình đi tìm chân lý của Satyakam dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư trong dãy núi Tuyết Sơn để hiểu rõ hơn về sức mạnh vĩnh hằng của thế giới tâm linh cũng như khám phá chính tiếng nói nội tâm của bản thân mình.
Thông tin tác giả Swami Amar Jyoti
Swami Amar Jyoti sinh trưởng tại Ấn Độ. Tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng từ nhỏ ông đã thích sống giản dị và thường dành nhiều thời giờ trầm tư mặc tưởng hơn là vui chơi như các bạn đồng niên. Tốt nghiệp trung học, ông ghi tên vào Đại học Bombay và trở thành một sinh viên xuất sắc về Toán cũng như Khoa học. Trong thời gian học đại học, ông thường bị một cảm giác kỳ lạ thôi thúc, “một sự thiếu thốn lạ lùng” mà ông không tài nào lý giải nổi. Khoảng một tháng trước ngày tốt nghiệp, ông chợt nhận ra rằng cảm giác kỳ lạ ấy chính là nhu cầu về tâm linh. Ông bỏ học, lang thang khắp xứ Ấn, tìm thầy học đạo.
Ông đã theo học với nhiều đạo sư đương thời nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì học được. Vì cảm giác kỳ lạ kia vẫn thôi thúc, nên sau một thời gian tu học trong các đạo viện, ông lên Tuyết Sơn tu nhập thất. Ông tu tập nội quán trong một hang đá suốt 12 năm ròng cho đến khi cảm giác kỳ lạ kia chấm dứt mới xuống núi dạy đạo và thu tập môn đệ. Ông đề cao việc thực hành và khuyên mọi người hãy cố gắng tìm sự hoàn hảo ngay trong chính con người mình thông qua công phu tu tập nội quán dù theo bất cứ một tôn giáo hay pháp môn nào, vì “chỉ có các nỗ lực thực hành mới đưa con người đến chân lý”.
Thông tin dịch giả Nguyên Phong
Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).
*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa…
*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.
II. Review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Bên Rặng Tuyết Sơn – Swami Amar Jyoti của dịch giả Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. NGỌC MAI review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Bên rặng Tuyết Sơn là một cuốn sách hay, không chỉ với những người đang trên đường đi tìm bản ngã. Đến với Bên rặng Tuyết Sơn để tìm cho mình những bài học mở thông tuệ giác cho riêng mình, để hiểu biết hơn về duyên và nghiệp, để thấu suốt về tình yêu thương và sợi dây tan hợp, sẽ giảm bớt khổ đau và lòng sân hận, biết đâu, sẽ có thể tìm được đường đi ngã rẽ cho kiếp sống nhân sinh này. Và hơn hết, là học được bài học về sự trân trọng từng hơi thở diệu kỳ của cuộc sống, sớm thức tỉnh để gieo những mầm xanh thiện tâm một cách bao dung, yêu thương, trìu mến. Hay đơn giản, theo dõi hành trình tu tập là một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn về nền văn hoá Ấn Độ.
Có một điều nho nhỏ mà tôi chưa thật ưng ý ở cuốn sách. Đó là ngay từ đầu, đại sư đã dạy Satyakam bài học đầu tiên về việc buông xả sự quan tâm đến ý niệm thời gian, bởi sự tu hành không đo đếm bằng ngày tháng, bởi Xuân Thu quá nhỏ bé trước sự kỳ vĩ bao la của vũ trụ. Thế nhưng ngay ở phần bài thực hành tu tập ấy, những giới từ chỉ thời gian lại được xuất hiện liên tiếp và cho đến lần tu tập cuối cùng mang tính quyết định thì thời gian thiền định thử thách cũng được đếm bằng số ngày chính xác.
Ngoài điều đó ra, tôi thấy mình đã bỏ ra một thời gian ngắn mà thu nhận được thật nhiều bài học đạo lý sâu sắc. Nếu so với tiểu sử của tác giả Swami Amar Jyoti, hẳn người đọc sẽ tìm thấy khá nhiều điểm tương đồng giữa nhân vật và tác giả. Có lẽ chính vì thế, mà người đọc dễ dàng cảm nhận được sự chân thực trong từng hơi thở của nhân vật, cho dù ngay trong phần lời nói đầu, tác giả khẳng định cuốn sách này không được coi là hồi ký. Ngôn ngữ mượt mà qua văn phong của Nguyên Phong có lẽ cũng góp một phần lớn vào sự thành công của Bên rặng Tuyết Sơn.
2. MIN review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Tôi không biết có ai là fan của bác Nguyên Phong không. Bản thân mình thì không cuồng tác giả, nhưng mình thích đọc sách của bác, vì câu từ không hoa mỹ dễ đọc, dễ hiểu. Nói về cuốn sách bên Rặng Tuyết Sơn này thì mình cũng đánh giá mức trung bình, tuy nhiên việc đọc để mở rộng kiến thức mình thấy cũng không thừa. Tự chuyện nhưng không phải nhân vật thực gặp thầy, tu luyện nhờ tiền kiếp, lấy vợ, tu mật tông, nhận đồ đệ,… được miêu tả qua bằng những trang sách. Ở mỗi chương bạn đọc sẽ nhận ra điểm mới hoặc các điểm quen thuộc về nội dung mà bác Nguyễn Phong dịch. Ghép lại toàn bộ tôi thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời.
3. CAMELLIA PHOENIX review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
“Bên rặng tuyết sơn” là quyển sách thuộc thể loại tâm linh, kể về gần như toàn bộ quãng đời của vị hành giả mang tên Satyakam từ lúc bắt đầu tu đạo đến khi gặp được sư phụ, sư huynh, người bạn đời, sau cùng là Thượng Đế và đã giác ngộ chân lý. Xuyên suốt quyển sách là câu chuyện hư cấu được viết xen kẽ với những lời dạy của sư phụ, sư huynh dành cho Satkayam, và những trải nghiệm của Satkayam trên con đường tu tập. Tuy là hư cấu nhưng có lẽ câu chuyện trong “Bên rặng tuyết sơn” đại diện cho hầu hết những vị hành giả trên đời, cũng đại diện cho từng người đang sống dù không theo đạo hoặc tu theo con đường nào cả, vì mỗi người sinh ra vốn đã mang vào thân phận lữ khách trên đường trần gian này mà.
Cần nói rõ từ đầu rằng Biển không phải người theo chủ nghĩa duy tâm dù sống rất cảm tính, nên Biển bắt đầu đọc “Bên rặng tuyết sơn” vì thích bìa sách, sau đó là sa vào nội dung sách luôn. Biển đọc được đâu đó trên mạng rằng “Bên rặng tuyết sơn” giống như phần mở rộng sâu xa hơn của cuốn “Hành trình về phương Đông”. “Bên rặng tuyết sơn” có rất nhiều đoạn khiến Biển choáng ngợp nhưng thú thật là không hiểu lắm. Không hiểu nhưng vẫn thích và vẫn đọc. Những lời dạy trong sách có khi cũng có thể bắt gặp trong sách khác, chẳng hạn như lời dạy về cách “sống trong giây phút hiện tại”, theo Biển thì đó chính là Thiền Chánh Niệm (Mindfulness).
“Bài học đầu tiên của con là bắt đầu từ hôm nay, con hãy chấm dứt việc tính toán, phân tích thời gian, giờ khắc, hay ngày tháng. Hãy để cho mọi việc tuần tự trôi đi. Hãy sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy để cho ngày là ngày và đêm là đêm với đúng ý nghĩa của nó. Hãy để mọi việc xảy đến là kinh nghiệm về một điều mới lạ, một sự tỉnh thức, một chuyện ngạc nhiên. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, mà hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn”.
Biển cho rằng “chú tâm vào giây phút hiện tại” là điều tốt (Biển đang tập theo từ 2016 đến giờ) nhưng trong cuộc sống hiện đại này thì không thể không quan tâm đến thời gian, giờ khắc, ngày tháng. Quên ngày đóng tiền ĐT hoặc đến trễ một cuộc hẹn hò thì đều có hậu quả không tốt. Cho nên, Biển chỉ xem “Bên rặng tuyết sơn” như một quyển sách để giải trí hơi “cao cấp” một chút, chứ không xem nó như quyển sách tâm linh cần học theo. Biển thấy những lời dạy của vị sư huynh trong sách thì thiết thực và dễ làm theo hơn là lời dạy của sư phụ, lời dạy của sư phụ cũng rất hay nhưng hơi cao siêu so với người đọc trẻ như Biển. Trong cuốn này có một chương kể về việc Satyakam dùng một xác chết để tu thiền (không phải kiểu dùng xác người để luyện thuốc trường sinh đâu nha), lúc đọc thì không sợ nhưng đọc xong thì khá sợ. Ngoài ra, phần viết về cuộc gặp gỡ – yêu thương – kết hôn giữa Satyakam và người bạn đời cũng khiến Biển thấy vừa quen thuộc vừa xa lạ. Quen thuộc vì nó nói về những dục vọng trần tục của con người, xa lạ vì nó kể rằng hai người tu hành có thể cưới nhau. Biển không nhớ rõ rằng các nhân vật trong sách theo đạo gì, có lẽ là đạo Bà La Môn. Nói về tu thân và tu tâm, Biển nghĩ cuốn “Thiền tập cho người bận rộn” của thầy Thích Nhất Hạnh sẽ thích hợp hơn với độc giả Việt.
Do chưa từng đọc nguyên tác các tác phẩm do cụ Nguyên Phong phóng tác nên Biển không biết mức độ phóng tác là ít hay nhiều, vẫn dựa sát bản gốc hay viết xa rời cả ngàn km… Trước giờ Biển chưa từng nghĩ mình có ác cảm với các tác phẩm phóng tác, nhất là nếu cụ Nguyên Phong đã xin phép tác giả trước khi phóng tác. Biển nghĩ “phóng tác” cũng giống như một kiểu “đồng sáng tác”, thay vì hai tác giả viết cùng lúc thì này là một người viết trước, một người viết sau. Nếu cả hai có sự đồng thuận với nhau thì người đọc không có lý do gì để dè bỉu hoặc coi thường người phóng tác cả.
Như đã nói ở trên, Biển đọc “Bên rặng tuyết sơn” là vì thích bìa sách. Tuy thích bìa sách nhưng bản Biển đọc là ebook, đọc xong đã lâu nhưng đến giờ vẫn chưa muốn mua sách giấy 😀 Cuốn này và những cuốn khác trong bộ sách tâm linh của tác giả Nguyên Phong thích hợp để đem lại chút tĩnh lặng giữa những lúc đọc trinh thám căng thẳng. Cuối tuần mát mẻ rảnh rỗi, rót cốc trà nóng, ngồi dưới bóng cây thưởng thức sách Nguyên Phong, tâm tư sẽ nhu hòa và bình yên. Hoặc đem sách đến túp lều dưới chân tuyết sơn đọc cũng được nhưng sẽ lạnh lắm…
(Sea, 17-2-2020)
4. NGỌC TÂN review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Gấp cuốn sách lại mà lòng bỗng thấy bồi hồi. Và việc đầu tiên mình làm là viết ra những dòng cảm nhận này.
Đây là quyển sách thứ ba mình đọc được phóng tác bởi Nguyên Phong. Và cũng là về tâm linh, hướng vào bên trong nội tâm của mình.
Tác phẩm là một câu chuyện về một người Ấn trên con đường đi tìm chân lý của mình. Đó là những việc tu tập, những thành tựu, những ngộ nhận, những ưu tư và giác ngộ đến cuối cùng.
Đi qua năm chương sách là đi qua năm sự biến chuyển trong hành trình tìm đạo, hướng về chính mình. Để cuối cùng, là hướng người đọc biết nhìn về bên trong mình, biết mình là ai.
Có vài điều mình nhận thấy: cầu đạo, học đạo hay tu tập nội tâm không phải là công việc tách biệt với đời sống, mà phải hòa vào đời sống, lấy công việc của mình để giúp đời, giúp người và lan tỏa tình thường. Vì tình thương là điều cuối cùng chúng ta có thể bám víu lại khi khó khăn, là có thể trao đi khi đong đầy. Có tình thương bao la, là có hạnh phúc ngập tràn.
5. HUY DUONG review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Ngỡ ngàng và sâu sắc!
Tôi biết đến quyển sách do tên tuổi của dịch giả Nguyên Phong, người có rất nhiều kinh nghiệm và am tường về dịch thuật lẫn kiến thức và phương Đông. Tôi bắt đầu với Hành trình tìm về phương Đông và sau đó là Đường mây qua xứ tuyết. Nằm trong chuỗi hành trình tâm linh về Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây tạng nên tôi khá đinh ninh quyển sách cũng nằm trong mạch kế trên.
Sau đó, tôi khá ngạc nhiên khi biết con đường tu đạo của nhân vật trong sách đậm đặc đạo Hindu, một tôn giáo đầy sâu sắc và minh triết của Ấn Độ bên cạnh Bà La Môn và Phật Giáo. Và càng ngạc nhiên hơn khi chân lí giữa Hindu và Phật giáo đề cập đều là một. Sự sai khác chỉ nằm ở hình thức, còn chân lí, sự hoà hợp cái tôi và cái không, cái ta và vạn vật đều không có gì khác biệt.
Một quyền sách hấp dẫn và được lược dịch trong sáng nhưng vẫn đầy kiến thức uyên bác và nhiệm màu.
6. SƯƠNG TRINH review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
“Bên rặng tuyết sơn” một tác phẩm dành cho ai thích hướng vào bên trong chính mình.
Đây là một câu chuyện về cuộc đời của một chàng thanh niên muốn đi trên con đường Đạo, với những thử thách và sự dẫn dắt của người Thầy đáng kính từ nhiều kiếp trước. Bên rặng Tuyết sơn -núi Hymalia hùng vĩ và những bài học mà với sự nổ lực và tấn tĩnh tu tập mà anh ta đã tìm thấy được con đường tốt đẹp giúp đời.
Mình học được 2 bài học:
- Thứ nhất, dù đi trên con đường nào cũng không nên cho mình là đúng còn những người khác thì đã sai hay mù quáng tin vào cái truyền thống, lễ lạc. Dù họ cúng bái, khấn xin nhưng với một tấm chân tình thành kính thì niềm tin ấy khiến cho họ an yên ngay trong chính phút giây ấy, chính trong bản thân họ đã hiện hữu vị Bụt của riêng họ.
- Thứ hai, mỗi kiếp sống là người là cơ hội để ta tu tập và mỗi người đều có bài học phải học. Chuyện nhân vật chính kết hôn vì phải cùng giúp đỡ nhau học bài học về yêu thương, về âm dương. Rồi anh có con, anh cùng vợ thuyết giảng pháp cho mọi người. Rồi cách anh đón nhận sự mất mát của đứa con đầu với tâm thái hết sức bình thản vì đã hiểu thấu quy luật của vũ trụ này, nhân duyên, nghiệp quả khiến cho tôi có cái nhìn về những mối duyên tôi đã và đang có. Về những chuyện xãy đến với chúng ta, dù tốt hay xấu đều có giá trị cả, vũ trụ muốn chúng ta học được bài học nào đó. Thật hay đúng không nào? Và nếu đã vậy thì việc của chúng ta là giữ cho tâm bĩnh lặng mà đón nhận và học những bài học của vũ trụ ban cho chúng ta.
Chuyện gì đến sẽ đến.
7. THẢO ĐIỀN review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Bên Rặng Tuyết Sơn – Hành trình tìm về các giá trị vĩnh hằng và Thượng đế tối linh
Đây là cuốn tiếp nối những cuốn sách về tâm linh của mình, bắt đầu từ Hành trình về Phương Đông, đến Đường Mây Qua Xứ Tuyết, và hiện tại là cuốn này. Mặc dù vì vài lý do nên mình vẫn chưa thực sự theo hẳn một đạo nào cả, nhưng tìm hiểu về tâm linh và tôn giáo chưa bao giờ làm mình thấy đủ cả. Càng tìm hiểu, càng thấy mình nhỏ bé và vô minh, càng thấy mình cần phải tu tập và khai minh hơn nữa.
Mặc dù đây không phải là một cuốn hồi ký như những tác phẩm trên, nhưng những câu chuyện ở đây hoàn toàn có thể có thật, chỉ là tác giả đổi tên các vị tu sĩ đi mà thôi. Tác giả, cũng vốn là một tu sĩ đắc đạo, nên những gì ông nói trong cuốn sách, phần nhiều là những gì ông đã tu tập, trải nghiệm và chiêm nghiệm được.
Và cứ thế, trong mình cứ thắp lên một ngọn lửa bùng cháy, rằng một ngày nào đó, mình sẽ lên rặng Tuyết Sơn để tu tập và tìm được con đường đạo của chính mình.
——
Bên Rặng Tuyết Sơn | Swami Amar Jyoti (1979)
Sài Gòn, 28/05/2019
Đánh giá: 7.5/10 điểm
8. TRANG NGUYÊN review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Bên Rặng Tuyết Sơn nói về hành trình tu tập của mỗi con người. Có nhiều quan điểm, nhận định hay như mọi tôn giáo đều vô nghĩa nếu không hướng cá nhân tìm về với chính cái phần thiêng liêng nhất trong mình, hay còn gọi là Thượng đế. Bản chất của cuộc sống và nhiều kiếp sống chỉ là để bản thân tìm thấy Thượng đế mà thôi. Đọc cuốn này mình thấy an tâm, một cảm giác đọc sách không để tìm kiếm gì. Có vẻ như trước giờ mình luôn mong muốn đạt được gì đó trong việc đọc một cuốn sách, cuốn này thì mình chỉ đọc thôi.
Một lần nữa nhấn mạnh là cần mở lòng với thế giới, những thứ xấu xí khiến mình bất bình về ngoại cảnh chỉ là tấm gương phản chiếu tâm hồn mình thôi. Vạn vật đồng nhất thể!
Không được tự hào về đức hạnh của bản thân, mỗi người có một con đường, một hành trình riêng. Con người luôn cần một tôn giáo, nếu không chấp nhận một tôn giáo hữu hình nào thì họ vẫn phải xây dựng một mối liên quan nào đó giữa mình và Thượng đế.
Minh triết không phải là kiến thức mà là sự hiểu biết trực tiếp những chân lý hằng có trong vũ trụ. Chân lý là tất cả những gì có khả năng chuyển hóa, biến đổi tính chất của chúng ta khiến chúng ta trở nên trong sạch.
Cuốn này có nói về 3 con đường tu tập, khiến người ta tiến tới chân lý;
- Con đường hành động
- Con đường minh triết
- Con đường sùng tín.
Nhấn mạnh lại là mỗi người có một con đường, không ai giống ai, không con đường nào tốt hay thượng đẳng hơn.
Đây là một cuốn nên đọc. Và rõ rồi, càng đọc, càng gần gũi hơn với cách tác giả dịch, cũng như những tư tưởng tôn giáo, mình dần thấy được sự hòa hợp giữa tôn giáo với triết học.
9. KHANH VU KIEU review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Thật tình là tôi đọc cuốn sách này tại nhà sách gần nhà, khi đang tránh dịch Covid ở vũng tàu. Trước đây (chắc cũng gần 10-15 năm) thì đó là tiệm sách cũ, nhưng giờ thì là tiệm sách mới rồi nhé quý dzị. Khi nhìn thấy một loạt sách về đề tài Luật Nhân Qủa, Thiền, Kiếp Luân hồi thì tôi mừng lắm, sau khi đọc cuốn Muôn Kiếp Nhân Sinh thì cuốn Bên rặng Tuyết Sơn làm tôi hiểu rõ thêm về các quy luật tự nhiên trong vũ trụ này (đều do GS Phong Vũ phóng tác, hoặc viết). Điều tôi tâm đắc nhất đó là sách chỉ ra cách lý giải, nhìn nhận rất đơn giản mà thấu đáo về Hôn Nhân, về sự kết hợp Nam Nữ, mà chúng ta lo đi tìm xung quanh và chuốc bao nhiêu sầu muộn về mình, vì không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa của sự việc.
Điều tôi ngộ ra là như này: tất cả những sự việc chúng ta gặp phải hàng ngày hàng giờ, những con người vì duyên, vì hữu ngộ, mà nên thì đều có mục đích giúp chúng ta học những bài học cần cho sự phát triển tâm hồn, của mỗi cá nhân. Hôn nhân, gia đình, con cái là các bài học mà cả 2 người, vợ – chồng, đều phải cùng nhau học, trả bài, hiểu bài, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.
Vì vậy, khi gặp vấn đề gì giữa 2 vợ chồng, bạn đừng vì thế mà cáu gắt với người kia, mà phải hiểu là cả 2 đang trên cùng 1 con thuyền để giải quyết vấn đề, sức lực 2 người nên bỏ ra là hướng đến sự việc, không phải đối phương.
Và cũng vì vậy, tôi nghĩ Hôn nhân là một việc tốt đẹp để mình tiến bộ hơn trong cuộc đời này!
10. Y DIÊN VĨ review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Cuốn Bên Rặng Tuyết Sơn đọc sau Hành trình phương Đông. Hành trình phương Đông mang lại một niềm thích thú khi nghe về những chuyện tưởng không thật, thuật giả kim và dùng sức mạnh của ý chí tâm linh, lựa chọn những điều hay nhất để kể thì cuốn này lại kể về con đường tu đạo của Sattakam và những triết lý ông học được trên con đường tu đạo của mình khiến người đọc có thể nhìn thấy mình trong đó.
Sự giận dữ là một điều rất kinh khủng, những lời nói khi không kiểm soát được cơn tức giận và muốn tổn thương người khác sẽ khiến họ nhớ cả đời, và chính lúc khi mình nói ra những điều như vậy bản thân cũng đã tự làm bản thân tổn thương vì mình cũng phải nghe những lời đó.
Những triết lý giảng dạy thường trừu tượng và không hiểu được hết cho nên thay vì giảng dạy cho người khác hiểu lại chú trọng vào nghi thức, cúng bái
Đừng cho mình là tài giỏi và đã biết hết mọi thứ, khi đó lòng tham, sân si lại nổi lên và cho mình là quan trọng.
Suy cho cùng: Mọi thứ hãy cứ để tự nhiên, hãy làm hết lòng hết sức không suy nghĩ kết quả được mất thì cuộc sống như vậy mới trọn vẹn, đáng sống và an nhiên.
Những triết lý trong cuốn này có thể mình hiểu hết nhưng không đủ năng lực để lĩnh hội cũng như thực hành vì nó còn là một quá trình trải nghiệm và chiêm nghiệm sau này. Chỉ mong tâm lúc nào cũng an yên, tự tin vào chính mình, biết mình muốn gì và làm cho được.
11. BÙI review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Quyển sách không phải hồi ký, nhưng tôi tin vào những câu chuyện mà nhân vật đã trải qua, bởi những trải nghiệm rất chân thực.
Từ sự khó khăn khi học cách giải thoát khỏi áp lực thời gian để sống trọn vẹn từng phút giây; học cách tĩnh lặng để lắng nghe; học cách thấu hiểu suy nghĩ của chính mình… dưới sự chỉ dẫn của người thầy đáng kính trên rặng Tuyết Sơn; Đến việc nhân vật quay về với cuộc sống thường ngày, học hỏi, giúp đỡ, giảng dạy vô vàn kiến thức bổ ích cho hàng ngàn người. Để rồi khi đã hài lòng với những gì đã cống hiến, quay lại tĩnh tâm, anh lại được sư phụ giúp đỡ để nhận ra mình vẫn còn “tham lam”… Những bài học trong sách đã giúp tôi hiểu hơn về yoga và tò mò hơn về đạo giáo của Ấn Độ. Cuốn sách chứa đựng nhiều kiến thức mới lạ. Nhưng xuyên suốt quyển sách, tôi cảm nhận được một sự bình yên, khi mà cả cuộc đời nhân vật ngập tràn trong tình yêu thương với bài học của người thầy:
“Nếu con người có tư tưởng tích cực, thế giới sẽ đổi khác ngay. Đó sẽ là một nơi tràn ngập tình thương yêu, bác ái, vị tha”
12. NINH review sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Một quyển sách rất hay mà theo mình mỗi người đều nên đọc thể loại này một lần (Nguyên Phong dịch rất nhiều sách thể loại này). Lần đầu đọc, mình rất thích những câu nói trong sách, nhưng chưa thấy động lực để đưa nó vào cuộc sống thường ngày. Đọc được 2/3, mình ngạc nhiên nhận ra những góc tối trong tâm hồn và hành xử của mình: ích kỷ, tham lam, sợ hãi… với vỏ bọc hoàn hảo của đủ thứ lý do. Đọc hết cuốn sách, mình đã thay đổi được cách sống của mình, học được bài học về bao dung và tiết chế nhiều hơn, sống vì cộng đồng hơn, dù những điều trong sách nói đến còn cao cả hơn đó gấp 1001 lần. Nhưng dù sao quyển sách đã cho mình thấy bản thân còn những khiếm khuyết gì, và cho mình 1 động lực to lớn để thay đổi lối sống ích kỷ vô tâm trước đây của mình.
III. Trích dẫn sách Bên Rặng Tuyết Sơn
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Những trích dẫn hay trong sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Hãy sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy để cho ngày là ngày và đêm là đêm với đúng ý nghĩa của nó. Hãy để mọi việc xảy đến là kinh nghiệm về một điều mới lạ, một sự tỉnh thức, một chuyện ngạc nhiên. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, mà hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn.
Nếu nhận thức được sự thiêng liêng duy nhất ở tất cả, ta sẽ thấy sự sống biểu hiện khắp nói qua thiên hình vạn trạng. Đừng thu hẹp nó lại trong các danh từ hữu hạn. Đừng cố gắng giải thích nó bằng những ý niệm của tư tưởng. Hãy ý thức và trải nghiệm sự sống đang tuôn chảy không ngừng kia, rồi con sẽ hiểu rằng định luật điều hành vũ trụ tuyệt vời mà con cho là ở bên ngoài kia vốn thực không khác những định luật hiện nay đang chi phối nội tâm con. Chỉ những người nào đã nếm được vị ngọt của chân lý mới có thể biết nó thế nào, chứ sử dụng ngôn ngữ thì chỉ vướng mắc vào những giới hạn vô ích mà thôi.
Cuộc đời là một trường học mà trong đó phần lớn mọi người chỉ học được bài học qua yếu tố đau khổ. Sự đau khổ là yếu tố thúc đẩy mọi người tiến hóa vì nếu không có yếu tố này, người ta sẽ thản nhiên bất động như loài cỏ, gỗ đá.
Người vô minh hành động với lòng tham dục, còn bậc hiền giả hành động với mục đích phụng sự nhân loại và không tham luyến bất cứ điều gì cho riêng mình.
Trích đoạn CHƯƠNG 1 sách Bên Rặng Tuyết Sơn
Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Tuyết Sơn, muôn ngàn tia sáng chói chang tỏa lan khắp thung lũng Saraswati. Đó đây, chim chóc cất tiếng báo hiệu một ngày vừa bắt đầu.
Một vị đạo sư già bước ra khỏi hang đá. Ông khoan thai đi dọc theo những bụi cây xanh mát còn ướt đẫm sương mai. Một làn gió nhẹ thổi qua làm lay động chòm râu bạc như cước. Ông ung dung bước xuống bờ suối gần đó, vươn tay vốc chút nước đưa lên miệng. Nước suối lạnh như băng, nhưng ông không lấy thế làm phiền. Uống xong ngụm nước, ông thong thả bước xuống dòng suối cho đến lúc nước ngập đến cổ, rồi ông dừng lại đọc một bài chú dài, thân hình trang nghiêm, bất động. Có vẻ dòng nước mãnh liệt kia không thể khiến ông chao đảo. Dường như đôi chân mảnh khảnh của ông đã bám rễ vào lòng suối.
Ông ung dung hoàn tất nghi thức cần thiết rồi bước lên một tảng đá phẳng gần đó, ngồi bắt chéo hai chân theo tư thế liên hoa. Chỉ thoáng giây sau, một làn khói mỏng từ cơ thể tỏa ra xung quanh. Những giọt nước bám trên thân thể ông bốc thành hơi vì thân nhiệt đang lưu chuyển mạnh. Hiển nhiên phải như thế, vì ông là một đạo sư đã luyện thành pháp tu “Tam Muội Hỏa” (phương pháp điều chuyển nhiệt trong mình). Dù thời tiết lạnh đến đâu, ông vẫn có thể mình trần ngồi trên tuyết lạnh. Ông sẽ ngồi như vậy cho đến khi mặt trời gần đứng bóng mới xả thiền, bước vào trong hang đá ăn chút trái cây rừng hái được từ hôm qua. Ăn xong, ông sẽ xuống thung lũng phía dưới hái trái cây để dành cho bữa ngày mai, rồi tiếp tục thiền định cho đến xế chiều mới bước vào trong động nghỉ ngơi.
Có tiếng chân người nhẹ bước trên lá khô. Con chim đang rỉa lông trên cành giật mình kêu lớn. Một thanh niên quần áo rách rưới, lưng đeo hành lý ở đâu bước đến. Anh đứng sững nhìn vị đạo sư ngồi yên trên tảng đá, rồi kêu lên một tiếng vui mừng, đặt hành lý xuống đất, bước đến quỳ mọp trước mặt ông. Vị đạo sư khẽ mở mắt nhìn chàng trai, đôi mắt hiền từ dưới vầng trán cao ánh lên vẻ hài lòng. Anh ngẩng đầu lên, ánh mắt bừng sáng. Bao vẻ mệt nhọc của chuyến hành trình dài dường như tan biến. Anh cung kính chắp tay chờ đợi. Chòm râu bạc của vị đạo sư khẽ rung trong làn gió nhẹ.
Ông thong thả nói:
– Satyakam, rốt cuộc rồi con cũng đến! Chàng trai ngạc nhiên:
– Nhưng… nhưng sao ngài lại biết tên con?
Ông yên lặng không đáp, trên môi chỉ điểm một nụ cười thân ái.
– Thưa ngài, hình như… ngài biết trước rằng con sẽ đến đây?
Vị đạo sư vẫn im lặng. Hồ như ông biết câu trả lời không còn cần thiết nữa. Ông lặng lẽ ngắm nhìn chàng trai đang quỳ trước mặt, rồi chỉ xuống dòng suối:
– Con đi đường xa hẳn đã mệt rồi. Hãy xuống suối tắm rửa, rồi nghỉ ngơi trước đã. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu.
– Nhưng… nhưng con chưa nói cho ngài biết mục đích chuyến đi này của con. Thưa ngài, con đã đi tìm ngài suốt bao năm. Con đã trèo đèo lội suối, trải qua bao khó nhọc mới đến được đây. Xin ngài thu nhận con làm đệ tử…
Vị đạo sư ngắt lời:
– Ta biết rồi.
Ông ngừng một chút, nhìn chàng trai đang ngơ ngác, rồi mỉm cười:
– Này Satyakam, thầy trò ta đã có duyên với nhau từ bao kiếp rồi chứ đâu phải bây giờ mới gặp nhau! Con không nhớ sao?
– Thì… thì ra thế! Thì ra ngài đã là sư phụ của con từ nhiều kiếp trước.
Có lẽ vì quá xúc động, anh không nói thêm được câu nào nữa. Một dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bám đầy bụi đường. Anh run run úp mặt vào đôi bàn chân trần của vị đạo sư với vẻ thành kính. Ông đưa tay khẽ vuốt tóc anh, đoạn thong thả đứng dậy đi vào.
***
Mặt trời lên cao, tỏa muôn ngàn tia nắng ấm xuống thung lũng Saraswati. Một con chim lớn từ trên cao sà xuống suối rồi lại vỗ cánh bay lên. Những giọt nước long lanh bắn tung lên, trông như những hạt ngọc.
Vị đạo sư ngồi xếp bằng trên tảng đá cạnh dòng suối. Ông vừa thực hành nghi thức buổi sáng – trầm mình trong làn nước lạnh và đọc bài thần chú như thường lệ. Trong lúc ấy, vì chưa quen với khí hậu của rặng Tuyết Sơn, chàng trai phải khoác lên mình tấm áo choàng dày mà vẫn chưa hết rét. Anh ngồi trước sư phụ, chắp tay cung kính chờ đợi.
– Này Satyakam, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với những công phu mà con chưa hoàn tất trong kiếp trước.
– Nhưng thưa sư phụ, con không nhớ rõ con đã làm gì!
– Rồi con sẽ biết thôi. Ta không cần nói cho con biết về quá trình tu tập của con cũng như con đã tiến bộ đến đâu. Con phải biết rõ về mình chứ đừng trông chờ ta hay ai đó sẽ nói cho con biết về chính con. Qua công phu tu tập nội quán cũng như các nỗ lực của con trong thời gian tới, con sẽ nhận ra mình. Ta biết con có đầy đủ những đức tính cần thiết của một người đi trên đường đạo, đó là tính thành thật, chuyên cần, tinh tấn và dũng mãnh.
Ông ngưng một lát như để cho anh có thời gian suy ngẫm, rồi thong thả tiếp:
– Bài học đầu tiên của con là bắt đầu từ nay, con hãy chấm dứt việc tính toán, phân tích thời gian, giờ khắc, hay ngày tháng. Hãy để cho mọi việc tuần tự trôi đi. Hãy sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy để cho ngày là ngày và đêm là đêm với đúng ý nghĩa của nó. Hãy để mọi việc xảy đến là kinh nghiệm về một điều mới lạ, một sự tỉnh thức, một chuyện ngạc nhiên. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, mà hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Muốn như thế, con cần phải làm chủ thân, khẩu và ý, bởi cuộc sống thực không phải là một sự cố gắng, phấn đấu để đạt được cái này hay cái khác, mà là sự thoải mái, giải thoát tuyệt đối.
Chàng trai rụt rè:
– Thưa sư phụ, vậy con cần phải tu tập trong bao lâu nữa mới đạt đến trạng thái trên?
Đạo sư mỉm cười lắc đầu:
– Này Satyakam, con lại nghĩ đến thời gian rồi! Chỉ khi nào thôi tính toán, con mới có thể hoàn toàn được giải thoát. Đây là một thói quen mà con cần phải trừ bỏ.
– Nhưng… nhưng thưa sư phụ, con cũng cần một thời gian để trừ bỏ những thói xấu này chứ?
– Dĩ nhiên là thế, nhưng đâu nhất thiết phải có một thời gian nhất định để làm việc này? Ai đặt cho con thời hạn đó? Tại sao con không ý thức rằng mình đang sống và sự sống thật sự không lệ thuộc vào thời gian hay không gian, mà là hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn giải thoát? Con có ý thức giải thoát là gì không? Phải chăng con vẫn nghĩ rằng con có một số thói xấu nên cố gắng loại bỏ, thay đổi nó đi và khoảng cách giữa hai mốc điểm đó là thời gian? Tại sao con không làm cả hai việc đó cùng lúc – học hỏi thêm một số điều mới lạ, đồng thời bỏ bớt đi một số thói quen, thành kiến đã có từ trước? Sự sống thật sự không thể bị ràng buộc trong giới hạn thời gian, mà luôn sống động, không ngừng tuôn chảy. Đừng chia cắt nó ra thành những phần nhỏ. Đừng phân tích nó thành những mảnh vụn rời rạc. Đừng để thời gian trở thành một khuôn mẫu mà con phải sống theo. Nếu con tiếp tục suy nghĩ trong cái khuôn khổ giới hạn của thời gian, con sẽ tiếp tục huân tập cho một thói quen, và một thói quen được huân tập như vậy sẽ không dễ gì thay đổi được.
– Nhưng… nhưng cách suy nghĩ này hiện nay vẫn xoay vần trong đầu óc con, chi phối tư duy con. Làm sao… làm sao con có thể chinh phục hay loại bỏ được nó đây?
Vị đạo sư già mỉm cười nhìn anh với vẻ ưu ái, độ lượng. Ánh mắt hiền từ của ngài làm anh cảm thấy yên lòng. Anh định cất lời, nhưng vị đạo sư đã lên tiếng trước:
– Con hãy tập theo dõi những dòng tư tưởng đang nổi lên cuồn cuộn trong tâm mình. Chỉ theo dõi, không đè nén nó xuống, cũng không khơi động nó lên. Hãy quán sát một cách kiên nhẫn từng tư tưởng dấy lên rồi lại chìm xuống, và đợi cho đến khi nó nhẹ nhàng đến và đi một cách âm thầm, con sẽ thấy sự vi tế của nó. Mặc dù tâm con hết sức tĩnh lặng, nhưng sự vi tế của các tư tưởng thầm kín vẫn đến và đi như dòng nước đang tuôn chảy kia. Hãy quán sát tâm mình thật kỹ, rồi con sẽ hiểu được điều ta nói. Con có thể coi đó là một phương pháp, một kỹ thuật hay một điều chỉ dẫn của ta cũng được.
Ông ngừng lại, nhìn vẻ chăm chú của chàng trai, rồi mỉm cười:
– Đó là bài học vỡ lòng của con.
Anh thành kính quỳ xuống đất, hai tay ôm lấy đôi chân thầy. Anh định thốt lên mấy lời biết ơn, nhưng không cất nên câu. Vị đạo sư đặt nhẹ đôi tay lên đầu anh, một cảm giác ấm áp lạ lùng bỗng truyền đi khắp người anh. Vị đạo sư thong thả đứng dậy đi về phía động đá. Ông bước đi dáng vẻ ung dung, từng bước, từng bước vững chãi, thảnh thơi. Anh không còn cảm thấy lạnh nữa. Dường như trong lòng anh đang có một điều gì kỳ lạ, một niềm hoan lạc nhẹ nhàng khiến anh thấy nhẹ nhõm khác thường.
Bất chợt, anh ý thức rõ rệt từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, sự rung động của từng thớ thịt. Đâu đây vang lên tiếng chim líu lo, tiếng gió thổi lay động lá cây, tiếng côn trùng ngân nga điệu nhạc tuyệt vời của vũ trụ. Anh bàng hoàng tự hỏi tại sao chỉ mới phút trước, anh còn quẩn quanh với bao ý niệm mà bây giờ chúng đã biến mất. Phải chăng đó là kết quả của buổi nói chuyện với vị đạo sư hay còn điều gì khác nữa?
Anh hít một hơi thật sâu. Một luồng hơi nóng trỗi lên, toàn thân anh ấm áp lạ lùng. Anh hơi ngạc nhiên nên hít thêm lần thứ hai. Luồng hơi nóng từ đan điền bốc lên nóng ran, chân tay tê tê một cảm giác kỳ lạ. Thế nhưng, đầu óc anh lại nhẹ hẫng, khác thường. Anh hít tiếp một hơi nữa và chợt ý thức luồng hơi nóng đang chạy khắp cơ thể. Cảm giác này quen thuộc làm sao! Hồ như anh đã từng làm việc này rồi! Nhìn vị đạo sư đang chậm bước đằng xa, anh muốn nói một lời gì đó, nhưng lại thôi. Đôi bàn tay anh lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh hít thêm một hơi nữa để luồng hơi nóng lưu chuyển khắp thân thể. Tự nhiên, anh chợt hiểu và bật cười sung sướng. Chỉ trong thoáng giây, khắp mình anh đã toát đầy mồ hôi. Phải chăng anh đã phục hồi được khả năng trước kia? Anh bước về phía túp lều – mái lá đơn sơ anh vừa dựng hôm qua để làm chỗ nghỉ ngơi. Đôi chân nhẹ như bay, chỉ chớp mắt, anh đã bước vào trong lều. Anh sung sướng quỳ xuống, bật thốt lên một câu ngắn: Cảm ơn. Cảm ơn sư phụ!
Ngày tháng trôi.
Mỗi buổi sáng, Satyakam đều theo sư phụ trầm mình xuống dòng suối lạnh và đọc các bài chú. Anh cũng chăm chỉ tọa thiền trên một phiến đá bằng phẳng, không xa chỗ tọa thiền của sư phụ bao nhiêu. Thời tiết ở rặng Tuyết Sơn không còn ảnh hưởng đến anh nữa. Anh có thể cởi trần ngủ qua đêm trong túp lều đơn sơ lợp bằng lá cây mà không hề thấy lạnh. Vị đạo sư có vẻ hài lòng.
Cuộc sống của vị đạo sư vẫn như xưa. Thỉnh thoảng, sau buổi thiền định, ông trao đổi vài câu với học trò, phần lớn là để trả lời thắc mắc hơn là chỉ dẫn điều mới lạ. Ông kiệm lời, chủ yếu là im lặng. Ông cứ để anh trình bày những điều còn nghi hoặc, song ông không giải đáp, khiến anh đâm ra bối rối. Khi bối rối, người ta thường cố gắng tìm hiểu thêm. Anh cũng vậy. Thế nhưng, vị đạo sư già vẫn ngồi yên, kiên nhẫn nghe học trò tiếp tục trình bày ý kiến. Chỉ đến khi anh không còn gì để nói nữa, ông mới nhẹ nhàng lên tiếng. Cũng có nhiều lúc, ngay khi vừa đặt câu hỏi, Satyakam thấy câu trả lời đã hiển hiện từ lúc nào rồi. Dường như nó đến cùng lúc với câu hỏi, và lúc đó, anh chỉ biết ngạc nhiên nhìn sư phụ, không biết nói gì nữa.
Đối với Satyakam, các công phu tu hành như việc ngâm mình trong dòng nước lạnh để thực hành nghi thức buổi sáng không phải là điều khó. Ngay cả việc ngồi thiền từ sáng đến trưa hoặc từ lúc chạng vạng cho đến nửa đêm cũng đã trở thành việc bình thường. Tuy nhiên, việc xả bỏ ý niệm về thời gian là một vấn đề hết sức nan giải. Các ý niệm, kỷ niệm, thói quen trong quá khứ ngày càng nổi lên ám ảnh tâm trí anh. Lúc nào trong tâm cũng có một cuộc đối thoại không ngừng giữa anh và chính anh. Lúc đầu, các cảm giác này còn mạnh và anh phải dùng hơi thở để trấn áp chúng, nhưng về sau, anh thấy rõ các cảm giác vi tế dâng lên cuồn cuộn, liên hồi trong tâm với muôn ngàn thắc mắc mà anh không kiểm soát nổi. Tuy biết là mình phải quán sát nó như một nhân chứng, nhưng anh vẫn thấy rõ mình có những yếu tố chủ quan và hay đồng hóa mình với những ý tưởng đó.
Sau một thời gian tu tập không thành, anh giãi bày với sư phụ và được ông chỉ dẫn rành rọt về việc theo dõi tư tưởng. Bất kỳ thắc mắc nào của anh cũng được trả lời một cách giản dị và thấu đáo. Chỉ khi đó, anh mới ý thức rằng mình không thể đi xa trên con đường này nếu không có một vị chân sư hướng dẫn. Khi anh biết khiêm tốn trước sự cao minh của sư phụ, thì công phu của anh bắt đầu tiến bộ hơn xưa.
Dần dần, anh thấy rõ các câu trả lời vốn có sẵn trong tâm mình, và vị đạo sư chỉ là người hướng dẫn, khơi gợi các yếu tố vi tế ẩn bên trong đó mà thôi. Satyakam thấy tự tin hơn trước. Đó không phải là lòng tự hào của bản ngã, mà là một niềm tin sắt đá, không lay chuyển rằng con người chỉ có thể tìm được câu trả lời khi họ biết hướng vào bên trong.
Thỉnh thoảng, hai thầy trò cũng xuống núi khất thực ở các làng mạc lân cận. Sonar là ngôi làng gần nhất, nằm chơ vơ trên đỉnh một ngọn đồi trọc. Muốn đến làng phải đi qua một chiếc cầu bện bằng đây thừng vắt ngang sông Saraswati. Qua khỏi cầu là hai cột đá với nhiều tảng lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, nơi đánh dấu địa phận ngôi làng. Từ đây phải đi dọc theo một con đường đất quanh co nữa mới vào đến trong làng. Phần lớn nhà cửa tại đây đều cất bằng gỗ và đá, mái nhà lợp bằng nhánh cây khô.
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Bên Rặng Tuyết Sơn – Swami Amar Jyoti – Nguyên Phong phóng tác. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!