Thể Loại | Tôn giáo – Tâm linh |
Tác Giả | Hòa thượng Hư Vân, Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác |
NXB | NXB Tổng hợp TP HCM |
CTy Phát Hành | Trí Việt |
Số Trang | 324 |
Ngày Xuất Bản | 06 – 2020 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Đường Mây Trên Đất Hoa
Đường Mây Trên Đất Hoa – Hòa thượng Hư Vân
Phần lớn các thiền sư đều ra đi không để lại dấu vết, nếu có thì chỉ lưu lại một vài giai thoại sơ lược nên rất ít ai biết rõ công phu tu tập của các ngài. Có lẽ biết rõ chúng sanh thời Mạt pháp nghiệp dày, trí mỏng, tín tâm yếu kém nên một vài thiền sư đã để lại tài liệu tu tập như một chứng tích cho chúng sanh đời sau theo gương đó mà tu hành. Hiếm hoi trong đó có tập sách “Đường Mây Trên Đất Hoa” của Hòa thượng Hư Vân ghi chép lại chi tiết, cặn kẽ về cuộc đời tu hành và hoằng pháp của Ngài.
Quyển “Đường Mây Trên Đất Hoa” ban đầu được dịch từ ấn bản tiếng Anh “Emty Cloud” của Chales Luk, xuất bản năm 1959. Tuy nhiên, nhận thấy bản dịch này còn thiếu sót, dịch giả Nguyên Phong (GS. John Vu) đã dày công tham cứu thêm quyển “Biography of Venerable Master Hsu Yun”, quyển “Chan & Zen teaching Series 1” để bổ sung thêm. Đặc biệt, giáo sư đã xin phép và tham khảo cuốn sách “Biên niên tự thuật của Hòa thượng Hư Vân” (bản nguyên tác chữ Hán được cư sĩ Sầm Học Lữ – đệ tử thân tín theo hầu hòa thượng Hư Vân trong nhiều năm, trực tiếp ghi chép từ lời của hòa thượng Hư Vân) được hòa thượng Thích Hằng Đạt công phu biên dịch.
Cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư Vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là một bức tranh sống động mô tả rõ tình trạng của Phật giáo tại Trung Hoa cuối thế kỉ thứ mười chín. Ngoài giá trị về Phật học, nó còn mang giá trị rất lớn về mặt sử liệu, vì Hòa thượng Hư Vân ra đời vào lúc các nước đế quốc đang xâu xé Trung Hoa (1840) và ngài qua đời vào năm 1959, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949). Ngài đã chứng kiến năm triều đại nhà Mãn Thanh, Chiến tranh Nha phiến (1839-1842 và 1857-1860), Hòa ước Nam Kinh, Chiến tranh Thanh- Nhật (1894-1895), cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901), Cách mạng Tân Hợi (1911) và Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Ngài đã trải qua những nội ưu ngoại hoạn của thời thành lập Trung Hoa Dân Quốc, cuộc chiến tranh Nam – Bắc và Ngũ Tứ vận động. Ngài đã chia sẻ những khổ đau kinh hoàng của dân chúng trong trận Thế chiến thứ nhất và thứ hai, cũng như cuộc tranh chấp giữa các phe phái quân phiệt và đảng phái.
Bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tình hình chính trị xáo trộn, ngài vẫn ung dung hoằng pháp, xây dựng lại những tự viện, chùa chiền đổ nát vì chiến cuộc, chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, xây dựng lại căn nhà Pháp cho bền vững. Ngài đã xây cất hàng chục cảnh chùa, trùng tu hàng trăm tháp Tổ, dạy dỗ hàng ngàn tăng chúng và truyền giới cho hàng trăm ngàn người. Ngài không những đã đi khắp Trung Hoa hoằng dương Phật đạo mà còn qua cả Xiêm La, Tây Tạng, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện để làm Phật sự.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, ngài luôn luôn khiêm tốn nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bất hạnh mà không một lời oán than, ngay cả khi bị hành hạ, tra tấn chết đi sống lại, ngài vẫn chỉ một lòng niệm Phật. Cuộc đời tu học của ngài là cả một công phu với những cố gắng phi thường. Tuy thăm viếng, học hỏi rất nhiều ở các bậc thiện tri thức nhưng ngài đã chứng đắc hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Ngài chứng nhất tâm khi thực hành tam bộ nhất bái, đạt kiến tánh khi chịu khổ nhục tại chùa Cao Mân. Nhờ ngài mà các truyền thống tu tập cổ xưa đã được khôi phục, đem lại một sinh khí mới cho Phật giáo Trung Hoa lúc đang ở trong tình trạng suy đồi.
“Đường Mây Trên Đất Hoa” là có thể xem là cuốn tự truyện và lời tự thuật của hòa thượng Hư Vân trong cuộc đời tu hành của mình. Hòa thượng Hư Vân là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo Trung Hoa trong những năm loạn lạc, biến động lịch sử – từ những năm 1840 khi các đế quốc xâu xé Trung Hoa đến sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949). Suốt cuộc đời hành đạo mình, hòa thượng Hư Vân đã luôn khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bất hạnh không một lời than vãn. Cuộc đời của ngài là cả một công phu với những cố gắng phi thường, chứng đắc hoàn toàn dựa vào những nỗ lực cá nhân.
Cuốn sách Đường Mây Trên Đất Hoa được chia làm ba phần, phần thứ nhất là do chính Hòa thượng Hư Vân kể lại đời mình cho các đệ tử ghi chép, phần hai là do các đệ tử của ngài ghi lại những sự việc xảy ra sau đó và phần thứ ba là lời giảng dạy của Hòa thượng trong hai khóa thiền nhất.
Có thể nói, cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là bức tranh sống động có giá trị lịch sử về sự phát triển của Phật giáo Trung Hoa vào cuối thế kỷ mười chín. Ngoài giá trị về Phật học, nó còn mang giá trị rất lớn về mặt sử liệu. Mong rằng cuốn sách này sẽ giúp ích cho con đường tu tập của nhiều người, cũng như những người muốn tìm hiểu về cuộc đời phi thường của Hòa thượng Hư vân và sự vi diệu, thù thắng của Phật giáo.
Thông tin dịch giả Nguyên Phong
Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).
*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa…
*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.
II. Review sách Đường Mây Trên Đất Hoa
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Đường Mây Trên Đất Hoa – Hòa thượng Hư Vân của dịch giả Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. QUỲNH review sách Đường Mây Trên Đất Hoa
Quá mệt mỏi với những bộ sách theo mô típ cũ, mình tìm đến thanh thản cùng “Đường Mây Trên Đất Hoa”.
“Đường Mây Trên Đất Hoa” có thể xem là cuốn tự truyện và lời tự thuật của hòa thượng Hư Vân trong cuộc đời tu hành của mình. Hòa thượng Hư Vân chính là người có công chấn hưng Phật giáo Trung Hoa trong những năm loạn lạc. Có thể nói, cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là bức tranh sống động có giá trị lịch sử về sự phát triển của Phật giáo Trung Hoa vào cuối thế kỷ mười chín. Càng đọc càng khiến mình bị cuốn hút, càng đọc càng thấy tâm thanh thản, mình thật sự rất thích, cực lực đề cử!
2. LOVE STONE review sách Đường Mây Trên Đất Hoa
Cuốn sách về cuộc đời của hòa thượng Hư Vân và cuộc đời hoành dương Phật giáo của Ngài trong giai đoạn đất nước Trung Hoa có nhiều biến động về chính trị qua lời kể của Ngài cho các đệ tử ghi chép lại, phần sau là những bài thuyết pháp của Ngài. Mình cảm phục tấm lòng hiếu thảo của Ngài vì để đền đáp công ơn sinh thành và hồi hướng công đức cho cha mẹ mà Ngài đã tam bộ nhất bái trong 3 năm ròng không quản nắng mưa sương gió.
Phần sau các bài thuyết pháp của ngài đối với mình hơi khó hiểu, nhiều chữ Hán Việt mà cần vừa đọc vừa xem chú thích của tác giả.
3. NGUYỄN PHƯƠNG review sách Đường Mây Trên Đất Hoa
Đây là 1 quyển sách rất hay viết về cuộc đời của Hòa Thượng Hư Vân. Bất kì người Phật tử nào cũng nên đọc quyển sách này để thấy và được truyền cảm hứng bởi sự nhẫn nhục tuyệt diệu của thầy Hư Vân, tình yêu và sự hy sinh to lớn của Thầy cho Phật Pháp.
Mình đọc cho đến lần thứ 2 mới hiểu được tại sao Thầy luôn nhẫn nhịn khi gặp phải người nào đó đối xử không tốt thậm chí đánh đập, hành hạ Thầy. Mình nhớ một lần Thầy có nói tại sao làm vậy, mặc dù mình không nhớ chính xác được câu đó nhưng đại ý là chỉ có đức nhẫn nhịn mới dẹp trừ được sự bôi nhọ, bịa đặt của người đời.
Thầy nhẫn nhịn như vậy nhưng với Đạo Pháp thì khác, nếu như Thầy thấy điều gì đó tổn hại đến Đạo Pháp, Thầy tuyệt không đứng im. Ví dụ như những lần bị công an địa phương đàn áp trên núi (nơi mà Thầy cất am cùng đệ tử) và muốn chiếm vùng đất đó, Thầy đã liên tục gửi điện ra chính quyền trung ương để giải quyết.
Mình thấy rằng Hòa Thượng Hư Vân thực sự là 1 vị Thánh, Thầy có đức nhẫn nhịn tuyệt vời nhưng hoàn toàn không nhu nhược.
III. Trích dẫn sách Đường Mây Trên Đất Hoa
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn CHƯƠNG 1 – Đường Mây Trên Đất Hoa
Ta tên tục là Trai, xuất thân từ Lang Lăng, vốn thuộc dòng dõi của Lương Võ Đế(1) ngày trước. Cha ta tên là Ngọc Đường, mẹ ta tên là Nhan Thị, cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, thuộc huyện Tương Lương. Cha ta làm quan tại châu Vĩnh Xuân, tỉnh Phúc Kiến. Mặc dầu lập gia đình đã lâu nhưng cha mẹ ta vẫn chưa có con nên mẹ ta thường ra ngoài thành, nơi chùa Quán Âm cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị hư hoại, không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng tu lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ ta đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, cưỡi hổ đến rồi nhảy lên trên giường. Mẹ ta kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai.
(1) Lương Võ Đế (502 – 550) là nhà vua rất sùng đạo Phật của Trung Hoa, là người có công xây dựng nhiều chùa chiền. Vào thời của vị vua này, đạo Phật được xem là quốc giáo.
Cuối năm Đạo Quang thứ hai mươi (1840), cha ta được bổ đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu. Tháng Bảy ngày hai mươi, giờ Dần, ta ra đời, nhưng lúc ấy toàn thân được bao bọc bởi một bọc thịt. Mẹ ta thấy vậy, kinh hãi, nghĩ từ đây về sau chắc sẽ không còn hy vọng sinh con được nữa, nên buồn uất khí mà chết. Hôm sau, có ông lão bán thuốc đến cắt bọc thịt, mang ta ra. Từ đó ta được bà kế mẫu là Vương Thị chăm sóc, nuôi nấng. Ngay từ nhỏ ta đã không ăn thịt, người nhà bắt ăn liền nôn mửa ra nên cả nhà cho là điều lạ. Năm ta vừa được mười một tuổi thì cha ta được bổ nhiệm đi trông coi phủ Tuyền Châu, nên ta được gửi cho người chú ruột trông coi. Vào lúc đó, tục tảo hôn rất thịnh hành, bà nội ta đã làm lễ đính hôn cho ta với hai người con gái, Điền Thị và Đàm Thị. Cả hai đều thuộc dòng dõi con nhà quan tại Phúc Kiến, hai dòng họ đã từng làm bạn thông giao với nhau từ lâu.
Năm ta được mười ba tuổi thì bà nội ta qua đời. Ta theo cha đưa linh cữu bà về quê an táng. Người nhà thỉnh chư tăng đến tụng kinh cầu siêu rất trọng thể. Đây là lần đầu tiên ta được nghe kinh Phật và thấy pháp khí Tam Bảo, tự tâm vui mừng khôn xiết như người mê chợt tỉnh. Từ đó ta chuyên tâm nghiên cứu kinh Phật, đọc tụng những bộ kinh như A Di Đà, Phổ Môn. Ta xem truyện Hương Sơn nói về sự tích hành đạo của đức Bồ Tát Quán Thế Âm(2), liền thâm nhiễm vào tâm. Ít lâu sau, ta cùng cha đi Đài Loan, lên thuyền xuất phát từ cửa Hạ Môn(3). Đang lênh đênh trên biển, bỗng đâu có một con quái vật lớn như núi, cao hơn mặt biển cả vài chục thước xuất hiện. Mọi người đều sợ hãi, ta nhớ đến công hạnh tầm thanh cứu khổ(4) của Bồ Tát Quán Thế Âm nên yêu cầu tất cả mọi người trên thuyền hãy niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Thuyền đi khoảng nửa giờ sau thì thấy đuôi cá khổng lồ, dài cả mấy trăm thước nhô lên nhưng tất cả đều được bình an vô sự. Tháng Tám năm đó, ta theo chú ta đi hành hương, lễ bái khắp các chùa ở Nam Ngạc. Dường như có duyên xưa hay sao mà ta cứ quyến luyến cảnh chùa, không muốn trở về nhà nữa, chỉ mong muốn được xuất gia. Hiềm vì chú ta quá nghiêm khắc nên ta không dám làm trái ý, đành miễn cưỡng trở về nhà.
(2) Hương Sơn Đại Bi Bồ Tát truyện do một vị học sĩ là Tưởng Chi Kỳ viết theo lời kể của một vị trụ trì chùa Hương Sơn (Trung Quốc). Câu chuyện xoay quanh cuộc đời tu hành và đắc đạo của công chúa Diệu Thiện, tức Quán Thế Âm Bồ Tát.
(3) Hạ Môn là thành phố nằm ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến. Thành phố nhìn ra eo biển Đài Loan.
(4) Tầm thanh cứu khổ: lắng nghe ở đâu chúng sanh có nhiều khổ đau thì ngài có mặt. Hạnh quán âm là hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chú ta biết ta có chí xuất trần nên muốn dùng lợi lạc thế gian mà lưu giữ lại. Chú mời một đạo sĩ được gọi tên là Vương tiên sinh đến nhà dạy ta cách tu hành. Vị này dạy ta đọc sách đạo lão, đồng thời luyện nội ngoại khí công. Tuy tâm ta không muốn học, nhưng sợ chú nên không dám cãi. Ta học sách đạo giáo tại nhà trong suốt ba năm, nhẫn nhục hết sức, bên ngoài dường như không có gì nhưng bên trong cứ như ngồi trên bàn đinh. Ngày nọ, thừa lúc chú đi vắng, ta nghĩ thời điểm rời nhà đã đến nên xách quần áo trốn đi Nam Ngạc. Hiềm vì đường xa khó đi nhanh, nên giữa đường ta bị người nhà tìm bắt được, đưa trở về Tuyền Châu.
Biết ta có chí xuất gia, cha ta vội cho rước hai cô họ Điền và Đàm về, rồi cử hành hôn lễ, mong rằng ta sẽ lụy tình riêng mà quên đi việc xuất gia tìm đạo. Trong thời gian trước hôn lễ, ta bị nghiêm giữ tại nhà không cho đi đâu vì sợ ta lại trốn. Tuy nhiên, ý ta đã quyết, nên vào đêm tân hôn, ta vào phòng riêng nói rõ ý định muốn xuất gia của mình cho hai cô vợ nghe nên họ cũng hiểu. Từ đó, ta bắt đầu giảng giải Phật pháp cho hai người vợ cùng nghe. Tuy ở chung nhà nhưng chúng ta không nhiễm sắc dục. Dầu ở nơi phòng riêng hay nhà khách, chúng ta đều là bạn đạo thanh tịnh. Người em họ con chú ta tên là Phú Quốc cũng có chí xuất tục nên cũng đồng học Phật pháp với ta.
Năm mười chín tuổi, ta quyết chí ly tục. Phú Quốc cũng đồng chí hướng nên chúng ta bí mật xem xét lộ trình đến Cổ Sơn ở Phước Châu. Ta làm Bài ca túi da (Bì Bao Ca) để lưu biệt hai cô họ Điền và họ Đàm, rồi sau đó cùng Phú Quốc trốn nhà đến chùa Dõng Tuyền, núi Cổ Sơn, tỉnh Phước Châu, xin Hòa thượng Thường Khai làm lễ xuống tóc cho. Ta theo Hòa thượng Diệu Liên ở Cổ Sơn thọ giới cụ túc(5), pháp danh là Cổ Nham, cùng Diễn Triệt tự Đức Thanh. Sau khi thọ giới cụ túc, Phú Quốc hành cước(6) tham phương tìm thầy học đạo, từ đó ta không còn biết tông tích chi nữa. Hay tin ta trốn nhà ra đi, cha ta sai người đi khắp nơi tìm. Quan quân được lệnh lùng xét các chùa chiền trong vùng nên ta phải ẩn trốn tại một hang động sau núi, không dám lộ diện. Lúc ấy ta chuyên hành lễ sám hối, nên tuy trong núi có nhiều hổ sói, ta không hề sợ sệt. Sau ba năm chuyên tâm lễ sám, ngày nọ, một vị sư ở Cổ Sơn đến cho hay rằng cha ta đã từ quan về hưu, quan quân thôi việc lùng bắt nên ta không cần phải trốn lánh nữa. Ta bèn trở về chùa nhập chúng, làm việc.
(5) Thọ giới cụ túc (Upasampada): một Tỳ kheo được thọ giới cụ túc có nghĩa là chính thức bước vào đời sống thanh tịnh của một bậc thánh trong bốn cử chỉ đi, đứng, ngồi, nằm cho đến khi giải thoát, giác ngộ.
(6) Hành cước: đi chu du đây đó nhằm mục đích học hỏi.
Năm ta được hai mươi lăm tuổi, có người đến cho hay rằng cha ta bị bệnh nên đã qua đời tại huyện Tương Lương. Sau khi cha ta mất, kế mẫu Vương Thị dẫn hai cô con dâu đi xuất gia làm ni sư. Bà Vương Thị có pháp danh là Diệu Tịnh. Cô Điền Thị pháp danh là Châu Khiết. Cô Đàm Thị pháp danh là Thanh Tiết. Từ đó, ta không còn biết tin tức gì về gia đình nữa. Ta nhập chúng tại Cổ Sơn trong hơn bốn năm. Công việc của ta lúc ấy là nấu cơm, làm vườn, hành đường, điểm tọa. Tất cả công việc đều cực nhọc, nhưng ta không hề phiền lòng. Lúc đó, trên núi có Thiền sư Cổ Nguyệt, là vị tu khổ hạnh bậc nhất trong chúng, nên ta thường đến đàm đạo học hỏi với ngài. Ta theo ngài sống “tam thường bất túc”(7) nên những khi có phân phát đồ cúng dường cho chư tăng trong chùa, ta đều không nhận. Mỗi ngày ta chỉ ăn một bát cơm mà sức khỏe vẫn tráng kiện. Một hôm, ta nghĩ mình đã nhập chúng mấy năm mà việc tu hành vẫn chưa tiến bộ bao nhiêu. Lại nhớ xưa kia, pháp sư(8) Huyền Trang, mười năm trước khi qua Ấn Độ thỉnh kinh, đã tự học ngôn ngữ xứ này. Ngài tập mỗi ngày đi trăm dặm và nhịn ăn. Mới đầu là một ngày, rồi lần lần tăng lên đến mười ngày, để chuẩn bị cho sau này phải đi qua những sa mạc hoang vu, tuyệt nhiên không có nước. Việc tu hành khổ hạnh của các bậc cổ đức là như thế, tại sao ta lại không hành theo gương người xưa? Nghĩ thế, nên ta xin thôi đảm trách công việc trong chùa, chia hết vật dụng tư trang cho chư tăng, chỉ mang theo bên mình một y, một bát, một đôi vớ, một tấm bồ đoàn, một cái nón lá, rồi trở lại hang động trong núi mà tu hành.
(7) “Tam thường bất túc” là nếp sống được duy trì theo phương châm của nhà chùa, có nghĩa là mặc thì không cầu đẹp, ăn thì không cầu ngon, ngủ thì không cầu đủ, chỉ vừa phải. Nếp sống ấy, một mặt vừa để tiết chế dục vọng, một mặt cũng nói lên một nghệ thuật sống thanh cao: mặc, ăn hay ngủ vừa đủ thì sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc hơn.
(8) Pháp sư: giảng sư thuyết pháp hay người thông tuệ môn pháp.
Trong ba năm đó, ta sống rất đơn giản. Đói ăn đọt tùng lá dại, khát uống nước suối nước sương. Giày vớ ngày càng rách nát, chỉ còn lại một chiếc áo tràng che thân. Đầu tóc mọc dài cả mấy thước, đôi mắt sáng rực, người ở xa nhìn thấy tưởng yêu quái, đều bỏ chạy. Ta cũng chẳng muốn cùng người nói chuyện, chỉ im lặng tu hành. Ta không nhận sự thương hại hay ăn thức ăn nấu chín của người thế gian, chỉ ăn lá cây dại. Nơi rừng sâu núi thẳm, hổ sói rắn trùng không hại đến ta. Trong ba năm liền, ta một lòng quán chiếu và niệm Phật. Ngửa mặt nhìn trời, thấy muôn sự đều nằm trong tâm, ta sống an lạc như người ở cõi tứ thiền và nghiệm biết rằng tai, hoạn của thế nhân đều do thân, miệng, ý gây ra. Cổ nhân đã nói âm thanh của một chiếc bình bát còn vang xa hơn cả muôn ngàn tiếng chuông. Riêng ta bình bát cũng chẳng có, nên ung dung tự tại không ngại.
Càng tu, sức khỏe của ta càng tráng kiện, tai mắt ta càng tinh thông, và có thể đi nhanh như bay. Từ đó, ta vân du khắp nơi, tùy ý thích, có núi thì ở, có lá dại thì ăn, từ nơi này sang nơi khác, qua một năm mà chẳng biết tháng ngày. Ngày nọ, khi dừng chân tại một ngọn núi ở Ôn Châu, có một vị sư đi đến, đảnh lễ và hỏi: “Lâu nay tôi nghe hạnh của thầy, nên đến cầu xin chỉ dạy”. Nghe thế, ta cảm thấy vô cùng xấu hổ, liền đáp: “Kẻ này tri thức ngu muội, thiếu sự tham học, đâu dám chỉ dạy cho ai”. Vị sư kia ngạc nhiên hỏi: “Thầy hành hạnh này đã bao nhiêu năm rồi?”. Ta liền thuật lại những việc đã xảy ra trong những năm sống trong rừng núi. Vị ấy nghe xong liền bảo: “Tôi cũng chỉ tham học đôi chút, không biết gì nhiều, nhưng tôi nghe nói trên núi Thiên Thai(9), Hoa Đảnh, trong am Long Tuyền, có lão pháp sư Dung Cảnh là người đạo cao đức trọng, thầy nên đến đó mà cầu đạo”. Nghe thế, ta cảm tạ vị tăng kia, rồi đi thẳng đến núi Thiên Thai.
(9) Núi Thiên Thai ở tỉnh Chiết Giang, là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc.
Khi đến núi Thiên Thai, ta gặp một vị tăng liền hỏi thăm chỗ ở của pháp sư Dung Cảnh. Vị tăng đó đáp: “Vị sư mặc áo vá ngồi thiền đằng kia chính là ngài ấy”. Ta bèn đi thẳng đến, cúi đầu đảnh lễ nhưng lão pháp sư chẳng màng quay đầu lại. Ta liền bạch:
– Con từ xa đến đây xin được thân cận học hỏi, mong ngài vì lòng từ bi mà chỉ dạy cho.
Pháp sư xoay mình lại, nhìn ta hồi lâu rồi hỏi:
– Ngươi là tăng, là đạo sĩ, hay là người thế tục?
– Con là tăng sĩ.
– Thế đã thọ giới cụ túc chưa?
– Bạch pháp sư! Con đã thọ giới rồi.
– Ngươi đã tu hành với hình dạng này bao lâu rồi?
Ta liền lược thuật lại sự tu hành của mình trong những năm vừa qua. Pháp sư lắc đầu hỏi:
– Ai đã dạy ngươi tu như thế?
– Bạch pháp sư! Con thấy người xưa, ai nấy đều tu hành khổ hạnh mới đắc đạo, nên con cố học theo.
Pháp sư nói ngay:
– Ngươi chỉ biết người xưa tu thân, vậy có biết người xưa tu tâm như thế nào không?
Nghe vậy, ta giật mình như vừa bị ai giội một gáo nước lạnh lên người, không biết phải nói gì. Pháp sư nói tiếp:
– Hình thể tu hành của ngươi như thế này, chẳng khác chi ngoại đạo, thật uổng phí công phu tu hành cả mười năm. Ở rừng sâu núi thẳm, ăn đọt tùng uống nước suối mà thọ mạng được trăm năm, bất quá chỉ là một trong mười loại tiên nhân như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói thôi, còn cách đạo giải thoát rất xa. Có tiến lên thêm một bước nữa cũng chỉ chứng được sơ quả, chỉ tự giải thoát cho mình chứ chẳng cứu được ai. Nếu biết phát tâm bồ tát, trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, tự độ cho chính mình, sau độ cho người, tu đạo xuất thế gian mà không rời thế gian pháp. Đó mới chính là con đường mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Nay ngươi miễn cưỡng không ăn cơm nấu chín, mặc quần áo rách rưới, chưa nói là làm bộ dạng khác thường; công phu quái dị như vầy mà đòi giải thoát được sao?
Ta được pháp sư cảnh tỉnh cho như thế, toàn thân chấn động đau thối nhức xương, nên đảnh lễ xin ngài chỉ dạy cho. Pháp sư nói:
– Ta dạy ngươi, nếu nghe thì ở, còn không thì nên đi ngay nơi khác.
– Bạch pháp sư! Con đến đây chỉ mong được học hỏi với ngài. Sao lại dám không nghe lời chỉ dạy!
Pháp sư liền cho ta quần áo, bảo đi cạo đầu, tắm gội sạch sẽ, rồi phân công cho ta làm việc trong chùa. Ngài dạy ta khán thoại đầu(10): “Ai là người đang mang thây chết này?”. Từ đó, ta ở lại am Long Tuyền, hầu cận pháp sư Dung Cảnh, học giáo quán của tông Thiên Thai(11), tâm được khai mở nhiều. Pháp sư tuổi ngoài tám mươi, giới luật tinh nghiêm, tông giáo đều thông. Học với ngài được ít lâu thì ta được gửi đến chùa Quốc Thanh học thêm quy chế thiền môn, đến chùa Phương Quảng học kinh Pháp Hoa. Ta rất siêng năng tu học nên được pháp sư khen ngợi, nhiều lần ngài bảo ta lên tòa giảng kinh cho những vị khách tăng đến am tham học.
(10) Khán thoại đầu (hay tham thoại đầu): nghĩa là xem, trông coi, giữ tâm ở một niệm là câu thoại đầu (ví dụ câu thoại đầu là “Ai đang niệm Phật?”, hay “A Di Đà Phật”). Bằng cách này, người hành thiền trụ tâm ở một chỗ cho đến khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, thấy được chân tánh của các pháp, đi đến giác ngộ, giải thoát.
(11) Thiên Thai Giáo Quán tông: là một tông phái Phật giáo, xuất phát từ Thiên Thai tông, còn gọi là Pháp Hoa tông. Pháp Hoa tông ra đời ở Trung Quốc, sau đó được truyền sang Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam…
Năm ta được ba mươi sáu tuổi, pháp sư cho phép ta hạ sơn. Ta lưu luyến đàm thoại cùng ngài suốt mấy đêm rồi trân trọng từ biệt xuống núi. Ta đi ngang qua Tuyết Đậu, đến chùa Nhạc Lâm nghe giảng kinh A Di Đà, rồi vượt biển đi Phổ Đà(12) tham bái các chùa, am, tự viện trong vùng. Sau đó, ta trở lại huyện Ninh Ba, đến chùa A Dục Vương lạy xá lợi Phật trong hai năm để hồi hướng công đức báo ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Năm sau nữa, ta đến chùa Thiên Đồng nghe giảng Tông Thông kinh Thủ Lăng Nghiêm, rồi đi Hàng Châu triều bái Tam Thiên Trúc cùng các thánh cảnh khác. Trên đường từ Ninh Ba đến Hàng Châu, thời tiết rất nóng nực. Vì thuyền nhỏ mà người đông, nên thanh niên cùng phụ nữ đều nằm la liệt. Nửa đêm, khi mọi người đang say giấc, ta cảm thấy như có ai đụng chạm vào thân mình. Tỉnh dậy, ta thấy bên cạnh mình có một cô gái trần truồng. Ta không dám nói gì, vội ngồi dậy, nghiêm trang kiết già, trì chú. Cô ấy cũng chẳng dám động đậy. Nếu lúc ấy ngu muội thì chắc đã phạm giới hư bại rồi. Vì việc này, ta có lời khuyên các vị tu hành rằng không thể thiếu cẩn trọng trong những trường hợp như trên.
(12) Phổ Đà Sơn: tên cũ là Bố Đà Lạc Già. Phổ Đà Sơn nằm trong biển Đông Nam (tỉnh Chiết Giang). Ngọn núi này cùng với Nga Mi Sơn, Ngũ Đài Sơn và Cửu Hoa Sơn được xem là Tứ đại Phật giáo Danh sơn của Trung Quốc.
……
Trên đây là trích đoạn trong sách Đường Mây Trên Đất Hoa – Hòa thượng Hư Vân – Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!