Thể Loại | Tôn Giáo – Tâm Linh |
Tác Giả | Nguyên Phong phóng tác |
NXB | NXB Tổng Hợp |
CTy Phát Hành | Trí Việt |
Số Trang | 432 |
Ngày Xuất Bản | 08 – 2020 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Dấu Chân Trên Cát
“Dấu Chân Trên Cát” là tác phẩm được dịch giả Nguyên Phong phóng tác kể về xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước Công nguyên, qua lời kể của nhân vật chính – Sinuhe.
Ngày nay, người ta biết đến triều đại các vua chúa Ai Cập thời cổ qua sách vở của người Hy Lạp. Sở dĩ các sử gia Hy Lạp biết được các chi tiết này vì họ đã học hỏi từ người Ai Cập bị đày biệt xứ tên là Sinuhe. Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.
Các sử gia ngày nay đã đưa ra nhiều giả thuyết về nhân vật Sinuhe này. Có người cho rằng ông là một lái buôn đến Hy Lạp lập nghiệp, nhưng làm sao lái buôn lại mở trường dạy học và để lại nhiều tài liệu quý giá như thế được? Từ ngàn xưa, chỉ riêng giai cấp vua chúa là giáo sĩ mới được hưởng quy chế giáo dục toàn vẹn như vậy mà thôi.
Do đó, một số người cho rằng ông thuộc giai cấp giáo sĩ, nhưng việc một giáo sĩ Ai Cập đến mở trường dạy học tại Hy Lạp cũng là điều khó chấp nhận. Mặc dù khi đó văn minh Hy Lạp chưa tiến bộ như Ai Cập nhưng giáo xứ này phát triển rất mạnh, hiển nhiên các giáo sĩ Hy Lạp không thể chấp nhận cho một giáo sĩ ngoại quốc đến mở trường dạy học tại thánh địa Olympia của họ được.
Nếu thế thì phải chăng Sinuhe thuộc giai cấp hoàng tộc? Điều này xét ra cũng không có lý vì một người thuộc giai cấp hoàng tộc không thể bị đày biệt xứ. Luật pháp Ai Cập chủ trương xử tử những kẻ trong hoàng tộc nếu họ vi phạm một tội trọng nào đó chứ không có lệ bị đày biệt xứ, vì các vua Pharaoh rất sợ những người trong bọn họ chiêu binh mãi mã làm phản.
Việc một người Ai Cập, thân thế mơ hồ, bị đày biệt xứ, đến mở trường dạy học tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp, vẫn là một bí mật đến nay các nhà khảo cổ chưa tìm ra được câu trả lời.
Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử về xã hội Ai Cập cổ đại, song nhiều vấn đề được nêu ra trong tác phẩm vẫn có ý nghĩa thời sự trong thế giới ngày nay. Đó là lý do khiến cho tác phẩm không chỉ giữ được sự cuốn hút đối với bạn đọc Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những dòng văn viết với ý tứ sâu sắc của một người con xa quê hương: “Người Ai Cập có thành ngữ: Kẻ nào đã uống nước sông Nile thì không thể nào uống nước ở đâu được nữa”. Quả thế tuy sống tại Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập quê hương thân yêu của tôi.
Dường như những miền nào xây dựng trên mặt cát, chỉ huy hoàng trong một thời gian rất ngắn rồi tàn lụi, nhưng mấy ai chịu để ý đến điều ấy. Cũng như những vết dấu chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ, huyền thoại về một người Ai Cập qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.
Thông tin tác giả Nguyên Phong
Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là Giáo sư John Vu – Nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin. , CMMI và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974).
*** Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa…
*** Và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, GS John Vu và lời khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu và lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.
II. Review sách Dấu Chân Trên Cát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Dấu Chân Trên Cát của dịch giả Nguyên Phong. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. HUU KHANH NGUYEN review sách Dấu Chân Trên Cát
Xếp cuốn “Dấu chân trên cát” này vào Novel cũng được, vì nó là 1 truyền thuyết được tác giả tưởng tượng ra 1 câu chuyện thành sách. Nhưng xen kẽ vào đó cũng biết được thêm về lịch sử Ai Cập, sơ lược.
Truyện nổi bật vấn đề về cái chết, sự sống, con người hướng thiện, bắt đầu từ 1 vị bác sĩ , lương y, hết lòng vì bệnh nhân, không màng danh lợi, ham học hỏi, chỉ theo đuổi kiến thức , ấy thế mà cũng lầm đường lạc lối chỉ vì 1 cô gái. Tất cả đều rất gần với con người thật, bản ngã con người cũng vậy, không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, ko có giá trị thực tế…
Bản thân sau khi đọc cuốn “hành trình về phương Đông” và chuyển qua đọc cuốn này, đại ý như 1 sự liền mạch về cách suy nghĩ với sự sống và cái chết, về kiếp luân hồi, ở thiện làm điều thiện sẽ chuyển hoá qua 1 thế giới khác, làm lại được kiếp con người..
Đọc để bản thân thấy mình thanh thản hơn, an nhiên hơn giữa đòng đời tấp nập hối hả, ko biết sống vì mục đích gì.
2. VUI LÊN review sách Dấu Chân Trên Cát
“Dấu Chân Trên Cát – 26/2/2020” Đọc lại lần số 3, vẫn thấy hay như hai lần đầu.
Dù bạn không thích hay thích Nhà Giả Kim thì cuốn sách này cũng là một sự thay thế hoàn hảo. Câu chuyện tâm linh cuốn hút, yếu tố văn hóa và lịch sử được lồng ghét rất tinh tế. Nhiều bài học và góc nhìn hay được kể xuyên suốt. Mình đã quá sức ấn tượng với cuốn sách này và tự hỏi tại sao nó lại không nổi tiếng nhỉ?
3. PAUL DIEN NGUYEN review sách Dấu Chân Trên Cát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Dấu chân trên cát – Nguyên Phong phóng tác” Cuốn sách cho tôi có những trải nghiệm tưởng tượng về cuộc sống của vua chúa, của các Pharaoh, các hoàng hậu và phi tần trong cung thời đại hoàng kim của Ai Cập.
Biết rằng Ai Cập đã có một vị Pharaoh hiểu biết và lý tưởng đến như vậy, và đó là lý tưởng tôi sẽ theo đuổi. Lý tưởng đó tìm về cội nguồn của chiến tranh, nguồn gốc của sự thịnh vượng là trí tuệ của người dân.
Chỉ vì quá đề cao dân tộc của mình mà dân Ai Cập phải chịu đau khổ, sa vào vũng lầy của thù hận, tranh giành và tội lỗi chỉ vì của cải vật chất cướp bóc từ các nước láng giềng. với tư tưởng cổ xúy chiến tranh, mà sau tất cả thì quyền lợi chỉ nằm ở tay vua chúa, quý tộc và giới giáo sĩ. Còn dân chúng không được bình yên để lao động sản xuất, những người lính thì phải chịu cảnh bị thương, đau đớn, chia cắt với gia đình ở quê nhà.
Vị Pharaoh Akenaten muốn đưa Ai Cập cải tổ lại toàn bộ Ai Cập, để tìm về hòa bình, cho người dân được yên ổn sinh sống. Nhưng đến sau cùng thì Ngài cũng phải chịu thua bởi tư tưởng cổ xúy chiến tranh đã ăn sâu vào tâm trí người dân, cũng như lòng tự hào dân tộc của dân Ai Cập chỉ coi những dân tộc khác là man dị, mọi rợ.
Đâu biết rằng tình thế của Ai Cập bây giờ giống như sa mạc vào mùa xuân. Sa mạc nắng nóng khô cằn chỉ có một khoảng thời gian huy hoàng nhất khi các cây cỏ nảy nở sau cơn mưa xuân. Nhưng sau đó lại là vẻ hoang vu, khô cằn không có sự sống trong suốt các mùa khác trong năm. Thời điểm hiện tại của Ai Cập bấy giờ cũng vậy. Họ không biết rằng bây giờ đang thịnh vượng mà không lo xây dựng, không lo giáo dục thế hệ trẻ thì sớm muộn họ cũng sẽ lụi tàn.
Và đúng như Pharaoh đã tiên liệu rằng dân Ai Cập phải chịu hơn 2000 năm đô hộ, mới biết được cảm giác của các nước bị nước này đánh chiếm. Và sau khi thời đại huy hoàng của các Pharaoh qua đi là khoảng thời gian đen tối nhất của xứ này, chịu sự đô hộ,xâm lăng vào bảo hộ của các nước Syria, Ả Rập, La Mã. Bây giờ thì nền văn minh huy hoàng trước kia đã bị mai một , khi mà chữ viết của người Ai Cập cổ đã bị thay thế hoàn toàn bằng tiếng Ả Rập.
Thật đáng buồn cho một nền văn minh sớm phát triển nhưng cũng chóng lụi tàn.
Chúc bạn có có những trải nghiệm thú vị của riêng mình khi đọc cuốn sách này
4. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Dấu Chân Trên Cát
Ai Cập là một quốc gia huyền bí với bao lăng tẩm, đền đài và bao bí ẩn chưa được khai phá. Chỉ cần nhìn các hình ảnh cũng như những kí tự cổ của đất nước này, tôi đã thấy thích thú và bị mê hoặc như có ai đó thôi miên. Chính vì lẽ đó mà tôi đã say sưa đọc cuốn sách Dấu chân trên cát do Nguyên Phong phóng tác.
Tôi hoá thân thành hạt cát nhỏ bị gió thổi bay vào sa mạc rộng lớn rồi dõi mắt quan sát những sự kiện trùng điệp được xây dựng rất hệ thống, mang tính móc xích. Tác phẩm hấp dẫn bởi cốt truyện kịch tính, hồi hộp như những đoạn phim gay cấn xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính: Y sĩ Sinuhe. Đặc biệt, khi bước vào tác phẩm, ta như bị đặt vào một chiếc bàn xoay, tác phẩm sẽ xoay ra ta đủ chiều, đủ hướng với bao bất ngờ nghênh đón. Chính yếu tố bất ngờ là thứ hương thơm quyến rũ ta bước sâu vào thế giới của tác phẩm.
Cuốn sách ngợi ca lòng yêu nước, tình bạn cao cả, tình yêu mãnh liệt và phê phán mạnh mẽ sự bạo tàn, tư tưởng bạo lực, tranh quyền đoạt vị… “Dấu chân trên cát” không chỉ truyền tải những giá trị tươi màu của cuộc sống mà còn mang nhiều thông điệp về cái chết. Tất cả những giá trị nhân văn ấy được bao bọc trong lớp vỏ đậm chất tôn giáo, tâm linh và lớp lớp diễn biến phức tạp, gây cấn.
Đặc biệt, có nhiều đoạn lời thoại của Pharaon Akhenaten được dựng lại rất dài để chuyển tải những giá trị minh triết, những lý tưởng cao cả có thể áp dụng cho mọi thời đại. Đó là những lời lẽ khiến ta phải suy ngẫm và tự đúc kết những tinh tuý.
Tác phẩm khiến ta yêu thích hơn đất nước Ai Cập cũng như hiểu rõ hơn sâu xa nguồn gốc của nền văn minh Hy Lạp. “Dấu chân trên cát” là cuốn sách vừa có giá trị lớn về lịch sử vừa có ý nghĩa lớn về tư tưởng. Tuy nhiên, tác phẩm giàu giá trị này chỉ thật sự có ý nghĩa nếu chúng ta đào sâu khai thác mạch ngầm kiến thức cũng như nội dung tư tưởng ẩn sau cốt truyện sinh động, kịch tính.
5. DANG TUAN review sách Dấu Chân Trên Cát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Dấu chân trên cát – Nguyên Phong phóng tác” viết về một vị y sĩ Sinuhe, con của hoàng hậu – vợ Pharaoh đời trước, khi mới sinh ra đã bị một phi tần khác đánh tráo với xác mèo đen để soán ngôi hoàng hậu.
Trải qua bao thăng trầm của triều đại, được học tại cả Trường Khoa học dành cho người sống và Trường Khoa học dành cho người chết, sự điểm đạo vô cùng chi tiết của Pharaoh Akhennaten, Sinuhe trở thành một trong những học giả vô cùng uyên bác mang trong mình sứ mệnh lưu giữ, truyền dạy và phục hưng nền văn minh Ai Cập cổ đại huy hoàng.
Bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực tanh máu giữa các thế lực trong triều nhằm lật đổ Pharaoh, Sinuhe cuối cùng cũng biết được dòng máu hoàng gia vẫn chảy trong mình.
Vị Pharaoh “đặc biệt nhất trong các vị Pharaoh” – Akhennaten, đã rất sáng suốt trong việc thay đổi chính sách cai trị, quân sự, thần quyền, đã đưa ra những quyết định mang tính cách mạng để cải tổ Ai Cập. Và cũng chính vị vua minh triết này đã gieo duyên lành, cứu Sinuhe khỏi cái chết bằng cách dùng mệnh lệnh cuối cùng của mình, đày Sinuhe ra khỏi Ai Cập vĩnh viễn.
Chính từ nguyên nhân này, Sinuhe có cơ hội truyền bá nền văn minh Ai Cập cổ đại tới Hy Lạp và tạo nên các thế hệ học trò vô cùng nổi tiếng sau này như: Plato, Socrates, Aristole, Epictetus, vv… Chính họ đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau gọi là: “thời buổi hoàng kim của các triết gia”.
“Dấu chân trên cát” đưa ta về triều đại Pharaoh duy nhất yêu thích sự hoà bình, ghét chiến tranh xung đột, chú trọng giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, am hiểu chiêm tinh và biết sống thuận theo tự nhiên, vũ trụ.
“Các vì tinh tú, vũ trụ có thể ảnh hưởng tới cuộc sống mỗi quốc gia, dân tộc, con người, thì ngược lại, mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc bằng suy nghĩ, hành động cũng có thể ảnh hưởng tới vũ trụ, tới các vì tinh tú” – một quan điểm vô cùng sâu sắc của Pharaoh Ahkhenaten.
Cuốn sách hay 💙.
6. VIVIAN ĐÌNH review sách Dấu Chân Trên Cát
Không còn biết dành từ ngữ nào xuất sắc hơn dành cho cuốn này bằng 5 sao tròn trĩnh cả!
Mình mê Ai Cập và bất cứ câu chuyện lịch sử nào liên quan tới Ai Cập từ hồi còn….cầm đọc Nữ hoàng Ai Cập cơ :v Mê đắm tới nỗi thèm đi qua bển du lịch luôn cơ =))) Qua cuốn “Dấu Chân Trên Cát” này mình mới hiểu rõ thêm về các vị thần Ai Cập, các nhân vật có thật trong lịch sử mà không còn confused như hồi xưa nữa.
Câu chuyện trong cuốn sách này thì cuốn hút ngay từ trang đầu tiên tới tận dòng cuối cùng. Mặc dù biết chỉ là hư cấu, nhưng thấy chân thật tới lạ. Rất cảm ơn tác giả Nguyên Phong đã đưa mình quay lại Ai Cập của thế kỉ 14 TCN đầy sống động và ly kì tới vậy. Nhờ tìm hiểu và đọc cuốn này mới hiểu được ý nghĩa của chữ Phóng tác =))), trước đây đã hiểu lầm một cách tai hại về chữ này.
Trong lúc đang đọc cuốn này thì mình có tìm hiểu một số bài viết phê phán sự không chân thực về thông tin liên quan tới tác giả gốc Mika Waltari lẫn nhân vật Sinuhe được đề cập trong cuốn sách. Cũng có 1 chút xíu không hài lòng khi biết được nhưng mình bỏ qua luôn vì độ hay siêu bánh cuốn của câu chuyện hú hú
Sẽ tìm hiểu thêm những cuốn sách khác của Nguyên Phong. Highly recommend again! RTC!
7. RIVER AUTUMN review sách Dấu Chân Trên Cát
Trên trái đất đã từng có bao nhiêu nền văn minh đến rồi đi, phát triển rực rỡ rồi lụi tàn? Ai cập là một nền văn minh như thế. Đã từng phát triển huy hoàng với những kỳ quan đến giờ vẫn còn là những bí ẩn khó có lời giải đáp cho hậu thế như Kim tự tháp, Vườn treo Babolon, Ngọn hải đăng Alexandria…
Cuốn sách là câu chuyện về cuộc đời chìm nổi của Sanuhe – một người Ai cập bị đi đày biệt xứ nhưng đã có công mang nền văn minh Ai cập truyền bá vào Hy lạp và đã giúp cho Hy lạp phát triển hùng mạnh về rất nhiều mặt.
Ông là ai? Là một đứa trẻ có thân phận đặc biệt, được nuôi dưỡng bởi những con người nhân hậu, rồi số phận rui rủi ông gặp một người bạn mà sau này cả hai đều có những tác động không nhỏ đến Ai cập…cuộc đời Sanuhe đầy những biến động bất ngờ, từ nghèo hèn trở nên giàu sang, rồi lại bị bắt, bị đi đày, rồi lại trở nên một nhân vật vĩ đại dạy dỗ nên những học trò lừng danh : Plato, Aritosle, Socrates, Epictetus…
Cuốn sách mở ra một bầu trời kiến thức rộng lớn của nền văn minh Ai cập cổ đại song hành cùng câu chuyện về cuộc đời của Sanuhe : Y học, Chiêm tinh học, Khí điện từ, cuốn Tử thư Ai cập- một cuốn sách nổi tiếng với những quan niệm độc đáo về sự hình thành vũ trụ như: ban đầu vũ trụ không có màu sắc _ tượng trưng cho sự tuyệt đối, sau phân thành 2 màu đen , trắng tượng trưng cho sự tương đối… rồi từ đây sinh ra thế giới hữu hình và vô hình…
Những đoạn hội thoại giữa y sĩ Sinuhe và Pharaoh Akhenaten về lòng nhân ái, về chiến tranh, về sự sống và cõi chết là những trang sách rất thú vị. Ngay cả sự sống là nơi chúng ta thuộc về, chúng ta vẫn còn chưa hiểu hết, chưa nhìn thấy hết , vậy thì cõi chết sẽ bí hiểm biết bao nhiêu?
Khi đọc, tôi cũng cảm thấy khá thú vị khi nghe quan niệm của người Ai cập cổ cho rằng có 8 thể tương ứng với những cõi giới : Xác (khat), Phách (ka), Vía (khu), Hồn (ba) tinh thần, Sinh (ap) sự sống, Thân (sakhem), Ký (khaibit), Danh (Ren) nó cũng hơi giống với quan niệm Hồn và Phách ở ta .
Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong, là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ. Ông cũng chính là người dịch tác phẩm các nổi tiếng Hành trình về Phương Đông, Bên rặng tuyết sơn. Dấu chân trên cát là tác phẩm ông phong tác tác theo nguyên bản của Mika Waltari rất thành công. Nếu ai yêu mến các nền văn minh cổ thì đây là một cuốn sách đáng đọc!
8. QUANG QUẤN QUÍT review sách Dấu Chân Trên Cát
Đầu tiên là, cuốn sách này có rất rất nhiều câu quote (triết lý) sâu sắc. Nếu mọi người đã yêu thích những triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì Dấu chân trên cát cũng mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì mình thích cuốn này hơn hẳn cuốn Nhà giả kim luôn bởi vì mình đọc có cảm giác gần gũi và dễ hiểu hơn.
Thứ hai là là, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – tức là Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten (tên này khó đọc quá). Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của vị Pharaol này trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ.
Thứ ba là, nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy).
Và thứ cuối cùng chính là tính drama của cuốn sách. Mình đã bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau trong những bộ phim Cung đấu của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thì mình có đọc tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải, khỏi phải nói tính drama không thua gì những bộ phim cung đấu. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
“Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.” – Trang 417
9. NGUYET MINH review sách Dấu Chân Trên Cát
Hầu hết các tác phẩm phóng tác của Nguyên Phong đều lấy bối cảnh là một nền văn minh cổ xưa hoặc một thánh địa tôn giáo cùng những triết lý và tư tưởng đi cùng. Những câu chuyện vừa mang tính hư cấu vừa đẫm màu sắc sử thi. Dù căn bản là truyện kể của người khác nhưng tất cả những phóng tác ấy đều khá được yêu mến bởi những ngụ ý và thông điệp xuyên suốt về tình yêu thương và lòng cao thượng.
Trong tác phẩm này, Sinuhe là hợp nhất của hỉ – nộ – ái – ố và cũng một chút tham-sân-si qua từng giai đoạn. Một vị lương y kế nghiệp cha chỉ mong sống một cuộc đời thanh bần và chữa bệnh cho người nghèo sau này lại trở thành một hầu cận tin tưởng của Pharaoh Akhenaten. Hoàn cảnh, môi trường và những đắm say tình ái khiến Sinuhe phải trả giá bằng việc mất tài sản, mất sự nghiệp, mất cả đấng sinh thành và hiểu lầm trong tình bạn với Horemheb, con trai người bán bánh nghèo khổ sau này trở thành lính ngự lâm. Những bôn ba khi thoát ly khỏi Ai Cập đến Palestin và tiếp tục hành nghề y đã khiến anh thay đổi toàn bộ lối sống và lối chữa bệnh của mình. Đã có lúc, tiền tài và danh vọng cướp đi sự ngây thơ nhân hậu của anh.
Chính Pharaoh Akhenaten, vị vua minh đức và bác ái đã kéo anh trở lại với bản ngã của mình. Ông là người đã chinh qua bao nhiêu cuộc chiến, đối mặt với sự tranh giành quyền lực và những tham vọng xấu xa bỉ ổi từ trong ra ngoài, từ kẻ thù ngoại bang cho đến những người ruột thịt. Ông chỉ cho Sinuhe rằng việc duy nhất giải quyết sự bất đồng ý kiến hay dị biệt tư tưởng là tình thương vì nó đưa đến sự chấp nhận những khác biệt, thiếu tình thương là thiếu hiểu biết. Vũ khí mới không phải là cung tên giáo mác mà là các giáo sĩ, học giả, nghệ sĩ và nhà khoa học. Ông là một vị Pharaoh có tư tưởng cực kì tiến bộ.
Nền văn minh Ai Cập được xây dựng trên căn bản của khoa học chiêm tinh, khoa học về sự sống và khoa học về cái chết. Kiến thức về cái chết phải chăng chỉ là sự thất vọng về cuộc sống? Nếu những hạt giống của lòng cao thượng được nuôi dưỡng thì liệu rằng sự thất vọng ấy sẽ được thay thế chăng? Một vị minh triết hay một vị chân tu nào cũng sẽ nhận thức được rằng chiến tranh không thể giải quyết ổn thỏa mọi thứ mà chỉ có tình yêu thương mới giữ cho xã hội ổn định và con người được bình đẳng như nhau.
Cuối cùng, Pharaoh Akhenaten khép mắt lại trong vĩnh hằng để lại sự tranh giành quyền lực cho nhóm người tham vọng nhưng cũng kịp trao tặng lại những lý tưởng về một xã hội đầy nhân ái cho Sinuhe, anh đem theo những chân lý ấy suốt hành trình làm y sĩ của mình đến tận cuối đời.
Bỏ qua những giáo điều và triết lý ngập trong truyện, bỏ qua những tranh cãi về một tác phẩm phóng tác, điều rút ra được sau khi đọc chắc chắn sẽ cô đọng đủ để ta có thêm lý do chiêm nghiệm và thay đổi.
III. Trích dẫn sách Dấu Chân Trên Cát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích dẫn hay trong sách Dấu Chân Trên Cát
“Trên thế giới này, những kẻ gây ra chiến tranh không phải vì họ xấu hay họ làm trái lẽ phải, mà chỉ vì họ không đồng ý kiến hoặc quan niệm với nhau mà thôi. Là người, ai cũng có ý kiến riêng và người nào cũng có lý trong việc làm của họ. Dù người khác cho rằng ý kiến đó sai nhưng đối với họ, điều họ làm chính là lẽ phải chỉ vì bất đồng ý kiến mà con người gây gỗ nhau, vì cái gì đúng với người này chưa chắc đã đúng với người khác. Do đó, các quan niệm như phải trái, đúng sai, tốt xấu chỉ có giá trị tương đối, chịu ảnh hưởng của không gian và thời gian. Điều hôm nay đúng thì ngày mai có thể sai; quan niệm ấy tại nơi này thì hữu lý nhưng ở nơi khác lại vô lý. Một người hiểu biết phải vượt lên sự phân biệt đó và không bao giờ bắt ai phải tuân theo ý kiến của mình. Chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết mới điên rồ đòi mọi người phải đồng ý với mình.”
“Việc duy nhất để giải quyết sự bất đồng ý kiến, dị biệt tư tưởng là tình thương. Tình thương đưa đến sự chấp nhận những khác biệt này thì hận thù mới có thể chấm dứt được. Thiếu tình thương là thiếu hiểu biết, và khi đã không hiểu biết thì con người không thể cảm thông được với nhau mà chỉ thấy những khác biệt sai trái. Chính quan niệm về sự khác biệt này làm nảy sinh sự bất đồng rồi đưa đến thù hận, chiến tranh. Để giải quyết nó, người ta cần biết thay đổi chính mình chứ không thể đòi hỏi người khác phải thay đổi được.”
Trích đoạn sách Dấu Chân Trên Cát
CHƯƠNG 1
Tôi tên là Sinuhe, câu chuyện tôi kể lại sau đây là chuyện của tôi, một người Ai Cập, mặc dù hiện nay tôi không còn được sống tại quê hương của tôi nữa. Tên tuổi tôi đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong các đền đài, lăng tẩm, văn kiện, bia đá, và có lẽ hiện nay không còn ai nhắc nhở gì đến tôi nữa. Tôi viết lại chuyện này không phải để phục hồi tên tuổi cho tôi nhưng vì tôi thấy cần phải ghi lại các biến cố đã xảy ra tại quê hương tôi một cách trung thực, để thế hệ sau có thể biết rõ về những biến cố trong buổi giao thời lịch sử này. Tôi hy vọng nhờ thế họ có thể học hỏi, tránh không đi vào các vết xe cũ, những lỗi lầm xưa.
Người Ai Cập có thành ngữ: “Kẻ nào đã từng uống nước sông Nile thì không thể uống nước ở đâu được nữa.” Quả thế, tuy sống tại Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập, quê hương thân yêu của tôi. Mặc dù hiện nay được giải khát bằng những loại rượu nho thơm ngon nhất của Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được hương vị trong mát, ngọt ngào của những bình nước được múc lên từ sông Nile, dòng sông mà người Ai Cập thường gọi là “mẹ Nile”, một danh từ tràn đầy thương yêu, không bút mực nào có thể tả xiết.
Tôi xin bắt đầu câu chuyện của tôi…
° ° °
Tôi là một đứa bé Ai Cập sống tại thành Thebes. Hôm đó đang chạy nhảy nô đùa cùng những đứa trẻ đồng tuổi ngoài phố thì mẹ tôi gọi:
– Này Sinuhe, cha muốn con trở về nhà ngay.
Cha tôi là Sen Moot, một y sĩ nổi tiếng đã được huấn luyện tại Abydos, trung tâm giáo dục nổi tiếng nhất tại Ai Cập lúc đó. Mặc dù đỗ thủ khoa, được coi là một trong những y sĩ giỏi nhất nước, nhưng không như các bạn đồng nghiệp, chỉ tiếp bệnh nhân thuộc thành phần giàu có, cha tôi lại chọn một khu xóm bình dân để mở phòng mạch. Ông không đòi hỏi một giá biểu nhất định như các y sĩ đương thời, mà chỉ đặt một hòm gỗ trước cửa phòng khám bệnh để bệnh nhân có thể tùy ý, muốn bỏ vào đó bao nhiêu tiền cũng được.
Có hôm sau khi đóng cửa phòng mạch, mẹ tôi mở hòm ra và chỉ thấy vài đồng xu lẻ, vừa đủ mua một con cá ngoài chợ. Thấy bà có vẻ thất vọng, cha tôi đã khuyên:
“Chúng ta còn sung sướng chán, ít ra cũng có một con cá để ăn bữa chiều.”
Mẹ tôi nhẹ nhàng giải thích: “Em không cần ăn nhiều nhưng thằng Sinuhe cũng cần phải có thức ăn bổ dưỡng, nó đang tuổi lớn.”
Cha tôi bật cười rồi vỗ mạnh lên vai tôi một cách tự hào: “Bà đừng lo, nó chỉ cần uống vài thang thuốc bổ của ta bào chế là đủ. Xem chừng bà không mấy tin công hiệu của các thang thuốc bổ của ta thì phải?”
Mẹ tôi lắc đầu: “Đâu phải em không tin nhưng trẻ con cũng cần phải ăn chút thịt cá chứ, ăn uống mấy loại rễ cây đó mãi đâu có tốt.”
Cha tôi bèn quay qua tôi âu yếm: “Này con trai, người ta ăn để sống hay sống để ăn?”
Dĩ nhiên đã quá quen thuộc với những lời khuyên bảo này nên tôi trả lời ngay: “Con chỉ ăn đủ để sống mà thôi.”
Cha tôi bật cười sung sướng, nhấc bổng tôi lên quay mấy vòng và reo lớn: “Thật đúng ý ta. Con ngoan lắm!”
Tuy nhiên không phải ngày nào tình trạng tài chánh cũng bi đát như thế. Mỗi khi có những đoàn lái buôn từ phương xa ghé qua thành phố thì chiếc hòm gỗ của cha tôi thường chứa đầy những đồng tiền vàng, tiền bạc. Thấy mẹ tôi lúi húi đếm tiền, cha tôi ân cần nhắc nhở: “Này em, chúng ta chỉ nên giữ một món tiền nhỏ, vừa đủ ăn tiêu trong vòng bảy ngày thôi, còn dư ra bao nhiêu em đem phân phát cho những người nghèo khó hơn chúng ta.” Mẹ tôi mỉm cười đồng ý rồi cúi xuống đống bạc trước mặt, chia ra làm hai phần không đều nhau, phần nhỏ bà cất đi để dành chi dùng, phần kia sẽ được đem ra phân phát cho người nghèo trong xóm.
Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc nhưng ngay từ nhỏ bà đã không thích nếp sống xa hoa phung phí này. Bà thường dành nhiều thì giờ chăm lo săn sóc những kẻ nô lệ hay người nghèo khó trong xã hội. Tôi nghe kể có lần ông ngoại tôi mua cho bà một chiếc vòng ngọc rất quí nhưng bà đã đem bán chiếc vòng đó đi, lấy tiền mua thuốc giúp nhưng kẻ nô lệ đang mắc bệnh thời khí. Sự kiện này khiến ông ngoại tôi nổi giận lôi đình và có ý trừng phạt bà thật nặng. May thay, tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm đến cha tôi, người y sĩ mà bà tìm đến mua thuốc. Cha tôi bèn cầu hôn. Lúc đầu mẹ tôi từ chối vì bà vẫn có ý định trở nên một nữ tu trong đền thần Isis. Tuy nhiên vì lý do gì đó mà cha tôi đã thuyết phục được mẹ tôi bỏ ý định này. Sau hôn lễ, cha mẹ tôi rời thủ đô Memphis dọn đến Thebes, mở phòng khám bệnh tại khu phố bình dân này. Cả hai cha mẹ tôi đều phát nguyện sống thanh bần để phụng sự nhân loại.
Hôm đó khi vừa về đến nhà thì tôi thấy cha tôi đang cạo tóc cho một bệnh nhân. Có lẽ đã được uống một thang thuốc mê nên hai mắt y nhắm nghiền như đang say ngủ. Cha tôi thong thả tuyên bố:
– Này Sinuhe, năm nay con đã lên bảy tuổi rồi, không còn là một đứa bé nữa. Kể từ nay, con sẽ phụ việc cho ta và ta muốn con quan sát những phương cách chữa trị hiếm có. Ngày hôm nay, ta sẽ mổ sọ cho bệnh nhân này…
Sống trong căn nhà nhỏ, vỏn vẹn có hai phòng, tôi không lạ gì công việc chữa trị của cha tôi. Không những tôi rất quen thuộc với những dụng cụ y khoa mà còn biết cả tên những chậu dược thảo hay các vị thuốc mà ông đích thân bào chế nữa. Tôi đã chứng kiến cha tôi chẩn bệnh, chữa bệnh, bào chế thuốc, băng bó cho các bệnh nhân trật tay, gẫy chân. Đã có lần tôi xem cha tôi đỡ đẻ cho một sản phụ và giải phẫu cho một người có bướu trong ruột, nhưng mổ sọ người là việc hiếm có chưa từng thấy.
Nhìn vẻ mặt đầy thích thú của tôi, cha tôi gật đầu và nói một cách hãnh diện:
– Này con trai, mổ sọ người là một việc vô cùng khó khăn mà rất ít y sĩ có thể làm được. Tuy nhiên đây là môn sở trường của ta, vì thế ta muốn con phụ giúp ta trong cơ hội hiếm có này.
Ông lấy ra một chiếc hộp lớn chứa đầy những dụng cụ giải phẫu kỳ lạ và bắt đầu giải thích công dụng của từng cái một. Tôi im lặng theo dõi và đặt câu hỏi mỗi khi không hiểu rõ. Cha tôi giải thích từng chi tiết cho đến khi cuộc giải phẫu bắt đầu. Ông đặt những dụng cụ này vào một chiếc đĩa bằng đồng, rắc lên đó một chút hương liệu và châm lửa đốt. Tôi nín thở theo dõi những ánh lửa màu xanh liếm quanh những con dao mổ hình thù kỳ lạ. Không khí trong căn phòng đột nhiên trở nên im lặng khác thường. Cha tôi thong thả làm việc. Vừa làm ông vừa giải thích và sau cùng ông dừng tay đưa mắt nhìn tôi, chậm rãi nói:
– Này Sinuhe, con có sợ không?
Tôi lắc đầu. Cha tôi mỉm cười đặt lưỡi dao lên sọ bệnh nhân:
– Tốt lắm! Trong nghề này, việc giáp mặt với cái chết là lẽ thường, không có gì phải sợ hãi. Khi ta khởi sự làm việc này thì thần chết cũng đã lảng vảng quanh đây rồi. Ta và y sẽ bắt đầu một cuộc so tài và kết quả ra sao khó có thể biết trước được.
Ông khởi sự bằng những đường mổ quanh đầu bệnh nhân rồi lấy ra một cái búa nhỏ khẽ gõ quanh đầu bệnh nhân mấy cái. Trước cặp mắt kinh ngạc của tôi, ông thong thả nhấc hẳn mảng sọ ra khỏi đầu bệnh nhân một cách nhẹ nhàng như người ta nhắc nắp vung ra khỏi cái nồi. Ông chỉ vào một vết bầm màu xám trong bộ óc:
– Con hãy xem đây… Bệnh nhân này bị một cái bướu đè lên màng óc nên y không thể nói năng được nữa. Khi cắt cái bướu này đi thì y sẽ phục hồi và có thể nói được như thường.
– Tại sao như thế?
– Có lẽ cái bướu này ngăn trở sự lưu thông của huyết mạch liên hệ đến các giác quan nói trên.
– Nhưng cái bướu đó ở đâu ra? Làm sao nó lại có thể chui vào sọ của bệnh nhân được?
– Nếu xét về nguyên nhân bệnh trạng thì vô chừng, không thể giải thích ngay được. Sau này ta sẽ giải thích cho con nhưng hiện nay không phải là lúc.
Ông hít một hơi dài như để định thần rồi bắt đầu làm việc. Tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của ông với vẻ thán phục. Thỉnh thoảng ông ra lệnh cho tôi mang đến cho ông một ít thuốc cầm máu hay vài dụng cụ mà ông không thể với tay lấy được. Không khí trong phòng dần dần trở nên căng thẳng, tôi thấy trán của cha tôi lấm tấm mồ hôi nhưng mắt ông vẫn không rời vết thương, hai tay ông vẫn thoăn thoắt làm việc. Sau cùng ông ngưng lại ngắm nghía công trình của mình rồi bật lên một tràng cười sảng khoái:
– A ha! Lần này thì ta lại lừa được gã thần chết một lần nữa rồi.
Dĩ nhiên không phải lần nào cha tôi cũng may mắn như vậy. Kể từ khi trở nên người phụ tá cho ông, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tranh đấu đầy gay go giữa ông với thần chết. Có khi cha tôi thắng nhưng cũng có lúc ông đành bó tay sau khi đã tận lực cứu chữa. Nhìn những thể xác nằm bất động, tôi thắc mắc:
– Tại sao người ta lại chết?
Cha tôi thản nhiên trả lời:
– Con hỡi, đã sinh ra ai chẳng phải chết. Điều khác biệt chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Người chết sớm, kẻ chết muộn nhưng trước sau ai cũng chết…
– Nếu vậy thì cứu chữa làm gì nếu trước sau ai cũng chết?
Cha tôi nheo mắt nhìn tôi với vẻ thích thú rồi nói:
– Bởi thế mới có cuộc so tài giữa y sĩ và thần chết để kéo dài thêm thời gian.
– Nhưng rốt cuộc thần chết vẫn thắng vì trước sau ai cũng phải chết.
– Đúng thế.
– Nếu vậy tại sao cha lại tốn công nhọc sức làm gì?
– Điều này ta không thể nói được mà con phải tự tìm ra.
– Tại sao đã biết, cha lại không thể nói ra được?
Cha tôi dịu dàng nhìn tôi một lúc rồi thong thả nói:
– Con hỡi, cuộc đời là một bài toán hết sức phức tạp mà trong đó mỗi người phải tự tìm kiếm ra câu giải đáp cho mình. Kẻ nào không biết sử dụng đời mình để tìm kiếm ra câu giải đáp đó thì thật không đáng sống chút nào. Đời sống vốn là một sự bí mật, đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng, và đó chính là ý nghĩa chân thật nhất của đời sống.
– Nhưng sau khi chết, người ta đi về đâu?
Cha tôi im lặng như suy nghĩ rồi nói một cách chậm rãi:
– Này con trai, có một khoa học của sự sống và cũng có một khoa học của sự chết. Điều ta được truyền dạy là khoa học của sự sống, do đó trọn đời ta chỉ nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp, cùng các loại dược thảo có công hiệu chữa trị và kéo dài sự sống mà thôi. Đối với những người nghiên cứu khoa học của sự chết thì đối tượng của họ là một thế giới khác hẳn với thế giới của ta. Họ nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp làm cho những sự vật vô hình trở nên hữu hình, khám phá các định luật huyền bí trong vũ trụ, đi vào các cõi giới xa xăm để bào chế các chất liệu bí mật rồi sử dụng vào những điều mà ta không biết rõ vì nó ở ngoài khả năng hiểu biết của ta…
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Dấu Chân Trên Cát – Nguyên Phong dịch. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!