Thể Loại | Huyền bí – Giả tưởng – Kinh dị |
Tác Giả | Higashino Keigo |
NXB | NXB Hà Nội |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 584 |
Ngày Xuất Bản | 01 – 2021 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Ảo Dạ
Ảo Dạ
“Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể đi trên con đường ở trong bóng tối. Dẫu cho bốn phía xung quanh sáng rực như ban ngày, cũng chỉ là ánh sáng không chân thực mà thôi.”
Để thoát một khoản nợ, Masaya đã lợi dụng trận động đất kinh hoàng để giết chết ông cậu rồi dàn dựng thành một vụ tai nạn. Nhưng tất cả không qua được mắt Mifuyu, cô gái bí ẩn nhà hàng xóm. Mang theo bí mật của Masaya, Mifuyu cùng anh lên Tokyo, bỏ lại sau lưng một Kyoto hoang tàn sau cơn địa chấn.
Song ở nơi đô hội là một chuỗi bi kịch nối tiếp nhau, nơi bóng đen của tội ác trong quá khứ như vũng dầu loang, vĩnh viễn không bao giờ xóa sạch, ngày một lan rộng. Bí ẩn nối liền bí ẩn, mọi người tiếp cận Mifuyu đều gặp chuyện không may, những ai chạm đến quá khứ của cô đều mất tích.
Rốt cuộc, cô gái bí ẩn luôn sát cánh bên Masaya trong bóng đêm tăm tối là ai?
Giới thiệu tác giả Higashino Keigo
Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.
Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.
Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.
Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.
Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.
Các tác phẩm khác của Higashino Keigo đã được Nhã Nam phát hành:
- Phía sau nghi can X
- Bí mật của Naoko
- Bạch dạ hành
- Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya
- Hoa mộng ảo
- Ảo dạ
- Ma nữ của Laplace
- Phương trình hạ chí
- Sự cứu rỗi của Thánh nữ
- Ma thuật bị cấm
- Án mạng mười một chữ
- Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei
II. Review sách Ảo Dạ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Ảo Dạ của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. NNHA review sách Ảo Dạ
[Review ẢO DẠ trên phương diện so sánh với BẠCH DẠ HÀNH]
(*Có tiết lộ vài tình tiết của BẠCH DẠ HÀNH)
Tôi đã đọc quyển sách này, bởi vì nó là tác phẩm của Higashino Keigo – tác giả mà tôi yêu thích nhất, và bởi vì lời giới thiệu rằng đây là tác phẩm “sinh đôi” của BẠCH DẠ HÀNH, hứa hẹn sẽ nối tiếp câu chuyện về những loài cộng sinh.
Lý do để gọi BẠCH DẠ HÀNH và ẢO DẠ là hai tác phẩm sinh đôi, là bởi vì cả hai cùng được xây dựng dựa trên motif đôi nam nữ được ràng buộc bởi một tội ác trong quá khứ, sinh tồn bằng cách thực hiện thêm nhiều tội ác khác để vùi lấp quá khứ đen tối đó. Cũng là bởi một lý do nữa, đó là độ dày khủng (khoảng 600 trang) của cả hai tác phẩm. Thế nhưng, khác với sự ám ảnh đến tuyệt vời mà BẠCH DẠ HÀNH từng mang lại, ẢO DẠ có lẽ đã để lại cho tôi một ít thất vọng sâu sắc – chỉ là một ít thất vọng nhưng khá sâu sắc, được thể hiện ở một vài điểm như sau:
1/ Dựa theo motif và kết cấu tác phẩm, thì “đôi nam nữ mang phải tội lỗi” hẳn sẽ là hai nhân vật chính của cả câu chuyện, nghĩa là, ở BDH là Yukiho và Ryoji, còn với AD là Mifuyu và Masaya.
Đọc BDH, ta nhận thấy rằng mối liên kết của Yukiho và Ryoji đã thành công trở thành trung tâm của cả câu chuyện. Trong mỗi tội ác của từng chương, dường như có những chi tiết đã ngầm nói lên rằng, kế hoạch tội ác ấy chắc hẳn phải được dựng nên bởi sự kết hợp của hai bộ óc thiên tài, từ đầu cho đến cuối cùng. Không thể nào có một dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này (không bao giờ để nhân vật của mình hiện lên một cách rõ ràng và cụ thể có lẽ chính là dụng ý của tác giả(?) ) – nhưng tôi tin chắc những ai đã đọc BDH sẽ cảm nhận được điều đó.
Còn đối với AD, Masaya tuy rằng mang danh nghĩa nhân vật chính, nhưng ‘có tiếng mà không có miếng’, từ đầu đến cuối anh hoàn toàn bị chi phối bởi Mifuyu, và sự chi phối ấy cũng được đề cập rõ ràng bởi tác giả. Mifuyu một mình đơn độc nắm giữ vai trò trung tâm, cô chi phối tất cả các nhân vật khác. Masaya, ngoại trừ việc được xuất hiện nhiều hơn, thân phận của anh cũng chẳng khác gì Aoe hay Hamanaka – chỉ là một viên đá lót đường, bị mê hoặc và bị thao túng để phục vụ mục đích của mỗi mình Mifuyu.
Chính vì lý do đó, tôi hoàn toàn không tìm thấy một mối liên kết chặt chẽ của hai nhân vật chính, như đã từng tìm thấy ở BDH. Mối liên kết mà đáng lẽ ra, theo tôi kì vọng, đó hẳn phải là linh hồn của một tác phẩm mang motif như thế này.
2/ Cùng viết về tội ác, nhưng đối với hầu hết mọi người, BDH để lại rất nhiều thương cảm, còn AD lại gây nên một sự bức xúc. Nguyên nhân chính có lẽ nằm ở ‘mục đích sinh tồn’ của nhân vật, vì điều gì mà Yukiho – Ryoji hay Mifuyu – Masaya phải gây nên tội ác đó, và sự đồng cảm của người đọc có thể cao đến mức nào.
BDH đã thành công gây được sự đồng cảm, đến nỗi mà đối với tôi, BDH chưa từng kết thúc. Những trang cuối cùng của tác phẩm không phải là kết thúc, mà chỉ quay về nơi bắt đầu, hé mở ra nguồn gốc của bóng đêm bao trùm lên cuộc đời những con người ấy. Yukiho và Ryoji là những nạn nhân của bạo lực về tinh thần và thể xác ngay từ khi chỉ là những đứa trẻ – nguyên nhân ấy được đưa ra sau cùng, và trở thành lời biện minh hoàn hảo nhất đối với mỗi chúng ta, nó đã thành công xoa dịu mọi phẫn nộ dành cho tội ác. Chúng ta biết rằng cuộc đời tội lỗi đó là bởi vì họ không còn sự lựa chọn nào khác, giống như Chí Phèo bị đẩy đến bên bờ vực đau khổ của một kiếp con người.
Tương tự như thế, tôi đã đọc AD để tìm kiếm sự khởi nguồn của tội ác, tìm kiếm lời biện bạch cho sự mục rữa về nhân tính. Nhưng kết quả là, khao khát tìm kiếm sự đồng cảm của tôi không được báo đáp, hoặc có lẽ đã được báo đáp theo một cách tôi không hề ngờ đến. Dường như tất cả những tội ác Mifuyu đã gây ra chính là một sự chủ động, là một sự chọn lựa của riêng cô ấy, có nghĩa là, ngay từ đầu cô ấy đã có quyền KHÔNG làm những việc như thế. Là con người, chúng ta khó mà cảm thông với những ai đã chủ động chọn lựa con đường tội lỗi. Mifuyu không tiếc ra tay với bất cứ ai, cho dù là người coi cô như cả cuộc đời, chỉ vì mong muốn (mà có lẽ dùng từ ‘ám ảnh’ sẽ đúng hơn là ‘mong muốn’), phải rũ bỏ quá khứ của mình, để cho không một ai có thể biết về nó. Mới đầu, tôi không tài nào hiểu được cái ‘mong muốn’ (hay là ‘ám ảnh’) đó, nhưng nghĩ thật kĩ, hình như, một số người tôi quen biết ngoài đời thật có lẽ đang mang những mong muốn như vậy.
3/ Cả hai cuốn sách đều để lại ấn tượng rất sâu sắc về đoạn kết, nhưng có lẽ với tôi, BDH đã cô đọng được nhiều cảm xúc hơn.
Phân cảnh cuối cùng của BDH là hình ảnh bóng lưng của Yukiho xa dần, bỏ lại phía sau lưng vụ tự sát của Ryoji: “Yukiho đang vịn cầu thang đi lên tầng, bóng lưng cô ta tựa như một bóng ma màu trắng. Yukiho không ngoảnh đầu lại, dù chỉ một lần.”
Phân cảnh cuối của AD là “nụ cười rạng rỡ” của Mifuyu sau tất cả những gì đã xảy ra, ngay cả sau cái chết của Masaya, và lời nói: “Đây là lần đầu tiên em thấy đêm đẹp đến dường này, cứ như là ảo ảnh vậy.”
(Những đoạn kết ấy còn gắn bó mật thiết với cách mà tác giả khắc họa nhân vật trong mỗi tác phẩm:
Ở BDH, tâm trạng hay dáng vẻ của Yukiho chưa bao giờ được hiện lên cụ thể và rõ nét hoàn toàn trong suốt tác phẩm, rất khó nắm bắt và buộc chúng ta phải phán đoán.
Ở AD, Mifuyu đã không ít lần được miêu tả chi tiết về hành động và lời nói, thậm chí còn được đặt trong bối cảnh chỉ có riêng Masaya và Mifuyu – không gian an toàn đủ để cô có thể tự do bộc lộ mình. Cho dù sự miêu tả ấy đi kèm với một lời thách thức: có thể những điều đó hoàn toàn không phải là con người thật của cô, nhưng dường như cách miêu tả cụ thể và rõ ràng đã làm cho nhân vật Mifuyu nói riêng, và cả AD nói chung mất đi phần nào sự bí ẩn mang tính thu hút.)
Ta nhận thấy hình ảnh ‘bóng lưng’ kia của Yukiho có liên kết hoàn hảo với sự khó nắm bắt mà tác giả đã dành riêng cho cô từ đầu đến cuối. Chỉ là bóng lưng, hoàn toàn không có khuôn mặt, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ biết được rằng Yukiho khi ấy đang khóc hay đang cười, hay sự ra đi của Ryoji rốt cục có ý nghĩa đến mức nào đối với cô ấy. Tác giả không đưa ra lời khẳng định cho hình ảnh cuối cùng về Yukiho, tức là độc giả có quyền được phán đoán. Chúng ta có quyền hình dung ra một khuôn mặt đẫm nước mắt phía sau bóng lưng ấy, và tin rằng Yukiho vẫn còn trong mình những cảm xúc rất con người. Hay chúng ta cũng có quyền tưởng tượng một khuôn mặt lạnh lùng nhẫn tâm đến mức vô cảm khi vứt bỏ cả người bạn đồng hành duy nhất trong đêm trắng, và căm phẫn cô ấy. Sự mơ hồ không rõ ràng như thế đã đem lại nỗi ám ảnh day dứt cho BDH.
Và đối với tôi, Mifuyu của AD chưa làm được điều đó.
Với tất cả lý do trên, cũng không thể gọi tất cả những cảm giác tôi đang có đối với ẢO DẠ chỉ toàn là thất vọng. ẢO DẠ cũng đã rất thành công trong việc khắc họa những thứ gì đó khác lạ của con người mà ta biết đến nhưng không thể gọi tên. Vẫn vẹn nguyên ở đó một Higashino Keigo mà tôi vô cùng ngưỡng mộ với lối kể chuyện đầy lôi cuốn, mà mỗi chương truyện tưởng chừng rời rạc, nhưng đến cuối cùng lại được nối kết lại, trở thành mảnh ghép hoàn hảo, nhuốm lên toàn cảnh bức tranh tội ác ấy màu sắc đau thương. Nếu chưa từng đọc và ngầm so sánh ẢO DẠ với cái bóng quá lớn của BẠCH DẠ HÀNH, chắc hẳn tôi sẽ rất thích ẢO DẠ, theo một cách khác, rất khác. Mặt khác, tôi lại thấy không hối tiếc khi đã đọc BẠCH DẠ HÀNH trước ẢO DẠ, vì có lẽ, ẢO DẠ đã cho tôi có thể một lần nữa gặp lại Yukiho. Mifuyu và Yukiho không chỉ là hai phiên bản của tội ác, mà có thể Yukiho biết đâu đấy chính là một nửa cuộc đời trước đây của Mifuyu. Qua những chi tiết nhỏ nhặt về bối cảnh thời đại, tuổi tác của nhân vật và cả cái tên White Night (Bạch Dạ) đã xuất hiện vài lần ở ẢO DẠ, tôi tin mình có quyền nghĩ như thế.
2. QUYNH ANH THI DANG review sách Ảo Dạ
“Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể đi trên con đường ở trong bóng tối. Dẫu cho bốn phía xung quanh sáng rực như ban ngày, cũng chỉ là ánh sáng không chân thực mà thôi.”
Có lẽ vì câu này, Ảo Dạ được coi là tác phẩm song sinh với Bạch Dạ Hành.
Cũng motif một nhân vật nữ chính xinh đẹp, quyến rũ, tham vọng và tàn nhẫn, cũng một nam chính phục tùng nữ chính vô điều kiện và hai người tưởng như được ràng buộc với nhau vô cùng chặt chẽ. Nhưng cảm xúc đem đến cho người đọc là tôi đây rất khác nhau.
Ở Bạch dạ hành, tôi có phân nửa là thương cảm cho Yukiho. Vì bị lạm dụng từ nhỏ, cô rơi vào hoàn cảnh bế tắc mà cô cho rằng muốn thoát ra, cô phải giết người. Có lẽ để bảo vệ bản thân, cô tự giết mọi cảm xúc, không yêu đương, không thương xót, chỉ có tiến lên phía trước, sẵn sàng loại bỏ bất kỳ điều gì ngăn cản cô. Còn ở Ảo dạ, Mifuyu cho tôi cảm giác cô mắc chứng OCD. Bước đi trong bóng tối là lựa chọn của cô chứ cóc phải bị đời bắt chẹt.
Bạch dạ hành thực sự khiến tôi cảm nhận được sự u ám, tuyệt vọng cùng khát khao được đi dưới ánh mặt trời. Tôi vẫn lưu giữ cảm xúc thê lương khi đọc đoạn nói rằng 20 năm (hình như thế) đã qua mà Ryoji vẫn quanh quẩn trong cái đường ống của ngôi nhà bỏ hoang ấy. Giây phút Ryoji cứu Yukiho cũng là lúc anh rơi xuống bóng tối thảm đạm, vĩnh viễn không thể thoát ra (mà có lẽ từ trước đó rồi, từ khi anh phát hiện ra sự thật ghê tởm). Động cơ của anh rất tốt đẹp, hành động bi kịch khiến đời anh trở thành chuỗi ngày bạch dạ hành.
Nhưng Ảo dạ thì không, Masaya giết người vì động cơ đê hèn. Sau đó, vì để che giấu cho bản thân, vì bị tình yêu làm cho mờ mắt, anh tiếp tục phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, thậm chí giết cả người vô tội. Anh đổ cho Mifuyu giết chết linh hồn mình nhưng chẳng lẽ anh không có lỗi? Lỗi của anh đã để cô ta sử dụng như 1 lưỡi tầm sét, cho đến giây cuối cùng.
Keigo vẫn rất giỏi trong xây dựng nhân vật và lồng ghép tình tiết. Điều duy nhất lạc quẻ đó là Mifuyu giúp vợ Soga tìm việc. Điều đó không hợp tính cách cô ta, đã thế còn tạo ra sơ hở dễ bị đào khoét nhất. Thông minh, lạnh lùng như Mifuyu không nên làm ra một việc ngu ngốc thế.
3. HỒNG KHÁNH review sách Ảo Dạ
“Shinkai Mifuyu là một người phụ nữ đáng sợ, để đạt được mục đích, cô tuyệt đối không mềm lòng với bất cứ ai. Mặc cho người khác gặp bất hạnh thế nào, cô ta hoàn toàn không quan tâm” – nhận định của viên cảnh sát điều tra Kato đã phản ánh trọn vẹn bản chất của Mifuyu – người đàn bà xinh đẹp, máu lạnh và gian ngoan tột cùng. Mifuyu xuất hiện lặng lẽ, trầm tư bên đống hoang tàn đổ nát đến thê lương của trận động đất thảm khốc. Sau khi lo hậu sự một cách vội vàng cho cha mẹ, cô bỏ lại Kyoto, bỏ lại tất cả những gì gọi là quá khứ sau lưng để đến với ánh sáng xa hoa, rực rỡ của Tokyo cùng với Masaya – một người hàng xóm xa lạ, người mà cô nắm giữ được bí mật động trời, vĩnh viễn không cho phép anh bước ra vùng ánh sáng.
Với sự giúp sức tận tình, trung thành tuyệt đối của Masaya, Mifuyu cứ từng bước, từng bước đạt được mục tiêu, chạm tay vào cái lý tưởng cuồng vọng của cuộc đời. Tất cả những ai dù vô tình hay hữu ý ngăn trở, những ai muốn đào xới những mạnh vụn quá khứ đều được xử lý gọn gàng trong bí ẩn của bóng đêm. Vẻ đẹp hình thể, nghệ thuật nắm bắt và chi phối đối phương của cô đạt đến mức kinh ngạc, bất cứ người đàn ông nào cô muốn chinh phục đều không thể thoát được tấm lưới mà cô giăng, đều cảm thấy hạnh phúc, ngây ngất trong thứ tình cảm mà cô tạo ra vì mục đích của mình. Kato – viên cảnh sát điều tra cũng đã tự nhận mình đã phải lòng người đàn bà quỷ quyệt ấy, tự thừa nhận với bản thân mình rằng lao vào cuộc điều tra âm thầm và nguy hiểm chỉ vì muốn chứng minh mình có thể chiến thắng cô, có thể gỡ bỏ tấm mặt nạ của cô. Ma lực của người đàn bà đẹp, thông minh và tàn bạo quả thật đáng sợ. Chẳng thế mà Masaya bị cô chi phối cho đến tận hơi thở cuối cùng của thân xác, dẫu cho linh hồn anh đã bị Mifuyu giết chết từ rất rất lâu rồi. Giá như, giá như Masaya có thể bình yên lựa chọn cuộc sống êm đềm bên Yuuko, cô gái trong trẻo và mát lành, cảm mến anh mà đôi khi, anh cũng thấy mình đang mơ ước cùng ăn bữa ăn đậm vị gia đình. Thế nhưng, nếu không gặp Mifuyu, nếu không do Mifuyu điểu khiển, có lẽ 2 người cũng chẳng biết được sự tồn tại của nhau trong cuộc đời, nói gì đến những thứ “giá như” xa xôi, huyền hoặc. Dẫu sao, tôi cũng mừng cho Yuuko. Cô may mắn vì không bị Mifuyu căm ghét hay ghen tuông, thời gian sẽ khỏa lấp nỗi nhớ cùng cảm xúc thơ ngây của cô, cô vẫn còn cơ hội tìm đến hạnh phúc của đời mình trong bình yên. Một bóng dáng phụ nữ khác đi bên đời Mifuyu , ở một khía cạnh nào đó đã không được may mắn như thế Kutara Yorie được Masaya tiếp cận và quyến rũ theo chỉ đạo, để cố tình vạch một vết đen vào sự thanh tao của bà. Trạc tuổi ngũ tuần, hôn nhân đã đi vào rạn nứt ngấm ngầm do không còn tìm được sự đồng điệu, Yorie đã say mê sự trẻ trung. sự tinh tế, đồng cảm mà Masaya đã cố tình tạo ra. Tôi tin rằng, bà khó có thể quên đi những khoảnh khắc bên Masaya và hạnh phúc trong cuộc hôn nhân bấp bênh của mình. Xét cho cùng, người thông minh đến mấy khi yêu vào bỗng hóa dại khờ. Chỉ có Mifuyu là tránh được sự oan nghiệt đó, bởilẽ, cô chẳng yêu một ai, ngay cả bản thân mình, suốt một cuộc đời Mifuyu vẫn mải miết chạy theo Ảo dạ – thứ ảo ảnh rực rỡ, phù phiếm của màn đêm!
Tôi đọc Ảo dạ với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho một tác phẩm bị nhiều bạn bè của mình đánh giá không cao, thế nhưng, thật may, tôi hoàn toàn tìm được những điều mình muốn. Dẫu khi đọc, khó có thể tránh được sự so sánh, thế nhưng, tôi vẫn yêu thích Ảo dạ bởi sự rõ ràng và rành mạch trong cảm xúc của bản thân, bởi nghệ thuật kể chuyện và dẫn dắt khéo léo tài tình của Keigo.
4. LIALEE review sách Ảo Dạ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Bài viết hơi dài vì thực lòng Ảo Dạ tạo ra nhiều cảm xúc cho mình quá!
Ôi mẹ ơi chưa có cuốn sách nào làm mình #dậy_sóng đến như vậy, kể cả là Bạch Dạ Hành – cuốn tiểu thuyết mình mê nhất! Ảo Dạ đem tới cho người đọc đủ các loại cảm xúc, từ #nghẹt_thở, #hồi_hộp, #rởn_gai_óc, đến #tò_mò, và sau cùng là….#hụt_hẫng! Mình sẽ giải thích rõ hơn vì sao lại như vậy ở đoạn sau.
Vẫn là tóm tắt tí về nội dung. “Nhằm thoát khỏi một khoản nợ, Masaya đã lợi dụng trận động đất kinh hoàng để giết chết ông cậu rồi dàn dựng thành một vụ tai nạn. Nhưng tất cả không qua được mắt Mifuyu, cô gái bí ẩn nhà hàng xóm. Mang theo bí mật của Masaya, Mifuyu cùng anh lên Tokyo, bỏ lại sau lưng một Kyoto hoang tàn sau cơn địa chấn. Và rồi, cuộc sống nơi đô hội là một chuỗi bi kịch nối tiếp nhau. Bí ẩn nối liền bí ẩn, mọi người tiếp cận Mifuyu đều gặp chuyện không may, những ai chạm đến quá khứ của cô đều mất tích..”
Quyển sách này thực sự làm mình nghẹt thở bởi #cái_ác_của_nữ_chính Mifuyu. Dù rằng đã từng đọc qua rất nhiều tác phẩm mô tả về lòng dạ của đàn bà, nhưng vẫn không thể nào hiểu nỗi tại sao Keigo lại có thể khắc họa nên một người đàn bà “ác hoàn hảo” đến như vậy! Mọi hành động, toan tính, kế hoạch của Mifuyu đều rất chặt chẽ và thâm hiểm đến từng ngóc ngách! Một sự che giấu hoàn hảo cho cuộc đời của cô. Và bất cứ ai chạm đến kế hoạch của Mifuyu, đều có một kết cục bi thảm.
Mình đặc biệt ấn tượng với đoạn đặc tả các vụ án, Keigo miêu tả chân thực đến từng chi tiết, tạo cảm giác rùng rợn và buồn nôn cực mạnh! Đây là quyển đầu tiên mà mình không thể tiêu hóa nổi cách thức gây án!
Nếu như ở Bạch Dạ Hành, mình có thể tìm thấy được sự đồng cảm ở Yukiho, vì tuổi thơ đã phải chịu quá nhiều nhục hình từ những vị “khách hàng” của chính người mẹ của cô, thì với Mifuyu trong Ảo Dạ, mình không thể tìm ra nỗi một lý do để bào chữa cho cái ác đó. Phải chăng tất cả chỉ xuất phát từ lòng tham không đáy? Tiền bạc, danh vọng, địa vị, rốt cục chỉ vì vậy mà hy sinh biết bao nhiêu con người!?
Ghét Mifuyu bao nhiêu, thì càng thương Masaya bấy nhiêu! Cả cuộc đời anh, rốt cục chỉ là con rối bị đàn bà điều khiển. Vì quá yêu Mifuyu, anh vẫn mộng tưởng về một hạnh phúc, mà cho đến khi anh tự tay kết liễu cuộc đời mình, anh cũng chưa thể có được nó. Kể từ khoảnh khắc Masaya ra tay hạ sát người cậu ruột vì để xóa món nợ của bố anh, anh chỉ còn là một cái xác không hồn. Và ả đàn bà đó, đã sử dụng cái xác đó như một công cụ hoàn hảo cho những kế hoạch của cô!
Nếu đặt lên bàn cân để so sánh giữa Yukiho của Bạch Dạ Hành và Mifuyu, thật sự Mifuyu thông minh, toàn diện, và độc ác hơn Yukiho rất nhiều! Ở Bạch Dạ Hành, đằng sau Yukiho còn là bộ óc thiên tài và điên rồ của Ryoji. Còn với Mifuyu, tất cả các kế hoạch, âm mưu, toan tính đều do một mình cô vạch ra. Thậm chí, cô đã thao túng và điều khiển được rất nhiều người! Có thể nói, Mifuyu có tất cả những gì Yukiho và Ryoji cộng lại!
Qua cuốn sách này mình còn rút ra được một bài học đắt giá về #lòng_tham của bản thân. Chắc chắn trong chúng ta ai cũng có lòng tham, ta chỉ khác nhau ở khả năng kiềm chế nó! Quá chạy theo lòng tham chỉ mang lại những kết cục bi thảm. Các nạn nhân trong quyển sách, chỉ vì đam mê nhan sắc, tiền bạc, danh vọng, mà đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
Một điểm trừ (đối với mình) nằm ở cái kết. Một cái kết viên mãn – cho cái ác – đến mức quá đáng. Dù hầu hết sách của Keigo đều có kết thúc mở, tạo một vùng không gian cho người đọc thỏa thích suy luận ra số mệnh của nhân vật chính. Nhưng mở như Ảo Dạ, thì mình cảm thấy ức chế quá. Một cảm giác hụt hẫng cực độ!
5. NGO VINH review sách Ảo Dạ
Đồ rằng ai đi đến trang cuối cùng của Ảo Dạ cũng sẽ cảm giác một cái kết không như mong đợi khi nhân vật phản diện đầy ngây ngất lòng người, kẻ đứng sau giật dây hàng loạt các vụ án mạng khác lại sống sờ sờ trước hào quang của sự giàu có và thành công. Và thêm một ít thất vọng vì có lẽ người em Ảo Dạ lại kém hấp dẫn hơn người anh sinh đôi cùng cha mang tên Bạch Dạ Hành đã “làm mưa làm gió” trong lòng những ai trót yêu cái tên Higashino Keigo.
Ảo Dạ đơn giản đi tìm câu trả lời cô gái đứng lên từ đống đổ nát sau trận động đất đó là ai? Hành trình từ cô gái quê xuýt bị hãm hiếp trở thành mệnh phụ phu nhân đầy quyền lực đi qua bao tội ác, qua nhiều lần che dấu thân phận với các kết mở đánh đố độc giả.
Cái khác của Ảo Dạ so với Bạch Dạ Hành và tui nghĩ cũng là thứ gây kém hơn Bạch Dạ Hành nằm ở chỗ thiếu bất ngờ. Cô gái Mifuyu và chàng trai Masaya với hành trình song hành với vài điểm giao nhau đều không rõ ràng là “trắng” hay “đen” nên thiếu đi sự đối lập cần thiết để gây bất ngờ.
Nhưng điều Ảo Dạ làm được là giữ chân người đọc đến phút 90 của trận đấu (581 trang) không phải tìm ra hung thủ mà muốn tìm ra đúng bản chất của sự thay đổi ở nhân vật nữ phản diện vừa xinh đẹp độc ác máu lạnh, tham vọng độc chiếm sự thành công và cũng quên đi hạnh phúc bản thân. Hình ảnh cuối cùng với câu nói “Đây là lần đầu tiên em thấy đêm đẹp đến nhường này, cứ như là ảo ảnh vậy”, cảm giác Mifuyu là không thật đúng hơn là ảo ảnh của chính cô ta trên con đường đi tìm lại chính mình. Có lẽ nếu xét ở khía cảnh nào đó, cả hai đều chỉ có một chọn lựa duy nhất cho đời mình:
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác, chỉ có thể đi trên con đường trong bóng tối. Dẫu cho bốn phía xung quanh sáng rực như ban ngày, cũng chỉ là ánh sáng không chân thực mà thôi”
6. LEENG KEENG review sách Ảo Dạ
Mọi người đều so sánh Ảo dạ với người chị em sinh đôi Bạch dạ hành nhưng ở bài viết này mình chỉ muốn Ảo dạ là Ảo dạ mà thôi, ở đây nó sẽ được như tất cả những tác phẩm khác, đứng giữa tất cả quần chúng mà bàn luận chứ không phải nghe cái câu đại loại như “Nhìn em con đi, hai đứa sinh cùng ngày đó” chẳng hạn, mặc dù nó hao hao cái phong trào “con nhà người ta” rất rất nổi danh này; bởi mỗi tác phẩm là một chủ thể, nó sẽ có những điểm hay, đặc sắc riêng.
Có lẽ bạn cũng sẽ cảm nhận giống tôi khi trải qua những trang đầu của Ảo dạ, rằng các nhân vật mà Higashino Keigo xây dựng trong câu chuyện này có vẻ đều là những con người không có trái tim.
Để thoát khỏi khoản nợ của ông cậu Toshirou mà bố Masaya để lại sau khi tự tử, lợi dụng trận động đất xảy ra đúng khoảng thời gian đang lo tang lễ, anh đã giết chết ông và xem như một tai nạn. Rủi thay cô gái hàng xóm Shinkai Mifuyu đã chứng kiến toàn bộ quá trình. Câu chuyện bắt đầu từ đó.
Chinh phục đỉnh cao, che lấp quá khứ bằng cách tự hoàn thiện bản thân và dẫm đạp người khác để leo lên là 2 phạm trù khác nhau. Để sinh tồn (theo như cách cô nói), vươn lên cái đẹp hoàn mỹ về mọi mặt: sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng… Mifuyu – nữ nhân vật chính đã bằng mọi giá để khoác lên toàn bộ con người mình một tấm hoàng kim lộng lẫy nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Những kẻ biết được bộ mặt thật của cô đều vĩnh viễn không được tiếp tục nhìn thấy ánh mặt trời từ anh chàng đồng nghiệp của bố cho đến nam chính lẫn ông cảnh sát Kato. Trên con đường bước lên ánh hào quang đó lại được trải đầy bóng tối, cái cách loại bỏ các chướng ngại vật của cô mới thật khéo léo và tài tình làm sao.
Trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa cái tên Masaya (Masaya có nghĩa là hạnh phúc) của mình, nam chính của Ảo dạ lại có một cuộc đời đau buồn đến thế. Đúng là một con rối trung thành đóng vai chàng trai si tình đến phút chót.
Lối hành văn cũng như ngôn từ của Keigo vẫn là rất dễ đọc.
7. ANN KIM review sách Ảo Dạ
Nếu nói Bạch Dạ Hành là chị thì Ảo Dạ chắc là em sinh đôi, tuy là sinh đôi nhưng cũng có cái khác nhau, trái nết trái tính ấy à.
Nếu Yukiho ở BDH đã đẹp đã ác đã thông minh một lần thì Mifuyu lại đẹp và ác hơn gấp 10 lần. Nếu Ryoji ở BDH đáng thương một lần thì Masaya ở Ảo Dạ lại đáng thương gấp 10 lần.
Masaya gặp trận động đất kinh hoàng trong thời điểm tang lễ của người cha vừa mất, trong lúc tinh thần kích động đã giết chết người cậu đến đòi nợ, rồi nhờ vào trận động đất đấy dựng lên thành tai nạn. Vô tình Mifuyu chứng kiến toàn bộ sự kiện ấy, rồi từ đó Masaya trở thành quân cờ của Mifuyu, tuỳ ý để cô sai khiến.
Nếu Ryoji ở BDH vì cắn rứt lương tâm về người cha biến thái đã cưỡng bức Yukiho khi cô chỉ là đứa trẻ, tình nguyện hiến dâng cuộc đời cho Yukiho coi như đáp trả lại “ nợ cha “, nhưng đâu đó vẫn thấy được tình cảm mà Ryoji dành cho Yukiho, đó là một sự tình nguyện. Còn Masaya bất hạnh gấp trăm lần hơn thế, cậu hoàn toàn bị Mifuyu khống chế, lợi dụng mà không hề hay biết, ảo tưởng đó là tình yêu, đến khi phát hiện ra mình hoàn toàn chỉ là một quân cờ, như chính cậu đã nói. Chính Mifuyu đã giết chết linh hồn của cậu.
BDH cho ta một cái kết vừa câm hận vừa thương xót cho Yukiho thì ở Ảo Dạ chỉ có một cảm giác phẫn nộ cho Mifuyu tàn ác, nhẫn tâm. Đến phút cuối vẫn không thể tìm ra được câu trả lời cho những hành động tàn nhẫn đấy. BDH cho ta một ám ảnh thật sự thì Ảo Dạ chỉ khiến ta thêm oán trách.
Nếu đem so hai chị em này với nhau, có lẽ nhiều người sẽ thấy cô em Ảo Dạ này quá tàn ác, nhưng mình lại thích sự tàn ác đó, thích cái ác, cái vô tình nhẫn tâm của Mifuyu. Thế nên mới nói, phụ nữ đẹp đã nguy hiểm rồi, phụ nữ đã đẹp còn thông minh thì nguy hiểm gấp ngàn lần. Tốt nhất đừng nên đắc tội với phụ nữ. Haha
Ps : lan man xíu là chưa tính đọc cuốn này đâu nhưng vì tham gia mini game nên đọc sớm cuốn này để đi thi :))
8. SƠN LƯƠNG review sách Ảo Dạ
Đó là một tối thứ 7 hiếm hoi mà mình biết rằng sẽ có chủ nhật trọn vẹn vào hôm sau, nên mình bèn đọc nốt 100 trang cuối của Ảo dạ. Kết thúc lúc 12h48, và dĩ nhiên mình không thể ngủ ngay sau đó. Giữa đêm mình ngồi nhớ lại tất cả những gì đã được biết về Shinkai Mifuyu về những chuyện cô đã làm, và mình thoáng rùng mình khi nhìn lại bìa sách một lần nữa.
Cho đến khi ngủ, mình mơ thấy Shinkai Mifuyu tìm cách hại mình, vì mình đã trót biết quá nhiều. Cũng đúng, vì như thói quen lâu nay, mình không bao giờ đọc lời giới thiệu ở bìa 4, sợ bị đóng khung suy nghĩ trước khi đọc. Tối ấy sau khi kết thúc quyển sách, mình mới đọc bìa 4 và thấy cái ý “mọi người tiếp cận Mifuyu đều gặp chuyện không may, những ai chạm đến quá khứ của cô đều mất tích” trong lời dẫn. Vậy là mình đã lỡ “động đến” cô gái bí ẩn luôn trong bóng đêm, mà lòng dạ, thủ đoạn thì ngút trời mất rồi. Thật khó để review sách của Keigo Higashino mà không nói nhiều về nội dung, nên các bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.
Ảo dạ được xem là tác phẩm sinh đôi với Bạch dạ hành nhưng ngoài việc có một cặp nhân vật và người nữ nhiều thủ đoạn để đạt được cái mình muốn, thì có nhiều khác biệt. Dù Mifuyu chọn đứng trong bóng tối nhưng Keigo Higashino không giấu tham vọng, các âm mưu và thủ đoạn của cô với độc giả, trái lại dành rất nhiều đất để Mifuyu nêu lên “tuyên ngôn” của mình. Thông qua điều tra viên Kato, Higashino sensei cũng nhiều lần hệ thống lại quá trình, khiến câu chuyện dễ nắm bắt. Hệ thống các nhân vật cũng không quá nhiều, đến nỗi khó nhớ như Bạch dạ hành.
Như nhiều câu chuyện khác, Higashino sensei luôn làm như vô tình để các nhân vật nhắc đến một giai đoạn đáng chú ý nào đó, như một cách ngầm thông tin với người đọc bối cảnh của câu chuyện. Với Bạch dạ hành là thời điểm máy tính cá nhân bắt đầu phổ biến, với Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là kỳ thế vận hội sắp diễn ra, còn Ảo dạ là thời điểm bong bóng kinh tế bị vỡ và nhân loại chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới cùng nỗi sợ sự cố Y2K.
Câu chuyện bắt đầu bằng một bi kịch – một trận động đất kinh hoàng, khiến Masaya phải giết người và từ đó gắn đời mình với Mifuyu, người đã chứng kiến khoảnh khắc anh ra tay sát nhân. Mifuyu sẽ dẫn dắt Masaya cùng xây dựng kế hoạch tương lai mà cô đã vạch ra, sống “theo cách sinh tồn của riêng mình”. “Chúng ta chỉ có thể đi trên con đường ở trong bóng tối. Dẫu cho bốn phía xung quanh sáng rực như ban ngày, cũng chỉ là ánh sáng không chân thực mà thôi”. Và từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ mà “khi một người đau khổ, người còn lại sẽ có thể ở phía sau đưa tay giúp đỡ” và “chỉ ở trong bóng đêm mới bộc lộ bản tính với người còn lại”. Hay chỉ là Masaya tin thế.
Không như câu chuyện cộng sinh kỳ lại của “tôm pháo-cá bống trắng” trong Bạch dạ hành, mà ở đó Ryoji coi mình là tôm pháo, có nhiệm vụ bảo vệ cá bống trắng Yukiho đến chết, mối quan hệ của Masaya và Mifuyu là kẻ thao túng và kẻ phục tùng. Nếu Ryoji xem việc bảo vệ Yuhiko là mục tiêu duy nhất của đời mình, thì Masaya tình nguyện làm “một tên đồng bọn trung thành” không phải vì muốn bảo vệ lớp mặt nạ của Mifuyu, mà “chỉ vì yêu, vì ‘hạnh phúc của hai người’ mà cô luôn nhắc đến, ngoài ra không có lý do nào khác.” Tất cả chỉ đổi đến đắng cay và cay đắng nhất là gen’ya – ảo dạ, những đêm tưởng là hạnh phúc trần đời nhưng hóa ra chỉ là hư ảo.
Và giống như nhiều quyển khác của Keigo, mỗi nhân vật đã xuất hiện thì chắc chắn sẽ có vai trò. Luôn sẽ có người làm nhiệu vụ connecting the dot – kết nối các điểm rời rạc với nhau để vén màn bí ẩn. Trong Ảo dạ, không chỉ điều tra viên Kato, là anh chàng Soga mà còn cả chính Masaya, người đã thề trung thành với Mifuyu và tin tưởng có thể cùng Mifuyu có được hạnh phúc, làm công việc đi tìm sự thật đằng sau những bí ẩn đó.
Mình ghét Masaya quá nhu nhược nhưng nghĩ lại rằng có phải vì Mifuyu quá đáng sợ? Masaya đáng thương hơn là trách vì bị nắm điểm yếu từ đầu và đã thực lòng mong có thể cùng Mifuyu đắp xây hạnh phúc. Nhân vật Shinkai Mifuyu được xây dựng tận cùng tàn ác, lạnh lùng, mưu mô, thường xuyên làm người đối diện “không rét mà run”. Mifuyu “tuyệt đối không mềm lòng với bất cứ ai. Mặc cho người khác gặp phải bất hạnh thế nào, cô ta hoàn toàn không quan tâm”.
Cách xây dựng nhân vật quả thật để lại nhiều ấn tượng. Đến mức mình có lúc nghĩ giả thử có gặp một Shinkai Mifuyu trong đời thực, mình sẽ bị bùa mê đến mức nào và gục ngã trước cô ta ra sao? Nhưng điều mình cho rằng còn thiếu là lý do Mifuyu lại hành xử như vậy, dù đã có khát khao từ trước nhưng chẳng lẽ chỉ vì đeo đuổi tham vọng mà tán tận lương tâm đến vậy ư?
9. MAI NGUYỄN review sách Ảo Dạ
Tại vì bị đặt cái mác sinh đôi với Bạch dạ hành thành ra quyển này bị nói thê thảm :)).
Cá nhân tui thì Ảo dạ vẫn có nét đặc sắc riêng. Twist được rải đều, dễ nắm bắt mạch truyện, trang trước thắt nút thì có khi lật tiếp mấy trang sau nút đã được mở rồi. Chỉ có cái twist ghê rợn nhất thì ém tới gần cuối mới bung. Mà đọc xong đoạn đó tui phải công nhận Mifuyu là một con quỷ thiệt sự. Quá tàn khốc. Thực sự quá tàn khốc.
Truyện cũng có cái hay là, phần giới thiệu và cả chương đầu của truyện sẽ khiến bạn nhầm tưởng Mifuyu là người con gái đứng trong bóng đêm giúp che giấu quá khứ bí mật của nam chính Masaya. Mà thật ra (spoil tẹo) là vai trò hoán đổi đó quý dị, Mifuyu đứng dưới ánh sáng thoả sức hưởng thụ còn Masaya mới là người phải lầm lũi bước trong bóng tối. Và cả câu truyện là một quả lừa choáng váng, Mifuyu lừa tất cả mọi người ko sót một ai, đọc mà xót anh Masaya quá chừng luôn 😰.
Đọc xong Ảo dạ tui mới thấy Yukiho yêu đương thật lòng hơn mẹ Mifuyu này nhiều, Mifuyu giống như một con búp bê rỗng ruột, vô hồn, lạnh lẽo tới rùng mình.
Lại nói vụ bìa thể hiện đúng tinh thần sách thật ấy 😂 mà hồi vote bìa các bạn cứ bảo bìa ko có bàn tay nhìn trống trải các thứ, cuối cùng đọc xong truyện tui mới thấy đáng lí mọi người nên vote bìa ko có bàn tay 😂 nhìn thừa dễ sợ luôn :))).
III. Trích dẫn sách Ảo Dạ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trong nhà xưởng tối tăm, bóng các máy móc đổ thành một hàng dài. Cảnh tượng ấy khiến Masaya liên tưởng đến nghĩa địa về đêm. Có điều, nấm mồ mà cha anh sắp nằm xuống chẳng được bề thế như thế. Bóng những cỗ máy trông như những người hầu trung thành đã mất chủ. Có lẽ chúng cũng có cùng tâm trạng với Masaya, im lìm đón đợi đêm nay.
Masaya đưa chén rượu đầy lên miệng. Chỗ sứt trên miệng chén chạm vào môi. Uống cạn, anh thở hắt ra.
Bên cạnh chìa ra một chai rượu, rót vào cái chén không của anh.
“Sau này việc gì cũng sẽ khó khăn, nhưng cháu đừng nản lòng, phấn chấn lên.” Ông cậu Toshirou của anh nói. Bộ râu che kín cằm của ông ta đã lốm đốm muối tiêu. Mặt ông ta đỏ bừng, hơi thở phả ra mùi cà chua thối.
“Cũng làm phiền cậu nhiều rồi ạ.” Masaya nói đãi bôi.
“Chuyện này có đáng gì đâu. Cậu đang lo sau này không biết cháu sẽ làm thế nào. Nhưng cháu có nghề trong tay, chắc là không lo tìm việc. Nghe nói có nhà máy bên Nishinomiya đã tuyển cháu rồi à?”
“Công việc thời vụ thôi ạ.”
“Việc thời vụ cũng được. thời buổi này có bát cơm ăn là khá lắm rồi.” Toshirou khẽ vỗ lên vai Masaya. Masaya thấy không thoải mái khi ông ta chạm vào mình như vậy, nhưng vẫn cười lấy lòng.
Trước ban thờ vẫn còn người khác đang uống rượu, đó là ba người có quan hệ thân thiết nhất với ông Yukio, bố Masaya: ông chủ công ty xây dựng, tay buôn sắt thép phế liệu và ông chủ siêu thị. Bọn họ đều thích đánh bài, thường xuyên tụ tập tại nhà Masaya. Hồi việc làm ăn còn thuận lợi, năm người từng cùng đi du lịch Busan.
Đêm nay canh trước linh sàng, chỉ có ba người này và vài người họ hàng. Masaya không báo cho quá nhiều người nên vắng vẻ là lẽ đương nhiên, nhưng anh cho rằng kể cả có thông báo hết thì cũng chẳng khác nhau mấy. Đám khách hàng thì khỏi cần phải nói, các đồng nghiệp không có khả năng đến, kể cả những người họ hàng cũng chỉ thắp nhang xong là vội vã ra về, chừng như sợ rằng ở lâu Masaya sẽ mở miệng đòi tiền. Trong đám người thân, chỉ có mình cậu anh ở lại. Còn nguyên nhân ông ta không ra về, trong lòng Masaya hiểu rất rõ.
Ông chủ công ty xây dựng đã rót hết chỗ rượu trong chai rượu cuối cùng của nhóm bọn họ, chỉ còn mỗi chai mà Toshirou ôm trong lòng như của báu kia thôi. Ông chủ công ty xây dựng vừa chậm rãi nhấm nháp chén rượu chỉ còn một phần ba, vừa đưa mắt nhìn Toshirou. Toshirou ngồi phịch xuống cạnh bếp lò, vừa nhai mực khô, vừa uống rượu một mình.
“Bọn chú phải về đây.” Tay buôn sắt thép phế liệu nói trước. Chén của ông ta đã hết từ lâu.
“Đúng vậy.” Hai người còn lại cũng từ từ dợm đứng lên.
“Masaya, vậy bọn chú về đây.” Chủ công ty xây dựng nói.
“Hôm nay các chú bận rộn như vậy mà vẫn dành thời gian đến đây, cháu vô cùng cảm ơn.” Masaya đứng dậy cúi đầu đáp tạ.
“Mặc dù không giúp được việc gì to tát, nhưng nếu có việc gì trong khả năng của bọn chú thì cháu cứ nói, bọn chú nhất định sẽ giúp.”
“Đúng đấy, trước đây bọn chú cũng được ông cụ nhà cháu đỡ đần nhiều mà.” Tay buôn sắt thép phế liệu đứng bên cạnh nói. Ông chủ siêu thị lặng lẽ gật đầu.
“Các chú nói vậy làm cháu thấy yên tâm hơn nhiều rồi. Đến lúc ấy xin nhờ các chú quan tâm giúp.” Masaya lại cúi đầu tỏ ý cảm ơn. Ba người đàn ông đứng tuổi cũng gật đầu đáp lễ.
Sau khi họ ra về, Masaya khóa cửa rồi trở vào nhà. Trong căn nhà nối liền với công xưởng, chỉ có một gian phòng kiểu Nhật rộng chừng sáu chiếu và một gian bếp chật hẹp, trên tầng hai còn hai căn phòng kiểu Nhật liền kề nhau. Ba năm trước, khi bà Sadako mẹ anh chưa qua đời vì bệnh, Masaya còn không có phòng riêng.
Trong căn phòng kiểu Nhật đặt ban thờ, Toshirou vẫn đang uống rượu. Mực khô hình như đã hết, ông ta đang vươn tay ra chỗ đậu phộng mà ba người kia để lại.
Masaya bắt đầu thu dọn đồ đạc bừa bãi, lúc này Toshirou đột nhiên cất tiếng, giọng rất khó nghe: “Nói thì rõ là hay.”
“Dạ?”
“Lão già Maeda ấy. Bảo cái gì mà có việc gì trong khả năng bọn chú thì cháu cứ nói, bọn chú sẽ giúp. Đúng là nghĩ một đằng nói một nẻo.”
“Chẳng qua là lời khách sáo thôi mà cậu. Bọn họ cũng đang rất kẹt.”
“Thế thì chẳng phải đâu. Cứ như lão Maeda ấy, làm mấy vụ lặt vặt, nhưng kiếm được không ít món hời nho nhỏ. Cậu cảm thấy lý ra lão ta đã giúp được bố cháu một tay.”
“Bố cháu đâu có muốn dựa dẫm vào những người này.”
Toshirou nghe vậy liền lạnh lùng “hừ” một tiếng, nhệch miệng ra nói: “Sao lại thế chứ, cháu không nghe nói gì à?”
Những lời này của Toshirou làm Masaya đang xếp dọn đĩa phải dừng lại.
“Lúc trong tay không có tiền trả khoản vay mua máy móc, điều đầu tiên anh Yukio nghĩ đến chính là thương lượng với ba người đó. Nhưng mà, bọn họ chẳng hiểu nghe được tin tức ở đâu, tất cả đều đóng cửa không tiếp. Lúc bấy giờ, chỉ cần có người đưa một triệu yên, chắc tình hình đã khác hẳn rồi.”
“Cậu à, chuyện này cậu nghe ai nói vậy?”
“Bố cháu chứ ai. Anh ấy từng tức giận nói, đám người đó lúc mình làm ăn được thì cười tít mắt quây xung quanh, hễ mình làm ăn sa sút là đổi thái độ ngay.”
Masaya gật đầu, lại bắt đầu dọn dẹp. Đây là lần đầu tiên anh được nghe chuyện này, nhưng cũng không ngạc nhiên. Anh vốn dĩ đã không tin tưởng ba người kia, người mẹ đã khuất của anh cũng ghét bọn họ. Câu cửa miệng của mẹ anh là: “Đi với ai cũng thế, người trả tiền bao giờ cũng là bố mày.”
“Cậu đói rồi.” Toshirou lầm bầm. Một lít rượu đã uống hết, đậu phộng trong đĩa cũng đã hết, Masaya bỏ cái đĩa không vào khay.
“Còn gì ăn được không?”
“Có bánh bao thôi.”
“Bánh bao hả?”
Masaya liếc mắt nhìn Toshirou đang nhíu mày, sau đó bưng cái khay đựng bát đĩa bẩn vào bếp, thả vào bồn nước. Bồn nước lập tức đầy ứ lên.
“Masaya, cậu hỏi cháu chút chuyện khác nữa.” Sau lưng anh vang lên tiếng nói. Masaya ngoảnh đầu lại nhìn, thấy Toshirou đã đứng ở cửa bếp từ lúc nào. “Đã nói chuyện với bên công ty bảo hiểm chưa?”
Cuối cùng đã đề cập đến chủ đề chính rồi. Masaya thầm nghĩ, nhưng vẻ mặt vẫn tỉnh bơ như không, chỉ lắc đầu: “Vẫn chưa ạ.” Anh cắm điện ấm đun nước, đổ nước nóng bên trong ra, bắt đầu rửa bát đĩa. Căn nhà của gia đình Mizuhara xây từ bốn mươi năm trước, không có vòi nước nóng lạnh.
“Cháu đã liên lạc với họ chưa?”
“Bận việc nọ việc kia, vẫn chưa lo được ạ. Lúc này nếu người bên công ty bảo hiểm mà đến, lại còn phiền phức ấy chứ.”
“Có lẽ vậy, nhưng vẫn nên xử lý cho sớm thì hơn. Thủ tục chậm trễ, tiền bồi thường cũng chậm theo.”
Masaya không dừng tay, chỉ im lặng gật đầu. Anh ta hiểu rõ dụng ý của ông Toshirou.
“Có hợp đồng bảo hiểm không?” Toshirou hỏi.
Masaya dừng tay một thoáng, nhưng ngay sau đó lại bắt đầu cọ rửa chiếc đĩa. “Có ạ.”
“Cho cậu xem được không?”
“Ừm… để chốc nữa cháu lấy.”
“Cậu muốn xác nhận vài chuyện. Những thứ này để mai rửa cũng được, giờ cháu lấy ngay ra cho cậu xem đi. Không thì bảo cậu để ở đâu, cậu tự đi lấy.”
Masaya thở dài, buông miếng bọt biển đầy xà phòng xuống.
Trong góc căn phòng kiểu Nhật có một tủ trà nhỏ. Đó là đồ mua từ thời bố mẹ anh mới kết hôn, niên đại cũng tương đối xa rồi. Bên trong ngăn kéo nhỏ dưới cùng có một tập hồ sơ màu xanh lam, trong đó cẩn thận lưu giữ các tài liệu hợp đồng như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hỏa hoạn và bảo hiểm xe cộ. Mẹ Masaya rất giỏi những công việc cần đến sự cẩn trọng chu đáo thế này. Masaya có cảm giác, sau khi mẹ qua đời, công xưởng mới bắt đầu xuất hiện những sơ suất trong kinh doanh, mặc dù trước đây chỉ cần mẹ có ý kiến gì với công việc là bố anh sẽ lại nổi giận đùng đùng, bảo rằng đàn bà không nên chõ miệng vào chuyện làm ăn.
“30 triệu yên à, quả nhiên.” Ngón tay Toshirou kẹp điếu thuốc lá đã châm lửa, liếc nhìn tập hồ sơ. Ông ta có vẻ không vừa ý, có lẽ vì số tiền ít hơn so với dự tính.
“Nghe nói đây là bảo hiểm bị yêu cầu tham gia lúc vay tiền ngân hàng.” Masaya nói.
“Hồi mở rộng quy mô công xưởng ấy hả?”
“Vâng.”
Đó là năm 1986, đúng lúc cả nước Nhật đều đang sôi lên sùng sục.
Toshirou gật đầu, khép tập hồ sơ lại. Ông ta ngước lên phả ra mấy vòng khói thuốc, đoạn nói với Masaya: “Số nợ còn lại là bao nhiêu?” Trong một khoảnh khắc, con ngươi đục ngầu của ông ta như sáng lóe lên.
“Chừng khoảng… 20 triệu.”
Tuần trước, họ đã trao đổi với chủ nợ. Lúc đó, Masaya cũng có mặt.
“Vậy thì, kể cả trả hết tiền nợ, cũng vẫn còn lại 10 triệu yên.”
“Coi như là vậy, nhưng không rõ tình hình thực tế ra sao, cũng không biết tiền bảo hiểm có được chi trả toàn bộ hay không nữa.”
“Chắc chắn là sẽ chi trả, có phải là chết kiểu lạ thường gì đâu.”
Masaya trầm mặc. Anh muốn nói, không phải chết kiểu lạ thường thì là cái gì nữa?
“Masaya à, chắc cháu cũng có nghe nói…” Toshirou cho tay vào túi áo.
Masaya cũng đoán được ông ta sẽ lấy ra thứ gì. Không ngoài dự liệu, ông Toshirou móc ra một phong bì màu vàng nâu, rồi rút từ trong đó một tờ giấy gấp gọn gàng, mở ra trước mặt Masaya.
“Trước khi mẹ cháu qua đời… chuyện xảy ra ba bốn năm trước rồi… nói là cần một khoản tiền lớn, đã đến hỏi cậu, cậu bèn gom góp cho chị ấy bốn triệu yên. về sau kinh tế sa sút, cậu cũng không tiện thúc giục chị ruột mình trả tiền, vì vậy cứ dây dưa mãi đến hôm nay, nhưng mà, việc làm ăn của cậu cũng không ổn rồi.”
Toshirou bán buôn kính mắt và đồng hồ ở vùng Kobe và Amagasaki, giao sỉ cho các cửa hàng bán lẻ trong thành phố, cả ngày từ sáng đến tối lái chiếc xe chở hàng nhỏ đi khắp chốn, nhờ bán nhiều mà tăng thu nhập. Sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, thu nhập của ông ta sụt giảm rõ rệt, những cửa hàng bán lẻ kia không thể tiếp tục nhập hàng nữa. Nhưng nguyên nhân Toshirou thiếu vốn để quay vòng không chỉ có vậy. Masaya nhớ hồi trước mẹ anh từng nói, cậu Toshirou chơi cổ phiếu kiếm được khá nhiều tiền, sau khi ăn quen bén mùi, bèn không muốn cố gắng làm việc nữa.
“Cậu thật tình không muốn nói những chuyện này.” Toshirou khổ sở chau mày, gãi đầu nói, “Cậu cũng đi vay tiền, hơn nữa còn vay nặng lãi. Nếu mãi không trả, không biết bọn họ sẽ xử lý cậu thế nào, nói thực lòng, cậu cũng khó xử lắm.”
“Vâng, cháu hiểu.” Masaya gật đầu, “Sau khi thanh toán hết nợ nần ở chỗ khác, cháu sẽ trả tiền cho cậu.”
“Vậy sao? Cháu nói vậy là cậu được cứu rồi.” Toshirou cười nhe cả hàm răng vàng, “Đối phương không phải người bình thường đâu, bọn họ cũng biết là cậu vay tiền cho nhà cháu rồi. Thế nên nếu cậu không trả tiền được, bọn họ sẽ bắt cậu giao giấy nợ ra, cuối cùng lại còn gây phiền phức thêm cho cháu nữa. Bấy lâu nay, cậu vẫn khó xử lắm.”
“Chắc chắn cháu sẽ trả cho cậu.” Masaya nhắc lại.
“Ừm… tốt quá rồi. Nói ra vào thời điểm thế này, thật tình cậu ngại lắm.” Toshirou trưng ra bộ mặt áy náy, ngón tay kẹp điếu thuốc, hai tay đan vào nhau tỏ ý xin lỗi.
Uống nốt ít bia còn sót lại, Toshirou bảo buồn ngủ, rồi đi lên tầng hai. Ngày trước ông ta thường đến đây, đã biết rõ chăn nệm dùng cho khách để ở trong tủ âm tường nào.
Không ngờ lại nói mẹ đi cầu xin ông ta, vay một khoản tiền lớn!
Bố Masaya có kể lại câu chuyện vay tiền này. Bố mẹ anh nghe Toshirou xúi giục, mua cổ phiếu đầu cơ, không, nói một cách chuẩn xác là bị cuốn vào vụ đầu cơ do Toshirou thao túng. Toshirou nói để ông ta ứng tiền ra trước, bảo ông Yukio viết giấy nợ, hình như còn nói giấy nợ chẳng có ý nghĩa gì to tát, chẳng qua chỉ là hình thức thôi. Ông Yukio có nằm mơ cũng không ngờ lại bị em vợ lừa gạt. Đã đến nước này, ngay cả việc Toshirou có thực sự mua cổ phiếu đầu cơ hay không cũng rất đáng nghi.
Masaya chuyển hướng sang chỗ chiếc quan tài rẻ nhất mà nhà tang lễ giới thiệu, khoanh chân ngồi xuống. Gương mặt bố anh trong di ảnh toát lên vẻ trống rỗng. Có thể hình dung, vẻ mặt của ông trước khi chết cũng y như vậy: mất hết tất cả, tuyệt vọng, không còn niềm tin với tương lai.
Masaya đứng dậy, mở cánh cửa kính thông sang công xưởng. Không khí lạnh lẽo nhanh chóng bao bọc lấy thân thể, anh rùng mình, đi dép lê vào. Nền nhà xi măng lạnh buốt như băng, mùi dầu máy và bụi bặm xộc vào mũi nồng nặc. Anh không thích thứ mùi này, nhưng từ nhỏ đã ngửi quen rồi.
Anh ngửa đầu nhìn lên trần nhà. Xà nhà cốt thép vắt ngang từ trái qua phải. Mặc dù ánh sáng lờ mờ, không nhìn rõ được, nhưng anh có thể vẽ lại trong óc hình dạng của những chỗ gỉ sét và tróc sơn trên xà nhà. Trong đó có một chỗ rất giống bản đồ Nhật Bản.
Tối ngày hôm kia, Masaya về nhà, phát hiện ra bên dưới chỗ tróc sơn hình dạng như bản đồ nước Nhật ấy có một sợi thừng buông thõng, bố anh treo lơ lửng ở đó.
……
Trên đây là trích đoạn trong sách Ảo Dạ – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!