Chuyện Xứ Lang Biang (bộ truyện 4 phần) – Nguyễn Nhật Ánh

Chuyện xứ lang biang (trọn bộ 4 cuốn) - Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại Truyện ngắn – Tản văn – Tạp văn
Huyền bí – Giả tưởng – Kinh dị
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
NXB NXB Trẻ
CTy Phát Hành NXB Trẻ
Số trang
  • Pho tượng của Baltalon (428 trang)
  • Biến cố ở trường Đămri (536 trang)
  • Chủ nhân núi Lưng Chừng (596 trang)
  • Báu vật ở lâu đài K’Rahlan (668 trang)
Ngày xuất bản 03-2017
Giá bán FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Chuyện Xứ Lang Biang

Chuyện xứ Lang Biang là một bộ truyện dài gồm 4 phần (phát hành 28 tập) của nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh, được xuất bản những tập đầu tiên vào năm 2004 và kết thúc vào tháng 8 năm 2006.

Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của hai nhân vật chính tên Nguyên và Kăply bị lạc vào xứ phù thủy Lang Biang và tình cờ trở thành hai “Chiến binh giữ đền” có nhiệm vụ tiêu diệt phe Hắc Ám. Tuy được đặt vào bối cảnh là thế giới phù thủy đầy huyền bí nhưng tên của các nhân vật lại mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Được coi là Harry Potter của Việt Nam, bộ truyện ra đời đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía độc giả.

Các tập truyện:

Truyện được phát hành thành 28 tập nhỏ cỡ 10,5 x 17 cm, được chia thành 4 tập lớn:

  • Tập 1: Pho tượng của Baltalon (5 quyển)
  • Tập 2: Biến cố ở trường Đămri (7 quyển)
  • Tập 3: Chủ nhân núi Lưng Chừng (8 quyển)
  • Tập 4: Báu vật ở lâu đài K’Rahlan (8 quyển)

Nội dung Chuyện Xứ Lang Biang (bộ truyện 4 phần):

Pho tượng của Baltalon

Chuyện xứ lang biang 1 - Pho tượng của Baltalon - Nguyễn Nhật Ánh

Nguyên và Kăply là hai đứa trẻ ở làng Ke, bị bắt cóc vào xứ Lang Biang – thế giới phù thủy, bởi K’Brak và K’Bret và người chủ mưu là ông K’Tul. Dưới lốt của K’Brăk và K’Brết, cả hai trở thành tiểu chủ nhân bất đắc dĩ của lâu đài K’Rahlan, kết bạn với Êmê, K’Tub, Suku và Păng Ting – những đứa trẻ cùng lứa. Là kẻ tử thù của lâu đài K’Rahlan, sứ giả thứ ba của trùm Hắc Ám là Baltalon đã sai con chim cắt Boumboum gửi đến K’Brăk (tức Nguyên) một pho tượng tạc chính hình K’Brăk.

Theo thông lệ, bất cứ ai nhận được pho tượng của chính mình do Baltalon gửi tới, người đó coi như đã lãnh án tử hình. Đúng 30 ngày sau khi gửi đi pho tượng, Baltalon sẽ tìm đến nạn nhân để lấy mạng, vì vậy hắn được mệnh danh là “Sát thủ ngày thứ 30”. Không ngờ đến ngày định mệnh đó, Baltalon lại tiêu tùng bởi một nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ: nhầm tay trái với tay phải. Nhưng trùm Hắc Ám không chỉ có một tên sứ giả. Cùng lúc đó, Nguyên và Kăply phải đến học trường Đào tạo Tài năng Đămri, ngôi trường phù thủy lớn nhất của xứ Lang Biang, trong lốt K’Brăk và K’Brết. Từ đây mọi chuyện mới thực sự bắt đầu với một âm mưu mới…

Biến cố ở trường Đămri

Chuyện xứ lang biang 2 - Biến Cố Ở Trường Đămri - Nguyễn Nhật Ánh

Buriam, sứ giả thứ tư của trùm Bastu, bị phát hiện chính là vị giáo sư khả ái Hailixiro và sau đó đã bị bắt. Suốt một thời gian dài hắn đã bắt cóc con trai của cô Kemli Trinh, giáo viên trường Đămri, rồi dùng thuật Quỷ mộng để sai khiến cô làm việc cho hắn. Thầy N’Trang Long, hiệu trưởng, phải nhờ cặp ma nhóc song sinh Pôcô – Pôca mới bắt được Buriam.

Nhưng đứa con của cô Kemli Trinh lại bị Buriak dùng bùa Ngốc làm cho tưng tửng. Nguyên và Kăply được thầy N’Trang Long giao nhiệm đến núi Lưng Chừng để hái táo vàng, một việc xưa nay chưa ai từng làm được ngoài Đại tiên ông Mackeno.

Chủ nhân núi Lưng Chừng

Chuyện xứ lang biang 3 - Chủ nhân núi lưng chừng - Nguyễn Nhật Ánh

Sau khi ăn quả táo vàng ở núi Lưng Chừng, Nguyên và Kăply đã chính thức trở thành “Chiến binh giữ đền” (CBGD) – trình độ pháp thuật ngang ngửa với các siêu phù thủy hạng nhất ở xứ Lang Biang. Cùng lúc đó, nhiều bí mật được vén màn: trùm Bastu lâu nay chính là Ka Ming, còn sứ giả Badd là do Thủ lĩnh phe Ánh Sáng K’Rahlan giả trang. Và giáo sư nhóc tì Akô Nô chính là phân nửa (mặt tốt) của Chủ nhân núi Lưng Chừng (CNNLC), còn nửa ký (mặt xấu) là lão Ôkô Na độc ác tác oai tác quái.

Hiệu trưởng N’Trang Long đã tiết lộ cho bọn trẻ biết nguyên nhân sau xa của bi kịch này chính là do cuộc gặp gỡ giữa CNNLC và Đại phù thủy Păng Sur, một nhân vật trong Tam Tiên. Sứ mạng của CBGD vần chưa tiến triển gì nhiều. Vợ chồng K’Rahlan và Ka Ming tạm thời chưa lộ mặt để còn thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn sự quay lại của trùm Bastu.

Báu vật ở lâu đài K’Rahlan

Chuyện xứ lang biang 4 - Báu vật ở lâu đài K'rahlan - Nguyễn Nhật Ánh

Phần kết của series chuyện với rất nhiều nút thắt được mở ra. Trùm Bastu chính là Pô Palay Tàn phế, tên trùm Hắc Ám được cho rằng là đã chết cách đây 300 năm dưới tay của Đại tiên ông Mackeno (chính là thầy N’Trang Long), anh trai của hắn. Ông K’Tul, một nhân vật bí hiểm, cha của K’Tub, lại là tay sai của Bastu.

Bastu đã luyện được thần chú “Cực lạc tiêu diêu”, một loại thần chú có sức mạnh vô địch. Hắn dùng quả hiến sinh, một quả có chất độc không có thuốc giải, do ma cà rồng bị xử tử hóa thành để luyện thần chú. Báu vật lâu đài K’Rahlan, một thứ bị các phe phái tranh nhau tìm kiếm vì cho rằng đó là câu Thần chú Kim Cương số 7, thật ra chỉ là một chiếc hộp đặc ruột được Tam Tiên dùng để đánh lừa Pô Palay.

Uy lực của câu thần chú “Cực lạc tiêu diêu” mạnh đến nỗi ngay cả Tam Tiên cũng không thể đối phó. Chính lúc đó, Kăply với con chim thần hộ mệnh Garuda đã đánh bại Bastu. Kết thúc truyện, Kăply và Nguyên được đưa về làng Ke, không rõ có gặp lại bạn bè ở xứ Lang Biang nữa không.

Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.

Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).

II. Review sách Chuyện Xứ Lang Biang

Review sách Chuyện xứ lang biang (trọn bộ 4 cuốn) - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Chuyện Xứ Lang Biang (Bộ truyện 4 phần 2004 -2006) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. MAI HƯƠNG review sách Chuyện Xứ Lang Biang

“Chuyện xứ Lang Biang” là một câu chuyện về thế giới phù thủy mang phong cách “rất Nguyễn Nhật Ánh”. Truyện cuốn hút trong từng câu chữ, khiến ta không thể ngừng đọc. Không chỉ các tình tiết, diễn biến truyện hồi hộp, li kì hấp dẫn ta mà còn có tình cảm: tình bạn, tình gia đình, tình đồng nghiệp của các nhân vật, những cảm xúc rung động của những cô cậu mới lớn – đó là những cảm xúc đáng trân trọng, giúp “Chuyện xứ Lang Biang” đẹp hơn, hay hơn, dễ đi vào lòng độc giả, đặc biệt là những độc giả nhỏ tuổi.

Đoạn kết tạo cho ta cảm giác vừa hi vọng vừa hụt hẫng, băn khoăn không biết liệu những người bạn nhỏ có được gặp lại nhau hay không. Thôi thì nếu bác Ánh đã cho ta quyền lựa chọn thì tại sao ta không nghĩ đến một cái kết viên mãn, nhỉ?

2. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Chuyện Xứ Lang Biang

Thuở nhỏ, tôi có đọc văn Nguyễn Nhật Ánh. Say sưa và thích thú vì văn phong giản dị, dễ hiểu, lại viết về những vấn đề bình dị quá đỗi. Tôi cũng thấy mình trong những tác phẩm của ông. Lớn lên, chắc tâm hồn đã già cỗi , nên tôi không đọc văn ông nữa. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ về một tác phẩm tuyệt vời của ông “Chuyện xứ Lang Biang”.

Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của hai nhân vật chính tên Nguyên và Kăply bị lạc vào xứ phù thủy Lang Biang và tình cờ trở thành hai “Chiến binh giữ đền” có nhiệm vụ tiêu diệt phe Hắc Ám. Ly kỳ như một câu chuyện cổ tích, hồi hộp như một câu chuyện phiêu lưu, tác phẩm lại đậm chất Tây Nguyên với tên gọi của các địa danh, các nhân vật: Xứ Langbiang, trường Đămri, lâu đài K’Rahlan, hiệu trưởng N’Trang Long, K’Brăk,K’Brêt, pháp sư K’Tul, họa sĩ Yan Dran, Êmê, K’Tub, Suku, Ka Ming…Dù xứ Langbiang trong truyện là ở tận đâu đâu nhưng ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng dân tộc ở đó.

Nếu say mê bộ truyện Harry Potter, chắc chắn bạn cũng sẽ thích thú tác phẩm “Chuyện xứ Lang Biang” của Nguyễn Nhật Ánh. Ly kì, hồi hộp, bất ngờ… sẽ lôi tuột ta vào mạch truyện, khó mà dứt ra được.

Đặc biệt, ở tác phẩm này, tác giả còn sử dụng hàng loạt biện pháp so sánh, liên tưởng độc đáo mà ở những cuốn sách khác của ông khó sánh bằng “nhăn mặt, càng lúc nó càng giống quả táo khô”, “vẻ chán chường như buộc phải nói chuyện với cục gạch thật sự”, “trái tim ông không hoàn toàn làm bằng đá hoa cương”, “vầng trán của hai người dãn ra như vừa tắm dưới mưa”, “cảm thấy ngực nặng như đeo đá”…

Nếu yêu mến Nguyễn Nhật Ánh, đừng để lỡ tác phẩm này nhé!

3. NGUYỄN review sách Chuyện Xứ Lang Biang

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 1: Pho tượng của Baltalon

Chuyện xứ lang biang 1 - Pho tượng của Baltalon - Nguyễn Nhật Ánh

Đây là phần mở đầu của bộ truyện 4 tập Chuyện xứ Lang Biang – một trong số ít những tác phẩm kỳ ảo pháp thuật thiếu nhi Việt Nam. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã quá quen thuộc với độc giả thiếu nhi và cả người lớn với những câu chuyện nhẹ nhàng gần gũi với tuổi thơ, nhưng đây là lần đầu tiên “chú Ánh” viết truyện kỳ ảo 100%.

Đã có rất nhiều so sánh với Harry Potter, và tác giả cũng không ngại việc so sánh này, tuy tác giả có nói mình không chủ định lấy ý tưởng hay trực tiếp sao chép HP, nhưng đọc qua có thể thấy rõ những điểm tương đồng, cũng như thời gian sáng tác vào khoảng ra đời của 3 tập HP cuối, nên gọi bộ truyện này là HP Việt Nam hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên không vì vậy mà tác phẩm thiếu đi đặc trưng riêng, vì văn phong, nhân vật và bối cảnh của Nguyễn Nhật Ánh vẫn rất Việt Nam.

Điểm chung với HP: các lâu đài và trường dạy pháp thuật; các môn học, lớp học, thậm chí cả cách gọi các thầy cô là “giáo sư” không phổ biến ở VN cũng như đồng phục nón chóp áo chùng; những đồng tiền napken, vohen tương tự đơn vị tiền tệ trong HP; phe ánh sáng và hắc ám, chúa trùm và tay sai…

Điểm khác biệt: hàng rong cổng trường đậm nét VN, cốt truyện về 2 cậu bé từ thế giới thật (thứ ba) lạc đến thế giới Lang Biang (thứ nhất), dưới lốt kẻ khác…

Điểm thú vị: mỗi ngày một con số báo tử và cấu trúc đếm giờ của truyện hẳn quen thuộc với các độc giả trinh thám; những cái tên chơi chữ lí lắc như Baltalon, Mackeno, Macketa, Seradion, Hailixiro…

Tập 1 chỉ giới thiệu qua về xứ Lang Biang, những nhân vật và xung đột chính, bối cảnh chỉ mới diễn ra ở trường và ở nhà (lâu đài K’Rahlan), cùng rất nhiều những bí ẩn nêu ra chưa có giải đáp (hoặc đáp sai và hiểu lầm). Cái kết có plot twist khá đặc sắc, tuy theo chính các nhân vật trong truyện thì có phần “lãng òm”.

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 2: Biến cố ở trường Đămri

Chuyện xứ lang biang 2 - Biến Cố Ở Trường Đămri - Nguyễn Nhật Ánh

Tập 2 nối tiếp ngay sau tập 1 với những diễn biến còn đang bỏ ngỏ. Bối cảnh tập này vẫn quanh quẩn ở nhà và ở trường của 2 nhân vật chính Nguyên và Kăply (dưới lốt K’Brăk và K’Brêt), dù ngôi nhà là một lâu đài không hề tầm thường và ngôi trường là một thành trì pháp thuật. Những “cảm nắng”, hẹn hò, vui chơi tuổi học trò điểm xuyết cho cốt truyện chính về cuộc đấu tranh giữa thiện ác chính tà.

Những cái tên trong truyện hoặc là tên thuần Việt, hoặc là chơi chữ (Bolobala, chổi bay Wind XP…), hoặc là, đây cũng là một điểm đặc sắc đáng ghi nhận, những cái tên của các dân tộc Tây Nguyên như hiệu trưởng N’Trang Long (tù trưởng N’Trang Lơng dân tộc M’Nông), Pi Năng Súp… có những cái tên đã xuất hiện rải rác trong các tác phẩm khác của tác giả, phù hợp với bối cảnh và không khí của truyện, cũng như đem lại một nét gần gũi cho các độc giả người dân tộc. Các chi tiết thần thoại dân gian sẽ còn được sử dụng đắc địa ở 2 tập sau.

Vẫn có những ảnh hưởng từ Harry Potter, như một tấm gương xem lại ký ức khá giống Tưởng ký, nhưng ở tập này tác giả sử dụng ma cà rồng (một tạo vật ít gặp trong HP), ma báo mộng, thanh xà bạch xà, ngoài chổi bay thì còn cả thảm bay. Các nhân vật người nhập cư Alibaba, Mustafa phải trốn tránh phe hắc ám cũng là một gửi gắm đáng nói về nạn phân biệt vùng miền và kỳ thị chủng tộc. Truyện còn nói qua tác hại của chất gây nghiện qua con vật hư cấu macorana và hành trình tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện.

Điểm trừ của tập này có lẽ là cao trào không đạt được cực điểm (trong khi tập 4 lại quá ôm đồm), âm mưu vòng vèo nhưng không có xung đột mạnh mẽ, thiếu các pha đấu pháp thuật hoành tráng như 3 tập còn lại, nên những giải thích gây ra cảm giác có phần hơi dài dòng. Sự hòa trộn các chi tiết pháp thuật và tâm linh từ nhiều nền văn hóa khác nhau có lúc khá nhuần nhuyễn, nhưng cũng có lúc hơi gượng ép.

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 3: Chủ nhân núi Lưng Chừng

Chuyện xứ lang biang 3 - Chủ nhân núi lưng chừng - Nguyễn Nhật Ánh

Đây là tập truyện đậm chất phiêu lưu nhất trong bộ sách. Không còn khép kín gói gọn trong gia đình và ở trường học, nhóm bạn pháp thuật đã cùng nhau lên đường tìm kiếm quả táo vàng trên Núi Lưng Chừng (một sáng tạo độc đáo từ “lưng chừng núi”), trên đường đi trải qua vô vàn khó khăn, ghé qua nhiều địa danh kỳ ảo như hồ Ma, hang ổ Basilic, rừng táo vàng thần thoại (được rồng Ouroboros canh giữ)… và gặp gỡ những nhân vật bí ẩn, thần tiên đã được truyền tụng qua 2 tập trước.

Những chơi chữ hài hước vẫn tiếp tục được khai thác với bia Saydimi, những cái tên Balibia, Kemli, Xatara và các mật danh thú vị ECHYA và ACHYE (ai đọc Nguyễn Nhật Ánh nhiều sẽ nhận ra ngay). Tên những câu thần chú như “Nảy nở từa lưa” khiến người đọc phải phá lên cười giữa chiến trận đang hồi gay cấn. Những chi tiết pháp thuật khá sáng tạo và đặc sắc như thời gian nén, tranh truyền thần, chim đầu người (thoạt nghe khá ghê rợn) cũng như việc đưa các yếu tố thần thoại Hy Lạp cũng như những đại cảnh huyền ảo vào cốt truyện khiến tập này có không khí hoành tráng hơn hẳn.

Tác giả dù đặt ra nhiều chông gai hiểm trở cho các nhân vật, nhưng đến nay vẫn không có thương vong (dù suýt chết). Đó chính là chủ đích của Nguyễn Nhật Ánh khi không muốn câu chuyện quá nặng nề những hy sinh và mất mát như HP vào những tập cuối. Câu chuyện cũng có những chi tiết khá châm biếm về giáo dục đào tạo và thông tin báo chí, những tiêu chuẩn kép áp vào phe ta – phe đối nghịch, những phê phán về nạn bạo hành học đường, thầy đối với trò và giữa học sinh với nhau.

Điểm trừ ở đây theo chủ quan, một là lượng nhân vật của nhóm bạn quá lớn, 10 người và hơn thế nữa rồng rắn đi khắp nơi tựa như Anh chàng Hobbit với 13 người lùn trong khi có thể tiết giảm để tránh loãng tính cách, nhược điểm này sẽ trở nên rõ rệt ở cao trào tập cuối. Hai là, những bí ẩn “không ai biết” ở chương trước hóa ra chẳng có gì là bí mật vào ngay chương sau, do các nhân vật nhỏ tuổi chưa hiểu biết nhưng cũng do tác giả quá sa đà vào những “kiến thức” pháp thuật.

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 4: Báu vật ở lâu đài K’Rahlan

Chuyện xứ lang biang 4 - Báu vật ở lâu đài K'rahlan - Nguyễn Nhật Ánh

Một kết thúc khá trọn vẹn và có không ít bất ngờ. Nhân vật Kăply là một cậu bé “ngốc” vốn giữ vai “đệ tử” cho “đại ca” Nguyên, nhưng đến tập cuối, gốc gác và bản chất của nhân vật này mới lại chính là mấu chốt giải quyết xung đột lớn nhất để kết thúc tác phẩm, một plot twist công phu không kém những sự sắp đặt của J.K. Rowling, bâng quơ từ những trang đầu, dần hé lộ xuyên suốt bộ truyện và giải thích thấu đáo hợp logic cuối truyện.

Phe ánh sáng, phe hắc ám, giáo phái Madagui, cục an ninh Lang Biang, nhân sự trường Đămbri và hàng bao nhiêu nhân vật nữa đều tề tựu góp mặt trong cao trào của truyện. Đây thực ra có lẽ là điểm trừ chứ không phải điểm cộng, vì quá ôm đồm và hỗn loạn, cũng như có phần phi lý khi bấy nhiêu siêu pháp sư phù thủy chiến đấu lẫn lộn mà rất ít thương vong, đỉnh điểm có phần hài hước (!) khi mọi nhân vật cả thiện ác chính tà đều lần lượt rồng rắn chui vào chỗ (có thể) chết bằng cùng một cánh cửa (!), trong lúc đánh nhau thì tha hồ giảng giải, một nhược điểm của hầu hết các tác phẩm thể loại này.

Dù sao, những bắt bẻ nho nhỏ về nhược điểm chỗ này chỗ kia vẫn không đáng kể, nhìn chung tác phẩm vẫn rất tròn trịa, nhất là trong bối cảnh văn học kỳ ảo Việt Nam khá hiếm hoi. Điểm đặc sắc trong văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là mối dây cảm xúc giữa các nhân vật với nhau và với người đọc, sự hướng thiện và phục thiện, tình bạn, lòng dũng cảm và sự đoàn kết, những đặc điểm này vẫn rất rõ rệt trong Chuyện xứ Lang Biang, chúng ta trở nên thân thiết với nhóm bạn này cũng như nhóm Kính vạn hoa, và mong đợi nhiều cuộc phiêu lưu mới nữa.

Đáng tiếc là cũng như Kính vạn hoa, sau khi kết thúc vào năm 2006, hầu như mọi gút mắc đã được tháo gỡ, mọi bí ẩn đã được giải đáp, truyện không còn được tiếp tục nữa. Tác giả có đề cập ý định sáng tác tiếp về xứ Lang Biang, cũng như còn vài chi tiết chưa được sáng tỏ (các thế giới thứ hai, thứ tư… chi tiết Păng Ting có 3 người bà, hành tung của của Tam phù thủy, vì sao Păng Sur dạy lớp sơ cấp 1…) nhưng từ đó đến nay truyện chỉ được tái bản chứ không viết thêm. Tác giả cũng không quay lại đề tài pháp thuật nữa, dù độc giả tin rằng sức sáng tạo của Nguyễn Nhật Ánh ở mảng này rất cao.

Chuyện xứ lang biang (trọn bộ 4 cuốn) - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

4. NGUYEN LIEN review sách Chuyện Xứ Lang Biang

Nếu bạn là người hâm mộ bộ Harry Potter của tác giả J. K. Rowling, tôi tin chắc bạn cũng sẽ rất yêu bộ “ chuyện xứ Langbiang” này của Nguyễn Nhật Ánh. Bộ sách thuộc thể loại viễn tưởng trong thế giới phù thủy nhưng khá gần gũi thân thuộc với thiếu nhi Việt Nam. Các nhân vật được tác giả gán với những cái tên khá dễ thương mang đậm màu sắc Tây Nguyên: Nguyên, Kăply, Emê, K’ Tub, Suku, PăngTing…

Tôi như đắm chìm vào cuộc chiến đấu của Nguyên, Kăply – hai chiến binh quả cảm, anh dũng tiêu diệt phe hắc ám để bảo vệ thần dân trong xứ phù thủy Langbiang. Đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đã giúp các nhân vật thêm yêu thương và đoàn kết, đặc biệt tôi luyện cho các em một tinh thần thép, một tinh thần gan góc không chịu khuất phục trước cái ác, và bất công.

Bộ sách với 4 tập truyện dài, đã để lại ấn tượng lớn đối với tôi về tình bạn, điều đó càng thể hiện rõ hơn mỗi lần các em đối diện với khó khăn, thử thách. Một bộ sách được ví như “ Harry Potter” của Việt Nam thật quả không sai. Điều đặc biệt “ chuyện xứ Langbiang” thật sự dễ đi vào tuổi thơ của thiếu nhi Việt Nam bởi sự hài hước, gần gũi nhưng không kém phần mới lạ mà Nguyễn Nhật Ánh muốn truyền tới độc giả. Tuy nhiên, khác với Harry Potter, cái ác và cái chết trong Chuyện xứ Lang Biang không được đẩy đến tận cùng, đôi khi nhà văn dùng giọng văn hài hước để làm nó nhẹ nhàng hơn.

Theo ông, viết văn cho thiếu nhi thì không nên viết quá nặng nề bởi “Trẻ em khác người lớn, tâm hồn mỏng manh, trong sáng như cây non, nhận thức chưa chín, kinh nghiệm sống chưa có, đem giông bão đến cho các em để làm gì?” Truyện còn mang tính nhân bản sâu sắc ở việc đề cao những giá trị cao đẹp của tình bạn, được thể hiện qua những khó khăn và thử thách. Nhà văn chủ trương không xây dựng hình tượng anh-hùng-cá-nhân như hầu hết các truyện nước ngoài khác. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc trưng rõ nét của truyện Nguyễn Nhật Ánh.

5. LIZZ D review sách Chuyện Xứ Lang Biang

Truyện có 4 phần (Pho tượng của baltalon, Biến cố ở trường Đămri, Chủ nhân núi Lưng Chừng, Báu vật ở lâu đài K’Rahlan).
Nhiều người cho rằng bộ này ăn theo “Harry bọt bèo” nhưng mà mình thấy không vấn đề gì, vui thì đọc thôi, thích hợp cho cả con nít lẫn người lớn.

Phong cách của NNA thì khỏi phải nói rồi, sẽ không thiếu những màn ma mãnh lẫn ngây ngô của tuổi học trò, nhưng cũng sẽ không hề thiếu đi những phút lắng lòng suy nghĩ. Truyện có nhiều tình tiết rất thông minh và “lãng xẹt” mắc cười kinh khủng (đọc đi ròi biết).

Ý tưởng đặt tên cho các nhân vật của tác giả thấy cũng vui vui ngộ ngộ, ví dụ như Baltalon = banh ta lông, Makeno = Mặc kệ nó, Hailixiro = 2 ly xi rô… =))

III. Trích dẫn sách Chuyện Xứ Lang Biang

Trích dẫn sách Chuyện xứ lang biang (trọn bộ 4 cuốn) - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 1: Pho tượng của Baltalon

Chuyện xứ lang biang 1 - Pho tượng của Baltalon - Nguyễn Nhật Ánh

Trích đoạn Chương 01 – Thầy Râu Bạc

Không biết tự bao giờ, người làng Ke gọi ngọn đồi đó là đồi Phù Thủy. Có lẽ cái tên đó đã có từ lâu lắm, vì hầu như các bậc trưởng lão trong làng đều lắc đầu khi đám trẻ thắc mắc tại sao ngọn đồi lại mang cái tên kỳ bí như vậy.

Trường làng nằm xoay lưng vào ngọn đồi, khoảng cách từ trường đến chân đồi không xa lắm, nhưng có thể nói mà không sợ sét giáng xuống đầu rằng từ khi ngôi trường được xây dựng đến nay, trải qua không biết bao nhiêu là thế hệ nhóc tì ôm cặp đến trường, chưa từng có đứa nhóc nào dám đặt chân lên đồi Phù Thủy.

Đồi Phù Thủy nằm ở cuối Đường Lên Núi, cây cối rậm rạp, um tùm, do không có ai lai vãng nên bộ mặt ngọn đồi còn khoác thêm vẻ âm u, huyền bí. Hằng ngày bọn học trò trường làng rất khoái cái trò rủ nhau thò đầu qua cửa số nhìn lên ngọn đồi phía sau bằng ánh mắt hiếu kỳ và hồi hộp bàn tán lung tung. Tất nhiên là chúng thấy tất cả những gì có thể trông thấy ở một ngọn đồi: những con chim lớn lượn từng bầy bên trên những ngọn cây, thỉnh thoảng lại sà xuống rồi lại nháo nhác tung lên như nắm lá ai ném vào trong gió, những cánh hoa vàng lốm đốm không rõ là hoa gì, những con chồn chạy luồn trong bụi rậm chốc chốc lại vọt ra khoảng đất trống, và những con sóc lượm hạt, tóm lại chúng thấy đủ thứ, cũng có nghĩa là chẳng thấy gì cả. Để cho xứng với cái tên của ngọn đồi, những gì bọn trẻ trông thấy phải nói là quá xoàng.

Khi câu chuyện này bắt đầu thì Nguyên và Kăply đang theo dõi ngọn đồi từ cửa sổ lớp học.

– Tao chẳng thấy gì đáng sợ!

Nguyên nói, nó năm nay mười sáu tuổi, là đứa gan dạ nhất làng.

Kăply, ít hơn một tuổi và ít gan dạ hơn một chút, gật đầu:

– Nhất là khi mày đang đứng ở chỗ này.

Nguyên cảm thấy bị xúc phạm. Nó quay lại nhìn bạn:

– Tao đã thử lên ngọn đồi mấy lần.

Tiết lộ của Nguyên khiến Kăply đờ người ra:

– Thật đấy hở?

– Thật! – Nguyên đưa một ngón tay lên miệng. – Nhưng mày chớ có hé ra với ai đấy!

Nguyên chỉ tay lên lùm cây ở lưng chừng đồi, giọng thấp xuống nhưng không giấu được vẻ hãnh diện:

– Tao đã mò lên tới chỗ đó.

Kăply rùng mình, có cảm giác một thứ quỷ quái gì đó đang cựa quậy và kêu ọc ạch trong bụng. Nó nhìn bạn bằng cặp mắt lé xẹ:

– Thế mà mày vẫn an toàn ra về?

Nguyên cầm tay Kăply đập binh binh lên ngực mình:

– Thì mày cũng thấy đây nè. Tao đang đứng trước mặt mày mà.

Tiếng chuông vào lớp chặn ngang mớ câu hỏi đang chuẩn bị trồi ra cửa miệng Kăply.

Kăply ngồi vào chỗ, lật tập với vẻ điên tiết thấy rõ.

Tiếng giấy cọ vào nhau, kêu soàn soạt một cách bực dọc. Nguyên sợ hãi huých vào hông bạn:

– Nhẹ tay tí nào! Coi chừng thầy Râu Bạc!

Thầy Râu Bạc dạy ở ngôi trường này lâu lắm rồi. Ba của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc. Mà hình như ông của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc nốt.

Những câu nói ưa thích của thầy bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó”:

– Hồi đó ba của trò thông minh hơn trò nhiều.

– Hồi đó ông ngoại của trò đâu có quậy dữ như trò.

– Hồi đó bà nội của trò đâu có tè trong quần mỗi khi bị kêu lên bảng như trò bây giờ.

Mỗi khi thầy trừng mắt nhìn đám học trò ồn ào và tằng hắng hai, ba tiếng liên tiếp là bọn nhóc biết thầy sắp sửa nói “hồi đó” và thế là đứa nào đứa nấy tự tìm cách dán miệng mình lại.

Người làng Ke rất tự hào về thầy Râu Bạc. Vì thầy được xem là người sống lâu nhất làng, được toàn thể già trẻ lớn bé trong làng yêu quý và tôn kính. Có người nói thầy đã một trăm lẻ năm tuổi. Có người nói một trăm hai chục, có người nâng lên tới một trăm tám mươi, tức là hơn kỷ lục ghi trong sách Guinness tới mấy chục tuổi lận. Thật ra không ai biết chính xác thầy Râu Bạc có mặt trên cõi đời này bao nhiêu năm rồi. Chính thầy Râu Bạc cũng không biết. Và đó chẳng phải là điều gì kỳ lạ ở cái làng này. Ông nội của Nguyên cũng không nhớ chính xác tuổi của mình là chín mươi hai hay chín mươi bốn, ông nội của Kăply cũng không biết mình thực ra là chín mươi chín hay một trăm lẻ hai. Ở làng Ke, ai cũng sống lâu và những người sống lâu thường mắc chung một thứ bệnh là hầu như không ai nhớ được tuổi của mình. Vì vậy chẳng ai thắc mắc thầy Râu Bạc thiệt ra là bao nhiêu tuổi. Giả như có ai đó nói thầy hai trăm năm mươi bảy tuổi chắc cũng chẳng có ai phản đối. Phản đối làm gì khi ông nội thằng Nguyên và ông ngoại thằng Kăply cũng từng ôm cặp tới học thầy, bị thầy bắt quỳ gối mệt xỉu và đến bây giờ, đã già sụm rồi vẫn còn sợ thầy một phép.

–––––

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 2: Biến cố ở trường Đămri

Chuyện xứ lang biang 2 - Biến Cố Ở Trường Đămri - Nguyễn Nhật Ánh

Trích đoạn Chương 01 – Báo Động Kế

Xin phấn khởi thông báo với bà con là ngày hôm nay thằng Nguyên khoái chí ơi là khoái chí.

Bà con cũng biết rồi đó, so với Kăply, Nguyên là đứa xưa nay vẫn điềm đạm và trầm tĩnh hơn nhiều. Nó nói ít, thì giờ chủ yếu dành cho cái sự vô cùng quan trọng là nghĩ ngợi. Rất ra dáng ông trùm. Một đại ca. Nhưng đó là nói lúc con nhỏ Bolobala chưa toét miệng ra cười với nó và nhìn nó bằng ánh mắt cực kỳ ngưỡng mộ.

Bữa trước, lúc cả đám đụng đầu Baltalon, Bolobala coi Nguyên chẳng ra cái thứ cóc nhái gì hết, mặc dù không thể nói là nó không lo lắng cho số phận của Nguyên. Nhưng rõ ràng là bữa đó nó không hề bắt chuyện với Nguyên, cũng không nhìn thằng này lấy một cái dù là nhìn qua khóe mắt. Hổng biết sao lại như vậy. Nhưng cũng có thể đoán là bữa đó nó bị té lật gọng một cú quá mạng, mà nó lại là con gái nữa, cho nên chắc nó mắc cỡ.

Nói cho đúng ra thì ngay từ sáng sớm, lúc còn đang vểnh tai nghe chim hót líu lo dọc đường Brabun và tò mò dán mắt vào các cửa hiệu quái chiêu hai bên đường, Nguyên còn chưa biết con nhỏ Bolobala đem lòng ái mộ nó.

Lúc nãy, nó, Păng Ting, Êmê, K’Tub và Kăply vừa đun đầu qua cổng trường đã đụng ngay thằng Steng. Steng là một thằng quái, đại khái là một cái thằng mà chẳng đứa học trò nào trong trường muốn giáp mặt. Nguyên và Kăply lại càng kỵ giơ thằng này kinh khủng.

Cả bọn mếu xệch khi đón tiếp tụi nó ngay sau cánh cổng là gương mặt đầy mụn của thằng Steng. Thằng Steng còn có một chuyện rất khó ưa là quanh năm luôn mồm trù cho mọi người chết sạch nhưng mặt mày lúc nào cũng tươi hơn hớn. Lúc này cũng vậy, nó toét miệng cười, trưng ra bộ mặt của người đi săn vừa tóm được con mồi:

– A, K’Brăk! Chào buổi sáng nha!

Có cả đống người nhưng Steng chỉ chào mỗi Nguyên. Dĩ nhiên là Nguyên chẳng sung sướng gì với cái vinh dự đó.

– Mày rình tao ở đây từ hồi tờ mờ sáng hả, Steng? – Nguyên sa sầm mặt.

– Ủa, sao mày biết?

Steng ngạc nhiên hỏi lại, câu hỏi của nó còn hơn cả sự thú nhận.

– Tại sao mày cứ vo ve quanh tao mãi thế? – Nguyên nhếch môi. – Mày trơ trẽn thật đó, Steng. Tao nói cho mày biết, còn lâu tao mới ngủm. Không chừng mày chết trước tao đó nha.

– Tao biết, tao biết mà! Bỏ qua đi, K’Brăk! – Steng xua tay, rối rít. – Vụ của mày, coi như tao thua rồi. Nói chung là mất trắng. Bây giờ tao chỉ chờ xây mộ cho những đứa còn lại thôi.

Bất chấp vẻ điên tiết của tụi bạn, Steng tiếp tục thao thao:

– Hôm qua con nhỏ Bolobala đã lê la khắp trường kể về chiến công lẫy lừng của mày rồi. Tao đã nghe đầy cả tai, tiếc là không có thêm tám cái tai nữa để nghe cho xuể. – Steng cong ngón tay gõ cồm cộp vào trán. – Bolobala nói gì há? Ờ, nó nói là lúc đối đầu với Baltalon, dáng đứng của mày rất uy nghi, vẻ mặt cực kỳ oai phong, ánh mắt đầy khí thế, cánh tay…

– Đủ rồi, Steng! – Mặt đỏ tới mang tai, Nguyên gạt ngang. – Thiệt là nhăng nhít!

– Để Steng nói hết đi, anh K’Brăk! – K’Tub kéo tay Nguyên, chân nhảy tưng tưng. – Nghe sướng tai thiệt đó!

Không đợi K’Tub nài nỉ đến lần thứ hai, Nguyên vùng khỏi tay thằng nhóc, vọt chạy.

Kăply chạy sát bên cạnh, tủm tỉm:

– Tao thấy dáng chạy của mày cũng oai phong lắm đó, Nguyên.

Chờ đón Nguyên và Kăply ở ngay cửa lớp Cao cấp 2 là thằng Y Gok.

– Chào K’Brăk! – Y Gok nhìn Nguyên chăm chú y như thể Nguyên chưa học chung với nó ngày nào. – Nghe nói mày đã làm cho Baltalon tiêu tùng rồi hả? Kan Tô và Mua bảo tụi tao thế. Nhưng nghe con nhỏ Bolobala ở lớp tụi mày thuật lại mới thiệt là khoái. Nó bảo trông mày lúc đó thật là một khối rắn chắc, Baltalon nhìn thấy phải run rẩy, mê muội cả thần trí…

–––––

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 3: Chủ nhân núi Lưng Chừng

Chuyện xứ lang biang 3 - Chủ nhân núi lưng chừng - Nguyễn Nhật Ánh

Trích đoạn Chương 01 – Giáo sư Akô Nô

Nếu cần mô tả một buổi sáng tuyệt vời vì bất cứ lý do gì hoặc không vì bất cứ lý do gì, các bạn hoàn toàn có thể mô tả buổi sáng sau đây, cũng là buổi sáng mở đầu cho câu chuyện này: đó là khoảnh khắc nắng lên tươi thắm và cao cao bên trên lâu đài K’Rahlan, những cụm mây nõn như bông treo lười nhác giữa tầng trời với những đường viền mỗi lúc một ửng hồng như những quả táo sắp chín. Gió lướt đi xạc xào trên lá cây, một lúc sau đã nhún nhẩy trên bãi cỏ xanh mượt đằng sau lâu đài bằng những bước êm ái rồi rụt rè quanh quẩn chỗ nhà bếp nơi thằng Đam Pao và con Chơleng đang ngồi ngáp vặt.

Đó là một buổi sáng thực sự thanh bình và thư thái với hai đứa nhỏ, bởi vì cũng thực sự là sáng nay hai đứa nó chẳng có chuyện gì để làm vì đến trưa bà Êmô mới từ lâu đài Sêrôpôk trở về, còn pháp sư K’Tul thì sau cú đại bại của tờ Tin nhanh N, S & D trong mưu toan lật đổ hiệu trưởng N’Trang Long, cơ thể của ông xuôi xị đến mức cơn đói cũng đột ngột thiếp đi, không buồn gào lên như thường lệ vào thời điểm mặt trời vẫn mọc.

Lúc Nguyên, Kăply, Êmê, K’Tub xách cặp trèo xuống cầu thang xoắn, đã thấy ông K’Tul ngồi đằng bàn, đang uể oải nhấm nháp bia Saydimi, là thứ mà người ta không bao giờ uống vào lúc sáng sớm nếu không ở trong tâm trạng buồn phiền quá mức.

K’Tub định ngăn ba nó nhưng nghĩ sao lại thôi, chỉ nói:

– Chào ba!

Những đứa còn lại cũng cất tiếng chào gọn lỏn rồi chuồn lẹ ra cổng. Mặc dù trông ông K’Tul hôm nay không có vẻ gì muốn gây sự với toàn thế giới nhưng bọn Kăply không thể đoán chắc được điều đó nếu tụi nó cứ tiếp tục chàng ràng trước mặt ông như những mồi lửa.

– Em không hiểu tại sao ba em có ác cảm với thầy N’Trang Long dữ vậy? – K’Tub cất giọng rầu rầu khi rảo bước trên đại lộ Brabun.

– Ờ, chị thấy thầy N’Trang Long cũng tốt quá chớ! – Êmê phụ họa.

– Tốt quá chứ không phải là cũng tốt quá! – K’Tub cự nự, mặt đã có vẻ quàu quạu.

Nguyên đang định lên tiếng, bỗng há hốc miệng khi thấy Êmê co giò vọt chạy.

– Êmê, em đi đâu vậy?

Kăply hét lên nhưng Êmê không trả lời, tiếp tục phi như gió, trông nó cuống cuồng như một người đang cố thoát ra khỏi một đám cháy.

Kăply sầm mặt quay sang K’Tub:

– Tại mày đó…

– Sao lại tại em? – K’Tub kêu lên oan ức. Nó chỉ tay vào CỬA HIỆU THẤT TÌNH bên đường. – Bộ anh không nghe gì hết sao?

Kăply nhìn sang cửa hiệu của lão Seradion và ngay lập tức nó hiểu ngay điều gì đã khiến Êmê tháo chạy.

Một điệu nhạc vẳng ra từ bên trong xoáy vào tai nó, nghe rõ mồn một:

Hứa thật nhiều

Thất hứa thật nhiều

Yêu thật nhiều

Thấy ghét thật nhiều

Vào đây vả miệng nó

Cho nó đừng nói điêu!

Xạo thật rồi

Nói láo thật rồi

Hết thật rồi

Hết thuốc thật rồi

Vào đây bóp mũi nó

Cho nó đừng hắt hơi!

–––––

Chuyện Xứ Lang Biang Tập 4: Báu vật ở lâu đài K’Rahlan

Chuyện xứ lang biang 4 - Báu vật ở lâu đài K'rahlan - Nguyễn Nhật Ánh

Trích đoạn Chương 01 – Kẻ Giấu Mặt

Lúc câu chuyện này bắt đầu, Kăply và Mua đang ngồi trong quán chả cá của gã Y Sai.

Kăply vừa mân mê đồng năm năpken trong túi áo vừa tò mò liếc gã chủ quán đang lui cui quết chả đằng sau quầy. Trước đây, nó chưa bao giờ đặt chân vào quán của Y Sai. Trong dãy ki-ốt trước cổng trường, Kăply thường ăn bánh Nhớ dai của mụ Gian và thỉnh thoảng xực món bột chiên Yêu đời dở ẹc của lão Chu bụng bự.

Nhưng từ ngày biết hai người này là đội trưởng và đội phó của đội bảo vệ nhà trường, Kăply đâm ngán. Vì thế mà bữa nay nó lôi Mua vào quán của gã Y Sai.

Y Sai tất nhiên cũng nằm trong đội bảo vệ của lão Chu, nhưng dù sao gã cũng là lính lác, hơn nữa gã chưa trực tiếp gây hấn với Kăply lần nào. Kăply nghĩ bụng, mặc dù nó không chắc là gã có nhớ mặt nó không.

Y Sai người thấp bé, tóc ngắn, mặt tròn, trông gã chưa tới ba mươi tuổi. Kăply dán chặt mắt vào chiếc chày vàng trên tay gã. Y Sai quết chả bằng chiếc chày này, trong một chiếc cối cũng bằng vàng sáng chóe. Trước đây, Y Sai đi đâu cũng mang theo bên người chiếc chày đồng, đó cũng là vũ khí của gã, chả hiểu gã đổi chiếc chày vàng này từ khi nào. Gã này chắc giàu sụ. Kăply tặc lưỡi và khẽ liếc Mua, thấy Mua cũng đang ngẩn ngơ nhìn dụng cụ hành nghề sang trọng của gã chủ quán.

Bất giác Kăply thấy lòng mình chùng xuống. Nó chợt nhớ ra là Mua rất nghèo. Nghèo nhất trong bọn. Ba Mua thất nghiệp, quanh năm say xỉn chỗ quán Cái Cốc Vàng của lão Bebet, toàn ký sổ nợ. Mẹ Mua giặt đồ thuê, trước cửa nhà treo tấm biển: “NHẬN GIẶT CÁC LOẠI ÁO CHÙNG. – ÁO KHOÁC. – MŨ TRÙM. – NÓN CHÓP. – KHĂN QUÀNG CỔ”. Đó là Mua kể với Kăply, trong dịp tái ngộ cảm động sau những ngày mắc kẹt thê thảm trong thời gian nén, chứ xưa nay Mua không bao giờ rủ bạn về nhà chơi. Có lẽ nó mặc cảm! Kăply rầu rầu nghĩ và bần thần nhớ lại lần nó và Mua lạc vào tiệm Những Dấu Hỏi. Lúc ông K’Tul tung ra số tiền thưởng khổng lồ một trăm ngàn năpken cho ai giải được câu đố, nó đã thấy Mua đờ người ra như thế nào, đến nỗi phải khó khăn lắm nó mới lôi được cô bạn ra khỏi cửa tiệm. Có lẽ đó là một gia tài mơ ước đối với Mua! Bây giờ Kăply vẫn còn nhớ như in vẻ mặt thẫn thờ của Mua lúc đó lẫn đôi môi lảm nhảm như người mộng du của nhỏ bạn. Hôm cả hai đến công viên Các Thứ Kẹo cũng vậy. Khi Kăply móc tiền ra mua vé, Mua cứ nhìn chằm chằm một trăm năpken trên tay Kăply, miệng không ngớt xuýt xoa: “Bạn giàu quá há?” Bữa đó, lời trầm trồ của Mua làm Kăply ngạc nhiên quá sức. Tại nó thấy gì chứ đồng một trăm năpken ai mà chả có. Tụi Suku, Păng Ting càng có hàng đống. Nói qua nói lại một hồi, Kăply mới sửng sốt biết rằng từ bé đến lớn chưa bao giờ Mua được cầm đồng một trăm năpken trong tay…

Càng nghĩ Kăply càng cảm thấy như ai chất đá vào lòng mình. Không muốn để nỗi buồn lôi đi mãi, nó cựa quậy người, cố thoát khỏi cảm giác nặng nề bằng cách mấp máy môi:

– Mình kêu hai đĩa há Mua?

Mua giật mình, rời mắt khỏi chiếc chày vàng trên tay gã Y Sai:

– Ờ… ờ…

Kăply nhìn gã chủ quầy, nói nhanh, cố không nhìn vẻ mặt vẫn còn ngây ra của bạn:

– Chú bán cho tụi tôi hai đĩa.

– Đĩa lớn hay đĩa nhỏ? Đĩa lớn mười năpken, đĩa nhỏ năm năpken. – Y Sai hỏi lại một cách máy móc, vẫn không ngẩng mặt lên, chiếc chày trên tay tiếp tục dộng chan chát vô cối.

Như người va phải tường, Kăply khựng lại mất một lúc, miệng há hốc. Nó không ngờ quầy chả cá của gã Y Sai bán mắc đến thế. Ở chỗ mụ Gian hay lão Chu, nó có thể mua bánh Nhớ dai hay bột chiên Yêu đời chỉ với 1 năpken. Với năm năpken bà Êmô nhét vào túi nó mỗi buổi sáng, nó có thể mua được mười lăm viên bột chiên của lão Chu hay mười chiếc bánh của mụ Gian. Kăply chợt nghĩ: Hay gã nói lộn?

– Đĩa nhỏ giá bao nhiêu hả chú? – Kăply ngần ngừ hỏi lại.

– Nhóc mày điếc hay sao hả? – Y Sai ngừng tay, ngước bộ mặt tròn quay lên khỏi chiếc cối. Gã nhấn từng tiếng một, như người ta dằn từng đồng tiền vàng lên mặt bàn. – Đĩa nhỏ, năm năpken! Đĩa lớn, mười năpken!

Kăply khẽ liếc Mua, đắn đo một thoáng rồi rụt rè cất tiếng:

– Có đĩa nào nhỏ hơn nữa không hả chú?

– Ta chưa hiểu ý nhóc mày!

Kăply thấy mắt gã Y Sai nheo lại mặc dù nó biết là gã không hề bị chói nắng. Nó tính hỏi là có đĩa nào giá một hoặc hai năpken hay không nhưng đến phút chót nó lại đâm ra ngần ngại.

– Vậy thì chú bán cho tụi tôi một đĩa nhỏ. – Kăply ấp úng đề nghị, cảm thấy hai đứa mà chỉ mua có một đĩa chả cá là tội lỗi gì ghê gớm.

Chuyện xứ lang biang (trọn bộ 4 cuốn) - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Áo Hoa - Nguyễn Nhật Ánh

Áo Hoa – Nguyễn Nhật Ánh

MỤC LỤCI. Giới thiệu sách Chuyện Xứ Lang BiangNội dung Chuyện Xứ Lang Biang (bộ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *