Thể Loại | Văn Học – Tiểu Thuyết |
Tác Giả | Higashino Keigo |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 468 |
Ngày Xuất Bản | 2018 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Bí Mật Của Naoko
Bí mật của Naoko là một tiểu thuyết của nhà văn Higashino Keigo. Tên gốc của cuốn tiểu thuyết này là Himitsu (秘密 Secret) (秘密 Secret). Cuốn tiểu thuyết đã chiến thắng Giải thưởng Tác giả Truyện trinh thám Nhật Bản lần thứ 52 cho hạng mục Tiểu thuyết Xuất sắc nhất. Câu truyện trong tiểu thuyết xoay quanh một người đàn ông có vợ con gặp phải một vụ tai nan thảm khốc. Vợ anh qua đời, nhưng khi con gái anh tỉnh dậy sau khi hôn mê, anh đã phát hiện ra linh hồn của người vợ đã mắc kẹt trong thể xác của người con gái.
Cuốn tiểu thuyết sau đó được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1999 có tên là Himitsu, được đạo diễn bởi Yōjirō Takita. Bộ phim The Secret của Pháp được thực hiện vào năm 2007 cũng dựa trên phiên bản Nhật Bản này.
Tóm tắt Bí mật của Naoko
Heisuke Sugita (杉田 平介 Sugita Heisuke) là một người đàn ông 39 tuổi khiêm nhường và đang tận hưởng cuộc sống hạnh phúc giản đơn của mình. Tất cả mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi vợ và con gái của anh trở thành nạn nhân trong một vụ tai nạn xe buýt. Naoko Sugita (杉田 直子 Sugita Naoko), vợ của anh, đã qua đời, còn người con gái 11 tuổi Monami Sugita (杉田 藻奈美 Sugita Monami) bị thương nặng. Monami sau đó đã hồi phục một cách thần kỳ và tỉnh lại, tuy nhiên, bằng một cách nào đó, tính cách và trí nhớ của cô bé lại là của người mẹ Naoko đã mất. Cả Heisuke và Naoko đều kết luận rằng linh hồn của cô đã chiếm lấy thể xác của Monami. Không thể lý giải được chuyện này, họ quyết định sẽ giữ bí mật và Naoko giờ sẽ sống cuộc sống của Monami.
Nắm giữ cơ thể vẫn đang trong độ tuổi niên thiếu của Monami, Naoko đã có cơ hội sống một cuộc sống mới và theo đuổi những giấc mơ dang dở của chính mình. Sự độc lập ngày càng lớn hơn của Naoko đã gây ra những rạn nứt giữa cô và Heisuke, người vẫn đang cố gắng để tiếp tục là một người chồng mẫu mực đồng thời anh cũng bắt đầu tìm hiểu về thảm kịch xảy ra với Naoko thông qua việc điều tra kỹ hơn về người lái xe buýt gây ra tai nạn. Mối quan hệ của hai vợ chồng ngày càng căng thẳng khi Heisuke nghi ngờ Naoko đem lòng thích một chàng trai đang theo đuổi cô trong hình hài Monami, họ cũng không thể nào giải quyết được những rắc rối khi trong mắt Heisuke, Naoko cũng chính là con gái của anh.
Khi ý thức của cô con gái Monami dần quay trở lại, Heisuke và Naoko nhận ra rằng họ có thể giải quyết những rắc rối bằng việc đảm bảo rằng Monami và Naoko, lúc này đang thay phiên nhau kiểm soát cơ thể, cùng giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động và tiến tới việc dần dần chuyển đổi cuộc sống mà Naoko đã sống trong nhân dạng Monami cho cô bé. Khi những ý thức của Monami bắt đầu nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, Heisuke và Naoko chấp nhận rằng họ sẽ phải chia xa nhau mãi mãi và từ đây Heisuke sẽ có thể nuôi dạy Monami như là cô con gái bình thường của anh một lần nữa.
Nhiều năm sau, Monami cho rằng việc Naoko kiểm soát cơ thể của mình trước đây là kết quả của việc rối loạn đa nhân cách do tai nạn gây ra để giúp cha cô đối phó với việc này và nó đã dần biến mất khi nhân cách thực sự của cô quay trở lại. Tuy nhiên, vào ngày Monami làm đám cưới, Heisuke phát hiện ra sự thật rằng Monami chưa bao giờ quay trở về mà thực ra đó là kế hoạch của Naoko nhằm dần dần từ bỏ hoàn toàn nhân cách của Naoko trong cô để cả hai có thể tiếp tục sống cuộc sống của mình.
Giới thiệu tác giả Higashino Keigo
Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.
Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.
Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.
Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.
Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.
II. Review sách Bí Mật Của Naoko
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Bí Mật Của Naoko của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. VÂN NGUYỄN review sách Bí Mật Của Naoko
Điều đầu tiên tôi muốn nhắc bạn khi đọc tác phẩm này là: Xin hãy nhớ kĩ tên tác phẩm, lúc nào đọc cũng phải nhớ, để không bị bất ngờ đến dại dột như tôi.
“Cuộc sống của Hirasuke trôi qua hết sức bình lặng, cho đến một ngày tai nạn khủng khiếp xảy ra, và gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái bé bỏng thì vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monami thực sự đã chết. Rốt cuộc Hirasuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?”
Trên đây là lời giới thiệu về tác phẩm. Nếu bạn là tác giả, bạn sẽ viết tiếp câu chuyện này như thế nào? Tôi vô cùng khâm phục tài năng sử dụng ngôn từ cũng như lối tư duy của tác giả. Higashino Keigo đã hoàn toàn chinh phục tôi, những xúc cảm, sự băn khoăn, day dứt, niềm vui, sự đau buồn của nhân vật được tác giả bộc lộ qua từng cử chỉ, lời nói. Tôi cảm tưởng mình như một nhân vật vô hình, bước chân vào câu chuyện, đi theo Hirasuke trên những nẻo đường đầy suy nghĩ, bước cùng Naoko trên những con đường đầy bí mật. Tôi không chỉ là một người đọc, tôi còn là một người chứng kiến, tôi không ở bên ngoài câu chuyện, tôi đã bước qua ranh giới thực ảo, hòa mình vào từng từ, từng câu, từng hình ảnh.
Ban đầu, tôi trách Hirasuke, tiếp theo tôi trách Naoko, và sau cùng, tôi tự trách mình.
Tôi trách Hirasuke vì tôi thấy gã bạc tình. Trong lúc bối rối nhất, gã lại tìm thấy tình yêu nơi cô giáo của Monami, tôi cảm tưởng như gã đã bỏ rơi Naoko, gã mệt mỏi với 2 thân phận, và tự tìm cho mình thân phận mà gã thấy phù hợp: là một ông bố và như thế thật ích kỉ vì Naoko vẫn ở đó, vẫn còn là vợ gã.
Trách Naoko vì cô ấy đã sống cuộc đời mà chồng cổ không thể theo kịp. Tôi biết Naoko muốn tuổi trẻ của Monami thật tươi đẹp, không có gì phải hối hận, nhưng liệu cô ấy đã quá chú tâm đến con gái mà quên mất người chồng, có phải cô ấy đã sống và đã cuốn theo lối sống, lối suy nghĩ của một cô bé đang trưởng thành.
Sau tất cả, tôi trách bản thân vì đã quá bồng bột, bồng bột trong suy nghĩ, bồng bột trong cảm nhận. Hirasuke không sai, Naoko không sai, tôi sai vì chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà đã trách họ. Cũng như tác giả đã viết: “Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt.”
Tác giả không chỉ đơn giản là viết nên một câu chuyện huyền bí, kì lạ, mà ông còn đề cao tình người, niềm cảm thông giữa người với người. Có thể vì Hirasuke vẫn còn cả vợ và con gái nên gã không cảm thấy quá đau buồn, nên gã đối xử tốt với gia đình người lái xe, dù trong hoàn cảnh nào gã vẫn đứng trên cương vị của một người tốt để suy xét. Nhưng tôi lại rất thương gã, gã phải gánh trách nhiệm của một người chồng, lại thêm trách nhiệm của một ông bố. “Ai cũng muốn cứ bé mãi. Muốn mình là kẻ khờ. Nhưng xung quanh đâu có cho mình làm thế. Nào là ‘Sắp làm bố rồi đấy, mạnh mẽ lên’, ‘Bình tĩnh nào, đã là ông rồi cơ mà’. Có bảo ‘Tôi cũng chỉ là một con người thôi’ thì ai thèm nghe chứ. Có con thì mình thành bố, có cháu thì mình là ông. Không thể thoát nổi hiện thực này. Chỉ còn cách là nghĩ xem mình sẽ làm bố, làm ông như thế nào thôi.”
Nếu bắt tôi phải ví những nhân vật trong câu chuyện này với những bông hoa trong bức ảnh. Tôi xin dành cho Hirasuke bông hoa chỉ còn nhụy và cuống kia, cánh hoa đã rơi hết, tựa như rực rỡ đã tàn nhưng cốt lõi và nguồn sống vẫn còn đó. Còn với Naoko, tôi xin được ví như bông hoa bị ngắt cuống kia, tươi đẹp nhưng không hoàn hảo, không còn sự kết nối. Naoko chọn hy sinh mình để chồng và con được hạnh phúc. Hirasuke chọn thu mình để con và vợ được tự do. Cái sai, cái đúng đã không còn quan trọng, cái còn lại chính là cuộc sống.
2. MII review sách Bí Mật Của Naoko
Một câu chuyện buồn, trớ trêu nhưng chẳng hiểu sao lại có sức cuốn hút mình kỳ lạ, đọc không dứt nổi, nhưng chỉ cho được 4 sao vì thương cho Heisuke quá :(( dù không biết có thể nghĩ ra cái kết nào ổn thoả hơn cái kết này không but… :(((
Btw mình có nên trừ 0,5 sao nữa vì một chỗ nhầm từ “chú” thành “bác”, một chỗ “Nhưng” thành “Những”, bìa sau (phần tóm tắt truyện) và một chỗ ở bên trong sách nhầm “Heisuke” thành “Hirasuke” không nhỉ?
Mỗi lần đọc sách gặp lỗi là lại chỉ mong mình được làm cái nghề mà soát lỗi chính tả trước khi sách được in (^^^)
3. ĐOÀN THU TRANG review sách Bí Mật Của Naoko
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Ấn tượng với truyện của bác Keigo từ lâu qua cuốn Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya nhưng với một con bé nhát gan không dám đọc mấy truyện trinh thám như Phía sau Nghi can X, Án mạng mười một chữ… thì Bí mật của Naoko đúng là đáp ứng đủ tiêu chí vừa hay nhưng không sợ, thỏa niềm mong ước đọc truyện Keigo của mình.
Phải công nhận một điều là bác Keigo viết truyện rất cuốn người đọc bởi tình tiết lạ, mạch truyện logic, miêu tả được rõ nét những giằng xé trong nội tâm của các nhân vật.
Chỉ trong một vụ tai nạn do bất cẩn của người tài xế làm cuộc sống gia đình của Heisuke đảo lộn hoàn toàn, mất đi người vợ đảm đang còn con gái thì hôn mê bất tỉnh. Tưởng như cả bầu trời sụp đổ thì Heisuke lại vướng vào một tình huống còn trớ trêu hơn nữa khi người vợ tỉnh lại trong chính thân xác con gái mình. Cuối cùng, Heisuke là cha hay là chồng?
Các nhân vật qua bàn tay khéo léo của bác Keigo làm mình ấn tượng bởi
- Heisuke: Người đàn ông chấp nhận sống cùng người vợ mình trong thân xác của con gái, một mình hi sinh gà trống nuôi “con” mà không đi bước nữa và để rồi cuối cùng đau lòng nhận ra bí mật mà người vợ che giấu.
- Naoko trong “Monami”: Một người vừa đáng thương cũng đáng giận, từ một người phụ nữ 40 tuổi lại trở về trong hình hài của đứa con học cấp một. Được sống lại một lần nữa, có cả một tương lai rộng mở phía trước để làm lại cuộc đời, cô luôn cố gắng để thi vào trường tốt, học ngành y, trở thành một người phụ nữ độc lập, “sống mà không hối hận như ngày trước”. Nhưng chính vì như thế nên dường như cô quên đi người chồng của mình và sau đó ra một quyết định có vẻ như ích kỷ nhưng là cách duy nhất để có thể sống như một gia đình bình thường.
- Kajikawa ( người tài xế): vì để có tiền cho con của người vợ cũ học đại học mà phải làm thêm giờ liên tục dẫn đến kiệt sức và gây ra thảm cảnh cho rất nhiều gia đình, trong đó bao gồm gia đình của Heisuke. Một người bố cao cả khi vẫn dành tình yêu thương đến đứa con trai không phải của mình nhưng lại để gia đình hiện tại rơi vào cảnh vất vả.
Tác giả để người đọc phải vỡ òa trong cảm xúc với kết truyện xen lẫn sự đau đớn, dằn vặt và lòng cao thượng của một người đàn ông khi dám hy sinh, từ bỏ để người mình yêu được hạnh phúc.
4. LINH NGUYỄN review sách Bí Mật Của Naoko
Đây là cuốn sách mà tôi được người ta unrecommended, có nghĩa là không khuyến cáo đọc. Mà phàm những gì người ta càng gàn thì tôi càng làm tợn, thế nên tôi không thể chắc được thằng unrecommended cho tôi thật sự muốn tôi đừng đọc hay còn có ý đồ gì khác. Chỉ biết rằng lý do bị unrecommended là truyện này hơi shock. Còn tôi đọc xong thì thấy shock bỏ mẹ.
Truyện dẫn ta vào tình cảnh của Hirasuke, một người đàn ông mất vợ Naoko và con gái Monami trong một tai nạn. Bệnh viện cứu sống được con gái gã, nhưng chỉ thân xác thôi, phần ý thức lại là của người vợ. Dễ đoán rằng tình cảnh éo le này dễ dẫn đến vấn đề loạn luân và nhiều sự quái đản khác. Nhưng cũng vì do đã đoán trước được nên tôi thấy hoàn toàn bình thường, cộng với tư duy tôi khá thoáng khi tiếp cận nền văn hóa khác nên cũng thản nhiên trước văn hóa tình dục của người Nhật. Sự việc nằm trong tầm phán đoán thì không có gì shock cả, cho dù sự việc đó kinh khủng.
Nhưng nói như vậy thì có thể suy luận rằng việc làm tôi shock là việc không được đoán trước. Đó chính là đoạn kết truyện, tác giả lừa người đọc đến một happy ending khá cảm động, nhưng đoạn kết thì dẹp bỏ hết. Để chính xác hơn, tôi phải nói rằng kết thúc truyện này shock bỏ mẹ.
Tuy sống trong lốt của con gái nhưng Naoko vẫn sống cuộc sống bình thường, tất nhiên đi kèm với nó là sự bí mật mà chỉ chồng nàng, Hirasuke, biết. Trong cái rủi có cái may, phải đóng kịch nhưng Naoko có được một cuộc sống mới. Với cuộc sống này nàng có thể chuộc lại những ước mơ lỡ hẹn thời son trẻ. Thoát ra khỏi định kiến xã hội, Naoko không muốn chỉ ở nhà nấu cơm cho chồng, nàng muốn học lên cao để ra xã hội cống hiến. Đây vừa là ước mơ của Naoko vừa là kỳ vọng nàng áp đặt lên con gái Monami lúc sinh thời.
Cái may không chỉ đến riêng với Naoko, nó còn xuất hiện trong chính vụ tai nạn, trong gia đình người tài xế, trong gia đình các nạn nhân khác. Đây là tiểu thuyết tâm lý xã hội nên bên cạnh chuyện gia đình của Naoko, người đọc được biết bí mật những gia đình khác, cùng tâm lý bọn họ một cách chi tiết. Những chuyện mà chỉ khi nhìn vào bản chất ta mới thấy nó trái ngược với vỏ bọc bên ngoài. Ta lại lần nữa thấy một xã hội bận rộn tàn nhẫn, tâm hồn con người bị đè nát dưới áp lực tiền bạc. Theo cả hai hướng, con người ta cao thượng hơn và ti tiện hơn.
Cuối cùng thì thân xác Monami đã lớn, điều này càng làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa nàng với Hirasuke, lúc này gã phải gánh vác hai vai, người chồng và người cha. Từ đó mâu thuẫn đã xảy ra. Tác giả dập tắt nó ngay một cách dễ dàng, rồi sau đó dẫn ta đến cái kết shock ở trên kia. Nhưng như tôi đã nói, chỉ shock với người chưa đoán được thôi. Bản thân tôi thấy cũng dễ đoán nếu chịu đọc chậm.
À, ý kiến tôi là cuốn sách này đáng đọc. Nó shock nhưng không bệnh, không tởm chút nào cả.
5. NGỌC HIỀN review sách Bí Mật Của Naoko
“Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt.”
“Bí mật của Naoko” là câu chuyện về nỗi buồn. Những nỗi buồn không thể nhìn thấy bằng mắt thường của những người ngoài cuộc, và cả những người trong cuộc cũng có cách che giấu tầng tầng lớp lớp nỗi buồn của mình.
Câu chuyện bắt đầu bằng một thảm kịch – sự ra đi vĩnh viễn của Naoko và Monami, vợ và con gái của Heisuke. Sự ra đi đột ngột của hai người họ đã xé nát trái tim của gã. Sự tuyệt vọng được miêu tả đầy ám ảnh khi Heisuke buộc chia tay vĩnh viễn người vợ yêu dấu ở bệnh viện: “Toàn thân gã bủn rủn tới độ không thể thét lên thành tiếng. Rồi gã ngã khuỵu xuống tựa như không khí mang một sức nặng ghê người…” Hy vọng của gã là đứa con gái thân yêu đang đánh vật cùng tử thần.Không làm gã thất vọng – và chỉ “không thất vọng”, phép màu mang con gái gã trở lại nhưng với linh hồn của người vợ. Cuộc đời gã thay đổi với một hình hài hạnh phúc mới, một điều kỳ diệu cuối cùng lại kết thúc bằng nỗi đau không tưởng khi chìm sâu vào đời thường.
Nỗi buồn đau mất mát của Heisuke khi chứng kiến những người mình yêu thương ra đi, để khi tưởng chừng có thể cứu vớt được niềm hạnh phúc mong manh, gã lại phải đối diện với sự giày vò đau đớn hơn của sự mất mát: sự thất vọng. Khi mất mát, nghĩa là nó sẽ đem hy vọng của gã ra đi mãi mãi. Nhưng thất vọng là kẻ khốn cùng mang trở lại niềm tin, làm gã lóa mắt với vẻ đẹp lung linh của nó nhưng tuyệt nhiên gã sẽ chẳng bao giờ chạm vào được. Vậy thà mất mát còn hơn. Nhưng có lẽ, ai nào đủ can đảm để vứt bỏ hy vọng dù chỉ là khói sương bảng lảng, dù chỉ là một quãng ngắn thoi thóp. Nuôi dưỡng sự hão huyền ấy ngày càng rạch sâu vào vết thương lòng gã. Chỉ có cách thả trôi nó, gã và Naoko mới được giải thoát.
Naoko.
Naoko tự mang lấy sứ mệnh sống thật trọn vẹn cuộc đời của Monami, với hy vọng một ngày nào đó có thể trao lại cuộc đời hoàn mỹ đấy cho con. Cô cứ thế sống mà không biết rằng mình dần đánh mất đi chính mình, rằng sự cám dỗ của một cuộc đời mới đã khiến cô ngập ngừng với lý tưởng. Đến sau cùng, Naoko vùng vẫy trong hình hài non trẻ mà khao khát tự do, nhưng cùm chân của cuộc đời của vẫn nằm đó, buộc cô nhìn vào đôi mắt ảm đạm của người chồng mà thu mình lại.
Hai người họ vớt vát hạnh phúc mà phép thần kỳ mang lại, để rồi nhận ra con tạo đã chơi đùa với họ khi đảo lộn sinh – tử giữa đời thường phù du. Từng là những kẻ duy nhất nhìn thấy nhau, giờ họ tìm cách che giấu nhau.
Cái kết khó chịu và quả thực ích kỷ, đến nỗi dù tôi đã bỏ qua cái sự nhầm tag mà yêu mến câu chuyện thương tâm này, tôi vẫn phải thở dài ngao ngán cho sự lựa chọn này. Dù câu chuyện không còn trọn vẹn theo ý muốn, nhưng quả thực đó cũng chính là cách để lại ấn tượng sâu đậm về nỗi đau khốn cùng của Heisuke – chúng chồng chất nhau và sẽ không chấm dứt. Đến cả tận cùng, Heisuke vẫn không thoát ra được cuộc đời buồn mở ra từ điều kỳ diệu ấy.
6. THIÊN TƯ review sách Bí Mật Của Naoko
Bí mật của Naoko là một câu chuyện mang màu sắc tâm lý nhiều hơn là trinh thám. Câu chuyện bắt đầu thật rắc rối khi vợ con của Heisuke gặp tai nạn, và linh hồn của Naoko, vợ gã đã chuyển sang thân xác của con gái. Heisuke đã sống cuộc đời kì lạ bên cạnh một người hiểu gã đến sâu sắc nhưng lại không thể chạm vào. Người vợ đã cùng gã chung sống mười mấy năm nay lại phải coi như con gái. Và thực sự trong thân xác của con gái, Naoko cũng buộc phải cư xử giống như một đứa trẻ đang lớn, để cùng Heisuke sống cuộc đời “Cha – con” che mắt thiên hạ. Khi đó, chính là lúc khoảng cách bắt đầu.
Heisuke lúc đó 35 tuổi, còn Naoko chỉ mới học lớp sáu. Nghĩa là Heisuke bắt đầu già đi, còn vợ mình chỉ mới đang trưởng thành. Heisuke dần cô độc bởi không thể chia sẻ rất nhiều thứ khi Naoko bây giờ mới thực sự khám phá cuộc sống đầy mới mẻ. Naoko muốn sống lại tuổi trẻ một lần nữa, khác với cuộc sống làm vợ, làm mẹ trước đây. Cô bắt đầu đầy những tham vọng và nỗ lực không ngừng, cô nhận ra lúc trước mình đã đánh rơi rất nhiều thứ thú vị vào cuộc sống nhàm chán xoay quanh việc dọn dẹp, bếp núc. Và những đổi thay đó đã khiến Heisuke và Naoko nảy sinh mâu thuẫn. Heisuke khi cô độc, bức bách đã tìm mọi cách để hiểu Naoko, nhưng Naoko lại như một người con gái mới lớn, cần nhiều bí mật hơn đối với ông bố không còn hiểu được tuổi trẻ, cô khiến Heisuke rơi vào bế tắc khi không ít lần ghen tuông, mang tư cách của cả người chồng và người cha. Heisuke cảm thấy phát điên với những cậu trai theo đuổi vợ (con gái) mình, cảm thấy mình từ lâu là một kẻ ngoài cuộc trong hôn nhân cùng mối quan hệ cha con. Chính những mâu thuẫn, khoảng cách, sự cô đơn suốt nhiều ngày khiến hai người không còn có thể có tiếng nói chung, và ngay khi Heisuke quyết định phải làm khác đi, tìm một lối thoát cho cả hai thì ý thức của Monami đột nhiên trở về, vợ gã biến mất khiến Heisuke một lần nữa rơi vào hoang mang.
Tôi rất thích hai nhân vật chính, từ phong cách đến tính cách, nhất quán và rất rõ nét, mang những tính cách điển hình đặc trưng của người Nhật. Heisuke là một người đàn ông mẫu mực, thuỷ chung, dù sau khi vợ mất có thích cô gái khác nhưng vẫn tự nhắc nhở mình rằng mình là chồng của Naoko và không thể phản bội cô ấy. Còn Naoko là người phụ nữ tinh tế, giỏi giang và vun vén rất tốt cho gia đình. Dù sau này cả hai đều có những thay đổi trong suy nghĩ và cư xử thì tôi vẫn thấy nó phù hợp với diễn biến trong cuộc sống của hai người.
Nói về phong cách của Keigo thì đây là một giọng văn hết sức dửng dưng và lạnh lùng nhưng lại rất khéo léo lôi người đọc rơi vào hố sâu tâm lí của nhân vật. Người đọc cảm nhận được mọi cảm xúc của nhân vật và không cách nào dứt mình ra khỏi những tình huống trớ trêu, sẽ cùng tức giận, hoang mang, cảm thông, đau khổ, bất ngờ và có lẽ như mọi kết thúc khác mà Keigo đặt ra, bao giờ cũng là một nỗi ám ảnh, day dứt, thậm chí là bế tắc tột cùng của nhân vật.
“Bố có việc muốn nhờ con.”
“Vâng, bố cứ nói.”
“Việc này không khó đâu. Việc mà bố vợ hay làm với con rể ấy. Con cho phép bố nhé ?”
“Dạ ? Việc gì cơ ạ ?”
“Việc này này.” – “Cho bố đấm con.”
“Dạ… ?” – “Bây giờ… ở đây ạ ?”
“Không được hả ?”
“Vâng. Không được ạ. Con còn phải chụp ảnh nữa.” – “Nhưng được rồi ạ. Bố đã cho con một cô con gái xinh đẹp như thế nên con sẽ cố chịu vậy. Con sẽ nhận một quả đấm từ bố.”
“Không, phải hai quả.”
“Hai quả ?”
“Một quả là vì lấy đi con gái bố. Một quả là dành cho… người khác.”
“Một người khác ?”
“Ai chả được. Nhắm mắt lại đi.”
Heisuke nắm chặt bàn tay lại. Nhưng gã chưa kịp đấm thì nước mắt đã rơi đầm đìa. Gã ngồi thụp xuống. Gã ôm mặt, khóc nức nở đến khàn cả giọng.”
Có lẽ, nhiều người thương cảm cho Heisuke, nhưng gã đã khóc, còn Naoko thì sao, trong suốt cuộc đời mình, cô ấy đã khóc bằng cách nào?
7. HOÀNG VY review sách Bí Mật Của Naoko
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Lâu lắm mới quay trở lại hong biết mọi người có còn nhớ đến mình hong ta :))) mình quay trở lại sau 1 tháng hơn im hơi lặng tiếng với một bài review nhẹ nhàng. Mong mọi người đón đọc nó nha!
Khi dấn thân vào con đường trinh thám, tôi nhận ra rằng trinh thám Nhật là một trang mới mẻ hơn hẳn các kiểu trinh thám cơ bản khác. Nó không khai thác mạnh yếu tố suy đoán, điều tra mà lại tập trung vào tâm lí nhân vật. Đó cũng chính là lí do tôi mê mẩn Higashino Keigo – một nhà văn muôn màu muôn vẻ của thể loại trinh thám ở Nhật Bản.
Bí mật của Naoko là một trong những tác phẩm làm tôi ấn tượng với Keigo ngoài “Phía sau nghi can X”. Cốt truyện của tác phẩm này cũng dễ dàng thấu hiểu được: một người tài xế mệt mỏi vì chặng đường dài và gây ra một tai nạn thảm khốc không thể tưởng tượng được. Heisuke – một người kĩ sư trẻ có một mái ấm bình dị cùng vợ và con nhưng vụ tai nạn đó đã cướp đi người vợ anh yêu thương, đứa con cũng chìm vào hôn mê và khả năng sống thực vật là rất cao. Mọi thứ đều sụp đổ trong mắt anh mà không có một dấu hiệu cảnh báo nào.
Những tình tiết nối sau câu chuyện đều được tác giả nhẹ nhàng truyền tải với giọng văn ung dung. Tuy nhiên, “Bí mật Naoko” lại khiến người đọc nghẹn lòng với mọi chi tiết khắc sâu vào suy nghĩ. Điều bình dị lại mang đến một hạnh phúc to lớn. Một sự thật trần trụi được phơi bày nhưng chẳng ai muốn biết đến nó. Liệu Heisuke sẽ chọn hạnh phúc của riêng mình hay nhường lại nó cho người khác?
Cái tài của Keigo là tạo ra những hoàn cảnh trớ trêu, cay đắng để khai thác triệt để hình ảnh nhân vật. Ông đã để Heisuke phải sống trong một tình cảnh tàn nhẫn nhất, đau đớn nhất có thể: linh hồn của người vợ sống trong cơ thể của con gái mình. Nếu đặt bản thân tôi vào nhân vật trong truyện, thật sự, tôi chẳng biết mình phải nên cư xử như thế nào mới phải lẽ. Liệu tôi sẽ chọn người vợ hay chọn người con của mình đây? Mặc dù đã kết thúc câu chuyện nhưng trong lòng tôi vẫn day dứt câu hỏi này rất nhiều lần. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn đang chờ đợi một cú twist gây sốc hay yếu tố trinh thám đặc sắc thì “Bí mật của Naoko” không phải là một sự lựa chọn đúng đắn. Nhưng, một câu chuyện với bối cảnh gia đình mang ám ảnh tâm lí thì tác phẩm này không thoát ra khỏi top truyện được lựa chọn đâu!
8. T R A N review sách Bí Mật Của Naoko
“Bí mật của Naoko” là một quyển hết sức tình cờ mà tôi đọc được. Nó không phải là trinh thám, cũng chẳng phải kinh dị, tôi có cảm giác quyển sách này vừa có chút trinh thám ở cuối truyện, vừa mang màu sắc tâm linh về việc nhập hồn từ mẹ sang con.
Câu chuyện mở đầu bằng việc một người vừa là bố vừa là chồng đang xem tin tức, bỗng nhiên thấy được tin tai nạn và biết vợ con mình đã bị thương trong vụ đó. Anh ta vô cùng hoang mang và cảm giác mọi thứ xung quanh như quay cuồng và hỗn loạn. Biến cố ập đến quá bất ngờ cho một cuộc đời đang diễn ra hết sức bình thường của một con người đang sống trong cảnh hạnh phúc và yên ổn. Một người là vợ, một người là con gái – dẫu cho có mất đi ai thì cũng vô cùng đau khổ mà nếu như mất đi cả hai thì tình trạng còn càng tuyệt vọng hơn. Thế nhưng, sự tình còn nghiêm trọng hơn cả cái chết khi mà linh hồn của người vợ nhập vào xác của đứa con gái – một sự tráo đổi tréo ngoe đến khó tin của số phận. Câu chuyện một người phụ nữ 36 tuổi phải sống trong thể xác của cô thiếu nữ đang tuổi mới lớn liệu là khởi đầu hay kết thúc? Khó mà nói được. Những tình huống hài hước cũng như bị kịch từ đó mà phát sinh trong gia đình ấy. Người đàn ông ấy dẫu cho biết vợ mình còn sống nhưng không thể có hành động gì vượt quá khuôn phép đạo đức và lề thói xã hội vì dù gì đó cũng là thể xác của con gái anh. Cảm giác tình cảm vợ chồng đã không còn như cũ mà vốn dĩ nó cũng không được phép giữ nguyên trạng như cũ nữa.
Lựa chọn của Naoko là bước tiếp trên con đường hy vọng phía trước, tương lai của con gái cô hay nói cách khác là tương lai của chính cô phải được vun đắp từ chính bây giờ, trong thể xác của đứa con bất hạnh. Lối thoát cho tình trạng này tuy đau đớn nhưng còn có thể làm gì hơn khi vận mệnh đã đẩy họ vào vòng tròn của khổ hạnh. Tội cho người chồng Heisuke, chẳng biết được những khát vọng cao xa của người vợ và nhận một cú lừa cay đắng.
Tác giả Higashino Keigo đã sáng tạo một cố truyện mà khi đọc sơ thì cảm giác không có gì kịch tính nhưng thực chất lại vô cùng nhức nhối thông qua những trạng thái tinh thần và việc miêu tả tâm lý nhân vật hết sức đặc sắc. Ông đã bóc trần sự thật về bản chất con người mà chính xác hơn là sự ích kỷ của người phụ nữ. Ông không bài xích sự ích kỷ ấy nhưng người đọc lại vô cùng xót xa trước những bi kịch hiện ra trước mắt. Mọi thứ đã trở nên quá khắc nghiệt khi cuộc đời chẳng còn một lối thoát nào ít đau đớn hơn. Một kết cục hết sức tàn nhẫn đã được dựng lên, như một cú tát đau đớn cho người chồng, như một đám cưới khởi đầu cho những câu chuyện mới và khép lại màn kịch giả tạo của người vợ. Thôi thì cũng đành phải chấp nhận vì có thể làm được gì hơn trong tình huống ấy. “Bí mật của Naoko” đã tạo ra cảm giác đau đớn từ từ rồi đùng một cái là cảm giác đau đớn tột độ cho người đọc.
9. TRẦN CẨM CHI review sách Bí Mật Của Naoko
Sự u ám và ngột ngạt theo chân người đọc cho đến câu văn cuối cùng. Tác giả khai thác chủ đề cuộc sống hôn nhân qua một tình huống giả định: liệu khi có thể sống lại cuộc đời mình, bạn sẽ tiếp tục lựa chọn người chồng hiện tại? Cảm xúc của cả hai vợ chồng được khắc họa sâu sắc, với người kể chuyện là người chồng. Cảm giác như có bức tường ngăn cách giữa người phụ nữ mình hằng yêu đã dày vò anh và dày vò cả người đọc đến nỗi vài ngày sau vẫn còn ảnh hưởng.
III. Trích dẫn sách Bí Mật Của Naoko
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt.
Trích đoạn sách Bí Mật Của Naoko
KHÔNG MỘT MẢY MAY LINH CẢM.
Tan ca đêm, Hirasuke về đến nhà vào đúng tám giờ sáng. Gã bật ti vi ngay khi bước vào căn phòng kiểu Nhật rộng chừng bảy mét vuông. Lý do duy nhất khiến gã làm thế là vì muốn biết kết quả trận đấu Sumo hạng nặng đêm qua. Năm nay bốn mươi tuổi, Hirasuke tin rằng ngày hôm đó cũng là một ngày bình thường và yên ổn giống như vẫn vậy suốt hơn ba mươi chín năm qua. Nói một cách chính xác hơn thì thực tế ấy đã ăn sâu vào đầu óc gã tới mức khó lay chuyển hơn cả kim tự tháp.
Thành ra gã chẳng hề trông đợi một bản tin gây sốc trên màn hình trong lúc chuyển kênh, vả lại giả sử có một sự kiện nào đó gây xôn xao dư luận đi chăng nữa thì gã cũng mặc định là nó vô can.
Gà chuyển sang chương trình mà gã không bao giờ bỏ sót sau mỗi buổi tan ca. Một chương trình đưa tin chung chung về các kiểu xì căng đan của giới nghệ sĩ hay kết quả các trận thi đấu thể thao hoặc một vài sự kiện diễn ra hôm qua. Dẫn chương trình là một phát thanh viên tự do rất được lòng các bà nội trợ. Thằng cha trung tuổi có bộ mặt phúc hậu ấy cũng không đến nỗi khiến Hirasuke thấy ghét.
Tuy nhiên, xuất hiện trên màn hình hôm nay không phải bộ mặt tươi cười quen thuộc của thằng cha dẫn chương trình nọ mà là một ngọn núi tuyết. Hình ảnh dường như đang được truyền từ máy bay trực thăng, tiếng động cơ của cánh quạt lẫn với giọng tường thuật của phóng viên đưa tin.
Chuyện gì thế nhỉ, ý nghĩ của Hirasuke chỉ dừng lại ở đó. Gã không buồn quan tâm xem chuyện gì đang diễn ra. Điều duy nhất gã cần biết bây giờ là tay võ sĩ yêu thích mà gã đang kỳ vọng sẽ thăng hạng trong giải đấu này thắng hay thua.
Hirasuke lồng chiếc áo khoác có tên công ty vào mắc rồi treo lên tường, gã vừa xoa tay vừa đi vào căn bếp kề bên. Mặc dù đã giữa tháng Ba, nhưng sàn gỗ mới vắng hơi lửa có một ngày đã lạnh ngắt. Gã vội xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà. Đôi dép có hình hoa tulip.
Đầu tiên gã mở tủ lạnh. Ở ngăn giữa có một đĩa gà rán và một đĩa xa lát khoai tây đầy ụ. Gã lấy chúng ra, bỏ đĩa gà rán vào lò vi sóng, đặt hẹn giờ và nhấn nút. Sau đó, gã rót nước vào siêu rồi bật lửa. Trong lúc chờ nước sôi, gã lục tìm cái bát gỗ trong giỏ đựng bát đũa đã rửa, lấy túi xúp miso ăn liền trong ngăn tủ bếp. Gã xé miệng túi xúp, dốc vào bát gỗ. Trong tủ lạnh còn có hăm bơ gơ và xốt thịt bò nhưng gã quyết định sẽ dùng hăm bơ gơ vào sáng mai.
Hirasuke làm việc cho một nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi. Năm kia, gã được cất nhắc vào vị trí tổ trưởng một tổ sản xuất. Ở nhà máy của gã, người ta lập kế hoạch sao cho tổ nào cũng có hai tuần làm ban ngày và một tuần làm ban đêm. Và tuần này đến lượt tổ gã làm đêm.
Chẳng những gây đảo lộn hoàn toàn nhịp sống thường nhật, ca đêm còn khiến thể xác của một kẻ đang bước vào độ tuổi suýt soát bốn mươi như gã cảm thấy ê ẩm, song bù lại, gã có những niềm vui riêng. Thứ nhất là phụ cấp ca đêm, thứ hai là được ăn cơm với vợ con ở nhà.
Năm nay, tức là năm 1985, tình hình kinh doanh ở công ty của Hirasuke cũng thuận lợi như đa phần các doanh nghiệp trên cả nước. Sản lượng tăng đều đặn khiến cho hoạt động mua sắm thiết bị cũng sôi động hơn. Và tất nhiên, những người làm việc trực tiếp như Hirasuke càng thêm tất bật. Theo quy định, giờ làm việc kết thúc vào năm rưỡi chiều, song thường thì mọi người phải ở lại thêm một hai tiếng, thậm chí là ba tiếng. Trong trường hợp đó, phụ cấp ngoài giờ không còn là món vặt nữa. Chẳng ai lấy làm lạ nếu khoản ấy khá hơn cả lương cơ bản.
Tuy nhiên, thời gian ở công ty nhiều hơn nghĩa là thời gian ở nhà ít đi. Ngày nào cũng chín mười giờ đêm mới về đến nhà nên Hirasuke không có cơ hội ăn tối với Naoko, vợ gã, và đứa con gái nhỏ Monami.
Tuy nhiên, gã có thể về nhà lúc tám giờ sáng nếu làm ca đêm. Ấy là lúc Monami đang ăn điểm tâm. Đối với Hirasuke, được thưởng thức món ăn do vợ nấu trong khi chuyện trò với đứa con gái sắp lên lớp Sáu là một trong những niềm vui không gì thay thế nổi. Nhìn thấy nụ cười trên gương mặt con gái, cảm giác mệt mỏi vì làm ca đêm hoàn toàn tan biến.
Âu cũng bởi thế mà ăn sáng một mình sau lúc tan ca thật vô vị. Và những bữa sáng buồn tẻ này sẽ còn tiếp diễn ba ngày nữa. Naoko đã đưa Monami về quê ngoại ở Nagano để dự đám tang người anh họ. Anh họ nàng chết vì ung thư giai đoạn cuối hay gì đó, ngày giờ ra đi gần như đã được báo trước, thành thử cũng chẳng có gì là đột ngột. Tới mức, Naoko đã chuẩn bị sẵn một bộ tang phục mới cho chuyện này.
Theo kế hoạch ban đầu, đáng lẽ chỉ một mình Naoko về Nagano. Nhưng Monami bỗng giở giói đòi đi theo ngay trước hôm nàng lên đường. Con bé muốn trượt tuyết ở đó. Gần nhà bố mẹ Naoko có rất nhiều khu trượt tuyết nhỏ, sau lần đi trượt đầu tiên hồi mùa đông vừa rồi, Monami đã hoàn toàn bị môn này cuốn hút.
Công việc bù đầu khiến Hirasuke hầu như không có thời gian dành cho gia đình dù đang là dịp nghỉ xuân đâm ra gã chẳng thể nói này nói nọ về chuyện đó. Gã quyết định là đành chấp nhận cảnh đơn chiếc ít lâu và để Monami theo mẹ. Vả lại, xét kỹ ra, nếu Monami không đi với mẹ thì con bé sẽ phải ở nhà một mình vào mỗi buổi tối Hirasuke làm ca đêm.
Nước sôi, Hirasuke chế món xúp miso ăn liền và lấy đĩa gà rán vừa nóng tới trong lò vi sóng ra. Gã đặt tất cả lên khay rồi mang sang chỗ bàn ăn thấp ở căn phòng kiểu Nhật kế bên. Cả món gà rán, xa lát khoai tây, hăm bơ gơ cho ngày mai lẫn xốt bò cho ngày kia đều do một tay Naoko chế biến. Hirasuke hầu như vô dụng trong cái công việc được gọi là bếp núc này. Ngay cả cơm, Naoko cũng nấu sẵn cho gã một nồi đầy trước khi khởi hành. Gã quyết định cứ để nguyên trong nồi rồi mỗi ngày ăn một ít. Hirasuke biết thừa rằng cơm sẽ thiu khi sang đến ngày thứ ba, nhưng gã đâu có tư cách để phàn nàn về chuyện đó.
Bày các món lên bàn ăn xong, gã khoanh chân ngồi xếp bằng. Trước tiên, gã húp xúp miso rồi sau một chút lưỡng lự gã đưa đũa tới món gà rán. Gà rán là món sở trường của Naoko, cũng là món khoái khẩu của gã.
Gã mở lớn âm lượng ti vi trong lúc thưởng thức vị ngon đã ăn vào máu gã. Tay dẫn chương trình quen thuộc đang nói gì đó trên màn hình. Song chẳng có nụ cười thường trực mọi khi. Nét mặt hắn có vẻ gì đó cứng nhắc và căng thẳng. Dầu vậy Hirasuke chẳng quan tâm. Gã chỉ đang lơ đễnh tự hỏi bao giờ thì có bản tin thể thao tổng hợp ngày hôm qua. Gã thường xem ti vi vào giờ nghỉ giải lao giữa ca để biết kết quả các trận đấu sumo nhưng đêm qua gã không được xem.
“Sau đây, xin mời các bạn tiếp tục theo dõi tình hình tại hiện trường. Anh Yamamoto, anh có nghe thấy tôi không?”
Tay dẫn chương trình vừa dứt lời thì màn hình cắt sang cảnooh khác. Hình như là ngọn núi tuyết ban nãy. Một nam phóng viên trẻ tuổi mặc bộ đồ trượt tuyết đứng trước máy quay với vẻ mặt hơi rúm ró. Phía sau anh ta, những toán đàn ông trong bộ đồ chống rét màu đen đang chạy đôn chạy đáo.
“Vâng, đây là hiện trường vụ tai nạn. Công tác tìm kiếm người gặp nạn vẫn đang tiếp tục. Cho tới lúc này, số người được tìm thấy gồm 47 hành khách và 2 tài xế. Theo nguồn tin của công ty xe khách thì tổng số hành khách đi trên chuyến xe này là 53 người, vì vậy vẫn còn 6 người chưa được tìm thấy.”
Tới lúc này, Hirasuke mới bắt đầu nghiêm túc nhìn lên màn hình. Hai tiếng xe khách khiến gã lưu tâm. Mặc dầu vậy, mối quan tâm ấy cũng chưa hẳn là lớn cho lắm. Gã vẫn không ngừng xúc xa lát khoai tây lên miệng.
“Anh Yamamoto, tình hình của những người được tìm thấy ra sao rồi? Theo tường thuật ban đầu, dường như có khá nhiều người chết…” Tay dẫn chương trình ở trường quay đặt câu hỏi.
“Vâng, theo xác nhận cho tới lúc này, tính cả những người chết trước và sau khi được phát hiện, đã có 26 hành khách tử vong. Toàn bộ những người còn lại đã được đưa tới bệnh viện địa phương.” Tay phóng viên nhìn tờ ghi chép trong lúc tường thuật. “Tuy nhiên, hầu hết những người sống sót đều bị thương nặng và đang ở trong tình trạng hết sức nguy kịch. Hiện các bác sĩ đang khẩn trương cứu chữa.”
“Thật đáng lo ngại phải không anh.” Tay dẫn chương trình nói với vẻ mặt đầy biểu cảm.
Khi ấy, dưới góc phải màn hình có một dòng chữ chạy qua: Tai nạn lật xe chở người đi trượt tuyết ở Nagano.
Đến lúc đó Hirasuke mới dừng tay. Rồi gã chụp lấy cái điều khiển từ xa và chuyển kênh. Kênh nào cũng phát những hình ảnh giống nhau. Cuối cùng, gã chỉnh sang đài NHK. Đúng lúc một nữ phát thanh viên đang chuẩn bị nói gì đó. “Sau đây là bản tin về vụ tai nạn lật xe khách. Vào khoảng sáu giờ sáng nay, tại đường quốc lộ đoạn chạy qua nội ô Nagano, tỉnh Nagano, một chiếc xe khách chở người đi trượt tuyết từ Tokyo theo hướng cao nguyên Shiga đã rơi khỏi vách núi. Chiếc xe khách này là của Công ty Vận tải Okuro có trụ sở đóng tại Tokyo…”
Nghe tới đó, Hirasuke rơi vào một cơn hoảng loạn nhẹ. Bởi một vài từ khóa liên tục lọt vào tai gã. Cao nguyên Shiga, xe khách chở người đi trượt tuyết và Công ty Vận tải Okuro.
Lần này về quê, Naoko đã phân vân không biết nên chọn loại phương tiện giao thông nào. Đi tàu điện thì hơi bất tiện. Mọi khi có Hirasuke đi cùng thì chiếc xe gia đình mua đã chục năm nay chính là phương tiện di chuyển. Nhưng Naoko không biết lái xe.
Tuy bất tiện song chẳng còn cách nào khác là bắt tàu điện, kết luận đó tạm thời được chấp nhận. Nhưng ngay sau đó, Naoko lại tìm ra một giải pháp mới. Xe khách chở người đi trượt tuyết đang được giới trẻ khá ưa chuộng có thể là một lựa chọn. Vào mùa cao điểm mỗi ngày có tới hai trăm chuyến xe như thế xuất phát từ ga Đường sắt Quốc gia Tokyo.
Tình cờ, Naoko có một người bạn thân làm việc cho đại lý lữ hành nên đã nhờ cô này mua vé. Vừa may có một chuyến còn ghế trống. Vì một nhóm hành khách đã hủy vé ngay trước ngày xuất phát.
“May quá anh ạ. Như thế thì chỉ cần nhờ ai đó tới cao nguyên Shiga đón là xong. Em đỡ phải đi bộ và xách theo cái đống đồ nặng trịch này.” Ngay khi nhận được tin còn ghế trống, Naoko liền vỗ tay trước ngực đầy hoan hỉ.
Có lẽ nào, Hirasuke tự nhủ và bất đầu lần lại ký ức. Nó giống như cách gã đang run rẩy bước xuống khỏi những bậc thang trong bóng tối.
Hình như nàng đã nhắc tới Công ty Vận tải Okuro.
Rồi cả chuyến xe khách đi cao nguyên Shiga khởi hành từ ga Tokyo lúc mười một giờ.
Toàn thân gã nóng bừng. Tiếp sau đó, mồ hôi bắt đầu rịn ra. Nhịp tim tăng mạnh khiến mạch máu đập lùng bùng sau tai gã.
Một hãng xe khách không thể nào lại có nhiều chuyến xe cùng chạy tới một địa điểm chỉ trong vòng một đêm.
Hirasuke lê về phía cái ti vi. Gã không muốn bỏ sót bất kỳ thông tin nào dù là nhỏ nhất.
“Sau đây là danh tính của những nạn nhân tử vong đã xác định được nhân thân căn cứ theo chứng minh thư tính cho tới thời điểm này.”
Hàng loạt tên người hiện lên trên màn hình. Nữ phát thanh viên chậm rãi xướng lên từng danh tính một. Toàn những cái tên Hirasuke không quen biết và chưa từng nghe thấy.
Gã không còn cảm giác thèm ăn, miệng khô khốc, song vẫn chưa hoàn toàn cảm nhận được rằng bi kịch này rất có thể có liên quan tới gia đình gã. Gã vừa lo sợ cái tên Sugita Naoko và Sugita Monami sẽ được xướng lên, vừa thầm nghĩ, bằng phần lớn trí óc, rằng không thể có chuyện đó. Không lẽ nào bi kịch ấy lại xảy đến với gia đình gã…
Nữ phát thanh viên ngừng đọc. Đó là danh sách của toàn bộ những người tử nạn đã xác định được danh tính.
Không có tên của Naoko lẫn Monami. Hirasuke trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm, nhưng gã chưa thể yên tâm. Vì còn hơn mười người nữa chưa rõ nhân thân. Hirasuke cố nhớ lại xem vợ con gã có mang theo thứ giấy tờ tùy thân gì không. Nhưng gã không thể tìm được câu trả lời xác đáng.
Hirasuke với tay lấy chiếc điện thoại đặt trên kệ ti vi. Gã định gọi về nhà bố mẹ vợ. Không chừng vợ con gã đã tới nơi và sự lo lắng của gã là thừa. Không, nói đúng ra thì gã đang cầu nguyện.
Nhưng khi cầm lấy ống nghe và định bấm số thì ngón tay gã đột nhiên khựng lại. Chẳng hiểu sao gã quên mất số. Chuyện như thế chưa từng xảy ra. số nhà Naoko cực kỳ dễ nhớ, và trên thực tế, chắc chắn gã nhớ nó bởi các con số được ghép thành một từ khóa. Song lúc này, gã không sao nhớ ra từ khóa đó.
Bất đắc dĩ, gã đành quay sang lục tìm sổ ghi địa chỉ cất trong ngăn kệ. Gã tìm thấy nó dưới một chồng tạp chí ken khít. Gã vội mở trang bắt đầu bằng vần K. Vì họ thời con gái của Naoko là Kasahara.
Cuối cùng gã cũng tra ra số điện thoại cần tìm. Bốn số cuối là 7053- Song gã vẫn không thể nhớ ra cái từ khóa kia.
Đúng lúc gã cầm lại ống nghe và định bấm số thì giọng cô phát thanh viên cất lên.
“Tuy nhiên, theo thông tin vừa nhận được, có hai người gồm một thiếu phụ và một cháu bé gái được cho là hai mẹ con vừa được chuyển đến Bệnh viện Trung tâm Nagano, người ta đọc được dòng chữ Su-gi-ta thêu trên chiếc khăn tay tìm thấy trên người thiếu phụ. chúng tôi xin nhắc lại. Có một thiếu phụ và một cháu bé gái được cho là hai mẹ con vừa được chuyển tới bệnh viện trung ương Nagano…”
Hirasuke bỏ ống nghe xuống. Và ngồi quỳ gối.
Giọng nói của cô phát thanh viên không tới được tai gã nữa. Tai gã ù đi. Một lúc sau gã mới nhận ra đó là tiếng rên của chính mình.
Gã chợt nhớ ra.
7053 tức là na-o-ko-san.
Hai giây sau, gã đứng bật dậy.
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Bí Mật Của Naoko – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!