Án Mạng Mười Một Chữ – Higashino Keigo

Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo

Thể Loại Truyện Trinh Thám
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hà Nội
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 260
Ngày Xuất Bản 03 – 2020
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Án Mạng Mười Một Chữ

Án Mạng Mười Một Chữ

Tình cờ phát hiện những điều bất thường sau cái chết thảm khốc của người yêu, nhân vật “tôi”, một nữ nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám đã cùng bạn mình, Hagio Fuyuko, cũng là biên tập viên phụ trách sách của “tôi” quyết định điều tra về cái chết này. Trong quá trình điều tra hai người phát hiện người yêu của “tôi” đã từng gặp tai nạn lật thuyền trong chuyến du lịch đảo một năm trước. Và khi họ tìm tới những người cũng tham gia chuyến đi đó để tìm hiểu thì những người này cũng lần lượt bị sát hại. Cuối cùng “tôi” buộc phải tự mình phán đoán, điều tra để tìm ra chân tướng sự việc.

Án mạng mười một chữ cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 2011.

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

II. Review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Review sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Án Mạng Mười Một Chữ của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. ĐINH HOÀNG DƯƠNG review sách Án Mạng Mười Một Chữ

“Tàn khốc, phẫn nộ” là những gì mà Án mạng mười một chữ đem lại cho mình khi đã đọc xong.

Người yêu của “tôi” – một nữ nhà văn trinh thám đã bị giết và xác bị vứt xuống biển. Khi lần theo manh mối là cuộc trò chuyện trước đó với anh để tìm ra sự thật, cô lại tìm ra sự tồn tại của một vụ án khác mà sự thật cái chết người yêu cô ẩn sau dưới đó. Và càng đi sâu, những vụ giết người hàng loạt liên tiếp xảy ra…

Con người là sinh vật thích so sánh, phân biệt. Phải trái đúng sai, trắng đen rạch ròi. Nhưng với Án mạng mười một chữ, không có ranh giới là đường kẻ đỏ nào phân biệt đúng sai đen trắng cả. Giống như khi vẽ bằng sáp dầu, tô một mảng trắng, mảng đen ở kia. Và với chút lực chà bằng khăn giấy, 2 màu hòa thành màu xám. Đối với Keigo, màu ông dùng là cái đúng, cái sai; bút viết là khăn giấy, lực là chữ viết. Ông bao trùm lên sự thật một màu xám xịt và cho những nhân vật của mình đứng lên đó. Khi đọc đến lúc sự thật được phân rành, ta phải suy nghĩ rất nhiều rằng: những con người đó làm đúng hay sai ? Cứu người đánh cược mạng sống của mình đổi lấy thân xác phụ nữ chỉ 1 đêm có sai không? Thời tiết quá xấu để cứu người, nên không dám bơi ra biến để vớt người đó vào, hành động vậy có đúng không? Hay giết người hàng loạt để báo thù cho 2 lần phải CHẾT của một người là đúng hay sai? Với mỗi sự việc, ta đều có thể chỉ ra cả cái đúng và cái sai trong đó. Cuối cùng sự u ám vẫn bao trùm lên sự thật, khiến ta ngẫm nghĩ không ngớt về bức tranh của Keigo…

Tâm can con người luôn là cái gì đó mà Keigo luôn khai thác hết mức có thể. Trong cánh rừng của những tình tiết, sự thật, các nút thắt mở,… thì tâm con người luôn là cái cây cao to và nổi bật nhất. Với Namiya, Đơn phương,… thì nó khỏe khoắn, đẹp đẽ. Nhưng với Án mạng mười một chữ, cái cây đó thật xương xẩu, trơ trụi và xấu xí- như là một Yamamori Takuya ich kỉ và độc ác vậy. Tuy thật xấu xí và ta rất muốn cái cây đó biến khỏi mắt, nhưng nó vẫn là cái cây cao to nhất, ta không thể đốn hạ nó đi, cũng như không thể làm cho Yamamori hứng quá báo cho hả dạ. Nó vẫn đứng trơ ra đó mà ta chẳng thể thay đổi được gì… Keigo để lại cho ta dư vị quá cay đắng về sự ích kỉ và độc ác của con người qua nhân vật này.

Tổng kết lại thì mình thấy “Án mạng mười một chữ” là cuốn trinh thám rất đáng đọc. Tình tiết chặt chẽ, hợp lý và rất bất ngờ. Mình thấy mọi người nói cuốn này thiên về trinh thám cổ điển nhưng mình vẫn thấy có yếu tố tâm lý hiện hữu nhiều nơi, tuy không rõ ràng như những cuốn thời sau của Keigo nhưng cũng làm mình thỏa mãn ❤

Đây là bài review đầu tiên của mình, có sai sót hay ý kiến thì mong mọi người cùng thảo luận.

2. BINH BOOG review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Higashino Keigo quả thật không khiến mình khỏi bất ngờ vì luôn khiến bạn đọc khám phá ra được cái gì đó mới mẻ trong các tác phẩm của mình. Kiểu như mỗi lần gặp lại là lại phát hiện ra một tài lẻ hay cái gì đó mà mình chưa khám phá hết về con người đó mặc dù có quen biết nhau, chơi với nhau ý.

Phải cảm ơn Nhã Nam đã phát hành quyển Án mạng mười một chữ này để mình biết thêm về con đường sáng tác của tác giả.

Án mạng mười một chữ được xuất bản lần đầu vào năm 1987, có nghĩa là cách đây hơn 30 năm. Có thể nói nhờ Án mạng mười một chữ mà mình mới biết rằng cách đây 30 năm tác giả cũng có phần nào học hỏi, ảnh hưởng phong cách của “dì Tha” (Agatha Christine) nhưng cùng với thời gian, sau khi đã đọc các tác phẩm của Keigo đã được phát hành ở Việt Nam thì mình thấy tác giả đã có sự thay đổi, chuyển hướng, định hình phong cách sáng tác, tạo ra dấu ấn riêng của mình.

Án mạng mười một chữ mở đầu bằng lời tâm sự “hình như ai đó đang muốn giết anh” của “người yêu” một nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám. Ít lâu sau, anh ta bị sát hại tàn nhẫn. Chính lời tâm sự đó đã khiến nhà văn viết truyện trinh thám quyết tâm tự mình điều tra cái chết của anh. Cái chết tiếp tục xảy đến bởi hung thủ không ngừng tiếp tục ra tay. Sự thật tàn khốc nào sẽ được phơi bày.

Án mạng mười một chữ có nét giống “Mười người da đen nhỏ” của Dì Tha. Nó mang phong cách kiểu trinh thám cổ điển, thuần trinh thám nên mình thấy rất khác so với các sáng tác sau này mà mình đã được đọc của Keigo đã được phát hành ở Việt Nam.

Tác phẩm đưa mình trở về trinh thám thời kỳ đầu khi dựa vào sự suy luận, truy tìm chứng cứ, từng bước từng bước điều tra tới khi sự việc cuối cùng mới được phơi bày ở những trang cuối cùng, thật sự lôi cuốn, hấp dẫn và ngã ngửa bởi cái kết bất ngờ (giống kiểu của dì Tha). Trong cùng một hoàn cảnh, sự việc, ranh giới giữa thiện ác thật mong manh. Tuỳ từng góc nhìn mà có thể nhận định việc lựa chọn xử lý như thế là tốt hay xấu.

Công nhận mỗi lần đọc Keigo là lại thấy một Keigo có cái gì đó khác mà mình chưa khám phá ra hết về các sáng tác của tác giả.

3. TÀ NGÔ review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Trước khi review truyện Án Mạng Mười Một Chữ của Higashino Keigo thì tôi muốn cảm thán một câu: “Thật là hết nói nổi, bế mỏ luôn.” Hết nói nổi ở đây không mang ý nghĩa chê bai gì, chỉ thể hiện thái độ không thể ngờ được nguồn cơn sự việc lại là như vậy. Rất có cảm giác tấu hài, thế thôi.Thật ra nội dung của truyện này khá đơn giản, hung thủ cũng không khó đoán, thậm chí lý do giết người cũng đoán được nhưng vẫn như bao lần trước cái hay của truyện của Higashino Keigo không nằm ở đó mà là nằm ở… Nói như thế nào nhỉ? Ví như nội dung truyện của Keigo là chiêu thức của một bộ kiếm phổ thì cái mà mỗi người đọc xem nó không nằm kiếm chiêu mà là kiếm ý. Tóm lại là chả biết nói sao dùng từ nào để diễn tả cho chính xác.Đã bảo như trên là nội dung truyện khá đơn giản, theo trường phái trinh thám cổ điển như sau:

Cô nhà văn viết truyện trinh thám đi nhậu với người yêu thì được người yêu cho biết anh ta đang bị ai đó ngắm. Ý tứ ngắm đó là “hình như ai đó đang muốn giết Anh”. Và đúng như anh ta suy đoán, vài ngày sau cô nhà văn được cảnh sát cho hay người yêu của cô bị đầu độc chết. Sau khi chết còn bị đập mạnh vào đầu rồi vứt ra biển như một thứ rác rớn. Không chấp nhận được người yêu mình bị giết chết như thế, cô cùng người bạn thân là biên tập bắt tay vào điều tra vụ án mạng. Càng đi vào điều tra thì cô nhận ra rằng cái chết của người yêu mình có liên quan với một nhóm gồm 10 người bị đắm tàu trôi dạt lên đảo hoang 1 năm trước. Từ nhóm người này cô biết được, nhóm đi biển ban đầu có 11 người, 10 người sống sót chỉ có duy nhất 1 người chết mà người này lại là 1 tay bơi lội cừ khôi.

Đọc tới đây là tôi đoán được nguyên nhân cái chết của anh nhà văn phóng sự (lúc này tôi nghĩ là tôi đoán được nhưng sự thật thì không như tôi đoán). Tại sao là biết nguyên nhân mà không phải là hung thủ giết người, là vì hung thủ khi đọc vài ba trang đầu là biết rồi. Mới đầu tôi nghĩ cô bạn thân vì ghen mà giết người yêu của bạn nhưng khi nghe cô ấy hỏi cô nhà văn viết truyện trinh thám là cậu yêu anh ta và có ý định kết hôn à? Khi nhận được câu trả lời từ cô nhà văn là “làm gì có, yêu chơi chơi thôi” thì cô biên tập an tâm. Tới đó tôi đã biết cô này lo sợ rủi bạn mình mà yêu thật rồi mình giết người yêu của nó thì hơi mệt. Đọc tới khúc này, tôi hơi hoang mang là tại sao lần này Keigo lại cài đặt hớ hên thế, chưa đâu vào đâu đã lộ te lè hết rồi. Hung thủ lộ, lý do trả thù cũng lộ, vậy thì còn cái gì để coi nữa. Đọc mà ngao ngán. Hazz, đúng là tôi võ đoán quá, hiểu lầm tác giả rồi. Phải nói sao nhỉ, dùng câu nói cũ vậy: chỉ có thể đoán được mở đầu nhưng không đoán được kết thúc.Thật ra mà nói, tôi đang hoài nghi tư cách đạo đức của mình sau khi coi truyện này. Tôi lại đứng về team của anh nhà văn viết phóng sự. Phải nói rõ ở đây, tôi bên phe ảnh nhưng không có nghĩa tôi tán đồng việc ảnh đòi cô gái lấy thân trao đổi. Tôi chỉ cảm thấy cô ta muốn cứu người yêu, anh nhà văn viết phóng sự dùng mạng sống của mình để cứu người thì cái giá mà anh cần cô trao đổi là ngủ với anh 1 lần. Mà là cứu xong rồi mới ngủ. Tôi thấy cái giá mà cô phải trả so với sinh mạng là quá rẻ quá hời. Mà đều đáng nói ở đây, anh ta đòi hỏi thế, nhưng anh ta đã cứu bạn trai cô sống rồi thì cô tráo trở quịt nợ không ngủ với anh viết phóng sự thì anh ta làm gì được cô. Nói chung cô là người nắm cán, có gì mà phải lo phải xoắn. Nên hành động của cô gái và anh người yêu của cô ta hơi thái quá. Mà thái quá nhất là ông giam đốc trung tâm thể thao. Tôi nghĩ, chuyện ông làm ngơ không cứu người lúc nguy khốn là hoàn toàn chấp nhận được. Đó là một tình huống nguy hiểm, với lại ông là trụ cột gia đình, ông phải sống để còn bảo vệ cô con gái mù cùng bà vợ nên chuyện mạo hiểm là dứt khoát không nên làm. Đã có lý do chính đáng thì có gì phải ngại ở việc bị người đời đánh giá. Chỉ vì sợ bị đánh giá mà nhẫn tâm giết chết 1 người rồi sau đó dẫn dắt để từng người biết chuyện chết nốt. Tôi thấy cái giá bỏ ra không đáng. Tóm lại trong đám người chết này tôi không thấy ai đáng chết hết và ai cũng có lý do để thông cảm được chỉ trừ 1 người đó là ông giám đốc trung tâm thể thảo. Kẻ đáng chết nhất thì lại sống nhăn răng. Tức chết tôi mà.

Tóm lại truyện này đặc sắc nhất đối với tôi chính là cái giá mà anh nhà văn viết phóng sự đòi hỏi được trả mới cứu người. Tôi luôn tự hỏi anh ta làm vậy là đúng hay sai. Suy đi nghĩ lại nói anh ta sai thì không phải nhưng đúng cũng không chính xác. Nếu nói hành động của anh ta là đê tiện bỉ ổi thì cũng không phải, vì anh ta cứu người là anh ta mạo hiểm cả tính mạng. Đó chỉ là 1 sự thoã thuận. Cô gái đã đồng ý chấp nhận cái giá đó mà và anh ta cũng đâu bắt ép. Kẻ tình ta nguyện thôi, lại còn làm xong mới được hưởng, nhưng nói anh ta không đê tiện không thừa nước đục thả câu khi người gặp hoạ thì cũng không thông cho lắm. Hazz. Rồi lại thêm trường hợp của cô biên tập vì anh ta trả thù nữa chứ. Tôi đặt mình vào trường hợp cô ta, nếu biết người yêu mình bất chấp mạng sống đi cứu người rồi đòi người ta phải ngủ với mình thì tôi có vì loại người như vậy mà trả thù không? Nếu buông tay không trả thù thì anh ấy chết rất tức tưởi, còn trả thù thì lòng tôi lấn cấn. Hazz. Khó nghĩ quá.

4. SÓI HOANG review sách Án Mạng Mười Một Chữ

“Án Mạng Mười Một Chữ – Higashino Keigo” Một tác phẩm từ những năm đầu viết sách của Keigo, một tác phẩm nhẹ nhàng hơn một số tác phẩm khác của ông.

Bắt đầu bằng một câu chuyện một năm trước, trong một chuyến đi đến đảo Y của một nhóm người, trên đường đi thì thuyền bị lật. Câu chuyện tưởng chừng đã qua đi và trở thành quá khứ. Nhưng rồi một năm sau kể từ tai nạn xảy ra, nhiều án mạng xảy ra liên tiếp nên câu chuyện trong quá khứ ấy ngày càng được đào sâu, ngày càng có nhiều khúc mắc. Theo chân một nhà văn viết sách trinh thám, cũng là bạn gái của nạn nhân đầu tiên, cô ấy vạch trần từng câu chuyện, từng tội ác để ngăn chặn án mạng cũng như tìm ra hung thủ giết chết người yêu mình…

Cuốn sách này không quá khó đoán, hay nhưng không hẳn ấn tượng. Tựa đề là “Án mạng mười một chữ”, trước khi đọc tôi vẫn đinh ninh rằng cuốn sách sẽ kiểu tựa như “Án mạng ABC” của Agatha Christie, nhưng không, từ đầu đến cuối không hề có một manh mối nào để lại kiểu như để lại mười một chữ ở hiện trường. Chỉ đến gần cuối, tôi mới hiểu là tại sao lại gọi là “Án mạng mười một chữ”. Thật sự phải khâm phục Keigo khi đây chỉ là một trong những tác phẩm đầu mà đã có những nội dung sắc sảo như vậy.

Cuốn sách không thuộc kiểu mang lại nhiều ý nghĩa xã hội mà thuần trinh thám hơn. Từ từ bắt đầu câu chuyện, hành trình tìm chứng cứ,… nhưng vẫn thấy cái chất của tác giả như trong các tác phẩm sau này. Những sự thật, những câu chuyện, những tính cách của các nhân vật dần được hé lộ.

“Dù ngày mai có xảy ra chuyện gì, thì hôm nay cứ đi ngủ cái đã”

À mà rồi về sau tác giả đặt tên là Án mạng mười một chữ, công nhận là có chút liên quan đấy nhưng vẫn thấy “nó lại liên quan quá cơ” :))

5. VUI LÊN review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Cảm giác cầm sách của tác giả mình yêu thích và đã đọc một lèo hơn 20 cuốn rất đã các bạn.

Dù đã bắt đầu không còn mê và hứng thú và có dự định sẽ thôi đọc trinh thám, nhưng chắc mình sẽ vẫn chừa một chỗ duy nhất cho các tác phẩm của bác Keigo trong tương lai.

“Án Mạng Mười Một Chữ – Higashino Keigo” Một câu chuyện thuần trinh thám, đấu trí, truy tìm hung thủ. Tuy vậy Keigo luôn rất biết cách cài cắm những chi tiết nhỏ để khiến mọi thứ có thể thay đổi đến chóng mặt.

Một cái kết mở, không hề dễ dàng để trả lời. Cái hay của Keigo là ở chỗ đó, không hề có những cái kết dễ dàng và người đọc kiểu gì cũng phải tự hỏi bản thân rằng “Nếu ở trong tình huống đó, mình sẽ phải làm sao đây, để không dẫn tới kết cục mà nhân vật trong sách gặp phải?”

6. QHUONG review sách Án Mạng Mười Một Chữ

QHUONG review sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Án Mạng Mười Một Chữ – Higashino Keigo” 4.5 stars

Mình… không thốt nổi nên lời với quyển sách này. Nó vượt quá cả kì vọng của mình.

Nhân vật “tôi” không được đề cập đến tên kể qua góc nhìn của cô cuộc điều tra cái chết của người yêu mình. Trước tiên mình cần nói về giọng văn của cuốn sách này. Liên quan đến người yêu nhưng mình không cảm nhận được tình cảm của cô với người yêu mình (là anh Kawadu), cách cô nói về Kawadu có gì đó rất bâng quơ, hờ hững, cái cô hứng thú là điều tra cái chết của anh thôi. Nếu không liên tục lặp lại chữ “người yêu” thì khó mà nhận ra mối quan hệ tình cảm của hai nhân vật này. Ngược lại với cách nói thản nhiên, lạnh lùng về người yêu, mối quan hệ thân thiết giữa “tôi” và người bạn thân Fuyuko lại thấm đẫm tình cảm. Người đọc dễ dàng cảm nhận được “tôi” yêu quý Fuyuko thế nào, và Fuyuko đã quan tâm, chăm sóc “tôi” ra sao khi người yêu “tôi” chết. Thậm chí, trong suốt quá trình cuộc điều tra, Fuyuko đã giúp đỡ “tôi” rất nhiều, cô nhắng nhít, có ích với nhiều mối quan hệ với tư cách là một biên tập viên. Cô đi theo “tôi” tới mọi cuộc gặp mặt những nghi phạm tiềm năng, cùng “tôi” trải qua những cảm xúc khi nghe tin có án mạng mới.

Về vụ án, mới đầu chưa có gì đặc biệt về cái chết của anh nhà văn Kawadu. Nhưng “tôi” dễ dàng tìm ra một đường dây liên hệ anh tới một nghi phạm khác có liên quan, và từ đó là một loạt các nghi phạm xuất hiện, tất cả (kể cả Kawadu) đều có dính líu vào một sự việc nghiêm trọng xảy ra trong quá khứ. Dường như có ai đó đang trừ khử những người liên quan tới vụ việc này. Quan trọng là “tôi” phải tìm ra bản chất sự việc đó diễn ra như thế nào, rồi mới biết được kẻ khả nghi nhất là ai. Những chương đầu xảy ra rất chậm rãi, đều đều, giọng văn gần như vô cảm, khách quan, “tôi” không đứng ở góc nhìn chủ quan, mặc dù là người kể lại câu chuyện. Cô nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ, phân tích các phương án khả thi và không do dự thực hiện chúng. Cô chắp ghép các manh mối, nhưng đến cuối cùng vẫn còn quá nhiều ẩn số chưa giải thích được.

Đến ba chương cuối, vụ giết người cuối cùng diễn ra. Lúc này, người đọc mới cảm nhận được cảm xúc đau đớn của “tôi” qua con chữ. Không còn sự vô cảm, lạnh lùng như trước, mà giọng văn chuyển sang một màu sắc khác, u tối hơn, buồn bã hơn – tuy nhiên sự khách quan vẫn còn đó. Vì tính khách quan nên “tôi” không dễ bị sa đà vào quá nhiều tiểu tiết, trừ phi được tiết lộ những chi tiết mang tính sống còn, nhờ một nhân vật không ai ngờ tới (bị đánh giá thấp bởi cả hung thủ). Rồi ai ngờ được, sự thật cuối cùng cũng được lộ ra, bao nhiêu đau thường, mối căm thù bị đưa ra ánh sáng. Về điểm này, hung thủ thật sự, hung thủ cuối cùng giống như một nhân vật bước ra từ trinh thám đen vậy. Trả thù kẻ có tội, nhưng đồng thời tự đưa bản thân vào con đường hủy diệt chính mình.

Mình lấn cấn với những lời thoại không được tự nhiên, có thể do cách viết hồi đó của Keigo chưa được trau chuốt. Thoại tương đối gượng, không mượt mà, không thể hiện được cảm xúc và tính cách nhân vật. Nhân vật nào cũng có thoại tương đối giống nhau. Nhân vật cũng gần giống như vậy. Trừ “tôi” và cô bạn Fuyuko và một nhân vật thủ lĩnh khác thì các nhân vật còn lại không có tính cách rõ ràng, xuất hiện mờ nhạt. Ở chương cuối khi “tôi” nói hết ra chân tướng sự việc, có hai nhân vật rốt cuộc cũng thể hiện được tính cách đặc sắc của mình.

Nhìn chung, mình rất thích cuốn sách này, cảm giác đọc nó hơi giống Phía sau nghi can X, dù Nghi can X phức tạp vào dày công hơn. Với cuốn này, vụ án chỉ xoay quanh “tôi” thôi, nên mình dễ tập trung hơn (với Nghi can X thì vụ án xoay quanh rất nhiều nhân vật nên đôi lúc mình bị lạc lối).

7. NGA review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Nạn nhân là hung thủ, hung thủ lại là nạn nhân?

Là tai nạn, nhưng lại là ngộ sát? Là ngộ sát, nhưng lại là cố ý giết người?

Một người nhưng lại chết 2 lần?

Là lợi dụng? Không, là thật tâm? Nhưng vẫn lợi dụng?

Thật sự thì đối với mình “Án mạng mười một chữ” không quá ấn tượng sau khi mình đã đọc qua các tác phẩm khác của Keigo cũng như những tác phẩm trinh thám khác. Đối với mình quyển này khá đơn giản, thuần trinh thám. Và với một đứa đã đọc qua nhiều truyện trinh thám như mình thì theo motif này đoán ra hung thủ là ai từ ⅓ quyển không khó, dù bản thân cũng chẳng có suy luận hay bằng chứng gì. Tình tiết và twist, tâm lý nhân vật và những khúc chiết trong đó không quá phức tạp. Tuy nhiên không thể vì vậy mà đánh giá thấp quyển này vì chính mình cũng không ngờ lại bị cuốn vào như vậy. Mở ra đọc thì phải đọc một lèo đến hết chẳng muốn dừng lại. Cứ phải tò mò tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì? Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo? Hung thủ có phải như mình đoán không? Cứ thế cứ thế mà đeo đuổi theo từng con chữ đến hết truyện rồi lại phải tự lẩm nhẩm “Chậc, đúng là Keigo”.

Điểm chung ở các tác phẩm của Keigo mà mình đã đọc đó là đến cuối truyện, bạn ít khi nào có thể chỉ trách mà không thương hung thủ, chỉ thương mà không trách nạn nhân. Thậm chí ai là nạn nhân ai là hung thủ cũng chẳng thể nói rõ. Về tình về lý ai cũng có cái đúng và ai cũng có cái sai. Và vẫn là những cái kết bi thương nhưng lại xuất sắc và gợi nhớ nhất có thể, nếu khác đi thì chẳng còn hấp dẫn đến thế. Ở các tác phẩm tượng đài như Phía sau nghi can X, Bạch Dạ Hành, Bí mật của Naoko cũng thế, và ở quyển này cũng thế.

Thế đấy, đối với Án mạng mười một chữ, mình không đánh giá quá cao, nhưng mình thích quyển này, thật sự rất thích. Cơ mà thích nhất vẫn là câu kết của quyển sách: “Dù ngày mai có xảy ra chuyện gì, thì hôm nay cứ đi ngủ cái đã.” Đi ngủ thôi :)))))

8. VÂN ANH review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Vẫn là Keigo với những cú twist chồng twist, những tình huống đỉnh cao, những con người đứng giữa lằn ranh đạo đức trong một bối cảnh u ám. Hung thủ là người bị hại, người bị hại lại là hung thủ. Và những câu hỏi mở cho độc giả: đâu là đúng? đâu là sai? đâu là thiện? đâu là ác?

Tuy nhiên, tác phẩm này có một cái gì đó làm mình chưa đã, khi nhân vật phản diện đứng sau tất cả được đẩy lên cao đến nghẹt thở ở những trang cuối, rồi cuối cùng được thả lững lờ ở một cái kết mở. Mình muốn nhìn rõ hơn tâm địa và toan tính của ông này. Nhưng có lẽ do tác giả xây dựng những nhân vật then chốt khá kỹ ở đoạn đầu, nên khúc sau khá dễ dàng đoán ra, thậm chí câu chốt cuối cùng cũng quá hiển nhiên chứ không gây sốc như ở những tác phẩm khác. Ngoài ra các nhân vật phụ trong chuyến đi cứ xà quần với nhau làm mình nhầm lẫn lên không phân biệt được ai với ai.

9. THƯ NGUYỄN review sách Án Mạng Mười Một Chữ

Một tác phầm tiếp theo của nhà văn Keigo mà tôi đọc. So với quyển “Phía sau nghi can X” thì “Án mạng mười một chữ” này lúc đầu cho tôi một cảm giác không mấy hấp dẫn và lôi cuốn. Nhưng bắt đầu từ chương 5, đúng với phong cách viết truyện trinh thám của Keigo thì trong tác phẩm của ông luôn có những tình tiết dù nhỏ nhưng cũng có thể đem đến cho chúng ta khá nhiều bất ngờ và làm thay đổi tình tiết của câu chuyện. Và sau đó là hàng loạt những bất ngờ và làm cho tôi cảm thấy rất lôi cuốn.

Đây quả thật là một tác phẩm trinh thám hay mà tôi đã được đọc của nhà văn Higashino Keigo

Sau tác phẩm “Phía sau nghi can X” thì đây là tác phẩm mà mình recommend mọi người đọc nhé❤️

III. Trích dẫn sách Án Mạng Mười Một Chữ

Trích dẫn sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Sau cùng tôi sẽ giết chết cô gái đó.
Chỉ nghĩ đến cảm xúc khi đó, toàn thân tôi lại run lên. Nhưng không phải vì sợ hãi. Mà là vì những thứ tôi đã chịu đựng cho đến tận hôm nay đang khiến máu toàn thân tôi sôi lên..

Trích dẫn hay sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo 1 Trích dẫn hay sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo 2 Trích dẫn hay sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo 3 Trích dẫn hay sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo 4 Trích dẫn hay sách Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo 5

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Án Mạng Mười Một Chữ – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ là tác phẩm thứ hai kỷ niệm 30 năm cầm bút của ông. Trong tác phẩm này, Keigo đã lấn sâu ngòi bút của mình vào một đề tài tâm lý xã hội và y học khó nhằn, để lại trong lòng người đọc rất nhiều trăn trở...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *