Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới – Haruki Murakami

Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Haruki Murakami

Thể Loại Truyện Trinh Thám
Tác Giả Haruki Murakami
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 620
Ngày Xuất Bản 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (世界の終りとハードボイルド・ワンダーランド Sekai no Owari to Hādoboirudo Wandārando) là tên tiểu thuyết phát hành năm 1985 của nhà văn người Nhật Murakami Haruki. Cũng như nhiều tác phẩm khác của mình, ở đây Murakami sử dụng song song và luân phiên hai tuyến truyện với hai người kể chuyện khác nhau.

Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới khai thác vấn đề lý trí con người lúc tỉnh táo và trong lúc vô thức.

Sao vầng dương còn chói sáng?

Chim chóc vẫn ca vang?

Chúng không hay thế giới sắp lụi tàn?

“The End of the World”, nhạc và lời: Sylvia Dee/Arthur Kent

Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông – Tây, bi – hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi li hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại. Kết quả là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.

Tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới được trao Giải thưởng Văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản năm 1985.

Nhận định

“Một tiểu thuyết gia xuất sắc… ông nắm bắt được nỗi đau chung trong tâm hồn và trí óc của con người đương đại.” – Jay Mclnerney

“Tồn tại khái niệm kỳ bí mang tên Hiệu ứng Murakami: đọc sách của ông người ta trở nên trầm lặng, vì bắt buộc phải chìm đắm vào một trạng thái thiền.” – Frankfurter Allgemeine Zeitung

“Haruki Murakami thành công trong nỗ lực kết hợp Stephen King, Franz Kafka và Thomas Pynchon ở tác phẩm của mình. Ông là một trong những cây bút đương đại bậc thầy.” – Der Tagesspiegel

“Khi viết cuốn sách này, một hình mẫu quan trọng của tôi là huyền thoại về Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu đã khuất. Xưa kia con người từng quan niệm dưới bề mặt này còn một thực tại khác nữa. Giờ đây tôi vẫn tin như vậy, dĩ nhiên là hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt, tầng lầu và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ ta theo hướng đó.” – Haruki Murakami, 2003

Một số thông tin về nhà văn Murakami Haruki

Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).

II. Review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Review sách Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé!

1. LAN TÔ THỊ HOÀNG review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

XỨ SỞ DIỆU KỲ TÀN BẠO VÀ CHỐN TẬN CÙNG THẾ GIỚI – Haruki Murakami

Không biết sao mà 2 năm trở lại đây, cứ dịp tết là mình lôi 1 quyển của Haruki Murakami ra đọc, chắc là lúc đó đầu óc mới đủ thảnh thơi mà “tiêu hóa” nổi những điều dị thường và khó hiểu trong truyện của ông.

Quyển sách này HM được trao giải thưởng văn học uy tín ở Nhật vào năm 1985 và nhận được nhiều lời khen ngợi. Như nhiều quyển truyện khác của ông, bối cảnh ông xây dựng trong truyện là một thế giới không giống như thế giới ta đang sống. Quyển sách được chia thành 2 câu chuyện, một trong thế giới hiện tại và một trong thế giới mộng tưởng được đan xen lẫn nhau. Cứ một chương thế giới thực thì tiếp theo sau đó là một chương thế giới ảo, kiểu xây dựng cấu trúc truyện như những quyển sách của Dan Brown ( Mật mã Da VinCi, Biểu tượng thất truyền,…).

Câu chuyện thứ nhất xoay quanh một điện toán sư được một nhà khoa học thuê giải mã một dãy số mà ông thu được trong quá trình nghiên cứu sinh học, não bộ,… Từ lúc nhận nhiệm vụ đó, anh điện toán sư gặp một loạt rắc rối như: bị hăm dọa, phát hiện ra mình là một vật thí nghiệm cho 1 nghiên cứu lớn và là chìa khóa để bước vào 1 thế giới chốn tận cùng. Thông điệp mà cuối cùng anh ta nhận được là: anh ta được kích hoạt tiềm thức bằng một hệ cấu trúc thần kinh thứ 3 trong não nhưng toàn bộ dữ liệu để khôi phục trí não cho anh ta đã bị hủy và anh ta chỉ còn một vài ngày để sống trong thế giới này trước khi trí não của anh ta hoàn toàn bị kích hoạt bởi hệ thống thứ 3 – hệ thống làm anh ta sống trong một thế giới tâm thức do anh ta tự tạo nằm sâu trong vô thức (thật ra từ ngữ gốc của HM dùng là gì thì mình không rõ, nhưng ngay cả 4 từ: ý thức, tiền ý thức, tiềm thức và vô thức khi được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng loạn xà ngầu). Việc này như kiểu cơ thể sinh học anh ta vẫn sống, nhưng cơ thể tâm lý hiện tại của anh ta đã chết, để sống trong một thế giới tâm lý khác. Vấn đề là tầng ý thức hiện giờ của anh ta không được lựa chọn là mình sống trong thế giới nào, vì không còn đường quay trở lại, như mẫu đối thoại này trong truyện:

“Mọi chuyện ấy liên quan gì đến tận cùng thế giới?”, tôi hỏi.

“Nói chính xác là không phải thế giới nơi ta đang sống sẽ tàn lụi, không phải thế giới ta vẫn biết, mà là thế giới trong ai đó sẽ tàn lụi.”

Câu chuyện thứ 2 là một người, không rõ quá khứ, được lạc đến một thành phố mà muốn vào được thành phố đó, anh ta phải bỏ đi cái bóng của mình. Hình ảnh ẩn dụ bóng đại diện cho việc anh ta phải từ bỏ tâm hồn của mình luôn. Khi bóng anh ta chết thì tâm hồn anh sẽ mất. Bù lại, anh được sống vĩnh cữu trong một thành phố mà nơi đó có đầy đủ những gì anh muốn, con người chan hòa, chỉ làm việc theo nhu cầu và bổn phận, không buồn bã, đau khổ – điều này cũng đồng nghĩa với không niềm vui và đam mê. Trong lúc tâm hồn anh chưa mất hoàn toàn, bóng của anh – đại diện cho trí tuệ, quá khứ của anh – vẫn còn sống và bàn với anh một kế hoạch trốn thoát thành phố đó, để bóng và anh có thể còn nhập làm một. Anh lại có cả quá khứ, tâm hồn và có thể…yêu.

Vào những trang cuối quyển sách, khi anh điện toán sư chuẩn bị cho ngày cuối cùng đời sống của mình và chấp nhận cái chết trong thế giới hiện tại thì bên chương kia, bóng và người đã đến được bên hồ, chỉ còn 1 bước nhảy xuống hồ và quay trở lại cuộc sống trước đây, thì con – người – không – bóng kia quyết định ở lại thành phố, chấp nhận cuộc sống bình lặng, vĩnh cữu dù không thực sự vẹn toàn trong thành phố đó – một cuộc sống có khiếm khuyết trong một thành phố hoàn hảo.

“Quay lại với vấn đề tâm hồn đó. Cậu vừa nói là thành phố không biết tranh đấu, căm ghét và thèm muốn. Tuyệt vời quá nhỉ. Nhưng không có tranh đấu, căm ghét và thèm muốn thì cũng không có đối trọng của chúng – nghĩa là không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có tình yêu. Chính vì có thất vọng, phiền muộn và buồn thảm mà sinh ra niềm vui. Không có thất vọng thì cũng không có hạnh phúc.”

Một kết cục đầy…ngẩn ngơ :).

Như tất cả những tiểu thuyết khác của HM, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới đầy rẫy những chi tiết lạ kỳ, siêu thực. Nhân vật chính của HM thường là một người có đời sống nội tâm phức tạp nhưng cuộc sống bên ngoài lại vô cùng đơn giản (như văn hóa sống tối giản của người Nhật?). Cho đến quyển này, sau khi gấp sách lại, thấy đầu óc đầy u mê với những tình tiết rối rắm và không hiểu gì, thì hình như mình có cơ hội…suy nghĩ sáng suốt hơn :)). Mình chợt nhật ra là, những tình tiết lạ kỳ, những mô tả chi tiết không gian, những mạch liên tưởng, những cái tên phim/bản nhạc/nhân vật mà HM đưa vào trong truyện có lẽ không nhất định phải là 1 chủ ý quan trọng nào đó (mà trước đây mình cứ luôn thắc mắc). Nó có thể chỉ đóng vai trò những chiếc lá nhiều màu trong một khu rừng ông tô vẽ dặm thêm vào sau khi đã xây dựng xong những cái cây “đinh” và bố cục trọng tâm của bức tranh (chắc nhờ 2 lần đi học vẽ tranh mà mình có suy nghĩ này ^^). Chỉ cần bóc tách các lớp vẽ dặm đó, thì chúng ta sẽ thấy thật ra ông muốn chuyển tải gì.

Và đây là điều mà mình nghĩ là tư tưởng chủ đạo của ông:

“Tất cả, tôi nhắc lại, chỉ là vấn đề của tri giác. Thế giới này có dạng thức như ta lĩnh hội nó. Và các lĩnh hội đó đang biến đổi trong óc anh, quan điểm của tôi là thế.”

“Tiền định và định mệnh. Mọi hành vi của con người đều được thượng đế quyết định trước, hay con người quyết định hành vi theo ý chí riêng? Trong thời hiện đại, các nhà khoa học nhấn mạnh tính bộc phát sinh lý của con người. Dù vậy chưa ai tìm được câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi, ý chí tự do là gì. Vì sao? Vì chưa ai hiểu được bí mật của nhà máy voi trong chúng ta. Freud và Jung đã nêu ra nhiều lí thuyết, song nói cho cùng đó chỉ là các trình bày mang tính khái niệm không hơn không kém. Chúng chỉ tạo ra một dịp để bàn về các hiện tượng đó mà thôi. Vấn đề đã đơn giản đi, đồng ý, nhưng qua đó có hiểu được bản chất sự bộc phát của con người không? Hoàn toàn không. Theo tôi, người ta chỉ tráng lên môn tâm lý học một lớp màu kinh viện mà thôi.”

(Trong này có 2 cái tên: Freud và Jung, mình muốn giải thích 1 chút cho những bạn nào không biết nhiều về tâm lý học. Freud là cha đẻ của khái niệm vô thức. Freud và Jung là ông tổ của phân tâm học – nơi nghiên cứu về ý thức, vô thức, tiềm thức và giấc mơ.)

Và trong 2 thế giới, anh điện toán sư, cuối cùng, đã chọn thế giới mộng tưởng của mình, chấp nhận sống một “đời sống thực vật” trong êm đềm (mình không dùng từ hạnh phúc, vì nơi đó không có đau khổ thì sẽ không có hạnh phúc). Điều này nói lên 2 ý: vô thức có sức mạnh lớn lao mà chúng ta không thể dùng ý thức để chi phối (dù chúng ta đã dùng ý thức để nhìn ra được vô thức đó) và đằng sau một bộ óc lý trí đầy ưu việt và khát vọng sống mãnh liệt (chương cuối anh ta nói anh ta không muốn chết) mà anh ta tưởng như là mình có thì trong sâu thẳm, anh ấy vẫn chỉ muốn thu mình vào một nơi mộng tưởng cô độc – thế giới tận cùng của chính mình.

Khi đọc qua một số bình luận của người khác về quyển sách này, mình có thấy 1 bình luận khá thú vị. Người ta bình luận rằng qua quyển sách này (tiểu thuyết thứ 4 của HM), HM vẫn còn “gai góc” và cực đoan lắm, vẫn muốn chối bỏ hết cái thế giới chết tiệt này – một dạng tâm lý của người còn trẻ và … nông nổi ^^.

2. ĐÔNG HIỂU review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Cuốn sách này hơi khó đọc với mình một chút, mình phải cần đến gần một tuần để để đọc trọn vẹn nó. Vì những chi tiết mà Haruki Murakami đem đến trong tác phẩm này thực sự giàu tính triết lý, và để nghiền ngẫm, để hiểu hết những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm cần đến nhiều thời gian hơn.

Trong tác phẩm “Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới”, Haruki đưa người vào hai thái cực tưởng chừng đối lập nhau: một là xứ sở diệu kỳ tàn bạo, hai là chốn tận cùng thế giới. Ở mỗi một thái cực đó, nhân vật “tôi” trên những phương diện phức tạp về tâm lý, tính cách, hành động, với những suy tưởng vô cùng lắt léo, thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Chính vì điều này mà tác phẩm để lại những ám ảnh sâu sắc cho người đọc, đem đến những cảm xúc chân thực chưa từng có. Nếu bạn cũng yêu thích Haruki Murakami thì đây là một cuốn sách không thể nào bỏ qua.

3. THÙY LINH review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Nhiều người quen của mình giới thiệu đây là cuốn sách hay nhất của Murakami. Mình thấy tầm 50 trang đầu cực kỳ khó đọc, không hiểu nói về điều gì, chuyện gì đang xảy ra (vậy mà review các bạn nói là cuốn này dễ hiểu nhất của Murakami nữa, hic, vẫn khó tiếp cận đối với mình).

Về sau khi đã nắm được mạch truyện thì dễ hơn, viết về thế giới siêu thực nhưng ngòi bút Murakami và dịch giả đã thành công khi để một độc giả lần đầu đọc thể loại này như mình vẫn khá dễ tưởng tượng các tình tiết trong truyện, một thế giới siêu thực nhưng lại rất thật. Từ đoạn người toán sư phát hiện ra sự thật của cuộc đời mình sau khi xuống dưới lòng đất gặp ông giáo sư đọc rất cuốn hút và đặt ra nhiều câu hỏi cho mỗi cá nhân khi biết mình chỉ còn xx giờ để sống.

Kết thúc truyện, mỗi người sẽ tự đưa ra kết luận rằng đây là cái kết vui hay buồn, tùy vào từng cách nhìn. Tuy nhiên có lẽ mình không hợp với thế giới Murakami nên chưa biết bao giờ sẽ đọc lại nữa :))

4. NGUYEN HUY TU QUAN review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

“Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới”, Câu chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của một toán sư tài giỏi nhưng tính cách nhạt nhòa, đến với thế giới của tiềm thức mang màu sắc kì ảo. Những suy nghĩ, cảm xúc và quyết định của anh ta khó hiểu và xa lạ với tôi. Kết thúc cuốn sách không hề như tôi mong muốn. Nó quá kì lạ, quá ngẫu nhiên, và không thuyết phục nổi tôi.

Phải chăng đó là thông điệp của tác giả (một người bị ảnh hưởng bởi văn chương phi lý và chủ nghĩa hiện sinh) gửi tới người đọc? Rằng con người hết thảy đều là những sinh vật mong mỏi ý nghĩa, nhưng bị kẹt trong một thế giới vô nghĩa ư?

Thực ra, Murakami cố gắng cất lên một vài tuyên ngôn nổi bật của chủ nghĩa hiện sinh: con người phải tự tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống; và phải chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn; rằng vì thế giới này không hoàn hảo, vì có cái xấu xa nên ta mới hiểu tốt đẹp là sao;… nhưng dường như những tuyên ngôn ấy không ăn nhập lắm, không sâu sắc lắm với mạch truyện này.

Dù vậy, tôi không phủ nhận đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám cuốn hút và không kém phần kinh ngạc.

Cuối truyện, nhân vật chính nhìn thấy vẻ đẹp và sự diệu kì trong từng tạo vật nhỏ bé, như con ốc sên. Việc này khiên tôi liên tưởng đến Kierkegaard và thứ triết học lãng mạn của ông: vũ trụ trong vỏ hạt.

Ngoài ra, còn có một đoạn tôi thấy ấn tượng vì sự sâu sắc của nó, nằm về cuối cuốn tiểu thuyết, viết như này:

“Tôi chỉ muốn khóc nức nở thật to lên, nhưng tôi không được phép khóc. Tôi đã quá già và từng trải để nước mắt chảy. Có một nỗi buồn mà không ai khóc được. Nỗi buồn ấy không giải thích được cho ai, và nếu biết cách giải thích cũng không ai hiểu nổi. Một nỗi buồn không thể chuyển tải sang dạng khác, nó chỉ nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn như tuyết rơi trong một đêm lặng gió.

Hồi còn trẻ, tôi đã cố diễn tả nỗi buồn ấy bằng lời. Nhưng dù có tìm ra bao nhiêu câu chữ thì tôi cũng không chia sẻ được với ai, ngay cả với chính mình, cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi đóng ngôn ngữ của mình lại. Nỗi buồn sâu thẳm thậm chí không tìm được cả nước mắt.”

5. HUONG MAN review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Lại một cuốn siêu thực nữa của Murakami mà mình “nhai” trong năm nay. Mình vốn ko phải fan của Murakami để mà lùng sách của ổng, nhưng vì duyên, nên sách của ổng cứ sờ sờ trước mặt thì mình đọc thôi.

Cách kể chuyện như 2 diễn biến ở 2 thế giới song song, ban đầu thật khó hiểu và rối trí, nhưng càng về sau càng cuốn hút và rõ ràng. Vẫn là những mạch chuyện logic rất phi logic và những hình ảnh, câu chuyện tưởng tượng quá sức điêu luyện như vẫn thấy trong 1Q84 hay Biên niên ký chim vặn dây cót… kiểu như mình hay nghĩ, Ỷ làm tác giả rồi muốn viết sao thì viết! Nhưng vì vẫn có người đọc, vẫn có những ẩn ý chất chứa sau khi gấp sách lại nên, có lẽ mình sẽ còn cơ hội đọc thêm nhiều cuốn khác của ông sau cuốn này.

6. MINH NGUYỄN review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Lâu lắm rồi mới có một cuốn khiến mình có nhiều cảm xúc như vậy. Sách hay, nặng về vật chất lẫn nặng về tư duy. Tác giả vẽ ra cho mình một thế giới quá hoàn hảo để rồi tự mình tự hỏi chính mình con người có thực sự hạnh phúc khi ở đó hay không khi đổi lại là mình đánh mất tâm hồn của mình, cái bóng của mình? Lôi cuốn cực kì khi thế giới thực và ảo đan xen vào nhau, còn mang màu của truyện trinh thám nữa, đọc không bị chán lắm đâu mà nó khiến mình cứ muốn đọc tiếp xem như thế nào. Vả lại, đây là cuốn sách buồn, hơi mất mác ở đoạn kết thúc nhưng là một cuốn sách đáng xem.

7. CON BÉ KI review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Và rồi, sự tồn tại của cả hai, Xứ sở diệu kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, chắc có lẽ cũng giống như sự tồn tại hai nửa phải và nửa trái của não bộ nhân vật tôi hoạt động độc lập với nhau, hay nói cách khác là khi tôi dùng tay trái và tay phải làm hai con tính hoàn toàn khác nhau. Mặc dù rằng tôi rất thành thạo trong việc đó (việc đếm tiền xu trong hai túi quần), nhưng có lúc cũng đã tính sai, đã phạm sai lầm ở một khâu, đoạn nào đó, nhưng mà ai thì cũng có khi mắc lỗi mà. Bởi vậy cho nên, dù là quyết định kết thúc ở xứ sở diệu kỳ nhưng tàn bạo kia, để đến với nơi tận cùng thế giới nhưng đầy hứa hẹn ấy, thì cũng là một quyết định dẫu có sai lầm cũng không đáng kể. Chỉ tội cho Bóng bị chết đi không đúng cách, hay tội cho những tâm hồn bị neo đậu trong đầu lâu của những con thú một sừng chờ người đến đọc mơ…

8. HAIIRO review sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Đọc phần đầu tí thì nổ óc vì không bắt được cái logic của truyện. Nó khá là giống với cảm giác khi đọc Vĩnh biệt, các gangster hồi trước. Nhưng rồi thì mặc dù cái thế giới Murakami xây dựng ở đây vẫn khá lơ lửng theo kiểu ngẫu hứng và có nhiều đoạn giải thích cơ chế này kia tôi đều không hiểu và cũng không cố để hiểu, cuối cùng Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới cũng không phải một bản thể hoàn toàn phi lí. (Còn gangster thì bó tay toàn tập. Chắc lúc nào phải thử đọc lại quá :3)

Có lẽ có thể xem cuốn sách như một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng theo Murakami-style. Không nên trông mong một không gian đồ sộ, tráng lệ bức người như tiểu thuyết phương Tây. Không theo luật lệ nào ngoài lối tư duy có phần điên khùng và dở hơi của người viết. Cái kiểu một mình một phách của Murakami làm tôi chột dạ không biết xếp nó vào science fiction có đúng không nữa, vì nó chả giống cái gì tôi từng đọc cả, chỉ giống đống sách vở của chính bác thôi :))

Tôi đúng là chưa thấy ai để nhân vật của mình phiêu lưu trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc mà ung dung thảnh thơi như ăn bánh uống trà dạo mát thế này. Ngoài cái kiểu khiến họ đi đứng nói năng như người trên mây, thì dù tình trạng nguy ngập đến đâu tác giả cũng không để khuyết đi những dòng viết về chuyện làm tình, dương vật, vú vê và các yếu tố liên quan đến bản năng tình dục khác… Chúng được đề cập một cách rất trung tính và thản nhiên (thay vì cái gì đó mang tính khiêu dâm hay đồi bại), cũng như ở bất cứ một trang viết cùng tác giả nào. Hình như chẳng có con gì, cái gì, sự vụ gì ảnh hưởng được đến lối viết của Murakami cả.

Thật khó để kết luận được rằng tôi thấy Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới hay hay dở. Như thể cái thang từ hay đến dở không phải thang đánh giá dành cho nó vậy. Cũng chẳng biết được là tôi thích hay không thích, vì ngoài cái kết như giọt huyền phù bập bềnh chẳng ra chìm chẳng ra nổi làm tôi ngơ một cục thì những phần khác đều không tạo được cảm xúc gì đặc biệt. Có lẽ ngay từ khi bước vào cái thế giới huyền phù với những nhân vật, sự kiện huyền phù như thế thì chính tôi cũng trở thành một giọt huyền phù mất rồi.

III. Trích dẫn sách Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Trích dẫn sách Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

  1. “Khi định đạt được mục tiêu gì, thường là người ta tự đặt ra ba câu hỏi bất di bất dịch: Ta đã làm được gì? Hiện nay ta đang ở đâu? Còn phải làm gì nữa để đạt mục tiêu? Khi bị cướp đi cả ba mốc đánh dấu đường đi ấy thì chỉ còn sót lại sự bối rối, sợ hãi, mệt mỏi. Vấn đề không phải mức độ khó khăn hay vấn đề kỹ thuật, mà là người ta biết làm chủ mình được đến mức nào.”

  2. “Thực ra tôi đã đánh mất gì? Tôi bối rối gãi đầu. Đúng ra là tôi mất nhiều thứ, nếu ghi lại từng chi tiết thì có lẽ đầy một sổ tay. Tôi mất những thứ mà tôi không thấy có ý nghĩa gì lớn và mãi về sau mới thấy tiếc – và ngược lại. Tôi đã mất đồ vật, người và tình cảm. Cuộc đời tôi như cái măng tô có túi bị thủng toác, không thể khâu lại bằng kim chỉ. Giả sử có người nào thò đầu vào cửa sổ nhà tôi và hét: “Cuộc đời mi là số 0″ thì tôi phải đáp trả sao đây? Không đáp trả được, tuyệt đối không. Nhưng, nếu có khả năng làm lại cuộc đời một lần nữa, thì tôi linh cảm mình sẽ sống hệt như vậy. Vì cuộc đời đầy mất mát ấy chính là tôi. Tôi sẽ trở thành tôi, không còn con đường nào khác. Tôi khinh miệt mọi người hoặc mọi người khinh miệt tôi đến chừng nào, bất kể những tình cảm tốt đẹp, tố chất xuất sắc và ước mơ cao đẹp nào đã mất đi – không bao giờ tôi có thể trở thành gì khác ngoài chính mình. Ngày trước, hồi còn trẻ, tôi từng nghĩ có thể sẽ trở thành gì đó khác với chính mình. Thậm chí tôi nghĩ chẳng khó khăn gì để đến Casablanca mở một quán bar và làm quen Ingrid Bergman. Hoặc sát thực tế hơn – liệu có sát thực tế hơn không thì chưa biết – là tôi có thể sống một cuộc đời có ích hơn, thích hợp hơn với cái Tôi riêng tư. Để đạt mục đích đó, thậm chí tôi tập luyện và làm một cuộc cách mạng bản thân. Tôi đọc The Greening off America và xem ba lần phim Easy Rider. Nhưng, như một con thuyền có mái chèo uốn lệch, tôi luôn quay về bến cũ. Về với cái Tôi của mình. Cái tôi của tôi không đi đâu cả. Nó trụ lại ở vị trí của nó, và đợi, đợi tôi quay về.”

  3. “Khi định đạt được mục tiêu gì, thường là người ta tự đặt ba câu hỏi bất di bất dịch: Ta đã làm được gì? Hiện nay ta đang ở đâu? Còn phải làm gì nữa để đạt mục tiêu? Khi bị cướp đi cả ba mốc đánh dấu đường đi ấy thì chỉ còn sót lại sự bối rối, sợ hãi và mệt mỏi. Vấn đề không phải mức độ khó khăn hay đơn giản về kỹ thuật, mà là người ta biết làm chủ mình được đến mức nào”

  4. “Nhưng không có tranh đấu, ganh ghét và thèm muốn thì cũng không có đối trọng của chúng – nghĩa là không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có tình yêu. Chính vì có thất vọng, phiền muộn và buồn thảm mà sinh ra niềm vui. Không có thất vọng thì cũng không có hy vọng.”

  5. “Mọi chuyện ấy liên quan gì đến tận cùng thế giới?, tôi hỏi. Nói chính xác là không phải thế giới nơi ta đang sống sẽ tàn lụi, không phải thế giới ta vẫn biết, mà là thế giới trong ai đó sẽ tàn lụi.”

  6. “Quay lại với vấn đề tâm hồn đó. Cậu vừa nói là thành phố không biết tranh đấu, căm ghét và thèm muốn. Tuyệt vời quá nhỉ. Nhưng không có tranh đấu, căm ghét và thèm muốn thì cũng không có đối trọng của chúng – nghĩa là không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có tình yêu. Chính vì có thất vọng, phiền muộn và buồn thảm mà sinh ra niềm vui. Không có thất vọng thì cũng không có hạnh phúc.”

  7. “Tất cả, tôi nhắc lại, chỉ là vấn đề của tri giác. Thế giới này có dạng thức như ta lĩnh hội nó. Và các lĩnh hội đó đang biến đổi trong óc anh, quan điểm của tôi là thế.”

  8. “Tiền định và định mệnh. Mọi hành vi của con người đều được thượng đế quyết định trước, hay con người quyết định hành vi theo ý chí riêng? Trong thời hiện đại, các nhà khoa học nhấn mạnh tính bộc phát sinh lý của con người. Dù vậy chưa ai tìm được câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi, ý chí tự do là gì. Vì sao? Vì chưa ai hiểu được bí mật của nhà máy voi trong chúng ta. Freud và Jung đã nêu ra nhiều lí thuyết, song nói cho cùng đó chỉ là các trình bày mang tính khái niệm không hơn không kém. Chúng chỉ tạo ra một dịp để bàn về các hiện tượng đó mà thôi. Vấn đề đã đơn giản đi, đồng ý, nhưng qua đó có hiểu được bản chất sự bộc phát của con người không? Hoàn toàn không. Theo tôi, người ta chỉ tráng lên môn tâm lý học một lớp màu kinh viện mà thôi.”

  9. “Tôi chỉ muốn khóc nức nở thật to lên, nhưng tôi không được phép khóc. Tôi đã quá già và từng trải để nước mắt chảy. Có một nỗi buồn mà không ai khóc được. Nỗi buồn ấy không giải thích được cho ai, và nếu biết cách giải thích cũng không ai hiểu nổi. Một nỗi buồn không thể chuyển tải sang dạng khác, nó chỉ nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn như tuyết rơi trong một đêm lặng gió. Hồi còn trẻ, tôi đã cố diễn tả nỗi buồn ấy bằng lời. Nhưng dù có tìm ra bao nhiêu câu chữ thì tôi cũng không chia sẻ được với ai, ngay cả với chính mình, cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi đóng ngôn ngữ của mình lại. Nỗi buồn sâu thẳm thậm chí không tìm được cả nước mắt.”

  10. “Hai con người có thể ngủ cùng một giường, nhưng khi nhắm mắt, họ lại cô đơn.”

  11. “Toán sư là người thế nào? Ngoài công việc thì bất kể là toán sư hay ký hiệu sư, chúng tôi sống rất bình thường, như những người rất bình thường. Có thể những người bình thường thì bình thường nhưng cuộc sống của họ không gọi là cuộc sống được.”

  12. “Liệu cậu sau này có hối hận không?”, bóng đen khẽ nói. “Tuy tôi không rõ hoàn cảnh này lắm, nhưng tách bóng khỏi người liệu có điên rồ không? Rất sai lầm. Cả chốn này là một sai lầm – đó là ý tôi. Con người không thể sống thiếu bóng của mình, và thiếu con người thì bóng cũng không tồn tại. Mặc dù vậy, bây giờ chúng ta đã tách nhau, cậu sống, còn tôi đang ở đây. Có gì đó không ổn! Cậu có nghĩ thế không?” Bóng đen lắc đầu. “Tôi không thích không khí ở đây, nó khác hẳn những nơi khác. Nó không có ích lợi gì đến cậu và cả đến tôi. Vì sao cậu bỏ rơi tôi?”

  13. “Tôi suy đi nghĩ lại vấn đề này song không thể nhận ra ý nghĩa công việc của mấy ông già. Rốt cuộc tôi kệ họ, quay về ngồi trước lò sưởi và nhìn đăm đăm vào than hồng. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nhớ ra một bài hát nào nữa, có hay không có nhạc cụ cũng như vậy. Người ta có thể xếp các nốt nhạc cạnh nhau, bao lâu tùy thích – không có giai điệu thì chúng chỉ làm một dãy âm thanh không hơn không kém. Và chiếc phong cầm trên bàn đã và sẽ chỉ là một đồ vật xinh xắn. Đột nhiên tôi thấu hiểu ý câu nói của viên quản lý nhà máy điện: “Người ta không cần chơi nhạc cụ, đơn giản là chúng rất đẹp, để chiêm ngưỡng.”

  14. “Người nào chỉ còn được sống 24 giờ nữa sẽ có vô số việc phải làm, nhưng tôi không nghĩ được lấy một. Tôi lại gỡ vòng cao su ở đèn cây ra và ngoáy tròn trên ngón tay. Tôi nhớ đến tấm áp phích Frankfurt dán ở siêu thị. Trên đó thấy một dòng sông, cây cầu và mấy con thiên nga. Được đấy chứ. Chấm dứt cuộc đời ở đó không phải là một ý tưởng tồi. Nhưng thứ nhất là khó đến được Frankfurt trong vòng 24 tiếng, sau nữa, nếu có thể được thì tôi cũng không thích ngồi hơn 10 tiếng trên một chiếc ghế máy bay chật cứng và nuốt thứ đồ ăn tởm lợm trên đó. Thêm nữa là khó loại trừ khả năng Frankfurt trên ảnh đẹp hơn thành phố ngoài đời. Cuộc đời tôi không được chấm dứt với một thất vọng. Vậy thì bỏ mọi kế hoạch du lịch. Du lịch đòi hỏi thì giờ, và hầu hết luôn luôn không thú vị như người ta hình dung trước đó. Rốt cuộc tôi chỉ nghĩ ra một việc: đưa một cô gái đi chơi, ăn một bữa ngon, uống chút gì…”

  15. “Tôi thích ngắm những con thú. Mùa đông ở đây khắc nghiệt, nhưng bù lại thì các mùa khác cực đẹp. Ở đây không ai xúc phạm đến ai, không ai chống lại ai. Cuộc sống đơn sơ, nhưng dồi dào theo cách riêng của nó, và mọi người bình đẳng. Không ai nói xấu người khác, không ai lấy gì của người khác. Người ta làm việc, nhưng tất cả đều vui vẻ trong công việc. Đó là công việc vì chính công việc, không gợn ẩn ý nào khác. Không ai bị ép làm việc, và người ta không làm việc một cách miễn cưỡng. Người ta không tị hiềm với nhau, không ai than phiền, không ai đau khổ.”

Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn Chương 1 – Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Thang Máy, Im Lìm,

Mũm Mĩm

Thang máy đi lên với tốc độ chậm kinh khủng. Tôi đoán là nó đang chuyển động lên phía trên. Nhưng mà đi đâu tôi cũng không biết chắc. Nó đi chậm đến mức tôi mất cả cảm giác về phương hướng. Có thể nó đi xuống cũng nên, hoặc có khi nó chẳng nhúc nhích tí nào. Suy từ tình trạng trước đó, tôi quyết định cho là nó đi lên đi. Chỉ là đoán vậy thôi. Chẳng có cơ sở nào cả. Biết đâu nó đã lên mười hai tầng rồi tụt xuống ba tầng hay kịp làm một vòng quanh thế giới. Tôi không rõ nữa.

Cái thang máy này khác xa so với thang máy trong tòa nhà tôi đang ở, một cái máy nâng rẻ tiền với bộ dây ròng rọc cải tiến đơn sơ. Sự khác biệt lớn đến nỗi khó có ai dám tin rằng chúng là hai cỗ máy được chế ra cho cùng mục đích, có cùng cơ chế vận hành và mang cùng một tên gọi. Hai cái thang máy khác nhau đến mức tối đa mà người ta có thể tưởng tượng được.

Trước tiên là về kích thước. Cái thang máy mà tôi đang đứng trong đó lớn bằng một văn phòng xinh xinh. Nếu đặt vào đây một cái bàn giấy, két sắt và tủ tài liệu rồi kê thêm một ngăn bếp nữa thì vẫn còn khối chỗ. Tất nhiên có thêm ba con lạc đà và một cây cọ cỡ trung nữa cũng vừa. Thứ hai là sạch. Thang máy sạch như một chiếc quan tài mới đóng. Vách và trần làm bằng thép không gỉ, nhẵn lì và sáng loáng, sàn trải thảm màu xanh rêu dày dặn. Thứ ba: im ắng đến rợn người. Sau khi tôi vào trong, hai cánh cửa trượt khép lại không một tiếng động – theo đúng nghĩa đen của từ: không hề gây một âm thanh nào, và sau đó không thể nghe thấy chút gì khác nữa, khiến tôi không thể nói là thang máy giờ đây đang đứng im hay chuyển động. Sông sâu thì nước không réo.

Thêm vào đó là thiếu hẳn một phần lớn bảng điều khiển, cái thứ mà người ta vẫn cho rằng nhất định phải là trang bị cơ bản của thang máy. Trước tiên không thấy cái bảng với những nút bấm và công tắc. Không có nút bấm đề số tầng và nút đóng cửa, cả nút báo động cũng thiếu nốt. Đúng là thiếu tất. Tôi bối rối vô cùng. Và không chỉ thiếu các công tắc: các ô đèn báo số tầng, bảng hướng dẫn sử dụng và ghi số người cho phép, cả tấm biển hiệu của nhà sản xuất cũng chẳng thấy. Cũng lạ là không biết ô cửa thoát hiểm ở đâu. Một chiếc quan tài chính cống, không nghi ngờ gì nữa. Không bao giờ thanh tra xây dựng lại cấp phép cho một cái thang máy như thế này. Thang máy thì phải có những đặc tính như của thang máy chứ.

Trong khi săm soi bốn bức vách inox không một chỗ bám, tôi chợt nhớ đến những tiết mục đặc sắc của Houdini mà hồi nhỏ hay thấy trên ti vi. Ông sai người trói mình nhiều vòng xích và chão rồi cho vào một va li to, lại còn chằng mấy vòng xích nặng xung quanh rồi đẩy xuống thác Niagara hay chôn xuống băng tuyết Bắc Cực. Sau khi hít một hơi thật sâu, tôi lạnh lùng so sánh tình cảnh của mình với Houdini. Lợi thế của tôi là không bị trói, nhưng dở một nỗi là tôi không biết mẹo trốn thoát.

Không, nói cho đúng thì tôi không chỉ không biết tự thoát thân: thậm chí tôi còn không biết thang máy đang chuyển động hay dừng. Tôi hắng giọng. Tiếng đằng hắng nghe có vẻ rất lạ – không giống như tiếng thông thường. Mà chỉ là một tiếng bộp đùng đục đáng ngờ, như tiếng động tạo ra khi ném một nắm bùn nhão vào tường bê tông vậy. Tiếng tôi đằng hắng đó sao? Tôi hắng giọng lần nữa cho chắc, nhưng kết quả vẫn thế. Tôi chán nản bỏ cuộc.

Tôi cứ thế đứng im một hồi khá lâu. Mãi vẫn chẳng thấy cửa mở. Thang máy và tôi lặng tờ như bức tĩnh vật mang tên “Người đàn ông trong thang máy”. Dần dần tôi bắt đầu thấy lo.

Có thể phần cơ bị hỏng, có thể người điều khiển thang máy – dĩ nhiên, nếu ở đâu đó có ai đó làm nhiệm vụ này thật – đơn giản quên béng đi mất là tôi đang ở trong cái hòm này. Đôi khi cũng từng xảy ra chuyện ai đó quên mất có tôi trên cõi đời. Nhưng gì thì gì, rốt cuộc tôi vẫn đang bị nhốt trong cái xà lim inox này. Tôi cố lắng nghe, nhưng tai tôi không thể nhận ra động tĩnh nào. Tôi ép chặt tai vào vách kim loại nhưng cũng chẳng hơn gì. Chỉ đọng lại vết tai áp vào trăng trắng. Có cảm giác như thang máy này là một hòm kim loại đặc chủng được chế tạo để cách âm. Tôi thử huýt một điệu nhạc của Danny Boy, nhưng âm thanh thoát ra nghe như tiếng thở dài của một con chó mắc chứng viêm phổi.

Tôi từ bỏ, dựa lưng vào tường và giết thời gian bằng cách đếm đồng xu trong túi quần. Thực ra, đối với những người làm nghề như tôi thì đây là một bài tập khá quan trọng, giống như võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp bóp bóng cao su vậy. Lặp đi lặp lại mãi một việc có tác dụng cân bằng xu hướng bấp bênh.

Lúc nào tôi cũng để ý cất một lượng tiền xu kha khá trong túi quần. Tôi đút những đồng 100 và 500 yên vào túi phải, 50 và 10 yên vào túi trái, còn những đồng 1 và 5 yên thì cất ở túi sau nhưng tuyệt đối không sử dụng khi đếm. Tôi thọc tay vào túi quần, tính số tiền gồm những đồng 100 và 500 yên bằng tay phải, đồng thời tay trái đếm chỗ 50 và 10 yên.

Ai chưa từng tính tiền kiểu này thì khó có thể tưởng tượng được, nhưng ban đầu quả thật đây là một việc khá phức tạp. Bán cầu não phải và trái phải làm hai con tính hoàn toàn khác nhau, không khác gì chắp những mảnh vụn của một quả dưa hấu vỡ lại. Không tập thì khó mà làm được.

Liệu nửa phải và nửa trái của não bộ có thực sự hoạt động riêng rẽ, tôi cũng không rõ nữa. Các nhà thần kinh học có lẽ sẽ dùng thuật ngữ khác hẳn. Nhưng tôi không phải nhà thần kinh học, và ấn tượng thường nhật của tôi là bán cầu não bên phải và bên trái của mình thực sự độc lập với nhau mỗi khi làm tính. Cảm giác mệt mỏi sau khi đếm kiểu này cũng dường như có bản chất khác hẳn với sự mệt mỏi sau khi tính toán theo kiểu bình thường.

Tôi tự cho mình là một người có cách tiếp thu các hiện tượng, sự kiện và đồ vật trên thế giới này khá thực dụng. Không phải vì tôi là dạng người thực dụng – mặc dù, thú thực là tất nhiên tính cách đó cũng đóng vai trò nhất định – mà bởi vì trong nhiều trường hợp người ta phát hiện ra bản chất sự việc qua cách tiếp cận thực dụng tốt hơn là dựa vào cách giải trình chính thống.

Thử nghĩ xem, trong cuộc sống thường nhật sẽ có hại gì không nếu ví dụ ta không coi trái đất là một quả cầu, mà là một mặt bàn cà phê khổng lồ? Dĩ nhiên đây là một ví dụ tương đối cực đoan, và không phải mọi thứ trên đời này đều có thể nghĩ ngược kiểu đơn giản như vậy. Cho dù sự thật là, nếu trái đất là một cái bàn cà phê khổng lồ theo kiểu thực dụng thì có thể thản nhiên quên luôn một mớ vấn đề lãng xẹt do cách hiểu quả đất hình cầu đem lại – lực trọng trường chẳng hạn, hay đường đổi ngày quốc tế, xích đạo và mấy thứ không có ích gì lắm. Một người bình thường liệu có mấy lần trong đời dính dáng đến xích đạo cơ chứ?

Do vậy tôi cố gắng hiểu mọi chuyện một cách thực dụng như có thể. Quan điểm của tôi là thế giới được cấu thành bởi hàng nghìn, nếu không muốn nói là vô số khả năng. Và đến một chừng mực nào đó thì chuyện lựa chọn là tùy vào những cá thể cấu tạo nên thế giới này. Thế giới là do các khả năng ngưng tụ lại thành một cái bàn cà phê.

Đồng thời – ta hãy quay lại điểm xuất phát – dùng tay trái và tay phải làm hai con tính hoàn toàn khác nhau là một việc thực sự không đơn giản. Tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian để đạt tới mức thành thạo. Một khi đã làm được rồi, hay nói cách khác, một khi đã dò ra được mẹo thì khả năng này sẽ không dễ gì mất đi. Đại loại như khi đã biết đi xe đạp hay biết bơi. Song không có nghĩa là không cần tập luyện. Chỉ có miệt mài tập luyện mới đạt được tiến bộ và phong độ xuất chúng. Vì vậy tôi luôn chú ý giữ tiền xu trong túi quần, cứ rỗi rãi là tôi làm tính.

Trong túi quần tôi có ba đồng 500 và mười tám đồng 100 yên, ngoài ra còn năm đồng 50 và mười sáu đồng 10 yên. Tổng cộng là 3.810 yên. Con tính dễ như chơi. Dễ hơn cả đếm các ngón trên bàn tay. Tôi hài lòng dựa lưng lên bức vách inox và nhìn chằm chằm vào cánh cửa. Nó vẫn chưa mở.

Tại sao cửa thang máy đóng lâu như vậy, đây quả là một câu đố cho tôi. Song nghĩ một lát thì tôi kết luận rằng, cả giả thiết phần cơ bị hỏng lẫn giả thiết nhân viên điều khiển lơ là quên đi sự hiện diện của tôi đều có thể an tâm loại bỏ được. Vì chúng không thực tế. Tôi hoàn toàn không có ý nói rằng trên đời này không có máy hỏng hay nhân viên lơ là. Mà ngược lại tôi tin là những trục trặc kiểu ấy xảy ra khá thường xuyên trong thực tế. Cái tôi không muốn nói ra là, trong một thực tế đặc thù – và đương nhiên tôi ám chỉ cái thang máy khốn nạn này – thì phải loại bỏ những điểm phản đặc thù và coi chúng là điểm đặc thù nghịch lý. Làm gì có chuyện những người lơ là công tác duy tu phần cơ khí, những người đẩy khách vào thang máy rồi quên họ đi, lại có thể chế tạo nổi một chiếc thang máy lập dị điệu nghệ đến mức này?

Câu trả lời hiển nhiên là: Không.

Không thể có chuyện như thế được.

….

Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

4.9/5 - (8 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Hung Khí Hoàn Mỹ - Higashino Keigo

Hung Khí Hoàn Mỹ – Higashino Keigo

Dồn dập, kinh hoàng, gói ghém những sự thật sửng sốt. "Hung Khí Hoàn Mỹ" một kiệt tác đầy chất hành động của bậc thầy truyện trinh thám.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.