Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời – Haruki Murakami

Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Haruki Murakami
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 290
Ngày Xuất Bản 2019
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời (国境の南、太陽の西 Kokkyō no minami, taiyō no nishi) là một tiểu thuyết xuất bản năm 1992 bởi Murakami Haruki.

Nửa đầu tựa đề, “phía nam biên giới” (国境の南), dịch từ tên một ca khúc nhạc jazz nổi tiếng “South of the Border” được hát bởi Nat King Cole mà nhân vật chính Hajime nghe hồi còn nhỏ.

Còn nửa sau tựa đề, “phía tây mặt trời” (太陽の西) ám chỉ tên một hội chứng của nhóm người Inuit có tên Piblokto, hay còn có tên chứng cuồng loạn Siberia.

Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời, cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn.

“Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.

“Có những gì?” có lẽ là câu hỏi mà cuốn sách nhỏ của Haruki Murakami đặt ra. Có những gì ở phía Nam biên giới, khi đó không chỉ là nước Mêxicô. “Có những gì” ở phía Tây mặt trời, khi đó không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xibêri sống trong cảnh ngày đêm không phân cách.

Và có những gì trong những diễn tiến cuộc đời mỗi con người? Không chỉ cuộc đời ít chi tiết của Shimamoto-san mới gây băn khoăn, mà ngay cả ba giai đoạn được miêu tả hết sức rõ ràng của cuộc đời Hajime cũng không hoàn toàn làm thỏa mãn những người quen với những văn chương được tác giả chú tâm giải thích kỹ càng.

Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời không yêu cầu người đọc diễn giải. Rất nhiều chi tiết trong đó thuộc về “tiểu sử ngoài đời” của Murakami, nhưng câu chuyện đơn giản được kể trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellington, với hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daiquiri và Robin’s Nest có một khả năng đặc biệt: nó không cho phép mọi cách giải thích dễ dãi.

Những câu hỏi liên tiếp hiện ra trong tâm trí Hajime, về ý nghĩa cuộc đời cũng như của từng trải nghiệm dù nhỏ đến đâu, sẽ dần truyền sang người đọc, và đến khi kết thúc, rất có thể sự hoang mang về ranh giới giữa thực và hư, chân thành và giả tạo, quy tắc và ngoại lệ sẽ là điều duy nhất mà người đọc “gặt hái” được.

Điều này cũng không thật sự lạ, vì, đã trở thành quy luật, những câu trả lời thì qua đi, còn câu hỏi thì ở lại.

Tóm tắt nội dung Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Vào thời điểm mà ở Nhật gia đình nào hầu như cũng đều có hai con trở lên thì Hajime và Shimamoto, cô gái bị tật một chân, là những đứa con một hiếm hoi. Nhờ danh con một mà hai người trở thành bạn của nhau, chia sẻ sở thích với nhau. Lên trung học, họ mỗi người một hướng vì khác trường do Shimamoto-san chuyển nhà. Hajime lúc này gặp và yêu Izumi, nhưng khao khát tính dục của tuổi trẻ đã khiến anh làm tổn thương cô khi làm tình nhiều lần trong suốt một khoảng thời gian với chị họ của Izumi.

Sau khi chia tay, Hajime vào đại học và sau đó có một công việc ở nhà xuất bản đến khi gặp và kết hôn với Yukiko ở độ tuổi 30. Năm 37 tuổi, Hajime và Shimamoto-san gặp lại nhau sau 25 năm. Lúc này, Hajime đã là một ông chủ quán bar nhạc jazz có tiếng tại Aoyama, Tokyo và đã có gia đình hai con. Hai người lần đầu tiên đến với nhau như là một người đàn ông với một người đàn bà. Những cảm xúc sâu kín trong Hajime đã được Shimamoto khơi lại trong những lần gặp gỡ hiếm hoi trong một thời gian dài mà Shimamoto-san luôn biến mất hoàn toàn giữa những lần gặp đó.

Tuy nhiên việc gặp gỡ này đã đặt Hajime vào một tình huống khó xử phải chọn lựa giữa gia đình hiện tại và một quá khứ đã xa. Cuối cùng, sau 1 đêm làm tình với nhau lần đầu tiên, Shimamoto-san đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời Hajime, và anh nhận ra dù cuộc đời có diễn ra thế nào, cuối cùng tất cả còn lại chỉ là sa mạc

Một số thông tin về nhà văn Murakami Haruki

Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).

II. Review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Review sách Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé!

1. CHIM CỤT review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

HÀNH TRÌNH TÌM CÁI TÔI ĐỒNG ĐIỆU

Hồi đọc Biển, điều mình thấy thiếu sót nhất là đã không tìm hiểu những bức tranh được John Banville nhắc đến. Hành động lười biếng này khiến mình vốn đã không có cảm thụ hội họa nay còn muốn đui mù trước vẻ đẹp của mỹ nữ hạt buồn. Vậy nên mình mới chỉ thưởng lãm Biển như là danh họa trong nghệ thuật văn chương mà quên đi nó đích thực là một danh họa.

Ta không thể vừa xem tranh mắt trái vừa đọc sách mắt phải được. Nhạc thì khác. Đôi mắt vẫn đọc khi đôi tai đương nghe, ấy là nói những bạn có thể vừa đọc vừa nghe. Ừa, thế nên mình đã không lười nữa và bật Star-Crossed Lovers khi đọc Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời rồi South of the Border khi đang viết bài này đây. Nghe khi đọc để thấu hiểu nhân vật của Haruki Murakami. Nghe khi viết để lấy cảm hứng.

Nhưng thật thì âm hưởng của bản nhạc lẫn cuốn sách đều khiến mình nẫu ruột quá đáng thể.

o0o

Có thể nói, Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời không buồn bình thường.

Không có cái buồn mất mát và yên bình như trong sách của Heinrich Boll; dĩ nhiên rồi, cuốn này không có nửa chữ về thời chiến hay hậu chiến. Cũng không buồn kiểu có-mất-lại có-lại mất như trong Bí mật của Naoko hay Em sẽ đến cùng cơn mưa; Hajime chưa từng mất Shimamoto-san vì anh chưa từng có cô. Họ bỏ lỡ nhau.

Ở Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời, đó là nỗi buồn bất thường.

Hajime tuổi hoa niên dường như mất phương hướng, có thể vui đó nhưng cứ tìm đến buồn chán. Anh có thể trải qua cuộc sống rất bình thường ngoài đời nhưng cứ phải lạc lối vào con đường viết lách của Murakami mới chịu. Anh có thể chơi được với rất nhiều người bạn nhưng lại cứ dồn sự chú ý của mình trên người con gái có tật ở chân mới chịu. Anh có thể quên cô đi, hoặc chí ít thì không mang theo nỗi ám ảnh mang tên Shimamoto-san lên đại học, nhưng lại cứ lục tìm ở Izumi cảm giác anh trót quên mang theo đó khi chuyển nhà. Anh có thể yêu thương Izumi trọn vẹn, khuyết một chỗ cho Shimamoto-san là đủ rồi, xét cho cùng ai mà chẳng có một hộp pandora, nhưng anh cứ phải giáng một cú đau đớn lên Izumi khiến cô suốt đời mang khuôn mặt vô hồn dọa ma với bọn trẻ. Anh có thể thỏa mãn vì hôn nhân với Yukiko và sự nghiệp với các quán bar, nhưng anh cứ ngoảnh đầu dõi mắt tìm kiếm hình bóng Shimamoto-san sẽ đến trong bất ngờ và đầy bí ẩn.

Hajime có tất cả nơi phía tây mặt trời nhưng lại chẳng có gì ở phía nam biên giới. Sự thiếu vắng và trống trải nơi anh đôi khi mơ hồ như màn sương mù, có lúc lại ướt sũng như cơn mưa rào.

Hajime, anh tìm kiếm điều gì trong cuộc đời này vậy?

Một cái gì đó có thể chạm vào được rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng từ nơi già cỗi, khô cằn, chán ngắt?

Trong giây phút thăng hoa nhất với người yêu, anh có tìm được chưa? Trong lời thú nhận với vợ rằng anh yêu một phụ nữ khác, anh có tìm được chưa? Trong nguyên nhân chậm chạp viết giấy ly hôn, anh có tìm được chưa?

Ngay cả bên ngoài cuốn sách, nơi phía tây mặt trời đó, anh có tìm được nó ở phía nam biên giới kia chưa?

Có lẽ anh đã tìm được theo cách mà anh luôn biết ai là người đồng điệu với mình.

Mỗi mình, mỗi bạn, mỗi chúng ta đi qua đây đều có câu trả lời riêng nhưng câu hỏi thì vẫn còn đó trong Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời trên tay một độc giả khác.

o0o

Có thể nói, Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời không sex bất thường.

Không có bạo dâm, cuồng dâm, thống dâm như 50 sắc thái. Không có tình dục đồng giới hay bệnh ấu dâm. Đến cả hành động của Shimamoto-san lúc làm tình với Hajime mà chính cô thừa nhận là lạ lùng cũng không được xem là bất thường.

Ở Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời, đó là sex thoải mái (nhấn mạnh thứ tự) từ hành động đến suy nghĩ.

Mình không dùng từ bình thường để đối lập với từ bất thường như đoạn trên, mà thay bằng từ thoải mái. Hajime thoải mái và mình cũng thoải mái – trên cơ sở chấp nhận người khác trái quan điểm với mình. Nhưng bình thường thì không. Có thể Hajime thấy quan hệ ngoài hôn nhân là bình thường nhưng mình không thấy bình thường một tí nào.

“Trong những kỳ vợ tôi mang thai, tôi có vài chuyến ngoại tình không đáng kể. Đó không phải là những mối quan hệ quá sâu sắc và không kéo dài. Tôi không bao giờ ngủ hơn một hoặc hai lần với một người đàn bà. Ba lần là nhiều nhất. Nói thẳng thắn, thậm chí tôi còn không có ý thức là mình phản bội Yukiko. Tất cả những gì tôi tìm kiếm là những lần vụng trộm không để lại hậu quả, và tôi nghĩ những người đàn bà kia cũng không đòi hỏi gì hơn. Tôi muốn tránh bằng mọi giá việc làm cho những mối quan hệ đó trở nên sâu sắc, chọn lựa kỹ lưỡng những cuộc chinh phục theo tiêu chí đó. Khi ngủ với những người đàn bà đó, tôi chỉ muốn được trải qua một kinh nghiệm. Họ và tôi, chúng tôi đều đi tìm một cái gì đó.”

Mình nghe nhiều và thấy nhiều – đủ để đáng tin – những cặp vợ chồng ông ăn chả bà ăn nem. Họ có những quan hệ ngoài luồng, nhiều và ít, bền lâu và chóng vánh, còn bí mật và đã ngả bài… Ngoại trừ điều đó, hôn nhân và sự nhiệp của họ khá mỹ mãn, như Hajime vậy. Thậm chí, chuyện phòng the của họ cũng lý tưởng nhưng họ vẫn tòm tem. Chả hiểu sao. Họ có lý do của họ, chắc chắn thế. Như Hajime có lý do của anh. Mình không phán xét gì họ hết, hoàn toàn thoải mái như cách mình không lên án Hajime khi phản bội vợ. Chỉ là cái sex này khiến mình không khỏi trầm tư về vấn đề chung thủy cả xác thịt và tư tưởng trong hôn nhân. Nó sẽ đi dần từ từng cá nhân thấy thoải mái sang toàn thể cộng đồng thấy bình thường chứ? Khi đó khái niệm chung thủy sẽ xuất hiện trong từ điển dưới dạng ghi chú từ cũ, ít dùng chứ?

Khi đó, ý nghĩa của tình yêu trong hôn nhân là gì vậy?

o0o

Nếu hương vị của những ly cocktail trong câu lạc bộ nhạc jazz khiến mình say ngọt suốt chuyến hành trình đi tìm cái tôi đích thực bị vùi trong sâu thẳm trái tim, bị lãng quên nơi hoang mạc Siberi, hay bị đánh rơi ngoài lề hiện thực thì nền nhạc rầu rĩ của Duke Ellington và Nat King Cole (chính là cảm giác giới trẻ nghe nhạc vàng) lại thức tỉnh mình trước những câu văn diễn đạt hết sức khó hiểu của tác giả Haruki Murakami và xin phép lôi thêm cả dịch giả Cao Việt Dũng nữa.

– “Hẳn là với họ cô quá ngoại giao và khép mình.” (tr13)

Chỉ tính riêng trong câu này mà chưa kể các câu trong cùng đoạn, mình thấy cách sử dụng từ của dịch giả chứa một sự mâu thuẫn hoặc nhầm lẫn. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Giáo Dục, 1994), ngoại giao có hai nghĩa danh từ (sự giao thiệp với nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình và để góp phần giải quyết những vấn đề quốc tế chung) và động từ (giao thiệp với bên ngoài, người ngoài). Theo từ Từ điển tiếng Việt (Phan Canh biên soạn, NXB Mũi Cà Mau, 1997), ngoại giao có hai nghĩa bổ từ (việc giao hữu giữa nước này với nước khác) và nghĩa bóng (sự khôn khéo trong cách giao thiệp). Xét theo từ loại và ngữ cảnh, nghĩa nào trên đây của ngoại giao cũng trái nghĩa với khép mình. Nói cách khác, xét theo tính cách và lối sống cũng như quan hệ bạn bè của Shimamoto-san, cô không thể vừa ngoại giao vừa khép mình. Một người bạn của mình hiểu theo nghĩa khác: Đi chơi với bạn bè chúng nó cũng hay dùng từ ngoại giao để chỉ những người thân thiện vừa đủ kiểu xã giao. Như này cũng coi như tạm chấp nhận được? Nhưng dù sao theo mình hiểu nhân vật thì Shimamoto-san cũng không thuộc tuýp người thân thiện vừa đủ.

– “Tôi không bao giờ ngủ hơn một hoặc hai lần với một người đàn bà. Ba lần là nhiều nhất.” (tr100)

Câu này xin phép bàn luận với đích danh bác Murakami. Thật ra bác muốn diễn đạt cái số lượng kiểu gì đây? Không bao giờ của hơn một là hoặc hai lần? Không bao giờ của hơn một hoặc hai lần là ba lần? Bộ hơn một không phải là hai? Bộ hơn một hoặc hai không phải là ba? Bộ không bao giờ đôi khi còn có nghĩa là hoặc và nhiều nhất? Bộ đàn ông đếm bạn tình của mình thì có tí hơi mất logic vậy đó hả bác? Hay Hajime ngoại tình nhiều đến độ quên khái nhiệm số nguyên đếm thế nào? Có thể là phải cho cả hai câu hỏi cuối. Vâng, cháu hiểu mà, đàn ông đôi khi cũng ít có thông minh như đàn bà tưởng.

– “Chưa bao giờ tớ nghĩ đến những việc đại loại.” (tr143)

Có lẽ dịch giả ngủ gật hoặc phím backspace bị kẹt vài giây nên chữ thế, vậy đã bị nuốt mất. Theo nội dung đầy đủ của lời thoại này thì Shimamoto-san vừa liệt kê xong vài việc chưa từng làm rồi nói câu trên. Nếu là mình thì sẽ là: đại loại vậy, đại loại thế.

– “Đó là một nhạc công khá nổi tiếng, và quán đông đặc người.” (tr136)

Nói chung mình đọc ít, một số từ là mới với mình nhưng với bạn bè thì đã gặp qua ít nhiều. Nói riêng người Nha Trang, phương ngữ và khẩu ngữ và tiếng lóng các thứ của mình không được phong phú như dân thủ đô, Sài thành hay các vùng miền khác. Theo đó, mình chưa thấy ai diễn đạt nhiều thiệt nhiều người với tính từ đông đặc cả, thay vào đó là đông đen, đông nghịt. Không đáng bóc mẽ một từ trong đông đặc từ của một quyển sách nhưng lặp lại không dưới hai lần thì cũng nên xem xét mình hay dịch giả nghèo vốn từ?

– “Trong khi nàng nói, một làn hơi nước trắng dày bay lên vào không khí.” (tr155)

Vấn đề của câu này là bay lên rồi lại bay vào. Được thôi, chúng ta cũng hay viết tìm kiếm, chứ không chỉ tìm, hay chỉ kiếm. (Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tìm và kiếm trong quyển Tiếng Việt, văn Việt, người Việt của Cao Xuân Hạo.)

Soi đến đây rồi tự dưng thấy mình đúng là một độc giả già khó tính và bủn xỉn. Chính mình cũng có văn phong khá khó hiểu đây, chính một số câu trong bài này cứ diễn đạt lòng vòng không thoát được nội dung đây, nhưng đó là kiểu viết dài viết dai viết dại; hoặc là kiểu các tác gia lời thâm ý sâu để tìm kiếm người đọc hiểu (kiểu như những câu hỏi khó trong bài thi nhằm chọn lọc học sinh giỏi vậy), chứ không phải đánh đố độc giả đại trà như thế này.

Được chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp có đối chiếu bản tiếng Anh và nguyên tác tiếng Nhật, không rõ liệu những công đoạn dịch thuật phức tạp này có góp phần vào những lỗi rắc rối bên trên?

o0o

Gần đây có anh bạn kéo mình tâm sự chuyện tình cảm, sau vài buổi vậy mình cũng hiểu rõ sự tình, anh ấy bèn hỏi: “Theo em vì sao cô ấy thích anh?” Mình bảo mình không biết gì về cô bạn kia của anh nên chịu, không trả lời được. Anh ấy có vẻ vẫn bứt rứt và không ưng nên mình thêm câu trả lời đùa mà thật: “Anh hãy đọc Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời để biết thêm chi tiết.” (Các bạn thấy mình trả lời có đúng hông?) Anh ấy bảo chịu thôi, anh đọc thử đoạn em đăng trên Face mà đã nổ não rồi. Sẽ không có gì để kể nếu anh ấy lại hỏi vấn đề này lần hai và mình lại có cùng câu trả lời. Anh ấy hơi dỗi. Nhưng sẽ chẳng có gì để kể nữa, nếu lần nói chuyện cuối cùng anh ấy lại lôi cuốn Tây Nam gì gì đó để xách mé mình đừng nói chuyện với anh ấy như với đám bạn hàn lâm của mình.

Thế, tụi mình không chat nữa vì chuyện bé xé to mất hòa khí rồi.

Thế, lần đầu tiên đọc Haruki Murakami, Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời đã gây ấn tượng đủ tốt để mình có dự định đọc tiếp các quyển khác mà đồng bọn dự báo là đều nặng nề và hại não hơn cả. Hẳn là mình đã gặp mặt tác giả ở đúng sách. Câu kết cho bài viết chào sân Murakami:

Murakami xoáy sâu vào tâm lý nhân vật tới nỗi gây ảo giác nếu không phải là nhân vật của ông thì ai cũng đều vô hồn cả.

2. BACH TRAN QUANG review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

“Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời” Lần thứ bao nhiêu tôi đọc lại cuốn sách này? Tôi không còn nhớ nữa. Nó vẫn còn nguyên giá trị đối với bản thân tôi, và vẫn nguyên những rung động như lần đầu tiên đọc nó. Cho đến bao giờ mới đặt bút viết những dòng review cho nó, cho một thanh xuân nào đó đã mất của chính bản thân mình.

Ai trong đời không có một Shimamoto san? Một mối tình thanh mai trúc mã theo suốt đến tận cuối cuộc đời?

Hajime cũng vậy. Shimamoto san chính là phần thiếu, là phần bị đi lạc, đánh mất và kiếm tìm của anh. Cuộc sống với vòng quay của nó có thể khiến ta quên đi nhiều thứ, bỏ lỡ nhiều câu chuyện, ta ngỡ rằng quá khứ sẽ vùi chôn, rồi nếu ta hạnh phúc, ta sẽ có thể cất nó đi mãi mãi. Nhưng tâm hồn con người cũng giống như sa mạc vậy, khô cằn. Chỉ chờ đợi một cơn mưa trút xuống, là có thể sống. Shimamoto san là nhân vật như thế. Một người con gái kỳ lạ xuất hiện cùng với những cơn mưa. Nhưng mặt trời phía Tây chỉ sau một buổi huy hoàng thôi, lại rút cạn đi nước mưa của trời và thả sa mạc về với đúng sa mạc. Mà sa mạc, thì luôn khao khát nước. Luôn chờ đợi một cơn mưa.

Cuốn sách này là một cuốn sách như thế. Đơn giản, không đan xen, ko phức tạp nhưng nó trống rỗng mà vẫn đầy ý nghĩa. Đời chúng ta có gì quan trọng? Tiền bạc gia đình con cái ư? Không, đó chính là ký ức!

Có nên để 5 sao ko nhỉ?

3. VIỄN KHÁNH review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Nov 23,

Tôi đang đọc “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” của Murakami, tới chương 4, và không thể đọc tiếp thêm được nữa. Bỏ quyển sách xuống, nhìn lên trần nhà, chợt buông một tiếng thở dài. Tôi nghĩ về bạn, về tình cảm mà bạn dành cho tôi. Những cánh thư, những nét chữ, tất cả trả về cho khung trời hoang mộng của thời niên thiếu. Khẽ mở một bản nhạc bất kì trong mp3 ra nghe cho bớt trống trải:

“Có khi lòng không hẹn
Có khi tình không hẹn
Có khi tìm nhau mãi không gặp nhau đâu nữa

Có khi tình rất buồn
Có khi người rất buồn
Có khi tìm nhau nói câu biệt ly không hết”

Một bài hát của Quốc Bảo. Ca từ cứ ngân vang ngay cả khi tôi đã tắt máy đi rồi. Hơn ai hết, tôi ý thức được nỗi buồn nỗi nhớ từ lâu đã đóng một nhát đinh vào lòng mình. Vậy mà lúc này, ca từ của bài hát lại nỡ làm nhói đau thêm một lần nữa. Như cái kiểu người ta vít thêm một con ốc vào cái đinh cho chắc, người ta siết lại, để mà dù có bao lâu đi chăng thì nỗi buồn cũng không thể long ra khỏi lòng mình được.

Tôi nhớ cái cách bạn cười. Tôi cũng nhớ có lần bạn bảo nụ cười của tôi là nụ cười trong mộng khi bạn nhắc đến câu thơ “Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” của thầy Tuệ Sỹ. Tôi lẩm nhẩm lại, và nghĩ thầm rằng bạn hẳn cũng có những khoảnh khắc buông sách xuống và nghĩ về tôi. Chính xác như cái cách tôi đang nghĩ về bạn, hoặc giả sẽ sâu đậm hơn, nồng nàn hơn tôi gấp nhiều lần. Và kết thúc bằng sự lặng im đến nghẹt thở, giống như tôi lúc này đây.

Vậy đó. Cái cách mà chúng tôi hiểu nhau, cái cách chúng tôi nghĩ về nhau, nó không lí giải được, nhưng nó luôn là một sự chắc chắn. Mà sự chắc chắn không dẫn hai đường thẳng về một điểm. Để đảm bảo cho sự chắc chắn, hai đường thẳng phải chạy song song. Tôi đồ là như vậy.

*****

Nov 24,

Tôi vừa đọc xong “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”. Một con ốc nào đó vừa long ra khỏi cái đinh đã găm nỗi buồn vào lòng tôi. Nỗi buồn không còn bám quá chặt nữa, nó lỏng ra một chút, dễ thở hơn. Chỉ có thể biết được như thế. Không có những con kền kền hói đầu nào ăn mất ngày mai, nên không phải lo lắng gì cả, chỉ cần ngủ, ngủ để thức dậy vào ngày mai của riêng mình. Tôi nghĩ, bạn hẳn đã từng có những đêm thức chờ một sớm mai của riêng bạn. Và hẳn đã có một bàn tay nào đó nhẹ nhàng đặt lên vai bạn vào buổi sớm hôm sau.

“Ở tận sâu bóng tối đó, tôi nghĩ đến mặt biển dưới cơn mưa. Trời mưa không tiếng động trên đại dương rộng lớn, mà không ai biết cả. Những giọt nước đập lên mặt nước im lặng, và ngay cả những con cá cũng không có chút ý thức nào về điều đó.”

Uhm, có những điều mà chỉ có hạt mưa biết, và biển biết. Có phải vậy không?

Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

4. BÙI THỊ THU THẢO review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

“Phải, tất cả đều sẽ chết, tôi tự nhủ. Một số thứ biến đi mất giống như bị chém một nhát thật ngọt, những thứ khác đều dần lẫn lộn vào nhau và biến đi mất theo thời gian. Và chỉ còn lại sa mạc.”

Đây là quyển sách đầu tiên của Haruki Murakami mà mình đọc, nhưng phải đọc lại lần 2 mình mới dám viết review “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, vì mình sợ quy chụp cho quyển sách cái mác không hay bởi con mắt “non trẻ” của bản thân. Sách của Haruki Murakami luôn là những quyển sách khó đọc vì văn phong của ông (magical realism – chủ nghĩa hiện thực huyền ảo). Thế nhưng mình lại rất thích và thẩm được văn phong ấy.

“Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời” xoay quanh câu chuyện về cuộc đời Hajime, từ mối tình đầu tiên cho đến mối tình trưởng thành sau này. Điểm nhìn mình rất thích ở nhân vật đó là Hajime là con một – một khái niệm ở Nhật thời những thập niên 80, 90 cho rằng đó là những con người được nuông chiều, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và đâm ra hư hỏng. Mình tìm được sự đồng cảm ở nhân vật, không chỉ ở Hajime mà còn ở Shimamoto – mối tình đầu của cậu. Nhân vật chính được tác giả xây dựng không phải một nhân vật hoàn hảo, mà đầy những ray rứt, mâu thuẫn nội tâm, để rồi sau này đưa ra những quyết định sai lầm.

Bạn không thể đánh giá một cuốn sách chỉ ở câu từ, bề mặt hời hợt mà không suy nghĩ một cách nghiêm túc. Tuy quyển sách không có nhiều yếu tố sex như “Rừng Nauy”, nhưng những yếu tố ấy đều góp phần làm bật được chiều sâu tâm lí nhân vật, từ đó hướng tới những giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc.

Không khí bao trùm quyển sách khá u buồn, ảm đạm, và đậm chất nhạc- một chất liệu quen thuộc trong sách Murakami. Đó là những bản nhạc cổ điển hay nhạc jazz, nó khiến mình cảm thấy rất phù hợp với không khí quyển sách. Và chính bản nhạc chủ đạo trong câu chuyện đã được đặt tên cho tác phẩm. Có gì ở phía Nam biên giới? Không đơn thuần chỉ là đất nước Mexico? Nơi ấy có phải chứa đựng những ước mơ của các nhân vật, một ước mơ về một cuộc sống giản đơn nhất, chân thật nhất. Lại có gì ở phía Tây mặt trời? Có phải đơn thuần chỉ là chứng bệnh của những người nông dân Xiberi sống trong cảnh ngày đêm lẫn lộn, vô nghĩa? Hay mặt trời của cuộc đời Hajime chính là Shimamoto, còn Hajime chính là người nông dân Xiberi kia, khi không có Shimamoto thì cuộc đời dường như mất tất cả, chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng mình rất thích đoạn kết của tác phẩm. Sau tất cả, con người ai cũng phải đưa ra quyết định, không thể trốn tránh, điều quan trọng nhất còn lại là gia đình, sự gắn kết.

Vẫn là một Murakami với ngòi bút siêu thực, nhưng “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời” không quá dày đặc những hình ảnh tưởng tượng. Mình rất thích một hình ảnh ẩn dụ trong tác phẩm, đó là hình ảnh chiếc giếng khô, luôn được lặp đi lặp lại không chỉ ở trong cuốn sách này mà còn ở rất nhiều cuốn sách khác của ông. Một biểu trưng cho nỗi cô đơn, sự sợ hãi, tuyệt vọng, khoảng tối trong tâm hồn nhân vật. Mình cũng rất thích nhân vật Yukiko – người vợ của Hajime, cô như một dòng suối mát lành khiến xoa dịu tâm hồn anh, một người thấu hiểu và thật thủy chung, vị tha.

Bạn sẽ không thể tìm ra một lời giải thích hợp lí nào cho tất cả những bí ẩn của cuốn sách, bởi đó không phải mục đích của tác giả. Điều đọng lại sau cùng luôn là sự băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở của chính chúng ta. Vì vậy, hãy đọc cuốn sách với một tâm hồn mở rộng nhé.

5. NGUYỄN DUYÊN QUỲNH review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Có thể nói cuốn sách “Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời” là cuốn sách mình thích nhất của Haruki Murakami (trong những cuốn mình đã đọc thôi). Giọng văn nhẹ nhàng đau đớn nhuốm màu Nhật Bản có lẽ đã khá quen thuộc với các bạn độc giả trẻ Việt Nam bởi mình thấy bây giờ sách của ông được xuất bản và mua rất nhiều. Truyện của Haruki Murakami có một cái chất gì đó mà mình không thể lý giải được, chỉ biết rằng nó rất “sâu” và rất “nghệ”. Chúng ta không phải chỉ cần đọc nội dung là có thể hiểu được mà có lẽ còn cần phải suy nghĩ, đào sâu hơn nữa trong tầng tầng lớp lớp những ý nghĩa mà Murakami tạo ra mới có thể hiểu hơn được về ý đồ thực sự của ông.

Quyển sách này cũng vậy, nhưng với mình nó lại là quyển có vẻ “dễ đọc” nhất của ông (trong những cuốn mình đã đọc thôi). Trong “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời” không yêu cầu người đọc phải diễn giải mà rất nhiều chi tiết trong đó đã thuộc về “tiểu sử ngoài đời” của tác giả. Rốt cuộc thì, có những gì diễn ra trong cuộc đời của mỗi con người? Ý nghĩa của chúng là gì và tại sao chúng lại xuất hiện? Những lằn ranh hư hư thực thực trong mối quan hệ của Hajime và Shimamoto-san, những dối trá và thành thật, những đớn đau và nhẹ nhàng, rốt cuộc đâu mới là cái đúng? Và cho đến tận khi bạn gấp cuốn sách này lại, tất cả những gì bạn nhận được có khi vẫn chỉ là những câu hỏi không có hồi đáp. Một cái kết mở để lại nhiều nghi vấn, luôn là cái kết gây ám ảnh nhất trong lòng độc giả.

Đọc xong cuốn này không hiểu sao lòng mình lại nặng trĩu lại, dù mình không có gì bất mãn với cái kết cả. Văn của Murakami vẫn luôn là vậy.

6. NGUYỄN THU GIANG review sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Gấp cuốn sách này vào ngày hôm nay,trên chuyến xe buýt bắt lên trường mà lòng cứ đầy những cảm giác khó tả.

“PHÍA NAM BIÊN GIỚI PHÍA TÂY MẶT TRỜI” _ Haruki Murakami

Nói sao nhỉ, trong suốt ngày học hôm nay, mình không sao để ý được vào bài giảng của cô dạy Toán, một phần là vì nó khô khan nhưng chủ yếu rằng tâm hồn mình vẫn đang lơ lửng trong cái thực ảo của tác phẩm.

Suy nghĩ mãi,mình nghĩ có thể tóm gọn cuộc đời anh chàng Hajime thành 3 giai đoạn gắn với 3 người phụ nữ. Đầu tiên là Shimamoto-san – mối tình đầu thơ ngây và tình yêu ám ảnh. Nói là mối tình đầu cũng chưa rõ vì họ chỉ mới có một cái nắm tay trôi nhanh trong 10 giây. Nhưng có lẽ chính là “ám ảnh”. Hình ảnh cô gái nhỏ xinh,chân bị tật,khập khiễng bước đi trong nắng luôn đọng trong anh. Thứ đến là Izumi – một cô gái chân thành và hiền dịu. Cô luôn đối xử rất tốt và giữ chừng mực với anh. Nhưng chính cái dục vọng của người cô yêu lúc ấy đã làm cô đau khổ và tổn thương đến vô cùng.

Cuối cùng là Yukiko.Đối với Hajime cô có lẽ chính là lựa chọn phù hợp nhất. Đến với cô có lẽ là vì hợp chứ chẳng phải thứ tình yêu nồng cháy. Cô cho anh gợi tưởng về mối tình thơ,cô thấu hiểu và lắng nghe anh,cho anh một gia đình ấm êm và hoàn chỉnh.

Ba cô gái và một chàng trai ? Suy nghĩ gì gợi lên cho bạn lúc này?

Và đọc xong tác phẩm này tớ cũng không biết đâu là thực đâu là mơ, cứ như có 1 màn sương phủ trước mắt, mơ hồ và khó nắm bắt. Những câu hỏi liên tục hiện ra mà không giải đáp được, như trong lời đề tựa của cuốn sách “những câu trả lời thì qua đi, còn câu hỏi thì ở lại”.

Dừng lại đôi chút ở văn phong tác giả.Mình có lẽ cũng không hợp lắm với Haruki Murakami. Nó mang hướng trải đời và khó hiểu.Tuy nhiên với những tác phẩm cần chiều sâu đó mới chính là điều làm nên vẻ đẹp văn chương …

III. Trích dẫn sách Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Trích dẫn sách Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời – Haruki Murakami

  1. “Nhưng em ở đây, trọn vẹn thuộc về tôi, cố gắng trao cho tôi tất thảy. Sao tôi có thể tổn thương em? Nhưng tôi đã không hiểu. Rằng tôi có thể tổn thương một người không cách nào lành lại. Rằng một người, chỉ bằng cách tồn tại, cũng là sự tổn thương người khác.”
  2. “Chỉ thỉnh thoảng tôi mới biết rằng một con người có thể làm tổn thương một con người khác, duy nhất bởi vì anh ta tồn tại và là chính anh ta.”
  3. “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm tổn thương ai đó. Nhưng, dù cho các động lực có là gì đi nữa, khi cần tôi cũng có thể trở nên tàn nhẫn. Tôi là kẻ có khả năng gây ra một vết thương chí mạng với người thân thiết nhất với tôi trên đời, vì những lý do mà tôi cho là thỏa đáng.”
  4. “Nhưng cuối cùng, dù cho có đi đến đâu, tôi vẫn cứ là chính tôi. Tôi vẫn tiếp tục phạm phải những sai lầm đó, gây đau khổ cho những người khác, và cho chính tôi.”
  5. “Hẳn là với họ cô quá ngoại giao và khép mình. Có thể một số người nghĩ đó là tính lạnh lùng hoặc tự phụ. Về phần mình, tôi nhận ra được toàn bộ sự nồng ấm và nhạy cảm che giấu cả một kho báu sống động, nằm đó chờ đến ngày được phát hiện, giống như một đứa trẻ chơi trò trốn tìm nhưng lại mong được tìm thấy. Thỉnh thoảnh tôi thấp thoáng nhìn thấy được bóng dáng kho báu đó, nhờ vào một câu nói hay cách dùng từ.”
  6. “Tôi đứng im lìm nhìn mưa rơi trên hè phố một lúc lâu. Tôi đã trở lại là một cậu bé mười hai tuổi. Khi còn nhỏ tôi thích không phải làm gì, chỉ nhìn mưa rơi. Cơ thể khi đó dần dần được thả lỏng, dường như thế giới thật đang dần tan biến đi dưới những giọt nước. Hẳn là trong cơn mưa phải có một lực đặc biệt thôi miên người ta. Đó là điều tôi hằng tin…”
  7. “Có vẻ như là lúc nào anh cũng cố gắng trở thành một người khác. Có vẻ như là anh đã luôn muốn đi về phía những người và những nơi mới mẻ và khác lạ, để tạo lập một cuộc đời mới, trở thành người có tính cách khác hẳn. Anh đã làm đi làm lại điều đó rất nhiều lần trong đời, cho đến tận lúc này. Theo nghĩa nào đó, trở thành người lớn là như thế, và theo một nghĩa khác, mỗi lần chỉ là một lần thay đổi mặt nạ..”
  8. “Được rồi, giờ con đã hiểu phải không? Bố vợ tôi nói. Trong tất cả các lĩnh vực, kỹ năng đều cần thu nhặt dần dần. Nếu con làm việc trong một hãng, dù cho có đến trăm năm, con cũng sẽ không bao giờ có được những gì con đang có hiện nay. Để thành công, cần phải có may mắn, và trí tuệ. Điều đó là bình thường, nhưng còn chưa đủ: con cần có vốn. Không có đủ vốn, con sẽ không thể làm gì. Quan trọng hơn nữa, còn có kỹ năng. Dù cho con có tất cả những cái khác, mà không có kỹ năng, thì mọi việc cũng không tiến triển được đâu”
  9. “Một tối thứ Hai đầu tháng Mười một, cô đến gặp tôi tại một trong hai câu lạc bộ. Robin’s Nest (đặt tên cho một bản nhạc jazz mà tôi rất thích). Cô ngồi lặng lẽ ở quầy bar, gọi một ly Daiquiri. Tôi ngồi cách cô ba ghế, rất gần, nhưng còn chưa biết rằng đó là Shimamoto-san. Tôi chú ý ngay đến người khách lần đầu tiên thấy đến quán. “Chà, một phụ nữ đẹp” , tôi tự nhủ. Nếu cô từng đến đây, chắc chắn tôi phải nhớ mặt cô: đó không phải loại phụ nữ khiến người ta có thể hững hờ. “Hẳn là cô ta đang chờ ai đó.” Dĩ nhiên là thỉnh thoảng cũng có phụ nữ đi một mình đến quán bar. Họ chờ đợi, thậm chí một số còn hy vọng, được đàn ông nói chuyện cùng. Chỉ cần nhìn là biết. Nhờ kinh nghiệm, tôi biết rằng một phụ nữ thật sự xinh đẹp không bao giờ uống rượu một mình trong một quán bar. Bởi vì những người phụ nữ đẹp không thật sự thích bị người lạ bắt chuyện. Đơn giản là việc đó làm họ chán.”
  10. “Tớ ghét các loại văn phòng lắm. Cậu cũng vậy, cậu sẽ khó mà chịu đựng được chúng. Tớ làm việc tám năm trời tại cái nhà xuất bản đó, điều đó cho phép tớ hiểu hệ thống vận hành như thế nào. Nhưng tớ cũng bỏ phí vào đó tám năm cuộc đời. Mà lại là phần đẹp nhất của tuổi trẻ tớ nữa chứ. Tớ không biết bằng cách nào mà mình chịu đựng được. Nhưng nếu không làm ở đó lâu đến thế, có thể những quán bar ngày nay của tớ sẽ không thành công được như thế này. Tớ thích những gì tớ làm hiện nay. Ngay cả khi, đôi lúc, tớ có cảm giác chúng chỉ là những gì trí óc tạo ra. Giống như một khu vườn tưởng tượng. Tớ trồng hoa ở đó, tớ dựng những vòi phun nước. Nhưng vô cùng chính xác và đầy hiện thực. Người ta đi đến đó, uống rượu, nghe nhạc, trò chuyện, rồi đi khỏi. Theo cậu, tại sao tối đến lại nhiều người đến đây, tiêu những món tiền lớn chỉ cho vài cốc rượu? Bởi vì tất cả mọi người, ở những mức độ khác nhau, đều tìm kiếm một nơi tưởng tượng. Họ đến đây là để nhìn ngắm một khu vườn tưởng tượng trôi nổi trong không khí và đắm chìm vào trong đó một lúc.”
  11. “Khi người ta chỉ nghĩ đến cách kiếm tiền, tôi nói tiếp, cuộc sống sẽ đi qua trước khi người ta có thời gian để nhận ra”
  12. “Không ai cống hiến bản thân mình cho một điều gì đó mà không tìm ngay từ khởi đầu làm được điều gì đó tuyệt diệu. Ngay cả khi điều đó vượt quá những khả năng của chính mình, người ta vẫn tiến đến một cái đích, gắng sức làm tốt nhất có thể, chính bằng cách đó mà người ta tiến bộ dần dần. Và chính điều đó làm thế giới này đi lên. Tớ tự hỏi không biết nghệ thuật có cũng giống như thế hay không.”
  13. “Đúng vậy, anh yêu họ. Anh yêu họ vô cùng. Và họ rất quan trọng với anh. Em nói đúng. Nhưng anh biết là điều đó không đủ cho anh. Anh có một gia đình, một công việc thú vị, anh không có chút gì không hài lòng trong đời cả. Cho đến giờ, tất cả đều vận hành hết sức hoàn hảo. Thậm chí anh nghĩ có thể nói là anh hạnh phúc. Nhưng điều đó không đủ cho anh. Cái đó thì anh biết. Kể từ khi anh tìm lại được em từ cách đây gần một năm, anh đã nhận ra. Em biết không, Shimamoto-san, vấn đề chính của anh là anh bị thiếu mất một cái gì đó. Trong đời anh có một khoảng trống lớn. Và anh lúc nào cũng khát, cũng đói, về cái phần mà anh đã đánh mất đó. Cả vợ anh cả các con anh đều không thể bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó. Em là người duy nhất trên đời có thể làm được. Khi em ở gần anh, anh cảm thấy chỗ thiếu hụt đó được bù đắp. Và chính vì thế mà anh đã nhận ra rằng anh khát và đói đến mức độ nào trong suốt những năm đó. Anh không thể quay trở lại cái thế giới ngày xưa đó nữa.”
  14. “Tôi những muốn được ở một mình lâu nhất có thể và, không biết làm gì khác, sáng nào tôi cũng đến bể bơi, rồi đến văn phòng, nơi tôi dành phần lớn thời gian nhìn lên trần nhà và mơ đến Shimamoto-san. Tôi những muốn chấm dứt việc đó bằng cách này hay cách khác. Tôi sống trong một hình thức của trống rỗng, bên cạnh Yukiko nhưng không thật sự ở đó, lần lữa mãi việc trả lời câu hỏi của cô. Điều đó không thể kéo dài mãi mãi được. Có cái gì đó không đúng đắn. Với tư cách đàn ông, với tư cách người chồng, với tư cách người cha, tôi phải nhận lấy trách nhiêm của mình. Nhưng, trên thực tế, tôi không có khả năng: ảo ảnh vẫn còn ở đó, nó buộc chặt lấy tôi. Những ngày mưa thì còn tệ hơn nữa. Bởi vì, khi trời mưa, tôi bị đắm chìm trong ảo tưởng Shimamoto-san sẽ xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Nàng sẽ mở cửa, mang theo cùng với nàng mùi của cơn mưa. Tôi tưởng tượng ra nụ cười trên môi nàng. Khi không đồng ý với tôi, nàng nhẹ nhàng lắc đầu, nụ cười vẫn nguyên ở đó. Khi ấy từ ngữ của tôi mất đi toàn bộ sức lực và, như những giọt nước mưa đậu trên ô cửa sổ, chầm chậm trượt ra khỏi địa hạt của thực tại. Những đêm trời mưa, lúc nào tôi cũng thấy nghẹt thở. Thực tại bị bóp méo, thực tại lồng lên sợ hãi.”
  15. “Về một số sự kiện, người ta có được bằng chứng hiện hữu rằng chúng đã từng xảy ra. Ký ức và các ấn tượng của chúng ta quá không chắc chắn, quá chung chung để có thể chỉ thông qua đó mà chứng minh được tính thực tế của các sự kiện đó. Những sự kiện mà chúng ta nghĩ là chắc chắn thực ra chắc chắn đến mức độ nào? Kể từ đâu chúng trở thành những sự kiện mà chúng cho là “thật”? Trong phần lớn các trường hợp, không thể phân biệt được. Để có thể chắc được rằng những gì chúng ta coi là thực tế đúng là thực tế, chúng ta cần đến một thực tế khác cho phéo chúng ta tương đối hóa và, bản thân nó, cũng cần một thực tế khác làm nền tảng. Và cứ như thế, cho đến khi tạo ra trong ý thức của chúng ta một chuỗi mắt xích kéo dài vô tận. Chắc chắn là không hề quá lời khi nói rằng chính trong sự giữ gìn cái chuỗi mắt xích đó mà chúng ta có thể dò được đến cảm giác về tồn tại thật của mình. Nhưng chỉ cần chuỗi mắt xích đó đứt gãy, tức khắc chúng ta sẽ lạc lối. Thực tế có thật nằm ở phía cái mắt xích bị rời ra, hay ở phía cái chuỗi cứ kéo dài mãi mãi?”

Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn hay trong Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời

Ba mươi tuổi, tôi lấy một người phụ nữ kém tôi năm tuổi, mà tôi gặp trong một chuyến đi du lịch một mình vào kỳ nghỉ hè. Tôi đang đi dạo trên một con đường thôn quê thì đột nhiên trời đổ mưa như trút. Tôi vội chạy đến một chỗ trú bên cạnh đường, nơi cô đã đứng sẵn cùng một cô bạn. Cả ba người chúng tôi đều bị ướt hết.

Nếu hôm đó trời không mưa, hoặc chỉ đơn giản nếu tôi có mang theo ô (khi ra khỏi khách sạn, tôi đã nghĩ đến chuyện đó) thì sẽ không bao giờ tôi gặp cô, có thể đến hôm nay tôi vẫn là biên tập viên sách giáo khoa, tối đến ngồi dựa lưng vào tường phòng uống rượu lảm nhảm một mình.

Mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi lại tự nhủ rằng định hướng cuộc đời chúng ta thật sự tùy thuộc vào rất ít thứ.

Yukiko (đó là tên cô) và tôi thích nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cô bạn gái đi cùng xinh hơn nhiều nhưng tôi bị Yukiko cuốn hút ngay lập tức, với một mức độ mãnh liệt thách thức toàn bộ lý trí. Đó chính là cái lực hút lừng danh kia, mà tôi đã không còn cảm thấy từ rất lâu. Vì cô cũng sống ở Tokyo, chúng tôi gặp lại nhau sau kỳ nghỉ.

Tôi mời cô đi chơi nhiều lần.

Càng gặp cô nhiều, tôi càng thích cô hơn.

Tuy thế, hình thức của cô hết sức bình thường. Ít nhất thì đó không phải là kiểu phụ nữ mà đàn ông thích làm quen trên đường. Nhưng tôi, tôi tìm thấy trong những đường nét của cô điều gì đó dành cho tôi, dành riêng cho tôi. Tôi thích khuôn mặt cô.

Mỗi lần gặp, tôi lại nhìn cô chăm chăm. Đúng, khuôn mặt cô có điều gì làm tôi thích một cách sâu sắc.

– Tại sao anh nhìn em như thế?

– Bởi vì em xinh đẹp.

– Anh là người đầu tiên nói với em điều đó.

– Bởi vì anh là người duy nhất thật sự hiểu được vẻ đẹp của em. Anh hiểu điều đó, em biết mà.

Lúc đầu, cô không tin những gì tôi nói.

Và rồi, dần dần, cô học được cách đặt lòng tin vào tôi.

Những lần gặp nhau, chúng tôi tìm đến một nơi vắng vẻ để nói chuyện hàng giờ liền. Trước cô, tôi có thể nói một cách chân thành và trung thực.

Khi ở bên cô, tôi cảm thấy toàn bộ sức nặng của những gì tôi đã đánh mất trong mười năm sống một mình đã qua. Tôi có cảm giác quãng thời gian đó trôi đi một cách vô ích. “Nhưng vẫn còn chưa quá muộn, tôi tự nhủ. Mình vẫn còn có thể túm lại được thời gian đã mất kia”.

Khi ôm Yukiko trong tay, tôi có thể cảm thấy ở tận sâu trong ngực một cơn chấn động làm cả người tôi tràn ngập sự tiếc nuối.

Khi chia tay cô, tôi cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi.

Từ lúc đó, sự cô độc làm tôi tổn thương, im lặng làm tôi sợ hãi.

Sau ba tháng, tôi ngỏ lời cầu hôn.

Trích đoạn Chương 1 – Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Tôi sinh ngày bốn tháng Giêng năm 1951. Tuần đầu tiên của tháng đầu tiên của năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ hai mươi. Ngày sinh có ý nghĩa này khiến tôi được đặt trước tên Hajime, có nghĩa là khởi đầu. Ngoài đó ra, không có sự kiện đáng kể nào gắn liền với sự ra đời của tôi. Bố tôi làm cho một hãng môi giới, mẹ tôi là một người nội trợ bình thường. Bố tôi, được huy động đi lính trong một lứa quân dịch toàn sinh viên, đánh nhau bên Singapore. Cuộc chiến kết thúc, ông bị nhốt một thời gian trong một trại tù binh chiến tranh. Nhà của gia đình mẹ tôi bị bom B29 thiêu rụi vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Thế hệ bố mẹ tôi phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc xung đột dài dặc này.

Tuy thế, khi tôi sinh ra, không còn dấu vết nào của giai đoạn đau khổ đó nữa: không có những đống gạch đã đổ nát gần nơi chúng tôi sống, cũng không còn quân đội chiếm đóng. Chúng tôi sống ở một thành phố nhỏ tỉnh lẻ yên bình, trong một ngôi nhà do hãng của bố tôi phân cho: một ngôi nhà xây trước chiến tranh, hơi cũ kỹ nhưng khá rộng rãi. Trong vườn có một cây thông lớn, và có cả một cái ao nhỏ xung quanh có hang đèn bằng đá.

Khu phố chúng tôi ở là đại diện hoàn hảo cho một vùng ngoại ô dân cư dành cho các tầng lớp trung lưu. Bạn học của tôi, những người tôi có quan hệ thật mật – không nhiều lắm – đều sống ở những ngôi nhà riêng khá đỏm dáng. Chắc chắn chúng khác nhau về kích cỡ nhưng nhà nào cũng có lối vào giống nhau và một khu vườn trồng cây. Bố của các bạn tôi thường là nhân viên văn phòng hoặc làm việc trong các hãng thương mại. Các bà mẹ đi làm là một hiện tượng hiếm. Phần lớn các gia đình có nuôi một con chó hoặc một con mèo. Thời đó, tôi không quen ai sống ở căn hộ hết. Sau này, chúng tôi chuyển đến một thành phố khác, không xa lắm, và tình hình vẫn tương tự. Chính vì thế, cho đến khi vào đại học và đến sống ở Tokyo, tôi vẫn tin rằng người bình thường là phải đeo cà vạt, làm việc ở các văn phòng và sống trong những ngôi nhà riêng. Mọi cách sống khác với tôi đều là không thể, và vượt qua các giới hạn trí tưởng tượng của tôi.

Phần lớn các gia đình trong khu phố của chúng tôi có hai hoặc ba con: đó là con số trung bình của thế giới nơi tôi sống. Khi nhớ lại vài người bạn đã từng đi cùng tôi thời thơ ấu và thiếu niên, tôi thấy tất cả đều có một hoặc hai anh chị em. Những gia đình có sáu hoặc bảy con khá hiếm, con một lại càng hiếm hơn.

Thế nhưng tôi lại là con một. Suốt hồi còn bé lúc nào tôi cũng có mặc cảm thấp kém. Tồn tại của tôi có một điều đặc biệt: tôi bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường.

Khi còn nhỏ, tôi không chịu nổi khái niệm “con một”. Mỗi khi nghe thấy từ đó, tôi liền ý thức được ngay điều mà mình thiếu. Nó giống như là một ngón tay chỉ vào tôi mà nói: “Mi là một thằng người không hoàn chỉnh”.

Trong cái thế giới nơi tôi sống, mọi người đều chắc chắn rằng bọn con một là một lũ được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp. Cái đó giống như một thứ quy luật thần thánh và tự nhiên, theo cùng lối với những quy luật như “Bò sữa cho sữa” hoặc “Càng lên cao áp suất không khí cảng giảm”. Chính vì vậy tôi rất ghét bị hỏi về gia đình. Tôi biết thừa là ngay khi nghe câu trả lời của tôi, người kia sẽ tự nhủ: “A, hóa ra là một đứa con một; thế thì chắc chắn nó phải được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp”. Những phản ứng trăm lần như một đó làm tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi biết chúng quá rõ, đến mức ngán ngẩm. Nhưng điều tôi chán nhất là những người nói xấu tôi đó hoàn toàn có lý: không nghi ngờ gì nữa, tôi được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp.

Tại trường, những đứa con một hiếm đến mức trong suốt sáu năm cấp một tôi chỉ gặp một người. Thế nên tôi giữ một ký ức đặc biệt sống động về cô (đó là một cô bé). Chúng tôi nhanh chóng trở thành hai người bạn thân thiết nhất. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhau rất rõ. Thậm chí tôi còn nghĩ mình đã đem lòng yêu cô.

Cô tên là Shimamoto-san. Cô hơi kéo lê chân trái, hậu quả của chứng bại liệu mắc phải khi còn bé. Cô đến học ở lớp tôi vào cuối năm lớp năm sau nhiều lần chuyển trường trước đó. Hẳn là cô phải chịu đựng nhiều đau khổ hơn tôi rất nhiều. Nhưng, mặc cho cái gánh nặng đó trên vai, cô là đứa con một mạnh mẽ và ý thức rõ ràng về tình thế của mình hơn tôi rất nhiều. Không bao giờ cô than thở, lời nói và khuôn mặt cô không bao giờ để lộ những dằn vặt và, dù lâm vào hoàn cảnh nào, cô cũng giữ được cái vẻ hết sức thoải mái. Hoàn cảnh càng khó khăn, cô càng rạng rỡ hơn. Nụ cười đẹp của cô tùy trường hợp mà an ủi hoặc khích lệ tôi. “Mọi viêc sẽ ổn thôi, vành môi của cô như muốn nói; kiên nhẫn một chút thôi, sắp kết thúc rồi.” Sau này, mỗi khi nhớ đến cô, điều đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi bao giờ cũng là nụ cười đó.

Shimamoto-san đạt điểm cao ở trường và dễ chịu với mọi người, không chút phân biệt. Thế nên thường thì cô là học sinh nổi bật nhất trong lớp. Xét ở khía cạnh đó, cô là đứa con một rất khác tôi. Tuy nhiên tôi không tin là các bạn học của cô dành cho cô một sự trìu mến vô điều kiện. Chắc chắn là không ai hành hạ hay châm chọc cô, nhưng, ngoài tôi ra, cô không có người bạn thật sự nào khác.

Hẳn là với họ cô quá ngoại giao và khép mình. Có thể một số người nghĩ đó là tính lạnh lùng hoặc tự phụ. Về phần mình, tôi nhận ra được toàn bộ sự nồng ấm và nhạy cảm che giấu đằng sau vẻ ngoài của cô. Ở tận sâu con người cô còn che giấu cả một kho báu sống động, nằm đó chờ đến ngày được phát hiện, giống như một đứa trẻ chơi trò trốn tìm nhưng lại mong được tìm thấy. Thỉnh thoảng tôi thấp thoáng nhìn thấy được bóng dáng kho báu đó, nhờ vào một câu nói hay một cách dùng từ.

Vì công việc của bố, Shimamoto-san thường xuyên phải chuyển trường. Tôi không còn nhớ chính xác ông làm gì nữa. Một hôm cô đã nói với tôi nhưng, cũng giống phần lớn những đứa trẻ xung quanh, tôi không mấy quan tâm đến các hoạt động của người lớn. Tôi chỉ còn nhớ đó là một công việc chuyên môn hóa liên quan đến ngân hàng hay thuế má hay phục hồi công ty thua lỗ gì đó. Chỗ ở được phân cho gia đình cô là một ngôi nhà xây theo lối phương Tây khá lớn, sân được bao quanh bởi một bờ tường bằng đá tuyệt đẹp cao ngang người tôi, cùng một hàng rào cây nhỏ lúc nào cũng xanh tươi, xen với những cái khe để lộ một khu vườn có thảm cỏ.

Shimamoto-san có những đường nét khuôn mặt đều đặn, và khá cao so với một cô bé, gần cao bằng tôi. Trong vài năm nữa, cô sẽ trở thành một cô gái đẹp thu hút mọi ánh mắt nhìn. Nhưng, vào quãng thời gian khi tôi gặp cô, vẻ ngoài của cô còn chưa hé lộ hết những phẩm chất của cô: một vẻ mất cân bằng rất khó diễn tả khiến cho hầu hết mọi người đều thấy cô không có chút hấp dẫn nào. Theo tôi, điều đó là do phần đã trở thành người lớn của cô không phát triển theo cùng nhịp điệu với phần còn lại là trẻ con. Hẳn sự thiếu cân bằng đó đã làm những người gặp cô cảm thấy bối rối.

Vì nhà chúng tôi ở rất gần nhau (nhà cô chỉ cách nhà tôi một quãng ngắn), cô được xếp ngồi cạnh tôi vào tháng đầu tiên khi chuyển đến lớp. Tôi nói cho cô mọi thông tin cô cần về cuộc sống ở trường: đồ dùng, kiểm tra hàng tuần, chương trình học, lịch trực nhật và lịch căng tin. Đó là một trong những nội quy cơ bản của trường: người nào nhà gần một học sinh mới nhất sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn. Ngoài ra, vì Shimamoto-san bị tật, thầy giáo đã gọi riêng tôi lên để nhờ tôi giúp cô trong thời gian làm quen với môi trường mới.

Thoạt đầu, chúng tôi không cảm thấy thoải mái lắm. Vẫn thường như vậy giữa một cô bé và một cậu bé ở tuổi đó. Nhưng, khi biết cả hai đều là con một, những câu chuyện giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên sống động và thân mật. Đó là lần đầu tiên cả hai chúng tôi gặp được một đứa con một khác. Chúng tôi bắt đầu say sưa nói về chuyện đó. Cả hai chúng tôi đều có rất nhiều điều để nói về chủ đề này. Chúng tôi có thói quen chờ nhau vào giờ tan học để cùng về. Vừa chậm rãi đi hết một cây số ngăn cách với nhà chúng tôi (phải đi chậm vì chân cô bị tật), chúng tôi vừa bàn luận về mọi chuyện, điều này cho phép chúng tôi phát hiện rất nhiều điểm chung giữa hai đứa. Cả hai chúng tôi đều thích sách, nhạc, mèo, đều thấy khó khăn khi phải diễn đạt những nỗi xúc động, cùng có một danh sách dài những món ăn không thích, không gặp khó khăn nào khi học những môn mà mình thích nhưng rất ghét phải cố gắng học những môn không thích. Khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi là cô có ý thức hơn tôi rất nhiều về việc ẩn mình trong một cái mai rùa để tự bảo vệ khỏi thế giới bên ngoài. Dù sao cô cũng cố gắng học những môn không hấp dẫn và vẫn đạt điểm tốt, còn tôi thì không làm được thế. Nếu ở căng tin người ta phục vụ một món mà cô không thích, cô vẫn lấy và ăn hết, còn tôi thì không. Nói cách khác, bức tường phòng vệ mà cô dựng lên quanh mình cao hơn và vững chắc hơn bức tường của tôi. Nhưng những gì nằm sau bức tường đó lại giống một cách đáng ngạc nhiên với những gì có ở trong tôi.

….

Phía nam biên giới phía tây mặt trời - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

4.9/5 - (8 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Hàng Xóm - Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm – Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm, câu chuyện đi theo lời kể của một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và có ý thích viết văn. Anh chàng yêu vợ theo cách của mình, khen ngợi sùng bái người yêu cũng theo cách của mình, nhưng nhìn cuộc đời theo cách sống của những người hàng xóm. Sống trong tình yêu của vợ đầy mùi thơm và nhiều vị ngọt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.