Phía Sau Nghi Can X – Higashino Keigo

Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

Thể Loại Truyện Trinh Thám
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 396
Ngày Xuất Bản 05 – 2019
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Phía Sau Nghi Can X

Phía sau nghi can X (容疑者Xの献身 Yōgisha Ekkusu no Kenshin) là một bộ tiểu thuyết được viết vào năm 2005 bởi Higashino Keigo, cuốn thứ ba trong Series Thám tử Galileo (tức nhân vật Manabu Yukawa) và đây là tác phẩm thành công nhất của ông từ trước đến nay.

“Việc nghĩ ra một bài toán vô cùng khó và việc giải bài toán đó, việc nào khó hơn?”

Khi nhấn chuông cửa nhà nghi can chính của một vụ án mới, điều tra viên Kusanagi không biết rằng anh sắp phải đương đầu với một thiên tài ẩn dật. Kusanagi càng không thể ngờ rằng, chỉ một câu nói vô thưởng vô phạt của anh đã kéo người bạn thân, Manabu Yukawa, một phó giáo sư vật lý tài năng, vào vụ án. Và điều làm sững sờ nhất, đó là vụ án kia chẳng qua cũng chỉ như một bài toán cấp ba đơn giản, tuy nhiên ấn số X khi được phơi bày ra lại không đem đến hạnh phúc cho bất cứ ai…

Với một giọng văn tỉnh táo và dung dị, Higashino Keigo đã đem đến cho độc giả hơn cả một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Mô tả tội ác không phải điều hấp dẫn nhất ở đây, mà còn là những giằng xé nội tâm thầm kín, những nhân vật bình dị, và sự quan tâm sâu sa tới con người.

Cuốn tiểu thuyết này đã đem về cho ông vô số giải thưởng, bao gồm giải Naoki lần thứ 134, giải thưởng vô cùng cao quý tại Nhật. Ngoài ra, tác phẩm này cũng giành được giải thưởng Honkaku lần thứ 6, một trong những giải thưởng có uy tín dành cho những tác phẩm thuộc thể loại kì bí tại Nhật. Hai quyển sách hướng dẫn về những tác phẩm kì bí thường niên – 10 tiểu thuyết kì bí hay nhất của giải Honkaku (2006) và Kono Mystery ga Sugoi! (2006), đã xếp bộ tiểu thuyết vào vị trí thứ nhất.

Phiên bản tiếng Anh của tiểu thuyết được đề cử vào năm 2012 cho giải Tiểu thuyết xuất sắc nhất của giải Edgar và Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất vào năm 2012 của giải Barry.Tiểu thuyết đã được xuất bản bởi Nhã Nam với nhan đề “Phía sau nghi can X” vào năm 2009 do Trương Thùy Lan dịch.

Nội dung Phía sau nghi can X

Câu chuyện bắt đầu bằng việc hai nhân vật Ishigami Tetsuya và Yasuko Hanaoka bắt đầu cuộc sống thường ngày. Yasuko Hanaoka là một người mẹ đơn thân đã ly dị và làm việc tại một nhà hàng cơm hộp trong địa phương. Ishigami là một giáo viên dạy Toán vô cùng tài năng, là hàng xóm của Yasuko và cô con gái Misato. Vào một ngày, Togashi (chồng cũ của Yasuko) xuất hiện để xin tiền từ Yasuko, sau đó đe dọa cả cô và Misato, tình thế đột nhiên chuyển sang xu hướng bạo lực, và Togashi bị giết bởi hai mẹ con. Nghe được tiếng xô xát, Ishigami, người thầm thương trộm mến Yasuko, đã xin được giúp đỡ, anh ta đã xử lý cái xác và xây dựng câu chuyện cho vụ giết người từng bước một.

Khi cái xác được tìm thấy và nhận dạng danh tính, Kusanagi đã điều tra vụ việc và Yasuko trở thành nghi phạm. Kusanagi không tài nào tìm được điểm đáng nghi trong bằng chứng ngoại phạm của Yasuko, tuy vậy anh vẫn chắc chắn rằng có điều gì không ổn với lời khai của cô, một điều mà anh vẫn chưa tìm ra được. Kusanagi đến thăm giáo sư Manabu Yukawa, một nhà vật lý học và là người bạn học cùng đại học, người thường xuyên giúp đỡ cảnh sát. Yukawa cũng học chung trường với Ishigami, ở đó anh biết được khả năng và kỹ xảo giải quyết bài toán của Ishigami, Yukawa đánh giá rất cao về trí thông minh của Ishigami. Sau khi gặp lại Ishigami sau nhiều năm, Yukawa tin chắc rằng Ishigami có gì đó liên quan tới vụ giết người. Sau đó là một cuộc đấu trí đỉnh cao giữa Yukawa và Ishigami, trong khi Ishigami cố gắng bảo vệ Yasuko bằng những chiến thuật của mình và suy nghĩ sâu sắc hơn cả Yukawa, thì đối thủ là giáo sư Yukawa vô cùng thông minh và đầy kiên định.

Khi cuối cùng Yukawa hiểu ra được kế hoạch của Ishigami, anh vô cùng kinh ngạc trước sự hiến dâng tất cả của Ishigami dành cho Yasuko. Không ai có thể nhìn thấu được Ishigami, nhưng chỉ duy nhất Yukawa có thể hiểu được kế hoạch của Ishigami để che giấu vụ giết người gây ra bởi Yasuko.

Nhận định

“Cuốn tiểu thuyết độc đáo ở chỗ ngay từ đầu nó đã vẽ ra toàn cảnh câu chuyện, bạn có thể dễ dàng biết ai là thủ phạm, nhưng cách thức phạm tội của thủ phạm mới là vấn đề. Liệu bạn có dám chắc mình không sa vào cái bẫy của tư duy logic?”Richard Lim Jr – Xclusive.com

“Dẫu không có những tình tiết gay cấn đến nghẹt thở nhưng người đọc chắc chắn sẽ thấy thỏa mãn với cuốn sách này. Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết trinh thám thông thường, Phía sau nghi can X còn là một câu chuyện về tình yêu, về mối quan hệ khăng khít nhưng vô cùng khắc nghiệt giữa lý trí và tình cảm trong một con người. Qua đó, ta cũng tự đặt ra cho chính mình một câu hỏi, ‘Vì tình yêu, con người ta có thể đi xa đến đâu?’”Stefan S – A Nutshell Review

“Phía sau nghi can X gây hứng thú cho người đọc bởi nó khác rất nhiều so với những cuốn trinh thám thông thường. Thay vì tập trung miêu tả tội ác, cuốn tiểu thuyết chú trọng hơn vào con người, những mối quan hệ kỳ lạ và hoàn cảnh éo le của từng nhân vật. Càng thú vị hơn nữa, câu chuyện đầy tính nhân văn này lại được mô tả dưới góc nhìn đầy lý trí của toán học và vật lý.”Sophia Lee – Phoenix Plume

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

II. Review sách Phía Sau Nghi Can X

Review sách Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Phía Sau Nghi Can X của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. LINH HOÀNG review sách Phía Sau Nghi Can X

‘Phía sau nghi can X’ là một cuốn sách trinh thám không quá dài, nhưng ngắn không có nghĩa là ít cái để nghĩ, trinh thám không có nghĩa là chỉ có vụ án, kẻ giết người, điều tra. Cái mà cuốn sách đem lại, có lẽ nó hơn thế rất nhiều. Đằng sau thứ mà người ta gọi là tội ác, thì còn quá nhiều thứ để nghĩ. Là những thiên tài không được xã hội thừa nhận, một Ishigami thần đồng toán học trăm năm có một lại phải đi làm thầy giáo dạy toán cấp III, nơi mà việc chẳng một ai chịu học toán, toán học đối với anh mất đi ý nghĩa thực sự; một Yukawa thiên tài vật lý cũng chỉ suốt ngày nhốt mình trong lab. Là những con người nhỏ nhoi trong xã hội, quẩn quanh không lối thoát, tình yêu đối với người phụ nữ trung tuổi Yasuko dường như mãi là một thứ xa vời, hạnh phúc tưởng như rất gần để rồi thực ra nó rất xa; những người vô gia cư sống đầy bên sông, họ là những nhân vật không tên nhưng đóng vai trò quan trọng trong truyện, họ biến mất cũng chẳng ai biết, ai hay, không có sợi dây nào kết nối họ với thế giới…

Nửa đầu truyện mạch truyện có vẻ chậm, tác giả đã gài vào đấy một câu hỏi “Việc nghĩ ra một bài toán vô cùng khó và việc giải bài toán đó, việc nào khó hơn?”, đó là câu hỏi mà thiên tài vật lý đã dành cho Ishigami, cũng là một cái gợi mở cho người đọc. Về sau thì mọi thứ có vẻ nhanh hơn, đặc biệt là những ai yêu thích toán học chắc hẳn sẽ mê mệt cuốn này, vì có nhiều cái hay về toán học được đề cập đến, có lẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ. Toán học là thứ logic mà không phải ai cũng nắm bắt được, việc học toán không chỉ đơn giản là đi theo lối mòn sáo rỗng của những con số, nó cũng có linh hồn, mà những ai yêu nó, hiểu nó thì sẽ nhìn nhận nó theo cách khác. Không phải ai cũng giải một bài hình học bằng cách đạo hàm cả, không phải ai cũng nhìn ra nó.

Cái kết truyện để lại một sự ám ảnh nhất định. Tiếng gào của Ishigami cứ vọng mãi trong đầu mình. Tiếng gào thổn thức, đầy tuyệt vọng. Đằng sau một kẻ sát nhân là gì ? Là một tình yêu. Tình yêu của một thiên tài toán học, kẻ nắm trong tay những lý luận logic tuyệt vời. Thực ra thì cái tình yêu này, có thể cảm nhận là nó không chỉ là tình yêu nam nữ thông thường, đó là sự thức tỉnh của đôi mắt đẹp của hai mẹ con đối với cuộc đời tăm tối của Ishigami, một con người không có sự ham thích với cái đẹp nhưng lại tìm lại được ý nghĩa cuộc sống thông qua đôi mắt đẹp đó. Chính nó còn gián tiếp cứu Ishigami khỏi việc tìm đến cái chết. Mọi thứ hóa ra cuối cùng chính là do tiếng gõ cửa của định mệnh.

Đây là một cuốn trinh thám rất hay. Và đậm chất Nhật Bản với những con người mang tính tự kỉ của thời đại. Rất nhiều cuốn sách Nhật đã mô tả những kiểu nhân vật như Ishigami, nhưng lần đầu tiên mình đọc dưới dạng muốn cuốn sách trinh thám, khiến mình phải nghĩ nhiều cái hơn, để phân định rõ ràng hơn giữa ranh giới của nhiều cái, để nhìn thấy được những triết lý đầy tính nhân văn sâu sắc đằng sau những thứ tưởng chừng như khô khan …

2. VÂN NGUYỄN review sách Phía Sau Nghi Can X

Thật tài tình.

Cái tài của tác giả là làm cho người đọc thấy được cái sai sai trong suy luận, nhưng lại không biết cái sai đấy như thế nào, bắt đầu từ lúc nào.

Ngay từ đầu, tác giả đã dẫn dắt ta đến với một vụ án với động cơ đơn giản, cách giết cũng không có gì phức tạp. Đến khi cao thủ thực sự ra tay, câu chuyện mới đến hồi gay cấn.Từ việc che đậy vụ án, làm chứng cứ giả, trả lời cảnh sát, phương án dự phòng, tất cả đều chu toàn.

Một vụ đấu trí đầy kịch tính.

Vụ án bản chất đơn giản như một bài toán cấp 3, nhưng việc hiểu ý nghĩa sâu xa của người ra đề, cũng như đoán được mục đích của đề bài lại rất khó khăn. Kiểu giết người mà được đánh giá đầy lí tính kiểu toán học và lí học. Keigo dẫn dắt, miêu tả thật chặt chẽ, mỗi chi tiết đều có ý nghĩa riêng, không thừa thãi những miêu tả không cần thiết, chính vì thế, khi đọc, một chi tiết nhỏ cũng có thể gợi mở rất nhiều điều.

“Lỗi suy nghĩ định kiến bao giờ cũng là kẻ thù. Chúng sẽ khiến ta không thể nhìn thấy những thứ có thể nhìn thấy được.”

Câu này diễn tả chính xác kiểu của Keigo, kiểu bật ngửa người vì ngỡ ngàng khi đọc, bất ngờ với hung thủ, từ trí tuệ đến tình cảm, từ lí trí đến cảm xúc. Mình đọc được gần hết thì đi ngủ, hôm sau mới đọc mấy chương cuối, cho nên lúc biết sự thật, kiểu sốc lắm ý. Nhưng cách thức đó thể hiện rõ nhất tình cảm đơn phương của Ishigami mãnh liệt, và cách trả ơn của Ishigami dành cho 2 mẹ con. Cũng là lời giải cho bài toán cuộc đời mà Ishigami đã cất công tìm kiếm bấy lâu.

Higashino Keigo đã thêm vào một tiểu thuyết trinh thám gia vị tình yêu, giúp nâng tầm bi kịch lên, hoàn thành một cuốn tiểu thuyết trinh thám hoàn hảo.

Bàn về trinh thám thì mình không dám, vì mới bắt đầu đọc thể loại này, nhưng phải công nhận cuốn này lôi cuốn dã man, kiểu vào truyện thì rất từ từ và nhẹ nhẹ, nhưng càng đọc càng bị cuốn, cuốn theo mạch truyện, cuốn theo tâm lí nhận vật, theo cả những mối quan hệ và hoàn cảnh éo le của nhân vật.

3. DƯƠNG TÂN review sách Phía Sau Nghi Can X

Dương Tân review sách Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“VIỆC NGHĨ RA MỘT BÀI TOÁN VÔ CÙNG KHÓ VÀ VIỆC GIẢI BÀI TOÁN ĐÓ, VIỆC NÀO KHÓ HƠN?”

Mở đầu năm mới bằng việc review một cuốn sách “trinh thám” nhẹ nhàng đến từ tác giả Higashino Keigo. Phía sau nghi can X.

Cuốn tiểu thuyết gây hứng thú với độc giả bởi nó khác rất nhiều so với những cuốn trinh thám thông thường. Ngay từ đầu , tác giả đã vẽ ra toàn cảnh câu chuyện, bạn dễ dàng biết ai là thủ phạm. Thay vì tập trung miêu tả tội ác, sách tập trung hơn vào con người. Những giằng xé nội tâm thầm kín, những nhân vật bình dị, và mqh tình cảm vượt xa mức độ hình dung của bạn về tình yêu.

Nhân vật chính trong câu chuyện là ishigami, một giáo viên dạy toán cấp 3 và cũng là 1 thiên tài về toán học. Để bao che cho tội ác của người phụ nữ a yêu , ishigami đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo – một bài toán không có lời giải để qua mặt cảnh sát. Các điều tra viên dễ dàng rơi vào cái bẫy được đặt trước, cho đến khi một người xuất hiện. Manabu Yukawa, một thiên tài về vật lý và cũng là bạn cũ của Ishigami.

Toàn bộ câu chuyện là hành trình tìm kiếm câu trả lời thật sự về vụ án. Liệu bạn có dám chắc mình không sa vào bẫy của tư duy logic? Vụ án chẳng qua cũng chỉ là một bài toán cấp 3 đơn giản, tuy nhiên ẩn số X khi được phơi bày ra lại không đem hạnh phúc cho bất kỳ ai…

Và dưới góc nhìn đầy lí trí của toán học và vật lý, câu chuyện nhân văn này có sức hấp dẫn đến kỳ lạ.

“VÌ TÌNH YÊU, CON NGƯỜI CÓ THỂ ĐI XA ĐẾN ĐÂU?”

Một người con gái đặc biệt 🌵từng hỏi tôi rằng: tình yêu là gì?

Và tôi Tl: là cho đi mà không cần nhận lại.

Điều đó thật đúng với thứ tình cảm mà Ishigami dành cho Yasuko – người phụ nữ cạnh nhà a. Yasuko là một người phụ nữ xinh đẹp , đã li hôn và có 1 người con gái. Cô dời nhà để tránh gặp mặt người Ck cũ – kẻ đeo bám – một kẻ không ra gì. Hoàn cảnh đưa đẩy làm cô phải ra tay sát hại hắn. Ishigami xuất hiện và giúp cô bao che việc đó. Với hy vọng là có được tình cảm của Yasuko. Nhưng đằng sau đó là một bí mật khủng khiếp- một sự hy sinh to lớn. Để khi bức màn câu chuyện khép lại, những gì còn đọng lại trong ta không còn là tình tiết vụ án. Mà chính là cảm giác chua xót- vừa thương vừa giận- vừa đồng cảm và vừa không ngờ được.

Khi đọc xong, tôi cũng tự hỏi liệu mình có vì tình yêu mà hy sinh nhiều như thế. Kể cả việc đó có trái với lương tâm. Hãy đọc tác phẩm này và tìm câu trả lời cho mình. 🌼

4. GERICHILLI review sách Phía Sau Nghi Can X

Khi bắt đầu đọc tác phẩm Phía sau nghi can X của Higashino Keigo, tôi đã trông đợi và gần như đoán chắc trong đó sẽ đầy rẫy những tội ác kinh tởm, những dối trá và sự tàn nhẫn, lạnh lùng đến rợn người giống như tác phẩm đầu tiên dẫn tôi bước vào thế giới của nhà văn trinh thám hàng đầu Nhật Bản này – Bạch Dạ Hành. Nhưng không, Bạch Dạ Hành dù đối với tôi vẫn là tác phẩm xuất sắc nhưng tôi nhận ra mình thích Phía sau nghi can X hơn rất nhiều, bởi trong tội ác ta lại thấy được tình người, tình yêu sâu sắc đến mức ngay cả người ngoài cuộc cũng phải rúng động, vừa mù quáng đến đáng thương mà lại vừa lí trí đến kinh ngạc, tôi thích tiểu thuyết của Keigo vì những điều đối lập cứ đánh nhau bùm chéo nhưng lại quấn quýt nhau không thể tách rời như thế đấy.

Ngay từ đầu, Keigo đã tiết lộ cho độc giả kẻ giết người chính là Yasuko và Misato. Yasuko là một người phụ nữ xinh đẹp khiến cánh đàn ông xao xuyến nhưng có vẻ chị không nhận ra sức hút của bản thân, người phụ nữ này có hai đời chồng, Misato chính là con gái của chị và người chồng đầu tiên, Yasuko làm nghề tiếp viên, gặp gỡ và rồi kết hôn với người chồng thứ hai, Togashi, cũng chính là nạn nhân của vụ án mạng. Sau khi sống chung, phát hiện Togashi không bóng bẩy như vẻ bề ngoài mà chỉ là một kẻ khốn nạn, Yasuko đã li hôn, nhưng dù chị có trốn chạy thế nào, Togashi vẫn không ngừng đeo bám quấy rầy mẹ con Yasuko, không thể nhẫn nhịn thêm nữa, họ đã giết Togashi, tất nhiên vụ giết người này mang tính bộc phát.

Ngay khi Yasuko quyết định đầu thú, thì Ishigami, người hàng xóm hàng ngày vẫn mua cơm hộp nơi Yasuko làm việc đề nghị giúp đỡ chị. Bằng bộ óc thiên tài và tình yêu vô tận dành cho Yasuko, Ishigami đã tạo ra những chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo cho mẹ con cô, ngay cả kẽ hở trong chứng cứ cũng là một phần của kế hoạch không chút sai sót ấy. Một kế hoạch tính đến tất cả yếu tố, một bài toán khó đến mức cảnh sát không thể nào tìm trường hợp để chỉ ra nó sai, và cho dù Ishigami đã giúp họ tìm lời giải, họ cũng chẳng thể kiểm chứng tính chính xác của lời giải đó được. Bộ óc thiên tài đụng độ với bộ óc thiên tài, Ishigami toán học và Yugawa vật lý, nhưng giữa họ không phải là cuộc tranh chấp xem rốt cuộc ai mới là người xuất sắc hơn mà là câu chuyện về tình bạn, lòng trắc ẩn, và sự tiếc thương dành cho một tài năng không thể thăng hoa trên con đường danh vọng. Phương trình cuộc đời vốn dĩ đâu thể giống như phương trình toán học, dẫu có là thiên tài Ishigami, cũng chẳng thể chỉ dùng giấy và bút mà có thể tìm ra được nghiệm.

5. HUỲNH NGỌC DUNG review sách Phía Sau Nghi Can X

Huỳnh Ngọc Dung review sách Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

— PHÍA SAU NGHI CAN X —

Photo & review: @hanmeowlittleworld

  • Nếu mọi người miêu tả câu chuyện tóm gọn trong 1 câu: “Vì tình yêu người ta có thể đi xa đến mức nào” thì mình sẽ dùng câu “If love goes too far, it turns into cruelty.” — Haruo Shirane để làm câu tóm tắt.
  • Hung thủ lộ diện ngay đầu câu chuyện với toàn bộ hình thức gây án và nguyên nhân giết người vẫn thường bắt gặp trên báo đài: Người chồng cũ của Yasuki đến tìm và đeo bám cô sau 5 năm bặt vô âm tính. Sự đeo bám đã quấy nhiễu cuộc sống vốn yên bình của hai mẹ con, và cao trào xảy ra khi cô đã vô tình giết gã trong lúc dằn co. Chuẩn bị ra đầu thú, cô nhận được lời đề nghị giúp đỡ phi tang xác từ Ishigami, một thiên tài toán học dưới danh thầy giáo dạy toán tại trường Đại học.
  • Diễn biến tiếp theo của câu chuyện là sự xuất hiện ồ ạt của những nhân vật phụ và sự điều tra lòng vòng với kết quả không khả quan của các viên cảnh sát. Việc tham gia giúp đỡ phá án của nhà vật lý Kisuya như một tia sáng cứu vãn cho tình trạng mờ mịt của điều tra viên Kusanagi.
  • Mạch văn chậm rãi với nhiều tình tiết dường như không liên quan làm bản thân mình có chút mệt mỏi. Nhưng càng đọc, mình phát hiện không có chi tiết nào thừa thãi. Tất cả đều nằm trong tính toán tinh vi của chủ mưu được thể hiện qua sự dẫn dắt tinh tế của tác giả. Và cái kết bất ngờ chính là lời giải hoàn hảo cho những tình tiết tưởng chừng thừa thải đó .
  • Lồng ghép trong câu chuyện trinh thám là những thước phim tâm lý đặc sắc. Tác giả đã miêu tả nhân vật Ishigami như nhà đạo diễn kiêm biên kịch đại tài còn mẹ con Yasuki là những diễn viên thật xuất sắc .
  • Khép lại câu chuyện, mình vẫn cảm thấy khi tình yêu được đẩy lên cao không đúng chỗ, nó trở nên độc ác, độc ác với chính bản thân và với những người xung quanh.

6. DUC THINH review sách Phía Sau Nghi Can X

Tôi không nghĩ sẽ viết review truyện trinh thám, nhưng với Phía sau nghi can X (X) thì tôi quyết định phải vậy. X được Keigo kể lại với giọng văn giản dị, không “hiệu ứng”. Bối cảnh trong X cũng hoàn toàn bình thường, không hề màu mè hay có tình tiết Hollywood nào. Vụ án, hiện trường, điều tra, cách gỡ nút thắt được tác giả dựng lên hoàn toàn điềm tĩnh. Tiến độ điều tra vụ án cũng bình thường, không nhanh không chậm. Màu sắc vụ án cũng không bí hiểm như những quyển của Agatha Christie, hay tàn ác như loạt Comoran Strike của Robert Galbraith. Nhưng nội dung của câu chuyện thì hoàn toàn khác.

Việc nghĩ ra một bài toán khó, và việc giải bài toán đó, việc nào dễ hơn?

Ở X, không hề có các cuộc chiến nào ngoài cuộc chiến tâm lý, lương tâm và logic. Nhân vật là những người bình dị như thầy giáo dạy toán, thầy giáo dạy vật lý, người mẹ đơn thân. Chính vì sử dụng những nhân vật như vậy, X càng trở nên thật và ám ảnh. Những hoàn cảnh, tâm lý rất đỗi bình thường của con người được Keigo mổ xẻ và làm chất liệu cho câu chuyện. Trong X, cách thực hiện vụ án không quan trọng bằng lý do để làm nó. Bản thân vụ án không quan trọng bằng những người liên đới. Và những con người này, cuộc sống của họ, nguyện vọng của họ, động cơ đẩy họ phạm tội làm tôi nhói đau. Thiên tài bị xã hội bỏ quên. Người tìm bình an nhưng cứ bị bám đuổi bởi quá khứ. Những người sống không ai biết, chết không ai hay. Người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và vì muốn bảo vệ nó mà đẩy bản thân mình vào bi kịch.

Việc đưa ra lời giải cho một bài toán và việc kiểm chứng lời giải của người khác, việc nào khó hơn?

Nhưng không có nghĩa là ở X chỉ có nhân văn được coi trọng. Nếu vậy thì X đã không còn là một tiểu thuyết trinh thám. Các chi tiết được sắp xếp quá tài tình. Đọc X tôi có cảm giác như tác giả đang đi guốc trong bụng mình vậy. Mỗi khi tôi có thắc mắc, thì nó được giải đáp ở vài trang sau đó. Cứ như thế Keigo dẫn dụ tôi đi hết X lúc nào không hay.

Và tôi nghĩ dù mình có bỏ ra bao nhiêu thời gian để suy nghĩ lời giải của vụ án này đi chăng nữa, thì tôi cũng không thể có lời giải hay hơn của tác giả. Lời giải làm tan nát, vỡ vụn mọi thứ xung quanh để rồi câu chuyện kết thúc bằng những tiếng gào thét.

Chưa bao giờ đọc một tác phẩm trinh thám mà tôi lại sững sờ đến như vậy.

7. APRIL review sách Phía Sau Nghi Can X

“PHÍA SAU NGHI CAN X” – Cái bẫy của tư duy logic. Thực ra mình rất thích trinh thám. Tình yêu trinh thám bắt nguồn từ cuốn truyện tranh Conan của Nhật Bản. Từ những câu chuyện hồi hộp tìm dấu vết, hung khí, cách thức để vạch mặt hung thủ bao giờ cũng tạo cho mình cảm giác vừa sợ, vừa đam mê, vừa tò mò. Thế nhưng, cuốn sách này khác hẳn với những cuốn trinh thám thông thường.

“Phía sau nghi can X” không dẫn dắt người đọc đi từ trình tự bình thường, lần đầu mình đọc một cuốn trinh thám mà đã tác giả đã hào phóng cho người đọc biết tất tần tật danh tính của hung thủ và đồng phạm ngay từ nửa đầu cuốn sách. Nhưng cuốn sách này không gây cảm xúc chán nản cho người đọc vì còn bí mật nào được giấu nữa đâu. Rồi mình nhận ra, chính cách viết này lại mang đến cho độc giả những trải nghiệm khó quên. Họ như bị thôi miên trong lời kể của tác giả, cử phải lật từng trang, từng trang để biết xem liệu hung thủ có bị bắt, liệu việc tạo chứng cứ ngoại phạm có qua được mắt của cảnh sát hay không. Rốt cuộc Higashino Keigo vẫn cho người đọc thảng thốt tò mò, nhưng không phải vì hung thủ là ai, mà là cách thức phạm tội của hắn là gì, thế nên tên sách mới là “Phía sau nghi can X”.

Đây là cuốn sách khiến ta hồi hộp và liên tục thầm suy nghĩ xem liệu nhân vật này sẽ làm gì tiếp theo, ai sẽ là người gánh chịu tổn thương và cái kết của cuốn sách sẽ như thế nào. Tuy nhiên, không chỉ dồn dập khiến người đọc thót tim, cuốn trinh thám còn là lời kể nhẹ nhàng đúng kiểu của Nhật. Nhưng sự khác biệt là nó lại mang đến sức nặng lớn lao trong từng câu chữ, nó bắt người đọc phải ngẫm nghĩ và liên tưởng. Khi đọc lời giới thiệu tác giả Higashino Keigo mình đã nghi ngờ rằng cuốn sách này sẽ chuyên sâu và nhiều kiến thức gây khó hiểu. Nhưng không, lời văn của ông trôi chảy, mạch lạc, có sức gợi mở rất lớn. Những dòng liên quan đến bộ môn Toán và Vậy lí ông đem vào cũng chẳng có gì khó hiểu, mà còn cho thấy tài năng tuyệt vời của ông. Một cuốn sách không chỉ là Văn mà còn là khoa học thần bí giúp người đọc mở mang.

“Phía sau nghi can X” có trinh thám, có tình bạn, có tình yêu, có tâm lý xã hội. Các nhân vật ở trỏng từ hình tượng đến cách hành xử cũng rất đời thường. Đọc đến những dòng cuối mình thực sự rất cảm động. Cho dù có thích hay không cái kết của cuốn sách thì cũng không thể phủ nhận tác giả đã viết nó rất hợp lí, rất đời. Sau khi gập sách lại bạn sẽ khó có thể diễn tả cảm xúc. Bạn sẽ thấy nó thật hoàn hảo, chỉn chu từ đầu đến cuối. Bạn thầm nhủ sẽ giữ gìn cuốn sách để đến lúc nào đó thưởng thức lại nó vì đó quả là một trải nghiệm lý thú.

8. JULY DARLING review sách Phía Sau Nghi Can X

Dành tặng 4.5/5 cho tác phẩm này huhuhu thật sự xuất sắc, một tác phẩm hoàn hảo và khiến mình há hốc mồm cho đến con chữ cuối cùng.

“Phía sau nghi can X” có motif hơi khác so với những truyện trinh thám trước đây mà mình đọc. đó là tác giả đã cho bạn biết hung thủ, cách thức gây án, bối cảnh lúc xảy ra sự việc, và cả cách mà hung thủ xử lí để giấu nhẹm đi mọi việc. vấn đề ở chỗ, tấm màn này được cảnh sát điều tra vén lên như thế nào mà thôi. Những tưởng sẽ chẳng có gì đặc biệt lắm nhưng không hề!!! đọc mà cảm tưởng mình bị lừa lúc nào chẳng biết, bị lôi vào cái bẫy logic mà chẳng thoát được ra cho đến giây phút cuối cùng. Có nhiều chi tiết mà càng nghĩ càng thấy thấm thía. Một chuỗi sự việc được bố trí hoàn hảo, hợp lý, không chi tiết nào thừa thãi cả. đặc biệt tác giả khắc họa được nội tâm nhân vật sâu sắc đến ngỡ ngàng.

Có một Ishigami đam mê toán học, là một thiên tài ẩn dật, một người mà có thể xếp đặt mọi thứ một cách chính xác và không hề mâu thuẫn khiến nhìn theo góc độ nào cũng không thể nghi ngờ. và anh có một tình yêu sâu đậm dành cho Yasuko – một phụ nữ làm ở quán cơm hộp, tầm trung niên và không có gì nổi bật. một tình yêu mà anh đã hi sinh tất cả để bảo vệ người ấy đến cùng. Cuối cùng vẫn là mong hai mẹ con Yasuko có thể sống hạnh phúc và thanh thản. nhưng điều anh che giấu lại quá sức tưởng tượng, tàn nhẫn và khiến người ta day dứt. “Vì tình yêu, con người ta có thể đi xa đến đâu?”

Có một người bạn cũng là đối thủ có một không hai như Yukawa, một thiên tài ngành vật lý với lối suy luận bậc thầy. sau khi nghe về nguyên tắc ra đề thi của thầy giáo Ishigami “trong đề có những chỗ không thể phát hiện ra nếu cứ suy nghĩ theo một hướng, bề ngoài thì tưởng là hình học nhưng thực chất lại là hàm số.” thì Yukawa đã nhận ra mọi việc. “trông thì tưởng là gài bẫy ở chứng cứ ngoại phạm nhưng thực ra bẫy được đặt ở cách che giấu tung tích nạn nhân”. Và dù Yukawa là người chỉ điểm ra tội ác của Ishigami nhưng với tư cách một người bạn thân từ hồi đại học, Yukawa quá đỗi buồn và thấy tiếc cho một bộ óc thiên tài.

Một cái kết thật khiến người ta không thể quên được, đầy day dứt nhưng cũng là cái kết không thể thuyết phục hơn. Đọc mấy chương cuối mà muốn gớt nước mắt luôn ó :((((( thật ra đoạn đầu và đoạn giữa thấy cũng bình bình thui – nghĩa là không có gì nổi trội í, nhưng đến cuối bác Keigo cho một cú plot twist há hốc mồm huhuhu và nó cân cả tác phẩm luôn. Và nếu không có cú lội ngược dòng í thì cũng khó mà lấy đượ 4.5* của mình hohoho

Một cái kết như thế là đủ, là hợp lí với các nhân vật. và một tác phẩm khiến người ta suy ngẫm nhiều về ý nghĩa sâu xa của nó, với nội tâm nhân vật phức tạp nhưng đáng thương hơn là đáng ghét, cả giọng văn của Keigo (và bản dịch rất mượt nữa), tất cả tạo nên một kiệt tác mà ai cũng nên đọc một lần trong đời.

9. THU HÀ LƯƠNG review sách Phía Sau Nghi Can X

Mình đã từng không thích các tác phẩm văn học Nhật cho đên khi đọc được cuốn sách này. Một tác phẩm trinh thám tâm lý của nhà văn đại tài Higashino Keigo. Vẫn là một cái kết đầy bất ngờ, một cuộc đấu trí của những thiên tài.

Igashimi – một thiên tài toán học, Yugawa – một nhà vật lý. Cuộc đối đầu giữa họ xoay quanh những bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo, những chứng cứ không rõ ràng. Người đọc bị dẫn vào những suy luận sắc bén nhưng rối rắm, tác giả đưa người đọc vào mốt lối suy luận chắc nịch khi hung thủ và kẻ tiếp tay được biết trước. Nhưng cái kết không thể bất ngờ hơn khi những suy luận ấy chệch hướng và sự thật bị vạch trần.

Truyện còn thể hiện rõ lên tình yêu của Igashi dành cho Yasuki. Anh yêu cô từ cái nhìn đầu tiên, sẵn sàng chịu tội thay người phụ nữ ấy mà không cần đáp lại, chỉ cần Yasuki được hạnh phúc.

Một tác phẩm trinh thám nhưng lại mang yếu tố tâm lý sâu sắc, Higashino Keigo luôn khắc họa được rõ nét diễn biến tâm lý của nhân vật: ở Ishigami toát ra một vẻ dửng dưng lạnh lùng, nhưng lại có một tâm lý phức tạp, hắn là người cô độc, tài giỏi nhưng lại không có sự cố chấp, coi thường của những người giỏi nhưng không gặp thời, Ishigami hoàn toàn với cuộc sống hiện tại. Một con người có vẻ bát cần, trầm tính lại có một bộ óc vĩ đại, anh đã đánh lừa tất cả mọi người, xoay họ như chong chóng giữ những chứng cứ mình tạo ra.

Truyện còn thể hiện rõ sự ngưỡng mộ của Yugawa dành cho người bạn học cũ, khi biết được sự thật, anh đã vô cùng thương tiếc, đau khổ cho một thiên tài như Ishigami

Tôi đã khóc khi đọc đoạn kết, câu nói “Em không thể hưởng hạnh phúc một mình, em sẽ chịu tội cùng anh” thực sự đã ám ảnh tôi một thời gian dài…

III. Trích dẫn sách Phía Sau Nghi Can X

Trích dẫn sách Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong Phía Sau Nghi Can X

(…) Khảo sát nghĩa là việc suy nghĩ rồi quan sát. Làm thí nghiệm xong rồi vui mừng vì đạt được kết quả như mong muốn thì mới chỉ là vấn đề về cảm giác thôi. (…) Tôi muốn em tự mình phát hiện ra được điều đặc biệt gì đó từ thí nghiệm của mình (…)

(…) Những điều thầy đang dạy các em mới chỉ là cánh cửa để bước vào thế giới toán học mà thôi. Nếu các em không biết cánh cửa đó ở đâu thì các em không thể đi vào bên trong được. Tất nhiên, em nào không thích thì không cần vào. Thầy kiểm tra các em là chỉ muốn xem các em có biết cổng vào ở chỗ nào hay không thôi.

Vì tình yêu, rốt cục con người có thể đi xa đến đâu.

Hãy quên mọi chuyện về tôi đi. Em không được cảm thấy mình có tội. Vì nếu em không hạnh phúc thì mọi việc tôi làm đều là vô nghĩa

Việc nghĩ ra 1 bài toán vô cùng khó, và việc giải bài toán đó, việc nào khó hơn?

Mình được nhiều người yêu thương như vậy, sao vẫn không có được hạnh phúc?

Lỗi suy nghĩ định kiến bao giờ cũng là kẻ thù. Chúng sẽ khiến ta không thể nhìn thấy những thứ có thể nhìn thấy được.

Trích đoạn sách Phía Sau Nghi Can X

Chương 1

Bảy giờ ba mươi lăm phút sáng, như thường lệ. Ishigami rời khỏi căn hộ. Đã sang tháng Ba nhưng trời vẫn còn se lạnh. Anh quấn khăn kín cằm rồi mới bước ra ngoài. Trước khi bước xuống đường, Ishigami đưa mắt nhìn chỗ để xe đạp. Có vài chiếc đang dựng ở đó nhưng không có chiếc màu xanh lá cây mà anh quan tâm

Đi được khoảng hai mươi mét về phía Nam, anh ta đến một con đường rộng. Đường Shin-ohashi. Về phía trái, hướng Đông là hướng đi sang quận Edogawa, hướng Tây dẫn đến khu Nihonbashi. Trước Nihonbashi là sông Sumida. Muốn sang bên kia sông phải đi qua cầu Shin-ohashi

Cách nhanh nhất để tới chỗ làm của Ishigami là tiếp tục đi suôi về phía Nam. Đi thêm vài trăm mét nữa sẽ đến công viên Kyosumi. Trường cấp III tư thục trước cửa công viên nơi Ishigami làm việc. Anh là giáo viên dạy toán.

Ishigami nhìn đèn tín hiệu giao thông trước mặt chuyển sang màu đỏ rồi rẽ phải. Anh đi bộ về phía cầu Shin-ohashi. Chiếc áo khoác ngoài bay ngược gió. Cho hai tay vào túi áo, anh rảo bước, người hơi cúi về trước

Những đám mây dày phủ kín bầu trời. Màu mây phản chiếu xuống mặt nước nhuốm sông Sumida trong một màu xám đục. Một chiếc thuyền nhỏ đang trôi ngược lên thượng nguồn. Ishigami đi qua cầu để sang bên kia sông, mắt vẫn dõi theo chiếc thuyền

Sang đến bên kia, anh rẽ xuống những bậc thang dưới chân cầu, rồi cứ thế men dọc bờ sông. Hai bên bờ đều có những khoảng đất rộng để người dân vui chơi. Tuy nhiên, chỗ mà các gia đình và các cặp tình nhân thường đi dạo lại là đoạn gần cầu Kyobashi ở mạn trên. Đoạn chỗ cầu Shin-ohashi này thì ngay cả ngày nghỉ cũng hiếm có người qua lại. Lý do là bởi ở đây có cả một khu toàn những căn lều vải bạt xanh của người vô gia cư. Phía bên trên là đường cao tốc nên đây là nơi lý tưởng để tránh mưa bão. Ngược hẳn với bên này, bên kia sông tuyệt nhiên không có bóng dáng của những căn lều màu xanh. Chắc hẳn người vô gia cư có lý do riêng khi tập trung lại với nhau như thế này.

Ishigami lặng lẽ đi qua dây lều bạt xanh. Những căn lều chỉ cao ngang đầu người, có cái chỉ đến thắt lưng. Có lẽ nên gọi đó là những cái hộp thì đúng hơn. Nếu chỉ để ngủ thì thế là đủ. Cạnh mỗi căn lều hay chiếc hộp như vậy đều có những mắc phơi quần áo, như thể ngụ ý rằng chỗ này đích thị là một không gian sinh hoạt

Một người đàn ông tựa mình vào dãy lan can sát mép đê. Ông ta đang đánh răng. Ishigami hay gặp người đàn ông này. Ông ta cỡ khoảng trên sáu mươi tuổi, mái tóc dài điểm bạc buộc túm phía sau. Có vẻ ông ta không còn ý định làm gì nữa. Nếu ông ta có ý định làm mấy công việc chân tay thì giờ này đã không quanh quẩn ở đây. Những công việc như thế thường được dàn xếp từ sáng sớm. Mà ông ta cũng chẳng có vẻ muốn đến trung tâm giới thiệu việc làm. Giả sử ông ta có được giới thiệu cho công việc nào đó thì cũng không thể phỏng vấn với mái tóc dài thế kia. Vả lại, ở tầm tuổi ấy, khả năng ông ta được giới thiệu việc làm gần như bằng không

Một người đàn ông khác đang ngồi ép đống vỏ hộp bên cạnh cái “tổ chim” của mình. Từng nhiều lần thấy cảnh này nên Ishigami thầm dặt cho ông ra biệt hiệu là “ông vỏ hộp”. “Ông vỏ hộp” khoảng năm mươi tuổi. Ông ta có đầy đủ các vật dụng cá nhân, thậm chí còn có cả xe đạp mà chắc là chỉ những lúc đi thu lượm vỏ hộp, ông mới phát huy “tính cơ động” của nó. Trong cái không gian tập thể này, vị trí ở khoảng trong cùng thường được coi là đặc biệt. Vì vậy, Ishigami đoán nhiều khả năng “ông vỏ hộp” là “thành viên kỳ cựu” ở đây

Cách dãy lều bạt không xa, một người đàn ông nữa đang ngồi trên ghế đá. Anh ta mặc một chiếc áo choàng hình như vốn là màu be nhưng do bụi bẩn mà nay đã gần ngả sang màu tro. Bên trong áo choàng, anh ta còn mặc cả áo khoác, rồi cả áo sơ mi trắng nữa. Ishigami đoán có lẽ cà vạt đang nằm trong túi áo choàng. Trong thâm tâm. Ishigami đặt tên cho anh chàng này là “kỹ sư”. Bởi hôm trước, anh có trông thấy anh ta đọc một cuốn tạp chí công nghiệp. Anh ta để tóc ngắn, râu ria cạo nhẵn nhụi. Điều này chứng tỏ anh chàng “kỹ sư” vẫn chưa từ bỏ ý định tìm việc. Chắc hôm nay anh ta lại ra trung tâm giới thiệu việc làm. Nhưng có khả năng anh ta se không tìm được việc. Muốn có việc, đầu tiên anh ta cần phải dẹp bỏ tính sĩ diện đi đã. Ishigami nhìn thấy anh chàng “kỹ sư” xuất hiện ở đây từ khoảng mười hôm trước. Anh ta vẫn chưa quen được với cuộc sống ở nơi này. Anh ta muốn vẽ một đường ranh giới với cuộc sống trong những căn lều bạt xanh kia. Chính vì thế mà dù đang ở đây nhưng anh ta lại không biết làm thế nào để tiếp tục cuộc sống như một kẻ không nhà

Ishigami tiếp tục đi dọc bờ sông Sumida. Một cụ bà dắt ba con chó đi dạo chỗ cầu Kyoashi. Chúng thuộc giống chó chồn. Mỗi con đeo một chiếc vòng cổ khác nhau, con màu đỏ, con màu xanh, con màu hồng. Bà cụ nhận ra Ishigami khi anh đến gần. Bà khẽ mỉm cười chào. Anh cũng gật đầu chào lại.

  • Chào bác. – Ishigami lên tiếng trước
  • Chào cậu. Sáng nay trời lạnh thật!
  • Vâng, lạnh thật! – Ishigami chau mày

Khi anh đi ngang bà cụ, bà cụ dặn thêm: “Cậu đi cẩn thận nhé”. “Vâng” Anh đáp lại dõng dạc.

Có lần anh nhìn thấy bà cụ xách cái túi của cửa hàng tiện lợi (cửa hàng mở cửa 24/24 có bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, có cả dịch vụ thu tiền điện thoại, điện nước, dịch vụ ATM…). Bên trong túi hình như là bánh sandwich. Chắc đó là bữa sáng của bà. Do vậy nên Ishigami đoán bà cụ đang sống một mình. Ngoài ra, nhà bà cũng không xa đây lắm. Anh đã từng nhìn thấy bà đi dép sandal. Mà đi sandal thì không thể lái xe được. Chồng bà đã mất và hiện giờ bà sống với ba con chó trong một căn hộ chung cư gần đây. Căn hộ khá rộng, đủ chỗ cho ba con chó.

Bà không thể chuyển đến sống ở một căn hộ nhỏ hơn cũng chính là vì chúng. Chắc bà đã trả xong tiền mua nhà nhưng vẫn phải trả phí quản lý. Vậy nên bà phải tiết kiệm. Rốt cuộc thì mùa đông này bà không đi thẩm mỹ viện. Đến tóc bà cũng chẳng buồn nhuộm

Ishigami lên cầu thang chỗ cầu Kyobashi. Muốn đến chỗ làm, anh phải đi qua cây cầu này để sang bên kia. Tuy nhiên anh lại đi theo hướng ngược lại

Một tấm biển quay ra mặt đường, có chữ đề “Quán Mỹ Nhân”. Đó là biển hiệu của một quán cơm hộp nhỏ. Ishigami mở cánh cửa kính và bước vào trong

“Xin chào”. Một giọng nói vọng ra từ phía quầy. Dẫu thường hay nghe giọng ấy, nhưng lúc nào nó cũng đem lại cho anh một cảm giác mới lạ. hanaoka Yasuko, với chiếc mũ trắng trên đầu, đang mỉm cười chào anh.

Trong cửa hàng không có người khách nào ngoài Ishigami. Điều này khiến anh phấn chấn hơn rất nhiều.

  • À, cho tôi suất cơm hộp loại thường…
  • Vâng, của anh đây. Cảm ơn anh

Yasuko nói bằng một giọng khá hồ hởi nhưng Ishigami không hiểu điều đó có ẩn chứa gì không. Vả lại anh đang mải nhìn vào ví nên không trông thấy gương mặt chị lúc ấy. Ngoài chuyện mua cơm hộp, anh cũng muốn nói cả những chuyện khác với chị, vì hai người sống cạnh nhà, nhưng anh lại chẳng nghĩ ra được đề tài nào

Mãi đến lúc trả tiền, anh mới mạnh dạn bắt chuyện: “Hôm nay lạnh thật đấy!” nhưng tiếng mở cửa của một khách hàng đã át câu nói có phần lí nhí của anh. Yasuko liền hướng sự chú ý ra cửa

Ishigami cầm suất cơm hộp rời cửa hàng. Bây giờ anh mới đi về hướng cầu Kyobashi. Lý do ban nãy anh đi đường vòng chính là vì cửa hàng cơm hộp này

Qua giờ đi làm buổi sáng, quán Mỹ Nhân bớt bận rộn hơn. Bớt bận rộn hơn ở đây chỉ có nghĩa là không có khách, còn thực ra trong bếp mọi người lại bắt tay vào chuẩn bị cho buổi trưa. Cửa hàng có hợp đồng với vài công ty nên phải mang cơm cho họ trước mười hai giờ. Những lúc không có khách, Yasuko cũng phụ giúp cả việc trong bếp

Quán Mỹ Nhân có tổng cộng bốn người, kể cả Yasuko. Nấu ăn chính là Yonezawa và vợ là Sayoko. Yonezawa cũng là quản lý chính của cửa hàng. Kaneko, nhân viên làm thêm, phụ trách giao hàng, còn việc bán hàng hầu như do mình Yasuko đảm nhiệm

Trước khi làm ở quán Mỹ Nhân, Yasuko từng làm việc tại một câu lạc bộ( loại câu lạc bộ nơi khách hàng đến nói chuyện và giải khuây với phục vụ viên hay còn gọi là tiếp viên) ở Kinshicho. Yonezawa là một trong những khách hàng thường xuyên đến câu lạc bộ. Chỉ trước khi Sayoko tức “mama tổng quản” của câu lạc bộ nghỉ việc, Yasuko mới biết Sayoko là vợ của Yonezawa. Chị nghe điều này từ chính miệng Sayoko

Khách hàng vẫn xì xào về chuyện Sayoko từ một mama của quán bar nay lại là vợ ông chủ quán cơm hộp. Tuy nhiên, theo như Sayoko thì mở quán cơm hộp là ước mơ từ lâu của hai vợ chồng. Sayoko đi làm ở quán bar là để thực hiện ước mơ đó

Sau khi khai trương quán Mỹ Nhân, Yasuko thỉnh thoảng vẫn ghé qua. Việc kinh doanh có vẻ thuận lợi. Tròn một năm sau ngày khai trương, Yasuko nhận được lời đề nghị đến phụ giúp cho quán.

Bởi nếu chỉ có hai vợ chồng Sayoko thì hơi quá sức.

  • Yasuko này, em không thể làm cái nghề tiếp viên đó mãi được đâu. Misato rồi cũng sẽ lớn, nó sẽ cảm thấy xấu hổ vì mẹ mình làm tiếp viên. Có thể là chị hơi tọc mạch một chút. – Sayoko nói.

Misato là con gái duy nhất của Yasuko. Cô bé không có bố chăm lo. Yasuko đã ly dị cách đây năm năm. Chẳng cần tới Sayoko nói, Yasuko cũng hiểu không thể làm mãi cái nghề tiếp viên này. Vì Misato thì đương nhiên rồi, và chăng Yasuko còn lo lắng ở độ tuổi này, không biết con được nhận làm tiếp viên đến bao giờ nữa.

Cuối cùng Yasuko nhận lời đến làm ở quán Mỹ Nhân chỉ sau một ngày suy nghĩ. Câu lạc bộ cũng chẳng hề níu kéo. Họ chỉ bảo “ Vậy thì tốt quá”. Còn mọi người xung quanh thì nghĩ rằng chị đang lo lắng cho kết cục của một tiếp viên quá tuổi

Do căn hộ cũ cách xa quán Mỹ Nhân nên mùa xuân năm ngoái, nhân tiện Misato lên cấp II, hai mẹ con đã chuyển đến căn hộ hiện nay. Khác với trước đây. Công việc hiện giờ của chị bắt đầu từ sáng sớm. Yasuko phải dậy từ sáu giờ sáng, sáu rưỡi ra khỏi nhà rồi đạp xe đến cửa hàng bằng chiếc xe đạp màu xanh lá cây

  • Anh giáo cấp III mọi khi ấy, sáng nay cũng đến chứ? – Sayoko hỏi lúc nghỉ giải lao
  • Có. Ngày nào anh ấy chả đến

Nghe thấy thế, Sayoko quay sang mỉm cười đầy thích thú với chồng

  • Chị cười gì thế?
  • Không, chị không có ý gì xấu đâu. Mà anh giáo đó có vẻ thích em đấy
  • Gì cơ? Yasuko xoay người lại, tay vẫn cầm cốc nước nóng
  • Hôm qua em nghỉ, anh giáo đó không đến đâu. Ngày nào cũng đến, thế mà đúng hôm em nghỉ, anh ấy lại không đến. Em không thấy lạ sao?
  • Chỉ là tình cờ tôi
  • Không phải tình cờ đâu… anh nhỉ. – Sayoko quay sang chồng tìm đồng minh

Yonezawa gật đầu cười

  • Theo bà xã nhà tôi thì từ lâu đã thế rồi. Hôm nào cô nghỉ là anh giáo đó không đến. Sayoko nhà tôi đã để ý từ trước, hôm qua chỉ là xác nhận cho chắc thôi
  • Nhưng trừ những ngày nghỉ cố định của cửa hàng ra thì ngày nghỉ của em rất lung tung, có cố định là vào thứ mấy đâu
  • Thế mới càng đáng nghi hơn. Anh giáo đó chẳng phải đang sống cạnh nhà em hay sao. Chị nghĩ anh ta biết em nghỉ hay đi làm là bởi luôn để ý xem em có ra khỏi nhà hay không đấy
  • Nhưng em có gặp anh ta lúc ra khỏi nhà đi làm bao giờ đâu
  • Thì anh ta quan sát em từ đâu đó. Từ cửa sổ chẳng hạn
  • Em nghĩ là không thể nhìn thấy từ cửa sổ
  • Mà thôi, nếu anh ta có tình ý gì thì chẳng bao lâu nữa sẽ nói với cô thôi. Giờ thì cứ thân thiện với anh ta. Dù sao thì nhờ Yasuko mà nhà mình mới có khách quen

Quả đúng là người có kinh nghiệm làm quen với khách hàng ở Kinshicho nhỉ! – Yonezawa nói như để kết thúc câu chuyện

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Phía Sau Nghi Can X – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Phía Sau Nghi Can X - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (10 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ là tác phẩm thứ hai kỷ niệm 30 năm cầm bút của ông. Trong tác phẩm này, Keigo đã lấn sâu ngòi bút của mình vào một đề tài tâm lý xã hội và y học khó nhằn, để lại trong lòng người đọc rất nhiều trăn trở...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *