Ma Nữ Của Laplace – Higashino Keigo

Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

Thể Loại Truyện kinh dị
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 368
Ngày Xuất Bản 08 – 2018
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Ma Nữ Của Laplace

Ma Nữ Của Laplace

Những hiện tượng dị thường xuất hiện quanh Madoka, một cô gái trẻ. Sau thời gian làm vệ sĩ cho cô, Takeo, một cựu cảnh sát, đã nhận thấy điều đó. Trong khi những nghi vấn của anh chưa có lời đáp, Madoka đột nhiên biến mất…

Cùng lúc đó, những vụ tử vong vì khí hydro sulfua xảy đến tại hai khu du lịch suối nóng cách xa nhau. Đến hiện trường điều tra, giáo sư chuyên ngành địa hóa học Aoe chạm trán một cô gái trẻ bí ẩn. Lần theo tung tích của cô, Aoe bắt gặp một thảm kịch kinh hoàng từ quá khứ, và sự tồn tại của một dự án tối mật có liên quan tới tương lai nhân loại…

Nhận xét

 “Một cuốn sách đáng kinh ngạc phá vỡ giá trị quan của tôi từ trước đến nay.” – Horikita Maki, nữ diễn viên chính phim Bạch Dạ Hành

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

Các tác phẩm khác của Higashino Keigo đã được Nhã Nam phát hành:

II. Review sách Ma Nữ Của Laplace

Review sách Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Ma Nữ Của Laplace của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NGUYỆT NGUYỆT review sách Ma Nữ Của Laplace

Đọc Ma Nữ Của Laplace người đọc biết ngay mình đang đọc sách Higashino Keigo, lối viết quen thuộc chẳng lẫn đi đâu được, rất tự nhiên, rất bình thản mà lôi cuốn. Còn cốt truyện lại là một sự sáng tạo mới, một chủ đề khác biệt làm phong phú thêm bộ sưu tập sách của Keigo.

Ma Nữ Của Laplace lấy đề tài khoa học, vật lý, thêm chút trinh thám, kỳ bí, ly kì. Đọc khá là cuốn hút. Nội dung gây tò mò với nhiều uẩn tình. Những cái chết bất thường xảy ra ở hai khu suối nước nóng, là hiện tượng tự nhiên hay có bàn tay con người, chàng trai xuất hiện ở gần khu vực xảy ra tai nạn liệu có liên quan gì? Tại sao cô gái được coi là “Ma nữ của Laplace” lại có khả năng dự đoán trước mọi hiện tượng thời tiết? Có điều gì bí mật trong tất cả những chuyện này? Rất nhiều câu hỏi mà độc giả mong chờ được giải đáp qua từng chương sách.

Theo chân vị giáo sư, dần dần người đọc cũng có được câu trả lời. Thế nhưng nó lại không được như mong đợi. Về cuối mọi chuyện diễn ra khá bình thường. Nặng cái cảm giác mà “Ồ hóa ra chỉ vậy mà thôi”, không ấn tượng sâu sắc, không ám ảnh cũng như đặt ra nhiều suy ngẫm như các tác phẩm khác của Keio mà mình đã đọc.

Từ Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko, Bạch dạ hành, Ảo dạ, Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya cho đến giờ là Ma nữ của Laplace mình cũng hơi chán chán Keigo rồi. Nhưng có lẽ vẫn sẽ đọc thêm sách mới của bác nếu hay. Còn nếu là fan Keigo thì chắc chắn sẽ không bỏ qua tác phẩm nào rồi.

2. SERENA NGUYEN review sách Ma Nữ Của Laplace

“Trên thế giới này, không một cá thể nào tồn tại vô nghĩa cả. Không một cá thể nào cả.”

~Ma nữ của Laplace~Higashino Keigo~

Từ lúc Nhã Nam “thả thính” sẽ xuất bản một cuốn sách nữa của Keigo, mình không thể ngồi yên được. Hân hoan chờ đợi từng ngày cho đến khi có quyển sách trong tay. Vì đã đọc 4 tác phẩm của Keigo trước đó (Bạch dạ hành, phía sau nghi can X, thánh giá rỗng, điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya) và không quyển nào làm mình thất vọng nên mình rất mong đợi vào quyển sách này.

Ấn tượng đầu tiên là bìa sách rất đẹp, mình thấy đây là quyển có bìa đẹp nhất trong số các tác phẩm của Keigo được xuất bản tại Việt Nam. Cả bìa và tên sách đều phảng phất yếu tố kỳ ảo càng làm mình tò mò hơn.

Cuốn sách bắt đầu bằng những câu chuyện không liên quan đến nhau: cô bé Madoka bí ẩn, hai vụ án ngộ độc khí hydro sulfua kỳ lạ ở 2 khu vực suối nước nóng cách xa nhau, một nhân viên cảnh sát đã nghỉ hưu làm vệ sĩ cho một cô gái trẻ. Rồi theo ngòi bút của Keigo, tất cả đều được chắp nối thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Đối với những bạn đã đọc sách của Keigo: cuốn sách này kém nặng đô hơn (cả về ý nghĩa lẫn tính ám ảnh), đừng quá trông mong vào những mánh khóe giết người tinh vi và phức tạp. Nhưng mình vẫn thấy cuốn sách đáng đọc bởi nó có sức hút riêng, vẫn khiến người đọc tò mò không ngừng.

Đối với những bạn lần đầu đọc sách của Keigo: mình nghĩ quyển sách là khởi đầu tốt, và vì hệ thống nhân vật phức tạp nên các bạn có thể lập list các nhân vật cho đỡ rối nhé~

===============SPOILER===============

  • Mình thấy thật tội cho cảnh sát Nakaoka, người đã nỗ lực rất nhiều và góp phần không nhỏ vào việc tìm ra sự thật vậy mà đến phút chót lại bị cho đứng ngoài cuộc.
  • Cái kết là Kento đi đâu không rõ tung tích khiến mình rất thất vọng, mình muốn Kento sẽ quay về và ở bên Madoka vì như thế Kento sẽ không còn cô độc nữa… Nhưng mà trong số những quyển sách của Keigo thì quyển này kết có thể cho là Happy ending

Đó là ý kiến cá nhân của mình, các bạn nghĩ sao về quyển sách và cái kết

3. HANH review sách Ma Nữ Của Laplace

Đây lại là một cuốn nữa mình mua vì tác giả chứ không đọc trước review gì hết.

Ma nữ của Laplace kể về cô bé Madoka và những hiện tượng kỳ lạ xảy ra xung quanh cô bé. Takeo, vệ sỹ của cô và cũng là một cựu cảnh sát đã nhận ra điều đó. Tuy nhiên chưa được giải thích thì cô bé Madoka đã biến mất. Cùng lúc đó xảy ra 2 vụ tai nạn do khí sunfur đáng ngờ ở suối nước nóng, quanh hiện trường xuất hiện một cô gái bí ẩn. Do không thể tin được cả 2 vụ tai nạn lại trùng hợp đến thế, cảnh sát Nakakao và giáo sư Aoe đã theo dấu các đầu mối, và từng bước lật mở bí mật kinh hoàng của quá khứ.

Cuốn này được tác giả Higashino Keigo viết năm 2015 và được dựng thành phim vào năm 2018. Khi bắt đầu đọc, mình cũng khá bối rối khi thấy những hiện tượng bất thường xảy ra quanh cô bé Madoka. Cảm giác như kiểu xem phim DC với Marvel vậy, mà bình thường bác Keigo có bao giờ viết kiểu vậy đâu. Mạch truyện kiểu này cũng khá thích hợp để chuyển thể thành phim.

Như mọi khi, bác Keigo lần này cũng khéo léo lồng ghép các vấn đề của cuộc sống vào câu chuyện. Nhẹ thì như giáo sư Aoe và cả gia đình chẳng bao giờ ăn cơm với nhau, về gặp nhau cũng ít khi nói chuyện. Nặng nề hơn một chút là vấn đề phạm tội: liệu có những kẻ phạm tội vì bẩm sinh hắn vốn như thế, hay là do môi trường sinh sống tạo nên một tên tội phạm. Liệu những kẻ sinh ra đã mang tính ác trong người, khi phạm tội thì sẽ bị xử lý theo hướng nào. Và cũng như mọi khi, Keigo chẳng đưa ra lời giải thích cho cái gì cả. Độc giả sẽ tự đọc và đưa ra kết luận cho bản thân.

Truyện này được chuyển thể thành phim vào năm 2018, với sự tham gia của các diễn viên: Sakurai Sho trong vai Giáo sư Aoe, Suzu Hirose trong vai Madoka (Các bác nhìn mặt diễn viên thì thấy quen lắm ấy). Tuy nhiên mình tìm link để xem phim thì hỏng thấy :v

Theo cảm quan của mình thì cuốn này bác Keigo viết hơi đuối. Mở đầu khá ổn khi dẫn dắt độc giả từ các chi tiết này đến chi tiết khác. Tuy nhiên càng đến cuối mình thấy giọng văn cứ bị dài dòng sao ấy. Nhưng được cái cũng HE nên cũng hài lòng. Trên Tiki đang sale 35% nên cũng tạm coi là êm ví.

Chấm điểm 7/10 nha.

4. QUYNH NHU TRAN review sách Ma Nữ Của Laplace

Quynh Nhu Tran review sách Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Có lẽ đã có quá nhiều review xoay quanh cuốn này, khen chê đủ cả, mình chắc không cần phải nói đến cuốn này được ở đâu, không được ở chỗ nào nữa. Cơ mà từ cuốn sách này của bác Keigo, mình muốn nói riêng tới một vấn đề, vốn đã tồn tại rất lâu nhưng lại chưa bao giờ là xưa cũ:

NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT HAY NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH?

Amakasu Saisei ích kỷ, điên cuồng, tàn nhẫn, độc ác. Song không ai có thể phủ nhận tài năng thiên tài, thái độ làm việc nghiêm túc, thậm chí có phần khắc nghiệt của hắn để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh đúng nghĩa. Trong tâm niệm của hắn, bất cứ cái gì hắn làm, trong cuộc sống lẫn trong sự nghiệp, đó đều phải là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ nhất. Hắn cầu toàn một phần vì tính quá yêu bản thân, nhưng ẩn trong đó là khao khát vươn tới đỉnh cao nghệ thuật cháy bỏng. Với hắn, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và cũng chỉ thế thôi.

Chính điều đó khiến cho thứ nghệ thuật hắn theo đuổi méo mó tới cuồng vọng. Để rồi hắn gây nên màn thảm sát táng tận lương tâm nhất. Amakasu Saisei, có gì đó khiến mình liên tưởng tới Vũ Như Tô. Tất nhiên, về nhân cách, Amakasu Saisei không thể so sánh với kiến trúc sư thiên tài trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng. Nhưng khao khát có một tác phẩm nghệ thuật để đời, chao ơi, sao mình thấy giống nhau đến vậy.

Và thảm kịch của Amakasu Saisei lại làm mình nhớ tới câu nói của Hoài Thanh: “Nghệ thuật trước hết phải phục vụ nhân sinh. Nhưng để phục vụ nhân sinh cho tốt, nó phải có cái say sưa vị nghệ thuật”. Đúng, nghệ thuật phải đẹp song điều đầu tiên, cũng là cuối cùng nó hướng đến chính là ddeerp hục vụ con người, níu giữ tính thiện trong con người.

So với những tác phẩm khác, có lẽ Ma nữ của Laplace là một tác phẩm có phần hụt hơi của Keigo-sensei. Nhưng đây vẫn là cuốn sách đủ để khi ta gấp lại, vẫn phải day dứt rất nhiều về nhân sinh, về cuộc đời.

Ps: Bìa sách mình down trên mạng về, cũng không rõ nguồn nữa.

5. MUKIMPO TETCHU review sách Ma Nữ Của Laplace

Rapurasu no majo (Ma nữ của Laplace) – Amakasu Saisei: “Nghệ thuật sinh ra cốt để vị nhân sinh, không vị nhân sinh thì không thành ra nghệ thuật được”

Trước hết, phải khẳng định một điều: nghệ thuật không phải là khía cạnh duy nhật được đặt ra trong tiểu thuyết Rapurasu no majo. Cũng như nhiều tác phẩm khác của tác giả Higashino Keigo, Rapurasu no majođề cập tới muôn vàn những điều cần suy ngẫm, không ít vấn đề nổi cộm trong xã hội khiến con người phải nhức nhối: từ thảm họa tự nhiên, biến đổi khí hậu, tương lai loài người tới câu chuyện ta là ai giữa cuộc đời và giá trị, nhiệm vụ trong cuộc sống của ta ra sao… Tất cả tạo nên sức nặng của cuốn sách hơn 300 trang này.

Song hành cùng với các khía cạnh trên trong việc kiến tạo giá trị cho Rapurasu no majo, vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” được thể hiện qua nhân vật Amakasu Saisei trở thành đề tài khiến độc giả cảm thấy day dứt đến tận những trang sách cuối cùng. Amakasu Saisei chết đi song câu hỏi: như thế nào mới là nghệ thuật chân chính và người nghệ sĩ phải làm những gì để vươn tới đỉnh cao nghệ thuật vẫn còn đọng lại mãi nơi trái tim người đọc.

Đề tài vốn chẳng mới lạ, biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lớn đã ngày đêm trăn trở, trở đi trở lại để kiếm tìm một câu trả lời thỏa đáng. Vậy nhưng, qua hình tượng Amakasu Saisei, với kết cấu truyện lồng truyện đặc sắc, Keigo-sensei lần nữa, đặt một vấn đề đã cũ mà chưa bao giờ thôi day dứt ra ánh sáng để chúng ta, mỗi độc giả tự mình đánh giả, nhìn nhận, khái quát, cuối cùng đưa đến lời giải đáp phù hợp với từng người.

Xây dựng nhân vật Amakasu Saisei, Keigo-sensei đã tạo lên một mẫu hình nghệ sĩ, có thể nói là hết sức điển hình: sự lập dị từ ngoại hình đến cách sống, cách làm việc khắc kỷ lẫn khát khao cháy bỏng trong việc sản xuất ra các tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ nhất, được đánh dấu bằng một tác phẩm để đời có thể làm rung chuyển cả xã hội. Và bất cứ ai cũng không thể phủ nhận tài năng của Amakasu Saisei. Trong cuốn sách, Keigo-sensei đã khẳng định điều đó qua từng lời tán thưởng mà người đời dành cho Saisei lẫn cái danh thiên tài ông ta nhận được ngay từ những bộ phim đầu tiên ông ta làm đạo diễn.

“Bằng những tác phẩm có chất lượng cả về tính giải trí lẫn nghệ thuật, ông ta đã từng được kỳ vọng sẽ là một nhân vật có thể gánh vác tương lai của nền điện ảnh nước nhà” (trang 127)

Là người làm nghệ thuật, trên lĩnh vực nào cũng thế, khao khát nổi tiếng và được lưu danh muôn thủa bằng một tác phẩm để đời được coi như một tượng đài từ nội dung tới nghệ thuật, có lẽ không người nghệ sĩ nào có thể ngừng mơ ước; giấc mộng ấy là một điều quá đỗi bình thường. Đặc biệt khi người đó lại có tài năng được cả đồng nghiệp, giới chuyên môn lẫn công chúng nhìn nhận, ủng hộ. Nhưng điều bình thường đó sẽ trở thành bất thường nếu nghệ thuật người nghệ sĩ khát cầu mang đến đau thương cho những người xung quanh. Cá biệt, nó sẽ biến thành tội ác nếu khao khát đó được hiện thực hóa bằng việc hi sinh tính mạng con người. Và Amakasu Saisei đã không thể giữ vững cái tâm của một người làm nghệ thuật chân chính. Sau những thành công đưa lão đến vinh quang, lão dễ dàng bán rẻ tài năng, lương tâm cho quỷ dữ. Hay vốn dĩ, lương tâm với lão là một thứ không tồn tại trước cuồng vọng, ám ảnh về một tác phẩm để đời?

“Mày nghĩ tại sao tao phải giết mẹ con mày? Nói ngắn gọn, vì mẹ con mày khiến tao thất vọng” (Trang 357)

Để tạo bước đệm vững chắc cho kiệt tác mà lão vẫn thường đề cập với bạn bè thân thiết, Amakasu Saisei sẵn sàng mang bản thân cùng gia đình lão ra làm vật hi sinh đồng thời dàn dựng ra một tội ác không thể tha thứ. Với Amakasu Saisei, đây là một sự hi sinh vì nghệ thuật lớn lao; với lão, đây là tiền đề cần thiết để đi tới kiệt tác lão vẫn hằng mơ ước ấp ủ. Bởi có lẽ, đứng trên cương vị một người làm nghệ thuật, hơn ai hết Amakasu Saisei hiểu trải nghiệm cá nhân trước đau thương, trước các sự kiện có thật nó quan trọng như thế nào trong việc tạo ra tính chân thực của một tác phẩm; nhất là tác phẩm ấy lại đặt nặng tính bi kịch. Vì thế, dẫu tất cả chỉ là dàn dựng: nỗi đau giả tạo, hành động giả dối để bao che một tội ác khủng khiếp thì hiệu ứng mà nó mang đến với công chúng, những ai không thực sự biết nội tình bên trong, không thực sự thân quen với từng người trong cuộc vẫn nằm trong mọi tính toán của Amakasu Saisei.

Dường như, bản thân lão cũng coi chính cuộc đời mình là một tác phẩm nghệ thuật. Và một tác phẩm nghệ thuật trong tâm niệm lão ta thì phải mọi khía cạnh phải hoàn mĩ, nhưng lại là sự hoàn mĩ do lão ta sắp đặt lên. Amakasu Saiseiích kỷ, tàn nhẫn, điên cuồng, độc ác. Với lão ta, nghệ thuât trước hết phải là nghệ thuật, đồng thời, mục đích cuối cùng của nghệ thuật lão hướng đến chính là vinh quang cá nhân lão đạt được. Cái đẹp trong lão khát cầu lại là thứ vàng son để tô điểm cho tài năng cùng sự ngông cuồng của lão về viễn cảnh được khán giả tung hô, thừa nhận. Một kẻ vị kỷ, tàn nhẫn, độc ác như vậy khi nắm giữ tài năng trong tay lại càng khiến nghệ thuật xa rời mục đích chân – thiện – mĩ vốn có. Và hệ quả tất yếu cho sự cuồng vọng đó đối với những kẻ ích kỷ, coi nghệ thuật như một thứ công cụ để đánh bóng tên tuổi vẫn mãi là sự tự diệt vong.

“Amakasu Saisei thiên tài không đời nào để những tác phẩm thất bại tồn tại trên đời. Tao sẽ chỉ cho ra đời những tác phẩm hoàn hảo, bằng bất cứ giá nào. Nếu đã không còn hi vọng đòi hỏi điều đó từ mẹ con mày, thì trước hết, tao phải loại bỏ, rồi sửa chữa lại quá khứ” (trang 357)

Tất nhiên, ở Amakasu Saisei không chỉ đặt ra vấn đề duy nhất là “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Bởi trước khi mang danh nghệ sĩ, lão ta là một công dân Nhật Bản. Một kẻ mang đầy đủ nỗi đau và những bệnh lý trong tâm thức của một con người Nhật Bản thời hiện đại. Sự giáo dục sai lầm của gia đình, sự khủng hoảng căn cước trầm trọng dẫn tới một Amakasu Saisei tài năng song vị kỷ tới điên cuồng. Tội ác mà Amakasu Saiseigây ra hoàn toàn có thể lý giải từ góc độ tâm lý với những căn bệnh hằn sâu trong tâm thức đã dẫn tới sự méo mó trong nhận thức lẫn hành vi của lão ta.

Song, nếu xét Amakasu Saisei trên góc độ một người làm nghệ thuật thì nhân vật ấy như trở thành một nhân vật tư tưởng của Keigo-sensei về vấn đề đã, đang và sẽ mãi là một niềm nhức nhối: Tới cuối cùng, nghệ thuật sẽ vị nghệ thuật hay nghệ thuật sẽ vị nhân sinh. Nghệ thuật liệu có thể tách rời đời sống để chỉ làm đẹp cho chính nó hay nghệ thuật sẽ mãi là thứ khẩu hiệu để răn dạy con người? Gạt bỏ đi tất cả, hình tượng Amakasu Saiseibất chấp mọi thứ để tạo nên một bộ phim để đời, xứng đáng với tài năng mà lão tự ý thức được sao mà tôi lại thấy giống với chàng kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng đến lạ. Nhất là ở cái khát vọng bất chấp tất cả nhằm có một tác phẩm để đời và cái kết cuối cùng là bi kịch diệt thân của cả hai.

Từ hình tượng Amakasu Saisei, tôi chợt nhớ tới một câu nói của Hoài Thanh khi trận bút chiến giữa ông với Hải Triều về vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” đã ngã ngũ: “Nghệ thuật trước hết phải phục vụ nhân sinh. Nhưng để phục vụ nhân sinh cho tốt, nó phải có cái say sưa vị nghệ thuật”. Thật vậy, nghệ thuật, tức phạm trù của cái đẹp, trước khi đến với công chúng để lay động lòng người, bản thân nó phải đẹp, phải mang giá trị thẩm mĩ nhất định. Song điều đầu tiên, cũng là cuối cùng mà nó hướng đến vẫn phải là phục vụ con người, níu giữ mãi tính thiện trong con người. Tiếc rằng, Amakasu Saisei đã chẳng thể hiểu được điều đó để rồi cái chết của lão ta ở những chương cuối cùng của cuốn sách như là cái giá lão phải trả cho sai lầm của bản thân.

Amakasu Saisei là kẻ mà dẫu đứng trên góc độ, khía cạnh nào để nhìn nhận, đánh giá: một con người Nhật Bản thời hiện đại hay một tên nghệ sĩ cuồng vọng thì độc giả cũng chẳng thể phủ nhận: đây là nhân vật được Keigo-sensei xây dựng hết sức thành công. Một nhân vật với đầy đủ thành công về mọi mặt từ xây dựng hành động đến khắc họa tâm lí, tư tưởng, thậm chí ngay cả cái chết cuối cùng. Cùng với cặp đôi Ryoji – Yukiho trong Bạch dạ hành, Ishigami trong Phía sau nghi can X, Naoko trong Bí mật của Naoko… Amakasu Saisei là một trong những nhân vật đủ sức gây ám ảnh cho độc giả, kể cả khi trang sách cuối cùng đã gấp lại.

6. TRƯỜNG THẮNG review sách Ma Nữ Của Laplace

Ma nữ của Laplace – Lại 1 tác phẩm của Keigo, một tác giả mà nhờ một cô gái giới thiệu mà mình đã yêu thích :)))

Trong toán học, phương trình Laplace là một phương trình đạo hàm riêng được đặt theo tên người khám phá, Pierre-Simon Laplace. Nghiệm của phương trình Laplace là khá quan trọng trong nhiều ngành khoa học, đáng chú ý là trong các ngành điện từ trường, thiên văn học, và cơ chất lỏng, bởi vì chúng mô tả hành vi của thế năng của điện, trọng lực, và chất lỏng, và đây là nguyên nhân dẫn đến cái tên của tác phẩm, việc dự đoán hướng chảy của 1 lượng chất lỏng, chất khí là 1 điều rất khó đối với khoa học hiện nay do việc tính toán đến toàn bộ các ảnh hưởng liên quan từ sức căng bề mặt, lực ma sát, đến địa hình dòng chảy… thế nhưng đã có 2 bộ não có khả năng làm được điều này, và 1 trong 2 đã sử dụng trí tuệ siêu việt của mình để phục vụ quá trình trả thù.. (kể ra mình có bộ não này mà tính toán Vietlot thì ngon :3)

Vẫn bắt đầu là những thước phim riêng rẽ,rời rạc về từng nhân vật và rồi mọi thứ dần dần được liên kết lại với nhau (tiếc là không có giáo sư Yukawa trong tác phẩm này mà thay vào đó là giáo sư Aoe (nghe như game đế chế vậy)), văn phong tác phẩm này đạt mức trung bình, dù tôi có đọc nhiều lời bình khen ngợi hết lời thì tôi vẫn thấy thiếu 1 chút gì đó, và nếu so với Phía sau nghi can X, Bạch dạ hành, hay điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya thì còn thua rất xa, dù thế cao trào và mở nút ở những phút 90+1 đặc trưng của tác giả vẫn không thay đổi,sự đấu trí giữa cái thiện và cái ác không khoan nhượng

Mở đầu cho câu chuyện là sự việc 2 mẹ con khi đi xe đạp đón ông ngoại vì sợ ông uống rượu say lại lái xe thì bị 1 cơn vòi rồng ập đến và cướp đi người mẹ, một đạo diễn nổi tiếng đi nghỉ suối nước nóng cùng cô vợ trẻ đẹp bị chết vì nhiễm độc axit sunfua, và nguyên nhân được xác định do lượng khí thoát ra từ suối nước nóng, bởi vì đó là việc vô cùng hạn hữu nên chàng thanh tra trẻ không thể không nghi ngờ và đi tìm nguyên nhân

Một đạo diễn thiên tài rắp tâm giết một gia đình mình chỉ vì họ không hoàn hảo như mình muốn, thậm chí tôi còn cho rằng ông ta ám ảnh sự hoàn mỹ đến mức tự kỷ, tự suy diễn ra câu chuyện và viết trên blog theo ý muốn của ông ta, để rồi sau cuộc phẫu thuật chỉ mình người con trai còn sống và may mắn có được bộ óc siêu việt, dễ dàng có thể đoán giải quyết được bài toán Laplace, trả thù ông bố và đồng bọn, cuộc chiến giữa 2 thế hệ F2 và F3 tài năng, họ sử hữu những tinh hoa hơn người nhưng bộ não họ cũng tồn tại 1 khiếm khuyết đó là sự đồng cảm, thương xót.. Xen kẽ vào đó là những vấn đề mang tính toàn cầu mà tác giả khéo léo lồng ghép vào như biến đổi khí hậu, vòi rồng, mưa đá… suy cho cùng mọi tội ác đều do sự ích kỷ, tham lam và dục vọng con người mà ra.

Kết thúc câu chuyện có vẻ hơi u ám khi chàng vệ sĩ muốn nhờ Madoka dùng bộ não của mình dự đoán tương lai vận mệnh thế giới và nàng “ma nữ” trả lời như hư không “Chuyện đó, không nên biết sẽ hạnh phúc hơn !”

P/s : Tác phẩm này không nặng yếu tố bi kịch như nghi can X, tớ đánh giá ngang với “sự cứu rỗi của thánh nữ”

Hải Phòng 28/9/20

7. SƠN LƯƠNG review sách Ma Nữ Của Laplace

Quyển đầu tiên mình đọc năm 2018 là Bạch dạ hành nên năm nay mình cũng mở hàng năm mới bằng Keigo với Ma nữ của Laplace. Như thường lệ mình không đọc giới thiệu gì trước cả nên cũng tò mò không biết là ma nữ nghĩa là sao. Phần đầu hơi rườm rà, đọc cảm giác không lôi cuốn như thường thấy ở Higashino Keigo. Cho đến phần sau, khi đã rõ ma nữ Laplace nghĩa là gì, thì mới bắt đầu cuốn hút, nếu đọc ban đêm thì sẽ cố đọc cho sang cả ngày mới mới thôi.

Song có lẽ mình không viết nhiều về quyển này. Cảm giác hơi giống các vụ án trong Conan, với sự ám ảnh kỳ lạ của người Nhật dẫn đến động cơ của mọi tội ác. Mình nghĩ có thể dễ nhìn ra “công thức” thường thấy ở các truyện khác của Keigo trong quyển này: những nhân vật sẽ lần lượt xuất hiện, tưởng không liên quan nhưng đều có liên kết với nhau; người tò mò với những bí ẩn và thôi thúc muốn giải nó không phải lúc nào cũng là thanh tra viên mà là một người khác; và cuối cùng là luôn lồng ghép nhiều kiến thức của một lĩnh vực nào đó vào câu chuyện điều tra, phá án, tìm câu trả lời cho các bí ẩn.

8. CUDDLE review sách Ma Nữ Của Laplace

Cuddle review sách Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

「Trên đời có những chuyện không nên biết thì tốt hơn.」

➖➖➖

Tớ luôn có một hứng thú bất tận với tác phẩm của Keigo, kiểu cuốn nào của bác ra mắt thì tớ đều lót dép hóng đợi đọc cả. Mặc dù bản thân tự biết một sự thật là, không tác giả nào có thể đem tới toàn những tác phẩm xuất sắc hết, đôi lúc sẽ hơi xuống tay hoặc thay đổi không hợp ý người đọc, tớ vẫn theo từng cuốn của tác giả vì cái nhìn đa chiều về những vấn đề Keigo đặt ra trong tác phẩm của mình.

Lần này cũng thế, ‘Ma nữ của Laplace’ lại đưa ra một tình huống bất ngờ và kì lạ khác, đừng bị đánh lừa bởi từ ‘ma nữ’ nhé anh em, bởi đây không phải một cuốn truyện kinh dị đâu.

Cuốn này phần đầu hơi chậm, không chán mà chậm anh em ạ, nhưng cách kể chuyện của Keigo vẫn giữ tớ tiếp tục đọc, vì tò mò về những điều bí ẩn bên trong nó. Án mạng, những nhân vật thân thế kì lạ dần xuất hiện, hay cả những nỗ lực điều tra có chút quẩn quanh của các nhân viên điều tra, mọi thứ có chút quen thuộc nhỉ? Nhưng điều khiến tớ tiếp tục đọc này chính là cái thôi thúc muốn biết về những điều lạ lùng và trùng hợp đến kì quái diễn ra trong đó. Câu chuyện lần này pha lẫn một chút bí ẩn và một chút khoa học, về một chủ đề còn nhiều điều mới mẻ, rằng liệu có thật là chúng ta có thể dự đoán trước được tương lai hay không? Nếu đơn thuần dựa vào các thuật toán máy tính và công nghệ khoa học hay vệ tinh, mọi thứ đã rõ ràng, nhưng nếu là chính tự bộ não của con người thực hiện thì sao?

Câu chuyện càng về sau càng trở nên hấp dẫn, tớ vẫn nhớ tối hôm ấy tớ đã cố thức tới khuya để đọc hết đoạn kết, và gấp sách lại, cảm giác hài lòng khiến tớ ngủ thật ngon.

So sánh một chút thì em này có chút màu sắc tương đồng với ‘Hoa mộng ảo’ ở những điều bí ẩn hơi creepy, cũng như ‘Ngôi nhà của người cá say ngủ’ ở những nghiên cứu và lí thuyết khoa học, vật lý và toán học. Em nó không phải kiểu hồi hộp hấp dẫn trên từng trang viết như ‘Trước khi nhắm mắt’ hay ‘Tên của trò chơi là bắt cóc’, nhưng độ lôi cuốn cũng không hề kém đâu anh em.

Nên thử nếu anh em đã mê Keigo, hehe 🥳

➖➖

Bao điều kì lạ xảy ra xung quanh Madoka, và dường như cô còn biết trước rất nhiều thứ.

Mọi chuyện vẫn trôi đi êm ả, cho tới khi những án mạng xảy ra, và trùng hợp là Madoka cũng tình cờ xuất hiện ở đó…

「“Có lần Madoka đã nói thế này. Bố ơi, thế giới này vận động theo quy luật vật lý.”

Aoe nghiêng đầu. “Thế nghĩa là sao?”

“Tôi cũng có một câu hỏi y như vậy. Thế nghĩa là sao? Madoka trả lời rằng nếu coi mỗi người là một nguyên tử thì chúng ta có thể nắm bắt được toàn bộ thế giới. Con bé lấy ví dụ về dòng người đông đúc ngày nghỉ lễ.”

“Ngày nghỉ lễ?”

“Rất nhiều người đi lại trên con đường hẹp với bao nhiêu là hàng quán. Nhưng không ai đụng trúng ai. Giáo sư nghĩ là tại sao?”

“Bởi vì ta sẽ tránh khi thấy có người đi ngược chiều?”

“Đúng vậy. Nhưng có phải chỉ thế thôi không? Cứ mải lo để ý đằng trước sẽ không thể tận hưởng không khí ngày nghỉ lễ.”

Aoe mường tượng ra khung cảnh ngày nghỉ lễ. Quả đúng như vậy. Và ông chợt nhận ra. “Những dòng người. Dòng người tiến về phía đó, và dòng người từ bên đó tiến lại. Chỉ cần đi theo dòng người đó sẽ không bị đụng vào nhau.”

“Chính xác.” Uhara đáp, “Chẳng cần ai phân luồng, những dòng ấy được hình thành một cách tự nhiên. Tại sao? Trước hết hãy hình dung khung cảnh mất trật tự. Chỉ chú tâm tránh người đi ngược chiều sẽ rất khó để tiến lên. Tuy nhiên, nếu biết phương pháp, việc đi lại sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Đó là, nối đuôi người đằng trước. Làm vậy sẽ chẳng phải tránh ai. Mọi người đều làm vậy sẽ thành một hàng. Đương nhiên, người đi đầu hàng sẽ vất vả nhất, nhưng chỉ cần người đó cũng chọn cách nối đuôi một người khác nữa, gánh nặng sẽ giảm đáng kể. Cách hiệu quả để mình không phải tránh mà khiến cho những người đi ngược chiều phải tránh mình chính là nới rộng hàng. Khi số người ở hai chiều gần bằng nhau thì cuối cùng trên đường sẽ hình thành hai dòng người trái phải.”」

➖➖➖
⭐️⭐️⭐️⭐️ 4/5

9. MINH TRANG review sách Ma Nữ Của Laplace

Câu chuyện càng về cuối càng cuốn hút, khiến tôi phải thức đến gần nửa đêm để đọc cho xong mới ngủ được đây 😂

Không biết sao đọc cuốn này mình cứ thấy có gì đó quen quen… Hmm, cảm thấy Keigo-sensei khi viết cuốn này là đã bắt đầu bước trên con đường xây dựng câu chuyện giống như bác Dan Brown vậy. Câu chuyện về những nhân vật đặc biệt, những bí mật to lớn liên quan đến nhân loại, blah blah…

Cảm thấy như nhân vật nào cũng có phần đáng thương và phần đáng giận vậy.

Cảm ơn Hà bé iu quý đã cho Trang mượn sách, hihi 😁😁

10. CẨM CẨM review sách Ma Nữ Của Laplace

“Con người là nguyên tử. Ngay cả khi từng cá nhân đơn lẻ tồn tại một cách vô thức, thì lúc hình thành một chỉnh thể, quy tắc vật lý sẽ được vận hành. Trên thế giới này, không cá thể nào tồn tại một cách vô nghĩa cả. Không một cá thể nào cả.”

Sau nhiều lần đưa ra những trăn trở về nhiều vấn đề thuộc phạm trù đạo đức trong xã hội hiện này qua nhiều tác phẩm trước của mình. Đến bây giờ bác Keigo đã đạt đến cảnh giới đưa ra những câu hỏi mang tầm vĩ mô về sự tồn tại của con người, về tương lai của xã hội loài người qua tác phẩm này rồi. Cảm tưởng như đang đọc những bước đầu của một công trình nghiên cứu khoa học đội lốt tiểu thuyết trinh thám vậy.

Để nói về các tác phẩm gần đây của bác mà mình đọc, phải nói thật là nó không gây cảm giác mạnh mẽ, khiến mình thổn thức, ám ảnh như những “Bạch Dạ Hành”, “Phía sau nghi can X” hay “Bí mật của Naoko” nữa. Đôi khi còn gây buồn ngủ đặc biệt là cuốn “Ảo dạ” gần đây. Tuy nhiên đến “Ma nữ của Laplace”, một đứa fan cuồng Keigo như mình cuối cùng đã lấy lại được cảm xúc khi đọc tác phẩm của bác, dù nó vẫn không thể so với những tác phẩm trước đây, tuy nhiên đây vẫn là cuốn sách khiến mình thán phục vì sự sáng tạo của bác cũng như lượng kiến thức mà mình nghĩ cần phải có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu thì mới viết nên được tác phẩm này. Plot truyện và cách đặt vấn đề thực sự rất tuyêth, chỉ cần một chút xíu gì đó cảm giác như lúc bác viết “Phía sau nghi can X” chẳng hạn, thì nó sẽ trở nên hoàn hảo. Maybe là do tác phẩm này liên quan nhiều đến kiến thức vật lý hoá học (mà mình nghĩ có một số phần hơi bị thừa) nên chắc nó không được cảm xúc như những quyển kia.

Không cần bác viết nhiều, chỉ cần bác viết chất như này là được.

11. NG M.PHUONG review sách Ma Nữ Của Laplace

Tôi thích cuốn sách này ở cách quen thuộc mà Keigo sử dụng khi đưa đời sống vào những trang văn trinh thám của mình. Tôi thích cách Keigo lồng ghép và khơi gợi những suy ngẫm về con người, về kiếp sống nhân sinh vào câu chuyện của mình. Keigo ở Ma nữ của Laplace chuyển đổi thành một Keigo nghiên cứu về khoa học não bộ, về tiềm năng con người, về tương lai nhân loại, nhưng cũng vẫn là Keigo quan tâm tới những khía cạnh sâu sắc nhất của đời sống: tình yêu thương, tình cảm gia đình.

Higashino Keigo vẫn luôn giữ vị trí vững chắc trong lòng tôi.

12. NGOC ANH review sách Ma Nữ Của Laplace

Một câu chuyện làm mình quá mệt mỏi vì không dứt ra được, cố đọc nhanh để biết về sau thế nào xong cuối cùng mệt rã rời luôn! :))

Tuy đoạn gần cuối cùng khá dễ đoán nhưng mình vẫn đánh giá 5 sao cho cốt truyện cuốn hút, đọc rồi muốn đọc tiếp không dừng lại được.

Thực sự tác giả đã rất thành công khi tạo nên một cốt truyện giả tưởng đầy li kì như vậy.

Có 2 chi tiết mình ấn tượng:

  1.  Amakasu cha nhận ra không phải chỉ đến lúc vợ con không còn ông mới mất gia đình, mà ông đã mất họ trước cả lúc đó, khi ông quá mải mê công việc và thậm chí không biết gia đình mình đang sống như thế nào, đang nghĩ như thế nào.
    Về sau mình hơi hụt hẫng vì những nhưngx gì ông nghĩ là giả. Nhưng đặt trong một câu truyện fiction giả tưởng như thế này thì nó có ý nghĩa gì đâu. Mình đã rất xúc động trước những dòng tâm sự và tâm thế của người cha khi mất cả gia đình. Phải, đừng bao giờ để mất gia đình kể cả ngay khi họ còn sống!
  2. Biết trước tương lai có thực sự tốt không? Con người vì không biết trước tương lai nên mới có ước mơ, hoài bão. Nếu mọi thứ đều biết trước thì những ước mơ bay bổng ấy chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng thật ra mà nói, nếu biết trước thì có thể làm những việc nhằm thay đổi tương lai, giúp nó theo chiều hướng tốt lên. Đó cũng là một hoài bão, một kiểu “người hùng” đấy thôi? 🙂

III. Trích dẫn sách Ma Nữ Của Laplace

Trích dẫn sách Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong Ma Nữ Của Laplace

“Bằng những tác phẩm có chất lượng cả về tính giải trí lẫn nghệ thuật, ông ta đã từng được kỳ vọng sẽ là một nhân vật có thể gánh vác tương lai của nền điện ảnh nước nhà”

“Mày nghĩ tại sao tao phải giết mẹ con mày? Nói ngắn gọn, vì mẹ con mày khiến tao thất vọng”

“Amakasu Saisei thiên tài không đời nào để những tác phẩm thất bại tồn tại trên đời. Tao sẽ chỉ cho ra đời những tác phẩm hoàn hảo, bằng bất cứ giá nào. Nếu đã không còn hi vọng đòi hỏi điều đó từ mẹ con mày, thì trước hết, tao phải loại bỏ, rồi sửa chữa lại quá khứ”

Trích đoạn Chương 1 sách Ma Nữ Của Laplace

Cuộc điện thoại đó đối với Takeo Toru thật chẳng khác nào “chết đuối vớ được cọc”.

Hợp đồng với công ty dịch vụ bảo vệ hết hạn đã hơn hai tháng. Lý do anh không được ký hợp đồng tiếp là vì kết quả kiểm tra sức khỏe không đạt yêu cầu. Chỉ số axit uric của anh cao hơn mức quy định. “Ngộ nhỡ lúc cần anh lại phát thống phong thì phiền lắm,” người phụ trách bộ phận nhân sự nói. Tuy anh đã cố gắng giải thích rằng chỉ cần tĩnh dưỡng, chỉ số đó sẽ hạ xuống ngay, nhưng họ không nghe anh nói. Sau đó nghĩ lại, anh nhận ra có lẽ chỉ số axit uric kia chẳng liên quan gì. Trước thành tích kinh doanh chẳng mấy khấm khá của công ty, hẳn là ban giám đốc đã quyết xuống tay cắt giảm kinh phí rồi.

Anh lập tức đi tìm việc mới, nhưng tìm mãi không thấy. Điểm mạnh của anh chỉ gồm thân hình cao lớn và chức danh cựu cảnh sát. Nếu nói đến công việc phù hợp, quả nhiên chỉ có công ty dịch vụ bảo vệ. Nhưng độ tuổi nửa cuối bốn mươi đã trở thành chướng ngại. Một vị phụ trách tuyển dụng nọ còn thẳng thừng nói, nếu anh trẻ hơn hai, ba tuổi thì còn tạm được.

Khi được hỏi về lý do bỏ nghề cảnh sát, anh chỉ giải thích do chuyện gia đình, có lẽ điều đó cũng không để lại ấn tượng tốt lắm. Từng làm việc ở phòng cảnh sát địa phương gần mười năm, nhưng vì góp ý với cấp trên quá nhiều về những hành vi quấy rối nhân viên nữ dưới quyền của ông ta, anh bị cấp trên thù, bị thuyên chuyển về một đồn cảnh sát ở vùng xa xôi hẻo lánh. Quá tức giận, anh đã nộp đơn nghỉ việc. Vì Takeo không giải thích rõ ràng chuyện này, nên anh thường bị nghi ngờ là đã gây ra vấn đề gì đó và bị đuổi khỏi ngành cảnh sát.

Những công việc khác ngoài việc bảo vệ lại càng khó có khả năng tìm được. Anh rất dở trong các công việc văn phòng. Những con số trong sổ thu chi đối với anh chẳng khác nào một loại mật mã.

Anh bắt đầu nghĩ, vậy là mình chỉ còn cách về quê. Quê anh ở Miyazaki, anh trai anh kế nghiệp chăn nuôi gia cầm lưu truyền từ đời ông anh tại đó. Anh trai anh trước đó đã nói muốn anh về giúp công việc và chăm sóc cha mẹ già.

Nhưng anh thấy thật nặng nề. Anh rời quê từ năm mười tám tuổi. Giờ dù anh về lại, thì ở đó cũng chẳng có bạn bè thân thiết nữa.

Giữa lúc đó cuộc điện thoại ấy gọi tới.

Người gọi tới là một phụ nữ tên Kirimiya Rei. Chỉ nghe tên thì không thể nhớ ra được, nhưng khi chị ta nhắc tới Đại học Kaimei, anh sực vỡ lẽ: “A, chị là người tôi gặp hôm đó nhỉ.”

“Tôi có một chuyện muốn nhờ anh. Anh có thể bớt chút thời gian gặp tôi không?” Kirimiya Rei nói.

“Không vấn đề gì, nhưng chị biết chuyện tôi đã nghỉ việc ở công ty dịch vụ bảo vệ chưa?”

“Tôi biết. Vì tôi đã gọi tới công ty anh.”

“Nếu vậy chuyện chị muốn nói không liên quan tới công việc đúng không?”

“Không, là chuyện công việc. Cụ thể tôi sẽ nói khi chúng ta gặp, đại khái là tôi muốn nhờ anh bảo vệ một người.”

“Bảo vệ ư?…” Anh bất giác siết chặt điện thoại.

“Anh thấy sao? Anh có thể dành thời gian gặp tôi không?”

“Tôi hiểu rồi. Tôi cần tới đâu? Trường đại học ư?”

“Vâng. Nếu anh tới trường đại học đợi thì sẽ rất tiện cho tôi.”

Kirimiya Rei gợi ý ngày giờ. Anh đồng ý, và sau khi trao đổi chi tiết hơn, anh ngắt máy.

Takeo siết chặt nắm tay. Được nhờ làm việc là một chuyện đáng mừng. Nhưng hơn cả, ngực anh đập rộn vì hai chữ “bảo vệ”.

Hồi còn làm cảnh sát, hầu hết thời gian anh công tác ở phòng cảnh vệ. Thể chất và tấm đai nhu đạo đệ tam đẳng của anh được đánh giá cao, thường được giao phó việc bảo vệ các yếu nhân. Anh bị kích thích một cách mạnh mẽ bởi cảm giác chính nghĩa và sứ mệnh mà công việc bảo vệ người khác mang lại. Anh thậm chí nghĩ đó là thiên chức của mình, có thời anh còn nghiêm túc nuôi mộng trở thành một cảnh sát bảo vệ* nữa.

Nguyên văn: SP (security police), cảnh sát với nhiệm vụ bảo vệ các yếu nhân, ví dụ các chính trị gia, các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn, v.v…

Cả khi ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo vệ, anh cũng đề đạt nguyện vọng được làm nhiệm vụ bảo vệ cái gì đó, nhất là người nào đó, chứ không chỉ là một nhân viên bảo vệ đơn thuần. Thực tế anh cũng nhiều lần được giao những công việc như vậy. Nếu nghe chuyện sắp có một nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng tới Nhật, anh thường khấp khởi mong chờ công việc đó được giao cho mình.

Anh gập khuỷu tay phải, dồn lực vào tay, rồi lấy tay trái rờ phần cơ nổi lên trên đó.

Anh nghĩ, mình phải tập luyện mới được.

Đại học Kaimei là một trường đại học tổng hợp nổi tiếng vì có khoa tự nhiên xuất sắc, đã và đang đào tạo rất nhiều nhà nghiên cứu có thành tích đáng kể. Kirimiya Rei xuất thân từ trường đó.

Anh gặp cô hai năm trước. Công ty dịch vụ bảo vệ mà Takeo làm việc khi đó đảm nhận việc chuyển một món hàng từ Tokyo đi New York. Nói chính xác là nhận lời bảo vệ người vận chuyển nó. Ba nhân viên bảo vệ trong đó có Takeo được cử đi.

Nghe nói món hàng đó nằm trong một chiếc túi nhỏ. Takeo không được nghe giải thích về vật bên trong. Người vận chuyển là một người đàn ông trung niên, Kirimiya Rei đi theo ông ta với tư cách trợ lý.

Takeo và đồng nghiệp cùng họ đi từ trường đại học tới sân bay Narita, sau đó chỉ mình Takeo bay cùng họ qua New York. Sau khi giao người đàn ông mang túi xách cho người tiếp đón ông ta ở New York, Takeo lập tức trở về Nhật Bản. Chiều về chỉ còn lại Takeo và Kirimiya Rei, nhưng họ không nói chuyện gì trên máy bay. Bởi cô ngồi khoang thương gia, còn ghế của Takeo ở khoang phổ thông. Chia tay cô tại sân bay Narita, Takeo tới công ty để báo cáo hoàn tất nhiệm vụ.

Sau lần đó anh không gặp lại Kirimiya Rei. Nên lý do lần này cô không thông qua công ty dịch vụ bảo vệ mà lại trực tiếp nhờ cá nhân anh, anh không thể đoán ra được.

Ngày hẹn, Takeo mặc vest, đi tới trường Đại học Kaimei. Đám râu lởm chởm được anh cạo sạch. Hôm qua anh đã đi cắt tóc. Anh đã chuẩn bị tâm thế vô cùng kỹ lưỡng.

Khi tới trước cổng trường, vừa ngắm nhìn trụ cổng toát lên vẻ trang nghiêm, anh vừa gọi điện cho Kirimiya Rei.

Cô lập tức nghe máy. Cô nói sẽ tới đón anh ngay, rồi đề nghị anh đứng yên ở đó.

Takeo đứng cạnh cổng chính, ngắm nhìn sinh viên ra vào cổng để giết thời gian. Đám sinh viên người nào người nấy mặt mũi thông minh, nét mặt tràn đầy tự tin. Có lẽ họ đều tự phụ rằng mình là những người được Chúa trời chọn lựa.

Chẳng mấy chốc một chiếc ô tô mui kín dừng lại cạnh Takeo, cửa kính phía ghế lái mở ra. “Anh Takeo ơi.”

Anh nhớ mặt cô gái lái xe. Một cô gái đẹp với gương mặt trái xoan, mũi thẳng dọc dừa. Takeo cúi đầu chào rồi tới gần.

“Lâu rồi mới được gặp lại anh.” Kirimiya Rei cười bắt chuyện.

“Vâng.”

“Anh có vẻ không thay đổi gì nhỉ.”

“Vâng, may mà như vậy.”

“Thật tốt. Tôi yên tâm rồi.” Kirimiya Rei gật đầu vẻ hài lòng. Đuôi mắt hơi trễ xuống khiến nét mặt cô trông như buồn ngủ, nhưng trong đôi mắt mở to ấy ẩn chứa thứ ánh sáng như đang điềm tĩnh quan sát đối phương. Từ lần đầu gặp anh đã cảm thấy cô là kiểu người khiến đối phương không thể lơ là được.

“Mời anh lên xe.” Cô nói. “Nơi tôi muốn đưa anh đến cách chỗ này hơi xa một chút.”

“Tôi hiểu rồi.”

Takeo vòng qua phía ghế phụ, mở cửa bước lên xe.

Kirimiya Rei mặc quần âu đen. Chân dài nhấn ga.

“Khi nhận được điện thoại của chị, tôi đã rất bất ngờ.”

Trước câu nói của Takeo, cô khẽ gật đầu. “Tôi cũng đoán thế.”

“Tại sao chị lại gọi cho tôi?”

Ngừng lại một nhịp, cô nói, “Cụ thể tôi sẽ giải thích cho anh sau.” Mặt cô vẫn hướng về phía trước.

“Vâng.” Takeo đáp.

Xe chạy khoảng mười phút. Họ đến trước một tòa nhà trắng tới mức phi tự nhiên. Cửa vào có gắn một tấm bảng hiệu đề “Tổ chức hành chính độc lập – Viện nghiên cứu lý thuyết số”.

Sau khi xuống xe, được Kirimiya Rei hướng dẫn, Takeo bước vào tòa nhà. Phía trong sảnh có một cửa an ninh. Thứ Kirimiya Rei đưa cho anh có vẻ là một tấm thẻ dành cho khách. Tấm thẻ có kèm dây, nên anh đeo vào cổ.

Sau khi qua cửa, họ bước tiếp trên hành lang. Không lâu sau Kirimiya Rei dừng chân trước một cánh cửa. Khi cô gõ cửa, một giọng đàn ông trầm trầm đáp lại: “Mời vào.”

Kirimiya Rei mở cửa, nói: “Anh Takeo đã tới.”

“Mời anh ấy vào.”

Cô dùng ánh mắt hối thúc anh vào trong. Vừa nói “Tôi xin phép”, anh vừa bước chân vào bên trong căn phòng.

Nơi đó có vẻ là một phòng họp. Nhiều ghế xô-pha xếp quanh chiếc bàn lớn.

Người đàn ông ngồi ở ghế gần giữa phòng đứng lên. Anh ta trông trạc tuổi Takeo. Nhưng hình thể lại khác hẳn. Người đàn ông thanh mảnh, cằm cũng thon. Điểm khác lớn nhất là nét mặt. Ý chí và thông minh. Takeo nghĩ, so với người này mặt mình chẳng khác gì mặt khỉ đột.

Người đàn ông tới gần, sau khi nhìn chòng chọc quanh thân thể Takeo, anh ta hỏi: “Chỉ số của anh đã hạ xuống chưa?”

“Gì cơ ạ?”

“Chỉ số axit uric của anh ấy. Nó đã yên ổn hạ xuống mức thông thường rồi chứ?”

Anh bị bất ngờ, bất giác “À” lên một tiếng. “Chỉ số đó hạ rồi. Vâng, giờ nó đã bình thường.” Trả lời xong Takeo hỏi. “Sao anh lại biết chuyện đó?”

Người đàn ông cười nhếch mép. “Trước khi giao một công việc quan trọng cho ai đó, chúng tôi phải điều tra thật nhiều về người đó chứ.”

“Các anh nghe chuyện này từ công ty tôi à?”

Anh nghĩ, nếu là như vậy anh sẽ không để họ yên. Thông tin cá nhân mà có thể cung cấp cho người khác tùy tiện như thế hay sao.

Như đọc được suy nghĩ của anh, người đàn ông vẫn giữ nguyên nụ cười, lắc đầu. “Công ty anh không cho biết lý do họ không ký tiếp hợp đồng với anh nữa. Nhưng bản thân tài liệu liên quan lại nằm trong máy tính, nên chúng tôi đã mạn phép xem qua. Vì ở viện nghiên cứu này có những người rất giỏi làm việc đó mà.”

Có vẻ họ đã xâm nhập vào máy tính ở công ty cũ của anh.

Takeo quay về phía Kirimiya Rei. “Đối tượng cần bảo vệ là vị này à chị?”

“Không phải tôi.” Người đàn ông trả lời. “Cô đã nói chuyện cụ thể với anh đây chưa?” Anh ta hỏi Kirimiya Rei.

“Tôi chưa nói gì cả ạ.”

“Thế à.” Người đàn ông lần nữa nhìn Takeo, gật đầu. “Người giới thiệu anh là cô Kirimiya Rei. Chúc anh may mắn trong vòng phỏng vấn.”

“Có cả vòng phỏng vấn… nữa sao?”

“Vâng. Vừa rồi chỉ là tôi muốn gặp để chào hỏi anh thôi. Cô thu xếp giúp tôi nhé.” Quay qua nói với Kirimiya Rei xong, người đàn ông rời khỏi phòng.

Khi thấy Takeo mải nhìn cánh cửa phòng, Kirimiya Rei chỉ vào ghế xô-pha nói, “Mời anh ngồi.” Đoạn tiếp: “Nghe nói vệ sĩ thường không ngồi, nhưng việc tuyển dụng vẫn chưa được quyết định nên mời anh cứ tự nhiên.”

Có vẻ mọi chuyện là như vậy. “Tôi xin phép.” Takeo nói rồi đặt mình xuống ghế xô-pha.

Trên bàn đặt vài tờ tài liệu. Trong số đó có một tờ đính kèm ảnh của Takeo. Hàng chữ nhỏ có vẻ là phần ghi chép lý lịch. Có lẽ hồ sơ này họ cũng chôm được từ công ty cũ của anh.

“Anh không thắc mắc…” Kirimiya Rei vừa thu dọn đám tài liệu rải rác hỏi, “rằng người đàn ông mới rồi là ai à?”

“Vừa rồi tôi nên hỏi ư?”

Trước câu hỏi của anh, khóe miệng cô dãn ra. “Đó chính là điểm mạnh của anh. Anh không cố tìm hiểu những chuyện không cần thiết. Một trong những lý do tôi tiến cử anh.”

“Vì biết về người không phải là đối tượng bảo vệ của tôi thì có ý nghĩa gì đâu.”

“Nhưng cũng có những người không thể kiềm chế sự tò mò của mình phải không? Anh còn nhớ nội dung công việc lần trước chứ?”

“Đương nhiên rồi. Công việc lần đó là hộ tống một người đàn ông mang cặp xách sang New York.”

“Anh không hề hỏi một câu về vật nằm trong chiếc cặp đó. Anh cũng không tỏ vẻ muốn biết chút nào cả.”

“Tôi được công ty cho biết đó là một vật rất đắt giá. Rằng mạng sống của tôi cũng không thể sánh với giá trị của nó.”

“Vật đó là vật gì, lẽ nào anh không muốn biết sao?”

Takeo nhún vai. “Chỉ cần không phải đồ nguy hiểm thì là gì cũng được.”

Kirimiya Rei gật đầu. “Cách nghĩ đó của anh rất quan trọng. Nếu anh muốn biết nhưng kiềm chế lòng hiếu kỳ vì công việc thì chúng tôi sẽ cảm thấy hơi bất an về anh.”

Có vẻ công việc lần này cũng khá nhạy cảm. Hẳn là họ muốn anh bảo vệ một “thứ” gì đó mà họ không thể để lộ ra bên ngoài được.

Khi anh lặng thinh, Kirimiya Rei nói, “Đó là một số nguyên tố.”

“Gì cơ?”

“Số nguyên tố trong số học ấy. Là những số giống như 2, 3 và 5, không chia hết cho số nào ngoài 1 và chính nó. Vật nằm trong chiếc cặp xách hôm đó là thứ ghi lại một số nguyên tố. Tuy nhiên số chữ số của số đó là một con số lớn khổng lồ. Dù dùng một chiếc siêu máy tính cũng không thể dễ dàng tính ra nó. Anh có biết hiện tại những số như thế thường được dùng để mã hóa thông tin không?”

“Tôi từng nghe qua. Dù không hiểu cơ chế của nó lắm.”

Có lẽ dù được giải thích anh cũng không hiểu.

“Để đưa thông tin đã được mã hóa về trạng thái cũ, ta cần có số nguyên tố đó. Nghĩa là nó là một thứ rất quan trọng. Việc gửi đi cũng cần phải chú ý nghiêm ngặt. Vì thế chúng tôi đã nhờ tới công ty dịch vụ bảo vệ của các anh.”

“Ra là vậy.” Takeo gật đầu rồi nhìn lại Kirimiya Rei. “Thế thì sao?”

Cô giữ nguyên nụ cười trên môi, hơi nghiêng đầu. “Anh có vẻ không hứng thú nhỉ.”

“Vì nó chẳng liên quan tới tôi chút nào. Như vậy không tốt ư?”

“Không, nên như vậy chứ. Lát nữa sẽ có một người tới đây.” Cô lấy một tờ giấy nhớ từ túi trong áo khoác, đặt lên bàn.

Takeo nhấc nó lên. Trên đó có ghi Uhara Madoka.

“Đây là người chúng tôi muốn nhờ anh bảo vệ. Ngày thường cô ấy ở trong một phòng của tòa nhà này, nhưng thỉnh thoảng cô ấy sẽ đi ra ngoài. Khi đó tôi muốn anh đi cùng với tư cách vệ sĩ của cô ấy. Tôi muốn anh không rời mắt khỏi cô ấy, bảo vệ thân thể cô ấy khỏi mọi mối nguy hiểm dù đi tới bất cứ nơi đâu.

“Tuy nhiên,” Kirimiya Rei giơ ngón tay trỏ lên. “Có một điều cần anh lưu ý. Anh nhất định không được tò mò gì về cô ấy. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới cô ấy như tại sao cô ấy ở đây, cô ấy làm gì ở đây, v.v… Anh có thể đáp ứng điều đó không?”

“Cả những điều cần thiết cho việc bảo vệ nữa ư?”

“Những chuyện được cho là cần thiết, khi tới lúc cần tôi sẽ nói với anh. Tôi quên chưa nói, mỗi lần cô ấy ra ngoài tôi cũng sẽ đi cùng. Như vậy có ổn với anh không?”

Đối tượng bảo vệ có vẻ là một nhân vật khá rắc rối. Nhưng anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng đây là một công việc phiền phức rồi. Nếu không như vậy, họ sẽ chẳng cất công trực tiếp nhờ cậy anh thế này.

“Tôi hiểu rồi.” Anh đáp.

Lúc đó, cả hai nghe thấy tiếng gõ cửa. “Cửa mở đấy.” Kirimiya Rei đáp. Takeo đứng lên, quay về phía cửa vào.

Cửa mở, một cô gái bước vào. Trông cô chưa tới hai mươi. Tóc dài, không cao lắm. Cô mặc sơ mi kẻ ca rô, đôi chân thanh mảnh lộ ra dưới chiếc váy denim ngắn. Đôi mắt lớn hơi xếch, làm người ta liên tưởng tới mắt mèo.

Takeo hơi bất ngờ. Vì không hiểu sao anh đã nghĩ đối tượng bảo vệ là một phụ nữ trung tuổi.

Kirimiya Rei đứng giữa hai người. “Đây là chú Takeo Toru. Chị đang nhờ chú ấy làm vệ sĩ cho em.” Nói đoạn cô ngoảnh mặt qua phía Takeo, nói: “Đây là Uhara Madoka.”

“Chào cô.” Takeo cúi đầu chào.

Uhara Madoka nhìn anh chăm chú bằng cặp mắt to. Sau đó, cô đảo mắt lên xuống toàn thân anh như để kiểm tra.

“Có chuyện gì vậy?” Takeo hỏi.

“Chú bước đi cho tôi xem.” Cô nói. Giọng nói có chút âm mũi.

“Gì cơ?”

“Chú đi loanh quanh vài bước cho tôi xem. Đi tới khi tôi nói dừng lại.” Cô chỉ nền nhà, vẽ một vòng tròn trong không khí.

Takeo bối rối, nhìn Kirimiya Rei. Cô gật gật đầu ra hiệu anh hãy làm theo lời Uhara Madoka nói.

Bất đắc dĩ, Takeo chậm rãi đi quanh những chiếc xô-pha nằm đó. Sau khi anh đi được một vòng và quay lại chỗ hai người, Madoka gật đầu nói “Đủ rồi.” Đoạn cô tiếp: “Lúc chạy chú cũng không đau chứ?” Cô chỉ thân trên của anh.

“Đau ư? Ở đâu cơ?”

“Hông. Hông bên phải. Chú bị đau hông đúng không?”

Trước câu khẳng định chắc nịch ấy, Takeo kinh ngạc. Đúng như lời cô gái nói. Anh bị đau từ hồi trẻ.

“Sao cô biết?”

“Nhìn là biết. Vì thân thể chú mất thăng bằng. Vậy thế nào? Chú có chạy được không? Khi nguy cấp mà vệ sĩ không chạy được thì tôi nghĩ có vấn đề đấy.”

Trước câu nói của cô, Kirimiya Rei lộ ra nét mặt lo lắng.

Takeo vỗ ngực. “Không sao. Đúng là tôi có bệnh đau hông, nhưng ngày thường tôi đều chú ý chăm sóc vùng bị đau.”

“Hừm.” Khẽ hừ mũi, Madoka chỉ vào miệng Takeo. “Chăm sóc cũng được, nhưng tới bác sĩ nha khoa nhanh hơn đấy. Bởi cơ thể con người mất thăng bằng chính là do sai khớp cắn.”

Takeo bất giác đưa tay lên cằm mình. Trước giờ anh chưa từng nghĩ tới khớp cắn.

Madoka hạ tay xuống, nói với Kirimiya Rei: “Chọn chú này được rồi”, đoạn xoay vòng người lại. Cô mở cửa, bước ra khỏi phòng. Takeo lơ đãng dõi theo bóng cô gái.

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Ma Nữ Của Laplace – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Ma Nữ Của Laplace - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Top 4 Cuốn Trong Series Thám Tử Galileo Của Higashino Keigo

Top 4 Cuốn Trong Series Thám Tử Galileo Của Higashino Keigo

Dưới đây là Top 4 cuốn trong series thám tử Galileo của Higashino Keigo mà đội ngũ Những Cuốn Sách Hay muốn gửi đến bạn đọc tham khảo. Chúc các bạn có thời gian thư giãn thoải mái bên những cuốn sách tuyệt vời này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *