Trò Chuyện Với Vĩ Nhân – OSHO

Trò Chuyện Với Vĩ Nhân - OSHO

Thể Loại Triết Học
Tác Giả OSHO
NXB NXB Văn hóa – Nghệ thuật
CTy Phát Hành Trí Việt
Số Trang 396
Ngày Xuất Bản 2020
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

“Trò chuyện với vĩ nhân” tổng hợp những câu chuyện của thiền sư Osho về 20 triết gia, nhà tư tưởng, đạo sư lỗi lạc nhất lịch sử.

Danh sách những bậc vĩ nhân Osho bàn đến rất đa dạng: Ở phương Đông có Lão Tử, Trang Tử; phương Tây có Socrates, Pythagoras, J. Krishnamurtri, Heraclitus, những nhà lãnh đạo tôn giáo như Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Đề Đạt Ma, Jesus Christ…

Dưới ngòi bút sắc sảo của Osho, cuộc đời, tư tưởng và hành trình giác ngộ của những bậc vĩ nhân hiện lên đầy sống động. Ông kể về thời thơ ấu bất hạnh của Krishnamurti, cái chết của Socrates, cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử với Lão Tử hay khoảnh khắc chứng ngộ của ni sư Chiyono.

Osho bình luận về tư tưởng của những nhà tư tưởng, những triết gia bằng sự hiểu biết và trải nghiệm uyên bác, nhưng đồng thời, dưới một góc nhìn giàu cảm xúc và tuyệt đối cá nhân, ông hết lời tán thưởng tư tưởng của những vị triết gia ông yêu, viết về họ đầy hài hước và sự hoan hỉ.

Nhưng song song đó, Osho cũng thẳng thừng chê bai và chỉ ra những quan điểm ông không đồng tình ở những nhân vật được bàn đến. Chẳng hạn, Osho cho rằng những lời dạy của Krishnamurti là “quá nghiêm túc” và “chưa chạm đến trái tim con người”. Hoặc, ông bình luận về tư tưởng của Friedrich Nietzsche – triết gia người Đức: “Chúng là những ngôn từ chết; chúng không có hơi thở, không có nhịp đập của trái tim”.

Qua mỗi bài viết, Osho truyền tải đến bạn đọc những điều ông xem là “chân lý”, liên quan đến tôn giáo, thiền định, bản chất của niềm vui sống. Vị đạo sư đặc biệt ca ngợi sự hài hước trong tôn giáo, thái độ sống tự nhiên, nổi loạn hay sự hoà mình vào dòng chảy cuộc sống.

Sách đưa ra nhiều kiến thức về thiền định: lý do ta cần thiền, ý nghĩa của sự sống và cái chết, lợi ích của thiền định đến cơ thể và tâm thức mỗi người, thông qua những lời giảng giải đơn giản với ngôn từ dễ hiểu của Osho về sự bình an, lòng trắc ẩn, sự minh triết, và những câu chuyện thực tế về cuộc đời và hành trình giác ngộ của các vĩ nhân như Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử, Socrates

Những điều này, thật đáng ngạc nhiên, khiến người đọc liên hệ mạnh mẽ đến cuộc sống hiện đại, vốn ngày một nhiều bất trắc, xung đột và khó lường. Đâu đó, Osho khuyến khích (hoặc tiếp sức) cho chúng ta không ngừng đấu tranh và làm mới chính mình, thừa nhận những nghịch lý đồng thời trân trọng những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng.

“Cuộc sống giống như bài thơ hơn là một món đồ ngoài chợ, nó phải giống như một bài thơ, một ca khúc, một vũ điệu, một bông hoa ven đường, bung nở tự nhiên, gửi hương cho gió, không hướng tới bất kỳ ai, chỉ đơn giản tận hưởng chính mình, được là chính mình”, ông nói.

Thông tin tác giả OSHO

Tác giả OSHO

Osho (1931 – 1990) tên thực là Chandra Mohan Jain (tiếng Hindi: चन्द्र मोहन जैन), còn được gọi là Acharya Rajneesh từ những năm 1960 trở đi, sau đó ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tên Osho năm 1989, là một nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ, và lãnh đạo của phong trào Rajneesh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được xem như là một vị thầy huyền bí, guru và bậc thầy tâm linh. Trong những năm 1960, ông đã đi khắp Ấn Độ như một diễn giả công cộng và là nhà phê bình thẳng thắn đối với chủ nghĩa xã hội, Mahatma Gandhi, và đạo Hindu chính thống. Ông cũng chủ trương một thái độ cởi mở hơn với tình dục, và vì thế mà ông có biệt danh là đạo sư tình dục ở Ấn Độ và sau này là trên báo chí quốc tế, tuy vậy càng ngày thái độ cởi mở này càng được xã hội chấp nhận.

Năm 1970, Osho dành thời gian ở Mumbai để truyền dạy cho các môn đồ được gọi là “neo-sannyasin”. Trong giai đoạn này, ông mở rộng các giáo lý tâm linh của mình và thông qua các bài diễn thuyết, ông đã đưa ra một cái nhìn độc đáo về các tác phẩm của các truyền thống tôn giáo, nhà huyền môn, và các triết gia từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1974, Osho đến Pune, lập ra một tổ chức và các ashram để cung cấp nhiều “công cụ chuyển đổi tâm linh” cho cả du khách Ấn Độ và quốc tế. Vào cuối những năm 1970, căng thẳng giữa chính phủ Đảng Janata cầm quyền của Morarji Desai và phong trào đã dẫn đến việc hạn chế sự phát triển của phong trào.

Trong năm 1981, Osho chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ và các đệ tử của ông đã thành lập một cộng đồng quốc tế ở đây, với tên là Rajneeshpuram, thuộc bang Oregon. Gần như ngay lập tức phong trào đã xung đột với cư dân bản địa và chính phủ Hoa Kỳ, dẫn đến một loạt các cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc xây dựng ashram và tiếp tục ngăn trở phong trào. Năm 1985, sau cuộc điều tra các tội ác nghiêm trọng bao gồm cuộc tấn công khủng bố năm 1964, và âm mưu ám sát Charles H. Turner, Osho cáo buộc rằng thư ký riêng của ông Ma Anand Sheela và những người ủng hộ thân cận của Sheela phải chịu trách nhiệm.[8] Ông bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ theo một thỏa thuận Alford với tòa án.

Một phần dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, 21 quốc gia từ chối cho ông nhập cảnh, và cuối cùng ông quay trở lại Ấn Độ, phát triển lại ashram ở Pune. Osho qua đời tại đây vào năm 1990. Ashram của ông ngày nay được biết đến như là Khu nghỉ mát Thiền Quốc tế Osho (Osho International Meditation Resort).

Những thuyết giảng có tính tổng hợp và điều hòa các tôn giáo khác nhau của Osho nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền, việc tự nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước – những phẩm chất được Osho xem như bị kìm nén do sự tuân thủ các hệ thống niềm tin cứng nhắc, truyền thống tôn giáo và xã hội hóa. Tư tưởng của ông đã có một tác động đáng kể đến phong trào New Age ở phương Tây, và sự nổi tiếng của các tư tưởng Osho đã tăng lên rõ rệt từ khi ông qua đời.

II. Review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân của tác giả OSHO. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. NGUYỄN NGHIÊM review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

“Trò chuyện với vĩ nhân” Nội dung cuốn sách quá tuyệt vời, quan điểm của Osho luôn làm cho chúng ta phải kinh ngạc, làm cho nhân sinh quan của chúng ta bị đảo lộn. Qua hai mươi phần trong sách mỗi phần phân tích cuộc đời của những Vĩ nhân như: Đức Phật, Jesus, Lão Tử, Krishnamurti,Pythagoras … Từ Tây sang Đông Osho đã đưa chúng ta vào kho tàng kiến thức cũng như cảm nhận và tư tưởng của ông về các ngài. Đây là cuốn sách đáng đọc nhất, chúc các bạn đọc sách vui vẻ !

2. ANH NGUYỄN NHẬT review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Sau khi đọc xong quyển này, với mình nó mở ra thế giới của các triết gia, vĩ nhân của Phương Đông lẫn phương tây. Cuốn sách sẽ rất tuyệt nếu bạn muốn tìm hiểu về con đường tâm linh, triết học và sâu sắc về tâm hồn.

3. PHUNG KHAC THANH review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Trò chuyện với Vĩ nhân – OSHO

25 tuổi – Cũng như bao người trẻ khác tôi loay hoay đi tìm con đường cho chính mình, tôi tiếp thu hàng nghìn lời khuyên từ mọi phía, nào là cách sống sao cho thinh vượng, an nhiên rồi thì ý nghĩa đích thực về cuộc sống… Nhưng tiếp thu những lời khuyên đó tôi chỉ thấy quay quồng, chả biết phải làm sao cho đúng. Bắt đầu tôi tìm về cội nguồn của những lời khuyên, những người đã vẽ ra những con đường cho nhân loại tiến về phía trước… Phương Tây thấm nhuần tư tưởng Cơ Đốc giáo qua những lời khuyên của Chúa, Phương Đông lại còn đặc biệt hơn khi là cái nôi của các tôn giáo: Kytô giáo, Hindu giáo, Jaina giáo, Hồi giáo hay Phật giáo – một tôn giáo phi tôn giáo… ở một khía cạnh khác thì ta còn có Đạo Khổng, Đạo Lão… Mỗi tôn giáo hay tư tưởng đều có những Vĩ nhân đi tiên phong tìm đường dẫn lối, đặt nền móng cho tâm thức nhân loại. Nhưng khi tìm hiểu đủ nhiều tôi nhận ra mỗi người lại có một quan điểm riêng, đôi khi còn xung đột nhau về cách sống… Và một lần nữa tôi lại… loay hoay, quay cuồng tiếp. Nhưng cũng là lúc tôi hình thành cho mình thêm nhiều hơn tư duy trừu tượng, tôi không còn tuân thủ hay nhìn thực tại theo một hệ quy chiếu có sẵn nữa. Bắt đầu suy nghĩ mọi thứ với tính lỏng cao hơn, đặt câu hỏi với nhưng những gì trước nay mình luôn coi là đúng. Từ đó tôi bắt đầu góp nhặt những tinh hoa của các Vĩ nhân để lại và áp dụng lại cho phù hợp với thời đại và bản thân mình hơn.

May mắn thay tôi tìm được đến với Osho, với cuốn Trò chuyện với vĩ nhân và Đạo – con đường không lối. Với giọng văn kể chuyện duyên dáng, nhưng lại không thiếu đi những lập luận sắc bén, Osho thuyết phục tôi về những cái hay của từng Vĩ nhân, cũng như cái chưa hợp lý của họ. Chủ nghĩa phương Tây, xây dựng cho mỗi con người một cái tôi cá nhân và thúc đẩy họ phải cố gắng nỗ lực vì chính bản thân mình. Trong khi đó chủ nghĩa phương Đông lại xây dựng một cho con người cái tôi tập thể – một thứ trung hòa giữa cá nhân và tập thể. Để dễ hiểu phương Đông coi mỗi người là một bộ phận trong cơ thể, chúng ta phải hoạt tốt vai trò và trách nhiệm của chúng ta, ngoài ra chúng ta còn làm vì tập thể, vì những bộ phận khác để giúp cơ thể khỏe mạnh. Osho không ngần ngại phê phán sự cứng nhắc của Khổng Tử, rồi tán thưởng “tư duy logic điên rồ” của Lão Tử lẫn sự nổi loạn của Trang Tử… Ngoài ra Osho kể ra những câu chuyện của những Vĩ nhân, những điều hình thành nên họ, chắc nhiều bạn sẽ bất ngờ: J. Krishnamurti thất vọng vì không được lắng nghe; Socrates bị đầu độc; Friedrich Nietzsche, triết gia người Đức, bị nhốt vào nhà thương điên và bị xem là “người điên” cho đến cuối đời;… Tôi ấn tượng nhất về câu chuyện của Đức Phật, người góp công lớn tạo ra một tôn giáo phi tôn giáo,bởi vì nó không có hệ thống tín ngưỡng, không có tín điều, không có thánh thư… Ngược lại hoàn toàn với các Vĩ nhân khác khi chỉ cho con người niềm tin, lời răn để con người bám víu, thì Đức Phật “lấy đi” tất cả, để rồi lấy đi cái thứ chúng ta khó cho đi nhất – cái tôi của chính bạn. Chỉ để lại sự trống rỗng tinh khôi, thuần khiết và trong trẻo, khi đó bạn đạt được đến cảnh giới “nirvana”(niết bàn). Niết bàn không phải mục tiêu mà là sự trống rỗng sẵn có trong bạn, nó luôn tồn tại nhưng nó chỉ bị tạm che đi thôi như các đồ vật trong nhà, chỉ cần chúng ta loại những độ vật đó ra chúng ta sẽ cảm nhận được nó, rồi tiến tới cảnh giới thấu hiểu hoàn toàn bản thân… Tôi còn ấn tượng với câu nói của Đức Phật đã nói với các đệ tử của mình: “‘Nếu gặp ta trên đường, hãy giết ta ngay lập tức. Đừng bao giờ cho phép ta đứng giữa con và thực tại của con. Hãy nắm tay ta đến chừng nào con không có khả năng đi một mình và tự lập. Khoảnh khắc con có thể bước đi một mình và tự mình, hãy quên ta đi. Tiến lên. Sau đó thì đừng bám víu vào ta. Đừng cố mãi là cái bóng của ta. Nếu gặp ta trên đường, hãy giết ta ngay lập tức!”… Gần đây chúng ta được nghe nhiều về chủ nghĩa khắc kỷ của Socrates, rồi Thần số học của Pythagoras, và bạn biết tôi chuẩn bị nói gì rồi đó, những người họ Osho cũng đề cập đến. Tôi phải tự hỏi Osho có điều gì ông không biết không, vì ngoài những kiến thức trong cuốn sách này ông còn hàng trăm cuốn sách khác với các thể loại khác nhau. Qua cuốn sách Osho đã gắn kết lại các con đường của 20 Vĩ nhân lại với nhau, thành một cái bàn đồ rõ ràng hơn, rồi người tùy theo quan điểm cá nhân của mình sẽ lựa chọn ra được con đường cho chính mình và tiếp bước trên con đường đó.

Rồi câu hỏi cuối cùng đặt ra là Lịch sử chỉ ghi chép về Adof Hitler, Thành Cát Tư Hãn, Tamerlaine… – những kẻ gieo rắc đau thương cho nhân loại. Nhưng lại quên đi và không nói nhiều về Jesus, Đức Phật, Lão Tử, Trang Tử,… – những người đánh thức cả thế giới khỏi cơn mê, mang hy vọng đến cho mọi người?

Osho trả lời “Con người có thể sống theo hai cách: một là theo thời gian, hai là vượt lên trên thời gian. Lịch sử là tên gọi của cuộc sống mà chúng ta đang sống theo thời gian nó để lại dấu ấn lên thời gian. Nhưng cũng có một cuộc sống mà chúng ta vượt lên trên thời gian – nó không để lại giấu vết nào cả. Họ sống cuộc sống nội tâm, họ sống trong chính mình. Cuộc sống của họ không có một tác động hữu hình nào cả, nhưng họ đã làm biến đổi tâm thức nhân loại. Họ đã sống trong tâm thức và họ để lại ấn tượng nơi tâm thức nhân loại”. Đúng như vậy! Những Vĩ nhân đã sống vượt lên khỏi thời gian vì họ vẫn còn tồn tại mãi mãi trong tâm thức của nhân loại!

Nếu có điểm trừ thì một vài Vĩ nhân viết hơn ngắn, giá như viết dài hơn thì tuyệt với, nhưng thực sự chỉ cần gợi ý câu chuyện và nêu ra những cái nhìn đặc trưng riêng là đủ rồi, sau đó người đọc thấy hứng thú với ai sẽ tự tìm hiểu thêm.

Đánh giá: 4.5/5

4. DAN THU review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

“Trò Chuyện Với Vĩ Nhân” là quyển sách mình bình chọn hay nhất cho năm 2020. Osho dắt mình đi gặp từng bậc thầy từ Đông sang Tây, để thấy rằng ai cũng có thể giác ngộ, bằng nhiều cách khác nhau, với tính cách khác nhau, từ nguồn gốc khác nhau nên sẽ chẳng có con đường đúng sai, chỉ có con đường bạn tin. Chung nhất là họ yên lặng lắng nghe chính mình và họ sống với niềm vui tự do trong tư tưởng đó, lan toả cho những ai phù hợp. Sau đó mình hiểu hơn nguồn gốc và biết được thêm thông tin về các tôn giáo và những hiểu lầm về những điều vĩ nhân dạy.

Qua đó, thấy rằng OSHO là một người cởi mở, hài hước, sâu sắc và đầy yêu thương (yêu đời, yêu người và tình yêu sự minh triết).

Quyển sách là khởi đầu để có thể tìm hiểu thêm về những vĩ nhân và tư tưởng của họ.

Còn ai khác OSHO chưa kể đến không? Mai mốt có ai viết sách và nhắc đến OSHO như vĩ nhân không?

5. THẢO THẢO review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Thảo Thảo review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trò chuyện với vĩ nhân của Osho: Những ‘người điên’ thức tỉnh nhân loại

J. Krishnamurti thất vọng vì không được lắng nghe. Socrates bị đầu độc. Friedrich Nietzsche, triết gia người Đức, bị nhốt vào nhà thương điên và bị xem là “người điên” cho đến cuối đời.

Ngày nay, chúng ta thường nhìn những triết gia, những nhà tư tưởng bằng con mắt kính nể, nhưng ít ai biết họ lại sống như “kẻ điên” trong thời đại mình.

“Khi họ chết đi, chúng ta tôn thờ họ, trong khi họ còn sống, chúng ta ngược đãi họ”, Osho bình luận chua xót trong “Trò chuyện với vĩ nhân”.

“Trò chuyện với vĩ nhân” tổng hợp những “cuộc gặp gỡ” giữa Osho với 20 nhà tư tưởng, triết gia nổi tiếng nhất lịch sử loài người, từ phương Đông đến phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại, từ người thật đến những nhân vật huyền bí: Socrates, Pythagoras, Lão Tử, Trang Tử, Krishnamurti, Friedrich Nietzsche…

Trong mỗi bài viết, bên cạnh việc kể lại tiểu sử và những điển tích thú vị của mỗi vĩ nhân, Osho còn bình luận sắc bén về những tư tưởng “đi ngược số đông” của họ. Từ đó, phần lớn cuộc đời của những vĩ nhân cũng hiện lên đầy những nét buồn.

Là những triết gia bị điên, hay chúng ta đang sống trong một thế giới điên rồ? Trong cuốn sách, Osho thể hiện sự thiên vị rõ ràng đối với những người được ông bàn đến, đồng thời chê bai không thương tiếc sự mù quáng của “những kẻ ngu ngốc”, “đám đông xoàng xĩnh”.

Ông ra sức giải thích câu nói “Thượng Đế đã chết” của Friedrich Nietzsche, bàn về lý do Krishnamurti chối từ tôn giáo, tán thưởng “tư duy logic điên rồ” của Lão Tử lẫn sự nổi loạn của Trang Tử.

Có vẻ như, vai trò của những “người điên” của bất cứ thời đại nào là chịu đựng sự bất hạnh mà đám đông dành cho mình, và một phần nào đó, thức tỉnh đám đông đó. Công việc của họ giống như “phẫu thuật”, theo Osho: “Nó gây đau đớn nhưng đó là cách một người mới có thể được sinh ra”.

Cá nhân Osho, chẳng hề kém cạnh, cũng là một “người điên” của thời đại mình. Vị đạo sư này ủng hộ tự do tình dục, truyền bá phương pháp thiền động gây tranh cãi thời bấy giờ, trải qua cuộc đời nhiều “thị phi” mà đến nay người ta vẫn chưa thể ngã ngủ.

Nhưng như Osho nói, sự điên rồ, nổi loạn, đi ngược lại đám đông, vốn chẳng cần logic hay lý do nào cả, “chỉ là một người điên giống như tôi”.

“Những người này phải được chấp nhận như chính họ. Cho dù bạn yêu hay ghét họ. Yêu hay ghét, điều đó không thay đổi được gì. Bạn có thể ủng hộ hoặc phản đối họ, nhưng bạn không thể thờ ơ với họ. Đó chính là sự kỳ diệu của những nhà thần bí”, Osho ghi.

Ông cũng viết: “Cuộc sống của họ không có một tác động hữu hình nào, nhưng họ đã làm biến đổi tâm thức nhân loại”.

Về phần độc giả, mỗi người có thể đồng ý hoặc bất đồng với những nhận định của Osho, thậm chí nghi ngờ tính chân thực của những câu chuyện ông kể.

Nhưng hành trình đọc Trò chuyện với vĩ nhân chắc chắc là một trải nghiệm không nhàm chán và biết đâu sẽ đem đến cho bạn cơ hội nhìn thấy thế giới qua một góc nhìn rất khác.

6. VUI LÊN review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Cuộc đời 20 Vĩ nhân được Osho phân tích rành ròi, sâu sắc với nhiều sự ngưỡng mộ.

Đức Phật, Krishnamurti, Lão Tử là 3 câu chuyện mình ấn tượng và thích nhất. Osho mà phân tích cuộc đời của mấy nhân vật khác sâu như vậy nữa chắc cuốn này mình phải cho 4.5* lận.

Các vĩ nhân/triết gia đông tây khác thì cũng hay, cho mình thêm nhiều từ khóa để tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời các vị ấy.

7. HOÀNG VŨ review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

“Trò Chuyện Với Vĩ Nhân” Cuốn sách cung cấp cho người đọc những mẫu trò chuyện, những luận bàn về các triết gia mà tác giả hâm mộ. Đó có thể là những nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử như: Socrates, Trang Tử, Lão Tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Đề Đạt Ma…Hay cũng có thể là những người mà mình chưa từng biết như: Krishna, Kabir…

Tất cả đều có những quan điểm về thế giới quan có phần tuy khác nhau, nhưng tựu chung lại đều có những điểm hết sức tương đồng:

  • Sâu trong cùng của mỗi cá nhân là phần con người hết sức nguyên thủy. Chúng ta sinh ra, bước vào đời như 1 đứa trẻ, qua quá trình lớn lên và “nhào nặn” bởi môi trường sống, có nhiều lo toan, tính cách, cái tôi, thói hư tật xấu được hình thành. Công việc tìm hiểu bản thân, quan sát và lắng nghe tận sâu của mỗi người chính là việc rũ bỏ đi hết những lớp áo “cái tôi”, rũ bỏ ham muốn, để tìm về phần con người nguyên thủy nhất > Cá nhân tôi vốn là 1 người duy vật và ít có nhiều trải nghiệm tâm linh. Nhưng tôi vẫn tin rằng nếu 1 ngày quan sát và trải nghiệm được tận sâu con người mình. Sẽ giúp mỗi người hiểu được ý nghĩa cuộc đời, sống chậm hơn, yêu thương và vị tha hơn.
  • Phương Tây có nhiều người theo trường phái duy vật. Đó là lý do họ giàu về vật chất nhưng có thể nghèo hơn về mặt đời sống tâm linh. Phương Đông chính vì họ duy tâm, nên nhiều người lại không giàu về vật chất nhưng giàu về đời sống tâm linh, tâm hồn. Có những trường phái, những vị triết gia cân bằng được cả 2 quan điểm này như Socrates, Pythagores…
  • Cũng có những quan điểm cho rằng: Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của chúng, hoặc dễ dàng là đúng. Tức là những điều xảy ra với chúng ta thì đều là đúng, thuận theo tự nhiên. Kể cả những điều xấu nhất xảy đến, 1 biến cố hay tai nạn. Nhiều khi là do chúng ta kì vọng quá nhiều dẫn tới thất vọng nhiều và sốc, nếu sự việc đi chệch khỏi những gì ta suy nghĩ.

8. PHAN NGOC QUYNH review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

“Trò Chuyện Với Vĩ Nhân” Đầu tiên là cách viết rất hấp dẫn và lôi cuốn, kết hợp với chủ đề được tả đề cập gợi nên một sức tò mò rất lớn.

Tác giả nói về những con người đã sống một cuộc đời đi vào tâm thưc bản thân, họ sống vượt lên thời gian nhưng họ lại trở thành tâm thức của nhân loại. Qua mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời cảu những nhân vật vĩ đại kể trên, OSHO đữa ra những quan điểm của riêng mình, đồng ý và không đống ý, rút ra những điều đáng để học hỏi và trân trọng. Không phải là đánh giá chủ quan của riêng ông, không có đúng và sai, mà chỉ là người quan sát, theo dõi từ xa.

Lối viết của OSHO đối khi làm nhiều đốc giả khó chịu bởi sự dông dài và đôi chỗ ẩn dụ, ngụ ý khó hiểu. Nhưng riêng mình điều đó lại càng phù hợp để cuốn tránh trở thành một chủ đề suy ngẫm mà ta cần nhiều thì giơ lắng lại để chiêm nghiệm.

9. KIEU TRANG review sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Vì được các a chị booktubers giới thiệu mới biết có 1 quyển hay ho như thế này. Có những nhân vật mà ai cũng được nghe đến, và có những người mình còn chưa hề biết luôn. Mỗi một lát cắt, một cuộc đời và sự cống hiến của họ đối với lịch sử và cho thế hệ sau là những di sản tuyệt vời.

Sau sẽ cố tìm hiểu cụ thể hơn.

III. Trích dẫn sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Trích dẫn sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn ý nghĩa trong sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

Cuộc sống là một cuộc hành hương vô cùng tuyệt diệu, nhưng chỉ tuyệt diệu với những ai sẵn sàng tìm kiếm nó.

Hãy nhớ, bạn chỉ hiện hữu theo đúng mức độ nhận thức của bạn. Nếu bạn muốn hiện hữu nhiều hơn, hãy nhận thức nhiều hơn. Tâm thức tạo ra sự hiện hữu. Vô thức sẽ không có hiện hữu.

Người ta chỉ khóc khi kỳ vọng điều gì đó mà nó không xảy ra. Thần không bao giờ kỳ vọng rằng cô ấy sẽ ở bên thần mãi mãi. Khi không kỳ vọng, không khao khát, người ta sẽ không thấy bất mãn.

Trích đoạn sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân

BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Trong suốt quá trình tiến hóa của tâm thức nhân loại, chưa từng có một bậc giác ngộ nào lạ lùng như Bồ Đề Đạt Ma – một nhân vật hiếm có, độc đáo và đầy thu hút. George Gurdjieff cũng chỉ có vài phần gần giống, nhưng không gần lắm – và cũng chỉ vài phần thôi, không phải tất cả.

Có nhiều giác giả trên thế gian này, nhưng Bồ Đề Đạt Ma nổi bật như đỉnh Everest. Cách hiện hữu, cách sống và cách bày tỏ chân lý của ông ấy là hoàn toàn khác biệt, không một ai sánh được. Ngay cả thầy của ông ấy, Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng không thể sánh được với Bồ Đề Đạt Ma ở vài điểm. Hẳn Đức Phật cũng thấy khó “tiêu hóa” được con người này.

Bồ Đề Đạt Ma đi từ Ấn Độ đến Trung Quốc để truyền đạt thông điệp của Đức Phật. Mặc dù cách nhau cả ngàn năm nhưng đối với Bồ Đề Đạt Ma và đối với những người giống như ông ấy, không hề có sự ngăn cách về thời gian, không gian – đối với Bồ Đề Đạt Ma, Đức Phật luôn hiện hữu. Có khoảng cách một ngàn năm giữa Đức Phật và Bồ Đề Đạt Ma, nhưng trên thực tế lại chẳng có khoảng cách nào về mặt chân lý. Xét về khía cạnh luân hồi, Đức Phật đã nhập diệt một ngàn năm khi Bồ Đề Đạt Ma chào đời, nhưng ở tâm điểm, họ vẫn bên nhau. Bồ Đề Đạt Ma nói về những tinh hoa của Đức Phật, dĩ nhiên là theo cách riêng của ông ấy. Ngay cả Đức Phật cũng thấy nó lạ lùng.

Đức Phật là người học rộng, tinh thông, và vô cùng duyên dáng. Bồ Đề Đạt Ma thì hoàn toàn ngược lại. Đó không phải là con người, mà là một con sư tử. Ông ấy không phát ra tiếng nói mà là tiếng gầm. Ông ấy thô ráp chứ không có nét duyên dáng như Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông ấy không được mài dũa lấp lánh như kim cương; ông ấy chỉ mới đi ra từ mỏ đá, hoàn toàn thô sơ, chưa qua mài dũa, đánh bóng. Đó là vẻ đẹp của Bồ Đề Đạt Ma. Đức Phật thì sở hữu một vẻ đẹp uyển chuyển, tao nhã. Bồ Đề Đạt Ma cũng có vẻ đẹp của riêng mình, giống như vẻ đẹp của một tảng đá – mạnh mẽ, cứng cáp và bền bỉ.

Đức Phật cũng tỏa ra sức mạnh, nhưng đó là sức mạnh tĩnh lặng, giống như một lời thì thầm, một làn gió dịu mát. Bồ Đề Đạt Ma là cơn bão, là sấm chớp. Đức Phật nhẹ nhàng đến trước cửa nhà bạn, ngài thậm chí không gõ cửa, và bạn cũng sẽ không nhìn thấy bước chân của ngài. Nhưng khi Bồ Đề Đạt Ma tìm đến nhà bạn, ông ấy sẽ làm rung chuyển cả nền móng của ngôi nhà.

Đức Phật sẽ không đánh thức bạn ngay cả khi bạn đang ngủ. Còn Bồ Đề Đạt Ma ư? Ông ấy sẽ dựng bạn dậy từ nấm mồ! Ông ấy sẽ đập thật mạnh, hành động như một thợ nề. Chỉ khác về cách biểu đạt so với Đức Phật nhưng thông điệp thì hoàn toàn giống nhau. Ông ấy cúi đầu trước Đức Phật như trước một người thầy. Ông ấy không bao giờ nói: “Đây là thông điệp của tôi”, mà ông ấy nói: “Đây là thông điệp của Phật Tổ. Tôi chỉ là người đưa tin. Tôi không sở hữu gì cả bởi vì tôi không có gì cả. Tôi chỉ là một ống trúc rỗng được Đức Phật lựa chọn làm thành ống sáo. Họ ca hát; tôi chỉ là phương tiện để họ ca hát”.

***

Ra đời cách đây mười bốn thế kỷ, Bồ Đề Đạt Ma là con trai của vua xứ Pallava, một đế chế hùng mạnh ở miền Nam Ấn Độ. Ông là hoàng tử thứ ba, nhưng sau khi chứng kiến mọi thứ diễn ra – Bồ Đề Đạt Ma vốn thông minh hơn người – ông đã quyết định từ bỏ chốn hoàng cung. Ông không chống lại thế giới nhưng chưa sẵn sàng lãng phí thời gian của mình cho những điều tầm thường. Tất cả những gì ông ấy muốn là hiểu được bản chất của chính mình, bởi vì nếu không biết được bản chất đó, bạn phải chấp nhận cái chết.

Trên thực tế, tất cả những người tìm kiếm chân lý đều chống lại cái chết. Bertrand Russell khẳng định rằng nếu không có cái chết, sẽ không có tôn giáo. Có ít nhiều sự thật trong phát biểu đó. Tôi không hoàn toàn đồng ý bởi vì tôn giáo là một lục địa mênh mông. Nó không chỉ là cái chết, mà còn là sự tìm kiếm phúc lành, tìm kiếm chân lý, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống; nó còn hàm chứa nhiều thứ khác nữa. Nhưng hẳn là Bertrand Russell nói đúng: nếu không có cái chết, rất ít, rất hiếm người quan tâm đến tôn giáo. Cái chết là nguồn động lực to lớn.

Khi từ bỏ hoàng cung, Bồ Đề Đạt Ma nói với vua cha: “Nếu phụ thân không thể cứu nhi thần khỏi cái chết, vậy đừng ngăn cản. Hãy để nhi thần đi tìm kiếm điều gì đó vượt ra ngoài cái chết”. Đó là những ngày tháng tươi đẹp, đặc biệt ở phương Đông. Vua cha suy nghĩ trong giây lát rồi nói: “Ta sẽ không ngăn cản con, bởi vì ta không thể ngăn cản cái chết đến với con. Con hãy ra đi và ta chúc phúc cho con. Thật buồn nhưng đó là vấn đề của ta, đó là tình cảm quyến luyến của ta. Ta luôn hy vọng con sẽ là người kế vị, sẽ là một vị hoàng đế của Pallava hùng mạnh, nhưng con đã chọn điều gì đó lớn lao hơn. Ta là phụ thân của con, sao ta có thể ngăn cản con được? Và con đã hỏi theo cách thật đơn giản mà ta chưa từng nghĩ đến. Con hỏi ‘Nếu phụ thân có thể cứu nhi thần khỏi cái chết, nhi thần sẽ không rời khỏi hoàng cung, nhưng nếu phụ thân không thể, vậy thì đừng giữ nhi thần lại’”. Bạn có thể thấy được tầm vóc của Bồ Đề Đạt Ma, một con người thông minh tuyệt đỉnh.

Và điều thứ hai tôi muốn bạn ghi nhớ là mặc dù Bồ Đề Đạt Ma là một Phật tử nhưng trong chừng mực nào đó, ông ấy còn vươn cao hơn cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chẳng hạn như Phật Thích Ca Mâu Ni e ngại thụ pháp điểm đạo cho nữ giới nhưng Bồ Đề Đạt Ma đã nhận điểm đạo từ một phụ nữ đã chứng ngộ. Người đó tên là Pragyatara. Có lẽ không ai còn nhớ đến người này; chính nhờ Bồ Đề Đạt Ma mà tên của người phụ nữ ấy vẫn còn được nhắc đến, nhưng chỉ cái tên thôi, ngoài ra không có gì khác. Chính bà đã ra lệnh cho Bồ Đề Đạt Ma đi sang Trung Quốc. Phật giáo đã xuất hiện tại Trung Quốc sáu trăm năm trước khi Bồ Đề Đạt Ma đặt chân đến đất nước này. Có điều gì đó thật kỳ diệu, chưa từng xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào – thông điệp của Đức Phật lập tức chiếm trọn lòng tin của người Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, người Trung Quốc đã quá mệt mỏi dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo Khổng Tử. Khổng Tử vốn chỉ là một nhà đạo đức, rất khắt khe về đạo đức, không biết gì về những bí ẩn nội tại của cuộc sống. Trên thực tế, ông ấy phủ nhận bất cứ điều gì ẩn chứa bên trong. Mọi thứ đều ở bên ngoài; hãy tinh chỉnh nó, đánh bóng nó, nuôi dưỡng nó, khiến cho nó trở nên xinh đẹp nhất.

Ngoài Khổng Tử, chúng ta còn có Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, nhưng họ không phải là thầy mà là những nhà thần bí. Họ không thể tạo ra phong trào chống lại Khổng Tử ngay trong lòng của người dân Trung Quốc. Cho nên có một lực hút vô hình. Không ai có thể sống thiếu linh hồn, và một khi bạn nghĩ rằng linh hồn không tồn tại, cuộc sống của bạn bắt đầu mất hết ý nghĩa. Linh hồn là một khái niệm mang tính hợp nhất, nếu thiếu nó, bạn sẽ bị loại ra khỏi sự tồn tại và cuộc sống vĩnh hằng. Giống như khi bị lìa khỏi thân cây, nhánh cây chắc chắn sẽ chết – nó mất hết mọi nguồn dưỡng chất – chính ý nghĩ rằng không có linh hồn bên trong bạn, không có tâm thức, sẽ chia cắt bạn ra khỏi sự tồn tại. Người đó bắt đầu co rút lại, người đó bắt đầu cảm thấy khó thở.

Khổng Tử là một người rất duy lý. Các nhà thần bí như Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử đều biết rằng những việc mà Khổng Tử đang làm là chưa hợp lý nhưng họ không phải là thầy. Họ vẫn hoạt động trong cộng đồng của mình với vài đồ đệ.

Khi đến Trung Quốc, Phật giáo ngay lập tức chạm đến tâm hồn của người dân nơi đây… như thể họ đã khao khát hàng bao thế kỷ, và Phật giáo đã xuất hiện như là một đám mây đem mưa tới. Nó làm dịu cơn khát với quy mô rộng lớn đến mức điều gì đó ngoài sức tưởng tượng đã xảy ra.

Cơ Đốc giáo đã khiến nhiều người cải đạo, nhưng sự cải đạo đó chưa thể gọi là tôn giáo. Cơ Đốc giáo cải đạo cho người nghèo, người đói, người ăn xin, trẻ mồ côi không phải bằng tác động tâm linh mà bằng cách cho họ thức ăn, quần áo, chỗ ở, giáo dục. Nhưng tất cả những điều đó không liên quan gì đến tâm linh. Hồi giáo cũng đã cải đạo cho vô số người, nhưng bằng thanh kiếm: hoặc phải theo đạo Hồi, hoặc phải chết. Quyết định là ở nơi bạn.

Việc cải đạo diễn ra tại Trung Quốc là một quá trình mang tính tôn giáo duy nhất trong toàn bộ lịch sử của nhân loại. Phật giáo chỉ giảng giải chính mình, và vẻ đẹp của thông điệp đó được dân chúng lĩnh hội. Họ đã khát khao có được nó, họ đã chờ đợi điều gì đó tương tự. Toàn thể dân chúng, tại một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, đã chuyển sang đạo Phật. Sáu trăm năm sau, khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc, đã có ba mươi ngàn ngôi đền, chùa thờ Phật, và hai triệu nhà sư Phật giáo tại đất nước này. Hai triệu nhà sư không phải là một trong số nhỏ, nó chiếm khoảng 5% tổng dân số Trung Quốc lúc bấy giờ.

Pragyatara đã bảo Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc bởi vì những người đến trước đó đã có ảnh hưởng to lớn mặc dù không ai trong số họ được giác ngộ. Họ là những học giả vĩ đại, những con người rất kỷ luật, rất ân cần, tĩnh tại và giàu lòng trắc ẩn, nhưng không ai trong số họ được giác ngộ. Và giờ Trung Quốc cần một vị Phật Thích Ca Mâu Ni khác. Nền móng đã được xây dựng sẵn rồi.

Bồ Đề Đạt Ma là người giác ngộ đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Điều mà tôi muốn nói ở đây là dù Phật Thích Ca Mâu Ni e ngại thụ pháp điểm đạo cho nữ giới nhưng Bồ Đề Đạt Ma đã đủ can đảm để nhận điểm đạo từ một phụ nữ. Có nhiều người đã được giác ngộ nhưng ông ấy chọn một phụ nữ hẳn là có mục đích. Mục đích ấy là nhằm chứng tỏ rằng phụ nữ cũng có thể giác ngộ. Không chỉ vậy, các đồ đệ của người phụ nữ ấy cũng có thể được giác ngộ. Tên tuổi của Bồ Đề Đạt Ma tỏa sáng giữa tất cả những người đã được giác ngộ, chỉ xếp sau Phật Thích Ca Mâu Ni.

Có nhiều truyền thuyết về người đàn ông này. Tất cả đều chứa đựng một ý nghĩa nhất định. Truyền thuyết kể rằng khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc, mất khoảng ba năm, Lương Vũ Đế đã đích thân ra đón. Danh tiếng của vị hoàng đế này đã được biết đến trước đó. Lương Vũ Đế đã có công lớn trong việc phổ biến triết lý của Phật Thích Ca Mâu Ni. Hàng ngàn học giả đã dịch kinh Phật từ tiếng Pali sang tiếng Trung Quốc, và Lương Vũ Đế chính là người bảo trợ cho toàn bộ công việc dịch thuật này. Ông đã xây dựng hàng ngàn ngôi chùa và chăm lo cho hàng ngàn tu sĩ. Ông đã hiến dâng cả vương quốc của mình để phụng sự Phật Thích Ca Mâu Ni; và lẽ đương nhiên, các nhà sư Phật giáo, những người đến đất nước này trước Bồ Đề Đạt Ma, đều nói với Lương Vũ Đế rằng bệ hạ đã thu được công đức lớn lao, rằng bệ hạ sẽ được làm thần tiên trên trời.

Lẽ tất nhiên, câu hỏi đầu tiên Vũ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma là:

– Trẫm đã xây nhiều đền chùa, đã chăm lo cho hàng ngàn học giả, trẫm đã mở trường nghiên cứu về Phật Thích Ca Mâu Ni, trẫm đã hiến dâng cả vương quốc và toàn bộ của cải của mình để phụng sự Phật Thích Ca Mâu Ni. Vậy phần thưởng mà trẫm nhận được sẽ là gì?

Vũ Đế hơi bối rối khi nhìn thấy Bồ Đề Đạt Ma, không nghĩ rằng ông ấy lại trông như thế. Thật dữ tợn. Ông ấy có đôi mắt rất to, nhưng lại có một trái tim rất mềm mỏng, giống như đóa sen vậy. Song, khuôn mặt của Bồ Đề Đạt Ma khiến bạn cảm thấy bị đe dọa. Thêm cặp kính râm là ông ấy sẽ chẳng khác nào một tay mafia thứ thiệt!

Vũ Đế đã hỏi với một tâm trạng vô cùng lo sợ và Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Không phần thưởng, không gì cả. Ngược lại, hãy sẵn sàng để bị đày xuống bảy tầng địa ngục đi.

Vũ Đế nói:

– Nhưng trẫm đã làm gì sai, vì sao lại bị đày xuống bảy tầng địa ngục? Trẫm đã làm tất cả những điều mà các nhà sư chỉ bảo.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Trừ khi bệ hạ lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, bằng không chẳng ai có thể giúp được bệ hạ, dù là Đức Phật hay người thường. Bệ hạ chưa nghe được tiếng nói nội tâm của mình. Nếu nghe, hẳn bệ hạ đã không hỏi một câu hỏi ngu ngốc như vậy. Không có phần thưởng trên con đường của Phật Thích Ca Mâu Ni bởi vì niềm khao khát được đền đáp đó bắt nguồn từ một tâm trí tham lam. Toàn bộ lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni là vô sở cầu và nếu thực hiện tất cả những nghĩa cử được cho là cao đẹp này, xây đền chùa, chăm lo cho hàng ngàn tu sĩ, với một tâm trí sở cầu, bệ hạ đang đi về hướng địa ngục. Nếu bệ hạ làm điều này xuất phát từ niềm vui, chia sẻ niềm vui của mình với mọi người, và không mảy may nghĩ đến việc được đền đáp, hành động đó tự nó đã là phần thưởng. Bằng không, bệ hạ đã bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của nó.

Vũ Đế nói:

– Tâm trí trẫm chất đầy suy nghĩ. Trẫm đã cố tìm sự bình yên cho tâm trí nhưng không thể nào làm được, và bởi vì những suy nghĩ này, tiếng ồn này nên trẫm không thể nghe được điều mà ngài gọi là tiếng nói nội tâm. Trẫm chẳng biết gì về nó.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Vậy thì sáng mai, lúc bốn giờ, hãy một mình đến gặp bần đạo ở ngôi đền trên núi. Bần đạo sẽ giúp tâm trí bệ hạ bình yên mãi mãi.

Vũ Đế nghĩ người đàn ông này thật kỳ lạ, và cả gan. Ông đã gặp gỡ nhiều tu sĩ, họ đều rất lịch sự, còn người này thậm chí chẳng bận tâm rằng ông là hoàng đế của một đất nước hùng mạnh. Lại còn bảo đến gặp ông ta vào bốn giờ sáng hôm sau, một mình, khi trời còn tối… Người này có vẻ nguy hiểm, trong khi ông lúc nào cũng có người hầu kẻ hạ, binh lính hộ tống.

Vũ Đế trằn trọc cả đêm: “Đi hay không đi? Bởi vì người kia có thể làm bất cứ điều gì. Ông ta tuyệt đối không đáng tin cậy”.

Nhưng mặt khác, tận đáy lòng mình, nhà vua cảm nhận được sự chân thành của Bồ Đề Đạt Ma, rằng ông ta không phải là một kẻ đạo đức giả. Người đó chẳng bận tâm rằng bạn là hoàng đế trong khi bản thân chỉ là một gã ăn mày. Ông ta hành xử như vua, trong khi bạn lại giống như một kẻ ăn mày. Và cả cách ông ta nói: “Bần đạo sẽ giúp tâm trí bệ hạ bình yên mãi mãi”.

Vũ Đế nghĩ: “Thật lạ, bởi vì ta đã hỏi nhiều nhà thông thái đến từ Ấn Độ, và tất cả bọn họ đều chỉ cho ta các phương pháp, kỹ thuật để tập luyện, nhưng chẳng đem lại kết quả gì; còn người đàn ông lạ lùng này, người trông giống hệt gã say rượu, mất trí, người có khuôn mặt khác lạ với cặp mắt to đáng sợ… Nhưng trông người đó cũng chân thành, một hiện tượng kỳ lạ. Mà ông ấy có thể làm được gì chứ, cùng lắm là giết chết ta thôi”. Cuối cùng, Vũ Đế không cưỡng lại được sức cám dỗ từ lời hứa “Bần đạo sẽ giúp tâm trí bệ hạ bình yên mãi mãi”.

Lúc bốn giờ sáng, khi trời vẫn còn tối, Vũ Đế một mình đi đến chùa, và chỉ cách đó vài bước chân, Bồ Đề Đạt Ma đang đứng đợi ông cùng với một chiếc gậy: “Bần đạo biết bệ hạ sẽ tới, mặc dù cả đêm bệ hạ trằn trọc, phân vân không biết có nên đi hay không. Kiểu hoàng đế gì vậy – thật là hèn nhát, e sợ cả một khất sĩ, một gã ăn mày nghèo khó, một kẻ chẳng có gì ngoài chiếc gậy. Và với chiếc gậy này, bần đạo sẽ giúp tâm trí bệ hạ bình yên mãi mãi”.

Vũ Đế thầm nghĩ: “Trời ơi, ai đã từng nghe nói rằng một cây gậy có thể giúp tâm trí bình yên! Người ta có thể dùng nó để đập mạnh vào đầu anh ta, khi đó anh ta sẽ im lặng, không phải tâm trí. Nhưng giờ thì đã quá trễ”.

Rồi Bồ Đề Đạt Ma nói: “Hãy ngồi xuống đây, ngay ở sân chùa này”. Lúc đó không một bóng người. “Nhắm mắt lại, bần đạo sẽ ngồi phía trước bệ hạ cùng với cây gậy này. Việc bệ hạ cần làm là nắm bắt tâm trí. Chỉ cần nhắm mắt lại và đi vào bên trong tìm kiếm tâm trí, xem nó đang ở đâu. Ngay khi bệ hạ nắm giữ được tâm trí, hãy nói với bần đạo ‘Nó đây’. Và cây gậy này sẽ làm nốt phần việc còn lại”.

Quả là một trải nghiệm kỳ lạ đối với bất kỳ người nào tìm kiếm chân lý hay sự bình yên, nhưng lúc này, không còn lựa chọn nào khác. Vũ Đế ngồi đó, hai mắt nhắm nghiền, biết rõ Bồ Đề Đạt Ma sẽ làm đúng như những gì ông ta nói. Vũ Đế tìm kiếm xung quanh, không có tâm trí. Chiếc gậy đã phát huy tác dụng. Lần đầu tiên, Vũ Đế gặp phải một tình huống như vậy. Lựa chọn… nếu tìm thấy tâm trí, bạn sẽ không thể nào biết được người này sẽ làm gì với chiếc gậy của ông ta. Và tại nơi thanh sơn vắng lặng đó, với sự hiện diện của Bồ Đề Đạt Ma, người có tài thuyết phục, có sức thu hút rất riêng… Đã có nhiều người được giác ngộ, nhưng Bồ Đề Đạt Ma khác biệt, sừng sững như đỉnh Everest. Mỗi hành động của Bồ Đề Đạt Ma đều nguyên bản, độc nhất. Mỗi cử chỉ đều mang dấu ấn riêng, không vay mượn của ai khác.

Vũ Đế nỗ lực tìm kiếm tâm trí, và lần đầu tiên, ông không thể tìm thấy nó. Đó chính là bí quyết. Tâm trí chỉ tồn tại khi bạn không tìm kiếm nó; nó chỉ tồn tại khi bạn không nhận biết nó. Còn khi bạn tìm kiếm, nhận biết về nó, sự nhận biết ấy sẽ tiêu diệt nó hoàn toàn. Nhiều giờ trôi qua và mặt trời đã lên cao mang theo cơn gió nhẹ dịu mát. Bồ Đề Đạt Ma có thể nhìn thấy trên gương mặt của Vũ Đế sự bình yên, tĩnh lặng, tĩnh lặng như một pho tượng. Lay nhẹ Vũ Đế, Bồ Đề Đạt Ma nói:

– Nhiều giờ đã trôi qua. Bệ hạ tìm thấy tâm trí chưa?

Vũ Đế đáp:

– Không cần dùng đến gậy, ngài đã giúp tâm trí trẫm bình yên hoàn toàn. Trẫm không có tâm trí và trẫm đã nghe được tiếng nói nội tâm về những điều ngài nói. Giờ trẫm đã hiểu được rằng những gì ngài nói đều đúng. Ngài đã biến đổi trẫm mà không cần làm bất cứ điều gì. Giờ thì trẫm đã hiểu được rằng mỗi hành động đều có được phần thưởng từ chính nó, nếu không, đừng làm gì cả. Làm gì có ai trao cho mình phần thưởng? Đó là một ý nghĩ trẻ con. Ai ở đó để trừng phạt mình? Hành động của mình chính là hình phạt và hành động của mình cũng chính là phần thưởng. Bản thân chính là người làm chủ số phận.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Bệ hạ là một đồ đệ hiếm có. Ta yêu bệ hạ. Ta kính trọng bệ hạ, không phải với tư cách một vị hoàng đế mà là người có can đảm ngồi xuống để mang lại nhiều tỉnh thức, nhiều ánh sáng đến mức khiến toàn bộ đêm tối của tâm trí biến mất.

Vũ Đế tìm cách thuyết phục Bồ Đề Đạt Ma đến hoàng cung, nhưng Bồ Đề Đạt Ma nói:

– Đó không phải là chỗ của bần tăng; bệ hạ biết đó, bần tăng là người khó đoán. Bần tăng làm mọi thứ mà tự bản thân không hề biết trước. Bần tăng sống không gò bó, không đoán định. Bần tăng có thể gây rắc rối cho bệ hạ, cho cung điện, cho thần dân của bệ hạ; cung điện không dành cho bần tăng, hãy để bần tăng sống theo cách tự nhiên của mình.

Bồ Đề Đạt Ma sống trên một ngọn núi có tên là Tai… Câu chuyện thứ hai về Bồ Đề Đạt Ma là ông được xem như người đầu tiên tạo ra trà, tên gọi “trà” bắt nguồn từ tên của ngọn núi Tai bởi vì trà đã được tạo ra ở đó. Và mọi từ ngữ chỉ trà trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng đều có cùng nguồn gốc.

Cách tạo ra trà của Bồ Đề Đạt Ma không được lịch sử ghi lại nhưng là cách thức có ý nghĩa quan trọng. Ông ngồi thiền cả đêm, và đôi khi ông chìm vào giấc ngủ. Vậy nên để chống lại cơn buồn ngủ, chỉ là để dạy cho đôi mắt một bài học, ông đã nhổ sạch lông mày của mình và ném chúng xuống nền đất trong chùa. Chuyện kể rằng từ chỗ lông mày bị ném xuống mọc lên những bụi trà. Đó chính là những bụi trà đầu tiên. Điều đó giải thích cho lý do vì sao khi uống trà, bạn không thể ngủ được. Và trong thiền, uống trà trở thành một thói quen, trà vô cùng hữu ích. Cho nên các tu sĩ Phật giáo uống trà như là một phần của thiền bởi nó giúp họ tỉnh táo.

Mặc dù có đến hai triệu nhà sư tại Trung Quốc, nhưng Bồ Đề Đạt Ma chỉ tìm được bốn người xứng đáng để nhận làm đồ đệ. Ông quả là người vô cùng kén chọn. Ông mất gần chín năm để tìm thấy đồ đệ đầu tiên, Huệ Khả.

Trong chín năm, và đó là dữ liệu lịch sử, bởi vì các nguồn tham khảo xưa, gần như cùng thời với Bồ Đề Đạt Ma, đều nhắc đến chi tiết này mặc dù các chi tiết khác không được đề cập đến – trong suốt chín năm, sau khi tiễn Vũ Đế về cung, Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi xuống, quay mặt vào bức tường của ngôi chùa. Ông biến lần đó thành một đợt thiền vĩ đại. Ông chỉ ngồi nhìn vào bức tường. Khi nhìn vào bức tường một thời gian dài, bạn không thể nghĩ ngợi. Dần dần, giống như bức tường, tấm màn tâm trí của bạn cũng trở nên trống rỗng.

Và còn có một nguyên nhân thứ hai. Bồ Đề Đạt Ma tuyên bố: “Chừng nào chưa có ai xứng đáng làm đồ đệ của ta, ta sẽ không nhìn vào ai”.

Mọi người đến ngồi phía sau lưng Bồ Đề Đạt Ma. Đó là một tình huống kỳ lạ. Chẳng ai trò chuyện theo cách như vậy; ông ấy sẽ nói với bức tường. Mọi người sẽ ngồi sau lưng Bồ Đề Đạt Ma ông ấy không quay mặt lại bởi “mọi người càng khiến ta đau lòng hơn vì họ cũng chỉ giống như bức tường. Không ai hiểu, và nhìn thấy con người trong trạng thái như vậy khiến ta hết sức đau lòng. Còn khi nhìn vào bức tường, không có câu hỏi nào, rốt cuộc đó cũng chỉ là một bức tường. Nó không thể nghe, do đó không cần phải đau lòng. Ta sẽ chỉ quay mặt lại nếu ai đó chứng tỏ được bằng hành động rằng anh ta sẵn sàng trở thành đồ đệ của ta”.

Chín năm trôi qua. Không ai biết nên làm gì, hành động nào sẽ khiến ngài ấy hài lòng. Họ không tìm ra câu trả lời. Bỗng Huệ Khả xuất hiện. Anh ta dùng kiếm chặt đứt một bàn tay, ném bàn tay đó trước mặt Bồ Đề Đạt Ma, rồi nói:

– Đây chỉ là bước đầu. Hoặc ngài quay mặt lại, hoặc đầu của tôi sẽ rơi trước mặt ngài. Tôi sắp chặt đầu của mình đây.

Bồ Đề Đạt Ma quay mặt lại nói:

– Ngươi quả là người xứng đáng. Không cần phải chặt đầu, chúng ta sẽ cần đến nó.

Chàng trai trẻ Huệ Khả này chính là đồ đệ đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma.

Khi sắp rời Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma gọi bốn đồ đệ của mình lại – sau Huệ Khả, ông ấy đã thu nạp thêm ba đồ đệ nữa. Bồ Đề Đạt Ma hỏi:

– Hãy mô tả bản chất lời dạy của ta theo cách đơn giản, ngắn gọn nhất. Ta sẽ rời khỏi nơi đây vào sáng ngày mai để trở lại dãy núi Himalaya, và ta muốn chọn một trong các con làm người kế nhiệm.

Người thứ nhất nói:

– Lời dạy của thầy là thoát khỏi tâm trí, im lặng tuyệt đối, và rồi mọi thứ sẽ bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Con nói không sai, nhưng chưa khiến ta hài lòng. Con chỉ có được phần da của ta.

Người thứ hai nói:

– Biết rằng ta không hiện hữu, sự hiện hữu duy nhất chính là lời dạy căn bản của người.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Khá hơn một chút, nhưng vẫn chưa đủ. Con có được phần xương của ta, hãy ngồi xuống.

Người thứ ba nói:

– Không thể nói gì về điều đó. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được điều đó.

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Tốt, nhưng con đã nói ra rồi. Con đã tự mâu thuẫn với chính mình. Hãy ngồi xuống, con có được phần tủy của ta.

Người thứ tư, và cũng là đồ đệ đầu tiên, Huệ Khả, chỉ quỳ dưới chân Bồ Đề Đạt Ma không nói lời nào, nước mắt lăn dài trên má. Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Con đã nói ra được điều đó. Con sẽ là người kế nhiệm của ta.

Nhưng đêm đó, một đồ đệ đã đầu độc Bồ Đề Đạt Ma để trả thù vì không được chọn làm người kế nhiệm. Bồ Đề Đạt Ma đã được chôn cất, nhưng điều kỳ lạ là ba năm sau, một quan phủ địa phương nhìn thấy ông ấy rời Trung Quốc hướng về phía dãy núi Himalaya, đi chân đất, tay cầm gậy với một chiếc giày treo trên gậy.

Vị quan phủ này biết Bồ Đề Đạt Ma, đã gặp mặt nhiều lần, đã yêu mến người này dù nghĩ rằng ông ta có hơi lập dị. Quan phủ hỏi:

– Chiếc gậy này có ý nghĩa gì, và cả chiếc giày treo trên đó nữa?

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

– Ông sẽ sớm tìm được câu trả lời. Nếu gặp các đồ đệ của ta, hãy bảo với họ rằng ta sẽ đến dãy núi Himalaya, mãi mãi không trở lại.

Vị quan phủ tức tốc tìm đến ngọn núi nơi Bồ Đề Đạt Ma từng sống. Và ở đó, ông được biết rằng Bồ Đề Đạt Ma đã bị đầu độc, đã qua đời… còn có cả mộ phần nữa. Quan phủ nọ không hay biết gì về việc này bởi ông trấn giữ ở vùng biên giới. Ông nói: “Trời ơi, ta đã nhìn thấy Bồ Đề Đạt Ma, không thể nhầm lẫn được bởi vì ta đã từng thấy người ấy nhiều lần. Chính là người này, người có đôi mắt hung tợn, với tướng mạo khiến người khác khiếp sợ, và trên hết là mang theo cây gậy có treo một chiếc giày”.

Không khỏi hiếu kỳ, các đồ đệ đã mở nắp quan tài. Tất cả những gì họ tìm thấy bên trong là một chiếc giày. Và khi đó, quan phủ mới hiểu được vì sao Bồ Đề Đạt Ma nói: “Ông sẽ tìm thấy câu trả lời, sớm thôi, ông sẽ tìm thấy”.

Chúng ta đã nghe rất nhiều về sự tái sinh của Jesus. Nhưng không ai nói nhiều về sự tái sinh của Bồ Đề Đạt Ma. Có lẽ ông chỉ bị hôn mê khi được chôn cất, và sau đó tỉnh dậy, lẻn ra khỏi mộ, để lại đó một chiếc giày và treo chiếc còn lại lên gậy, rời khỏi nơi này theo đúng như dự định.

Bồ Đề Đạt Ma muốn được chết giữa lớp băng tuyết vĩnh cửu của dãy Himalaya. Ông ấy không muốn có lăng mộ, miếu mạo hay tượng đài của mình. Ông ấy không muốn để lại dấu chân nào cho mọi người tôn thờ; những ai yêu mến ông ấy cần phải bước vào bản thể của chính mình: “Ta không cần được tôn thờ”. Và ông ấy đã biến mất vào thinh không. Không ai biết gì về ông – điều gì đã xảy ra, ông đã viên tịch ở nơi nào. Hẳn là Bồ Đề Đạt Ma đã nằm lại đâu đó trong cõi vĩnh hằng của ngọn tuyết sơn Himalaya.

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Trò Chuyện Với Vĩ Nhân – OSHO. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Trò Chuyện Với Vĩ Nhân - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Suy Ngẫm Cuối Cùng Vào Buổi Tối - OSHO

Suy Ngẫm Cuối Cùng Vào Buổi Tối – OSHO

Suy Ngẫm Cuối Cùng Vào Buổi Tối đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, được tuyển chọn đặc biệt để đọc vào buổi tối. Cuốn sách sẽ cho bạn một lựa chọn khác để kết thúc một ngày với một chút hương vị thiền để vượt qua đêm dài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *