Yêu – Being in Love – OSHO

Yêu - Being In Love - OSHO

Thể Loại Kỹ Năng Sống
Tác Giả OSHO
NXB NXB Văn Hóa – Văn Nghệ TPHCM
CTy Phát Hành Trí Việt
Số Trang 350
Ngày Xuất Bản 01 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Yêu – Being in Love

“YÊU” Trong Tỉnh Thức Với OSHO

Một chỉ dẫn “yêu không sợ hãi” đầy ngạc nhiên từ bậc thầy tâm linh Osho

Những người đói khát trong nhu cầu, những người luôn kỳ vọng ở tình yêu chính là những người đau khổ nhất. Hai kẻ đói khát tìm thấy nhau trong một mối quan hệ yêu đương cùng những kỳ vọng người kia sẽ mang đến cho mình thứ mình cần – về cơ bản sẽ nhanh chóng thất vọng về nhau và cùng mang đến ngục tù khổ đau cho nhau. Trong cuốn sách Yêu – Being in Love, Osho – bậc thầy tâm linh, người được tôn vinh là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20 – đã đưa ra những kiến giải sâu sắc về nhu cầu tâm lý có sức mạnh lớn nhất của nhân loại và “chỉ cho chúng ta cách trải nghiệm tình yêu”.

Trong “Yêu – Being in Love”, Osho dẫn người đọc vào một hành trình tìm hiểu táo bạo và đầy sôi nổi về “hiện tượng bí ẩn” mang tên tình yêu. “Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu”, ông mở đầu. Trước tiên, Osho đưa ra một danh sách những điều “không phải là tình yêu”. Ông phân tích những nhu cầu đi kèm tình yêu thương đã phá hủy tình yêu ra sao, điều này diễn ra kể từ khi con người mới chào đời cho đến khi trưởng thành. Những thói quen đòi hỏi, mong muốn sở hữu người khác, kỳ vọng vào người khác… đều tạo nên sự hủy diệt và xung đột trong mọi mối quan hệ tình cảm, bao gồm cả tình yêu. Theo ông, tình yêu không bao gồm cảm giác ghen tuông, chiếm hữu, cạnh tranh, phụ thuộc, hay việc đòi hỏi người mình yêu phải hoàn hảo. Những điều trên đều khởi nguồn từ cái tôi, và Osho cho rằng: “Khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất”.

Thông qua từng chương của cuốn sách, bạn đọc nhận diện những dấu hiệu của một tình yêu đích thực: Sự cho đi và không chờ đợi được nhận lại, sự trưởng thành cá nhân, đặc biệt là sự tỉnh thức khi yêu. “Việc tỉnh táo nhận biết về bản thể của mình là sự khởi đầu của hành trình hướng tới tình yêu”.

Trong phần trọng tâm của cuốn sách “Tình yêu là cơn gió mát lành” – Osho dành nhiều thời lượng bàn về những chỉ dẫn yêu đương, tinh tế, thấu cảm, hài hước và nhiệt tình chẳng kém gì một nhà tư vấn tâm lý hiện đại tài ba nhất. Ông hoá giải những trải nghiệm tệ hại mà ta gặp phải khi yêu: Sự hụt hẫng sau những phấn khích ban đầu hay thất vọng về tình dục. Hiếm có một bậc thầy tâm linh nào lại mang ánh sáng của thiền và đạo vào vấn đề tình dục, khoái cảm như Osho và ông đã kiến giải vấn đề này vô cùng uyên bác, thấu đáo và có tính giáo dục cao hơn bất cứ cuốn sách giáo dục giới tính nào trong vấn đề tình dục từng có. Osho cũng thẳng thừng gạt phăng những hiểu lầm, những “ý nghĩ vô nghĩa” về tình yêu như tư tưởng “yêu là đau khổ” hay phụ nữ không nên là người chủ động khi yêu.

Sau cùng, Osho đưa ra những “niềm tin mới”, cổ vũ bạn đọc dấn thân vào tình yêu đích thực, thứ tình yêu của những linh hồn trưởng thành để đem đến sự hạnh phúc, khai sáng và chữa lành cho tất cả. Osho cũng đưa ra nhiều lời khuyên đáng giá cho các cặp đôi đang yêu.

Chúng ta thường sợ hãi khi nghĩ về tình yêu, ta e ngại những nỗi đau lẫn rắc rối mà nó đem đến. Với “Yêu”, bằng giọng văn cá tính và cuốn hút đặc trưng, Osho đem đến sự thấu hiểu trọn vẹn về tình yêu, đồng thời truyền niềm tin và sự dũng cảm để bạn đọc bước vào trải nghiệm phức tạp này một cách mới mẻ trong thứ ánh sáng tỉnh thức của tâm linh. “Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu”, ông nói, “Có điều gì đó thật đẹp đang chờ bạn phía trước. Nếu bạn có thể chờ đợi, nếu bạn có đủ kiên nhẫn và có thể tin tưởng, nó sẽ đến”.

BOX:

Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.

Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hoá nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải toả căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.

Thông tin tác giả OSHO

Tác giả OSHO

Osho (1931 – 1990) tên thực là Chandra Mohan Jain (tiếng Hindi: चन्द्र मोहन जैन), còn được gọi là Acharya Rajneesh từ những năm 1960 trở đi, sau đó ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tên Osho năm 1989, là một nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ, và lãnh đạo của phong trào Rajneesh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được xem như là một vị thầy huyền bí, guru và bậc thầy tâm linh. Trong những năm 1960, ông đã đi khắp Ấn Độ như một diễn giả công cộng và là nhà phê bình thẳng thắn đối với chủ nghĩa xã hội, Mahatma Gandhi, và đạo Hindu chính thống. Ông cũng chủ trương một thái độ cởi mở hơn với tình dục, và vì thế mà ông có biệt danh là đạo sư tình dục ở Ấn Độ và sau này là trên báo chí quốc tế, tuy vậy càng ngày thái độ cởi mở này càng được xã hội chấp nhận.

Năm 1970, Osho dành thời gian ở Mumbai để truyền dạy cho các môn đồ được gọi là “neo-sannyasin”. Trong giai đoạn này, ông mở rộng các giáo lý tâm linh của mình và thông qua các bài diễn thuyết, ông đã đưa ra một cái nhìn độc đáo về các tác phẩm của các truyền thống tôn giáo, nhà huyền môn, và các triết gia từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1974, Osho đến Pune, lập ra một tổ chức và các ashram để cung cấp nhiều “công cụ chuyển đổi tâm linh” cho cả du khách Ấn Độ và quốc tế. Vào cuối những năm 1970, căng thẳng giữa chính phủ Đảng Janata cầm quyền của Morarji Desai và phong trào đã dẫn đến việc hạn chế sự phát triển của phong trào.

Trong năm 1981, Osho chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ và các đệ tử của ông đã thành lập một cộng đồng quốc tế ở đây, với tên là Rajneeshpuram, thuộc bang Oregon. Gần như ngay lập tức phong trào đã xung đột với cư dân bản địa và chính phủ Hoa Kỳ, dẫn đến một loạt các cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc xây dựng ashram và tiếp tục ngăn trở phong trào. Năm 1985, sau cuộc điều tra các tội ác nghiêm trọng bao gồm cuộc tấn công khủng bố năm 1964, và âm mưu ám sát Charles H. Turner, Osho cáo buộc rằng thư ký riêng của ông Ma Anand Sheela và những người ủng hộ thân cận của Sheela phải chịu trách nhiệm.[8] Ông bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ theo một thỏa thuận Alford với tòa án.

Một phần dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, 21 quốc gia từ chối cho ông nhập cảnh, và cuối cùng ông quay trở lại Ấn Độ, phát triển lại ashram ở Pune. Osho qua đời tại đây vào năm 1990. Ashram của ông ngày nay được biết đến như là Khu nghỉ mát Thiền Quốc tế Osho (Osho International Meditation Resort).

Những thuyết giảng có tính tổng hợp và điều hòa các tôn giáo khác nhau của Osho nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền, việc tự nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước – những phẩm chất được Osho xem như bị kìm nén do sự tuân thủ các hệ thống niềm tin cứng nhắc, truyền thống tôn giáo và xã hội hóa. Tư tưởng của ông đã có một tác động đáng kể đến phong trào New Age ở phương Tây, và sự nổi tiếng của các tư tưởng Osho đã tăng lên rõ rệt từ khi ông qua đời.

II. Review sách Yêu – Being in Love

Review sách Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Yêu – Being in Love của tác giả OSHO. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. DIEU NGUYEN review sách Yêu – Being in Love

Nếu mình được bình chọn quyển sách được ghi chú nhiều nhất, thì đó là quyển “Yêu – Being in Love” này đây. Mỗi trang đều chứa đựng một vài điều hay mà mình cần phải highlight lại.

Sách nói nhiều điều rất chân thật và chỉ ra rất rõ những hiểu sai về tình yêu mà hầu hết chúng ta đều mắc phải. Không hẳn là sai trong tình yêu đôi lứa, mà sai trong chuyện yêu thương chính mình.

Chúng ta không thể cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình thì làm sao có thể thấy hạnh phúc bên cạnh người khác. Khi không thấy hạnh phúc, những gì chúng ta cho người khác chỉ là đau khổ.

Địa ngục được sinh ra khi người ta kỳ vọng vào thiên đường.

Tình yêu là tự do, là không có sự sợ hãi, là không có sự sở hữu, là khi bạn có đủ đầy tình yêu cho chính mình, bạn sẽ muốnc chia sẻ cho người khác.

2. VAN HO review sách Yêu – Being in Love

07.2021 – Yêu – Being in Love by Osho

Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chả hiểu gì về tình yêu, hoặc đang yêu một cách mù quáng và ngục tù sau khi đọc. Một quyển sách kỳ lạ và sâu sắc, việc phân tích tâm lý con người thông qua tình yêu và thiền, Osho giúp bạn nhận ra rằng tình yêu là điều thiêng liêng nhất trên đời. Với “Yêu – Being in Love” Osho dẫn dắt chúng ta quay về với thứ tình yêu không vị kỷ, không chiếm hữu, không ghen ghét, điều luôn có sẵn bên trong mỗi người. Nếu đúng với việc “Yêu”, bạn cần dẹp bỏ cái tôi của bản thân, để cho cả bản thân và người mình yêu “tự do”, vì chỉ có tự do trong cô độc, mỗi con người mới có thể cảm nhận được bản thân mình.

3. TRẦN TÚ TRÌNH review sách Yêu – Being in Love

Trần Tú Trình review sách Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trong “Yêu” (Being in love), Osho chỉ ra những quan niệm cần phải loại bỏ ngay lập tức nếu muốn có được một tình yêu viên mãn.

“Tôi đã hy sinh rất nhiều nhưng không nhận được tình yêu của người ấy”

Để hiểu được gốc rễ của quan niệm này, hãy trở về thời ấu thơ một chút. “Nếu không nghe lời, con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà!”; “Con không ăn, mẹ sẽ gọi ông kẹ bắt con đi”…, ta thường nghe những lời này từ đấng sinh thành. Từ nhỏ, ta được kỳ vọng rằng mình phải làm gì đó thì mới được yêu thương.

Và đây chính là khởi nguồn của loại tình yêu có điều kiện, hay nói như Osho, “sự bày mưu tính kế – sự khởi đầu, bài học vỡ lòng của cuộc chiến quyền lực và sự thao túng qua lại”: Ta phải làm một điều gì đó cho người khác thì mới “xứng đáng” có lại điều mình muốn.

Trong một mối quan hệ, kể cả trước khi yêu hay đang yêu, nhiều người thường mang trong mình mặc cảm tội lỗi, rằng người ta không yêu mình vì mình chưa hy sinh đủ. Tâm thế này khiến ta miệt mài đáp ứng những đòi hỏi, cho phép đối phương tận dụng, lợi dụng, so sánh ta với người khác… Dần dần, ta đánh mất luôn cả sự tự tôn, lẫn khả năng yêu thương thực sự trong mọi mối quan hệ chứ không đơn thuần là chỉ với người đó.

“Tôi mối nhận được tình yêu thương rồi mới dám yêu”

Ở chiều ngược lại, nhiều người coi tình yêu như một cuộc mặc cả và kỳ vọng mình có một thương vụ hời. Họ cho đi một cách miễn cưỡng, và nếu phải cho đi, họ cho đi với mong muốn được nhận về.

Theo Osho, con người cứ tưởng mình lý trí, tỉnh táo khi mang những triết lý kinh tế thị trường vào mối quan hệ, nhưng thực chất, ta đang không hiểu gì về kinh doanh và lại càng không hiểu gì về tình yêu.

Trong “Yêu”, Osho nhấn mạnh về một tình yêu vô điều kiện: “Cây ra hoa, đó không phải là kinh doanh; các vì sao tỏa sáng, đó không phải là kinh doanh, và bạn không phải trả tiền cho nó, không ai đòi hỏi điều gì ở bạn. Một con chim bay đến đậu ở cửa nhà bạn và hót, con chim đó không đòi bạn cấp giấy chứng nhận hay khen ngợi nó. Nó ríu rít rồi hạnh phúc bay đi, không để lại dấu vết nào. Đó là cách tình yêu phát triển”.

“Hãy cho đi, và cho đi một cách vô điều kiện, khi đó bạn sẽ biết tình yêu là gì”, Osho thúc giục.

“Tôi chỉ yêu khi tìm được người xứng đáng, phù hợp, hoàn hảo”

Nếu bạn nghĩ mình chỉ yêu khi tìm được người xứng đáng/phù hợp/hoàn hảo, thì có lẽ mãi cho đến cuối đời, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy người đó.

Lý do đầu tiên, khó có một người nào thực sự hoàn hảo tồn tại. Và nếu có chăng, thì chưa chắc bạn đã phù hợp với họ. Osho khẳng định: “Những người đòi hỏi sự hoàn hảo là những người loạn thần kinh chức năng”. Và theo ông, dù ai đó có tìm thấy một nửa hoàn hảo như mong muốn thì tình yêu ấy cũng sẽ bị hủy hoại bởi vì sự đòi hỏi và ích kỷ.

“Tình yêu chân chính là tình yêu không bao giờ thay đổi”

Ý niệm về một tình yêu vĩnh cữu – một khi yêu ai, bạn sẽ yêu người đó mãi mãi – là một suy nghĩ nguy hiểm, kéo con người ta vào thất vọng và bất hạnh.

Một tình yêu thật sự cũng bất định như cuộc sống. “Tình yêu là một đóa hoa mỏng manh mà bạn không thể nào ép nó sống mãi”, Osho nói, “Sự không kỳ vọng sẽ khiến đời sống tình yêu của bạn đẹp hơn, bởi vì bạn biết rằng hôm nay bạn bên nhau nhưng biết đâu, ngày mai, bạn sẽ phải chia xa. Tình yêu giống như làn gió mát lành bay đến ngôi nhà của bạn, mang theo hương thơm và sự tươi mới, lưu lại đó lâu nhất có thể và sau đó bay đi. Bạn không nên tìm cách đóng hết các cánh cửa, bằng không thì cơn gió mát ấy sẽ trở thành một thứ hoàn toàn xấu xí”.

Cũng theo Osho, tình yêu sẽ không ngừng thay đổi nhưng mối quan hệ của bạn với ai đó sẽ không bị phá vỡ nếu bạn hiểu và chấp nhận sự thay đổi ấy coi đó như một phần của tình yêu.

“Người tôi yêu chỉ được phép quan tâm tới mình tôi”

Trong “Yêu”, Osho nhắc đến một hủ tục lạc hậu thời trung cổ: Hàng triệu phụ nữ bị thiêu sống trên giàn thiêu khi chồng của họ qua đời. Họ phải đặt toàn bộ tâm thân ý của mình vào một người kể cả đến khi anh ta chết đi.

Ngày nay, sự chiếm hữu, hay ngục tù tình yêu này, dù nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn đầy khiên cưỡng. Nhiều người cho rằng một khi yêu ai đó, ta không còn được tự do, đồng thời thì người ta yêu cũng không được quan tâm đến ai khác ngoài ta.

“Để sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, bạn cần phải linh hoạt”, Osho khuyến khích, “Bạn phải nhớ rằng tự do là giá trị cao nhất và nếu tình yêu không mang đến cho bạn tự do, đó không phải là tình yêu. Tự do là một tiêu chí – bất cứ điều gì cho bạn tự do đều đúng, và bất cứ điều gì phá hủy sự tự do của bạn đều sai”.

Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.

Osho trước là giáo sư đại học chuyên ngành triết học sau đó chuyển qua nói trước công chúng về các đề tài tâm linh, tình yêu, sống cuộc đời hạnh phúc và tự do. Ông có tiếng là nổi loạn, hài hước, uyên bác và sâu sắc, với lối giảng dạy thiên về sử dụng những từ ngữ đơn giản, quần chúng. Osho thường xuyên tích hợp rất nhiều kiến thức khác nhau trong các bài giảng của mình, chủ yếu là về các đề tài tôn giáo tổng hợp (Phật giáo, Lão giáo, Kitô giáo, Đạo Hồi, Do Thái giáo…), bình luận triết học (Aristoteles, Immanuel Kant, Friedrich Nietzsche, Jean-Paul Sartre, Bertrand Russell… ) và tâm lý học hiện đại (Sigmund Freud, Carl Jung, Alfred Adler, Roberto Assagioli…) cùng các khám phá mới nhất trong khoa học tự nhiên, điều đó khiến cho các bài nói có sức quyến rũ cao.

4. GÓC CỦA TRÒN review sách Yêu – Being in Love

“Yêu – Being in Love” Đọc rất cuốn. Quyển sách thật ra là tập hợp những bài nói chuyện của Osho về tình yêu, đọc đã cuốn thế này thì khi nghe ông nói, việc dễ dàng bị cuốn theo là chắc chắn. Nhưng nhờ mình đọc mới có thể thấy rõ nhưng sơ hở trong cách lập luận của ông. Chính Osho cũng biết rõ những mâu thuẫn trong lời nói của mình.

Cái khó của việc truyền bá tâm linh. Nếu bạn ko đưa ra dẫn chứng, người ta ko tin bạn. Nếu bạn dựa vào khoa học đưa ra dẫn chứng, người ta lại càng có cái để phản bác bạn. Những kiến thức khoa học hôm nay chưa chắc vẫn đúng vào ngày mai, đung ko?

Mình nghĩ ông ấy nói gì không quan trọng, quan trọng là tại sao ông ấy nói điều đó, nói trong hoàn cảnh nào, người nghe là ai… Cũng như những gì ông ấy làm là không quan trọng, quan trọng là ông đạt được điều gì sau đó. VD ông ấy sẵn sàng bị nói là sống xa hoa, không giống với những người tu hành khác khi sắm cho mình chiếc Limosine nhưng mục đích là sẽ có nhiều người biết tới ông ấy hơn. Giống những ngôi sao đi lên bằng scandal thế nhỉ?

Nếu những giá trị của bạn ko chắc chắn, hợp lý thì khi đọc Osho, rất dễ làm cho bạn tự nghi ngờ chính mình. Đối với mình điều này rất tốt vì nó thách thức tâm trí bạn. Sẽ tìm đọc thêm sách của ông

5. XUCI NGUYEN review sách Yêu – Being in Love

Xuci Nguyen review sách Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Tựa đề quyển sách “Yêu – Being in love – Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin” đã thu hút mình, đúng quyển sách mình đang tìm vì không có nhiều quyển sách về tình yêu tỉnh thức. Đa phần chúng ta khi nghĩ đến tình yêu đều sẽ có cảm xúc rất mạnh và cảm xúc ấy chi phối dẫn đến những suy nghĩ, hành động mù quáng.

Sách phân tích cách mà chúng ta yêu nhau sai cách, từ tình yêu mà cha mẹ đối với một đứa trẻ (sự chiếm hữu, bảo bọc quá mức,…) đã tác động đến cách nhận thức về tình yêu khi chúng ta lớn lên; những quan điểm, định kiến sai lầm về tình yêu; nỗi sợ trong tình yêu; cô đơn và cô độc… Từ đó Osho đưa ra các bước để tìm lại tình yêu và từ tình yêu đến thiền định.

Có thể thông điệp của sách khá giống với những quyển trước đây của Osho về các chủ đề đã đề cập nhưng có lẽ là bậc thầy dẫn dắt nên những luận điểm, câu từ Osho đưa ra thật sự rất thuyết phục mình chỉ có vấn đề tình yêu và tình dục của ông mình chưa chấp nhận, mọi thứ khác đều hoàn hảo.

Chắc là sẽ còn đọc nhiều hơn những quyển sách của Osho :)))

6. NEVERBLOSSOM review sách Yêu – Being in Love

update 060221.

Osho rất nổi tiếng với những bài giảng bao gồm nhiều chủ đề: từ khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân, đôi khi lại đề cập đến các vấn đề khẩn thiết của xã hội hay lắm lúc lại bàn luận về chính trị. Chính vì vậy Osho là một nhân vật “ngoại hạng”, bởi vì chúng ta không thể xếp ông vào bất kì trường phái cụ thể nào cả.

Cuốn sách YÊU – Being in Love cũng nằm trong số đó và cũng là cuốn đầu tiên tớ đọc của Osho. Để diễn tả cho mọi người dễ hình dung thì YÊU thuộc thể loại nonfiction lai chút self-help và mang đậm “tư tưởng” cá nhân, và mỗi người thì mang tư tưởng cá nhân khác nhau, tớ tôn trọng nên sẽ không đánh giá cuốn sách này theo thang điểm mọi khi. Tớ cũng chia sẻ thành thật rằng trong suốt thời gian nghiền ngẫm YÊU thì khoảng 50% tớ đồng ý với suy nghĩ của tác giả, nhưng 50% thì không hẳn đồng tình. Chính vì thế bài review ngắn dưới đây sẽ bao gồm ý kiến cá nhân của tớ có phần “đậm đặc hơn” những bài review trước đó nhen.

Cuốn sách mở đầu với câu hỏi YÊU là gì? Ôi chao nghe có vẻ dễ xơi ghê ha nhưng thật ra nghĩ mãi cũng chẳng biết trả lời sao cho vừa, quả thật yêu đúng là “một hiện tượng bí ẩn” theo quan điểm của tác giả. Trong cuốn sách này thì tớ nhiệt liệt hưởng ứng quan điểm của ông về việc làm cha làm mẹ, hãy can đảm– không can thiệp và mở cánh cửa vô định để đứa trẻ có thể tự khám phá. Osho đề cao sự tự do trong YÊU – Being in Love (có thể nhận thấy ông nói đền rất nhiều lần tự do trong cuốn sách), yêu không gò bó không ép buộc, và trong tình yêu phải để cho nửa kia có được không gian riêng cũng như tình yêu phải luôn hướng con người ta đến cái tích cực hơn, cùng nhau phát triển lành mạnh và đi lên, tốt cho cả hai người. Điểm ấn tượng thứ hai là Osho giải thích định nghĩa cũng như nêu ra sự khác nhau giữa “cô đơn” và “cô độc” rất hay. Cô độc là trạng thái thuần khiết nhất, là trạng thái bạn là chính mình, tình yêu sẽ cho bạn sự cô độc hân hoan thuần khiết này. Trái ngược thì cô đơn là trạng thái bạn phát ốm và tìm đến một mối quan hệ tình cảm khác để quên đi chính mình, đây hẳn nhiên không phải tình yêu. Hơn cả, thay vì suy nghĩ làm thế nào để được yêu thì hãy dũng cảm cho đi tình yêu của mình, và đừng bao giờ tìm kiếm một ai đó hoàn hảo, vì thẳng thắn thì chẳng có ai hoàn hảo cả đâu.

Tuy nhiên, điểm tớ không thích ở cuốn sách này bởi theo cảm nhận của cá nhân tớ thì Osho khá thích phán xét, cho ý kiến của mình là quan trọng và đúng với mọi trường hợp. Trước hết phải đến đến cách triển khai luận điểm, nó dông dài và lặp ý rất nhiều lần. Chẳng hạn đáng lẽ tác giả có thể dừng viết vấn đề A ở đây và tiếp tục sang vấn đề B, nhưng Osho lại cố gắng bàn luận tiếp về vấn đề A trong khi rõ ràng nó có thể kết thúc rồi và cứ mãi lặp đi lặp lại ở vấn đề ấy (nên nhiều khi đọc cứ bị buồn ngủ, xin thứ lỗi). Bên cạnh đó thì ông thường viết thế này “Để tôi nói cho bạn nghe sự thật”, sự thật là thế này, sự thật là thế kia, cách nó vận hành thế này thế nọ, vv… không hiểu sao tớ cảm thấy mình khá bị áp đặt vào tư tưởng của Osho và không thoải mái về việc đó. Thứ hai là quan điểm về việc phụ nữ “chỉ quan tâm đến những việc nhỏ bé, gần gũi quanh mình”,ví dụ “hàng xóm, gia đình, ông chồng nào cắm sừng vợ”, vv… còn đàn ông thì mơ mộng về những cái “xa xôi” và kì vĩ hơn như “tương lai của nhân loại” hoặc “sự sống ở các hành tinh khác”. Ồ không, phụ nữ cũng có thể nghĩ về những cái “xa xôi” chứ chẳng phải chỉ hóng hớt chuyện nhà hàng xóm, hay đàn ông cũng hoàn toàn có thể quan tâm đến những việc “nhỏ bé và gần gũi quanh mình”, chẳng có vấn đề gì cả. Và thứ ba là phụ nữ thường “neo bám” hơn đàn ông, tớ không tán thành quan điểm này của Osho.

Nhìn chung, bạn có thể đọc cuốn “Yêu – Being in Love” này để biết và để thử nhìn thế giới qua lăng kính của người khác, nhưng tớ nghĩ bạn sẽ phải chắt lọc thông tin những gì mình có thể áp dụng và cái gì thì không phù hợp. Bìa màu hồng xinh xắn phù hợp với theme tình yêu, mua về trưng tủ cũng đẹp và khá thích hợp để tặng nửa kia cho Valentine sắp tới. Tuy nhiên, nếu ai đó hỏi tớ có muốn đọc thêm sách khác của Osho không, tớ sẽ trả lời là có, nhưng chưa phải bây giờ.

7. UYÊN THƯ review sách Yêu – Being in Love

Uyên Thư review sách Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

TÌNH YÊU CÓ CẦN SỰ HOÀN HẢO HAY KHÔNG?

Vốn dĩ, chúng ta được sinh ra trên hành tinh này đều mang sứ mệnh khác nhau. Có người dám từ bỏ cả những mơ ước của bản thân để chạy theo tình yêu mà họ trân quý còn hơn cả mạng sống, cũng có người đắm chìm trong tình yêu như một giấc mơ vĩnh cửu không thể thoát ra được. Tất cả điều trân quý tình yêu trong thế giới này, họ tin rằng con người sinh ra là để yêu và được yêu.

Tuy nhiên, nhiều người thường “yêu sai cách”, với Osho “yêu không chỉ là sự hy sinh vượt trên tất cả. Theo Osho, điều cần thiết trước khi một người dấn thân vào tình yêu, là nỗ lực gạt bỏ đi cái tôi ngang bướng ngáng đường. “Đóa hoa tình yêu chỉ có thể bung nở khi không có cái tôi, khi không có nỗ lực giành quyền kiểm soát, khi bạn khiêm nhường, khi bạn không tìm cách trở thành ai đó mà sẵn sàng không là ai cả”

“Khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất.”

Chúng ta ai cũng sẽ yêu và được yêu, tuy rằng mỗi người đều có một cách yêu cho riêng mình, không thể bắt ai đó yêu bạn theo cách mà bạn muốn được, hoàn hảo như vậy thì đó không phải là tình yêu thật sự. Bạn có bao giờ nghi ngờ rằng bản thân đã yêu ai đó chưa thật tâm bao giờ chưa? Đó là lúc bạn chế ngự được cái tôi và bắt ai đó phải làm theo những gì bạn muốn và chấp nhận hy sinh vì bạn. Thật lòng yêu một ai đó, bạn sẽ đánh mất dần cái tôi, thay vào đó là sự đồng điệu và sẽ chia.

8. DIEM review sách Yêu – Being in Love

Quan điểm và suy nghĩ của Osho về tình yêu mới mẻ, thâm thuý và đôi khi kì lạ à mà cuối cùng bạn cũng bị thuyết phục thôi. Tình yêu ở đây không chỉ là cái yêu trong 1 cuộc tình giữa nắm giữa nữ mà còn là tình cảm bố mẹ dành cho con cái, bạn bè, những người trong gia đình, với 1 thực thể siêu nhiên, với thú cưng, hay với những thứ bình dị đơn giản là bạn yêu cái kẹp tóc của bạn. “Tình yêu không được định nghĩa mà chúng ta phải trải nghiệm tình yêu” Osho viết. Mình thích văn phong không dạy đời, không vui vẻ, cũng chẳng khiêm tốn của ông, nó giống kiểu người bố nói với các con mình. Osho dạy chúng ta cách thể hiện tình yêu cách chân thành nhất, yêu 1 cách đúng đắn nhất, đối với ông tình yêu cái thứ thiêng liêng nhưng sẽ có đau khổ cũng có hạnh phúc. Ông đưa ra rất nhiều lời khuyên khi đang yêu, cách xử lý sự đau khổ trong tình yêu. Đọc cuốn sách này cho dù nghe vô lí nhưng Osho giải thích xong thì lại ừm cũng hợp lí như câu thành ngữ “nghe vô lí nhưng rất thuyết phục” (tôi cũng không biết nó có phải thành ngữ không).

Lí do không cho 5 sao là vì: Nội dung hay bị lặp lại (mà hình như cái bài viết này của tôi cũng thế).

9. LÊ QUỲNH review sách Yêu – Being in Love

Trước đây mình không thích đọc sách ngôn tình hay tình yêu lắm vì mình thích sống với thực tế hơn nhưng mới đây một người bạn đã gửi tặng sinh nhật mình cuốn sách “Yêu – Being in Love”. Phải nói ngay khi mới bắt đầu đọc từ những trang đầu tiên mình đã bị cuốn hút bởi giọng văn của tác giả.

Ông Osho dẫn người đọc vào một hành trình tìm hiểu táo bạo và đầy sôi nổi về “hiện tượng bí ẩn” mang tên tình yêu. “Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu”. Ông đã phân tích chỉ ra cho độc giả nhiều điều thú vị về quan điểm trong tình yêu mà trong đó mình thích nhất câu nói: “Khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất”.

Thông qua từng chương của cuốn sách, mỗi chúng ta có thể nhận diện được những dấu hiệu của một tình yêu đích thực: Sự cho đi và không chờ đợi được nhận lại, sự trưởng thành cá nhân, đặc biệt là sự tỉnh thức khi yêu. “Việc tỉnh táo nhận biết về bản thể của mình là sự khởi đầu của hành trình hướng tới tình yêu”.

Sau cùng, tác giả Osho đưa ra những “niềm tin mới”, cổ vũ mỗi người trong chúng ta dấn thân vào tình yêu đích thực, thứ tình yêu của những linh hồn trưởng thành để đem đến sự hạnh phúc, khai sáng và chữa lành cho tất cả.

Mọi người có thể mua đọc để có cảm nhận riêng cho bản thân mình nhóe và trên hết sau khi đọc xong một người độc thân như mình tự nhiên muốn có ny ghê :)))

III. Trích dẫn sách Yêu – Being in Love

Trích dẫn sách Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Những trích dẫn hay trong Yêu – Being in Love

Bạn cần phải hiểu điều này, dù nghe rất phức tạp: nếu không yêu, bạn sẽ cô đơn; còn nếu yêu, thực sự đang yêu, bạn sẽ cô độc.

Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Tình yêu cần có một môi trường yêu thương để nảy nở – đó là nền tảng cơ bản nhất cần phải ghi nhớ.

Tình yêu không thể nào là thứ phải đạt được, nó không thể là thứ có thể vun trồng. Tình yêu được vun trồng không thể nào là tình yêu. Nó không phải là một bông hồng thật, nó sẽ là bông hoa nhựa. Khi bạn học điều gì đó, có nghĩa là nó đến từ bên ngoài; nó không phải là sự phát triển tự thân. Tình yêu phải là thứ phát triển từ bên trong bạn để trở nên chân thật và đáng tin cậy.

Con người không phải được làm bằng thép. Những gì là tình yêu ngày hôm nay có thể không còn là tình yêu vào ngày mai.

Mỗi người là một mục đích của chính anh ta. Tình yêu xem bạn như là mục đích cho chính bạn. Bạn không bị kéo vào kỳ vọng của bất cứ ai.

Một thế giới không có giao ước nào giữa đàn ông và đàn bà sẽ là một thế giới thật đáng yêu, thật đẹp, thật thú vị và không nhàm chán.

Hãy nắm giữ bản thể của bạn. Đối mặt với nỗi đau của bạn và trút bỏ muôn kiểu ràng buộc – bởi vì chỉ khi được tự do, bạn mới có thể cất lên khúc hát của mình và nhảy điệu nhảy của mình.

Tình yêu chính là cực đối lập với lòng ham muốn: tôn trọng người khác vì lợi ích của chính người đó. Khi bạn yêu một người vì chính lợi ích của người đó, sẽ không có cảm giác tổn thương; tình yêu đó sẽ khiến bạn càng giàu có. Tình yêu khiến mọi người trở nên giàu có.

Thế giới này có quá nhiều người xinh đẹp; không hề khan hiếm. Và mỗi người đều sở hữu gì đó riêng biệt mà không ai khác có được. Mỗi cá thể đều mang đến cho người yêu của mình một sắc màu, một vần thơ, một điệu nhạc riêng mà không ai khác có được.

Chỉ với thiền, tình yêu mới bắt đầu khoác lên mình những màu sắc mới, âm nhạc mới, ca khúc mới, điệu nhảy mới – bởi vì thiền giúp bạn hiểu thấu được cực đối lập, và chính trong sự thấu hiểu đó, xung đột sẽ biến mất.

Hãy quan tâm đến niềm vui của bạn. Hãy hết lòng quan tâm đến niềm vui của bạn, chỉ quan tâm đến niềm vui của bạn. Mọi thứ khác không quan trọng. Hãy yêu – như là một chức năng hoạt động tự nhiên, giống như hít thở vậy. Và khi bạn yêu một người, đừng đòi hỏi; bằng không, ngay từ đầu, bạn đang đóng các cánh cửa lại …

Hãy sống một cách chân thật hơn. Hãy từ bỏ những chiếc mặt na; chúng đè nặng lên trái tim của bạn. Hãy từ bỏ tất cả những thứ giả dối. Hãy bộc lộ chính mình. Dĩ nhiên bạn sẽ gặp rắc rối, nhưng rắc rối đó xứng đáng bởi vì chỉ qua rắc rối đó bạn mới phát triển và trưởng thành hơn.

Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất chính là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi đền đáp, không kỳ vọng điều gì cả. Chính vì lẽ đó, làm sao bạn có thể cảm thấy tổn thương? Khi không có kỳ vọng, bạn sẽ không có cơ hội bị tổn thương. Khi đó, bạn có thể yêu từ cách xa hàng ngàn dặm, không cần phải hiện diện bên nhau.

Người trưởng thành là người không cần ai để neo bám hoặc dựa dẫm. Người trưởng thành là người hạnh phúc trong chính sự cô độc của mình – sự cô độc của người đó là một ca khúc là một sự ăn mừng. Người trưởng thành là người có thể tự mình hạnh phúc. Sự cô độc của người đó không phải là sự đơn độc, sự cô độc của người đó là tĩnh lặng, thiền.

Cuộc sống có những cách thức kỳ lạ. Hãy tin tưởng ở cuộc sống. Bạn có thể tìm thấy một người với tình yêu vĩ đại, và khi đó bạn sẽ nhận thấy mối tình đầu của mình chẳng là gì so với nó. Và hãy nhớ, một ngày nào đó, tình yêu vĩ đại kia cũng có thể biến mất. Nhưng hãy tin tưởng ở cuộc sống bởi vì nó đã luôn mang đến cho bạn những món quà mà bạn không cần phải đòi hỏi. Hãy luôn sẵn sàng.

Tình yêu cho bạn tự do; không chỉ cho bạn tự do mà còn củng cố sự tự do đó. Và những thứ hủy hoại sự tự do không phải là tình yêu. Nó phải là thứ gì đó khác. Tình yêu và sự tự do luôn song hành, chúng là đôi cánh của một con chim. Bất cứ khi nào nhận thấy rằng tình yêu của bạn đang đi ngược lại với sự tự do của bạn, nghĩa là bạn chỉ đang làm điều gì đó nhân danh tình yêu.

Nếu bạn tiếp tục yêu thương, tình yêu sẽ đi sâu hơn và trở thành sự thân mật. Từ đó mới có vẻ đẹp của sự duyên dáng. Tình yêu đó sẽ chứa đựng sự tinh tế, không phải là vẻ ngoài nông cạn. Đó không phải là sự thích thú, mà là thiền, là cầu nguyện. Tình yêu đó sẽ giúp bạn biết được chính mình. Người khác sẽ trở thành tấm gương, và thông qua người đó, bạn hiểu được chính mình. Lúc này chính là thời điểm thích hợp để tình yêu phát triển bởi vì toàn bộ năng lượng được chuyển thành sự phấn khích sẽ không bị lãng phí: nó sẽ tưới vào gốc cây tình yêu, và thân cây sẽ cho ra những tán lá mới.

Trích đoạn sách Yêu – Being in Love

Phần I HÀNH TRÌNH TỪ “TÔI” ĐẾN “CHÚNG TA”

Phân biệt tình yêu tự thân và tình yêu nuôi dưỡng

Tình yêu không thể nào là thứ phải đạt được, nó không thể là thứ có thể vun trồng. Tình yêu được vun trồng không thể nào là tình yêu. Nó sẽ không phải là một bông hồng thật, nó sẽ là bông hoa nhựa. Khi bạn học điều gì đó, có nghĩa là nó đến từ bên ngoài; nó không phải là sự phát triển tự thân. Tình yêu phải là thứ phát triển từ bên trong bạn để trở nên chân thật và đáng tin cậy.

Tình yêu không phải là kiến thức cần học hỏi mà là sự phát triển. Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu. Những rào cản đó phải được loại bỏ, những trở ngại đó phải bị phá hủy – khi đó, tình yêu mới là bản thể tự nhiên, không gò bó của bạn. Một khi các trở ngại đã bị loại bỏ, những tảng đá đã được di chuyển ra khỏi con đường, tình yêu bắt đầu tuôn tràn. Tình yêu đã ở đó, ẩn sau nhiều tảng đá. Mùa xuân tình yêu đã hiện diện ở đó. Nó chính là bản thể của bạn.

Chương 1

KHÔNG PHỤ THUỘC, CŨNG KHÔNG BỊ CHI PHỐI – THOÁT KHỎI VỎ BỌC CỦA CÁI TÔI

Tôi luôn ngạc nhiên bởi số lượng người đến tìm tôi và nói rằng họ sợ tình yêu. Vậy nỗi sợ tình yêu là gì? Đó là bởi vì khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất. Bạn không thể yêu với cái tôi; cái tôi sẽ trở thành rào cản, và khi bạn muốn gỡ bỏ rào cản giữa bạn với người kia, cái tôi sẽ nói: “Đây là con đường dẫn đến cái chết. Hãy thận trọng!”.

Nhưng cái chết của cái tôi không phải là cái chết của bạn; cái chết của cái tôi chính là cơ hội để bạn được sống thật sự. Cái tôi chỉ là một lớp vỏ chết bao quanh bạn, bạn phải phá vỡ và ném nó đi. Nó đi vào bản thể của bạn một cách tự nhiên – giống như bụi bám trên quần áo, thân thể của người lữ hành, và anh ta phải tắm rửa để gột sạch bụi bẩn. Theo thời gian, lớp bụi của trải nghiệm, của kiến thức, của cuộc sống mà chúng ta đã sống, của quá khứ, sẽ đọng lại. Lớp bụi đó trở thành cái tôi. Nó tích tụ, trở thành lớp vỏ bao quanh bạn mà bạn cần phải phá vỡ và ném đi. Mỗi người đều phải tắm rửa mỗi ngày, thực ra là mỗi khoảnh khắc, để lớp vỏ này không biến thành nhà tù.

Một đứa trẻ khi mới chào đời thì hoàn toàn yếu đuối. Nó không thể tồn tại nếu thiếu sự giúp đỡ của người khác. Hầu hết con cái của các giống loài khác đều có thể tồn tại mà không cần bố mẹ, có thể tồn tại mà không cần xã hội, không cần gia đình. Cho dù đôi khi chúng cũng cần được giúp đỡ nhưng điều đó rất ít, chỉ vài ngày, hoặc nhiều nhất là vài tháng. Nhưng con cái của loài người lại yếu đuối đến mức phải dựa vào người khác suốt nhiều năm. Đó là nơi để tìm thấy nguồn gốc của cái tôi.

Vì sao sự yếu đuối lại tạo ra cái tôi ở con người? Đứa trẻ yếu đuối, phải dựa vào người khác, nhưng tâm trí thiếu hiểu biết của đứa trẻ lại lý giải cho sự dựa dẫm, phụ thuộc này như thể nó là trung tâm của vũ trụ. Đứa trẻ nghĩ: “Bất cứ khi nào mình khóc, mẹ sẽ chạy ngay đến; bất cứ khi nào đói, mình chỉ việc ra dấu là sẽ được cho bú. Bất cứ khi nào mình tè ra quần, chỉ cần khóc là ai đó sẽ đến thay tã cho mình”. Đứa trẻ sống như một ông hoàng. Trên thực tế, đứa trẻ hoàn toàn yếu đuối và dựa dẫm. Cha mẹ, những người thân trong gia đình và cả người trông trẻ đều đang giúp đứa trẻ tồn tại. Họ không phải là người dựa dẫm, đứa trẻ mới là người dựa dẫm. Nhưng tâm trí của đứa trẻ lại lý giải điều này như thể nó là trung tâm của vũ trụ, như thể cả thế giới tồn tại chỉ vì nó.

Và dĩ nhiên, thế giới ban đầu của đứa trẻ rất nhỏ. Đứa trẻ chỉ có mẹ, người trông trẻ, và thêm người cha nữa – đây là cả thế giới của nó. Những người này yêu thương nó. Còn đứa trẻ ngày càng trở nên ích kỷ. Nó cảm thấy mình như là cái rốn của vũ trụ, và cái tôi được tạo ra theo cách đó. Cái tôi được tạo ra thông qua sự dựa dẫm và yếu đuối.

Trên thực tế, hoàn cảnh thật sự của đứa trẻ lại hoàn toàn trái ngược với những gì nó nghĩ; không có lý do nào để tạo ra một cái tôi như thế. Nhưng đứa trẻ hoàn toàn không hiểu biết, nó không có khả năng hiểu được tính phức tạp của sự việc. Nó không thể biết rằng mình vô dụng, yếu đuối, nó nghĩ rằng nó là nhà độc tài! Và rồi trong suốt cuộc đời mình, nó tìm cách làm kẻ độc tài. Nó sẽ trở thành Napoleon, Alexander, Adolf Hitler… những người này luôn tìm cách đạt được thứ mà họ đã trải nghiệm khi còn là đứa trẻ; họ muốn trở thành trung tâm của vũ trụ. Với họ, thế giới phải là sống và chết; cả thế giới là vòng ngoài, còn họ chiếm vị trí trung tâm; ý nghĩa của cuộc sống ẩn chứa bên trong họ.

Dĩ nhiên, đứa trẻ cho rằng cách lý giải trên là đúng, bởi vì khi người mẹ nhìn nó, trong mắt người mẹ, đứa trẻ thấy nó chiếm một vị trí to lớn. Khi người cha đi làm về, đứa trẻ cảm nhận rằng nó chính là ý nghĩa trong đời của người cha. Điều này kéo dài trong ba, bốn năm – và những năm tháng đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất; sẽ không có khoảng thời gian nào khác trong đời người lại có khả năng tương tự như vậy.

Các nhà tâm lý học cho rằng sau bốn năm đầu đời, đứa trẻ gần như hoàn thiện. Toàn bộ mô thức đã hoàn chỉnh; xuyên suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, bạn sẽ lặp lại cùng một mô thức đó trong nhiều tình huống khác nhau. Vào năm thứ bảy, toàn bộ thái độ, quan điểm của đứa trẻ đều được xác định, cái tôi của nó cũng được định hình. Giờ đây, đứa trẻ bước ra thế giới bên ngoài, rồi nó gặp phải vấn đề, hàng triệu vấn đề ở khắp nơi! Một khi bạn bước ra khỏi vòng tay gia đình, các vấn đề sẽ xuất hiện, bởi vì chẳng ai quan tâm đến bạn như cách của mẹ bạn; chẳng ai bận tâm đến bạn như cách của cha bạn. Thay vào đó, bạn nhìn vào nơi nào cũng thấy sự thờ ơ, và cái tôi bị tổn thương.

Nhưng lúc này, mô thức đã có sẵn. Dù có bị tổn thương hay không, đứa trẻ không thể nào thay đổi được mô thức đó. Nó đã trở thành một bản kế hoạch chi tiết trong bản thể của đứa trẻ. Khi chơi với những đứa trẻ khác, nó sẽ tìm cách thống lĩnh chúng. Nó sẽ đi học và tìm cách trở nên vượt trội, đứng đầu lớp, trở thành học sinh quan trọng nhất. Đứa trẻ có thể tin rằng mình giỏi hơn người khác nhưng nó cũng nhận thấy tất cả những đứa trẻ khác đều có suy nghĩ tương tự. Khi đó xuất hiện xung đột, những cái tôi, tranh cãi, đánh nhau.

Và đây là toàn bộ câu chuyện về cuộc sống: có hàng triệu cái tôi quanh bạn, giống hệt như cái tôi của bạn, và mọi người đều tìm cách nắm quyền kiểm soát, lên kế hoạch, chi phối – bằng của cải, quyền lực, chính trị, kiến thức, sức mạnh, những lời nói dối, những yêu sách, thói đạo đức giả. Thậm chí trong tín ngưỡng và đạo đức, mọi người đều tìm cách nắm quyền kiểm soát, để chứng tỏ với phần còn lại của thế giới rằng “Tôi là trung tâm của vũ trụ”.

Đây là khởi nguồn cho mọi vấn đề giữa con người với nhau. Chính vì khái niệm này, bạn luôn xung đột và đấu tranh với ai đó. Không phải người khác là kẻ thù của bạn, mọi người đều giống như bạn, đều ở trên cùng một con thuyền. Mọi người đều gặp phải tình huống tương tự; họ đều được nuôi dưỡng theo cách tương tự.

Ở phương Tây, có một ngôi trường mà ở đó các nhà phân tâm học đề xuất rằng chừng nào trẻ em vẫn còn được nuôi dưỡng bởi cha mẹ, thì thế giới này sẽ không bao giờ được bình yên. Đề xuất của các nhà phân tâm học chứa đựng phần nào sự thật, nhưng đó là một ý tưởng rất nguy hiểm. Bởi vì nếu trẻ em được nuôi dưỡng tại nhà trẻ mà không có cha mẹ của chúng, trong sự thờ ơ và thiếu tình yêu thương, chúng có thể không gặp vấn đề về cái tôi nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề khác, thậm chí còn nguy hiểm và gây tổn hại nhiều hơn. Nếu đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường hoàn toàn thờ ơ, nó sẽ không có trọng tâm. Nó sẽ là một mớ hổ lốn, một kẻ lóng ngóng vụng về, không biết mình là ai. Nó sẽ không có bất kỳ nhân dạng nào. Nó thậm chí không thể bước thêm một bước nào mà không sợ hãi bởi vì không có ai yêu thương nó.

Bạn cần có tình yêu để cảm thấy không sợ hãi, để cảm thấy rằng bạn được chấp nhận, rằng bạn không vô dụng, rằng bạn không bị vứt bỏ. Nếu trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu vắng tình yêu, chúng sẽ không có cái tôi. Cuộc đời của chúng sẽ không có nhiều đấu tranh, cãi vã. Nhưng chúng sẽ không thể tự mình đứng lên. Chúng sẽ luôn bỏ chạy, chạy trốn khỏi mọi người, ẩn nấp sau những cái hang trong bản thể của chúng. Chúng sẽ không trở thành Phật, chúng sẽ không tràn đầy sinh lực, chúng sẽ không tập trung, không thấy thoải mái như ở nhà. Chúng sẽ trở nên lập dị, lệch tâm. Đó cũng không phải là tình huống hay ho.

Do đó, tôi không ủng hộ những nhà phân tâm học này. Phương pháp của họ sẽ tạo ra những con rô-bốt, không phải con người, và dĩ nhiên rô-bốt sẽ không có vấn đề. Hoặc họ có thể tạo ra những con người gần giống với động vật. Sẽ có ít lo lắng, ít bệnh tật, nhưng đó không phải là thứ đáng đạt được, nó có nghĩa là bạn không thể phát triển đến đỉnh cao tâm thức. Thay vào đó, bạn sẽ rơi xuống. Đó là sự thụt lùi. Dĩ nhiên, nếu trở thành động vật, bạn sẽ ít đau khổ hơn, bởi vì sẽ có ít nhận thức hơn. Và nếu trở thành một hòn đá, một tảng đá, bạn sẽ không lo lắng gì cả bởi vì không có ai bên trong để cảm thấy lo lắng, cảm thấy đau khổ. Nhưng điều đó không đáng. Con người phải giống như thánh, không phải như hòn đá. Và khi tôi nói điều này, ý tôi là phải có tâm thức tuyệt đối nhưng vẫn không lo lắng, bồn chồn, rắc rối; để tận hưởng cuộc sống như loài chim, để ăn mừng cuộc sống như loài chim, để ca hát như loài chim – không phải bằng sự thụt lùi mà bằng cách phát triển đến đỉnh cao của tâm thức.

Đứa trẻ thu nhặt cái tôi – điều đó là đương nhiên, bạn không thể làm gì khác. Bạn phải chấp nhận nó. Nhưng về sau, đứa trẻ không cần phải mang theo cái tôi đó. Ban đầu, đứa trẻ cần cái tôi để cảm thấy rằng nó được chấp nhận, được yêu thương, được chào đón – rằng nó là một vị khách, chứ không phải là một tai nạn. Cha mẹ, gia đình và sự ấm áp quanh đứa trẻ sẽ giúp nó phát triển mạnh mẽ, vững vàng. Cái tôi là cần thiết, nó giúp bảo vệ đứa trẻ – nó hữu ích, giống như lớp vỏ bọc hạt giống. Nhưng lớp vỏ đó không thể trở thành lớp bảo vệ cuối cùng, bằng không thì hạt giống sẽ chết. Sự bảo vệ đó có thể tiếp diễn quá lâu và trở thành nhà tù. Lớp bảo vệ đó phải là lớp bảo vệ khi cần, nhưng khi đã đến lúc tan biến vào đất, lớp vỏ đó phải tan biến tự nhiên để hạt giống có thể nảy mầm và bắt đầu sự sống mới.

Cái tôi giống như lớp vỏ bảo vệ, đứa trẻ cần lớp vỏ này bởi vì nó không có khả năng tự vệ. Đứa trẻ cần lớp vỏ bởi vì nó yếu đuối. Đứa trẻ cần lớp vỏ bởi vì nó có thể bị tổn thương và có hàng triệu thế lực vây quanh nó. Đứa trẻ cần được bảo vệ, cần một mái nhà, cần một chỗ trú thân. Cả thế giới có thể thờ ơ nhưng đứa trẻ luôn hướng về nhà, và từ đó nó có thể tạo được tầm quan trọng của mình.

Tuy nhiên, cùng với tầm quan trọng đó, cái tôi sẽ xuất hiện. Đứa trẻ trở nên ích kỷ, và cái tôi này sẽ làm nảy sinh tất cả những vấn đề mà bạn phải đối mặt. Cái tôi này sẽ không cho phép bạn yêu thương. Cái tôi này sẽ muốn mọi người đều phải dâng nộp cho bạn; nó sẽ không cho phép bạn dâng nộp cho bất cứ ai – và tình yêu chỉ xảy ra khi bạn dâng nộp. Khi bạn buộc người khác dâng nộp hoặc từ bỏ, đó là sự căm ghét, là hủy diệt, không phải là tình yêu. Và nếu không có tình yêu, cuộc sống của bạn sẽ không có hơi ấm, không có thơ. Nó có thể là văn xuôi, chính xác, logic, hợp lý. Mà ai có thể sống thiếu thơ ca chứ?

Văn xuôi cũng tốt, tính hợp lý cũng tốt, nó thiết thực, cần thiết – nhưng nếu chỉ sống bằng lý lẽ và logic, cuộc sống không bao giờ là sự ăn mừng, không bao giờ là lễ hội. Và khi cuộc sống không phải là lễ hội, nó trở nên nhàm chán. Bạn cần có thơ ca, nhưng với thơ ca, bạn cần phải từ bỏ. Bạn cần phải từ bỏ cái tôi của mình. Nếu bạn có thể làm được, nếu bạn có thể đặt nó qua một bên dù chỉ trong vài khoảnh khắc, cuộc sống của bạn sẽ chứa đựng vẻ đẹp, sự thiêng liêng, dù chỉ thoáng qua.

Không có thơ ca, bạn không thật sự sống, bạn chỉ tồn tại. Tình yêu là thơ ca.

Và nếu không có tình yêu, làm sao bạn có thể cầu nguyện, thiền, tỉnh thức đây? Đó là việc gần như không thể xảy ra. Và nếu không có sự tỉnh thức của thiền, bạn sẽ vẫn chỉ là cái xác, không bao giờ nhận biết được linh hồn tận sâu bên trong. Chỉ có cầu nguyện, chỉ có thiền và tĩnh lặng, bạn mới đạt đến những đỉnh cao. Sự tĩnh lặng đó, sự tỉnh thức của thiền đó là đỉnh cao nhất của trải nghiệm, nhưng tình yêu sẽ mở cánh cửa để bạn bước vào.

Suốt một đời nghiên cứu hàng ngàn người, hàng ngàn trường hợp đau ốm và các vấn đề về tâm lý, bác sĩ Carl Gustav Jung nói rằng ông ấy chưa từng gặp một bệnh nhân tâm lý nào sau bốn mươi tuổi mà vấn đề thật sự không thuộc về yếu tố tâm linh. Cuộc sống có nhịp điệu của nó, và vào lứa tuổi bốn mươi, một chiều hướng mới xuất hiện, chiều hướng tâm linh. Nếu không xử lý đúng cách, nếu không biết phải làm gì, bạn sẽ mắc bệnh, sẽ mất phương hướng. Toàn bộ sự phát triển của con người là một chuỗi liên tục. Nếu bạn bỏ lỡ một nhịp, nó sẽ bị gián đoạn. Đứa trẻ thu nhặt cái tôi, và nếu không học cách đặt cái tôi qua một bên, nó sẽ không biết yêu, không thấy thoải mái với bất cứ ai. Cái tôi sẽ không ngừng chạy trốn. Có thể bạn đang ngồi tĩnh lặng nhưng cái tôi không ngừng tranh đấu, chỉ để tìm cách chi phối người khác, trở nên độc tài, trở thành kẻ thống lĩnh thế giới.

Điều này gây ra vấn đề khắp nơi. Trong tình bạn, tình dục, tình yêu, trong xã hội, khắp nơi đều có xung đột. Thậm chí bạn xung đột với cha mẹ – những người đã trao cái tôi này cho bạn. Hiếm có trường hợp con trai tha thứ cho cha mình, con gái tha thứ cho mẹ mình. Điều đó rất hiếm khi xảy ra.

Trên vách tường của căn phòng nơi George Gurdjieff từng dùng để gặp gỡ mọi người, có một câu như thế này: “Nếu bạn chưa thể thoải mái với cha mẹ của mình, vậy hãy rời khỏi nơi này. Tôi không thể giúp được gì”. Vì sao ư? Bởi vì vấn đề phát sinh ở chỗ nào thì phải được giải quyết ở đó. Đó là lý do vì sao tất cả các truyền thống lâu đời đều nói rằng hãy yêu cha mẹ của bạn, kính trọng cha mẹ của bạn càng nhiều càng tốt – bởi vì cái tôi nảy sinh ở đó, đó là mảnh đất nuôi dưỡng nó. Hãy giải quyết nó ở đó, bằng không, nó sẽ ám ảnh bạn khắp nơi.

Các nhà phân tâm học cũng đi đến kết luận rằng tất cả những gì họ làm là đưa bạn trở lại với những vấn đề tồn tại giữa bạn và cha mẹ của bạn để tìm cách giải quyết chúng. Nếu bạn có thể giải quyết được xung đột của mình với cha mẹ, nhiều xung đột khác sẽ tự nhiên biến mất bởi vì chúng nảy sinh từ cùng một nền tảng.

Chẳng hạn như, một người đàn ông không thấy thoải mái với cha mình sẽ không thể nào thấy thoải mái với sếp – không bao giờ, bởi vì sếp là hình ảnh của người cha. Xung đột nhỏ với cha mẹ sẽ tiếp tục được phản ánh trong tất cả các mối quan hệ của bạn. Nếu bạn không thoải mái với mẹ của bạn, bạn cũng không thể thoải mái với vợ của bạn bởi vì cô ấy đại diện cho phái nữ; bạn không thể thoải mái với phụ nữ nói chung, bởi vì mẹ của bạn là người phụ nữ đầu tiên trong đời bạn, bà ấy là hình mẫu đầu tiên về một người phụ nữ. Bất cứ nơi nào có phụ nữ, nơi đó sẽ có mẹ của bạn, và một mối quan hệ vòng vèo sẽ tiếp diễn.

Cái tôi được sinh ra trong mối quan hệ với cha mẹ, và nó phải được giải quyết ở đó. Bằng không, bạn sẽ cứ đi cắt bỏ nhánh cây, lá cây, còn rễ cây vẫn nguyên vẹn. Nếu đã giải quyết được với cha mẹ, bạn đã trưởng thành. Giờ sẽ không còn cái tôi. Giờ bạn đã hiểu được rằng bạn yếu đuối, rằng bạn phụ thuộc vào người khác, rằng bạn không phải là trung tâm của vũ trụ. Trên thực tế, bạn hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, nếu không, bạn không thể tồn tại. Hiểu được điều này, cái tôi sẽ dần biến mất, và một khi không còn xung đột với cuộc sống, bạn sẽ buông lỏng, tự nhiên và thư giãn. Rồi bạn sẽ bồng bềnh. Và thế giới sẽ không còn chứa đầy kẻ thù, thế giới sẽ là một gia đình, một thể hữu cơ thống nhất. Thế giới không còn chống lại bạn, bạn có thể phiêu lãng cùng với nó.

Nhận thấy rằng cái tôi đó là vô nghĩa, rằng cái tôi không có nền móng để tồn tại, rằng cái tôi chỉ là giấc mơ trẻ con, ngây ngô do thiếu hiểu biết, bạn sẽ trở nên vô ngã.

Có những người đến gặp tôi và hỏi: “Làm cách nào để phải lòng ai đó? Có cách nào không?”. Làm cách nào để phải lòng ai đó ư? Họ hỏi về cách thức, phương pháp, kỹ thuật. Họ không hiểu mình đang hỏi gì. Phải lòng ai đó có nghĩa là không có cách thức, phương pháp hay kỹ thuật. Đó là lý do vì sao nó được gọi là “phải lòng” – bạn không còn là người kiểm soát, bạn chỉ đơn giản “rơi vào tình yêu”. Đó là lý do vì sao những người lý trí luôn nói tình yêu là mù quáng. Tình yêu là con mắt duy nhất, là tầm nhìn duy nhất – nhưng họ nói rằng tình yêu mù quáng, và nếu bạn rơi vào tình yêu, họ sẽ cho rằng bạn điên mất rồi. Nó trông điên rồ đối với người lý trí, bởi vì tâm trí là bậc thầy thao túng. Bất kỳ tình huống nào mất kiểm soát đều trông thật nguy hiểm đối với tâm trí.

Nhưng có thế giới của trái tim, thế giới của bản thể và tâm thức, nơi không thể áp dụng bất kỳ một kỹ thuật nào. Tất cả các kỹ thuật đều có thể được áp dụng với các vấn đề, nhưng còn với tâm thức, không kỹ thuật nào có thể áp dụng được, và trên thực tế bạn cũng không thể kiểm soát được. Chính nỗ lực giành quyền kiểm soát hoặc buộc điều gì đó xảy ra là ích kỷ.

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Yêu – Being in Love – OSHO. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Yêu - Being In Love - OSHO

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (10 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc - OSHO

Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc – OSHO

"Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc" Bằng sự gần gũi và tình yêu, bằng cách cởi mở với nhiều người khác, bạn sẽ càng trở nên giàu có. Và nếu có thể sống trong tình yêu sâu sắc, trong tình bạn bền chặt, trong sự gần gũi thân thiết với nhiều người, tức là bạn đã có một cuộc sống đúng nghĩa. Và cho dù ở đâu, bạn đều học được cách sống và sống hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *