Trích Dẫn Hay Trong Sách Của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Thông tin về tác giả Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Thông tin về tác giả Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm. Ngài sinh năm 1930, trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Năm 13 tuổi (1943), Ngài xuất gia tại chùa Quảng Giáo. Ngài đã từng nhập thất sáu năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan, đi du học tại Nhật Bản, nhận bằng Tiến sĩ văn học, đảm nhận Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phiên dịch Kinh Phật, sáng lập ra Pháp Cổ Sơn… Bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong việc đem lại lợi ích cho mọi người, Ngài được coi là một trong bốn vị Hòa thượng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất tại Đài Loan thời hiện đại.

Sau khi xuất gia không bao lâu, do thời cuộc chiến tranh loạn lạc, năm 1949, Ngài đầu quân nhập ngũ, nhằm báo đáp ơn quốc gia, trong thời gian phục vụ quân dịch, Ngài tình cờ gặp Ngài Linh Nguyên lão Hòa Thượng cũng đang phục vụ trong quân đội và được Ngài truyền thọ giáo pháp thiền tông.

Sau 10 năm phục vụ quân dịch, Ngài tái xuất gia với Hòa Thượng Đông Sơ vào năm 1959. Tái xuất gia được 2 năm, Ngài quyết định nhập thất, nghiên cứu và hành trì Phật Pháp, trong thời gian nhập thất, Ngài đã hoàn thành 9 tác phẩm quan trọng, làm cơ sở cho công cuộc hoằng pháp sau này như: So Sánh Tôn Giáo Học, Giới Luật học cương yếu, Chánh Tín Phật Pháp….

Sau 6 năm miên mật hành trì, Ngài nhận thấy Phật Pháp thậm thâm vi diệu là thế, nhưng người thật sự hiểu được Phật lý thì không bao nhiêu, nên từ đó Ngài phát nguyện hoằng dương chánh pháp, đào tạo Tăng tài, chấn hưng nền học thuật Phật giáo.

Những trích dẫn hay trong sách của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Dưới đây là những Trích dẫn hay trong sách của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm. Hy vọng sau khi đọc xong những trích dẫn này mọi người sẽ có thêm các góc nhìn mới về cuộc sống.

1. Tìm Lại Chính Mình (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Tìm Lại Chính Mình - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Mặc dù nhân là chủ động, duyên là bị động, duyên là cái thứ yếu, nhân là cái chủ yếu. Nhưng cần có nhân, có duyên cả hai điều này tương trợ cho nhau thì sự việc mới đi đến thành công.”

“Khi một người sống không có mục đích, sống không có ý nghĩa, họ sẽ thấy cuộc sống trống rỗng, thậm chí họ chỉ là một cái xác không hồn. Tôi từng nói, mục đích cuộc sống là để nhận lấy sự hồi báo, hồi đáp lại những nguyện vọng; giá trị và ý nghĩa của cuộc sống chính là sự cống hiến, lợi mình, lợi người.”

“Một khi đã quyết định được phương hướng, không nên đứng núi này trông núi nọ mà thay đổi/ Mặc dù đường đời đầy rẫy chông gai, khó khăn, nhưng chỉ cần phương hướng của chúng ta không đổi, dù con đường có gian khổ đến mấy, dù đó là con đường lớn hay nhỏ, cuối cùng ta vẫn bước đi được trên con đường của mình.”

“Đời người sống ngắn ngủi, chỉ vài chục năm. Phạm vi cuộc sống, đối tượng tiếp xúc có hạn. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta luôn cố gắng để cống hiến cho xã hội, sẽ sáng tạo ra những giá trị chung cho cuộc sống loài người, đồng thời sáng tạo những giá trị lịch sử thời đại chúng ta đang sống. Đấy chính là công đức, là thành tích đạt được trong cuộc sống.”

“Thành công dù lớn nhỏ, nếu bạn biết tích lũy dần, cuộc đời bạn sẽ “đại thành công”, nhờ thế trí tuệ và phúc đức chúng ta cũng sẽ tăng trưởng. Khi phúc đức và trí tuệ tăng trưởng viên mãn thì lúc nào đó chúng ta mới xem là đại thành công chứ thành công không phải là chiếc cân chỉ biết đo số vàng, tiền mà con người sở hữu, cũng không phải là thước đo địa vị của người đó trong xã hội, trong cuộc đời này.”

“Giá trị đích thực không phải là hư vinh của dòng họ gia tộc mà nó nằm ở những cống hiến thiết thực của bạn. Nếu bạn là người đầu cơ mưu lợi, tranh giành quyền thế danh lợi, dù lúc đó sẽ rất tự hào vẫn cũng không phải là giá trị đích thực. Bởi giá trị đó là mặt trái của nó, tạo ác nghiệp, tương lai bạn sẽ phải trả nợ theo nhân xác đã gieo đó.”

2. Tu Trong Công Việc (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Tu Trong Công Việc - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Người bận rộn là người có nhiều thời gian nhất.”

“Làm việc trong sự vui vẻ và tự nguyện đương nhiên đấy là công việc sẽ có sự an toàn cao.”

“Niềm tin ở đây là cái gì? Là có niềm tin vào xã hội, rằng việc làm của mình đóng góp vào xã hội, giúp ích lợi cho người khác nhất định là việc tốt đẹp, có thể hoá hung thành cát (tốt lành).”

“Lên được đến đỉnh núi, cần phải biết rằng tiếp theo sẽ cần phải xuống dốc; sau khi xuống dốc, sẽ có một đỉnh núi khác. Cuộc sống của con người cũng giống như dốc núi gập ghềnh, khi ở hoàn cảnh thuận lợi không nên kiêu ngạo, khi ở hoàn cảnh khó khăn không được nản chí.”

“Điều quan trọng nhất là phải nỗ lực hết sức, dù người khác có biểu hiện thế nào cũng không nên quan tâm, nếu làm được như vậy, ít nhất bạn cũng đã làm tốt được bổn phận của mình đồng thời bạn đã cống hiến sức lực của mình cho xã hội.”

“Vấn đề lương bổng chỉ đóng vai trò thứ yếu, sự quan tâm chân tình mới là sợi dây vô hình níu giữ nhân tài.”

3. Giao Tiếp Bằng Trái Tim (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Bạn thấy thỏa mãn, hạnh phúc không liên quan đến việc bạn sở hữu được bao nhiêu của cải vật chất hay sự quan tâm của người khác mà then chốt là tâm lí bạn thế nào và bạn tiếp cận sự vật dưới góc độ nào.”

“Khoan dung cũng là một trong những đức tình cần tu tập của một vị Bồ tát. Tuy nhiên, để biến địch thành bạn, bạn cần có trí tuệ để phân biệt giới hạn của bao dung và bao che. Nếu không việc làm của bạn không những sẽ gây bất lợi cho người khác mà cả cho mình.”

“Mọi người cho rằng sự hài hòa trong giao tiếp chính là làm thế nào để đối phương lắng nghe, chấp nhận mình mà quên bẵng việc mình cần quan sát tìm hiểu các nhu cầu thực sự của đối phương”

“Chỉ cần chúng ta có thái độ chân thành, thân thiện, đối đãi với mọi người bằng tình người đích thực, xem mọi người đều là người tốt thì chúng ta sẽ xây dựng thành công mối quan hệ giữa người với người”

“Bản thân lời nói vốn vô tội, nếu bạn khéo léo vận dụng nó làm việc tốt sẽ là tốt, nếu bạn dùng lời tốt để phục vụ cho ý đồ xấu nó vẫn là xấu. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, là cầu nối để cảm thông nhau, nhưng nếu không biết sử dụng nó, bạn sẽ bị phiền não vì tác hại của lời nói.”

“Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không những cần thực hiện “không nói dối”, “không nói lời thêu dệt”, “không nói hai lưỡi”, “không nói lời thô ác” mà còn phải tập nói lời chân thật, nói lời tôn trọng, nói lời khuyến khích khen ngợi, nói lời an ủi người khác. Nếu bạn tịnh hóa lời nói của mình, nhất định cuộc sống của bạn sẽ tránh được lời đồn đại, thị phi.”

“Bồ tát luôn là người đến với chúng sinh bằng thân phận bình thường, hòa mình vào cuộc sống bình thường, thậm chí còn hạ mình thấp để chúng sinh được cao hơn cả chính mình, cho họ một cảm giác được tôn trọng mới mong họ có thiện cảm với Phật pháp. Cũng thế, khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.”

4. Cho Đời Bớt Muộn Phiền (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Cho Đời Bớt Muộn Phiền - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Căn nguyên phiền não trong công việc đa phần là do tính không cam chịu bản thân mình, không cam chịu người khác, và không bằng lòng với nhũng thứ được – mất, thành “bại. Một khi con người ta mất đi lòng bao dung, không những đồng nghiệp cũng trở thành kẻ thù mà thậm chí họ còn hận thù chính cả bản thân mình. Nếu có thể dung hoà cái tôi cá nhân nhỏ bé vào tập thể to lớn bằng sự tình nguyện và bằng thiền tâm, mở rộng cái nhìn hẹp hòi của cá nhân thì mới có thể khiến bản thân trưởng thành cùng với sự trưởng thành của tập thể.”

“Chúng ta nên giao lưu kết bạn với mọi người xung quanh bằng sự chân thành, hoà mình vào cùng tập thể, coi đó là một chỉnh thể thống nhất, trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của tập thể đó. Dù công việc bận rộn đến đâu, ta luôn cần giữ cho tâm trạng được vui vẻ thoải mái và một cuộc sống đầy ý nghĩa.”

“Chỉ cần tiêu trừ cái tôi cá nhân là có thể bao dung tất cả mọi người, trong lòng không còn thành kiến về người khác nữa. Bằng không, chỉ cần nghe thấy tên của họ, trong lòng bạn như có ngọn lửa đang hừng hực bốc cháy…”

“Trên đường đi làm hoặc tan ca nếu có gặp đồng sự, tuyệt đối không nên nghĩ bình thường không làm việc cùng nhau nên không nhất thiết phải chào hỏi. Đây là cách nghĩ lệch lạc, sai lầm, bởi bình thường chúng ta có rất ít cơ hội tiếp xúc cho nên càng phải chào hỏi nhiều hơn. Mới tiếp xúc có thể bạn thấy như thế không tự nhiên, cho rằng mình đang giả vờ, giả tạo. Thực ra, chúng ta không nên nghĩ như vậy, dù là làm ra vẻ cũng không sao, chỉ cần khi nói mà trong lòng không nghĩ điều đó là “giả tạo” là được rồi. Luyện tập nhiều lần sẽ trở nên tự nhiên hơn, không còn cảm giác miễn cưỡng nữa.”

“Sư phụ không có sở trường đặc biệt nào khác, điều duy nhất sư phụ có là chữ ‘chuyên'”

“Toàn tâm toàn ý phục vụ, cống hiến cho tập thể, dù công việc bận rộn đến đâu đều cảm thấy vui vẻ, có mệt cũng cảm thấy thích thú, bởi đó là việc mình tình nguyện làm. Làm việc bằng thái độ đó không những khiến bạn cảm thấy vui vẻ mà chất lượng công việc sẽ tốt hơn rất nhiều.”

“Chỉ cần dũng cảm đối diện với khuyết điểm, thiết sót của mình và không ngừng vươn lên học hỏi thì không có gì phải sợ sệt cả.”

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận thức được rằng bao dung và tha thứ cho người khác khiến tôi vui vẻ chan hoà hơn với mọi người.”

“Sự tiền thỉnh thị, sự hậu báo cáo / Xin ý kiến cấp trên trước khi thực hiện và báo cáo lại sự việc sau khi đã hoàn thành là thái độ tu dưỡng và trách nhiệm của người làm cấp dưới nên có.”

“Gặp phải muôn vàn trường hợp khác nhau trong công việc, ta phải biết cách dùng phương pháp vượt lên chính mình, để cho thể xác và tinh thần an định lại, coi tất cả những thách thức phía trước là cơ hội giúp bản thân thăng tiến.”

“Trong kinh Phật thường dạy chúng ta rằng phải “biết hài lòng với những gì mình đang có”. Cái gọi là biết vừa lòng chính là nhiều cũng là vừa, ít cũng là vừa, có cũng là đủ, mà không có cũng là đủ.”

5. Thành Tâm Để Thành Công (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Thành Tâm Để Thành Công - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Trên thế giới, không có một ngành nghề nào là mãi mãi hưng thịnh, cho nên việc nuôi dưỡng quan niệm đồng tâm hiệp lực trở nên vô cùng quan trọng.”

“Khi giải quyết vấn đề trước hết không được mất bình tĩnh, phải tìm đúng người có thể cùng mình giải quyết, có phương pháp thích hợp và luôn giữ nguyên tắc “an nhiên quá quan”.”

“Người thông minh không nhất định là người sáng suốt, nhưng người sáng suốt thực sự nhất định sẽ ít phiền não. Chỉ có xâm nhập sâu vào bên trong thế giới nội tâm của người khác, quan tâm họ thì ta mới có được sự sáng suốt thực sự.”

“Biết thỏa mãn không có nghĩa là từ bỏ quyền lợi sinh tồn, cũng không có nghĩa là từ bỏ trách nhiệm công việc, càng không phải là từ bỏ cơ hội nỗ lực tiến bộ, mà cứ thuận theo lệ tự nhiên, thích ứng với xã hội và mọi hoàn cảnh, nếu được như vậy cuộc sống này sẽ gần như không còn sự đau khổ và bất lực.”

“Nếu trong lòng luôn cảm thấy mất cân bằng thì mọi sự sẽ luôn tranh giành. Giành giật, muốn thay đổi người khác sẽ thực sự làm họ bị tổn thương. Giành giật, muốn thay đổi thiên nhiên sẽ làm tổn hại đến thiên nhiên. Nếu trái tim nhỏ bé của mỗi người luôn cảm thấy yên bình thì cả thế giới sẽ luôn yên bình.”

“Một người không nhất định phải có nhiều tài sản mới được gọi là trưởng thành, mà phải là chín chắn về mặt đạo đức, nhân phẩm, có tầm hiểu biết. Nếu bạn là người ích kỷ, tham lam, nóng nảy thì phải sửa những tính xấu đó để trở thành một người vô tư, biết hi sinh và có lòng khoan dung. Để có được những đức tính này bạn phải không ngừng nỗ lực, có như vậy bạn mới có thể giúp đỡ người khác trưởng thành và đồng thời cũng làm cho bản thân trưởng thành hơn.”

“Làm việc thì dễ, làm người thì khó”

“Làm một nhà lãnh đạo, tâm lý quan trọng nhất là chịu trách nhiệm chứ không phải quyền uy mà mình có được. Tư cách của nhà lãnh đạo đại diện cho toàn thể công nhân viên, là biểu tượng cho sự tín nhiệm, danh dự và vinh quang vẻ vang của cả công ty.”

“Càng từ bi, sáng suốt càng ít phiền muộn. Người thông minh không nhất định là người sáng suốt. Nhưng người sáng suốt thực sự nhất định sẽ ít phiền não. Càng từ bi, càng sáng suốt, trí tuệ.”

“Lòng người muốn bình yên trước hết phải làm yên lòng mình sau đó mới làm yên lòng kẻ khác. Cho dù bạn là người bình thường hay nhân vật quan trọng, bình tâm mới có thề bình thân, bình thân mới có thể an gia, an nghiệp.”

6. Nhân Gian Hữu Tình (Đọc thêm)

Review sách Nhân Gian Hữu Tình

“Núi không dời được ta dời lối; đường không tự rẽ ta rẽ đường; người không chuyển được ta chuyển tâm”

“Vun vén gia đình không nên cân đo đong đếm rằng ta đã bỏ ra bao nhiêu mà chỉ cần thấy vui vẻ khi ta vô tư chăm lo, đấy cũng chính là hạnh phúc

“Tâm tình con người nên hóa giải, điều tiết chứ không nên phát tiết”

7. Bình An Trong Nhân Gian (Đọc thêm)

Trích dẫn sách Bình An Trong Nhân Gian - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Con người thường luôn mong muốn được bảo đảm “an toàn” và “an định”, luôn hy vọng hoàn cảnh, môi trường mang lại cho họ sự an toàn, an định. Nếu môi trường, hoàn cảnh không cho họ sự an toàn nào, họ sẽ có cảm giác bất an; nếu cuộc sống không dư dả về vật chất, họ cũng sẽ cảm thấy không an định.”

“Mối quan hệ của mỗi người chúng ta với xã hội cũng giống như mối quan hệ gắn bó mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau giữa con người, hoàn cảnh và môi trường. Hoàn cảnh, môi trường có thể ảnh hưởng đến con người, ngược lại con người cũng làm ảnh hưởng đến hoàn cảnh, môi trường. Nhưng rốt cuộc ai là người làm ảnh hưởng đến hoàn cảnh môi trường? Câu trả lời là: mỗi cá nhân đều có thể ảnh hưởng đến hoàn cảnh, môi trường, thậm chí chỉ là một suy nghĩ, một câu nói, nhất cử nhất động của mỗi chúng ta đều đủ ảnh hưởng đến toàn thể xã hội.”

“Với những người học theo Phật, lấy an tâm là nguyên tắc cơ bản để an thân, lấy việc làm người khác an ổn hoàn thành công đức tự an ổn bản thân, đây là quan niệm của một nhà tu hành theo đạo Bồ-tát. Do sau khi tâm đã an định, thân thể cũng tự nhiên an định. Tâm lý lành mạnh, cho dù thân thể có bệnh tật thì vẫn được coi là một người khoẻ mạnh, nếu tâm lý không lành mạnh, cho dù cơ thể khoẻ mạnh thì người này vẫn là người có vấn đề, đều có thể tạo thành nỗi lo lắng cho gia đình, cho xã hội.”

“Trong cuộc sống thường ngày, khi bạn phát hiện trong lòng có mâu thuẫn, đau khổ, mất cân bằng, trước tiên phải chú ý đến hơi thở, sau đó để ý trong lòng bạn đang nghĩ gì? Sau đó đánh giá bản thân một cách khách quan, quan sát bản thân mình tại sao lại nổi giận? Giận vì điều gì? Xem khi bạn tức giận hơi thở thế nào, tim đập thế nào? Tiếp đó hãy chú ý đến cảm giác của chính mình có phải là rất khó chịu. Có thể nói, khi nội tâm bắt an, hãy lập tức chuyển tâm niệm sang việc qua sát mọi phản ứng của cơ thể mình, tâm trạng sẽ lập tức bình tĩnh trở lại. Cách cân bằng và ổn định thân thể, nội tâm này rất hữu ích, nhưng phải thường xuyên luyện tập.”

“Trong cuộc đời của mỗi con người đều nên xác định sớm hướng đi cho riêng mình. Phải tính đến tài năng, hứng thú, cùng với tất cả những tố chất vốn có của bản thân bao gồm sức khoẻ, sự thông minh và tâm nguyện để làm căn cứ phán đoán, từ đó sẽ tìm được phương hướng lớn trong cuộc đời mình là gì.”

“Lấy trí tuệ để kiểm chứng hướng đi, lấy từ bi để đối nhân xử thế.”

“Cho dù nhất thời tiền bạc, địa vị, sự nghiệp đều không đạt được như mong đợi, thì cũng không được phép đánh mất đi tâm bồ đề, đừng để đánh mất nhân các bản thân. Cho dù mọi sự nỗ lực của mình đều không đi đến thành công, song chỉ cần trưởng thành hơn về nhân cách, phát triển hơn về nhân phẩm thì đó mới chính là thành công thực sự.”

“Khái niệm “tu hành” được nhắc đến trong Phật giáo chính là việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của bản thân ta về hành vi, cử chỉ, lời nói; mà đặc biệt là chú trọng việc tịnh hoá hành vi tâm lý của chúng sinh. Bởi sau khi tịnh hoá tâm, thì hành vi ngôn ngữ và hành vi thân thể của ta tự nhiên sẽ được sửa đổi đúng đắn.”

“Đối diện sự thật bằng quan niệm nhân quả, nỗ lực hết mình bằng quan niệm nhân duyên.”

“Quyền lợi của cha mẹ nên chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đó cũng chính là việc quan tâm và được quan tâm, tôn trọng và được tôn trọng, nếu vượt qua khỏi phạm vi này sẽ không kiểm soát được và dẫn đến mâu thuẫn đối lập, bất đồng quan điểm, như vậy càng không phải là luân lý công bằng, hợp tình hợp lý nữa.”

“Giữa con người với nhau nên đứng trên lâp trường của chính mình, dốc hết khả năng, sức lực làm tròn bổn phận và trách nhiệm ở mọi nơi và mọi lúc. Nhưng tuyệt đối không được đứng trên lập trường của mình, dựa vào thân phận của mình mà yêu cầu người khác.”

“Trên thế gian này, chẳng có thứ gì gọi là an toàn tuyệt đối, càng không thể có nơi nào là nơi an toàn tuyệt đối, nếu con người ta có thể thản nhiên đối diện, tiếp nhận và xử lý sự thì này thì mới có thể an thân và an tâm được.”

“Tôi có một vài ý kiến dành cho giới trẻ hiện đại ngày nay. Thứ nhất là tự biết nhận thức năng lực, sở thích của bản thân; chọ đúng con đường mà mình nên đi và có thể đi được. Thứ hai là cần học cách an định cái tâm trước bất cứ hoàn cảnh nào, không chỉ đối mặt với nó mà còn phải tiếp nhận, cải thiện nó và cuối cùng là buông bỏ nó. Thứ ba, xác định mục tiêu phấn đấu cuộc đời mình, cần tiến hành từng bước chắn chắn, luôn hướng về phía trước, dù có phải thường xuyên thay đổi chỗ đứng cũng không được đánh mất phương hướng. Thứ tư, nghề nghiệp và quyền lợi có thể thay đổi nhưng chí hướng không thể thay đổi.”

“Nói tóm lại, không cần tốn nhiều thời gian, chỉ cần mỗi thành viên trong gia đình dùng sự quan tâm chân thành để lĩnh hội thế giới nội tâm của các thành viên còn lại thì họ sẽ là một mái ấm gia đình hạnh phúc. Còn trong sự nghiệp, chỉ cần có tâm huyết, dùng hết khả năng giải quyết vấn đề thì sẽ gặt hái được nhiều thành quả huy hoàng.”

“Trên một phương diện nào đó, hoàn toàn không thể đòi hỏi sự công bằng. Ý nghĩa thực sự của công bằng là mỗi người đứng trên lập trường và góc độ của mình để làm tốt vai diễn của mình, nỗ lực hết trách nhiệm, đó chính là sự công bằng.”

“Giá trị của cuộc sống nằm ở sự cống hiến.”

8. Buông Xả Phiền Não (Đọc thêm)

Review sách Buông Xả Phiền Não

“Khi ước muốn vượt quá nhu cầu là tham. Nếu cuộc sống biết đủ, ít ham muốn, tâm không chạy theo vật dụng thì sẽ được an lạc.”

“Tất cả sự, lý không rõ ràng; thị, phi đảo lộn đó là si. Nếu tâm mọi người thường giữ chính kiến, chính niệm thì thiên hạ thái bình.”

“Bất cứ việc gì tự cho mình là đúng, cậy tài khinh người, là mạn. Nếu chúng ta buông xả tự ngã, khiêm tốn, cung kính với mọi người thì tâm mạn tất nhiên dần dần tiêu mất.”

“Bất cứ việc gì tự mình không giữ lập trường, không có lòng tin với người là nghi. Nếu xác lập được phương hướng cuộc sống chính xác và thái độ xử thế thì không còn sống trong nghi ngờ.”

“Chúng ta làm việc phải nắm vững trong tay hai chữ “vừa đủ”. Việc gì cũng vừa đủ là tốt nhất, tính toán chi li cũng không tốt. Bởi vì tính toán quá mức thì thành keo kiệt, ăn xài xả láng thành lãng phí.”

“Keo kiệt làm cho chúng ta không kết duyên được với mọi người, mất đi tình bạn, đồng thời tự mình cũng không thể trưởng thành. Vì thế, bất cứ chúng ta có đồ vật gì đều nên giúp người hết lòng. Dù ta có được cả danh vị, tài sản và quyền lực, không nên hưởng thụ một mình mà hãy rộng rãi chia sẻ với mọi người.”

“Chúng ta muốn tránh tinh thần bất an thì trước tiên phải biết rõ sự bất an sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho mình và người khác, hiểu rõ như thế nào mới kiểm soát sự bất an của mình. Tinh thần bất an sẽ gây ra việc xấu này đến việc xấu khác, giống như người bị cao huyết áp sẽ gặp nguy hiểm tính mạng; trước tiên có thể là trúng gió, rồi bị bại liệt, không chừng dẫn đến tử vong; cho nên không để mình bực bội là rất quan trọng.”

“Chúng ta đang sống trong thời đại hỗn loạn, căng thẳng và vội vàng, làm cho tinh thần con người luôn bất an; cho nên hiểu được và làm thế nào để kiểm soát tinh thần bất an là điều rất quan trọng. Phương pháp đơn giản nhất là trong cuộc sống thường ngày, chúng ta không nên đưa ra những vấn đề gây tranh cãi khi tinh thần bất an. Chúng ta có thể tranh thủ đi bộ thư giãn hay nhâm nhi tách trà, nghe nhạc trữ tình; hoặc tìm bạn bè tán gẫu cho tinh thần thoải mái.”

9. An Lạc Từ Tâm (Đọc thêm)

Trích dẫn sách An Lạc Từ Tâm - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

“Nhìn đời bằng cái nhìn “vô thường” sẽ giúp chúng ta thấy được bản tính của mọi sự vật hiện tượng là không, không có gì là vật bất biến.”

Phật giáo cho rằng cuộc đời này vốn đã đầy rẫy khổ đau, khổ và vui là một; niềm vui trong đời chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, chóng lụi tàn còn khổ thì đeo đẳng như hình với bóng. Vì thế chúng ta cảm nhận được chút hạnh phúc trong đời thì đừng bao giờ cho rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi và không bao giờ thay đổi.”

“Con người muốn cầu được phước báo thì trước tiên phải vun bồi ruộng phước, nếu không vun đắp mà chỉ ngồi hưởng thì chỉ mang nợ, cũng giống như người đi vay tiền vậy. Vì thế, một người vốn có bao nhiêu thì chỉ bấy nhiêu, không ai tự nhiên kiếm được tiền, tự nhiên sinh ra giàu có. Nếu không đổ công sức mà được, thì ngày sau cái giá phải bỏ ra càng ngày càng nhiều gấp bội.”

“Tình yêu đích thực là phải không ngừng học tập, kiện toàn bản thân vì người mình yêu, biết cách tôn trọng, giúp người yêu phát triển ưu điểm, bỏ dần khuyết điểm, biết cách biến tình yêu thành động lực sống tốt, không để tình cảm nam nữ trở thành gánh nặng, trở thành bi kịch cho cuộc sống của mình và người yêu. Yêu tức là tìm người bạn để chung sống trọn đời nên giữa hai người không những phải tôn trọng, thương yêu nhau như khi ban đầu còn phải biết san sẻ, thẳng thắn, không giấu giếm nhau điều gì. Hai bên phải đối đãi bình đẳng, ôn hòa, trong sáng mới mong sống với nhau trọn đời. Khi nào bạn thực hiện được như thế mới gọi là tình yêu đích thực.”

……

Trên đây là những Trích dẫn hay trong sách của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Cho Đời Bớt Muộn Phiền - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Cho Đời Bớt Muộn Phiền – Thích Thánh Nghiêm

Cho Đời Bớt Muộn Phiền (Tái bản đổi tên từ Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm) sẽ giúp bạn xây dựng giá trị quan của cuộc sống. Hóa giải ưu sầu phiền não.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *