Thể Loại | Tôn Giáo – Tâm Linh |
Tác Giả | Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm |
NXB | NXB Lao Động |
CTy Phát Hành | Thái Hà |
Số Trang | 182 |
Ngày Xuất Bản | 2018 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Giao Tiếp Bằng Trái Tim (Tái bản)
Thời đại toàn cầu hóa với các phương tiện kĩ thuật, công nghệ hiện đại đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, thế nhưng ai cũng nhận thấy không những nó không mang lại kết quả như mong muốn, ngược lại làm cho mọi người thờ ơ và ngăn cách nhau.
Giao Tiếp Bằng Trái Tim là tác phẩm của hòa thượng Thích Thanh Nghiêm phân tích và bàn luận các vấn đề quan hệ giữa người với người, mong rằng sẽ cung cấp cho độc giả hướng suy nghĩ toàn diện hơn. Cuốn sách chia thành 4 phần:
- Học cách lắng nghe và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp;
- Học cách khen ngợi phát hiện ra ưu điểm
- Mở rộng lòng từ bị và bao dung
- Học cách quan tâm giúp đỡ và tinh thần hi sinh, phụng hiến
Khi mối quan hệ giữa người với người nảy sinh mâu thuẫn, xung đột, mọi người có thói quen quy tội cho người, ít ai tự nhận lỗi lầm. thực ra tâm lý căng thẳng, tự đặt mình thành thế đối lập với đối tượng giao tiếp không những dễ làm tổn thương người khác mà còn làm cho người khác thêm phiền não. Trong tác phẩm này hòa thượng có đề cập
“Mọi người cho rằng sự hài hòa trong giao tiếp chính là làm thế nào để đối phương lắng nghe, chấp nhận mình mà quên bẵng việc mình cần quan sát tìm hiểu các nhu cầu thực sự của đối phương”.
Ngài chỉ ra rằng điểm mù quáng nhất của con người trong giao tiếp “lấy bản thân làm trung tâm”: nói, làm điều gì cũng chỉ xuất phát từ góc độ cá nhân, chỉ mong người khác chấp nhận mình mà quên đặt mình vào vị trí người khác. Biết đặt mình vào vị trí người khác suy nghĩ hộ người khác chính là chìa khóa mở ra cánh của giao tiếp thành công.
Với lẽ mộc mác dễ hiểu, những ví dụ sinh động thực tế, thầy Thích Thánh Nghiêm khuyên chúng ta làm bất kỳ việc gì, tiếp xúc với bất kì đồi tượng nào cùng với lòng thành thật đi ra từ trái tim, cần có thái độ bao dung, trọng chữ tín để kết giao với mọi người, lấp đầy hố sâu ngăn cách. Thầy nói
“Chỉ cần chúng ta có thái độ chân thành, thân thiện, đối đãi với mọi người bằng tình người đích thực, xem mọi người đều là người tốt thì chúng ta sẽ xây dựng thành công mối quan hệ giữa người với người”
Quy mọi mối quan hệ con người về một mối – chân tâm lương thiện, đồng thời thầy nêu ra những biện pháp có tính khả thi cao cộng với sự vận dụng trí tuệ Phật giáo vào đời sống thực tế mong mang lại lợi ích cho chúng sinh là điểm nổi bật mà chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong tác phẩm này.
Nằm trong bộ ba cuốn sách của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, Giao tiếp bằng trái tim đúc kết lại nội dung của các buổi thuyết giảng có tên “Pháp cổ sơn” trong trương trình truyền hình định kì của hòa thượng tại Đài Loan. Giao tiếp bằng trái tim sẽ giúp độc giả luôn biết cách dùng thiện ý ấm áp tình người để quan tâm, đối thoại với người khác nhằm cùng xây dựng một mối quan hệ hài hòa, vui vẻ.
Nội dung đã được biên tập, chỉnh lý và đăng tải trong chuyên mục “nhân sinh đạo sư – thầy dẫn đường đời” của tạp chí “nhân sinh” rất được độc giả yêu thích. Nhận thấy giá trị nhân văn và tính thiết thực của bộ sách này đối với độc giả Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn dịch bộ sách này sang tiếng việt hầu mong có thể giới thiệu đến quý độc giả nội dung các buổi pháp thoại này. Cùng với cuốn “Tìm lại chính mình” và “Tu trong công việc”, mong rằng song song với việc đọc giả tự đối thoại với mình cũng không quên dùng thiện ý ấm áp tình người để quan tâm, đối thoại với người khác nhằm cùng xâu dựng một thế giới thanh bình, hài hòa.
Giao Tiếp Bằng Trái Tim là cuốn sách nằm trong bộ sách Phật Pháp Ứng Dụng, gồm 9 cuốn:
- Tìm lại chính mình
- Tu trong công việc
- Giao tiếp bằng trái tim
- Cho đời bớt muộn phiền
- Thành tâm để thành công
- Nhân gian hữu tình
- Bình an trong nhân gian
- Buông xả phiền não
- An lạc từ tâm
Thông tin về tác giả:
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm. Ngài sinh năm 1930, trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Năm 13 tuổi (1943), Ngài xuất gia tại chùa Quảng Giáo. Ngài đã từng nhập thất sáu năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan, đi du học tại Nhật Bản, nhận bằng Tiến sĩ văn học, đảm nhận Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phiên dịch Kinh Phật, sáng lập ra Pháp Cổ Sơn… Bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong việc đem lại lợi ích cho mọi người, Ngài được coi là một trong bốn vị Hòa thượng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất tại Đài Loan thời hiện đại.
Sau khi xuất gia không bao lâu, do thời cuộc chiến tranh loạn lạc, năm 1949, Ngài đầu quân nhập ngũ, nhằm báo đáp ơn quốc gia, trong thời gian phục vụ quân dịch, Ngài tình cờ gặp Ngài Linh Nguyên lão Hòa Thượng cũng đang phục vụ trong quân đội và được Ngài truyền thọ giáo pháp thiền tông.
Sau 10 năm phục vụ quân dịch, Ngài tái xuất gia với Hòa Thượng Đông Sơ vào năm 1959. Tái xuất gia được 2 năm, Ngài quyết định nhập thất, nghiên cứu và hành trì Phật Pháp, trong thời gian nhập thất, Ngài đã hoàn thành 9 tác phẩm quan trọng, làm cơ sở cho công cuộc hoằng pháp sau này như: So Sánh Tôn Giáo Học, Giới Luật học cương yếu, Chánh Tín Phật Pháp….
Sau 6 năm miên mật hành trì, Ngài nhận thấy Phật Pháp thậm thâm vi diệu là thế, nhưng người thật sự hiểu được Phật lý thì không bao nhiêu, nên từ đó Ngài phát nguyện hoằng dương chánh pháp, đào tạo Tăng tài, chấn hưng nền học thuật Phật giáo.
II. Review sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. BAO SAM review sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Giao Tiếp Bằng Trái Tim là cuốn sách thứ 2 về phật pháp ứng dụng đã đọc, chủ về giao tiếp với mọi người để đạt đến sự hài hòa trong các mối quan hệ. Tất nhiên, đây cũng là một trong những cuốn sách nằm trong list phải “đọc đi đọc lại” nhiều lần để thấm dần. Có như thế mới ứng dụng tốt được. Hiện tại đang luyện tập và cố gắng tránh tội vọng ngữ, bao gồm: vọng ngôn (nói dối, nói những lời sai sự thật với rắp tâm hại người), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt) – cái này khó nè, lưỡng thiệt (nói lời gây ly gián) và ác khẩu (nói lời thô thiển, gây tổn thương người khác).
Sách dẫn dắt chúng ta đối đãi, giao tiếp với mọi người bằng trái tim chân thành, bằng không, mọi nỗ lực từ 2 phía đều là vô ích. Ý tứ này mình đã đọc và học được từ “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Vậy nên, rất ghét những ý kiến cho rằng “Đắc nhân tâm” dạy người ta sống giả tạo, bla bla. Nói vậy chẳng khác nào những cuốn phật pháp này cũng cổ xúy cho việc con người ta lừa dối nhau sao?
2. XUÂN review sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Cuốn sách Giao tiếp bằng trái tim, như tên gọi của nó, đó là hãy dùng chính trái tim trong sáng của mình để giao tiếp với mọi người, dùng sự thật thà để đối nhân xử thế. Trong cuốn sách nhỏ không quá dày này, mọi giao tiếp phải đến từ hai chiều qua lại lẫn nhau thì mới duy trì sự lâu dài. Và mọi người có thể xem đây là sách kỹ năng rèn luyện giao tiếp. Sự chân thật, chân thành, thật thà sẽ được đề cập trong chương đầu của cuốn Giao tiếp bằng trái tim này. Sức mạnh của nó thì mọi người có lẽ đã được chứng kiến rất nhiều ở trong sách, trong phim lẫn đời thực.
Nói về lòng yêu thương, cuốn sách có viết Lời yêu thương không hạn chế ở ngôn ngữ. Những biểu hiện trên khuôn mặt của chúng ta cũng có thể nói chuyện, ngay cả những động tác cũng có thể nói chuyện được, vì thế chúng được gọi là ngôn ngữ cơ thể. Chỉ cần bạn có tấm lòng từ bi, mềm mỏng, hay quan tâm đến mọi người, bất kỳ hành động nào mà bạn biểu hiện ra, thì dù cho chỉ là câu nói thì cũng khiến cho người khác cảm thấy ấm áp. Đó là sức mạnh của lòng yêu thương, nằm trong phần nói về sự quan tâm và cống hiến.
3. TIỂU NGUYỄN review sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Hằng ngày, chúng ta luôn diễn ra vô vàng cuộc trò chuyện với rất nhiều người trong gia đình, công việc, bên ngoài xã hội và phổ biến hơn hiện nay, đó là trò chuyện cả trên mạng xã hội – những người chỉ kết bạn với nhau qua 1 màn hình máy tính hay điện thoại. Thế giới phẳng, tất cả chúng ta hoàn toàn kết nối dễ dàng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Trong cuốn sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, xung quanh những cuộc giao tiếp đơn thuần, tác giả còn gửi tặng chúng ta những góc nhìn tích cực, chân thiện mỹ trong những cuộc giao tiếp, làm cho bản thân người nói và cả người nghe vô cùng hạnh phúc, vô cùng hứng thú và tâm an. Cảm ơn tác giả: Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm đã để lại cho đời một di sản mang giá trị nhân văn sâu sắc.
III. Trích dẫn sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích dẫn hay trong Giao Tiếp Bằng Trái Tim
“Bạn thấy thỏa mãn, hạnh phúc không liên quan đến việc bạn sở hữu được bao nhiêu của cải vật chất hay sự quan tâm của người khác mà then chốt là tâm lí bạn thế nào và bạn tiếp cận sự vật dưới góc độ nào.”
“Khoan dung cũng là một trong những đức tình cần tu tập của một vị Bồ tát. Tuy nhiên, để biến địch thành bạn, bạn cần có trí tuệ để phân biệt giới hạn của bao dung và bao che. Nếu không việc làm của bạn không những sẽ gây bất lợi cho người khác mà cả cho mình.”
“Bản thân lời nói vốn vô tội, nếu bạn khéo léo vận dụng nó làm việc tốt sẽ là tốt, nếu bạn dùng lời tốt để phục vụ cho ý đồ xấu nó vẫn là xấu. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, là cầu nối để cảm thông nhau, nhưng nếu không biết sử dụng nó, bạn sẽ bị phiền não vì tác hại của lời nói.”
“Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không những cần thực hiện “không nói dối”, “không nói lời thêu dệt”, “không nói hai lưỡi”, “không nói lời thô ác” mà còn phải tập nói lời chân thật, nói lời tôn trọng, nói lời khuyến khích khen ngợi, nói lời an ủi người khác. Nếu bạn tịnh hóa lời nói của mình, nhất định cuộc sống của bạn sẽ tránh được lời đồn đại, thị phi.”
“Bồ tát luôn là người đến với chúng sinh bằng thân phận bình thường, hòa mình vào cuộc sống bình thường, thậm chí còn hạ mình thấp để chúng sinh được cao hơn cả chính mình, cho họ một cảm giác được tôn trọng mới mong họ có thiện cảm với Phật pháp. Cũng thế, khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.”
Trích đoạn Phần 1: Biết Lắng Nghe Và Chân Thành Trong Giao Tiếp
CÁCH GIAO TIẾP
Xã hội nói chung chỉ xã hội loài người, muốn có xã hội loài người ắt phải có con người xã hội. Mối quan hệ khăng khít kia ngầm chỉ: sẽ không có con người tồn tại ngoài xã hội, trừ phi người đó muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với con người, nếu không bất kì ai cũng phải giao tiếp.
Giao tiếp đóng vai trò quan trọng của hoạt động loài người, tuy nhiên trong quá trình giao tiếp, có một xu hướng chung là ai cũng tìm những đối tượng phù hợp với mình. Ai cũng cho rằng “dù mình không kết bạn với người đó, không nói chuyện với người kia vẫn có bạn bè, vẫn sống tốt.” Từ đó họ phân biệt: “Đây là bạn tôi, kia không phải bạn tôi; đây toàn là kẻ không ra gì, mình không thèm làm bạn với họ”.
Những người tự đặt tiêu chuẩn tốt xấu cho mình, cho rằng có người không đủ tư cách làm bạn, không phải là bạn hoặc tự nghĩ người như thế sẽ bán đứng mình, chiếm hết cái hay cái tốt của mình, thậm chí cảm thấy tố chất làm người của họ quá kém không đủ tư cách làm bạn.
Người chỉ muốn giao tiếp một chiều sẽ rất khó hòa hợp với người khác. Giao tiếp luôn đòi hỏi ít nhất phải từ hai phía, nếu không, không được gọi là giao tiếp.
Thông thường, kết bạn càng nhiều càng tốt, đương nhiên trừ những kiểu bạn bè xấu, hay bán đứng nhau, tìm cách làm tổn thương nhau. Tuy nhiên nếu bạn có thiện ý giao hảo thế nào đối phương cũng không muốn trở thành bạn, chỉ nuôi lòng thù địch thì tốt nhất bạn không nên cố gắng, cứ tạm thời không giao tiếp là được, vì không nhất định bạn phải làm bạn với họ.
Mọi thứ tình cảm cần đến từ hai phía, nếu đối phương không đồng ý mà bạn cưỡng cầu sẽ làm khó cho cả hai. Trường hợp này, bạn không nên xem đối phương là thù địch mà hãy giữ tấm lòng muốn giao hảo với họ. (Nếu cần thiết bạn hãy “im lặng” để giữ khoảng cách, chờ cơ hội để tiếp tục tìm hiểu nhau). Phật giáo gọi điều này là “mặc tẫn”, “mặc” là im lặng, “tẫn” là đuổi đi nghĩa là đuổi đi bằng cách im lặng. Đối phương không nằm trong phạm vi đời sống của mình và ngược lại mình không có trong đời họ, hai bên không ai quấy nhiễu ai nữa!
Nếu đã biết rõ không thể, chúng ta hà tất phải cưỡng cầu. Trường hợp đối phương hay sinh sự phi lí với bạn, tốt nhất bạn nên im lặng ra đi. Hãy xem trong lòng mình không có họ để khỏi làm phiền lòng nhau nhưng vẫn giữ mối giao hảo tốt đẹp đó trong lòng, đợi khi nào họ hồi tâm chuyển ý bạn sẽ tiếp tục là bạn tốt của nhau, tuyệt đối không được xem nhau như thù địch.
Ngoài ra bạn có thể chọn cách “dò tìm”. Sau nhiều lần dò tìm, có thể bạn sẽ phát hiện, sở dĩ đối phương không chấp nhận mình vì lời nói, thái độ làm đối phương hiểu lầm. Trường hợp này bạn nên tự điều chỉnh bản thân cho đến khi nào đối phương chấp nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên đẽo gót (chân) cho vừa giầy, thay đổi hoàn toàn bản thân chỉ để phù hợp với người khác. Bạn cũng có thể thử từng bước, tìm hiểu yêu cầu của đối phương về mình và từng bước điều chỉnh cho thích hợp. Đến một lúc nào đó, đối phương sẽ chủ động giao tiếp với bạn.
Bất luận chúng ta tìm biện pháp giao tiếp nào đều cần hiểu rõ: muốn giao tiếp, muốn hiểu nhau cần sự nỗ lực đến từ hai phía. Bạn phải mở lòng đón nhận đối phương, hơn nữa cần có lòng từ bi để cảm hóa sự phản kháng của đối phương, đấy mới là cách giao tiếp, cách tìm hiểu nhau hiệu quả và thiết thực nhất.
BAO DUNG LÀ TIỀN ĐỀ ĐỂ HIỂU NHAU
Thông thường ai cũng cho rằng, giao tiếp là phải để đối phương chấp nhận mình mà quên việc mình phải thông cảm, tìm hiểu yêu cầu thực sự của người khác với mình. Ví dụ có người muốn tìm hiểu, giao tiếp với người khác nói: “Tôi đã đặt mình vào vị trí bạn để nghĩ cho bạn vì thế nhất định bạn phải chấp nhận yêu cầu của tôi”, rồi người đó hỏi “bạn có thấy khó chấp nhận không?” Nếu đối phương cảm thấy khó chấp nhận, người đó hỏi tiếp “đơn giản thôi, chỉ cần bạn nghe theo lời đề nghị của tôi, tất cả khó khăn đều sẽ giải quyết suôn sẻ”.
Có thể xem đây là mẫu giao tiếp đến từ một phía, hoàn toàn không phải là hiểu nhau. Giao tiếp thực sự đòi hỏi bạn phải tìm hiểu đối phương có khó khản gì, cần giúp đỡ không, sau đó bạn cố gắng giúp trong khả năng có thể, không nên chỉ biết một mực yêu cầu người khác chấp nhận cách làm của mình.
Trong thời gian du học ở Nhật, tôi phát hiện ra rằng đến bất cứ một cửa hiệu nào, nhân viên phục vụ đều hỏi câu “Xin hỏi, quý khách có cần giúp đỡ gì không ạ?”. Trong giao tiếp, chúng ta nên lấy việc hiểu biết nhau làm chuẩn mực. Khi giúp đỡ người khác, không nên làm theo cách mình định sẵn trước rồi áp đặt, bắt buộc đối phương phải nghe theo. Ví dụ, khi ta mở tiệc mời khách thường không hỏi đến khẩu vị khách mời mà cứ có khách ngồi vào bàn là liên tục gắp thức ăn cho họ khiến khách ăn không được, bỏ không xong, rất lúng túng khó chịu ở các nước phương Tây không như thế. Có lần có khách đến nhà tôi chơi, tôi gắp thức ăn cho họ, họ vô cùng vui mừng nói: “Thầy biết tôi thích ăn món này hả?”. Từ đó, trước khi gắp thức ăn cho ai, tôi đều hỏi khẩu vị người đó trước.
Từ đó, chúng ta có thể đúc kết thành nguyên tắc trong giao tiếp: trước hết hãy để đối phương nêu cách nghĩ và nhu cầu của họ, sau đó cho họ biết mình có thể giúp được gì cho những nhu cầu của họ không, như thế mới là một giao tiếp thành công.
Giao tiếp là quá trình giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau từ cả hai phía, nếu chỉ đến từ một phía nhất định đấy không phải là giao tiếp thành công đích thực. Trong Phật pháp có nêu biện pháp tiếp cận mọi người gọi là “tứ nhiếp pháp” gồm: Đồng sự, bố thí, lợi hành và ái ngữ. Đây là bốn phương pháp rất quan trọng trong việc tiếp cận cảm hóa mọi người.
Một người xuất gia muốn gần gũi, cảm hóa chúng sinh tuyệt đối không được ép người khác phải học và làm theo Phật pháp mà trước tiên hãy để họ thực sự hiểu và chấp nhận trước. Muốn hóa độ chúng sinh, điều trước tiên bạn phải chấp nhận chúng sinh.
Theo Phật giáo, đệ tử Phật hoặc những người thực hành hạnh Bồ-tát không thể lìa xa chúng sinh để tu tập được. Vì lời nguyện đầu tiên của một người thực hành hạnh Bồ-tát là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” (chúng sinh vô lượng thề cứu hết). Lìa xa chúng sinh để cầu độ sinh là điều không tưởng; nhất định bạn phải phụng sự chúng sinh, mở rộng lòng mình để chấp nhận tất cả lỗi lầm của chúng sinh, giúp họ giải quyết vấn đề trước, sau đó mới mong họ mở rộng lòng mình chấp nhận tu học theo Phật pháp.
Thật là sai lầm khi nói với mọi người “Phật pháp nhiệm mầu, mọi người phải tin theo, phải làm theo”, làm thế nghĩa là bạn đang chứng tỏ quyền uy chứ không phải cảm hóa người khác. Nên lấy Phật pháp để cảm hóa, để gõ cửa lương tâm, thức tỉnh tình thương trong con người chứ không nên dùng Phật pháp như công cụ dạy dỗ người khác.
Bồ-tát luôn là người đến với chúng sinh bằng thân phận bình thường, hòa mình vào cuộc sống bình thường, thậm chí còn hạ mình thấp để chúng sinh được cao hơn cả chính mình, cho họ một cảm giác được tôn trọng mới mong họ có thiện cảm với Phật pháp. Cũng thế, khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.
NÓI LỜI HAY, GIỮ LÒNG TỐT
Tục ngữ có câu “họa từ miệng ra”, nói năng tùy tiện làm tổn thương người khác để lại vết thương lòng còn khó lành hơn cả vết thương do dao cắt. Phật giáo có nói đến “vọng ngữ”, lời nói ngon ngọt, ton hót nịnh bợ người khác, điểm tô câu chữ hay nói lời kích bác, nhục mạ, châm chọc cho đến việc xui khiến người khác phạm tội đều gọi chung là tội vọng ngữ. Nói chung mọi lời nói khiến mình phiền não, tổn thương người khác đều là vọng ngữ.
Phạm vi ý nghĩa của “vọng ngữ” rất rộng, tuy nhiên có thể chia thành bốn loại gồm: vọng ngôn (nói lời không thực), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt, ngôn từ hoa lệ, không đúng sự thật), lưỡng thiệt (nói hai lưỡi), và ác khẩu (nói lời thô ác).
Vọng ngôn nghĩa là nói dối, rắp tâm hại người. Ỷ ngữ là nói lời thêu dệt, thêm hoa thêm lá; lưỡng thiệt là cách nói gây li gián, đến người này nói người nọ, đến người nọ nói người này khiến họ trở thành thù địch; ác khẩu là nói lời thô thiển, xấu ác mắng chửi, làm tổn thương người khác.
Thực ra chỉ có bậc thánh mới hoàn toàn không phạm phải lỗi này, còn lại ai cũng đã phạm, từng phạm không ít thì nhiều, thậm chí là trẻ nhỏ hồn nhiên ngây thơ cũng không tránh được. Ví dụ khi bố hỏi con “con yêu ai nhất?” nếu đứa bé nhanh nhẹn, thông minh liền trả lời “con yêu bố nhất”. Khi mẹ cậu bé hỏi, cậu cũng sẽ nói “con yêu mẹ nhất”. Để lấy lòng bố mẹ, cậu bé biết cách trả lời theo từng đối tượng với cùng một nội dung như thế cũng xem là tội vọng ngữ.
Có lúc bạn bè thân thuộc hỏi “cậu yêu ai” thì cậu sẽ trả lời cho trọn vẹn cả đôi đường là “tôi yêu bố và mẹ”. Nhưng nếu tiếp tục hỏi “trong hai người cậu yêu ai nhất?” sẽ trở thành câu hỏi khó cho cậu bé. Chúng ta không nên hỏi các em như thế, không những bất công mà còn làm cho trẻ hiểu lầm. Từ đó chúng ta thấy, từ nhỏ mọi người đã bị tiêm nhiễm thói nói không thật lòng. Tuy vô hại nhưng khi lớn lên, nó kết hợp với tham muốn tư lợi rất có thể thói quen xấu đó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người đó phạm tội.
Trong việc làm ăn kinh doanh, nhiều người cho rằng nếu không biết nói phô trương, khoe khoang về sản phẩm của mình thì sẽ khó bán nên họ thường giới thiệu như: “Sản phẩm của công ty tôi đặt chất lượng lên hàng đầu, có thể bán lỗ hoặc ngang vốn để lấy chữ tín của khách hàng, nếu không mua nhất định bạn sẽ hối hận” nhưng thực tế là họ thu lợi rất lớn. Đây là một trong những cách nói thiếu thành thực, bất chính và đấy chính là vọng ngữ.
Thực ra chỉ cần tiền ứng với hàng hóa là được, làm ăn buôn bán không nhất thiết phải nói dối.
Tôi có người bạn làm kinh doanh đã nhiều năm, ông tiết lộ bí mật thành công là, khi nói chuyện với bất kì khách hàng nào ông đều thành tâm thành ý, nói lời chân thực, cho đối phương biết rõ lập trường của mình. Ông nói, ngoài chi phí nguyên vật liệu và các khoản cần chi khác để hoàn thành sản phẩm, ông nhất định cần thu thêm một khoản tiền lãi hợp lí. Ông cho rằng, chỉ cần đảm bảo doanh thu cần thiết của người bỏ vốn kinh doanh, ông không thích kiếm lời bằng cách nâng cao giá thành sản phẩm, kiếm lời bằng bất kỳ giá nào. Thế cho nên làm ăn kinh doanh cũng không nhất định phải nói dối. Bí quyết thành công lâu dài là “tiền nào của nấy” để tùy ý khách hàng chọn sản phẩm theo túi tiền, cần giữ chữ tín, đó là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức trên thương trường.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không những cần thực hiện “không nói dối”, “không nói lời thêu dệt”, “không nói hai lưỡi”, “không nói lời thô ác” mà còn phải tập nói lời chân thật, nói lời tôn trọng, nói lời khuyến khích khen ngợi, nói lời an ủi người khác. Nếu bạn tịnh hóa lời nói của mình, nhất định cuộc sống của bạn sẽ tránh được lời đồn đại, thị phi.
……
Trên đây là trích đoạn Phần 01: Biết Lắng Nghe Và Chân Thành Trong Giao Tiếp trong sách Giao Tiếp Bằng Trái Tim. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!