Thể Loại | Kỹ Năng Sống |
Tác Giả | Don Gabor |
NXB | NXB Tổng Hợp TPHCM |
CTy Phát Hành | Trí Việt |
Số Trang | 312 |
Ngày Xuất Bản | 01 – 2019 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Sức Mạnh Của Ngôn Từ – Sử dụng đúng ngôn từ để đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.
Nếu bạn cũng giống như hàng triệu người thường ngồi lặng yên trong các cuộc họp, bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến, căng thẳng trong các buổi gặp mặt, không biết nói gì mỗi khi đối diện với cấp trên, thường nói với người thân những điều khiến sau này phải hối hận, hoặc không bao giờ đạt được kết quả như ý trong các cuộc tranh luận… thì quyển sách này là một lựa chọn vô cùng đúng đắn dành cho bạn!
Quyển sách Sức mạnh của Ngôn từ được chia làm ba phần gồm 20 chương với các nội dung áp dụng trong công việc, quan hệ khách hàng – nhà cung cấp và trong giao tiếp xã hội với hàng trăm gợi ý, tình huống cùng các ví dụ thực tế, sinh động với những lời khuyên, những bí quyết giao tiếp hiệu quả đến ngạc nhiên và thực sự hữu ích trong công việc và cuộc sống của bạn. Đồng thời sẽ tặng bạn rất nhiều từ ngữ kỳ diệu, những câu chữ tinh tế, những cách mở đầu thu hút cử tọa đến không ngờ, các ngữ cảnh giao tiếp và ví dụ minh họa cực kỳ sinh động…. Chẳng hạn, bạn nên sử dụng ngôn từ như thế nào để:
- Tạo ấn tượng với sếp và thăng tiến trên con đường sự nghiệp
- Dung hòa mối quan hệ với những đồng nghiệp hay khách hàng khó tính
- Yêu cầu nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ bạn tốt hơn
- Có buổi hẹn hò như ý
- Tạo thiện cảm với hàng xóm của bạn
- Xây dựng mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình tốt đẹp
- Để đạt được những điều bạn mong muốn, giao tiếp chính là chiếc chìa khóa đầu tiên
Chắc chắn Sức mạnh của Ngôn từ sẽ giúp bạn đạt được điều bạn muốn trong quá trình giao tiếp trên nhiều phương diện cuộc sống: gia đình, bạn bè,… đặc biệt tại nơi làm việc và trong các cuộc đàm phán với đối tác.
Tin rằng khi áp dụng những chiến lược, bí quyết và kỹ năng giao tiếp này, bạn sẽ trở nên tự tin, cuốn hút, chuyên nghiệp và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Báo chí nói gì về cuốn sách này:
“Cuốn sách như một cẩm nang tham khảo và không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối theo thứ tự mới có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp. Có thể mở ra bất cứ chủ đề nào và học cách nói đúng những gì cần vào thời điểm thích hợp. Bạn sẽ nhận ra, sử dụng đúng ngôn từ có thể đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.” – VnExpress
Thông tin tác giả Don Gabor:
Don Gabor là một trong những chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật giao tiếp và thuyết trình hiệu quả. Ông từng giảng dạy hàng trăm khóa tư vấn và huấn luyện kỹ năng giao tiếp tại các công ty và tập đoàn ở Hoa Kỳ và trên thế giới.
Sách của tác giả Don Gabor:
Don Gabor là tác giả chuyên viết sách và cung cấp các chương trình về nghệ thuật giao tiếp và tư vấn từ năm 1980. Một số trong những cuốn sách bán chạy nhất của ông có thể kể đến như:
- How to Start a Conversation and Make Friends,
- Words That Win (Sức mạnh của ngôn từ)
- Turn Small Talk into Big Deals
- Speaking Your Mind in 101 Difficult Situations
- Talking with Confidence for the Painfully Shy
- Big Things Happen When You Do the Little Things Right
Sách của Don Gabor đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ trên thế giới và được xuất bản bởi Simon & Schuster, Random House, Prentice-Hall, và McGraw-Hill.
Don Gabor là thành viên của Hiệp hội Diễn giả Quốc gia từ năm 1991 và là chủ tịch của New York City Chapter giai đoạn 2010-2011.
Sự nghiệp của tác giả:
Don thành lập Conversation Arts Media vào năm 1991, một công ty tư vấn truyền thông có trụ sở tại Brooklyn, NY. Don Gabor chia sẻ cho những người kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau cách tăng doanh thu bằng cách bắt đầu các cuộc trò chuyện và kết nối có lợi trong các tình huống kinh doanh và xã hội.
Ông đã trình bày các hội thảo cho GenRe, Hiệp hội Máy chủ SQL Chuyên nghiệp, Standard & Poor’s, Khách sạn Marriott, PricewaterhouseCoopers, Korin Japanese Trading Corp., Shearman & Sterling LLP và nhiều công ty lớn nhỏ khác, các hiệp hội nghề nghiệp và trường cao đẳng.
Đối với những cá nhân muốn được đào tạo, Don cũng cung cấp chương trình đào tạo trực tiếp với các bài phát biểu, thuyết trình, kỹ năng kết nối mạng, đào tạo phương tiện truyền thông và viết sách.
Don Gabor từng là phát ngôn viên truyền thông của Grand Marnier, Sprint và Frito-Lay. Là một khách mời thường xuyên của giới truyền thông, sách của ông đã xuất hiện trong hàng trăm cuộc phỏng vấn trên báo in, đài, mạng xã hội và truyền hình, bao gồm 60 phút với Andy Rooney, Giờ nghỉ trưa của WSJ, Good Day NY, Entrepreneur, New York Times, Investor’s Business Daily và nhiều người khác.
II. Review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ của tác giả Don Gabor. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. VĨNH NGUYỄN review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Mình hơi kém trong cái khoản giao tiếp lên mua cũng khá nhiều sách kỹ năng rồi, và tình cờ mình đã nghe nói đến cuốn sách “Sức mạnh của ngôn từ” như cuốn chìa khóa của thành công, mình đã lựa chọn cuốn sách này, cuốn “đắc nhân tâm” cuốn “khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” và cuốn “đọc vị bất kỳ ai để nâng cao kĩ năng giao tiếp”. Về mặt nội dung của cuốn này thì mình đánh giá cao khi mà cuốn sách này phân tích và đưa ra cho chúng ta những cách ứng xử, những câu nói trong các tình huống cụ thể trong công việc, trong cuộc sống. Càng đọc càng ngấm, và cảm thấy được như thể mình đang được mở mang thêm một lượng lớn kiến thức vậy.
Tóm lại thì cuốn sách sức mạnh của ngôn từ” này thật sự là quyển sách mà mình cực kỳ tâm đắc, đọc vài trang đầu liền mà có cảm giác như bị thôi miên, đọc hết cả quyển chỉ trong 3 tiếng . Đọc một lần không đủ, mình còn đọc lại rất nhiều lần để ngẫm. Nội dung quả thực rất hay. rất tốt cho công việc và cách giao tiếp hàng ngày. Một cuốn sách tuy bé nhỏ nhưng những gì nó đem lại cho mình thì lại vô cùng to lớn.
2. HÀ LIÊN review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Lời ăn tiếng nói là một trong những thứ quan trọng nhất của con người trong xã hội hiện nay. Nó như là một chi chiếc chìa khóa thần kỳ để ta có thể gặp gỡ ,giao lưu với mọi người xung quanh. Người khác đánh giá về bản thân bạn chẳng cần đâu xa mà họ nhận xét bạn qua ngôn từ mà bạn xử dụng. Khá nhiều người đã mất điểm trong mắt người khách cũng là vì lời nói của mình đó. Lời nói quả thật có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ta nếu không cẩn thận thì mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn đi so với bạn nghĩ. Vì thế mà hôm nay tôi giới thiệu cho mọi người cuốn sách “Sức mạnh của ngôn từ ” của Don Gabor.
Cuốn sách này khá hoàn hảo và đáng để đọc bởi không chỉ bìa bên ngoài mà bên trong đó là những nội dung cần thiết cho mọi người đang muốn thay đổi ngôn từ của mình. Bạn chắc chắn sẽ tìm cách thấy trong cuốn sách này những lời khuyên, bí quyết giao tiếp hiệu quả và thật sự hữu ích trong công việc và cuộc sống của bạn.
Ví dụ, bạn nên sử dụng ngôn từ như thế nào để có thể: Giúp tạo được ấn tượng với sếp và giúp bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Dung hòa mối quan hệ với các đồng nghiệp hoặc những khách hàng khó tính.
Nếu bạn giống như hàng triệu người thường ngồi im lặng trong các cuộc họp, bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến, căng thẳng trong những lần gặp mặt, không biết nói gì khi đối mặt với cấp trên, thường nói những điều khiến bản thân hối hận sau này với người thân hoặc không bao giờ đạt được kết quả như mong muốn trong các cuộc tranh luận … cuốn sách này là một lựa chọn cực kỳ đúng đắn dành cho bạn!
Sức mạnh của Ngôn từ sẽ cho bạn một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này và sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều từ ngữ kỳ diệu, những câu chữ tinh tế, những cách mở đầu thu hút đến không ngờ, các ngữ cảnh giao tiếp và ví dụ minh họa cực kỳ sống động … Tất cả sẽ giúp bạn đạt được những gì bạn muốn trong quá trình giao tiếp trên nhiều phương diện của cuộc sống, đặc biệt là trong công việc và trong các cuộc đàm phán với đối tác.
Cuốn sách Sức mạnh của Ngôn từ được chia thành ba phần bao gồm 20 chương với nội dung được áp dụng trong công việc, quan hệ khách hàng – nhà cung cấp và trong giao tiếp xã hội với hàng trăm những gợi ý và tình huống cùng các ví dụ thực tế, sinh động. Bạn có thể sử dụng cuốn sách này như một cuốn cẩm nang tham khảo và không nhất thiết phải đọc nó từ đầu đến cuối để có thể cải thiện được kỹ năng giao tiếp của bản thân.
Gặp gỡ mọi người không quan trọng ,quan trọng là khi bạn gặp rồi thì bạn sẽ nói gì, giao tiếp có ổn không hay là cứ ngồi im, nói như điều họ không thích. Cẩn thận với những lời nói của mình khi giao tiếp sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều.
Tóm lại ,cuốn sách mang đến cho ta biết bao là điều may mắn, mới lạ mà trước đây ta chưa bao giờ hình dung tới.
3. T R A N review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Khả năng giao tiếp chính là công cụ vô cùng quan trọng dù là ở bất kỳ thời đại nào. Giao tiếp tốt sẽ khiến chúng ta thuận lợi hơn trong công việc và cuộc sống vì bạn có thể diễn đạt những gì mình mong muốn và thuyết phục người khác làm một công việc gì đó để giúp mình. Chìa khóa thành công luôn nằm trong tay những người có khả năng ăn nói nên quyển sách “Sức mạnh của ngôn từ” sẽ giúp chúng ta hình dung ra được lợi ích siêu lợi hại của ngôn ngữ và đưa ra những bí quyết hay ho để giúp chúng ta rèn luyện khả năng giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Việc trau dồi kỹ năng này vô cùng cần thiết vì nếu tự tin giao tiếp cũng sẽ thúc đẩy sự tự tin cho hành vi của mỗi người.
Những tình huống thuận lợi của việc tận dụng khả năng ngôn ngữ được đưa ra trong sách khá sinh động và hữu ích. Đó có thể là việc tạo ấn tượng với cấp trên thông qua khả năng giao tiếp lưu loát và có thần thái để tiến thân trên con đường sự nghiệp. Đó có thể là việc sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng và linh hoạt để giới thiệu sản phẩm và làm chiều lòng khách hàng trong quá trình buôn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên thị trường. Những khách hàng khó tính cần có những người biết cách chiều chuộng và phục vụ tận tình, nếu không sẽ đem đến những phiền phức không đáng có. Hoặc áp dụng vào đời sống thì có thể thấy khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn từ cũng giúp bạn trở nên lôi cuốn hơn trong mắt người đối diện, nhất là trong các buổi hẹn hò, gặp gỡ người yêu, người tri âm, tri kỷ của cuộc đời bạn.
4. HOÀNG VY review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
NGÔN TỪ LÀ CHÌA KHÓA DẪN TỚI THÀNH CÔNG!
Đã bao giờ bạn say mê lắng nghe một bài diễn thuyết chưa? Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình tại sao mình lại bị cuốn hút bởi một người lạ ngay lần đầu tiên tiếp xúc? Và, đã bao giờ bạn chật vật trong guồng quay các mối quan hệ và loay hoay để cân bằng chúng? Cùng theo chân tôi tìm hiểu chìa khóa của sự thành công trong xã hội ở bài viết này nhé!
Ngôn từ (words) là một trong những yếu tố cực kì quan trọng quyết định đến sự thành công của câu nói. Đúng từ, đúng chỗ, đúng người sẽ làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Việc lựa chọn từ ngữ trong câu có thể làm câu hay hơn, mạch lạc hơn, dễ nghe hơn. Sức mạnh của ngôn từ- Words that Win sẽ giúp bạn tìm ra mẫu ngôn từ dành cho bạn trong bất kì cuộc diễn thuyết, đàm phán nào.
Don Gabor là một trong những chuyên gia diễn thuyết nổi tiếng. Ông từng giảng dạy hàng trăm khóa học tư vấn và huấn luyện kĩ năng giao tiếp trước đám đông. Hơn nữa, ông là tác giả của nhiều đầu sách khác như Big Things Happen, Turn Small Into Big Deals, You Do The Little Things Right,…
Ngôn từ xuất hiện ở khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Ta có thể tóm gọn trong ba phần chính là công việc, quan hệ khách hàng- nhà cung cấp và giao tiếp xã hội. Mỗi phần có những công thức bí mật riêng đang đợi bạn khám phá.
“Kĩ năng quan trọng nhất trong mọi kĩ năng là không bao giờ dùng hai từ trong khi chỉ một từ là đủ”- Thomas Jefferson. Sức hút của một diễn thuyết gia được thể hiện khi tất cả mọi từ ngữ xuất phát từ họ đều cô đọng và thú vị. Người nghe sẽ không giành thời gian của họ để lắng nghe hơn một trăm mẫu ví dụ về luận điểm nhưng lại không biết luận điểm muốn nhắc tới là gì. Và hơn thế nữa, họ cũng không muốn một bài nói suông không có dẫn chứng cụ thể. Người nói thành công là người biết người nghe muốn gì và cung cấp cho họ.
Qua bài viết, bạn cần nhớ năm yếu tố chính của một bài nói xuất sắc: nội dung chính nổi bật, ngôn từ chính xác và dễ hiểu, câu nói ngắn gọn, mạnh mẽ, nhận xét thẳng thắn, tránh dùng từ lấp khoảng trống như “ờ”, “ừm”, “à”,… Ngoài ra, đầu sách này còn cung cấp nhiều thông tin thú vị khác như bảy bước trau dồi vốn từ, cách làm đồng nghiệp yêu mến thông qua ngôn ngữ, cách làm việc nhóm,…
Tuy nhiên, đây là đầu sách dựa trên kinh nghiệm của riêng Don Gabor nên một số yếu tố sẽ mang tính cá nhân của tác giả rất nhiều. Một số công thức có thể áp dụng được, một số khác lại khá khó hiểu đối với người đọc. Nhưng nếu bạn vẫn muốn ngôn từ của mình thêm sức mạnh vậy còn chờ gì mà không thử với Don Gabor?
5. HUONG LE review sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Trầy trật mãi mới xong cuốn self-help này ^^. Nhưng sau khi đọc xong thì thấy lẽ ra có thể đọc nhanh hơn và thu được lợi ích của những lời khuyên trong này sớm hơn nếu chịu khó nhìn mục lục trước. Sách dạy cách ứng xử và gợi ý một số cách nói “nên” và “không nên” khi đối mặt với các tình huống khác nhau. Đánh giá 4* cho các chương về cách phàn nàn để được cung cấp dịch vụ/sản phẩm tốt hơn, về xây dựng quan hệ với hàng xóm, vợ chồng, gia đình. Các chương còn lại đúng kiểu đọc cho xong để ghi công 😅
À có 1 điểm cộng cho cuốn này là tác giả trích dẫn rất nhiều câu ngạn ngữ, danh ngôn, phát ngôn rất độc đáo và hài hước của các nhân vật nổi tiếng, và của nhiều diễn viên hài. Đầu mỗi phần tác giả đều như kể chuyện cười, vui ra phết. Ví dụ, kể về 1 ông bố thường ngày rất kiên nhẫn nhưng cũng phải phát cáu với lũ trẻ trong một bữa tiệc vì k có cơ hội được đưa ý kiến, được cô con gái nhỏ thì thầm khuyên “dễ thôi mà bố! Chỉ cần bố khóc ré lên là được”.
Hay câu chuyện về 2 ông chồng chia sẻ về cách ứng xử trong gia đình, 1 ông nhận rằng mình là ng sẽ quyết định những việc quan trọng còn vợ quyết những việc ít quan trọng, và từ khi kết hôn đến nay “không có việc gì là quan trọng cả”.
“Nhờ sự tinh thông ngôn ngữ của mình mà tôi không dám nói gì cả” [Rober Benchley – diễn viên hài ng Mĩ]
III. Trích dẫn sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ
PHẦN 1 – SỨC MẠNH NGÔN TỪ TRONG CÔNG VIỆC
Chương 1 – Để có một phong cách giao tiếp tự tin và chuyên nghiệp
Kỹ năng quan trọng nhất trong mọi kỹ năng là không bao giờ dùng hai từ trong khi chỉ một từ là đủ. – Thomas Jefferson (1743 – 1826) – Tổng thống thứ 3 của Mỹ
Bước vào phòng làm việc của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Lyndon B. Johnson, một nghị sĩ trẻ tuổi của bang Texas, mang theo bên mình dự án đưa điện về các vùng nông thôn tại bang của mình. Thế nhưng, Johnson đã không có một cơ hội nào để trình bày kế hoạch của mình vì Tổng thống Roosevelt không ngừng nói trong suốt cuộc gặp mặt.
Thất vọng nhưng không hề nản lòng, Johnson nghĩ anh cần phải điều chỉnh lại phong cách giao tiếp nếu muốn thu hút sự chú ý của Tổng thống vào ý tưởng của mình. Thế là trong lần gặp kế tiếp, ngay lập tức Johnson cất cao giọng trước khi Roosevelt kịp thốt ra nửa lời:
“Nước, nước, nước! Nước chảy khắp nơi nhưng nhiều người vẫn đang khát nước!” – Johnson nói oang oang – “Điện, điện, điện! Điện giăng khắp nẻo, thế mà người dân quê tôi lại không có điện để dùng!” Kết quả là, chỉ thêm vài phút trao đổi với Tổng thống, Johnson đã nhận được sự ủng hộ của Roosevelt cho dự án của anh.
Phong cách giao tiếp – hay cách bạn nói chuyện và gây ảnh hưởng với người khác – có thể mang đến cho bạn những lợi ích lớn từ một ngôn từ nhỏ nhưng tinh tế. Cũng như các chính trị gia luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất trong bài thuyết trình hay kiến nghị của mình, việc mài giũa kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn chọn và sử dụng đúng từ ngữ để nói chuyện với người khác một cách hiệu quả nhất.
Năm cách giúp kỹ năng diễn thuyết của bạn trở nên sắc sảo
Tôi nhận ra rằng những gì tôi đã không nói không bao giờ gây tổn hại cho tôi. – Calvin Coolidge (1872-1933), Tổng thống thứ 30 của Mỹ
Một nhà quản lý nọ trở về văn phòng làm việc với vẻ mệt mỏi sau khi nghe vị chủ tịch tập đoàn phát biểu bằng một giọng đều đều trong suốt buổi họp. Thấy vậy, một đồng nghiệp hỏi ông vị chủ tịch đã nói gì, nhà quản lý đáp: “À, ông ấy chẳng nói gì cả!”
Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta đã từng nghe một ai đó thao thao bất tuyệt, nhưng rốt cuộc lại chẳng hiểu họ đang nói về vấn đề gì. Khả năng diễn đạt một cách rõ ràng các ý tưởng, kinh nghiệm, quan điểm và cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt và đạt hiệu quả giao tiếp rõ rệt so với việc nói lan man vô tận không có trọng tâm.
Nếu bạn biết diễn đạt một cách ngắn gọn và súc tích, đồng nghiệp của bạn sẽ không chỉ ghi nhớ những điều bạn nói mà còn tôn trọng ý kiến của bạn nữa.
Sau đây là 5 cách giúp mài sắc kỹ năng diễn thuyết của bạn:
1. Làm nổi bật nội dung chính bằng những câu khái quát ngắn gọn
Tập thói quen kể lại cho đồng nghiệp nghe nội dung chính của những quyển sách hoặc bài báo mà bạn đã đọc, hoặc nội dung của những buổi hội thảo mà bạn đã tham dự. Hãy lựa chọn những đề tài mà bạn tin chắc là họ sẽ hào hứng lắng nghe. Chủ đề nói chuyện của bạn phải liên quan đến công việc của họ, hoặc một chương trình truyền hình vui nhộn hay bất cứ gì phù hợp với hoàn cảnh và người nghe.
Bạn có thể sử dụng 5 loại câu hỏi mà các nhà báo thường dùng để tóm tắt lại nội dung buổi nói chuyện: Ai? Việc gì? Ở đâu? Khi nào? và Tại sao?
Ví dụ, nếu bạn đang nói chuyện với đồng nghiệp hoặc khách hàng trước buổi họp bàn về kế hoạch kinh doanh tháng tới, bạn có thể gợi chuyện như sau: “Tối qua, tôi có dự một hội thảo về nghệ thuật nói trước công chúng. Diễn giả rất chuyên nghiệp và tất cả những người tham gia đều được mời đứng trước nhóm để thực hành thuyết trình trong vòng 3 phút về bất cứ đề tài gì họ thích”.
Nếu đồng nghiệp của bạn thể hiện sự quan tâm, bạn hãy miêu tả ngắn gọn những điều bạn đã học được hoặc ấn tượng sâu đậm nhất đối với bạn của buổi hội thảo đó. Nếu thời gian cho phép, bạn hãy chia sẻ với họ một vài chi tiết đầy màu sắc về một hoạt động hay chủ đề mà bạn cảm thấy thú vị nhất trong hội thảo.
2. Chọn ngôn từ chính xác và dễ hiểu
Đã bao giờ bạn nói chuyện với một người luôn cố gây ấn tượng với bạn bằng cách dùng những từ ngữ cao siêu, khó hiểu nhưng rỗng tuếch chưa? Cảm giác của bạn thế nào? Tôi nghĩ bạn chẳng có ấn tượng gì cả vì khi đó bạn đang bận suy nghĩ xem họ muốn nói gì?
Sự thật là, những ngôn từ mạnh mẽ có sức tác động rất lớn nếu được sử dụng có chọn lọc và chuyển tải được nội dung bạn muốn nói. Bởi vậy, thay vì cố sử dụng những từ ngữ thật “kêu” nhưng xa lạ, bạn hãy dùng những từ chính xác và sinh động để giúp người nghe dễ dàng hình dung ra một bức tranh toàn cảnh của câu chuyện. Nhờ thế, người nghe sẽ hiểu rất nhanh và nhớ ngay những gì bạn nói.
3. Hãy dùng những câu ngắn gọn, mạnh mẽ
Những câu nói dông dài, lủng củng, bắt đầu một đằng và kết thúc một nẻo sẽ khiến người nghe bị bối rối. Để hạn chế điểm yếu này, tốt nhất là bạn nên dùng danh từ chỉ người, chỉ nơi chốn và sự vật làm chủ ngữ trong câu nói của bạn.
Một số lưu ý giúp câu văn thêm ngắn gọn, súc tích:
- Đừng nói: “Sự thật là chúng ta đang dẫn đầu về doanh số bán hàng cho thấy rằng…”
Hãy nói: “Chúng ta đang dẫn đầu về doanh số bán hàng. Điều này cho thấy…” - Đừng nói: “Bà Smith, người hiện đang là trưởng phòng của chúng ta, sẽ phát biểu với chúng ta hôm nay”.
Hãy nói: “Bà Smith, trưởng phòng của chúng ta, sẽ phát biểu hôm nay”. - Đừng nói: “Báo cáo thường niên của chúng ta, tức bản báo cáo đã được phát hành vào tháng trước, đã chỉ ra rằng….”
Hãy nói: “Báo cáo thường niên của chúng ta, được phát hành vào tháng trước, đã chỉ ra rằng…”
NHỮNG TỪ NÊN DÙNG
Tránh dùng từ “không” trước một từ nào đó nhằm làm thay đổi nghĩa của nó. Điều đó sẽ khiến từ ngữ bạn dùng không có sức thuyết phục cao.
Sau đây là một vài ví dụ:
Không nên: Nên:
Không đúng lắm (not right) ——————-> Sai (unfair, wrong)
Không tệ lắm (not bad) ————————> Trung bình (average)
Không quá đắt (not expensive) ————-> Rẻ (cheap)
Không thú vị lắm (not interesting) —————-> Chán (boring)
Không nhớ rõ (did not remember) ————–> Quên (forgot)
4. Đưa ra những nhận xét thẳng thắn
Tôi không biết bạn thế nào, chứ tôi thì rất ghét khi nghe người khác dùng những câu từ mơ hồ đại loại như: “không tệ lắm” hoặc “có thể sẽ khá hơn” trong khi thật ra tình hình thực tế là “rất tệ”, “tầm thường”, hoặc “đáng thất vọng”.
Muốn có một tác phong diễn thuyết chuyên nghiệp, được mọi người chú ý và tin cậy, bạn cần nói đúng, nói thẳng vào bản chất của vấn đề.
5. Tránh dùng từ “lấp khoảng trống”
Từ ngữ “lấp khoảng trống” là những từ hoặc cụm từ được liên tục lặp đi, lặp lại trong lúc đối thoại, chẳng hạn: “vậy đấy”, “bạn biết không”, “được chứ?”, “à”, “ờ”, “bạn hiểu ý tôi chứ?”, “à há”…
Những từ vô nghĩa đó tuy có thể lấp vào khoảng trống nhưng lại không cung cấp cho người nghe bất cứ thông tin gì. Mặt khác, việc lặp lại quá nhiều lần những cụm từ vô nghĩa này sẽ khiến người nghe mệt mỏi và mất tập trung vào những gì bạn đang nói. Kết quả là, câu trả lời bạn nhận được lại chính là những câu bạn dùng để lấp khoảng trốngnhư: “Ừ, có chứ!”, “Tôi hiểu ý anh mà”, hoặc “Được!”, “À há”…
Loại bỏ những từ lấp khoảng trống sẽ giúp cuộc đối thoại của bạn rõ ràng hơn, tác phong giao tiếp chuyên nghiệp và thuyết phục hơn, đồng thời khuyến khích người nghe chú ý hơn.
Phong cách diễn thuyết và đối thoại chuyên nghiệp, sắc sảo giúp người nghe tập trung và hiểu rõ những gì bạn nói. Ngoài ra, bạn còn có thể tăng sức ảnh hưởng đến người nghe bằng cách sử dụng những ngôn từ có sức biểu cảm mạnh.
7 bước để nhanh chóng có được vốn từ phong phú và hiệu quả
“Chúng ta cần có một vốn từ phong phú hơn những từ đã có sẵn. Vậy sao chúng ta không chủ động tạo ra chúng”. -Winston Churchill (1874 – 1965) – Chính khách người Anh
Mỗi khi nhắc đến vấn đề về từ vựng, James Thurber – nhà văn kiêm nghệ sĩ hài người Mỹ rất thích kể lại câu chuyện này: “Có lần khi tôi nằm điều trị trong bệnh viện, tôi đã đố một cô y tá: “Từ nào chỉ có bảy ký tự nhưng trong đó có ba chữ ‘u’?” Người phụ nữ suy nghĩ một lát rồi mỉm cười nói: “Tôi không biết, nhưng ắt hẳn từ đó phải rất khác thường” (unusual).
Bạn thấy đấy, một vốn từ phong phú sẽ giúp bạn suy nghĩ, ứng biến nhanh trong mọi tình huống. Sự phong phú ở đây không phải chỉ nằm ở số lượng mà còn phải ở chất lượng. Bạn không cần phải biết thật nhiều từ lạ, những âm tiết, những ngữ nghĩa hoặc cách dùng lạ thường để gây ấn tượng với người nghe – mà điều quan trọng là bạn cần chọn đúng từ và sử dụng vào đúng ngữ cảnh để chuyển tải đúng và rõ ràng thông điệp của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng cần lựa chọn và sử dụng ngôn từ thích hợp với từng đối tượng mà bạn hướng đến. Chẳng hạn, bạn sẽ gây được ấn tượng đối với một kỹ sư tin học, một quản đốc nhà máy hoặc một nhân viên kinh doanh nếu bạn hiểu và sử dụng tốt một số thuật ngữ liên quan đến ngành nghề của họ. Sau đây là một số lưu ý giúp bạn nhanh chóng chọn lựa từ ngữ thích hợp trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm và với mọi đối tượng.
1. Lắng nghe cẩn thận câu chữ mà đồng nghiệp dùng
Thay vì bỏ qua những câu, từ không hiểu rõ, bạn hãy thử đoán nghĩa của nó dựa vào ngữ cảnh mà người nói đang đề cập. Nếu vẫn không chắc chắn, bạn nên mạnh dạn hỏi lại, chẳng hạn, “Có phải ý anh chịlà …?”.
2. Dành thời gian đọc sách, báo
Hãy dành thời gian đọc sách, báo, tạp chí và tập trung vào những chủ đề thu hút sự quan tâm của bạn hoặc ngg nghe của bạn. Càng đọc nhiều, vốn từ của bạn càng phong phú và đó chính là lợi thế của bạn khi đàm luận với người khác.
3. Học từ ngữ chuyên ngành
Nếu bạn còn khá xa lạ với một ngành nghề hoặc một lĩnh vực nào đó, hãy làm quen với các từ, thuật ngữ chuyên ngành qua tạp chí, tài liệu, sách vở. Hãy chú ý tìm hiểu thêm từ các chuyên gia, những thành viên trong ngành để đảm bảo tính chính xác của những từ ngữ mà bạn muốn sử dụng.
4. Tra cứu từ lạ
Tập thói quen luôn mang theo một quyển từ điển bỏ túi và tra cứu ngay lập tức những từ bạn không biết. Đánh dấu những từ bạn đã tra trong từ điển để sau này khi tình cờ lướt qua, bạn sẽ có dịp ôn lại ý nghĩa của nó.
5. Dùng một cuốn sổ tay ghi chép từ mới
Ghi lại các từ mới vào một cuốn sổ nhỏ để thuận tiện mang theo và thường xuyên ôn lại.
6. Tăng cường và củng cố vốn từ
Dùng một cuốn lịch, rồi thực hiện phương châm “từ mới mỗi ngày”. Hãy sử dụng sách, báo, băng đĩa, phim ảnh và bất kỳ phương tiện nào để làm phong phú thêm vốn từ của bạn. Tập trung vào những từ bạn thấy thật sự hữu dụng.
7. Vận dụng từ mới mỗi ngày
Hãy tập vận dụng các từ mới xen kẽ với những từ cũ trong các cuộc đối thoại hàng ngày, những cuộc nói chuyện qua điện thoại, email, hoặc trên các ghi chú và thư từ. Nói cách khác, hãy áp dụng ngay những từ mà bạn mới học được mỗi khi bạn nói và viết.
Hãy nhớ rằng khách hàng hoặc đồng nghiệp của bạn sẽ rất có thiện cảm với bạn khi bạn sử dụng chính xác và nhuần nhuyễn “ngôn ngữ của họ”.
Như vậy, bạn đã biết phải“nói gì?”. Kế tiếp, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu việc “nói như thế nào?” Đây là lúc ngôn ngữ cử chỉ thể hiện vai trò quan trọng của nó.
……
Trên đây là một trích đoạn sách Sức Mạnh Của Ngôn Từ – Don Gabor. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!