Thể Loại | Văn Học – Tiểu Thuyết |
Tác Giả | Khaled Hosseini |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 512 |
Ngày Xuất Bản | 09 – 2021 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Và Rồi Núi Vọng
Afghanistan trong Và Rồi Núi Vọng (And the Mountains Echoed) là một giấc mơ thăm thẳm đau đớn. Ở đó, đói nghèo đặt dấu vết lên từng nhân vật, chiến tranh tàn phá từng số phận, sự đau khổ, trống rỗng hủy hoại từng cuộc đời.
Afghanistan, mùa thu năm 1952.
Abdullah và Pari sống cùng cha, mẹ kế và em khác mẹ trong ngôi làng nhỏ xác xơ Shadbagh, nơi đói nghèo và mùa đông khắc nghiệt luôn chực chờ cướp đi sinh mệnh lũ trẻ. Abdullah yêu thương em vô ngần, còn với Pari, anh trai chẳng khác gì người cha, chăm lo cho nó từng bữa ăn, giấc ngủ. Mùa thu năm ấy hai anh em theo cha băng qua sa mạc tới thành Kabul náo nhiệt, không mảy may hay biết số phận nào đang chờ đón phía trước: một cuộc chia ly sẽ mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari…
Từ một sự kiện duy nhất đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ phức tạp, qua các thế hệ, vượt đại dương, đưa chúng ta từ Kabul tới Paris, từ San Francisco tới hòn đảo Tinos xinh đẹp của Hy Lạp. Với sự uyên thâm, chiều sâu và lòng trắc ẩn, Khaled Hosseini đã viết nên những áng văn tuyệt đẹp về mối dây gắn kết định hình nên con người cũng như cuộc đời, về những quyết định tưởng chừng nhỏ nhoi mà vang vọng qua hàng thế kỷ.
Thông tin tác giả Khaled Hosseini
Khaled Hosseini sinh năm 1965 ở Kabul, Afghanistan. Gia đình ông chuyển đến Paris, Pháp năm 1976, sau đó định cư ở California, Hoa Kỳ. Tại đây, ông lấy bằng cử nhân Sinh học năm 1988 và bằng Bác sĩ Y khoa năm 1993.
Năm 2003, Hosseini giới thiệu tiểu thuyết đầu tay Người đua diều – tác phẩm bán chạy nhất thế giới và được xuất bản ở 48 quốc gia. Năm 2007, nhà văn ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai với tựa đề Ngàn mặt trời rực rỡ, cho đến nay nó đã được xuất bản ở 40 nước.
Hiện Hosseini đang sống ở miền Bắc California và tiến hành các hoạt động trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan thông qua Quỹ Khaled Hosseini.
II. Review sách Và Rồi Núi Vọng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Và Rồi Núi Vọng của tác giả Khaled Hosseini. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. TAMA review sách Và Rồi Núi Vọng
Thêm một tác phẩm nữa của bậc thầy kể chuyện Khaled Hosseini mảnh đất Afganistan
Là tác phẩm thứ ba của tác giả Khaled Hosseini (sau Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều), Và rồi núi vọng tất nhiên làm mình rất thỏa mãn. Vẫn phong cách như vậy, những mảnh đời được tái hiện rất thực qua ngòi bút của tác giả. Không như hai tác phẩm trước, ở cuốn này là những câu chuyện nhỏ, những con người tưởng chừng như không liên quan đến nhau, lại ghép nên một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh. Không đào sâu về tình hình Afghanistan như Ngàn mặt trời rực rỡ, nhưng ta vẫn thấy đâu đó quan cảnh của đất nước Trung Đông này từ những năm trước 1946 cho đến 2010.
Điều mình thích nhất ở Và rồi núi vọng chính là những câu chuyện riêng rẽ đó. Không quá dài đến lê thê, không quá ngắn đến hụt hẫng, nó vừa đủ; đủ làm cho người ta trở nên bối rối về những giá trị thực, về bản chất ẩn sâu trong mỗi con người, về ảo mộng cũng như thực tế đáng sợ ở cuộc đời này. Cảm xúc được đẩy lên đến cao trào, rồi cứ để như vậy, làm ta cảm thấy chênh vênh, bất chợt phải gấp sách lại mà suy ngẫm, để cho lòng một khoảng lặng. Đôi lúc ta cảm thấy giận cho nhân vật, nhưng tận sâu trong lòng, ta hiểu họ, vì bản chất con người ta cũng như họ, cũng đôi lúc mong muốn những điều tốt đẹp cho bản thân mà tổn hại cho người khác. Tất cả đều được ngòi bút tuyệt vời của Khaled Hosseini tái hiện một cách chân thực đến đau lòng.
2. NHI NGUYỄN review sách Và Rồi Núi Vọng
Mình không thích cuốn này bằng hai cuốn trước của Khaled Hosseini là Người Đua Diều và Ngàn mặt trời rực rỡ, vì cách bác Hosseini kể chuyện ở cuốn này sao mà khác xa với hai cuốn trước. Thay vì tập trung vào việc kể câu chuyện của hai nhân vật chính, bác lại dàn trải cả cuốn tiểu thuyết ra thành một tuyển tập những mẩu chuyện đời của những nhân vật khác nhau, tất cả đều có liên quan theo cách nào đó tới hai nhân vật chính. Cách kể chuyện như vậy cũng thú vị đấy, vì mình được đọc về cuộc đời của nhiều người hơn là chỉ Pari và anh trai bà, cùng những thăng trầm, biến cố, những bi kịch và cả những rẽ lối trái ngang nảy sinh từ quyết định mang tính định mệnh của cha hai người vào mùa thu năm 1952. Tuy nhiên, mình cũng thấy một số mẩu chuyện, một số phần có vẻ dư thừa quá, và không phục vụ gì mấy cho cốt truyện chính.
Ấy thế mà, đúng thương hiệu tiểu thuyết của Khaled Hosseini, khi kết thúc quyển sách luôn là những giọt nước mắt, những hoài niệm và những ký ức hiện lên như một vòng lặp, hô ứng với phần mở đầu câu chuyện. Đúng là núi đã vọng, vọng về những mất mát, những chia ly, những tháng năm cách xa nhau không thể nào lấy lại được. Những quyết định tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng lại có thể vang vọng qua hàng thế kỷ vậy đấy.
Thích nhất là hai chương cuối, đặc biệt là phần truyện về cuộc đời của Markos và cô bạn thuở ấu thơ Thalia của anh, về cái ngày Thalia dạy Markos làm máy chụp ảnh, và những lát cắt cuộc đời đi tình nguyện khắp thế giới của Markos lần lượt hiện ra, theo từng nhịp đếm giây cho đến khoảnh khắc cái máy ảnh tự chế của hai đứa trẻ chụp bức ảnh đầu tiên của nó – bức ảnh một Thalia hướng khuôn mặt bị biến dạng của mình về phía biển, được Markos cất giữ trong nhiều năm như thể cô là kết nối duy nhất của anh đến với nơi anh gọi là nhà…
3. TRẦN LAN HƯƠNG review sách Và Rồi Núi Vọng
Sau khi mê mệt hai tác phẩm đầu tay của nhà văn Khaled Hosseini, thì mình đã tìm đọc tác phẩm thứ ba của tác giả để được tiếp tục được cùng ông đi qua những vùng đất mang đầy những câu chuyện, được nghe ông kể về những con người, những mảnh đời bị trêu ngươi bởi số phận nghiệt ngã. Vẫn là giọng văn ấy, vẫn là những khung cảnh xa hoa, lộng lẫy hay nghèo khổ của đất nước Afghanistan nhưng trong tác phẩm này không gian không chỉ giới hạn ở đó, mà những câu chuyện còn vang đến cả Paris hào nhoáng hay hòn đảo Tinos thanh bình ở Hy Lạp,… Nếu trong hai tác phẩm “Người đua diều” và “Ngàn mặt trời rực rỡ” luôn có hai hai tuyến nhân vật song song kể cho bạn nghe một câu chuyện, tâm sự cho bạn về những số phận gắn liền với nhau, những nỗi đau san sẻ chung thì “Và rồi núi vọng” lại là một thước phim cũ mèm mà trong đó có rất nhiều nhân vật, rất nhiều câu chuyện. Những “diễn viên” ấy đan xen vào nhau, số phận họ va vào nhau nhưng rồi lại tách rời ra để mỗi người tự vẽ nên cho mình một bức tranh cuộc đời đầy thăng trầm, sâu lắng.
Trong từng trang sách, bạn sẽ được họ thủ thỉ về những tâm tư, suy nghĩ và nỗi đau của mình. Đó là nỗi đau của người cha mất con, người em mất chị, người vợ mất chồng,… Đó là nỗi dằn vặt, đau đớn, cô đơn tột cùng khi con người phạm phải những sai lầm không thể cứu chữa. Trong tác phẩm này, tác giả không đề cập nhiều đến chiến tranh, nhưng nỗi u uất, nỗi buồn thăm thẳm cứ đong đầy nơi tác phẩm suốt từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Đọc tác phẩm, để thấy được trong nghịch cảnh con người đôi khi bị tha hóa đến mức nào, ích kỷ và đáng sợ đến mức nào. Đọc phẩm đôi khi thấy tức giận, hay đồng cảm với những nhân vật khi họ lâm vào bước đường cùng, lạc lối trong cái xã hội rối ren, lạnh lẽo.
Với cuốn sách này, riêng mình cảm nhận tác giả muốn đi sâu khai thác vào nội tâm của con người, nên mạch truyện của tác phẩm khá chậm, không dồn dập, không có quá nhiều những tình tiết li kì, bất ngờ, nhưng cũng nhờ thế mà đây là một tác phẩm nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Cách kể chuyện trong tác phẩm này cũng khá đặc biệt, mỗi nhân vật sẽ tự kể câu chuyện của mình, không liên tục mà đan xen vào nhau nên đôi khi đọc khá rối rắm, nhưng đây cũng chính là cách để phản ánh sợi dây liên kết mỏng manh nhưng chằng chịt giữa các nhân vật với nhau. Đối với “Và rồi núi vọng” hãy cứ đọc chầm chậm, bình thản để tâm hồn hòa vào cùng với từng lời kể của nhân vật, để cảm nhận được chân thật nhất nỗi đau của họ và thấu hiểu và đồng cảm và sẻ chia, những con người, những số phận trong trang sách ấy đôi khi vẫn còn hiện diện đâu đó trong xã hội ngày nay.
4. HOÀNG NGỌC MAI review sách Và Rồi Núi Vọng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Và Rồi Núi Vọng!
Mình dường như đã thức cả đêm để đọc cho xong câu chuyện này. Đó là một câu chuyện thực sự ám ảnh và cảm động vang vọng đến trái tim của nhiều người.
Mở đầu bằng câu chuyện ngụ ngôn của người cha nghèo, ông phải giao nộp đứa con mà mình yêu quý nhất cho “div”; và sau đó, ông trải qua biết bao gian khổ đi tìm con, đến nơi thấy con mình đang sống vui vẻ hạnh phúc ở xứ sở thiên đàng – khác xa với cảnh đói nghèo nơi quê nhà Afghanistan của ông. Vậy lựa chọn của ông sẽ là lấy lại đứa bé, hay chấp nhận xa con để bé được hưởng một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc?
Đâu ai biết rằng, câu chuyện ngụ ngôn đó đi theo suốt cả cuốn sách, qua bao kiếp người đằng đẵng, không có mở đầu, chẳng có kết thúc, mỗi câu chuyện là một sự day dứt, đến cuối cùng lại là một cái kết tưởng chừng trọn vẹn nhưng lại chưa thực sự trọn vẹn.
Buồn hay vui, hạnh phúc hay khổ đau, cái kết có hậu hay không, hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người.
Đọc thêm: ⇓⇓⇓
- [Review – Trích dẫn] Người Đua Diều – Khaled Hosseini
- [Review – Trích dẫn] Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ – Khaled Hosseini
5. ANH review sách Và Rồi Núi Vọng
Đây là quan điểm cá nhân, mình nghĩ không thể so sánh Và rồi núi vọng hay hơn hay Người đua diều hay Ngàn mặt trời rực rỡ hay hơn. Vì Và rồi núi vọng lần này là một cuốn sách rất khác.
Và rồi núi vọng là một cuốn sách mở rộng hơn cả về không gian, thời gian và các tuyến nhân vật. Thời gian trải dài qua 3 thế hệ, không gian trải dài qua nhiều quốc gia và mặc dù các tuyến nhân vật có một sự liên kết nhưng lại được xây dựng với những cuộc sống riêng. Tác phẩm này ít tập trung hơn vào chiến tranh nhưng lại dành phần lớn đất diễn cho những mối quan hệ – tình cảm gia đình. Chủ – tớ, anh – em, cha – mẹ -con, chồng – vợ, bạn – bè…những mối quan hệ này liên đới và đan xen với nhau trên cái nền tương phản giữa chiến tranh và hòa bình.
Cá nhân, mình thích cuốn này, rất thích. 2 cuốn trước là những nỗi đau dai dẳng và nặng nề từ đầu đến cuối, trong từng câu chữ; trong khi Và rồi núi vọng, những nhân vật cũng có những nỗi đau rất riêng, nhưng đến cuối cùng, đa số họ vẫn được vẹn toàn dù đã muộn màng. Họ sống, làm những điều đúng điều sai và cũng đã đều phải trả giá. Nhưng rốt cục, ta vẫn thấy đâu đó trong cuốn sách này những tia sáng, những nồng ấm nhẹ nhàng đủ khiến ta mỉm cười và nhẹ nhõm khi gấp sách lại.
Nói đơn giản là, đọc cuốn sách này xong, sau tất cả ta vẫn thấy nhẹ nhõm và ấm lòng.
Mình thích nhất là câu chuyện của Markos và Mámá – một cặp mẹ con điển hình – họ không chịu hiểu nhau, họ khắc khẩu, họ xung đột, họ càng ngày càng xa nhau khi Markos dần trưởng thành và Mámá dần già đi, nhưng rồi cuối cùng, may mắn thay, họ đã kịp lúc nhận ra vị trí của nhau trong đời…
Vẫn luôn không thể phủ nhận và cưỡng được sức hấp dẫn cũng như tài năng khai phá từng ngóc ngách xúc cảm nhỏ nhất trong mỗi người của Khaled Hosseini. Đóc sách của ông, kiểu như đã biết trước mắt sẽ là những điều đen tối, đau đớn và buồn bã nhưng vẫn tình nguyện dấn thân 🙂
6. THANG HOANG review sách Và Rồi Núi Vọng
Khaled Hosseini thực sự là một tác giả tuyệt vời trong kể chuyện.
Những câu chuyện rời rạc, những mốc thời gian, những nhân vật tưởng chừng không liên quan, nhưng lại gắn bó với nhau theo một cách nào đó để tạo thành một bức tranh tổng thể.
Mình đã ảm thấy hoang mang gần như lạc lối ở nửa đầu cuốn sách. Nhưng đến giữa cuốn sách trở đi thì đúng là không thể đặt cuốn sách xuống nổi. Những câu chuyện rời rạc bắt đầu có sự liên kết. Mình cứ vừa đọc vừa thấp thỏm “something really bad happened”
Mình không thích cái kết lắm, nhưng đặt cuốn sách xuống phần nào cũng đã thỏa mãn vì đã đọc một cuốn sách hay.
III. Trích dẫn sách Và Rồi Núi Vọng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích dẫn hay trong sách Và Rồi Núi Vọng
“Người ta nói, Hãy tìm một mục đích trong đời và sống vì nó. Nhưng đôi khi, sống rồi ta mới nhận ra cuộc đời ta đã có sẵn một mục đích, và rất có thể là thứ ta chưa từng nghĩ đến.”
“Tôi từng hình dung chúng tôi là hai chiếc lá, bị gió thổi bay cách nhau hàng cây số nhưng lại liên kết với nhau bởi những rễ sâu xoắn xuýt của cái cây mà từ đó chúng tôi cùng rụng xuống”.
Trích đoạn Mùa Thu Năm 1952
Thế này nhé. Các con muốn nghe chuyện thì cha sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện. Nhưng chỉ một thôi nhé. Đừng đứa nào đòi thêm. Muộn rồi, mà chúng ta, Pari, con và cha, còn có cả một ngày dài phải đi phía trước. Tối nay con sẽ cần ngủ đấy. Cả con nữa, Abdullah. Cha trông cậy vào con, con trai, trong khi cha và em gái con vắng nhà. Mẹ con cũng vậy. Giờ thì một câu chuyện đây nhé. Nghe này, cả hai đứa, nghe cho kỹ. Và đừng có ngắt lời.
Ngày xửa ngày xưa, vào cái thuở div, jinn* và những người khổng lồ còn lởn vởn quanh vùng, có một người nông dân tên là Baba Ayub sinh sống. Ông ngụ cùng gia đình tại một ngôi làng nhỏ có tên Maidan Sabz. Vì phải nuôi cả nhà đông người, ngày ngày Baba Ayub chỉ biết nai lưng ra làm việc. Hôm nào ông cũng quần quật từ sáng sớm cho tới tối mịt, cày ruộng, xới đất, chăm sóc những cây hồ trăn khẳng khiu. Lúc nào cũng thấy ông trên ruộng nhà, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lưng cong như chiếc liềm ông vung cả ngày. Tay ông luôn chai sần, thường rướm máu, và đêm xuống, khi má vừa chạm gối là ông liền ngủ thiếp đi.
Những sinh vật siêu nhiên trong truyện dân gian Hồi giáo.
Các con biết không, ông nào phải người duy nhất chịu đựng cảnh này. Cuộc sống ở Maidan Sabz rất khắc nghiệt với người dân. Có những ngôi làng khác may mắn hơn nơi phương Bắc, trong thung lũng, với cây ăn quả, hoa tươi, không khí hiền hòa, và những con suối nước mát trong. Nhưng Maidan Sabz là vùng đất khỉ ho cò gáy, chẳng giống chút nào với hình ảnh Đồng Xanh mà cái tên của nó gợi ra. Nó nằm trên một đồng bằng bằng phẳng khô cằn, bao quanh là dãy núi lởm chởm. Gió oi nồng hắt bụi vào mắt. Để tìm ra nước mỗi ngày là biết bao nhọc nhằn vì giếng làng, kể cả những cái sâu nhất, cũng thường khá cạn. Cũng có sông đấy, nhưng dân làng phải cuốc bộ nửa ngày trời mới đến được đó, vậy mà nước lại đục ngầu quanh năm. Giờ đây, sau mười năm hạn hán, sông gần như khô cạn. Vậy là người dân Maidan Sabz phải làm việc vất vả gấp đôi mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
Tuy vậy, Baba Ayub vẫn thấy bản thân thật may mắn bởi ông có một gia đình mà ông trân trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Ông yêu vợ mình và không bao giờ to tiếng với bà, nói gì đến động chân động tay. Có chuyện gì ông cũng bàn bạc với vợ và thấy thực sự hạnh phúc khi được làm bạn đời của bà. Về đường con cái, ông được trời thương cho nhiều con như số ngón tay trên một bàn tay, ba cậu con trai và hai cô con gái, đứa nào ông cũng yêu thương hết mực. Con gái ông đảm đang, ngoan hiền, nết na. Với con trai thì ông dạy chúng về giá trị của lòng trung thực, sự dũng cảm, tình bạn, và tinh thần không ngại khó ngại khổ. Chúng nghe lời ông, đúng như bổn phận của những đứa con trai ngoan ngoãn, và giúp cha làm đồng áng.
Dù yêu thương cả đàn con của mình, Baba Ayub vẫn âm thầm dành tình cảm đặc biệt cho một đứa, chính là Qais, đứa con út mới ba tuổi. Qais là cậu bé có đôi mắt màu thiên thanh sẫm. Ai gặp cậu cũng bị mê hoặc bởi tiếng cười tinh ranh. Thằng bé còn hiếu động tới nỗi khiến người khác mệt nhoài. Khi lẫm chẫm tập đi, cậu thích thú đến độ hễ thức là đi cả ngày, và rồi, rắc rối thay, kể cả trong giấc ngủ ban đêm. Cậu mộng du rời khỏi căn nhà trát bùn mà thơ thẩn bước vào bóng đêm mờ trăng. Đương nhiên cha mẹ cậu rất lo lắng. Nhỡ cậu ngã xuống giếng, hay bị lạc, hay, tệ hơn hết thảy, bị một sinh vật rình rập nơi đồng bằng ban đêm tấn công? Họ đã thử nhiều cách nhưng đều vô ích. Cuối cùng, giải pháp mà Baba Ayub tìm ra lại khá đơn giản, đúng tinh thần cách hay nhất thường là cách đơn giản nhất: Ông tháo chiếc chuông nhỏ khỏi cổ một con dê đeo vào cổ Qais. Cách này như sau, nếu nửa đêm Qais nhỏm dậy thì chuông sẽ kêu leng keng. Việc mộng du ngừng một thời gian, nhưng Qais ngày càng dính chặt với cái chuông chẳng chịu tháo ra. Thành thử dù không phục vụ mục đích ban đầu, cái chuông vẫn toòng teng trên sợi dây đeo quanh cổ cậu bé. Khi Baba Ayub về nhà sau ngày dài làm việc, Qais sẽ từ trong nhà chạy ra dụi mặt vào bụng cha, cái chuông bé xíu leng keng theo từng bước chân nhỏ. Baba Ayub sẽ bế cậu lên đưa vào nhà, và Qais say sưa ngắm cha mình rửa ráy chân tay, rồi lại ngồi bên Baba Ayub khi cả nhà quây quần ăn tối. Ăn uống xong xuôi, Baba Ayub sẽ nhấm nháp trà, trìu mến ngắm gia đình mình, mường tượng ra ngày lũ con lấy vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, ngày ông trở thành vị trưởng tộc đầy tự hào của một đàn con cháu còn đông hơn nữa.
Than ôi, Abdullah và Pari ơi, những ngày tháng hạnh phúc của Baba Ayub đã đến hồi kết thúc rồi.
Chuyện xảy ra vào một ngày div đến Maidan Sabz. Khi nó tiến đến gần ngôi làng từ hướng núi, mặt đất rung chuyển ầm ầm theo từng bước chân nó. Dân làng vứt bỏ cuốc xẻng, rìu rựa chạy tán loạn. Họ khóa chặt mình trong nhà mà túm tụm với nhau. Khi tiếng bước chân chói tai của div dừng lại, bầu trời phía trên Maidan Sabz tối sầm vì cái bóng của nó. Người ta nói rằng đầu nó nhô ra đôi sừng cong, vai và cái đuôi dữ tợn được bao phủ bởi lớp lông đen thô ráp. Người ta nói mắt nó phát ra ánh sáng đỏ rực. Không ai, ít nhất không ai còn sống biết chắc cả, các con hiểu chứ: Bởi div xơi tái ngay tại chỗ kẻ nào dám liếc trộm dù chỉ một cái thôi. Biết thế, dân làng cứ khôn ngoan dán chặt mắt xuống đất.
Người dân làng nào cũng biết tại sao div đến. Họ đã nghe kể về những lần nó ghé qua những ngôi làng khác và họ chỉ biết ngạc nhiên sao Maidan Sabz lại không bị nó để mắt tới lâu đến vậy. Có lẽ, họ lý luận, cuộc sống nghèo khổ, tằn tiện ở Maidan Sabz lại là cái lợi cho họ, vì con cái họ không được ăn uống đầy đủ bằng nên còi cọc hơn. Dù vậy, cuối cùng vận may cũng thôi mỉm cười với họ.
Cả Maidan Sabz run rẩy nín thở. Các gia đình cầu nguyện div sẽ bỏ qua nhà mình vì họ biết rằng nếu div gõ lên mái nhà họ thì họ sẽ phải cống cho nó một đứa trẻ. Div sẽ quăng đứa trẻ vào bao tải, vắt lên vai, rồi quay trở lại đường nó đã đến.
Không ai có cơ hội gặp lại đứa trẻ tội nghiệp ấy nữa. Và nếu nhà đó không chịu thì div sẽ mang hết con cái của họ đi.
Vậy div mang lũ trẻ đi đâu? Tới pháo đài của nó, ngự trên đỉnh núi dốc. Pháo đài của div cách rất xa Maidan Sabz. Phải vượt qua các thung lũng, vài sa mạc, và hai dãy núi mới tới được đó. Mà có người tỉnh táo nào lại làm việc đó chứ, chỉ để gặp thần chết? Họ nói pháo đài đầy những hầm ngục mà ở đó dao phay treo khắp tường. Những cái móc treo thịt lủng lẳng thõng xuống từ trần nhà. Họ nói có những hố lửa và cây xiên khổng lồ. Họ nói nếu div tóm được một kẻ xâm nhập, ai cũng biết dẫu có ghét thịt người lớn tới đâu, nó cũng sẽ xơi tái kẻ đó.
Chắc là các con biết cú gõ đáng sợ của div rơi vào mái nhà nào phải không? Khi nghe thấy tiếng gõ, một tiếng kêu thống khổ liền bật khỏi môi Baba Ayub, còn vợ ông thì ngất lịm. Lũ trẻ khóc lóc sợ hãi, và đau đớn nữa, vì giờ đã biết chắc một trong năm anh chị em sẽ phải ra đi. Từ lúc đó cho tới rạng sáng hôm sau, gia đình họ sẽ phải nộp “cống vật”.
Sao cha có thể diễn tả cho các con nghe nỗi đau mà Baba Ayub và vợ ông phải chịu đựng đêm đó? Không bậc cha mẹ nào đáng bị đặt vào tình huống phải đưa ra một lựa chọn như vậy. Tránh không cho lũ trẻ nghe thấy, Baba Ayub và vợ ông tính xem nên làm gì. Họ bàn bạc rồi lại khóc than, bàn bạc rồi lại khóc than, cứ thế suốt đêm, và khi bình minh dần hé rạng, họ vẫn chưa quyết được – đây có lẽ là điều div muốn, vì sự thiếu quyết đoán của họ sẽ khiến cả năm đứa trẻ phải ra đi thay vì một. Cuối cùng, Baba Ayub gom ngoài nhà năm viên đá tương đồng về hình dáng, kích cỡ. Trên mặt mỗi viên đá, ông nguệch ngoạc tên một đứa con, và khi làm xong, ông quẳng mấy viên đá vào bao tải. Khi ông đưa cái bao cho vợ, bà rụt lại như thể bên trong có rắn độc vậy.
“Tôi không làm được mình ơi,” bà lắc đầu nói với chồng. “Tôi không thể là người chọn lựa được. Tôi không chịu nổi đâu.”
“Tôi cũng thế,” Baba Ayub bắt đầu nói, nhưng khi nhìn qua cửa sổ ông thấy chỉ một chút nữa thôi mặt trời sẽ nhô lên khỏi dãy đồi phía Đông. Thời gian đang cạn dần. Ông đớn đau nhìn năm đứa con. Phải cắt một ngón tay thôi, để bảo vệ cả bàn tay. Ông bèn nhắm mắt lấy một viên đá từ trong bao ra.
Chắc là các con cũng biết Baba Ayub nhặt ra hòn đá nào. Khi nhìn thấy cái tên trên đó, ông ngửa mặt lên trời thét vang. Lòng đau như cắt, ông bế cậu con út lên ôm, và Qais, vốn tin cậy cha mình vô ngần, cũng hạnh phúc quấn tay quanh cổ Baba Ayub. Tới lúc Baba Ayub bỏ cậu ngoài nhà và đóng cửa lại thì cậu mới nhận ra có chuyện không ổn, còn Baba Ayub đứng đó, lệ ứa ra từ đôi mắt nhắm chặt, lưng dựa vào cửa trong khi đứa con trai yêu dấu nắm bàn tay nhỏ xíu gõ cửa thình thình, khóc xin cha cho vào nhà, nhưng Baba Ayub chỉ biết đứng thì thầm, “Tha lỗi cho cha, tha lỗi cho cha,” giữa lúc mặt đất rùng rùng bởi bước chân div, và con trai ông kêu la thất thanh, rồi mặt đất lại rung chuyển từng hồi khi div rời khỏi Maidan Sabz, mãi đến lúc nó đi hẳn mới thôi rúng động, tứ bề yên lặng, chỉ còn tiếng Baba Ayub vẫn nức nở cầu xin Qais tha thứ.
Abdullah ơi. Em gái con ngủ rồi. Đắp chăn lên chân cho em đi con. Đấy. Ngoan lắm. Có lẽ cha nên dừng lại thôi nhỉ. Không à? Con muốn cha kể tiếp ư? Con chắc chứ, con trai? Được rồi.
Cha kể đến đâu rồi nhỉ? À phải rồi. Tiếp đó là bốn mươi ngày để tang. Ngày ngày hàng xóm nấu ăn cho họ và thức cầu nguyện cùng họ. Mọi người mang tới bất cứ món gì có thể – trà, kẹo, bánh mì, hạnh nhân – cả nỗi phân ưu lẫn lòng thương cảm. Baba Ayub hầu như không thể thốt ra dù chỉ là một lời cảm ơn. Ông ngồi trong góc nhà nức nở, những dòng nước mắt tuôn rơi như thể ông định lấy nước mắt mình xua tan cơn hạn hán của ngôi làng. Ngay cả với những kẻ đê mạt nhất, ta cũng không mong chúng phải chịu đựng nỗi đau đớn và bất hạnh như ông.
Bảy năm trôi qua. Hạn hán vẫn hoành hành, và Maidan Sabz rơi vào cảnh càng cùng quẫn hơn. Vài đứa bé chết khát trong nôi. Giếng còn cạn hơn trước, sông thì khô cằn, không như nỗi khổ tâm của ông, một con sông mà mỗi ngày trôi qua lại càng phình to hơn. Ông chẳng giúp ích cho gia đình được nữa. Ông không làm việc, không cầu nguyện, cũng chẳng ăn uống mấy. Vợ con ông đã nói hết nước hết cái, nhưng nào ích gì. Những cậu con trai còn lại phải thay cha gánh vác việc nhà, vì ngày nào Baba Ayub cũng chỉ ngồi bên bờ ruộng, một dáng hình đơn độc ủ rũ đăm đăm dõi về phía núi. Ông cũng thôi nói chuyện với người dân trong làng, vì cho rằng người ta cứ thì thầm to nhỏ sau lưng ông. Họ nói ông là kẻ hèn nhát vì đã bằng lòng cho con trai đi. Rằng ông không xứng đáng làm cha. Một người cha đích thực lẽ ra phải chiến đấu với div. Lẽ ra ông nên hy sinh tính mạng để bảo vệ gia đình.
Một đêm ông nhắc đến chuyện đó với vợ mình.
“Người ta không nói vậy đâu,” vợ ông đáp. “Không ai nghĩ mình là kẻ hèn nhát cả.”
“Tôi nghe thấy mà,” ông nói.
“Đấy là mình nghĩ vậy thôi,” bà nói. Tuy nhiên, bà lại không kể với ông rằng dân làng có xì xào sau lưng ông. Và họ xì xào rằng có lẽ ông phát điên rồi.
Và rồi một ngày, ông chứng minh điều họ nói là đúng. Ông dậy lúc bình minh. Không đánh thức vợ con, ông nhét vài ổ bánh mì vào bao tải, đi giày, giắt liềm bên hông, rồi lên đường.
Ông đi mất bao ngày ròng. Ông đi cho đến khi mặt trời chỉ còn là đốm đỏ mờ mờ phía xa. Đêm xuống ông ngủ trong hang trong lúc gió rít bên ngoài. Hoặc ông ngủ ven sông, dưới những tán cây hay giữa đám sỏi đá. Ông ăn bánh mì mang theo, rồi ăn bất cứ thứ gì tìm thấy được – dâu dại, nấm, mấy con cá mà ông tay không bắt được dưới suối – và có những ngày ông chẳng ăn uống gì sất. Nhưng ông vẫn đi.
Khi những người qua đường hỏi ông đi đâu, ông đáp lại thì có người cười, có kẻ vội vã bỏ đi vì sợ rằng ông bị mất trí, cũng có người cầu nguyện cho ông, bởi họ cũng từng mất con vào tay div. Baba Ayub cứ cúi đầu mà bước. Giày long đế thì ông lấy dây buộc chúng vào chân, dây đứt thì ông cuốc bộ bằng chân trần. Cứ thế, ông băng qua các sa mạc, thung lũng và bao dãy núi.
Cuối cùng ông cũng đến được ngọn núi nơi có tòa pháo đài của div ngự trên đỉnh. Quá hăm hở bắt tay vào tìm kiếm, ông không nghỉ ngơi mà trèo ngay, quần áo ông rách tả tơi, chân rướm máu, tóc bám đầy bụi, nhưng quyết tâm thì không gì lay chuyển nổi. Đá lởm chởm cứa rách lòng bàn chân ông. Diều hâu mổ vào má ông khi ông trèo qua tổ chúng. Những cơn gió cuồng nộ sém chút nữa hất tung ông khỏi sườn núi. Nhưng ông vẫn cứ trèo, hết tảng đá này sang tảng đá khác, cho đến khi cuối cùng ông cũng đứng trước cánh cổng pháo đài khổng lồ của div.
Kẻ nào dám? giọng div rền vang khi Baba Ayub ném một hòn đá vào cổng.
Baba Ayub hô to tên mình. “Ta từ làng Maidan Sabz đến,” ông nói.
Ngươi muốn chết hả? Hẳn rồi, dám làm phiền ta ngay tại nhà ta kia mà! Ngươi tới có việc gì?
“Ta tới đây để giết ngươi.”
Giọng nói bên kia cánh cổng ngưng lại. Rồi cổng cót két mở ra, và div đứng đó, sừng sững phủ bóng xuống Baba Ayub với trọn vẹn vẻ choáng ngợp như cơn ác mộng của nó.
Vậy ư? nó hỏi bằng giọng vang như sấm dậy.
“Đúng thế,” Baba Ayub đáp. “Dù thế nào đi nữa, hôm nay một trong hai ta sẽ chết.”
Trong một thoáng có vẻ như div sẽ nện cho ông một cú trời giáng rồi kết liễu ông bằng một nhát cắn với hàm răng sắc nhọn như dao găm. Nhưng có gì đó khiến sinh vật này lưỡng lự. Nó nheo mắt. Có lẽ chính bởi những lời lẽ điên rồ của ông. Có lẽ chính bởi dáng vẻ của ông, quần áo tả tơi, mặt rướm máu, bụi phủ đầy từ đầu tới ngón chân, trên da đầy những vết thương hở. Hoặc có lẽ bởi div không tìm thấy một tia sợ hãi nào trong mắt người đàn ông già nua ấy.
Ngươi nói ngươi từ đâu đến?
“Maidan Sabz,” Baba Ayub đáp.
Nhìn ngươi ta đoán chắc là xa lắm, Maidan Sabz ấy.
“Ta không đến đây để nói chuyện tào lao. Ta đến đây để…”
Div giơ một bàn tay đầy móng vuốt lên. Rồi. Rồi. Ngươi đến đây để giết ta. Ta biết. Nhưng chắc chắn ta được phép nói vài lời cuối cùng trước khi bị cắt tiết chứ nhỉ.
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Và Rồi Núi Vọng – Khaled Hosseini. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!