Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ – Khaled Hosseini

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

Thể Loại Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác Giả Khaled Hosseini
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 522
Ngày Xuất Bản 2019
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ – Bốn thập kỷ biến động và ly tán ở Afghanistan, một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy, câu chuyện về những số phận bị vùi dập nhưng đầy ám ảnh. Với Ngàn mặt trời rực rỡKhaled Hossini đã chứng minh thành công của Người đua diều không phải điều ngẫu nhiên.

Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khốc liệt khiến họ phải gặp nhau. Một là cô bé con rơi mà cha mình không thể công nhận, một là cô gái thượng lưu sống trong nhung lụa, cả hai cùng trở thành vợ một người đàn ông, cố gắng sinh con cho anh ta, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Một người vợ đã giết chết người chồng chung đó. Còn một người phải rời đất nước ra đi với người yêu và những đứa con. Số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afganistan trước nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, làm nên một trường ca tiểu thuyết vô cùng cảm động.

Tạp chí Times xếp Ngàn mặt trời rực rỡ ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007.

Sơ lược nội dung Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Thời gian trong tiểu thuyết trải dài hơn 40 năm từ thập niên 60 thế kỷ 20 đến năm 2003. Bố cục tiểu thuyết chia làm bốn phần: Phần 1 tập trung miêu tả Mariam, phần 2 và 4 miêu tả Laila và phần 3 mô tả mối quan hệ giữa hai người phụ nữ.

Ở vùng ngoại ô Herat, một cô bé tên Mariam sống với người mẹ nóng nảy và ghẻ lạnh. Cha của Mariam, Jalil, là một doanh nhân sở hữu một rạp chiếu phim và sống ở Herat cùng với ba người vợ và nhiều đứa con. Jalil thường đến thăm Mariam, đứa con ngoài giá thú của mình, vào mỗi thứ Năm. Vào sinh nhật thứ mười lăm của cô, Mariam muốn cha mình đưa đến xem Pinocchio tại rạp chiếu phim của ông, mặc sự ngăn cản của mẹ mình. Khi ông không đến chỗ hẹn, cô tự tìm đến nhà ông, không được vào nhà và phải qua đêm ngoài căn nhà. Khi bị buộc trở về nhà, Mariam thấy mẹ mình đã tự tử vì sợ rằng con gái bỏ rơi bà. Cô được đưa đến sống tại nhà của Jalil, nhưng những người vợ ông đã thúc đẩy ông phải sắp xếp để Mariam kết hôn với Rasheed, một thợ đóng giày ở Kabul, người hơn cô gần ba mươi tuổi. Mariam chống cự nhưng bị ép buộc, đành phải chấp nhận. Ở Kabul, Rasheed ban đầu đối xử tốt với cô. Tuy nhiên, khi Mariam sảy thai nhiều lần, mối quan hệ của họ trở nên tồi tệ và ông ta ngày càng cáu bẳn, đánh đập cô vì không sinh được cho ông ta một đứa con trai.

Laila là cô bé sống gần nhà của vợ chồng Mariam vì tên lửa lạc mà mất cha mẹ, bị lừa rằng người bạn thơ ấu và cũng là người yêu Tariq đã chết khi đi Pakistan tị nạn và bụng mang dạ chửa đến nhà Rasheed làm vợ lẽ để tìm nơi nương tựa cho hai mẹ con, tin rằng Rasheed sẽ không biết chuyện mình có thai. Thoạt đầu, Mariam có hiềm thù với Laila vì lo sợ Laila chiếm mất chỗ của mình nhưng khi con gái Aziza của Laila ra đời, Mariam mở lòng với đứa trẻ và dần thân thiết với Laila. Họ toan tính chạy trốn đi nhưng giữa đường bị phát hiện và bị gửi trả lại nhà Rasheed, tiếp tục sống cuộc sống bị chồng mình bạo hành.

Vài năm sau, Taliban lên nắm quyền và thao túng đời sống ở Afghanistan. Họ ra nhiều đạo luật khắt khe với phụ nữ, trong đó có điều cấm phụ nữ ra ngoài một mình không có người thân là nam đi heo. Lúc này, Laila đã có đứa con thứ hai là Zalmai với Rasheed. Sau trận hoả hoạn đốt trụi tiệm của Rasheed, Aziza bị buộc phải đến trại trẻ mồ côi vì gia cảnh khó khăn. Một hôm, Tariq xuất hiện và đoàn tụ với Laila, nhưng sự xuất hiện của anh lại là nguyên nhân khiến Rasheed nổi điên đánh đập Laila tàn bạo. Để bảo vệ Laila, Mariam đã dùng xẻng đánh chết Rasheed, sau đó bà ra tự thú để tránh cho đôi trẻ vừa đoàn tụ khỏi chịu chung trách nhiệm. Cuối cùng, bà bị xử tử hình. Còn Laila và Tariq cùng hai đứa con chạy đến Pakistan.

Khi Taliban sụp đổ, Laila và Tariq, lúc này đã là vợ chồng, trở về nước sửa chữa trại trẻ mồ côi ở Kabul, và Laila làm giáo viên ở đó. Laila tìm đến nơi Mariam từng sinh sống và nhận được những món đồ mà cha Mariam gửi lại cho con gái trước khi ông chết mà Mariam không bao giờ đến nhận.

Thông tin tác giả Khaled Hosseini

Tác giả Khaled Hosseini

Khaled Hosseini sinh năm 1965 ở Kabul, Afghanistan. Gia đình ông chuyển đến Paris, Pháp năm 1976, sau đó định cư ở California, Hoa Kỳ. Tại đây, ông lấy bằng cử nhân Sinh học năm 1988 và bằng Bác sĩ Y khoa năm 1993.

Năm 2003, Hosseini giới thiệu tiểu thuyết đầu tay Người đua diều – tác phẩm bán chạy nhất thế giới và được xuất bản ở 48 quốc gia. Năm 2007, nhà văn ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai với tựa đề Ngàn mặt trời rực rỡ, cho đến nay nó đã được xuất bản ở 40 nước.

Hiện Hosseini đang sống ở miền Bắc California và tiến hành các hoạt động trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan thông qua Quỹ Khaled Hosseini.

II. Review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ của tác giả Khaled Hosseini. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. HUYEN NGUYEN review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Bản dịch thuần Việt và gần gũi nhưng lại hiếm chú thích các thuật ngữ. Đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ gần như sẽ nắm được một phần quan trọng trong lịch sử Afghanistan, phần lịch sử hỗn loạn. “Laila tự hỏi làm thế nào mà tất cả những câu chuyện của người Afghanistan lại đều được đánh dấu bằng những chết chóc, mất mát và đau thương…” Hóa ra cuộc sống con hoang không được bố thừa nhận suốt 15 năm đầu đời đối với Mariam vẫn còn tươi đẹp so với quãng thời gian còn lại, khi biến động chính trị và phải sống với một người chồng là hiện thân của tôn giáo hà khắc. Mình không quá căm ghét Rasheed vì ông ta vẫn còn chút gì đó con người, chưa hẳn là ác quỷ. Rasheed vẫn cố hết sức để nuôi sống gia đình kể cả đứa con riêng của Laila. Đó là quan điểm đóng đinh vào đầu ông ta rằng đàn ông thì phải nuôi được vợ con, đương nhiên vợ cũng chỉ là thứ tài sản như cái bàn cái ghế để đánh đập, thậm chí có thể sẵn sàng giết cho thỏa.

Không gì đủ khiến mình khóc tới gần cuối khi Laila về thăm kolba của Mariam. Khóc cho Mariam khi còn thơ bé ngày nào, cho mấy mươi năm đằng đẵng sống lặng lẽ chưa bao giờ làm gánh nặng cho người khác, hứng chịu sự tàn nhẫn mà cuộc đời đưa đẩy tới cô.

2. TAMA review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Đến với Ngàn Mặt Trời rực rỡ sau khi đọc Người đua diều, và một lần nữa Khaled Hosseini không làm mình thất vọng. Bốn thập kỷ biến động và ly tán ở Afghanistan cùng một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy với câu chuyện về những số phận bị vùi dập nhưng đầy ám ảnh. Ngàn mặt trời rực rỡ đã chứng minh thành công của Người đua diều không phải điều ngẫu nhiên.

Dưới một chế độ chính trị, tôn giáo hà khắc và đầy mâu thuẫn, Ngàn Mặt Trời rực rỡ đã khắc họa chân thực thân phận người phụ nữ – những người thấp kém nhất trong xã hội Afganistan. Không dừng lại ở đó, số phận hai người phụ nữ trái ngược giao thoa tại một điểm đau khổ tận cùng sẽ làm cho bất cứ ai ám ảnh nếu đã trót đặt chân vào đất nước Afganistan đầy màu sắc của Khaled Hosseini.

Cái hay và tài tình của Khaled Hosseini ở chỗ là cốt truyện tuy bi thương và đau buồn, phủ một màu tang tóc u ám lên toàn bộ tác phẩm, nhưng đoạn kết lúc nào cũng cho thấy một niềm hy vọng lớn lao về một đất nước Afganistan xinh đẹp, giàu văn hóa truyền thống sẽ khôi phục lại được với sự quyết tâm sắt đá của những con người như Laila và Tariq.

Dù bạn là bất cứ ai, hãy nên một lần phiêu lưu đến thế giới của Mặt Trời. Với một học giả , nó đủ lôi kéo họ nghiên cứu, vào những chân trời rực rỡ họ chưa thể biết được. Với độc giả phổ thông, đó là một trường thiên tiểu thuyết tuyệt vời trong thế giới Hồi giáo, với tình người đủ khiến bạn rơi lệ.

3. TRẦN DIỆU HỒNG review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Trần Diệu Hồng review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Review Sách “Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ”: ”Một cuốn sách tuyệt đẹp về cả nỗi đau và hy vọng.

Thú thật mà nói ” Ngàn mặt trời rực rỡ” của tác giả Khaled Hosseini chưa bao giờ là một cuốn sách thu hút được sự chú ý của tôi, dù tôi đã lướt qua nó hàng chục lần, bởi do cái tên tác giả thật xa lạ, do cuốn sách được viết từ một đất nước mà tôi chỉ biết đến đất nước đó của hiện tại là chiến tranh, khủng bố và sự hủy hoại của một nền văn minh từng rất rực rỡ của nhân loại, bằng đó những lý do khiến tôi chưa bao giờ thực sự chú ý đến nó cho đến khi tôi được giới thiệu, được nghe về nó quá nhiều, gần đây nhất tôi được tham gia một khóa đào tạo của hệ thống, giảng viên giới thiệu nhiều lần quyển sách này đến mức khiến tôi phải chú ý và nảy sinh cảm giác muốn thử đọc một lần.

“Ngàn mặt trời rực rỡ” là cuốn sách viết về 2 người phụ nữ với cá tính và mơ ước hoàn toàn khác nhau. Marian là đứa con rơi mà cha mình không thể công nhận. Laila là cô gái thượng lưu sống trong dư dả nhưng những biến cố khốc liệt khiến họ gặp nhau. Cả hai là vợ của một người đàn ông, cố gắng sinh con cho ông ta và bị ông đánh đập tàn nhẫn. Từ những lạnh nhạt, hờn ghét, Marian và Laila dần thấu hiểu nhau. Một ngày tưởng chừng hai người phụ nữ này thoát khỏi tăm tối thì niềm hi vọng ấy vụt tắt bởi định kiến xã hội, quyền bình đẳng nam nữ và những đạo luật hà khắc ở Afghanistan. Niềm tin về một tương lai tươi đẹp của những con người nhỏ bé này bị vùi dập đúng như tình hình chính sự phức tạp ở Afghanistan bấy giờ, nơi bối cảnh câu chuyện được xây dựng. Nhưng rồi khi đi đến tận cùng của nỗi đau thì con người ta, dù yếu đuối nhất hoặc bị thuyết phục theo một cách đó, lại bộc lộ sức mạnh chưa từng thấy ở bản thân. Và cuối cùng thì chính niềm tin vào tình yêu và gia đình là chìa khoá giải quyết mọi nút thắt. kết thúc câu chuyện vui có, buồn có nhưng đó là một hồi kết đẹp. Cuối cùng thì mặt trời vẫn sẽ lên vào ngày mới, sau màn đêm tối tăm vẫn luôn là ánh sáng, sau những cơn ác mộng là sự thức tỉnh, sau những tăm tối là ánh sáng của hi vọng.

4. THÁI TRẦN review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Một câu chuyện không có khởi đầu đẹp như “Người đua diều” và vẫn gai góc, đau buồn về số phận những người Afghanistan khốn khổ trong chiến tranh. Nhưng lần này là phụ nữ, nỗi bi thương mà họ gánh chịu cũng vì thế mà tăng lên 1 bậc.

Lịch sử 40 năm xung đột, chiến tranh của Afghanistan chỉ được tóm gọn qua 522 trang sách nhưng không khó để cảm nhận được những gì mà đất nước Nam Á yên bình, xinh đẹp này đã trải qua để bị biến thành 1 vùng đất đổ nát vì bom đạn giày xéo. Trong đó cũng có những thế lực, phe phái nhưng Hosseini không lên án, không bình luận ai đúng, ai sai. Tất cả đã góp phần tạo nên một Afghanistan tàn khốc, những con người “thấy vui mừng” khi còn được mở mắt vào sáng sớm, những đứa trẻ có thể mất đi tay, chân bất cứ lúc nào, và cả những gia đình tan biến trong phút chốc, chia ly, loạn lạc. Dẫu vậy, người dân Afghanistan có vẻ đã không còn đủ nước mắt để khóc cho tấn bi kịch của đời mình, họ kiên cường, nhẫn nại vươn lên từ những mất mát tưởng chừng không gì bù đắp được.

Xen lẫn trong đó là câu chuyện của những người phụ nữ không được quyền định đoạt số phận ngay từ trong bụng mẹ, sống lầm lũi, lệ thuộc như 1 món hàng, bị chà đạp nhẫn tâm bởi những luật lệ tôn giáo hà khắc. Họ mạnh mẽ, quật cường trong suy nghĩ nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng, vẫn phó thác đời mình cho cái gọi là “số phận” vốn không công bằng và quá nghiệt ngã với họ.

Một câu chuyện đáng đọc.

—Thái Trần/ tháng 9 năm 2018

5. ĐÀM NHƯ QUỲNH review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Đàm Như Quỳnh review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ

Mình đã mất khá nhiều thời gian cho cuốn sách này, không phải vì nó dài, không phải vì nó không hấp dẫn mà vì nó quá hay và thực sự hấp dẫn. Nhưng nỗi dày vò nó mang lại thì thực sự dai dẳng, dù cho hơn 400 trang sách cũng không thể nào đủ để khắc họa những năm tháng địa ngục mà hai người phụ nữ Marian và Laila đã phải chịu đựng.

Marian và Laila, 2 người phụ nữ, 2 tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khắc nghiệt khiến họ phải gặp nhau. Một là con rơi mà cha mình không thể thừa nhận, 1 là cô gái thượng lưu sống trong nhung lụa, cả 2 cùng trở thành vợ 1 người đàn ông, cùng cố gắng sinh con cho anh ta, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Một người vợ đã giết chết người chồng chung đó. Còn 1 người phải rời đất nước ra đi với người yêu và những đứa con. Số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afghanistan trước chính trị hỗn loạn và nền tôn giáo hà khắc, làm nên một trường ca tiểu thuyết vô cùng cảm động.

Cuối cùng thì mặt trời vẫn sẽ lên vào ngày mới, sau màn đêm tối tăm vẫn luôn là ánh sáng, sau những cơn ác mộng là sự thức tỉnh, sau những tăm tối là ánh sáng của hy vọng.

Đã đọc NGƯỜI ĐUA DIỀU thì nên đọc Ngàn mặt trời mà chưa đọc thì nên đọc cả 2.

6. ĐINH NHUNG review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Mới đọc xong cuốn “Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ” cách đây vài giờ, cuốn sách về sự tàn khốc mà chiến tranh đem lại, về câu chuyện của những người phụ nữ không được coi trọng, bị ruồng bỏ, đánh đập và nhục mạ. Một màu xám phủ lên những trang sách, những cái chết, sự mất mát, nỗi đau khổ của những người mẹ, ông bố khi mất con, sự bơ vơ của những đứa trẻ khi chiến tranh cướp đi bố mẹ, sự đánh đập của ông chồng, sự bé nhỏ của những người phụ nữ không thể cất tiếng nói,…tất cả đều thật tàn khốc. Nhưng câu chuyện ấy vẫn nhen nhóm tình thương, tình người, ta cảm nhận trong nước mắt tình yêu thương ấm áp đó, có những người đánh đổi mạng sống để thấy được sự bình yên của người mình yêu thương, ta hiểu thế nào là tình yêu bao la vô bờ bến của người mẹ, sự hi sinh của người mẹ là như thế nào, hiểu về tình yêu giữa trai gái, mẹ cha… Tất cả thật giản dị và chân thật, chân thật cả đau thương lẫn hạnh phúc. Họ giờ đã đứng đấy, hạnh phúc và bình yên, nhưng chẳng ai có thể bù lại được những mất mát đó. Chuyện kể trên vùng đất Afghanistan, đất nước đạo hồi với những quy tắc mà tôi không rõ, qua những trang sách, điều tôi học được là phải kiên cường thế nào… có rất nhiều con người cũng đang và đang chống lại số phận, nhưng hãy hy vọng và tiến bước, can đảm và biết yêu thương. Như Afghanistan cuối trang sách, mang đậm những nét văn hóa, sẽ trở nên tươi sáng và tốt đẹp hơn!

=====

Đọc câu chuyện này cảm động lắm, hiểu sâu sắc về sự hy sinh của người mẹ, người phụ nữ. Là một câu chuyện đáng để suy ngẫm.

“Ngàn mặt trời rực rỡ”_ Bạn sẽ muốn hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này.

7. ĐỖ HÀ MI review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Có điều này nhiều người nhắc rồi. Mình bồi thêm tí. Các cậu đừng đọc bìa 4 quyển này. Nhà sách làm việc hơi cẩn thận quá nên spoil bằng hết. Đọc xong đoạn đấy là thôi cất giả lên kệ khỏi cần mua về luôn.

Hồi xưa cũng hơi hối hận vì không đọc Con đường Hồi giáo sớm hơn, giờ cũng chung cảm giác đó với Ngàn mặt trời rực rỡ. Mà đặc biệt Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ lại là một case study cho tình hình ở một vài trang trong CĐHG. Thế nên có lý thuyết rồi sang xem 1 tí thực hành là khá hợp lý.

Cuộc sống ở Afghanistan thời kỳ này đáng sợ, với phụ nữ và với cả đàn ông. Mình nghĩ chuyện phụ nữ đáng thương trong giai đoạn này mọi người đều đã cảm nhận được.

Nhưng nếu mình là đàn ông – phải sống trong 1 đất nước mà vợ/bạn gái mình không được tự do tung tăng đi chơi với mấy bà hàng xóm, đi spa, đi nghe nhạc, làm đẹp cuối tuần và mọi thú vui kỳ diệu khác – thì thật kinh dị. Mình sẽ bị xã hội tẩy não và đối xử với vợ con mình không ra gì. Thế là lực lượng lao động chính của xã hội toàn những người không ra gì – như mình.

Truyện có cách xây dựng tình tiết để tả tính cách nhân vật thú vị, đặc biệt là đoạn đầu. Tác giả tạo ra những hoàn cảnh khá rõ ràng để họ tự vẽ nên câu chuyện của mình.

Ngoài ra thì, bìa sách xấu nên trước tần ngần mãi không mua. Mà bìa spoil nhiều như thế thì đúng xấu thật.

8. TRAN NGOC MAI review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tran Ngoc Mai review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy. Con hãy nhớ lấy điều ấy. Mariam” – trích lời thoại của Nana trong “Ngàn Mặt trời rực rỡ”.

Một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Sẽ rất khó hình dung cuối thế kỷ 20, mà thân phận người phụ nữ vẫn tủi cực, khốn cùng, câm lặng, bất hạnh đến như thế!

Những người phụ nữ trong “Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ” giống như những viên đá cuội im lìm nằm dưới lòng suối, bị bào mòn theo ngày tháng, có thể bị nhặt lên để lấp chỗ trống nào đó, làm viên sỏi lát đường, làm công cụ cho người đàn ông trút giận hoặc bị vứt bỏ không thương tiếc.

Hình ảnh Mariam bị nhét sỏi vào mồm nhai đến vỡ răng hàm sẽ khiến tim bạn muốn vỡ ra và họng bạn nghẹn lại; hình ảnh Laila 13 tuổi sống trong thân phận một người đàn bà, một người vợ của gã chồng ngoài 60, chịu đựng những cơn nóng giận điên cuồng của gã; lớn lên và mang trong lòng nỗi đau khôn nguôi về tình yêu, tình thương, về tương lai bất định… sẽ khiến bạn khó có thể thở đều trước những trường đoạn cao trào của câu chuyện.

Nhưng ẩn sâu phía sau tấm hijab trùm kín, bó buộc thân phận, trong họ, trái tim vẫn thổn thức, ý chí đấu tranh vùng lên vẫn được nung nấu, nhu cầu được ghi nhận và khẳng định vẫn không ngừng thôi thúc.

Và quan trọng, mỗi người phụ nữ, nhu cầu làm mẹ, bản năng của người mẹ chưa bao giờ ngừng cháy. Chính tình mẫu tử là động lực giúp họ vượt qua muôn vàn khổ ải, nhục nhằn, chà đạp.

30 năm trước, Afghanishtan được thế giới biết đến với tin tức chiến tranh bủa vây, lực lượng taliban, nội chiến giữa các phe phái. Hôm nay, một lần nữa, hình ảnh người dân Afghanishtan di cư xin tị nạn, trốn chạy khỏi chiến tranh lại tiếp tục chiếm sóng thời sự. Liệu số phận những người dân thường vô tội ấy sẽ đi về đâu? Những người phụ nữ có còn tiếp tục khổ đau? Những bé gái có được tới trường? Bao giờ phụ nữ mới được hoàn toàn tháo bỏ khăn Hijab đen tối mà cuộc đời đã trùm lên họ bằng ấy thế kỷ qua?

9. THANH TRAN review sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác phẩm thứ hai của Khaled Hosseini. Mình tìm đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ sau khi đã rất thích Người Đua Diều (tác phẩm đầu tay của Khaled) trong tâm thế bán tin bán nghi, cho rằng nhiều khả năng nó sẽ không thể hay như Người Đua Diều. Và đúng là như thế: nó hay hơn nhiều!

Đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, số phận của người phụ nữ Afghanistan hiện lên cơ cực và bi thảm đến mức vừa đọc vừa nghĩ giả sử là bản thân, lấy gì đảm bảo mình sẽ kiên cường được như họ? Có khi mình sẽ tìm giải thoát bằng cái chết? Với mình, cái chết, so với nỗi bất hạnh triền miên gắt gao giáng xuống cuộc đời Mariam hay Laila, còn nhẹ nhàng hơn vài phần! Lời bình ở bìa 4 của sách tóm gọn tất cả cảm xúc của độc giả “Bạn sẽ muốn hóa đá để không phải cảm thấy gì khi đọc cuốn sách này”.

III. Trích dẫn sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Trích dẫn sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Những trích dẫn hay trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Ở đó, hễ duỗi chân ra là kiểu gì con cũng đạp phải mông của một nhà thơ

Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay buộc tội của đàn ông luôn hướng về người phụ nữ

Mỗi bông tuyết là một tiếng thở dài nặng nhọc của một người đàn bà phiền muộn đâu đó trên thế gian này

Trong các thử thách mà con người phải chịu đựng thì không có gì kinh khủng hơn việc chỉ đơn giản là chờ đợi

Con trai khác con gái trong việc thể hiện tình cảm Bọn chúng không thể hiện sự thân mật ra ngoài Chúng không cảm thấy bị thúc giục, không thấy cần thiết phải nói ra như thế Bọn con trai coi tình bạn như mặt trời: sự tồn tại của nó là không phải bàn cãi, có thể hưởng thụ ánh nắng rực rỡ nhưng không cần phải nhìn thẳng vào nó

Kẻ thù duy nhất mà một người Afghanistan không thể đánh bại là chính bản thân anh ta

– Đi đến đâu ạ?
– Bất cứ nơi nào để lãng quên

Laila điên cuồng nhặt nhạnh tất cả để lưu giữ trong trí nhớ, những gì xảy ra tiếp theo Giống như người yêu nghệ thuật chạy ra khỏi một bảo tàng đang cháy, cô vồ lấy bất cứ thứ gì có thể

Người Trung Quốc nói thà nhịn ăn ba ngày còn hơn không uống trà một ngày

Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng

Trích đoạn sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Lần đầu tiên nghe thấy từ harami, Mariam mới năm tuổi.

Đó là một ngày thứ Năm. Chắc là thế rồi, vì Mariam nhớ hôm đó mình rất bồn chồn và lo lắng, mà cô bé chỉ như vậy vào thứ Năm, ngày bố Jalil đến kolba* thăm cô. Trước đó, trong lúc chờ đợi đến khoảnh khắc khi cuối cùng cô cũng được nhìn thấy bố vẫy tay băng qua cánh đồng cỏ rập rờn cao ngang gối, Mariam bắc ghế để lấy bộ đồ trà Trung Hoa của mẹ xuống. Bộ đồ uống trà này là di vật duy nhất mà mẹ Mariam, Nana, được thừa hưởng từ người mẹ đã qua đời khi Nana mới tròn hai tuổi. Nana yêu quý từng chiếc tách sứ màu xanh trắng, đường cong duyên dáng của vòi ấm, những con chim sẻ, những bông cúc vẽ bằng tay và cả con rồng, biểu tượng xua đuổi cái ác, trên chiếc bát đựng đường.

Túp lều hoặc căn nhà được dựng lên một cách sơ sài, tạm bợ.

Rồi chiếc bát đựng đường đó đã trượt khỏi tay Mariam, rơi xuống sàn gỗ của kolba và vỡ tan.

Khi Nana nhìn thấy chiếc bát, mặt bà đỏ bừng, môi trên run rẩy, còn đôi mắt, cả con mắt nhìn kém và con mắt còn tinh, nhìn Mariam trừng trừng. Nana trông tức giận đến mức Mariam sợ rằng jinn* sẽ lại nhập vào người bà lần nữa. Nhưng jinn không xuất hiện, lần đó thì không. Thay vì vậy, Nana chộp lấy cả hai cổ tay Mariam kéo lại gần mình, và cô bé nghe thấy từng lời mẹ nói qua hàm răng nghiến kèn kẹt: “Mày là đồ harami hậu đậu. Phần thưởng cho những gì tao phải chịu đựng là thế này đây. Một harami vụng về, làm vỡ vật gia bảo.”

Một nhân vật trong quan niệm của người Hồi giáo, không tồn tại trên dương gian mà sống dưới lòng đất, có hình hài như người.

Lúc đó Mariam không hiểu. Cô bé không biết harami – con hoang – nghĩa là gì. Cô bé cũng chưa đủ lớn để nhận thức được sự bất công, để hiểu rằng chính những kẻ tạo ra harami mới có lỗi chứ không phải harami, người chỉ có mỗi một tội là đã được sinh ra. Nhưng qua cách nói của mẹ Nana, Mariam đã đoán ra harami là thứ gì đó xấu xa và đáng kinh tởm, giống như lũ côn trùng, như những con gián luôn bị mẹ Nana vừa nguyền rủa vừa quét cho chạy tán loạn ra khỏi kolba.

Khi Mariam lớn hơn một chút, cô bé đã hiểu ra. Chính cái cách mẹ Nana thốt ra từ đó – không phải nói ra mà là phun nó vào mặt Mariam – khiến cô bé cảm nhận được đầy đủ sự đau đớn của harami. Và rồi cô bé cũng hiểu được mẹ Nana muốn nói gì, rằng harami là một thứ không được mong muốn; rằng cô, Mariam, là một con người không được pháp luật công nhận và sẽ chẳng bao giờ được biết đến những thứ người khác có một cách danh chính ngôn thuận, như sự yêu thương, gia đình, tổ ấm hay được mọi người chào đón.

Bố Jalil không bao giờ gọi Mariam bằng cái tên đó. Ông nói cô bé là bông hoa nhỏ của ông. Ông thích đặt cô vào lòng và kể chuyện cho cô nghe, như có lần, ông kể rằng Herat, thành phố nơi Mariam được sinh ra vào năm 1959, từng một thời là chiếc nôi của nền văn hóa Ba Tư, là quê hương của nhiều nhà văn, họa sĩ và các vị Sufi*.

Nhà tu theo đạo Sufism, nhánh thần bí của Hồi giáo.

“Ở đó, hễ duỗi chân ra là con không thể không đạp phải mông của một nhà thơ,” Jalil cười lớn.

Bố Jalil còn kể cho cô bé nghe về Gauhar Shad, một hoàng hậu sống ở thế kỷ mười lăm đã cho xây dựng nhiều tháp thờ nổi tiếng, coi đó như những vần thơ ca tụng đầy yêu thương mà bà dành cho Herat. Ông miêu tả những cánh đồng lúa mì xanh tươi của Herat, những vườn cây trái, những vườn nho trĩu quả và cả những khu chợ mái vòm nhộn nhịp trong thành phố.

“Ở đó có một cây hồ trăn,” một hôm Jalil nói, “và được chôn dưới đó, Mariam thân yêu ạ, chính là thi thể của nhà thơ vĩ đại Jami.” Ông cúi xuống thủ thỉ, “Jami sống cách đây năm trăm năm. Thật đấy. Bố đã đưa con đến đó một lần, tới chỗ cái cây ấy. Hồi đó con còn bé lắm. Con không nhớ được đâu.”

Đúng thế. Mariam không nhớ gì thật. Và mặc dù đã sống mười lăm năm đầu đời ngay gần Herat, cô chưa bao giờ nhìn thấy cái cây được nghe kể ấy. Mariam chưa từng được thấy ngọn tháp nổi tiếng nào từ khoảng cách gần, chưa từng được hái quả từ những khu vườn sai trĩu và cũng chưa từng lang thang trên những cánh đồng lúa mì xanh mướt của Herat. Nhưng mỗi khi bố Jalil kể những câu chuyện như thế, Mariam luôn lắng nghe một cách say sưa. Cô bé thán phục Jalil vì ông có vốn hiểu biết thật bao la và phong phú tuyệt vời. Cô muốn run lên vì tự hào khi có một người bố hiểu biết đến vậy.

“Những lời dối trá mới hay ho làm sao chứ!” Nana nói sau khi Jalil đi khỏi. “Một kẻ giàu có nói những lời dối trá mê ly. Ông ta chưa bao giờ đưa con đến cái cây nào hết. Đừng có để ông ta mê hoặc. Ông ta, ông bố đáng kính của con đấy, đã phản bội chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta ra khỏi ngôi nhà rộng lớn sang trọng của ông ta như thể chúng ta chả là cái thá gì với ông ta hết. Làm thế ông ta sung sướng lắm.”

Mariam thường ngoan ngoãn lắng nghe những lời ấy. Cô bé không bao giờ dám nói với mẹ Nana rằng cô không thích bà nói về bố Jalil như vậy. Sự thật là khi ở bên bố Jalil, Mariam không cảm thấy mình giống một harami chút nào. Thứ Năm hằng tuần, khi bố Jalil đến thăm cô một hoặc hai tiếng, mang cho cô những nụ cười, những món quà và cả sự trìu mến, Mariam lại cảm thấy mình xứng đáng được hưởng tất cả vẻ đẹp và sự hào phóng mà cuộc sống trao tặng. Và, vì vậy, Mariam yêu quý bố Jalil.

Ngay cả khi cô bé phải chia sẻ ông với người khác.

Jalil có ba bà vợ và chín người con, chín người con hợp pháp, tất cả đều xa lạ đối với Mariam. Jalil là một trong những người giàu có nhất ở Herat. Ông sở hữu một rạp chiếu phim, và mặc dù chưa từng thấy nó, nhưng vì đã được nghe ông kể lại sau khi Mariam cứ năn nỉ mãi nên cô bé biết rằng mặt tiền của rạp được ốp gạch sành màu xanh đồng, rằng rạp có lô riêng ở tầng trên và trần nhà được trang trí họa tiết kiểu mắt cáo. Những cánh cửa xoay hai chiều dẫn đến một hành lang lát gạch, ở đó có treo áp phích quảng cáo những bộ phim Hindu lồng trong khung kính. Một hôm, Jalil kể rằng, cứ thứ Ba hằng tuần, trẻ con đến xem phim được phát kem miễn phí ở quầy bán đồ ăn.

Nana cười thầm khi nghe Jalil kể. Đợi đến khi ông đã đi khỏi, bà mới cười khẩy mà nói, “Con cái nhà người lạ thì được cho kem. Con thì được cái gì hả Mariam? Những câu chuyện về kem.”

Ngoài rạp chiếu phim, Jalil còn sở hữu đất ở Karokh, đất ở Farah, ba cửa hàng bán thảm, một cửa hàng quần áo và một chiếc Buick Roadmaster màu đen mẫu 1956. Ông là một trong những người có nhiều mối quan hệ nhất ở Herat, ông là bạn bè với thị trưởng và tỉnh trưởng. Ông có một đầu bếp, một lái xe và ba quản gia.

Nana từng là một trong số những quản gia đó. Cho đến khi bụng bà bắt đầu to dần.

Nana kể, khi chuyện ấy bị lộ, sự sôi sục của gia đình Jalil khiến cả Herat nghẹt thở. Họ hàng đằng vợ ông thề sẽ có đổ máu. Các bà vợ yêu cầu ông phải đuổi Nana ra khỏi nhà. Người bố của Nana, một thợ đẽo đá thấp hèn ở làng Gul Daman gần đó, đã tuyên bố từ con. Cảm thấy nhục nhã, ông gói ghém đồ đạc và bắt xe bus đến Iran, kể từ đó không ai gặp lại hay nghe nói gì về ông nữa.

Một buổi sáng sớm, khi đang cho gà ăn bên ngoài kolba, Nana nói, “Đôi khi mẹ ước sao ông ngoại con có đủ dũng khí để mài sắc một trong những con dao của ông ấy rồi làm cái việc vì danh dự dó. Như thế mọi chuyện đối với mẹ có thể đã tốt hơn.” Bà tung thêm một nắm hạt vào trong chuồng gà rồi ngừng tay và quay lại nhìn Mariam, “Cũng có thể tốt hơn cho cả con nữa. Con sẽ không phải chịu nỗi đau đớn khi biết mình thực sự là cái gì. Nhưng ông bố của ta là một kẻ hèn nhát. Ông không có dil, dũng khí, để làm điều đó.”

Jalil cũng vậy, Nana nói, ông ta cũng không có dil để làm cái việc danh dự ấy. Để đương đầu với gia đình mình, với các bà vợ cùng họ hàng của họ và để chịu trách nhiệm với những gì ông ta đã làm. Thay vào đó, đằng sau những cánh cửa đóng kín, ông ta đã nhanh chóng bày ra một kế hoạch nhằm cứu vớt thể diện của mình. Ngày hôm sau, ông ta buộc cô gái gói ghém số đồ đạc ít ỏi của mình ở khu nhà ở dành cho gia nhân và đuổi cô đi.

“Con có biết ông ta đã nói gì với các bà vợ để bào chữa cho mình không? Rằng mẹ đã quyến rũ ông ta. Rằng đó là lỗi của mẹ. Didi? Con thấy chưa? Đó là thân phận của người phụ nữ trên cõi đời này.”

Nana đặt bát thức ăn cho gà xuống. Bà đưa ngón tay nâng chiếc cằm bé nhỏ của Mariam lên.

“Nhìn mẹ này, Mariam.”

Mariam miễn cưỡng làm theo.

Nana nói, “Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam.”

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ – Khaled Hosseini. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Hàng Xóm - Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm – Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm, câu chuyện đi theo lời kể của một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và có ý thích viết văn. Anh chàng yêu vợ theo cách của mình, khen ngợi sùng bái người yêu cũng theo cách của mình, nhưng nhìn cuộc đời theo cách sống của những người hàng xóm. Sống trong tình yêu của vợ đầy mùi thơm và nhiều vị ngọt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *