Sapiens Lược Sử Loài Người – Yuval Noah Harari

Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

Thể Loại Lịch Sử
Tác Giả Yuval Noah Harari
NXB NXB Tri Thức
CTy Phát Hành Alpha Books
Số Trang 560
Ngày Xuất Bản 07 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Sapiens Lược Sử Loài Người là một câu chuyện lịch sử lớn về nền văn minh nhân loại – cách chúng ta phát triển từ xã hội săn bắt hái lượm thuở sơ khai đến cách chúng ta tổ chức xã hội và nền kinh tế ngày nay.

Sapiens tập trung vào các quá trình quan trọng đã định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó đã cảm nhận nó như thế nào.

Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác. Chúng ta đã quá thường xuyên bị những tưởng tượng hư cấu của chúng ta lừa dối. Lịch sử cũng là một hư cấu, nhưng một hư cấu đã được kiềm chế bởi thực tại và biện luận: một hình thức của huyền thoại – một hư cấu hữu ích – khiến nó có thể mang lại sự giác ngộ của sự tự biết chính mình.

“Tôi khuyến khích tất cả chúng ta, dẫu có những tin tưởng tín ngưỡng nào, để đặt câu hỏi về những thuật kể cơ bản về thế giới chúng ta, để nối những phát triển ngày xưa với những quan tâm ngày nay, và để không sợ hãi những vấn đề tranh luận” (Yuval Noah Harari)

Trong ấn bản mới này của cuốn Sapiens Lược Sử Loài Người, chúng tôi đã có một số hiệu chỉnh về nội dung với sự tham gia, đóng góp của các thành viên Cộng đồng đọc sách Tinh hoa. Xin trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp tận tâm của các quý độc giả, đặc biệt là ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Nguyễn Việt Long, ông Đặng Trọng Hiếu cùng những người khác. Mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và góp ý từ độc giả.

Nhận định

“Điểm độc đáo ở Harari là ông tập trung vào sức mạnh của câu chuyện và huyền thoại để đưa mọi người lại gần. Tôi muốn giới thiệu cuốn sách này cho bất cứ ai hứng thú quan tâm tới một cách nhìn đầy hấp dẫn và thú vị về lịch sử ban đầu của con người Harari kể về lịch sử loài người theo một cách dễ tiếp cận khiến bạn thật khó có thể đặt nó xuống”. – Bill Gates

“Sapiens tìm câu trả lời cho vấn đề lớn nhất của lịch sử cũng như của thế giới hiện đại, và nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời khiến người ta không thể quên được”. – Jared Diamond, tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer Súng, vi trùng và thép

“Sapiens thuộc loại sách có thể giúp dọn sạch tâm trí bạn. Tác giả của nó, Yuval Noah Harari, là một học giả người Israel trẻ tuổi và là một người làm xiếc tri thức điêu luyện với những bước nhảy logic khiến bạn phải thót tim ngưỡng mộ. Ngòi bút của Harari tỏa ra sức mạnh và sự sáng rõ, làm cho thế giới trở nên kỳ lạ và mới mẻ”. – John Carey, The Sunday Times

Thông tin tác giả Yuval Noah Harari

Tác giả Yuval Noah Harari

Yuval Noah Harari (tiếng Hebrew: יובל נח הררי‎; sinh ngày 24 tháng 2 năm 1976) là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem.[1] Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức và trí thông minh và hạnh phúc.

Các ấn phẩm ban đầu của Harari dành nhiều sự quan tâm đến những gì được ông mô tả là “cuộc cách mạng nhận thức” xảy ra cách đây khoảng 50.000 năm, khi Homo sapiens thay thế đối thủ Neanderthal, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra một xã hội có cấu trúc, và trở thành động vật ăn thịt đầu bảng, được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng nông nghiệp và được tăng tốc bởi phương pháp khoa học và cơ sở lý luận đã cho phép con người tiếp cận gần như làm chủ môi trường của họ.

Những cuốn sách gần đây của ông thận trọng hơn, và nghiên cứu các hậu quả của một thế giới công nghệ sinh học tương lai nơi sinh vật thông minh bị vượt qua bởi những sáng tạo của chính họ; ông đã nói Homo sapiens như chúng ta biết chúng sẽ biến mất trong một thế kỷ hoặc lâu hơn”.

II. Review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Review sách Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Sapiens Lược Sử Loài Người của tác giả Yuval Noah Harari. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. DIEU THU review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Xuyên suốt tác phẩm Sapiens Lược Sử Loài Người, từ khi đọc trang đầu tiên đến dấu chấm cuối cùng kết thúc cuốn sách, tôi chỉ có một suy nghĩ: một cuốn sách thật đáng đọc!

Nói về khoa học nhưng không hề khô khan, đằng sau đó là một trái tim nhân ái, một cách nhìn khách quan, và trên hết, một bộ óc vĩ đại. Đây là kiểu sách tôi luôn thích đọc, tác giả cũng sở hữu bộ óc mà tôi luôn muốn có: khách quan và đa chiều, logic nhưng nhân ái, hiểu biết uyên thâm, suy nghĩ sâu sắc, nhưng vẫn hài hước và thú vị. Cuốn sách là sự xâu chuỗi xuyên suốt chiều dài 70.000 năm của homo sapiens, với đầy những biến cố, thay đổi. Mỗi thay đổi lại dẫn đến các cách thích nghi, từ đó thay đổi như một vòng tuần hoàn, càng ngày càng nới rộng vòng ảnh hưởng và tiến hóa (hay là không nhỉ?).

Lịch sử ở đó, tương lai về đâu? Không ai biết. Nhưng nhìn lại dọc chiều dài lịch sử, người ta càng hiểu thêm về thế giới, về nguồn cội, về nhân sinh quan chưa bao giờ thay đổi, và về cái bất biến vĩnh hằng của vũ trụ, dù đã trải qua bao thiên niên kỉ, bao thế hệ, bao sự đổi thay…

2. MAI ANH review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

“Sapiens Lược Sử Loài Người” Đọc xong thấy mình già thêm mấy tuổi 🙁

highly recommend

Nhìn lại lịch sử, thấy mình cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé của nhân loại nói chung và loài người nói riêng. Nhưng nhỏ bé của một cộng đồng ảo tưởng sức mạnh đã đẩy hàng loạt loài khác tới bờ tuyệt chủng khi đã loại trừ các điều kiện về tự nhiên biến đổi khác.

Điểm hay là ông tác giả toàn nói về mặt trái của sự thật mà khi mà bấy lâu mấy cuốn lịch sử giáo khoa toàn ca ngợi sự phát triển và đi lên của loài người, nào là cách mạng, nào là tăng trưởng nhưng ít khi nào phân tích phần nửa còn lại của con dao 2 lưỡi này.

Ông này viết rất hóm hỉnh, dễ hiểu mặc dù vẫn có nhiều chỗ phân tích hơi dài dòng. 500 trang mà brief được cả lịch sử loài người cũng tài thật, vừa mổ dọc lại xẻ ngang, nhảy từ lục địa này qua lục địa kia, từ xã hội này tới xã hội kia và những cột mốc đưa loài người sang một thời kỳ mới…

3. THUONGDTH review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

THUONGDTH review sách Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Nếu một phụ nữ Thời kỳ Đồ đá tìm thấy một cây sung trĩu quả, điều hợp lí nhất nên làm là phải ăn nhiều nhất có thể ngay tại chỗ, trước khi đám khỉ đầu chó gần đó vặt sạch quả trên cây. Bản năng ăn ngấu nghiến các thực phẩm có lương calo cao đã được đóng khung vào gen của chúng ta… Đó là lý do khiến cho chúng ta muốn ăn hết một cốc kem Ben&Jerry ngay khi tìm thấy trong tủ lạnh và sau đó nó trôi tuột xuống họng cùng với một cốc Cola lớn.” Đây gọi là lý thuyết “gen phàm ăn”.

Là một cuốn sách nghiên cứu khoa học về lịch sử trong những thời kì đầu của con người. Mặc dù là lần đầu tiên đọc một cuốn sách thể loại này nhưng mình cảm thấy nội dung và câu từ không khó để hiểu.

Cuốn sách gồm 4 phần:

  • Phần 1: Cách mạng nhận thức
  • Phần 2: Cách mạng nông nghiệp
  • Phần 3: Sự thống nhất của loài người
  • Phần 4: Cách mạng khoa học

Mình đang đọc xong hết phần 2. Mặc dù ban đầu không đặt kì vọng cao vì nghĩ nó sẽ khô khan và khó hiểu. Tuy nhiên, sau khi đọc xong một nửa quyển sách, mình phát hiện ra nhiều thông tin thú vị mà tác giả đưa ra mà mình lần đầu được biết đến.

Nếu là một người có sự hứng thú nhất định với lịch sử thì đây có lẽ là một cuốn sách đáng để đọc đó.

⭐⭐⭐⭐

4. MINH THU review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

“Sapiens Lược Sử Loài Người” Siêu cấp hay ho. Đọc lịch sử mà còn được nghe phân tích rất chuyên sâu về nhân tình thế thái nên cảm giác được mở mang đầu óc rất nhiều và có thêm góc nhìn khác về cuộc sống cũng như các sự kiện tưởng là hiển nhiên của hiện tại. Đọc sách sử mà lại hiểu thêm về văn hóa nhân loại, về tài chính thị trường về môi trường thiên nhiên, rất đúng với câu nói: “Nhìn lại quá khứ để hiểu hơn hiện tại và thay đổi tương lai”. Phải cảm ơn tác giả đã dày công nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu và sử dụng khả năng phân tích dữ liệu thần sầu của mình để đem đến cho độc giả những thông tin cốt lõi và thú vị về loài người xuyên suốt quá trình tồn tại như vậy. Đọc những gì mình đã biết nhưng lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những giải thích của tác giả.

Đúc rút được một điều sâu sắc nhất từ cuốn sách là con người là sinh vật tàn nhẫn và có sức ảnh hưởng hủy diệt đến vạn vật.

5. NGOC KHOI review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

“Sapiens Lược Sử Loài Người” Một cuốn sách rất hay, có thể nói là hay nhất mình được đọc trong thơi gian gần đây. Trước khi đọc, mình cứ tự hỏi, tại sao một cuốn sách lịch sử lại được nhiều ngưới đánh giá cao như vậy? Mình quyết định đọc và học được rất nhiều thứ mới lạ.

Bắt đầu bằng sự xuất hiện của loài người, tác giả đi xuyên suốt quá trình phát triển, từ cách mạng nhận thức, cách mạng nông nghiệp đến cách mạng khoa học bằng một cách rất dễ tiếp cận.

Tác giá thể hiện sự uyên thâm của mình bằng những kiến thức và lập luận chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực. Khi đọc mình có được cái nhìn vĩ mô về thế giới nói chung và về con người nói riêng.

Những điều mình rất thích trong sách

  • Lý do hàng loạt loài tuyệt chủng khi con người xuất hiện là do sự phát triển chủ yếu của con người là ở trí tuệ chứ không phải bộ gen. Nếu một con sư tử tiến hóa để săn mồi tốt hơn, thì những con hưu cũng đủ thời gian tiến hóa để chạy nhanh hơn. Nhưng sự phát triển của trí tuệ lại nhanh hơn nhiều sự tiến hóa sinh học nên nhiều loài vật đã không thích nghi kịp trước sự xâm lược của loài người
  • Sự vượt trội của Homo Sapiens là có khá năng tin vào những thực tế tưởng tượng, thay đổi sự quản lý bầy bằng con đầu đàn bằng việc tin vào một thực tế tưởng tượng đã cho phép Homo Sapiens có thể tập hợp thành những nhóm đông hơn rất nhiều so với loài khác
  • Cách mạng nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất lịch sử, khi săn bắt hái lượm, con người có sự phong phú về loại thức ăn, không phải lao động quá vất vả ngày ngày qua tháng nọ, không cần quá lo sợ vào tương lai. Khi chuyển qua trồng trọt, tinh bột trở thành thức ăn chính của con người, phải lao động vất vả trên những cánh đồng, phải lo lắng cho những đợt hạn hán hay lo cho mùa đông không đủ lúa mì dự trữ. con người đã có một quyết định sai lầm?
  • Cách mạng khoa học không phải là cuộc cách mạng về tri thức mà là cuộc cách mạng về sự ngu dốt
  • Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào tăng gia sản xuất. Thay vì giành phần lớn hơn của chiếc bánh hãy làm chiếc bánh to hơn.
  • Tín dụng, niềm tin vào một tương lai phát triển hơn đã thúc đẩy xã hội phát triển hơn
  • Chiến tranh khó xảy ra ở hiện tại hơn ở quá khứ vì hậu quả của chiến tranh hiện nay quá lớn (bom nguyên tử), lợi ích của chiến tranh không còn hấp dẫn (sự phát triển của Mỹ không phải từ tại nguyên nằm trong đất mà là từ kiến thức nằm trong đầu các nhà khoa học) và giới cầm quyền yêu hòa bình hơn trước

6. THANH NGAN review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Thanh Ngan review sách Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Đây! Sapiens Lược sử loài người! Cuốn này tui cầm nặng tay bà cố luôn á…😶😶

Một cuốn sách cực kì cực kì hữu ích đối với nhiều con người muốn tìm hiểu tinh hoa nhân loại- trong đó có mình! Cuốn này đây mình đang đọc lại lần thứ 2, để thấm thêm nữa nà.

Cuốn này lợi lắm nha! Vừa kiến thức lịch sự nhân loại thì có kiến thức khoa học tự nhiên vs khoa học xã hội nha, kiến thức về kinh tế nè, cả về tôn giáo, chính trị nữa, y tế nữa nè, rồi về 1 chút tâm linh đời sống ở cuối cuốn sách nha! Và còn về đại dịch covid 19 nữa nè! Thật sự là một lượng lớn kiến thức mà não bộ cần phải hấp thụ zô! Mình đọc không phải là mình hiểu hết đâu nha! Mà mình phải tra cứu thêm thông tin trên internet nữa á, có nhiều từ chuyên môn quá thì chắc chắn sẽ bí rồi, thì mình tìm kiếm để cho hiểu thì thôi! Quá trình mình đọc cuốn này á để mình hiểu toàn bộ cả về mặt kiến thức chuyên môn luôn thì mình mất khoảng 24 ngày nha!

Review tới đây là hết rồi nha!

Ngắn gọn để cho các bạn đọc cho nhanh, không chán nè! Rồi nhanh tay mở cuốn này ra đọc đi nha😇😇

7. TUẤN LALARME review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

5 sao vì những điều Yuval Noah Harari viết ra để tóm gọn về sự tồn tại của loài Sapiens từ khi nó xuất hiện trên trái đất đến nay thực sự có tác dụng khai sáng cho những ai tìm đọc quyển sách để hiểu hơn về chính chúng ta và giống loài của chúng ta.

“Sapiens Lược Sử Loài Người” không phải là một quyển sách khô khan với những căn cứ khoa học về khảo cổ, sinh học, những nguyên tắc kinh tế, những thông điệp chính trị, hay những mốc thời gian đã làm chuyển biến cuộc sống loài người như cách mạng nông nghiệp, cách mạng công nghiệp, mà nó rất thú vị, dễ hiểu, những dẫn chứng và ví dụ, những sự quy chiếu, tham chiếu vô cùng thông minh mang lại cho bất kì độc giả nào khi đã cầm quyển sách lên sẽ bị nó lôi cuốn còn hơn một cuốn tiểu thuyết của phiêu lưu của Dan Brown. Đặc biệt là cách ông nhìn vào những khía cạnh khác nhau của vấn đề, và tìm ra những cách nghĩ rất kì lạ mà khiến cho chúng ta không khỏi tự suy tư về tính chính xác trong luận điểm đó để không bị ông “bẻ cong” tư duy của chính mình: như cách ông cho cách mạng nông nghiệp là một sai lầm của loài người.

Chúng ta là ai, chúng ta được nhào nặn bởi chúa hay tiến hoá theo những quy luật chọn lọc tự nhiên mà Darwin đã phân tích, hay thực chất chúng ta chỉ là một giống loài homo gồm những nhánh khác nhau và vì nhiều lý do chỉ còn chúng ta tồn tại? Và trong quá trình phát triển có những lúc lề mề chậm chạp, có những lúc nhanh đến phi lý như vài thế kỉ gần đây, chúng ta có hạnh phúc hơn người xưa, sống tốt hơn người xưa, tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình qua tất cả những thứ tác động lên chúng ta từ tôn giáo, chủ nghĩa tư bản, khoa học, công nghệ…

“Sapiens Lược Sử Loài Người” Một tác phẩm thực sự sắc sảo. [Không liên quan] Và đặc biệt khi nhìn thấy những trang chú thích dài với rất nhiều tài liệu tham khảo ở cuối cuốn sách, mới thấy nể tác giả hơn nhiều, và tự nhiên chạnh lòng nghĩ đến những nhà khoa học của chúng ta, nghiên cứu đã không có nhiều thành tựu, lại còn hay đi xào sáo của nhau.

8. TRUNG RWO review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

“Sapiens Lược Sử Loài Người” là một cuốn sách “khai não” chứa đầy kiến thức về con người, được diễn giải theo trình tự phát triển của giống Sapien, giúp người đọc nhận thức được rõ hơn về lịch sử, hiện tại và tương lai của chúng ta cũng như vạn vật. Quá nhiều chi tiết đặc sắc, lớp ý thâm sâu, diễn giải thú vị, phân chia rạch ròi giữa ý kiến chủ quan và hiện thực khách quan, cũng như điều đã chứng minh hay không, giúp độc giả hiểu thêm về sự sống và bản chất của ta.

Dĩ nhiên, do bao quát khá nhiều vấn đề trên một mạch chung, sẽ có thứ mình đã biết, nhưng cũng có những thứ mình biết mà chưa hiểu đầy đủ. Cuốn sách khiến người đọc chấn động tới tận xương tuỷ bởi sự đào sâu vấn đề rất tinh tế, từ vấn đề ngỡ tưởng đơn giản tới phực tạp vô cùng, đặc biệt trong một vài chương đầu. Cho dù đoạn cuối hơi đuối, nhưng cũng hoàn thành việc khép lại một chương trong lịch sử loài người và đặt ra những câu hỏi đậm tính trực quan về con người trong tương lai.

Đây là cuốn sách mà mình recommend nhiều người nên đọc.

9. DƯƠNG NGỌC NHUNG review sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Dương Ngọc Nhung review sách Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Sapiens Lược sử loài người – quyển sách đưa bạn lên chuyến du hành thời gian khám phá hành trình của loài người. Đây 3 câu hỏi chính trong quyển sách:

  • Tại sao con người có thể làm chủ thế giới, điều mà chưa hề có loài động vật nào nghĩ đến?
  • Quá trình lịch sử con người đã trải qua những gì?
  • Chúng ta có được bài học gì từ lịch sử?

Tác giả chia sẻ :” Chúng ta nghiên cứu lịch sử không phải để biết về tương lai, vì môn khoa học xã hội này không có phương tiện để dự đoán chính xác như vật lý, kinh tế. Ta học lịch sử để mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để biết rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do sự hiển nhiên, cũng không phải do tất yếu và chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng.”

Đây là quyển sách mở rộng tri thức, đưa ra những điều làm bạn phải suy ngẫm, phơi bày những sự thật về nguồn gốc, các giai đoạn lịch sử, các cuộc cách mạng, những phát minh, tôn giáo, kinh tế và cả những vấn đề nhạy cảm về xã hội. Với góc nhìn hết sức khoa học, văn phong hấp dẫn không hề khô khan, nặng lí thuyết.

Đôi nét về tác giả, Yuval Noal Harari là một nhà sử học, triết học người Israel và là giáo sư khoa học lịch sử tại ĐH Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của những quyển sách bán chạy nhất trên thế giới như Sapiens: lược sử loài người, Homos Dues: lược sử tương lai, 21 bài học cho thế kỉ 21,… Được dịch ra 36 thứ tiếng.

Sơ lược về quyển sách gồm:

Phần 1: Cách mạng nhận thức.

Đúng như tên, đây là phần từ khi con người còn là loài chẳng đặc biệt gì so với loài còn lại. Và sự thật bất ngờ là LOÀI NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ DUY NHẤT. Vậy tại sao chúng ta những SAPIENS – loài người tinh khôn lại tồn tại được đến ngày nay và những loài khác đã xảy ra những gì? Còn những kim tự tháp, những công trình đồ sộ đó tại sao lại đó một loại không có đặc điểm gì nổi bật tạo nên – loài Sapiens.

Phần 2: Cách mạng Nông nghiệp

Đây là giai đoạn biến đổi từ kẻ săn bắt hái lượm đến người nông dân. Và cú lừa ngoạn mục rằng chính chúng ( lúa mì) đã thuần phục chúng ta ( Sapiens).

Chắc các bạn sẽ rất bất ngờ và khó tin nhưng đây là một đoạn giúp bạn suy nghĩ trong sách:

“Sự khác biệt giữa bài học thành công về mặt tiến hóa và sự đau đớn của mỗi cá thể có lẽ là bài học quan trọng nhất ta rút ra từ cách mạng nông nghiệp.”

“Việc gia tăng ngoạn mục về sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của đi kèm với loài người đi kèm với sự gia tăng khổ đau của mỗi cá nhân.”

Phần 3: Sự thống nhất của loài người

Tại sao chúng ta có thể hợp tác được với nhau cả khi chẳng quen biết hay cùng dòng máu? Câu trả lời là Tiền, Đế Chế và Tôn giáo. Xuyên suốt đó là những phân tích của tác giả về thế giới Thực tế KÉP mà ta đang tồn tại. Sẽ làm cho bạn phải bất ngờ về những gì sẽ được bật mí.

Con người làm thế nào từ khi nào bắt đầu hành trình chinh thế giới? – Từ khi ta thừa nhận sự ngu dốt của mình. Và hành trình khám phá thế giới diễn ra ngay trong chính những trang sách.

Phần 4: Cách mạng Khoa học

Tại sao châu Âu lại phát triển nhất trong khi nó không có điều kiện tự nhiên, lãnh thổ rộng như châu Á?

Sự ra đời của hàng loạt các phát minh, vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, … Dẫn đến sự ra đời của Tín Dụng. Chủ nghĩa tư bản ra đời và hàng loạt các vấn đề nóng hổi khác kéo dài đến hiện tại.

🗨️ Cảm nhận của bản thân mình về quyển sách này.

Mình là người đọc sách rất chậm nên rất thận trọng khi chọn sách Nhưng khi gặp Sapiens mình đã bị cuốn theo bởi tính hấp dẫn, lôi cuốn và bất ngờ. Nó mang đến cho mình hành trình trở về quá khứ, tìm thấy những sự chân thật nhất của thế giới.

Sapiens ra đời 9 năm trước và nó vẫn nổi tiếng đến nay thì đủ thấy sức hấp dẫn, khoa học và nội dung tuyệt vời của nó mang lại cho người đọc. Điển hình là những người thành công đều đọc và đánh giá rất tốt như Bill Gates, John Carey, Barack Obama…

Quyển sách không chỉ nói về lịch sử mà còn để lại nhiều bài học sâu sắc đáng suy ngẫm cho chúng ta hiện nay. Đọc xong mình cảm thấy tiếp thu được rất nhiều tri thức, nhìn vấn đề khoa học hơn và nhìn sâu hơn vào cốt lõi vấn đề trong cuộc sống.

Mình chắc rằng những người yêu sách, ham học hỏi, thích những vấn đề về xã hội sẽ vô cùng yêu thích cuốn này. Dù bạn là ai thì nó đều đem lại trải nghiệm tuyệt vời khi đọc. Các bạn thích khoa học xã hội thì càng nên đọc nha.

Cuối sách tác giả còn để lại cho chúng ta sự thật rằng: chúng ta đang sở hữu quyền lực sánh ngang với các vị thần cổ đại. Liệu điều gì nguy hiểm hơn việc những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không biết mình thật sự muốn gì?

III. Trích dẫn sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Trích dẫn sách Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Những trích dẫn giá trị nhất trong sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Từ quá khứ đến hiện tại chỉ có một con đường duy nhất, nhưng đến tương lai thì có vô số ngả rẽ.

Nếu việc tái tạo về bức tranh cuộc sống của con người cổ đại là không hề dễ, thì các sự kiện cụ thể còn gần như vĩnh viễn không thể khôi phục.

Một số đnags kể các nền văn háo của con người đều nhìn nhận các mối quan hệ đồng tính không chỉ hợp pháp mà còn mang tính xây dựng xã hội.

Sự tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn của nhân loại đã giải phóng những sức mạnh to lớn, biến đổi thế giới theo những cách mà không ai hình dung hay mong muốn.

Cách mạng Nông nghiệp là một bước ngoặt, nơi mà con người vứt bỏ mối quan hệ cộng sinh mật thiết với tự nhiên, trở nên tham lam và tha hóa.

Theo sinh học, con người không phải được ánh sáng tạo ra. Họ tiến hóa. Và chắc chắn, họ không tiến hóa để “bình đẳng”.

Chữ viết được sinh ra để phục vụ cho ý thức con người, nhưng dần dần nó lại đóng vai trò ông chủ.

Tiến họa dựa trên sự khác biệt, chứ không phải bình đẳng.

Khi con người thuần hóa được lửa, họ đã kiểm soát được sức mạnh có tiềm năng vô hạn và dễ sai khiến.

“Thành công” theo quan điểm tiến hóa thật vô nghĩa.

Ngày nay, tôn giáo thường được coi là một nguồn gốc của sự phân biệt đối xử, bất đồng và không thống nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, tôn giáo là đặc điểm thống nhất nhân loại đứng hàng thứ ba cùng với tiền tệ và các đế chế.

Trong hàng ngàn năm, các triết gia, nhà tư tưởng và nhà tiên tri đã bôi nhọ đồng tiền và gọi nó là cội rễ của mọi điều xấu xa.

Thực tế ở nhiều xã hội trong lịch sử, những kẻ đứng đầu không leo lên vị trí của mình từ bậc thấp nhất.

Một trong những quy luật sắt của lịch sử, đó là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới.

Con người có thể vẫn ở đây, nhưng họ không còn hiểu được thế giới nữa. Kẻ thống trị mới của thế giới sẽ là hàng dài các con số 0 và 1.

Cho đến nay, các nghiên cứu sinh học đã thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc hoặc cách để đo lường nó khách quan.

Chúng ta tin vào một trật tự riêng biệt không phải vì nó là một sự thật khách quan, mà bởi tin vào nó sẽ làm chúng ta có thể hợp tác hiệu quả và tạo nên một xã hội tốt đẹp.

Những dòng trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được hiểu theo ngôn ngữ sinh học như sau: Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người tiến hóa một cách khác nhau, họ sinh ra với những đặc điểm có thể biến đổi nhất định, và trong số đó là sống và theo đuổi lạc thú.

Tiền là hệ thống phổ quát nhất và hiệu quả nhất của sự tin cậy lẫn nhau từng được phát minh ra.

Người ta hay cho rằng giới tính hoa làm vậy do tính tham lam, không tin người. Song, một kẻ hoài nghi không tin vào điều gì cả thì khó mà tham lam được.

Nếu con người nhận thức được rằng nhân quyền chỉ tồn tại trong tưởng tượng, liệu có mối nguy hiểm nào làm xã hội của chúng ta sụp đổ hay không?

Toàn bộ các lĩnh vực tri thức, như vật lý và kỹ thuật, hầu như đã mất liên lạc với ngôn ngữ nói của con người và được duy trì chỉ bằng ngôn ngữ toán học.

Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu “trên thực tế đã biến thành “né việc nhiều nhất có thể và hưởng bao nhiêu tùy khả năng vơ vét”.

Một người đàn ông uy quyền chưa bao giờ trông buồn tẻ và ảm đạm như ngày nay.

Dù thế nào đi nữa, tiền vẫn là đỉnh cao của lòng khoan dung của loài người. Tiền có cái nhìn cởi mở hơn so với ngôn ngữ, luật pháp quốc gia, mật mã văn hóa, tín ngưỡng và các thói quen xã hội. Tiền là hệ thống niềm tin duy nhất được con người tạo ra, có thể là cầu nối cho hầu hết các khoảng cách về văn hóa, và nó không phân biệt đối xử dựa trên nền tảng tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác hay khuynh hướng tính dục.

Tôn giáo khẳng định rằng luật pháp của chúng ta không phải là kết quả của sự thất thường nơi con người, mà được sắc phong bởi một quyền lực tuyệt đối và tối thượng.

Lịch sử là cái gì đó do rất ít người đã và đang tạo ra, trong khi mọi người khác vẫn đang cày bừa trên các cánh đồng và vác các thùng nước đầy.

Theo sinh học, con người không phải được sáng tạo ra. Họ tiến hóa. Và chắc chắn, họ không tiến hóa để “bình đẳng”.

Tiến hóa dựa trên sự khác biệt, chứ không phải sự bình đẳng.

Voltaire đã nói về Chúa rằng, “Không có Chúa, nhưng đừng nói điều đó cho người đầy tớ của tôi, e rằng anh ta sẽ giết tôi vào ban đêm”.

Người ta hay cho rằng giới tinh hoa làm vậy do tính tham lam, không tin người. Song, một kẻ hoài nghi không tin vào điều gì cả thì khó mà tham lam được.

Một số đáng kể các nền văn hóa của con người đều nhìn nhận các mối quan hệ đồng tính không chỉ hợp pháp mà còn mang tính xây dựng xã hội.

Trích đoạn sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Phần 1: CÁCH MẠNG NHẬN THỨC

Một dấu tay con người làm khoảng 30000 năm trước - Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari
Hình 1. Một dấu tay con người có niên đại từ 30.000 năm trước trên tảng đá ở hang Chauvet-Pont-d’Arc miền Nam nước Pháp. Ai đó muốn nói rằng: “Tôi từng ở đây!”

MỘT ĐỘNG VẬT KHÔNG NỔI TRỘI

Khoảng 13,5 tỉ năm trước, vật chất, năng lượng, thời gian và không gian được hình thành trong một sự kiện gọi là Big Bang (Vụ nổ Lớn). Câu chuyện về những đặc tính cơ bản này của vũ trụ chúng ta được gọi là Vật lý.

Khoảng 300.000 năm sau khi xuất hiện, vật chất và năng lượng bắt đầu hợp nhất tạo thành các cấu trúc phức tạp, gọi là những nguyên tử, sau đó chúng kết hợp thành những phân tử. Câu chuyện của các nguyên tử, phân tử và những tương tác giữa chúng được gọi là Hoá học.

Khoảng 3,8 tỉ năm trước, trên một hành tinh được gọi là Trái đất, một số phân tử nhất định đã kết hợp tạo thành những cấu trúc đặc biệt lớn và phức tạp, được gọi là các sinh vật. Câu chuyện về các sinh vật được gọi là Sinh học.

Khoảng 70.000 năm trước đây, các sinh vật thuộc loài Homo sapiens bắt đầu hình thành một cấu trúc thậm chí còn tinh vi hơn gọi là văn hoá. Quá trình phát triển văn hoá này của con người được gọi là Lịch sử.

Có ba cuộc cách mạng quan trọng định hình tiến trình lịch sử: Cách mạng Nhận thức đã khởi động lịch sử cách đây khoảng 70.000 năm. Cách mạng Nông nghiệp đã tăng tốc lịch sử vào khoảng 12.000 năm trước đây. Còn Cách mạng Khoa học, mới bắt đầu cách đây 500 năm, biết đâu sẽ kết thúc lịch sử và bắt đầu một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Cuốn sách này kể câu chuyện về việc ba cuộc cách mạng đó đã tác động đến loài người và những sinh vật cùng sống với họ ra sao.

*

Loài người đã có mặt từ lâu trước khi có lịch sử. Động vật gần giống với con người hiện đại xuất hiện lần đầu khoảng 2,5 triệu năm trước. Nhưng qua rất nhiều thế hệ, chúng chẳng có gì nổi trội hơn so với vô số các sinh vật khác cùng chia sẻ môi trường sống với mình.

Nếu lặn lội ngược về Đông Phi 2 triệu năm trước, có lẽ bạn sẽ bắt gặp những cảnh tượng quen thuộc của những loài giống như con người: những bà mẹ lo lắng ôm ấp đứa con nhỏ của mình bên đám trẻ em vô tư chơi đùa trong bùn đất; đám thanh niên hiếu thắng chống lại những định kiến của xã hội còn những cụ già mệt mỏi chỉ muốn sống trong yên bình; những đấng mày râu ưỡn ngực cố gây ấn tượng với những bóng hồng xung quanh, trong khi bà chủ gia đình thông thái đã chứng kiến tất cả những chuyện này. Những con người tối cổ này yêu thương, chơi đùa, kết bạn thân thiết và đấu tranh cho địa vị và quyền lực – nhưng vẫn giống hệt như những loài tinh tinh, khỉ đầu chó và voi. Họ chẳng có gì quá đặc biệt. Không có ai, kể cả con người, có bất cứ ý niệm mơ hồ nào về việc con cháu của họ một ngày nào đó sẽ dạo bước trên Mặt trăng, phân tách các nguyên tử, hiểu được mã di truyền và viết sách lịch sử. Điều quan trọng nhất cần biết về con người thời tiền sử rằng đây là những động vật bình thường như bao loài khác, với tác động của họ lên môi trường chẳng hơn gì các loài khỉ đột, đom đóm hoặc sứa.

Các nhà sinh học phân chia sinh vật thành các loài. Động vật được cho là cùng loài nếu chúng có xu hướng giao phổi với nhau, sinh con hữu thụ.” Ngựa và lừa có cùng một tổ tiên gần gũi và có chung nhiều đặc điểm về thể chất. Nhưng chúng lại tỏ ra ít quan tâm về tính dục với nhau. Chúng sẽ ghép đôi nếu bị bắt buộc – nhưng con cái của chúng, được gọi là la, sẽ không có khả năng sinh sản. Do đó, các đột* biến ADN ở loài lừa không bao giờ có thể truyền sang loài ngựa hoà ngược lại. Vì thế hai loài động vật trên được coi là hai loài tách biệt đi theo những con đường tiến hoá riêng. Ngược lại, chó mặt xệ và chó tai cụp có thể trông rất khác nhau, nhưng chúng lại cùng loài, chia sẻ chung cái kho ADN. Chúng sẽ vui vẻ ghép đôi, con của chúng sẽ lớn lên và ghép đôi được với các con chó khác, tạo ra nhiều hậu duệ hơn.

Các loài tiến hoá từ một tổ tiên chung được tập hợp lại thành một “chi”. Sư tử, hổ, báo và báo đốm là các loài khác nhau trong chi Panthera. Các nhà sinh học đặt cho mỗi loài sinh vật một cái tên Latin gồm hai phần, tên chi rồi đến tên loài. Sư tử, ví dụ, được gọi là Panthera leo, tức loài leo thuộc chi Panthera. Có lẽ, tất cả những ai đọc cuốn sách này đều thuộc về Homo sapiens – loài sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người).

Tới lượt các chi lại được nhóm thành các họ, chẳng hạn như họ mèo (sư tử, báo gepa, mèo nhà), họ chó (chó sói, cáo, chó rừng) và họ voi (voi, voi ma-mút, voi răng kiếm). Mọi thành viên của một họ lần theo dòng dõi của mình ngược về một bà tổ hoặc ông tổ. Ví dụ, tất cả loài mèo, từ con mèo nhà nhỏ nhất đến những con sư tử hung dữ nhất, có chung một tổ tiên là loài mèo sống cách đây khoảng 25 triệu năm trước.

Homo sapiens cũng vậy, thuộc về cùng một họ. Thực tế vô vị này đã từng là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử. Từ khá lâu, Homo sapiens thích coi mình tách biệt với các loài động vật, một đứa trẻ mồ côi bị tước mất gia đình, thiếu anh chị em ruột hoặc anh chị em họ, và quan trọng nhất là không có cha mẹ. Nhưng đó không phải sự thật. Dù thích hay không, chúng ta đều là thành viên của một gia đình lớn và đặc biệt ổn ào, gọi là vượn loại lớn. Họ hàng gần nhất của chúng ta bao gồm tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Tinh tinh là loài gần nhất. 6 triệu năm trước đây, một con vượn cái có hai con gái. Một trở thành tổ tiên của loài tinh tinh, một là bà ngoại của chúng ta.

Những bí mật được giấu kín

Homo sapiens đã giữ kín một bí mật thậm chí còn đáng lo hơn. Chúng ta không chỉ có những người anh em họ man rợ mà từng có lúc, loài người còn có một vài anh chị em khác. Chúng ta luôn tự cho rằng mình là những con người duy nhất, bởi vì trong 10.000 năm trở lại đây, chúng ta đã thực sự là loài người duy nhất tồn tại. Song, ý nghĩa thực sự của từ Con người là “một con vật thuộc chi Homo”, và nó được dùng để chỉ nhiều loài khác thuộc chi này bên cạnh Homo sapiens. Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy trong chương cuối cùng của cuốn sách, trong tương lai không xa, chúng ta một lần nữa có thể phải đối mặt với con người không phải sapiens. Để làm rõ điểm này, tôi sẽ thường xuyên sử dụng thuật ngữ “Sapiens” để chỉ các thành viên của loài Homo sapiens, trong khi dành riêng thuật ngữ “con người” để chỉ tất cả các thành viên còn lại của chi Homo.

những anh chị em của chúng ta - Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari
Hình 2. Các họ hàng thân thuộc của chúng ta, dựa theo hình ảnh phỏng đoán được tái tạo (từ trái sang): Homo rudoltensis (Đông Phi); Homo erectus (Đông Á); và Homo neanderthalensis (châu Âu và Tây Á). Tất cả họ đều là con người.

Con người bắt đầu tiến hoá ở Đông Phi khoảng 2,5 triệu năm trước, từ một chi trước của loài vượn gọi là Australopithecus, có nghĩa là “vượn cổ phương Nam”. Khoảng 2 triệu năm trước, một số nam giới và nữ giới cổ đại đã rời bỏ quê hương để bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua và dừng lại định cư tại các khu vực Bắc Phi, châu Âu và châu Á rộng lớn. Do môi trường sống trong các khu rừng tuyết phủ của Bắc Âu yêu cầu những đặc tính di truyền khác biệt so với các khu rừng nhiệt đới nóng bức của Indonesia, nên quần thể người đã tiến hoá theo những hướng khác nhau. Kết quả là tạo ra một số loài khác biệt, mỗi loài trong đó được các nhà khoa học đặt cho cái tên Latin rất kêu.

Con người ở châu Âu và Tây Á đã tiến hoá thành Homo neanderthalensis (“Người đến từ thung lũng Neander”), thường được gọi đơn giản là “Neanderthal”. Neanderthal, đô con và lực lưỡng hơn Sapiens chúng ta, đã thích nghi rất giỏi với khí hậu lạnh của thời kỳ băng hà vùng Tây Á. Những khu vực xa hơn về phía đông của châu Á là nơi tập trung đông đảo của nhóm Homo erectus, “Người có dáng đứng thẳng”, sinh sống ở đó gần 2 triệu năm, là loài người tồn tại lâu nhất từ trước tới nay. Kỷ lục này khó có thể bị phá vỡ ngay cả với chính loài người chúng ta. Người ta hoài nghi là liệu Homo sapiens có còn tồn tại trong 1.000 năm nữa kể từ bây giờ hay không, cho nên 2 triệu năm thực sự là quá sức đối với chúng ta.

Trên đảo Java ở Indonesia, có Homo soloensis (“Người đến từ thung lũng Solo”) sinh sống, loài người này được cho là phù hợp với cuộc sống ở vùng nhiệt đới. Trên một hòn đảo nhỏ khác của Indonesia là Flores, người cổ đại đã trải qua một quá trình thu nhỏ lại. Những người đầu tiên đặt chân lên Flores khi mực nước biển xuống thấp bất thường, và rất dễ dàng đi từ đất liền ra đảo. Khi biển lại dâng lên, một số người bị mắc kẹt trên đảo, vốn rất nghèo tài nguyên. Những người to lớn, cần nhiều thức ăn, chết đầu tiên. Người nhỏ hơn dễ sống sót hơn nhiều. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Flores đã trở thành người lùn. Loài người độc đáo này, được các nhà khoa học đặt tên là Homo floresiensis, đạt chiều cao tối đa chỉ khoảng một mét và nặng không quá 25 kg. Tuy nhiên, họ có thể chế tác các công cụ bằng đá, và thậm chí đôi khi vẫn có thể săn bắt được một vài con voi trên đảo, dù rằng đây cũng là một dạng voi lùn, cho có vẻ công bằng.

Năm 2010, một người anh em ruột thịt khác đã biến mất của loài người được cứu thoát khỏi sự quên lãng, khi các nhà khoa học khai quật hang Denisova ở Siberia phát hiện ra một phần xương ngón tay hoá thạch. Phân tích gen đã cho thấy các ngón tay này thuộc về một loài người chưa từng được biết đến trước đây, được đặt tên là Homo denisova. Ai mà biết được còn bao nhiêu họ hàng của chúng ta đang chờ đợi để được khám phá trong các hang động, trên các đảo và trong những vùng khí hậu khác.

Trong khi con người đã phát triển ở châu Âu và châu Á, quá trình tiến hoá ở Đông Phi cũng diễn ra không ngừng. Cái nôi của nhân loại tiếp tục nuôi dưỡng nhiều loài mới, chẳng hạn như Homo rudolfensis, “Người tới từ hổ Rudolf”, Homo ergaster, “Người lao động”, và cuối cùng là loài người chúng ta ngày nay, được chúng ta đặt tên một cách không khiêm tốn là Homo sapiens, “Người tinh khôn”.

Những thành viên của một số loài kể trên có vóc dáng rất to lớn, còn số khác lại rất nhỏ. Một số là những thợ săn đáng sợ và số khác lại trở thành chuyên gia hái lượm. Một số nhóm chỉ sống trên một hòn đảo duy nhất, trong khi nhiều nhóm lại chinh phục toàn bộ các châu lục. Nhưng tất cả bọn họ đều thuộc về chi Homo. Tất cả họ đều là con người.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là cho rằng các loài này đã được sắp xếp theo một đường thẳng đi lên, với việc ergaster tiến hoá thành erectus, erectus lại tiến hoá thành Neanderthal, và Neanderthal tiến hoá thành chúng ta. Mô hình tuyến tính này tạo ra ấn tượng nhầm lẫn rằng tại bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ có một loài người trên Trái đất, và rằng tất cả các loài trước đó là những phiên bản lỗi thời của chúng ta. Sự thật là từ khoảng 2 triệu năm trước cho đến khoảng 10.000 năm trở lại đây, tại cùng một thời điểm, thế giới là ngôi nhà của một số loài người. Tại sao lại không? Ngày nay có nhiều loài cáo, gấu và lợn. Trái đất của 100 thiên niên kỷ trước đã in dấu chân của ít nhất sáu loài người khác nhau. Sự độc quyền hiện tại của chúng ta, chứ không phải của đa loài trong quá khứ là điều kỳ dị và có lẽ là tội ác. Như chúng ta sẽ sớm thấy, Sapiens chúng ta có các lý do hợp lý để kiềm chế kí ức về những người anh em ruột thịt của mình.

Cái giá của tư duy

Mặc dù có nhiều sự khác biệt, nhưng tất cả các loài người đều cùng chung một số đặc tính rõ nét. Đáng chú ý nhất, con người có bộ não cực lớn so với các loài động vật khác. Động vật có vú nặng 60 kg có kích thước não trung bình là 200 cm³. Những nam giới và nữ giới xuất hiện đầu tiên vào khoảng 2,5 triệu năm trước đã có bộ não khoảng 600 cm³. Bộ não trung bình của Sapiens hiện đại có kích thước vào khoảng 1.200-1.400 cm³. Bộ não của Neanderthal thậm chí còn lớn hơn.

Quá trình tiến hoá chọn lọc những bộ não lớn hơn với chúng ta là điều dường như không cần phải bàn cãi. Chúng ta say mê trí thông minh bậc cao của mình đến mức cho rằng sức mạnh não bộ càng lớn càng tốt. Nhưng nếu vậy, họ nhà mèo cũng sẽ sinh ra những con mèo biết làm toán. Tại sao chỉ mỗi chi Homo trong toàn bộ thế giới động vật có được bộ óc lớn tới như vậy?

Thực tế là một bộ não khổng lồ giống như một ống cống vĩ đại hút cạn năng lượng của cơ thể. Thật không dễ dàng để mang nó, đặc biệt khi được bọc kín trong một hộp sọ lớn. Tiếp nhiên liệu cho não còn khó khăn hơn. Ở Homo sapiens, bộ não chiếm khoảng 2-3% tổng trọng lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng tới 25% năng lượng của cơ thể khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi. Để so sánh, bộ não của các loài vượn khác chỉ đòi hỏi có 8% năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi. Người cổ đại phải trả giá cho bộ não lớn của họ theo hai cách. Thứ nhất, họ mất nhiều thời gian hơn để tìm thức ăn. Thứ hai, cơ bắp của họ bị teo lại. Giống như việc chính phủ hướng ngân sách tư quốc phòng sang giáo dục, con người cũng hướng năng lượng từ bắp tay đến tế bào thần kinh. Khó có thể khẳng định rằng cuộc đổi chác này là một chiến lược tồn tại tốt trên đồng cỏ. Một con tinh tinh không thể giành chiến thắng khi tranh luận với một Homo sapiens, nhưng một con vượn có thể xé xác bạn giống như một con búp bê vải.

Ngày nay, bộ não lớn của chúng ta là một món hời, bởi vì chúng ta có thể sản xuất ra xe hơi và súng, những thứ cho phép chúng ta di chuyển nhanh hơn nhiều so với tinh tinh, và bắn chúng từ một khoảng cách an toàn thay vì đấu trực tiếp. Nhưng xe hơi và súng là những sản phẩm hiện đại. Trong hơn 2 triệu năm, mạng lưới nơron của con người tiếp tục phát triển không ngừng, nhưng ngoài một số thứ như dao bằng đá và gậy vót nhọn, con người chẳng có gì nhiều để khoe khoang. Vậy điều gì đã thúc đẩy sự tiến hoá của bộ não khổng lồ của con người trong suốt 2 triệu năm đó? Thành thật mà nói, chúng ta không biết.

Một điểm riêng biệt nữa của con người là chúng ta đứng thẳng trên hai chân. Nhờ đứng lên, ta có thể rà quét các đồng cỏ để săn bắt hoặc phát hiện kẻ thù dễ dàng hơn, và đôi tay khi không còn cần thiết cho vận động thì được tự do làm những việc khác, như ném đá hoặc ra hiệu. Đôi bàn tay có thể làm được nhiều việc hơn thì người chủ của chúng càng thành công hơn, vì vậy áp lực tiến hoá khiến các dây thần kinh và cơ bắp tinh chỉnh tập trung ngày càng nhiều vào lòng bàn tay và ngón tay. Kết quả là con người có thể thực hiện các nhiệm vụ rất phức tạp với đôi bàn tay của mình. Đặc biệt, họ có thể chế tác và sử dụng các công cụ tinh vi. Bằng chứng đầu tiên về việc này xuất hiện vào khoảng 2,5 triệu năm trước, và đây là những tiêu chí mà các nhà khảo cổ nhận biết được về sự tồn tại của con người cổ đại.

Song, đi thẳng có nhược điểm của nó. Tổ tiên loài linh trưởng của chúng ta có bộ xương phát triển trong hàng triệu năm giúp họ đi bằng bốn chân và có một cái đầu tương đối nhỏ. Khi điều chỉnh sang dáng đứng thẳng là một thách thức khá lớn, đặc biệt khi bộ khung xương phải hỗ trợ một hộp sọ cực lớn. Loài người đã phải trả giá cho việc có được tầm nhìn cao và bàn tay khéo léo bằng các bệnh đau lưng và vôi hoá đốt sống cổ.

Phụ nữ còn phải trả giá đắt hơn. Dáng đi thẳng làm cho hông hẹp lại, chèn ép đường sinh – và điều này xảy ra khi mà đầu của trẻ sơ sinh ngày càng trở nên lớn hơn. Chết khi sinh nở đã trở thành một mối nguy hiểm lớn đối với phụ nữ. Những phụ nữ sinh non, khi não và đầu của trẻ sơ sinh vẫn còn tương đối nhỏ và mềm, thì có sức khỏe tốt hơn và cơ hội sống sót để có thêm con. Chọn lọc tự nhiên do đó ủng hộ việc sinh non. Và quả thực so với các động vật khác, con người được sinh sớm, khi nhiều bộ phận quan trọng vẫn còn chưa phát triển. Một con ngựa con có thể đứng dậy ngay sau khi được sinh ra; một con mèo con có thể tự kiếm ăn khi chỉ mới một vài tuần tuổi. Còn những đứa trẻ sơ sinh thì bất lực, phụ thuộc nhiều năm vào bố mẹ để nhận sự nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục.

Thực tế này đã đóng góp rất nhiều cho các năng lực mang tính xã hội kỳ diệu của loài người và các vấn đề xã hội chỉ mình nó có. Một bà mẹ đơn độc khó có thể kiếm đủ thức ăn cho mình và con cái khi chúng đang cần được chăm bẵm. Nuôi con đòi hỏi sự giúp đỡ liên tục từ các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm. Cả một bộ tộc phải cùng chung sức nuôi dưỡng một con người. Do đó, tiến hoá ủng hộ những ai có thể hình thành các mối quan hệ xã hội chặt chẽ. Ngoài ra, do con người được sinh ra khi chưa phát triển hoàn thiện, nên họ có thể được giáo dục và xã hội hoá ở một mức độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ động vật nào. Hầu hết bào thai của động vật có vú giống như đất nung đã tráng men trong lò, mọi nỗ lực ép vào khuôn sẽ làm xước hoặc phá hỏng chúng. Còn bào thai người giống như thủy tinh nóng chảy trong lò. Có thể xe chúng thành sợi, kéo dài và định hình dễ dàng đến ngạc nhiên. Đó là lý do mà hôm nay chúng ta có thể giáo dục con cái trở thành một tín đồ Ki-tô hay Phật giáo, theo tư bản hay chủ nghĩa xã hội, hiếu chiến hay yêu hòa bình.

*

Chúng ta giả định rằng với một bộ não lớn, khả năng sử dụng công cụ, học tập đỉnh cao và hình thành các cấu trúc xã hội phức tạp là những lợi thế to lớn. Dường như hiển nhiên là những đặc điểm kể trên đã góp phần tạo nên loài động vật có sức mạnh nhất trên Trái đất. Nhưng dù con người được hưởng tất cả những lợi thế đó trong 2 triệu năm, trong khoảng thời gian đó họ vẫn là sinh vật yếu đuối và ngoài rìa. Như vậy, dù có bộ não lớn và các công cụ bằng đá sắc nhọn, nhưng con người cách đây 1 triệu năm luôn sống trong sợ hãi bởi những kẻ săn mồi, hiếm khi săn bắt lớn, và sống đơn độc chủ yếu bằng cách hái lượm cây cỏ, thu vét côn trùng, rình rập động vật nhỏ, và ăn thịt thối rữa do các động vật ăn thịt mạnh mẽ khác để lại.

Một trong những tác dụng phổ biến nhất của các công cụ bằng đá thời kỳ đầu là để đập vỡ xương và lấy tủy. Một số nhà nghiên cứu tin rằng đây là ưu thế ban đầu của chúng ta. Cũng như chim gõ kiến chuyên moi côn trùng từ các thân cây, những con người đầu tiên chuyên hút tủy từ xương. Tại sao lại là tủy? Vâng, giả sử bạn quan sát những con sư tử đầy kiêu hãnh hạ gục và ngấu nghiến một con hươu cao cổ. Bạn kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng dùng xong bữa. Nhưng vẫn chưa tới lượt bạn đâu, vì đầu tiên sẽ có các con linh cẩu và chó rừng tới nhặt nhạnh thức ăn thừa, và bạn không dám cạnh tranh với chúng. Chỉ sau khi chúng bỏ đi, bạn cùng cả nhóm mới dám tiếp cận những gì còn sót lại, thận trọng nhìn xung quanh và moi móc những mẩu còn ăn được.

Đây chính là chìa khoá để hiểu được lịch sử và tâm lý của chúng ta. Vị trí của chi Homo trong chuỗi thức ăn, cho đến gần đây vẫn trụ vững ở giữa. Trong hàng triệu năm, con người săn bắt những sinh vật nhỏ hơn và thu thập tất cả những gì họ có thể, trong khi luôn bị săn đuổi bởi những kẻ săn mồi lớn hơn. Chỉ 400.000 năm trước đây, loài người mới bắt đầu săn thú lớn một cách thường xuyên, và chỉ trong 100.000 năm vừa qua – với sự gia tăng của Homo sapiens – con người mới nhảy lên đứng đầu chuỗi thức ăn.

Bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí giữa lên đầu chuỗi thức ăn mang đến những hệ quả to lớn. Các động vật ở đỉnh kim tự tháp, như sư tử và cá mập, đạt được vị trí đó rất từ từ qua hàng triệu năm. Điều này cho phép các hệ sinh thái có thể phát triển một cơ chế tự kiểm soát và cân bằng để ngăn chặn sư tử và cá mập không gây ra thiệt hại quá lớn. Khi sư tử trở nên hung dữ hơn, thì linh dương cũng tiến hoá để chạy nhanh hơn, linh cẩu hợp tác tốt hơn, và tê giác trở nên nóng tính hơn. Ngược lại, loài người lên tới đỉnh nhanh tới mức các hệ sinh thái đã không có thời gian để điều chỉnh. Hơn nữa, con người cũng thất bại trong việc tự điều chỉnh. Hầu hết các loài ăn thịt hàng đầu của hành tinh là những sinh vật có kích thước lớn. Hàng triệu năm thống trị đã làm chúng đầy tự tin. Homo sapiens ngược lại giống như một tên độc tài trong nền “Cộng hòa chuối”*. Cho tới gần đây, con người vẫn ở thế yếu trên đồng cỏ. Chúng ta sợ hãi và lo lắng khôn nguôi về vị trí của mình, điều đó khiến cho chúng ta độc ác và nguy hiểm gấp đôi. Nhiều tai ương trong lịch sử, từ các cuộc chiến tranh chết chóc đến những thảm họa sinh thái, đều là hậu quả của bước nhảy vọt tiến hoá quá vội vàng này.

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Sapiens Lược Sử Loài Người – Yuval Noah Harari. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Sapiens Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *