Thể Loại | Lịch Sử |
Tác Giả | Yuval Noah Harari |
NXB | NXB Thế Giới |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 512 |
Ngày Xuất Bản | 2018 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Homo sapiens có phải là một dạng sống siêu đẳng, hay chỉ là một tay đầu gấu địa phương? Làm thế nào con người lại tin rằng họ không chỉ đã kiểm soát thế giới, mà còn mang lại ý nghĩa cho nó? Công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo đe dọa loài người ra sao? Sinh vật nào có thể kế thừa loài người, và tôn giáo mới nào sẽ được sản sinh?
Với giọng kể cuốn hút và mới lạ, Harari sẽ dần gợi mở và trả lời những câu hỏi trê, nhờ phân tích chi tiết những luận điểm gây nhiều tranh cãi: chủ nghĩa nhân đạo là một dạng tôn giáo, thứ tôn giáo tôn thờ con người thay vì thần thánh; sinh vật là thuật toán… ông vẽ ra một viễn cảnh tương lai khi Sapiens thất thế và Dữ liệu giáo trở thành một hình mẫu. HOMO DEUS – Lược Sử Tương Lai còn bàn sâu hơn về các năng lực mà con người đã tự trang bị để sinh tồn và tiến hoá thành một giống loài ngự trị trên trái đất, để rồi chính trong tiến trình hoàn thiện và nâng cấp các năng lực ấy chúng ta sẽ bị truất quyền kiểm soát bởi một sinh vật mới, mang tên Homo Deus.
Thông tin tác giả Yuval Noah Harari
Yuval Noah Harari (tiếng Hebrew: יובל נח הררי; sinh ngày 24 tháng 2 năm 1976) là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem.[1] Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức và trí thông minh và hạnh phúc.
Các ấn phẩm ban đầu của Harari dành nhiều sự quan tâm đến những gì được ông mô tả là “cuộc cách mạng nhận thức” xảy ra cách đây khoảng 50.000 năm, khi Homo sapiens thay thế đối thủ Neanderthal, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra một xã hội có cấu trúc, và trở thành động vật ăn thịt đầu bảng, được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng nông nghiệp và được tăng tốc bởi phương pháp khoa học và cơ sở lý luận đã cho phép con người tiếp cận gần như làm chủ môi trường của họ.
Những cuốn sách gần đây của ông thận trọng hơn, và nghiên cứu các hậu quả của một thế giới công nghệ sinh học tương lai nơi sinh vật thông minh bị vượt qua bởi những sáng tạo của chính họ; ông đã nói Homo sapiens như chúng ta biết chúng sẽ biến mất trong một thế kỷ hoặc lâu hơn”.
II. Review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai của tác giả Yuval Noah Harari. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. THI DINH review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Sau quyển sách rất thành công Sapiens, Yuval viết tiếp quyển này như là cách ông “dự đoán” về tương lai lịch sử nhân loại. Nếu như quyển 1 khá thành công khi khái quát hóa quá trình chuyển dịch từ chỗ chưa có ý thức đến chỗ có ý thức của loài người tinh khôn thì ở quyển này, tác giả có phần hơi lan man nhưng cốt yếu đi sâu vào phân tích “tính người” của chúng ta và nó sẽ ra sao nếu như trình độ khoa học phát triển đến mức các robot có khả năng “tự suy nghĩ”? Ranh giới không rạch ròi này làm cho con người trở nên yếu thế và tính “tinh khôn” không còn vững vàng nữa.
Điểm tôi thích ở quyển sách này là cách tác giả đi sâu vào khía cạnh khoa học của cảm xúc con người. Không hiểu sao sau khi đọc qua loạt chương miêu tả về nó, tôi cảm giác mình có thêm một phương pháp hữu hiệu để điều khiển cảm xúc của bản thân khi xem chúng là những tác nhân hóa học nảy nở trong con người mình. Xem những cảm xúc dưới góc độ đếm được trong thang điểm 10 và chúng ta sẽ hiểu mình hơn những lúc cảm xúc dâng cao hay xuống thấp.
Tuy là “chém gió” về tương lai nhưng tác giả luôn dựa trên những dẫn chứng khoa học rất chắc chắn. Ông suy luận từ sự phát triển trong quá khứ đến hiện tại cũng như góp nhặt những dấu hiệu ở hiện tại để từ đó dự đoán tương lai. Con người sau này sẽ ra sao? Mối quan hệ giữa họ như thế nào? Cảm xúc, cách họ tập trung phát triển? Ông không đưa ra những câu khẳng định chắc nịch về một điều gì đó, thay vào đấy, ông đưa ra lập luận chặt chẽ của mình và để lại kết luận cho bạn đọc.
Nếu như ở quyển 1, rất nhiều tranh cãi đã nảy sinh giữa những người ủng hộ sách và những người xem sách là một sự dối trá có trí tuệ thì tôi nghĩ quyển 2 này sẽ càng làm đậm thêm sự tranh cãi này khi mọi thứ đều chưa được kiểm chứng và chỉ dừng ở lập luận của tác giả.
Tuy vậy, sách cho ta cái nhìn khá rộng về thực trạng khoa học đương đại. Những dòng chảy của nghiên cứu và các hướng đang được nhắm đến trong tương lai. Có thể đó là kết quả của quá trình siêng năng đọc và thu gom của tác giả nên việc thiếu sót là không thể tránh khói.
Tôi vẫn khuyến khích những bạn nào đã yêu thích quyển 1 thì nên đọc nó.
2. NGUYỄN review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Với những ai cảm thấy Lược sử loài người là một cuốn sách thú vị và đặc sắc, thì có lẽ sẽ càng choáng ngợp hơn khi tác giả tạm biệt quá khứ để nhìn vào tương lai với Homo Deus, nơi mà nhân loại sẽ chuyển hóa thành những vị thần. Cuốn sách là phần tiếp theo của Sapiens, Tương lai ở đây là tương lai loài (sinh vật) người (homo sapiens) và cộng đồng nhân loại. Theo tác giả, sau khi tóm tắt lại cuốn Sapiens, nhân loại sau rất nhiều khó khăn đã nảy sinh những cuộc cách mạng nhảy vọt, cuối cùng đã xử lý được trên diện rộng hầu hết những vấn đề thách thức sự tồn vong của loài người suốt chiều dài lịch sử trong các thế kỷ qua như dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh bạo lực… do đó trong tương lai, loài người sẽ hướng đến xây dựng hạnh phúc, tìm kiếm sự trường sinh và cả những thành tựu thần kỳ, khiến loài người tiến gần đến Thượng đế hơn (Deus là thần linh, thượng đế. Homo deus chỉ một giống người siêu việt trong tương lai) bằng công nghệ gene và thuật toán.
Có lẽ hơi tham vọng, hoặc quá sức viển vông, nhưng tương lai luôn được dự đoán và hướng đến bằng những tầm nhìn lớn, như Elon Musk với mong muốn đưa loài người chiếm lĩnh và định cư trên sao Hỏa vậy. Hiện tại, loài người vẫn còn nhiều vấn đề trên Trái đất phải giải quyết như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên… cũng như những mâu thuẫn trong cộng đồng xã hội và quốc tế trước khi có thể đồng tâm tự biến đổi giống loài của mình. Dù sao đây cũng là một quyển sách hấp dẫn và kỳ thú, không chỉ là trí tưởng tượng vô định như sách hư cấu mà được diễn giải và dựa trên cơ sở khoa học và lịch sử.
3. NGUYEN BICH review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Remark “Lược Sử Tương Lai” để chuẩn bị đọc “21 Bài Học Thế Kỷ 21”:
– “Nghiên cứu lịch sử sẽ không bảo cho ta biết phải chọn gì, nhưng ít nhất nó cho ta nhiều lựa chọn”
– “ Lịch sử không phải là một câu chuyện duy nhất, mà là hàng nghìn câu chuyện khác nhau. Mỗi khi ta chọn kể một câu chuyện, tức là ta cũng chconj bắt hàng nghìn câu chuyện khác phải im” -> hết thắc mắc sách giáo khoa lịch sử hay gây tranh cãi 🙃
– “Thế giới hiện đại không tin vào mục đích, chỉ tin vào nguyên nhân thôi. Nếu cuộc sống hiện đại có một phương châm, thì đó chính là “ Cái c*t gì cũng có thể xảy ra”… Chúng ta có thể làm bất kì những gì chúng ta muốn – miễn là tìm ra cách. Chúng ta chỉ bị giới hạn bởi sự ngu dốt của chính mình”. 🤣
– “Kẻ thù thực sự của nền kinh tế hiện đại là sự sụp đổ của hệ sinh thái… Thành công trong tương lai không được đảm bảo bằng một quy luật tự nhiên nào cả… nếu như trước đây chỉ cần phat minh ra một cái gì đó tuyệt vời mỗi thế kỷ là đủ thì ngày nay phải tìm điều kì diệu đó cứ 2 năm một lần”
– “Lịch sử không có công lý… Ngay cả nếu mọi việc đã tồi tệ hơn và khoa học không thể trì hoãn trận đại hồng thuỷ, thì các kỹ sư vẫn có thể chế tạo ra một chiếc thuyền Noal công nghệ cao cho tầng lớp thượng lưu trong khi để mặc hàng tỷ người khác chết đuối” -> mk sẽ chết chắc nếu có đại hồng thuỷ 😭
– “Trong thế kỷ 18, chủ nghĩa nhân văn hất cẳng Chúa bằng cách đổi từ một thế giới quan lấy thần linh làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm. Trong thế kỷ 21, chủ nghĩa dữ liệu có thể hất cẳng con người bằng cách đổi từ một thế giới quan lấy con người làm trung tâm sang lấy dữ liệu làm trung tâm” -> xu thế Big Data, Internet of Things!🤖
4. NGUYỄN THÀNH TIẾN review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Tiếp nối thành công của Sapiens, Harari lại viết tiếp cuốn Lược sử tương lai, với những tiên đoán cho tương lai nhân loại dựa trên xu hướng lịch sử vốn có của Homo sapien, dựa trên những đặc điểm nhân cách của loài người thông minh….đây vẫn là 1 cuốn sách best seller, và là cuốn sách đáng đọc, dù rằng nó lặp lại khá nhiều những nội dung trong Sapiens!
Harari đưa ra những dự đoán về sự phát triển của AI và ảnh hưởng của nó đến tương lai loài ng – đây là chủ đề đang hot và được bàn luận nhiều trong giới học giả những năm gần đây…. Harari có cái nhìn lạc quan về AI, ít ra là lạc quan hơn so với những học giả xem AI là thảm họa….thế giới tương lai trong dự đoán của Harari là nơi của những siêu nhân, những con ng biến đổi, đồng hóa với AI thành thực thể mới – Homo deus! AI giúp loài ng (dĩ nhiên là chỉ 1 nhóm nhỏ) vượt qua bệnh tật, sự lão hóa và giới hạn của bộ não để có cuộc sống vĩnh cửu!….so với những học giả cho rằng AI sẽ đưa nhân loại đến chỗ diệt vong thì rõ ràng thế giới của Harari vẫn còn là màu hồng….tuy nhiên, vì ko có công bằng cho tất cả, nên với đa phần ng dân trên trái đất, kết cục như vậy vẫn là màu xám ảm đạm….
Với những ai tò mò về tương lai nhân loại, muốn tìm hiểu về xu hướng phát triển nhân loại thì vẫn nên tìm đọc Homo deus….hoặc nếu bạn ko quan tâm đến những vấn đề trên, thì đây vẫn là cuốn sách bạn nên đọc, vì AI chỉ là 1 phần của cuốn sách….Harari còn đề cập đến tôn giáo tương lai, niềm tin tương lai, hạnh phúc tương lai, nhân sinh quan tương lai…. vì vậy, hãy đọc để chuẩn bị cho tương lai – ngay từ bây giờ!
5. HIEN XUAN review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
“Homo Deus : Lược sử tương lai” là tiếp nối cuốn sách “Homo Sapiens : Lược sử loài người” của cùng tác giả. Cá nhân luôn rất thích cách nhìn và đặt vấn đề của tác giả trong hai tập sách. “Homo Sapiens” nhờ khả năng tương tác & sáng tạo của mình đã đạt tới mức phát triển chưa từng có trong lịch sử. Nhưng cùng với sự phát triển của mình con người cũng phải đối mặt với những vấn đề mới, liệu sự phát triển sẽ đưa con người tới cuộc sống mình hằng mong muốn hay chúng ta rồi sẽ bị thay thế bởi máy móc hay bị thống trị bởi số ít “con người siêu nhân”, con người với sự p hát triển sẽ thỏa mãn với cuộc sống của mình hay chúng ta đang bị đắm chìm trong sự phát triển công nghệ mà dần đánh mất ý nghĩa cuộc sống mà trong những thòi đại trước con người luôn cố tìm kiếm….. Vô vàn khả năng tác giả đưa ra và có những đánh giá của mình trong cuốn sách. Rất đáng để suy ngâm 😀
6. CAM ORANGE review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
[REVIEW BOOK] HOMO DEUS- LƯỢC SỬ TƯƠNG LAI. Yuval Noah Harari
Mình đã dành hẳn một tháng trong Tết để nghiền ngẫm quyển sách được rất nhiều bạn trên Instagram của mình đọc. Một thể loại sách mình rất ít khi đọc đến, nhưng phải thú nhận rằng quyển sách rất hay và thú vị đến nỗi mình không bỏ xuống được. Và có lẽ rất lâu rồi mình mới có cảm giác đọc chậm thật chậm vì sợ đọc xong không còn gì để đọc.
Mình không biết bao lâu rồi mình không còn ngồi xuống để xem những tin tức thời sự quốc tế hay nghe radio về những trận chiến dai dẳng ở Iraq. Và nếu đến giờ mà vẫn còn coi thì thú thực mình cũng không chắc có được góc nhìn toàn cảnh và khách quan cả cuộc chiến hay là những điều vẫn đang vận hành trên hành tinh của chúng ta. Vậy mà quyển sách này lại làm được điều đó. Hơn 500 trang sách đã cho người đọc một cái nhìn bao quát những gì đang xảy ra trên Hành tinh này và những điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai, dựa vào chính xác những gì đang ngầm hoặc hiện hữu xảy ra trên thực tế. Nếu 10 năm trước đây quyển Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman đang làm mình WOW thì quyển Lược sử tương lai của Yuval Noah Harari cũng tương tự, nhưng những cảnh báo của quyển sách thì làm người đọc không dám nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp như quyển Thế giới phẳng. Và nếu như bạn nào cũng đang đọc lại Thế giới phẳng thì thật sự bạn sẽ thấy quyển sách đã có tính lịch sử, chính là nhân chứng cho việc toàn cầu hoá nhanh chóng, 10 yếu tố làm phẳng nay đã lỗi thời, đúng như những gì Yuval Noal Harari đã viết: Ai mà biết được hai lăm năm sau điều gì sẽ xảy ra chứ, khi kể về kỷ niệm năm 1993 lần đầu tác giả được thấy bạn mình kết nối internet bằng dây cáp điện thoại.
Vậy có lý do gì để không tin rằng sự bất tử, hạnh phúc và các năng lực thần thánh sẽ không được hiện thực hoá trong 25 năm, 50 năm tiếp theo?
“ Mọi người thường sợ sự thay đổi vì họ sợ cái họ không biết. Nhưng cái bất biến vĩ đại nhất của lịch sử là mọi thứ đều thay đổi”
Trong quyển Sapiens Lược sử loài người, có một nhận định rất hay và rất đúng, đó là “ Ngày nay đa phần mọi người trong xã hội công nghiệp không cần phải biết nhiều về giới tự nhiên để tồn tại… bạn cần biết rất nhiều về lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, còn phần lớn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống bạn dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia khác”.
Tuy nhiên, tác giả đã chứng minh kiến thức chuyên môn hẹp của mình không hề “hẹp” một chút nào, 500 trang sách cho người đọc một lượng thông tin khổng lồ từ lịch sử, tôn giáo, chính trị, sinh học, các công nghệ mới, đưa ra một cái nhìn logic toàn cảnh với văn phong trau chuốt, cô đọng cũng như hài hước khiến người đọc rất dễ thở khi bước vào cuộc hành trình đi tìm tri thức mới. Còn nội dung thì có lẽ không nên bàn nhiều, cách tiếp cận của tác giả là điều mình thấy khâm phục và rất đáng học hỏi nếu bạn nào đang ở các lĩnh vực mang tính nghiên cứu. Cách tác giả đặt vấn đề, đưa ra các dẫn chứng lịch sử, những nghiên cứu khoa học để chứng minh mệnh đề, lối dẫn dắt khéo léo tài tình giúp liên kết các mệnh đề lớn với nhau, và đi đến kết luận là những quan điểm của tác giả khiến người đọc phải tấm tắc gật gù.
Một quyển sách hay, một bản dịch xuất sắc, tuy nhiên còn một số ít lỗi biên tập, nhưng rất xứng đáng có trong tủ sách của mỗi người.
Lần đầu mình viết review có gì sai sót mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người ạ.
7. SOPHIA TRAN review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Nhiều điều đọng lại sau khi đọc xong cuốn sách về tương lai của cái gọi là Dataism : sự chuyển dịch từ thế giới quan lấy con người làm trung tâm sang lấy dữ liệu làm trung tâm:
“Nếu chúng ta thực sự mở rộng tầm nhìn về sự sống, thì tất cả vấn đề đều bị che phủ bởi 3 quá trình:
- Khoa học đang qui tụ về 1 tính điều bao trùm (chủ nghĩa dữ liệu), cho rằng sinh vật là thuật toán, sự sống là quá trình xử lý dữ liệu.
- Trí tuệ đang tách khỏi ý thức.
- Các thuật toán phi ý thức nhưng trí tuệ cao có thể chẳng mấy chốc sẽ biết chúng ta rõ hơn ta biết chính mình”
8. NGUYỄN LINH review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Rất khó để đánh giá về cuốn Homo Deus – Lược Sử Tương Lai của Yuval Noah Harari, thực sự rất khó, bởi lẽ cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề mới nhất của thế giới đương đại, và một dự đoán về một tương lai mà chúng ta cũng rất khó có thể tưởng tượng ra.
Ở một góc độ nào đó, theo một thống kê mình được biết, trang BookMarks đã cho biết hơn 40% người bình cho rằng cuốn sách là điên rồi, trong đó gần 30% nhận xét đó là một cuốn sách gợi lên những suy nghĩ tích cực. Những nhận định của nhiều người làm cho chúng ta ngày càng cảm thấy hoang mang: Liệu Homo Deus – Lược Sử Tương Lai của Yuval Noah Harari nên được nhìn nhận như thế nào?
Về mặt cá nhân, mình cho rằng đây là một cuốn sách tích cực. Chúng ta liệu có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tiếp theo? Chúng ta có thể biết những gì diễn ra trong cuộc sống trong 10 hay 20 năm nữa? Rất khó để biết. Nhưng, cũng như Marx khi dựa vào phép biện chứng duy vật lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được tương lai dựa trên những phân tích quá khứ và thực tại, diễn tiến của chuỗi quá trình. Bản thân Yuval Noah Harari đã vận dụng rất tốt điều đó vào trong cuốn sách khi vạch ra cho chúng ta những gì sẽ diễn ra, hoặc bản thân chúng đã diễn ra, và chúng ta phải thích ứng với sự thật như thế.
Nhưng, với bản thân lý trí, tôi cho rằng những viễn cảnh và nguy cơ mà Yuval Noah Harari đưa ra không thực sự đúng đắn, hay đúng hơn là phóng đại hóa những gì đã diễn ra. Con người trong thế giới đương đại, những Homo sapiens của đương đại, rất khó có thể trở thành Homo Deus vào cuối thế kỷ này, hoặc đến tận khi bước vào những giây phút cuối cùng của thế kỷ, những Homo Deus mà ta vẫn tưởng vẫn chỉ là Homo sapiens, Homo sapiens của tương lai.
Bởi lẽ, sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất, năng lượng để thúc đẩy quá trình trao đổi lượng-chất ấy đủ lớn để vượt ra khỏi điểm nút, bản thân mình vẫn chưa thấy thuyết phục.
9. TUYET review sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Update 22/11/2020: Hôm qua tâm trạng hơi tệ nên nhận xét hơi tiêu cực. Ngẫm lại thì mình cũng khá thích cuốn sách này, ấn tượng nhất là khi tác giả viết về chuyển biến giữa các thời kỳ văn học, từ những anh hùng ca tráng lệ tới những câu chuyện về đời sống cá nhân vặt vãnh của người bình thường. Bỗng nhiên mình hiểu được tại sao các nhà phê bình đề cao James Joyce tới thế. Văn chương của ông là một bước tiến lớn, là nền tảng cho những tác phẩm sau này. Lần sau khi đọc văn của James Joyce mình sẽ bớt cảm thán “chẳng hiểu sao người ta ca ngợi ông này tới vậy”. Vì người tiên phong thì xứng đáng được ghi công.
Nghe danh Yuval Noah Harari đã lâu, ấn tượng với ông qua bài viết về thời kỳ hậu Covid khá thú vị, nhưng thực sự đọc cuốn này quá mệt mỏi. Đi từ quá khứ tới tương lai, Yuval Noah Harari vẽ một viễn cảnh thực sự kinh khủng, tưởng rằng rất xa nhưng cũng rất gần. Giọng văn châm biếm và tiêu cực thực sự khiến tôi muốn tránh xa cuốn sách này.
Thật đáng tiếc khi tôi từng đọc được một nhận xét rằng Yuval Noah Harari là một tác giả viết theo kiểu cố tình định hướng dư luận, và quá đại trà. Tôi không có định kiến gì với những tác giả best seller nhưng thực sự nhận xét trên đã ảnh hưởng khá nhiều tới tâm trạng của tôi khi đọc cuốn này. Mood down. Haiz dạo này đọc sách mà không hiểu sao cứ có cảm giác bực mình trong người… Chắc vì có cảm giác bị nhét chữ, nhét quan điểm vào đầu. Cảm giác bị động, thực sự không vui nổi.
III. Trích dẫn sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Những trích dẫn hay trong sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
“Khám phá khoa học vĩ đại nhất là phát hiện ra sự thiếu hiểu biết. Một khi con người nhận ra họ biết rất ít về thế giới, họ đột nhiên có một lý do rất chính đáng để tìm kiếm kiến thức mới, mở ra con đường khoa học để tiến bộ.”
“Nghiên cứu lịch sử có nghĩa là quan sát sự thêu dệt và tan rã của những mạng lưới này, và nhận ra rằng có những điều rất mực quan trọng đối với những người một thời nào đó sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa đối với hậu duệ của họ.”
“Chúng ta không trở nên hài lòng bằng cách dẫn dắt một cuộc sống hòa bình và thịnh vượng. Thay vào đó, chúng ta trở nên hài lòng khi thực tế phù hợp với mong đợi của chúng ta. Tin xấu là khi điều kiện được cải thiện, kỳ vọng sẽ tăng lên.”
“Một khi Google, Facebook và các thuật toán khác trở thành những nhà tiên tri biết tuốt, chúng rất có thể sẽ tiến hoá thành người đại diện và cuối cùng là các vị vua cai trị.”
“Phản ứng phổ biến nhất của tâm trí con người đối với thành tích không phải là sự hài lòng, mà là khao khát nhiều hơn nữa.”
“Lịch sử không phải là một câu chuyện duy nhất, mà là hàng ngàn câu chuyện khác nhau. Mỗi khi ta chọn kể một câu chuyện, tức là ta cũng chọn bắt hàng ngàn câu chuyện khác phải lặng im.”
“Vào năm 2012, khoảng 56 triệu người đã chết trên khắp thế giới, 620.000 người trong số họ đã chết vì bạo lực của con người (chiến tranh đã giết chết 120.000 người và tội phạm đã giết chết 500.000 người khác). Ngược lại, 800.000 người đã tự tử và 1,5 triệu người chết vì bệnh tiểu đường. Nó nguy hiểm hơn cả thuốc súng. “
“Trước đây, kiểm duyệt hoạt động bằng cách ngăn chặn luồng thông tin. Trong thế kỷ hai mươi mốt, kiểm duyệt hoạt động bằng cách làm cho mọi người tràn ngập thông tin không liên quan.”
Trích đoạn sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai
Những vấn đề mới cần giải quyết của loài người
Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, con người thức dậy, duỗi tứ chi và dụi mắt. Tàn dư của một cơn ác mộng kinh hoàng nào đó vẫn còn trôi qua tâm trí. “Có cái gì đó với dây thép gai và những đám mây hình nấm khổng lồ. Ôi dào, chỉ là một cơn ác mộng thôi mà”. Bước vào nhà tắm, con người rửa mặt, xem xét các nếp nhăn của mình trong gương, pha một cốc cà phê và mở nhật ký. “Để xem danh sách các vấn đề giải quyết hôm nay có gì nào”.
Mấy nghìn năm, câu trả lời cho câu hỏi này không hề thay đổi. Vẫn ba vấn đề đó luẩn quẩn trong tâm trí dân Trung Hoa thế kỷ 20, dân Ấn Độ trung đại và dân Ai Cập cổ đại. Nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh lúc nào cũng đứng đầu bảng. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, loài người đã khẩn cầu mọi thánh thần, đã phát minh vô số công cụ, thể chế và hệ thống xã hội – nhưng họ vẫn chết hàng triệu người vì đói kém, bệnh tật và bạo lực. Rất nhiều nhà tư tưởng và nhà tiên tri đã kết luận rằng nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh hẳn phải là một phần không thể tách rời trong kế hoạch vũ trụ vĩ đại của Chúa Trời hoặc trong bản chất bất toàn của chính chúng ta, và chỉ có tận thế mới giải thoát ta khỏi ba tai ương ấy.
Thế nhưng vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, con người thức dậy bắt đầu nhận ra một thực tế đáng kinh ngạc. Phần lớn mọi người ít khi nghĩ về điều đó, nhưng trong vài thập niên trở lại đây chúng ta đã ghìm cương được nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh. Dĩ nhiên, các vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, nhưng chúng đã biến từ những thế lực tự nhiên khó hiểu và không thể chế ngự nổi thành các thử thách có thể kiểm soát được. Chúng ta không cần phải cầu xin bất cứ thánh thần nào đến giải cứu. Chúng ta biết khá rõ cần phải làm gì để phòng ngừa nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh – và chúng ta thường thành công.
Đúng, vẫn có những thất bại rành rành; nhưng khi đối diện với những thất bại đó chúng ta không còn nhún vai mà nói: “Ừ, trong thế giới bất toàn này thì chuyện đời là thế” hay “Đó là ý Chúa được thực thi”. Thay vào đó, khi nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh vượt tầm kiểm soát, chúng ta cảm thấy là ai đó hẳn đã mắc lỗi, rồi ta lập ủy ban điều tra, tự hứa là lần sau sẽ làm tốt hơn. Và giải pháp này thực sự có hiệu quả. Những thảm họa như thế diễn ra ngày một thưa thớt hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày nay có nhiều người chết vì ăn quá nhiều hơn là ăn quá ít; nhiều người chết vì tuổi già hơn vì các bệnh truyền nhiễm; và nhiều người tự tử hơn là bị giết bởi quân lính, những kẻ khủng bố và tội phạm cộng lại. Đầu thế kỷ 21, thường thì người ta dễ chết vì bội thực đồ ăn McDonald hơn là vì hạn hán, vi-rút Ebola hay một cuộc tấn công của al-Qaeda.
Thế nên dẫu khủng hoảng kinh tế và xung đột vũ trang vẫn chiếm trọn lịch làm việc của các tổng thống, CEO và tướng lĩnh, xét trên bình diện lịch sử rộng lớn thì nhân loại đã có thể ngước mắt hướng tới những chân trời mới. Nếu quả thật chúng ta đã kiểm soát được nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh, thì điều gì sẽ thay thế chúng đứng đầu danh sách ưu tiên giải quyết của loài người? Như những người lính cứu hỏa trong một thế giới không có hỏa hoạn, nhân loại trong thế kỷ 21 cần tự hỏi mình một câu hỏi chưa từng có tiền lệ: chúng ta sẽ làm gì với bản thân mình đây? Trong một thế giới khỏe mạnh, giàu có và hòa bình, điều gì sẽ chiếm lĩnh sự chú ý và tài khéo léo của chúng ta? Câu hỏi này trở nên bội phần cấp thiết bởi công nghệ sinh học và công nghệ thông tin đang trang bị cho chúng ta những năng lực mới vô cùng lớn. Chúng ta sẽ làm gì với tất cả những năng lực đó?
Trước khi trả lời câu hỏi này, ta cần nói thêm vài lời về nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh. Nhiều người có thể sẽ cho rằng tuyên bố chúng ta đang kiềm chế được chúng là phi lý, cực kỳ ngây thơ hay thậm chí tàn nhẫn. Thế còn hàng tỷ người đang vật lộn để kiếm sống với thu nhập dưới 2 đô-la mỗi ngày thì sao? Thế còn cuộc khủng hoảng AIDS đang diễn ra ở châu Phi, hay những cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở Syria và Iraq? Để giải đáp những băn khoăn này, ta hãy cùng nhìn lại kỹ hơn thế giới ở đầu thế kỷ 21, trước khi khám phá những vấn đề con người phải đối mặt trong những thập kỷ tiếp theo.
Ngưỡng nghèo sinh học
Hãy bắt đầu với nạn đói, kẻ thù ghê gớm nhất của loài người hàng nghìn năm qua. Cho đến gần đây, phần lớn loài người sống ở sát ngưỡng nghèo sinh học, mà dưới ngưỡng đó thì con người bị suy dinh dưỡng và đói ăn. Một lỗi lầm nhỏ hoặc một chút xui xẻo cũng có thể dễ dàng trở thành án tử cho cả gia đình hay cả làng. Nếu mưa lớn phá hoại vụ lúa mì, hay kẻ cướp nẫng mất đàn dê, bạn và người thân của bạn rất có thể sẽ chết đói. Xui xẻo hay ngu dốt trên diện rộng có thể dẫn đến nạn đói lan tràn. Khi hạn hán nghiêm trọng ập xuống Ai Cập cổ đại hay Ấn Độ trung đại, không có gì lạ khi 5 hay 10% dân số bỏ mạng. Lương thực trở nên thiếu thốn; dịch vụ vận tải quá chậm chạp và đắt đỏ nên không thể nhập đủ thực phẩm; còn chính quyền thì quá yếu kém, không có khả năng cứu trợ.
Mở bất cứ quyển sách lịch sử nào bạn cũng dễ dàng bắt gặp những mô tả kinh hoàng về những vùng dân cư thiếu ăn, phát rồ vì đói. Vào tháng 4/1694, một viên chức Pháp ở thị trấn Beauvais mô tả tác động của nạn đói và giá lương thực tăng vọt, nói rằng cả quận của ông ta giờ la liệt “những con người thê thảm, lả đi vì đói khổ và chết mòn vì thiếu thốn, bởi chẳng có công ăn việc làm nào cả, nên họ không có tiền mua bánh mì. Tìm cách kéo dài sự sống thêm chút nữa và để phần nào làm dịu cơn đói, những cư dân tội nghiệp này ăn những thứ bẩn thỉu như lũ mèo hay thịt của những con ngựa bị lột da và vứt vào đống phân. [Số khác liếm láp] phần máu chảy từ những con bò bị giết thịt và những bộ lòng mà các đầu bếp ném ra đường. Những con người tội nghiệp khác ăn cây tầm ma và cỏ dại, hay rễ cây và lá lẩu luộc”.
Những cảnh tương tự diễn ra trên khắp nước Pháp. Thời tiết xấu phá hoại mùa màng khắp vương quốc trong hai năm trước đó, thế nên đến mùa xuân năm 1694 các kho lương thực đã hoàn toàn trống rỗng. Giới nhà giàu tính giá cắt cổ cho bất cứ loại thực phẩm nào họ tích trữ được, còn người nghèo chết cả đám. Khoảng 2,8 triệu người Pháp – 15% dân số – chết đói từ năm 1692 đến năm 1694, trong lúc Vua Mặt Trời Louis XIV vẫn đang hú hí với các nhân tình trong điện Versailles. Năm tiếp theo, 1695, nạn đói tấn công Estonia, giết chết 1/5 dân cư. Năm 1696, đến lượt Phần Lan mất khoảng 1/4 đến 1/3 số dân. Scotland chịu nạn đói trầm trọng từ năm 1695 đến 1698, một số quận chết đến 20% dân cư.*
Phần lớn những người đọc sách này chắc cũng biết cảm giác khi lỡ bữa trưa, khi nhịn ăn trong một ngày lễ tôn giáo nào đó, hay khi sống vài ngày bằng sinh tố rau để giảm cân theo một chế độ ăn kiêng mới lạ. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi ròng rã mấy ngày không được ăn và chẳng biết lúc nào mới kiếm được mẩu thức ăn tiếp theo? Hầu hết người dân thời nay chưa bao giờ trải qua sự hành hạ tàn bạo này. Tổ tiên của chúng ta, hỡi ôi, lại biết điều này quá rõ. Khi họ kêu Trời: “Hãy cứu vớt chúng con khỏi cơn đói!”, thì đây chính là điều ở trong tâm trí họ.
Trong vài trăm năm trở lại đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế và chính trị đã tạo ra một tấm lưới an toàn ngày càng chắc chắn ngăn cách nhân loại khỏi ngưỡng nghèo sinh học. Những nạn đói trên diện rộng vẫn tấn công một số vùng lúc này lúc khác, nhưng chúng là ngoại lệ, và thường thì chúng đều bắt nguồn từ nguyên do chính trị chứ không phải thảm họa tự nhiên. Trên Trái đất không còn có nạn đói do tự nhiên nữa, mà chỉ có nạn đói do chính trị. Nếu dân cư ở Syria, Sudan hay Somalia chết đói, thì đó là do có một chính trị gia nào đó muốn họ chết đói.
Ở hầu khắp các vùng trên hành tinh này, ngay cả khi người nào đó bị mất việc và toàn bộ tài sản thì anh ta cũng khó mà chết đói. Các gói bảo hiểm cá nhân, các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế có thể không giúp được anh ta thoát nghèo, nhưng họ sẽ cấp cho anh ta đủ lượng calo hằng ngày để tồn tại. Trên diện rộng, hệ thống giao thương quốc tế biến hạn hán và lũ lụt thành các cơ hội buôn bán, khiến tình trạng thiếu lương thực có thể nhanh chóng được giải quyết và không tốn kém. Ngay cả khi chiến tranh, động đất hay sóng thần phá hủy cả đất nước, các nỗ lực quốc tế vẫn thường ngăn chặn thành công nạn đói. Mặc dù hàng trăm triệu người vẫn bị đói mỗi ngày, nhưng ở hầu khắp các nước, rất ít người thực sự chết vì đói.
Nghèo đói dĩ nhiên gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe khác và nạn suy dinh dưỡng làm giảm tuổi thọ ở ngay cả những nước giàu có nhất hành tinh. Ví dụ như ở Pháp, 6 triệu người (khoảng 10% dân số) bị mất an ninh dinh dưỡng. Họ thức dậy mỗi sáng không biết bữa trưa sẽ có gì ăn hay không; họ thường ôm bụng đói đi ngủ; và những thứ họ kiếm được lại không cân bằng về dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe – nhiều tinh bột, đường và muối, không đủ đạm và vitamin.* Thế nhưng mất an ninh dinh dưỡng không phải là nạn đói, và nước Pháp đầu thế kỷ 21 không phải nước Pháp năm 1694. Ngay cả trong những khu ổ chuột tồi tệ nhất quanh Beauvais hay Paris, người ta không chết vì không có gì bỏ mồm suốt nhiều tuần liền.
Biến chuyển này cũng đã xảy ra ở rất nhiều quốc gia, đáng kể nhất là Trung Hoa. Trong nhiều thiên niên kỷ, nạn đói đeo bám mọi chế độ Trung Hoa, từ triều đại của Hoàng Đế cho đến thời kỳ của Đảng Cộng sản. Vài thập kỷ trước, nhắc đến “Trung Hoa” người ta nghĩ ngay đến thiếu lương thực. Hàng chục triệu người Trung Hoa chết đói trong cuộc Đại Nhảy Vọt khốc hại, còn các nhà chuyên môn khi ấy đưa ra dự đoán thường lệ là nạn đói sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Vào năm 1974, Hội nghị Lương thực Thế giới họp lần đầu tiên tại Rome và các phái đoàn được nghe những kịch bản tận thế. Người ta nói sẽ chẳng có cách nào để Trung Hoa nuôi sống nổi một tỷ dân của họ, rằng đất nước đông dân nhất thế giới đang tiến đến hồi diệt vong. Thế nhưng, nước này lại đang tiến đến phép màu kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử. Từ năm 1974, hàng trăm triệu người Trung Hoa đã thoát khỏi đói nghèo, và mặc dù vẫn còn hàng trăm triệu người nữa chịu khổ vì thiếu thốn và suy dinh dưỡng, nhưng lần đầu tiên kể từ khi lịch sử được ghi chép lại, Trung Hoa giờ đã thoát hẳn khỏi nạn đói.
Trên thực tế, ở hầu hết các nước ngày nay, ăn quá nhiều đã trở thành một vấn nạn lớn hơn nhiều so với nạn đói. Vào thế kỷ 18, nghe đâu Marie Antoinette* đã khuyên quần chúng đang đói khát rằng nếu họ hết bánh mì thì cứ ăn bánh ngọt thay vào. Ngày nay, người nghèo đang làm theo lời khuyên ấy chính xác đến từng chữ. Trong khi những cư dân giàu có vùng Beverly Hills ăn gỏi xà lách và đậu phụ hấp với hạt diêm mạch (quinoa), thì ở các khu ổ chuột người nghèo ngấu nghiến bánh Twinkie, bim bim Cheetos, hamburger và pizza. Vào năm 2014, có hơn 2,1 tỷ người bị quá cân, so với 850 triệu người bị suy dinh dưỡng. Người ta dự đoán một nửa dân số thế giới sẽ bị quá cân trước năm 2030.* Vào năm 2010, nạn đói và suy dinh dưỡng giết khoảng 1 triệu người, trong khi bệnh béo phì khiến 3 triệu người chết.*
Những binh đoàn vô hình
Sau nạn đói, kẻ thù lớn thứ hai của loài người là dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm. Những thành phố náo nhiệt kết nối với nhau bằng một dòng chảy bất tận các thương gia, viên chức và người hành hương vừa là nền tảng của văn minh nhân loại vừa là nơi lý tưởng nuôi dưỡng các mầm bệnh. Hệ quả là những người sống ở Athens cổ đại hay Florence trung đại biết rằng mình có thể ngã bệnh và chết trong tuần tới, hoặc một dịch bệnh có thể bất ngờ bùng phát và tiêu diệt cùng lúc cả gia đình.
Trận dịch hạch bùng phát khét tiếng nhất được mệnh danh là Cái Chết Đen, bắt đầu từ những năm 1330 ở đâu đó trong vùng Đông hoặc Trung Á, nơi loài vi khuẩn sống ký sinh ở bọ chét Yersinia pestis bắt đầu truyền bệnh cho những người bị bọ chét cắn. Từ đó, cưỡi lên một quân đoàn chuột và bọ chét, dịch bệnh nhanh chóng lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Phi, rồi mất chưa tới 20 năm để tới tận bờ biển Đại Tây Dương. Khoảng 75 đến 200 triệu người chết – quá 1/4 dân số lục địa Á-Âu. Ở Anh, cứ 10 người thì có 4 người chết, và dân số tụt từ mức 3,7 triệu trước đại dịch còn 2,2 triệu sau dịch. Thành phố Florence mất 50 nghìn trong số 100 nghìn cư dân.*
Người Trung cổ nhân cách hóa Cái Chết Đen thành một thế lực ác quỷ kinh hoàng ngoài tầm kiểm soát hay hiểu biết của con người.
Chính quyền hoàn toàn bất lực trước thảm họa. Ngoài việc tổ chức các buổi cầu nguyện và các đám rước tập thể, họ chẳng biết làm thế nào để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan – nói chi đến chữa trị. Cho đến thời cận đại, con người vẫn đổ lỗi dịch bệnh cho không khí xấu, ma quỷ ác độc và thần linh giận dữ, mà không hề nghi ngờ sự hiện diện của vi khuẩn và vi-rút. Người ta sẵn sàng tin vào thần tiên, nhưng không thể tưởng tượng được rằng một con bọ tí hon hay một giọt nước duy nhất có thể chứa cả binh đoàn khổng lồ những kẻ săn mồi chết chóc
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai – Yuval Noah Harari. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!