Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Haruki Murakami
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 272
Ngày Xuất Bản 05-2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà gồm 7 câu chuyện:

  • Drive my car,
  • Yesterday,
  • Cơ quan độc lập,
  • Scheherazade,
  • Kino,
  • Samsa đang yêu,
  • Những người đàn ông không có đàn bà.

Cả bảy truyện đều bình tĩnh đến kỳ lạ.

Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu; dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông, dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.

Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. Hoàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.

Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời.

Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên.

Những người đàn ông không có đàn bà là tập truyện ngắn mới nhất ra đời sau chín năm kể từ tập truyện ngắn Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo, xuất bản năm 2005.

Những người đàn ông không có đàn bà không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm. Mô-típ của tập truyện Tất cả con của Chúa đều nhảy là trận động đất Kobe năm 1995, còn của Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo là những câu chuyện bí ẩn xung quanh những người sống ở đô thị. Mô-típ của tập truyện này là những người đàn ông không có đàn bà.

Một số thông tin về nhà văn Murakami Haruki

Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).

II. Review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé!

1. NGUYỄN review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

** 23/05/2019 **

“Những người đàn ông không có đàn bà” – Haruki Murakami

Nhưng dù có hiểu nhau thế nào, dù có yêu say đắm thế nào đi nữa thì tôi e rằng, nhìn thấu trái tim người khác là điều không thể. Đòi hỏi này chỉ khiến bản thân đau khổ mà thôi. Tuy nhiên, nếu là trái tim của mình thì chỉ cần nỗ lực thôi là có thể nhìn thấu được. Vì vậy, rốt cuộc điều chúng ta phải làm chẳng phải là thu xếp một cách ổn thỏa và thành thật với chính trái tim mình hay sao. Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thẳng, thật sâu vào chính con người mình.” – trang 39.

“... giống như bác sĩ trị liệu hay nhà truyền giáo, người làm nghề viết lách có quyền (hay nghĩa vụ) chính đáng để nghe tâm sự của người khác.” – trang 103.

Viết cảm nhận về một cuốn sách nào đó, nhất là những cuốn của Haruki, mình luôn thích bắt đầu bằng những trích dẫn (mình thích) trong sách. Vì khi bắt đầu như thế, cho cảm giác “thuận” hơn hơn trong việc đọc và chảy trôi hơn với việc viết của mình. Trích dẫn đầu ở trang 39, nó đúng với cảm nhận của mình. Tại thời điểm nào đó trong tuổi 19, mình nhận ra, việc hiểu người khác là điều không thể. Người ta chỉ có thể tự hiểu chính mình mà thôi. Bởi vô vàn những khác biệt trong hoàn cảnh, trong tư duy, trong lối sống suốt bao lâu nay, khiến con người chỉ có thể hiểu chính mình. Có chăng, nếu hiểu được người khác, điều đó sẽ chỉ là một lát cắt mỏng trong vô vàn suy nghĩ, cảm nhận của họ. Thế nên, việc cần làm là “nhìn thẳng, thật sâu vào chính con người mình”.

Một điều khiến mình thích đọc sách của Haruki Murakami, là sự kích thích mình đọc liên tục. Nghĩa là, mình có được sự tập trung, đọc liên tục vì mình bị cuốn theo mạch viết của ông bác. “Cứ như đang cắn thuốc”, mình mượn kia câu của anh Bắp ở review trên Goodreads để diễn tả về cảm giác khi mình đọc sách của ông bác (dù mình chưa chơi thuốc bao giờ, nhưng phê thuốc thì chắc cũng có nhiều điểm chung với việc đọc sách của ông bác). Mình thích gọi Haruki Murakami là ông bác.

Về “những người đàn ông không có đàn bà”, điều cần biết là, cuốn này không phải tiểu thuyết, mà nó gồm những truyện ngắn được viết theo kiểu “không đầu, không đuôi”, mình đang không biế diễn tả sao cho chuẩn… Nhưng nếu cậu đọc sách của Franz Kafka thì sẽ nhận ra điểm chung với cuốn này. Cũng dễ hiểu vì ông bác rất thích Kafka và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi Kafka. Đọc tới câu chuyện số 6 – “Samsa đang yêu” – sẽ rõ hơn về nhận định này, nếu trước đó cậu đã đọc “Hóa thân” của Kafka rồi. Tiện đây thì nếu cậu thích đọc sách của ông bác, thì đừng bỏ lỡ những tác phẩm của Kafka nhé.

Mình đã đọc ở đâu đó, người ta bảo rằng viết truyện ngắn khó hơn viết tiểu thuyết nhiều. Có lẽ thế thật. Đọc cuốn này, mình cảm giác vào thời điểm viết, Haruki “không là” tác giả của những tiểu thuyết mà ông bác “vẫn là”. Đúng như lời giới thiệu ở phía sau cuốn sách: “Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. Hoàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.” À, nhưng mình không đồng tình về việc cuốn này sẽ thích hợp để giới thiệu với một người “tránh” các tác phẩm của ông. Nếu để giới thiệu cho một người lần đầu bước chân vào thế giới do Murakami dựng lên, mình nghĩ sẽ là “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Lý do vì sao thì mình sẽ nói rõ hơn khi viết về “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Bật mí là, để hiểu những tác phẩm của một tác giả, thì bắt đầu từ việc hiểu hơn về con người tác giả sẽ là một cách hay ho (và thích hợp).

07 truyện ngắn trong “những người đàn ông không có đàn bà”:

  1. Drive my car
  2. Yesterday
  3. Cơ quan độc lập
  4. Scheherazade
  5. Kino
  6. Samsa đang yêu
  7. Những người đàn ông không có đàn bà

Tên cuốn sách được đề cập là “không có đàn bà”, nhưng điểm chung cả 7 câu chuyện, đều có sự xuất hiện hình ảnh của người đàn bà, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Cả 7 câu chuyện được kể chậm, đi sâu vào cảm xúc và len lỏi một sự buồn mỏng manh. Điểm qua cả 7 truyện ngắn, mình thích nhất là “Cơ quan độc lập”, kém hơn một chút là “Yesterday”. Cuối cùng là “Drive my car”, vì mình khó lòng cảm nhận được suy nghĩ của nhân vật ở câu chuyện này. À thắc mắc một chút tại sao ông bác lại để số 7 không biết nữa. Hay do ông bác cũng thích Harry Potter nhỉ =)))

Về những truyện ngắn trong cuốn này, có vài câu chuyện giống như ông bác đã được chứng kiến vào thời điểm nào đó ở quá khứ, và giờ công việc của ông bác là kể lại. (“Cơ quan độc lập” là một câu chuyện đặc sệt nhận định này). Ông bác đem câu chuyện của người khác, thuật lại với lời văn của bản thân. Ông bác dùng điểm mạnh của mình khi viết trên ngôi thứ nhất – “tôi” – kể lại câu chuyện. Viết tới đây mình chợt nhớ tới một đoạn thoại trong phim “Grand Budapest Hotel” thế này:

“Một sai lầm cực kỳ phổ biến, là mọi người nghĩ trí tưởng tượng của nhà văn luôn hoạt động và ông ta luôn sáng tạo ra một nguồn sự kiện và chương hồi vô hạn. Ông ta đơn giản có thể tưởng tượng ra các câu chuyện của mình. Vấn đề là ngược lại hoàn toàn. Khi công chúng biết bạn là nhà văn, họ mang nhân vật và sự kiện đến cho bạn. Và miễn là bạn vẫn giữ được khả năng quan sát và lắng nghe cẩn thận, các câu chuyện này sẽ tiếp tục tìm kiếm bạn trong suốt cuộc đời bạn. Người hay kể chuyện của người khác sẽ được nghe nhiều chuyện kể.”

Thực ra, mình nghiêng về suy nghĩ ông bác được nghe người khác kể chuyện trước khi ông bác trở thành nhà văn, vào thời điểm Murakami còn trẻ và đang hoạt động quán nhạc Jazz. Bởi ông bác tiềm ẩn sự lắng nghe khiến người tiếp xúc muốn đem câu chuyện của mình ra chia sẻ. Và về sau, khi ông trở thành nhà văn, điều thay đổi là số lượng câu chuyện được chia sẻ tăng lên.

Bởi việc bắt đầu những câu truyện này “không đầu, không đuôi” , nên mình cũng chỉ có thể nói về cảm nhận của mình khi đọc thôi. Mình chợt nghĩ, với những truyện ngắn này, ông bác hoàn toàn có thể túm lấy một truyện ngắn, tạo ra khoảng trống để đặt vào mạch của một cuốn tiểu thuyết. Chuyện này không phải không có, vì khi đọc từ “Lắng nghe tiếng gió hát” sang “Cuộc săn cừu hoang” sẽ thấy hai cuốn này có nhiều điểm tương đồng như nhân vật “Chuột”, “Cừu”, “bưu thiếp”. Trong khi đó, “Lắng nghe tiếng gió hát” là một câu chuyện ngắn, còn “Cuộc săn cừu hoang” là một cuốn tiểu thuyết với dung lượng khá lớn. Hoặc cũng có thể chẳng phải thế, chỉ đơn thuần là sự lặp lại chi tiết quen thuộc như ông bác vẫn viết. Ở những tiểu thuyết của Murakami, sự xuất hiện của nhạc cổ điển, nhạc Jazz, mèo là những yếu tố quen thuộc có thể kể tới trong Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Nauy,…

——-

Mình bắt đầu đọc cuốn này không phải từ câu chuyện số 1 – “Drive my car”, mà bắt đầu từ “Yesterday”. “Yesterday” được đặt theo tên của bài hát của The Beatles, nếu chưa nghe thì cậu có thể tìm nghe thử, vì bài hát rất hay. “Yesterday” là câu chuyện mang những yếu tố rất thực, nhưng kết thúc lại để trong lòng người đọc một khoảng lặng. Một hơi thở hít vào sâu và nhanh, nhưng phải chờ độ 2 giây sau mới có thể thở ra thật nhẹ và chậm.

Còn về “Cơ quan độc lập”, câu chuyện có thể tóm gọn như thế này ở lời đề tựa cuốn sách: “người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hàng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu;”. Rất khó để viết về “Cơ quan độc lập”, phần nào đó mình biết khi đọc xong truyện ngắn này, cảm xúc của mình như bị cứa vào theo một cách rất nhẹ nhàng.

Với những truyện ngắn khác, thì hãy tự đọc để cảm nhận nhé. Thực ra mình không có nhiều ấn tượng với những câu chuyện còn lại, nên để viết về 5 truyện ngắn còn lại mình sẽ để vào một dịp khác.

Xuyên suốt cả cuốn sách này, là suy tư của những người đàn ông về những người đàn bà. Cuộc đời của những người đàn ông sẽ thế nào nếu một người đàn bà bất chợt đến và biến mất không để lại một lời nhắn, nếu nhận tin vào 1 giờ sáng rằng người bạn gái năm 14 tuổi của mình tự tử, nếu ly dị bởi thấy vợ mình ngoại tình,… Đọc rồi mình biết được phần nào suy nghĩ của cánh đàn ông (hoặc đơn giản mình chỉ biết được suy nghĩ của ông tác giả thôi). Dù sao thì, cách Haruki Murakami viết, vẫn luôn khiến mình muốn lật giở sang trang tiếp theo. Thời điểm này mình thích những gì ông bác viết, nhưng cũng như mình đã nói, biết đâu đấy một sáng tỉnh dậy mình chẳng còn hứng thú gì với những điều ông bác viết ra nữa. Rất có thể.

———

Một bài cảm nhận sẽ phù hợp hơn nếu cậu đọc xong cuốn này rồi, chứ không phải với người đang đắn đo có nên tìm đọc hay không. Cảm ơn cậu vì đã đọc tới tận đây, hết hơn 1700 từ trong bài cảm nhận này của mình :3

2. NGỌC SÁNG review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Như một đứa trẻ lạc vào một thế giới của người lớn, có những đoạn, những chỗ sự siêu thực tác giả thể hiện, mình chẳng thể hiểu nổi, cũng chẳng thể cảm nổi chút nào. Có lẽ bản thân còn quá trẻ, trí óc còn quá non nớt để hiểu hết những trải nghiệm, những dụng ý sâu xa, hay thậm chí chỉ là tiếng than, những sự thật vốn dĩ đã được phơi bày hiển hiện trước mắt.

Câu chuyện về những người đàn ông không có đàn bà nhưng lại bủa vây xung quanh họ chính là đàn bà. Người ta trước giờ không biết vì lý do gì cứ nghĩ đàn bà mới là những người quy luỵ, thậm chí có phần dựa dẫm , trở thành món đồ chơi với đàn ông. Nhưng thật ra, biết đâu ấy, đàn ông mới thực sự là giống loài làm trò hề trong mắt phụ nữ. Với những ham muốn xác thịt, với nhục dục khó lòng kiểm soát. Tác phẩm tưởng như một bản tuyên ngôn về cuộc sống chẳng cần đàn bà của những người đàn ông nghĩ rằng sẽ làm chủ chính cuộc đời mình, nhưng hoá ra lại là bức tranh đa sắc màu về những người đàn ông chẳng thể thiếu nổi đàn bà.

Mình từ trước đến giờ đều nghĩ sẽ độc thân. Mình nhìn bìa sách tên tác phẩm với suy nghĩ tác phẩm sẽ là câu chuyện, sự phóng khoáng của những người đàn ông chẳng cần đàn bà. Nhưng than ôi, chẳng phải.

Một nhịp văn nhẹ nhàng đến trầm lặng, bình tĩnh đến lạ thường trong những con sóng đang cuộn trào. Sự đối lập giữa sự tĩnh của nhịp điệu với sự dữ dội của cảm xúc nhân vật, sự đối lập giữa đàn ông và đàn bà trong tác phẩm, sự đối lập giữa ham muốn xác thịt và cảm xúc bình dị, giữa thực tại không có đàn bà với ước vọng khao khát một người bàn bà tri kỉ đã tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm.

Song, có phải tính cách của bản thân (độc giả) khác nhiều quá so với vị thế của kẻ cầm bút, mình có chút hụt hẫng.

3. BACH TRAN QUANG review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

“Bỗng một ngày, bạn trở thành những người đàn ông không có đàn bà. Ngày đó bất thình lình ghé thăm nhà bạn mà không cho bạn bất kỳ cảnh báo hay gợi ý nào, không có linh cảm lẫn điềm báo, thậm chí còn chẳng buồn gõ cửa hay đằng hắng để bạn biết. Bạn mới qua một ngã rẽ và đã thấy mình ở đó.”

Trong tập truyện ngắn này, mình thích nhất là Kino và Scheherazade bởi vì những tình tiết thật dị mà Murakami có thể nghĩ ra được. Nhưng để ấn tượng, thì tập truyện ngắn này không ấn tượng bằng những truyện ngắn đầu tiên của ông mà mình từng được đọc.

“Những người đàn ông không có đàn bà” thế giới của Murakami lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng có thứ gì đó thiếu sót, một bánh răng trượt khỏi bánh răng khác để rồi cả một bộ máy vụn vỡ. Đừng mong chờ một Murakami viết những chuyện ngắn dễ tiêu, dễ hiểu dễ đọc. Đơn giản vì người thích ông sẽ càng ngày càng thích ông hơn còn người ghét ông, sẽ vấp váp ngay từ những trang đầu tiên. Bởi lối hành văn cùng cách kể truyện vô cùng quái đản của người đàn ông bí ẩn này.

Mình khoái những thứ ẩn dụ mà Murakami lồng vào những câu văn ngắn mà cô đọng. Phép so sánh khiến người ta bật cười rồi lại nghiền ngẫm suy nghĩ rất lung.

Mỗi truyện ngắn trong này là một mảnh đời. Phần lớn là đàn ông. Họ ăn, ngủ, làm tình, mơ mộng, nghe nhạc.

Và cô đơn. Rất cô đơn.

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

4. LÊ AN review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Mình mới chỉ đọc được 4 trong 7 truyện, nhưng nó khơi gợi cho mình rất nhiều thứ. Biết đến ông tác giả này qua Rừng Na uy được các bạn trẻ tán tụng một thời. Một giọng văn bình tĩnh đến lạ, không có cao trào gì, tất cả cứ bình bình, từ từ mà ngấm vào người. Đa phần truyện nào cũng đề cập đến vấn đề tình dục, không ít thì nhiều nhưng đó không phải là vấn đề chính, mà chỉ như một phần trong cuộc sống đến tự nhiên giống như thở, ăn, ngủ vậy.

Mình ấn tượng mạnh với câu truyện Cơ quan độc lập, thật sự anh bác sĩ trong câu chuyện đã có một cuộc đời mà mình hằng mơ ước. độc lập trong cuộc sống, không lập gia đình, lúc nào cũng có 3,4 cô nhân tình toàn thuộc loại thông minh sắc sảo, sẵn sàng lên giường với mình, như vậy có gì tuyệt vời bằng. Nhưng đến cuối cùng anh đã suy nghĩ “rốt cuộc thì mình là ai đây?”, để rồi chết trong hao mòn, trong hư vô khi bị một người mình yêu phản bội, cũng chính bới một cái cơ quan độc lập đặt trong mỗi con người, một giá trị hiện sin

5. DIEU LINH NGUYEN review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Sau khi kinh qua vài cuốn của Haruki Murakami mà mình không thể thẩm được thì cuối cùng mình cũng tìm thấy một cuốn dễ đọc hơn cả. Có lẽ do mình sợ cái cảm giác ngột ngạt, nặng nề xuyên suốt trong truyện dài. “Những người đàn ông không có đàn bà” là một cuốn mỏng bao gồm 7 truyện ngắn nên khá dễ thở mặc dù có nhiều đoạn ẩn dụ cũng xoắn não không kém. Mình nghĩ chắc chắn mình sẽ đọc lại lần hai vào lúc nào đó. Đọc một lần không thể nào thẩm hết được đâu, thực sự đó.

Buồn cười là, mình lại khá hợp với giọng văn của Haruki Murakami nên cuốn nào cũng đọc được hết, dù mình kiểu chẳng hiểu cái quái gì đang diễn ra và cảm giác khó chịu, muốn thoát ra cứ đeo bám mãi. Nhưng cuốn này là một ngoại lệ, không quá nặng nề và khó hiểu, chỉ là tập hợp vài câu chuyện ngắn về cuộc đời, cảm xúc của những người đàn ông khi người tình, vợ, người yêu bỏ đi mà thôi.

6. NGUYỄN DUYÊN QUỲNH review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Mình đã đọc cuốn sách này khá lâu rồi nhưng đến bây giờ mới viết review, một phần vì mình quên mất, phần vì quyển này thực sự không để lại ấn tượng nhiều lắm với mình. Nhà mình có khoảng 4-5 quyển của Murakami thôi và “Những người đàn ông không có đàn bà” có lẽ là quyển sách mình ít thích nhất của ông. Lý do thì cũng đơn giản thôi, mình thích những câu chuyện nhuốm màu “siêu thực” của ông như “Biên niên ký chim vặn dây cót” hay “Kafka bên bờ biển” hơn là một tập sách chỉ vỏn vẹn 7 truyện ngắn như thế này, nó làm mình khi đọc xong có cảm giác không “đã”. Mình biết ở Việt Nam có nhiều bạn đam mê sách của Murakami và rất ngưỡng mộ tâm hồn có chiều sâu nghệ thuật của ông, mình cũng vậy, nhưng quyển sách này chẳng hiểu sao mình lại không thấy nó có nhiều chiều sâu lắm. Không phải mình chê quyển này dở, chỉ là nó dở nhất trong những quyển mình từng đọc của ông.

“Những người đàn ông không có đàn bà” là một quyển sách gồm 7 truyện ngắn mang tên: Drive my car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu, Những người đàn ông không có đàn bà. Cả 7 câu chuyện tưởng chừng như không có gì liên quan đến nhau nhưng lại có một sợi dây liên kết duy nhất kéo chúng lại với nhau, đó là họ đều là “những người đàn ông không có đàn bà”. Một điều đặc biệt nhất ở quyển sách này mà ai đọc cũng sẽ nhận ra, đó là giọng văn bình dị đến kì lạ của tác giả. Không có cao trào, không có những chất kì bí ma mị như các truyện khác mà tất cả những người đàn ông trong đây đều mang trong mình một trái tim “bình dị” đến kì lạ khi đối mặt với những người đàn bà đã bỏ rơi họ.

Mình không đặc biệt thích quyển sách này của Murakami nhưng với những bạn đã cực kì yêu thích giọng văn của ông, thì đây cũng là một lựa chọn các bạn nên mang về kệ sách của mình!

7. NGUYÊN AN review sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami

“mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà”

Ăn đi ăn lại một món, uống đi uống lại một thứ đồ uống, xem đi xem lại một bộ phim, đọc đi đọc lại một cuốn sách, trong cái danh sách ngắn ngủn đi tới đi lui của tôi giữa những thứ quen thuộc ấy, luôn có hai người, là Vương Gia Vệ và Haruki Murakami. Thế giới nghệ thuật mà họ tạo ra, là hiện thực của tiếng lòng, nhưng đồng thời cũng là tiếng vọng đồng điệu với tâm hồn tôi. Và dẫu cho tôi có quen thuộc với phim của Vương Gia Vệ đến đâu, có thuộc lòng những tuýp người Haruki xây dựng trong mỗi trang sách, thì tôi vẫn chưa bao giờ thôi hết ngỡ ngàng bởi những rung cảm trái tim được chạm vào.

Tôi rất thích ví von, đơn giản vì trong đầu tôi có nhiều liên tưởng. Nếu ví tiểu thuyết của Haruki là một đại dương, một đại dương rộng lớn và sâu thẳm, đẹp và đau đến rợn ngợp và hớp hồn tôi, dấn quá sâu sẽ chết, nhưng hiểu sâu thì sẽ tái sinh ; thì truyện ngắn của Haruki lại giống như một mặt hồ phẳng lặng, tôi vừa có thể làm một người câu cá trầm tĩnh ngồi bên mặt hồ để nhìn ngắm những con cá, vừa có thể làm một vũ công khỏa thân mình nhảy múa dưới nước cùng chúng.

Dài dòng như thế, vì thực ra tôi rất yêu văn chương của Haruki, đến mức cả năm chỉ đọc sách của ông cũng không phải vấn đề gì lớn với tôi. Thậm chí tôi còn thấy làm vui lòng vì điều đó. Quay trở lại với cuốn sách mà tôi muốn nói đến với mọi người trong bài chia sẻ lần này – Tập truyện ngắn “Những người đàn ông không có đàn bà”, với 7 truyện ngắn như 7 phần ngon nhất của miếng thịt được Haruki khéo léo cắt chọn. Tôi tự thấy thỏa mãn vì được thưởng thức những phần ngon nhất ấy và kể cho các bạn nghe, về hương vị cô đơn của những người đàn ông giữa chốn thị thành, những kẻ mãi chẳng biết mình là ai nhưng sẵn sàng làm mọi thứ để được biết mình là ai đấy.

Truyện đầu tiên – “Drive my car” – Tôi có một điểm mù và tôi không thể lái xe, tôi có một điểm mù và tôi không thể lái chiếc xe mang tên cuộc đời mình. Kafuku – một diễn viên kịch có chút tiếng tăm, mãi đau đáu nỗi đau mất đi người vợ yêu dấu và câu hỏi không có lời giải đáp về bốn người đàn ông mà nàng đã ngoại tình. Luôn đi theo motif quen thuộc, truyện của Haruki không bao giờ đưa ra một lời giải đáp cụ thể nhưng chắc chắn sẽ có một gợi dẫn, một ẩn dụ. Và ẩn dụ về điểm mù được nói tới trong cuộc đời Kafuku chính là điểm mù chí tử, rằng anh không hiểu rõ bản thân mình như mình tưởng, cho nên anh cũng sẽ không thể hiểu được người vợ mà anh yêu thương. Xét trên phương diện này, thì anh đang diễn cả một vở kịch nữa mà chính anh cũng không thể thoát vai. Một vở kịch giả dối.

Truyện thứ hai “Yesterday” và truyện thứ ba “Cơ quan độc lập”, một câu chuyện về cậu chàng trẻ tuổi thi hai lần không đỗ Đại học, chẳng làm được gì hơn ngoài học nói tiếng Kansai thạo như dân bản địa và một câu chuyện về một người đàn ông trạc ngũ tuần độc thân hoàn hảo tự bỏ đói chính mình cho đến chết. Họ không hề liên quan đến nhau, ít nhất là về mặt cốt truyện thì là thế. Nhưng họ giống nhau ở một điểm, đó là họ day dứt về một cuộc sống đúng nghĩa, và họ khao khát được sống một cuộc sống đúng nghĩa, với chính bản thể họ. Thế nên Kitaru mới quyết định bỏ học đại học sau hai năm thi mãi không đỗ, cậu đi làm đầu bếp và dựa theo những postcard cậu gửi cho người bạn gái, hẳn là cậu đã đi nhiều nơi. Thế nên vị bác sĩ Tokai có tất cả mọi thứ, mới lựa chọn đưa bản thân trở về con số không, hành trình để vị bác sĩ đáng mến này nhận thức về bản thân có thể dài hơn Tokai, điểm dừng lại của Tokai có thể day dứt hơn nhưng ít nhất, Tokai đã không còn tiếp tục một cuộc sống vô nghĩa nữa. Cái chết như một sự khởi đầu khác. Một sự tái sinh cho Tokai ở một chiều không gian và thời gian khác.

Truyện thứ tư “Scheherazade” và truyện thứ năm “Kino”, sử dụng cùng một chất liệu là ký ức để dẫn dắt nhân vật đến những điểm cần đến. Với nhân vật Scheherazade (tên được đặt theo tên vị hoàng hậu trong Nghìn lẻ một đêm), ký ức lạ lùng của cô thời còn học sinh khi đột nhập vào nhà bạn nam sinh mình thích thầm và lấy trộm đồ của cậu ta giống như một khoảng thời gian cô được sống thật sự. Với những cảm xúc mãnh liệt thật sự, làm những điều mà cảm xúc trong mình chỉ dẫn. Quá khứ và hiện tại của Scheherazade đối lập với nhau, ở quá khứ, cô ví mình như loài cá mút, đấy là vì cô hiểu rõ mình. Còn ở hiện tại, cô còn thấy mình là loài cá mút hay không, cô không nói rõ, nhưng cô đã bước qua cái độ tuổi trẻ trung, là một người phụ nữ ngoài ba mươi, hằng ngày lặp đi lặp lại những việc giống nhau, tuần tự, không cảm xúc, kể cả làm tình. Còn với nhân vật Kino, ký ức giống như một sự nhận thức về những tổn thương và đau đớn anh ta không dám đối diện trực tiếp. Tâm hồn của anh ta trống rỗng và không giá trị. Chứng kiến vợ mình ngủ cùng người đàn ông khác, anh ta hành xử bình tĩnh đến lạ thường. Đấy là vì anh ta chỉ tổn thương một nửa, nửa còn lại anh ta đâu dám thừa nhận thẳng thắn là nó có tồn tại. Đọc Scheherazade hay Kino, tôi đều cảm thấy, dòng chảy của những con người này đã không còn là một đường thẳng nữa, giữa quá khứ và hiện tại, là những méo mó hình thành từ tổn thương bên trong và những tác động của ngoại giới không thể kiểm soát. Biết đâu đấy, thời gian của chúng ta cũng đang méo mó dần đi như họ.

Truyện thứ sáu “Samsa đang yêu”. Một nhân vật nữa được đặt tên theo tên của một nhân vật trong tác phẩm khác. Lần này là Grego Samsa – nhân vật trong tác phẩm “Hóa thân” của nhà văn Franz Kafka. Khác với Samsa của Kafka, Samsa của Haruki không biến từ người thành bọ rồi chết, mà lại từ bọ thành người. Một ẩn dụ thú vị cho một con người mới, bắt đầu từ những nhu cầu bản năng,vật chất là ăn và mặc, sau đó là những khao khát thấu hiểu bên trong và khám phá thế giới là yêu và học hỏi. Samsa của Haruki là một sự sáng tạo thú vị cho một khởi đầu, học cách tồn tại trong một thế giới tàn khốc, nhiều hiểm nguy bằng việc hiểu thấu chính bản thân mình.

Truyện thứ bảy “Những người đàn ông không có đàn bà”, cũng là truyện cuối cùng trong tập truyện ngắn này của Haruki, “có lẽ” là một giai điệu có đôi chút khác hẳn với những truyện trước đó. Từ đầu đến cuối, truyện tập trung vào cảm xúc của nhân vật chính sau khi nghe tin người yêu cũ của mình tự tử. Những dòng hồi tưởng từ quá khứ và những dòng trạng thái ở hiện tại đan xen với nhau, day đi day lại trong trái tim tôi về nỗi đau của người đàn ông mất đi người đàn bà mình yêu thương sâu sắc. “mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà” và “với những người đàn ông không có đàn bà, thế giới là một mớ hỗn độn rộng lớn và thống thiết, hệt như ở sau mặt trăng.”

Mỗi lần đọc xong một cuốn sách của Haruki, ruột gan tôi dễ nhộn nhạo. Vì cái phần ông đưa ra để tôi thưởng thức và vì những dư âm sau khi thưởng thức xong. Bảy truyện ngắn trong cuốn sách này đặt tôi vào điểm nhìn của bảy con người khác nhau, để tôi được sống trong những chiều không gian và cảm xúc của họ. Cho đến khi quay trở về với duy nhất bản thân mình, tôi cũng không thể không tránh khỏi những suy nghĩ, về một điểm mù, về dòng chảy thời gian méo mó đang dịch chuyển từ quá khứ đến hiện tại, về cách thức để tồn tại và về những mất mát nào đã kéo đi mọi ý nghĩa có thể xuất hiện trong cuộc đời mình.

Mong rằng những chia sẻ dài dòng bên trên sẽ ít nhiều để lại trong bạn vài nghĩ suy. Tôi đã bỏ qua ngay cái bước đầu tiên là tóm tắt từng truyện ngắn (nó chỉ làm bạn lười đọc bản đầy đủ đi thôi) và đưa ra những điều cốt yếu nhất trong từng truyện, những điều thực lòng làm tôi bận tâm. Tôi luôn muốn chia sẻ chân thành về mỗi cuốn sách mình đọc, có thể đây không phải một review thực khách quan nhưng chắc chắn là những suy nghĩ chủ quan có thể khiến các bạn tìm đọc từ trang đầu đến trang cuối “Những người đàn ông không có đàn bà.”

III. Trích dẫn sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Trích dẫn sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

“Khi diễn, tôi có thể trở thành một con người khác. Diễn xong, tôi lại trở về là tôi. Điều đó khiến tôi thấy vui.”

“Liệu chúng ta có khả năng hiểu được tường tận về người khác không? Cho dù yêu người đó sâu đậm đến mấy?”

“Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thẳng, thật sâu vào chính con người mình.”

“Nhưng khi còn trẻ, việc trải qua giai đoạn đau buồn, khắc nghiệt như vậy, ở một mức độ nào đó có lẽ cũng là cần thiết. Như một bước để trưởng thành.”

“Khi bản thân còn không biết được mình đang tìm cái gì thì việc đi tìm sẽ trở nên khó khăn.”

“- Giờ anh đang nỗ lực để không quá yêu ai đó à?
– Đúng thế. Ngay lúc này, tôi đang nỗ lực đây.
– Vì lý do gì?
– Lý do đơn giản lắm. Vì quá yêu sẽ thấy nhớ nhung da diết. Đớn đau khôn tả. Trái tim tôi khó mà chịu được sức nặng này nên tôi đang cố để không yêu cô ấy.”

“Yêu vốn dĩ là thế. Cảm giác không còn điều khiến được con tim, bị xoay vần bởi sức mạnh vô lý.”

“Cuộc đời thật kỳ lạ. Thứ ta từng nghĩ là lung linh tuyệt đối, từng nghĩ có thể từ bỏ tất cả để đạt được nó thì khi thời gian trôi qua, hay khi nhìn ở một góc khác, thứ đó bỗng trở nên nhạt nhẽo đến kinh ngạc.”

“Ví thử sau này bạn gặp một người con gái mới, bất luận cô ấy tuyệt vời như thế nào (không, phải nói là càng tuyệt vời bao nhiêu), thì ngay từ khoảnh khắc gặp gỡ, bạn đã bắt đầu nghĩ tới việc mất họ.”

“…Nhưng dù có hiểu nhau thế nào, dù có yêu say đắm thế nào đi nữa thì tôi e rằng, nhìn thấu trái tim người khác là điều không thể. Đòi hỏi này chỉ khiến bản thân đau khổ mà thôi. Tuy nhiên, nếu là trái tim của mình thì chỉ cần nỗ lực, chỉ nỗ lực thôi là có thể nhìn thấu được. Vì vậy, rốt cuộc điều chúng ta phải làm chẳng phải là thu xếp một cách ổn thoả và thành thật với chính trái tim mình hay sao. Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình. Tôi nghĩ vậy.”

“Nhưng khi nhìn lại chính mình năm hai mươi tuổi, điều tôi nhớ nhất chính là sự cô đơn và lẻ loi. Tôi không có người bạn gái nào để sưởi ấm thân xác hay tâm hồn mình, không có người bạn nào để chia sẻ. Không có định hướng gì về những điều tôi nên làm mỗi ngày, tương lai thì mờ mịt. Phần lớn tôi chỉ biết lẩn trốn, thật sâu thẳm bên trong chính mình. Thỉnh thoảng tôi sẽ chẳng nói chuyện với ai suốt cả tuần liền. Cuộc sống đó cứ tiếp tục chừng một năm. Giai đoạn đó có phải là mùa đông lạnh giá đã ra đi, để lại những vân gỗ vòng đời giá trị bên trong tôi hay không, tôi thật chẳng thể biết được. Vào thời khắc thiếp đi mỗi đêm, tôi cũng nhìn chằm chằm qua cái lỗ trên nóc để ngắm một mặt trăng làm từ băng. Một mặt trăng trong suốt, dày hai mươi phân đông cứng. Nhưng tôi đã ngắm mặt trăng đó một mình, chẳng thể chia sẻ vẻ đẹp lạnh lẽo đó với bất kì ai. Ngày hôm qua; Là hai ngày trước ngày mai; Là ngày hôm sau của hai ngày trước.”

“Hệt như mặt đất khô cằn đón nhận cơn mưa, gã đón nhận sự cô độc, trầm mặc, tịch liêu một cách rất tự nhiên.”

“Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong.”

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn đầu Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Cuộc điện thoại lúc hơn một giờ sáng khiến tôi tỉnh giấc. Tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm bao giờ cũng dữ dội. Nghe như thể ai đó muốn phá hủy thế giới bằng hung khí. Là một thành viên của nhân loại, tôi phải ngăn chặn việc này. Vì vậy, tôi ngồi dậy, đi ra phòng khách, nhấc điện thoại lên.

Một giọng đàn ông trầm thông báo với tôi: một phụ nữ đã vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới này. Chủ nhân của giọng nói là chồng của người phụ nữ. Chí ít thì anh ta xưng như vậy. Rồi anh ta nói. Vợ tôi tự tử vào thứ Tư tuần trước, tôi nghĩ bất luận thế nào cũng phải báo cho anh biết. Bất luận thế nào. Tôi không cảm nhận được một giọt cảm xúc lẫn trong giọng điệu của anh ta. Hệt như đoạn văn được viết cho bức điện tín. Giữa các từ gần như không có khoảng cách. Một thông báo thuần túy. Một sự thật không tô vẽ. Một dấu chấm hết.

Tôi đã nói gì trước một việc như thế? Chắc chắn là tôi có thốt ra gì đó nhưng tôi không nhớ được. Dù sao sau đó cũng là một khoảng lặng dài. Khoảng lặng giống như một cái hố toang hoác bỗng hiện ra giữa đường mà hai người đứng hai bên đang nhòm xuống. Rồi vẫn không nói không rằng, đầu bên kia dập máy. Nhẹ nhàng như đặt một tác phẩm nghệ thuật dễ vỡ xuống sàn. Tôi đứng ngây ra thêm lúc nữa, tay vẫn cầm ống nghe một cách vô nghĩa. Trong bộ dạng áo phông trắng, quần đùi xanh dương.

Tôi không rõ vì sao anh ta lại biết tôi. Nàng đã báo với chồng nàng tôi là “người yêu cũ” chăng? Để làm gì? Làm thế nào anh ta biết được điện thoại nhà tôi (không có trên danh bạ). Và trên hết vì sao lại là tôi? Vì sao chồng nàng phải cất công gọi điện cho tôi, thông báo rằng nàng đã mất? Không thể có chuyện nàng yêu cầu như vậy trong di ngôn. Chuyện tôi và nàng hẹn hò đã xưa lắm rồi. Sau khi chia tay cũng không gặp nhau. Thậm chí còn không nói chuyện điện thoại.

Nhưng thôi, chuyện đó thì sao cũng được. Vấn đề ở đây là anh ta không cho tôi một lời giải thích nào. Anh ta nghĩ phải báo cho tôi biết chuyện vợ mình tự tử. Anh ta tìm được số điện thoại của nhà tôi ở đâu đó. Song anh ta lại thấy không nhất thiết phải cho tôi biết tường tận. Có vẻ như ý đồ của anh ta là đặt tôi vào tiếp điểm của biết và không biết. Vì sao? Để khiến tôi phải suy nghĩ gì đó chăng?

Chẳng hạn như điều gì?

Tôi không biết nữa. Chỉ có số lượng dấu chấm hỏi cứ mãi tăng lên. Như thể đứa trẻ liên tục đóng dấu vào bất cứ chỗ nào trên cuốn vở.

Vì lẽ đó, tôi vẫn không biết tại sao nàng lại tự tử, nàng đã chọn cách thức nào để từ giã cõi đời. Có muốn cũng không có cách gì để tìm hiểu. Tôi không biết nàng sống ở đâu, nói vậy chứ ngay cả việc nàng lấy chồng tôi cũng không biết. Đương nhiên không biết cả họ mới của nàng (trên điện thoại anh ta không xưng tên). Nàng lấy chồng được bao lâu rồi? Có (các) con chưa?

Song tôi vẫn tiếp nhận y nguyên điều chồng nàng nói trên điện thoại. Không mảy may nghi ngờ. Sau khi chia tay tôi, nàng tiếp tục sống trên thế giới này, (có lẽ) yêu một ai đó và cưới người đó làm chồng, thứ Tư tuần trước, vì một lý do nào đó, bằng cách thức nào đó, nàng đã tự kết liễu đời mình. Bất luận thế nào. Đúng là giọng anh ta có thứ liên kết chặt chẽ với thế giới của người chết. Giữa đêm tối u tịch, tôi có thể nghe thấy sự kết nối sống động ấy. Nhìn thấy độ căng của sợi chỉ được kéo hết cỡ và sự lóe lên sắc lạnh của nó. Theo nghĩa này, tạm thời không tính tới chuyện có cố tình hay không, thì việc gọi vào lúc một giờ sáng là một lựa chọn đúng đắn của anh ta. Nếu là một giờ trưa thì có lẽ sẽ không như vậy.

Khi tôi cuối cùng cũng đặt được điện thoại xuống và trở lại giường, vợ tôi đã tỉnh.

“Điện thoại gì vậy? Ai chết à?” Vợ tôi hỏi.

“Không ai chết cả. Gọi nhầm thôi.” Tôi nói. Bằng giọng ngái ngủ và uể oải.

Nhưng tất nhiên vợ tôi không tin. Bởi giọng của tôi có lẫn dấu hiệu của người chết. Sự dao động mà người mới chết mang lại có sức lây lan mạnh mẽ. Nó biến thành những rung chấn nhỏ, truyền qua đường dây điện thoại, làm biến dạng âm hưởng của ngôn từ, khiến thế giới dao động cùng nhịp với nó. Tuy vậy, vợ tôi không nói gì thêm. Chúng tôi nằm trong bóng tối, lắng nghe sự u tịch, mỗi người theo đuổi dòng suy nghĩ riêng.

Và thế là nàng đã trở thành người thứ ba trong số những người tôi từng hẹn hò chọn con đường tự tìm đến cái chết. Ngẫm thử, không, chẳng phải ngẫm nghĩ làm gì cũng thấy đây là một tỉ lệ tử vong tương đối. Không thể tin được. Tôi dầu có giao thiệp với nhiều phụ nữ đến thế. Tôi không lý giải được tại sao họ lại lần lượt kết liễu đời mình, hay bắt buộc phải kết liễu đời mình khi đang còn trẻ như vậy. Cầu cho đó không phải là lỗi của tôi. Cầu cho tôi không liên quan. Hoặc cầu cho họ không chọn tôi là người chứng kiến hay ký lục. Tôi thật sự mong như thế. Và, nói sao nhỉ, nàng – người thứ ba ấy (không có tên sẽ hơi bất tiện nên tôi giả định nàng là M) – nghĩ thế nào cũng không phải típ người tự sát. Bởi lẽ, M luôn được các thủy thủ cường tráng trên khắp thế giới trông chừng và bảo vệ.

Tôi không thể kể chi tiết M là người thế nào, chúng tôi biết nhau bao giờ, ở đâu, đã làm những gì. Tôi rất xin lỗi nhưng nếu nói ra sẽ có rắc rối. Sẽ làm phiền tới những người (vẫn đang) sống. Vì vậy, tôi chỉ có thể viết rằng, tôi từng có một thời gian gắn bó với nàng nhưng xảy ra chuyện nên đã chia tay.

Thật ra, tôi luôn nghĩ M là cô gái tôi gặp lúc mười bốn tuổi. Thực tế thì khác nhưng chí ít ở đây, tôi muốn giả định như thế. Chúng tôi gặp nhau trong lớp học năm mười bốn tuổi. Hình như đó là tiết sinh học. Học về cúc đá hay cá vây tay gì đó. Nàng ngồi kế bên tôi. Khi tôi bảo: “Tớ để quên tẩy, cậu thừa cục nào không cho tớ mượn”, nàng liền bẻ cục tẩy của mình làm đôi và đưa cho tôi một nửa. Kèm theo một nụ cười. Chỉ mất một giây, vâng, thực sự là đúng một giây, tôi đã yêu nàng. Nàng là cô gái đẹp nhất trong số các cô gái tôi từng nhìn thấy. Hồi ấy tôi đã nghĩ thế. Tôi muốn M tồn tại như thế. Rằng chúng tôi gặp nhau lần đầu như vậy tại lớp học. Thông qua sự mai mối thầm lặng, áp đảo của cúc đá và cá vây tay các thứ. Nếu nghĩ theo cách này, nhiều chuyện sẽ trở nên thuyết phục hơn.

Mười bốn tuổi, tôi sung mãn như thứ gì đó vừa mới ra lò, đương nhiên bị cương cứng mỗi khi có làn gió Tây ấm áp thổi tới. Thì đang ở độ tuổi đó mà. Nhưng nàng lại không khiến tôi cương cứng. Bởi nàng vượt trội hơn mọi làn gió Tây. Không, nàng tuyệt vời tới mức dập tắt gió từ mọi hướng chứ không chỉ có gió Tây. Trước một thiếu nữ hoàn hảo như thế, tôi sao có thể làm điều dơ dáy ấy được. Đây là lần đầu tiên có một cô gái khiến tôi cảm thấy như vậy.

Tôi cảm giác đó chính là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và M. Thật ra thì khác nhưng nghĩ theo cách này, mọi thứ sẽ khớp được với nhau. Tôi mười bốn, nàng cũng mười bốn. Với chúng tôi, đó là độ tuổi đúng đắn để hội ngộ. Lẽ ra chúng tôi nên gặp nhau như thế.

Nhưng bỗng nhiên M biến mất. Nàng đi đâu? Tôi mất dấu M. Xảy ra chuyện gì đó, tôi vừa mới sểnh mắt thì nàng đã đi mất. Nàng vừa mới ở đây, thế mà giờ đã không còn ở đây nữa. Có lẽ nàng bị dụ lên con thuyền khả nghi nào đó và bị đưa tới Marseille hay Bờ biển Ngà mất rồi.

Nỗi thất vọng của tôi thẳm sâu hơn bất cứ vùng biển nào họ đi qua. Hơn bất cứ vùng biển nào có loài mực khổng lồ và hải long trú ngụ. Tôi thấy chán ghét bản thân. Tôi không còn tin vào bất cứ điều gì. Thế này là sao! Tôi yêu M thế cơ mà. Tôi trân trọng nàng thế cơ mà. Tôi cần nàng thế cơ mà. Cớ sao tôi lại sểnh mắt?

Nhưng ngược lại, kể từ đó, M hiện diện ở khắp mọi nơi. Đâu đâu cũng có thể trông thấy nàng. Nàng ở trong nhiều không gian, trong nhiều thời gian, trong nhiều người. Tôi biết điều ấy. Tôi cho nửa cục tẩy vào túi ni lông, luôn mang theo bên người. Như là lá bùa hộ mệnh. Như là la bàn định hướng. Chỉ cần có nó trong túi, một ngày nào đó, tại một nơi nào đó trên thế giới này, tôi sẽ tìm ra M. Tôi tin như thế. Chỉ là nàng leo lên con thuyền lớn theo lời dụ dỗ đường mật của những tay thủy thủ từng trải và bị đưa đi đâu đó mà thôi. Bởi nàng là kiểu người hay tin vào thứ gì đó. Bởi nàng là người sẵn sàng bẻ đôi cục tẩy mới và cho đi một nửa.

Tôi cố gắng thu nhặt, chừng nào hay chừng ấy, các mảnh vụn của nàng từ nhiều nơi, từ nhiều người. Nhưng dĩ nhiên đó chỉ là những mảnh vụn. Có thu được nhiều thế nào thì mảnh vụn vẫn chỉ là mảnh vụn. Phần cốt lõi của nàng cứ trốn chạy như ảo ảnh. Đường chân trời thì vô tận. Ngoài khơi cũng vậy. Tôi di chuyển liên tục, miết mải theo đuổi nó. Bombay, Capetown, Reykjavik, Bahama. Tôi đặt chân đến tất cả những thành phố có cảng biển. Nhưng khi tới nơi thì nàng đã đi mất. Trên đống chăn nệm xộc xệch vẫn còn vương chút hơi ấm của nàng. Chiếc khăn hoa văn hình xoắn ốc vắt trên tựa ghế. Cuốn sách đọc dở nằm úp mặt xuống bàn. Đôi tất ẩm phơi trong nhà tắm. Nhưng nàng thì không còn. Các tay thuyền viên đeo bám dai dẳng ở khắp thế giới đánh hơi thấy tôi nên vội vàng đưa nàng đi trốn. Đương nhiên lúc ấy tôi không còn mười bốn tuổi nữa. Da sạm hơn, rắn rỏi hơn. Râu rậm hơn, đã phân biệt được ẩn dụ và so sánh. Nhưng một phần trong tôi vẫn ở tuổi mười bốn, không hề thay đổi. Và cái phần mãi mãi tuổi mười bốn ấy kiên nhẫn chờ đợi làn gió Tây dịu dàng đến ve vuốt cậu nhỏ còn trong trắng. Nơi nào có làn gió Tây ấy, nơi đó chắc chắn có M.

Đó là M của tôi.

Nàng không phải người có thể ở yên một chỗ.

Nhưng cũng không phải người có thể tự kết liễu đời mình.

….

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

4.9/5 - (8 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Cáp Treo Tình Yêu - Higashino Keigo

Cáp Treo Tình Yêu – Higashino Keigo

Đứng trước tình yêu, con người sẽ trở nên thảm hại, ích kỷ, hoặc nhiều dũng khí đến thế nào? Những tình tiết bất ngờ trong Cáp Treo Tình Yêu sẽ khiến bạn phải bật cười và tự hỏi điều gì tiếp theo có thể xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.