Thể Loại | Văn Học – Tiểu Thuyết |
Tác Giả | Kishimi Ichiro và Koga Fumitake |
NXB | NXB Dân Trí |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 333 |
Ngày Xuất Bản | 08 – 2020 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Dám Bị Ghét
Dám Bị Ghét
Các mối quan hệ xã hội thật mệt mỏi.
Cuộc sống sao mà nhạt nhẽo và vô nghĩa.
Bản thân mình xấu xí và kém cỏi.
Quá khứ đầy buồn đau còn tương lai thì mờ mịt.
Yêu cầu của người khác thật khắc nghiệt và phi lý.
TẠI SAO BẠN CỨ PHẢI SỐNG THEO KHUÔN MẪU NGƯỜI KHÁC ĐẶT RA?
Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, cuốn sách trình bày một cách sinh động và hấp dẫn những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler, người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Khác với Freud cho rằng quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại, Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”, và tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”.
Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, bạn không đủ “can đảm để dám hạnh phúc”. […] Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa. […] Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.
Thông tin tác giả
Tác giả Kishimi Ichiro
Kishimi Ichiro là một nhà triết học, nhà giáo dục trẻ em và nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học Adlerian. Ông được cấp chứng nhận chuyên gia tư vấn tâm lý ở các phòng khám tâm thần bởi Hiệp hội Tâm lý học Adlerian. Từ rất nhỏ, khi còn học trung học, Kishimi Ichiro đã đam mê nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ, đặc biệt chú ý đến trường phái triết học Platonic. Đồng thời ông cũng chú trọng nghiên cứu tâm lý học của “một trong ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại” – Alfred Adler.
Triết gia Kishimi Ichiro tích cực nói và viết về đề tài tâm lý học Adlerian. Ông cũng là người tiên phong dịch những tác phẩm tâm lý học nổi tiếng của nhà tâm lý học Adler ra tiếng Nhật. Tiêu biểu như: Kojin Shinrigaku Kogi (Khoa học về cuộc sống) và Hito wa Naze Shinkeisho ni Naru no ka (Vấn đề về bệnh thần kinh). Ngoài ra, ông cũng viết cuốn sách Adora Shinrigaku Nyumon (Giới thiệu đến Tâm lý học Adlerian). Và ông cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác.
Hiện nay, ngài Kishimi Ichiro đang làm công việc giảng dạy tâm lý giáo dục và tâm lý học lâm sàng tại Trường Đông y Meiji ở Suita, Osaka. Ông cũng có phòng khám tâm lý riêng tại Kameoka, Kyoto.
Tác giả Koga Fumitake
Koga Fumitake (sinh năm 1973) là một tác giả nổi tiếng, nhà văn chuyên nghiệp đạt được rất nhiều giải thưởng lớn trong sự nghiệp. Ông đã phát hành nhiều tác phẩm bán chạy nhất liên quan đến kinh doanh và giả tưởng nói chung. Ông bén duyên với tâm lý học Adlerian ở tuổi đôi mươi, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những ý tưởng thách thức trí tuệ thông thường của nó.
Ông dành nhiều thời gian viếng thăm, học hỏi, trao đổi với Kishimi Ichiro ở Kyoto. Từ đó ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi trường phái triết học Hy Lạp cổ điển, cũng như những thách thức của tâm lý học Adler. Koga Fumitake kết hợp cùng Kishimi Ichiro để viết nên nhiều cuốn sách tâm lý học nổi tiếng hàng đầu tại châu Á.
II. Review sách Dám Bị Ghét
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Dám Bị Ghét của tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. NGỌC CHÂM review sách Dám Bị Ghét
Đây là một cuốn sách gây bất ngời cực mạnh với mình.
Ban đầu, mình tưởng đây là một cuốn self-help giống như bao cuốn sách khác nên không hứng thú và phải khi quá “đói sách”, bạn mình cho mượn mình mới cầm lên đọc. Và mình chỉ biết “wow”
Nội dung cuốn sách được xây dựng thông qua cuộc đối thoại giữa một chàng thanh niên và một triết gia để giải đáp về câu hỏi làm thế nào để con người có thể hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại như thế này. Những câu hỏi của chàng thanh niên đại diện cho quan niệm của mọi người hiện nay như mệt mỏi, tự ti, mặc cảm,… còn triết gia sẽ là người trả lời những câu hỏi ấy theo tư tưởng của triết gia Esler. Nghe có vẻ khó hiểu và khô khan vì liên quan đến triết nhưng không phải, cuốn sách viết rất gần gũi và dễ hiểu. Kể cả một đứa đọc ít về triết như mình vẫn hoàn toàn có thể hiểu được một cách dễ dàng.
Điểm mình rất thích trong cuốn này đó là những quan điểm mà tác giả đưa ra. Nó rất mới lạ, độc đáo nhưng cũng rất hợp lí, thuyết phục với người đọc. Mình thích nhất về quan niệm: “Chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta chọn cách sống không hạnh phúc” chứ không phải như quan niệm hiện nay của nhiều người “Chúng ta không hạnh phúc vì quá khứ chúng ta không hạnh phúc”. Ngoài ra cuốn sách còn nói về nghĩa vụ bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa người với người. Càng đọc, chúng ta sẽ càng hiểu rõ hơn vì sao cuốn sách này lại có tên là “Dám bị ghét”
2. THAO NGUYEN review sách Dám Bị Ghét
Mình mua cuốn “Dám bị ghét” này trong thời điểm cuối năm, bản thân vừa mới nhận ra một vài mối quan hệ không được tốt đẹp như mình nghĩ, người khác ghét mình, thiếu định hướng về tương lai và cảm thấy mọi thứ thật vô vọng và vô nghĩa.
Mình sẽ xếp cuốn sách này vào những cuốn sách phải đọc lại ít nhất 2 lần/năm cùng với cuốn 6 tỉ đường đến hạnh phúc. Nó đã giúp mình rất nhiều trong việc cân bằng mọi thứ, và khi đọc xong, bạn sẽ cảm thấy rằng “Đúng thật, cuộc đời thật đơn giản”.
Sống hết mình với người khác là nhiệm vụ của mình, ghét mình là nhiệm vụ của họ. Mình chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình mà thôi, không cần phải buồn rầu vì nhiệm vụ của người khác.
Và điều tâm đắc nhất trong cuốn sách này đó chính là “sống cống hiến cho người khác”. Mình cũng như bao bạn trẻ khác, đã từng rơi vào tình huống hoang mang, không có mục tiêu của cuộc đời, không biết mình muốn gì. Và cuốn sách này đã cho tôi được một câu trả lời khiến tôi thỏa mãn: “Cậu đang hoang mang trước cuộc đời mình. Tại sao cậu lại hoang mang? Đó là vì cậu đang muốn chọn “tự do” nghĩa là chọn con đường không sợ bị người khác ghét, không phải sống cuộc đời của người khác. Cho dù cậu trải qua những khoảnh khắc như thế nào, cho dù có người ghét cậu, chỉ cần cậu không đánh mất ngôi sao dẫn đường là “cống hiến cho người khác”, thì cậu sẽ không lạc lối và làm gì cũng được”.
3. T R A N review sách Dám Bị Ghét
“Dám bị ghét” của hai tác giả Ichiro Kishimi vàFumitake Koga dạy chúng ta những bài học đơn giản nhưng sâu sắc và đầy cần thiết để giải phóng bản chất thực sự của chúng ta và tìm thấy hạnh phúc lâu dài. Chúng ta có thể tin tưởng rằng “Dám bị ghét” chính là cuốn sách có thể thay đổi cuộc sống của bạn. Đây rõ ràng là một hiện tượng khi quyển sách này đã đạt được thành tích bán chạy nhất ở châu Á, với hơn 3 triệu bản được bán ra. “Dám bị ghét” thể hiện cách mở khóa sức mạnh trong chính bạn để trở thành người mà bạn thực sự muốn.
Sử dụng lý thuyết của Alfred Adler, một trong nhà tâm lý học nổi tiếng của thế kỷ 19 cùng với Freud và Jung. Quyển sách mở ra cuộc trò chuyện rọi sáng giữa một triết gia và một chàng trai trẻ. Nhà triết học giải thích cho học trò của mình cách mỗi chúng ta có thể xác định cuộc sống, thoát khỏi xiềng xích của những trải nghiệm trong quá khứ, những nghi ngờ và kỳ vọng của người khác. Đó là một cách suy nghĩ giải phóng sâu sắc, cho phép chúng ta phát triển lòng can đảm để thay đổi và bỏ qua những hạn chế mà chúng ta và những người xung quanh có thể đặt ra cho chính mình. Nếu một người bước ra khỏi nhà, anh ta sẽ trở thành một phần của một nhóm người vô danh mà không ai chú ý đến. Anh ấy sẽ kết thúc cuộc đời ở mức trung bình hoặc ít hơn trung bình. Và không ai sẽ có sự chú ý đặc biệt đến người ấy cả.
Bạn đã không thể bộc phát cơn thịnh nộ và la hét dữ dội vì sợ bị người khác ghét. Sự tức giận là một công cụ có thể được đưa ra khi cần thiết. Nó có thể được cất đi ngay khi điện thoại đổ chuông và rút ra một lần nữa sau khi cúp máy. Tức giận là một phương tiện để đạt được một mục tiêu. Sự tức giận cá nhân không là gì ngoài một công cụ để khiến người khác phục tùng bạn. Tức giận là một hình thức giao tiếp, vì thế mà đừng sợ người khác ghét khi ai đó thực sự làm bạn giận thì cứ nói hết nỗi lòng bạn ra. Nếu bạn chọn một lối sống mới, sẽ khó nhìn thấy tương lai, và cuộc sống sẽ tràn ngập sự lo lắng. Một cuộc sống đau khổ và bất hạnh hơn có thể nằm ở phía trước. Bạn sợ bị người khác phủ nhận. Bạn nghĩ rằng thay vì vướng vào những tình huống như vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn không có mối quan hệ với bất cứ ai. Mục tiêu của bạn là không bị tổn thương. Hãy nhớ rằng sống theo cách dễ dàng hơn để thỏa mãn những mong đợi của người khác chính là đang giao phó cuộc sống của mình cho họ. Không có lý do gì mà bạn phải làm vậy cả, vì sợ ư, có đáng hay không chứ?!
Đây là một cuốn sách rất dễ tiếp cận và sâu sắc về tầm quan trọng của việc sống là chính mình. Hàng triệu người đã đọc và hưởng lợi từ những lời khuyên chân thành từ hai tác giả. Bất kể bạn đang sống trong khoảnh khắc nào, hoặc nếu có những người không thích bạn, miễn là bạn không mất hy vọng với những nỗ lực của chính mình thì bạn sẽ không lạc đường và bạn có thể làm bất cứ điều gì. Hãy nghĩ rằng nếu chúng ta thay đổi thì thế giới sẽ chắc chắn sẽ thay đổi vì chúng ta. Điều này có nghĩa là thế giới chỉ có thể được thay đổi bởi bản thân của mỗi người chứ không phải từ sự yêu thích hay chán ghét của kẻ khác.
4. NHƯ NGỌC review sách Dám Bị Ghét
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dám bị ghét – Cuốn sách này do một Mentor giới thiệu và bảo Ngọc nên đọc. Khi đó, Ngọc đang trong trạng thái mông lung lắm.
Ngọc hay đặt ra câu hỏi, đại loại như: “Mình có làm gì đâu mà người ấy lại phản ứng như vậy? Mình đáng ghét ở chỗ nào? Bộ mình khó ưa lắm hả”… vân vân và mây mây.
Thế là, dù có năng lượng cao thế nào, vẫn bị chựng lại, mất nhiệt một đoạn, thậm chí mấy đoạn. Ở những câu hỏi ấy.
Ngẫm lại, từ bé, mình đã có thói quen nhìn mặt hành xử. Lúc bố mẹ vui, thì lơ là một chút. Thầy cô bộ môn nào khó, thì nghiêm chỉnh. Còn không, cũng bung lụa chẳng kém chị em nhà nào. Có lẽ, thành thói quen thật. Thói quen biến mình thành một hình tượng “dễ chịu” trong mắt mọi người. Còn mình, thì dễ chịu không, không để ý nữa.
Tới dạo gần đây, có tới tận mấy người bạn tâm sự với Ngọc, đại loại là:
- Tớ nhiều người ghét lắm, mà thôi kệ tớ không quan tâm.
- Sắp thông báo lên chức, chuẩn bị lắm người không thích, chuẩn bị thôi.
…
Cứ nói chẳng quan tâm, cơ mà có thật là vậy?
Chuyện về một diễn viên Ngọc yêu thích. Ngọc mê mẩn trước vẻ đẹp ấy, và ngày càng bị thuyết phục bởi khả năng diễn xuất của cô. Anne Hathaway được xem là một nàng công chúa của Hollywood, “hoàn hảo” tới mức bị ghét bỏ. Có người từng thần tượng, yêu mến cô rồi có lúc tự nhiên phát ghét vì phát hiện cô không tì vết. Sống giữa Hollywood là một trong những nơi khó lường nhất trên hành tinh này, nếu cô vì áp lực yêu-ghét mà từ bỏ, ngừng nỗ lực chắc cô cũng không có được thành công như bây giờ.
Đương nhiên, không thể hoàn toàn tin vào showbiz, nhưng mình là người duy mỹ, nên chỉ thấy cái đẹp.
Mỗi người có một cách làm cho bản thân vui vẻ khác nhau. Nếu việc ghét mình làm người ấy vui vẻ, thì đó cũng là điều tốt cho họ. Mình chỉ có thể thay đổi cảm xúc của chính mình và dù có cố gắng tới đâu, cũng không bao giờ làm biến đổi cảm xúc của người khác nếu như họ không muốn. Ghét mình là cảm xúc của họ – họ có quyền. Mình buồn là cảm xúc của mình. Uổng, khi không thể vui vẻ.
Làm cách nào để mình vui vẻ hơn nhỉ? Làm sao để dám bị ghét?
Thì đọc sách này thôi.
Đọc để chào đón những ngày tháng thiệt vui vẻ, hen.
Nếu thích thì hãy like, share hoặc để lại ý kiến của bạn, giúp Ngọc tiến bộ hơn trong suy nghĩ nhé.❤️
5. BAO ANH TRAN review sách Dám Bị Ghét
Cuốn sách có cách viết khá mới khi được trình bày thông qua cuộc đối thoại giữa nhà triết gia và chàng thanh niên. Trong cuộc trao đổi đó đã có rất nhiều triết lý, khái niệm được đưa ra và sau đó bằng việc tranh luận giữa chàng trai và nhà triết gia ý nghĩa của từng luận điểm dần dần được làm rõ. Nội dung mà cuốn sách đề cập đến đều bắt nguồn từ tư tưởng triết học Adler, khá nhiều trong số đó đã tương đối quen thuộc với chúng ta. Một số khái niệm trong cuốn sách với cá nhân tôi thật sự khá mới mẻ, ví dụ như khái niệm hạnh phúc là cảm giác được cống hiến. Nghe thì đơn giản nhưng để có thể hiểu sâu sắc và áp dụng được trong cuộc sống thì tôi nghĩ không hề đơn giản.
Ví như ngay tên cuốn sách đã hàm chứa rất nhiều ý nghĩa: Đôi khi phải chấp nhận sự thật rằng sẽ luôn có người ghét mình hoặc suy nghĩ theo một hướng khác đó là khi ta sống theo cách riêng của ta không theo số đông, không để ý đến đánh giá của những người xung quanh thì tất yếu sẽ luôn có người thấy không ưa, không thích mình. Cuốn sách cũng chỉ ra rằng để có được tự do, để được hạnh phúc thì chúng ta đừng quá để tâm đến những đánh giá của người khác và cũng không nên can thiệp vào những việc không thuộc nhiệm vụ của mình. Những điều này tôi nghĩ đa phần nhiều người đều biết thậm chí là hiểu rõ nhưng chưa chắc đã thực hành được một cách thật sự. Bởi đôi khi chúng ta chưa đủ can đảm để “dám bị ghét”, chưa đủ can đảm để trở thành một cá thể khác biêt trong đám đông và càng không dám đi ngược dòng để theo đuổi lý tưởng sống cho riêng mình.
Đây thật sự là một cuốn sách về tâm lý không hề khó hiểu nhưng để thẩm thấu được hết ý nghĩa của những câu chữ, những triết lý trong sách lại cần thời gian không ít. Ngay mới đầu khi đọc cuốn sách tôi đã rất thích thú nhưng cùng với đó là cảm giác hơi xoắn não và thậm chí là có suy nghĩ muốn phủ nhận những điều được trình bày trong đó. Tùy vào thế giới quan của mỗi người mà sẽ có những cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau nhưng chắc chắn rằng thế giới quan của chúng ta sẽ thay đổi, sẽ được mở hơn rất nhiều sau khi đọc xong cuốn sách. Và chắc chắn rằng tôi sẽ dành thời gian để đọc quyển sách này thêm nhiều lần nữa…
6. PHẠM THÁI BẢO NGỌC review sách Dám Bị Ghét
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
REVIEW DÁM BỊ GHÉT: 333 trang sách xoay vị trí – đổi góc nhìn cho thế giới đơn giản hơn
Với 48 lượt vote đồng ý trên story và sự thúc giục của chị Truli thì hôm nay mình sẽ review cuốn “Dám Bị Ghét” của 2 tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Đây là một trong những cuốn sách nổi bật ở dòng self-help khi đã bán ra hơn 3,5 triệu bản, chỉ tính riêng tại Nhật.
Thật lòng mà nói thì ban đầu mình không bao giờ nghĩ sẽ đọc cuốn này, nhưng vì bạn thân tặng sinh nhật xong rồi lại còn viết lời nhắn rất là tâm huyết nên là yeah 🥲 ….. Ban đầu khi nghe tiêu đề, mình đã hình dung nội dung cuốn sách sẽ xoay quanh mấy câu lý thuyết “Ôi bạn ơi, đời chỉ có 1 lần, đừng cố làm hài lòng mọi người. Sống vì mình đi, người ta ghét thì kệ người ta”. Nhưng hóa ra không phải, những gì tiêu đề cho mình hình dung với những gì cuốn sách cho mình trải nghiệm là hoàn toàn khác nhau.
Toàn bộ cuốn sách là cuộc hội thoại giữa chàng thanh niên cố phản bác và nhà triết gia cố chứng minh câu nói “Con người có thể thay đổi, thế giới thật ra rất đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc”. So với những cuốn sách mình đã đọc, chưa bàn đến nội dung nhưng format/ cách tác giả kể chuyện thực sự rất độc đáo.
Cuốn sách được viết dựa trên tâm lý học Adler – 1 trong 3 trường phái tâm lý học nổi tiếng nhất thế giới, cạnh Freud và Jung. Tâm lý học Adler, còn được gọi là tâm lý học cá nhân, được sinh ra với mục đích giải quyết câu hỏi “Làm thế nào để con người có thể hạnh phúc?”. 🤔
——–
Cuốn sách tổng cộng có 5 chương, lần lượt là:
- Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý
- Mọi phiền muộn đều bắt đầu từ mối quan hệ giữa người với người
- Bỏ qua nhiệm vụ khác
- Trung tâm thế giới nằm ở đâu?
- Sống hết mình “ngay tại đây, vào lúc này”
Trong đó, chương 1&2, tác giả tập trung đặt vấn đề và thiết lập các quan điểm mới. Chương 3&4 giải thích vấn đề trước đó và củng cố luận điểm cho chúng. Đến chương 5 cuối cùng, độc giả sẽ nghe thấy lời kêu gọi về việc sống hết mình và can đảm lựa chọn hạnh phúc.
——–
“Dám bị ghét” không phải một cuốn sách dễ đọc, nhiều người còn nói nó hơi khó hiểu và nhiều người đôi lúc còn bỏ giữa chừng cuốn sách. Trong gần 2 chương đầu, nhà triết gia đưa ra rất nhiều quan điểm bất hợp lý so với những gì chúng ta thường biết. Ví dụ: “nhu cầu được thừa nhận không có thật”, “Cậu đang quyết tâm không yêu quí bản thân”, “Ai phô trương thì nhất định người đó tự ti”,…..
Điều này làm bạn vừa đọc vừa trong trạng thái “Ô, cái quái gì vậy? Ông triết gia này dở hơi rồi?”. Đến lúc này việc sử dụng mô hình đối thoại giữa 2 người sẽ phát huy được tác dụng, bởi chính chàng thanh niên cũng liên tục phản bác từ đầu đến gần cuối cuốn sách. “Không, không, thầy nói sao cơ? Thầy nhầm rồi!”. Kiểu có người cãi hộ mình :))))) Tuy nhiên, càng về sau (chương 3&4), khi tác giả lôi chúng ta sang một góc nhìn mới, thì bạn sẽ thấy chương 1&2 khá hợp lý.
Trong cuốn sách, mình ấn tượng nhất với luận điểm “Con người không bị quyết định bởi các sự kiện trong quá khứ”. Điều này ngược lại với một trong những lý thuyết cơ bản nhất của Freud: “Tính cách và tâm lý con người được quyết định và xây dựng dựa trên những sự kiện trong quá khứ”. Ví dụ: Có một số người trở nên nhút nhát vì bị bố mẹ liên tục đánh đập hồi nhỏ. Adler lại phủ định chuyện này, ông nghĩ rằng việc bị bố mẹ bạo hành nó không quyết định đến việc bạn trở nên nhút nhát. Bạn chỉ đang lấy nó để làm cái cớ thôi. Oke, một quan điểm rất là ủa ủa????😀😀😀
Như mình đã nói ở trên, thì nhiệm vụ lớn nhất của tâm lý học Adler là giải quyết câu hỏi “Làm thế nào để con người có thể hạnh phúc?”. Và ông tin rằng ai cũng có thể như vậy hoặc có quyền để trở nên như vậy. Vậy tới tất cả những đứa người lớn lên trong bất hạnh, trải qua những sự kiện đau thương hay mang trong mình những tự ti, mặc cảm, ông vẫn tin họ có đủ khả năng để trở nên hạnh phúc.
Để làm được điều đó, tâm lý học Adler đã xoay chuyển toàn bộ góc nhìn của chúng ta sang một hệ quy chiếu khác. Một góc nhìn đơn giản hơn, bớt phức tạp hơn. Một góc nhìn mà mỗi chúng ta có khả năng tự làm chủ cho chính cảm xúc và cuộc sống của mình. Còn lại, nằm ở quyết định của chúng ta.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã liên tục dùng đi dùng lại cụm từ “can đảm”. Bởi Adler tin rằng “hạnh phúc là một sự lựa chọn” và “con người cần dũng cảm để lựa chọn nó”. Kiểu bạn đã từng bị người yêu cũ cắm sừng nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy the one sau này. Nếu bạn đủ can đảm cho người khác cơ hội thay vì cứ liên tục sợ hãi “ah, người này sẽ lại làm tổn thương mình tiếp” rồi làm mình làm mẩy giết chết mối quan hệ 2 người.
Giá trị lớn nhất mà mình nhận được trong cuốn sách, không phải ở giá trị tinh thần, mà là việc xoay đổi góc nhìn với đời sống sao cho mọi thứ hài hòa với bản thân nhất. Giống như trong hình học không gian mà chúng ta học năm cấp 3, cho một tứ giác ABCD, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể gọi là tứ giác CDAB sao cho phù hợp với cách giải hoặc tìm góc ở dưới.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thứ mình không thích ở cuốn sách này. Bên cạnh việc tiêu đề chưa khái quát nội dung thì tính động lực trong cuốn sách này không quá cao. Đi song song với chủ nghĩa sống tối giản của người Nhật, cuốn sách đề cập tới việc sống vì mình, sống bản thân cho cộng đồng nhiều hơn. Ai cũng là bạn, và không ai cao hơn ai cả. Với những ai là fan của những cuốn sách kiểu “Cha giàu – Cha nghèo” thì sẽ không hợp với cuốn này lắm.
——–
Chấm điểm tổng quan:
- ⭐ Nội dung: 7,5/10
- ⭐ Format: 8,25/10
- ⭐ Ngọc matching: 6,5/10
- ⭐ Liệu mình có recommend người khác: 4/10
Thực sự thì nó vẫn là 1 cuốn khó đọc, mình sẽ recommend đến 2 nhóm sau:
- Những người đang gặp VẤN ĐỀ RẤT NẶNG với sức khỏe tâm lý.
- Những người làm sáng tạo, làm nội dung hoặc muốn thay đổi góc nhìn về thế giới quan: sách giúp luyện tập khá tốt cho việc khai thác nhiều góc nhìn mới lạ và giúp ta thoát khỏi lối tư duy mòn.
Cuối bài review, mình xin cảm ơn bạn Đỗ Thu Hà đã cố gắng mua được quà và thậm chí tổ chức sinh nhật cho mình đúng ngày dù Hà Nội đang trong thời gian giãn cách. Thank you very much :>
7. TÀI TÔN review sách Dám Bị Ghét
Đó là một ngày khá tồi tệ vào đầu tháng 9, sau khi đăng một dòng trạng thái trên trang cá nhân“I’m on my way to enjoy my life without you”, tôi ghé siêu thị để tìm kiếm một vài cuốn sách để gối đầu giường cho 3 ngày nghĩ lễ sắp tới mà đáng ra theo kế hoạch tôi và họ – những người bạn của tôi – sẽ lên đường tận hưởng một chuyến du lịch ngắn ngày. Tôi đã mua “Dám bị ghét”.
Quả thực, tôi không phải là một kẻ sợ bị ghét và tôi cũng không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao người ta lại ghét tôi”, nhưng khi đọc những trang đầu tiên của cuốn sách, tôi đã bị lôi cuốn bởi những câu hỏi của nhân vật “Chàng thanh niên” đặt ra cho một nhân vật khác “Triết gia”.
Tôi sẽ không chú ý đến nó nếu nó chỉ đơn giản là hỏi và trả lời, đúng và sai như một gameshow truyền hình. Nó là một cuộc tranh luận logic giữa 2 người lần đầu gặp nhau về những vấn đề cơ bản mà con người phải đối mặt.
Tôi sẽ không thích nếu câu chuyện của họ là thứ triết học được giải thích bằng những lập luận cực kỳ khó hiểu mà tôi đã được đào tạo ở những năm đầu tại trường đại học. Câu chuyện của nó rất đơn giản, câu hỏi đơn giản, vấn đề đơn giản, lập luận đơn giản và ví dụ cũng rất đơn giản.
Và tôi sẽ không mua nó nếu tôi cảm thấy nó không giải quyết được vấn đề của tôi ngay tại đây vào lúc này.
Rồi cuối cùng, đóng quyển sách tôi lặng lẽ sửa dòng trạng thái của mình thành “I’m on my way to enjoy my life by myself”…
Và đây là triết lý đầu tiên của “Dám bị ghét”: “Con người không sống trong thế giới khách quan mà sống trong thế giới chủ quan do mình tạo ra” được giải thích bằng một ví dụ cực kỳ đơn giản “Nước giếng uống vào mùa hè ta cảm thấy mát lạnh, còn uống vào mùa đông lại cảm thấy ấm áp mặc dù nhiệt độ của nước giếng luôn ổn định ở mức 18 độ C”.
Tôi tin là bạn sẽ thích cuốn sách này.
8. VI NGUYEN review sách Dám Bị Ghét
“Dám Bị Ghét” Một cuốn sách khiến mình phải đau đầu.
ĐỪNG ĐOÁN NỘI DUNG QUA TÊN CUỐN SÁCH NÀY.
Mình xếp cuốn này vào dòng sách triết học chứ không phải *sách self-help đại trà*. Sách viết dưới hình thức đối thoại giữa triết gia và chàng trai trẻ về những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, lối viết khá tương đồng với quyển “Chiến thắng con quỷ trong bạn”. Đọc để suy ngẫm hơn là đọc để tin hay đọc để hiểu. Những “vấn đề” được nhắc đến là những điều rất cơ bản trong cuộc sống, nó phổ biến đến mức chúng ta chỉ coi nó là sự thật hiển nhiên mà chưa từng thắc mắc đặt câu hỏi để tìm hiểu gốc rễ của nó.
Ý tưởng trong quyển sách tác động mạnh mẽ tới nhận thức và thế giới quan của mình là “Xem xét hành động, sự việc ở hiện tại dựa vào mục đích( kết quả ở tương lại), chứ không dựa vào nguyên nhân(quá khứ)”. Đồng tình hay không đồng tình? mình không có 1 câu trả lời rõ ràng, mình nửa đồng ý và nữa không.
Tuy vậy, câu nói đó đã ám ảnh trong đầu mình từ khi đọc được nó. Bây giờ mình suy xét mọi thứ ở hiện tại ở cả 2 góc nhìn, đồng ý và phản biện với quy luật quá khứ-hiện tại, hiện tại- tương lai. Duy với ý kiến *không tồn tại Rối loạn căng thẳng sau chấn thương PTSD* mình không đồng tình. Mình đã từng cố thuyết phục chính mình rằng PTSD không có thật với những lý lẽ như chính lý lẽ triết gia nói với chàng trai, để trở lại cuộc sống của “người bình thường”. Mình phải thú thật rằng, PTSD tồn tại dù bạn tin hay không. Mình chấp nhận điều đó, chấp nhận nó đã tạo nên con người của mình bây giờ và mình thấy thật sự ổn hơn khi không chối bỏ nó.
Tổng quan chung, mình không hoàn toàn đồng tình hay phản bác nội dung cuốn này. Nó đem lại cho mình rất nhiều ý tưởng để tự vấn, tự tìm tòi vào sâu bên trong bản thân. Nếu bạn cần tìm 1 cuốn để suy nghĩ về cuộc sống, cuốn này dành cho bạn.
9. THU TRANG review sách Dám Bị Ghét
Có lẽ, đến cuối cuộc đời, người ta vẫn mãi tự hỏi những câu hỏi như: “Ta là ai, từ đâu đến và vai trò của ta trong cuộc đời này là gì?” hay “Đến cuối cùng, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào? Suốt quãng thời gian đã qua, ta có thực sự được hạnh phúc?” Và thậm chí, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, không ít người vẫn cảm thấy tiếc nuối vì dường như, thời gian qua mình đã bỏ phí quá nhiều thời gian bởi sự tự ti, thiếu can đảm không dám tiến lên trong mọi trường hợp; bởi lo sợ trước ánh nhìn, đánh giá của người khác mà không dám có được chủ kiến cá nhân; hay bởi những dằn vặt về sai lầm trong quá khứ mà không đủ dũng khí đối diện với hiện tại…
Là cuốn sách bestseller đã bán được 3 triệu bản tại Nhật Bản, Dám bị ghét dựa trên những tư tưởng của tâm lí học Adler được xây dựng dưới hình thức cuộc đối thoại trong năm đêm giữa hai người: chàng thanh niên và vị triết gia đã góp một hướng để trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời mỗi người.
Alfred Adler, nhà tâm lí học được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Nhưng khác với Freud phác họa cấu trúc nhân cách con người gồm ba phần cơ bản là: cái Nó – phần Vô thức, cái Tôi – phần Ý thức, cái Siêu tôi – phần Tiềm thức; và đặc biệt Freud nhấn mạnh đến vai trò của phần Vô thức. Ông cho rằng tâm lí con người giống với tảng băng trôi mà ý thức con người chỉ là bề nổi rất nhỏ thì phần chìm của tảng băng trôi chính là vô thức, chiếm tỉ trọng lớn quyết định hướng di chuyển của tảng băng. Điều đó đồng nghĩa với việc Freud thừa nhận rằng, “quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại”. Song với Adler, ông lại cho rằng “cuộc đời là do ta lựa chọn”; tức con người hoàn toàn có thể tự do ý thức và điều chỉnh được suy nghĩ, hành vi của mình; để quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại cũng chỉ là một cách con người ý thức lựa chọn mà thôi.
Và trong suốt những buổi trao đổi liên miên giữa chàng thanh niên cùng vị triết gia, từng lý thuyết cơ bản trong học thuyết của Adler về “tâm lí học cá nhân” dần được lộ rõ. Đó là “Hãy phủ nhận sang chấn tâm lí”, “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”, “Bỏ qua nhiệm vụ của người khác”, học cách “phân chia nhiệm vụ” trong cuộc sống; “Trung tâm thế giới nằm ở đâu?” và “cảm thức cộng đồng”; “Sống hết mình ‘Ngay tại đây, vào lúc này’”. Có lẽ, những gì mà vị triết gia nhắc đến, lý thuyết của Adler được nói đến trong những chương trên trong việc nhìn nhận thế giới và con người là những điều mà ai cũng biết cùng dễ dàng nói được. Nhưng rõ ràng, từ lý thuyết đi đến hành động là một điều rất khó, bởi cái cốt lõi để thay đổi hành động một người chính là thay đổi tư duy của người đó. Vì thế, tâm lý học Adler được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc trong cuộc đối thoại giữa hai con người thuộc hai thế hệ hiện lên không chỉ đơn thuần là đưa ra lý thuyết mà hơn cả, đó là “tâm lí học của lòng can đảm”, khích lệ con người dám làm, dám nghĩ, dám tiến bước, “dám bị ghét” và hơn hết cả là “dám có được hạnh phúc”.
Dưới hình thức một cuộc đối thoại dài qua nhiều ngày, Dám bị ghét đã đưa những lí thuyết tâm lí học tưởng chừng khô khan, khó hiểu đến với độc giả một cách cực kì nhẹ nhàng và dễ hiểu qua những ví dụ cùng lời giải thích chân thực, sống động, cặn kẽ. Từ người mắc hội chứng Hikikomori đến cô gái mắc chứng đỏ mặt khi gặp người mình thích, từ đứa trẻ không muốn học bài đến những lứa tuổi nổi loạn, từ chính cuộc sống bản thân chàng thanh niên đến ngay mối quan hệ giữa đình của vị triết gia… Tất cả đều là những câu chuyện đầy gần gũi khiến độc giả có thể thốt lên: dường như ta đang nhìn thấy chính bản thân ta trong những câu chuyện nhỏ đó.
Để rồi ta nhận ra, những điều triết gia nói, những gì chàng thanh niên chiêm nghiệm được dựa trên lí thuyết tâm lí học Adler đang giải quyết chính những cội gốc tồn tại rất lâu trong xã hội Nhật Bản về một lớp trẻ (và cả những người trưởng thành) vẫn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng căn cước trầm trọng. Với họ, thế giới này tràn ngập mâu thuẫn, không đáng sống. Họ không tìm ra mục đích sống, vụn vỡ trong quá khứ, mung lung về tương lai, vô định trong hiện tại và rồi tự nhốt bản thân mình lại trong phòng hay tiêu cực hơn là tìm đến cái chết như một cách để giải thoát cho bản thân.
Nhưng nếu những người đó hiểu được bản thân là ai, giải quyết được mối quan hệ giữa người với người trong ba mục tiêu cuộc đời, biết phân chia nhiệm vụ để không vướng bận với nhiệm vụ của người khác, sống để cống hiến hết mình cho cộng đồng ngay tại đây, vào lúc này thì có lẽ, mọi chuyện sẽ khác. Bởi bản thể con người, chỉ cần tồn tại thôi đã là một sự tồn tại vô cùng có ý nghĩa, theo cách này hay cách khác, với người này hay người kia. Ai cũng có thể hạnh phúc, ai cũng có thể thay đổi bản thân để thế giới trở nên tốt đẹp hơn: “Chấp nhận bản thân. Nếu biết chấp nhận bản thân như vốn có, xác định được “điều mình có thể” và “điều mình không thể”, ta sẽ hiểu rằng lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, và sẽ thấy việc tin tưởng vào người khác trở nên dễ dàng hơn” (Trang 275); “Lời nói dối cuộc đời lớn nhất, đó là không sống “ngay tại đây, vào lúc này” mà chỉ chìm đắm trong quá khứ, mơ mộng về tương lai, chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời, tưởng rằng mình đã thấy gì đó” (Trang 324); “Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, bạn không đủ “can đảm để dám hạnh phúc”. […]Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa […] Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc” (Trang bìa 4).
Tâm lí học Adler với lý thuyết về cái tôi, về mối quan hệ giữa người với người, về sự phân chia nhiệm vụ, về cảm thức cộng đồng, về cách con người sống để có được hạnh phúc thoạt nghe tưởng chừng là những lý thuyết hết sức sáo rỗng, thiếu tinh thần trách nhiệm hay như một dạng khích lệ con người sống gấp, sống vội. Nhưng qua cuộc tranh luận không nhượng bộ giữa chàng thanh niên và vị triết gia, người đọc mới nhận thấy, đây là những lí thuyết tâm lí… dẫu khó có thể chấp nhận ngay nhưng lại vô cùng tích cực và mang giá trị thực tiễn cao. Bởi “Cái quý giá nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình.” (Thép đã tôi thế đấy). Và tất nhiên, sống tận lực, tận hiến, sống trọn từng phút từng giây của hiện tại với tinh thần cống hiến hết mình cho nhiệm vụ của bản thân không có gì là đốt cháy thời gian hay trốn tránh trách nhiệm hết.
Là một cuốn sách viết về tâm lý nhưng không hề khô khan khó đọc, Dám bị ghét khích lệ con người ta hướng đến lối sống tích cực, dám can đảm thay đổi tư duy, dám can đảm để có được tự do, tiến tới hạnh phúc. Và đưa một ấn bản Dám bị ghét gần như hoàn thiện từ hình thức tới nội dung dịch thuật là một nỗ lực rất lớn của Công ty Nhã Nam trong việc truyền tải tri thức đến độc giả.
III. Trích dẫn sách Dám Bị Ghét
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Những trích dẫn truyền cảm hứng trong Dám Bị Ghét
Hãy nhớ, cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác, thì người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của cậu. Nếu đối phương hành động không như mình muốn, cũng không được tức giận. Vì đó là điều đương nhiên.
Cậu bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Cậu chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, cậu không đủ “can đảm dám được hạnh phúc”
Ý nghĩa của việc cống hiến cho người khác không phải là hy sinh bản thân. Thậm chí, Adler còn rung hồi chuông cảnh tỉnh, gọi kiểu người hy sinh cuộc đời mình vì người khác là “kẻ thích ứng quá mức với xã hội.” Tóm lại, cống hiến cho người khác không phải là vứt bỏ “cái tôi” để hết mình vì ai đó, mà là một cách để thực sự cảm thấy giá trị của “cái tôi”.
Hãy tưởng tượng cuộc đời của chúng ta giống hệt như một sân khấu. Chính vì đang chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cuộc đời nên mới cảm thấy mình nhìn thấy cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng nếu rọi đúng đèn chiếu cường độ mạnh vào “ngay tại đây, vào lúc này” thì sẽ không thấy quá khứ và tương lai nữa. Việc cảm thấy mình nhìn thấy quá khứ, cảm thấy mình dự đoán được tương lai là bằng chứng của việc cậu chưa sống hết mình “ngay tại đây, vào lúc này” mà chỉ đang sống trong ánh sáng mờ nhạt mà thôi. Rọi đèn chiếu vào duy nhất một chỗ “ngay tại đây, vào lúc này” chính là sống một cách nghiêm túc và trân trọng nhất với những gì ta có thể làm được lúc này.
Lời nói dối cuộc đời lớn nhất, đó là không sống “ngay tại đây, vào lúc này” mà chỉ chìm đắm trong quá khứ, mơ mộng về tương lai, chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời, tưởng rằng mình đã thấy gì đó. Từ trước đến giờ, cậu vẫn luôn bỏ qua cái “ngay tại đây, vào lúc này” mà chiếu đèn vào quá khứ và tương lai vốn không tồn tại. Cậu đã lừa dối chính cuộc đời mình, đánh mất những khoảnh khắc không thể thay thế.
Cho dù cậu trải qua những khoảnh khắc như thế nào, cho dù có người ghét cậu, chỉ cần cậu không đánh mất ngôi sao dẫn đường là “cống hiến cho người khác” thì cậu bé không lạc lối và làm gì cũng được. Hãy cứ sống tự do, ai ghét mình thì cứ để họ ghét mình. Hãy sống từng khoảnh khắc trọn vẹn, như đang khiêu vũ vậy. Không cần ganh đua với ai, cũng chẳng cần đích đến. Cứ khiêu vũ, chắc chắn rồi sẽ tới một nơi nào đó. Ý nghĩa cuộc đời đối với cậu sẽ chỉ sáng tỏ khi cậu khiêu vũ mình “nga y tại đây, vào lúc này”.
Quả thực ví cuộc đời như một câu chuyện là một cách nhìn thú vị. Nhưng nếu làm thế ta sẽ nhìn thấy “ngày mai lờ mờ” ở phía bên kia câu chuyện. Không những thế, ta còn cố sống theo câu chuyện đó. Ta cho rằng cuộc đời mình thế này nên không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, hoàn cảnh. Quá khứ được nêu ra ở đây không là gì khác ngoài một sự bao biện, một lời nói dối cuộc đời.
Người có sự bất ổn về tâm thần thường dùng những từ “mọi người”, “lúc nào cũng” hoặc “tất cả”, theo kiểu “Mọi người đều ghét tôi”, “Lúc nào cũng chỉ mình tôi chịu thiệt”, hay “Tất cả đều sai hết. Tâm lý học Adler coi đó là lối sống “thiếu hài hòa với cuộc đời” chỉ nhìn phiến diện mà suy diễn ra toàn bộ. Do Thái giáo có dạy thế này: “Trong số mười người sẽ luôn có một người phê phán anh về mọi việc. Người đó ghét anh và anh cũng không thể ưa được người đó. Đồng thời, trong số đó cũng sẽ có hai người có thể trở thành bạn, chấp nhận mọi thứ ở anh. Bây giờ còn lại chẳng thuộc về loại nào cả.”
Đừng đánh giá người khác “đã làm được gì” mà hãy bày tỏ niềm vui, nói lời cảm ơn đối với chính việc họ tồn tại. Nếu suy nghĩ trên cấp độ tồn tại thì chỉ cần chúng ta “có mặt ở đây” đã là có ích cho người khác, đã là có giá trị rồi. Đó là sự thật không có gì phải nghi ngờ. Giả sử mẹ cậu gặp tai nạn giao thông. Bà ấy ở trong tình trạng hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, cậu không hề nghĩ xem mẹ mình “đã làm được gì” nữa, chỉ cần bà còn sống là hạnh phúc rồi, chỉ cần hôm nay tính mạng của bà vẫn còn là hạnh phúc rồi. Tôi có thể nói về chính cậu điều tương tự như vậy. Nếu tính mạng cậu gặp nguy hiểm, thì khi cậu vừa được cứu sống, những người xung quanh hẳn sẽ cảm thấy vui mừng vì “cậu đang tồn tại”. Họ không đòi hỏi hành vi trực tiếp gì từ cậu cả, chỉ riêng việc cậu bình an vô sự, cậu tồn tại ở đây, lúc này đã khiến họ biết ơn lắm rồi.
Trong hành vi khen ngợi bao hàm ý “đánh giá của người có năng lực dành cho người không có năng lực”. Do đó được khen sẽ khiến con người dần hình thành niềm tin “mình không có năng lực”. Nếu “được khen ngợi” trở thành mục đích, rốt cuộc cậu sẽ chọn cách sống nương theo giá trị quan của người khác.
Chẳng có lý do gì khiến mình không được sống cuộc đời theo ý thích của mình cả.
Bất hạnh lớn nhất của con người là không thể yêu nổi chính mình.
Cuộc đời kết thúc ở tuổi 20 cũng như cuộc đời kết thúc ở tuổi 90. Nếu sống ngay tại đây, vào lúc này thì đều là cuộc đời trọn vẹn, cuộc đời hạnh phúc.
Nếu thực sự tự tin thì không cần phô trương. Chính vì lòng tự ti quá lớn nên mới phô trương, cố ý khoe mình tài giỏi, sợ rằng nếu không như thế, sẽ không được những người xung quanh công nhận “cái bản thân như thế này”.
Điều duy nhất cậu có thể làm cho cuộc đời mình là lựa chọn con đường tốt nhất mà mình tin tưởng, chỉ vậy thôi.. Người ta đánh giá thế nào về lựa chọn đó lại là việc của họ, cậu chẳng làm gì được.
Hãy nhớ bạn không sống để đáp ứng mong đợi của người khác, thì người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của bạn. Nếu đối phương hành động không như mình muốn, cũng không được tức giận…vì đó là điều đương nhiên…
Giờ thì cậu không thấy hạnh phúc, bởi vì cậu không yêu chính mình. Và cậu mong muốn ‘biến thành người khác’ như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Nhưng dù thế nào thì cậu cũng không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi. Điều quan trọng không phải là anh được trao cái gì, mà là anh sử dụng nó như thế nào.
Sống mà chỉ sợ những mối quan hệ bị đổ vỡ, là cách sống mất tự do, sống vì người khác.
Trích đoạn sách Dám Bị Ghét
Tại sao nói “Con người có thể thay đổi”?
Chàng thanh niên: Trước hết, chúng ta hãy cùng xác định các vấn đề cần tranh luận. Thầy nói rằng: “Con người có thể thay đổi.” Không chỉ thế, ai cũng có thể hạnh phúc.
Triết gia: Đúng vậy, không có ngoại lệ.
Chàng thanh niên: Chúng ta sẽ tranh luận về hạnh phúc sau, trước hết, tôi xin hỏi về “thay đổi”. Con người ai cũng mong muốn thay đổi. Tôi cũng vậy, và có lẽ nếu ra hỏi những người qua đường ngoài kia, họ cũng có cùng câu trả lời. Tuy nhiên, tại sao mọi người lại đều muốn thay đổi.
Câu trả lời chỉ có một, là vì người ta không thể thay đổi. Nếu có thể dễ dàng thay đổi, sẽ chẳng ai mất công “mong được thay đổi” cả.
Con người dẫu có muốn cũng không thể thay đổi được. Chính vì thế, mới có không biết bao nhiêu người bị lừa bịp bởi các tôn giáo mới, các buổi hội thảo tự khai sáng kỳ quặc rao giảng về việc có thể thay đổi con người. Tôi nói không đúng sao?
Triết gia: Vậy tôi xin hỏi ngược lại cậu. Tại sao cậu cứ khăng khăng rằng con người không thể thay đổi?
Chàng thanh niên: Tại sao ư? Vì thế này. Trong đám bạn tôi, có một cậu cứ giam mình trong phòng suốt bao năm nay. Cậu ấy muốn ra ngoài và nếu được cũng muốn có một công việc nữa. Cậu ấy rất muốn “thay đổi” bản thân mình hiện giờ. Với tư cách bạn bè, tôi xin đảm bảo cậu ấy là một người rất chăm chỉ và sẽ có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cậu ấy sợ ra khỏi nhà. Chỉ cần bước một bước ra ngoài là tim cậu ấy bắt đầu đập nhanh, chân tay run lẩy bẩy. Đó hẳn là một chứng bệnh tâm thần. Muốn thay đổi cũng không thể thay đổi.
Triết gia: Theo cậu, lý do gì khiến cậu ấy không thể ra ngoài?
Chàng thanh niên: Tôi không rõ lắm. Có thể là do quan hệ với cha mẹ, hoặc cậu ấy từng bị sỉ nhục ở trường, ở nơi làm việc dẫn đến sang chấn tâm lý. Hoặc có khi ngược lại, là do cậu ấy được nuông chiều thái quá. Nói tóm lại tôi cũng không tiện dò hỏi kỹ quá khứ và hoàn cảnh gia đình cậu ấy.
Triết gia: Tóm lại là, trong quá khứ của người bạn cậu, đã xảy ra một sự kiện trở thành nguyên nhân gây sang chấn tâm lý hay gì đó. Và kết quả là cậu ấy không thể ra ngoài được nữa. Ý cậu là vậy phải không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là vậy. Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân. Có gì lạ cơ chứ.
Triết gia: Vậy, giả sử nguyên nhân cậu ấy không dám ra khỏi nhà là do hoàn cảnh gia đình hồi nhỏ. Giả sử cậu ấy lớn lên đã bị cha mẹ ngược đãi, và không hề biết đến tình yêu thương. Vì vậy, cậu ấy sợ tiếp xúc với người khác, không dám ra khỏi nhà. Chuyện có thể là như thế chăng?
Chàng thanh niên: Nhiều khả năng là như thế. Chuyện đó hẳn sẽ gây ra sang chấn nặng nề.
Triết gia: Và cậu nói “Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân”. Nghĩa là cậu cho rằng tôi của lúc này (kết quả) là do các sự kiện trong quá khứ (nguyên nhân quyết định). Tôi hiểu như vậy có đúng không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên.
Triết gia: Nếu hiện tại của tất cả mọi người đều do các sự kiện trong quá khứ quyết định như cậu nói thì chẳng phải sẽ lạ lắm sao?
Như vậy thì, nếu những người bị cha mẹ ngược đãi khi còn nhỏ mà lại không có kết quả giống như người bạn của cậu, tức là không giam mình trong phòng, thì sẽ không hợp lý. Quá khứ quyết định hiện tại, nguyên nhân chi phối kết quả là như vậy phải không?
Chàng thanh niên: … Thầy muốn nói điều gì?
Triết gia: Nếu chỉ chú ý đến nguyên nhân trong quá khứ, giải thích sự việc chỉ bằng nguyên nhân, vậy thì sẽ rơi vào quyết định luận. Nghĩa là cho rằng hiện tại rồi cả tương lai của chúng ta đều đã được quyết định bởi những sự kiện trong quá khứ, không thể thay đổi được. Có phải vậy không?
Chàng thanh niên: Vậy ý thầy muốn nói là quá khứ chẳng liên quan gì?
Triết gia: Đúng vậy. Đó là quan điểm của tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Rõ rồi. Vậy là điểm mâu thuẫn giữa chúng ta đã rõ. Nhưng, thưa thầy, theo như thầy vừa nói thì cậu bạn tôi không dám ra ngoài nữa chẳng vì lý do gì cả sao? Bởi thầy nói rằng những sự kiện trong quá khứ chẳng liên quan gì. Tôi xin lỗi, nhưng chuyện đó tuyệt đối không thể. Phải có lý do nào đó đằng sau việc cậu ấy cứ giam mình trong phòng chứ. Nếu không sẽ không hợp lý!
Triết gia: Đúng vậy. Phải có lý do nào đó. Vì vậy, tâm lý học Adler nghĩ về mục đích trong hiện tại chứ không phải về nguyên nhân trong quá khứ.
Chàng thanh niên: Mục đích trong hiện tại?
Triết gia: Không phải bạn cậu “lo lắng nên không dám ra ngoài” mà ngược lại, tôi cho rằng cậu ấy không muốn ra ngoài nên tạo ra cảm giác lo lắng.
Chàng thanh niên: Sao cơ?
Triết gia: Nghĩa là, bạn cậu đã có mục đích “không ra ngoài” trước rồi mới tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi làm phương tiện để đạt được mục đích đó. Tâm lý học Adler gọi đó là “thuyết mục đích”.
Chàng thanh niên: Thầy đùa sao! Tự tạo ra cảm giác bất an và sợ hãi ư? Thầy đang nói rằng bạn tôi giả bệnh sao?
Triết gia: Không phải là giả bệnh. Nỗi lo lắng, sợ hãi bạn cậu cảm nhận được là thật. Sẽ có lúc, cậu ấy còn khổ sở vì đau đầu như búa bổ hay bị những cơn đau bụng dữ dội giày vò. Những triệu chứng đó cũng là thứ được tạo ra để đạt được mục đích “không ra ngoài”.
Chàng thanh niên: Không thể thế được! Luận điệu này quá phi lý!
Triết gia: Không. Đây chính là sự khác nhau giữa tư duy theo “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích”. Những điều cậu nói đều dựa trên thuyết nguyên nhân. Nếu cứ tiếp tục dựa dẫm vào nguyên nhân thì chúng ta sẽ mãi mãi không thể tiến thêm bước nào cả.
Sang chấn tâm lý vốn không tồn tại
Chàng thanh niên: Nếu thầy kiên quyết đến mức đó thì xin hãy giải thích rõ. Sự khác nhau giữa “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích” rốt cuộc là gì?
Triết gia: Chẳng hạn, cậu bị cảm, sốt cao, phải đi khám bác sĩ. Và bác sĩ giải thích lý do bị cảm là: “Anh bị cảm do hôm qua mặc phong phanh đi ngoài đường” và coi thế là xong. Đến đó thì cậu có hài lòng không? Làm sao mà hài lòng được. Nguyên nhân là do mặc phong phanh, bị ngấm mưa hay gì chẳng thế. Vấn đề là tôi đang khổ sở vì sốt cao, là tình trạng bệnh của tôi. Nếu là bác sĩ thì nên sử dụng những biện pháp chuyên môn như kê đơn thuốc, tiêm để điều trị. Nhưng những người theo thuyết nguyên nhân, như các nhà tư vấn tâm lý hay bác sĩ tâm thần học đều chỉ dừng lại ở việc chỉ ra rằng “Bạn đang khổ sở là do những chuyện xảy ra trong quá khứ” hay động viên, “Vì vậy, bạn không có lỗi gì cả”. Cái gọi là sang chấn, chính là điển hình của thuyết nguyên nhân.
Chàng thanh niên: Khoan đã! Nghĩa là thầy phủ nhận sự tồn tại của sang chấn tâm lý?
Triết gia: Tôi một mực phủ nhận.
Chàng thanh niên: Sao thầy có thể… Chẳng phải thầy, không, chẳng phải Adler là một nhà tâm lý học lớn sao?
Triết gia: Tâm lý học Adler phủ nhận hoàn toàn sang chấn tâm lý. Đây là một điểm rất mới, có tính bước ngoặt. Đúng là quan điểm về sang chấn của Freud rất khiến người ta quan tâm. Ông cho rằng vết thương lòng ở quá khứ dẫn đến nỗi bất hạnh trong hiện tại. Khi coi cuộc đời là một “câu chuyện” dài, thì logic nhân quả dễ hiểu cũng như sự phát triển cốt truyện kịch tính sẽ rất có sức hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi phủ định quan điểm về sang chấn, Adler đã nói như thế này. “Bản thân kinh nghiệm không phải nguyên nhân của thành công hay thất bại. Chúng ta không đau khổ vì những cú sốc trong trải nghiệm của bản thân – cái được gọi là sang chấn tâm lý – mà sự thực là từ những trải nghiệm ấy chúng ta tìm ra những điều phù hợp với mục đích của mình! Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó.”
Chàng thanh niên: Tìm thấy điều phù hợp với mục đích của mình?
Triết gia: Đúng vậy. Hãy chú ý rằng, Adler nói tạo ra bản thân nhờ vào “ý nghĩa chúng ta gán cho trải nghiệm”, chứ không phải “chính trải nghiệm”. Tôi không nói là những sự kiện như gặp tai nạn nghiêm trọng hay bị ngược đãi hồi nhỏ không hề ảnh hưởng chút nào tới việc hình thành nhân cách. Ngược lại, chúng có ảnh hưởng lớn. Nhưng điều quan trọng là bản thân trải nghiệm ấy không phải điều quyết định. Chúng ta quyết định cuộc đời mình bằng cách gán ý nghĩa nào đó cho những trải nghiệm trong quá khứ. Cuộc đời không phải thứ được kẻ khác định đoạt mà do chính mình lựa chọn, sống như thế nào là do chính bản thân mình.
Chàng thanh niên: Vậy, lẽ nào thầy cho rằng bạn tôi thích thế nên mới tự giam mình trong phòng? Rằng cậu ấy chủ động lựa chọn ở lì trong phòng? Thật nực cười. Cậu ấy không chủ động chọn mà là “buộc phải” chọn. Cậu ấy bị buộc phải là bản thân mình trong hiện tại!
Triết gia: Không phải! Giả sử bạn cậu cho rằng “Mình bị cha mẹ ngược đãi nên không thể thích ứng với xã hội”, thì hẳn có “mục đích” thúc đẩy cậu ta nghĩ như vậy.
Chàng thanh niên: Mục đích như thế nào?
Triết gia: Rõ nhất là có mục đích “không ra ngoài”. Để không phải ra ngoài, cậu ta tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Chàng thanh niên: Tại sao cậu ấy không muốn ra ngoài? Vấn đề là ở chỗ đó!
Triết gia: Vậy thì hãy đặt mình vào vị trí của bố mẹ cậu ấy. Nếu con cậu ru rú giam mình trong phòng, cậu sẽ thấy thế nào?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi lo lắng rồi. Làm thế nào để thằng bé quay lại với xã hội, làm thế nào để nó trở lại hoạt bát như xưa, có phải cách nuôi dạy con của mình sai ở chỗ nào không… Tôi sẽ nghiêm túc suy nghĩ những vấn đề ấy, đồng thời tìm mọi cách để đưa con mình quay trở lại xã hội.
Triết gia: Vấn đề là ở đó.
Chàng thanh niên: Ở đâu cơ?
Triết gia: Nếu không ra ngoài, cứ ở lì trong phòng, cha mẹ sẽ lo lắng. Có thể chiếm trọn sự chú ý của cha mẹ. Sẽ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Ngược lại, hễ ra khỏi nhà một bước, cậu ta sẽ lẫn vào “số đông” chẳng được ai chú ý. Lọt thỏm giữa những người không quen biết, trở thành một kẻ bình thường hoặc kém cỏi hơn người khác. Và sẽ chẳng được ai nâng niu nữa… Đây là tâm lý thường thấy ở những người giam mình trong phòng.
Chàng thanh niên: Vậy, nếu theo lập luận của thầy thì bạn tôi đã đạt được “mục đích” và hài lòng với tình trạng bây giờ?
Triết gia: Có lẽ cậu ấy không hài lòng, và cũng không hạnh phúc. Nhưng, chắc chắn là cậu ấy đã hành động theo mục đích ấy. Không chỉ riêng cậu ấy mà tất cả chúng ta đều đang sống theo một mục đích nào đó. Đó là quan niệm của thuyết mục đích.
Chàng thanh niên: Không, không, dù gì tôi cũng không thể chấp nhận quan điểm này. Bạn tôi vốn…
Triết gia: Được rồi, cứ tiếp tục câu chuyện về bạn cậu thì cuộc tranh luận sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bàn luận về một người vắng mặt thật chẳng hay ho gì. Chúng ta hãy tìm một ví dụ khác.
Chàng thanh niên: Vậy ví dụ này có được không? Chuyện vừa xảy ra với chính tôi hôm qua.
Triết gia: Ờ, hãy kể cho tôi nghe nào.
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Dám Bị Ghét – Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!