Thể Loại | Văn Học – Tiểu Thuyết |
Tác Giả | Andrea Hirata |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 428 |
Ngày Xuất Bản | 04 – 2020 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Chiến Binh Cầu Vồng
“Chiến Binh Cầu Vồng” Một tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia
“Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.” – (Trích tác phẩm)
Trong ngày khai giảng, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa. Nhưng ước mơ dạy và học trong ngôi trường Hồi giáo ấy liệu sẽ đi về đâu, khi ngôi trường xập xệ dường như sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào, khi lời đe dọa đóng cửa từ viên thanh tra giáo dục luôn lơ lửng trên đầu, khi những cỗ máy xúc hung dữ đang chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc…?
Và liệu niềm đam mê học tập của những Chiến Binh Cầu Vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, chưa kể sự mê hoặc từ những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còm kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian …?
Chiến Binh Cầu Vồng có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.
Tác phẩm đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.
Thông tin tác giả Andrea Hirata
Andrea Hirata (sinh ngày 24 tháng 10 năm 1967) là một tác giả người Indonesia được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết năm 2005 Laskar Pelangi (“Chiến Binh Cầu Vồng“) và các phần tiếp theo của nó. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến Binh Cầu Vồng được dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ giáo dục cho chính mình đã đạt thành công vang dội.
Chiến Binh Cầu Vồng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Bộ phim Chiến Binh Cầu Vồng đạt doanh thu cao kỷ lục ở Indonesia đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.
Nhờ thành công của bộ phim và cuốn sách, lượng khách du lịch tới đảo Belitung đã tăng đột biến.
II. Review sách Chiến Binh Cầu Vồng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. TIKI review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Cuốn sách nhỏ bé chứa đựng bên trong nó nghị lực phi thường của 10 đứa trẻ nghèo đói (nhưng ham học mãnh liệt), 1 người cha đánh cá nghèo khổ (phải gồng mình nuôi mười bốn miệng ăn nhưng dám-can-đảm cho con trai của mình đi học), 1 thầy hiệu trưởng (yêu nghề, yêu học trò đến khi nhắm mắt vẫn không yên) và 1 cô giáo (dám đương đầu với thế lực, cửa quyền để bảo vệ đến cùng ngôi trường xiêu vẹo)…
Cứ tỉ tê, tỉ tê tự nhiên theo giọng kể chứa đầy cảm xúc (cái cảm xúc đau đớn, phẫn nộ nhưng đầy tuyệt vọng) cuốn sách dẫn chứng nhiều nghịch lý đau lòng của cái giàu và cái nghèo, của quyền lực và sự thân cô thế cô.
Nhưng điều tôi buồn nhất, bất mãn nhất là nỗ lực được đi học, được thoát nghèo, được trở thành 1 nhà toán học của Lintang đã không thoát khỏi định mệnh của cái nghèo. Thực tế cuộc sống ác nghiệt đến mức bóp tan tành và vùi dập giấc mơ của 1 đứa trẻ. Chấp nhận là chấp nhận thế nào???
Giá mà, tất cả những nhà giáo, những người làm giáo dục có thể đọc được cuốn sách phi thường này…
Mọi công dân đều có quyền học hành (Hiến pháp Nước Cộng hòa Indonesia, Điều 33)
2. PHẠM HẰNG review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Quyển này mình mua cũng khá lâu rồi bây giờ mới có thời gian để đọc. Quả thực trước khi cầm nó trên tay mình đã đọc vô số các bài nhận xét về cuốn sách này, và biết được sách đã có rất nhiều giải thưởng và tiếng vang đặc biệt ở Indonesia. Cảm nhận rõ nhất là khát khao được đi học của những đứa trẻ con nghèo tại vùng đất nghèo nhất Indonesia, chúng có thể vượt cả chục cây số, chấp nhận học nơi tàn nhất để có một tương lai tươi sáng, ít nhất là hơn bố mẹ chúng, chứ không phải là một cu li sống mãi trong kiếp nghèo khổ.
3. HUỲNH DƯƠNG review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Review Chiến Binh Cầu Vồng – tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất INDONESIA
Bất kì ai mê mẩn những trang sách viết về hiện thực xã hội đều nên đọc qua “Chiến binh cầu vồng” dù chỉ một lần. Từng trang sách hiện lên cái ngặt nghèo đến chắt chiu mới có thể được đến trường của những đứa trẻ nghèo Indonesia. Lintang phải liều cả tính mạng mình, đạp xe bốn chục cây số mới tới được lớp học. Số phận lủng lẳng như chờ đợi cắt đứt đường học hành của chúng bất cứ lúc nào. Ngôi trường oằn mình đến khổ sở. Bản thân nó đứng vững là cả một kì tích. Để học còn phải đấu tranh, dẫu cho đó là quyền cơ bản của con người.
Chiến binh cầu vồng khắc sâu hố phân cách giàu nghèo trong xã hội. Bức tranh khắc họa sự đối lập giữa sự giàu có xa hoa của Điền Trang PN, với sự nghèo túng cùng cực của đại đa số cư dân trên đảo mà lũ trẻ là đại diện không thể rõ ràng hơn. Hằng ngày những con người ở mái trường nhỏ bé ấy vật lộn để học tập, để thoát khỏi số kiếp mà ông bà, cha mẹ mấy đời chúng đều túng quẫn. Trong số những chiến binh ấy có người đạt được giấc mơ của mình, có người đã đầu hàng số phận. Song, vượt lên tất cả giáo dục vẫn là thứ khai sáng tính nhân bản, ánh sáng văn minh và góp phần hoàn thiện nhân cách con người.
4. LIEN KIM review sách Chiến Binh Cầu Vồng
CHIẾN BINH CẦU VỒNG
“ĐƯỢC” ĐI HỌC LÀ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ QUÁ XA XỈ…
Đảo Belitung, thuộc Indonesia, nơi mà những người dân Mã Lai bản địa nghèo xơ nghèo xác, đời này qua đời khác sống bằng nghề cu li, thì đối với trẻ em nơi đây, giấc mơ được đi học lênh đênh như những con sóng vỗ xa bờ.
“Đi học” nghĩa là gia đình sẽ mất đi một nguồn lao động, mất đi một khoảng chi phí dự trù cho việc học hành, trong khi đó, đồng lương của nghề cu li không hề có chỗ cho khoảng lo này. Ngày qua ngày, bữa đói bữa no, một người phải nuôi nhiều người trong gia đình, gánh nặng mưu sinh cứ thế đặt lên vai người đàn ông, thì cha mẹ cũng không còn hi vọng nhiều về con đường đến trường của con em nữa. Sớm hay muộn, các em cũng sẽ là cu li để nuôi gia đình.
Đảo Belitung, chỉ có một ngôi trường công duy nhất cho người dân Mã Lai bản địa, đó là trường Muhammadiyah, trường cũng nghèo xơ nghèo xác như con người vậy. Mái trường xiêu vẹo đến mức tưởng chừng như chỉ một cơn gió mạnh thổi qua cũng có thể lật đổ hết tất cả ngoại trừ cái cột chống. Những hôm trời mưa, cô Mus phải một tay cầm lá chuối trên đầu che mưa để giảng bài.
Nghèo khó về vật chất là chưa đủ, trường Muhammadiyah còn bị áp đảo về tinh thần khi đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu trường không đủ 10 em học sinh, và xót xa hơn khi bị đe dọa bởi các hung thần máy súc thiếc có thể súc tung ngôi trường lên bất cứ lúc nào. Vậy mà, cũng ngôi trường dột nát này đã sinh ra những con người thật xuất chúng.
Để được đi học, có một cậu bé hằng ngày phải đạp xe hơn 40 cây số, băng qua các đầm lầy cá sấu, đi học lúc trời chưa sáng. Do nhà không có đồng hồ, có đêm cậu đi học lúc nửa đêm vì nghe tiếng gà gáy, và chưa một lần nghỉ học dẫu có lúc cậu đến lớp khi đã là tiết học cuối cùng, vì xe bị đứt dây xích.
Để được đi học, ban ngày học ở trường, ban đêm các em làm cu li cho các chủ điền trang, đến tận khuya mới có thể mở trang vở ra học bài. Dưới những ngọn đèn khuya khoắt đó, nhà thiên tài toán học kiệt xuất nhất trên đảo Belitung đã ra đời. Và rồi theo thời gian, cũng có thêm một nghệ sĩ tài hoa được phát hiện trong mái trường rách nát của cô Mus.
Mà cuộc đời thì chẳng đi theo quy luật nào cả. Nó sẽ rẽ nhánh, ở mỗi ngã rẽ đó, con người phải tự ứng biến để đi theo con đường của mình. Suốt bao nhiêu năm đi học, trải qua biết bao khó nhọc, các chiến binh cầu vồng đã làm tất cả để nuôi giấc mơ thay đổi số phận, nhưng rồi số phận nghiệt ngã có buông tha cho những đứa trẻ tội nghiệp này hay không?
…………..
Đến cuối cùng, mỗi một chiến binh cầu vồng đã tỏa sáng một màu sắc rực rỡ nhất trên đường cong cầu vồng của riêng mình.
5. NGUYET ANH review sách Chiến Binh Cầu Vồng
“Tao sẽ không làm cha mẹ mình phải thất vọng, Ikal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ cao đẹp, Boi, và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc, Boi. Đừng bao giờ bỏ cuộc.”
Đó là câu nói của Lintang mà nửa đêm qua khiến mình khóc nghẹn,thật sự không thể diễn tả hết cảm xúc khi đọc xong quyển sách này,nó khiến mình ám ảnh!
Một câu chuyện cảm động kể về khó khăn,thiếu thốn của những đứa trẻ nghèo với ước mơ được đến trường ; hai giáo viên nghèo với ước mơ được đứng trên bục giảng dạy học mà không cần lấy một đồng lương,…nhưng trên tất cả đó là tình yêu dành cho sự nghiệp giáo dục của thầy Harfan và cô Mus. Trường tiểu học Muhammadiyah vào ngày khai giảng nếu không đủ 10 học sinh sẽ phải đóng cửa, thật may vào phút chót cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun đã đến cứu lấy cả ngôi trường. Trong tiểu thuyết đã không biết bao lần mình cùng khóc cùng cười cùng vui sướng với các nhân vật và mong rằng những ước mơ của họ sẽ trở thành sự thật. Nhưng hiện thực xã hội đã bóp chết những ước mơ ấy vả lại đây không phải là cổ tích mà nó là chính câu chuyện của tác giả -nó có thật. Người ấn tượng nhất cũng tiếc nuối nhấtvới mình đó là Lintang cậu bé thông minh nhanh trí người đã truyền lửa cho các bạn mình ,cậu bé nghèo phải đạp xe tận 40km để đến trường và muốn trở thành nhà toán học ,vì gánh nặng gia đình vì nghèo nên phải bỏ giữa chừng để làm anh lái xe chở hàng.
–>Nói chung đây là một tác phẩm cực kì xuất sắc nên đọc ít nhất một lần trong đời bạn không hối hận đâu nó không chỉ nói về ý nghĩa của việc học mà còn nhiều điều khác bổ ích
Câu nói tâm đắc trong truyện:”Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định làm bạn mạnh mẽ hơn”
6. ĐỖ THỊ HỒNG LUYẾN review sách Chiến Binh Cầu Vồng
“Chiến Binh Cầu Vồng” Một cuốn sách khiến bạn cười, và cũng khiến bạn khóc.
Cười là khi Harun giơ tay 3 ngón trả lời câu hỏi của ông Samadikun 2+2=?.Cười là khi Marha đã giúp trường giành cup trong lễ hội hoá trang. Cười là khi Lintang dùng trí tuệ của mình để mang về niềm tự hào thứ 2 cho ngôi trường xập xệ ấy.
Còn khóc, thật ra không hẳn là nước mắt rơi, mà chỉ thấy mắt nhoè đi. Thầy Harfan, người đàn ông có tấm lòng bao la như trời biển, thầy trút hơi thở cuối cùng tại ngôi trường nơi chính thầy đã dùng cả linh hồn của mình để gây dựng và bảo vệ. Là khi Lintang gửi cô Mus bức thư với nội dung: “Thưa cô. Cha em mất rồi. Ngày mai em đến trường để chào cô và các bạn. Học trò của cô. Lintang.” Một buổi chiều buồn nhất trong lịch sử Belitung, một buổi chiều buồn nhất trên đời. Và cảnh cuối cùng, là cuộc gặp gỡ của Ilka và Trapani, tại trại tâm thần, khi Trapani gọi “Ilka” thì mọi thứ từ đầu cuốn sách như tràn về.
Đây là cuốn sách mình mua chỉ vì với lời tựa, tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia. Là cuốn sách mình đọc rất lâu, bởi vì, không gay cấn mà mỗi chương, mình đều dừng lại vì đó là một câu chuyện, về từng người, từng hoàn cảnh trong đội chiến binh cầu vồng.
Nếu nói về thích nhất, thì mình rất thích các chương nói về Lintang và Marha, vì mình cảm thấy đây chính là động lực để mười một chiến binh cùng nhau vượt qua khó khăn. Hai cậu ấy mang hai trường phái đối lập, một người là thần đồng khoa học, một người thần đồng trong nghệ thuật.
Hỏi câu chuyện này là kết thúc vui hay buồn. Khi chưa đọc kết thúc thì mình chỉ mong sao có thể đọc thật nhanh, thật nhanh để biết các cậu ấy sẽ thế nào sau 12 năm kể từ ngày Lintang rời lớp học. Nhưng khi đọc xong rồi, mình chỉ muốn dừng lại khi tiếng gọi “Ilka” của Trapani cất lên, như thế thì mình sẽ nghĩ về cái kết có hậu của các cậu bé ấy.
Mình muốn viết nhiều thứ về cuốn sách này, nhưng không nghĩ được các từ để diễn tả. Nên mình sẽ mượn một câu trong sách để kết lại.
“Chúng tôi cùng nhau làm nên dải cầu vòng đẹp nhất thế gian này”
7. JENNY LE review sách Chiến Binh Cầu Vồng
“Chiến Binh Cầu Vồng” là một cuốn sách hay, rất hay.
Dành cho những ai đang chán học, đang mất động lực, đang cảm thấy cuộc đời thấy bế tắc, hay đơn giản muốn kinh qua một cuộc hành trình đầy nỗ lực, hy vọng, và thực tiễn.
Mình nghĩ cuốn sách này không còn xa lạ vời nhiều người, và tất cả những gì mình muốn viết là một chữ: “hay”
- Về thiết kế: Bìa đẹp, cơ mà cái gáy hơi lỏng lẽo.
- Về ý nghĩa:
Đã lâu rồi mình mới tìm lại được cảm giác nương theo đến tận cùng những dòng chữ, mình khóc, mình cười ngặt nghẽo, mình tưởng tượng, mình khâm phục, mình đau lòng, mình lạc vào một thực tại khắc nghiệt nhưng đầy màu sắc huyền bí, mình sống với tác giả, mình đau đáu những nỗi lo, mình bay lên cùng với những tưởng tượng, ước mơ và khát vọng.
Khát vọng được đi học, giành giật lại ngôi trường kì lạ nhỏ bé lại mãnh mẽ như thế.
Mỗi đứa trẻ, mỗi “Chiến binh Cầu Vồng” là một gam màu trong một bản tình ca rực rỡ.
Tuổi thơ thật sự của tác giả – người kể chuyện – được ẩn hiện với một cách kể chuyện tuyệt vời, làm người ta liên tưởng, và trong cái hiện thực của đói nghèo, cái “tuổi thơ dữ dội” lại đầy lạc quan, đầy “trẻ thơ”.
Sự vươn lên và nỗ lực không ngừng của cả cô và trò làm thành những sức mạnh không gì sánh bằng. Chính sự tận tâm, sự tử tế và yêu thương nhau khiến họ quên đi cái khổ, cái nghèo. Hay chính cái khổ, cái đói nghèo ấy làm cho khát vọng được đến trường mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong đủ đầy, người ta thường quên đi sự sung sướng của mình và chỉ biết đòi hỏi.
Qua lời kể, mình thương từng nhân vật, mình khóc khi thầy Harfan mất, khi cô Mus phải quằn mình đối chọi với sự tuyệt vọng của đám học trò nhỏ, khi Lingtan mất bố.
Mình thương cho những số phận nghèo khổ nhưng chân thật, tử tế.
Nét hồn nhiên và đẹp đẽ của những người dân đảo Belington hiện lên rõ mồn một, và nó khiến mình nhớ về những người dân nghèo khổ thời hiện tại.
Qua cách diễn đạt ấy, mình nhận ra được cả sự khiêm nhường, một cách sống đầy tư duy của chính nhà văn, những người giỏi chân chính, “những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nói và ko thể tìm ra lời lẽ để tranh luận”
Tình bạn chân thành là khi cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, và tình yêu thời trẻ tuổi, hay nói khác hơn là những rung động đầu đời chỉ qua một đôi bàn tay đẹp nhưng cũng bỏ ngõ. Nào có nhiều mối tình đầu là tình cuối được đâu?
Về thực tế phũ phàng và khắc nghiệt, rồi sự vô tâm, sự hào nhoáng của chính quyền, những thần đồng ham học hỏi lại bị cái nghèo bủa vây.
Những ước mơ đẹp đẽ bị vỡ tan tành. Bạn có thể bĩu môi phán xét họ không đủ cố gắng, nhưng nếu bạn là họ, bị gánh nặng “đời cơm áo” đè đến thụt vai. Liệu bạn có thể? Và nó không phải là lý thuyết, nó là thực tại mà nếu dễ dàng buông xuôi, nó sẽ trở thành một điều “bình thường” trong cuộc đời này.
Mình đau xót trước cái kết thúc rất “đời”, rất “thực tiễn”. Những ước mơ vỡ tan, những tưởng cuộc chiến dai dẵng vượt qua bao nhiêu khó khăn sẽ được bù đắp xứng đáng, nhưng không, những cái đắng phũ phàng. Phải chăng có rất nhiều những ước mơ trên cuộc đời này đã bị vùi dập trước hiện thực khác nghiệt.
Con người đang tàn phá thiên nhiên vì đồng tiền, để rồi đâu mới là những giá trị “bác ái”?
Mình thấy rất buồn cười khi thằng nhóc học dốt gần nhất lớp, nhưng lại “quảng giao” và “có tính không biết xấu hổ” cuối cùng lại là đứa thành đạt, có mặt trong “quốc hội”. Một sự châm biếm rất sâu cay.
Mình thất vọng khi bán cầu trái, thần đồng Lintang – người luôn chiến đấu với tử thần hàng ngày – người không bao giờ bỏ cuộc lại trở về với nghèo khó, bán cầu phải – Mahar cũng trầy trật với cuộc đời. Nhân tài rồi sẽ đi về đâu?
Nói tóm lại, cuốn sách truyền cho mình một nguồn cảm hứng kì lạ, nhưng dù nó buồn, nhưng nó lại mang lai cảm giác tích cực. Vì mình biết thực tại hiện giờ cũng đã đổi thay nhiều.
Có rất rất nhiều thứ ngộ ra từ cuốn sách, nhưng khó để diễn đạt ra hết. Chỉ là. Đây là một cuốn sách hay.
8. THAO review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Chiến binh cầu vồng là một câu chuyện dựa trên chuyện ấu thơ của tác giả Andrea Hirata, một tác giả người Indonesia, quyển sách được đánh giá có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở đất nước này và được chuyển thể thành phim 3năm sau khi cuốn sách ra đời.
Sách kể về câu chuyện 11 đứa trẻ ở vùng đảo Belitong, hòn đảo giàu nhất Indonesia lúc đó nhưng phải chật vật đấu tranh với để được đến trường, cuộc chiến bền bỉ kéo dài nhiều năm của ngôi trường tiểu học Muhammadiyah cùng với 2 thầy cô duy nhất của ngôi trường: thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo trẻ Mus.
Quyển sách làm mình nhớ đến thời nhỏ, hồi học ngôi trường cấp 1,2 trời mưa thì nước đổ trên đầu xối xả, mưa to thì cầu ngập, giáo viên không xuống được trường, cả bọn kéo nhau đi xem lũ. Nhưng mà so với những chuyện trong truyện thì những cái kể trên chả thấm thía vào đầu. Ít nhất cơ hội đến trường vẫn còn mở rộng, còn ngôi trường trong truyện nếu chỉ thiếu 1 học sinh để đạt được số lượng 10 học sinh trong lớp sẽ phải đóng cửa cả trường, giây phút một đứa trẻ giữa trưa bước qua cổng trường với cơ thể của một người lớn nhưng tâm hồn của một đứa trẻ lại là hạnh phúc và hi vọng đầu tiên của 2 thầy cô trường tiểu học, của cả các bậc phụ huynh nghèo khổ và 9 đứa trẻ với ước mơ được đến trường.
Sách dựa trên những sự kiện có thật từ tuổi ấu thơ của tác giả, với giọng văn chân thực, cách kể chuyện không mĩ miều nhưng đã đọc bạn sẽ hình dung ra cụ thể những gì tác giả muốn nhắn gửi, xuyên xuốt câu chuyện là cái nghèo ám ảnh ở vùng đất giàu nhất Indonesia, có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật vì cái giàu chỉ có ở khu vực Điền Trang ( cho những người quyền chức khai thác thiếc, công nhân trong điền trang..).
Bạn sẽ khóc khi đọc truyện khi hình dung ra cảnh một đứa trẻ nhà có 14 người, hơn cả nghèo vượt qua hơn 40 cây số với những nơi toàn cá sấu với chiếc xe đạp hư đến trường hằng ngày, không bỏ bữa học nào. Đứa trẻ thần đồng với lòng quyết tâm kiên trì. Bạn sẽ khóc khi chứng kiến cảnh một người công nhân nhưng nhìn một sự kiện và nói về thuyết tương đối.
Quyển sách có những chương vui thật vui, khi đọc bạn sẽ hạnh phúc với niềm vui chung của đội chiến binh cầu vồng nhưng cũng có những chương bạn sẽ khóc vì chính những hiện thực phũ phàng. Nhưng trên hết quyển truyện là những hi vọng, là lẽ sống muốn vượt lên hoàn cảnh, sống tốt hơn, ước mơ và làm được ước mơ.
11 người với những ước mơ riêng, nhóm chiến binh cồng vồng vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để được đến trường, đi qua tuổi ấu thơ, mỗi người lại đi theo một con đường khác nhau nhưng nhìn lại hành trình như tác giả đã nói trong bài viết:
“Cứ nhìn vào thực tế thì không thế nói trước được tương lai của những thành viên đội chiến binh cầu vồng là như thế nào. Nhưng chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã có cơ hội được học tại ngôi trường nghèo khó cả chúng tôi với những thầy cô phi thường, những người giúp chúng tôi biết giá trị của giáo dục, say mê học tập và tận hưởng niềm vui được cắp sách tới trường”.
“Một cuộc sống làm lụng vất vả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng chúng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó cuộc sống không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy.”
9. KHANH DANG review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Chiến binh cầu vồng – Cuốn sách của niềm cảm hứng.
Tôi chưa từng thấy học sinh ở nơi đâu yêu ngôi trường, yêu việc học như 10 học sinh của trường Tiểu học Muhammadiyah thuộc một hòn đảo của Indonesia – yêu đến cuồng nhiệt, yêu với tình yêu thanh khiết và lấp lánh đến thế.
Và cũng chưa ở đâu, tôi gặp tình yêu đối với việc dậy như thầy Harfan và cô Mus ở nơi đây, những người dạy học chẳng có một đồng tiền công, tất cả chỉ vì tình yêu với học sinh, vì sự tồn tại của ngôi trường.
Có phải từ nghèo khó, từ những thiếu thốn vật chất đến cùng cực đã tiếp thêm cho cả thày và trò sức mạnh để vượt qua bao nhiêu thử thách, để chứng minh sự tồn tại của ngôi trường, tìm kiếm cho ngôi trường một cơ hội để được tiếp tục hoạt động, với một ước mơ “thoát nghèo” cho tất thảy.
Những trang viết thấm đẫm tình bạn, tình thày trò, tình yêu với sách vở và cả những rung động đầu tiên của tuổi hoa niên. Tất cả đều sống động, lung linh và đẹp đẽ. Những câu chuyện về tôn giáo, về văn hóa của Indonesia cũng được khắc họa chi tiết, sinh động.
Thành thật mà nói, tôi kỳ vọng vào cuốn sách nhiều hơn thế. Tuy rằng đã khóc, đã cười, đã vỡ oà cảm xúc cùng các nhân vật, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì thiêu thiếu. Tôi không say mê, đắm chìm vào từng trang sách. Có những đoạn, tôi bỏ một hai đoạn của trang nếu thấy sự miêu tả, kể lể không thật hấp dẫn và mang yếu tố quan trọng của cốt truyện.
Đánh giá 4* vì tinh thần truyền cảm hứng của tác phẩm. Dù có một số đoạn hay khiến tôi yêu thích, nhưng xét về tố quan, tôi không hợp và phong của tác giả.
Hồng Khánh – 13.4.2019
10. NGUYỄN CẨM NHUNG review sách Chiến Binh Cầu Vồng
🌵(Thế giới đã có thêm một thiên tài, nếu đứa trẻ ấy không phải sinh ra trong cảnh nghèo khó. Cuốn sách này là câu chuyện kể về niềm khát khao được đến trường của những đứa trẻ Belitong, được cống hiến hết mình cho giáo dục của cô Mus và thầy Harfan, và sau cùng là sự tiếc nuối dành cho Lintang – một đứa trẻ thiên tài.)🌵
🌱“Cho đến hôm nay, tôi vẫn thường tưởng tượng cảnh Lintang trở thành một nhà toán học Mã Lai. Nhưng hình dung đó bốc hơi đâu mất vì nơi đây, trong cái lán không cửa nẻo gì đây, Isaac Newton của tôi đã quy hàng số phận.”
🌱Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh cầu vồng dựa trên câu chuyện về thời thơ ấu có thực của chính nhà văn.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
🌱Belintong là vùng đất của khoáng sản quý. Từng tấc đất trên mảnh đất này đều chứa đựng tài nguyên, nhất là thiếc. Chính phủ khai thác thiếc, vắt kiệt mọi thứ trên mảnh đất này. Dưới chân những người dân đang khó nhọc kiếm từng bữa ăn mỗi ngày là “núi vàng”, nhưng núi vàng ấy lại tập trung hết vào Điền Trang, nơi ở của những quan chức đứng đầu.
🌱Nằm trong khuôn viên của Điền Trang, nếu ví trường PN là “Thiên đàng” với đội ngũ giáo viên danh giá, cơ sở vật chất đầy đủ với từng học sinh khoác lên mình bộ đồng phục đại diện cho sự giàu có, thì trường tiểu học Muhammadiyah chính là “địa ngục” tồi tàn với cái mái trường chẳng đủ kín để che nắng che mưa. Đã từ nhiều năm nay, giáo viên ở ngôi trường này đã không được trả lương. Chẳng ai muốn cho con em mình học ở đây, trừ những người lao động nghèo nhất, vì họ chẳng có đủ tiền cho con mình học ở bất cứ ngôi trường nào khác.
☀️Nhưng trong chính sự kiệt quệ tới cùng cực về kinh tế ấy, trường Muhammadiyah bừng sáng lên bởi niềm vui của những đứa trẻ, bởi ước mơ về tương lai, bởi tình yêu, sự nhiệt huyết và kiên cường mà thầy Harfan và cô Mus dành cho những học trò quý báu nhất trên đời của họ.
11 CHIẾN BINH CẦU VỒNG Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC MUHAMMADIYAH
🌱Không giống như bất kỳ ngôi trường nào khác, học sinh trường tiểu học Muhammadiyah yêu thích việc đến trường. Những đứa trẻ ấy say mê trong câu chuyện kể của thầy Harfan và bài giảng của cô Mus. Ở đây, giáo dục được là chính bản chất của nó, không phải sự nhồi nhét kiến thức khô khan để vượt qua những bài kiểm tra, cũng không phải đồ án được xây lên để ai đó nắm trong tay tấm bằng danh giá nhằm phô trương bản thân mình. Ở đây, những đứa trẻ được truyền tình yêu dành cho các môn học, niềm say mê với kiến thức mới bằng tất cả sự háo hức và tò mò về thế giới này. Học hành trở thành niềm vui lũ trẻ khao khát được đón nhận mỗi ngày.
🌱Tuổi thơ và tình bạn của đội Chiến binh cầu vồng còn được xây lên bởi các chuyến phiêu lưu dữ dội theo đúng nghĩa đen của nó: những lần chơi trò trượt lá dưới mưa; những việc hệ trọng được bàn bạc dưới cây filicium; chuyến phiêu lưu đi tìm nhỏ Flo; lần vượt biển “đi tìm giải pháp” cho bài kiểm tra của Flo và Mahar,…
🌱Và sau cùng, những đứa trẻ thần kỳ, ở ngôi trường xập xệ không ai thèm để ý tới đã vượt qua cả trường PN để giành được hai chiếc cup danh dự, một cho tài năng nghệ thuật của Marhar và một cho tài năng thuộc các môn tự nhiên của Lintang, cứu thoát ngôi trường khỏi nguy cơ bị dỡ bỏ.
Người ta thường nói rằng khi một khó khăn nào đó không thể cản trở bạn được nữa thì nó sẽ trở thành sức mạnh khiến bạn mạnh mẽ hơn.
TÌNH YÊU CỦA THẦY HARFAN VÀ CÔ GIÁO MUS
🌱Thầy Harfan là người đặt chiếc cột đầu tiên xây nên ngôi trường tiểu học này. Từng thầy cô giáo khác lần lượt rời đi vì giáo viên trong trường thậm chí còn không được trả lương, vì một thầy giáo có thể nghèo đến mức chẳng mua nổi một chiếc xích xe đạp trong khi những đứa trẻ bỏ học đi làm cu li có thể mua cho mình hẳn một chiếc xe. Chỉ có duy nhất thầy Harfan còn ở lại, kiên trì với ngôi trường này cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
🌱Cô giáo Mus đã theo đuổi ước mơ gõ đầu trẻ từ năm 15 tuổi. Bỏ qua cơ hội và lời mời vào làm việc trong Điền Trang xa hoa, bỏ qua một tương lai tươi sáng mà bấy giờ ai cũng ao ước, cô nối bước thầy Harfan để giữ cho ngôi trường được đứng vững tới phút cuối cùng. Vì sao một cô gái trẻ lại lựa chọn con đường ai cũng cho là ngu ngốc và dại dột như thế? Còn gì khác hơn ngoài sự thấu hiểu và tấm lòng yêu thương? Cô thấu hiểu sự khổ cực của những người cu li thất học nơi đây. Họ đã dành cả cuộc đời quanh quẩn trong cái vòng lặp của sự khốn khó. Cô muốn học trò của mình được đến trường, được có quyền học tập cơ bản của mỗi con người mà ai cũng phải có.
Vậy là cô Mus đấu tranh, dù chỉ là một cô gái nhỏ bé chẳng có tiếng nói trong xã hội. Cô đạp xe hàng chục cây số, tới nơi từng học trò quý giá của cô đang làm cu li để khuyên nhủ các em đừng bỏ học, khuyên các em hãy đặt niềm tin ở cô. Cô đứng lên đối mặt với từng người có chức có quyền ở Điền Trang để giữ vững chiếc cột đầu tiên thầy Harfan dựng lên trong trường – thứ được coi là linh hồn của trường tiểu học Muhammadiyah.
☀️Cô Mus và thầy Harfan là hiện thân của những giáo viên đáng được kính trọng nhất trên đời này. Họ không chỉ xây nên nền tảng tri thức, họ còn xây lên lòng tin, nhân cách, ước mơ và niềm hy vọng vào tương lai cho những đứa trẻ nơi đây.
CUỐI CÙNG LÀ LINTANG – MỘT ĐỨA TRẺ THIÊN TÀI, MỘT SỰ NUỐI TIẾC CHO TÀI NĂNG BỊ LÃNG PHÍ
🌱Cha của Lintang là một ngư dân mù chữ. Để bẻ gãy cái vòng lặp luẩn quẩn này và mong muốn cuộc đời con cái sẽ khác đi, cha mẹ Lintang quyết tâm cho cậu đi học.
🌱Nhà Lintang cách trường 40 cây số, một con sông đầy cá sấu trực chờ lao đến, một chiếc xe đạp mà mỗi lần hỏng phải tháo đi một mắt xích cho đến khi nó ngắn đến nỗi không thể dùng được nữa. Đó là tất cả những gì Lintang phải vượt qua để đến đường vào mỗi buổi sáng, vậy mà cậu luôn là người đến trường đầu tiên.
🌱Lintang – một cậu bé có thể viết rành rọt tên cha mình chỉ sau chưa đầy một tháng đi học, thông thạo tam giác Pascal ngay từ cấp tiểu học, hiểu được vi phân và tích phân ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu bé ấy đã thắp nên niềm hy vọng về ước mơ cho tất cả những đứa trẻ còn lại, nhưng cuối cùng phải từ bỏ giấc mơ trở thành nhà toán học của mình. Đây là chi tiết khiến mình đau nhói và nuối tiếc nhất trong cả cuốn sách, vì một cuộc đời, một giấc mơ mãnh liệt đã bị cái nghèo chôn vùi không thương tiếc.
☀️Lời kết lại: Đây là một cuốn sách xứng đáng được đánh giá 10/10, vì câu chuyện này có thật, vì nó cho chúng ta thấy mình đã may mắn nhường nào khi có điều kiện học hành tử tế. Lần đầu tiên đọc cuốn sách này, mình đã thấy xấu hổ vì không cố gắng hết sức trong chuyện học hành, vì điều kiện học tập bản thân luôn cho là bình thường hóa ra là niềm ao ước của bao đứa trẻ khác trên thế giới.
III. Trích dẫn sách Chiến Binh Cầu Vồng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Những trích dẫn đáng suy ngẫm trong Chiến Binh Cầu Vồng
Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lí do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh.
Người ta thường không ý thức được sự ngu dốt của mình, và, tương tự như thế, một vài người thường không nhận ra rằng họ đã được Đấng Toàn năng chọn lựa để toàn tâm tâm toàn ý hiến mình cho tri thức.
Một trong những phẩm chất phi thường của người Mã Lai là dù trong bất kỳ hoàn cảnh bi đát nào họ vẫn luôn xem mình thế vẫn còn may. Đó chính là cái lợi từ tôn giáo.
Người Mã Lai tin rằng định mệnh là một sinh vật, và chúng tôi là mười miếng mồi của định mệnh. Chúng tôi giống như những động vật thân mềm nhỏ bé bám vào nhau để tự bảo vệ mình khỏi những đợt sóng dập dồn trong đại dương tri thức.
Nếu có bất kỳ điều gì thế giới này không bao giờ có đủ thì đó là tình yêu.
Khi cho bài thơ vào bì thư, tôi mỉm cười. Tôi không tin nổi mình có thể viết được một bài thơ như thế. Có lẽ tình yêu có sức mạnh giúp cho nhiều điều được hé lộ, ví dụ như những khả năng hay những cá tính tiềm ẩn, những thứ nằm bên trong chúng ta mà chúng ta không hề biết.
Vậy liệu niềm đam mê học tập của những Chiến binh Cầu vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người theo tiếng gọi của ngài Pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ từ những đồng tiền cực nhọc kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian?
Điều lạ lùng là, sau khi nghe tin trường tôi sẽ không bị mấy cái máy xúc giật đổ nữa, đám chính trị gia, đảng viên, dân biểu – những người đã từng đến đây thăm trường chúng tôi – đột nhiên biến mất tăm. Họ bị mù trở lại. Người ta quay về với sự vô tâm.
Giáo dục hiện hành không còn giữ quan điểm về học tập như thầy Harfan trước đây nữa – kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem họ tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản làm giàu và nổi tiếng, để khoe khang học vị và có quyền lực.
Cách không xa những bức tường sừng sững ấy, một cảnh tượng trái ngược đến xót xa đập vào mắt, giống như một con gà quê ngồi bên một con công sặc sỡ. Đó chính là nơi cộng đồng Belitong – Mã Lai sinh sống, và giả thử không có tám đứa con nheo nhóc, thì có lẽ không phải lúc nào họ cũng quần quật vắt kiệt sức ra như thế. Họ đổ lỗi cho chính quyền không có đủ các hoạt động giải trí dành cho họ, vậy nên ban đêm, họ chẳng có gì làm ngoài việc cho ra đời những em bé.
Cuối cùng, cô Mus gọi chúng mình vào lớp. Cô buồn vì chưa thấy Kucai và bảo chúng mình cần phải làm hết sức để kéo Kucai về lớp. Lập trường của cô Mus trong chuyện này cực kỳ cứng rắn. Những lời lẽ đầy uy lực của cô khiến chúng mình run sợ. Đối với cô, chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất cả nửa linh hồn. Chúng mình nghĩ thầm trong bụng: sao mà một đứa học sinh thôi lại quan trọng đến thế? Nhưng đối với cô Mus, điều này không đơn giản như vậy. Chừng nào vẫn còn đứng được thì cô nhất định không để lớp mình mất một em nào.
Có một bận, chúng tôi luôn miệng than vãn về mái trường bị dột. Cô Mus chẳng nói chẳng rằng, chỉ cầm lấy một cuốn sách viết bằng tiếng Hà Lan và chỉ cho chúng tôi xem một bức tranh trong đó. Ấy là một căn phòng hẹp với những bức tường cao dày tăm tối và cả những song sắt lầm lì kiên cố. Trong nó rất ngột ngạt và đầy vẻ bạo lực.
Bên trong hang, chúng mình thấy một tấm vải mỏng bay phần phật. Từ từ, hệt một làn khói bốc lên từ chỗ củi ướt. Một bóng người to lớn xuất hiện. Mình trông thấy bóng người đó chuyển động mà chân không chạm đất. Mọi người đều nghi ngờ sự tồn tại của ma thuật. Nhưng chính đôi mắt mình trong thấy một người lơ lửng trong không khí, chuyển động qua lại hệt một vật không trọng lượng: Bóng hình đó có ma thuật, và khiến tất cả người Mã Lai đều kinh sợ. Ông ta là người duy nhất có đủ pháp thuật để băng qua biển. Ông ta nửa người nửa ma. Ông ta là…
Ấy là một thực tế hết sức mỉa mai với cuộc sống của chúng tôi nơi đây: sự lộng lẫy xa hoa của Điền Trang và nét quyến rũ khôn cưỡng của ngôi trường PN tài trợ bằng tiền kiếm được từ những mỏ thiếc khai thác trên chính mảnh đất quê hương chúng tôi. Giống hệt vườn treo Babylon được xây cho kẻ bạo chúa Nebuchadnczzar III để chờ thần Marduk, Điền Trang là thương hiệu của Belitong được xây nên để tiếp tục ước mơ bành trướng thuộc địa – một giấc mơ đen tối. Mục tiêu của nó là trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số. Vị thần được tôn thờ không ai khác hơn chính là địa vị xã hội, cái địa vị được xây trên nền tảng của sự phân biệt đối xử đối với những cư dân bản xứ nghèo khổ.
Tôi nhìn sâu vào mắt Mahar. Tôi tin nó đã trông thấy loài chim thiêng liêng đó. Nó may thật! Mỗi tội Mahar không thể thuyết phục được chúng tôi vì xưa nay nó vốn nổi tiếng là đứa hay nói láo. Đó là rắc rối dành cho những kẻ thích nói láo: khi rốt cuộc bạn cũng nói ra được một sự thật giữa hàng triệu lời nói dối, thì những người khác vẫn cứ cho rằng sự thật đó cũng chỉ là sản phẩm của một sự dối trá nữa mà thôi.
…theo thầy Harfan, kiến thức – chính là chân giá trị, và sự giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hoá. Học không phải là phương tiện để kiếm tiền, thăng tiến hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Trường học ngày nay không còn là nơi xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực
Trích đoạn hay trong Chiến Binh Cầu Vồng
Đoạn 1:
Cách hành xử của thầy Zulfikar là một vấn đề muôn thuở của Indonesia: những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nổi và không thể tìm ra lời lẽ để tranh luận. Những trí thức thích trấn áp và cho ta đây hiểu biết hơn người, như cách thầy Zulfikar thể hiện, nhan nhản khắp nơi. Những người kiểu như thế chỉ là trí thức rởm; những nhà khoa học rởm ngạo mạn khống chế những cộng đồng người không được học hành đến nơi đến chốn hòng tự tâng bốc bản thân lên và làm đầy túi mình.
Tôi nhìn Lintang, cầu cho nó trợ giúp nếu tôi có đứng lên phản đối sự quá đáng của thầy Zulfikar. Tội thực sự cần nó hỗ trợ. Nhưng sẽ thế nào nếu hóa ra tôi là người sai? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị tấn công dồn dập? À, nguy cơ cao đấy. Có thể tôi sẽ nhục nhã hơn thì có. Đây là vấn đề muôn thuở của những người như tôi – người không có kiến thức đầy đủ. Do vậy mà trong tôi đang giằng co hai thái cực: một là mong muốn được lên tiếng phản đối, hai là lưỡng lự không dám. Nhưng tôi thấy giận vì trường mình bị xúc phạm, và tôi cũng tức phát điên khi biết rằng ông thầy Zulfikar đã dẫn chứng nhà khoa học Descartes một cách sai lầm chỉ để đáp ứng cho lợi ích của riêng thầy.
Đoạn 2:
Thầy Harfan đi dạy từ khi mới mười lăm mười sáu tuổi, tính ra đã hơn năm mươi mốt năm. Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường Muhammadiyah này. Thầy đã mang súc gỗ đầu tiên – và nặng nhất trên chính đôi vai của mình, và đó là cây cột chính hiện vẫn còn trong lớp học chúng tôi. Chúng tôi đã đo chiều cao của mình trên cây cột ấy trong suốt những năm tháng qua, để lại trên thân nó đầy những vệt cứa. Đối với chúng tôi, cây cột ấy thật thiêng liêng.
Người ta bảo hồi xửa hồi xưa, thầy Harfan cũng có nhiều học trò và giáo viên lắm. Nhưng dần dà, cộng đồng mất niềm tin nơi nhà trường còn giáo viên mất niềm tự hào về nghề nghiệp của mình. Sự phân biệt giáo dục dưới sự áp đặt của PN làm người ta không còn hăng hái cho con em đến trường.
Sự phân biệt này khiến cư dân Belitong bản địa tin rằng chỉ con cái của nhân viên PN mới được học ra đầu ra đũa và có cơ hội vào được đại học và rằng chỉ giáo viên PN mới có tương lai. Điều này khiến cho trẻ em bỏ học dần, và dần dà so giáo viên cũng rơi rớt theo. Họ hoặc trở thành cu li cho PN hoặc làm ngư dân.
“Học mà làm gì chứ?” bọn trẻ trong làng hỏi để mà phủ nhận. “Dù thế nào mình cũng không thể tiếp tục được nữa.”
Tình huống càng trở nên tệ hơn khi bọn trẻ làng lóc nhóc không đến trường nhưng vẫn “được việc”. Bọn chúng kiếm ra tiền từ việc hái tiêu, trông coi cửa hàng, làm thợ xảm, mài dừa và phụ việc vặt cho thuyền đánh cá.
Đối với chúng nó, trường học chỉ mang tính tương đối – đặc biệt là với những đứa tìm được công việc có thu nhập như những đứa đủ can đảm vào rừng tìm gỗ trầm huơng và đàn hương vàng chẳng hạn. Chúng có thể mua được xe đạp trong khi thầy Harfan, đường đường là hiệu trưởng, phải dành dụm từng rupi một cũng chi đủ để thay cái lốp xe mòn vẹt. Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng chẳng mấy hy vọng được cắp sách tới trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử.
Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Đó là định nghĩa hết sức thú vị mà đến hơi thở cuối cùng thầy vẫn có thể giữ được. Một cái chết vinh quang, như thầy vẫn hằng mong muốn.
Không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu từ Bộ Giáo dục, không một lời ngợi ca nào từ bất kỳ ai.
Nhưng thầy đã để lại một cái giếng mát lành trong tim của mười một đứa học sinh chúng tôi, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn.
Chúng tôi khóc tiễn thầy trong lớp học. Người khóc khiến ai nghe cũng phải thắt ruột là Harun. Thầy Harfan như cha của cậu ấy. Cậu khóc quá chừng, không ai dỗ cho nín được. Nước mắt tuôn chảy ướt cả áo sơ mi.
Đoạn 3:
Thế nhưng, cuối cùng thì, trường chúng tôi rốt cuộc cũng mất. Chúng tôi khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.
Giáo dục hiện hành không còn giữ quan điểm về học tập như thầy Harfan trước đây nữa – kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.
Trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực. Vì thế mà không có cha mẹ nào muốn đưa con đến học ngôi trường làng Muhammadiyah nữa. Ngôi trường đổ nghiêng hơn. Cây cột thiêng mà chính thầy Harfan đã mang về ngày đầu tiên dựng trường ấy – cây cột chúng tôi đã khắc chiều cao của mình lên đó ấy – đã nghiêng tới mức không làm sao có thể dựng lên được nữa.
……
Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Chiến Binh Cầu Vồng – Andrea Hirata. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!