Ta Ba Lô Trên Đất Á – Rosie Nguyễn

Ta Ba Lô Trên Đất Á - Rosie Nguyễn

Thể Loại Du Ký
Tác Giả Rosie Nguyễn
NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 412
Ngày Xuất Bản 08 – 2018
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Ta Ba Lô Trên Đất Á – Quyển sách đầu tiên của Rosie Nguyễn, nay trở lại với một diện mạo mới và một quốc gia mới mà trước đây tác giả chưa có dịp nhắc đến. Ta ba lô trên đất Á không chỉ là cẩm nang du lịch bụi dành cho những ai yêu thích khám phá Đông Nam Á, mà còn là dấu ấn rất riêng của Rosie Nguyễn khi một mình đeo ba lô, tay cầm bản đồ ngược xuôi khắp các nước láng giềng để đi tìm chính mình và theo đuổi đam mê.

Sách “Ta ba lô trên đất Á” gồm những chia sẻ về kinh nghiệm cơ bản để chuẩn bị cho du lịch bụi, tất tần tật mọi thông tin, công cụ, mẹo hay giúp ích cho dân du lịch bụi trên hành trình của mình. Thêm vào đó là thông tin du lịch của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines. Mỗi đất nước Rosie Nguyễn sẽ trình bày các thông tin chi tiết ở quốc gia đó, cùng những câu chuyện hành trình của tác giả ở mỗi nơi.

Những điều Rosie Nguyễn chú trọng khi viết về một đất nước nào đó bao gồm: lịch sử, văn hóa, và con người, đặc biệt là nhấn mạnh những nét tính cách dân tộc mà Rosie Nguyễn có dịp tiếp xúc và trao đổi trong mấy năm trời vừa đi vừa làm việc không ngừng nghỉ với các dân tộc xung quanh châu Á. Vì sao? Vì những điều này liên quan mật thiết đến du lịch bụi, đồng thời sẽ giúp thêm cho những bạn muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc xung quanh.

Lời nhận xét

“Ta ba lô trên đất Á là quyển du ký của tác giả Việt Nam yêu thích nhất từ trước đến nay của tôi. Sách nhẹ nhàng, tình cảm và chứa đầy cảm xúc của mỗi vùng đất tác giả dạo bước qua. Mỗi trang sách, câu chuyện là một cánh cửa dẫn dắt những trái tim đam mê phiêu lưu vào những chốn vừa lạ vừa quen ở các quốc gia Đông Nam Á cũng như các nước láng giềng của quê hương Việt Nam. Đây chắc chắn còn là quyển sách gối đầu giường cực kỳ hữu ích cho những bạn trẻ đang chập chững những bước chân đầu tiên để bước ra thế giới ngoài kia, để tìm đến những chân trời mới, để thấy thế gian này thật rộng lớn và đẹp đẽ biết bao.”

– Trần Đặng Đăng Khoa (chàng trai đi vòng quanh thế giới bằng xe máy)

“Ta ba lô trên đất Á là ba lô hành trang đầy ắp kiến thức và cảm xúc không thể thiếu để những bạn trẻ Việt trải nghiệm đất Á, rồi vững vàng bản lĩnh để in dấu năm châu.”

– Nhà báo, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (biệt danh “phượt thủ Quỷ Cốc Tử”)

Thông tin tác giả Rosie Nguyễn

Rosie Nguyễn (tên thật Nguyễn Hoàng Nguyên) sinh năm 1987. Cô không chỉ là blogger/facebooker về văn hóa du lịch mà còn là tác giả sách, giảng viên các khóa học kỹ năng và huấn luyện viên yoga. Hiện cô đang làm công việc viết tự do.

Rosie Nguyễn trong buổi ký tặng độc giả
Rosie Nguyễn trong buổi ký tặng độc giả

Từ bé, Rosie Nguyễn đã rất thích viết. Cô thường gửi các bài viết của mình cho các tờ báo thiếu niên, nhi đồng ở địa phương. Lên cấp 3, cô thi vào trường chuyên văn, nhưng việc dạy học khuôn mẫu đã khiến cô thất vọng và quyết định thi không tiếp tục đi theo còn đường này nữa, mà thi vào trường Đại học Ngoại Thương.

Cô bắt đầu hình thành thói quen dậy sớm vào buổi sáng đọc sách, cố gắng biến nó thành sở thích. Việc đọc sách không chỉ giúp cô mở rộng hiểu biết mà còn khơi gợi niềm đam mê văn học, đam mê viết lách thuở nhỏ của cô, đóng một vai trò không nhỏ cho sự nghiệp viết lách hiện tại của cô. Có thể nói, sách vừa là người bạn, vừa là người dẫn đường cho cô đến được ngày hôm nay.

Năm 2015 Rosie Nguyễn đã đọc 60 quyển sách và mục tiêu năm 2016 của cô là đọc 65 quyển sách. Mỗi tuần, Rosie Nguyễn sẽ đọc xong một quyển sách. Tài khoản đọc sách trên Goodreads của Rosie lên tới hơn 260 quyển cả tiếng Việt và tiếng Anh. Độc giả thường vào Facebook của Rosie Nguyễn để tìm những cuốn sách hay do cô giới thiệu. Cô cũng được yêu thích bởi những bài viết về văn hóa, xã hội và phương pháp tự học dành cho giới trẻ.

Rosie Nguyễn là giáo viên Yoga, sở hữu gia tài “du lịch bụi” đến 20 quốc gia, được bạn bè dành tặng danh hiệu “Phượt thủ chuyên nghiệp”. Ít ai nghĩ nữ phượt thủ ngoài đời có vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười tươi. Song song với những bài viết chia sẻ về du lịch, Rosie Nguyễn còn chia sẻ về cách tự học. Đây là tiền đề cho khóa học “Bay không cần cánh” sau này cô tổ chức dành cho các bạn trẻ, tạo điều kiện giúp bạn trẻ tiếp cận kiến thức sớm nhất có thể.

II. Review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á - Rosie Nguyễn

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á của tác giả Rosie Nguyễn. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. DUC CHAU review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Theo kết quả điều tra của Visa về xu hướng du lịch toàn cầu 2015, du ký một mình đã tăng trưởng từ 15% (2013) lên 24% (2015) và thú vị là ngày càng nhiều bạn nữ chọn làm phượt thủ đơn độc. Đa phần các bạn nữ đến từ các nước Đông Nam Á cho rằng điều này đem đến cho họ sự tự do được làm những gì mình muốn (60%) hoặc cảm thấy độc lập và muốn thử thách bản thân (45%) (1). Và tôi nghĩ rằng quyển sách ra đời là sự cần thiết cho xu thế đó hiện nay và cả tương lai.

Quyển sách sẽ giúp bạn có những thông tin tổng quát về một số nước mà tác giả đã đi qua, lồng ghép vào đó là những kinh nghiệm, những suy nghĩ của chính tác giả. Bạn sẽ cảm thấy dường như tác giả đang trò chuyện với mỗi độc giả, giúp bạn thấy được sự tự do và trải nghiệm đáng quý qua những chuyến đi. “Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kỳ sách vở nào.” và “Con người rồi cũng sẽ chết, nhưng tôi không muốn chết khi chưa nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới.”

Có lẽ vì đây là quyển sách đầu tay, tác giả đã diễn giải lại nhiều thông tin, số liệu vốn dễ dàng tham khảo và đương nhiên sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng không đề cập nhiều điều thú vị khác ở từng nơi như văn hóa, ẩm thực hay những hoạt động, góc nhìn đặc biệt gây say mê hơn. Và chính điều này làm tôi mất đi cảm hứng đọc từng dòng, từng chữ của quyển sách, nhưng nội dụng có thể phù hợp với những bạn muốn phượt một mình lần đầu.

Điều tôi thích nhất là nhân sinh quan của tác giả thấp thoáng xuyên suốt quyển sách, dù đôi chỗ quá đề cao việc sống xê dịch theo kiểu du lịch bụi tiết kiệm để “vượt qua được những giới hạn của bản thân, học hỏi xứ người, mở rộng tầm nhìn, đổi mới bản thân”. Du lịch một mình để nghỉ ngơi và đặc biệt có hướng dẫn viên cá nhân đã gia tăng đáng kể từ 21% (2013) lên 46% (2015) (1) vì trải nghiệm không cần thiết mà tiêu tốn thời gian sẽ là vô ích.

(1): http://visapremium.com.au/ap/au/about…

*** Ghi chú: Tôi là bạn của tác giả và vinh hạnh được tác giả tặng sách.

2. N. P. THAO review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Đây là cuốn sách duy nhất mình mang theo trên hành trình Đông Nam Á. Mình rất thích những phần kiến thức nền về từng nước, được chị Rosie tổng hợp từ một số nguồn và viết khá hay, dễ đọc, dễ hiểu. Cứ đến nước nào là mình lại giở đúng chương viết về nước đó ra xem và thế là có ngay cái nhìn khái quát về đất nước mình đang đặt chân đến, để làm nền tảng cho việc đi thực địa. Chương mở đầu cũng khá hữu ích với những hướng dẫn chi tiết về cách thức đi du lịch bụi.

Tuy nhiên, cá nhân mình không thích đọc nhiều về trải nghiệm cảm xúc của người khác trong hành trình của họ, do mình có hành trình và những trải nghiệm của riêng mình. Nên mình chỉ đọc lướt qua những phần trải lòng của chị Rosie ở mỗi nước thôi, chủ yếu là lượm lặt kiến thức lâu lâu chị hay chèn trong đó.

3. THANH MAI review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Fav quote: “Nhiều người bảo tôi đi du lịch một mình là rất cô đơn. Nhưng con người ngay từ khi sinh ra đã cô độc. Chết đi cũng trong cô độc. Dù có cố lẫn tránh nỗi cô đơn, nó vẫn hiển diện trong cuộc sống hằng ngày. Vậy chi bằng thay vì lẫn tránh, hãy đối diện nó, chấp nhận nó, vui với nó.”

Đơn giản thế mà mình cũng ko biết.

Cuốn sách khá hữu ích khi cung cấp cho dân du lịch bụi ( đặc biệt là cho những người mới đang tập tành xách ba lô lên và đi ) những thông tin khái quát về lịch sử ( cái này chị ý viết hay nè, đọc lịch sử mà không thấy chán), địa lý, kinh tế,dân bản địa,.. .của các nước Đông Nam Á hay là những lời khuyên (đặc biệt cho con gái khi du lịch). Tất nhiên những thông tin này đầy rẫy trên mạng nhưng đây vẫn sẽ là cuốn sách mình recommend nếu mình biết xung quanh có ai ý định đi bờ đi bụi ở các nước láng giềng này.

Mà mình hy vọng chị chia sẻ nhiều hơn về các common senses (theo mình hiểu là phong tục văn hóa của dân bản địa để từ đấy dân du lịch biết nên làm gì và tránh làm gì).

Ngoài ra mình thấy đồng cảm sâu sắc về độ tiết kiệm kiệt xỉn của chị ý khi đi du lịch ( ví dụ như bả quyết định được ngay là không đến thăm một nơi khi thấy giá vé vào là 10$ :D) hay là đồng sở thích nghe vẻ đơn điệu và ở-đâu-cũng-có của bả khi được xem cảnh mặt trời lặn ngoạn mục ở một ngôi đền hoang vắng ở Myanmar.

Ba sao là bởi em còn muốn nghe chị kể thêm nhiều nhiều nhiều trải nghiệm nữa chị ơi !!!

4. THAO review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Mình rất ấn tượng với vị Rô khi đọc xong quyển “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” nên khi biết chị đã xuất bản quyển này rồi nên quyết tâm đọc được quyển này, khổ cái không chỗ nào còn hàng -.- vì quá hot hay vì in qua ít mình cũng không biết nữa >< Dong dài nhiêu đó đủ rồi -.-

Quyển “Ta ba lô trên đất Á” này viết về hành trình của chị đi qua các nước Đông Nam Á, không chỉ đơn giản vậy chị còn cung cấp những thông tin cần thiết về danh lam thắng cảnh ở những nước đó, còn có cả thông tin lịch sử lẫn địa lý. Nói chung, là 1 quyển sách quá ổn cho những ai đã đang và sẽ có ý định đi du lịch bụi ở Đông Nam Á. Mình thích giọng văn của chị và lối sống của chị. Đây là quyển sách đầu tay của chị xét tổng thể thì quá ổn luôn. Có điều mình không thích về quyển này là chất liệu giấy quá kém, rất dễ ngả vàng -.- Một phần là vì quyển này bị khan hiếm hàng nên có lẽ mình mua 1 quyển đã được ém khá lâu rồi nên nó còn vàng gấp đôi -.- Nhưng dù sao thì vẫn là 1 quyển khá ổn <3 <3 <3

5. PHAN THỊ THU THẢO review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Tôi biết đến Rosie Nguyễn khi cô là tác giả của cuốn sách top1 best seller suốt một thời gian dài Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, tuy nhiên tôi thật sự không quá thích và ấn tượng với một tuổi trẻ của Rosie qua cuốn sách này, chỉ đến khi đọc Ta ba lô trên đất Á, tôi mới thật sự thấy thích cái cách kể chuyện của Rosie Nguyễn, mặc dù vốn dĩ đây mới là cuốn sách được xuất bản trước của cô. Thị trường sách du ký hiện nay đang ngày càng đón chào nhiều tác giả cùng những tác phẩm mới nhưng không phải ai cũng có thể có được thành công từ cuốn sách của mình, Rosie Nguyễn là một trong số ít những nhà văn nữ làm được điều đó.

Ta ba lô trên đất Á là hành trình của một cô gái trẻ làm một người khách lữ hành trên chính mảnh đất như nhà mình, châu Á là nhà quả không sai. Những vùng đất Đông Nam Á mà Rosie Nguyễn đặt chân đến tuy có văn hóa và phong tục tập quán với những nét riêng biệt, nhưng cũng có những nét chung là đặc trưng riêng của châu Á. Cuốn sách này không chỉ là cuốn cẩm nang về hành trình mà Rosie Nguyễn đã đi qua, đó còn là một quyển nhật ký ghi lại hành trình và những cảm xúc của cô khi gặp chuyện, gặp người suốt dọc đường đi, những câu chuyện nhỏ bé nhưng rất cảm động.

Hãy đi khi bạn còn trẻ, vì tuổi trẻ chỉ đến một lần, châu Á là nhà, đừng sợ, hãy đi tìm đam mê của chính mình, cái đam mê mà con tim bạn vẫn luôn ấp ủ.

6. T HUYỀN review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Ta ba lô trên đất Á – Đây là một cuốn sách trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho một đôi chân lần đầu dám đi ra thế giới.

Tôi có thể khẳng định như vậy vì cuốn sách hầu như đề cập đến các vấn đề mà một dân du lịch bụi cần biết. Những kiến thức này chẳng khô khan, giáo điều hay xa rời thực tế. Tất cả các thông tin và câu chuyện ở đây đều dựa trên nhiều năm lữ hành của chị Rosie Nguyễn, điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu những rủi ro và tận hưởng hết mình niềm vui du lịch bụi.

“Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về kẻ chinh phục”.

Thế nên trong toàn bộ cuốn sách, tinh thần chủ động, xông pha được tác giả thể hiện rõ ràng trong từng câu chữ. Từ hướng dẫn ban đầu cho việc lập kế hoạch , tìm hiểu thông tin, cho đến việc ăn mặc khi nhập cảnh , passport, visa đều được viết rõ ràng chi tiết.Tuyệt vời hơn là tác giả còn ghi rõ các đường link để tìm chỗ ở như Couchsurfing, agoda.com, booking.com, hostelworld.com và còn giới thiệu thêm nhiều trang web hữu ích khác để cho việc du lịch và trải nghiệm cuộc sống bản địa của bạn được thuận tiện nhất.

Phần II của cuốn sách viết về các nước Đông Nam Á cung cấp nhiều thông tin về lịch sử , địa lí, kinh tế, dân số, con người, các địa điểm du lịch nổi tiếng, kèm theo sau đó là những trải nghiệm thực tế của tác giả.

Đối với một đôi chân muốn đi thì cuốn sách này như một người bạn đồng hành cũng là nguồn động lực to lớn giúp bạn mạnh dạn và tự tin hơn trên con đường “phượt khắp thế gian” của mình.

7. T R A N review sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

“Ta ba lô trên đất Á” giống như một lời tâm sự từ đáy lòng của tác giả về việc dấn thân và sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mỗi người. Nếu muốn thành công thì không thể cứ mải quẩn quanh với những điều quen thuộc và nhàm chán của cuộc sống hàng ngày. Rosie Nguyễn giúp chúng ta hiểu rằng cuộc sống mà chỉ gói ghém trong bốn góc tường sẽ khiến bạn chìm đắm trong sự an nhàn vô nghĩa và đôi khi làm bạn kiệt sức về trí tuệ. Hãy đi phượt để có thể rèn luyện tính tự lập và khám phá những điều mới mẻ trong chuyến hành trình. Phượt chính là cách thú vị để có thể nạp thêm năng lượng và làm mới bản thân qua những trải nghiệm thú vị và đặc sắc mà cảnh sắc dọc đường mang lại. Chính những giây phút được tự do tự tại thả hồn vào phong cảnh là những lúc chúng ta cảm thụ tốt nhất về cuộc sống và rút ra được vô vàn bài học quý giá về giá trị của cuộc đời. Và một điều chắc chắn là thế giới quan của bạn sẽ rộng mở và bạn không còn là chú ếch ngồi ở đáy giếng coi trời bằng vung nữa.

Mỗi chuyến đi là một việc tận hưởng cũng như khai phá bản thân mình. Khi hiểu được bản thân cần gì và phải làm gì cho tương lai, chúng ta sẽ thêm động lực và nguồn cảm hứng mới cho những công việc phía trước. “Ta ba lô trên đất Á” giống như một bí kíp hữu ích cho ai muốn trở thành những người lữ hành chân chính trên đường đời. Những kiến thức về sự chuẩn bị cho tình hình tài chính, thủ thuật săn vé máy bay, chiêu trò lùng sục nhà trọ và cả những cách sơ cứu khi bị thương… đều được thể hiện rõ trong sách. Đây chắc chắn sẽ là những điều bổ ích để bạn chuẩn bị thật kĩ trước khi bắt đầu xông pha và tìm hiểu đất Á.

Hơn cả thế chính là lời khuyên tìm hiểu về phong tục tập quán cũng như văn hóa của đất nước mà bạn định ghé thăm. Chẳng hạn như đi khắp mọi nơi trên đất Thái, bạn dễ dàng bắt gặp những ngôi đền nhỏ được người dân đặt ngay trên đường, thậm chí ở ngoài một trung tâm thương mại lớn để thể hiện niềm tin trước Phật giáo truyền thống. Bạn cũng sẽ thấy nhiều người Thái đeo bùa hộ mệnh hoặc mang theo bùa may trong người dù Phật giáo nghiêm cấm các hành động mê tín nhưng niềm tin vào ma quỷ hoặc tinh thần lại rất mạnh mẽ ở Thái Lan. Một điều quan trọng nữa là đất nước và con người ở đây rất tôn trọng người tu hành. Bạn có thể gặp họ trên đường phố, trong tàu điện hoặc tại các lễ hội và phải cẩn thận với những hành động của mình đối với họ. Ví dụ như trên một phương tiện công cộng, bạn nên nhường chỗ ngồi cho những bậc tu hành, phụ nữ phải cẩn trọng với hành động như không được đụng chạm, không nên ngồi gần họ,… Hay Đảo quốc sư tử nổi tiếng trên khắp thế giới về sự sạch sẽ. Năm 2012, thành phố này chỉ xếp sau Tokyo về sự sạch sẽ trên bản đồ thế giới và đây cũng là hai thành phố duy nhất của châu Á lọt vào danh sách này. Tại những nơi công cộng như nhà hát, rạ chiếu phim, việc cấm hút thuốc được đưa ra với các hình phạt rất nghiêm (500$ Sing cho những ai vi phạm).

Nhiều người sẽ lầm tưởng những nước xung quanh và ở gần Việt Nam sẽ có cảnh sắc và văn hóa không quá khác biệt nhưng không, tất cả đều là chân mới rộng mở mà chúng ta cần phải tìm hiểu hết vì hoàn toàn khác xa với trí tưởng tượng. Có lẽ “Ta ba lô trên đất Á” khiến chúng ta hài lòng với những mẩu chuyện chân thật về chuyến hành trình của tác giả, từ đó gợi mở ra cảm hứng bất tận về cuộc sống của những người lữ hành. Có thể xem đây là một quyển sách nói về du lịch vô cùng thú vị và rất đáng để đọc.

III. Trích dẫn sách Ta Ba Lô Trên Đất Á

Trích dẫn sách Ta Ba Lô Trên Đất Á - Rosie Nguyễn

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong Ta Ba Lô Trên Đất Á

“Câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy khó khăn hiện tại.”

“Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình.”

“Đừng vì người ta khác mình mà dè biểu gièm pha, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, cũng đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm.”

“Tôi thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, thuận hòa, an nhiên.”

“Nếu mong muốn của bạn là để nhìn ngắm thế giới, biết thêm về những nền văn hóa khác nhau, kết bạn với nhiều người, thì du lịch bụi là dành cho bạn.”

“Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều.”

“Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kỳ sách vở nào.”

“Phượt là gì? Phượt là nằm lăn dài trên giường sau khi đạp xe liên tục suốt năm mươi cây số thăm Angko Wat của xứ sở chùa tháp. Tay chân thì mỏi rã rời, nhưng miệng thì cười rộng ngoác.”

“Con người rồi cũng sẽ chết, nhưng tôi không muốn chết khi chưa nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới.”

“Người bình thường dành dụm để mua điện thoại đắt tiền, xe xịn, nhà cửa, vật dụng. Còn người đam mê du lịch thì dùng tiền đó để mua những trải nghiệm trên đường.”

“Con người ngay từ khi sinh ra đã cô độc. Chết đi cũng trong cô độc. Dù có cố lẩn tránh nỗi cô đơn, nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày.”

“Khi lòng đã mơ về những con đường, thì bốn bức tường trở thành nhỏ hẹp.”

“Dù ở đâu, làm gì, công danh địa vị thế nào, con người ta cũng nên có những cách để tận hưởng những niềm vui riêng mình.”

“Có những lúc cuộc sống như một tấm màn mờ ảo. Có những lúc ta hoang mang, không rõ nên làm gì, nên đi đâu. Nhưng hãy cứ tiếp tục làm những gì mình yêu thích, hãy cứ tiếp tục đập cánh, bay lên. Đừng bao giờ dừng lại. Đến một lúc nào đó, màn sương mù mờ ảo, bóng tối, tất cả rồi đã ở lại sau lưng. Bay về phía mặt trời, để gió nâng đỡ đôi cánh. Bình yên sẽ lại đến.”

“Có đi nhiều, con người mới vượt qua được những giới hạn của bản thân, học hỏi xứ người, mở rộng tầm nhìn, đổi mới bản thân, từ đó góp phần thay đổi cộng đồng, xã hội.”

“Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm màu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ.”

“Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, tự ái và căm giận chẳng để làm gì. Đã làm người trên đời, máu ai cũng màu đỏ, tim ai cũng biết đau. Nên người hay đi thường có cái tâm rộng mở và nhân ái, biết đau cái đau của người khác, và nhẹ nhàng hơn với con người.”

“Tôi nghĩ cuộc sống phải là cái gì đó khác. Tôi muốn lấp đầy đời mình với những kỷ niệm lấp lánh, những trải nghiệm phong phú. Tôi muốn khám phá thế giới, muốn tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau, muốn gặp nhiều người khác nhau, thay vì chỉ dành cả đời trong bốn bức tường quen thuộc. Thế là tôi đi.”

Ta Ba Lô Trên Đất Á - Rosie Nguyễn

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn sách Ta Ba Lô Trên Đất Á – Rosie Nguyễn

1. Người lữ hành đích thực

“To move, to breathe, to fly, to float

To gain all while you give

To roam the roads of land remote

To travel is to live”

– Hans Christian Andersen

Trên thế giới này, từ miền cực bắc giá lạnh đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ phương Tây phóng khoáng đến phương Đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim.

Cụm từ “the traveler”, người lữ hành, không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước. Con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác.

Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con nghe. Chính một ông già như thế trong câu chuyện Cánh buồm đỏ thắm đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Assol, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ đến đón cô đi vào cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành.

Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với Internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn còn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất.

Và cũng giống như ông lão Egle trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy khó khăn hiện tại.

Như những người đứng bên lề xã hội, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ cộng đồng. Jodi Ettenberg (http://www.legalnomads.com), người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?”, “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”, “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?”, “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”.

Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới.

Liz Carlson (http://youngadventuress.com), một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành, bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết, rằng thu nhập của bạn sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian khổ khác nhau.

Các lữ khách bị nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống thảnh thơi, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hằng ngày nhắn hỏi làm cách nào để có thể sống được như vậy.

Cuộc đời là thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi”.

Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng, miễn là không phương hại đến người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè bỉu gièm pha, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, cũng đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác.

Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả Chuyện con mèo dạy hải âu bay viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Tôi thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, thuận hòa, an nhiên.

Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của tôi, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé, dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say.

Elizabeth Gilbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, tôi cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, tôi sẽ lang thang trên hành trình vạn dặm, và viết với tất cả trái tim mình.

2. Du học và Du lịch

“Don’t tell me how educated you are, tell me how much you traveled”

– Mohammed

“Travel, in the younger sort, is a part of education, in the elder, a part of experience”

– Francis Bacon

Một lần, tôi đọc được bài phỏng vấn một người Việt trẻ, anh bảo: đất nước còn nghèo mà chỉ lo hưởng thụ với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chỉ lo đi chơi thì làm sao đất nước khá lên. Cuối bài phỏng vấn, anh kết luận: ‘‘Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học”.

Là một người hay đi, tôi nhận thấy rằng du lịch có nhiều kiểu, và không phải kiểu du lịch nào cũng là chơi bời và hưởng thụ. Ngược lại, không phải người nào đi du học cũng nhằm mục đích học tập phát triển bản thân. Ngày nay, nhiều người trẻ muốn đi du học, nhưng liệu đó có phải là con đường duy nhất để học hỏi trau dồi kiến thức?

Du học

Thẳng thắn mà nói thì tôi không hề phản đối chuyện đi du học (bản thân tôi cũng đã từng có dự định đó trước đây). Nếu gia đình bạn khá giả, hoặc nếu bạn có điểm số đủ cao để lấy học bổng, bạn thực sự yêu thích ngành học bạn sắp nộp đơn, và bạn có định hướng rõ ràng sau khi tốt nghiệp, thì OK, bạn nên đi du học. Còn nếu như bạn chỉ có số điểm vừa khá, bạn không chắc mình nên học ngành gì, mà gia đình bạn phải tiêu tốn khoản tiết kiệm nhiều năm trời để bạn thực hiện ước mơ du học, thì theo tôi đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Việc du học ngày nay gần như là một kiểu mốt, không ít bạn trẻ du học theo trào lưu, chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, muốn có được tấm bằng quốc tế, hơn là mong muốn đào sâu nâng cao kiến thức. Khi quyết định đi du học, thiết nghĩ ta nên cân nhắc thật kỹ về định hướng nghề nghiệp và chất lượng kiến thức của bằng cấp mà ta đang theo đuổi, cũng như bài toán về lợi nhuận dự kiến và những chi phí cơ hội mà mình sẽ bỏ qua trong quá trình du học. Đừng đi du học theo trào lưu, để rồi trở về hầu như tay trắng.

Tôi biết không ít em du học sinh, sau khi du học về bỗng trở nên lạc lõng. Tiếng Anh và các kỹ năng mềm không phát triển hơn bao nhiêu, môi trường làm việc và tình hình trong nước các em không nắm rõ, cầm tấm bằng nước ngoài chẳng biết để làm gì, vì đa số các công ty Việt Nam không cần nhân viên với bằng cấp quốc tế, ít kinh nghiệm mà lại yêu cầu mức lương ngất ngưởng. Cuối cùng, các em ấy đành chấp nhận mức lương thử việc sáu bảy triệu một tháng, không biết bao giờ mới lấy lại được số vốn ban đầu.

Ngày nay, giáo dục đã không còn mang tính phi thương mại như trước. Ngược lại, nó đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Nếu không cân nhắc kỹ, có khi ta phải trả một cái giá rất cao cho tấm bằng với chất lượng không tương xứng. Thực tế là chi phí học đại học và sau đại học đã trở nên đắt đỏ đến nỗi nhiều thanh niên Âu Mỹ lựa chọn những phương án tiết kiệm hơn để bổ sung kiến thức, mà du lịch là một trong những cách đó.

Du lịch

Nếu mong muốn của bạn là để nhìn ngắm thế giới, biết thêm về những nền văn hóa khác nhau, kết bạn với nhiều người, thì du lịch bụi là dành cho bạn.

Trở lại với luận điểm của một số người rằng: đất nước mình còn nghèo, chỉ mơ xách ba lô lên và đi thì làm sao khá hơn được. Tôi xin khẳng định: Điều đó không đúng.

Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về những kẻ chinh phục.

Bạn có biết vì sao các nước châu Âu lại hùng mạnh như bây giờ? Vì văn hóa di chuyển đánh đông dẹp bắc từ ngàn năm nay đã ăn sâu vào máu họ. Lịch sử châu Âu cho thấy từ xưa sự giao lưu thông thương của các quốc gia trong vùng đã khá mạnh mẽ, ngành đóng tàu và đường sắt phát triển, người châu Âu đi lại khắp nơi, khám phá các nước lân cận, gặp gỡ bạn bè từ các quốc gia khác. Đọc sách về châu Âu từ mấy trăm năm trước thấy rất phổ biến hình ảnh trong một quán rượu ở bến cảng nào đó, những con người từ khắp nơi tụ lại, người Anh, người Pháp, người Đức, Thụy Sĩ, Na Uy… Tất cả tụ họp kể về những câu chuyện kỳ lạ ở những miền viễn xứ, cùng bàn đến những chuyến đi, rồi lên tàu thăm viếng những vùng đất xa xôi. Cách suy nghĩ thực tiễn, khoa học và quyết tâm chinh phục khiến họ không ngừng khám phá, tìm tòi và cải tạo thế giới.

Bạn có biết vì sao nước Mỹ trở thành cường quốc chỉ sau vài trăm năm lập nước? Bởi vùng đất đó tập hợp những con người lên thuyền vượt biển, bỏ lại châu Âu cằn cỗi, mong ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không thiếu những tướng cướp, những kẻ phóng đãng ngông cuồng, những người ra đi vì tự do tín ngưỡng. Nhưng tất cả bọn họ đều có sức sống mạnh mẽ, ước muốn chinh phục, thay đổi hiện tại. Họ đều là những người yêu tự do, hùng cường, vững chãi và không sợ hãi. Tất cả những điều ấy tạo nên văn hóa Mỹ ngày nay, nơi chủ nghĩa tự do và nhân quyền được tôn trọng mạnh mẽ. Cái nồi thập cẩm của mọi thứ trên thế giới, của cải cách, của đa văn hóa, của sự hội nhập giữa các dân tộc. Họ vẫn đang tiến lên, vì bản chất của họ là những con người can đảm, vững vàng, dám đi dám nói, cường tráng hiên ngang như tổ tiên thời dựng bờ mở cõi.

Nếu Colombo không thoát khỏi cái nhung lụa vương giả của gia đình hoàng tộc châu Âu và ra đi tìm đường vượt biển, ông đã không thể đặt chân lên châu Mỹ. Nếu Marco Polo không nung nấu trong tim một niềm tin khám phá thế giới, ông đã không thể đến được Ấn Độ. Nếu người Mỹ không mang trong mình vận mệnh hiển nhiên là chinh phục những vùng đất mới và mở rộng bờ cõi về phía tây, họ đã không có được biên cương mênh mông như bây giờ. Nếu thái tử Siddhartha Guatama không có những cuộc dạo chơi thăm thú cuộc sống thường dân nghèo khổ, chắc gì Người đã thấm được sinh lão bệnh tử và ngộ được cái vô thường của kiếp người, chắc gì thế giới đã có đạo Phật hôm nay.

Còn Việt Nam, văn hóa lúa nước ổn định và địa thế hiểm trở khiến con người ta sống yên ổn trong môi trường của mình. Người Việt cần cù chăm chỉ, nhưng cũng ít những sáng tạo đột phá, tư duy cục bộ, nên không thể có những phát minh thế kỷ. Mà ngay cả cha ông ta, những người thích an cư, không ham phiêu lãng viễn xứ như những đồng loại phương Tây, cũng đã đúc kết:

“Đi cho biết đó biết đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Ngày nay, người ta ít có cơ hội tham gia vào các cuộc viễn chinh, chinh phạt, hay những chuyến đi khai phá, di cư tìm miền đất mới. Vậy nên đi du lịch bụi để mở rộng tầm mắt là một cách để ta phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho đời.

Bạn sẽ hỏi: Đi du lịch bụi để làm gì?

Đi du lịch, trước tiên là để có thêm kiến thức. Đi là một cách học. Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều. Thực ra, trong môi trường quen thuộc, mắt ta như bị che bởi một tấm màn vô hình, không thấy được những điều mới lạ ở ngay quanh mình. Nếu chắc rằng có thể giữ được cái nhìn của người lữ khách ở giữa quê nhà, thì không cần đi xa cũng học được điều mới. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào người ta cũng làm được điều ấy.

Du lịch bụi là để rèn giũa những kỹ năng của mình. Ta rèn được cách tìm kiếm thông tin, cách tổ chức và lên kế hoạch, cách giao tiếp với người khác, cách sống tự lập và bảo vệ bản thân. Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kỳ sách vở nào.

Đi là một cách để vượt qua sức ỳ của bản thân. Vì rằng thân thể và bộ óc của chúng ta đều là những cơ bắp, chúng sẽ không phát triển nếu ta không sử dụng. Nên mỗi chuyến đi là cơ hội để tận dụng mọi khả năng của mình, phát hiện thêm sự kỳ diệu của năng lực con người. Khi đi, ta hiểu rõ thêm về chính mình và tiến xa hơn trên hành trình tinh thần.

Bạn sẽ hỏi: “Du lịch bụi dạy cho tôi điều gì?”

Sau nhiều năm đi du lịch bụi, tôi rút ra rằng điều quan trọng nhất mà du lịch bụi đã dạy cho tôi là những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của cuộc sống, mà tôi có thể chưa biết, hoặc đã lãng quên.

Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm màu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ. Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, tự ái và căm giận chẳng để làm gì. Đã làm người trên đời, máu ai cũng màu đỏ, tim ai cũng biết đau. Nên người hay đi thường có cái tâm rộng mở và nhân ái, biết đau cái đau của người khác, và nhẹ nhàng hơn với con người.

Có đi mới thấy được cái say mê của người lữ hành, thấy cuộc sống huyền diệu tràn đầy trải dài trước mắt. Chứng kiến cái diệu kỳ của tạo hóa, chứng kiến vẻ đẹp của vũ trụ, người ta mới biết nên trân quý những khoảnh khắc an hòa biết bao nhiêu. Và tôi chợt nhận ra, rằng mỗi người có nuôi dưỡng bình an trong tim, thì Trái Đất mới thật sự yên bình. Vậy nên, thay vì kiểm soát người khác, cái mà mỗi con người nên quan tâm kiểm soát vào mỗi phút giây, là hơi thở của mình, là ý nghĩ của mình, là hành động của mình.

Đi để biết thấm thía và trân quý hai tiếng “đồng loại”. Người ta thường chỉ trích, thù ghét người khác vì nghĩ họ khác mình. Trên đường đi, tôi cảm được cái tình của người lữ hành, thấy mình là một mắt xích, một thành viên trong dòng chảy xuyên suốt của những người đi trước và sau tôi, tất cả hòa làm một như sợi dây kết nối con người với nhau, quyện chặt và bền bỉ.

Đi để học cách sống đơn giản, nhẹ nhàng, ít quan tâm góp nhặt vật chất, chú trọng vào phát triển tinh thần. Nếu ai cũng sống như những người lữ hành, biết yêu quý và hòa hợp với thiên nhiên, biết sống xanh và sạch, tiêu thụ ít hơn và đóng góp nhiều hơn, thì Trái Đất này sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu.

Người đi du lịch bụi là người không thích cuộc sống trầm lặng bình ổn, luôn xê dịch để tìm những điều mới mẻ, độc đáo, muốn trải nghiệm những phong cảnh tuyệt mỹ núi cao rừng thiêng, làm bạn với những tính cách phi thường, những tình cảm mãnh liệt. Khi cái chủ nghĩa xê dịch thấm vào máu, ta không thể dừng đi, không thể sống cuộc sống bình thường được nữa.

Bởi vậy, hãy đi du lịch đi. Hãy nuôi dưỡng khát vọng lên đường, bởi khi bạn mong muốn được đi, đó là một tín hiệu đáng mừng của nền văn minh.

………

Ta Ba Lô Trên Đất Á - Rosie Nguyễn

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *