Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời – Jeffrey Archer

Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Jeffrey Archer
NXB NXB Lao Động
CTy Phát Hành Bách Việt
Số Trang 500
Ngày Xuất Bản 2019
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với cuốn tiểu thuyết Hai số phận (tập 1 của series Kane và Abel), Jeffrey Archer là một tiểu thuyết gia với thủ pháp kể chuyện cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn độc giả khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi cuốn sách ngay từ trang đầu. Tài năng tuyệt vời ấy thêm một lần nữa lại được tác giả sử dụng trong Biên niên Clifton, series ăn khách toàn thế giới của ông đang được Bách Việt mang tới với độc giả Việt Nam.

Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời (tựa đề tiếng Anh: Only Time Will Tell) là phần đầu tiên trong bảy phần trong Biên niên Clifton của Jeffrey Archer. Cuốn sách được xuất bản trên toàn thế giới vào năm 2011. Nó được chính Jeffrey Archer ra mắt tại Bangalore, Ấn Độ vào tháng 3 năm 2011, như là sự khởi đầu của chuyến tham quan sách toàn cầu.

Cốt truyện xoay quanh nhân vật chính Harry Clifton, kéo dài khoảng thời gian từ cuối Thế chiến thứ nhất đến đầu Thế chiến thứ hai. Cuốn tiểu thuyết Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời lấy bối cảnh thành phố cảng Bristol nước Anh vào những thập niên đầu thế kỷ 20 mà nhân vậy chính là một cậu bé, Harry Clifton, người mang trong mình những bí ẩn về thân thế. Số phận đưa đẩy khiến Harry có một cuộc đời khác với cha và các bác ruột mình, cậu gắng sức chiến thắng định mệnh dường như đã được ăn bài sẵn để mở cho mình một lối đi riêng. Liệu rằng, Harry có thực sự vượt lên được những hoàn cảnh éo le đeo đuổi cậu suốt từ thời thơ ấu cho tới tận khi trưởng thành?

Thông tin tác giả Jeffrey Archer

Tác giả Jeffrey Archer

Jeffrey Howard Archer (SN 15/4/1940) là một tác giả người Anh và cựu chính trị gia, là tác giả rất quen thuộc với Việt Nam. Ông đã viết các tiểu thuyết hình sự như Hai số phận (tên gốc Kane and Abel); Quyền lực thứ tưKhông hơn một xu, không kém một xu. Trong đời viết lách, đến nay Archer có khoảng 40 tác phẩm và bán được khoảng 250 triệu bản sách khắp thế giới. Tiểu thuyết mới nhất của Archer, Best Kept Secret (tạm dịch: Bí mật sâu kín nhất), với nguồn cảm hứng từ Mary, vợ ông, là câu chuyện về những người phụ nữ mạnh mẽ, nhiều lúc còn thông thái và liều lĩnh hơn đàn ông.

Ngoài các truyện dài và kịch bản, Jeffrey Archer còn được biết đến như là một trong những cây bút viết truyện ngắn hay nhất thế giới hiện nay. Truyện của ông là một chuỗi những pha hồi hộp nghẹt thở, cùng những nút mở bất ngờ – mang hơi hướm những truyện trinh thám Anh – hoặc giả những kết thúc bi đát để lại một dư hưởng kéo dài trong lòng người đọc như một điều gì để suy ngẫm.

II. Review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời của tác giả Jeffrey Archer. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. MINH SƠN review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời – Lấy bối cảnh thành phố cảng Bristol nước Anh vào những năm đầu thập niên của thế kỷ 20, nhân vật chính là Harry Clifton – một cậu bé mang trong mình nhiều bí ẩn về thân thế. Số phận đưa đẩy khiến Harry có một cuộc đời khác người cha Arthur Clifton và cả bác ruột Stanley Tancock, cậu gắng sức chiến thắng định mệnh dường như đã được an bài sẵn để mở cho mình một cánh cửa mới.

Trong cuộc đời của mình, cậu đã có những người bạn thân như Giles Barrington, Deakins, Jack Già,… Những con người luôn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên đã giúp đỡ Harry rất nhiều trong học tập cũng như trong cuộc sống. Liệu rằng Harry có thực sự vượt lên được những hoàn cảnh éo le đeo đuổi cậu suốt từ thời thơ ấu cho tới tận khi trưởng thành?

Câu chuyện được xây dựng xoay quanh các nhân vật được tác giả xây dựng đan xen nhau theo dòng thời gian từ khi Harry Clifton còn bé đến khi cậu trưởng thành. Các lớp nhân vật rất phong phú, từ những đứa trẻ hiền lành đến những con người tốt bụng như Già Jack, và thậm chí cả những người xấu. Các nhân vật hiện lên rõ ràng thông qua lối kể chuyện giản dị, gần gũi, tự nhiên, nhà văn Jeffrey Archer đã làm độc giả cảm nhận sâu sắc về tình người, tình bạn, tình thầy trò. Không để số phận chèn ép mà phải vượt qua nó, sống ngay thẳng, biết đặt lợi ích của mọi người lên trên lợi ích của bản thân.

Câu chuyện còn ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự tin tự lập, gắng sức phát huy theo đuổi đam mê, ước mơ cuối cùng cho dù chịu bao nhiêu gian khổ, hay bị người khác tính kế. Truyện cũng phản ánh rõ cuộc sống của người dân, sự tàn khốc của chiến tranh, mà ở đó cuộc sống của nhân dân vô cùng gian khổ, bấp bênh. Cùng với đó, tác giả cũng ca ngợi những người yêu nước, sẵn sàng xung phong ra trận ngay khi chiến tranh bắt đầu.

Tuy nội dung truyện hay nhưng vẫn có điểm trừ,đó là những lỗi ở khâu biên tập như lỗi chính tả, lỗi giãn dòng hay đặt dấu câu sai vị trí.

Đây là tập đầu tiên trong series Biên niên Clifton, hi vọng những tập sau sẽ hấp dẫn và được biên tập cẩn thận hơn.

Điểm: 7,75/10

2. KHANH DANG review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Được sự chia sẻ của 1 người bạn, tôi đọc Khi thời gian có thể cất lời một cách nhẩn nha, không trông đợi những tình huống quá kịch tính hay gay cấn.

Phần đầu của cuốn sách như một tác phẩm văn học thiếu nhi khi tập trung miêu tả cuộc sống, tâm tư của cậu bé Clifton giữa các mối quan hệ tổng hòa trong gia đình, trường học và bè bạn. Cậu lớn lên trong nỗi băn khoăn mơ hồ về cái chết của người cha hợp pháp, cậu muốn gắn cuộc đời mình với bến cảng và những con tàu, thấy rằng trường học chỉ là một sự lãng phí thời gian. Quả thật sống trong một ngôi nhà và một hoàn cảnh rồi ren và phức tạp như thế, Clifton như một viên ngọc thô – quý giá mà không được mài dũa. Không chỉ là nhờ sự may mắn, nhờ những phẩm chất thiên bẩm của mình, Clifton đã có những trải nghiệm thật mới mẻ. vượt qua những trở ngại mà số phận đã đặt ra.

Jefrey Archer có lẽ muốn thử thách sự kiên nhẫn của độc giả trong nửa đầu cuốn sách. Lần đầu tiên tôi đọc một phần truyện trình bày kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến như thế. Tuổi thơ ấu, xuất thân và thời niên thiếu của Clinton được kể từ rất nhiều góc nhìn và mỗi góc nhìn hé cho ta thấy một mảnh ghép về cuộc đời cậu cùng với tâm trạng của những người thân của cậu, dù chưa tạo thành những plot twist nhưng cũng khiến cho câu chuyện mang màu sắc li kỳ và đưa cho đọc giả cách nhìn toàn diện về bản chất của từng nhân vật. Dẫu sao, tôi cũng đánh giá ông đã cẩn thận làm kỹ quá mức cần thiết

Cuốn sách cũng đêm đến cho người đọc cái nhìn thật sâu sắc về tính cách của người Anh, về việc học tập cực nghiêm túc tại các trường học, những cuốn sách mà các cô cậu phải đọc và nghiên cứu để có thể vượt qua được các kì thi có lẽ sẽ khiến nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên.

Câu chuyện đã không chỉ dừng lại ở đó, những câu chuyện học đường, những may mắn nối tiếp nhau chỉ là bước khởi đầu mà J.A muốn kể về cuộc đời Harry Clifton. Mối tình đầy ngọt ngào và oan trái mà cậu vấp vào cùng những rắc rối mà cậu có thể gây ra cho những người cậu yêu thương, cảm mến không thể ngờ lại bắt nguồn chính từ xuất thân của cậu – thứ mà cậu chẳng thể nào thay đổi. Và cậu tin, chỉ cần cậu biến mất, mọi việc sẽ trở nên êm đềm và chính quyết định ấy, đã khiến cậu mắc vào một biến cố mà cả cậu và độc giả không thể ngờ. Và cái nút thắt kì diệu ấy đã khiến tôi và tin rằng tất cả những ai đã đọc cuốn sách đều mong chờ sự ra mắt phần 2 của serries.

Văn phong của tác phẩm khá nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ cảm và dễ hiểu, hơi tiếc là vẫn còn một số lỗi morat, mình cũng đã có note lại, dù không thật để tâm soát lỗi.

4/5*
Hồng Khánh – 17/10.2019

3. QUANG QUẤN QUÍT review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Một sự bất ngờ không hề nhẹ khi đọc cuốn này. Cứ nghĩ nó sẽ giống Hai số phận nhưng không, nó hay hơn cả Hai số phận nhiều.

Cách kể chuyện đa tuyến nhân vật, chứ không phải chỉ là sự lặp đi lặp lại của hai nhân vật như Hai số phận nữa. Mặc dù cùng một nội dung câu chuyện nhưng qua mỗi góc nhìn của nhân vật khác nhau, mình có cảm giác được nghe kể một câu chuyện mới, mỗi lần nghe là một chi tiết mới được kể ra. Và điều này giữ chân mình đọc liên tiếp không dừng lại được.

Đúng với tên gọi Biên niên sử Clifton, chỉ tập 1 thôi đã là cả một câu chuyện kéo dài từ lúc ấu thơ tới lúc trưởng thành, kết hôn của Clifton. Mình ưng ý nhứt quãng thời gian lúc nhỏ của Clifton. Nó khiến mình nhớ lại Bánh xe số phận của Herman Hesse và Harry Potter của J. K. Rowling. Clifton tên đầy đủ là Harry Clifton luôn mới ghê.

Đọc xong cuốn tập 1 này, mình chính thức trở thành fan của Jeffrey Archer và đọc ngay luôn tập 2 tiếp theo để xem ông tác giả này đầu óc ổng ghê gớm đến mức nào khi có thể viết được một tác phẩm lớn đến như vậy.

4 sao cho một tiểu thuyết xuất sắc có đủ các yếu tố phiêu lưu, chính trị, lịch sử, xã hội, tình cảm, và đủ thứ khác nữa…

4. MINH NGUYỆT review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Minh Nguyệt review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Chỉ thời gian có thể cất lời – một cuốn tiểu thuyết kể về số phận và cuộc đời của cậu bé Harry. Nó chẳng giống những cuốn tiểu thuyết ngôn tình mà các bạn hay đọc cũng chẳng phải kiểu văn chương cao thâm để mọi người bình phẩm. Nhưng cái cách mà Jeffrey Archer thổi hồn cho nhân vật lại là điều tạo nên sức hút cho cuốn sách.

Câu chuyện dựa trên từng góc nhìn của các nhân vật về thân thế bí ẩn của Harry – một cậu bé đáng ra ở cái tuổi đó phải luôn được sự yêu thương, vui vẻ.

Trong tác phẩm, vì muốn giúp đỡ mẹ, nhân vật chính của chúng ta – bé Harry đã cố gắng làm một vài việc để kiếm tiền giúp mẹ: hát ở nhà thờ, đi giao báo,… Nhờ sự thông minh, nỗ lực và tài năng cậu bé được chuyển đến trường học tốt hơn. Dù bị bắt nạt cậu vẫn luôn không bỏ cuộc và ngày càng trở lên mạnh mẽ. Đến khi Harry dần lớn lên, bí mật về thân thế của cậu cũng dần dần được hé lộ. Có lẽ, cái giá để biết được bí mật đó là sự ra đi của tình yêu đầu. Cậu, liệu có hối hận hay không?

Với lối kể chuyện giản dị, gần gũi, tự nhiên nhà văn Jeffrey Archer đã làm độc giả cảm nhận sâu sắc về tình người, tình bạn, tình thầy trò. Không để số phận chèn ép mà phải vượt qua nó, sống ngay thẳng, biết đặt lợi ích của mọi người lên trên lợi ích của bản thân. Câu chuyện còn ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự tin tự lập, gắng sức phát huy theo đuổi đam mê, ước mơ cuối cùng cho dù chịu bao nhiêu gian khổ, hay bị người khác tính kế. Phản ánh rõ cuộc sống của người dân, sự tàn khốc của chiến tranh, mà ở đó cuộc sống của nhân dân vô cùng gian khổ, bấp bênh. Vì vậy, chúng ta không chỉ thương cảm cho cuộc đời gian truân của Harry mà còn thương cảm và trân trọng cho cuộc đời của những người dân lao động. Chuyện còn đề cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng xung phong ra trận ngay khi chiến tranh sắp bùng nổ.

Chỉ thời gian có thể cất lời – mang đến bài học quý giá cho mỗi chúng ta về tình yêu thương giữa người với người. Những ai đang có một gia đình hoàn chỉnh nên suy ngẫm, làm sao sống tốt, xứng đáng với điều may mắn đó!

5. HOANG TIN review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Ngay khi đọc những trang đầu tiên thì tôi đã bị lôi cuốn một cách kì lạ. Mới lạ hơn là có thể trải nghiệm các góc nhìn của từng nhân vật trong toàn bộ truyện. Ở mỗi người lại là một câu chuyện khác, và khi bao quát được hết ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về những sự kiện xảy ra.

Một tác phẩm đáng để tiếp tục chờ đợi..

6. HẢI ANH review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Jeffrey Archer luôn làm người đọc phải hồi hộp theo từng câu chữ.

Câu chuyện này tuy dài nhưng không khiến người đọc mệt mỏi hay nản. Thay vào đó, nhịp chuyện nhẹ nhàng và cuốn hút, thậm chí còn nhiều đoạn hồi hộp. Thật sự tim đã đập nhanh hơn vài nhịp khi đi theo số phận của Harry.

Vale la pena leerlo !!!

7. NGUYEN ANH review sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Trở về quảng thời gian khi đọc Sidney và các tác giả cùng thời đại. Cuốn hút từ ngay những dòng đầu tiên, mãi đến chữ cuối cùng.

III. Trích dẫn sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Trích dẫn sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn Chương 1 – Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời

Tôi được kể rằng bố mình đã chết trong chiến tranh.

Mỗi khi hỏi mẹ về cái chết của ông, bà không nói lên gì ngoài việc ông phục vụ trong Trung đoàn Hoàng gia Gloucestershire, và tử trận ở mặt trận phía Tây chỉ vài ngày trước khi hiệp định Đình chiến được ký kết. Bà tôi nói ông là một người dũng cảm, và một lần nọ, khi chỉ có hai bà cháu với nhau trong nhà, bà chỉ cho tôi xem những chiếc huân chương của bố. Ông tôi hiếm khi đưa ra ý kiến về bất cứ điều gì. Nhưng ông vốn điếc đặc, nên rất có thể ngay từ đầu ông đã không nghe thấy các câu hỏi.

Người đàn ông duy nhất tôi có thể nhớ là bác Stan, người hay ngồi ở đầu bàn vào bữa sáng. Khi bác rời nhà vào buổi sáng, tôi thường đi theo bác ra khu cầu cảng của thành phố, nơi bác làm việc. Mỗi ngày tôi trải qua trên cầu tàu đều là một cuộc phiêu lưu. Những chiếc tàu hàng tới từ các miền đất xa xôi bốc dỡ hàng hóa của chúng xuống: gạo, đường, chuối, sợi đay và nhiều thứ khác tôi chưa từng nghe nói tới. Khi các khoang tàu đã trống trơn, công nhân bốc xếp ở cầu cảng sẽ chất đầy chúng với muối, táo, thiếc, thậm chí cả than (thứ hàng hóa tôi không ưa hơn cả, vì nó luôn để lại dấu vết không thể chối cãi về những gì tôi đã làm trong ngày và làm mẹ tôi phiền lòng), trước khi những con tàu tiếp tục lên đường tới đâu tôi không rõ. Tôi luôn muốn giúp bác Stan bốc dỡ bất cứ thứ hàng hóa nào cập bến tàu sáng hôm ấy, nhưng bác chỉ bật cười và nói, “vẫn chưa tới lúc, chàng trai.” Với tôi, thời điểm đó hẳn cũng sớm đến thôi, nhưng vậy đấy, không một lời báo trước, trường học chen vào.

Tôi được đăng ký vào trường tiểu học Merrywood khi lên sáu, và tôi nghĩ đó hoàn toàn là chuyện lãng phí thời gian. Học hành trường lớp mà làm gì trong khi tôi có thể học tất cả những gì tôi cần ngay tại cầu tàu? Chắc chắn tôi sẽ chẳng buồn quay trở lại trường ngày hôm sau nếu mẹ không lôi xềnh xệch tôi tới tận cổng trường, để tôi lại đó, và quay lại lúc bốn giờ chiều để đón tôi về nhà.

Tôi đã không hiểu là mẹ có những dự định khác cho tương lai của tôi, trong đó không hề có việc đến làm việc ở cầu tàu với bác Stan.

Sau khi mẹ để tôi lại trường mỗi buổi sáng, tôi sẽ nán lại trong sân trường cho tới khi mẹ đi khuất, sau đó lén mò ra bến tàu. Tôi luôn chú ý để luôn có mặt ở cổng trường khi bà quay lại đón tôi vào buổi chiều. Trên đường về nhà, tôi kể với mẹ mọi thứ diễn ra ở trường. Tôi rất giỏi bịa chuyện, nhưng chẳng bao lâu sau mẹ đã phát hiện ra bản chất thật của chúng: những câu chuyện.

Có một hai cậu nhóc nữa cùng trường với tôi cũng hay la cà ngoài cảng, nhưng tôi luôn giữ khoảng cách với chúng. Hai đứa đó đều lớn tuổi và to con hơn tôi, và thường hay thụi tôi nếu tôi đi ngang đường chúng. Tôi cũng phải để mắt tới ông Haskin, người đốc công trưởng, vì nếu ông ta bắt gặp tôi lảng vảng, nói theo cách ưa thích của ông ta, ông ta sẽ đuổi cổ tôi đi với một cú đá đít kèm theo lời đe dọa: “Nếu còn thấy mày lảng vảng ở đây, nhóc con, tao sẽ tóm cổ mày tới chỗ thầy hiệu trưởng.”

Đôi khi, Haskin cho rằng ông ta thấy tôi quá thường xuyên, vậy là tôi sẽ bị lôi tới chỗ thầy hiệu trưởng, thầy lấy roi da quất cho tôi một trận trước khi trả tôi về lớp học. Thầy chủ nhiệm của tôi, thầy Holcombe, không bao giờ cho tôi vào nếu trước đó tôi không vào lớp từ đầu giờ, nhưng sau đó ông trở nên mềm lòng hơn. Mỗi khi mẹ phát hiện ra tôi trốn học, bà không hề giấu sự tức giận của mình và sẽ lập tức cắt khoản tiêu vặt nửa penny một tuần của tôi. Nhưng bất chấp những cú đấm thỉnh thoảng phải nhận từ mấy thằng nhóc lớn hơn, những lần đều đặn ăn roi da của thầy hiệu trưởng và việc bị mất tiền tiêu vặt, tôi vẫn không sao cưỡng nổi sức hút của cầu tàu.

Tôi có được người bạn thực sự duy nhất của mình trong lúc “lảng vảng” trên bến cảng. Tên ông là Già Jack Tar. Ông Tar sống trong một toa tàu bỏ không nằm ở cuối dãy nhà kho. Bác Stan nói với tôi hãy tránh xa Già Jack vì đó là một ông già ngu ngốc, bẩn thỉu. Với tôi, ông già cũng không đến nỗi quá bẩn, chắc chắn là không bẩn bằng bác Stan, và chẳng mất bao lâu sau thì tôi phát hiện ra ông ấy cũng chẳng hề ngốc.

Sau bữa ăn trưa cùng bác Stan, một miếng sandwich Marmite của ông, một cái lõi táo ông bỏ đi và một ngụm bia, tôi quay trở lại trường cho kịp giờ trận bóng đá; hoạt động duy nhất tôi cảm thấy đáng để mình có mặt. Xét cho cùng, sau khi rời trường học, tôi sẽ trở thành đội trưởng của Bristol City, hay đóng một con tàu có thể đi vòng quanh thế giới. Nếu thầy Holcombe chịu giữ mồm giữ miệng và ông đốc công không mách tôi với thầy hiệu trưởng, tôi có thể tha hồ lang thang nhiều ngày liền mà chẳng bị ai phát hiện. Chừng nào tôi cẩn thận tránh xa những chiếc xà lan chở than và đứng trước cổng trường lúc bốn giờ chiều, mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ phát hiện được gì.

* * *

Cứ cách một ngày thứ bảy, bác Stan lại dẫn tôi đi xem Bristol City thi đấu tại sân Ashton Gate. Sáng Chủ nhật, mẹ thường đưa tôi tới Nhà thờ Holy Nativity, một việc tôi chẳng tài nào tìm được cách để thoát khỏi.

Sau khi mục sư Watts ban phước lành cuối buổi lễ, tôi sẽ lập tức chạy một mạch tới sân chơi, gia nhập cùng lũ bạn trong một trận bóng đá trước khi quay về nhà kịp giờ bữa tối.

Khi tôi lên bảy tuổi, bất cứ ai hiểu biết ít nhiều về bóng đá cũng thấy rõ tôi sẽ chẳng bao giờ có nổi một chân trong đội bóng của trường, chứ đừng nói tới trở thành đội trưởng của Bristol City. Song cũng chính khi đó tôi khám phá ra rằng, Chúa đã ban cho tôi một món quà nhỏ, và nó không nằm ở đôi chân của tôi.

Thoạt đầu, tôi không nhận ra là bất cứ ai ngồi gần tôi trong nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật đều ngừng hát mỗi khi tôi mở miệng. Đáng lẽ tôi đã chẳng để tâm tới chuyện này lấy một giây nếu mẹ không gợi ý tôi nên gia nhập ban đồng ca. Tôi bật cười coi thường; vì thực tế là ai cũng biết ban đồng ca là dành cho bọn con gái và mấy thằng nhóc ẻo lả. Hẳn tôi đã gạt phăng chuyện này đi ngay lập tức nếu mục sư Watts không cho tôi biết mỗi đứa con trai trong ban đồng ca được trả một penny cho mỗi đám tang và một xu cho mỗi đám cưới; đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi về sự mua chuộc. Nhưng ngay cả sau khi tôi đã miễn cưỡng đồng ý thử giọng, quỷ sứ vẫn quyết định tạo nên một chướng ngại vật trên con đường của tôi dưới hình hài của cô Eleanor E. Monday.

Chắc hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ biết mặt cô Monday nếu cô không phải là người phụ trách ban đồng ca tại Nhà thờ Holy Nativity. Dù cô chỉ cao một mét sáu và trông như thể gió thổi cũng bay nhưng không ai dám đùa với cô. Tôi có cảm giác thậm chí cả quỷ sứ cũng phải hãi cô Monday, vì mục sư Watts chắc chắn là sợ cô một phép.

Tôi đồng ý thử giọng, nhưng chỉ sau khi mẹ tôi đã ứng trước một tháng tiền tiêu vặt. Chủ nhật tiếp theo, tôi đứng xếp hàng cùng nhóm mấy đứa con trai khác, đợi đến khi được gọi.

“Các con sẽ phải luôn có mặt đúng giờ để luyện tập cùng ban đồng ca,” cô Monday thông báo, một ánh mắt sắc như dùi xuyên nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi giương mắt lên nhìn lại đầy thách thức. “Các con sẽ không được lên tiếng, trừ khi được gọi tên.” Bằng cách nào đó, tôi vẫn tiếp tục giữ được im lặng. “Và trong buổi lễ, các con phải luôn tập trung từ đầu đến cuối.” Tôi miễn cưỡng gật đầu. Rồi sau đó, xin Chúa ban phước lành cho cô, cô đã cho tôi lối thoát. “Nhưng quan trọng hơn cả,” cô tuyên bố, hai tay chống hông, “trong vòng mười hai tuần, các con sẽ phải trải qua một kỳ thi đọc và viết, để ta có thể chắc chắn các con hát được một giai điệu mới hay một bài thánh ca không quen thuộc.”

Tôi hẳn sẽ rất hân hoan khi bị loại ngay từ lần thử thách đầu tiên đó. Nhưng rồi như tôi khám phá ra cô Eleanor E. Monday không phải là người dễ dàng bỏ cuộc.

“Con đã chọn hát bài nào vậy, cậu bé?” Cô hỏi tôi khi đến lượt tôi tới đầu hàng.

“Con vẫn chưa chọn bài nào cả,” tôi nói với cô.

Cô giở một cuốn sách đồng ca ra, đưa cho tôi rồi ngồi xuống bên chiếc đàn piano. Tôi mỉm cười với ý nghĩ tôi vẫn còn có thể tham gia vào hiệp hai trận bóng sáng chủ nhật của chúng tôi. Cô bắt đầu chơi một giai điệu quen thuộc, và khi thấy mẹ nhìn mình chằm chằm từ dưới hàng ghế cầu nguyện, tôi quyết định tốt hơn nên thực hiện tử tế phần thử giọng, chỉ để bà vui lòng.

“Mọi thứ sáng rực rỡ và đẹp đẽ, mọi tạo vật cả lớn và nhỏ. Mọi điều thông thái và diệu kỳ…” Một nụ cười đã xuất hiện trên khuôn mặt cô Monday từ rất lâu trước khi tôi hát tới “Chúa Toàn Năng đã tạo nên tất cả.”

“Tên con là gì, cậu bé?”

“Harry Clifton, thưa cô.”

“Harry Clifton, con sẽ tới luyện tập cùng ban đồng ca vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, vào đúng sáu giờ.” Quay sang cậu bé đang đứng đằng sau tôi, cô nói, “Người tiếp theo!”

Tôi hứa với mẹ sẽ đến buổi tập đầu tiên đúng giờ, cho dù tôi biết đó cũng sẽ là buổi cuối cùng, vì cô Monday sẽ nhanh chóng phát hiện ra tôi chẳng hề biết đọc hay biết viết. Và lần ấy hẳn cũng sẽ là lần cuối cùng của tôi, nếu không phải tất cả những ai lắng nghe đều thấy rõ ràng giọng hát của tôi thuộc về một đẳng cấp khác hẳn so với giọng của bất kỳ cậu bé nào khác trong ban đồng ca. Trên thực tế, cứ mỗi lần tôi cất tiếng hát, những người khác lại im lặng, và những cái nhìn ngưỡng mộ, hay thậm chí kinh ngạc, mà tôi vẫn tìm kiếm vô vọng trên sân bóng, thì tôi lại tìm thấy ở nhà thờ. Cô Monday giả bộ như không chú ý.

Sau khi cô cho chúng tôi giải tán, tôi không quay về nhà ngay mà chạy thẳng một mạch ra bến tàu, để hỏi ông Tar tôi nên làm thế nào về chuyện tôi không biết đọc hay viết. Tôi cẩn thận lắng nghe lời khuyên của ông lão, và hôm sau tôi trở lại trường học, ngồi vào chỗ của mình trong lớp của thầy Holcombe. Thầy không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi ngay hàng ghế đầu, và còn ngạc nhiên hơn nữa khi tôi lần đầu tiên chăm chú theo dõi bài giảng buổi sáng.

Thầy Holcombe bắt đầu dạy tôi bảng chữ cái, và trong vòng vài ngày tôi đã có thể viết ra được cả hai mươi sáu chữ cái, cho dù không phải lúc nào cũng theo đúng thứ tự. Mẹ tôi hẳn sẽ giúp tôi học thêm khi tôi về nhà buổi chiều, nếu không phải giống như những người khác trong gia đình tôi, mẹ cũng không biết đọc biết viết.

Bác Stan chỉ biết nguệch ngoạc ký tên của mình, và cho dù bác có thể nhận biết được sự khác biệt giữa bao thuốc lá loại Will’s Star và Wild Woodbines, tôi dám chắc trên thực tế bác không thể đọc được những gì viết trên nhãn hiệu. Bất chấp những lời thì thầm chẳng mấy hữu ích của bác, tôi vẫn bắt tay vào tập viết các chữ cái trên bất cứ mảnh giấy bỏ đi nào tôi vớ được. Bác Stan dường như chẳng hề nhận thấy những tờ báo cũ nhàu nát trong nhà vệ sinh luôn đặc kín chữ viết.

Sau khi đã thành thạo bảng chữ cái, thầy Holcombe dạy cho tôi vài từ đơn giản: “chó”, “mèo”, “bố” và “mẹ.” Đó cũng là lần đầu tiên tôi bắt đầu hỏi thầy về bố tôi, hy vọng thầy có thể cho tôi biết ít nhiều về bố. Nói cho cùng, thầy dường như biết mọi thứ. Nhưng thầy có vẻ ngỡ ngàng khi thấy tôi biết về bố của mình ít đến thế. Một tuần sau, thầy viết cho tôi từ đầu tiên có bốn chữ cái lên bảng đen, “sách”, và sau đó là năm chữ cái “chuối” và sáu chữ cái, “trường”. Đến cuối tháng, tôi đã có thể viết được câu đầu tiên của mình, “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua con chó lười biếng”, trong câu đó, như thầy Holcombe chỉ cho tôi thấy, có mặt tất cả các chữ cái. Tôi đã xem lại, và hóa ra thầy nói đúng thật.

Đến cuối kỳ, tôi có thể đánh vần được “quốc ca”, “thánh thi” và thậm chí cả “thánh ca”, cho dù thầy Holcombe luôn nhắc là tôi vẫn luôn quên phát âm chữ “h” bất cứ khi nào tôi nói. Nhưng sau đó chúng tôi bị gián đoạn vì kỳ nghỉ, và tôi bắt đầu lo tôi sẽ chẳng bao giờ vượt qua được bài kiểm tra đầy thách thức của cô Monday nếu không được thầy Holcombe giúp. Và rất có thể điều đó đã trở thành sự thật, nếu Già Jack không thế vào chỗ của thầy.

* * *

Tôi đến buổi tập tối thứ Sáu sớm nửa giờ. Khi biết mình cần vượt qua bài kiểm tra thứ hai nếu tôi muốn được tiếp tục là thành viên của ban đồng ca. Tôi ngồi lặng im trên ghế, hy vọng cô Monday sẽ gọi tên ai đó khác trước khi cô gọi đến tôi.

Tôi đã vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên một cách như cô Monday mô tả là xuất sắc. Tất cả chúng tôi đều được yêu cầu hát trích đoạn bài Lời cầu nguyện của Chúa. Đây không phải là vấn đề với tôi, bởi vì mẹ luôn quỳ xuống cạnh giường tôi mỗi tối, và lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện quen thuộc này trước khi bà kéo chăn lên cho tôi. Tuy nhiên bài kiểm tra tiếp theo của cô Monday cho thấy nó là một thử thách khó khăn hơn nhiều.

Đến lúc này, đã là cuối tháng thứ hai, chúng tôi được trông đợi sẽ phải hát dõng dạc một bài thánh thi trước mặt những thành viên còn lại của ban đồng ca. Tôi chọn bài Thánh thi 121, bài tôi vốn đã thuộc lòng từ lâu, vì trước đây tôi đã nhiều lần hát bài này. Ta sẽ dõi mắt nhìn xuống các ngọn đồi, và từ đó sự giúp đỡ của ta sẽ tới. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng mình sẽ nhận được sự trợ giúp từ Chúa. Mặc dù có thể giở tới đúng trang trong quyển thánh thi, vì bây giờ tôi đã biết đếm từ một đến một trăm, tôi vẫn sợ cô Monday sẽ phát hiện ra rằng tôi không thể lần theo từng dòng thơ. Nếu thế, không đời nào cô chịu cho qua, vì tôi đã được ở lại trong ban đồng ca thêm một tháng nữa, trong khi hai đứa bất trị khác – đấy là lời của cô, mà thực lòng tôi chỉ hiểu nghĩa của nó khi hỏi thầy Holcombe vào ngày hôm sau – đều bị mời trở xuống giáo đoàn.

Đến thời điểm tôi phải trải qua bài kiểm tra thứ ba và cũng là cuối cùng, tôi đã sẵn sàng cho nó. Cô Monday yêu cầu tất cả những đứa còn lại viết ra Mười điều giới luật theo đúng thứ tự mà không được xem trong Sách Xuất Ai Cập Ký.

Cô phụ trách ban đồng ca tảng lờ chuyện tôi đã xếp trộm cắp lên trên giết người, không thể viết được hai từ “ngoại tình” và chắc chắn là không hề biết nó có nghĩa là gì. Chỉ sau khi hai cậu chàng bất trị kia bị loại vì những lỗi còn nhẹ hơn nhiều, tôi mới thực sự nhận ra giọng hát của mình phải hiếm có đến mức nào.

Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của mùa Giáng sinh, cô Monday tuyên bố cô đã chọn ba nam thiếu niên có giọng kim mới – hay “những thiên thần bé nhỏ,” như mục sư Watts vẫn thường gọi chúng tôi – gia nhập ban đồng ca của cô. Những đứa còn lại bị loại vì đã phạm phải những tội lỗi không thể tha thứ được như nói chuyện trong giờ giảng lễ, mút kẹo viên và, trong trường hợp của hai cậu con trai, bị bắt quả tang chơi chọi xâu hạt trong khi đang hát bài Nunc Dimitti.

Ngày Chủ nhật tiếp theo, tôi mặc một chiếc áo chùng dài màu xanh với một chiếc cổ cồn trắng. Chỉ mình tôi được phép đeo một chiếc mề đay bằng đồng thau mang hình Đức Mẹ Đồng Trinh quanh cổ, để ra hiệu tôi được chọn làm giọng kim hát solo. Tôi chắc sẽ đeo chiếc mề đay đầy tự hào trên cả con đường về nhà, thậm chí tới trường sáng hôm sau, để khoe với những đứa con trai khác, nếu cô Monday không thu lại nó vào cuối mỗi khóa lễ.

Vào các ngày Chủ nhật tôi như được đưa vào một thế giới khác, nhưng tôi e rằng trạng thái lâng lâng này sẽ không kéo dài mãi mãi.

……

Trên đây là một trích đoạn trong sách Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời – Jeffrey Archer. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (11 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Hàng Xóm - Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm – Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm, câu chuyện đi theo lời kể của một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và có ý thích viết văn. Anh chàng yêu vợ theo cách của mình, khen ngợi sùng bái người yêu cũng theo cách của mình, nhưng nhìn cuộc đời theo cách sống của những người hàng xóm. Sống trong tình yêu của vợ đầy mùi thơm và nhiều vị ngọt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *