Bài thơ: Tôi Còn Nhớ Lắm
Trên ba mươi sáu dây lòng,
Phượng nào là phượng lại không cầu hoàng.
Nào tôi phụ bạc chi nàng?
Khốn thay! ai đúc nhà vàng cho tôi?
Có ai qua cửa nhà giời,
Đánh cho tôi lấy một hồi đăng văn:
– “Quê con ở dưới phàm trần,
Khiếu oan một sớ cúi dâng cửa giời”
Tôi còn gì nữa là tôi!
Thuyền quyên, nàng vẫn là người thuyền quyên.
Mùa xuân ấy nàng xe duyên,
Có đình đổi kiệu, có đèn giăng hoa.
Tóc tôi để bạc cho già,
Đời tôi để rụng cho là đời tôi.
Còn nên nói nữa hay thôi?
Gặp nhau một chuyến đò rồi yêu nhau.
Tưởng rằng bền, ngỡ rằng lâu,
Lửa giầu sang đốt cháy cầu tơ duyên.
Mong chi bắc lại cho liền,
Chín mươi oan khổ đầy lên xứ lòng.
Lều gianh hết cả than hồng,
Một trang gió lạnh, mấy dòng thơ mưa.
Hỏi rằng tôi đã quên chưa?
Tôi còn nhớ lắm, và thưa: rất buồn.
- Tác giả: Nguyễn Bính, Hương cố nhân, Á Châu ấn cục, 1941
Thông tin về tác giả Nguyễn Bính
Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính; 1918–1966) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.
Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, còn mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, con gái một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!