Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Rừng Na Uy - Haruki Murakami

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Haruki Murakami
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 556
Ngày Xuất Bản 07 – 2018
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Rừng Na Uy

Rừng Na Uy (tiếng Nhật: ノルウェイの森, Noruwei no mori) là tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki, được xuất bản lần đầu năm 1987. Truyện Tiểu Thuyết Rừng Na Uy thực sự là một hiện tượng kỳ lạ với 4 triệu bản sách được bán ra, và theo thống kê hiện tại, cứ 7 người Nhật thì có 1 người đã đọc Rừng Na Uy. Tại Trung Quốc, Rừng Na Uy đã trở thành một hiện tượng văn hoá với hơn 1 triệu bản sách được tiêu thụ và được đánh giá là 1 trong 10 cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất ở đại lục trong thế kỷ 20.

Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên bình thường Watanabe Tōru. Cậu ta đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ ưa tự do. Nhưng cậu ta cũng có những mối tình sâu nặng, điển hình là với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất của cậu, một cô gái không ổn định về cảm xúc, và với Midori, một cô gái thẳng thắn và hoạt bát. Các nhân vật trong truyện hầu hết là những con người cô đơn móc nối với nhau. Có những nhân vật đã phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi đau đớn ấy.

Câu chuyện xảy ra với bối cảnh là nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản, như thanh niên nhiều nước khác đương thời, đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Murakami miêu tả những sinh viên cải cách này như những tên đạo đức giả và thiếu sự kiên định.

Tác phẩm này đã đưa Murakami lên thành một trong những nhà văn hàng đầu của Nhật Bản.

Tên nguyên gốc của tác phẩm, Noruwei no mori, là cách dịch tiêu chuẩn trong tiếng Nhật cho tựa bài hát “Norwegian Wood” được John Lennon viết khi còn trong nhóm The Beatles (và cũng thường được nhắc đến trong cốt truyện).

Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997 do Kiều Liên và Hải Thanh thực hiện, Bùi Phụng hiệu đính. Năm 2006 bản dịch mới của Trịnh Lữ được xuất bản. Cả hai bản dịch đều được dịch từ tiếng Anh.

Rừng Na Uy được đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng chuyển thể thành phim cùng tên với các diễn viên của Nhật Bản.

Nhận định

Theo tờ Publisher Weekly, “đã hai mươi năm nay, Rừng Na Uy luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất”. – Publisher Weekly

Nắm bắt sự đam mê và gấp gấp của ái tình tuổi trẻ… Lặng lẽ lôi cuốn người đọc và cuối cùng lay động tam can. – Time Literary Supplement

Dịu dàng, quyến rũ như thơ, căng thẳng như bi kịch và gợi dục một cách mê đắm. Một cuốn tiểu thuyết kỳ diệu có âm hưởng hướng đạo và tự nguyện. Nhân vật chính yêu người yêu của người bạn thân nhất thời niên thiếu đã tự sát của mình. Nhưng một thời gian sau, anh chàng cũng phải lòng một nữ sinh ở khoa mình… Tuyệt đối nên đọc. – SDM

Tóm tắt nội dung Rừng Na Uy

Watanabe Tōru, một chàng thanh niên 37 tuổi vừa mới đặt chân tới Hamburg, Đức. Khi bất chợt nghe được bài hát “Norwegian Wood” của Beatles, anh bỗng hồi tưởng lại mối tình đầu của mình với Naoko. Ký ức mang anh trở lại với những năm của thập kỷ 1960, khi có quá nhiều sự việc xảy ra với cuộc sống của anh khi đó.

Tōru cùng với người bạn cùng lớp Kizuki, và bạn gái của Kizuki – Naoko là những người bạn thân thiết. Kizuki với Naoko là một đôi với nhau còn Tōru dường như rất hạnh phúc và ủng hộ cho mối tình của họ. Tình bạn này đã bị đứt gãy khi vụ tự tử của Kizuki xảy ra vào ngày sinh nhật lần thứ 17 của anh. Cái chết của Kizuki đã ảnh hưởng sâu sắc tới 2 người bạn còn lại; Tōru luôn cảm thấy ảnh hưởng của cái chết ở mọi nơi còn Naoko thì thấy dường như mất một phần con người mình. Hai người sau này đã tìm đến nhau và cố gắng an ủi nhau, họ đã ngày càng thân nhau hơn và giữa họ đã nảy sinh tình cảm đôi lứa. Trong buổi tối ngày sinh nhật lần thứ 20 của Naoko, Cô đã cảm thấy bị thương tổn ghê gớm và rất cần sự an ủi, chia sẻ. Họ đã quan hệ tình dục với nhau tối hôm đó, và đây cũng là lần đầu của Naoko. Kể từ sau buổi tối đó, Naoko đã để lại cho Tōru một bức thư nói rằng cô cần phải đi xa một thời gian và cũng nghỉ học ở trường để tới nhà nghỉ Ami – một nơi ở kết hợp nơi điều trị thần kinh. Cô đã có một số vấn đề thần kinh không bình thường.

Tōru sau này đã kết bạn với Kobayashi Midori, một cô bạn cùng lớp. Cô có mọi thứ mà Naoko không có – sự cởi mở, tự tin, tràn đầy sức sống. Mặc dù anh vẫn yêu Naoko, Tōru vẫn bị Midori hấp dẫn và ngược lại, Midori cũng rất yêu quý Tōru, và tình bạn của họ ngày càng phát triển trong thời gian Naoko vắng mặt.

Tōru đã đến thăm Naoko tại nơi điều trị gần Kyoto. Ở đó, anh đã gặp Ishida Reiko, một bệnh nhân khác và là người theo dõi, chăm sóc Naoko. Trong chuyến thăm này và một vài chuyến thăm khác nữa, Reiko cùng với Naoko đã hé lộ thêm vài việc trong quá khứ của mình: Reiko nói về sự tìm kiếm của cô để xác nhận những vấn đề về giới tính còn Naoko nói về việc tự tử không báo trước của chị gái mình vài năm trước.

Tōru, khi quay trở lại Tokyo, vẫn tiếp tục mối quan hệ với Midori và vẫn không quên Naoko. Anh viết một bức thư cho Reiko, xin lời khuyên của cô về việc lựa chọn nên phát triển quan hệ tình cảm lâu dài với Naoko hay Midori. Anh không muốn làm tổn thương Naoko, nhưng anh cũng không muốn để tuột mất Midori. Reiko khuyên anh rằng, nếu bị Midori thu hút mạnh đến thế thì nên yêu hết mình cho dù tình yêu đó có thể phát triển tốt hoặc không, còn đừng nên nói chuyện đó với Naoko vì Tōru vẫn là nguồn sức mạnh lớn lao cho Naoko để cô an tâm chữa bệnh.

Sau này, Tōru đã nhận được một lá thư báo rằng Naoko đã tự kết liễu cuộc đời mình. Kết cục của điều đó là việc Tōru đi lang thang phiêu bạt khắp nước Nhật mà chẳng có mục đích nào cả, trong lòng luôn nhớ đến những kỷ niệm xưa giữa hai người, trong khi đó Midori không nhận được liên hệ nào với anh và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Một thời gian sau, khi đã nhận ra rằng, cái chết không phải là sự đối nghịch mà nó chính là một phần của sự sống, anh quay trở lại Tokyo, và khi đó Reiko tới thăm anh. Trước đây, sau cái chết của Naoko, Reiko đã viết rất nhiều bức thư nói với anh rằng cái chết đó không phải do lỗi của Tōru, không phải lỗi của ai cả, cũng giống như trời mưa không phải do ai. Với sự ủng hộ của chị, anh đã nhận ra rằng, giờ đây Midori là người quan trọng nhất trong cuộc đời anh. Tōru đã nói chuyện tình cảm của mình với Midori. Chuyện gì đã xảy ra tiếp theo tác phẩm không đề cập tới mà đã để một cái kết mở cho người đọc.

Đôi nét về tiểu thuyết gia Murakami Haruki

Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).

II. Review sách Rừng Na Uy

Review sách Rừng Na Uy - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. TRỌNG THẮNG review sách Rừng Na Uy

Review phiên bản 1 lần đọc : Rừng Na uy

Điều đầu tiên tôi nhận định, đây là cuốn “Tiểu thuyết đen” . Nó đen cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.Nói về nghĩ đen trước, quá nhiều yếu tố sex trần trụi khiến người đọc thấy quá hứng thú, 🙂 . Chắc có lẽ nó mang đậm chất Nhật Bản trong lòng nam giới như tôi.( tác giả đã trần trụi vậy, tại sao bài review của tôi không được phép trần trụi theo, mong mọi người đừng ném đá.)

Khuyến cáo cho các mọt dưới 18 thì thôi bỏ qua , tránh ảnh hưởng tâm sinh lí. Cái đen thứ 2 đó là lối kể chuyện tự nhiên , giản dị nhưng mang đầy màu sắc u tối của “cái chết”, của tâm lí vị thành niên. Từ lâu mọi người đã biết đến ở Nhật họ tự tử rất nhiều, có hẳn 1 khu rừng để tự tử. Thì đây trong tác phẩm này, các nhân vật “thi nhau” tự tử.Cũng may sao ông tác giả méo tự tử để chúng ta còn có truyện đọc. Và đây là khuyến cáo cho các bạn đang trong thời kỳ tự kỷ, trầm cảm không nên đọc. Vì rất có thể đọc xong các bạn sẽ thêm trầm cảm đó, màu sắc u tối trong đây là một hiệu ứng dây chuyền , nó đã lan tỏa rất nhanh. Từ các nhân vật trong truyện, các bạn có thể soi thấy một phần nào bản thân mình hiện diện trong từng nhân vật trong quá trình trưởng thành của mk. Từ Kizuki năm 17 tuổi, đến Naoko, Watanabe, Mirodi những 20, rồi đến Reiki năm 30 tuổi.

Tôi sẽ không đi sâu vào các tuyến nhân vật, vì tôi có một cảm giác là cuốn sách này rất sâu. không thể đọc 1 lần mà có thể hiểu được ngay. Nhưng hiện tại tôi sẽ không xếp cuốn sách này vào danh sách nên đọc lại, vì tôi không thích cuốn sách mang màu sắc của sự tiêu cực. Sau này thì k biết. Những cái chết trong truyện dưới con mắt của tôi quá xàm xí và không hiểu nổi. Những con người tốt bụng, có tài, đùng 1 cái không lí do (có thể là chúng ta k biết được lí do thầm kín của họ) chết như Kizuki, chị của Naoko,… ừ, thì cứ coi như họ có lí do đi, ví dụ như trầm cảm, áp lực cuộc sống đi. Nhưng họ ích kỉ quá vậy, họ không nghĩ tới bản thân những người xung quanh họ ak? Cha mẹ họ thì sao? Cha mẹ nuôi họ lớn, chưa báo đáp được chữ hiếu đã bỏ đi là sao? Rồi còn các em của họ, những người bạn của họ nữa. những đứa e sẽ nghĩ sao khi chị họ chọn các giải thoát là tự tử, 1 tấm gương, 1 con đường lựa chọn sau này khi gặp khó khăn ak? Ta khinh, ta nhổ vào. Ngu ngốc và ích kỉ , đặc biệt yếu hèn. Luôn đổ lỗi cho cuộc sống mà bản thân không tự cố gắng. Đến đây tôi gửi lời nhắn tới những ai đang trầm cảm và có ý định tự tử ấy. Tao khinh chúng mày, chỉ có những kẻ yếu hèn mới chọn cái chết làm con đường giải thoát thôi. Chúng mày chính là nhân vật Naoko trong chuyện ý. Dễ thương, xinh đẹp lắm. Nhưng chỉ vì một cái tâm lí tuổi mới lớn mà không vượt qua được mà cũng đi tự tử. Trầm cảm vì anh người yêu từ nhỏ tự tử chết, nó chết rồi thì mình phải sống tốt chứ. Trên đời còn bao nhiêu người tốt nữa mà, như Watanabe rất tốt. Anh ấy rất yêu mày đấy thoai, sao mày không nhìn và lấy đó mà phấn đấu, để bản thân mình sống tốt. Lại còn suốt ngày mặc cảm vì cái L không có nước. Lí do xàm L éo tả được. vì 2 cái lí do người yêu cũ và cái L thiếu nước đâm ra trầm cảm r chọn tử tử. haha. Ngoài kia còn rất nhiều những người họ gặp cái hoàn cảnh còn éo le gấp tỷ lần mà họ vẫn đang chiến đấu cho ước mơ, cho lí tưởng, cho gia đình họ, cho bản thân họ. vậy sao chúng mày lại ở đấy chỉ suốt ngày đòi sống đòi chết, cái chết xàm xí nhất là anh ấy không còn yêu tôi nữa, tôi chết cho anh ấy xem. Xem cái cc ý. Tự nhiên lan man qua mấy thằng tự tử, bực. Cả cuốn sách chẳng có nhân vật nào bình thường cả, 1 lũ thần kinh. May sao còn sót lại được ông tác giả

Gửi đến những ai có ý định tự tử, hãy suy nghĩ đến gia đình và người thân trước khi tự tử nhá.

“Bạn là tấm gương đấy.”

_Nê Mô_
Hà Nội, ngày 07/10/19.

2. THANH HẰNG review sách Rừng Na Uy

Tôi nghĩ Rừng Na Uy là một tiểu thuyết hay, vì nó không ngừng gợi nên những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau đối với tôi. Mỗi lần đọc lại, tôi lại hiểu sâu hơn về câu chuyện mà Murakami kể.

17 tuổi, lần đầu đọc Rừng Na Uy, cũng như tất cả mọi cô gái khác, tôi mê nhân vật Midori như điếu đổ và nghĩ Naoko là một con bé dở hơi. Midori có kiểu nói chuyện tưng tửng, không ngại sống thật và tràn ngập đời sống. Cô ấy là người chúng ta cần để xốc lại tinh thần và vực ta dậy. Tôi muốn mình là cô ấy.

19 tuổi, đọc lại rừng Na Uy, tôi đã nhìn thấy cái giếng trời của Naoko. Đó là một cái giếng sâu mà đã hụt chân ngã vào thì chỉ có nước kêu gào mãi mà không ai nghe thấy rồi chết trong bóng tối mà thôi. Nhưng nằm trong giếng, sẽ nhìn lại hết được đời mình, quá khứ, hiện tại và cả tương lai mình. Người đã rơi xuống giếng thì cũng như Naoko, khi nào cũng phải cố, tưởng chừng chỉ thả lỏng một chút thì tất cả sẽ hóa thành hoa bồ công anh rồi cuốn theo gió mất. Đó là lúc tôi nghĩ ra được rằng tự tử có lẽ không phải hoàn toàn là một hành động ngu ngốc, mà có thể chỉ là một sẩy chân bình thường mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vướng vào khi bị đẩy vào kiệt cùng của tâm thế. Chỉ là vì chưa đi đến cuối con đường ấy, không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết đến nơi đó. Tôi đã thấy mình trong Naoko.

22 tuổi, tôi ít khi lật Rừng Na Uy ra đọc hơn, nhưng bỗng ngẫm nghĩ thấy mình giống Reiko lắm. Cô ấy biết vấn đề của mình và cố gắng kiểm soát mọi việc, nhưng dĩ nhiên, cuộc sống vẫn có thể chơi khăm mà xô cô ấy xuống giếng. Cô là một khối bất toàn, bất định đứng chênh vênh. Cô ngã nhưng tìm cách đứng dậy.

Khám phá Rừng Na Uy qua 3 lần, tôi học được 3 điều:

  • Hãy sống hết mình, đừng sợ khác biệt như Midori,
  • Hãy nhìn thẳng vào những sự mềm yếu của bản thân mình và người khác, bao dung và chấp nhận nó như Naoko,
  • Và cuối cùng, hãy đứng dậy để sống tiếp, như Reiko và Toru

3. THANH TRÚC review sách Rừng Na Uy

Mình không định sẽ đọc Rừng Na-uy vì từng nghe nói đó là một cuốn tiểu thuyết sặc mùi tình dục và…mình không thích chủ đề này. Nhưng, tác phẩm của Haruki Murakami lại làm mình rất thích, mình đọc chậm và kỹ, rồi thấy như một phần đời mình là của Toru, Midori, Naoko và Hatsumi – mình là họ, họ là mình. Tình dục không phải thứ duy nhất nó truyền tải, cả câu chuyện là cuộc đấu tranh tâm lý sâu sắc và kịch liệt của những người trẻ và những cái thuộc về họ – tuổi trẻ, tình yêu và bản ngã. Và trong những cuộc chiến đó, chỉ có những người mạnh mẽ và dũng cảm còn ở lại…

Rừng Na-uy (Norwegian Wood) là một nhạc phẩm của The Beatles cũng là bài hát Naoko thích nhất. Toru vô tình nghe lại nó khi trên máy bay đến Đức năm 37 tuổi và từ đó, anh bắt đầu hồi tưởng lại cuộc đời mình, hồi tưởng lại bi kịch mà anh và những người bạn anh trải qua 20 năm trước: “And when I awoke, I was alone. This bird had flown. So I lit a fire, isn’t it good. Norwegian Wood.”

Tuổi trẻ. Cũng như Naoko, Toru và Kizuki, mình cũng phải loay hoay vượt qua ngưỡng 20 đầy khó khăn. Đấy là cột mốc của trẻ thơ và trưởng thành. Như tác giả nói, “Trưởng thành là một quá trình đau đớn và đáng tự hào”. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng dễ dàng và sẵn sàng để “trưởng thành”. Họ vẫn nghĩ “tốt nhất thì con người nên chỉ ở tuổi 18 và 19 thôi. Hết 18 tuổi thì sẽ sang tuổi 19, rồi lại quay về tuổi 18”. Kizuki đã chọn ra đi ở tuổi 17 và Naoko chọn năm 21. Có lẽ vậy sẽ tốt. Nếu có kiếp sau, và nếu kiếp sau họ gặp nhau, họ sẽ vẫn trẻ trung mà tiếp tục tình yêu dang dở.

Tình yêu. Hiển nhiên, tình yêu là một đề tài muôn thuở, một khái niệm trừu tượng nhất trong các khái niệm trừu tượng. Trong Rừng Na-uy, mình không hiểu nổi một phần nghìn khái niệm đó. Có một sự mơ hồ trong những mối quan hệ của những nhân vật chính. Tình cảm họ rối rắm hệt như cuộc đời lay lất sống. Mình không hiểu cuối cùng nam chính Toru yêu ai, điều gì làm anh mất mát nhất, người con gái anh tiếc nuối nhất là ai. Có lẽ, chính bản thân anh cũng không biết. Chân Toru luôn ngập trong “đống bùn lầy” và đầu anh không còn minh mẫn để phán đoán nữa…anh quá mệt mỏi. Thế còn đối với Nagasawa, chả lẽ trong con người anh không hề tồn tại tình yêu. Mình tin ở một giai đoạn nào đó của tuổi trẻ anh trải qua, tình yêu từng tồn tại, nó chỉ mất đi khi anh “trưởng thành”. Vậy thì tại sao lại vậy? Còn Naoko, bản thân cô đã thoát khỏi hình ảnh của Kizuki chưa, hay việc chấp nhận Toru cơ bản chỉ là trốn chạy? Về tình yêu của Midori, Toru có phải là người cho cô “sự ích kỉ hoàn hảo”. Có thể đến đây, tình dục sẽ lên tiếng.

Bản ngã….là cái mà chúng ta ai ai cũng theo đuổi. Chúng ta luôn đi tìm bản ngã của chính mình và hoàn thiện nó. Suốt câu chuyện, mình thấy rõ sự mờ mịt trong hành trình tìm chính họ của từng nhân vật. Họ là ai? Họ sống để làm gì? Họ tiếp tục cuộc sống này như thế nào? Naoko luôn tưởng tượng rằng cô sẽ sụp phải một cái giếng đồng như thể cô sẽ chết đi bất cứ lúc nào. Tương lai cô như một thảm cỏ héo hon, chẳng còn mong đợi gì đến ngày mưa. Toru cũng vậy, anh cố gắng tìm cho mình nguồn động lực để tiếp tục, khó khăn đấy, như ít ra, anh thành công.

Và câu chuyện kết thúc với hình ảnh Toru cố gắng gọi cho Midori trong lúc anh mơ màng định hình mình trong khoảng trời mênh mang, lạc lối. Toru thậm chí còn không quay lại hiện tại nơi anh bắt đầu hồi tưởng. Anh cứ mặc cho tuổi trẻ anh trôi dạt, đến đâu thì đến…

Cá nhân mình nghĩ, Rừng Na-uy là một tác phẩm đáng đọc để học hỏi. Đọc để biết được những góc khuất của một nước Nhật vội vàng và chậm chạp, trong veo và ẩm ướt, náo nhiệt và u buồn. Đọc để được là từng nhân vật, hoặc có thể là tất cả. Và nếu bạn đã vượt qua tuổi 20 (giống mình), bạn đã thật là mạnh mẽ và dũng cảm lắm rồi 😉

Rừng Na Uy - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

4. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Rừng Na Uy

Có ai đó đã từng nói ảnh hưởng của Haruki Murakami giống như sương sớm hoặc mây chiều, giăng mắc khắp các đường to ngõ nhỏ, phiêu diêu vô định, song lại không có nơi nào không có. Không thể nghi ngờ rằng văn chương của ông, đặc biệt là “Rừng Nauy” được nhiều bạn đọc hứng thú, say mê. Với thủ pháp dòng ý thức, Murakami đã giăng tơ khắp phía, còn ta trở thành con nhện nhỏ lạc vào thế giới đê mê đó.

Sau trận mưa tháng mười lạnh lẽo, thấm đẫm mặt đất, mọi vật đều trở nên ảm đạm. Con người cũng ưu sầu, lặng lẽ nhớ về quá khứ của mình. Wantanabe Toru ba mươi bảy tuổi ngoái đầu nhìn lại quãng thời gian sinh viên và những mối tình của mình.

Câu chuyện có vỏ bọc là cái dâm, là sự nhục cảm đê mê của con người. Đôi khi nó làm ta phát ngượng, đỏ mặt hay trí óc tưởng tượng lung tung trước những cảnh nóng. Nhưng câu cú không hề dung tục, ta vẫn cảm nhận được chất văn thấm đẫm, tươi mới ở đó. Có những câu văn nhẹ tênh như thơ, ngọt ngào như kẹo, bồng bềnh như mây trôi. Miêu tả vẻ đẹp của Naoko, người yêu Toru, khi trên người chẳng còn mảnh vải, tác giả không làm ta thấy ghê sợ hay tục tĩu mà hoàn toàn là sự ngây ngất trước một toà thiên nhiên.

Vừa yêu Naoko, cô gái mỏng manh, yếu đuối với tâm bệnh ăn sâu vào tim, vào máu, Toru cũng yêu của Miori, cô gái ngọt ngào, hoạt bát. Những lần chung đụng xác thịt trong tình yêu của họ cũng được Murakami ghi lại với những câu văn đẹp gây ám ảnh biết bao.

Có nhiều đọc giả sợ kiểu văn như Murakami: Buồn day dứt, lãng đãng hư ảo, cảnh nóng tác động mạnh lên tâm lý người đọc. Văn ông là thứ sầu riêng kén người thưởng thức. Không hiểu được, không cảm được thì lay hoay mãi không tìm ra lối thoát trên mê cung ngôn từ. Cảm được, hiểu được thì sẽ mê mẩn cái hương chữ được trau chuốt, tỉa gọt sắc cạnh, cái cốt nghệ thuật sáng tạo.

Sau lớp vỏ nghệ thuật có dụng tâm, ta bước vào thế giới của nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại. Cả Toru, Miori hay Naoko đều là những thực thể cô đơn. Họ liên kết, hoà quyện vào nhau trong khớp nối giữa những cái mắc xích cô đơn. Những mắc xích ấy rung lên những âm thanh vang vọng trong bản nhạc buồn man mác của cả tác phẩm.

Tác giả bị ám ảnh bởi những thực tại nằm dưới tầng sâu kín, phải đào bới mới khai thác được. Vì vậy mà những câu chuyện của ông thường quanh co, xoáy mạnh vào thể xác và tâm lý như vậy.

“Rừng Nauy” tuyệt đối nên đọc vì nó “Dịu dàng, quyến rũ như thơ, căng thẳng như bi kịch và gợi dục mê đắm”.

5. THIÊN TƯ review sách Rừng Na Uy

Rừng Na Uy và sự ngây thơ bị tước đoạt.

Rừng Na Uy cuốn hút tôi vô cùng, bởi từ những dòng văn ngập tràn cảm xúc. Tôi yêu thứ văn chương nhẹ nhàng mà sâu đậm như vậy. Từng câu chữ như cũng thấm vào lòng tôi một nỗi buồn da diết. Câu chuyện viết về tình yêu của những người trẻ cô độc. Cô độc trong một xã hội Nhật Bản thời kỳ thực dụng và hoang lạnh. Những nhân vật lớp trẻ thanh niên trong tác phẩm luôn mang trong mình sự tự kỷ, ám ảnh…họ hoang mang, chơi vơi, họ lao mình, tìm quên trong thế giới dục vọng xác thịt. Haruki Murakami đã rất thành công với tác phẩm nổi tiếng này. Một tác phẩm mà ta phải đọc và trải nghiệm bằng tâm hồn.

Trong rừng Na Uy, tôi thương Naoko nhất vì cái chết đau lòng cũng như dường như nhiều người đọc chưa hiểu hết Naoko, còn đánh giá cái chết của cô là sự yếu đuối. Nhưng kì thực nó là sự đau buồn không có trạng thái mà cô dành cho thế giới này. Khó có thể hiểu hết được trạng thái cô độc của Naoko, khi cô chưa hề muốn bước chân vào thế giới nhưng buộc phải trưởng thành. Những cái chết liên tiếp của người thân khiến cô cảm thấy chính mình cũng mắc kẹt trong sự sống vô định. Để rồi, cuối cùng cũng chọn vùi mình vào cái chết.

Dĩ nhiên, Rừng Na Uy vẫn còn sự tươi sáng, trẻ trung của Midori, nhưng đọng lại trong tôi lại là Naoko.

6. TRỌNG MẠNH review sách Rừng Na Uy

Tôi đã nghe bàn luận cả trăm lần về Rừng Na Uy trước khi tìm đọc đến tác phẩm này, Chờ lâu như vậy mới đọc tác phẩm. Có 2 lý do chính cho tôi khi đó.Lý do thứ nhất là do bản thân tôi không hay đọc vềvăn học nhật bản. Thứ hai mọi người kể về Rừng Na Uy coi đây là một quyển truyện về sex, về giáo dục giới tính…

Có thể thấy màu sắc của câu chuyện này không mấy tươi sáng, ngay từ mở đầu câu chuyện đã mang cho ta những cảm giác huyền bí, mờ ảo. Cách kể chuyện bằng chuỗi hồi tưởng như vậy cho ta cảm giác khá rõ nét về những kỷ niệm của nhân vật “Tôi”. Những kỷ niệm đầy đau xót, bi tráng, những ký ức không thế nào quên. Và tôi cũng không biết khi nào thì câu chuyện bắt đầu, bởi lẽ cái cách vào chuyện của tác giả cũng giống như cách ta hồi tưởng vậy, từng chuỗi, từng sự kiện và bất chợt ta đã đi vào giấc mộng nam kha đó từ bao giờ.

Quá trình đọc quyển sách cũng như kết thúc quyển sách này để lại cho tôi nhiều lời băn khoăn hơn mình tưởng. Quyển sách này xám xịt và u tối như này vẫn có nhiều người đọc để rồi trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản. Có lẽ bởi chính sự mơ hồ của cuộc sống hay cách nhân vật “Tôi” đi tìm kiếm câu trả lời về giá trị cuộc sống. Đọng lại ở tác phẩm là sự thật trần trụi về căn bệnh trầm cảm đang cướp đi hàng triệu sinh mạng của các thanh niên thời nay. Tôi cảm thấy sợ hãi về căn bệnh đó vì chính tôi cũng là 1 phần của nó, và cái giá phải trả cho nó khá lớn.

Nếu như các nhà văn khác chỉ mơ hồ nhận ra điều gì đó đang tồn tại ở giới trẻ thìHaruki Murakami đã vạch mặt nó và chỉ ra cách vượt qua.

Đánh giá điểm 10/10. Quyển sách giúp cho con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống của tôi bớt 1 chút mơ hồ.

7. PHƯƠNG NGUYỄN review sách Rừng Na Uy

Cuốn sách đầu tiên của Murakami đối với mình, không phải là Rừng Na Uy, mà là Kafka đầy bí hiểm và cuốn hút. Nhưng nếu nói cuốn sách nào ám ảnh nhất, trong trẻo, tượng trưng cho cái gì ban đầu nhất trong lòng mình, thì luôn luôn là “Rừng Na Uy” ở đầu danh sách.

Giống như bài hát cùng tên mà nhân vật chính Toru của chúng ta nghe khi ở sân bay, cái bài hát chạy dài cả cuốn phim đau đớn những rất đỗi đẹp đó, “Rừng Na Uy” cũng là một nỗi ám ảnh dài trong mình, đánh thức mình dậy trong đêm tối trời để trả cái nợ ân tình dang dở.

Các bạn lần đầu đọc “Rừng Na Uy” là khi nào? Mình là khi mới vào lớp 10, còn đầy cái tự cao và háo hức của một đứa trường chuyên, tìm đến Rừng Na Uy khi muốn bản thân tỏ ra bác học và thú vị. Rồi là những tháng ngày giấu diếm lén lút, vì theo lời đồn “ đó là một cuốn sách đầy ắp những cảnh sex”. Rừng Na Uy lúc đó trong mình là gì, là một cuốn sách khó hiểu với những con người dị hợm cùng thứ tình yêu cũng dị hợm không kém ? Mình thắc mắc không hiểu vì sao Naoko cứ luôn sầu lo với những cái giếng trên cánh đồng, vì sao Midori lại cởi sạch quần áo và nằm trên chỗ phòng thờ, tại sao họ lại yêu nhau theo cái cách mà chưa sách truyện nào miêu tả.. Thắc mắc nối tiếp thắc mắc, kết quả là “Rừng Na Uy” nằm gọn trong góc, sau khi đi qua một hành trình truyền tay rõ dài của những tâm hồn hiếu kì quanh mình.

Và đùng một cái, mình trầm cảm. Không có một thông báo chính thức, trầm cảm ghé đến bên mình nhẹ nhàng như một người bạn cũ lâu năm. Chưa có chuẩn đoán chính xác, nhưng mình biết khi nào bản thân thật sự ổn và khi nào thì không, mình biết những cơn mất ngủ, việc khóc vô cớ vì những thứ nhỏ nhặt, hay sút cân, hay những vết cắt trên tay là báo hiệu cho điều gì. Một vài người bạn thời điểm ấy đã cho rằng bởi vì mình đọc sách của Murakami, nên mới sống một cuộc sống u uất và đau buồn đến vậy. Vấn đề là họ nhầm, nhầm to. Bởi vì cuốn sách này là thứ cứu rỗi mình những tháng ngày chán nản đó đấy, cuốn sách này là thứ nhỏ bé đã khiến mình còn ngồi đây đánh những dòng này.

Trầm cảm tồi tệ thật, nhưng nó có ích trong một việc : Mình đã nhìn “Rừng Na Uy” dưới một con mắt hoàn toàn khác. Lần đầu tiên là khi, mình đọc về cái chết của Kizuki – bạn thân của Toru. Anh ấy 17 tuổi, đẹp trai, tài giỏi, có tất cả những gì người khác mong muốn, và tự tử trong xe hơi của mình. Lạ lùng không? Lúc đấy mình đã suy nghĩ, tại sao nhỉ? Nhưng rồi mình tự ngẫm ra, phải chăng cái cậu Kizuki ấy, muốn giữ lại tất cả những gì tuyệt đẹp nhất, trước khi bước ra cuộc đời và để cuộc đời biến đổi cậu ấy đi, thành một con người xấu xa và tồi tệ ?. Thế nên cậu ấy chọn việc mãi mãi ở tuổi 17? Hay cũng là bởi vì thời gian ấy mình chán ghét bản thân đến nỗi, mình chỉ mong giá có thể chết đi được, như Kizuki, và mọi người sẽ nhớ đến một mình tuyệt vời, hay ho đáng yêu thú vị, thay vì một mình u uất, xấu xa và ích kỉ. Mình đã để suy nghĩ đó sâu thật sâu trong đầu một thời gian dài.

Và các cậu có nhớ có một Naoko của chúng ta, luôn luôn lạ kì với những câu hỏi với Toru, luôn mong Toru phải nhớ đến cô ấy. “ Nếu cậu nhớ đến tớ, thì tớ chẳng bận tâm những người khác quên đi”. Một Naoko kì lạ bỗng dưng biến mất, rồi viết cho Toru những lá thư với tất cả sự cố gắng của cô ấy, ở nơi nào đó xa thật xa. Mình đã không hề nhận ra, cho đến khi, một đêm nọ, đang nằm khóc không lí do thì trong lòng chỉ tràn đầy cái suy nghĩ: “ Mong là không ai quên mình, nếu mình biến mất”. Tất cả những sự kì lạ đó của Naoko, đều là vì cô ấy đang có một nỗi trầm cảm to lớn bên cạnh. Mình chân chính hiểu được cảm giác khó khăn khi không diễn tả được những gì bản thân suy nghĩ, khó khăn khi nói về sự trống rỗng của bản thân, hay nỗi khổ đau khi làm tổn thương những người quan trọng với cậu, dù cậu không cố tình. Đó là Naoko, và đó cũng từng là mình. Mình của một thời không xa lắm.

Và rồi Midori, mình vẫn chưa thực sự hiểu cô gái này lắm. Nhưng cậu ấy có cái gì đó thật kì diệu, thật phát sáng. Mình còn cảm thấy một sự vui thích trẻ con đáng yêu vô cùng mỗi phân cảnh có cậu ấy mà. Đó là sự kì diệu ở Midori, và cũng là sự kì diệu của Murakami nữa. Đời chúng mình cần những con người như này, thật sự rất cần. Những con người cứng đầu cứng cổ ương ngạnh với cuộc đời theo cái cách đáng yêu, thách thức nhất mà họ có thể. Và Midori là người mà mình muốn trở thành, cố để trở thành.

Mình nhớ đâu đó, đã từng đọc một review rất hay, rằng coi Naoko và Midori như hai khía cạnh trong tính cách mỗi chúng ta,một u sầu buồn bã, hoài niệm về cái cũ và một vui vẻ, nhiệt huyết sống hào hứng với đời. Các cậu nhớ cảnh cuối với cái bốt điện thoại quen thuộc không? Cuối cùng Toru đã chọn ai ? Và cuối cùng chúng ta đã chọn để sống cuộc đời mình như thế nào? Đấy là khi mình bắt đầu dần quá trình hồi phục, mình chọn sẽ sống như một Midori, cũng giống như Toru đã chọn cậu ấy vậy.

“ Rừng Na uy” thật sự là một cuốn sách đặc biệt. Nếu cho mình chọn một cuốn sách trong thanh xuân của mình, sẽ luôn là nó. Vì có cảm giác như, cuốn sách lớn lên cùng mình. Qua những cô đơn lạc lõng, qua những chán nản, những suy nghĩ về sự chết, về vị trí của mình trong xã hội, mình đã không còn nhìn nó như một cuốn sách đầy ắp sex và những thứ người lớn khác nữa. Và nó sẽ luôn là cuốn sách mình muốn đọc lại, vào những giai đoạn sau này trong đời.

Thật sự mong chờ có thể tìm một tình yêu có thể biến hết tất cả hổ báo trên thế giới này thành bơ :”> Đó là trải nghiệm đọc Rừng Na Uy của mình đó, bạn có thể chia sẻ trải nghiệm của bạn không ?

8. TRẦN ĐỨC HÒA review sách Rừng Na Uy

RỪNG NA UY: SỰ KHÁC BIỆT, NỖI CÔ ĐƠN VÀ CÁI CHẾT

Khi những nốt dạo đầu tiên của ca khúc “Norwegian wood” cất lên bằng đàn sitar, tôi luôn có cảm giác âm thanh ấy giống như những dòng chảy vô hình vặn xoắn vào nhau và đi xuyên qua đầu tôi (một cách hoàn toàn vật lý) từ bên trái sang bên phải. Cảm giác thuần túy vật lý ấy có ý nghĩa gì về mặt tinh thần hay không, tôi không biết chắc, nhưng nó luôn khiến tôi nghĩ về một thứ: tình đầu.

“Rừng Na Uy” ngay từ khởi điểm của nó đã là một hiểu lầm kỳ lạ về ngôn ngữ. Chuyện tình một đêm mà John Lennon ví như thứ gỗ hạng hai, trong một thoáng chuyển ngữ lại bất giác gợi đến bóng dáng của những cánh rừng u tối trở đi trở lại trong câu chuyện của Murakami. Nhưng điều đó không ngăn được thứ xúc cảm mãnh liệt mà cả hai đều dẫn tới, những hoài niệm day dứt về một tuổi trẻ khờ dại tuyệt đẹp. Đọc “Rừng Na Uy” hay nghe “Norwegian wood”, những tháng năm ấy nhất định sẽ trở về vây lấy mỗi chúng ta, những yêu thương, những căm hận, những hi sinh, những lầm lỗi. Đôi lúc tất cả dồn tụ lại trong một cái đau nhói lên từ dạ dày, hoàn toàn vật lý như những nốt nhạc của đàn sitar, rồi tan biến mất như chưa từng ở đó, giống như tuổi thanh xuân, có cả hơi ấm và sức nặng, tưởng chừng có thể cầm nắm, hít ngửi, nhưng khi đã vụt đi thì lại mơ hồ đến ngỡ ngàng.

Nhưng “Rừng Na Uy” cũng mang đến điều khiến mỗi con người lớn lên, một thứ triết lý đau đớn (hay hiển nhiên) về cuộc sống. Haruki Murakami viết về rất nhiều những con người “không bình thường” trong cuốn tiểu thuyết của mình: một chàng trai tự tử vào ngày sinh nhật của mình, một cô giáo dạy đàn bị liệt ngón tay và bị học trò nữ dụ dỗ quan hệ đồng giới, một tiểu thư danh giá thất vọng vì mối tình với gã bạn trai lang chạ rồi bỏ ra nước ngoài, hay một cô gái đánh mất khả năng chia sẻ và kết nối với người khác. Họ, tất thảy đều cô độc đến khắc khoải trong sự khác thường của mình và sau cùng, bằng cách này hay cách khác, thành công hay thất bại, đều tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Sự khác biệt, nỗi cô đơn và cái chết cùng lúc được khắc họa như một thứ thuộc tính cố hữu của con người. Nhưng phải chăng, chính vì thế, bên dưới bề mặt của thứ văn chương đằng đẵng ám ảnh này, là hi vọng vào một thế giới mà ở đó, loài người tự ý thức được cái thuộc tính ấy trong bản thân mình và chấp nhận nó nơi những cá thể khác. Tôi cứ có cảm giác mơ hồ rằng ngọn núi nơi Naoko và Reiko ở cùng với những bệnh nhân tâm thần, bằng một cách nào đó, lại chính là chốn “bình thường” nhất trong suốt thời tuổi trẻ đau đớn của Watanabe.

Nếu tôi là đạo diễn của phim điện ảnh “Rừng Na Uy”, tôi sẽ quay thật nhiều những cảnh quay với góc nhìn từ trên cao xuống: cánh đồng nơi Watanabe và Naoko dắt tay nhau đi dạo, căn phòng nơi họ làm tình trong ngày sinh nhật của Naoko, phòng trọ đầy mùi hoa anh đào như mùi thịt thối của Watanabe, sân thượng nhà Midori và đám cháy chiều hôm ấy, bách hóa ngày mưa và nụ hôn của Midori, và buồng điện thoại nơi Watanabe gọi cho Midori giữa những âm thanh náo động của cuộc đời. Sẽ còn nhiều, nhiều nữa, vì trong trí tưởng tượng của tôi, góc quay ấy hẳn sẽ lột tả được sự bé mọn của mỗi nhân vật trong cái toàn cảnh vừa bình thường, vừa kì dị của tác phẩm.

Tuổi trẻ dường như luôn đi kèm với sự cô độc. Ta tiếc nuối nó bao nhiêu thì cũng đau đớn vì nó bấy nhiêu, hay nói đúng hơn, ta tiếc nuối nó vì nó đã làm ta đau đớn. Thật khó để lý giải tại sao ta cứ thèm khát cái mạch nước vẫn ri rỉ trong ký ức đến nhường ấy, nhưng có một điều chắc chắn, “Rừng Na Uy”, và những cuốn sách năm ấy sẽ luôn chạm đến góc trái tim nơi nương náu tuổi thanh xuân của tôi.

III. Trích dẫn sách Rừng Na Uy

Trích dẫn sách Rừng Na Uy - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích dẫn hay trong tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami

  1. “Nhưng ai có thể nói cái gì là tốt nhất? Đó là lí do bạn cần phải nắm chắc bất cứ thứ gì xảy ra với bạn về nơi mà bạn có thể tìm thấy tình yêu, và đừng lo lắng về người khác quá nhiều. Kinh nghiệm của tôi chỉ ra rằng ta không có hơn hai hay ba cơ hội như thế trong đời, và nếu ta để tuột mất, ta sẽ hối hận trong suốt quãng đời còn lại.”
  2. “Khi ta yêu, điều tự nhiên nhất đó là hãy tha thiết với nó. Đó là những gì tôi nghĩ. Đó cũng là một dạng chân thực mà thôi.”
  3. “Nếu bạn chỉ đọc những quyển sách mà mọi người đang đọc thì bạn cũng chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ”
  4. “Tôi chẳng có gì nhiều để chuyện trò với ai mà chỉ lui thui với những cuốn sách của mình. Tôi thường nhắm nghiền mắt lại, chạm tay vào một cuốn sách quen thuộc rồi rút lấy hương vị của nó vào sâu thẳm lòng mình. Thế là đủ để tôi hạnh phúc…”
  5. “Chuyện gì sẽ xảy ra khi con người mở lòng mình ra? . “Họ sẽ thấy tốt hơn.”
  6. “Đừng tự trách móc mình… Chỉ những kẻ vứt đi mới làm thế.”
  7. “- Cậu có thường ở một mình như thế không?
    – Luôn là thế.
    – Cậu thích cô đơn à?
    – Không, chẳng ai thích cô đơn cả. Tớ chỉ là không cố kết bạn, vậy thôi.”
  8. “Yêu người khác là một điều tuyệt vời, và nếu tình yêu ấy là chân thành, chẳng ai cuối cùng lại bị ném vào một mê cung cả. Cậu phải thành thật với chính mình hơn mới được.”
  9. “Tôi quen đọc sách khuya và ngủ đến tám giờ mới dậy[…] Tôi chỉ là một thằng nhóc bình thường thích đọc sách.”
  10. “Không có chân lí nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào.”
  11. “Mình đã 20 tuổi rồi ư? Cậu biết không, mình có cảm giác, như ai đó đẩy mạnh từ phía sau mình vậy. Con người ta đẹp nhất, chỉ vào khoảng mười tám, mười chín tuổi thôi. Mười tám rồi lại mười chín, mười chín rồi lại mười tám… ”
  12. “Thật khủng khiếp khi ta làm tổn thương một người ta hằng quý mến mà lại không biết là như vậy.”
  13. “Tớ thực sự thích cậu, Midori à. Thích lắm.
    Lắm là bao nhiêu?
    Là như một chú gấu mùa xuân.
    Một chú gấu mùa xuân ư? Thế nghĩa là sao? Một chú gấu mùa xuân.
    Cậu đang dạo bước đi trên một cánh đồng, chỉ có một mình, vào một ngày xuân, và chú gấu con bé nhỏ đáng yêu ấy, với bộ lông mượt như nhung và cặp mắt nhỏ sáng ngời chạy tới đi cùng với cậu. Và nó nói ‘Xin chào tiểu thư. Có muốn lộn nhào với tôi không?’ Thế là cậu với chú gấu chơi với nhau cả ngày hôm đó, quấn quýt trong tay nhau, lăn mình xuống triền đồi phủ đầy hoa cỏ ở đó. Hay chưa nào?
    Ờ. Thật là hay.
    Tớ thích cậu đến như vậy đó.”
  14. “Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta cởi mở cõi lòng mình? Người ta sẽ tốt lành hơn”
  15. “Làm gì có ai lại thích sự cô đơn, chẳng qua là vì họ không muốn bản thân mình lại phải thất vọng mà thôi”
  16. “Khuôn mặt chúng tôi chỉ cách nhau chưa đến một gang nhưng nàng lại ở cách tôi cả hàng năm ánh sáng.”
  17. “Đừng thông cảm với bản thân, thông cảm với bản thân là việc mà chỉ có kẻ nhu nhược hèn nhát mới làm”
  18. “Có lẽ màng tim của tôi có một lớp vỏ rất cứng rắn, những thứ có thể đả động đến nó cực kì hạn hẹp, cho nên tôi mới không thể đối với người khác “nhất vãng tình thâm””
  19. “Sau khi chúng ta tìm kiếm, rồi tổn thương, sau đó rời đi, lại còn có thể hoàn toàn tin tưởng tình yêu như trước kia, đây chính là một loại dũng khí.”
  20. “Mỗi một người đều có một khu rừng thuộc về bản thân, có lẽ chúng ta chưa từng đi qua khu rừng ấy, thế nhưng nó vẫn luôn ở đó, vẫn luôn hiện hữu ở đó. Lạc mất phương hướng cũng đã lạc mất phương hướng, những người định sẵn sẽ tương phùng rồi cũng sẽ tương phùng.”
  21. “Nếu bạn rơi vào bóng tối, tất cả những gì bạn có thể làm là yên lặng chờ đợi cho đến khi mắt bạn thích nghi với bóng tối.”
  22. “Tớ sẽ trưởng thành. Tớ sẽ thành người lớn. Vì tớ phải vậy. Tớ vẫn thường muốn cứ được là mười bảy hay mười tám tuổi mãi nếu có thể. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Tớ không còn là một thiếu niên. Bây giờ tớ đã biết thế nào là trách nhiệm. Tớ không còn là cái đứa như thời chúng mình còn chơi với nhau nữa.”
  23. “Nhưng có ai dám bảo chỉ thế mới là tốt đẹp nhất đâu? Cho nên cậu cần phải chộp lấy bất kì cơ hội hạnh phúc nào mà cậu có, và đừng áy náy vì người khác nhiều quá. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta chỉ có độ hai hoặc ba cơ hội như thế trong đời và nếu để lỡ thì sẽ phải ân hận cho đến chết vậy.”
  24. “Tôi vẫn luôn thèm được yêu. Dù chỉ một lần thôi. Tôi muốn biết được yêu đầy phần mình nó ra sao, đầy đến mức không thể chịu được nữa ấy. Chỉ một lần thôi.”
  25. “Cậu đã cố quá sức để bắt cuộc đời phải vừa khít theo cách sống của cậu… Cậu hãy cởi mở hơn một tí đi… Ngay giây phút này cậu hãy dừng hết những việc đang làm và hãy hạnh phúc ngay đi. Có làm gì thì làm cho mình được hạnh phúc ấy!”
  26. “Mình muốn cậu luôn luôn nhớ đến mình. Cậu sẽ nhớ rằng mình đã tồn tại, rằng mình đã đứng cạnh cậu ở đây như thế này chứ?”

Rừng Na Uy - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn chương 1 – Rừng Na Uy

Lúc ấy tôi đã ba mươi bảy tuổi, đang ngồi thắt chặt dây an toàn khi chiếc 747 kềnh càng nhào xuống qua tầng mây dày dặc về phía sân bay Hamburg. Những trận mưa tháng Mười một lạnh lẽo thấm đâm mặt đất, khiến mọi vật ảm đạm như trong một bức tranh phong cảnh Hà Lan ngày xưa: đám nhân viên mặt đất trùm áo mưa, mẳnh cờ u rũ trên nóc một toà nhà vuông vức trong sân bay, một tấm biển quảng cáo xe BMW. Chao ôi, lại nước Đức đây rồi.

Khi máy bay đang lăn bánh trên mặt đất, tiếng nhạc nhè nhẹ bắt đầu trôi ra từ hệ thống loa trên trần: một bản hoà tấu không lời ca khúc “Rừng Na-uy” của nhóm Beatles. Giai điệu ấy bao giờ cũng khiến toàn thân tôi run rẩy, nhưng lần này, nó làm tôi choáng váng hơn bao giờ hết.

Tôi cúi xuống, hai tay ôm mặt, cố giữ cho đầu mình khỏi nứt ra. Chẳng mấy chốc một chiêu đãi viên người Đức đến hỏi bằng tiếng Anh xem tôi có sao không.

“Không sao,” tôi nói, “tôi chỉ hơi chóng mặt.”

“Ông chắc vậy không?”

“Vâng, chỉ vậy thôi. Cám ơn cô.”

Cô ta mỉm cười bỏ đi, và âm nhạc chuyển sang một điệu hát của Billy Joel. Tôi ngồi thẳng lên và nhìn qua cửa sổ về phía những đám mây đen đang lơ lửng trên Biển Bắc, nghĩ đến những mất mát trong cuộc đời mình: những thời đã qua không bao giờ trở lại, những bạn bè đã chết hoặc biệt vô âm tín, những cảm xúc mãi mãi không còn nữa.

Máy bay đã đến cửa lên xuống. Người ta bắt đầu tháo dây an toàn và kéo hành lý xuống từ khoang trên ghế ngồi, trong khi đó tôi chỉ thấy mình ngoài đồng cỏ. Tôi ngửi thấy cả mùi cỏ, cảm thấy gió mơn man trên mặt, nghe thấy tiếng chim kêu. Mùa thu 1969, lúc ấy tôi sắp hai mươi.

Cô chiêu đãi viên trở lại. Lần này thì cô ngồi xuống cạnh tôi và hỏi xem tôi có ổn cả không.

“Tôi không sao, cám ơn cô, “tôi nói và mỉm cười. “Chỉ thấy hơi bâng khuâng vậy thôi.”

“Tôi hiểu chuyện đó,” cô nói. “Tôi cũng thế, lâu lâu lại bị một lần.”

Cô đứng lên và mỉm cười với tôi, vẻ thật đáng yêu.

“Vậy nhé, xin chúc ông một chuyến đi tốt đẹp. Auf Wiedersehen”

“Auf Wiederseben.” (Tạm biệt – tiếng Đức)

Mười tám năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn có thể nhớ lại từng chi tiết của ngày hôm đó trên đồng cỏ. Được tắm rửa sạch sẽ bởi những ngày mưa nhẹ nhàng mùa hạ, những rặng núi xanh thăm như rõ ràng hăn lên. Làn gió nhẹ tháng Mười thổi đung đưa những ngọn cỏ trắng cao lút đầu người. Một dải mây dài lửng lơ vắt ngang vòm trời xanh im phăng phắc. Chỉ nhìn bầu trời thăm thăm ấy thôi cũng đã thấy nao núng cả cõi lòng. Một cơn gió ào qua đồng cỏ, qua mái tóc nàng, rồi lẻn vào rừng khiến cây lá xào xạc và gửi lại những âm dội ngắn của tiếng chó sủa ở rất xa – một âm thanh lung linh mờ ảo có vẻ đã vọng đến chúng tôi từ ngưỡng cửa của một thế giới khác. Chúng tôi không gặp ai. Chỉ thấy hai con chim màu đỏ giật mình nhảy lên từ giữa đồng có và bay vụt vào rừng. Trong khi chúng tôi lững thững bên nhau, Naoko nói với tôi về những cái giếng.

Ký ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng đề ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết. Ngày hôm đó tôi không quan tâm gì đến cảnh vật xung quanh. Tôi còn nghĩ đến bản thân mình, đến cô gái đẹp đang sánh bước với mình. Tôi đang nghĩ đến chuyện hai đứa với nhau, rồi lại đến bản thân mình. Tôi vẫn còn ở cái tuổi, ở cái đoạn của cuộc đời khi mọi cảnh trí, mọi cảm xúc, mọi ý nghĩ đều chỉ quay về chính bản thân mình như một chiếc boomerang.

Và tệ hơn nữa, tôi đang yêu. Mối tình đầy khúc mắc. Đầu óc tôi không thể để ý đến cảnh vật xung quanh được.

Ấy vậy mà giờ đây cái đầu tiên trở lại với tôi lại là cảnh trí đồng cỏ ngày hôm đó. Mùi cỏ, cảm giác hơi giá lạnh của ngọn gió, đường viền của những dải đồi, tiếng sủa của một con chó: đó là những thứ đầu tiên, và chúng hiện ra cực kì rõ ràng, tưởng như tôi có thể giơ tay ra và vuốt ve chúng. Thế nhưng, cho dù cảnh trí có rõ ràng đến mấy, vẫn không có ai trong đó cả. Không ai hết. Naoko không có ở đó, và cả tôi cũng vậy. Chúng tôi có thể biến đi đâu được chứ? Làm sao chuyện đó có thể xảy ra được?

Tất cả những gì ngày đó còn có vẻ quan trọng – Naoko, cái bản ngã tôi có lúc bấy giờ, và cái thế giới tôi có lúc ấy: chúng có thế biến đi đâu được chứ? Thật sự là ngay cả gương mặt nàng tôi cũng không thể nhớ lại được – không ngay lập tức, ít nhất là thế. Tôi chỉ còn nắm giữ được một cái phông, đơn thuần cảnh trí, không có một người nào ở cận cảnh hết.

Nói thật là nếu có thời gian, tôi vẫn có thể nhớ lại gương mặt nàng. Tôi phải chắp nối các hình ảnh vào với nhau – bàn tay lạnh tí xíu của nàng; mái tóc đen và duỗi thẳng của nàng, sờ vào thật mịn và thật mát; một cái thuỳ châu tròn trịa mềm mại và một nốt ruồi bé tí tẹo ngay bên dưới; chiếc áo khoác lông lạc đà nàng mặc mùa đông; thói quen nhìn thẳng vào mắt tôi mỗi khi nàng hỏi; giọng nói thỉnh thoầng lại hơi run run của nàng (như thể nàng đang nói trên một đỉnh đồi lộng gió) – và rồi gương mặt nàng bỗng ở đó, lúc nào cũng bắt đầu trong tư thế nhìn nghiêng, vì Naoko với tôi luôn có lối sánh bước bên nhau. Rồi nàng sẽ quay sang tôi, mỉm cười, hơi nghiêng đầu một chút, bắt đầu nói, và nhìn sâu vào mắt tôi như đang cố dõi theo một con cá nhỏ vừa bơi vụt qua một vùng nước của một con suối trong vắt.

Dù sao, nhớ lại gương mặt Naoko là một việc mất thời gian. Và khi năm tháng cứ qua đi, quãng thời gian ấy cứ kéo dài mãi ra. Sự thật đáng buồn là cái mà tôi có thể nhớ lại được trong năm giây chẳng mấy chốc đã phải mất mười, rồi ba mươi giây, rồi trọn cả một phút – giống như bóng đổ cứ dài mãi ra cùng hoàng hôn vậy. Sẽ đến ngày, tôi nghĩ vậy, những bóng đổ ấy sẽ bị màn đêm nuốt chửng hết. Không có cách gì khác: kí ức tôi đang ngày càng xa cách cái điểm mà Naoko thường đứng – nơi cái bản ngã xưa cũ của tôi cũng thường ở đó. Và chỉ còn có cảnh trí, cái cảnh đồng cỏ tháng Mười ấy, là còn trơ lại với tôi, lần này qua lần khác, như khuôn hình tiêu biểu của một bộ phim. Mỗi lần xuất hiện, nó lại kích dộng một chỗ nào đó trong tâm trí tôi. Tỉnh dậy đi, nó nói, tôi vẫn ở đây mà. Hãy tỉnh dậy và suy nghĩ: Hãy nghĩ xem tại sao tôi vẫn ở đây. Những kích động ấy không bao giờ làm tôi đau đớn. Không có tí đau đớn nào. Chỉ có một âm thanh trống rỗng vọng lại tử mỗi lần kích động ấy. Và thậm chí cả cái đó nữa cũng sẽ phôi pha một ngày nào đó. Nhưng ở sân bay Hamburg, những kích động ấy lại mạnh hơn và lâu hơn thường lệ. Và đó chính là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này. Để suy nghĩ. Để hiểu. Chẳng qua là cái tạng tôi nó thế. Tôi phải viết hết mọi thứ ra giấy để cảm thấy rằng mình thực thấu hiểu chúng.

Bây giờ, hay xem hôm đó Naoko đang nói những chuyện gì?

Rừng Na Uy - Haruki Murakami

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

4.9/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát - Delia Owens

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát – Delia Owens

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát. Sáu triệu bản bán ra trên toàn thế giới. 58 tuần trong danh sách bán chạy của New York Times. Dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *