Hôn – Phùng Quán

Hôn - Phùng Quán

Bài thơ: Hôn!

Trời đã sinh ra em
Ðể mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Ðể yêu em tha thiết

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Ðôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.

Thông tin về tác giả Phùng Quán

Tác giả Phùng Quán

Phùng Quán (1932–1995) quê tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy (nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là Phùng Văn Nguyện (còn có tên là Phùng Quý Đông) là con trai cả của Phùng Kiểm (nhà nho, mất 1957) và Lê Thị Me. Ông còn có hai người chú ruột là Phùng Lưu (tức Nguyễn Vạn, Tư Bốn, sinh 1916, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) và Phùng Thị.

Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.

Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” do Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những biến cố phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bằng hai bài thơ “Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí” (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phùng Quán bị kỷ luật, ra khỏi quân đội, sau đó mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi.

Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: “cá trộm, rượu chịu, văn chui“.

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe. Vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm, giảng dạy tại Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội).

Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội. Năm 2010, sau khi vợ ông mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về an táng tại quê nhà: phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.

Có thể bạn quan tâm:

> Tác phẩm khác của tác giả Phùng Quán

> Góc Thơ – Những Bài Thơ Hay

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lòng Nào Như Suối Cạn - Trần Mộng Tú

Lòng Nào Như Suối Cạn – Trần Mộng Tú

MỤC LỤCBài thơ: Hôn!Thông tin về tác giả Phùng QuánBài thơ: Lòng Nào Như Suối …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *