Bài thơ: Buổi Chiều Ấy
Tiếng con gọi cha không còn nghe nữa
Cha nằm kia bỗng nghiêm nghị lạ lùng
Chưa bao giờ cha nghiêm nghị thế
Cha chẳng đáp dù một lời rất khẽ
Người đã đi xa lắm mất rồi…
Chỉ nụ cười quen thuộc thoáng trên môi
Vẫn đang là mùa xuân ngoài đường tấp nập
Tiếng người, tiếng xe, tiếng cuộc đời náo động
Ai một mình im lặng
Giờ cha đang ở đâu
Có lẽ nào
Khi cánh cửa cuối cùng khép lại
Chẳng còn gì ngoài cõi hư vô ?
Cha thương yêu những dòng sông không ngừng chảy
Sông Mã sông Hồng sông Cầu sông Đáy
Mỗi con sông một vùng đất yêu thương
Con nhớ sông Thao, rừng cọ bạt ngàn
Cái làng nhỏ tuổi thơ
Chiều mịt mù mưa núi
Cha ở mặt trận về
Gọi vang từ bên suối
Con ngựa trắng mình lấm lem đất bụi
Vai áo cha ướt đẫm trận mưa chiều
Chiếc mũ nan, tấm khăn dù, lưng gạo trong bao
Đã lâu lắm mẹ và chúng con chỉ ăn ngô cùng sắn
Chiều ấy khói nồi cơm toả nắng
Cha kể chuyện trận Đoan Hùng
Chuyện một vùng bưởi chín khắp triền sông
Nụ cười cha ấm như ngọn lửa
Con ngựa trắng cọ mình ngoài vách nứa
Gió bên thềm hoa sở lẫn mưa bay
Cha của chúng con đến phút cuối cuộc đời
Vẫn nụ cười buổi chiều năm ấy
Cả lúc gian nan cả khi người ta xử tệ với mình
Vẫn chiếc áo xanh
Ngày em con vào chiến trường gửi về cho bố
Những năm ấy nhà mình thật nghèo
Mấy đứa lớn đều đi xa
Các em còn nhỏ cả
Con đọc thư mẹ kể:
Cha làm việc thâu đêm
Chỉ ấm chè xanh với mấy củ khoai lang
Làng sơ tán ngọn đèn dầu thao thức…
Cha chẳng thích thói yếu mềm khóc lóc
Sợ cha không vui, con chẳng dám khóc nhiều
Nhưng lúc này cho con được ngồi bên
Bát chè xanh con rót đặt trên bàn
Nén hương này con thắp
Sau làn khói xanh mờ
Con như thấy chập chờn bóng ngựa trắng buổi chiều xưa
Bay trên đồi cỏ biếc
Một dòng sông nắng chói chảy về xa
Cha vẫn còn kia như sông nước hiền hoà
Vẫn ở quanh con như ánh sáng trong nhà
Trong mỗi chúng con, trong mỗi ngày con sống
Trong hoa trái của cuộc đời bất tận…
Ngỡ cha gọi ngoài kia
Như chiều ấy ghé về
Đồi cọ mờ sương khói
Cha mở cửa: áo ướt đầm mưa núi
Nụ cười vui như ngọn lửa hồng.
1981
Thông tin về tác giả Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ (17 tháng 4 năm 1948 – 29 tháng 8 năm 1988) là một cố nhà văn, nhà soạn kịch kiêm nhà thơ người Việt Nam.
Lưu Quang Vũ sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ. Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.
Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,…
Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v. Vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.
Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu…. Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!