Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ – Roger Lowenstein

Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ - Roger Lowenstein

Thể Loại Sách Doanh Nhân
Tác Giả Roger Lowenstein
NXB NXB Công Thương
CTy Phát Hành AlphaBooks
Số Trang 616
Ngày Xuất Bản 06 – 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ là câu chuyện thú vị về cuộc đời và triết lý đầu tư của nhà lựa chọn cổ phiếu thành công nhất nước Mỹ. Tác giả cuốn sách, phóng viên tờ Wall Street Journal, Roger Lowenstein đã chỉ ra rằng phương pháp đầu tư của Buffett là sự phản chiếu của nhũng giá trị cuộc sống mà ông luôn theo đuổi. Bằng cách vén lên tấm màn bí mật bao quanh con người này, Roger Lowenstein khám phá ra những phẩm chất đáng quý ở ông – nhẫn nại, trung thành, liêm chính, kiên định. Cuốn sách này lần theo mọi dấu vết của cuộc đời một nhà tư bản Mỹ, từ lúc đi giao báo cho đến khi trở thành nhà đầu tư vĩ đại với khối tài sản khổng lồ luôn nằm trong top 3 của thế giới. Không chỉ là một tuyển tập những giai thoại về tài chính doanh nghiệp, cuốn sách này còn là câu chuyện đầy tính nhân bản khắc họa nên chân dung của một con người thành công nhất thế kỷ XX.

Kể từ khi được xuất bản vào tháng Tám năm 1995, cuốn “Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Nhà Tư Bản Mỹ” đã xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất của các tờ Wall Street Journal, New York Times, San Francisco Chronicle, Los Angeles Times, Seattle Times, Newsday và Business Week. Buffett là một bức chân dung mang tính bước ngoặt của một nhân vật có một không hai của nước Mỹ – Warren Buffett.

Khởi đầu từ con số không, chỉ đơn giản bằng cách chọn các cổ phiếu và các công ty để đầu tư, Warren Buffett tích lũy được một một tài sản ròng đồ sộ trị giá 10 tỷ USD, và hiện vẫn đang ngày càng tăng. Hồ sơ đầu tư đáng kinh ngạc của ông đã khiến ông trở thành một hình mẫu được sùng bái trong giới đầu tư, nổi tiếng với vẻ mâu thuẫn của mình: một tỷ phú với lối sống rất chừng mực, một nhà đầu tư thành công phi thường mà không phải ra vào thường xuyên Phố Wall.

Nhà báo Roger Lowenstein dựa trên ba năm tiếp xúc với gia đình, bạn bè, và các đồng nghiệp của Buffett để đưa ra bản ghi chép đầu tiên, chi tiết và chân thực về đời sống và sự nghiệp của con người này. Roger Loweinstein giải thích chiến lược đầu tư của Buffett – một triết lý dài hạn căn cứ vào việc mua cổ phần của các công ty được định giá thấp trên thị trường và giữ cho đến khi đạt được giá trị thực của chúng – và chỉ ra triết lý đó chính là sự phản chiếu những giá trị cuộc sống mà ông theo đuổi từ thời trai trẻ.

Nhận định:

“Có rất nhiều cuốn sách viết về Warren Buffett và chiến lược đẩu tư của ông, nhưng đây là cuốn đáng đọc nhất.” – Bill Gates, Harvard Business Review

“Cuốn Buffett của Roger Lowenstein còn hơn cả một cuốn tiểu sử; đó thực sự là một lát cắt sống động của nền văn minh Hoa Kỳ.”Adam Smith

“Một cuốn sách hay cho ai muốn tìm hiểu về Warren Buffett, nhà hiền triết của Omaha, bậc thầy về đầu tư tài chính, một người “kỳ dị” trong đầu tư, “bình dị” trong phong cách và “giản dị” trong cuộc sống, một tấm gương sống động của thành công, một người “cao” mà không “xa”, có Tầm tài năng và nhân cách mà có cuộc sống rất Đời Thường. Chỉ cần đọc vài trang, bạn sẽ khó buông cuốn sách này xuống khi chưa đọc hết. Tôi thích cuốn sách này!”Lý Trường Chiến, Chuyên gia kinh tế cao cấp – tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược & phát triển nguồn lực

Thông tin tác giả Roger Lowenstein:

Tác giả Roger Lowenstein

Roger Lowenstein (sinh năm 1954) là một nhà báo tài chính Mỹ và nhà văn. Ông tốt nghiệp Đại học Cornell và là phòng viên cho tờ Wall Street Journal trong hơn một thập kỷ, trong đó có hai năm viết chuyên mục Heard on the Street. Một cuốn sách nổi tiếng và thành công khác của ông có tên là Khi thiên tài thất bại, viết về câu chuyện của quỹ hỗ tương Long-Term Capital Management.

Ông là một giám đốc của Quỹ Sequoia. Cha của ông là Louis Lowenstein.

Lowenstein đã xuất bản năm cuốn sách và là đồng tác giả một cuốn sách. Ngoài ra, ông đã viết cho nhiều ấn phẩm, bao gồm sự tăng thêm tiền và The New York Times.

Lowenstein còn là một nhà phê bình cuốn sách thường xuyên cho The New York Times và đã viết một số bài báo lớn và bao gồm những câu chuyện cho tờ New York Times Magazine.

II. Review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ - Roger Lowenstein

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ của tác giả Roger Lowenstein. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. ANH VU PHAN review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

“Giá là thứ ta phải trả, giá trị là thứ ta thu về.”

Cuốn sách đầu tiên đọc về Warren Buffett. Lần đầu tiên tiếp cận một lượng thông tin đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp và triết lý của Warren, một nhà tư bản cổ điển theo phong cách Adam Smith. Hiếm có nhà đầu tư nào có được sự chính xác gần như tuyệt đối trong hầu hết các quyết định đầu tư như Warren. Cách ông nghĩ về kinh doanh bằng một kỷ thuật thép, sự kiên nhẫn hiếm có cùng với giác quan nhạy bén đã giúp ông thành công.

Từ thời trẻ cho tới cuối sự nghiệp, Warren luôn chứng tỏ mình là học trò xuất sắc nhất của Ben Graham. Triết lý của Graham là phân tích kỹ càng công việc kinh doanh của mỗi doanh nghiệp để tìm ra giá trị thực sự của nó và chỉ cân nhắc mua khi giá cổ phiếu nằm trong biên độ đủ an toàn. Không những thế, Warren còn phát triển triết lý Graham lên một cấp độ mới khi nhìn nhận định về tiềm năng công ty cũng như tiềm năng của những người lèo lái nó.

2. QUỲNH NGUYỄN review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Quyển sách sẽ hợp với những người có kiến thức nền về kinh doanh như các lý thuyết kinh doanh, trường phái đầu tư Graham, phương pháp đầu tư cổ phiếu và quen thuộc với các thương vụ mua bán trên thị trường,… Riêng mình, mình đã phải rất kiên trì mới theo được quyển này. Phần nào vì những những cái tên, lý thuyết còn xa lạ, thêm vào đó cũng bởi cách viết quá “thiên vị”. Tuy biết đây là dạng viết tiểu sử nhưng cách miêu tả những sự việc hay giọng văn trở nên quá chủ quan, cái nhìn hơi một chiều. Nói chung, với những bạn học kinh doanh thì nên đọc quển này vì sách tóm lược các thương vụ của Buffett từ khi ông lập nghiệp, đây có thể trở thành những case study thú vị để các bạn nghiên cứu và phân tích.

3. THU HIEN review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc về đề tài chứng khoán, nhưng nó không đơn thuần là các kiến thức dạy về chứng khoán mà là quá trình trở thành nhà tư bản Mỹ, một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới chỉ bằng việc đầu tư giá trị. Cuốn sách giúp mình có cái nhìn đầy tôn trọng về việc đầu tư chứng khoán – nó là môn nghệ thuật, cần nhiều nỗ lực và chất xám để mang về một thương vụ đầu tư thành công.

Cách thức đầu tư của Buffett đã cho mình những tư duy mới về đầu tư:

  • Hiểu lĩnh vực bạn đầu tư
  • Làm việc như điên để tìm ra công ty tiềm năng mà giá cổ phiếu < giá trị
  • Nhìn được sự phát triển dài hạn của công ty
  • Hốt cổ phiếu của công ty đó
  • Kiên nhẫn chờ đợi (có thể là vài năm hoặc vài chục năm)
  • Thu về số tiền lớn không tưởng (nhờ vào sư lợi hại của lãi kép)

4. HIỆP LÊ TUẤN review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

“Khi người học trò đã sẵn sàng, thì người thầy sẽ từ từ xuất hiện.”

Mình đã tìm thấy con đường mà mình muốn bước đi.

Hiện giờ phải kiên định hơn, kỷ luật hơn, học hỏi để thẩm thấu thật nhiều hơn nữa. Đây là tháng thứ 4 của năm 23 tuổi.

Con người ấy, suy nghĩ ấy, về những điều cơ bản nhất sao phù hợp với tính cách mình như vậy.

Mong thầy Buffett sẽ khỏe mạnh thật lâu thật lâu để tiếp tục là minh chứng bất diệt cho con đường chúng ta đi.

5. NGUYỄN QUỐC NAM review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Quyển này tôi mới đọc đến trang 294, tuy nhiên lĩnh vực này tôi không thực sự hiểu biết nhiều và đọc các thông tin hơi nhàm chán. Tuy nhiên Buffett vẫn là 1 thiên tài về tài chính và cách phân tích một công ty và cách mua và giữ các cổ phiếu rất phù hợp cho các nhà đầu tư học hỏi và rèn luyện

6. LÊ VĂN VƯỢNG review sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Sau cùng thì thứ đáng để đầu tư duy nhất là “giá trị”, dù nó được thể hiện dưới hình thức nào.

Tôi không chỉ khâm phục trí tuệ của ông, trên cả đó là sự trung thành của ông với những ai tin tưởng mình, cũng như với niềm tin vào triết lý kinh doanh từ lúc bắt đầu.

III. Trích dẫn sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Trích dẫn sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ - Roger Lowenstein

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn Chương 01 sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

Chương 1 – OMAHA

Giống như viên kim cương lớn nạm vào bờ sông Missouri, Omaha là thành phố kỳ diệu của miền Tây và là điều kỳ diệu của kinh doanh, khả năng và sự tiến bộ.

— QUẢNG CÁO CỦA CÔNG TY ĐIỆN THOẠI, NĂM 1990

Gần như từ ngày bác sĩ Pollard đỡ cậu chào đời, sớm năm tuần và chỉ nặng có sáu cân Anh, Warren Buffett đã mang trong mình niềm đam mê với những con số. Khi còn bé, vào những buổi chiều, cậu và Bob Russell thường ngồi trước cửa nhà trông ra một đại lộ đông đúc của gia đình Russell và ghi lại biển số của những chiếc xe đi ngang qua. Khi trời tối, cả hai vào nhà và mở tờ Omaha World Herald ra, đếm xem mỗi từ xuất hiện bao nhiêu lần và điền vào cuốn vở dày đặc những chuỗi số, cứ như thể chúng nắm giữ câu trả lời cho những câu đố của Euclide. Thông thường, Russell sẽ lấy một cuốn niên giám và đọc to một loạt các thành phố. Sau mỗi cái tên, Buffett sẽ phải cho biết dân số của thành phố đó là bao nhiêu. Nửa thế kỷ sau, Russell hồi tưởng lại: “Tôi đọc tên một thành phố, cậu ấy sẽ nói trúng phóc. Tôi có thể đọc cả những cái tên [lúc đó còn xa lạ] như Davenport, Iowa; Topeka, Kansas; Akron, Ohio. Nếu tôi nói tên 10 thành phố, cậu ấy sẽ trả lời đúng tất cả.” Rồi cả kết quả bóng chày, tỷ lệ tiền cược đua ngựa – mọi con số đều có thể được sử dụng cho trò chơi trí nhớ đầy thách thức này. Ngồi trong nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Dundee khi đầu tóc đã chải mượt và quần áo gọn gàng, Buffett dành thời gian đi lễ ngày Chủ Nhật để tính toán tuổi thọ của những người soạn nhạc cho giáo hội. Cậu cũng thường ở trong phòng khách với vợt và bóng, đếm hết giờ này đến giờ khác. Cậu dường như đang một mình chơi trò chơi kéo dài vô tận là đếm sự giàu có tưởng tượng của mình.

Với đôi mắt xanh, nước da sáng và hai má luôn ửng hồng, Buffett không chỉ bị các con số hấp dẫn mà còn bị cả tiền bạc hớp hồn. Tài sản đầu tiên của cậu là một túi đựng tiền do dì Alice tặng vào dịp Giáng sinh và từ đó trở đi cậu luôn tự hào đeo nó ở ngay thắt lưng. Lên 5 tuổi, cậu mở một quầy bán kẹo cao su trên vỉa hè nhà mình và bán kẹo Chiclet cho người đi đường. Sau đó, cậu chuyển sang bán nước chanh – nhưng không phải trên con đường yên ắng của nhà Buffett nữa mà là trước nhà Russell, nơi có nhiều người qua lại hơn.

Lúc 9 tuổi, Warren và Russell đi đếm nắp chai từ những máy bán sôda tự động tại trạm xăng đối diện nhà Russell. Đây hoàn toàn không phải là trò chơi ngớ ngẩn của trẻ con mà là một loại nghiên cứu thị trường thô sơ. Có bao nhiêu nắp Orange Crush? Bao nhiêu nắp Coca? Bao nhiêu nắp nước giải khát không gas? Hai đứa chở những chiếc nắp về bằng xe đẩy và cất chúng dưới tầng hầm của nhà Warren. Ý tưởng của chúng là tìm hiểu xem nhãn hàng nào có doanh số bán ra cao nhất? Công ty nào là công ty tốt nhất?

Ở cái tuổi mà chỉ có một số ít đứa trẻ có thể hiểu được một công ty là gì thì Warren đã được xem hàng tá cuộn băng giấy ghi chú của cha mình, vốn là một nhà môi giới chứng khoán. Cậu bày chúng la liệt trên sàn nhà và giải mã những ký hiệu xếp hạng từng công ty mà cha mình đã đánh dấu giống như cách của Standard & Poor. Cậu thường tìm kiếm tại sân golf địa phương những trái banh cũ nhưng vẫn còn có thể bán được. Cậu cũng đến đường đua Nebraska và lùng sục trên những sàn nhà đầy mùn cưa tìm kiếm những cuống vé rách bị vứt lại và thi thoảng lại có được một tấm vé thắng giải vô tình bị quẳng đi. Vào những ngày mùa hè oi ả của Nebraska, Warren và Russ thường đi mang gậy golf cho những quý ông giàu có tại câu lạc bộ Omaha Country và kiếm được 3 đô-la mỗi ngày. Vào những lúc nhá nhem tối, khi hai đứa ngồi đánh đu ở hiên trước nhà Russell trong thời khắc chạng vạng tối ở miền Trung Tây, những đoàn xe Nash và Studebaker cũng như tiếng vang rền của động cơ xe điện thường làm hiện lên trong đầu Warren một suy nghĩ. Tất cả những chiếc xe đó đều di chuyển ngay qua nhà của gia đình Russell, giá mà có cách gì để kiếm ra tiền từ chúng. Mẹ của Russell, bà Evelyn hồi tưởng lại về Warren 50 năm sau đó rằng cậu thường nói với bà: “Nhiều xe cộ như thế cơ mà. Thật tiếc là con không kiếm được tiền từ chúng.” Cậu nói cứ như thể gia đình Russell có thể dựng một quầy thu phí đường bộ ngay trước cửa nhà mình vậy.

Nhưng lấy đâu ra vốn?

Warren là thứ hai trong số ba người con, và là con trai duy nhất trong nhà. Mẹ ông là một người phụ nữ nhỏ nhắn và hoạt bát, xuất thân từ một thị trấn nhỏ thuộc Nebraska. Bà rất nhanh nhẹn và, cũng như rất nhiều phụ nữ khác, rất tận tâm với vai trò chăm lo cho gia đình, đặc biệt là “rất giỏi với những con số”. Cha của Warren là một người nghiêm nghị nhưng rất tốt bụng, ông có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cậu con trai. Chính ông đã mở cánh cửa ra thế giới cổ phiếu và trái phiếu cho Warren. Về mặt này thì ông đã gieo một hạt giống tốt, thế nhưng sự nhạy bén của Buffett cha trước những con số lại không bằng con trai mình. Và cả khát vọng làm giàu của ông cũng vậy. Nhưng rồi điều gì đã khiến Warren không mấy thiết tha với ngôi nhà đẹp đẽ và thoải mái của mình mà lại lang thang trên các đường đua ngựa cứ như thể đó là một thảm ngọc trai? Điều gì có thể khiến cho nhiều năm sau đó, cậu làm sững sờ những người đồng nghiệp của mình – hết lần này đến lần khác – bằng việc tính nhẩm trong đầu hàng dãy các con số và nhắc lại khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách dễ dàng như trước đây cậu nhớ dân số của thành phố Akron? Em gái của cậu, Roberta đã khẳng định rằng: “Điều đó nằm ở trong máu anh ấy.”

Những người xung quanh đều thấy ở gia đình Buffett một tính cách chung rất tiêu biểu đó là sự hoà nhã và dễ chịu. Họ rất có tài trong kinh doanh nhưng cũng rất kỹ lưỡng khi tiêu xài tiền bạc. Người đầu tiên của dòng họ Buffett được biết đến ở Mỹ chính là John Buffett, ông là người Pháp theo đạo Tin lành và là một người thợ dệt vải. Ông kết hôn với Hannah Titus tại Huntington nằm về bờ biển phía bắc của Long Island vào năm 1696. Gia đình Buffett tiếp tục ở lại Long Island và làm nghề nông cho đến tận sau cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, trong con người họ luôn ẩn dấu nhiều tham vọng, thứ vốn vẫn mâu thuẫn với tính cách tằn tiện của gia đình. Năm 1867, Sidney Homan Buffett được thuê khai khẩn đất đai cho chính ông nội mình là Zebulon Buffett. Sau khi nghe mức lương được trả là 50 xu một ngày, Sidney đã cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Anh đã từ bỏ cả nghề nông để đi về miền Tây. Anh theo nghề lái xe ngựa ở Omaha và vào năm 1869 mở một cửa hiệu tạp hoá mang tên S. H Buffett. Khi ấy thành phố Omaha non trẻ vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và công việc kinh doanh của nhà Buffett vì thế cũng chỉ gói gọn trong đời sống thương mại của thành phố, nơi chỉ cách khu rừng mà sau này trở thành văn phòng làm việc của người đàn ông giàu nhất nước Mỹ có một dặm rưỡi.

Ở Omaha ngày đó nhà cửa được xây bằng khung gỗ, nằm dựa lưng vào những dốc đứng gồ ghề dọc sông Missouri. Mặc dù trước cửa các ngôi nhà đều có vẻ bằng phẳng song cả thị trấn lại nằm trên một vùng đất có địa hình đồi núi. Khu vực này vẫn còn là một nơi vắng vẻ tiêu điều cho đến tận năm 1854, khi một hiệp ước với những người da đỏ Maha (sau này là người Omaha) cho phép dân nhập cư đến sống trong lãnh thổ Nebraska. Nhưng thời điểm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của Omaha sau này lại là năm 1859, Abraham Lincoln, khi ấy còn là một luật sư trong ngành đường sắt, năm đó đã viếng thăm vùng này và cắt lấy một phần đất của nó để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay không có khả năng thanh toán. Vài năm sau đó, Tổng thống Lincoln đã chỉ định thành phố này là ga phía Đông của tuyến xe lửa Union Pacific.

Sidney Buffett mở cửa hiệu của mình vào thời điểm thật thích hợp, chỉ ba tháng sau khi các tuyến đường ray tại đây được nối với các vùng lân cận. Omaha trở thành điểm xuất phát lý tưởng cho các đầu máy xe lửa chạy xuyên qua các vùng đồng bằng. Nó nhanh chóng tràn ngập những người đến định cư, những người đầu cơ, cựu binh sĩ thời nội chiến, nhân viên đường sắt, những kẻ được ra tù và cả gái mại dâm, nhiều người trong số họ tình cờ đến với cửa hàng của Buffett, nơi anh bán đủ thứ từ thịt chim cút, vịt rừng cho đến gà gô. Người ông Zebulon rất hoài nghi về triển vọng của cậu cháu trai. Trong bức thư viết cho đứa cháu 21 tuổi của mình, Zebulon nhấn mạnh rằng sự thận trọng trong kinh doanh là khẩu hiệu của dòng họ Buffett:

Cháu đừng mong có thể kiếm được nhiều tiền ở đó, ông chỉ hy vọng công việc kinh doanh của cháu sẽ tốt đẹp hơn vào mùa xuân. Nhưng nếu cháu không thể làm được điều đó, hãy từ bỏ kịp thời để thanh toán hết nợ nần và giữ lại chữ tín cho mình, bởi vì nó còn quan trọng hơn cả tiền bạc.

Tuy nhiên, khi thành phố non trẻ trở nên thịnh vượng, Sidney cũng phất lên cùng nó. Vào những năm 1870, Omaha đã có những ngôi nhà với kiến trúc bằng sắt và một nhà hát kịch lớn. Vào lúc chuyển giao thế kỷ, nó đã có những toà nhà chọc trời, tháp treo và dân số 14.000 người với tốc độ phát triển nhanh chóng. Sidney dựng một cửa hiệu lớn hơn và đưa hai con trai mình vào con đường kinh doanh. Người con trai bé hơn, Ernest – sau này là ông nội của Warren – có tài năng kinh doanh xuất sắc nhất trong gia đình. Cậu đã cãi vã với anh trai vì một cô gái và rồi kết hôn được với cô ấy; chính vì thế mà sau này họ không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Năm 1915, Ernest rời khỏi cửa hàng ở trung tâm thành phố và mở một cửa hàng mới – có tên là Buffett & Son – ở khu phía Tây.

Một lần nữa, việc xác định thời điểm của nhà Buffett thật là sắc sảo. Người dân Omaha lúc đó đang dịch chuyển dần từ phía Đông sang phía Tây. Cảm nhận được những cơ hội tiềm tàng ở vùng ngoại ô, Ernest đã gây dựng việc kinh doanh giao hàng và trả tiền sau. Chẳng bao lâu, những người đầu bếp của các gia đình giàu có trong vùng đều gọi điện tới cửa hàng Buffett & Son để đặt hàng. Công việc kinh doanh phát triển song Ernest vẫn tiếp nối phong cách chi tiêu chặt chẽ của gia đình. Ông chỉ trả những người coi kho hàng có 2 đô-la cho mỗi ca làm 11 giờ mà vẫn kèm theo một bài diễn thuyết về sự xấu xa của quy định đồng lương tối thiểu và sự vô lý của cái gọi là nhiệm vụ phải đóng góp cho một xã hội công bằng. Với dáng người cao lớn và oai vệ, Ernest không điều hành cửa hàng mà cai trị nó.

Nhưng Howard, con trai của Ernest và cũng là cha của Buffett lại không hề hứng thú với vai trò làm ông chủ thế hệ thứ ba của cửa hiệu. Ông cũng có đầu óc độc lập giống như cha mình, nhưng thân thiện hơn và không bao giờ quát tháo. Ông đã làm kỹ sư trong một thời gian ngắn tại đường ống dẫn dầu ở Wyoming, nhưng điều thực sự thu hút tâm trí ông lại là lao động trí óc. Tại đại học Nebraska ở Lincoln, Howard làm biên tập cho tờ Daily Nebraska và luôn khao khát có được sự nghiệp trong ngành báo chí. Mặc dù không quá đẹp trai, chàng thành niên này có mái tóc đen nhánh và cái nhìn lôi cuốn. Là chủ tịch hội sinh viên, anh hoàn toàn có thể chọn lựa những cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhưng vào năm học cuối, Howard lại gặp một cô gái nông thôn, hoàn toàn không có dòng máu quý tộc.

Leila Stahl lớn lên tại West Point, bang Nebraska, một thị trấn hẻo lánh, hoang vắng với dân số 2.200 người. Cha của cô, ông John Ammon Stahl, sở hữu một tờ tuần báo có tên là Cuming Country Democrat. Hầu hết mọi người trong thị trấn đều là người Đức, vì vậy mà gia đình Stahls có nguồn gốc từ Anh quốc bị coi là người ngoài. Mẹ của Leila cảm thấy hết sức cô độc và thường xuyên ốm liệt giường hoặc ở trong tình trạng bị trầm cảm. Leila cùng em trai và hai em gái phải tự lo cho mình; Leila còn phải phụ giúp bố tại tờ Country Democrate. Từ năm lớp 5 trở đi, Leila thường phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao, sắp chữ bằng tay và sau đó là bằng máy lino. Thỉnh thoảng khi có một đoàn tàu lửa dừng lại tại West Point, cô lao vội lên tàu phỏng vấn hành khách để lấp đầy các cột tin tức. Còn vào các ngày thứ Năm thì cô bé mảnh khảnh thường phải đứng cạnh đuôi của một chiếc máy in lớn, ôm chặt những tờ giấy in báo và cẩn thận kéo từng tờ ra rất đúng lúc. Cũng chính vì thế mà sau này Leila mắc chứng đau đầu nặng do phải gắn chặt với việc in ấn tờ Country Democrat quá lâu.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ở tuổi 16, Leila phải làm việc thêm ba năm nữa để có đủ tiền theo học tại trường Lincoln. Cô đến văn phòng của Howard Buffett để tìm một công việc tại tờ Daily Nebraska sau khi đã trải qua thời niên thiếu khắc nghiệt và vì thế có cái giọng điệu chua cay và một tính cách hài hước đầy châm biếm. Cô chỉ cao có hơn thước rưỡi, khá xinh xắn với những đường nét nhẹ nhàng và mái tóc nâu gợn sóng. Như cô nói, chuyên ngành của cô là “xây dựng gia đình” – đó không phải là điều hoàn toàn bất hợp lý đối với một cô gái đang đối mặt với nguy cơ phải trở về quê ở West Point.

……

Trên đây là trích đoạn Chương 1: OMAHA trong sách Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ – Roger Lowenstein. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Warren Buffett Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ - Roger Lowenstein

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *