Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Tư Duy Nhanh Và Chậm - Daniel Kahneman

Thể Loại Bài Học Kinh Doanh
Tác Giả Daniel Kahneman
NXB NXB Thế Giới
CTy Phát Hành Alphabooks
Số Trang 612
Ngày Xuất Bản 2021
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Thinking fast and slowcuốn sách được Tạp chí Tài chính Mỹ đặc biệt đánh giá là “một kiệt tác” trong việc nói về tính hợp lý, phi lý của con người trong tư duy, trong việc đánh giá và ra quyết định.

Chúng ta thường tự cho rằng con người là sinh vật có lý trí mạnh mẽ, khi quyết định hay đánh giá vấn đề luôn kĩ lưỡng và lý tính.

Trong cuộc sống, dù bạn có cẩn trọng đến mức nào thì vẫn có những lúc bạn đưa ra những quyết định dựa trên cảm tình chủ quan của mình. Tư duy nhanh và chậm, cuốn sách nổi tiếng tổng hợp tất cả nghiên cứu được tiến hành qua nhiều thập kỷ của nhà tâm lý học từng đạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman sẽ cho bạn thấy những sư hợp lý và phi lý trong tư duy của chính bạn.

Cuốn sách được đánh giá là “kiệt tác” trong việc thay đổi hành vi của con người, Tư duy nhanh và chậm đã giành được vô số giải thưởng danh giá, lọt vào Top 11 cuốn sách kinh doanh hấp dẫn nhất năm 2011. Tư duy nhanh và chậm dù là cuốn sách có tính hàn lâm cao nhưng được truyền tải một cách vui nhộn và dễ hiểu, hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều kiến thức mới mẻ, bổ ích.

Đã có rất nhiều cuốn sách nói về tính hợp lý và phi lý của con người trong tư duy, trong việc đánh giá và ra quyết định, nhưng Tư duy nhanh và chậm được Tạp chí Tài chính Mỹ đánh giá là “kiệt tác”.

Bạn nghĩ rằng bạn tư duy nhanh, hay chậm? Bạn tư duy và suy nghĩ theo lối “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề. Tư duy nhanh và chậm sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn.

Tư duy nhanh và chậm sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn. Kahneman gọi đó là: hệ thống 1 và hệ thống 2.

  • Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức.
  • Hệ thống 2, còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi ít nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic có tính toán và ý thức.

Trong một loạt thí nghiệm tâm lý mang tính tiên phong, Kahneman và Tversky chứng minh rằng, con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách chỉ ra những sai lầm của con người khi suy nghĩ theo hệ thống 1. Kahneman chứng minh rằng chúng ta tệ hơn những gì chúng ta tưởng: đó là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết!

Tư duy nhanh và chậm đáp ứng hai tiêu chí của một cuốn sách hay, thứ nhất nó thách thức quan điểm của người đọc, thứ hai, nó không phải là những trang sách với những con chữ khô cứng mà vô cùng vui nhộn và hấp dẫn. Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn sách hàn lâm dành cho tất cả mọi người!

Cuốn sách đặc biệt đã dành được vô số giải thưởng danh giá: Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia năm 2012, được tạp chí The New York Times bình chọn là sách hay nhất năm 2011, một trong những cuốn sách kinh tế xuất sắc năm 2011, chiến thắng giải thưởng cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Algeles…

Thông tin tác giả Daniel Kahneman:

Tác giả Daniel Kahneman

Daniel Kahneman (sinh ngày 5 tháng 3 năm 1934) là một nhà tâm lý học và nhà kinh tế học người Mỹ gốc Israel nổi tiếng với công trình nghiên cứu về tâm lý học đánh giá và đưa ra quyết định, cũng như kinh tế học hành vi. Ông đã được trao Giải thưởng Tưởng niệm Nobel về Khoa học Kinh tế năm 2002 (cùng Vernon L. Smith). Những phát hiện thực nghiệm của ông thách thức giả định về tính hợp lý của con người, vốn rất phổ biến trong các lý thuyết kinh tế hiện đại.

Cùng với Amos Tversky và những người khác, Kahneman đã thiết lập cơ sở nhận thức cho những sai sót phổ biến của con người, phát sinh từ những suy nghiệm và thiên kiến, và phát triển lý thuyết triển vọng.

Năm 2011, ông được tạp chí Foreign Policy đưa vào danh sách những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới. Cùng năm đó, tác phẩm Tư duy Nhanh và Chậm tổng hợp nhiều nghiên cứu của ông được xuất bản và trở thành một cuốn sách thuộc hàng best-seller. Năm 2015, tuần báo The Economist đã xếp ông là nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn thứ bảy trên toàn cầu.

Ông là Giáo sư Danh dự về Tâm lý học và Công vụ tại Trường Quan hệ quốc tế và Công vụ thuộc Đại học Princeton. Ông cũng là đối tác sáng lập của TGG Group, một công ty tư vấn kinh doanh và từ thiện. Năm 1978, ông kết hôn với nhà tâm lý học nhận thức và thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Anne Treisman. Bà mất năm 2018.

II. Review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm - Daniel Kahneman

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm của tác giả Daniel Kahneman. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. TRÚC CHI review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Mình mất gần 2 tháng để nuốt hết quyển “Tư Duy Nhanh Và Chậm” này. Những ai yêu bộ môn Toán hoặc Xác Suất Thống Kê thì đây là một quyển sách rất ý nghĩa và cực kì hay. Nó cho chúng ta thấy được rất nhiều ứng dụng toán học và xác suất ngoài đời thường mà chúng ta chưa bao giờ để ý. Kết quả mọi giải đấu của các vận động viên ở các bộ môn có nhiều yếu tố may mắn như Golf đều được giải thích và phân tích dựa trên xác suất.

Đưa ra quyết định một cách bản năng hay có suy nghĩ chính chắn là hệ thống 1 và hệ thống 2.

Hiệu ứng mỏ neo là gì? Ví dụ như khi chào hàng thì chúng ta nên chào giá bao nhiêu và khách hàng sẽ phản ứng như thế nào với giá đó.

Tất cả các chuyên gia tư vấn chứng khoán có thực sự giỏi hay chỉ là họ may mắn.

Rất và rất nhiều điều trong cuộc sống này đều được nhà kinh tế học Daniel Kahneman đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002 phân tích một cách khoa học chính xác.

Có lẽ quyển sách này là thứ duy nhất mang lại ý nghĩa trong việc hơn 14 năm học toán (tiểu học -> ĐH) của mình.

2. THU TRANG review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Quyển sách này thật sự thu hút mình ngay từ trang bìa đầu tiên, rất bí ẩn và khiến mình tò mò, mình đã tìm đọc quyển sách này,ban đầu cứ nghĩ đây là quyển sách kỹ năng chắc sẽ khô khan như những quyển mà mình đã từng đọc trước đây, nhưng khá là bất ngờ vì quyển sách vô cùng hài hước và vui nhộn, rất hấp dẫn.

Cuốn sách dành cho bất cứ ai quan tâm tới cách tâm trí hoạt động, cách con người giải quyết vấn đề, ra phán xét và những điểm yếu mà tâm trí ta hay mắc phải.

Bạn nghĩ rằng bạn tư duy nhanh, hay chậm? Bạn tư duy và suy nghĩ theo lối “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề. Thinking fast and slow sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn. “Tư duy nhanh và chậm” bàn sâu về những giới hạn của đầu óc con người khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh, giúp mỗi người tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình

Tư duy nhanh và chậm cho ta thấy tâm trí của mình gồm hai hệ thống. Hệ thống 1 hoạt động theo bản năng và đòi hỏi rất ít nỗ lực; Hệ thống 2 hoạt động tỉ mẩn hơn và đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn. Những suy nghĩ và hành động của ta thay đổi tùy thuộc vào hệ thống nào đang kiểm soát bộ não vào thời điểm đó.

Đây thực sự là một cuốn sách rất đáng đọc. Bởi lẽ nó không phải là một cuốn sách khoa học bình thường, thường chỉ có một vài chương đầu tiên hữu ích, thú vị, còn các chương sau rất tẻ nhạt. Cuốn sách này là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Toàn bộ cuốn sách là sự hấp dẫn khó tả và chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những điều đó vào cuộc sống hàng ngày. Tất cả mọi người đều nên đọc nó.

3. PHAN QUỲNH LÊ review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

“Tư Duy Nhanh Và Chậm” xứng đáng được 5 sao vì cho đến thời điểm này (2021), nó vẫn cung cấp (1) các nghiên cứu chuẩn xác có thể kiểm chứng, (2) những thông tin quan trọng và hữu ích cho mọi đối tượng. Cuốn sách này đã nằm trên giá sách của mình ít lâu nhưng gần đây mình mới bắt đầu đọc, chủ yếu vì cho rằng các kiến thức trong sách hẳn đã được phổ cập sau 10 năm xuất bản. Tất nhiên là mình nhầm. Mình thấy phần ra quyết định cá nhân rất hữu ích, còn phần ra quyết định trong đầu tư và kinh doanh thì đọc hơi nặng đầu. Lượng kiến thức trong sách tương đối lớn, khó tiếp thu hoàn toàn trong một lần đọc, nên thi thoảng mình sẽ lật lại 1-2 chương sách.

Nếu bạn nào đọc bản dịch tiếng Việt thì cứ trừ đi 1.5 sao. Cuốn mình đọc có nhiều lỗi dịch sai rành rành, dù đã được tái bản đến lần thứ 6. Alpha thiệt là coi thường độc giả mà.

4. NGUYỄN CHÍ THANH review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Ai đã đọc cuốn này (hoặc chưa đọc) có thể tham khảo thêm khóa học Social psychology của trường đại học Wesleyan cũng với giáo sư Scott Plous trên Coursera, thầy dạy rất hay và nói dễ nghe.

So sánh tâm linh con người với tảng băng trôi, Freud cho rằng phần chính tâm lý con người ẩn giấu trong cõi vô thức. Bên dưới lớp vỏ ngoài, vì những lý do nào đó, những cảm giác và mục đích mà một cá nhân không những giấu kín người khác mà còn tự giấu ngay chính bản thân mình. Trong phân tâm học của Freud, cõi vô thức là tối thượng và mọi hoạt động ý thức chỉ có vị trí phụ thuộc, rằng “ý thức là nô lệ cho vô thức”. Hiểu được cái thầm kín ẩn sâu trong cõi vô thức chúng ta sẽ hiểu được bản chất nội tâm của con người.

Qua việc giới thiệu “hai nhân vật hư cấu” là Hệ thống 1 và Hệ thống 2 (cơ chế tư duy nhanh và chậm), Daniel Kahneman giúp người đọc nhận ra phần nào tích chất mâu thuẫn trong các hoạt động thường ngày, mà chúng ta vẫn thường cho là đầy lý trí và cẩn trọng. Nếu hệ thống 2 xảy ra chậm, đòi hỏi sự nổ lực và logic thì hệ thống 1 lại diễn ra nhanh, tự động, cám tính, rập khuôn và nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức. Gần như ngay lập tức sau một kích thích, hệ thống 1 sẽ báo động cho toàn bộ cơ thể trong đó có hệ thần kinh, biểu hiện qua tăng hoạt giao cảm như tăng nhịp tim, đổ mồ hôi, dãn đồng tử (*)… đồng thời thực hiện một loạt các liên tưởng, tưởng tượng, hình thành giả thuyết, phóng đoán và phóng đại tính khả dĩ của nguyên nhân, xác định mục tiêu, đắn đo được-mất,…. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, Hệ thống 1 giúp con người tồn tại, nhưng trong tư duy, nó lại thể hiện nhiều khuyết điểm, rằng khi áp đặt lên ý thức những “suy nghĩ lối mòn”, nó tạo nên những sai lầm đầy chủ quan mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không hề nhận ra. “Heuristics and biases” hay “suy nghiệm và sai lầm”. Sự phân loại một cách tương đối này là nền tảng của toàn bộ cuốn sách và các học thuyết của ông, bao gồm cả lỹ thuyết viễn cảnh mà nhớ nó ông đạt giải Nobel kinh tế năm 2002.

Tôi đặc biệt thích 1/3 đầu của cuốn sách và một vài chổ ở 1/3 cuối, tuy nhiên phần còn lại thật sự chán vì nó rơi vào một vấn đề mà tôi cực không thích ở các văn bản khoa học là tính dài dòng, cho dù nó có là pop-psychology đi chăng nữa. Sau tất cả, dẫu sao đây cũng là một cuốn sách đáng đọc.

(*) Trong sách có đề cập tới thí nghiệm đo đạc độ dãn đồng tử khi con người chú tâm suy nghĩ mà tôi rất thích nhé , kiểu như “mind-reader” vậy :3. Ông hỏi những người tham gia nghiên cứu khi họ từ bỏ nhiệm vụ được giao:

“Tại sao bạn lại không suy nghĩ tiếp?” Câu trả lời từ bên trong phòng thí nghiệm luôn là: “Làm thế nào bạn biết được?”và câu trả lời của chúng tôi sẽ là: “Bởi chúng tôi đang nhìn vào cửa sổ tâm hồn bạn.” :3 :3

5. NHI NGUYEN review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Ôi chời ơi đọc cuốn này muốn ná thở luôn, muốn xỉu thật sự @.@ là bao ngày bao đêm đọc đau hết cả đầu căng não xỉu xỉu xỉu. Mừng muốn chớt vì cuối cùng đã đọc xong vào ngày cuối năm như vầy huhuhu.

Mà kiểu mình đã đang học ngành này có kiến thức căn bản rồi mà đọc nhiều khi không hiểu gì hết, phải đọc đi đọc lại mấy ngàn tỉ lần, bảo cuốn này cho layman đọc thì giả dối thiệt sự =)) nếu các cô chú bác layman mà hiểu được hết thì respect mãi mãi huhu.

Sách hay, nguyên một rổ kiến thức vô cùng ghê gớm và uyên bác. Đọc phê ơi là phê. Tuyệt dời.

Nhớ hồi trước mới đọc được chương đầu tiên đã bỉu môi kêu ui giời chắc lại nói về mấy cái kiến thức cơ bản mà tui đã biết hết giồi chán thế không thèm đọc. Xong còn đi ba hoa với mọi người là em thấy cuốn này ko hay vì mấy kiến thức đó em biết hết rồi hihihi (nhục nhã qué huhu).

Đợt về việt nam cầm theo đọc vì nghĩ nội dung toàn mấy thứ đã biết nên chắc dễ đọc, coi như ôn lại bài cũ hihi. Hihi thế là bị nghiệp quật nằm bẹp dí dưới đất không ngóc đầu lên nổi. Không những đọc không dễ mà cũng không có cái gì gọi là “bài cũ ôn lại” luôn. Đọc xỉu lên xỉu xuống mấy ngàn lần huhu so ri em sẽ ko bao dờ nghĩ là mình thượng đẳng như thế nữa.

Hay lắm nhé mọi người ôiiiii.

Một kết thúc đẹp đẽ cho ngày cuối năm ít ra vẫn làm được điều có ích.

6. HIEN review sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Về cơ bản thì đây (lại) là một cuốn sách vạch trần việc trên thực tế, con người rất hay đưa ra quyết định một cách phi lý trí.

Vì thế nên sau khi đọc xong cuốn này tự dưng thấy bản thân có thể suy nghĩ thông suốt hơn (mặc dù thời gian đưa ra quyết định lâu hơn vì phải sử dụng đến “Hệ thống 2”). Một số thứ đã học được:

  • Không được mắc bẫy “hiệu ứng hào quang” (phóng đại liên kết cảm xúc) dựa vào những ấn tượng ban đầu về một người
  • Đừng bỏ qua những góc nhìn từ bên ngoài. ta luôn dễ dàng bỏ qua góc nhìn từ bên ngoài, hơn là những tin xấu xuất phát từ nỗ lực của chính chúng ta.
  • Một cuộc hôn nhân bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc tránh làm các hành động tiêu cực, hơn là vào việc cố gắng tạo ra nhiều hành động tích cực
  • Góc nhìn bao quát và bó hẹp: đánh cược thì rất thích, nhưng vô cùng rủi ro. nhưng chơi nhiều lần sẽ làm giảm sự rủi ro một cách chủ quan
  • Nhớ: Chi phí không phải là mất mát. (từ bỏ một khoản chiết khấu so với phải trả phụ phí: 2 điều này tương đương về mặt kinh tế nhưng không tương đương về mặt tâm lý.)
  • Người ta thường có những phản ứng cảm xúc mãnh liệt hơn (bao gồm hối tiếc) trước một kết quả được sinh ra bởi hành động hơn là bởi một sự thụ động. Ngay cả quyết định mang tính sống còn cũng bị ảnh hưởng. Một bác sĩ với một bệnh nhân nan y khi phải đứng trước 2 phác đồ điều trị – một thông thường, một bất thường- sẽ có xu hướng đưa ra lựa chọn thông thường. Một kết quả tốt sẽ tạo nên danh tiếng cho bác sĩ, nhưng tiềm năng đó quá nhỏ so với cái giá phải trả nếu phác đồ bất thường thất bại.
  • Tác động của hiệu ứng khung: Chỉ lệnh về việc hiến xác trong trường hợp chết do tai nạn được ghi trên giấy phép lái xe của các cá nhân tại rất nhiều nước. Ở các nước có tỷ lệ hiến tạng cao, các cá nhân không sẵn lòng hiến cần phải đánh dấu vào ô “không tham gia” (có nghĩa việc hiến xác là mặc định). Còn các nước có tỷ lệ hiến tạng thấp có dạng thức khác: bạn cần phải đánh dấu vào ô “tham gia” để trở thành người hiến tạng. (tương tự với việc nhận đăng ký bản tin qua email)
  • Mức độ thỏa mãn với trải nghiệm hạnh phúc không tăng ở những gia đình có thu nhập cao hơn, mặc dù có vẻ họ hưởng thụ từ chi tiêu nhiều hơn. Đơn giản là vì: giàu đồng nghĩa với khả năng tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt của cuộc sống bị giảm đi.

III. Trích dẫn sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Trích dẫn sách Tư Duy Nhanh Và Chậm - Daniel Kahneman

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn CHƯƠNG 01 sách Tư Duy Nhanh Và Chậm

Chương 1. Những nét tính cách

Để có thể khám phá trí óc của bạn khi nó vận hành ở chế độ tự động ra sao, xin mời liếc mắt nhìn xuống bức hình dưới đây.

Kinh nghiệm của bạn khi nhìn vào khuôn mặt của người phụ nữ này dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quan sát và tư duy trực giác. Rất nhanh và rất rõ ràng, vừa thoạt nhìn bạn đã nhận ra người phụ nữ này có mái tóc tối màu và cô ta đang rất giận dữ. Hơn thế nữa, những gì quan sát còn được bạn liên tưởng đến tương lai. Bạn cảm nhận rằng người phụ nữ này sắp sửa “phun ra” những lời độc địa với rất nhiều khả năng là bằng một chất giọng lảnh lót đến xuyên thấu màng nhĩ người nghe. Linh cảm về hành động tiếp theo của người phụ nữ này xuất hiện trong trí óc của bạn một cách tự động mà chẳng cần tiêu tốn một chút nỗ lực nào để cảm nhận được nó. Bạn tuyệt nhiên không có chủ ý thấu hiểu tâm trạng của cô ta, cũng như không hề cố gắng dự đoán những gì mà cô ta sẽ làm; phản ứng của bạn đối với hình ảnh này hoàn toàn không mang lại cảm giác như bạn vừa thực hiện một hành động nào đó. Chỉ đơn giản là nó đã diễn ra một cách vô thức như thế trong trí óc của bạn. Đó chính là một ví dụ điển hình để có thể hiểu được về cơ chế tư duy nhanh.

Giờ thì bạn hãy xem xét vấn đề tiếp theo:

17 x 24

Ngay lập tức, bạn biết đây là một phép tính nhân của toán học, có thể bạn có bút chì và giấy, hoặc không có gì đi chăng nữa thì bạn cũng thừa khả năng để giải được phép tính này. Trong trí óc của bạn cũng xuất hiện một vài phán đoán lờ mờ của trực giác về một dải những đáp án gần đúng cho phép tính nhân này. Có thể rất nhanh bạn nhận thấy cả hai đáp án 12.609 hay 123 đều không đúng. Tuy vậy, nếu không dành thời gian ngồi tính toán, có thể bạn cũng không dám chắc 568 cũng không phải là một đáp án đúng. Một đáp án đúng đã không xuất hiện trong đầu óc bạn và bạn cảm thấy tốt hơn hết là mình nên lựa chọn chiếc máy tính để làm phép tính nhân này. Nếu bạn vẫn không muốn nhờ đến chiếc máy tính ấy, thì giờ bạn thử cố ngồi tính phép tính nhân này xem nào.

Bạn đã trải nghiệm tiến trình tư duy chậm khi các công đoạn như trên tuần tự diễn ra trong đầu. Đầu tiên, bạn cố gắng khôi phục trí nhớ của mình và lập trình lại chương trình nhận thức liên quan đến phép nhân mà bạn đã được học khi ngồi trên ghế nhà trường, sau đó bạn thử áp dụng nó vào phép nhân này. Hành động lôi máy tính ra là một khuynh hướng của quá trình khôi phục trí nhớ. Bạn cảm thấy khó khăn khi phải huy động quá nhiều dữ liệu trong bộ nhớ, trong khi đó bạn vẫn cần giữ cân bằng để nhận thức xem mình đang ở đâu và sẽ đi đâu, trong khi vẫn phải chú tâm tới việc tìm ngay ra đáp án. Đây chính là tiến trình hoạt động của trí não, đó là: Cân nhắc, nỗ lực, tuần tự và là một bản mẫu của tư duy chậm. Cái máy tính không phải là sự kiện duy nhất nhảy ra trong đầu óc của bạn, thậm chí ngay cả cơ thể bạn cũng tham gia vào tiến trình tư duy này. Các cơ của bạn gồng lên; huyết áp tăng cao và nhịp tim đập nhanh hơn. Nếu có ai đó nhìn sâu vào mắt bạn trong khi bạn đang xử lý vấn đề này, họ sẽ thấy đồng tử của bạn giãn ra. Đôi đồng tử đó sẽ trở lại trạng thái bình thường ngay sau khi bạn tìm ra đáp án (nhân tiện, cho bạn biết đáp án đúng là 408) hoặc ngay khi bạn từ bỏ phép toán này.

Hai hệ thống

Vài thập kỷ trở lại đây, các nhà tâm lý học đã dành rất nhiều công sức để nghiên cứu về hai hình thức thức tư duy của con người, thông qua ví dụ về bức hình một người phụ nữ giận dữ và ví dụ về một phép tính nhân mà họ đã gán cho chúng rất nhiều dấu hiệu. Tôi tiếp thu những thuật ngữ vốn được hai nhà tâm lý học Keith Stanovich và Richard West đề xuất và sẽ đưa chúng vào hai hệ thống tư duy là Hệ thống 1 và Hệ thống 2.

  • Hệ thống 1 hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít hoặc hầu như không cần cố gắng và không tự động kiểm soát.
  • Hệ thống 2 huy động sự chú ý đến những hoạt động tư duy đòi hỏi sự nỗ lực, bao gồm những phép tính phức tạp. Cơ chế hoạt động của Hệ thống 2 thường gắn với những kinh nghiệm chủ quan, sự lựa chọn và tập trung của chủ thể.

Thuật ngữ Hệ thống 1 và Hệ thống 2 đã được sử dụng rộng rãi trong ngành Tâm lý học nhưng trong cuốn sách này, tôi sẽ tiếp tục đào sâu vấn đề này, bạn đọc có thể đọc sách như xem một vở kịch tâm lý với hai nhân vật chính là hai hệ thống này.

Khi nghĩ về bản thân, chúng ta thường nhận ra mình gần với Hệ thống 2, là một con người ý thức và duy lý, có đức tin, luôn suy nghĩ chín chắn trong từng hành động khi phải đưa ra những quyết định và lựa chọn. Hệ thống 2 luôn nghĩ rằng nó chính là nguồn gốc của hành động, tuy nhiên, Hệ thống tự động 1 mới là “người hùng” của vở kịch tâm lý này. Tôi mô tả Hệ thống 1 như là những ấn tượng và cảm xúc thụ động ban đầu là nguồn gốc chính hình thành những niềm tin và lựa chọn cẩn trọng của Hệ thống 2. Cơ chế tự động của Hệ thống 1 hình thành lên những ý tưởng với những khía cạnh phức tạp đáng kinh ngạc nhưng Hệ thống 2 chậm chạp mới có khả năng cấu trúc lại những suy nghĩ đó tuần tự theo từng bước. Tôi cũng mô tả những tình huống mà Hệ thống 2 giành quyền kiểm soát, thắng thế và tự do thúc đẩy, liên kết với Hệ thống 1. Bạn đọc cũng sẽ thử suy nghĩ về hai hệ thống như những nhân vật với những khả năng, hạn chế và những chức năng riêng biệt.

Chính bởi sự phức tạp đó, xin giới thiệu một số ví dụ về những hoạt động tự động làm nên Hệ thống 1:

  • Phát hiện ra một đồ vật nằm xa hơn so với các đồ vật khác.
  • Định hướng nơi phát ra một âm thanh lạ.
  • Hoàn thành câu “bánh mì và…”
  • Nhăn mặt khi xem một bức ảnh gớm ghiếc.
  • Nhận ra sự thù nghịch trong một giọng nói.
  • Trả lời câu hỏi 2 + 2 = ?
  • Đọc chữ trên những tấm biển hiệu lớn.
  • Lái xe trên một con đường vắng.
  • Đi một nước cờ đỉnh cao (nếu bạn là một kỳ thủ lão luyện).
  • Hiểu nghĩa những câu đơn giản.
  • Nhận ra cụm từ “một người nhu mì và gọn ghẽ,” ám chỉ người thuộc loại nghề nghiệp nào.

Tất cả những hiện tượng trí não này đi kèm với hình ảnh người phụ nữ giận dữ, đều diễn ra một cách tự động và không đòi hỏi phải nỗ lực. Khả năng Hệ thống 1 còn bao gồm cả những kỹ năng bẩm sinh của loài người cũng như của các loài động vật khác. Chúng ta sinh ra đều được chuẩn bị để nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết các đồ vật, định hướng sự chú ý, lảng tránh sự mất mát và khiếp sợ những con nhện chân đầy lông. Những hoạt động trí não khác trở nên nhanh và tự động nhờ việc chúng thường xuyên được luyện tập. Hệ thống 1 còn học cách liên kết các ý tưởng (ví dụ: “Thủ đô của nước Pháp là gì?”), nó cũng học được những kỹ năng như đọc và hiểu những sắc thái khác nhau trong những tình huống xã hội khác nhau. Một vài kỹ năng như tìm ra những nước cờ “độc” chỉ có thể có ở những kỳ thủ cao cường. Những kỹ năng chơi cờ cơ bản còn lại thì ai cũng có thể có cả. Khả năng phát hiện một sự tương đồng với một khuôn mẫu nghề nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết rộng rãi về ngôn ngữ, văn hóa và may mắn là hầu hết chúng ta cũng đều có những khả năng này. Tri thức được lưu trữ trong bộ nhớ và chúng ta truy cập vào nó mà không cần huy động sự cố gắng cũng như phải có sự tập trung cao độ.

Một vài hoạt động trí não trong danh sách trên diễn ra một cách hoàn toàn tự động không cần bất cứ sự tập trung nào. Bạn không thể ngăn việc mình có thể hiểu những câu nói đơn giản bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hay nhận ra âm thanh lạ bất chợt xuất hiện phát ra từ nơi nào, cũng như bạn không thể ngăn cản bản thân biết được phép cộng 2 + 2 = 4 hay nghĩ đến Paris khi có ai đó nhắc đến thủ đô của nước Pháp. Những hoạt động khác, ví dụ như nhai kẹo cao su dễ bị quy là hành động có chủ ý của chúng ta nhưng thông thường đây lại là hành động theo hướng tự động. Việc kiểm soát sự tập trung, chủ động bị chi phối bởi hai hệ thống. Định hướng nơi phát ra âm thanh thông thường là thao tác không chủ ý của Hệ thống 1, nhưng ngay sau đó lập tức dịch chuyển thành sự tập trung có chủ đích của Hệ thống 2. Có thể bạn sẽ chủ ý ngăn cản mình hướng sự tập trung về phía âm thanh ầm ĩ phát ra hoặc một lời nhận xét ác ý trong một bữa tiệc đông người, nhưng dù cho bạn không quay đầu lại, thì sự chú ý của bạn ngay từ đầu đã bị hướng về phía đó, ít nhất là trong chốc lát. Tuy nhiên, bạn có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi một mục tiêu không mong muốn, trước hết là bằng việc bạn sẽ hướng sự tập trung của mình sang một mục tiêu khác.

Các hoạt động của Hệ thống 2 rất đa dạng nhưng chúng có một điểm chung: Chúng đều đòi hỏi sự chú ý và sẽ kết thúc khi bạn không còn tập trung nữa. Dưới đây là vài hoạt động thuộc cơ chế hoạt động của Hệ thống 2:

  • Dỏng tai lên đợi tiếng súng ra hiệu bắt đầu một cuộc đua.
  • Tập trung chú ý vào những chú hề trên sân khấu xiếc.
  • Tập trung để lắng nghe tiếng nói của một người nhất định trong một căn phòng đông đúc và ồn ào.
  • Tìm kiếm một phụ nữ tóc bạc.
  • Lục trong trí nhớ tên của một ca khúc được truyền tải bởi một giọng hát hay rất cuốn hút.
  • Duy trì tốc độ đi bộ nhanh hơn tốc độ đi bộ bình thường của bạn.
  • Điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho phù hợp với tình huống xã hội cụ thể.
  • Đếm số lần xuất hiện của chữ cái a trong một trang dày đặc chữ.
  • Cho ai đó biết số điện thoại của bạn.
  • Đậu xe trong một ô hẹp (dành cho hầu hết mọi người trừ nhân viên gara).
  • So sánh hai chiếc máy giặt dựa trên giá trị sử dụng của chúng.
  • Điền bảng kê khai thuế.
  • Kiểm tra tính hợp lý của một lập luận logic phức tạp.

Trong tất cả những tình huống trên, bạn buộc phải tập trung chú ý và hiệu quả thường kém, thậm chí là tệ hại nếu bạn không sẵn sàng hoặc sự chú ý của bạn bị chuyển hướng sang các chủ đề không thích hợp. Hệ thống 2 có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của Hệ thống 1, bằng cách lập trình tự động những chức năng chú ý và ghi nhớ thông thường. Ví dụ, trong khi đang chờ đợi một người họ hàng ở một nhà ga đông đúc, bạn có xu hướng chỉ nhìn vào những người phụ nữ tóc bạc hoặc những người đàn ông rậm râu, đó là cách nâng cao khả năng phát hiện được người bạn đang chờ đón từ khoảng cách xa. Bạn cũng có thể hướng bộ nhớ của mình tìm kiếm tên của những thủ đô bắt đầu bằng chữ cái N hoặc tên của những cuốn tiểu thuyết hiện thực của Pháp. Và khi bạn thuê một chiếc xe hơi của sân bay Heathrow ở London, người lái xe có thể nhắc bạn nhớ rằng: “Ở̉ đây chúng tôi lái xe bên phía trái đường.” Trong tất cả những tình huống ấy, bạn được yêu cầu làm một điều gì đó khác so với cách thông thường mà bạn vẫn hay làm và bạn sẽ nhận thấy rằng sự cố gắng duy trì hàng loạt những yêu cầu như vậy đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn bình thường.

Cụm từ hay được sử dụng “tập trung chú ý” là để chỉ một năng lượng: Bạn phải sử dụng sự chú ý tạm thời của bản thân, đổi lại bạn có thể phán đoán được các hoạt động và nếu bạn cố gắng sử dụng vượt quá khả năng chú ý của mình, bạn sẽ thất bại. Đó chính là dấu hiệu của những hoạt động đòi hỏi sự chú ý mà chúng có sự tương tác qua lại lẫn nhau, đó là lý do vì sao bạn rất khó hoặc không thể xử lý vài vấn đề phức tạp diễn ra cùng một lúc. Bạn không thể vừa tính nhẩm phép nhân 17 x 24 trong lúc cố rẽ trái khi đang lái xe trên một con đường đông người qua lại, thực tế là bạn cũng không nên thử. Bạn có thể làm vài việc cùng một lúc nhưng chỉ là những việc đơn giản và không bị thúc ép. Có thể sẽ vẫn an toàn khi bạn góp chuyện vài câu với hành khách khi đang lái xe trên một đoạn cao tốc vắng và rất nhiều bậc phụ huynh thú nhận với đôi chút hối lỗi rằng họ có thể vừa đọc truyện cho con nghe vừa nghĩ đến một vấn đề khác.

Tất cả mọi người đều được cảnh báo về khả năng tập trung sự chú ý tạm thời, xét về hành vi xã hội, khả năng của chúng ta tương thích với những giới hạn này. Ví dụ, khi một người tài xế đang lái xe vượt một chiếc xe tải trên một đoạn đường hẹp, những hành khách nhạy cảm nhận ra và lập tức ngừng trò chuyện. Họ hiểu rằng làm phân tán sự chú ý của tài xế vào lúc này không phải là việc làm đúng đắn và đồng thời mong rằng bác tài xế tạm thời không nghe thấy những gì họ nói.

……

Trên đây là một trích đoạn trong sách Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Tư Duy Nhanh Và Chậm - Daniel Kahneman

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc - OSHO

Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc – OSHO

"Thân Mật Cội Nguồn Của Hạnh Phúc" Bằng sự gần gũi và tình yêu, bằng cách cởi mở với nhiều người khác, bạn sẽ càng trở nên giàu có. Và nếu có thể sống trong tình yêu sâu sắc, trong tình bạn bền chặt, trong sự gần gũi thân thiết với nhiều người, tức là bạn đã có một cuộc sống đúng nghĩa. Và cho dù ở đâu, bạn đều học được cách sống và sống hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *